1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Thuần

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi duong_chieu_la_rung, 17/08/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. duong_chieu_la_rung

    duong_chieu_la_rung Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/05/2003
    Bài viết:
    970
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Thuần

    Ngày Bất Tận Và Ngân Dài Từ Đó
    Nguyễn Ngọc Thuần

    Đôi khi tôi tự hỏi rằng, những người đàn bà quanh tôi , họ sống vì điều gì . Ngoại tôi , mẹ tôi, chị tôi, người đàn bà láng giềng, và cuối cùng , tôi biết rằng mình chẳng bao giờ biết được điều đó.
    Tôi không biết những buổi chiều như thế này, mẹ đang làm gì . Trong thư mẹ viết : " Mẹ nhớ con lắm " . Chỉ viết được bấy nhiêu đó .Có lẽ mẹ đã nhờ ai đó trong xóm dạy cho những con chữ như trẻ con này . Và tôi cũng biết , mẹ đã viết nó sau buổi ra đồng , chờ khi mọi người đi ngủ, mẹ lần mò thắp đèn :" Mẹ nhớ con lắm" . Hàng chục lá thư mẹ gởi cho tôi, nét chữ ngoài bìa thư không bao giờ là của mẹ, của chị, nét chữ đó của cô bưu tá . Mẹ đã len lén đi bốn cây số xuống thị trấn , rồi mẹ đọc cái địa chỉ của tôi cho một người lạ .Mẹ làm điều ấy vì cớ gì, tôi không bao giờ dám hỏi. Tôi sợ mẹ không thể trả lời thư cho tôi ngoài chữ :" Mẹ nhớ con ..." .

    Bây giờ đã là cuối đông rồi. Cái lạnh như núi đồi, chúng trải dài khuất lấp tầm mắt tôi . Tôi nhớ mùa xuân 1957, một nỗi nhớ qua một nỗi nhớ của người khác , ngoại tôi. Ngoại đã ôm một đàn con bảy đứa trốn chui trốn nhủi vào nơi này . Ngoại đi trốn món nợ tiền kiếp của đời mình , đó là ông . Ông say, ông uống rượu và ông đánh đập . Ông chỉ vì rượu thôi.Ngoại nói như vậy . Nói mà không một chút giận hờn . Ngày xưa, ông chịu khó làm ăn, nhưng vô phước, ngoại không đẻ được con trai. Thế là ông buồn sinh tật . Ông không kể gì nước sôi , nếu có nước sôi trong tay. Vết bỏng trên tay ngoại , nó đã liền da hai chục năm rồi . Thật kỳ lạ . Người ta có thể nhìn vào một vết bỏng để nhớ về cuộc đời mình. Để chạy trốn từ Bắc chí Nam .

    Từ Ban Mê Thuột , ngoại đem bảy đứa con vào Sàl Gòn . Yên ấm một thời gian bỗng dưng ông lù lù xuất hiện .Thế là ngày ngày cung phụng rượu thịt cho ông . Rồi chứng nào tật nấy , ông lại đánh đập . Biên Hòa là cái đất cuối cùng ngoại đến . Ông cũng chẳng tha đâu , nhưng sức lực chẳng còn để mà đánh nữa , già rồi , sự độc đoán cũng bị chi phối theo tuổi già mà tàn lụi đi .Và đó là những năm tháng hạnh phúc nhất của cuộc đời ngoại . Những năm tháng được tính bằng con số ít ỏi , bốn năm . Bà ngâm Kiều thanh thản nơi góc vườn . Và như chiều nay, bà đẩy chiếc xe lăn cho ông nhìn khu vườn , để rồi nghe được một giọng nói khàn đục : " Bà nó ơi ..." . Mái tóc bà bạc trắng , bà đưa ông đi , mái tóc ông cũng bạc trắng như vậy . Tuổi già như một thứ trái chín trên cành , thơm là thơm mùa cuối .
    Những buổi chiều như chiều này , một chiếc lá vàng đã rơi vào tay tôi . Thằng con tôi nói, bố ước đi, đến ba điều đó . Tôi đã nói với nó rằng , bố ước gì con có được ba điều ước . Rồi chợt giật mình, hình như tôi chỉ ước toàn những điều cho con tôi , mà con tôi chính là của tôi . Tôi chưa ước điều gì cho mẹ, cho chị, cho tất cả những gì không thuộc về mình .

    Buổi sáng , tôi đã uống cà phê quá đà rồi lơ mơ thấy cuộc sống như một vết xe . Chúng đã trợt qua trên chiếc kim đồng hồ của mọi thứ .

    Vợ tôi giờ này có lẽ vẫn còn nằm ở nhà . Nàng chẳng bao giờ tin, một buổi sáng nhìn ra mặt đường sẽ đem đến cho người ta một ý nghĩ tuyệt vời nào đó . Nàng chỉ tâm niệm mỗi một điều thôi cách giữ chồng khéo nhất là cho chong ăn ngon . Vậy đó . Và đôi lúc nàng không tránh khỏi gieo vào đầu tôi cái ý nghĩ, nàng đang đối xử với tôi như một con heo . Vừa tạp ăn vừa xa xỉ . Một ngày nàng nấu ba bốn món ăn , mỗi món đều có hương vị của thiên đường . Ăn đi mình . Rồi nàng kiên nhẫn chờ tôi nói một lời gì đó. Đôi mắt nàng làm tôi đau . Một cơn đau nhói đâu đó từ phía sau lưng như bị một phát đạn của sự yêu thương . Những yêu thương luôn làm tôi bối rối .

    Tôi nhớ chị tôi , năm mười tám thì lấy chồng . Chồng chị chẳng bao giờ trò chuyện vơi gia đình tôi , gặp mặt chỉ cười cười ,thế là đủ . Và chúng tôi phải tập yêu thương anh như yêu thương một cái gì không nói , một cái gì chất chứa câm nín . Một năm.sau bỗng dưng anh trở bệnh và đột ngột mất.Tưởng chị bơ vơ một lúc, hóa ra một đời . Những tình yêu không nói khi mất đi còn lớn hơn những gì đã nói . Nó lớn đến nỗi bủa vây cuộc đời chị . Buổi chiều đi ra cánh đồng tôi thấy chị cuối mặt trên những đường cày như đang tìm những dấu vết . Mà một đời người có để lại nhiều dấu vết đâu.Thi thoảng trên những mảng tường , những hàng cây đang mọc, trên những chiếc hoa be bé trong vườn , cái nào là dấu vết của anh . Để rồi tuổi xuân của chị tôi vùi sâu ở đó, quên lãng và một mình .

    Sau bốn năm lặng lẽ sống bên bà , cuối cùng ông tôi cũng ra đi vào một ngày muộn màng .Ông vội vàng đến đỗi tôi chưa kịp hỏi ông lời nào về cuộc sống này . Chỉ còn con vẹt , nhân chứng từng phút cuối , một nhân chứng mơ hồ không có gì khác ngoại trừ một lời nói mà những ngày nhàn rỗi cuối đời ông đã dạy cho nó nói lời của ông . Vừa ho khù khụ , vừa rụt rè, vừa khàn đặc. Nó rống lên : " Vân Tiên cõng mẹ khụ khụ , cõng me, khụ khụ..." . Đó có phải là giọng nói của ông tôi ? Chỉ biết bà đã khóc khi nghe những lời nói đó.Lạ lùng làm sao dấu vết của một đời sống chỉ còn bấy nhiêu, một đời vẫy vùng càn quấy chỉ còn bấy nhiêu trong tiếng vẹt hằng đêm không ngừng réo gọi . Chị tôi sợ lắm bảo thả con vẹt đi , nhưng ngoại tôi không đồng ý . Không có gì kinh khủng hơn những buổi chiều tối trong căn phòng không ánh đèn , ngoại thu lu ngồi nghe con vẹt nhắc lại những âm thanh cũ . Những âm thanh đã chết từ rất lâu , lâu đến nỗi tôi không thể hình dung nếu như không được nghe lại chúng .Tôi vội vàng thắp đèn , rồi bỗng dưng giật mình khi thấy tóc ngoại bạc trắng . Đó là một sắc màu sợ hãi và bí ẩn lớn nhất của cuộc đời mà tôi đã gặp . Tôi không biết ngoại đã nghĩ điều gì trong buổi chiều như vậy, nghĩ gì khi khóc thương những âm thanh kia .

    Chiều nay tôi lại nhận được thư mẹ : " Mẹ nhớ con. Khi nào rảnh, con nhớ về " . Mẹ đã viết được thêm một vài con chữ mới . Thật lạ lùng làm sao những con chữ này, chúng như nhảy múa, chúng vật vã vì chứng yêu thương . Chúng là tất cả những gì mà mẹ tôi có thể .

    Tôi đã đi dọc suốt chiều dài của buổi chiều hôm nay . Chiếc lá đang rơi nào là điều ước cho mẹ tôi , cho tôi , và cho thêm một ai đó . Chúng đã rơi hàng vạn lần trên con đường này , chúng đã rơi như một thói quen , và tôi cũng đã sống như một thói quen mỗi khi đi qua . Quen cả những điều lạnh lùng hơn một chiếc lá .

    Buổi tối tôi nhìn lại hình mẹ trong những tấm ảnh đen trắng vàng úa rồi chợt giật mình , mẹ cũng có một thời thật đẹp đẽ với chiếc áo nhung đen cổ lọ và mẹ thoa son . Nhưng hình như chưa bao giờ thấy mẹ cười dù chỉ một lần trong những tấm ảnh như vậy . Có thể lúc đó mẹ không quen chụp hình , nhưng cũng có thể những điều ấy đã nằm sẳn trong cuộc đời mẹ từ lúc nào rồi .Chúng đã dự báo một điều gì bất an luôn thường trực xảy ra .

    Trong ảnh , mẹ đang ẵm tôi. Tôi bận một chiếc áo màu nhạt . Và tôi đang khóc. Tôi đã khóc mãi không cách gì dỗ được nên cuối cùng ông thợ ảnh đành phải ghi lại một " pô" vào thời điểm như vậy . Cái miệng ngoác ra không âm thanh . Nhưng lạ lùng thay tôi như nghe thấy những tiếng động gào thét từ những câm lặng đó . Nó đã thét một lần vang vọng đến bây giờ .

    Năm đó mẹ tôi vừa tròn hai mươi . Hai mươi tuổi đã là mẹ của hai đứa con. Nhiều lúc tôi cứ hay suy nghĩ vẩn vơ, mẹ đã hưởng được bao nhiêu năm cái thời con gái của mình . Tất cả như lớp phấn hồng cứ chìm xuống, chìm dần, chúng chìm đến độ tôi quên bẵng một điều mẹ cũng đã từng có một thời cổ lọ với nhung đen .

    " Tết này con nhớ về . Mẹ nhớ con lắm " . Lại thêm một lần nét chữ của mẹ . Công này tôi vừa được biết là thuộc về con bé Lan trong xóm . Nó đã dạy cho mẹ tôi, hay nó đã dạy cho tôi một bài học yêu thương là phải như thế này . Tôi đã viển vông thật nhiều , đã bay bổng thật nhiều nhưng chưa hề nghĩ đến một việc cỏn con là cần phải chỉ cho mẹ một tiếng nói để mẹ có thể gói nó lại trong những phong thư, vì mẹ luôn luôn muốn nói một điều gì đó với đứa con bằng phong thư .

    Lá thư của mẹ đã nhắc tôi nhớ rằng một mùa xuân đã đến khẽ khàng như tiếng thở dài ở ngoài kia , cùng hàng loạt điều ước của mẹ đã rơi rụng như lá vàng mà tôi đã nhặt . Bảy năm rồi . Chiếc xe đò bì bõm mùi cá mắm . Những khuôn mặt như chật chội vì những lo toan , tất cả ùa về ngầy ngật .

