1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn hay của Thảo Hảo - Phan Thị Vàng Anh

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi nhl81, 01/02/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Không có chồng thì đừng có làm giàu
    Thảo Hảo
    *******​
    Một hôm, hội Không chồng của chúng tôi ngồi bàn: hẳn ai cũng biết, không có chồng thì (nói chung) rất buồn. Và một trong những cách giải sầu của thành phần này, có lẽ chỉ còn là... làm giầu.
    Làm giầu thì có nhiều cách. Nhưng với thành phần căn cơ như chúng tôi, có lẽ cũng nên chọn cách căn cơ nhất là mua đất với mua nhà, loại có giấy tờ đàng hoàng, không hợp đồng xanh thì cũng sổ đỏ.
    Các thành viên của Hội tỏa đi mua nhà. Chúng tôi sẽ xoay vòng vốn với những căn nhà này. Ðến một lúc nào đó mỏi mệt thì sẽ ngừng lại, dùng tiền lời xây một căn nhà chung làm nhà dưỡng lão cho cả hội.
    Nhưng với những người như chúng tôi, hình như bao giờ sự tính toán cũng bị trật đi một tí. Khi một hôm, một chị trong hội muốn bán đi (để mua căn khác to hơn), và hạng người căn cơ như chị này cũng lại (dại dột) chọn con đường căn cơ nhất để làm giấy tờ: không mướn cò, tự mình đâm đầu vào chốn công quyền.
    Tại phòng Công chứng 1, TP. HCM, người ta hỏi, tài sản này chị có chung với ai không? Chị nói, của mình tôi thôi, vì tôi độc thân, chưa chồng.
    "Chị về phường lấy chứng nhận độc thân", người ta nói.
    Hôm sau, chị hớn hở vác giấy lên.
    Nhân viên công chứng xem và nói, vậy là phường chỉ xác nhận cho chị có một khoảng độc thân thôi, còn lùi lại trước đó cho đến năm 18 tuổi, chị có độc thân không, chúng tôi cũng cần giấy tờ chứng nhận.
    "Sao lại tận 18 tuổi?" chị hỏi.
    Nhân viên công chứng nói ra một sự thật đau lòng: 18 tuổi, đúng ra là người con gái nào cũng có thể lấy chồng rồi.
    Nhưng chị, một người đã lên rừng xuống biển suốt những năm tháng đáng ra phải lăn lộn trong bếp đó, đành bó tay. Vì muốn có giấy chứng nhận cả cuộc đời độc thân của mình, chị phải lặn lội ra tận (nhiều tỉnh) miền Bắc, sau đó vào Sài Gòn, kế tới trở về Ban chỉ huy lực lượng Thanh niên Xung phong, tiếp tục quay sang Nga xin một con dấu, trở về lại miền Nam (vài địa chỉ khác nhau), và tại đây phải đối diện với 2 trường hợp đều vô phương giải quyết (ở nước ta):
    Gặp lại nhân viên cũ của chính quyền địa phương, ông này hẳn đã về hưu hay đổi công tác, và không nhớ ra chị là ai (dĩ nhiên). Ông không còn một con dấu nào hết. Và đương nhiên là ông sẽ không chứng nhận được cho chị.
    Gặp nhân viên mới của chính quyền địa phương. Anh này sẽ nói, làm sao tôi biết chị là ai một khi chị đã chuyển nhà trước khi tôi về đây công tác. Và làm sao tôi dám chứng nhận là trong những năm (xa xưa đó), khi chị ở đây, chị đã không lấy chồng?
    Tóm lại, chị nghĩ, việc không có chồng của mình không ai chứng nhận được, trừ mình.
    Nhưng nhà nước là gì? Phải chăng là nơi đưa ra luật cho dân và hướng dẫn cách thi hành cái luật đó? Nhưng đó không phải là nước ta. Bởi vì khi chị bạn tôi hỏi anh nhân viên phòng Công chứng 1, rằng theo anh, tôi phải làm sao để có được tờ giấy chứng nhận cả cái quá trình độc thân của mình mà không phải đi ngược lại tất cả những nơi mình đã từng sống, thì anh này nói, tôi cũng không biết, có lẽ chị phải lên Phòng Tư pháp quận.
    Lên đó khác gì vào cửa tử. Bạn thử tưởng tượng xem. Bạn là trưởng phòng Tư pháp, một sáng kia thấy một người phụ nữ lù lù bước vào, chìa cái đơn ra và xin chứng nhận tôi chưa có chồng, bạn có điên dại đến mức mà chứng nhận vào không?
    Dĩ nhiên là không. Ai cũng thế thôi. Và đó là đúng luật. Chị cũng biết mọi việc sẽ như thế nên không đi. Chị về nhà, ôm mớ hồ sơ đầy bế tắc và nghĩ xem liệu có đáng không nếu chỉ vì để bán căn nhà cho dễ dàng mà phải lấy một ông chồng?
    Ngồi nghĩ quẩn, chị đâm oán hận Sở Nhà đất. Cách đây 5 năm, vào cái tuổi chị vẫn còn có thể lấy chồng được, khi mua căn nhà này, lúc đi làm giấy tờ nhà, nhân viên Nhà đất đã mặc nhiên công nhận đây là sở hữu riêng của chị, rất nhanh nhẹn, chẳng ai cần biết chị đang yêu ai, đã lấy ai; không ai đánh động hộ chị một tiếng rằng nếu chị không lấy chồng thì căn nhà này sẽ không thể bán được.
    Thế nên chị mới chủ quan.
    Mà chị nghĩ, giả sử chị có một thằng chồng đi, mà nó ngốc nghếch đến mức không đứng tên trên tài sản cùng với vợ, thì hoặc là nó đã coi cái tài sản đó không đáng kể, hoặc là nó nghĩ, vợ chồng có những cách chia với nhau, bằng dao hay bằng hoa hồng, thì lúc vợ nó bán, việc gì Nhà đất phải bận lòng...
    Nhưng, may cho chị, và may cho cả hội chúng tôi. Trời sinh voi, sinh cỏ. Trời sinh Sở Nhà đất, sinh cò.
    Có một anh cò giấy tờ nói với chị, rằng đau đầu mà làm gì với những bất nhất của luật pháp, và vì sao lại đi theo đường chính thống? Bởi vì, nếu đưa giấy tờ và tiền cho anh ấy (mà không phải cưới anh ấy), thì chỉ trong ít ngày mọi việc sẽ xong ngay.
    Anh ấy nói tự tin đến mức khiến hội chúng tôi phải họp lại, nghi ngờ, hay chính hệ thống cò của anh đã mớm cho Nhà đất những cách khó khăn để cò có tôm tép sống? Cái thế lực này gầy gò mà ghê gớm làm sao, lặn lội kiếm cơm ở khắp nơi một tí mà như có thể lũng đoạn toàn toàn guồng máy.
