1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn hay của Thảo Hảo - Phan Thị Vàng Anh

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi nhl81, 01/02/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Yêu Hiểu
    Thảo Hảo
    ********​
    Bạn có biết người Cil không?
    "... Ta gặp người Cil từ những vùng cao đầu tiên của Nam bộ cho đến biên giới phía Bắc của Tây Nguyên, bao giờ cũng là ở trên núi, tại những nơi rất khó leo tới, không bao giờ ở trong các thung lũng hay trên các cao nguyên... Chốn cư trú của họ thông thường chỉ có một nhà sàn duy nhất. Những người Cil khác ở cách đó đến ba hay bốn tiếng đồng hồ.
    "Rú và rừng rất quen thuộc với người Cil. Người lạ không khỏi ngạc nhiên khi băng qua những khu rừng hoang dã của Tây Nguyên, họ bỗng khám phá ra một ngôi nhà sàn của người Cil trong khu rừng mà họ cứ ngỡ còn nguyên sinh... Rẫy của người Cil trồng lúa hay ngô. Sản phẩm đủ ăn một phần ba năm; thời gian còn lại, người Cil đi vay mượn và đói.
    "Họ cũng không có chút tiện nghi tối thiểu trong nhà. Trong các kiểu nhà Tây Nguyên, đây là loại nhà thấp nhất, tối tăm, bẩn thỉu nhất. Dê sống chung với người trong ngôi nhà ấy; đôi khi lợn giành những mảnh chăn với người. Bao giờ cũng có một chỗ nước gần nhà, chỉ dùng để nấu ăn: một người Cil đúng kiểu không bao giờ tắm; có thể hình dung da họ màu gì vào kỳ đốt rẫy khi trong rừng chỗ nào cũng là than.
    "... Sức chịu đựng và sự khéo léo của người Cil khiến họ đầy tự tin về mặt thể chất... Sự dai sức trong chuyện đi đường của họ đã thành truyền thuyết; đấy là một con sơn dương bất chấp mọi quy luật thăng bằng. Nếu họ muốn gặp những con người khác những người ở trong căn nhà của họ, họ phải leo núi nhiều giờ, và thường là chẳng có đường sá gì cả... Họ lao đi vững vàng và gấp gáp trên những đống đá lổn nhổn, những tảng đá to tướng trơn trợt vì rêu, trong những khu rừng muôn đời ẩm ướt, leo qua những rễ đa dựng đứng như những bức tường, vượt qua những vực thẳm không biết đâu là cùng trên những thân cây nhún nhảy; và bao giờ cũng trong một bóng tối lạnh buốt, vì các cây to ngăn không cho chút ánh nắng nào rọi được tới nền đất. Trong những dãy núi này, mọi thứ đều nhuộm màu đêm và bốc mùi mùn. Rắn lẫn với dây leo, chim ghẹo người đi qua, những con khỉ, vô hình, rít trên các cành cây cao.
    "Ta hiểu sống trong một khung cảnh như vậy, chỉ có rừng già hoang vu là quen thuộc, đóng kín trong cô đơn tăm tối, quen cảnh khốn cùng, người Cil khó gần, không thích tiếp xúc và chậm tiến...
    "... Cảnh đời họ là như vậy. Rừng già kinh hãi, bụi rậm dày kín, mùi ẩm mốc; nhưng giữa những thân cây thông to lớn khắc khổ, qua một lỗ thủng ở một bụi rậm đầy gai, ta nhận ra xa xa một vệt nhỏ sáng loáng, ánh bạc, trong suốt: bờ biển miền Trung, biển cả... Còn phải dạy cho họ biết nhìn, biết tìm cái điểm lý tưởng đó, giữa những thân cây thông cao lớn khắc khổ, sau một ngày lao động khổ sai..."
    Ðọc những dòng như thơ trên, được viết ra cách đây hơn 50 năm, mà làm tôi tò mò quá. Người Cil giờ sống như thế nào nhỉ? Họ đã đến nhúng mình vào cái điểm lý tưởng qua kẽ lá, là biển cả, chưa? Và biết thế nào là lý tưởng đây: làm một người Cil không tắm một mình bình thản đi trong tịch mịch? Hay làm một người hiện đại như chúng ta loay hoay cho đến lúc chết làm sao để không bị cô đơn?...