    Căn nhà cũ vẫn vậy như năm xưa lúc bố tôi còn sống . Bây giờ còn lại ba người đàn bà mà tôi yêu : ngoại, mẹ và chị . Chị nắm tay tôi run run , không biết nói một lời nào . Tôi luôn sợ một tình cảm không nói như người anh rể trước . Đó là một thứ tình cảm lớn lao mà đời tôi không bao giờ muốn gặp . Như một thứ điềm báo quỉ quái nhất trên cuộc đời này . Cuối cùng thì chị cũng òa lên : " Em về chị mừng lắm " . Mẹ tôi chạy ra rồi cũng như chị rồi khóc rồi cười .

    - " Ngoại đâu rồi chị ? " .
    - " Ngoại đang đi tìm con vẹt. Dạo này nó già lắm rồi , cứ chạy lung tung trong vườn rồi quên đường vê . "
    - " Nó vẫn còn ngâm Lục Vân Tiên chứ? " .
    - " Không. Nó chỉ ho khù khù .Hình như nó không còn nhớ nữa" .

    Đó là điều tồi tệ của trí nhớ mà tôi vẫn biết qua cuộc đời mình , như cái thùng rỗng, tôi chỉ kêu to một vài lần khi nỗi nhớ thổi qua , và chỉ có thế thôi.

    Tối ba mươi mẹ thì thào : " Chị mày dạo này hư lắm , nó uống rượu con à . Hãy lựa lời mà khuyên nó hộ mẹ" .

    Hèn gì đã ba hôm nay tôi thấy chị thập thò trong chiếc bàn góc tối . Chị ngồi im một mình khiến đôi lúc tôi chợt nghĩ chị muốn sống một khoảnh khắc cho riêng cuôc đời chị . Chị được quyền làm điều đó chứ . Chị đã hi sinh cả cuộc đời mình có gì riêng cho chị đâu . Tôi đã rót một ly rượu dúi vào tay chị trong cái đêm ba mươi này và chị bật khóc .Chị khóc tức tưởi như một đứa trẻ chợt thấy một ai đó bênh vực mình .

    Mùi nhang khói từ ngoài sân ùa vào như một thứ bùa mê , chúng đã phanh phui từng nỗi nhớ một của đời tôi . Từ khu vườn cho đến khúc sân mà ngày xưa bố đã đổ từng giọt mồ hôi trên đó , tôi cứ miên man đi trong sự bận rộn kỳ bí cho đến khi vấp phải một người đàn bà . Đúng vậy, một người đàn bà nhỏ đang ngồi thu lu trong góc vườn , và đang che giấu điều vĩ đại nhất .

    - " Ai ? " . Tôi hét lên . Cả nhà đổ ra,
    - " Trời ơi con Lan, mày làm cái gì vậy? " .

    Hình như tiếng mẹ tôi . Rồi mọi người kéo vụt đi . Bây giờ, trong cái ánh sáng nhập nhòa góc nhà tôi mới kịp nhìn rõ cô gái, độ chừng mười hai tuổi . Cô đang ẵm một đứa trẻ còn đỏ hỏn được quấn trong một chiếc áo mỏng mong manh hơn bao giờ hết .

    -" Mày ẵm con ai vậy ? " . Chị tôi gào lên. Cô gái trẻ cúi gằm xuống rồi bỗng dưng òa khóc .
    -" Nó là... con... em... em vừa mới sinh nó ngoài đồi cát... Em lạy chị..." .
    -" Trời ơi, mày đã trốn ra đồi cát rồi tự sinh một mình à ? Mày có điên không ! " .
    -" Em lạy chị , em không muốn vứt nó nữa . " Cô gái khóc ngất trong cánh tay tôi -" Em chỉ xin chị cho con em đêm nay được ở trong một căn nhà . Qua ba ngày tết em sẽ đi..." .
    -" Cha nó là thằng nào ? "

    Chị gào thét như tát nước vào mặt Lan. Tôi biết điều đó. Chị gào lên vì ganh tị , vì chị là đàn bà, một người đàn bà đã sống gần hết cuộc đời mình với cái bụng rỗng không mà chưa từng được ấp ủ một đứa trẻ nào. Chị đành phải uống rượu , chị tập say . Nhưng rượu không thể đem lại cho chị một cảm giác được làm mẹ . Bây giờ bỗng dưng có người tát vào mặt chị rằng họ đang thừa mứa đứa con của mình . Họ lên đồi cát và tìm cách vứt nó . Họ vô tình phỉ nhổ vào cái điều mà chị đã mong đợi .

    Tôi cứ miên man nhìn vào khuôn mặc đứa trẻ ấy , nhìn vào đôi mắt, cái miệng . Lâu rồi, lâu lắm, tôi đã từng mang một hình hài như vậy . Và bây giờ trong mắt mẹ , tôi cũng chỉ mang một hình hài này thôi . Tôi tự hỏi, đêm nay, đứa bé này, nó có phải là vô phước không khi có đến những hai bà mẹ . Chỉ cần một thôi là nó đã đủ sự vĩ đại mà lớn lên . Nó xứng đáng được làm một đứa trẻ giàu có nhất , xứng đáng được sinh ra bằng hai tình thương của hai người đàn bà bị lãng quên này . Tôi cứ miên man nhìn vào đôi mắt nó cho đến hồi chị mang nó đi , chị lặng lẽ đặt nó vào giường , âu yếm giăng mùng cho nó . Chị vội vã xuống bếp mang lên một lò than nhỏ . " Ngủđiconcủa mẹ " . Tôi nghe chị nói . Tôi nghe ngàn lần trong cái đêm ba mươi này . Có nán lại thì đồng hồ cũng đã điểm sang một ngày mới.Một ngày mới kỳ lạ của cuộc đời chị tôi , tôi biết thế . Và tôi còn muốn nói rằng , đó là ngày làm mẹ của chi . Ngày - của - mẹ , chỉ có mỗi một ngày của mẹ là ngân dài bất tận trong cuộc đời này mà thôi . Và mọi thứ đều bắt đầu từ đó .


    Ta trả lại anh một nửa dòng sông
    Một nửa đời ta trong mát
    Đi qua cơn khát
    Anh còn giữ không ?...
  2. duong_chieu_la_rung

    duong_chieu_la_rung Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/05/2003
    Bài viết:
    970
    Đã được thích:
    0
    Mặt hồ u ám
    Nguyễn Ngọc Thuần