    Chị bạn tôi nổi xung, định làm cho ra nhẽ... Nhưng cả hội chúng tôi xông vào cản. Thôi mà con này, bỏ thói cầu toàn đi, còn cò thế chẳng hơn sao; Trong chuyện này, ít ra mày không phải lấy chồng mà cũng còn lối thoát! Nhưng một tương lai bỗng mờ mịt trước mắt: cách giải khuây (gần như) duy nhất của hội chúng tôi đã bị nhiêu khê khép lại rồi.
    (Thể thao-Văn hoá 2002)
  2. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Tôi nghi ngờ ông Heghen!
    Thảo Hảo
    ******​
    Khi học tới môn Mỹ học, giảng viên có dặn lớp nhớ đọc thêm sách bên ngoài, nếu được. Tôi được người bạn tặng cho bộ Mỹ Học (2 tập) của Heghen (Nhà xuất bản Văn học) cách đây đã vài năm. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi có mở ra rồi đóng lại ngay, vì thấy khó hiểu, đọc cả một trang mất một lúc, nhưng nếu ai nói tóm tắt lại thì không tóm tắt được. Tôi không phải phim Tàu, cố bảo vệ mình bằng những ?otiểu nhân đây?, hoặc ?okẻ hèn mọn này?. Tôi nói thật, tôi không quen đọc Triết, và thấy ai hiểu được Triết, nhắc lại được, ứng dụng được... là tôi phục, nhất là hiểu được Triết qua... bản dịch tiếng Việt. Triết khó vì cái gì? Vì hệ thống lý thuyết cao hơn cái tầm nghĩ của người thường chúng ta? Hay vì cấu trúc câu phức rắc rối, dồn bao nhiêu vế, bao nhiêu ý, vào trong một câu? Bạn thử đọc câu này xem:
    ?oTrong khi cố gắng tác động ra ngoài và biểu hiện cái bên ngoài nghệ thuật nhằm mục đích gây tác động ra ngoài, và nét chung nhất là cố gắng gây ấn tượng. Nghệ thuật có thể đạt được những hiệu quả này nếu như nó xử dụng yếu tố xấu xí, gò ép, đồ sộ... để gây nên những tương phản nhất định...?
    Hoặc:
    ?oÐối lập lại thiên nhiên bên ngoài là nội cảm có tính chủ thể, tâm hồn con người nhờ đó và qua đó yếu tố tuyệt đối biểu hiện sự có mặt của mình.?
    Và đến cả câu đơn, đưa đẩy thôi, cũng khó hiểu nốt:
    ?o ..., chúng tôi trình bày chi tiết hơn sự phân chia của phần thứ ba này phần chính của tác phẩm.?
    Nếu bạn hiểu được ba câu này, tôi sẽ không nghi ngờ ông Heghen nữa, mà chuyển sang nghi ngờ tôi.
    *
    Ðặt giả thiết là dịch giả dịch đúng (vì dịch giả đã đối chiếu với bản tiếng Ðức, đã tham khảo các bản dịch tiếng Nga, và tiếng Pháp, và tiếng Trung, sau khi đã dịch từ bản tiếng Nga, như những trang đầu của sách viết), thì tôi hoang mang lắm. Chẳng lẽ ?otriết gia vĩ đại? này, như Từ điển Triết học đã viết, tác giả của phép biện chứng ?omà Lê-nin coi như là một thành quả vĩ đại của triết học Ðức?, với hệ thống lý luận ?ođã trở thành một trong những nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Mác?, lại viết những câu lủng củng không thể hiểu nổi như trên sao?
    Thế thì tôi đã ngờ oan. Thủ phạm chắc là người khác, không phải ông Heghen.
    Cuốn sách (dịch) của ông đầy những câu tối nghĩa như vậy. Không thể bàn đến ngôn ngữ triết ở đây, vì người đọc đã phải dùng một con thuyền tồi là những câu què cụt, thiếu chấm, phẩy để cố mà ra với biển tri thức (và không ra được)... Tôi nhớ khoảng năm 76, mẹ tôi có đi mua một cuốn sách dạy nấu ăn về cho tôi tập làm bếp. Ðó là một cuốn sách bìa rất đẹp, hai ba bài đầu dạy dễ hiểu, những món đơn giản, không cần dạy. Nhưng sau đó, đến các món phức tạp, thì hoàn toàn không có chấm, phẩy, và chị em tôi đành bó tay vì không biết phải ướp thêm tỏi vào câu trước hay câu sau.
    Ở đây, thì cũng vậy:
    ?oSự chiêm ngưỡng đưa các hình ảnh vào trong ý thức của ta ở đấy chúng được sắp xếp theo những phạm trù chung và do sức mạnh của trí tưởng tượng ở giữa các hình ảnh có những quan hệ và có một sự thống nhất đặc biệt...?
    Một đoạn như thế này cắt được mấy câu, và cắt như thế nào? Cắt ở đâu? Quả thật chỉ có người dịch, trước chừng ấy nguồn bản dịch để đối chiếu, mới có thể biết được phải cắt ra như thế nào cho người Việt Nam hiểu đúng.
    *
    Thế hệ đi trước, có học, thường hay chê thế hệ sau ít hiểu biết hơn. Cái gì cũng biết một tí, mà nông cạn. Biết theo kiểu đọc báo, lớt phớt, đọc tí tít, tóm tí nội dung, đủ để ngồi uống nước, và nói. Nhưng có những sách thuộc loại nghiêm túc nhất thì như trên, nằm uy nghi trên giá, đợi một ngày kia bọn hậu sinh đủ can đảm và bớt lười nhác, mở ra, chỉ thấy có kiên nhẫn đến mấy cũng không hiểu được... bản dịch.
    Nhưng viết đến đây, tôi lại cũng hơi chùn tay, mình có kết tội oan cho dịch giả không? Bởi vì, quay lại như đầu bài, tôi vốn không quen đọc Triết. Và Triết thì phải khó (không thế sao vẫn có nhiều người lấy việc hiểu được nó làm tiêu chuẩn hơn thua nhau?). Thành ra tôi phải xem lại, xem ngoài cái khó về mặt tư tưởng, sách Triết (dịch) có bắt buộc phải khó (thêm) về mặt ngữ pháp không.
    Nguồn: Thể Thao Văn Hoá, số 20, ngày 08.3.2002
  3. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Yêu
    ******​
    Đề ngoại khoá vỏn vẹn một chữ: "Yêu", giới hạn trong một ngàn chữ. Đã có những câu hỏi, đại loại: "Thưa thầy, viết cái gì, nghị luận yêu hay quan điểm riêng trong yêu?", hoặc "Kể chuyện yêu của mình thôi có được không thầy?" Thầy cười: "Sao cũng được, miễn là xoay quanh yêu, nhớ là một ngàn chữ!"
