1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi hoangvan09, 09/05/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Ngơ ngác mùa dưa
    Tạp văn
    Nguyễn Ngọc Tư

    Văn phòng của Ban quản lý Khu quy hoạch nằm giữa xóm đê. Mỗi khi ông già nhìn về phía đó, đều bồn chồn, trời ơi, sao mình chạy đi đâu nó cũng rượt theo vậy cà.
    Đất nhà đã đô thị hóa, trơ hốc cát bụi với bê tông (nghe đâu chỗ đó người ta sẽ làm sân tennis, uổng quá, phải chi xây trường học, ông đỡ xót lòng). Ngặt gió chướng không thương nên đến hẹn lại rập rờn qua cửa. Ông chạy vào vạt đồng này thuê đất trồng dưa hấu. Năm đầu tiên, ông đốt rạ lên, nghe khói trên đất-người-ta cay sè con mắt. Lãng xẹt, ông tự cười, hai vạt đồng chỉ cách một con mương rộng, có xa đâu, mắc gì mà buồn. Dù thế, tha thểu trên đất quê người cảm giác cứ xót xa.
    Năm nay, mảnh đất mà ông thuê cũng rục rịch quy hoạch. Người chủ đất ngậm ngùi, "chắc là sau Tết tui giao giấy đỏ cho người ta, tìm phương kế khác làm ăn, ông cũng đừng có buồn... ". Hôm vác dá ra ruộng để lên giồng, ông thấy giật mình vì đồng vắng tanh, vắng ngắt. Cỏ mọc bít những lối mòn trên bờ ruộng, bông cỏ vượt lên đầu ngọn lúa xanh rờn. Người trong xóm không còn tâm trạng để chăm chút đất đai, họ bồn chồn chạy qua chạy lại nhìn nhau, bồn chồn nói cười, bồn chồn ngó những ô xanh đỏ trên bản đồ quy hoạch, kìa, cái siêu thị đó nằm ngay trân đất nhà tui.
    Chộn rộn, nôn nả trước cuộc đổi đời, đám bạn rẫy của ông quên cả mùa dưa hấu đang tới. Cả ngọn gió chướng liêu xiêu cũng không đủ để nhắc nhớ. Thành ra vạt đồng chỉ còn mình ông. Với một mùa ròng rãi... Tưới dưa xong, ông già ngồi hút thuốc ngó trời, nhớ thằng Bảy Trị, Ba Thám bây giờ người chạy xe ôm, người mở tiệm buôn bán nhỏ, tiệm bida, karaokê hay dạt đến một cánh đồng xa hơn, tiếp tục sống đời nông dân "ăn chắc, mặc bền".
    Tết này, giữa chợ, ông sẽ gặp lại bao nhiêu người trong số đó? Hay cả một vùng dưa Lý Văn Lâm nổi tiếng chỉ còn tum húm đống dưa của ông?
    Năm ngoái, cũng cữ này, cũng trên cánh đồng này, cả bọn còn uống rượu cùng nhau, thấy thời tiết hanh hao, ngó những trái dưa thẫm xanh nằm lăn lóc trên giồng dây lá đém, bàn Tết nay chắc trúng lớn. Dường như, ngay lúc ấy, chắc là đất dự cảm được sự chia lìa, nên dâng hết phù sa. Dưa hấu được mùa, được giá, bọn ông được về nhà trước giao thừa (cái nghề của ông, về trước giao thừa là một niềm hạnh phúc lớn). Phải biết là mùa cuối, thể nào ông cũng rủ cánh trồng dưa tụm lại nhậu một bữa, ca hát tưng bừng, để sau này có chuyện để mà nhắc nhớ.
    Bây giờ thì ông uống rượu một mình, nghe lạt nhách. Những người khác đã bị (hay được) bứt ra khỏi cánh đồng, như chưa từng vui, buồn, chưa từng đẫm mồ hôi, chưa từng rơi nước mắt...
    Chỉ còn đồng đất đìu hiu cây cỏ dại. Và ông. Lâu lâu, có mấy người từ xóm đê chạy túa lên đồng, ông mừng húm, vừa hay mình thèm người. Họ, cũng có vài thằng bạn rẫy của ông, xúm lại coi đá gà bị công an vây bắt, mới vọt ra ruộng thoát thân. Gặp ông, họ bảo "Thấy mấy giồng dưa ngán ngược, nhớ hồi đó cực thấy mồ tổ, ham gì mà ngồi thù lù ở đây, anh Hai?" Ông cười, "Ở không buồn tay buồn chân quá, với lại... ". Nhưng ông không biết diễn tả làm sao, mười bảy năm nay, ông quen đếm tuổi mình bằng một mùa dưa, đếm ngày qua bằng hai cử tưới, và nhìn những trái dưa hấu nằm cùi cụi, phổng phao trên giồng, ông biết năm sắp qua... Có những cảm giác mà họ vô tình (hay cố tình?) quên, nỗi vui nhìn hạt nứt mầm, dây soãi bò đan nhau trên mặt đất, bông rơi từng cánh cho trái thò đầu ra đón nắng, rồi bằng trái chanh, trái cam, bằng trái bóng nhựa, rồi dưa căng mẫy, mọng nước trĩu trên tay... Hay cái cảm giác đau nhói, rã rời nhìn dưa nứt như pháo nổ khi cận ngày cắt dây lại gặp trận mưa rào... Họ quên rồi.
    Họ ngơ ngác sống những tháng ngày mới. Cuộc đổi đời quá nhanh, đến choáng, đến chóng mặt. Lần đầu tiên họ được cầm món tiền lớn (mà cả đời họ mơ ước). Lớn đến nỗi đủ để người ta ngoay ngoắt với những ngày tháng đạm bạc cũ. Nói đâu xa, thằng con cũng nổi quạu khi hay ông khăn gói lên đồng, ?oTui chạy xe ôm nuôi ba má có đói ngày nào đâu mà ba lại rước cực vào thân cho mệt?. Ông giận. Rồi nguôi, vì cảm thông, tụi trẻ không yêu đất như mình.