    Tác giả là Dam Bo (Jacques Dournes), một nhà Tây Nguyên học người Pháp, đến sống ở đây gần 30 năm. Cuốn "Miền Ðất Huyền Ảo"[1] này là một công trình nghiên cứu về Tây Nguyên, đầy những ghi chép tỉ mỉ lạ lùng, bỏ xa những cái bề nổi nhà mồ nhà rông rượu cần cồng chiêng đóng khố... mà lâu nay ta vẫn biết về Tây Nguyên một cách rất... cưỡi voi xem kơ nia. Dù bạn nói, không, tôi không thích đọc sách nghiên cứu; thì tôi vẫn mong bạn có cuốn này trong nhà; và khi đọc, bạn đừng quên mang theo bút để đánh dấu (dù rằng cái thói quen này có thể làm cho vợ bạn càu nhàu). Ðánh dấu rồi gấp lại mà nghĩ ngợi. Có vô vàn mốc "nghỉ mà nghĩ" khi đọc cuốn này. Thỉnh thoảng nó sẽ làm bạn ngượng nữa, khi so sánh mình với họ, ai mới là văn minh hơn ai. Thêm vào đó, sách lại được viết (và được dịch) bằng một giọng văn rất hay, sinh động.
    Tác giả Dam Bo viết: "Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu." Phải yêu và hiểu lắm thì ông mới có thể tổng kết về người Tây Nguyên như thế này: "Người Tây Nguyên sống giống như trong quá khứ và họ sống bằng quá khứ. Họ không sống đúng thời của mình, trường hợp của họ là một ca lỗi thời... Ðấy là cả một bài thơ và một cuộc sống; Nằm ngoài thời gian, nó không chỉ chăm chăm vào quá khứ, cho nên nó không nhất thiết là một cản trở đối với sự phát triển."
    Ôi Trời!
    Hiểu để mà yêu, yêu để mà hiểu. Cứ nghĩ đến sắp tới, một lô những công trình sách về 1000 năm Thăng Long Hà Nội sẽ được tung ra, chẳng biết có bao nhiêu cuốn được đủ cả "yêu" lẫn "hiểu", và bao nhiêu cuốn chỉ là xào nấu những "hiểu", những "yêu" của người khác? Những công trình dằng dặc tên người thực hiện, tốn bao nhiêu tiền nhà nước, đọc lên chỉ thấy na ná nhau.
    Ừ thì cái gì cũng có giá của nó thôi. Không "hiểu" và không "yêu" khi nghiên cứu, thì suốt đời bao nhiêu tên tuổi cũng chỉ lẫn lộn, na ná nhau. Còn tài hoa lặn lội tỉ mẩn giữa rừng suốt ba mươi năm, thì cái tên Dam Bo người đã đọc rồi sẽ không quên được.
    Thể thao-Văn hoá 01.8.2003
  2. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Đánh kẻ ngã ngựaThảo Hảo
    *******​
    Một cúp bóng đá thế giới đã xong. Mọi người bải hoải quay lại công việc cũ. Cứ bốn năm một lần, người ta lại rút được thêm một vài bài học qua bóng đá. Năm thì "mất bò mới lo làm chuồng", năm thì "thà đánh người trước khi người đánh mình", năm lại "hai đánh một chẳng chột cũng què", nhưng có một thứ, lần cúp thế giới nào cũng có, mà cũng chẳng phải bài học, chỉ là một thực tế mà trong đời thường cũng vẫn gặp, lại gặp nhiều khi xem đá bóng (trên T.V hay đọc báo) ấy là "đánh kẻ ngã ngựa".
    Năm nay thì anh Hàn Quốc vào sâu tận những vòng trong. Nhớ những vòng ngoài, khi các anh hùng hục chạy trên sân và thỉnh thoảng ghi bàn thắng, bình luận viên suýt xoa như dõi theo một đội bóng của Hercule, lại còn dự đoán họ sẽ tranh trận chung kết. Rồi cũng chính những anh Hàn Quốc đó, vào vòng sâu và bắt đầu thua, mà thua oanh liệt đẹp mắt, chỉ vì đối thủ của họ giờ là những kẻ mạnh hơn; thì bình luận viên bẻ lái ngay sang hướng độ lượng mà cho rằng, những gì đội Hàn Quốc đạt được trước kia chỉ là nhất thời, họ nay "sức cùng lực kiệt", rằng đội Hàn Quốc đã "lạc quan tếu", rằng... nhiều thứ lắm, chỉ biết cuối cùng làm người xem như tôi hoang mang, bởi vì tôi vốn tin vào mấy anh bình luận viên, và khi anh thay đổi chính kiến quá nhanh, thì tôi bẻ lái theo không kịp. Lại hoang mang nữa vì nhìn ra trong đời hình như sẽ không có chỗ cho kẻ ngã ngựa. Khi bạn ngã, không có chuyện tại ngựa hôm nay cao hơn hôm qua, hay đường hôm nay xóc hơn hôm kia, mà người ta bắt buộc bạn phải nhận lỗi, tại hôm nay bạn cưỡi ngựa dở hơn mọi ngày. Có thể tôi coi không đủ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy một anh bình luận viên nào bình luận trước một đội thua: "Họ chơi hay quá, chơi hay hôm cả mọi khi, nhưng đối thủ của họ quá mạnh. Thua thế này cũng là thắng rồi."