    Bên kia mặt hồ là cánh đồng. Trên cánh đồng còn in lại dấu chân người đàn bà vừa rời khỏi ngôi nhà lão câm. Người ta cho rằng, mặt hồ là miệng ngọn núi lửa thời tiền sử, nó đã phun một lần, thực ra chỉ là cái ngáp vặt khiến một nhúm đất đá bay lên đủ tạo một khoảng lõm nhất định nào đó rồi thôi, và bây giờ thì ngậm miệng, chẳng cớ gì phun mãi. Mùa mưa, nước tràn xuống lấp kín mặt hồ, bèo mọc dày. Trên khoảng lõm ấy, thanh niên nam nữ lâu lâu cũng có mò ra đó than thân trách phận, trò chuyện, bấu véo nhau... Cũng có một vài nhân vật chửa hoang tại hồ, những khối u uất không bao giờ sinh nở vì người ta cho là ô nhục lắm. Rồi từ đó, hồ như dấu ấn ô nhục hay thanh cao của hàng loạt thế hệ đi qua... Thời ấu thơ, ai cũng từng bơi một lần trong hồ; kín kín hở hở hồ đều thấy cả, đôi khi nó sủi bọt như bật cười. Rồi tuần tự theo lứa tuổi người ta rời hồ, xem như đã lớn, mà hồ là bằng chứng tuổi thơ, không tắm ở đó nữa.
    Có một nhân vật sau này trở thành huyền thoại của hồ là nàng Thơm. Cô đẹp lắm. Mặt trắng như chén ngọc và một nốt ruồi lệ ngay dưới mí mắt. Nhưng đó không phải là tất cả. Cái người ta nhớ đến cô là vẻ bẽn lẽn, ngơ ngác và một chút bạc phần. Nhiều thế hệ sau sinh tại hồ như phảng phất một nỗi buồn vu vơ không cắt nghĩa, như sự hoài nhớ được truyền lại trong máu thịt hình ảnh không còn của cô. Lúc đầu không ai nghĩ như vậy vì sự đè nặng đó vô căn cứ quá. Nhưng rồi nỗi ám ảnh thật sự trở đi trở lại trong mắt bọn trẻ và đến một lúc nào đó người ta phải công nhận, cô là con quỉ đa tình. Cô thâm nhập vào tâm hồn bọn trẻ sâu đến độ chúng luôn có cảm giác đã nhìn thấy cô mặc dù chúng chưa nhìn thấy cô lần nào. Cảm giác đó lan rộng trong làng nảy sinh ra nhiều bi kịch, hàng loạt sự kiện ra đi không quay về, hàng loạt đứa trẻ bảnh mắt ra đã buồn héo hắt. Chúng ngơ ngác chẳng hiểu vì sao lại là như vậy. Câu chuyện về cô cứ thế được truyền qua miệng những người đàn ông nhậu say. Nâng chén rượu người ta thấy hình bóng cô phảng phất trong đó, tóc mướt mượt, răng trắng và vẻ duyên thầm. Từ cô, rượu đã được ban một phép màu, càng uống say người ta càng nhìn thấy cô và rượu càng ngọt. Và cũng từ đó người ta nghiệm ra, giữa rượu và sắc đẹp luôn có mối liên hệ đặc biệt với nhau. Khi uống rượu nhu cầu thưởng thức cái đẹp tăng lên, nó gần như trở thành thú tính về sự thưởng thức, và họ thèm khát lắm. Để tìm đến cái đẹp chỉ có một con đường duy nhất là uống rượu. Nó là mối thông đồng vừa có tính hủy hoại lại vừa mang sắc màu giải thoát. ở vùng hồ, cái đẹp bị giới hạn như sự hiểu biết của người, tức là sự quẩn quanh, bao nhiêu năm tháng chôn vùi bao nhiêu thế hệ quẩn quanh nên cái đẹp của họ mang tính tự thân hơn là sự so sánh. Họ như kẻ tự bịt mắt mình, cái nhìn thấy chỉ là lòng bàn tay, bàn tay năm ngón ngón cụt ngón què, và trong tập hợp ngón họ yêu đại một ngón nào đó ví dụ như ngón út chẳng hạn. Và vì yêu thích, họ đắp cho nó thêm thịt thêm xương cho đến lúc nó to bằng ngón cái. Và từ đó, họ có hai ngón cái trong một bàn tay như kẻ dị dạng.
    Và để xoa dịu cảm giác quái gở trên, họ uống rượu để nuôi ảo tưởng về cái đẹp. Nàng Thơm là một sản phẩm được tạo thành từ cuộc hôn phối đó.
    Nàng chẳng đẹp gì, nhiều người già sau này nhìn nhận lại công nhận như vậy, nhưng tại sao họ cứ bị mê hoặc và đánh mất quyền phán xét thì chính bản thân họ lúc đó không tài nào hiểu nổi. Họ cứ bắt buộc mình phải tự nuôi ảo tưởng thêm. Rượu là kẻ cho họ niềm tin khi nó xác định nàng đẹp lắm, như thế mới có lý chứ, mới cả một thế hệ cuồng nhiệt si mê chứ ! Họ không chệch choạc trong cái nhìn.
    Câu chuyện tự đánh lừa cứ thế tăng lên cho đến một hôm có một kẻ nào đó thốt lên, nàng Thơm thật xấu, xấu lắm; lúc đó người ta mới hưởng ứng theo, ừ, cũng tàm tạm thôi, chẳng gì ghê gớm; và mọi người cười vui vẻ mà xí xóa cho nhau.
    Huyền thoại về nàng Thơm kết thúc như vậy. Nhưng đi đến đoạt kết đó phải chục năm sau, lúc vẻ đẹp tự thân mọc đầy ở vùng lòng hồ, có hàng vạn cái đẹp khác nhan nhãn trước mắt khiến không cần thiết phải ao ước nữa về một nàng Thơm. Và nếu như có kẻ nào đó kể về nàng thì mọi người bật cười hô hố và tự hỏi, tại sao có một thế hệ mơ màng, ấu trĩ đến thế. Nó có vẻ khờ dại và tội nghiệp nữa. Người ta bật cười rồi quên.
    Cái đêm bi kịch trong đời nàng Thơm trở thành ký ức phai mờ trong họ. Có chăng chỉ là mùi Hoàng Lan thoang thoảng hai bên bờ hồ. Một bờ hồ đầy trăng. Sau này tổng kết lại, người ta cảm thấy mọi bi kịch xảy ra ở vùng hồ đều có ánh trăng xen vào và một tiếng thét lớn.
    Khi cả làng đổ ra hồ, cái người ta nhớ nhất là làn sương mỏng mờ đục bao phủ một khoảng không gian trắng, trắng lắm; những tiếng người cười nói lùi xa như vọng từ bên kia màn sương. Và nàng Thơm nằm đó; da thịt bày biện ra đất như muốn chảy tràn, như sóng vun; Rồi toàn bộ cái khối lượng to lớn đó được che chắn bằng những sợi tóc dài. Tóc nàng dài lắm, dài khủng khiếp, dài đến độ dị thường. Nó cũng chính là thứ ma thuật mà sau này trở đi trở lại trong ký ức những người ở đầm về một cơ thể được trộn đều trong tóc. Và từ những sợi tóc đó phả ra mùi Hoàng Lan.
    Thật khủng khiếp ! Cái người ta mường tượng khi đi cứu người bị hãm hiếp không phải là cảnh sóng soài vì bị cấu xé, không phải máu trộn lẫn nước mắt, cũng không phải đất cát tứ tung của chiến trường mà lại là một mùi Hoàng Lan vô cùng dễ chịu. Dễ chịu đến nỗi khiến họ ngây ngất chập chờn lay động như vừa chạm đến một cái chốn êm; và những con rắn trong người họ bò ra, phun nọc vào vết thương kẻ khác. Nó còn xấu xa hơn cái điều đê tiện kia, và trong họ, cảm giác vừa đồng lõa với tội ác dâng lên khiến họ rùng mình. Như một kẻ ăn thịt người, họ vừa chống trả lại vừa nhấm nháp cái mùi từ thân thể người đàn bà kia toát ra. Họ kinh tởm mình, hoảng sợ mình. Từ đó, Hoàng Lan là nỗi ám ảnh lớn của họ. Có người bảo, nhiều năm về sau, đêm trăng nào họ cũng xông ra hồ vì mùi Hoàng Lan xộc vào nhà thơm lắm, thơm không chịu nổi. Người ta chạy ra hồ như kẻ mộng du. Rồi nhảy ùm xuống hồ, đánh đấm túi bụi. Nước dưới hồ thơm lắm, thơm gắt, thơm muốn nôn mửa.
    - Con Thơm, con Thơm, mày có giỏi thì hiện ra đi... Mọi người gào thét. Một ngọn gió thoảng qua, mùi thơm biến mất. Trên bờ soi bóng lão câm đang gục xuống mặt hồ.
    Để cứu vãn phần trinh trắng cho nàng Thơm người ta sắp đặt một cuộc hôn phối. Đó cũng là cách giải quyết thông dụng cho những oan trái tình duyên. Đó cũng là hợp lẽ cho lối suy nghĩ cho nó xong cho rồi, cho nó êm cho rồi, bắt đền chẳng được gì, và những người đàn bà bị hãm hiếp giấc mơ đa phần của họ cũng là một cuộc hôn nhân, và chấm hết. Và không có gì tốt đẹp an toàn hơn là lấy ngay cái kẻ đã cưỡng hiếp mình, bởi vì dù sao hắn không có cảm giác ghê như cắn quả táo đang ăn dở của kẻ khác. Hắn chỉ cắn quả táo hắn đang ăn.
    Thương là nàng Thơm, chỉ vì vô ý bị hắn ngoạm một miếng để rồi rơi vào thế phải đưa hắn ngoạm cả miếng.
    Kể từ hôm đó, nàng trở thành cái xác lá lắt lay và nỗi buồn bấu víu lấy nàng. Rồi nàng không cất mình qua khỏi cơn phiền muộn, những cơn bệnh triền miên kéo dài khiến nàng không nhấc mình lên được nữa, nàng nằm liệt giường.
    Hôm đó là một buổi sáng ngày mưa. Lão câm gọi nàng trong vô thức, "dậy đi em", và nàng đã đáp lại bằng cái nhìn trống rỗng. Nó báo hiệu từ đó giữa họ sẽ là những cuộc trao đổi bằng mắt xảy ra hai chiều. Một điểm chung. Điểm chung thứ hai là căn nhà cũng sẽ im lặng như họ. Những tiếng thì thào của gió trên mái lá sẽ bị đánh rơi bên ngoài, khi vào đến nhà chúng sẽ bị vấp phải một vùng im lặng tuyệt đối và hóa thành lặng thinh.
    Chiều chiều, người ta thấy lão câm ẵm nàng Thơm ra hồ. Đáy nước trong soi họ như một đôi uyên ương không rời nhau. Rồi rất khẽ, lão xoa nước lên người nàng cho đến lúc nàng tan ra dưới những con sóng nhỏ. Kết thúc một buổi chiều đẹp đẽ, lão ẵm nàng vào nhà. Không ai hình dung nổi nên gọi đó là hạnh phúc hay bất hạnh, vì với lão khuôn mặt không nói lên điều gì. Người ta bảo khuôn mặt là tấm gương soi rọi những gì bên trong của con người, những u uẩn đều phô bày trên tấm gương đó, đôi khi thật sai lầm. Có những khuôn mặt như tấm gương và hoàn toàn là tấm gương, và khi mọi người nhìn nó thì cũng có nghĩa là họ soi rọi chính họ, niềm vui nỗi buồn sự lãnh đạm của chính họ. Nên thật dễ dàng giải thích tại sao cuộc tình của lão câm và nàng Thơm được mỗi người nhìn dưới sắc thái khác nhau. Đẹp cũng từ họ mà bẩn thỉu cũng từ họ. Bản thân họ đã trở thành một huyền thoại kỳ lạ nhất. Xin nhắc lại: một huyền thoại.
    Thời gian trôi đi trên mặt hồ. Lão câm đã già. Tuổi già là một gánh nặng mà khi còn trẻ người ta không bao giờ nhìn thấy. Người ta cõng nó đi nhẹ lắm thiếu điều biếm nhẽ nữa kia cho đến một hôm nó xuất hiện trước mặt thì cũng là lúc đồng nghĩa với sự cô đơn. Một ông già không thể bồng một thiếu nữ như chàng trai, lão câm đuối dần.
    Một hôm, lão đánh rơi nàng Thơm trên ngưỡng cửa, đã kết thúc ảo tưởng về sức mạnh trong con người lão. Kèm theo đó là sự lung lay tinh thần trong cõi sâu xa. Cuộc tình đối với lão đã trở nên quá sức thì vừa may một đứa cháu trai xuất hiện. Những người trong làng quyết định cất nhắc nó vào việc ẵm nàng Thơm giúp lão từ nhà ra hồ. Còn việc làm "nàng tan ra dưới con sóng nhỏ" là việc của lão. Xong việc, lão sẽ rung một cái chuông và đứa cháu trai lại xuất hiện ẵm nàng vào nhà.
    Từ đó, tiếng chuông có giá trị như sự mời gọi khiến những người đàn ông quanh vùng khi nghe nó luôn rơi vào ảo tưởng của sự phơi bày. Hẳn dưới đầm, lão câm đang từ từ cởi chiếc cúc áo của nàng Thơm. Lão sẽ tát những vốc nước lớn lên người nàng như người ta vẫn thường làm khi lau chùi một pho tượng. Có lẽ nàng trắng lắm dưới xà phòng mà lão câm đang chà xát lên người nàng với một vẻ thận trọng, yêu thương nhất. Lão sẽ mở nàng ra như một trang sách, và vẻ đẹp của nàng là hàng hàng châu ngọc lấp lóa. Tiếng chuông thứ hai sẽ đóng lại ảo tưởng lão đang khép nàng lại, bọc nàng trong tấm lụa lớn và mọi việc thật sự chấm dứt khi thằng bé đưa nàng vào nhà.
    Cứ thế, ngày ngày giờ giờ người ta được nuôi trong vẻ đẹp của nàng Thơm, cũng như sự mong manh của nó giữa hai lần chuông đổ. Nó sẽ hiện hữu ở lần đổ chuông đầu và biến mất ở lần rung chuông thứ hai. ảo tưởng cái đẹp sương khói mong manh bao trùm và người ta hiểu nó như sự thoáng hiện và biến mất, rất gần với sự cô đơn.

    (còn tiếp)
    Ta trả lại anh một nửa dòng sông
    Một nửa đời ta trong mát
    Đi qua cơn khát
    Anh còn giữ không ?...

    Được duong_chieu_la_rung sửa chữa / chuyển vào 14:52 ngày 17/08/2003
  3. duong_chieu_la_rung