    Cả đám bạn rẫy đang sống nhàn rỗi (một cách chông chênh) kia, cũng đáng thương. Rủng rỉnh tiền, nhưng không biết ngày mai làm gì, sống bằng gì, tiền sẽ hết, bởi cũng phải ăn, phải tiêu xài. Cái viễn cảnh cánh đồng trở thành đô thị với nhà máy, quán cà phê, quán nhậu, với những cửa hàng sáng choang... còn xa. Nghe đài báo đưa tin về quy hoạch ?otreo?, quy hoạch ?ongâm? mà rầu.
    Đồng đất vẫn trống trải, không thấy những chiếc xe tải chở gạch đá xuôi ngược trong bụi mịt mù, cũng chẳng nghe âm thanh nhịp nhàng của mấy chiếc máy đóng cọc... Đô thị chắc còn rị mọ tận đằng xa. Nhưng vùng dưa đã mất. Dưa hấu miệt này không đặc sắc như xứ Cái Keo (ở đó người ta bón phân bằng phân tôm, nên dưa đỏ thắm, ngọt lịm, thanh thao), nhưng nhờ lợi thế trồng ở ngoại ô thành phố, tiện chuyên chở, sát Tết mới cắt dây nên giữ được lâu. Cái câu "Dưa để hết Mùng vẫn ngon hết sãy", xưa rày vẫn giòn giả cửa miệng của những người bán dưa xứ này.
    Bây giờ thì mỗi Tết về, người mua đã tin tưởng đã trông mong. Nhưng vùng dưa sắp mai một mất rồi. Chỉ còn những người tâm huyết với đất như ông, cố níu...
    Mùa sau, có lẽ ông sẽ dạt đến một cánh đồng xa hơn, nơi mà đô thị chưa đuổi kịp. Lại đốt rạ, lại nghe khói trên đồng xứ người cay sè con mắt. Lại dè chừng một văn phòng Ban quản lý dự án nào đó bỗng hiện lên, giữa ruộng...
    Nói cho cùng, cái văn phòng ấy không có tội. . .
  2. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Tiếng thở dài với Cánh đồng bất tận
    TT - Không chỉ nhận được những lời khen, Cánh đồng bất tận còn mang đến một sự tiếc nuối... Và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã "thở" một tiếng dài, khi ngọn gió phương Nam mát rượi bỗng trở thành cơn lốc xoáy...
    >> Trò chuyện với Cánh đồng bất tận
    Tôi nhớ hình như đó là một bài hát của Trịnh Công Sơn. Không hiểu tại sao tôi chợt nhớ đến nó khi đọc những trích đoạn Cánh đồng bất tận trên Tuổi Trẻ.
    Tôi im lặng như nhiều bạn đọc cũng im lặng vì biết mình là ?ongười ngoại đạo?, chỉ dám dựa cột mà nghe, khi quanh tác phẩm là những lời khen ngợi của giới văn học, của những người có thẩm quyền, coi như một hiện tượng hiếm có của một nhà văn, nhất là một nhà văn nữ, trẻ, đầy hứa hẹn của đất phương Nam khi từ bỏ lãnh địa quen thuộc của mình lao vào một cõi đất mới, một cánh đồng bất tận toàn cầu hóa: cái dục, cái ác, cái xấu, cái phần ?ocon? trong mỗi con người!
    Tôi như cảm thông sâu sắc với người cha của Nguyễn Ngọc Tư (NNT) khi ông đọc bản thảo của con mình đã im lặng... NNT của ông đã là một cơn gió mát rượi của đất phương Nam bỗng trở thành cơn lốc, xoáy lên, chướng lên trên cánh đồng bất tận thì ông đành phải im lặng và giấu sau đó là một tiếng thở dài.
    Tiếng thở dài rất nhẹ mà tôi ngờ rằng một người rất nhạy cảm như NNT cũng có thể đã không nghe thấy, nhưng đó sẽ là một tiếng thở dài bất tận nếu NNT tiếp tục thổi phồng lên, tiếp tục khai thác, tiếp tục tô đậm phần ?ocon?, phần cái ác, cái xấu, cái ***.
    Dĩ nhiên nhà văn có toàn quyền, có quyền chắt mót những đây đó để tô đậm, dồn nén, đóng khuôn thành tác phẩm, nhất là trong trào lưu chung, toàn cầu hóa. Đây chính là con đường mà các nhà văn phương Tây đã đi qua từ đầu thế kỷ trước và hiện nay hình như họ đã khác, họ đã quay ngoặt lại với Phong thần, với Tây du ký (trừ một số phim ảnh, game tiếp tục khai thác bạo lực và ***).
    Nhưng hình như bản chất của NNT không thế. Hình như cô đang ráng làm một điều gì đó chỉ để đổi mới mình, ngờ rằng người ta đang ngán ngẩm mình, chán nản mình nên phải làm mới.
    Tôi từng đọc và rưng rưng cảm xúc với Người nhà quê, một viết ngắn của NNT trên báo Tuổi Trẻ dạo nọ. Người nhà quê NNT sâu sắc đến vậy, làm cho những người nhà quê trong mỗi chúng ta phải cảm động, ray rứt, giật mình, cứ muốn được quê mãi như thế, dù trên đà hội nhập. Nhưng khi đọc Cánh đồng bất tận tôi lại thấy một dạng luận đề, nhà văn muốn nói lên một điều gì đó, muốn nhân danh cái gì đó, dàn xếp cái gì đó, tô đậm cái gì đó rồi dùng văn chương của mình để đúc khuôn nó lại.
