1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi hoangvan09, 09/05/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. giakhoi

    giakhoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/09/2005
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    0
    3 - Đến bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn ước giá không có cái buổi chiều khốn khó đó thì đã không mất mẹ, cuộc sống của cha con tôi cũng có khi vẫn chung niềm vui ăm ắp tiếng cá quẫy hằng đêm trong lòng khoang thuyền rộn rạng. Mẹ tôi sáng sáng vẫn te tái cơm cơm nước nước lo cho cha và tôi cùng lời nhắc nhở trước khi cắp chiếc rổ lên bờ đi chợ. Rằng hai cha con ở nhà chờ bà chợ về cơm nước, đừng sợ muộn mà tự nấu nướng lấy rồi cả nhà lại phải ăn cơm sống. Và tôi, từ lúc mẹ bước lên bờ sẽ leo lên mui ngồi ngóng bà chợ về mua cho bơ bò hạt dưa người ta nhuộm phẩm nhấm nhắt cho đỏ môi. Còn cha, bà sẽ mua cho lạng thuốc lào. Nhận gói thuốc từ tay bà, ông vân vê, vuốt vuốt từng sợi, viên viên hạt bi đặt nhẹ nhàng vào chiếc nõ đã được lấy mũi dao nhọn khoét, gọt, gạt những bớn khói thuốc bám đen xung quanh, tay gẩy gẩy chiếc đóm ruột tre ngâm phơi khô, hơ hơ trên miệng điếu rồi hút một hơi thật sâu, tiếng nõ nổ tanh tách. Đoạn, ông ngửa cổ, chụm môi nhẹ nhàng nhả từng sợi khói phơ phất bay mỏng mảnh như dây chỉ trắng lên trời. Cha quay ra khen: Hôm nay bà nó mua thuốc lào của ai mà hút có hậu thế. Nói có khi chưa xong câu, ông đã nằm quay ra sàn thuyền lơ mơ nghĩ những gỉ những gì không biết và bật cười. Mẹ nghe thế nguýt cha một cái rõ dài, tủm tỉm cười theo. Tôi thuộc lòng chẳng hiểu đầu đuôi thế nào cũng lăn xuống sàn, giơ hai chân lên trời giẫy giẫy cười hùa theo. Đêm ấy không có gió, thuyền nhà tôi cũng bồng bềnh, dập dềnh nô giỡn với sóng, trăng và nước.
    Ấy là ước giá thế thôi chứ cái cảnh đó bây giờ nó đã quá xa với tôi rồi. Tôi cũng không còn nhớ là đã phải xa nó năm năm hay sáu, bẩy năm gì nữa, xa như tiếng cá quẫy lòng khoang thuyền của cha con tôi bây giờ vậy. Nhiều hôm thấy tôi ngồi bần thần ông chửi.
    - Nhớ nhớ nhung nhung cái gì. Cái mặt mày rồi lại như con đẻ ******, quân ăn cháo đá bát. Loại người gì sống không bằng loài chó. Mà chó nó cũng không bao giờ bỏ con như cái con ****** đâu. Ngồi đấy mà thuỗn cái mặt rặn ỉa ra cho ngứa mắt.
    Ông chửi thế tôi phải chịu chứ thực lòng, không phải tôi không có lúc giận mẹ. Cái ngày đầu tiên tôi có tháng, thấy máu tự nhiên chảy ra tôi lo đến thắt gan thắt ruột. Tôi học cách người ta cầm máu, vơ không biết bao nhiêu là lá, nhai rồi đắp đến mỏi cả mồm, căng cả bụng nước mà nó vẫn cứ chảy. Bực mình, tôi phải lấy cả một vạt áo cuộn nút lại mới được. Tháng đầu tiên của người con gái tôi phải mất cả cái áo cánh trắng chĩ chụm chắt bóp mãi mới có được. Cũng may, sau đó hơn tuần cha tôi nhặt được một người đàn bà ở trên bến Sủi, bà đã bảo cho tôi biết. Người đàn bà này cũng chỉ kịp bảo cho tôi biết cách làm thì cha tôi đã lại vứt trả bà lại bờ. Giá tôi có mẹ thì làm sao tôi phải
    mất oan cái áo như thế, làm sao phải để một người đàn bà lạ hoắc dạy bảo tôi chuyện đó. Những lần như thế tôi giận mẹ lắm, chỉ có điều, tôi giấu cái giận vào trong lòng. Giận thì giận nhưng tôi vẫn nhớ bà nhiều lắm. Giận mẹ một tôi căm thằng chủ cai thầu thợ đấu gấp mười, thậm chí cả trăm lần. Chính nó đã làm tôi mất mẹ và cũng chẳng biết bây giờ mẹ tôi đang phiêu bạt nơi nào. Sau lần ấy nó đã giũ áo bỏ đi để mặc mẹ tôi gánh chịu. Cũng chính nó làm tôi bây giờ nhìn mặt bất cứ thằng đàn ông nào trên đời cũng thấy gian gian, đểu đểu, không thể tin được. Tôi luôn cảm thấy sự khốn nạn ẩn chứa sau vẻ mỹ miều, ngon ngọt, chả biết có đúng thế không.
    Năm ấy khúc sông Ghềnh sao nhiều cá đến thế, cha tôi đánh cả tháng mất tăm vẫn sủi lên như bong bóng mưa. Không mấy khi gặp được nơi như thế cha quyết định dừng thuyền ở đấy chứ không như những lần khác, chỗ nào nhiều nhất cha cũng chỉ cắm sào hai đến ba hôm là cùng rồi lại nhổ neo đưa thuyền sang khúc khác. Theo ông, đánh bắt mãi một chỗ cá chẳng kịp lớn rồi ra chẳng còn cửa mà làm ăn. Sống nhờ cá mà không biết cho con cá kịp lớn, kịp sinh đàn dài lũ thì cũng là quân vô ơn bạc nghĩa. Những chỗ đã đánh bao giờ cha tôi cũng phải đợi hai ba năm sau mới quay lại. Có nhiều khúc sông, khi thuyền nhà tôi quay lại tôi còn không nhận ra nơi ấy đã từng neo đậu vì cảnh vật thay đổi quá nhiều, mặc dù sự thay đổi thường là chán đi chứ chẳng mấy chỗ đẹp lên. Chỗ thì làng mạc tiêu điều xơ xác, cây cối chẳng còn xanh tốt như ngày đến. Chỗ thì bãi lở vào sâu nhôm nhoam, ghẻ lở. Nơi hàng chục chiếc tàu hút cát hùng hục đào bới, tiếng máy nổ rồi khói, váng dầu xả ra đen đặc cả khúc sông. Cái sự mưu sinh của con người cũng ghê gớm, tham lam vô cùng, chẳng biết thế nào cho đủ. Gặp những cảnh như thế, cha tôi thế nào cũng chửi đổng vài câu rồi mới cho chèo thuyền đi khúc sông khác.
    Cũng vì nhiều cá cha tôi cho thuyền neo lại lâu nên việc sáng sáng mẹ tôi đi chợ cũng thành thói quen của nhiều người gần bến. Có một lần mẹ cho tôi theo đi chợ. Từ bến đậu thuyền nhà tôi đến chợ cứ theo con đường nhựa chả biết làm từ bao giờ nhưng đến nay nó đã trốc mặt, những hố là hố, có nhiều cái to hơn cả mó bỏ mồi của cha tôi. Hai bên đường, dọc theo con ngòi, người ta thi nhau đẩy thuyền, những chiếc thuyền nan đầy đất quật thành từng ô vuông vức lấp mấy đoạn ngòi. Mẹ bảo tôi người trên bờ đất chật người đông nên không còn đất để ở phải lấy đất dưới lòng các con ngòi rồi quật cao làm nền nhà. Sống mỗi người mỗi nhà nhưng chết phải chung nghĩa địa, cái lý của người trên bờ là thế. Mẹ thở dài.
    - Bao giờ nhà ta mới có tấc đất cắm dùi. Sống không có đất ở, chết không có đất chôn.
    Nghe mẹ than thở nhưng thực lòng lúc ấy tôi chả hiểu gì chỉ nghĩ nhà tôi cần gì đất làm nhà. Cả nhà sống trên thuyền, ăn nước sông, uống nước sông, sống nhờ sông. Khúc sông này còn cá thì ở, hết cá thì đi, nhổ con sào đẩy một cái là đến chỗ khác. Ở nhà thuyền, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, con cá con tôm lúc nào cũng tươi, nhẩy tanh tách chả sướng gấp mấy lần trên bờ phải chen nhúc chật chội hay sao. Mẹ tôi ước làm gì cho khổ. Nhìn những người lặn ngụp, ngâm mình dưới nước vác từng tảng đất vất lên thuyền rồi lại phải quật cao thành gò thành ụ để làm nhà sung sướng nỗi gì. Mẹ bảo tôi những người ấy là thợ làm đấu. Những người này ăn khỏe lắm, vì thế mới có câu ăn đấu làm khoán. Cả ngày ngâm mình dưới nước nên lúc nào cũng đói. Chả trách cha tôi mỗi bữa ăn bẩy tám bát vẫn kêu đói. Tôi len lén nhìn những người thợ đấu, người nào người nấy vâm váp, bắp tay, cơ ngực cuồn cuộn như dây chão, dây lèo giằng chèo, kéo cột dựng buồm.
    Khi hai mẹ con tôi đi qua chiếc lều bạt dựng cạnh đường, nơi có chiếc xe máy mầu đỏ dựng bên cạnh thì có ai đó gọi:
    - Này cô chài, có cá tươi bán cho mấy mớ.
    Nghe tiếng gọi, mẹ tôi tong tả đến trước cửa lều, đặt rổ cá xuống đon đả:
    - Hôm nay em có mấy mớ cá còn tươi lắm. Mấy anh xem mua cả giúp em cho gọn.
    Từ trong lều đi ra là một người đàn ông cao ráo, khuôn mặt vuông vức, hàng râu mờ mờ xanh bao kín cả hai bên má xuống cằm. Đi sau anh ta là ba bốn người nữa. Một người trong đám nghe mẹ tôi nói thế cười, sán đến, ngồi xuống bên cạnh.
    - Cá của em thì tươi rồi nhưng có lạ không em?
    Mấy người đi theo cười hô hố, nhe cả hàm răng to như bàn cuốc, đen thui đít nồi. Mẹ tôi đỏ mặt xấu hổ. Người đàn ông cao ráo có khuôn mặt vuông vức lừ mắt, mấy người kia vội im bặt.
    - Cô đừng giận, họ hay đùa tếu táo thế thôi. Hôm nay tôi có nhiều thợ làm. Cô lấy bao nhiêu để tôi mua cả. Cá nhà cô là cá sông, mấy hôm trước tôi mua của cô, kho mặn mà ai ăn cũng khen ngon, thịt thơm lắm.
    Giọng người đàn ông nhẹ nhàng, thủ thỉ nghe ấm áp:
    - Người xinh thì cá cũng ngon phải không cô. Hôm nào có cá cứ mang đến đây tôi mua cả cho không phải đi chợ bán nữa, vất vả người bán mà cá cũng mất tươi.