    Tôi không được khoẻ, tôi cúm từ đêm qua. Đêm qua, chúng tôi đi trong mưa, ướt lẹp nhẹp, tôi ngả đầu lên vai Nhã, nhìn các cửa hiệu tắt đèn dần mà nghĩ: "Chuyện này sẽ kéo dài đến khi nào?". Tôi hỏi Nhã câu này, Nhã đã nhăn mũi trêu: "Mơi!" Tôi lại hỏi: "Em có biết em đang làm gì không?" Nhã cũng hỏi lại: "Chị có biết chị đang làm gì không?" Tôi cười: "Biết, chị lo một ngày em tỉnh ra!". Một con mèo từ bên đường tự nhiên chạy vụt qua, cái xe chúng tôi loạng choạng, và câu chuyện dang dở ở đó.
    Chúng tôi đã làm gì nhỉ? Đã nuôi phải đến ba con heo đất, ngày mua gọi là sinh nhật, ngày đập gọi là ngày giỗ, hai ngày vui ngang nhau. Cả nhà tôi nhìn con heo, bĩu môi: "Dị hợm!", tôi không nói gì; Lại hỏi: "Chúng mày vẫn xưng chị, em?" Tôi bảo: "Tôi tên chị, nó tên em, vậy thôi!" Tiền heo, tôi giao cho Nhã giữ, hai đứa chi tiêu như một gia đình nhỏ, ăn một quả ổi cũng bàn nhau; tôi hơi buồn cười, tất cả những trò vui này, chỉ cần đi kèm một tờ đăng ký kết hôn là khó chịu hẳn!
    ...Cái đề này thật khó viết, khó vì tôi không hiểu cái mà mình đang nói có phải là tình yêu không, hay chỉ là một trò lạ cho cả hai người, một thằng bé mới lần đầu "vào đời", và cho tôi đã qua âm u, giờ loá mắt bởi sự trong sáng?
    Sáng qua, chúng tôi bắc thang lên mái tôn hái vú sữa. Vú sữa vú bò, tím đen, bé tí teo và đầy hột. Nắng lên và mái tôn ấm dần, Nhã nắm bàn chân tôi: "Nóng mất rồi!". Mẹ tôi ngồi dưới sân rửa bát, hỏi to: "Trên ấy nhiều quả chín không?" Nhã cười: "Dạ, rất nhiều quả ngọt!". Nhã hỏi nhỏ: "Chừng nào tụi mình mới được ngang nhiên?" Tôi thấy mệt mỏi: "Chừng nào tụi mình ở riêng! ... Mà chuyện ấy không bao giờ có đâu?" Nhã bóp mạnh chân tôi rồi buông ra: "Chị lúc nào cũng nói thế!" Rồi chúng tôi đi hái quả, vừa hái vừa ăn, từ trên cao, Nhã lấy vỏ nhắm gà đi quanh quẩn dưới sân mà ném. Tôi muốn khóc, nó lại quên mất rồi, nó lại đang vui rồi, nó đang nheo mắt nhắm gà, nó vẫn là trẻ con, cái gì đến và đi cũng nhanh, với nó.
    * *
    Tôi phải kể lại chúng tôi đã quen nhau ở đâu. Ở lớp học thêm Anh văn tuần ba buổi với một buổi cúp điện được thay bằng đèn dầu. Con gái thầy, mỏng manh và tinh khiết như bằng sứ, lần lượt mang ra những cái đèn to, nóng ngốt ... Những chi tiết này, chúng tôi vẫn nhắc lại luôn. Nhã thêm: "Hồi ấy ngồi cạnh chán chết, chị chẳng bao giờ thèm làm bài tập!". Tôi cười: "Thì em cũng thế, có nhờ được gì đâu!" Nhã vẫn nhắc lần đầu đến nhà tôi, mẹ tôi ra nói: "Cháu vào không? Chị Mai Hoa đi chơi rồi!" Nhã vào, mượn cái chổi, ra quét vườn chờ đợi. Hôm ấy tôi đi đâu? Tôi đén nhà Thảo, Thảo nói: "Đừng ngại, kể ra đi cho đỡ khổ, vì sao chúng mày chia tay?" Tôi cũng không biết vì sao anh ta bỏ đi, tôi nói: "Tao không khóc vu vơ được, phải có lý do, mà tao nói rồi, tao không biết lý do!". "Hôm ấy - sau này Nhã kể lại - sao vườn nhà chị đầy lá mục và tổ kiến, em vừa quét vừa nghĩ: Thôi, mình ngu rồi!". Ra vậy, ngày hôm ấy, tình yêu đã mon men đến nhà tôi mà tôi không biết, một năm sau tôi vẫn không biết.
    ... Tôi đếm thử, khoảng bảy trăm chữ rồi, phải chừng mực lại thôi, để phần cho cái kết. Hôm qua mẹ tôi cũng nói: "Phải chừng mực lại thôi!" tôi cãi: "Con không thích sống cứ phải lo để phần!". Ba tôi hiền lành hơn: "Con không nghĩ đến con sao?" Nghĩ nhiều lắm chứ, không phải chỉ nghĩ đến mình tôi, tôi nghic đến ba mẹ, đến tôi, đến ông chồng tương lai của tôi, đến những đứa bé tương lai của tôi ( hai hạng nhân vật này có thể không bao giwò có!), và rồi không biết làm gì, đành đổ tội "Duyên số". Mẹ tôi đề nghị: "Để tao lấy tử vi cho hai đứa!". Mất hai buổi trưa tôi nằm cạnh đợi luận từng sao như đọc kết quả xổ số, tôi không trúng giải, mẹ tôi tóm tắt: "Mày hai đời chồng, không thấy đời nào giống nó. Nó rất lăng nhăng, thậm chí sa đoạ!" Tôi cãi:"Có thấy gì đâu!" Mẹ tôi cười: "Đang nói chuyện tử vi, với lại đời còn dài, ai mà biết được!"
    Không ai biết được thật, thế thì lo xa làm gì. Đêm qua, có mưa trái mùa, Nhã "quyết định": "Được ngày nào hay ngày đó!". Vậy là, cứ tiếp tục nuôi heo đất với nhau tạo cảnh gia đình, rồi lớn lên tự đổi xưng hô, rồi cứ thế, cứ thế ... Một ngàn chữ hết rồi, cũng như câu chuyện cũng bế tắc rồi, tôi nộp bài. Chấm hết."
    (Phan Thị Vàng Anh)
    Được nhl81 sửa chữa / chuyển vào 11:39 ngày 04/04/2007
  4. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Không sợ nghèo, chỉ sợ ...