    Cô rất dễ có được những sự trầm trồ, bù lại độc giả bình thường thân thiết của cô, những người như tôi, cảm thấy tiếc nuối, hụt hẫng, cảm thấy như mình đã mất đi, một niềm tin chẳng hạn. Dĩ nhiên xấu và tốt đan xen trong cõi người ta, nhà văn có quyền dòm bên xấu hay dòm bên tốt hay chạy qua chạy lại dòm cả hai bên để tô đậm thì tùy, nhưng độc giả có quyền của độc giả: im lặng thở dài!
    Nhưng NNT vẫn là NNT. Tôi tin vậy. Cô chỉ ?ohương đồng gió nội bay đi ít nhiều? thế thôi...
    ĐỖ HỒNG NGỌC
  3. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Cánh đồng bất tận: Dữ dội và nhân tình
    TT - Sáng tác mới của Nguyễn Ngọc Tư đang tạo nên dư luận. Những tiếng khen chê xung quanh một tác phẩm văn học đã làm cho chính đời sống văn học trở nên sôi động. Tin vui từ Cánh đồng bất tận đã được truyền xa nhưng cuộc trò chuyện thì không thể kéo dài bất tận.
    Xin tạm khép lại cuộc chuyện trò thú vị này bằng ý kiến của một nhà phê bình và một nhà văn.
    Dữ dội và nhân tình
    Tôi có thích, nhưng chưa phải là thích lắm, truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Thích vì cách viết tự nhiên, thoải mái của người viết, ngỡ như bất cứ cái gì Tư cũng viết thành truyện được, những câu chuyện bình thường về những điều bình thường của những người bình thường của cuộc sống quanh cô.
    Ngay cái truyện Ngọn đèn không tắt đã thấy Tư biết kể những chuyện nhân tình bằng một giọng chân tình khiến người đọc dễ nghe và dễ chịu. Tôi đã từng phân tích một truyện của Nguyễn Ngọc Tư, Chuyện vui điện ảnh, trên một tờ báo trong nước, và cho một dịch giả Nhật Bản, để thấy sức viết của cây bút này.
    Cũng chính vì sức viết đó mà tôi chưa thích lắm một số truyện của Tư vì tôi nghĩ cô có thể bứt phá được xa hơn, sâu hơn trên mảng viết của mình, nếu không sẽ quanh quẩn và lặp lại.
    Một thế giới nghệ thuật riêng
    ...Từ thực tế của cuộc sống, nhà văn có tạo ra được ?othế giới nghệ thuật? của riêng mình, khi đó tác phẩm mới có sức dẫn dụ người đọc. Tôi nghĩ Cánh đồng bất tận là một tác phẩm như thế.
    Và có thể nói rằng Cánh đồng bất tận là của riêng N.N.T., là một ?okhái niệm văn học chứ không phải là một khái niệm về địa lý, là một hoàn cảnh văn học được tưởng tượng ra bằng cơ sở của những kinh nghiệm tuổi thơ của? N.N.T.? (ý của Mạc Ngôn, tác giả của Đàn hương hình, Báu vật của đời...).
    Những ?ocánh đồng? như thế đều là bất tận vì mỗi người có một quê hương riêng, cách nhìn riêng, cũng như chuyện văn chương là... bất tận vậy!...
    Nhà văn NGUYỄN KHẮC PHÊ
    Điều tôi thầm tin và thầm mong ở Nguyễn Ngọc Tư đã đúng, với truyện Cánh đồng bất tận. Tư đã đưa ngòi bút mình ra khỏi nhà, khỏi xóm, đến với cánh đồng. Hình như phải sống giữa đất trời mới ra con người Nam bộ, cả sự ngang tàng lẫn nỗi đau đớn.
    Nhưng cánh đồng ở đây tôi còn muốn nghĩ là cánh đồng cuộc đời. Nguyễn Ngọc Tư đã ném mình và nhân vật của mình ra cánh đồng cuộc đời để xem họ và mình vật lộn thế nào. Và cả nhà văn cùng nhân vật đã thành công.
    Người đọc đã được bất ngờ trước những phận người, kiếp người hôm nay, tại đây như trong truyện kể, và bất ngờ trước một văn bút khác lạ của người viết truyện. Nguyễn Ngọc Tư đã bắt đầu chạm được vào những vỉa tầng cuộc sống của vùng đất cô sống và viết văn. Dữ dội và nhân tình, văn Tư bắt đầu là như thế.
    Và như thế, tôi muốn nói Cánh đồng bất tận đã chia đoạn sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư thành những truyện trước và sau nó.
    Từ đây người đọc đòi hỏi cao hơn đối với cô.
    Từ đây cô phải chịu áp lực văn chương mạnh hơn, nhiều hơn.
    Từ đây cô phải có trách nhiệm nặng hơn với trang viết của mình. Không dễ đối với người viết cắm được mốc mới sẽ lại có mốc khác cao hơn. Nhưng đã cắm mốc rồi thì phải (nên) viết theo hướng đã mở.
    Nguyễn Ngọc Tư đã có cái nhìn mới trong cái nhìn mới chung của thế hệ mình. Cô lại có sức viết. Cho nên tôi bắt đầu thích hơn truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, từ Cánh đồng bất tận.
    PHẠM XUÂN NGUYÊN
  4. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0

    Sách best - seller
    1.800 bản sách Cánh đồng bất tận (của Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ xuất bản) đã bán hết tại các cửa hàng Công ty Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật vừa qua.
    Đặc biệt từ 10g - 13g thứ bảy 26-11, tại cửa hàng 60-62 Lê Lợi bán hết 130 quyển. Hiện nay giới đọc sách văn học đang rất muốn đọc trọn vẹn cả câu chuyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư sau khi báo Tuổi Trẻ trích đăng từ ngày 21-11.
    Ông Phạm Minh Thuận, giám đốc Công ty Phát hành sách TP.HCM, xác định đây là bản sách văn học bán chạy nhất trong thời gian kể từ sau sự kiện nhật ký Đặng Thùy Trâm đến nay.