    duong_chieu_la_rung Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/05/2003
    Bài viết:
    970
    Đã được thích:
    0
    (tiếp theo)
    Ngày tháng lại trôi đi những tưởng trong sự êm đẹp vốn có của nó, như mặt hồ hóa ra không phải. Bên dưới mặt hồ kia là con sóng lớn âm ỉ, và đến một hôm vỡ bùng ra không cưỡng lại được. Dầu chỉ là sự vô thức thôi, nhưng chính cái mông lung đó lại mà mầm mống của con sóng thần có sức công phá khủng khiếp. Chúng đạp đổ những vách ngăn và trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong đầu thằng cháu trai lão câm.
    Đã bảo mơ hồ kia mà... Nhưng cái mơ hồ cứ đến chậm rãi, lớp lang và rõ dần. Thằng bé bắt đầu lắng nghe, dầu không tin lắm vẫn cứ cảm thấy như có một mầm sống vô hình đang trỗi dậy trong người đàn bà mà hàng ngày nó vẫn ẵm từ trong nhà ra ngoài hồ. Dù thân thể nàng vẫn lặng câm, vẫn buông xuôi... Phải chăng đó là sự im lặng của cơn bão, trong nó là sự tàn phá ghê gớm sắp thực hiện và mỗi ngày là sự len lõi rộng khắp. Cái gì nằm trong thân thể của người đàn bà bạc nhược kia? Có thật là một thân xác câm lặng? Hay kẻ đang thức tỉnh chính là đứa cháu trai? Giữa thằng bé và người đàn bà, ai là người thức tỉnh, hay cả hai?
    Những đêm hoang mang không tìm được giấc ngủ, thằng bé lang thang ra bờ hồ. Đêm trăng, cát trắng như xát vào mắt nó khoảng trống mênh mông, như thiên nhiên đang chạm trổ tuyệt tác vô hình rồi bày ra trước mắt, choáng ngợp. Nó miên man nhìn và, càng nhìn càng thấy rõ dần hình ảnh nàng Thơm.
    Từ đó nó không rời mắt khỏi nàng được nữa. Trong cái xác đó là cuộc sống cuồng nhiệt hơn vạn lần cuộc sống khác đang diễn ra bên ngoài, một sự chôn kín. Nó cảm nhận như vậy.
    Một đêm trăng khác, nó mò vào nhà lão câm. Qua phên đất, vùng im lặng đổ ập vào mắt nó và nó hiểu sự im lặng ấy sẽ không tồn tại bao lâu nữa. Dưới ánh đèn, lão câm đang ngồi bên cạnh nàng Thơm, và cả hai như xác ướp, im lặng. Một hồi sau, lão câm cầm chiếc đèn lên soi khắp người nàng như tìm kiếm cái gì, lại như đang chiêm ngưỡng đóa hoa. Rồi lão để chiếc đèn ra xa nàng, tiếp tục chiêm ngưỡng nàng như một đóa hoa. Đó là hai giai đoạn của một đóa hoa lúc gần và xa ánh sáng. Và tất cả nằm trong không gian im lặng, trong ngôn ngữ im lặng, của hai con người im lặng là cuộc trao đổi âm thầm, liên tục và bất tận.
    - Tôi hiểu ! Tôi hiểu những gì đang diễn ra - Lão nói
    - Tôi biết ! Tôi biết những gì tôi đang làm ! nàng trả lời.
    Đó là tất cả những gì người ta có thể hình dung được từ một cuộc trao đổi câm.
    Thằng bé bỏ về. Dưới ánh trăng nằm trong khoảng trống xung quanh, cảnh vật như co lại trong một mảng tối chung nhất khiến nó thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên làm sao ! Và hình như thiên nhiên cứ rộng thêm, ánh sáng cứ mênh mông thêm, và gió kéo lê mình trên những khoảng trống rồi bạ đâu cũng ghé vào, cũng nằm lăn ra than u e...
    Mùi Hoàng Lan dưới hồ chợt bay lên thơm nức. Thằng bé đi nhẹ ra hồ, nhẹ lắm như sợ vỡ một cái gì đó dưới chân. Rồi cũng vì sợ vỡ một cái gì đó nó không dám chạm tay vào mặt nước. Co người trên chỏm đất sạch, nó nhìn bóng mình. Rồi nó nhặt chiếc que nhỏ vẽ theo đường viền chiếc bóng, sau đó thu nhỏ mình lại cho lọt vào trong. Nó bật cười khanh khách khi thấy mình nhỏ hơn chiếc bóng ban nãy. Rồi nó khuỳnh người ra với ý nghĩ, con người cũng có thể lớn hơn chiếc bóng của mình. Nhưng khi so sánh giữa nó và mặt hồ, mặt hồ với bầu trời thì vẫn còn nhỏ bé làm sao. Bất ngờ một chiếc bóng lạ in lên bóng nó làm nó giật thót cả người quay ngoắt lại. Dưới ánh trăng, một con chó mắt sáng quắt như có điện nhìn nó chằm chằm.
    - Mày làm cái gì thế? Nó hỏi. Con vật lùi lại, bỏ đi.
    - Mày phải nhớ, cái bóng của mày nhỏ xíu ! Nó quát to. Nhưng khi âm thanh chưa kịp dứt thì bỗng dưng có một cái gì đó mơ hồ lắm, như luồng điện xuyên qua người làm nó bàng hoàng. Rõ ràng nó vừa nhìn thấy một cái bóng khác bên cửa sổ nhà lão câm, rất mờ rồi biến mất. Bóng nàng Thơm.
    Các ngón tay nó bắt đầu lạnh. Những ngày qua tự dưng sống dậy, và nó chợt hiểu ra, cảm giác không bao giờ đánh lừa con người. Chúng là những ngón tay trong một lòng bàn tay, những gì mơ hồ của cuộc sống xung quanh từ từ sẽ được nắm chặt lại và sự cụ thể hóa những điều mơ hồ sẽ được hình thành.
    Những lần ẵm người đàn bà ra hồ, ý nghĩ về một thân thể đang chết trên tay nó mất dần, thế vào đó là hình ảnh của một mầm sống - nó tin thế - đang trỗi dậy thành cây và ra lá hoa.
    Còn nhớ, có lần nọ, khi ẵm nàng Thơm thì bất ngờ có bàn tay chạm nhẹ lên vai nó, và khi nó quay lại thì hoàn toàn không có ai. Chỉ là cảm giác nhưng không hiểu sao, cảm giác đó rất thật. Và bây giờ, bóng nàng Thơm thoáng qua cửa sổ càng xác tín trong nó hơn bao giờ hết nỗi hoài nghi bấy lâu.
    - Đừng giấu tôi, cô Thơm ! Tôi biết trong cô vẫn còn sự sống ! Chiều hôm sau khi ẵm nàng từ ngoài hồ vào, nó đã nói như vậy. Nói để biết rằng từ đó sự hoài nghi không còn. Nói để biết rằng mình vừa tự giải thoát khỏi những mơ hồ. Nhưng lạ thay, điều kỳ diệu đã xảy ra trong mắt nàng; nói đúng hơn, đó là nỗi hoảng sợ trong mắt vừa lóe sáng một khoảng không trống rỗng như người ta thả một viên sỏi vào chỗ vô cùng để rồi không bao giờ nhìn thấy nữa. Từ nguồn sáng chỉ soi vào chỗ không đó bỗng trào ra một giọt nước mắt nóng hổi, đau buốt. Và nó đã kinh hoàng nhận ra cái điều đớn đau kia mà không hề biết rằng người đàn bà đã trao cho nó nỗi hoảng sợ và sự tủi nhục cuối cùng trong cuộc đời nàng.
    Sáng hôm sau, người ta phát hiện nàng Thơm chết trong hồ. Đó là buổi sáng trong trẻo lạ thường, chim hót véo von trên cành, ánh nắng dịu dàng in từng vệt sáng lên lùm cây xanh, và trên những dấu chân của nàng Thơm còn để lại trên cát trắng. Nàng đã đi ra hồ lúc nửa đêm và đi rất nhiều vòng xung quanh trước khi lao mình xuống đó. Những bước chân không đều nhau chứng tỏ những xáo trộn lớn đến với nàng trước khi có ý định tự kết liễu đời mình. Những xáo trộn đó là gì? Nàng đã nghĩ gì? Tất cả chỉ là phỏng đoán.
    Người ta cho rằng nàng là một người đàn bà thâm độc. Để trả thù kẻ cưỡng hiếp mình không gì sâu cay hơn, độc ác hơn là tự biến mình thành một món nợ cho kẻ tội lỗi kia phải gánh trả suốt phần đời còn lại. Khi thằng bé phát hiện sự sống đầy ắp bên trong nàng, âm mưu bị bại lộ thì cũng là lúc nàng cảm thấy tội lỗi mà tự kết liễu đời mình. Nàng chỉ có một con đường chọn lựa cũng như trước đó nàng cũng chỉ có một con đường lựa chọn. Và người ta suy rộng ra, khái quát kiếp người rằng đôi khi người ta sinh ra chỉ có một lựa chọn duy nhất mà thôi, và bản chất sự sống là đi nốt con đường lựa chọn đó. Trước mắt thượng đế, chúng ta chỉ là lũ trẻ con do ngài nặn nên, một lũ ngớ ngẩn trong mê cung của ngài. Và cái chết của nàng Thơm chỉ là xảy chân trong mê cung, vậy thôi.
    Nhưng lại có ý kiến khác, người ta cho rằng nàng là một kẻ đáng thương. Để cầu mong tình yêu của kẻ khác không gì tốt hơn là tự tạo cho mình một tư thế đón nhận nhiều nhất. Và bi kịch đã đến với nàng từ cái suy nghĩ chết người đó.
    Nhưng dù theo lập luận nào thì cũng phải công nhận nàng khá thành công trong việc chinh phục kẻ khác. Nàng đã đem đến cho họ một cảm giác tiếc nuối vô hạn. Hơn thảy là lão câm. Sự tiếc nuối đã làm cho lão trở nên khô quắt. Bịn rịn bên hồ, lão nhìn chòng chọc dấu chân nàng để lại. Nhưng nỗi buồn của lão đến đâu thì không ai hình dung được. Và đôi lúc người ta còn nghĩ ngược lại biết đâu, lão vừa giũ sạch món nợ trần thì sao, và trong tâm hồn lão là cảm giác yên ổn thì sao.
    Chiều hôm đó người ta vội vã đem người đàn bà đi chôn. Đó cũng là cách đóng lại một hình ảnh trong mắt mọi người vì nàng đẹp quá. Giữa cái chết và cái đẹp gần như là một sự đồng lõa hòa trộn trong nàng. Dù cái chết đã xâm nhập toàn bộ con người nàng, đôi môi nàng vẫn cứ đầy ắp sự đam mê như tách rời ra khỏi thực thể và sống một đời sống độc lập khiến họ sợ hãi. Họ phải đậy lại cho nhanh. Không khéo đôi tay với những ngón dài lại vươn ra, rồi nàng, toàn bộ cái đẹp của nàng sống dậy sống một đời sống vĩnh cửu trong trí não của họ. Một khi cái đẹp đã ăn sâu vào não thì đời sống bình thường tẻ nhạt xung quanh sẽ kết thúc. Đó là cái họ sợ. Rồi cũng vì sợ, họ vội vã chôn nàng rồi chạy vù về nhà. Cuối cùng, trên mộ chỉ còn lão câm và thằng bé.
    - Con biết ông đã giấu cô Thơm ! - Nó nhìn chòng chọc vào mặt lão - Ông đã giả vờ trước mặt cô ấy như không biết gì ! Đúng không? Làm sao mà ông không biết, chẳng qua là ông thông đồng với cô ta cho nên mới có một cái chết như vậy đấy ! Nếu ông đừng giả vờ, cô ấy đừng giả vờ thì không có chuyện như vậy ! Ông đã dối mọi người ! Ông là người biết rõ cô Thơm vẫn đi lại được !
    Lão già câm mắt long sòng sọc đứng nhìn thằng bé. Và đó cũng là cái nhìn riêng biệt của lão, không ai đoán được nó nói điều gì. Bất ngờ lão rú lên như một con chó điên. Và từ con mắt của con chó đó trào ra ràn rụa những giọt nước mắt của con người. Đó là những giọt nước mắt u uẩn nhất, như mặt hồ, không bao giờ phẳng lặng.
    HẾT.
    Ta trả lại anh một nửa dòng sông
    Một nửa đời ta trong mát
    Đi qua cơn khát
    Anh còn giữ không ?...
  4. duong_chieu_la_rung

    duong_chieu_la_rung Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/05/2003
    Bài viết:
    970
    Đã được thích:
    0
    Giọng Nói
    Nguyễn Ngọc Thuần