    Thảo Hảo
    *******​
    Ðề bài:
    "Tổ dân phố có 25 hộ. Trong đó có 4 hộ nghèo gia truyền. Hãy trình bày biện pháp giúp cho 4 hộ này hết nghèo chỉ trong vòng 1 năm.
    Lưu ý: - có một số tiền lớn của Phường cho."
    Xin bạn đọc kỹ giúp đề bài, và vận dụng ý thức trách nhiệm của một công dân mà làm thử bài toán trên, trong vòng 5 phút thôi, trước khi đọc tiếp đáp án ở phần dưới. Cảm ơn bạn đã làm theo chỉ dẫn.
    Tôi dám đảm bảo với bạn, rằng đáp án của bạn chắc cũng không đi xa lắm khỏi các biện pháp sau:
    ?" Cấp cho 4 hộ nghèo đó một số vốn
    ?" Mở lớp dạy nghề miễn phí cho con cái họ theo học
    ?" Giới thiệu việc làm hoặc nhận họ vào làm cho cơ sở của mình
    ?" Cấp cho họ một số thẻ ưu đãi về y tế, giáo dục
    Thế thì, cho rằng 4 biện pháp kia được hưởng ứng, nghĩa là với số tiền vốn bạn cấp, họ không dùng để mua đầu máy, mà để mở hàng cơm con; cho rằng con cái họ hăng hái theo học ngay lớp dạy nghề của bạn; cho rằng họ được nhận ngay vào một xí nghiệp bạn giới thiệu và trở thành những công nhân tốt..., thì bạn có nghĩ từ đây đến cuối năm 2003, 4 hộ nghèo đó có hết nghèo không?
    Nếu bạn nói "không", bạn nên xem lại bạn. Xem lại cái ý chí của bạn có được "duy ý chí" chưa, bởi vì giao cho bạn có mỗi cái đề trên giấy thôi, với 4 hộ ít ỏi thôi, mà bạn đã lưỡng lự.
    Trong khi đó, bạn có biết không, với thành phố Hồ Chí Minh khoảng 6 triệu dân, mà vừa qua, theo báo Thanh Niên số ra ngày 4. 3. 2002, hội nghị tổng kết về Xóa đói Giảm nghèo đã coi việc xóa sổ hết các hộ nghèo trong thành phố vào năm 2003 là một mục tiêu. Và quan trọng nhất, mục tiêu này đã được "nhất trí cao" của toàn thể hội nghị.
    Ðọc bài báo Thanh Niên xong, trong tâm trạng của một người nghèo, vui thì vui lắm, nhưng tôi muốn được gặp ngay một người đi họp ở cái hội nghị kia về để hỏi: "Thế nào là nghèo?"
    Bởi vì, cứ theo kinh nghiệm của mình, thì muốn xóa sổ một cái gì, tôi phải biết rõ nó là cái gì đã.
    Nếu hỏi "đói" là gì, tôi có thể khai rành mạch cái tình trạng này, và thế là tôi có thể xóa đói bằng những phương pháp cụ thể, thiết thực.
    Nhưng hỏi tôi "nghèo" là gì, thì e rằng khó trả lời. Bởi nghèo là một tình trạng khó có thước đo chuẩn, ở nước ta.
    Thí dụ:
    Bạn có đủ ba bữa cơm, nhưng lòng canh cánh lo đến ngày đóng học phí cho con, thế có phải là "nghèo" không?
    Bạn có đủ cơm ăn, đủ tiền đóng học phí, nhưng lúc ốm đau thì méo mặt vay tiền, thế có phải là "nghèo" không?
    Bạn có đủ tiền cơm, tiền học, tiền viện phí, nhưng ngoài đó ra, bạn không còn tiền để đi chơi, để mua sách, để xem phim..., thế có phải là "nghèo" không?
    (Tuần trước, tôi về Nam Ðịnh. Ði giữa cái thành phố xinh xắn, yên bình, vắng vẻ; vào ngày thứ bảy mà nhà nhà khép cửa, không tiếng nhạc xập xình, không cà phê chớp nháy; không một góc phố náo nhiệt mua bán, không những dãy hàng ăn đông đúc, không một khách du lịch ba lô thăm thú đền đài... Có vẻ như ở thành phố này không ai ăn được tiền của ai. Ði ngoài đường không thôi, bạn không thể mạnh miệng nói rằng đây là thành phố nghèo được. Bạn chỉ mơ hồ cảm giác như thể người ở đây bình an trong đời sống tối thiểu, ngày hai bữa chính một bữa phụ, một T.V, điện, nước, nhà tắm có xà phòng..., làm tôi nhớ, khi tôi "nghèo" (chưa lãnh lương), tôi chỉ duy trì đời sống tối thiểu, những nhu cầu của tôi tắt lịm, tôi giống con gà kiếm sao cho đủ miếng ăn rồi về ngủ mà thôi. Lãnh lương rồi, tôi mới nghĩ đến vui chơi và những thứ ngoài cơm.
    Như thế thì có phải là "nghèo" không?)
    Và nếu như anh cán bộ Xóa đói Giảm nghèo ở hội nghị đồng ý rằng những tiêu chuẩn tôi đưa ra trên kia đúng là "nghèo", thì thưa anh, anh lại làm tôi nghi ngờ rồi. Cái tình trạng đó, đến tự thân tôi lo cho tôi, mãi đến 20 năm rồi tôi vẫn chưa xóa sổ được, chỉ GIẢM được thôi, mà các anh quyết chí XÓA hết cho cả thành phố này, dù rằng với thiện chí to lớn và đáng khích lệ của những người lo cho dân, nhưng vì các anh nói rằng chỉ cần trong vòng có một năm, thì liệu có thiết thực không? Và liệu tôi có nên hy vọng?
    Nhưng thôi, có lẽ tôi nên hy vọng. Không hy vọng vào tính thực tiễn, thì nên hy vọng vào ý chí. Bởi vì các anh có ý chí.
    Theo bài báo, về việc làm sao cho thành phố này không còn hộ nghèo nữa, một cán bộ Xóa đói Giảm nghèo trong các anh đã khẳng định thêm chắc nịch: "Không sợ nghèo, chỉ sợ thiếu quyết tâm".
    Thế thì, tôi tin vào các anh. Tôi chỉ xin thêm vào: "Không sợ nghèo, không sợ thiếu quyết tâm, chỉ sợ thiếu duy ý chí."