    "Chúng tôi vừa đặt hàng 5.000 bản nữa cho NXB Trẻ. Mới chỉ phát hành hai ngày qua nên Fahasa chưa kịp bán sỉ, sắp tới sẽ đưa sách về hệ thống các nhà sách ở các tỉnh?.
    Giám đốc NXB Trẻ cho biết đợt đầu in 5.000 bản và hiện đang tái bản, dự kiến đến thứ tư tuần này, sách tái bản sẽ được phát hành.
    Theo NXB Trẻ, đến thứ tư tuần sau (7-12), đợt in thứ tư tập truyện Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ hoàn tất, nâng số lượng bản in lên 25.000 bản - số ấn bản cao nhất cho sách văn học VN trong năm 2005. Số lượng tái bản này là theo đơn đặt hàng của Công ty Phát hành sách TP.HCM (Fahasa).
    LAM ĐIỀN
  5. anjingruyu

    anjingruyu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/09/2005
    Bài viết:
    207
    Đã được thích:
    0
    Ra sách vào thời điểm cuối năm này thì hot quá rồi , NXB chọn ngày giỏi thật. Phen này phải xem lại bác Mạc Can còn đủ sức thuyết phục để nhận giải "Gương mặt văn đàn của năm" do báo mình chọn nữa không đây. Rõ ràng là NNT cũng rất xứng đáng vì có bứt phá sau CĐBT, từ bút pháp đến mức độ ảnh hưỏng đến không khí chung của văn đàn. Nan giải thật.
  6. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Đánh ?oùm? một tiếng mà thôi!
    TTCN - Được trích đăng nhiều kỳ trên Tuổi Trẻ, tập truyện Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đang là sách bestseller. Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi, cây bút nữ xứ Cà Mau đã hé lộ một lưng vốn dồi dào mà cô đang từ từ ?othanh toán? trên bước đường văn chương.
    * Lúc viết Cánh đồng bất tận, có lúc nào Ngọc Tư nghĩ rằng truyện của mình rồi sẽ trở thành best-seller không?
    - Thiệt tình là không. Lúc viết thì vì cảm xúc, cũng vì chút tự ái mà quyết liệt viết vậy thôi. Vừa rồi đọc báo thấy nói sách bán chạy, Tư nghĩ bán được nhiều, có tái bản, chắc là được thêm ít nhuận bút (cười).
    * Viết vì tự ái ư?
    - Lúc đó bạn bè chê mình viết không có gì mới. Và tự mình Tư cũng thấy cần phải đổi mới mình đi.
    * Còn cảm hứng?
    - Từ một chuyến đi An Giang, khi nghe một ông cán bộ nói bây giờ thợ gặt quê ông bị nhiễm HIV còn nhiều hơn con gái trên phố nữa. Vậy là cảm xúc bị kích lên, Tư thấy cần phải viết. Vậy thôi...
    * Đọc Cánh đồng bất tận, thấy nổi lên triết lý nhân quả qua nỗi đau của những phận người. Tư có chủ ý viết về nhân quả?
    - Có chủ ý chứ. Với lại nhân quả trong cuộc sống có nhiều lắm, ngay trong các câu chuyện, lời nói của bà ngoại Tư. Và nhân quả không phải là cái gì do Trời giáng xuống, mà do chính lòng người; những nỗi đau bắt nguồn từ lòng thù hận của con người. Tư nghĩ con người nên mở lòng ra, sống nhân ái với nhau.
    * Tư có nghĩ rằng con người có thể vượt ra khỏi qui luật nhân quả không?
    - Chắc là không.
    * Nếu bây giờ có nhân vật Điền và Nương ở ngoài đời thực, khi đưa truyện Cánh đồng bất tận cho họ đọc, theo Tư thì hai người đó sẽ nói gì?
    - Chắc họ kêu mình nói dóc quá. Làm gì mà có người cha ghê gớm quá vậy. Với lại mình là nhà văn mà. Thế nào người ta cũng nghĩ mình... nói dóc!
    * Nhà văn Sơn Nam từng nói: đọc Nguyễn Ngọc Tư thấy những người nghèo ở miền Tây Nam bộ trong Cánh đồng bất tận còn nghèo hơn cả những người nghèo mà ông từng viết các thời trước... Tư nghĩ sao?
    - Người nghèo thì trước đây hay bây giờ đều có. Tư chọn viết những gì mà người đi trước không viết thôi. Với những gì người đi trước viết rồi, nếu mình đi lại con đường ấy, hoặc mình phải tránh qua một bên, hoặc là mình phải vượt trội hơn. Nhưng vượt trội thì khó quá, ví dụ như để vượt qua Vũ Trọng Phụng thì... thôi đi, Tư không tự làm khó mình mà chọn cái mình làm được. Như viết Cánh đồng bất tận.
    * Ngọc Tư có quan tâm tại sao người ta thích đọc sách, đọc truyện của mình?
    - Chắc là không. Mình không thể hiểu hết bạn đọc, có khi viết xong cái truyện mà bản thân mình thấy thích lắm nhưng bạn đọc lại chê. Còn với truyện Cánh đồng bất tận, Tư không nghĩ nó sẽ được nhiều người thích mà chỉ mong có bạn bè, đồng nghiệp thích là đã hạnh phúc lắm rồi. Với lại Tư cũng không có ý tìm hiểu bạn đọc của mình.
    Vì nếu biết người ta muốn cái gì, thích đọc cái gì có khi mình lại viết chiều theo ý của họ. Thôi thì cứ đường ai nấy đi, nếu gặp nhau là tốt. Cũng có người mê truyện của Tư nhưng không giải thích tại sao. Mấy nhà phê bình cũng không nói sâu cho Tư hiểu. Họ chỉ khen mấy cái mà bản thân Tư đã rõ về mình.
    * Khen sâu sắc hay chê sâu sắc cũng là đóng góp tích cực cho người viết chứ, phải không?