    Mẹ tôi lại đỏ mặt, lấy tay kéo vành nón giấu khuôn mặt đang hồng lên sau lời khen. Hôm ấy hai mẹ con tôi đi chợ không phải lo bán cá nữa nên có thời gian cho tôi đi chơi, mua sắm các thứ. Mẹ mua cho cha và tôi mỗi người một bộ quần áo mới. Vui quá tí nữa thì hai mẹ con tôi quên đến giờ về nấu cơm trưa. Tôi vui ra mặt, nhảy chân sáo suốt đường về. Còn mẹ, tôi đoán, chắc mẹ cũng vui nên thỉnh thoảng cười tủm, hai má hồng hồng dưới vành nón. Một quãng mẹ lại gỡ nón nhìn nhanh vào chiếc gương nho nhỏ mà người ta khéo léo gài phía trong áp chóp.
    Thuyền nhà tôi cắm sào ở lại khúc sông này đã lâu mà nhìn xuống nước vẫn thấy tăm cá nổi lên. Sáng ra, cha bảo mẹ mang hết cá ở khoang chứa đi bán, không cần để dành làm gì, đánh tối nay nữa rồi đi. Mẹ tôi bảo ông đang đánh được tại sao lại đi vội thế. Ông lừ mắt nhìn mẹ giọng chì chiết:
    - Cá đánh lắm cũng hết, người ở lâu dễ hư. Ma quỷ yêu quái chẳng qua là ở mãi một chỗ mà thành. Mèo già hóa tinh thành cáo, chó dữ nuôi lâu phát rồ. Đi hay ở cô không phải nói nhiều, tôi khắc biết.
    Nói đoạn, ông chui vào khoang lấy bộ quần áo mẹ mua cho hôm có tôi đi cùng mặc vào. Sau khi đã lên bờ ông quay lại nói vọng xuống thông báo ông đi ăn cưới ở vạn chài khúc sông trên trưa nay không về. Ông còn dặn ở nhà hai mẹ con chuẩn bị sẵn mồi chờ ông về để bỏ mó. Mẹ bắt hết chỗ cá đi chợ, còn tôi, mấy đứa trẻ trâu xóm bãi rủ đánh trận giả rồi chơi trò trốn tìm. Tôi lật mấy tấm ván đầu mũi thuyền chui nấp vào trong đó, xong lắp lại như cũ. Tôi nấp ở đây tài thánh cũng không ai có thể tìm được. Nằm cuộn trong khoang mũi trốn, tụi trẻ xóm bãi rà đi rà lại tìm mấy lần không thấy chúng bỏ đi nhưng tôi nghĩ chúng nó giả vờ để lừa tôi ra bắt nên cứ yên trí nằm trong đó mặc cho chúng nó đi tìm. Đánh trận giả đã thấm mệt bây giờ nằm trốn trong khoang mũi nên tôi lúc đầu chỉ nghĩ lim dim một chút cho đỡ mệt ai ngờ ngủ béng đi mất. Khi tôi đang ngủ thì thuyền tròng thành làm đầu tôi đập vào khung xương gá ván tỉnh giấc. Tôi chưa kịp lật ván chui ra thì đã nghe thấy tiếng thở dốc của mẹ và giọng nói nhẹ, ấm rất quen thuộc, rằng mẹ làm ông ta mệt quá. Tôi hé mắt qua khe ván, chiếc xe máy mầu đỏ đang dựng bên vệ đê lối xuống bến. Tôi cứ nằm trong khoang mũi chờ cho mẹ mà người đàn ông bước đến chỗ xe máy tôi mới lật ván chui ra, ngồi bệt xuống mặt sàn. Khi mẹ trở lại thuyền thấy tôi ngồi sẵn đó, bà ngồi xuống cạnh hỏi có phải vừa ở trong khoang mũi không. Tôi không trả lời mà tự nhiên òa lên khóc, gạt bà ngồi la xa.
    Câu chuyện vỡ lở, tôi tưởng cha sẽ đánh cho mẹ một trận hay phải gầm lên chửi mắng. Nhưng không, cha bắt mẹ đến xin người đàn ông ấy một đồng tiền mà không cần biết tiền to hay nhỏ. Sau khi mẹ mang về đưa cha, ông vuốt cho phẳng phiu rồi cất kỹ vào một chỗ. Cũng từ hôm ấy, ông giặt chài phơi phóng thật khô cho vào chiếc hòm sắt khoá lại, không làm nghề chài mò nữa. Đến bữa, trước khi cả nhà ăn cơm, ông lại lấy tờ tiền ấy ra, đặt lên mâm và bảo tôi, giọng rất nhẹ nhàng nhưng tôi vẫn nhận ra tiếng gió rít nhẹ trong kẽ chân răng:
    - Con cứ ăn đi. Từ nay nhà ta không ai phải làm gì nữa, đã có mẹ con đi làm kiếm tiền về nuôi bố con mình rồi.
    Một tuần ròng rã, tôi nghe mẹ van xin cha nhưng ông vẫn tịnh như không nghe thấy gì. Mỗi bữa ăn là nước mắt mẹ lưng tròng chan cơm. Rồi một sáng, mẹ cắp rổ đi chợ và không bao giờ trở lại nữa. Đến tối, cha không thấy mẹ quay về, ông chèo thuyền đúng ba ngày ba đêm đưa tôi sang khúc sông khác. Ông làm nghề chài mò trở lại nhưng cũng từ đấy ông đổi tính đổi nết, hay uống rượu và thường đưa những người đàn bà lên thuyền, rồi sau đó một hai hôm ông vứt trả lại bờ. Cá đánh được ông không cho mang lên chợ bán, ai muốn mua xuống bến nói cần con to hay nhỏ, nặng bao nhiêu là ông chui vào khoang, lật tấm ván lát thuyền bắt mang lên.
    Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn thấy căm thù mấy đứa trẻ trâu xóm bãi đã rủ tôi chơi trò trốn tìm. Tôi muốn đập nát cái khoang mũi để cho tôi nằm trốn trong đó. Tôi hận với chính tôi đang chơi lại lăn ra ngủ và tại sao lại tỉnh giấc vào lúc ấy. Liệu hôm đó tôi cứ lang thang chơi với lũ trẻ trâu xóm bãi bắt cào cào châu chấu hay trò ném pháo đất thì mẹ có phải bỏ tôi đi như thế không? Và nữa, nếu cha không căn vặn tôi vì sao lại khóc, bỏ cơm không chịu ăn để tôi phải nói cho cha biết? Nếu tôi biết nói dối? Nếu cha không ném đồng tiền năm nghìn xanh lét xuống mâm trước mỗi bữa ăn cùng câu nói mười lần như một thì mẹ có ở lại với cha và tôi không? Mẹ bỏ tôi mà đi có một phần do lỗi của tôi? Mẹ ơi, giờ này mẹ đang phiêu bạt nơi nào. Thương mẹ, nhớ nhẹ, tôi chỉ dám gọi thầm trong bụng.
    còn típ...
  2. giakhoi

    giakhoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/09/2005
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    0
    4 - Có một chiều chỉ có hai cha con ngồi ăn cơm trước khi ông đi bỏ mồi, tôi hỏi.
    - Tại sao lại có sông hả bố?
    Vừa bưng bát cơn lên và, ông nói giọng còn lụng bụng trong miệng.
    - Vì đời sinh ra bố.
    Nghe ông nói thế tôi không dám hỏi thêm kẻo bát cơm ông đang bưng lên tay có cánh bay sang mặt tôi. Mấy năm trước, cha tôi cũng nhặt được một người đàn bà trên bờ đưa xuống thuyền. Cô này nói luôn mồm, thấy cái gì cũng hỏi mà hỏi đến cu ty tỉ muội. Một lần cũng trong bữa ăn, cô hỏi bố tôi về chuyện tại sao con sông này có tên gọi là Bo, con sông kia có tên là Mã, con sông nọ có tên là Sứ. Sau mấy câu trả lời ậm ừ, cô ấy cứ hỏi mãi. Chẳng nói chẳng rằng, ông ném luôn bát cơm đang bưng trên tay vào mặt, chửi.
    - Miệng thối như *** mà ăn cơm cứ nói lắm. Bọt phun phè phè ra hết mâm còn ai dám ăn. Cô về hỏi thằng bố cô ấy.
    Dứt lời, ông đứng lên bế thốc cô ném thẳng lên bờ, nhổ neo đẩy thuyền đi tịnh không thèm ngoái đầu nhìn lại. Tính ông là thế, không thích lằng nhằng, làm chài thì cứ việc giỏi bỏ mồi bắt cá, ông chúa ghét thói lính canh ngó chuyện triều đình, đầu không ra đầu mà cuối cũng chẳng ra cuối, vạ rách chuyện. Ăn cơm mốc nói chuyện tám thơm. Biết tính ông thế nên tôi thôi. Ừ, thì cứ coi ông là dòng sông đi. Sông cũng có khúc lở khúc bồi, khúc trong khúc đục, có tội lỗi, có tật nguyền như con người trên bờ kia, cũng có kẻ này người nọ, nếu không làm sao mẹ bỏ tôi khi mới hơn mười tuổi đầu mà ra đi cho được.
    Để giúp cô Hến nhóm lửa nấu cơm, tôi nhẩy xuống sông mò tìm lại mấy thứ cha lôi vừa quăng xuống nước. Với tôi, không nói khoác, là con gái thật đấy nhưng chuyện bơi, lặn khó có thằng trai trên bờ nào thắng nổi. Có một lần duy nhất trong đời cha nói vui với tôi. Ông bảo tôi sau này lấy chồng, nếu nó léng phéng con cứ lôi nó xuống sông mà dần.
    Ăn cơm nước xong cả nhà đang chuẩn bị nhổ sào chuyển đi khúc sông khác thì chả hiểu sao, cô Hến múc nước rửa bát ngã xuống sông. Tôi còn đang mải thu dọn các thứ, sắp xếp cho gọn, vì trong ngôi nhà thuyền rộng năm, sáu mét vuông nếu không biết cách sắp xép thì đến chỗ đặt chân cũng chẳng có. Thực ra công việc này là của cô Hến vì dù muốn hay không cô cũng là người phụ nữ nhiều tuổi nhất trong nhà, thương cô nên tôi làm giúp. Mới lại, không biết cô có tồn tại bên cha tôi được lấy ba bẩy hai mốt ngày không hay lại như những người đàn bà trước đây, lâu thì một ngày, nhanh thì một đêm đã bị ông quẳng lại bờ cùng mấy tờ bạc nhàu nhĩ tanh mùi cá. Dẫu sao, tôi cũng là người biết tính biết nết của cha và đã quen với sự sắp đặt trong khoảng không gian chật chội này rồi. Mải làm nên khi cô ngã xuống sông tôi không để ý và với những người nhà chài như cha con tôi, ngã xuống sông là chuyện vặt. Rơi xuống rồi thì bám vào thành thuyền mà trèo lên. Người nhà chài có ai chết đuối bao giờ. Còn cha tôi, khi cô ngã ông biết nhưng mặc. Với ông, muốn ở nhà chài thì phải biết tất cả những gì của đời chài cần có, cho dù nó vất vả, khốn khó đến mấy, bằng không, quy luật cuộc sống sớm muộn nó cũng đào thải. Con người ăn, uống vào rồi cũng phải thải ra, không thải ra được sẽ chết. Nhìn thấy cô ngã song ông vẫn ngồi điềm nhiên hút thuốc.
    Đời chài động một tí là chạm nước, không những thế, tất tần tật những gì gọi là sự khắc nghiệt của thiên nhiên người chài phải chịu hết. Tắt nắng mưa đến bão gió, người làm chài phải hứng chịu nguy hiểm hơn người trên bờ vì không được nương tựa vào đâu. Rồi hơn thế, vào mùa lũ, người trên bờ làm ầm ĩ lên nhưng thực ra cũng chỉ nói cho to, đứng để xem chứ có làm được gì. Người làm chài thì khác, phải trực tiếp đối diện với nó. Lũ, năm nào chả thế. Lũ đến rồi đi, dăm bẩy lần cũng chả nhằm nhò, hề hấn gì. Lũ là việc của trời, còn chúng tôi, đánh chài bắt cá là việc của chúng tôi. Trời có lúc nắng lúc mưa thế thôi. Để tồn tại được những người sống trên sông nước phải tự thích nghi với cuộc sống.