    Tôi nhớ có lần xem chương trình Yan Can Cook; Ông Yan băm tỏi rất nhanh, chặt thịt phăm phăm, đến khi bốc vào chảo thì ông làm rơi ra ngoài. Yan lập tức gân cổ lên, đại loại, ai mà chẳng có sai lầm, (chỉ xuống khán giả) cô cũng có sai lầm, anh cũng có sai lầm, sao tôi không được sai lầm? Tôi rất thích cái đoạn này, vì biết rõ là ông ấy đùa, nhưng ông ấy chỉ cho khán giả biết cách bảo vệ mình mỗi khi gặp sai lầm. Mình phải có một khoảng sai số để tự tha thứ cho mình. Mình phải trung thành với mình...
    Nhưng xem tường thuật bóng đá thì ngược lại. Bạn được học một nguyên tắc: thua tức là có lỗi, và chỉ nên ngả theo người mạnh. Bóng ào qua sân này, ta phải hồ hởi khen ngợi. Bóng ào ngược lại, ta phải đổi chiều ngay. "Ðã đến lúc đội X. phải xem lại mình," hay "Vâng, quả thực, tuổi tác, thưa các bạn, tuổi tác...", cũng là những nhân vật đó, trước đấy ít phút, ta mới khen là "đầy áp đảo", là "lão tướng đầy kinh nghiệm"... đại loại vậy. Nhưng, ta phải cứu lấy ta thôi, vì thế cờ đã đổi. Tí nữa bóng ào qua lại, ta đổi chiều cũng chưa muộn.
    Ngày trước tôi vẫn hay vào cơ quan mẹ tôi chơi. Trong cơ quan có một chị mà tôi rất ghét. Chị nói năng rất ngọt. Chị lại hay nịnh. Bác trưởng phòng mẹ tôi có vẻ thân với chị ấy. Tôi thấy chị ấy hay đùa với bác, gọi bác là "sếp" luôn miệng, và "dạ" thật to mỗi khi bác gọi.
    Thế rồi bác ấy đến tuổi về hưu. Nhưng bác ấy nhớ cơ quan và thỉnh thoảng vẫn đến chơi. Vả lại, đây là cơ quan về chữ nghĩa nên "hưu" nói chung cũng chỉ là một cái mốc hành chính, chứ về mặt công việc, quan hệ, thì vẫn thế. Người ta vẫn ngồi bàn chuyện với bác về sách vở, kiến thức. Chỉ có chị kia là không nói chuyện nhiều với bác nữa.
    Một buổi chiều, mẹ tôi nhờ tôi ngồi đánh máy công văn. Bác trưởng phòng ấy vào cơ quan, lúc ấy chỉ có tôi và chị "đáng ghét". Bác ấy tìm cái gì đó trên bàn chung mà không có. Rồi bác nói to, cái sổ điện thoại đâu rồi nhỉ? Chị kia ngồi im, không trả lời. Bác hỏi lần nữa, và nhìn vào cái gáy chị "đáng ghét" đang cúi xuống chăm chú làm việc. Chị không ngẩng lên. Thật không giống chút nào với ngày xưa, cái ngày chị có gì ăn cũng mang mời "sếp", thân thiết "bố bố con con"... Từ hôm ấy, tôi thấy bác ít vào cơ quan hẳn.
    Nói bác về hưu là "kẻ ngã ngựa" thì thật là quá đáng. Nhưng nói "ngã ngựa" thật ra cũng là dành cho những ai không còn trên lưng ngựa. Mà đâu đâu cũng gặp cảnh người-ngồi-ngựa-ngã-ngựa thế này. Thế nên tôi thích cái cách cổ động viên Hàn Quốc hô to rồi đồng loạt giơ tay ra sau mỗi tiếng hô, mặt nghiêm trang và đáng tin cậy, như bố mẹ giơ tay sẵn sàng đón con rơi từ trên lưng ngựa xuống, thấy mới nhân nghĩa làm sao. Lại nghe anh bình luận viên nói, người Việt Nam chúng ta phải học họ thôi. Anh nói đúng, nhưng nhiều khi các anh đã chẳng làm gương cho chúng tôi, từ đầu giải đến cuối giải, có gần một tháng thôi, người ta đã thấy các anh quật bao nhiêu là kẻ ngã ngựa.