    - Đúng, nên khen hay chê cho sâu. Chỉ có đánh bóng và vùi dập là không tốt. Mình còn trẻ, chưa dày dạn, nếu đánh bóng thì không tốt mà bị vùi dập là chết liền đó nghen. Có thể nói là Tư hơi nhát gió. Truyện nào viết xong cũng phải đưa ai đó đọc qua, nghe họ nhận xét, về suy nghĩ lại rồi mới dám gửi báo.
    * Tư tích lũy, bồi đắp thêm cho nghề văn như thế nào?
    - Khi tuổi đời mình lớn lên thì sự tích lũy tự nhiên nhiều lên thôi. Cái nhìn của Tư so với cách đây năm, bảy năm cũng khác lắm rồi. Và Tư muốn đọc nhiều sách, nhiều lúc muốn đọc các trường phái, xu hướng mới để biết người ta đang viết như thế nào. Nhưng ở dưới này ít sách quá. Thật ra sự bồi đắp cho nghề theo Tư nghĩ cũng không cần phải làm gì ghê gớm đâu, tự nó đến thôi.
    * Cánh đồng bất tận có vai trò quan trọng như thế nào trong chuyện viết văn của Tư?
    - Tư nghĩ vượt qua chính mình là quan trọng nhất. Tư không biết đến 50 tuổi mình sẽ viết cái gì, viết như thế nào đâu. Lâu lâu mình đánh ?oùm? một cái cho người ta nhớ mình. Với lại khi bạn đọc thấy mình đã nhàm, bản thân mình thấy mình cũng cạn kiệt khi đi theo hướng đó thì mình phải vẹt một hướng khác mà đi chứ. Vẹt một hướng khác nhưng là mình vẹt theo kiểu của mình, trước khi người đọc chán mình. Cánh đồng bất tận là món mà Tư xen vào cho người ta thấy khác lạ, để còn nhớ đến mình...
    * Thường thì nhà văn có hai cách nói: tôi có ảnh hưởng ai đó, và tôi không ảnh hưởng ai cả. Còn Tư thì sao?
    - Người cho rằng mình bị ảnh hưởng ai đó thì có vẻ không tự tin, còn người tự cho là mình không chịu ảnh hưởng của ai thì lại quá tự tin. Với Tư thì có khi mình bị ảnh hưởng mà không hay. Tư nghĩ ít nhiều mình cũng bị ảnh hưởng chứ, vì sống giữa đời mà. Cũng như có người cứ nói là từ nhỏ tới lớn và tới già tới chết tôi không nhờ vả ai. Nhưng lỡ mai mốt xảy ra cái gì đó, chẳng hạn bị... cháy nhà thì sao. Nói tuyệt đối thì cũng không chắc chắn được!
    * Trong khi viết, Tư có cái gọi là ?otrường hợp sáng tác? không? Và Tư có bao giờ nghĩ rằng mình viết cái này là để chuyển tải một tư tưởng gì không?
    - Không. Tư tưởng gì thì chắc do mấy nhà phê bình đọc truyện rồi nói ra thôi. Còn sáng tác thì cứ lúc nào thấy xúc động, đủ cảm xúc, có suy nghĩ về cái mình đã trải qua, có nhu cầu phải viết, nếu không viết chắc... tự tử mất thì Tư viết thôi.
    Với lại mình viết mấy cái dễ dễ trước, cái khó để đó từ từ viết. Với những đề tài hiền hiền Tư viết một trăm cái truyện nữa cũng chưa hết vốn. Cũng có đề tài suy nghĩ rồi nhưng chưa viết được, nói ra sợ người ta cản mình à nghen. Từ từ thôi, mình không thể tự hủy mình trong sáng tác.
    * Có bao giờ vì xác định đề tài sai, hay xác định thời điểm công bố tác phẩm sai mà thành ra nhà văn tự hủy mình không?
    - Có chứ, Tư thấy nhiều người bị nạn rồi. Mình có nhiều cách để lựa chọn chứ, hãy làm những cái sức mình chịu đựng được. Có những người sùng bái văn chương nhưng với Tư văn chương có quan trọng gì đâu, cuộc đời mình còn nhiều thứ khác chứ. Nói thiệt, văn chương không là gì để cho mình đánh đổi tất cả.
    Với riêng Tư, một truyện được viết ra là trút bỏ một cái gì đó từ cảm xúc của mình, chứ không phải ?ođứa con tinh thần? gì như nhiều người nói. Đứa con thiệt là đứa Tư đang ẵm trên tay nè. Còn văn chương chỉ là cái nghề sống được.
    Khi Tư viết xong, tác phẩm ra đời, người ta muốn làm gì nó thì làm, thây kệ nó. Người ta có lấy cái truyện hay của mình mà làm phim dở thì cũng... kệ họ. Tư viết ra được cái truyện hay là quá mệt rồi. Nhiều người cũng muốn Tư tôn sùng văn chương giống họ, nhưng Tư thì không. Nếu vì chuyện văn chương mà mình chịu hệ lụy này khác thì phải suy nghĩ trước khi viết. Tư có cảm giác mình tỉnh táo quá, nhưng mà như vậy cho khỏe.
    * Không phải văn chương, vậy với Tư, cái gì mới là quan trọng trong cuộc sống?
    - Thoải mái và vui vẻ, cảm giác bản thân là quan trọng. Gia đình, chồng con, văn chương... cũng là quan trọng, nhưng cảm giác bản thân là quan trọng nhất. Bởi mình có muốn sống thì mình sẽ sống vì gia đình, sống cho văn chương, cho những cái quan trọng kia nhiều hơn.