    Ngày còn bé , với thói quen nghịch ngợm tôi đã lén thu lại những âm thanh mình thích như tiếng hót của con chim sáo hoặc tiếng sủa của con chó mực... Mẹ tôi vì tiếc cuốn băng nên cấm. Bố tôi không tỏ thái độ , thậm chí còn vờ như không biết đang bị ghi âm ghé sát vào máy nói giọng âu yếm:"Con trai cưng của bố ơi!".
    Rồi những ngày bố tôi nằm trên giường bệnh , tôi cũng lén làm việc tương tự như vậy.Không hề nghĩ bố tôi sẽ chết đi mà đơn giản là muốn đùa vơi chiếc máy.Bố tôi phải dành dụm rất lâu trước đó, tuy vậy cũng chỉ mua được chiếc máy loại xoàng nên giọng nói qua máy nghe rè rè. Vào những đêm mưa càng não nề hơn không còn nhận ra chi...
    Nằm trên giường bệnh, bố tôi vừa yếu ớt vừa không để ý việc ghi âm nên tiếng của ông chỉ lào phào như gió . Mở đi mở lại nhiều lần tôi chi nghe được vài câu , những câu còn lại chắp nối, ngắt quãng , tôi chỉ đoán chứ không chắc phải . Nhưng cũng chẳng quan trọng , với tôi nó gợi nhớ vài điều trong ký ức lúc bố còn sống , cũng như cách nhả chữ của ông sau một câu dài , tật nói lắp khi muốn truyền đạt điều gì hệ trọng.
    Mẹ , với nỗi đau âm thầm , không hề biết tôi đang cất giữ giọng nói của bố , những gì bà giữ lại của bố tôi chỉ là những đồ vật như ấm chén , khăn tay , nhiều lắm là chút mồ hôi vương vấn trong quần áo. Nhưng thói quen bạ đâu vứt đó của bố tôi bà vẫn giữ nguyên trong phòng , không cho ai chạm vào . Căn phòng dành riêng bố lúc cuối đời cũng là nơi dành riêng mẹ (lúc bố đã mất) . Đó là cõi riêng mẹ , trừ những hôm cần phải lấy một vật gì đó , hầu như tôi ít có cơ vào phòng bố tôi. Lúc còn nhỏ dĩ nhiên có khi tôi còn ngủ lại trong phòng của ông , nhưng đến sáng thức dậy tôi luôn luôn nằm trong phòng của mình . Hẳn là vào thời điểm nào đó của đêm khuya , bố đã ẵm tôi , rất nhẹ , đến nỗi giấc mơ luôn được xuyên suốt khi thân xác tôi đang bị di chuyển . Người ta nói giấc mơ luôn nhút nhát , một tiếng động nhỏ cũng đủ làm nó bó chạy.
    Mẹ tôi gần như kiệt sức sau ngày bố mất . Nhiều khi đang ngồi trong phòng nhưng bà cứ ngỡ là vừa đi đâu đó về , quên một cái gì lại nhớ một cái gì . Đêm bà gần như không ngủ, vì thế tôi muốn nghe cuốn băng thật khó . Từ phòng tôi sang phòng bà chỉ cách một vách mỏng , tiếng bước chân hoặc cử động thật nhỏ cũng đủ bị phát hiện huống chi bật chiếc cassette mà phải bật tương đối lớn mới mong nghe được tiếng thểu thào của bố.
    Mẹ nằm xoay đầu vào trong , mái tóc xõa ra gối như dòng chảy trắng xóa . Sau những năm tháng mệt nhọc , dòng chảy tắt dần và đến lúc bố tôi mất nó chỉ còn lại một vũng như nắm tay . Dọc trên những đường lượn ngoằn ngoèo của vải là thân thể ốm yếu bệnh hoạn của bà cùng với những xương hốc lồi lõm gây cảm giác như một khúc gỗ nhưng đồng thời lại như sắp vữa ra.
    Cảm giác đó ngăn tôi không được thông báo về giọng nói của bố , không chỉ thế những gì mang hơi hướm của ông phải biến mất trong ngôi nhà này càng nhiều càng tốt , chi như thế sự tồn tại của mẹ mới có nhiều cơ may được giữ lại.
    Nhiều đêm tôi đi vào phòng mẹ , dù đã chuẩn bị nhiều lý do nếu bỗng dưng bà thức giấc nhưng ý nghĩ tội lỗi luôn ám ảnh . Tôi đang đánh lừa bà . Nhưng nếu tôi nói cho mẹ thì cũng có nghĩa là tôi đang giết dần bà bằng nỗi ám ảnh . Mẹ sẽ thức hằng đêm trở cuốn băng qua lại liên tục . Trong tiếng nói không rõ cua bố , nỗi nhớ sẽ đến với bà , ký ức sống dậy và biết đâu có cả ý nghĩ tự vẫn ? Chưa kể cuốn băng theo thời gian sẽ nhão ra và hư hẳn , sự tiếc nuối sẽ đến với bà lần nữa , và luôn cả bố tôi , ông sẽ chết thêm lần nữa .
    Ý định sang cuốn băng ra nhiều bản tôi đã nghĩ đến nhưng với chất lượng âm thanh như thế không thể thực hiện được . Cả vùng có hai chiếc cassette , cái còn lại là của một ông lão khó tính xóm trên , ông quí nó như vàng nên dễ gì chia sẻ . Mà nếu như có chia sẻ chăng nữa thì cũng chẳng ghi lại được gì ngoài tiếng u e như ruồi bay.
    Giải pháp tốt nhất vẫn là giấu kín . Đợi mẹ tôi ngủ , tiếng nói sẽ thuộc về tôi mà không hề gây đau khổ cho ai khác . Bố tôi vẫn sống cũng như những gì đi qua tôi phải sống, đó là chú trương của tôi . Lý lẽ "con người không thể sống mãi " mà tôi an ủi mẹ những lúc bà quá đau buồn là một sự dối trá , nó trái với ý định của tôi lưu giữ bố trong nhà càng lâu càng tốt nhưng trạng thái vừa lưu giữ vừa ruồng rẫy quả thật tréo ngoe .
    Những lúc sang phòng mẹ , tôi đã tìm được lối giải quyết ổn thỏa cho mình . Tạm thời tôi sẽ giấu kín nhưng đến lúc nào đó khi mẹ nguôi ngoai tôi sẽ nhắc khéo cho bà hồi tường lại , nhắc nhẹ nhàng , liều lượng vừa phải sao cho tất cả chỉ là một kỷ niệm đẹp , thế thôi.
    Sau nhiều lần thăm dò , biết chắc giấc ngủ đã đến với mẹ , tôi đi nhẹ về phòng , đóng kín cửa , nêm chặt những lỗ hổng cửa sổ bằng chiếc mền bông và cấn thận đặt chiếc máy xuống
    giường , bấm nút play . Chẳng hiểu sao khi bấm nút tôi luôn lưỡng lự , bồn chồn . Hình ánh bố đi lại trong phòng hiện ra rõ nét , sau đó ông vỗ vai tôi : "Con trai cưng yêu quí của bố ơi ! " mà lúc chiếc máy chưa đặt xuống giọng không hề có . Phải chăng hành động đặt chiếc máy xuống giường cũng giống như người ta vén một tấm màn , cảnh vật bên trong sẽ được phơi ra . Bố tôi cũng là một dạng cánh vật , một dạng thiên nhiên sống động , huyền bí.
    Rồi tôi lại sợ ảo ánh đó , sợ sự chống đối của ông khi biết bản thân mình chi còn là hình ảnh đứng sau bức màn , hành động đặt chiếc máy xuống giường bấm nút play đã làm lộ ông ra. Ông không quyết đinh quyền hiện hữu hay không , mà tôi bằng động tác gần như vô thức có thể điều khiển điều đó . Thay vì biến mất vĩnh viễn ông phải có mặt đằng sau bức màn .
    Vừa đi lại trong phòng vừa nhìn quanh , bố tôi khác hẳn lúc hấp hối , khuôn mặt đỏ au và nụ cười tươi tắn gợi nhớ những ngày còn khỏe ông vẫn thường như con thoi từ ngoài đồng về nhà , từ nhà lên rẫy và trở về vào hôm sau . Ông vẫn trò chuyện với tôi bình thường như những ngày đang sống , nhưng khi máy phát đến đoạn " con trai cưng yêu quí của bố ơi! " thì môi ông mấp máy thật khớp. Cảm giác ngôn từ trong chiếc máy biến mất , thay vào đó là vẻ sống động rực rỡ của cử chỉ khiến tôi nghi ngờ về cái chết , bản thân cái chết có thực hay không nếu tôi lưu được giọng nói ? Người ta bảo giọng nói là linh hồn của con người , nếu tôi nắm giữ được nó thì nó có ở lại trên trần gian này mãi không ? Điều quan trọng kế tiếp là bản thân người chết có cảm thấy bực bội khi đêm đêm phải diễn lại vở tuồng ? Khuôn mặt bố tôi vẫn cười nhưng chắc gì ông đang hài lòng vì với mỗi một câu thoại "con trai cưng ..." ông không thể thốt ra từ khuôn mặt nhăn nhúm vì căm giận . Nó phải là lối nói đầy mãn nguyện trong con người đầy mãn nguyện và ngay thời điểm thốt ra cũng như thế.
    Trong tất cả các giấc mơ những người thân yêu của tôi đều đẹp đẽ vì hình ảnh của họ trong tôi là như vậy , nên vẻ hồng hào , tươi tắn của bố tôi sâu xa mà nói cũng chính là sự ép uổng của bản thân tôi về ông , không phải là khuôn mặt thật mà ông muốn đến với tôi . Dù ông có buồn hay xanh xao , khi đến với tôi vẫn cứ phải hồng hào , tươi tắn.
    Tôi có ý định xóa cuốn băng sau nhiều ngày suy nghĩ . Nhưng vì tiếc tôi cứ chần chừ . Một câu hỏi khác được đặt ra , nếu tôi xóa cuốn băng thì bố tôi có hiện ra nữa không , hay vĩnh viễn biến mất như đã từng một lần như thế ? Một hôm mẹ báo:
    - Dạo này mẹ luôn mơ thấy bố con . ông đi lại trong nhà như đang sống .Và cả mẹ trong mơ cũng không nghĩ ổng đã chết . Rồi con xuất hiện đang làm gì đó trong phòng mẹ cũng chẳng nhớ , nhưng lại nhớ như in lời bố con nói : "Con trai cưng yêu quí của bố ơi !".Đêm nào cũng vậy , hành động của mẹ và con có thể thay đổi tùy theo bữa nhưng câu nói ấy vẫn như cũ. Thậm chí có bữa mẹ chưa nhìn thấy ổng nhưng câu nói vừa đến tai mẹ thì đồng lúc mẹ nhìn thấy ổng đang đứng bên con . Mẹ cũng không hề ngạc nhiên gì cả , xem như đó là một ngày bình thường lúc nhà mình còn đông đủ .À , mẹ còn phát hiện sau khi bố con biến mất là đến phiên bà ngoại con . Rõ ràng là bà ngoại bởi vì mẹ nghe tiếng dép , không lẫn vào đâu được .Những ngày cuối đời bước chân của bà rất nặng và kèm theo đó là tiếng lốc cốc của cây gậy . Chẳng hiểu sao không bao giờ mẹ nhìn thấy khuôn mặt của bà .
    Đêm đó tôi nghe lại đoạn băng , sau đoạn bố tôi nói rõ ràng có tiếng bước chân khua trên nền nhà và tiếng lốc cốc kèm theo từng nhịp một mà những lần nghe trước vì nôn nóng tôi đã không chú ý . Thế có nghĩa là mẹ đã cùng nghe với tôi trong những đêm khuya , có điều một người nghe lúc ngủ và một người nghe lúc thức . Câu nói của bố đã biến thành giấc mơ của mẹ.
    Tôi nhớ có lần đã đọc đâu đó trong sách ,người ta bảo nếu ta nói chuyện với ngươi đang ngủ bằng một âm lượng vừa phải , không đủ đánh thức họ nhưng đủ cho họ nghe thấy thì giấc mơ của họ sẽ có những hình ánh mà mình đã nói . Qua sự việc đó mẹ tôi có cái nhìn đau đớn hơn nhiều . Mẹ nghi hoặc về tình yêu của mẹ đối với bà , bởi mẹ chỉ nhìn thấy bố mà không nhìn thấy bà . Tại sao ? Tiếng nói và bước chân có giá trị như nhau ? Sự thiên vị phải chăng xuất phát từ mẹ ? Mẹ cần nhìn người này nhưng người kia mẹ chỉ thương là đủ ? Những câu hỏi đó ám ánh mẹ tôi !
    Bà tôi mất đã mười năm . Khi bà mất không ai trong gia đình được chứng kiến , đến nỗi sau ngần ấy thời gian mẹ tôi vẫn có ý nghĩ bà đang sống đâu đó trên trái đất này . Chiến tranh đi qua để lại câu hỏi lớn cho những người đang sống về sự tồn tại của thế giới quanh họ. Bố tôi suy diễn có lẽ bà chết trong một trận bom . Mẹ tôi khấn cầu trời phật cho tìm thấy bà nhưng vẫn không. Một trái bom rơi xuống có nghìn nẻo cho số phận con người , nẻo nào đưa bà đi ? Đành rằng nếu không có chiến tranh thì bây giờ bà cũng mất , nhưng sự hợp lý từ đầu đến cuối của một kiếp người sẽ ổn thỏa hơn cho người sống . Cũng như mọi người , mẹ có thói quen lý giải mọi sự kiện quanh mình để từ đó không bận tâm đến nó nữa , những cái không lý giải được biến thành uẩn khúc .
    Tất cả vì tôi , nghĩ kỹ hơn chút là vì cuốn băng ,vậy nên dự định thiêu húy nó càng thôi thúc tôi . Một ý nghĩ khác lại đến , tiếng nói của bố và bước chân của bà có tác động sâu xa đến giấc mơ cua mẹ , vậy nếu tôi nói những lời tốt đẹp cũng vào những đêm khuya như thế thì nó sẽ có kết quả như thế nào ? Tôi không mở cuốn băng đó nữa . Lấy tờ báo , tôi gói nó lại rồi nhét sâu vào một góc tủ bí mật . Sau một trăm ngày kể từ khi bố mất , mẹ cho mời một ông sư đến nhà để tụng kinh cho bố và tiện thể tụng cho bà . Nó cũng là hình thức trấn an mẹ tôi khi bỗng dưng không còn nằm mơ thấy người thân nữa." Có lẽ đã siêu thoát cá rồi !" - một hôm mẹ gỡ bí cho tôi , cùng lúc sự bình yên trớ lại trên khuôn mặt của mẹ.
    Tôi bô ra vườn ngồi một mình . Nước mắt ứa ra . Thế có nghĩa là bố tôi thật sự đã chết. Những ngày qua bố vẫn hiện diện và hễ tôi gọi là bố đến nên tôi không nghĩ rằng mình đã mất người . Còn bây giờ ... Thật như một cơn ác mộng , vào một sáng thức dậy bỗng thấy những gì mình thật sự yêu thương không còn...
    Ta trả lại anh một nửa dòng sông
    Một nửa đời ta trong mát
    Đi qua cơn khát
    Anh còn giữ không ?...
  5. duong_chieu_la_rung