    (Thể thao- Văn hoá 2002)
  3. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Yêu
    (Phan Thị Vàng Anh)
    ********​
    Đề ngoại khoá vỏn vẹn một chữ: "Yêu", giới hạn trong một ngàn chữ. Đã có những câu hỏi, đại loại: "Thưa thầy, viết cái gì, nghị luận yêu hay quan điểm riêng trong yêu?", hoặc "Kể chuyện yêu của mình thôi có được không thầy?" Thầy cười: "Sao cũng được, miễn là xoay quanh yêu, nhớ là một ngàn chữ!"
    Tôi không được khoẻ, tôi cúm từ đêm qua. Đêm qua, chúng tôi đi trong mưa, ướt lẹp nhẹp, tôi ngả đầu lên vai Nhã, nhìn các cửa hiệu tắt đèn dần mà nghĩ: "Chuyện này sẽ kéo dài đến khi nào?". Tôi hỏi Nhã câu này, Nhã đã nhăn mũi trêu: "Mơi!" Tôi lại hỏi: "Em có biết em đang làm gì không?" Nhã cũng hỏi lại: "Chị có biết chị đang làm gì không?" Tôi cười: "Biết, chị lo một ngày em tỉnh ra!". Một con mèo từ bên đường tự nhiên chạy vụt qua, cái xe chúng tôi loạng choạng, và câu chuyện dang dở ở đó.
    Chúng tôi đã làm gì nhỉ? Đã nuôi phải đến ba con heo đất, ngày mua gọi là sinh nhật, ngày đập gọi là ngày giỗ, hai ngày vui ngang nhau. Cả nhà tôi nhìn con heo, bĩu môi: "Dị hợm!", tôi không nói gì; Lại hỏi: "Chúng mày vẫn xưng chị, em?" Tôi bảo: "Tôi tên chị, nó tên em, vậy thôi!" Tiền heo, tôi giao cho Nhã giữ, hai đứa chi tiêu như một gia đình nhỏ, ăn một quả ổi cũng bàn nhau; tôi hơi buồn cười, tất cả những trò vui này, chỉ cần đi kèm một tờ đăng ký kết hôn là khó chịu hẳn!
    ...Cái đề này thật khó viết, khó vì tôi không hiểu cái mà mình đang nói có phải là tình yêu không, hay chỉ là một trò lạ cho cả hai người, một thằng bé mới lần đầu "vào đời", và cho tôi đã qua âm u, giờ loá mắt bởi sự trong sáng?
    Sáng qua, chúng tôi bắc thang lên mái tôn hái vú sữa. Vú sữa vú bò, tím đen, bé tí teo và đầy hột. Nắng lên và mái tôn ấm dần, Nhã nắm bàn chân tôi: "Nóng mất rồi!". Mẹ tôi ngồi dưới sân rửa bát, hỏi to: "Trên ấy nhiều quả chín không?" Nhã cười: "Dạ, rất nhiều quả ngọt!". Nhã hỏi nhỏ: "Chừng nào tụi mình mới được ngang nhiên?" Tôi thấy mệt mỏi: "Chừng nào tụi mình ở riêng! ... Mà chuyện ấy không bao giờ có đâu?" Nhã bóp mạnh chân tôi rồi buông ra: "Chị lúc nào cũng nói thế!" Rồi chúng tôi đi hái quả, vừa hái vừa ăn, từ trên cao, Nhã lấy vỏ nhắm gà đi quanh quẩn dưới sân mà ném. Tôi muốn khóc, nó lại quên mất rồi, nó lại đang vui rồi, nó đang nheo mắt nhắm gà, nó vẫn là trẻ con, cái gì đến và đi cũng nhanh, với nó.
    * *
    Tôi phải kể lại chúng tôi đã quen nhau ở đâu. Ở lớp học thêm Anh văn tuần ba buổi với một buổi cúp điện được thay bằng đèn dầu. Con gái thầy, mỏng manh và tinh khiết như bằng sứ, lần lượt mang ra những cái đèn to, nóng ngốt ... Những chi tiết này, chúng tôi vẫn nhắc lại luôn. Nhã thêm: "Hồi ấy ngồi cạnh chán chết, chị chẳng bao giờ thèm làm bài tập!". Tôi cười: "Thì em cũng thế, có nhờ được gì đâu!" Nhã vẫn nhắc lần đầu đến nhà tôi, mẹ tôi ra nói: "Cháu vào không? Chị Mai Hoa đi chơi rồi!" Nhã vào, mượn cái chổi, ra quét vườn chờ đợi. Hôm ấy tôi đi đâu? Tôi đén nhà Thảo, Thảo nói: "Đừng ngại, kể ra đi cho đỡ khổ, vì sao chúng mày chia tay?" Tôi cũng không biết vì sao anh ta bỏ đi, tôi nói: "Tao không khóc vu vơ được, phải có lý do, mà tao nói rồi, tao không biết lý do!". "Hôm ấy - sau này Nhã kể lại - sao vườn nhà chị đầy lá mục và tổ kiến, em vừa quét vừa nghĩ: Thôi, mình ngu rồi!". Ra vậy, ngày hôm ấy, tình yêu đã mon men đến nhà tôi mà tôi không biết, một năm sau tôi vẫn không biết.