    LAM ĐIỀN thực hiện
  7. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Trở gió
    Tạp văn

    Nguyễn Ngọc Tư

    Cuộc hẹn của chúng tôi không rõ ràng, mỗi năm gió lại đến bằng một ngày khác nhau. Nên vừa bước qua tháng Chín, tôi bắt đầu dời chiếc chuông gió sang cửa sổ phía Đông. Cuộc chờ đợi nhiều khi rất dài, đến nỗi quên phứt đi. Để rồi một sớm mai, bỗng nghe hơi thở gió rất gần. Thoạt đầu, âm thanh ấy sẽ sàng từng giọt tinh tang, thoảng và e dè, như ai đó đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cái, như đang ngại ngần không biết người xưa có còn nhớ ta không. Rồi nó mừng húm, khi nhận ra tôi chẳng quên được nó bao giờ (dù tôi đã để những chàng trai như Đờ, Ka, Mờ... lãng phai tuốt luốt). Cái chuông gió với những âm thanh mỏng manh trở thành thứ đồ chơi lãng nhách, chẳng thể hiện nổi sự hừng hực, dạt dào của nó - bây giờ lớn thành một dòng gió, xấp xãi, cuống quýt xốc vào tấm tol bên chái Đông đã bị đứt đinh từ mùa trước. Cồn cào. Nồng nhiệt. Mà thiệt dịu dàng. Ôi ! Gió chướng.
    Tôi thường đón gió chướng về với một tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang. Mừng đó rồi bực đó. Sao tôi lại chờ đợi nó, chẳng phải năm nào cũng vậy, lúc cầm cây chổi ra quét sân, đứng trong gió đầm đìa tôi cũng buồn, buồn muốn chết. Trời ơi, gió này là sắp hết năm đây, sắp già thêm một tuổi đây, mình đã kịp sống gì đâu, tay mình vẫn trắng như vầy... Mỗi lần gió về lại cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi ăn gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống...
    Nhưng tôi vẫn mong gió chướng về. Sự chờ đợi đã thành thói quen của thời thơ dại. Khi gió bắt đầu hiu hiu se lạnh, đám con nít nhảy cà tưng, háo hức vỗ tay cười, vậy là gần được sắm quần áo, dép mới rồi (nhà nghèo, cả năm chỉ được dịp này chứ mấy). Gió chướng (và gió bấc) với tôi là gió Tết, dù từ khi bắt đầu mùa gió đến Tết, mất gần ba tháng ròng. Má tôi cũng coi nó là gió Tết, nghe gió, má thuận miệng hát "Cấy rồi mùa qua sông cấy mướn. Ông trời ổng thổi ngọn chướng buồn cha chả là buồn..." rồi thở dài cái thượt "Ứ hự, lụi hụi mà hết năm...". Dường như tâm trạng má khác tôi, những sợi gió cứ như xốn xang vào nỗi nghèo túng, sợ không lo nỗi một cái tết tử tế cho cả nhà.
    Má, tánh lo xa. Chứ gió chướng vào mùa thì lúa cũng vừa chín tới, hy vọng rực lên theo màu lúa. Mùi rơm thơm ràn rụa thổi ngang đồng, nỗi buồn lo của má tan không thành tiếng, tan mau như sương. Đáng chờ đợi lắm, vì mùa gió chướng cũng là mùa thu hoạch. Gió thổi tạnh ráo những đôi chân suốt một mùa đầm đìa trên đồng bãi. Liếp mía đặt từ hồi tháng hai, tháng ba, đợi gió mới chịu già, nước ngọt và trĩu, cầm khúc mía trên tay, nghe nặng trịch. Vú sữa chín cây lúc lỉu, căng bóng, màu vàng lan dần từ đít những trái xanh, trái tím càng tím lịm, nửa đêm dơi ăn rớt lịch bịch ngoài hè. Còn dưa hấu nữa, ui chao...
    (Bây giờ thì mùa trái cây kéo dài cả năm, cảm giác thèm thuồng ngày đó không quay lại, nhưng xẻ trái dưa đỏ, thưởng thức giữa cơn gió chướng hiu hiu, thấy ''đã" hơn, đậm đà hương vị hơn nhiều. Ậy, lại cực đoan...).
    Cảm xúc ngọt lành thời thơ ấu chín muồi trong ký ức, lúc lớn lên, gió chướng ám luôn vào những trang viết. Tác phẩm nào tôi cũng cho gió lúc thấp thoáng lúc ròng ròng thổi qua (nhiều lúc hết hồn, chỉ chi tiết này thôi mình cũng đang lặp lại, mấy nhà phê bình không khinh khỉnh sao được). Những đám cưới được tôi cho xuất hiện trên cái nền gió này, nhưng chỉ là cái cớ cho buồn thẫm hơn, sắc lại trên những mối tình dang dỡ. Chắc tại gió quá dịu dàng, nên có cảm giác gờn gợn buồn, có cảm giác như gió mồ côi, cúi đầu hiu hắt đi giữa đời. Hay tại tôi đã già, đã nhận ra không mùa vui nào là vui trọn. Con nít sướng rơn nhìn đám cưới đi qua, tự hỏi bà dì lỡ thời sao lại buồn dữ vậy. Đứa cháu ngồi nhìn lớp da của ông ngoại mình bong ra rơi trên nền gạch, thắt lòng nghĩ về cái chết - con đường thế ngoại sắp (và tất) phải về...
    Gió chướng với tôi, một đứa bấp bỏm văn chương, nó "gợi" khủng khiếp. Tôi vẫn thường hình dung, một mai mình đi xa, xa lắm, xa cả những mùa gió, hoặc đọc, hoặc ai đó nhắc chỉ gọn lỏn hai từ "gió chướng", ngay lập tức tôi sẽ chết giấc trong nỗi nhớ quê nhà. Và những hình ảnh quen thuộc hàng hàng lũ lượt hiện ra, những nùi rơm vướng oằn nhánh me, giồng bạc hà cháy lá, con nước rong linh đinh lém bờ sông, má đứng giê lúa, trấu bay xà quần về cuối gió, vài buồng cau quá lứa thắp lửa trên cao, tiếng chày quết bánh phồng thâm u trong rặng dừa nước... Trời lúc nào cũng mát liu riu, nắng thức rất trễ, tầm tám giờ sáng mới thấy mặt trời ngai ngái lơi lơi, nắng không ra vàng không ra trắng, mây cụm lại rồi rã từng chùm trên đầu.