    duong_chieu_la_rung Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/05/2003
    Bài viết:
    970
    Đã được thích:
    0
    Chuyện Vặt
    Nguyễn Ngọc Thuần

    "Hình như tất cả các bà già Năm đều bán bánh mì!" - vừa ha hả cười, nó vừa đúc kết kinh nghiệm. Cách đây hai ngày, khi tôi và nó đang trên đường Phạm Ngũ Lão nó cũng nói với tôi như vậy. Hai đứa cứ chở nhau đi vòng vèo. Chẳng hiểu có phải khung cảnh cứ luôn xui khiến người ta quay lại khi có dịp, dù chẳng làm gì cả, chỉ là nhìn tới nhìn lui rồi thôi.
    Hồi đó, tôi và nó cùng chung một mơ mộng, chung một sư phụ Hoàng và ra lò cùng ngày. Sư phụ Hoàng bảo: đứa nào muốn học may qua đây tao bày cho. Đóng 2 chỉ là thành tài. áo đầm, áo dài, sơ mi, quần tây... đủ cả. Muốn môđen có môđen. Muốn cổ điển có cổ điển. Thành tài có thể ra mở tiệm ngoài thị trấn. Bọn ngoài ấy bây giờ đua đòi lắm, tụi mày tha hồ mà hốt bạc.
    Tôi và Bỉnh bàn bạc suốt ngày hôm đó, cuối cùng phải công nhận sư phụ Hoàng nói đúng. Làng tôi nghèo. Trẻ con lớn lên quần quật với trâu bò, ruộng rẫy nhiều khi cũng đâm nản. Những người già thì có vẻ an phận với nghề nghiệp của ông bà để lại vì họ chẳng có lựa chọn nào khác, nhưng bọn trai trẻ thì không thể vậy. Vài đứa ra thị trấn học sạc bình, quấn môtơ, sửa máy nổ. Vài đứa học sửa radio, tủ lạnh. Chúng có vẻ cao cấp, an nhàn. Những đứa còn lại ra đồng cay đắng. Rồi âm thầm chờ đợi, chẳng biết chờ cái gì. Trên những luống cày cong queo, chúng cứ âm thầm chờ. Lâu lâu lại mò xuống thị trấn, thấy bọn kia trắng trẻo nhàn nhã, chẳng phải chân lấm tay bùn, chẳng phải dầm mưa dãi nắng lòng thầm ghen tị. Những mùa lúa thất thu, bội thu lần lượt đi qua. Trên cánh đồng đa số chỉ còn lại ông già, bà lão và con nít đứng trơ trọi bên máy suốt lúa. Vài con trâu gặm cỏ dọc theo hai bờ trông cũ kỹ. Đồng quê vốn buồn bã, bây giờ càng buồn hơn.
    "Thôi thì chúng mình đi học cho rồi? - Bỉnh bảo tôi - Thoát đời nông dân, làm thợ vẫn hơn. Những vụ lúa thì bỏ đó về nhà làm. Rảnh rỗi ngồi may cũng tiện".
    Thế là đi theo sư phụ Hoàng. Bọn nông dân như chúng tôi biết gì mốt miếc, nhưng học mãi cũng vỡ ra vài điều. Tay ngắn tay dài, hết quần ống loe lại đến quần ống túm. Người nhà quê chẳng đòi hỏi gì hơn. Con trai áo sơ mi quần tây, con gái thêm vài cái nơ xanh xanh đỏ đỏ thế là vui lắm rồi. Đứa nào muốn hiện đại hơn nữa thì thêm cho nó vài cái túi. Sư phụ Hoàng bảo: "Nghề này tương lai lắm!... Nếu bọn bay không muốn may ở thị trấn thì vào Sài Gòn. Trong ấy nhiều phân xưởng may cần người như bọn bay làm ruộng cần nước. Tao có bạn bè làm ở trỏng, tao giới thiệu cho".
    Thế là mơ thôi! Không phải riêng tôi mà cả nhà đều mơ. Những người già cũng đã chán ngấy đồng quê, muốn con cái có gì đó mở mày mở mặt với thiên hạ. Đời cha đi sau cái cày thì đời con phải thoát xác. Thoát bằng cách nào thì không biết. Nhưng thoát thì thôi. Rũ bỏ cái nghề cực nhọc này, rũ bỏ cái làng này, trong quá trình tìm kiếm, thành thị luôn hiện ra mê ảo.
    Ra nghề. Tích cóp được bao nhiêu đổ vào cái hiệu may nho nhỏ ngoài thị trấn. Cũng thuê hoạ sĩ vẽ bảng hiệu, cũng đặt tên nhà may với các chức năng may vá từ tây đến ta, veston, sơ mi, áo đầm, áo dài... nhưng chẳng ma nào thèm vào. Cũng bày đặt mối mai, những mối quen biết trong quá trình giao thiệp trên đồng ruộng thỉnh thoảng ghé nhưng lâu lắm, sáu tháng, một năm mới ghé một lần rồi từ từ cũng biến mất. Nông dân tiền của đâu may cho nhiều. Những người ở thị trấn cũng có mối hết cả rồi, hoạ hoằn lắm mới ghé lại nhưng õng ẹo chê bai, đòi hỏi những kiểu cách xa lạ đến sư phụ Hoàng cũng không biết phải thực hiện như thế nào cho phải. Thế là ngồi ngáp ruồi cả thầy lẫn trò. Ngáp từ đầu mùa mưa này cho đến vụ lúa năm sau, qua đợt rầy nâu hoành hành trên đồng ruộng cũng còn ngáp. Thỉnh thoảng chạy tới thằng này, chạy tới thằng kia xem chúng làm ăn thế nào, chỉ thấy cửa hiệu đóng cửa như nhà hoang. Hỏi quanh quẩn chẳng biết thằng chủ tiệm đâu cả. Người thì bảo cả tháng không gặp, người thì bảo mới thấy hôm qua nhưng đi liền, cả bọn cứ nhìn nhau mà cười. Không cười biết làm gì khác hơn. Từ tờ mờ sáng, đạp xe cọc cạch xuống thị trấn, quét dọn sạch sẽ rồi mở cửa ngồi đó, không cười thì biết làm gì. Lại nhiễm phải tật uống cà phê sáng. Dân thị trấn ai cũng làm như vậy, mình không làm thì kỳ, sau ghiền luôn. Không có tiền thì chôm mẹ lon gạo ra đổi bà hàng xén trong xóm lấy vài điếu thuốc và dăm tờ bạc lẻ. Người nhà quê vẫn giữ thói quen đổi chác bằng gạo. Buồn miệng muốn ăn bánh cam, cà rem, sương sâm, bánh lọt cũng đổi bằng gạo tuốt. Gạo là đơn vị đo sự cân bằng của nông thôn.
    Mẹ tôi, sau một thời gian đắn đo, bảo tôi: "Thôi về làm ruộng đi con. Làm nông dân nó cực nhưng chắc ăn hơn những trò phù phiếm trên thị trấn". Cùng lúc đó, mẹ thằng Bỉnh cũng nói với nó một câu tương tự. Rồi cả hai bà mẹ cùng thở dài. Sau này, tôi đố Bỉnh trên cánh đồng lúa xanh rờn khắp đất nước mình có bao nhiêu bà mẹ cùng một lúc thở dài, nó chịu thua tôi.
    Về thôi. Nếu mẹ tôi không bảo thì tôi cũng về. Hàng ngày theo sau con trâu ra đồng, tôi thấy buồn day dứt. Nhớ lại ngày nào sư phụ Hoàng bảo tôi đóng hai chỉ vàng sẽ học thành tài. Những buổi ngồi chùm nhum cắt vải giữa thầy và trò sao mà vui đến thế, sao mà nhiều hoài bão đến thế. Chúng tôi thêu dệt cho nhau nghe bao nhiêu là chuyện. Thằng này sẽ làm gì, thằng kia sẽ làm gì, rồi cùng nhau đưa nhà may đi lên. Chúng tôi nhủ nhau lấy giá thật thấp, trước là gây dựng uy tín, sau là giúp người nông dân có tấm áo đẹp, vì bọn tôi cũng là nông dân đi ra nên hiểu sâu sắc hơn ai hết về nỗi khó nhọc trên cánh đồng. Sư phụ Hoàng công nhận: "Tụi bay nghĩ như thế là đúng. Tao cũng là người nông dân, nhưng có điều là người nông dân hèn nhát không dám nhìn nhận gốc gác của mình. Bố tao cày sâu cuốc bẫm. Mẹ tao cũng vậy. Tổ tiên tao là nông dân. Nhưng tao thì bọn bay thấy đấy, trơn tru không dấu vết, có khi còn ém nhẹm nó đi".