  5. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Mì gói, bạn hay thù
    Thảo Hảo
    ******​
    1. Có một lần, em gái tôi được ra nước ngoài cùng một đoàn 10 người đàn ông. Mười người đàn ông Việt Nam dễ thương, rất chăm sóc thành viên nữ hiếm hoi trong đoàn, như những người anh chăm sóc em gái út. Cả đoàn rong ruổi, từ ngày này sang ngày khác, từ thành phố này sang thành phố khác, đánh vật với phong cách ăn uống này rồi phong cách ăn uống khác. Trong cuộc chiến cuối cùng này, các anh trai của đoàn gục ngã. Và chị y tá, bà tiên, cô Tấm... đến nâng họ dậy chính là... mì gói. Ðã được nghe nhiều những mẩu chuyện về người Việt Nam ta đi công tác với một va li toàn mì. Không chứng kiến tận mắt thì cứ nghĩ chắc đây là một cách tiết kiệm. Có ở cạnh những chủ nhân của đống mì rồi mới thấy, nhiều khi không phải thế, em tôi nói. Chủ nhân của những thùng mì rất rộng rãi, chi tiêu thoải mái, nhưng họ cần mì. Có mì họ mới an tâm, như em tôi lúc nào cũng phải mang theo thuốc đau bụng rồi mới dám ăn ốc. Anh hướng dẫn viên du lịch thất vọng ra mặt khi thấy những món ăn địa phương chỉ được động tới một cách tự tin khi mì gói của đoàn đem theo đã được rót nước sôi để sẵn. Tô mì gói đứng lù lù trên bàn như một cái ao làng thân thương, nhìn thấy nó rồi thì những cậu trai mới dám (rón rén) đi chinh phục những miền đất mới.
    2. Có người bạn, chị X., hay đi công tác nước ngoài. Chị bảo, tao buồn cười nhất là sang đến nơi là y như rằng có người trong đoàn đòi đi ăn... cơm Việt Nam, hoặc tệ hơn, ăn phở. Có người ăn chỉ để so sánh cơm Việt Kiều với cơm Việt Nam (trong khi còn vô vàn cái lớn hơn thì không so sánh); có người lại đơn thuần ăn là để đỡ nhớ, dù cách đó hai ngày vừa mới chén một bát phở đêm tú hụ, đến nỗi lúc đứng dậy còn nghĩ bụng, khéo phải một tháng nữa mới dám ăn lại. Chị bảo, mình thì chỉ muốn có dịp ra nước ngoài thì ăn thứ họ ăn, uống thứ họ uống, thở không khí họ thở, nói tiếng họ nói, cố mà hiểu theo cách họ hiểu. Lần nào đi đến một nơi mới lạ, chị cũng ám ảnh rằng cuộc đời mình chỉ có một lần duy nhất, và biết đâu lần ghé thăm này cũng là duy nhất, khi xa Trái Ðất rồi thì không còn dịp quay lại. Cho nên cố mà sống cho đầy, bằng tất cả những giác quan mà trời đã cho... Ấy thế mà những dịp hiếm hoi ra nước ngoài, thời giờ eo hẹp thế, vẫn có những người trong đoàn của chị đòi đi chợ Việt Nam bằng được, rồi lúi húi nấu cho dẻo một nồi cơm, đến nỗi chẳng còn mấy thời giờ mà đi chơi; hoặc tệ hơn, ăn không được thức ăn người, đến nỗi coi như chuyến đi ấy là thất bại, dù xứ sở ấy có đẹp đến chừng nào.
    3. Gắn với nồi cơm hay gói mì đến mức không có không được, về sâu xa, cũng là một phần của tâm lý "giá người giống ta". Quên cái khẩu vị của mình đi ít ngày, "bỏ thói quen của mình ở nhà" vài bữa để sống với thói quen của người khác mà cũng đã khó vậy, thì cái gọi là "từng trải" làm sao có được nhiều? Mà ở nước mình, hình như người ta không thích người từng trải cho lắm. Nếu bạn đổi mỗi hai năm một cơ quan, thì đến năm thứ sáu người ta đã e dè bạn rồi. Người ta đặt ra câu hỏi, hay là bạn có khuyết điểm gì mà không ai chịu đựng nổi? Không từng trải thì khó thông cảm, thế nên đa phần đàn ông Việt Nam chỉ chấp nhận vợ có quá khứ trắng tinh như... nồi cơm, và phụ nữ khó mà ngồi nghe (một cách đầy chia sẻ như một người bạn thân) chồng kể chuyện mình đi chơi vui với các cô bạn cũ ra sao. Lại đến bố mẹ thiếu từng trải, chưa bao giờ mạo hiểm, nên khó mà hiểu được tâm lý khi con làm liều để còn giúp nó vượt qua...
    4. Tôi có người bạn, sống nay đây mai đó như chim, như gió. Sự tự do tỏa quanh anh này như một vòng hào quang. Trong cái bếp ở chỗ anh thuê có đầy mì gói. Nhưng đống mì để mãi chẳng thấy suy suyển là bao. Anh nói, để mì ở đấy cho tiện, nửa đêm có đói thì ăn, bận việc thì ăn, khỏi nấu, khỏi chạy ra ngoài; còn ra ngoài rồi thì ăn gì cũng được, có quan trọng gì! Thế đấy, mì gói cũng như đàn bà, tùy hoàn cảnh mà biến thành bà hoàng hay chỉ là con ở, còn tùy theo người mua nó muốn là nô lệ hay ông hoàng (của thói quen).
    (Thể thao - Văn hoá 2002)
  6. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Ra về lúc giải lao
    Thảo Hảo
    *******​
    Một cô gái tâm thần sống cùng ông nội nuôi. Hai ông cháu vẽ bong bóng rồi đi bán. Họ sống trong một khu chung cư, ở đó chiều chiều có một anh ca sĩ (sắp tới thời) lên sân thượng và hát một bài hát duy nhất (đợi thời). Chiều nào anh cũng gặp cô gái tâm thần kia trên sân thượng. Anh yêu cô, và ngay cả khi đã trở nên nổi tiếng, anh vẫn yêu cô. Cô tâm thần kia lại chính là con gái của một người họa sĩ. Ông này khi trẻ lấy được vợ đẹp, rồi nổi tiếng, tiền nhiều, danh nhiều, đâm hắt hủi vợ. Vợ ông bỏ đi, mang theo cô con gái. Một ngày kia, vì một chuyện gì đó, cô con gái này bị bỏ giữa đường ngất xỉu, và ông bán bong bóng nhặt về, nhận làm cháu nuôi.
    Ông họa sĩ có tiếng rồi thì lại mất vợ mất con. Nhớ thương khôn nguôi khiến ông năm nào cũng triển lãm tranh và lần nào cũng để bức tranh vẽ vợ mình ở gian trang trọng nhất, ai hỏi mua cũng không bán. Một hôm, cô gái bán bong bóng ghé lại, và ông họa sĩ sửng sốt, tưởng như vợ mình hiện về...
    Tiếp theo thì sao?