    ... Tôi đếm thử, khoảng bảy trăm chữ rồi, phải chừng mực lại thôi, để phần cho cái kết. Hôm qua mẹ tôi cũng nói: "Phải chừng mực lại thôi!" tôi cãi: "Con không thích sống cứ phải lo để phần!". Ba tôi hiền lành hơn: "Con không nghĩ đến con sao?" Nghĩ nhiều lắm chứ, không phải chỉ nghĩ đến mình tôi, tôi nghic đến ba mẹ, đến tôi, đến ông chồng tương lai của tôi, đến những đứa bé tương lai của tôi ( hai hạng nhân vật này có thể không bao giwò có!), và rồi không biết làm gì, đành đổ tội "Duyên số". Mẹ tôi đề nghị: "Để tao lấy tử vi cho hai đứa!". Mất hai buổi trưa tôi nằm cạnh đợi luận từng sao như đọc kết quả xổ số, tôi không trúng giải, mẹ tôi tóm tắt: "Mày hai đời chồng, không thấy đời nào giống nó. Nó rất lăng nhăng, thậm chí sa đoạ!" Tôi cãi:"Có thấy gì đâu!" Mẹ tôi cười: "Đang nói chuyện tử vi, với lại đời còn dài, ai mà biết được!"
    Không ai biết được thật, thế thì lo xa làm gì. Đêm qua, có mưa trái mùa, Nhã "quyết định": "Được ngày nào hay ngày đó!". Vậy là, cứ tiếp tục nuôi heo đất với nhau tạo cảnh gia đình, rồi lớn lên tự đổi xưng hô, rồi cứ thế, cứ thế ... Một ngàn chữ hết rồi, cũng như câu chuyện cũng bế tắc rồi, tôi nộp bài. Chấm hết."
  4. 268268

    268268 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/04/2007
    Bài viết:
    1.737
    Đã được thích:
    0
    ủa sao em đọc cái bài ''Yêu" bác post mà em chẳng hiểu gì hết cà.
  5. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Ở đâu có bán kính viễn vọng
    Thảo Hảo​
    "Cái chết của một sao chổi
    Mỗi lần sao chổi tiến đến gần Mặt Trời, sức nóng của Mặt Trời làm nó mất đi hàng triệu tấn bụi khí. Trong lần xuất hiện cuối, sao chổi Halley đã bị mất từ 15 đến 30 tấn nước trong một giây. Ðến một lúc nào đó kho dự trữ nguyên liệu sẽ cạn kiệt và những dấu hiệu già cỗi bắt đầu xuất hiện... Một trong các sao chổi sắp kết thúc cuộc đời là sao chổi Encke. Sao chổi Encke đã biểu lộ những dấu hiệu của một sao chổi già cỗi, không còn khả năng tạo ra một cái đuôi có thể quan sát được. Có lẽ chỉ trong khoảng 100 năm nữa sao chổi nầy sẽ "chết" hẳn và chỉ còn để lại một tảng vật chất chu du đơn độc trong hệ Mặt trời."
    Nhớ khi còn nhỏ, được đọc "Hoàng Tử Bé", đến đoạn Hoàng Tử muốn quay lại cái tiểu hành tinh của mình để gặp lại bông hồng năm ngày ba tật, mà thân xác thì nặng, đành phải nhờ con rắn mổ cho một phát giúp hồn lìa xác; tôi khóc quá là khóc, ra ngoài hiên ngồi nhìn lên trời, và ước gì mình có... cái kính viễn vọng.
    Mấy chục năm sau, lại có cái thôi thúc muốn mua được cái kính viễn vọng con con. Lần này cũng do đọc sách, nhưng là sách khoa học, loại kiến thức phổ thông cho mọi người - cái quyển có đoạn nói về sao chổi bên trên, "Những Lữ Khách Của Hệ Mặt Trời", của tác giả Phạm Thanh Minh.
    Trong sách, những phần công thức tính toán (ít thôi) tôi bỏ qua nhanh, đọc chủ yếu phần nói về các tiểu hành tinh (có cái dạng như củ khoai tây, có cái dạng như quả chuối...), phần giải thích thế nào là sao chổi (là những tảng băng tuyết đường kính vài km, trộn lẫn các hạt bụi bẩn, xuất phát từ một vùng tối tăm, lạnh lẽo của vũ trụ...), rồi giả thuyết vì sao khủng long tuyệt chủng (65 triệu năm trước, một vật thể rơi xuống trái đất...), hoặc rất hay là đoạn tả vệ tinh Giotto đi làm nhiệm vụ bay qua nhân sao chổi Halley để chụp ảnh cho chúng ta xem, rồi bị thương và lạc hướng như một người lính thực thụ.