    Ở đó, siêu thị chất đầy những dưa hấu, dưa kiệu dưa hành bánh chưng, bánh tét, liệu ở đó, có ai bán một mùa gió cho tôi ?
  8. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Đọc tạp văn ?oTrở gió? của Nguyễn Ngọc Tư
    Lê Phú Cường
    Tôi vốn chưa bao giờ dám bình luận một tác phẩm nào một cách chính thức thành bài viết hẳn hoi, trừ những bài tập làm văn khi còn đi học. Vậy mà hôm nay tôi lại muốn làm cái công việc khó khăn đó, vì tôi đã trót đọc nhiều tác phẩm của cô Tư rồi, tôi thấy mình phải có trách nhiệm, với tư cách của một người đọc cảm nhận chứ không dám với tư cách của một người phê bình.
    Tôi vốn hay đọc Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ở đó có mục Trà dư tửu hậu và thỉnh thỏang cũng có đăng tạp văn. Gần đây, hầu như vài số, tức vài tuần vì báo ra hàng tuần, tôi lại được đọc một bài của cô Tư. Đến hôm nay đọc bài ?oTrở gió? thì tôi không thể làm thinh cảm nhận nữa mà tôi phải chia sẻ với mọi người cảm nhận của tôi về nhà văn này, vì cô đã chọc vào cái tâm tư của người xa quê là tôi như vầy: ?oTôi vẫn hình dung một mai mình đi xa, xa lắm, xa cả những mùa gió, hoặc đọc, hoặc ai đó nhắc chỉ gọn lỏn hai từ ?ogió chướng?, ngay lập tức tôi sẽ chết giấc trong nỗi nhớ quê nhà?.
    Nghe có ?ochết giấc? chưa! Chết lăn quay như con cheo nghe súng nổ. Thì tôi cũng đang xa quê đây, mà cô khơi làm chi cái kỹ niệm ủ ê đó cho tôi động lòng trắc ẩn. Cô dùng từ ?ochết giấc? ngụ ý điều gì? Gió máy chớ đâu phải điện mà nhạy vậy, như thể loài mắc cỡ cụp lá hay con rùa rụt cổ khi ai đó đụng vào, như thể trái sầu riêng chín muồi nghe gió đến là rơi lộp độp. Gió chướng chớ có phải là tà khí đâu mà nghe tới đã chết giấc, thì ra gió bây giờ không còn là hiện tượng thiên nhiên nữa rồi, mà đó là kỹ niệm, cũng da diết như một mối tình nồng nàn trót dỡ dang, cũng có hình có ảnh như một người yêu cũ, tha thiết lắm mà vì nghịch cảnh phải tan nát lòng dứt áo chia tay. Kỹ niệm đó ngọt ngào và êm dịu lắm. Có thế nên mới chỉ nghe gọi tên thôi mà đã chết ngay lập tức rồi. Cô làm cho cái tâm tư của người xa quê bấy lâu nay vẫn không yên mà không biết mình bệnh gì, như thể bệnh tim mà không phải, cũng không phải bị đột quỵ vì đó là chứng của người già, chúng tôi còn trẻ phây phây mà, nay biết đó là tâm bệnh, bệnh nhớ quê, nhớ đồng, nhớ nhung, nhớ mông lung của người xa xứ, ai gợi gì nhớ nấy, như nghe hơi thổi lành lạnh thì nhớ mùa gió chướng.
    Ở đây tôi làm gì được đón gió chướng về vì từ sáng sớm tôi đã vào phòng làm việc có máy lạnh chạy rì rì, tối về tôi lại đóng cửa nhà im ỉm, đóng cửa cổng kín mít vì sợ trộm thì tài nào nghe được gió chướng về. Mà, ở thành phố thì có gió chướng không, hay chỉ toàn là gió bụi?
    Cô lại còn hỏi ?ocó ai bán một mùa gió cho tôi?". Trời ơi, cô ở ngay cái mũi Cà Mau mà hứng gió, sung sướng một đời, cô còn tưởng tượng ra chi cái cảnh xa xứ ngậm ngùi nỗi nhớ, rõ ràng là cô cố tình chọc khuấy nỗi niềm của chúng tôi. Mà, ngày nào Hàn Mặc Tử rao bán vầng trăng, nghĩa là Tử cho đi, nên nghe lòng cũng thảnh thơi dư dã, nay Tư đã thừa rồi sao còn đi kiếm mua một mùa gió cho mình?
    Cô ơi, gió về cô xòe tay ra thấy ?otay mình vẫn trắng như vầy??, cô buồn lắm nhỉ? Thì cô đã có một quê hương đầy ?onhững nùi rơm vướng oằn nhánh me, giồng bạc hà cháy lá, con nước rong linh đinh lém bờ sông, má đứng giê lúa, trấu bay xà quần về cuối gió, vài buồng cau quá lứa thắp lửa trên cao, tiếng chày quết bánh phồng thâm u trong rặng dừa nước??, cô đã sống ở một nơi thanh bình, yên ả, bên má và người thân, mỗi tiếng chày quết bánh cũng thân quen như nhịp tim người yêu cô đập, mùi rơm rạ thơm nồng tỏa ra từ lúc cô mới lọt lòng đến bây giờ còn theo cô len vào giấc ngủ canh khuya. Gió chướng về cô xẻ trái dưa hấu đỏ, ngồi chồm hổm bên hè mà ăn, để nước chảy ròng ròng ướt cả ngón tay, ngón chân, ngồi cho gió nó mơn man tà áo mỏng, liều lĩnh hôn luôn da thịt của cô làm cô nghe lành lạnh mà giật mình như có ai nhìn trộm, vân vân, vậy là cô có quá nhiều rồi. Chứ cô có thấy tôi không, ở cách xa quê cả ngày xe chạy, ngày qua tháng lại, gió chướng đã về mà tôi vẫn không hay. Xòe hai bàn tay ra thấy sao trơ trụi thế, mà lại còn nhăn, còn khô, thêm vài nốt tàng nhang của tuổi già, một mối tình vẫn còn nặng mang chưa trọn vẹn, nên còn thua cô, ngón áp út của tôi có chiếc nhẫn nào đâu! Ngày qua ngày, sáng dậy sớm đi làm đến tối mịt lùi lủi về nhà, nhìn thời gian trôi mà đầm đìa hối tiếc, cùng tuổi mình, người ta đã ? thành nhà văn!