    Ngày mới lên hai, để có thể tồn tại được với cuộc sống sông nước, cha ném tôi xuống sông mặc tôi chìm nổi tập bơi, giẫy giụa quẫy đạp trong nước chỉ đến khi nào sắp chìm mới lấy vợt xúc lên. Những ngày đầu tôi uống căng bụng nước, ông cầm hai chân dốc ngược rồi quay vòng tròn cho nước tháo ra ngoài. Mẹ tôi thắt gan thắt ruột nhưng không thể làm trái ý ông. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày, cứ chiều chiều là ông quẳng tôi xuống nước. Lúc đầu chân tay còn quềnh quàng như chó, lũm bũm đập nước để ngoi lên, sau rồi quen dần, tôi tự học được cách bơi như thế nào cho nhanh, cho đỡ tốn sức. Những đứa trẻ dân chài lên hai phải biết bơi, lên ba đã phải tập chèo thuyền, vá lưới, phân biệt chài năm, chài bẩy hay chài chín. Lên bốn tập nhìn sóng biết gió, nhìn nước biết độ nông sâu. Năm tuổi, nhìn tăm biết cá, biết mưa đi đàn tìm nơi sinh sản. Sáu tuổi, đêm nằm ngửa mặt lên trời biết mai nắng mưa hay bão gió, bấm đốt ngón tay tính được ngày con nước. Bảy tuổi đã trở thành dân chài thực thụ, một mình có thể xoay sở tự kiếm sống, xòe bàn tay chai dày như người làm rèn, đánh búa. Cha bảo tôi, chẳng có trường lớp nào bằng cuộc sống đang bày ra trước mắt, để sống con người phải tự biết làm gì. Kẻ ở rừng phải biết cưỡi ngựa bắn cung. Kẻ làm ruộng phải biết cày, bừa, cấy lúa. Kẻ sông nước phải biết bơi lặn, quăng chài.
    Khi chợt nhớ ra cô Hến là người trên bờ làm sao biết bơi như tôi thì cô đã chìm dưới nước không còn thấy cánh tay giơ lên quờ quạng cầu cứu. Từ trên mui thuyền tôi lao vội xuống sông, lúc này chắc cha tôi cũng nhận ra cô Hến không phải người chài, ông phóng mình từ trong khoang lao xuống không khác gì con nhái.
    Tôi không nghĩ sau sự việc xảy ra cô Hến lại là người chủ động ra đi mà không cần cha tôi quăng trả cô lại bờ như những người đàn bà khác. Trước lúc đi, cô nói với cha giọng thật nhẹ nhàng mà sao nghe tha thiết lạ:
    - Em biết rồi anh cũng ném trả em lại bờ như những người đàn bà khác. Để anh làm điều đó anh vừa mang tiếng mà em cũng chẳng sung sướng gì. Thôi thì, một ngày nên ngãi, em xin đi để giữ tròn điều tiếng cho anh. Trước khi xa anh và con, em chỉ xin nói với anh một điều, hận thù chỉ làm cho con người tăm tối. Rồi còn con nữa, nó sẽ sống ra sao khi cuộc đời chỉ một màu đen của lòng căm giận.
    Nghe cô nói cha không có phản ứng gì. Ông ngồi bất động, tay xoay xoay chén nước trà mà cô Hến vừa pha cho. Chén trà đặc, nóng khi uống còn đăng đắng trong cổ, uống xong mới thấy vị ngọt và hương thơm của trà, thói quen, ý thích của cha như hút thuốc lào ngon vậy.
    Nói xong, cô đưa tay kéo tôi vào lòng, vuốt nhẹ lên tóc. Vô tình, ngón tay cô vướng vào mấy sợi tóc rối. Cô lấy hai tay giẽ giẽ ra rồi khẽ khàng luồn vào như chải thêm một lần nữa. Tự nhiên tôi ép đầu vào ngực cô. Từ ngực cô, tôi nhận thấy có một mùi rất quen mà tôi đã ngửi thấy lâu lắm rồi, không thể nhớ nổi.
    5 - Cô Hến bỏ đi chả hiểu sao cha cũng từ bỏ ý định di chuyển sang khúc sông khác như dự kiến ban đầu. Ông cũng nghỉ làm chài mấy hôm, chỉ ngồi hút thuốc lào và uống nước chè mặc tôi làm gì thì làm. Lấy cớ nhà hết gạo, rau ăn tôi xin phép cha đi chợ mua sắm.
    Cắt đường tôi tìm về bến Trầm. Cô Hến đón tôi niềm nở trong ngôi nhà ba gian mái ngói nằm khuất sau rặng tre gai cuối xóm. Ngôi nhà quạnh vắng, âm ẩm, vôi trên các bức tường tróc loang lổ để lộ ra những đường mạch xây lở loét. Ngay chiếc bàn gỗ uống nước kê ở gian giữa khi chạm tay tôi có cảm giác lành lạnh. Tất cả các đồ đạc trong nhà được xếp đặt ngăn nắp chứng tỏ chủ nhân của nó là người chỉn chu và rất sạch sẽ.
    Ôm tôi trong lòng mà nước mắt cô rơi lã chã. Nép đầu vào ngực cô, tự nhiên tôi lại bắt gặp mùi quen quen mà tôi đã gặp ở đâu đó lâu lắm rồi còn lưu lại trong tiềm thức. Cô luồn tay vào trong tóc tôi, nhẹ nhàng gỡ những chỗ tóc gió làm rối khi tôi đi đường. Nói cái gì, bảo cái gì cô đều gọi tôi là con. Cô hỏi cha tôi mấy hôm nay như thế nào, sức khỏe ra sao rồi tất tần tật các chuyện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày từ khi mẹ tôi bỏ đi đến nay. Mới có ba bốn hôm mà cô hỏi cứ như đã xa cả năm cả tháng. Và tôi không thể tin được những điều cô kể, sự thật đấy nhưng sao nó đến nhanh và bất ngờ quá, một sự thật đến phũ phàng, tàn nhẫn.
    Nhà cô có hai chị em. Mẹ cô sinh ra cô thì chết do băng huyết. Bố cô một mình làm lụng nuôi hai chị em đến khi cô lên năm thì ông đổ bệnh và cũng mất. Người chị lên bẩy, người em lên năm phải sống dựa vào sự đùm bọc cưu mang của bà con lối xóm. Thời gian cứ trôi đi, cuộc sống cũng dần dần ổn định khi cả hai chị em đã lớn. Để có thời gian lo toan cho người em ăn học mong sao có ngày ngẩng mặt nhìn đời, chị cô đã từ chối tất cả những chàng trai trong xóm đến cầu hôn. Rồi người em cũng học xong trung cấp sư phạm và lên dạy trên vùng cao. Người chị ở lại nhà, sau thời gian nuôi em ăn học lúc này tuổi cũng đã lớn. Nhà quê, con gái hai lăm hai sáu tuổi đã chẳng có người con trai nào để ý. Rồi một ngày có một người trai làng bên đến ngỏ lời yêu thương, người chị đã dồn tất cả tình cảm của mình cho người đó. Khi biết mình có mang, người chị nói cho chàng trai đó biết. Không ngờ, khi nghe chị cô thông báo, chàng trai đó đã từ chối và tìm cách lảng tránh. Lo lắng cùng quẫn, sợ điều tiếng, người chị đã bỏ nhà đi đến khúc sông làng bên rồi tự tử những mong rửa sạch nỗi nhục nhã mà đời đang lại. May mắn người chị được
    một người làm chài trên sông cứu sống. Nghĩ đấy là duyên phận trời định và cũng để trả nghĩa, người chị đã ở lại làm vợ người đó. Bao nhiêu năm người chị đã phải giấu giếm thân phận và sự thật để sống một cuộc sống không phải của mình. Nhưng rồi vì người đàn ông đó tính tình khô khan, cuộc sống sông nước không có hy vọng, gặp quá nhiều khó khăn lại vô tình gặp một người đàn ông khác, nói năng cư xử không như người chồng, kinh tế lại khá giả được người đó chiều chuộng nên đã sa ngã. Biết đó là nỗi nhục của cuộc đời, người chị đã cố gắng làm mọi việc mà ông yêu cầu để mong cứu vãn gia đình. Nhưng người chồng đã không tha thứ, mỗi khi đến bữa ăn, ông lại đem đồng tiền mà người vợ ông bắt xin của kẻ đối địch về bỏ xuống mâm. Nhục nhã ê chề, người vợ đã dứt ruột bỏ con ở lại để đi tìm cái chết. Trước khi chết, người đàn bà ấy đã viết thư nói toàn bộ sự việc cho người em đang làm giáo viên trên miền ngược và nhờ cậy cô trông nom con gái và người đàn ông đã cứu sống mình. Thương chị, người em đã bỏ dạy về để đi tìm. Một lần ra bến sông, cô vô tình nhìn thấy người con gái con ông thuyền chài đang tắm có cái bớt đỏ bên vai trái như lời người chị dặn lại. Và cô đã trở thành người đàn bà ông nhặt được ở bến Trầm này. Người ấy chính là cô Hến và người chị không ai khác là người đàn bà mà cha đã nhặt được ở mó bỏ mồi cá ngày nào, người đã sinh ra tôi.
    Kể xong cô Hến đưa tôi đến trước tấm gương tủ, kéo vai áo trái tôi xuống. Chiếc bớt đỏ tròn như đít bát nằm ngay đầu xương bả vai trái, chiếc bớt đã có bao năm rồi mà tôi không hề biết. Cô đưa tôi đến trước bàn thờ kéo tấm vải che. Trên bàn thờ có ba tấm ảnh, hai người đàn bà và một người đàn ông. Trong hai người đàn bà ấy có một người là mẹ tôi. Nhìn sâu vào tấm ảnh của bà, hình như bà đang khóc, một vệt trắng mờ chảy dài xuống má. Bất giác tôi gào lên: Mẹ ơi. Tôi ngã qụy xuống.
    Tôi lao ra ngoài, theo cánh đồng trước mặt cắm đầu chạy. Tôi không biết chạy đi đâu, chỉ biết rằng chạy thật xa, xa thật nhanh sự thật mà cô Hến vừa cho biết. Trên cánh đồng đang chờ đổ ải, những thửa ruộng đất phơi nắng vỡ dưới chân, bàng bạc trắng, bước chân tôi trật truội, xiêu vẹo vô định giữa một khoảng không gian mênh mông... Một toán đánh dậm quây tròn, tru tréo như bầy sói săn vớ được mồi. Chúng dằn tôi xuống triền đê. Tiếng cúc áo đứt, tiếng xé vải áo, tiếng lột quần... Trong ánh sáng nhờ nhờ và tiếng thở đứt quãng, tôi nhận ra có một khuôn mặt đứa trẻ chăn trâu ngày trước chuyên rình, nhìn trộm tôi tắm dưới sông. Có cả mùi máu tanh tanh bọn con trai leo cành bàng ngã rơi xuống sông ngày nào bị gãy tay. Khi tất cả đã mệt nhoài vì no nê, thỏa mãn, chúng hè nhau đứa cầm tay, thằng túm chân ném tôi xuống sông...