    Tiếp theo thì tôi không biết, bởi vì tôi bỏ về vào lúc giải lao.
    Lúc đó vở kịch đã đi được khoảng 1 tiếng 30 phút, với những màn chọc ghẹo nhau, chửi qua lại tục tĩu, và hoàn toàn không có kịch tính.
    Sự dung tục chen lẫn những ý đồ lãng mạn khuôn sáo không giấu vào đâu được. (Bong bóng biểu tượng ước mơ, dễ tan và dễ vỡ; Hiểu được và yêu được tâm thần là bằng chứng nhận đã đi được vào thế giới trong trắng chẳng bon chen...) Những màn mùi mẫn mẹ tìm lại được con kiểu kịch tôi vẫn xem khi còn 7 - 8 tuổi, nghĩa là cách đây 30 năm, xen lẫn với những cảnh nhí nhảnh thám tử "zé zé" của những phim thiếu nhi Mỹ... Có thể gọi, đây là một bữa ăn hổ lốn của những tác giả kịch đang cố tìm cách nhặt lấy từng tràng cười từ dưới khán phòng, bằng bất cứ giá nào.
    Khán giả thì cười nhiều lắm. Khán giả, ai cũng biết, không phải là vị giám khảo đáng tin cậy trăm phần trăm. Họ chao đảo và phản ứng khá là "phong trào". Không tin, bạn cứ thử xem: bạn ngồi trong khán phòng, cạnh vài người lúc đầu cười khoái chí trước những câu thoại vô duyên. Bạn đăm đăm mặt vào nhé, rồi bạn cau mày. Những người ngồi quanh bạn sẽ để ý thấy bạn không vỗ tay, bạn còn chặc lưỡi bực mình. Chỉ sau đó một chút thôi, bạn sẽ thấy những hàng xóm của bạn cười ít đi, cười hoang mang hơn, và vỗ tay cũng nhẹ nhàng hơn. Thế đấy, khán giả là không đáng tin hoàn toàn. Tuy tác giả vẫn phải căn cứ vào khách hàng của mình mà lấy chuẩn làm việc, nhưng chỉ nên căn cứ một phần nào thôi. Việc của người sáng tác là phải cố hết sức đưa ra những cái hay, cái cao hơn khán giả, nói với họ, xem này, ở đây đẹp hơn, khó hơn nhưng đẹp hơn; chứ không phải là chiều theo khán giả, hạ mọi thứ xuống cho vừa tầm. Làm như thế là coi thường khán giả, bởi khán giả là một khối co giãn, anh dở mấy nó cũng hút anh được, và anh giỏi mấy thì nó cũng lớn hơn anh được. Anh chớ có tự cao mà hạ chuẩn mực mọi thứ đi và nghĩ là làm như thế là cho khán giả "hiểu được".
    Quay lại với vở kịch, quả thực, ngoài việc đáng trách là đã để những khán giả "có lòng" với sân khấu (chịu khó đến nhà hát thay vì ra ngoài đường thuê băng Hàn Quốc về xem) không được hưởng một không khí trang trọng đúng nghĩa của nhà hát; thì đáng chán nữa là dàn diễn viên. Ðài từ của các diễn viên nữ chua ngoa, không khá hơn bất kỳ ai trong chúng ta, nghĩa là họ chỉ hơn ta là họ có... cái micro. Diễn viên diễn nhợt nhạt và ý thức là có cả khán phòng đang nhìn mình, cho nên họ nói mà không nhìn nhau, họ nhìn khán giả. Một Ngọc Trinh với giọng nói tưng tửng mà vở kịch nào rồi cũng gặp. Một Minh Nhí mãi vẫn như thế kể từ ngày anh mới xuất hiện trong mục "Trong Nhà Ngoài Phố". Mà thôi thế còn đỡ tệ hơn là một Ngọc Giàu chấp nhận nói những lời thoại tục tĩu sau bao nhiêu vai để đời của một thời sân khấu còn thịnh vượng.
    Có lẽ bạn sẽ nói tôi sai, chưa xem hết vở kịch mà đã chê như thế này. Người ngồi đến cuối mới có quyền nói mạnh. Nhưng trong trường hợp này, nếu bạn có bỏ 50.000 đồng ra, mất một buổi tối chủ nhật, đến sân khấu kịch Nhà văn hóa Phú Nhuận, xem vở kịch Ðóa Hồng Gai, bạn mới thông cảm được cho tôi.
    (Thể thao - Văn hoá 2002)
  7. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Tôi có đủ thuốc ngủ rồi
    Thảo Hảo
    ********​
    Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử rằng: "Nước Vệ có một người tướng mạo xấu xí tên là Ai Ðài Ðà (thế mà) người nam ở với hắn lại yêu quý hắn không nỡ xa rời, còn nữ nhân nhìn thấy hắn đều về xin cha mẹ: "làm vợ người khác không bằng làm thiếp cho người ấy"... Không hề nghe hắn tự xướng lên điều gì.... Hắn không có địa vị vua chúa..., cũng chẳng giàu có mà cho ai ăn, lại xấu xí khiến thiên hạ kinh hãi... Tri thức không vượt quá bốn cõi, thế mà nam nữ đều tìm cách thân cận với hắn, nhất định hắn phải có chỗ khác người thường.
    "Ta gọi hắn đến gặp ta, quả nhiên hắn xấu xí dễ sợ. Thế mà, hắn ở chung với ta chưa đến một tháng, ta để ý nết ăn nết ở của hắn, ở chưa đầy một năm, ta đâm ra tín nhiệm hắn. Lúc bấy giờ, trong nước không có tể tướng, ta bèn đem việc nước ủy thác cho hắn. Hắn lạnh nhạt ừ hữ, hờ hững như muốn chối từ, ta cảm thấy rất thẹn thùng nhưng cuối cùng vẫn giao việc nước cho hắn. Thời gian chưa lâu, hắn bỏ ta đi, ta rất hoang mang, cảm thấy như đánh mất cái gì đó, giống như trong nước không còn ai đáng chung vui với ta nữa. Thế thì sự thực hắn là loại người nào."
    Khổng Tử đáp: "Tôi từng có lần xuất du đến nước Sở, đúng lúc nhìn thấy một bầy heo con đang bú xác mẹ. Rất mau chúng kinh hoảng nhận ra vội bỏ xác mẹ mà chạy trốn, vì heo mẹ không nhìn được chúng nữa và không có dáng gì là còn sống. Bọn heo con kia sở dĩ yêu mẹ chúng, không phải là yêu cái ngoại hình mà là yêu cái tinh thần chi phối, làm chủ hình thể... Ai Ðài Ðà không nói năng gì mà được tín nhiệm, không hề lập công lao mà khiến được người thân cận, khiến người trao việc nước cho mình mà còn e mình không nhận.