    Gió chướng về, cô ?ogấp rãy ăn, gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống...? cô nhìn thời gian như nhìn trái cây chín trên cành, cũng có hình hài vóc dáng, cũng đậu cũng rơi, như Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử, như ?otrái sầu rụng rơi? của Huy Cận. Ngày rụng xuống, thế là tôi biết cô tiếc lắm rồi, như mất mát một cái gì yêu quý lắm, có giống ?onghe xót xa như rụng bàn tay? trong thơ Hoàng Cầm không? Cùng tuổi với cô mà tôi đã làm được gì đâu nên nghe ngày rụng mà như nghe trái tim mình rụng xuống! Cô yêu cuộc đời này biết mấy nên mỗi mùa gió chướng về lấy mất của cô một tuổi phải không? Gió không lấy mất của cô đâu mà gió đang làm đẹp cuộc đời cô đó, vì gió đã làm cho trái tim cô thổn thức, chính là đang xây đắp tình yêu trong lòng cô, vậy thì gió cho cô thật nhiều chứ không hề lấy của cô gì cả. Gió chỉ lấy của ai một tuổi khi người đó hờ hững lúc gió về, vì người đó không biết yêu, không nao nao lòng dạ trước vẽ đẹp dịu dàng của đất trời trong cơn chuyển mình mùa vụ, không ý thức được thời gian đang vùn vụt trôi theo từng cơn gió theo mùa, dù đó là gió chướng lành lạnh, gió hè hây hẩy nóng, gió thu hiu hiu buồn, hay gió đông lạnh lùng khơi niềm nhớ.
    Cô ơi, ở đó cô có cái không gian nhẹ nhàng cho cô sáng tác, gió chướng thổi cảm xúc vào tâm hồn nhạy cảm của cô, không khí trong lành nuôi lá phổi cô tươi tốt, quá khứ cho cô kỹ niệm êm đềm mà ngây ngất, trái ngọt cây lành, tôm cá sinh sôi, đất đai màu mỡ thì cô gắng mà giữ lấy, mà cảm hứng để dâng tặng cho đời thêm nhiều tác phẩm hay. Thế là cô đã có chỗ đứng trong cuộc đời này rồi, chỗ đứng giữa quê hương, đứng ngay trong lòng bạn đọc. Cô hãy vì những thứ cô đã gắng sức tạo ra và đã được cuộc đời vốn rất công bằng dâng tặng, mà phấn đấu hơn nữa thì cô sẽ có rất nhiều, nó không nằm trên hai bàn tay cô mà nó nằm trong lòng cô, trong trái tim cô.
    Còn tôi, cô thấy tôi có chút ít của cải, chút ít vật chất nhưng tôi nông cạn lòng dạ, toan tính thiệt hơn. Có ai hiểu tôi như hiểu cô đâu? Chỉ một mùa gió chướng thổi về, lòng dạ của cô đã mát rượi và đầy ắp nào là kỹ niệm, nào là tâm tư. Chỉ một chút gió của cô cô đã làm se sắt lòng tôi rồi, thế thì cô hay lắm chứ!
    Sài Gòn, tháng 10 năm 2005
  9. miss_ltd

    miss_ltd Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/09/2004
    Bài viết:
    212
    Đã được thích:
    0
    Tôi hối hả đọc trích đăng chuyện ngắn "Cánh Đồng Bất tận " trên Tuổi Trẻ để rồi khi truyện vừa xuất bản tôi mua liền hai quyển cho thoả lòng, một cho mình một gửi tặng. Rồi lại ngấu nghiến đọc, đọc xong để thấy mình nặng nề, để thấy bế tắc để thấy cuộc sống được thể hiện trong các truyện ngắn như tiếng những tiếng thở dài. Các truyện ngắn trong tập truyện CĐBT nếu tách riêng ra từng truyện hẳn tôi sẽ rất thích nhưng khi đọc cả chùm truyện tôi lại cảm thấy chưa thực sự hài lòng với Nguyễn Ngọc Tư. Tôi nhớ cái cảm giác khi đọc xong các truyện ngắn đó như là một sự bế tắc cho dù tác giả cũng đã cố hướng người đọc tới một kết thúc có hậu, tới một hướng nhìn tươi sáng hơn nhưng hình như cô chưa thật làm được. Sự nặng nề mà câu chuyện mang lại cho người đọc tôi nghĩ đó là sự thất bại của tác giả. Cô chỉ thấy những bế tắc, thấy sự ám ảnh của thù hận, thấy sự dày vò khốn khổ của những số phận nhưng tôi tin đó chỉ là những mảnh vụn được ghép lại dưới ngòi bút của cô. Cái gì cưỡng cầu đều không thật và vụng về. Cô đã không đưa được nhân văn vào truyện để từ đó truyền lại cho chúng tôi những đọc giả.
  10. am_anh

    am_anh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/12/2005
    Bài viết:
    194
    Đã được thích:
    0

    Văn của chị Tư thì hay roài. Nhưng mà rài ròng văn tự lắm. Cái thời đại sống khẩn trương - chết bình thường này mà rúc đầu vào đọc chị ấy thì còn thời ran làm việc rì được nữa. Có cái rì ngắn gọn súc tích để đọc không?

Chia sẻ trang này