    Theo dòng chảy tôi trôi xuôi, đôi tay quờ quạng, giật mình nhận ra đang nằm trong mó bỏ mồi cá mà lớp bùn chưa kịp lấp đầy và cứ nằm đó, rất muốn nằm đó thật lâu cho dòng nước xoa dịu nỗi cồn cào như sóng cắn dứt ở trong lòng.
    6 - Khi tôi tỉnh lại đã thấy nằm trong lòng thuyền, cô Hến đang hì hụi làm gì ở bếp cuối đuôi thuyền. Còn cha, ông ngồi cạnh bậu cửa phía khoang mũi, hai chân buông dưới sạp, tay vê vê điếu thuốc lào, như ngày nào mỗi khi mẹ tôi đi chợ về mua cho ông lạng thuốc, ông quay người lại khen mẹ mua thuốc ngon.
    Đêm qua, cha tôi ngồi im phắc, chong chong đèn, thức trắng đêm. Ông nhìn tôi xanh lướt, bấy dậy như cua lột gặp bão. Ngọn đèn chai lù mù hắt bóng ông lên vách cong mui thuyền, chập chờn. Tôi nằm gọn như con mèo vào lòng cô Hến, không còn nước mắt mà khóc nữa. Nhưng cha tôi thì lại khóc, khóc lúc gần sáng. Tôi thấy ông hai lần lén nâng tay áo chùi nước mắt. Những giọt nước mắt hiếm hoi, lần đầu tôi nhìn thấy trên mặt người cha.
    Sáng trắng. Cha tôi không đem mồi đi mó đánh chài. Ông rút sào, giọng nói chắc nịch không biết nói với tôi hay với cô Hến:
    - Từ nay, nhà ta chuyển thuyền về bến Trầm. Dứt khoát không về đây đậu thuyền nữa.
    Có tiếng ai đó gọi phía bờ bên kia, nơi cây bàng già nua có những cái rễ mọc trồi lên làm chỗ buộc trâu:
    - Bác chài ơi. Sáng mai có cá để lại cho tôi mấy con nhá.
    Tôi nhoài người ra nhìn về phía bên kia bờ, ngước lên cây bàng. Cây bàng đã trút sạch lá, phía đầu chót cành có những chiếc búp nhỏ mầu sâm sẫm nâu. Cây bàng đang vào mùa thay lá mới. Tôi nhìn xuống dòng sông. Trên mặt nước, một vài đám bèo tây trôi lững lờ, thỉnh thoảng lại có vài ba đám rều, rác trôi theo. Những dòng sông cha và tôi đã đi qua có con sông rộng, có đoạn sông hẹp, có lúc nước trong, có mùa nước đục, có nơi nhiều cá, có khúc ít cá. Con sông thưỡn thẹo nằm thườn thườn mệt mỏi, vô hồn. Nếu dòng sông là cuộc đời thì những người làm chài sẽ có hai cuộc đời, một cuộc đời của người và một cuộc đời của sông. Trong cuộc đời ấy, những căn nhà thuyền, những chiếc máy sùng sục ngày đêm hút bùn, đào bới, khoan khoét, những rều rác phải chăng là vết sẹo năm tháng còn hằn sâu đời sông. Dẫu trong hay đục, dẫu mùa mưa hay mùa khô, dẫu là gì đi chăng nữa thì sông vẫn cứ là sông. Nơi ấy tôi đã sinh ra. Tôi chỉ cần biết thế. Và sông ơi, còn những điều khác nữa, sông hãy giấu giùm tôi sông nhé, những khiếm khuyết tật nguyền của cuộc đời. Đời đã sinh ra cha để cho những dòng sông, còn tôi, sông đã sinh ra để cho những cuộc đời như cha, mẹ và cô Hến.
    Theo Văn nghệ Quân đội
    Đọc xong, chán đời! Cái nội dung, trời ơi...nhà dzăn ơi là nhà dzăn!
  3. giakhoi

    giakhoi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/09/2005
    Bài viết:
    45
    Đã được thích:
    0
    Về dư luận truyện ngắn dòng sông tật nguyền giống cánh đồng bất tận
    Cứ để lương tâm người viết tự biết lấy!

    Nhà văn Sương Nguyệt Minh (người biên tập truyện ngắn Dòng sông tật nguyền): Có một số chi tiết rất... Nguyễn Ngọc Tư
    Khi truyện ngắn này gởi tới tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi không phải là người đầu tiên được đọc mà là chị Đỗ Bích Thúy, sau đó theo các khâu biên tập, nó tới tay tôi là Trưởng Ban Văn xuôi của tạp chí. Khi đọc xong, tôi thấy nó có phần hao hao Cánh đồng bất tận và tôi có ghi vào phiếu biên tập là có một số chi tiết rất Nguyễn Ngọc Tư.
    Không phải chờ đến khi có dư luận, trong Ban Biên tập của tạp chí Văn nghệ Quân đội lúc quyết định cho in vẫn có một số ý kiến và mỗi người vẫn nhận ra phần hao hao của hai truyện ngắn. Tôi có gọi cho anh Khương hỏi anh đã đọc Cánh đồng bất tận chưa thì anh bảo là chưa đọc. Trước đó, tại trại viết văn Đại Lải, anh Khương có kể về việc anh ấp ủ viết một truyện ngắn, đại khái là về nghề chài lưới và có người cha, tôi không nhớ rõ lúc đó cụ thể cốt truyện thế nào nhưng tôi bảo anh ấy cứ viết. Lúc đó, chưa có Cánh đồng bất tận. Mãi một năm sau tôi mới được đọc cái truyện ngắn mà anh ấy cho rằng anh ấp ủ từ thời ở trại viết Đại Lải, tuy nhiên tôi cũng muốn nói, dù anh Khương có ý định từ lâu nhưng truyện anh Khương xuất hiện sau truyện của chị Tư thì không thể nói là chị Tư lấy ý tưởng của anh Khương khi đặt vấn đề ai ảnh hưởng ai. Tôi cũng không khẳng định là anh Khương lấy ý tưởng của chị Tư bởi nếu đủ chứng cớ để khẳng định chắc chắn tôi đã phản đối việc đăng tải truyện ngắn này.
    Tôi nghĩ, trong văn chương cũng có những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Các số phận ở những vùng đất, làng quê nhiều khi có sự gặp gỡ.
    Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Chỗ nào khác lại là những chỗ khá... vụng!
    Kể ra, khi đọc bản thảo của bạn bè, đồng nghiệp, cũng có vài ba lần tôi bất giác nhíu mày vì có vài tình tiết, nhân vật như mình gặp đâu đó rồi, tôi góp ý cho người viết ngay và họ có sửa. Tuy nhiên, để ?ogặp gỡ ý tưởng? như Dòng sông tật nguyền với Cánh đồng bất tận thì đây là lần đầu tiên tôi gặp và không khỏi nghi ngờ (chứ không phải nhíu mày và ngạc nhiên) và ngạc nhiên hơn là gặp khi Dòng sông tật nguyền đã được in ra và Cánh đồng bất tận đã nổi đình nổi đám.
    Thứ nhất là về mô típ: người cha hận đất liền đưa con trôi nổi-dòng sông nương thân-những cuộc tình-cô con gái bị hãm hại-người cha thay đổi một chút thái độ, nó trùng nhau đến lạ. Từ những cái giống đó đưa đến nội dung cũng sẽ giống. Cứ như lời anh Khương phát biểu trên Báo Người Lao Động hôm qua, là trùng hợp ngẫu nhiên đi, thì thời điểm viết là một chuyện, thời điểm xuất hiện và đăng tải lại là một chuyện khác. Người làm văn chương cần phải có sự tự trọng riêng của mình, một nhà văn chân chính chỉ cần trùng một chi tiết có thể gây tổn thương cho họ. Huống chi, đây ảnh hưởng cả phối cảnh. Tác giả cũng thừa nhận là giống, tôi nghĩ, cả tác giả và người biên tập đều có lỗi với bạn đọc trong chuyện này. Dù văn chương không nhất thiết cứ phải rạch ròi và kéo nhau ra tòa, hãy cứ để lương tâm người làm văn tự biết lấy.
    Tôi thấy, Cánh đồng bất tận chân thực và xúc động hơn nhiều so với Dòng sông tật nguyền. Và, những chỗ nào Dòng sông tật nguyền giống với Cánh đồng bất tận lại là chỗ... được nhất của truyện. Còn lại, chỗ nào khác hoặc vụng về, hoặc sáo, hoặc xử lý hơi... văn chương ô mai. Đấy là chưa nói đến, đôi chỗ chửi và cảm thán lại hao hao... Nguyễn Huy Thiệp. Mà chửi và cảm thán trong văn phong của Thiệp nó hay và tới độ, còn ở đây, nó lại chệch ra khỏi quỹ đạo và khiến truyện đôi chỗ hơi... buồn cười.
    Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Tôi cũng thấy hai truyện hao hao giống nhau
    Không chờ đến nghe dư luận mà khi đọc truyện Dòng sông tật nguyền, tôi cũng đã thấy nó hao hao giống Cánh đồng bất tận. Có một điều mà tôi muốn nói, dù truyện anh Khương có một số lần xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ Quân đội nhưng đây là lần đầu tiên tôi đọc anh ấy. Tôi cũng thích một số truyện ngắn của Ngọc Tư nhưng Cánh đồng bất tận không phải là truyện tôi thích. Và, Dòng sông tật nguyền, tôi cũng nói thẳng là tôi càng không thích. Nhưng để nói cái nào hơn cái nào khi tôi đọc thì dĩ nhiên là truyện của cô Ngọc Tư hay hơn truyện của anh Khương.
    Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Giống cả chi tiết thì phải nghi ngờ
    Tôi nghĩ rằng, sự giống nhau này chắc chắn không phải là Ngọc Tư lấy ý tưởng của Phạm Thanh Khương vì Tư là một người bản lĩnh. Mặc dù truyện cô ấy thiên về cốt truyện, nhưng cô ấy có giọng riêng và đã thành giọng riêng thì làm sao lại... ảnh hưởng của ai?
    Sau khi đọc Dòng sông tật nguyền, điều làm tôi liên tưởng không phải là sự hao hao mà là sự giống. Đành rằng, cuộc đời có thể có một người số phận y chang nhân vật trong Cánh đồng bất tận nhưng nếu có một truyện ngắn giống nhau ở chi tiết thì buộc tôi phải nghi ngờ.
    Tôi biết, cái hay của truyện Cánh đồng bất tận là phản ánh hiện thực rưng rưng từng con chữ và văn học hiện nay cần nhiều những tác phẩm như thế, phản ánh như thế nhưng không phải ?ohao hao? như thế. Hơn nữa, những dòng sông, cánh đồng Tư tả đặc thù lắm, đẹp lắm, cái không gian sông nước ấy khó có thể tìm ở vùng quê khác. Những con sông của miền Bắc thường nguy hiểm, dữ dằn hơn, nên nếu có những dòng sông miền Bắc trong văn chương thì không gian nó cũng phải khác. Đọc Dòng sông tật nguyền xong tôi cứ hỏi, liệu có nhất thiết đưa không gian của vùng này vào vùng nọ không?
    Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: Giống nhau về cốt truyện có thể chấp nhận được
    Tôi chưa đọc Dòng sông tật nguyền nên xin không so sánh sự giống và khác nhau với Cánh đồng bất tận. Theo quan điểm của tôi, hai tác phẩm truyện ngắn giống nhau về cốt truyện có thể chấp nhận được. Nhưng tất cả các tình tiết, các nhân vật giống nhau thì rõ ràng một trong hai tác phẩm là đạo văn. Ví dụ có 5 nhân vật trong truyện, nhưng giống nhau đến 2 hoặc 3 nhân vật có thể bỏ qua, còn giống cả 5 thì rõ ràng là ăn cắp. Nhà văn có thể lấy cảm hứng sáng tạo từ tác phẩm của đồng nghiệp nhưng không được phép sao chép một cách quá sức lộ liễu, phải có sáng tạo của riêng mình. Tôi có 7 năm theo kiện chuyện bản quyền, nên hiểu đây là vấn đề cực kỳ tế nhị và vô cùng rắc rối.
    Bài đăng trên Người Lao động.
  4. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Cám ơn Giakhoi dã đăng truyện ngắn của PTK lên đây.
    Sau khi đọc, tớ nghĩ cũng có thể là hoàn toàn ngẫu nhiên mà cốt truyện như nhau, mặc dù có lẽ điểm giống hơi nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên tớ hoàn toàn không thích giọng văn của PTK, nó thô thiển kiểu Ng Huy Thiệp, mà lại dở hơn NHT nữa. Trong khi giọng văn của NNT chân thật, trong sáng, nhân hậu và thấm đẫm tình người. Cốt truyện của NNT và PTK đều bình thường, không có gì đặc biệt, tuy nhiên Cánh đồng vượt trội hơn nhiều chính vì cái giọng văn của NNT như đã nói.
  5. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    http://www.thoibaoviet.com/live/FrontPage06/Van-hoa/News-page?contentId=6461
    Giống nhau vô tình hay cố ý
    Chuyện giống nhau giữa Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư và Dòng Sông Tật Nguyền của Phạm Thanh Khương in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn chưa có lời giải thích nào rõ ràng. Còn những người trong cuộc, mỗi người một lẽ.
    Câu chuyện về sự giống nhau, hao hao này bắt đầu từ chuyến đi tới Hội An trong hội nghị các nhà văn trẻ toàn quốc.
    Cô gái đất Mũi được nghe một số bạn văn ở Hà Nội nói truyện Dòng Sông Tật Nguyền đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tháng 4/2006, có nội dung rất giống với ?ođứa con tinh thần? của chị.
    Tư nghe cũng chỉ biết thế. Sau chuyến đi đó, trở lại Cà Mau, Nguyễn Ngọc Tư tự nhận cũng quên bẵng đi chuyện này. Phải một thời gian sau mới có điều kiện đọc tác phẩm của tác giả Phạm Thanh Khương, chị giật mình
    Nói về chuyện này, tác giả tập truyện từng gây nhiều sóng gió trong dư luận tâm sự: ?oCó lẽ tôi sẽ không nói bất cứ điều gì. Cũng rất khó nhận xét vì tôi không được đọc truyện một cách ngẫu nhiên".
    "Tôi tìm đến tác phẩm trong trạng thái chủ quan như mọi người nói xem có giống với truyện của mình hay không?.
    Hỏi về cảm giác của chị khi chiêm ngưỡng một sản phẩm hao hao giống Cánh Đồng Bất Tận, chị cười vô tư rằng chẳng có cảm giác gì. ?oCó khi chỉ là sự trùng hợp chăng. Tôi nghĩ chuyện này cũng không có gì quan trọng lắm".
    "Tôi tin vào sự phán xét của dư luận. Cũng như trước đây khi tôi viết Cánh Đồng Bất Tận có những luồng suy nghĩ trái chiều về tác phẩm này. Còn chuyện giống nhau giữa hai tác phẩm, tôi tin bạn đọc sẽ rất tỉnh táo, cũng có người tin Ngọc Tư, có người không?, cây bút trẻ này dè dặt.
    Phía Tạp chí Văn nghệ Quân đội ?" nơi đăng tải truyện ngắn của tác giả Phạm Thanh Khương, vẫn không có ý kiến gì về vấn đề này.
    Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, công tác tại Tạp chí này, mang máng: ?oTôi nhớ truyện Dòng Sông Tật Nguyền đăng cách đây mấy tháng nhưng không rõ đăng ở số nào. Tôi thấy cũng có nhiều điểm na ná so với Cánh Đồng Bất Tận. Kết luận rất khó vì không dễ để nói ai vay mượn của ai?.
    Nhà văn Sương Nguyệt Minh - người phụ trách chính mảng văn xuôi và trực tiếp biên tập các sáng tác trên tạp chí này, cười: ?oNói những chuyện này có lẽ không chỉ dăm câu ba điều. Mà đâu có phải một mình tôi đọc, duyệt. Cả Tạp chí Văn nghệ Quân đội đọc ấy chứ?.
    Lại nhớ chuyện trùng hợp giữa tác phẩm Máu Của Lá của nhà văn Võ Thị Hảo với truyện của Phạm Minh Phong đăng trên báo Văn nghệ. Nữ sỹ Hảo kiện tới cùng và kết quả là những người trong ban biên tập nhận trách nhiệm chưa đọc tác phẩm của chị. Còn tác giả đạo văn dù được triệu tập năm lần bảy lượt vẫn lặn mất tăm.
    Giữa hai tác giả Nguyễn Ngọc Tư và Phạm Thanh Khương, ai học tập của ai, dư luận vẫn mong có những lời giải thích rõ ràng. Dòng Sông Tật Nguyền của Phạm Thanh Khương cũng không ghi rõ thời gian sáng tác là khi nào.
    Thu Hà
  6. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Ý kiến của bạn đọc về Dòng sông tật nguyền và Cánh đồng bất tận:
    Rộng lượng hơn trong cách suy xét
    (NLĐO)-Sau khi có dư luận về sự giống nhau trong cốt truyện, chi tiết, bối cảnh?giữa 2 truyện ngắn Dòng sông tật nguyền của tác giả Phạm Văn Khương và Cánh đồng bất tận của tác giả Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của độc giả.
    . Ở đời, trùng hợp ngẫu nhiên cũng bình thường
    . Cứ để lương tâm người viết tự biết lấy!
    . Trong văn chương không có chuyện sinh đôi
    Bạn Phạm Thị Ngọc Lan ( 83bis Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, Quận 1, TPHCM) nêu ý kiến: ?oĐã là nhà văn không ai lại dễ dàng chấp nhận đạo văn vụng về kiểu như vậy. Có những tác phẩm đạo văn tinh vi mà người ta không cách gì phán xét.Về sự kiện này, chúng ta cần tỉnh táo trong phê phán, rộng lượng hơn trong cách suy xét. Ai dám bảo rằng tư tưởng không gặp được nhau? Không nên hàm hồ quy kết sự việc mà cần quan tâm đến tâm trạng người trong cuộc?.
    Bạn Kyky (kykyquan5@yahoo.com.vn): Theo tôi, tác giả Dòng sông tật nguyền muốn nhờ vào Cánh đồng bất tận để quảng bá tên tuổi của mình. Một nhà văn mà khi Cánh đồng bất tận đang được bàn tán nhiều như vậy lại không đọc thì quả là vô lý. Tôi nghĩ tác giả Thanh Khương có đủ bản lĩnh để viết thì cũng đủ bãn lĩnh để nghe ý kiến của người đọc.
    Bạn Thùy Trinh (10 Ngọc Lâm, Hà Nội) : Đọc bài có sự giống nhau của Cánh đồng bất tận và Dòng sông tật nguyền , tôi thấy chẳng có gì phải bàn cãi nhiều, hiển nhiên là Phạm Thanh Khương đã ăn cắp ý tưởng của Nguyễn Ngọc Tư trong việc viết truyện ngắn Dòng sông tật nguyền. Không thể lấy truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư so với Dòng sông tật nguyền của Phạm Thanh Khương vì Dòng sông tật nguyền như một chiếc áo rách cũ sờn mà so với Cánh đồng bất tận - một bộ com lê còn nguyên nếp hồ thơm mới, một tác phẩm quá hay và đặc sắc. Tức là so sánh thì quá khập khiễng.
    Dòng sông tật nguyền là một truyện ngắn mà tôi đọc xong thấy nó là truyện quá tầm thường về phong cách, cốt truyện, nội dung ,văn phong và vô nghệ thuật trong tả cảnh, tả người. Lời văn không trau truốt, dùng cách xưng hô và chửi thề tràn lan và vô lý.
    Tôi cho rằng Phạm Thanh Khương hãy thành thật xin lỗi Nguyễn Ngọc Tư về việc coppy tình tiết và cốt truyện. Đã là nhà văn lẽ nào Phạm Thanh Khương không biết đến Cánh đồng bất tận đang là tâm điểm cho dư luận về sự oan ức trong việc cơ quan quản lý văn hoá Cà Mau bắt nhà văn phải viết bản tự kiểm điểm?
    Bạn Nguyễn Hữu Trung (trungqs@yahoo.com): Cả 2 truyện ngắn đều rất hay.Không nên tốn phí thời gian cho chuyện bình luận, Có thể giống nhau vì cả hai truyện đều nói về con người và lòng yêu thương con người.
    Bạn Tran Binh Yen (80 Fifth Ave. 1104 New York, NY 10011): Đọc cả 2 truyện ngắn, xem phát biểu của 2 nhà văn, tôi thấy ông Phạm Thanh Khương là người dũng cảm khi nói rằng không hề đọc truyện của cô Tư. Ông Phạm Thanh Khương không đọc Cánh đồng bất tận mà viết Dòng sông tật nguyền như thế thì ông Khương đúng là thiên tài. Cô Nguyễn Ngọc Tư bình tĩnh, ung dung tự tại là điều đáng mừng.
    Bạn Trần Thị Giao Thủy (78 B Hùng Vương - Nha Trang): Tôi rất thích Cánh đồng bất tận (CĐBT) của Nguyễn Ngọc Tư. Đó là một truyện ngắn đặc sắc với một chất giọng đặc biệt đặc trưng cho phong cách người miền Tây. Hôm nay, tôi đọc Dòng sông Tật nguyền (DSTN) của Phạm Thanh Khương và tôi thấy cũng hay. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng rõ ràng DSTN không thể hay bằng CĐBT. Dù có những chi tiết na ná nhau, nhưng tôi hoàn toàn phản đối ý kiến cho rằng 2 truyện này giống nhau. Qua CĐBT, có thể dễ dàng nhận ra những đặc trưng của miền Tây Nam bộ. Còn trong DSTN là những hình ảnh của thiên nhiên và con người Bắc bộ.
    Qua những mô tả sinh động của tác giả , hình ảnh con người và cái nghề đặt mó hiện lên rất chân thực và sinh động. Hai người cha này với những tính cách cũng khác biệt nhau. Người cha của DSTN thô lỗ, cộc cằn. Còn người cha của CĐBT khôn ngoan và tinh tế hơn nhiều. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ rằng trong cuộc sống có những khỏanh khắc trùng lặp nhau và có thể đây là một ví dụ.
    Giống như trường hợp tác phẩm Một cuộc đua của tác giả Quế Hương, người được giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn viết cho thanh niên học sinh do Hội nhà văn và Nhà xuất bản giáo dục tổ chức có nhiều chi tiết của Một cuộc đua giống hệt tác phẩm Con sẻ què của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần. Thậm chí, nhiều bạn đọc còn phản ảnh đó là cốt truyện của một bộ phim Đài Loan . Khi trả lời vấn đề này, nhà văn Quế Hương nói rằng những motip đó thường xuất hiện trong cuộc sống và nếu trùng lặp thì không có gì là lạ. Vì vậy, Tôi tin cả Nguyễn Ngọc Thuần và Phạm Thanh Khương đều là những người trung thực.