    "...Sống chết, còn mất, cùng đạt, giàu nghèo, hiền và hư hỏng, khen chê, đói khát, lạnh nóng đều là biến hóa của sự vật, lưu thông của số phận... Những hiện tượng ấy không làm nhiễu loạn được thiên tính bình hòa của hắn, không xâm nhập được tâm linh sâu kín của hắn. Như vậy nội tâm hắn giữ được hòa thuận vui vẻ, tâm linh hắn không gián đoạn mà cùng vạn vật như xuân... Bình thản như nước đang ở trạng thái yên bình cao độ..., bên trong giữ được nội tâm an tĩnh mà bên ngoài không xao động. Cái gọi là đức chính là sự tu dưỡng thuần hòa của thiên nhiên. Người có đức không lộ, tự nhiên mọi người đều thích thân cận không muốn rời." (*)
    Bây giờ là lúc tôi làm bạn bực mình đây, bởi vì cái đoạn trên kia gần như không ăn nhập đến những gì tôi sắp viết ra sau đây, lại càng không ăn nhập đến tít bài. Chẳng qua tôi đọc đoạn này xong thì thích quá, nên trích lại để bạn đọc thử, để bạn thích thì bạn đi mua sách về.
    Ðó là cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử (Nguyễn Tôn Nhan dịch và chú giải - NXB Thanh Niên). Mua được xong, tôi coi như một thắng lợi trong "quý I năm 2002". Ðúng là loại sách "gối đầu giường", tối nào tôi cũng đọc. Ðọc chậm chậm, vì mỗi bài, mỗi đoạn, mỗi câu, đều là những bài học; dễ hiểu có, khó hiểu có. Và có lẽ, cái hấp dẫn của sách chính là cái nhiều tầng ý nghĩa. Thêm tuổi, thêm kinh nghiệm thì đọc cũng hiểu thêm, cách khác, hoặc mức độ nông sâu khác...
    (Viết đến đây, tự nhiên tôi thấy ngượng tay. Ðấy, cái thói mình là thế. Tôi đến tuổi này rồi, đáng ra phải đọc những sách "di sản" kiểu này từ cách đây 10 năm, nay mới đọc, mà nói ra là mình đi mua về, mình đọc (bản dịch)... thì cũng ngượng. Cũng không hẳn là ngượng, mà là sợ. Sợ người đọc (vô hình) bĩu môi nói mình bịp, khoe chữ. Cái phản ứng này, tôi cũng có, đâm tôi sợ người khác cũng có. Tỉ như nghe ai nói thích nghe nhạc cổ điển, thì tự nhiên trong đầu mình đã có cái nhếch mép ngầm, "anh này trưởng giả"... Thôi thì nghĩ sao cứ nói toẹt ra vậy! Biết đâu bạn thu lại cái bĩu môi mà đọc tiếp.)
    Quay lại với Nam Hoa Kinh, sách có nguyên bản chữ Hán, bản phiên âm, chú thích từ, bản dịch nghĩa (tôi chỉ đọc được phần này), và cuối cùng là "con sâu" - phần chú giải.
    Thí dụ cái đoạn ở đầu bài kia, đáng lẽ có thể để người đọc gấp sách lại nằm ngẫm nghĩ muôn hướng, thì phần chú giải (vội vã) ghi ngay dưới bài, rất ngô nghê: "Ðoạn thứ tư, tả Ai Ðài Ðà tuy ngoại hình xấu xí nhưng có tinh thần nội tại đủ hấp dẫn, cảm hóa người khác." Và chú giải kiểu thế có mặt gần như cả phần đầu của sách, chỉ từ chương thứ ba trở đi thì phần chú giải này mới tạm buông tha ta.
    Bạn sẽ bảo tôi khó tính. Nó có gì sai đâu? Sao lại bực mình lên thế nhỉ?
    Ờ, (tôi trích dẫn tiếp đây), nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp, Jean Claude Carriere, trong một lớp học mở ở Việt Nam, có nói, cái đầu của người đọc là một con thú lười nhác, luôn muốn nghỉ ngơi. Khi có ai đánh thức, chìa ra cho nó một câu hỏi, thì bao giờ nó cũng tìm những giải đáp gọn gàng nhất, đến nhanh trong cái đầu mê ngủ của nó nhất. Nó bảo, thế là được rồi, được rồi, đi đi, cho tao nghỉ...
    Những lời chú giải kiểu trên kia là một kiểu thuốc ngủ cho cái con thú-vốn-đã-buồn-ngủ trong chúng ta. Nếu cứ để cho người đọc đứng giữa rừng ý nghĩa, anh ta có thể lạc mất một lúc, nhưng tự anh ta sẽ tìm được đường, có khi dẫn đến thác nước bạc, có khi tới được hang u tịch, biết đâu sẽ kỳ thú gấp trăm lần cái lối mòn vạch sẵn dẫn ra... bãi giữ xe, như thế kia. Vả lại, sách của Trang Tử đâu phải loại sách đọc vào là gật gù đồng ý hay lắc đầu phản bác ngay một chiều. Chính ta có lúc thấy làm theo sách là đúng, lúc khác lại thấy thế là sai. Thế mà lời chú giải thì như đinh đóng cột, một chiều cắm vào gỗ.
    Với người lớn chúng ta thì thôi, phẩy tay không đọc phần chú giải là xong. Nhưng lại nghĩ đến chuyện dắt-tay-làm-hại như thế này hiện có đầy ở sách giáo khoa mà con em chúng ta học trong trường. Cái con thú não bộ của bọn trẻ đã bị tiêm thuốc ngủ bằng những bài văn mẫu, những dòng tóm tắt nội dung bài học in sẵn cho học thuộc. Rừng đã biến thành công viên với những lối đi tráng cứng xi măng...
    Nhưng dù sao, nói gì thì nói, mua được cuốn Nam Hoa Kinh này, tôi vẫn lấy làm đắc chí. Cũng biết ơn dịch giả bỏ công làm sách công phu, cho những kẻ không biết tí chữ Hán nào như tôi có thể đến được với một kho tàng. Tôi có chán là chỉ chán cái bản thân mình, chưa học được sự bình thản của ông Trang Tử để mà không bực với những dòng chú giải ở trong sách mà thôi.
    (*) Đoạn trích trên lấy trong sách Trang Tử - Nam Hoa Kinh - dẫn ở trên. Vì mục đích khác của bài viết hơn là trích dẫn, nên xin được lượt bớt một số câu và đổi một vài chữ để tiện liền mạch theo dõi.
    (Thể thao-Văn hoá 2002)
  8. nhimcoisumo

    nhimcoisumo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/06/2006
    Bài viết:
    57
    Đã được thích:
    0
    Cảm ơn bạn rất nhiều, mình rất thích giọng văn của tác giả và bạn cũng thật tuyệt vời khi đã chia sẻ những tác phẩm của chị với mọi người.