    Sách hơi ít hình và sơ đồ - cái cần có cho sách loại này. Sách còn một số lỗi chính tả loại Bắc - Nam, và thỉnh thoảng một số chỗ mâu thuẫn nho nhỏ. Nhưng trong hoàn cảnh sách hiện nay, đối với tôi, một cuốn sách như vậy là quá tốt rồi, khoảng trăm rưởi trang để đọc trong khoảng hai ngày, lúc rảnh rỗi, vừa có thêm kiến thức, lại vừa thúc đẩy mình ý muốn có cái kính viễn vọng, nghĩa là làm sống lại cái phần lãng mạn tưởng đã chết từ lâu.
    Phải thú nhận cái phần mơ màng của mình khi đọc sách thì cũng hơi khó, nhưng quả thực đọc sách này có lúc thật là buồn, nhất là cái đoạn: "Chuyện gì sẽ xảy ra khi các nhà thiên văn phát hiện một vật thể có kích thước lớn khoảng vài km đang trên đường hướng vào Trái Ðất? Nếu người ta phát hiện ra nó chỉ 5 năm trước khi nó va vào Trái Ðất, thời gian quá ngắn để có những chuẩn bị đối phó cần thiết và có lẽ người ta sẽ hối hận vì đã không phát hiện ra nó sớm hơn."
    Thật chẳng còn cái chữ nào làm người ta đau lòng hơn cái chữ "hối hận" trong đoạn này. Tôi bỗng nhớ hôm trước nghe chuyện về hai người bạn, một người gọi cho người kia, nói: "Anh đọc trên báo thấy bảo 300.000 năm nữa trái đất sẽ không còn, sao mà buồn quá." Thế là hai người cùng buồn. Họ biết rằng như thế thì có vẻ quá vớ vẩn, những 300.000 năm nữa và đây mới chỉ là giả thuyết. Nhưng mà vẫn cứ lặng cả người, tiếc thì đúng hơn, chừng đó công sức con người, rồi bao nhiêu là tình cảm... Mình là hạt bụi tỉ tỉ năm mới đến cái hành tinh mỏng manh này có một lần, và không bao giờ trở lại được nữa, nhưng sao mà yêu nó vậy!
    Tôi định thế này, mỗi khi có dịp, đọc được quyển sách nào, có cái gì hay, tôi nói cho bạn cùng biết. Có khi cả quyển được có một chương, hay khá hơn là nửa quyển, nhưng có lẽ cũng không nên quá cầu toàn. Như quyển sách trên kia chẳng hạn, còn những chỗ trúc trắc, lại chưa thật là hệ thống, nhưng cái phần kiến thức bổ ích (dù là phổ thông) thu được thì rất nhiều. Chưa kể, nếu chịu khó đọc đi đọc lại thì lại càng an tâm mà đi chơi tối với... cháu, để nó có chỉ lên trời và hỏi câu này câu kia thì mình người lớn cũng có cái mà trả lời.
    Thể thao-Văn hoá 2002
  6. nhl81

    nhl81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/09/2005
    Bài viết:
    445
    Đã được thích:
    0
    Lên đường đi các bác
    THảo Hảo
    ******​
    Còn nhớ vào những năm 77 - 78, ở phường tôi, cứ vào nghỉ hè, buổi sáng khoảng 5h, trẻ con dậy, tập họp, mang theo cái chổi đi quét đường cho cả phố. Lại nhớ, khi đó, đường Nam - Bắc còn diệu vợi. Phong trào "Con tàu Kế hoạch nhỏ" ra đời. Trẻ con thấy giấy vụn là nhặt. Giấy không vụn cũng vu cho là giấy vụn. Vỏ chai, vỏ hũ chao đố mà thoát được. Có đứa hũ chao cả nhà ăn chưa hết cũng lén đổ đi để lấy hũ không; tất cả tình nguyện làm kế hoạch nhỏ để hướng tới một con tàu nối hai miền mà bản thân cũng không hề nghĩ là mình sẽ được ngồi trên đó.
    Không chỉ nhặt giấy vụn, ở ngoại thành, có trường còn đào ao nuôi cá. Ngay trong trường tiểu học cạnh nhà tôi lúc đó, học sinh cũng trồng rau lang tăng gia. Chiều chiều chia nhau đi tưới rau và bắt sâu, nhổ cỏ. Quỹ rau lang do một trò được cô tin cẩn nhất giao cho giữ. Ngày nào cũng đếm đi đếm lại tiền bán rau. Có hôm để lạc mất túi tiền con thì thật là một cơn ác mộng cho toàn thể đại gia đình.