    Bạn Hongnga (hongnga219@yahoo.com): Tôi đã đọc cả hai truyện ngắn Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và Dòng sông tật nguyền của Phạm Thanh Khương , tôi thấy rõ ràng là Dòng sông tật nguyền là con đẻ của Cánh đồng bất tận.
    Bạn Thoại Nguyễn (thoaimedic@yahoo.com.vn): Tôi đã đọc 2 tác phẩm Cánh đồng bất tận (CĐBT) và Dòng sông tật nguyền (DSTN), sau đây là một số ý kiến của tôi: Đầu tiên, tôi xin nói là tôi không thích tác phẩm CĐBT, văn phong hay nhưng sự nghiệt ngã của nội dung tác phẩm không khiến tôi hoan nghênh, tôi không tin trên đời lại có một người cha như thế. Những truyện ngắn khác trong tập truyện này còn hay hơn. Nói như vậy để chứng minh tôi chỉ công tâm nhận xét, không phải vì yêu thích tác phẩm này mà đả kích những tác phẩm khác.
    Thứ hai, về văn phong, bối cảnh trong CĐBT: Là văn phong riêng của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi đã đọc rất nhiều truyện ngắn của nhà văn này kể từ tập truyện Ngọn đèn không tắt, nên tôi chắc chắn rằng đây là văn phong của chị không lẫn vào đâu được, cho dù tôi không biết Nguyễn Ngọc Tư hay Phạm Thanh Khương ai cho ra đời tác phẩm của mình trước.
    Thứ ba, hai tác phẩm văn học cho dù giống nhau thì cũng không thể trùng lắp ý tưởng đến trên 90 % như trường hợp này. Từ hình ảnh, tính cách của người cha, của đứa con gái, của người mẹ cho đến những tình tiết của câu chuyện: đứa con gái có kỳ kinh đầu tiên, đứa con gái ngủ quên trong khoang mũi thuyền (trong truyện CĐBT là ngủ quên trong bồ lúa), tình tiết đứa con gái bị hãm hiếp. Những tình tiết ấy giống nhau 100%,, không thể nói là do trùng lắp ý tưởng được.
    Truyện DSTN chỉ còn thiếu nhân vật đứa em trai nữa thôi. Ngay cả không gian diễn ra 2 câu chuyện cũng giống như... cùng 1 nơi, cho dù cánh đồng trong DSTN không được khắc họa rõ nét như trong CĐBT. Trong DSTN, những chi tiết khác với CĐBT thì lại vụng về, xử lý gượng ép, như tình tiết phát hiện ra cô Hến là dì ruột của đứa con gái. Cuối cùng, tôi xin được đồng quan điểm với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, văn chương không nhất thiết phải rạch ròi, kéo nhau ra tòa. Hãy để những người làm văn tự biết lấy. Và với việc báo NLĐ đăng song song 2 tác phẩm này lên, người đọc sẽ có cách cảm nhận riêng.
    Phạm Khắc Cần (TPHCM): Đây là lần đầu tiên tôi đọc truyện ngắn Cánh đồng bất tận (CĐBT) của Nguyễn Ngọc Tư. Tuy truyện ngắn này đã làm xôn xao dư luận báo chí thời gian qua nhưng thú thật là tôi cũng không quan tâm lắm. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đọc truyện ngắn Dòng sông tật nguyền (DSTN) của Phạm Thanh Khương, sau khi đã đọc xong CĐBT. Tôi thấy CĐBT không quá đặc sắc. Ngoài bút pháp và giọng văn chân chất của Nguyễn Ngọc Tư ra, cách hành văn và cú pháp còn lủng củng, non nớt so với DSTN. Thêm nữa, theo tôi, 2 truyện ngắn trên không hoàn toàn giống nhau. Có giống nhau là ở số phận của nhân vật và chiều hướng phát triển của nhân vật đó. Ai dám khẳng định rằng trên trái đất này, trên đất nước VN này không có những con người có số phận giống nhau? Còn ai đó nói 2 truyện ngắn này giống nhau về bút pháp, văn phong thì nên đọc kỹ lại.
    thanhien97@aol.com: Cũng tương tự như tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh và Những người khốn khổ của Victor Hugo vậy, tôi không nghĩ là Hồ Biểu Chánh bị coi là đạo văn. Điều đáng trách ở đây là Phạm Thanh Khương dám dũng cảm nói là mình chưa bao giờ đọc hay biết gì về CĐBT. Điều đó làm giảm lòng tin của tôi với một nhà văn được gọi là có chút tên chức vụ và tuổi tác như ông. Dù sao cũng xin cám ơn Phạm Văn Khương đã cho ra đời một DSTN, tôi đọc hết truyện ngắn này và không muốn nói lời so sánh gì với CĐBT.
  7. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Món nợ không thể đòi
    Tạp văn
    Nguyễn Ngọc Tư
    Mẹ đi đằng trước, con lẽo đẽo theo sau, buổi chợ sớm mai thưa người nhưng chộn rộn vì những câu hỏi ríu ran của thằng nhỏ. Mẹ ơi, con cá gì mà có cái mỏ dài quá vậy, thằng con chỉ tay vào con... vịt, hỏi. Nhưng khi mẹ trả lời đấy là con vịt, nó giãy nảy, con vịt phải có lông chứ. Dằng dặc sau đó là những câu hỏi khác, tại sao con cá kia lại nằm im re, vì sao nó chết, ai làm nó chết. Tại sao cọng rau này màu tím còn rau kia màu xanh. Mẹ vẫn nhẫn nại trả lời con và diễn đạt làm sao cho giản dị, dễ hiểu. Chỉ câu hỏi: ?oMẹ ơi, tại sao người ta đem bán cá em bé? Sao người ta không cho cá em bé đi học mẫu giáo mà ăn thịt tụi nó làm chi, tội nghiệp...?, mẹ phải ngẩn ra rất lâu, phân vân tìm câu trả lời.
    Nhưng không thể lờ đi, vì thằng con ngước con mắt đầy vẻ xót thương nhìn mẹ, như chờ đợi, như van xin, như cầu cứu. Trong cái thau gần đầy nước, hàng triệu con cá con (mà thằng nhỏ xem như bạn đồng trang lứa với nó) đang chen chúc nhau đớp không khí một cách tuyệt vọng. Lứa cá nhỏ hơn đầu đũa này thường là từ 15-30 ngày tuổi, người ta gọi là rồng rồng. Hơi giống trẻ con, lúc mới chào đời rồng rồng có màu đỏ, và ngả sang đen khi chúng lớn dần lên. Lúc ấy, chúng sẽ từ bỏ cái tên cúng cơm của mình, xúng xính với tên mới: cá lóc.
    Rồng rồng được cá mẹ sinh khi trời bắt đầu rải xuống những sợi mưa. Nước hớn hở dâng lên, tắm mát những ao, đìa đã mỏi mê vì những ngày khô kiệt. Sấm chớp vẫn lừ đừ, gầm gừ trong những đám mây nặng trĩu nước. Sa mưa! Những nụ mầm mới bắt đầu nhú lên trên những cọng rau muống, rau đắng, rau ngổ... già nua. Những sinh vật của ruộng đồng như cá, ếch... vào mùa sinh sản. Lúc này, trong ao hay xuất hiện những bầy rồng rồng - những quầng đỏ lâm nhâm trên mặt nước, to như cái nia, di chuyển lấp lánh, nhịp nhàng.
    Đây cũng là khoảng thời gian mẹ đi chợ, hay thấy lòng buồn rợn ngợp. Đầu chợ là cá rồng rồng, cuối chợ cũng cá rồng rồng. Trên nền chợ đẫm nước, bên mớ rau đồng xanh non, là những con ếch, nhái đã bị lột da tuyệt vọng chắp tay lạy lia lịa, ọc ạch nhảy trên mâm, na cái bụng trứng lặc lè. Ai cũng có thể nhìn thấy muôn vạn hạt trứng nhỏ lấm tấm bên trong. Dài theo lối đi, người ta bày bán mấy con cá lóc ốm nhom vật vờ bên cạnh lũ cá rô, cũng lép kẹp, chỉ bụng là quá khổ vì phải bọc lấy trứng. Cá quãng này ăn không béo, nhiều nhớt, tanh, thịt cứng, dai nhách. Dường như lũ cá đã cố ép xác, tự làm mình xấu đi, già đi, nhếch nhác, xóa dấu của sự hấp dẫn để bảo vệ lũ con sắp chào đời nhưng cũng không thoát khỏi bàn tay của con người.
    Nhưng giữa chợ đời, chẳng mấy ai để tâm mà cám cảnh cho phận rồng rồng, cho con cá... có bầu, như mẹ. Hay ai cũng thấy bất nhẫn, nhưng họ cũng im lặng làm ngơ, như mẹ. Khi lấy đũa gắp mớ rồng rồng kho tiêu thơm lựng, họ cũng thấy áy náy, quá nhiều sinh vật mất cơ hội sống chỉ vì một miếng ăn của con người? Hay họ vô tư, chẳng nghĩ gì cả, bằng chứng là những sinh vật tội nghiệp ấy đã bị tận diệt hết sa mưa này đến sa mưa khác, bất chấp lệnh cấm của chính quyền (cũng phải, ngang nhiên bày bán mà có thấy ông chính quyền nào lên tiếng đâu, mắc gì phải sợ).
    Mẹ đắn đo rất lâu, mẹ sợ suy nghĩ kia được nói nên lời sẽ là quá tàn nhẫn đối với đứa trẻ. Cuối cùng, mẹ nói, tại bà con mình còn nghèo. Vì nghèo, nên phải dầm mình kéo từng bầy rồng rồng, lội ròng rãi trên khắp đồng bãi tìm bắt từng con nhái, con ếch để đổi lấy ít gạo. Vì nghèo, nên đang cạy cơm cháy bữa sáng đã lo ngay ngáy bữa chiều, hơi sức đâu nghĩ tới tương lai xa vời. Và vì bụng chưa no, nên những gì người ta rao trên đài, nào là phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn hệ sinh thái... chỉ là những ngôn ngữ xa vời.
    Mẹ buộc phải nói những điều quá phức tạp, đối với thằng con năm tuổi. Nhưng đó là câu trả lời bao dung nhất, ít đau đớn nhất... Chắc chắn, lớn lên nó sẽ hiểu. Chỉ sợ, lúc đó, những sản vật của ao đồng trở thành hàng quý hiếm. Và vĩnh viễn thằng con không biết âm thanh ếch, nhái kêu ran ngoài đồng sau mưa, cảnh cá rô, thác lác ục sôi dưới đìa mùa hạn, tiếng cá lóc táp lụp bụp như dừa rụng xuống ao.
    Tất cả những thứ ấy, như một món nợ mà lớp con cháu không thể đòi lại từ những thế hệ đi trước. Có trả nổi đâu mà đòi...
  8. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Nhà văn Hoàng Đình Quang: ''Tác phẩm của mình ''na ná'' với người khác, thì phải cẩn trọng...''
    (CAO) Để góp vào thông tin, nhận định, đánh giá về sự giống nhau giữa truyện dài ?oCánh đồng bất tận? của Nguyễn Ngọc Tư và truyện ngắn ?oDòng sông tật nguyền? của Phạm Thanh Khương, chúng tôi đã gặp và trao đổi với nhà văn Hoàng Đình Quang, Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Hội nhà văn tại miền Nam.