  9. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
  10. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Tôi muốn đời tôi màu gì
    THảo Hảo​
    Ngày đầu năm lạnh ngăn ngắt, nhận được rất nhiều lời chúc: hạnh phúc, sức khỏe, may mắn, thành đạt?, xong rồi ra đường, mắt đeo cái kính xanh nên nhìn gì cũng xanh xanh. Ngoài đường, ai nấy áo lạnh, đèo trẻ con che mặt bằng khăn voan trông thật đáng yêu.
    Chúc Mừng Năm Mới!
    Nhưng năm mới là gì?
    Mới hôm qua ngồi trên tàu, nghe trộm tầng dưới, có hai người nói với nhau, "năm mới là một lời đếm ngược nữa, ăn lậm vào tuổi đời có hạn của mình, có gì đáng mừng? Chẳng lẽ tiêu dần đến những đồng tiền cuối mà lại hỉ hả!" Lúc ấy đã định trèo xuống mà cãi lại, thôi đi hai ông, cái thói bi quan. Đời thì có hạn, chẳng phải đã biết trước rồi sao? Sao cứ nấn ná không muốn rời, đến mức thấy gì cũng là buồn chán! Thật chẳng khác gì trẻ con, mẹ cho về quê một tuần. Trước khi đi đã cam kết đàng hoàng, đến ngày thứ năm, nghĩ tới cảnh sắp về lại thành phố mà não nề, mếu máo nì nèo, đến mất cả vui hai ngày còn lại.
    Sáng nay, tôi đi vung vẩy trên đường với cái kính xanh, nghĩ đến việc mình thế là đã có mặt trên đời chừng ấy năm, mà lòng vui quá. Nhưng chừng ấy năm đã trải được gì? Chẳng được gì nhiều. Vẫn chỉ quanh quẩn thành phố lớn, cơ quan tốt, bạn bè hiền. Buồn thì cũng có lúc, nhưng cũng chẳng được lâu. "Thế thì muốn gì?" Bạn sẽ hỏi. "Muốn bất hạnh hả? Muốn đói khát hả?" Và bạn chắc đang chửi rủa tôi, "đúng cái đồ tiểu tư sản!"
    Chẳng ai muốn khổ cả. Nhưng nghĩ đến lúc nhắm mắt xuôi tay mà vẫn không biết thế nào là khổ, thì chắc cũng giống như đi du lịch mạo hiểm về, hỏi có leo núi không. Không. Hỏi có vượt thác không. Không. Hỏi có cảm giác rùng mình không. Cũng không. Chỉ có cảm giác vui vui nhàn nhạt, rồi mỉm cười nhắm mắt.
    Không, nếu được nói trắng trợn ra mà không bị mắng, thì cho sống êm đềm bằng phẳng như thế tôi không muốn sống. Tôi chỉ có mỗi một cuộc đời, nên muốn được thử nhiều kinh nghiệm, trải lắm cảm giác. Nhưng tôi cũng lại không muốn đời mình kết thúc trong nghèo khổ, bệnh hoạn triền miên. Tôi muốn như phim rẻ tiền kìa, rùng rợn ly kỳ, mà nhân vật chính lúc nào cũng thoát ra, sống nhăn, phẳng phiu. Tôi muốn khi sang tới thế giới bên kia (nếu quả thực có thế giới bên kia), mình phải là một con ma có nhiều chuyện để kể.
    Nếu được chia thế giới, tôi sẽ chia làm hai: một nửa có Năm Mới cho những người mừng năm mới (trẻ con đang lớn, thanh niên đợi đủ tuổi có bằng lái xe?), và một nửa không Năm Mới, cho những người không muốn nghĩ tới quỹ thời gian mình đang cạn (thí dụ như hai cái ông đi tàu kia).
    Với nửa chia thứ hai này, nhìn từ trên xuống, người ta như đi triền miên trên một tấm thảm dài, không ngắt đoạn tháng, năm, chỉ liên tục ngày và đêm luân chuyển. Từ một đường dọc giữa thảm tỏa ra hai bên là nhiều lối rẽ tự chọn. Thường trời sáng người ta tạt vào lối rẽ cơ quan, ghé hàng ăn, trời tối thì đi chơi rồi tạt vào giường ngủ. Những hoạt động như thế làm nên những đường dệt nền. (Cẩn thận: làm mãi một cơ quan, sống mãi một nơi, ăn mãi một quán? sẽ cho một tấm thảm đời tẻ nhạt!) Thỉnh thoảng, những biến cố rơi xuống trên mặt thảm: bệnh tật, nhặt được tiền, có người xéo lên thảm của mình,? tạo những hoa văn đặc biệt, nhưng dù sao cũng vẫn chỉ là những hoa văn "ngẫu nhiên". Muốn có những hoa văn cổ quái, màu sắc cực kỳ tăm tối hay vô cùng rực rỡ thì phải dấn thân mà tự dệt? Hết một đời, tấm thảm mỗi người được cuộn lại. Có tấm sặc sỡ sau đó được mở ra mở vào mãi. Có tấm chán mắt bị đóng mãi im lìm. Lại có tấm bị bỏ qua oan uổng?
    "Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông", tôi thì trong một đoạn ngắn có 700 chữ đã lặp lại hai lần cái ước muốn được sống một cuộc sống "giật gân" hơn bây giờ. Bập bềnh nổi sóng nhè nhẹ mãi thế này, tôi chán quá đi mất.
    Nhưng mà, chúc mừng năm mới chẳng ai chúc nhau: "Một năm ly kỳ, gay cấn." Lại nghĩ, người tiền sử chui vào hang đá là để tránh sấm sét, mưa giông. Người hiện đại chui ra ngắm trời chẳng lẽ lại mong hứng mưa giông sấm sét! Đấy, cuộc cách mạng thay đổi đời sống của tôi mới đi đến 2/3 bài cũng đã bị chính tôi dập tắt. Những nghĩ ngợi lưỡng lự, nhút nhát cứ thế mà làm tấm thảm đời tôi nhìn từ trên xuống hẳn toàn những hoa văn nửa chừng, màu nhu nhu, loại để cắt ra lót ấm trà.
    Và cũng cứ như thế, đến năm sau, cũng trên cái báo này, thể nào bạn cũng gặp lại tôi cho mà xem; lại như bao nhiêu người, than vãn cho một năm cũ chưa làm gì được, một năm cũ thiếu sắc màu? và đổ hết gánh nặng hy vọng lên đầu một năm mới sắp đến.

    Thể thao-Văn hoá, 13.01.2004

Chia sẻ trang này