    Tổ tiên tôi cũng là người nông dân, nhưng là người nông dân tự hào về mình. Ông đi khai hoang lập ấp. Những đồi núi qua đôi tay ông được san bằng, những cây cổ thụ già nua bị đốn ngã, thú dữ phải khiếp sợ mà chạy thụt lùi vào rừng sâu. Đồng bằng mọc lên phì nhiêu, nước từ sông ngòi dẫn về làm tươi tốt lúa. Không mảnh đất khô cằn nào mà không mọc được cây xanh. Không có xóm làng nào tự nhiên đông đúc. Từ các miền xuôi ngược, người dân đổ về đây là trù phú thêm. Họ lập ra những ấp, những thôn, chọn những người già làm chủ chốt, tự coi ngó nhau, giáo dục trẻ con lòng tự hào về mảnh đất của mình. Những buổi chiều trên cánh đồng, người ta lấy ngắm lúa làm trò tiêu khiển, lấy hát đối làm ngôn ngữ giao tiếp và ăn mừng những vụ lúa bội thu. Người ta đặt vè, người ta tôn vinh lúa. Người ta đặt cho nó cái tên mỹ miều của người con gái đương thì: Nàng Thơm. Người ta gọi đất là mẹ đất. Vì mẹ đất cho lúa ngon, người ta cúng dâng mẹ, cúng dâng mẹ chưa đủ, người ta cúng dâng bầu trời. Cầu mưa thuận gió hoà, cầu đất đai được sưởi ấm, cầu cho con gái con trai sinh đẻ tốt tươi. Người ta gọi lúa bằng ca dao, gọi cuộc sống đâm trỗi dậy bằng mồ hôi, và nụ cười đến với họ chỉ bằng một hình thức đơn giản là được ôm vào lòng những hạt lúa mẩy tròn.
    Vậy mà chỉ ngần ấy thời gian, cánh đồng đã mang một ý nghĩa trái ngược. Là nỗi lo sợ, là nhọc nhằn, là cay đắng nhìn nhau của những người đi tìm lối đi mới, như tôi.
    Những lúc mệt rũ vì cày bừa, tôi và Bỉnh nằm dài xuống đất, ngước nhìn bầu trời xa đằng kia trong ánh chiều chập choạng. Tôi không biết có mơ gì trong cái đẹp đẽ kia không? Giữa những hoà nhoáng đi qua như phủi sạch công sức cày cuốc, Bỉnh sẽ chọn lối đi nào? Hay cứ gật gù để rồi cay đắng nhìn nhận nông thôn như một bà mẹ ghẻ nhìn đứa con chồng, không hài lòng, không yêu mến nhưng phải dung nạp, phải chăm bón cho nó từng ngày. Mà đứa con ghẻ nông thôn còi cọc khó nuôi, đổ mồ hôi công sức cũng chưa chắc đã nuôi nó được, huống hồ nó cần phải có tình thương nữa. Nó cứ còi cọc, mỗi ngày một nhỏ bé. Trong khi đứa con ruột đô thị đẹp đẽ lại hào nhoáng đến thế kia. Bà mẹ ghẻ không chọn đứa con chồng, người nông dân không chọn đồng ruộng, thảy đều có nỗi riêng.
    Những lúc đánh xe bò ra ruộng chở lúa, tôi và Bỉnh luôn kể lể với nhau những tin tức lượm lặt được ngoài thị trấn. Những câu chuyện không liên quan gì đến rơm rạ, không có bóng con bò còm cõi, cũng không có đồng quê mà là thành thị thế này, thành thị thế kia, ai đó vừa mới về thăm nhà lóng lánh như ảo ảnh. Rồi luôn luôn, lúc nào cũng vậy, Bỉnh sẽ kết thúc bằng câu: "Đời tụi mình sao cứ bọt bèo!".
    Một hôm sư phụ Hoàng chạy lại báo: "Tao có một tin vui đây!". Chả là từ ngày chúng tôi đóng cửa tiệm, bản thân sư phụ cũng chẳng làm ăn được gì, hết than thở đi ra rồi lại đi vào. Không như những ngày đầu thị trấn chỉ có vài tiệm may nhỏ. Bây giờ nó mọc tràn như nấm, từ đầu đến cuối chợ ở đâu cũng có khiến sư phụ lâm vào cảnh khốn khổ như chúng tôi, lại không có ruộng lúa để bám, đành phải bỏ vào Sài Gòn để may ở các xí nghiệp. Bữa đi có tổ chức chia tay đàng hoàng. Và như đã hứa sẽ kiếm việc giúp nên hôm nay thầy quay trở lại.
    Thế là đi thôi. Cũng tiệc tùng đưa tiễn như mọi cuộc chia tay, cũng những lời chúc tụng một tương lai tươi sáng nào đó và hẹn ngày trở về. Mẹ tôi đưa ra đến tận cổng làng, dặn dò:
    - Ráng giữ mình. Nếu có gì không xong thì thôi, về làm ruộng với mẹ nghe con - Kẻ đi người ở cứ rưng rức muốn khóc.
    Những ngày đầu háo hức ở Sài Gòn rồi cũng thôi dần. Chúng tôi làm việc từ sáng đến tối chẳng được bao nhiêu, nạn thất nghiệm hoành hành, công nhân may ở các công ty chạy qua chạy lại như mắc cửi vẫn không đủ sống. Sư phụ Hoàng và hai đứa tôi mỗi người một nơi. Cuối tuần gặp gỡ, bao nhiêu chuyện quê nhà cứ đem ra kể mãi.
    Nào là ruộng lúa bờ tre, nào là tháng này chắc lúa đang đòng. Lâu lâu quê nhà dội lên một tin: "Bà Tám chết rồi, mấy đứa con lại đi làm xa". Phát thanh truyền hình kêu rôm rả: "Bão đang đổ bộ lên các tỉnh thành miền Trung". Đồng quê đang xơ xác lại càng buồn thêm.
    Một hôm, sau những ngày tháng lao đao trên thành phố không được gì, tôi bỏ về. Quê hương tôi là những khoảng trời rộng rãi. Nằm ở đâu cũng có thể ngủ được, ở đâu cũng một mùi thơm lúa non, mùi rạ, mùi cây lá được ủ ê trong ngập ngụa không khí. Chạy từ cánh đồng này sang cánh đồng kia thời thơ ấu, mắt tôi đã quen màu xanh, tai tôi đã quen tiếng gà gáy và trước mặt tôi luôn luôn là một khoảng trời rộng. Vào đầu các cơn mưa, tôi và lũ bạn đi soi ếch đêm, vừa thấm cái lạnh se se đầu mùa, vừa trượt mình trên những doi đất mát rượi. Tôi đã quen trong bóng chiều chập choạng từng đàn trâu bò đi về với cái chuông leng keng trên cổ, hoặc những người già tay liềm, tay nón ngồi phe phẩy quạt dưới bóng râm bên vệ đường. Giờ đây, những tù bức trong xí nghiệp làm tôi ngột ngạt. Căn phòng thuê chật chội làm tôi nhớ cánh đồng. Những tình cảm xa lạ ở thành thị càng thúc hối tôi trở về nhiều hơn. Tôi về. Nhưng lúc rảnh rỗi vì mùa gặt đã xong, tôi viết thư cho Bỉnh. Bao giờ mở đầu thư tôi cũng hỏi: "Bỉnh ơi! Bà Năm bọn mình vẫn ghé có còn bán bánh mì không?". Hỏi thì hỏi vậy thôi nhưng tôi biết Bỉnh sẽ trả lời rằng: "Tất cả các bà tên Năm đều bán bánh mì, bất chấp đúng sai". Một lần khác tôi viết: "Bỉnh ơi! Về đi! Quê mình đã có máy cày rồi !".
    Ta trả lại anh một nửa dòng sông
    Một nửa đời ta trong mát
    Đi qua cơn khát
    Anh còn giữ không ?...
  6. duong_chieu_la_rung