    PV: Mấy hôm nay, chắc anh có theo dõi sự xôn xao trên báo chí (cả báo viết, báo hình, báo mạng) về chuyện một truyện ngắn có tên là Dòng sông tật nguyền, trên tạp chí Văn nghệ quân đội, giống ?oy chang? truyện Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư? Là nhà văn làm xuất bản, đọc nhiều, nghe nhiều, anh thấy thế nào?
    Nhà văn Hoàng Đình Quang: Trước giờ tôi vẫn là người hay đọc, nhất là từ ngày về làm xuất bản, tôi lại càng phải đọc nhiều. Với ?oCánh đồng bất tận? (CĐBT), tôi đọc từ lúc in trên báo Văn nghệ. Đọc kỳ đầu, thấy rất hay, chỉ hơi buồn cười về chi tiết ?okeo dán sắt?. Đàn ông chúng mình, mấy ai không từng xài keo dán sắt vào những việc lặt vặt trong nhà. Nhưng keo dán sắt hiệu ?ocon voi? mà dán vào chỗ ướt thì không ăn thua gì. Nhưng mà chi tiết thì phải nói là ?oác? thiệt! Đối xử với ?ochỗ ấy? của người đàn bà, mà như với sắt thép, thì quá kinh khủng. Mấy kỳ sau tôi bận gì đó nên không kịp đọc. Sau này tôi đọc trên mạng. Truyện viết giỏi, hấp dẫn như phim Mỹ. Tức là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã chọn được cách viết độc đáo. Một tài năng khiến mình phục lăn. Còn truyện ngắn (cũng khá dài, bằng già nửa CĐBT, gấp đôi, gấp ba truyện ngắn thông thường) ?oDòng sông tật nguyền? (DSTN) của Phạm Thanh Khương thì, tôi cũng đọc được một ít, (nhà tôi luôn có tạp chí VNQĐ) nhưng mở đầu không hấp dẫn lắm nên tôi để đấy, đọc sau. Chỉ đến khi có dư luận ?ogiống? rộ lên tôi mới tìm đọc. Quả thật, giống CĐBT đến kỳ lạ. Chẳng biết sự thể thế nào, nhưng cái mình đọc sau thấy không còn hay nữa.
    - Với sự giống nhau như thế, anh có nghĩ gì không? Chẳng hạn người này ?omượn? của người kia?
    - Giống từng chi tiết như thế, rất khó nói ?ohai tư tưởng lớn gặp nhau? được. Trong tường hợp này, người ra sau phải chịu. Nếu được làm ?otrọng tài?, tôi sẽ chỉ ra những chỗ người đi sau ?olượm? của người đi trước.
    - Một vài thí dụ nho nhỏ được không?
    - Nhiều người thường nói, trong thưởng thức văn chương mà ?ochẻ sợi tóc làm tư? thì bất nhã, là dốt. Với tôi, ngồi biên tập thì mắc phải cái tật ấy. Thí dụ nhé: DSTN viết: ?o?ông lấy vò rượu, đổ đầy bát tô??. Tô là cách nói của người miền Nam, ở miền Bắc gọi là bát yêu, bát hùa, hay bát ô tô. Nữa nhé: DSTN viết: ?oMấy anh xem mua cá giúp em??. Cũng là cách nói của người Nam, người Bắc (nơi tôi lớn lên) không khi nào nói là ?omấy anh?, mà là ?ocác anh? cơ? Nhất là những người miền Bắc ở thôn quê, lại biệt lập như dân vạn chài, không dễ ?olây? cách nói được đâu. Có chăng chính là tác giả, mà tác giả (như đã tự nói) ?ogốc vạn chài? (khác với Hà Nội gốc). Thế thôi nhé!
    - Thế có nghĩa là anh khẳng định, DSTN ?ođạo? CĐBT?
    - Chưa! Bằng ấy chứng cứ chưa đủ để kết luận. Nhưng điều này thì cần tránh. Bất ngờ anh phát hiện ra, tác phẩm của mình ?ona ná? với người khác, thì phải cẩn trọng. Tôi nói chuyện này, tôi vừa biên tập một tập thơ có tên là ?oTôi đi tìm tôi?. Thấy cái tên quen quen, mà không biết của ai, đã đọc ở đâu. Tôi lên mạng ?odượt? mấy lượt, không thấy ?ođụng?. Chưa yên tâm, tôi biết có tập thơ ?oTôi vẽ mặt tôi? (Lê Minh Quốc), còn nhà thơ Hoàng Hưng, cũng có một tập kiểu mô típ ?oTôi tìm?? như thế. Không gặp được ông Hoàng Hưng, tôi gọi cho nhà báo Nhật Lệ từng công tác với nhà thơ Hoàng Hưng, để hỏi. Chị Lệ cho biết: tập thơ của Hoàng Hưng có tên là ?oTôi đi tìm mặt?. Yên tâm. Thế mà vẫn đụng với một tập thơ của tác giả ở Vĩnh Phúc!
    - Có phải anh muốn nói đến người biên tập?Người duyệt in?
    - Mấy chục năm nay, các anh chị biên tập ở tạp chí VNQĐ vốn rất giỏi. Tác phẩm, đặc biệt là truyện ngắn ở đây luôn hay. Thương hiệu ?oNhà số 4? đã được khẳng định mạnh mẽ, được in truyện ngắn ở tờ báo này hầu như sẽ thành công. Tôi nghiệm thấy thế, vì chính tôi cũng ?ophát tích? từ ngôi nhà ấy. Tôi nghe chị Đỗ Bích Thúy nói trên TV là có ?ongờ ngợ? về sự giống
    Nhà văn Hoàng Đình Quang
    nhau ấy. Tiếc là truyện ?ora mắt sau?, lại không hay. Tôi nói thẳng là ?okhông hay?, không có văn. Đọc đối thoại thấy ngượng. Cái ?okhúc dạo đầu? toàn mùi hôi thối, tanh, khai? chẳng phục vụ gì cho chủ đề. Ngay cả khi nó ?okhông giống ai?, thì nếu tôi là biên tập viên, tôi cũng yêu cầu tác giả gia công?
    - Nghe anh nói thế, anh có vẻ như ?obênh? tác giả CĐBT? Anh có thân với Nguyễn Ngọc Tư không?Anh thấy CĐBT thế nào?
    - Tôi với Cà Mau rất gắn bó. Hồi còn làm báo, tôi ăn ngủ ở Cà Mau, Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước? rất thường. Khi cơn bão số 5 đổ vào Cà Mau, (10-1997) tôi đang ở Thái Nguyên, tôi về ngay Hà Nội để hai ngày sau tôi đã ở Cà Mau. Thế mà tôi chưa được gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Có lần mấy anh em nhà văn chúng tôi xuống Cà Mau, anh Chín Nhỏ (bí thư tỉnh ủy) cùng với nhà văn Nguyễn Thanh đãi cơm, tôi ngỏ ý muốn mời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cùng đến, thì được biết nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đang có bầu, không tiện gặp gỡ. Ở đại hội nhà văn, tôi cũng chỉ nhìn chị xa xa. Khi làm xuất bản, qua nhà văn Vũ Hồng, có số điện thoại của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tôi đề nghi được in một tập truyện ngắn của chị. Nhưng chị trả lời ?okhông muốn in nữa, vì in quá nhiều rồi?.
    Trước khi CĐBT xuất hiện trên báo Văn Nghệ, tôi đã đọc khoảng? 50 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, phải nói là ?obão hòa? rồi, tuy vẫn hấp dẫn. Nhưng khi thấy cái tít ?oCánh đồng bất tận?, tôi cũng thấy ngờ ngợ?
    - Vì anh cũng có một cái ?oCánh đồng???
    - Không! Cánh đồng? của tôi khác lắm, không ?ogiông giống? tí nào đâu mà lo. Tuy cuốn của tôi mang tên ?oCánh đồng lưu lạc?, nhưng cánh đồng của tôi đẹp lắm. Nếu ?ocánh đồng? của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ?oNhững cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn?, thì ?ocánh đồng? của tôi: ?oĐó là một cánh đồng rộng, cấy lúa nước, và vào dịp xen vụ, cánh đồng bát ngát màu tím, màu trắng, màu vàng... như hàng tỉ con **** run rẩy trong gió. Đó là vụ đậu đang trổ hoa?. Ấy thế nhưng? nhiều bạn bè của tôi, đọc ?oCánh đồng bất tận? rồi, hỏi tôi: Cánh đồng của ông có ?oăn theo? không đấy. Khổ lắm, họ có đọc của tôi đâu. Vì truyện của tôi là sách, đắt lắm, không có biếu, mà họ lại chẳng chịu mua. Trong khi đó CĐBT lại đăng trên báo, và được khen ngợi nhiệt liệt.
    - Làm xuất bản, anh có gặp những tác phẩm nào ?oxuất sắc? chưa? Hay chẳng hạn một cuốn nào ?okhó xử??
    - Nhà văn (nhà sáng tác) làm xuất bản cũng chẳng sung sướng gì. Phải đọc nhiều lắm, đọc bản thảo, đọc bản can, bản nhũ? đọc sách đã ra để biết. Thực tình tôi có lúc gặp được những truyện rất xúc động, rất hay. Nhưng?
    - Không in được?
    - In chứ. Nhưng tôi nghĩ, chỉ một mình nhà văn và tác phẩm không thôi, rất khó đánh động với bạn đọc.
    - Theo anh thì còn cần những gì nữa?
    - Tôi cho là cần phải có một cái ?oduyên?. Không phải ?oduyên dáng? đâu, mà là ?ocơ duyên?.
    - Qua chuyện ?ogiống? này, anh thấy nhà văn có rút ra được cái gì không?
    - Tôi học được ở nhà văn Nguyễn Khải một điều. Dạo diễn đàn rộ lên về ?ophương pháp?, về ?ocông nghệ? viết văn, tôi hỏi Nguyễn Khải: ?oTheo anh thì cần phải theo lý thuyết nào??. Ông thản nhiên trả lời tôi (nguyên văn): ?oLàm nhà văn thì làm chó gì có lý thuyết! Cứ trông nhau mà viết?. Vế đầu ông nói đùa, nhưng vế sau ông nói thật. Qua cái cách ?onửa đùa, nửa thật? của Nguyễn Khải, tôi thấy đúng là cần phải ?otrông nhau? (tức là đọc của nhau) để mà học nhau và tránh nhau!
    Còn có cái này nữa: các nhà văn không nên coi thường các tờ báo (hay nhà xuất bản) nhỏ, tỉnh lẻ. Có tác phẩm cần phải xuất hiện ngay. Báo nhỏ cũng được, đôi khi nó là cái ?obảo chứng? cho anh. Tôi đọc thấy Đôxtôiépxki, lúc bí quá còn giao bản thảo của mình cho? cảnh sát giao thông, để làm ?ocông chứng? kia mà.
    - Vâng, xin cám ơn anh đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở này.
    NGUYỄN TÝ
  9. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Tác giả ?~Dòng sông tật nguyền?T không vi phạm tác quyền''
    Lưu Hà
    Sau khi báo chí phát hiện sự giống nhau giữa ?oDòng sông tật nguyền? và ?oCánh đồng bất tận?, dư luận và giới nhà văn đã có những đánh giá trái chiều về bản chất sự việc. Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Phó giám đốc Trung tâm bảo hộ quyền tác giả văn học, cho biết cả hai truyện không có dấu hiệu vi phạm quyền tác giả.
    - Bà nhận xét thế nào về hai truyện "Cánh đồng bất tận" và "Dòng sông tật nguyền"?