    Ðó là những năm, theo trí nhớ của tôi, phong trào Ðội và Ðoàn vô cùng đẹp. Khăn quàng đỏ đối với Ðội viên không phải là xa xôi biểu tượng, mà đúng nghĩa đen là vật bất ly thân. Và Ðoàn viên Thanh niên xung phong với mũ tai bèo, đào không biết bao nhiêu con kênh, khi ấy với rất nhiều thanh thiếu niên, là thần tượng.
    25 năm rồi, có những khi tưởng tinh thần thanh thiếu niên tình nguyện ấy biến mất. Anh phụ trách Ðội chiều nào cũng thấy nhậu. Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên thành quán cà phê...
    Thế rồi bây giờ cái không khí Ðoàn rõ ràng đã sống lại; lại "mạnh giỏi" dưới những hình thức khác, là thanh niên khu phố chiều chiều mặc áo xanh, đội tai bèo, cầm cờ đỏ điều khiển dòng xe lúc tan tầm; Là sinh viên đại học về vùng sâu, vùng xa làm "Mùa hè xanh", (có khi chia tay, trẻ con đi theo khóc sướt mướt); Là thanh niên tình nguyện hướng dẫn thí sinh tỉnh xa lơ ngơ về thành phố thi đại học; Là những hình thức Ðoàn địa phương gây quỹ, hiệu quả mà chẳng ồn ào [1] ...
    Càng vui chuyện phong trào thanh niên tình nguyện hồi sinh, thì lại càng chán chuyện người già, nhất là người già trí thức.
    Hôm nọ, tôi có dịp được rót trà cho khoảng chục vị trí thức cũng là có cỡ. Những câu chuyện của họ quả thật là thâm thúy. Thâm thúy và chua chát. Ðến nỗi sau khoảng hai tiếng đồng hồ ngồi hóng hớt thì tôi thấy cuộc sống này hoàn toàn bế tắc và chỉ những muốn lao ra đường, hít thở một thứ không khí gì đó, gì cũng được, miễn có lối thoát hơn.
    Ðành rằng bản chất của trí thức là luôn luôn không hài lòng, nhất là khi xã hội còn vô vàn bất cập với tệ hại. Vả lại cái lối so sánh hoài cổ như Lỗ Tấn nói, "bánh bao ngày xưa bao giờ cũng to hơn bánh bao ngày nay", ừ thì không tránh khỏi. Nhưng ở nhà mình, hình như các bác trí thức già kia lại quá chìm đắm trong sự so sánh kêu ca mà ít làm gì bằng tay chân cụ thể. Các bác ngồi với nhau vạch ra cái sai sót của xã hội, của cơ chế thì hăng lắm, nhưng cùng nhau lên đường làm một Mùa Hè Xanh đóng góp với cộng đồng thì các bác ngại ngùng.
    Tôi có đọc một bài báo nói về các cụ già ở một tỉnh nước Anh, trước là thợ máy, kỹ sư, nay rủ nhau làm việc tình nguyện bằng cách thu gom máy móc phế thải, cùng nhau sửa lại, gửi tặng những nước rất nghèo, thiếu máy móc. Và thế là, cuộc đời các cụ lại được cuốn vào công việc, không còn thì giờ rảnh mà ngồi so sánh bánh bao của các thời.
    Thế thì, lên đường đi, các bác trí thức hưu trí ơi! Quanh quẩn mãi ở những thành phố lớn mà hóa hẹp, trong khi có biết bao nhiêu thứ kỳ thú đợi các bác ở những vùng xa. Nếu bác từng là giáo sư, thì giờ là lúc bác dạy học cho trẻ con chưa biết chữ. Nếu bác từng là bác sĩ, thì nay bác chỉ cho nông dân biết cách lập tủ thuốc gia đình. Hay nếu bác từng là nghệ sĩ ưu tú của Nhà hát, thì bác hãy đứng ra tập kịch cho thanh niên của bản. Còn như bác nhà văn kia tính vốn thúc thủ không muốn làm gì, thì ít nhất bác cũng nên sống thử đời sống của những người còn lạc hậu, và nếu có thì giờ, thì bác dạy cho con họ đánh răng.
    Lên đường đi, các bác trí thức hưu trí ơi! Ðã được hưởng đời sống thành thị đủ rồi, giờ không còn bị hành chánh cơ quan câu thúc, các bác có thể ung dung mà san sẻ kiến thức và kinh nghiệm với cộng đồng rồi đấy!