    duong_chieu_la_rung Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/05/2003
    Bài viết:
    970
    Đã được thích:
    0
    Bước qua một quãng đồi dài
    Nguyễn Ngọc Thuần

    Câu chuyện như một màn kịch câm. Bối cảnh diễn ra trên một chuyến xe đò. Cô gái một mình tự suy gẫm, tự đối thoại, tự đặt ra tình huống... Bao nhiêu dồn nén, chất chứa trên suốt cuộc hành trình vỡ òa ra khi cô ngẫu nhiên nắm tay người đàn ông đồng hành như bị dẫn dắt bởi một hấp lực mạnh mẽ nào đó. Chỉ một khoảnh khắc tình cờ thôi nhưng nó là tất cả.
    o0o
    Chuyến xe đường dài giống như một thế giới vừa được bày biện, sáng tạo xong. Một vài con người nhảy nhót loạn xạ với những hàng hóa, một vài con người có vẻ nhàn tản bù khú bên ly cà phê... lại thêm một vài con người chìm ngập trong những lo lắng chưa giải quyết đã sầm sập tới. Riêng cô, có lẽ là một con người xa lạ nhất ở đây. Cô cũng không hiểu mình có điều gì cần phải lo lắng không, hay đại loại một cái gì tương tự. Trong khi chờ xe chạy, cô chỉ còn biết chọn cho mình một công việc là soi gương. Đó là một chiếc gương bé chừng lòng bàn tay. Nó không bao giờ soi khắp khuôn mặt cô, chỉ là một phần cái miệng, một con mắt, hoặc một nét lông mày, thế là đã đủ. Nhưng nó là một sự tiện lợi kỳ lạ khi cô soi. Cô đã soi gương liên tục trong suốt nhiều giờ qua mà không một ai nhìn thấy.
    Rồi cô cũng phải rời chiếc gương. Bởi cô không thể cứ nhìn ngắm mãi một điều quen thuộc mà cô đã nhìn suốt bao nhiêu năm trời. Một ý nghĩ khác chợt nảy ra trong trí óc cô. Cô thấy rằng mình cần phải làm một điều gì đó. Một cái gì đó hơi rồ dại một chút. Dù sao đây cũng là chuyến đi xa cuối cùng của cô.
    Đầu tiên cô chọn những người bù khú bên ly cà phê. Trông họ có vẻ nhàn tản quá. Cô cần điều đó cho lúc này. Nhưng khi ngồi lên chiếc ghế đẩu lạnh ngắt, cô lại nguyền rủa mình. Tại sao cô lại vào đây. Cái sai lầm thứ hai là khi cô gọi một ly cà phê đen. Cô định gọi thêm một ly đá nhưng cái cảm giác rằng khi cô vừa cất tiếng, bỗng dưng mọi người nhìn về hướng cô ngồi đã làm cô không thấy chút hứng thú gì. Những giọt cà phê cứ từ từ nhỏ xuống, đen tối dị kỳ. Cô cũng vừa phát hiện một ánh mắt. Cô ngờ ngợ như thế. Một con mắt đẹp. Chỉ thế thôi. Nó được nhìn từ một góc trái. Cái ánh mắt ấy làm cô khó chịu. Như một phản xạ tự nhiên, cô thấy mình cần thiết phải sửa lại tư thế ngồi. Tư thế của con người luôn nói lên một cái gì đó, cô tin vậy. Nhưng cô muốn chúng nói lên điều gì đây?
    Thế rồi cô gọi một điếu thuốc. Quỷ tha ma bắt cái thói hoang đàng. Cô nguyền rủa mình. Nhưng cô cũng không cưỡng lại được cái việc mà cô muốn gây nên một ấn tượng. Cô sợ mình nhạt nhẽo. Cô cũng không phải là một con nghiện mấy cái trò phì phèo, chỉ là một chút thú vị rỗi hơi muốn làm khác đi. Đã nhiều năm nay cô có hút điếu thuốc nào đâu. Cô cũng chẳng chết. Nhưng hôm nay, trong cái bối cảnh như thế này, tự dưng cô thấy mình cần phải làm như thế. Hoặc hơn thế.
    Điếu thuốc đã được đem ra. Và bỗng dưng cô sợ. Cô sợ khi vừa đốt nó lên thì đồng thời cô sẽ ho sặc sụa. Cô ho như một con điên muốn chứng minh mình điên. Nhưng cuối cùng thì cô thở phào vì chuyện ấy đã không xảy ra. Nó chỉ có thể tăng phần kỳ lạ ở cô mà thôi.
    Dần dần cô cảm thấy mình yên tâm hơn lúc nào hết. Cái đầu của cô cũng bớt cúi xuống. Không chỉ vậy, cô còn có thể ngước lên một cách kiêu ngạo, một cách bất cần, một cách gì gì đó...
    Cái ánh mắt đẹp quỷ quái vẫn còn nhìn cô. Rõ ràng là nó đã nhìn từ khi cô bước vào. Hình như cùng với nó còn có thêm một vài con mắt khác. Tại sao cô phải né tránh nó chứ. Cô không có một điều gì phải sợ nó cả. Điếu thuốc xem ra đã tỏ rõ sức mạnh cho cô. Một ý nghĩ nảy ra trong đầu rằng cô phải nhìn thẳng vào mắt nó. Nhưng cô cần phải lựa chọn cho ánh mắt của mình như thế nào đây: ngạc nhiên, phân vân, hay thẫn thờ... mọi cái đều có vẻ không ổn. Có vẻ không nói lên được cái điều cô muốn. Cô không thích mình thụ động như thế. Cô cần phải có một thái độ khác hơn.
    Chiếc gương, quỷ tha ma bắt, cô đã bỏ nó trong túi xách, nếu không cô sẽ soi gương mặt mình, rồi một lúc bất cẩn nào đó, cô sẽ nhìn xéo qua khuôn mặt của gã kia. Đúng ra là cô sẽ nhìn vào con mắt đẹp của gã. Chẳng hiểu sao cô vẫn tin nó là một con mắt đẹp. Cô chẳng bao giờ có thể vừa mất thời gian vừa phải bận tâm chỉ vì một con mắt xấu.
    Chuyến xe đã bắt đầu chộn rộn. Hình như mọi thứ đang chuyển động dần. Một vài người sau lưng cô đã đứng lên. Rồi một thằng nhóc bé choắt chạy tới: ?oCô cho cháu xin tiền nước?. Thì ra nó sợ cô quỵt bằng cách xe vừa chạy thì cô sẽ nhảy bổ lên, và cái ly cà phê của nó sẽ đi tong. Một thoáng gì đó như sự xúc phạm dâng lên trong cô. Nhưng nó chỉ là một thoáng thôi.
    Những đồi núi như kẻ bị bỏ lại cuống quýt sau lưng cô. Chúng sẽ bị lãng quên, cô biết vậy khi cô về đến nhà mình. Thi thoảng thì cô sẽ nhớ chúng trong những buổi tối. Nhưng đó chỉ là những lúc hơi buồn, không thể khác.
    Cái gã ngồi gần bắt đầu ngoáy lung tung. ?oTôi thề rằng sẽ không bao giờ đi những chuyến xe cuối năm như vầy nữa?. Gã nói với cô, hay gã nói với một ai đó cô cũng không biết nữa. Cô chỉ bận tâm với cái ánh mắt kia. Cô muốn quay lại phía sau, sau lưng cô. Gã ngồi đó. Gã đang nghĩ gì mà chầm bẳm vào cái gáy của cô.
    Cuốn sách đang đọc dở không thể nào níu cô vào câu chuyện của nó. Một người đàn bà ngoại tình trong tư tưởng với một người đàn ông xa lạ. Chữ ngoại tình ở đây có vẻ không ổn. Bà ta chỉ tưởng tượng cảnh ông ta tán tỉnh bà. Ông ta chỉ hỏi vẻn vẹn có một câu: ?oBà đi bình an chứ!?. Nhưng sau câu nói đó là gì, có trời mà biết. Có thể sẽ là một cuộc hỏi han về sở thích, về món ăn, về địa chỉ, có vẻ vu vơ thôi, và sau đó vu vơ hẹn gặp. ?oTôi vẫn hay đi ngang con đường ấy. Nếu rảnh rỗi, tôi sẽ ghé thăm?. Có thể như thế lắm chứ. Và cũng rảnh lắm chứ. Biết bao nhiêu cuộc tình đã được diễn ra như vậy. Tình cờ mà. Tình cờ là cái khối cô nàng lựa chọn cho buổi gặp gỡ đầu tiên của mình. Đôi khi không thật tình cờ nhưng họ vẫn thích gán cho rằng nó là cái tình cờ. Tình cờ một chiều mưa, tình cờ một buổi tối và sau đó là tiếng sét, một tiếng sét nổ ra làm hai con người choáng váng. Thế rồi họ yêu nhau.
    Cô chẳng có một mối tình nào như vậy. Lũ con Hồng thường gạ gẫm cho cô một ai đó và thường thường họ sắp đặt mọi chuyện như tình cờ. Nhưng cô thì chẳng có thể nào tình cờ được rồi. Một buổi đi tắm biển, một ngày nghỉ đâu đó trong quán cà phê bù khú với bạn bè, một buổi cắm trại... một người đàn ông chẳng biết từ đâu được chúng giới thiệu là người nhà, người bà con, ông anh họ... và rồi tình cờ chúng bỏ đi. Chúng bỏ đi để rồi chúng tình cờ quay lại xì xầm với ông anh họ. Chẳng biết chúng thì thầm cái gì, nhưng cô thừa biết chúng sẽ hỏi: ?oThế nào, được không??. Ôi cái cuộc tình cờ ấy bỗng chốc thật lố bịch, thật xuống giá. Cô còn nghĩ đến cảnh, người ta biết rằng cô đã đến đây chờ đón sự tình cờ. Và suốt cuộc nói chuyện kia chỉ là sự vờ vịt của cô. Rằng cô cũng mong mỏi lắm, cô chờ đợi, cô đến vũ hội để kiếm cho mình một tấm chồng. Nhưng cô không thể quyết được chuyện này. Cô phải chờ đợi và họ là kẻ quyết định cuộc đời của cô.
    Thử tưởng tượng cái cảnh này trong giấc ngủ khiếp đảm hàng đêm, một đoàn phụ nữ đi đến vũ hội, và trên tháp cao, những người đàn ông sáng giá tay cầm quả cầu, mắt lăm lăm vào những cô gái đẹp. Những phụ nữ vẫn mải miết khiêu vũ đến kiệt sức vì chờ đợi một trái cầu. Đó là những ý nghĩ lố bịch lẩn quất trong đầu sau những cuộc hẹn tình cờ của cô. Mặc cho con Hồng gào thét: ?oĐiên quá con ạ! Phải biết đón nhận lấy những gì thuộc về mình?. Nhưng cô vẫn nhận lấy những gì thuộc về mình đấy thôi.
    Gã ngọ nguậy kế bên đã ngủ. Và ngáy. Trông gã có vẻ hài lòng với diện tích bé nhỏ dành cho mình chứ không như lúc thức. Khuôn mặt chảy dài như một nỗi buồn bất tận. Buồn khủng khiếp. Quãng đường càng lúc càng thu hẹp dần. Không biết cái gã phía sau đã ngủ chưa. Cô không còn cảm thấy khó chịu vì cái ánh mắt của gã nữa. Có vẻ như mọi chuyện đã dịu đi. Đã êm ái. Chiếc gương nhảy múa trong tay cô. Nó đang phân vân. Cô sợ mình bắt gặp ánh mắt của gã trong gương. Hai ánh mắt của hai kẻ xa lạ gặp nhau trong một chiếc gương bé nhỏ. Gã sẽ nghĩ gì. Và cô sẽ thật khó sống cho quãng đường còn lại, dù nó chỉ còn rất ngắn ngủi thôi. Một đôi môi dày, thật đẹp. Một cái cằm vuông vức. Cô không thể rời khỏi chúng nữa. Trong gương, chúng tỏa ra một thứ ánh sáng mờ ảo, xanh biếc. Rồi cô bàng hoàng khi chợt nghĩ, trong chiếc gương của cô rằng đã từng tình cờ chứa đựng những vật thể xinh đẹp ấy. Cô quyết định nhìn đến cái mũi. Đó là một cái mũi thật thanh thoát, cao một cách vừa phải. Rồi cô nhìn xuống những ngón dài của đôi bàn tay. Cô sợ hãi không dám nhìn vào đôi mắt. Một bàn tay này phải đi với một gương mặt này, một gương mặt đẹp, cô tự nhủ thầm với mình như vậy. Với một khuôn mặt như thế người ta không thể xấu đi. Người ta chỉ có thể đẹp hơn. Cô không chờ đợi một điều gì khác.
    Chuyến xe đã bắt đầu dừng lại. Gã ngồi kế bên cô bật dậy hoảng hốt: ?oMấy giờ vậy??. Chẳng biết gã nói với cô hay nói với một ai. ?oĐã bốn giờ chiều rồi?. Cô cũng không nói với gã. Cô chỉ buột miệng. Những hành khách trên xe bắt đầu chộn rộn với những túi, những giỏ. Họ đang thở phào vì chỉ dăm ba tiếng đồng hồ nữa thôi họ sẽ về đến nhà. Họ sẽ quên đi cái chuyến xe quỷ quái này, quên đi những con đường họ vừa đi qua. Họ có nhiều con người để có thể đáng nhớ hơn.
    - Bà con hãy kiểm tra lại hành lý... một ai đó nói. Cô đứng dậy. Đây là giây phút cuối cùng, nếu cô không làm những gì mình đáng làm thì có nghĩa rằng, cô không bao giờ gặp lại nó nữa.
    Trước mắt cô là một đôi mắt thật đẹp, dài và buồn của người đàn ông. Vẫn cái cằm, đôi môi, những cái đẹp đẽ ấy... người đàn ông bắt đầu lần những ngón tay lên thành ghế. Anh ta chạm nhẹ lên mọi thứ như đó là con đường mà anh ta phải đi. Như đó là con đường mà anh ta cảm nhận rằng phải đi. Rồi trong quá trình nhẫn nại ấy, anh ta cũng tìm được đến nơi cần phải đến.
    Như một cái gì đó thật ngẫu nhiên, thật đường đột, cô nắm nhẹ lấy bàn tay anh: Tôi sẽ đưa anh xuống nhé!
    Đã đến lúc cô thấy rằng mình không cần phải chờ đợi một sự tình cờ nào khác hơn.
    Một nét rạng rỡ thoáng qua trên khuôn mặt người đàn ông:
    - Cám ơn cô! Nhà cô có ở gần đây không?
    Nước mắt bỗng dưng như muốn vỡ òa ra trong cô. Trong những câu chuyện tình ngẫu nhiên thì đây là một khởi đầu tốt đẹp và có thể đi tiếp. Dám lắm chứ. Cô lắp bắp:
    - Gần... gần lắm... chỉ cần bước qua một quãng đồi dài...
    Ta trả lại anh một nửa dòng sông
    Một nửa đời ta trong mát
    Đi qua cơn khát
    Anh còn giữ không ?...

Chia sẻ trang này