    - Hai tác phẩm này có những điểm tương đồng nhất định. Về mặt ý tưởng, cả hai đều khai thác câu chuyện về một người cha bị vợ phản bội mà quay ra trả thù những người đàn bà khác, quên mất trách nhiệm đối với các con. Về đề tài, đều đề cập đến số phận của những con người sống trên sông nước mang cái khát vọng lên bờ; về nhân vật và một số chi tiết cũng có những điểm giống nhau?
    - Với tư cách là Phó giám đốc Trung tâm bảo hộ quyền tác giả văn học, bà đánh giá thế nào về bản chất của sự giống nhau này?
    - Mặc dù có những điểm trùng hợp như vậy nhưng tôi cho rằng, trường hợp này không có dấu hiệu vi phạm quyền tác giả. Điểm tương đồng quan trọng nhất giữa hai tác phẩm này là ý tưởng, nhưng trong luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả không quy định về bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ cách biểu hiện ý tưởng. Việc bảo hộ ý tưởng được quy định trong điều luật sở hữu công nghiệp. Vì vậy, vi phạm tác quyền văn học chỉ xảy ra khi cách hành văn, câu chữ? tóm lại là cách biểu hiện ý tưởng giữa hai tác phẩm là giống nhau. Ở đây, Cánh đồng bất tận và Dòng sông tật nguyền không có dấu hiệu đạo văn hay vi phạm tác quyền.
    - Nhưng với sự trùng hợp về ý tưởng và chi tiết, nhân vật trên quy mô lớn, bà nhận xét gì về lương tâm và đạo đức của người cầm bút trong trường hợp này?
    - Nếu không phải là đạo văn, không xâm phạm tác quyền thì cũng không thể kết luận gì về sự vi phạm đạo đức người viết. Trong trường hợp này, dư luận đã hơi khắt khe. A.Q. chính truyện của Lỗ Tấn và Chí Phèo của Nam Cao; Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có những điểm giống nhau nhưng không thể kết luận đây là những trường hợp đạo văn được. Chí Phèo in đậm dấu ấn sáng tạo của Nam Cao còn Truyện Kiều khiến người ta lãng quên Kim Vân Kiều truyện.
    Cánh đồng bất tận và Dòng sông tật nguyền có cách thể hiện không giống nhau, mức độ thành công cũng khác nhau và giữa hai tác phẩm không có dấu hiệu đạo văn.
    Tôi nghiêng về khả năng Phạm Thanh Khương chưa đọc tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư trước khi anh viết Dòng sông tật nguyền. Thực tế là các nhà văn rất ít khi đọc tác phẩm của nhau. Tuy nhiên, Cánh đồng bất tận là một truyện đã nổi đình nổi đám và cũng không quá dài, nhưng cũng có thể, anh Khương, cũng như một số người khác tưởng đó chỉ là một chiêu thức tiếp thị sách nên cũng không quan tâm.
    Nhưng dù thế nào đi nữa thì đây cũng là một điều đáng tiếc. Cánh đồng bất tận là một tác phẩm hay, có giá trị, lại công bố trước. Trong trường hợp Phạm Thanh Khương biết ý tưởng của mình trùng với tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư mà vẫn cho công bố thì bản thân anh phải chịu những rắc rối này. Đây chính là một bài học cho người cầm bút. Sự trùng hợp ngẫu nhiên không phải là hiếm nhưng khi phát hiện ra có sự trùng hợp, có những lúc chúng ta đành phải từ bỏ ý tưởng của mình hoặc cấu trúc, tổ chức lại tác phẩm bằng sự sáng tạo riêng.
    Tập truyện "Cánh đồng bất tận" và số báo Văn nghệ quân đội có in truyện "Dòng sông tật nguyền". Ảnh: VNN
    - Nếu như Nguyễn Ngọc Tư và Phạm Thanh Khương vẫn muốn nhờ đến Trung tâm để phân biệt rõ trắng đen, bà nghĩ sao?
    - Tôi sẽ giải thích cho họ hiểu về thực chất của vấn đề này. Hoặc chúng tôi sẽ mời các chuyên gia về bản quyền thẩm định. Nhưng tôi tin họ sẽ đồng tình với ý kiến của tôi thôi.
    - Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã có những hoạt động gì trong việc bảo hộ quyền tác giả văn học?
    - Thực ra, Trung tâm bảo hộ quyền tác giả văn học cũng chưa làm được gì nhiều.
    Lực lượng chúng tôi quá mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn. Và điều quan trọng nhất là ý thức về bản quyền của các nhà văn vẫn chưa cao. Hy vọng là trong thời gian 5-7 năm tới, công ước Berne, Luật sở hữu trí tuệ sẽ thật sự đi vào đời sống. Lúc đó, khi các tác giả có nhu cầu, trung tâm sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ.
    - Nhưng với các tác giả chưa đăng ký bảo hộ bản quyền với Trung tâm thì sao?
    - Luật sở hữu trí tuệ quy định: ?oQuyền tác giả phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức nhất định (không phân biệt tác phẩm đã được công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký, không phân biệt ngôn ngữ thể hiện, chất lượng của tác phẩm...); do đó, khi có tranh chấp liên quan đến quyền tác giả mà đương sự khởi kiện yêu cầu toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, thì toà án không phân biệt việc họ đã có Giấy chứng nhận bản quyền tác giả hay chưa, họ đã nộp đơn hay chưa nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm?.
    Vì vậy chuyện đăng ký chỉ là vấn đề thủ tục. Chỉ cần đăng ký với trung tâm ngày hôm nay, các tác giả hoàn toàn có thể khởi kiện vào hôm sau.
    Lưu Hà
  10. hoangvan09

    hoangvan09 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    04/12/2003
    Bài viết:
    1.027
    Đã được thích:
    0
    Mặt trời xa lắm
    Tạp văn
    Nguyễn Ngọc Tư
    - Nghe cấp trên tới đây gặp dân, tôi mừng húm. Vậy là mặt trời xuống gần dân rồi.
    Ông già nói câu đó trong không gian hầm hập hơi người, dưới nắng trưa nóng rẫy. Vài người cười ồ, ông già Bảy bữa nay nói chuyện bày đặt nói văn chương. Buổi tiếp xúc cử tri đang nặng nề như dãn ra. Có vẻ nhẹ nhõm, nhưng điều đó rõ ràng là ảo giác. Và tôi, một trong những ?omặt trời? nghe sống lưng lạnh buốt, nuốt vội ngụm nước mà chực nghẹn, vì xấu hổ, vì cảm nhận trong lời ví von tếu táo của ông già có sự chua xót, đắng cay (*).
    Vì được chạm tay vào một sự thật, là người dân đã coi chúng tôi là những kẻ xa cách, như đây không phải là đại diện của mình, như chính quyền không phải của mình. Suốt những ngày gặp gỡ, đôi lúc tôi có cảm giác chúng tôi như những sứ giả đứng bên này sông, nom rất lạc lõng. Người dân thì ở bên kia sông, và chúng tôi nhoáng nhoàng bắc tạm một nhịp cầu, tạm cứu vãn và tạm níu lại, nói ba điều bốn chuyện.
    Để rồi lại mịt mù tăm cá. Nguyên nhân làm cho sự xa nhau đến nông nỗi này thì thấy ngời ngợi trước mắt. Đơn giản, là có nơi, có lúc đại diện của chính quyền không chịu (hay không muốn ?) đối thoại với dân, càng chẳng có văn hóa đối thoại. Bà con không được coi như chủ, như người thân, như anh em ruột thịt đã đành, tệ hơn, chẳng được đối đãi như... ông bạn nhậu. Không thân tình, nhưng ít ra, gặp giữa quán cũng ới một tiếng, uống với nhau ly rượu, trao đổi vài câu xã giao, lúc này làm ăn sao, vợ con sao? Chỉ khoảnh khắc nhỏ nhoi, vậy mà nhiều bà con hiếm khi có cơ hội.
    Ba ngày gặp bà con, tôi viết đầy mười tám trang giấy. Về đọc lại thấy buồn, thấy chuyến công tác của mình vừa rồi sao tuyệt vọng giống như đi vá tầng... ozone. Không phải, là đi đắp vá lòng dân đã thủng, đã đau nhiều chỗ. Những vụ tiêu cực lớn vỡ ra như nhọt, dân thấy sốc như bị một nhát chém, đã đành. Có lỗ thủng không đáng... Thí dụ, đất nhà dân, ông bưu điện không nói không rằng, nhào vô đào cái hào bằng sải tay, đặt đường cáp quang, cũng không thèm hé môi nửa lời, cắm cái bảng đỏ chót ?oNghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm...?. Gì kỳ vậy, dân phản ứng, đất của tui mà... Thí dụ, bà con làm hồ sơ chính sách người có công với cách mạng thiếu một vài thủ tục, chẳng ai hướng dẫn để đối tượng bổ sung, chờ không được, bà con lặn lội đi hỏi thăm thì chính sách ấy hết hạn giải quyết lâu rồi. Gì kỳ vậy, dân ngửa mặt lên trời, kêu thảng thốt (vậy chớ lỡ làng hết rồi, không kêu trời, biết kêu ai). Thí dụ, quy hoạch khu công nghiệp trên ngàn héc ta mà bà con đi mua đồ ở tiệm tạp hóa, lật tấm giấy báo gói củ cải muối ra mới biết, quy hoạch ngay trên đất mình. Tong tả lại đằng xã hỏi thì được trả lời, trên đài có đưa tin, bộ hỏng đón nghe sao? Dân ngẩn ngơ, gì kỳ vậy, không lẽ suốt ngày tui ôm cái ti vi để coi mấy ông nhà nước có nhắn gì không? Thí dụ, làm lộ nông thôn, có chỗ chia theo tỷ lệ Nhà nước 6, dân 4; ấp bên kia lại theo tỷ lệ 7/3, dân ấm ức, gì kỳ vậy, bộ bên kia là con ruột, tụi tui con ghẻ sao?
    Những việc như thế có kể tới Tết cũng chưa hết. Quyền lực tạo ra cảm giác, ta là người trên trước, cao quý, và ý nghĩ đó đẩy người dân vào thế yếu, chẳng được trọng thị như một đối tác ngang hàng. Cách biệt được đào thành hố, thành hào. Bắt đầu bằng những rạn nứt nhỏ, rồi lâu ngày, vết thương chảy máu từ những việc hết sức tủn mủn, nhỏ nhặt, đôi khi... lãng nhách. Bởi chính quyền chỉ cần bỏ ra chút thời gian, cử người giáp mặt với dân, trao đổi ngắn gọn, gút mắc sẽ được gỡ, mọi việc sẽ đơn giản, đầm ấm hơn nhiều. Văn hóa đối thoại đã bị bỏ quên vì một chút dùng dằng, tiếc thay. Nguy hiểm hơn, là cái cảm giác buộc làm theo lệnh của Nhà nước mà không được hiểu, không được nói, và cảm giác bị cai trị, rất gần.
    Không phải tự nhiên, không phải vì khái niệm địa lý mơ hồ mà bà con gọi lãnh đạo chính quyền là người ?oở trển?. Nên ai đó đừng nghe vậy rồi mừng thầm, vô tư bảo, bữa nay chúng tôi ?oxuống? dân. Chuyện lên, xuống này sẽ làm mối quan hệ giữa chính quyền và dân trở nên lạt lẽo và xa cách. Mặt trời sẽ xa lắm, sợ ánh sáng không đủ để cây cỏ đơm bông.
    (*) Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Cà Mau

Chia sẻ trang này