    Hãy nghĩ xem, thưa các bác! Các bác có uy tín hơn hẳn lũ đầu xanh sinh viên kia! Mỗi lời nói và hành vi của các bác đều có cả một sự nghiệp sau lưng bảo chứng, trong khi lời bọn chúng nói đến chúng nhiều khi cũng còn hồ nghi. Vậy sao cái bọn trẻ ấy, chúng dám có Mùa Hè Xanh cho mình, mà các bác thì cây đời càng ngày càng xám?
    Thể thao-Văn hoá, 11.07.2003
  7. tang thanh

    tang thanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/04/2007
    Bài viết:
    6
    Đã được thích:
    0
    Rất tuyệt! Tôi rất thích những truyện của PTVA -Thảo Hảo. Đã lâu tôi có đọc được quyển "Nhân trường hợp chị thỏ bông", nhưng đọc nhờ của người khác nên chưa đọc hết. Giờ rất muốn đọc. Bác andersen có nhã ý thì đưa lên cho tớ xem với được không? Cảm ơn bác nhé!
  8. zetx_090

    zetx_090 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    26/11/2006
    Bài viết:
    126
    Đã được thích:
    0
    Thật ra mình k thích những truyện ngắn như thế này lắm ! Đọc cứ thấy đời buồn mà cay nghiệt làm sao ý !Dù sao cũng cảm ơn bạn đã post truyện !
  9. nang_tien_tren_cong_co

    nang_tien_tren_cong_co Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/03/2003
    Bài viết:
    1.101
    Đã được thích:
    0
    Ý bạn muốn nói đến truyện ngắn hay tản văn ? Thực ra đều là cuộc sống thực bấy lâu nay chúng ta vẫn sống, có điều chúng ta có nhận ra chúng hay là không thôi. Tớ thấy đời vẫn thế, có điều ý thức được mặt trái của nó để nếu có thể (biết đâu đấy), hoặc khi có thể , mình có thể giảm thiểu nó hay làm nó tốt đẹp hơn.
    Như bài "Đánh kẻ ngã ngựa" chẳng hạn, tớ thấy rất hay, không chỉ giới hạn về vấn đề bình luận bóng đá mà còn động đến thói quen lâu nay của nhiều người dân: khi thấy một ai "ngã ngựa", lập tức cho rằng họ đã sai lầm, họ dở, họ có khuyết điểm sai trái ... mà không thèm để ý xem hoàn cảnh của họ như thế nào. Thử nhìn lại mình xem, biết đâu mình cũng đã đôi lần vô tình "đánh kẻ ngã ngựa" đấy. Nên đọc, và nhớ sau này, nếu có thấy ai ngã ngựa, chí ít cũng đừng vô tình dúi họ xuống thêm làm gì.
    "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối" mà zetx, cứ thoải mái thoáng thoáng ra là bạn thấy dễ chịu với thể loại này ngay.
    Bạn gì yêu cầu post tập "Nhân trường hợp chị thỏ bông": bạn cứ đọc lại chủ đề này, những bài viết kí bút danh Thảo Hảo đa số là từ tập thỏ bông đó đấy. Have fun
    Mấy bác bây giờ không post truyện nữa à. Mong quá đây nè
  10. andersen

    andersen Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/02/2006
    Bài viết:
    130
    Đã được thích:
    0
    Chào các bạn,
    Phan Thị Vàng Anh (Thảo Hảo) là một nhà văn, nhà báo có TÀI, có TÂM, và có TẦM. Như vậy đã quá đủ để nói về chị.
    "Hổ phụ sinh hổ tử", có thể bổ sung thêm.
    Xin gửi các bạn link download một số truyện ngắn và bài viết của chị:
    1, Truyện ngắn:
    http://rapidshare.com/files/29829499/Truyen_ngan_PhanThiVangAnh.pdf.html
    hoặc:
    http://www.box.net/shared/nj139o2vjh
    2, Tạp văn:
    http://rapidshare.com/files/29829685/Tap_van_ThaoHao.pdf.html
    hoặc:
    http://www.box.net/shared/cfvqrmn5f9
    "Hôm nay trời nắng chang chang
    Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
    Chỉ mang một cái bút chì
    Và mang một mẩu bánh mì con con. "​
    - Người lớn chả bao giờ viết được những câu tương tự thế
    - Chỉ dạy trẻ con những câu kiểu này, chúng mới tiếp thu được thôi
    - Và cho đến hiện tại, một đứa (chẳng còn trẻ con mấy nữa) vẫn đều đặn nhét mẩu bánh mì (chả con con đâu) vào ba lô mỗi sáng đi học, đi làm (dù đang ở đâu)
    Chúc các bạn có những cảm xúc đẹp!

Chia sẻ trang này