1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn Phạm Sông Hồng

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi shimizu_hn, 23/10/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. shimizu_hn

    shimizu_hn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/07/2002
    Bài viết:
    1.176
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn Phạm Sông Hồng

    NHỮNG BỨC THƯ TOÀN CHỮ A

    1990

    Chỉ có năm người nhưng ông vẫn quyết định lên thêm tầng ba: "Chuẩn bị cho hai thằng cu lấy vợ".
    Ở tầng dưới cô con dâu của ông đầy vẻ hài lòng với vai trò bà chủ của một cửa hàng bán quần áo, giày dép. Thoáng nhìn biết ngay cô không phải con gái Hà Nội. Đứng trên đường ray tàu chưa kịp bóc đi là một người đàn ông bị câm luôn mặc áo bộ đội cũ, bên thùng đồ chữa xe đạp. Vợ anh bảo không cần chữa xe để kiếm tiền, nhưng anh không chịu. Vì anh còn phải có dịp chữa xe cho bộ đội mà không lấy tiền, và nhờ họ chuyển cho em mình những lá thư.

    1969

    Ông có ba cậu con trai.
    Anh con Cả đang ở chiến trường B.
    Bây giờ cậu Út lại có giấy gọi nhập ngũ.
    Đêm ấy ông không sao chợp mắt được. Trong ba cậu con trai, cậu giữa của ông bị câm. Nói dại, nếu bây giờ đi cả hai đứa lành lặn, nhỡ có chuyện gì cả hai thì lấy ai ra để mà giữ cái bàn thờ Tổ. Nó câm, lại xấu xí thế. Giữa đất Hà Nội, đứa con gái nào chịu lấy.
    Hay để thằng giữa đi thay thằng Út? Thằng Út ở nhà, lấy vợ sinh cho ông một thằng cu. Nó lấy đứa nào chả được: Cao to, mặt mũi rất đàn ông, lại lắm tài lẻ.
    Nhưng không, không ổn.
    Làm thế, ông sẽ chẳng dám nhìn mặt ai, kể cả thằng Út.

    1971

    Con Cả ông hy sinh.
    Từ hôm ấy, dẫu là đang chiến tranh, ông vẫn luôn chờ thằng Út về phép. Nó cho ông một thằng cu rồi đi, cũng được.
    Nhưng thằng Út vẫn biền biệt chẳng thấy về.
    Rồi cả đến thư từ, tin tức của nó cũng không có.
    Ở nhà chỉ có ông và thằng Giữa bị câm chữa xe đạp trước cử nhà.

    1973

    Thế mà đã hơn một năm ông chẳng hề biết tin thằng Út.
    Ông viết cho nó nhiều thư lắm mà không thấy nó trả lời.
    Cậu Giữa thấy bố viết thư cho em thì cứ nhìn, thỉnh thoảng lại "ướ ... ướ" như ra hiệu cho nó gửi lời thăm em với.
    Bỗng hàng xóm mách là họ nghe mục nhắn tin miền Bắc trên đài Sài Gòn, thằng Út gửi lời thăm bố và anh, địa chỉ đúng là cho ông.
    Ông mua ngay một cái đài và không bỏ sót lần nào buổi "nhịp cầu yêu thương".
    Ông không viết thư cho nó nữa.
    Thấy bố không viết thư cho em, cậu giữa cứ có thời gian rỗi là hí hoáy tập viết. Nó ập viết chữ "a".
    Hai bố con cùng vui. Ông vui vì nghe thằng Út còn sống, cậu Giữa vui vì sắp tới nó có thể tự viết thư cho em nó được. ngôi nhà ấm hẳn lên bằng những nụ cười, những tiếng "ướ ... ướ" vui vẻ hiếm hoi của cậu Giữa vốn hay im lặng.
    Nhưng ...
    Hai tháng sau uỷ ban Nhân dân khu mang giấy báo tử đến cho ông.
    Ông không tin là nó đã chết nhưng ông vẫn phải khóc. Ông không thể nói việc hàng xóm nghe đài địch kể lại cho ông nghe.
    Cậu Giữa đã viết đẹp chữ "a".
    Nó bắt đầu xin ông giấy và viết toàn chữ "a" lên đó.
    Từ đấy, thỉnh thoảng nó lại chặn xe bộ đội và đưa gửi các anh những tờ giấy toàn chữ "a".

    1975
    Giải phóng.
    Ông khăn gói ra đi tìm thằng Út.
    Và thật đau đớn khi sau ba tháng đến được chỗ cần tìm, người ta trả lời với ông rằng thằng Út đã chết.
    Ở nhà, thỉnh thoảng cậu giữa vẫn gửi thư cho em.
    a a A
    a a A a a a a
    a a a A a a A
    a a A a a A a
    A a a
    A a a
    A
    Cậu chỉ biết mỗi chữ "a", "A" ( a lớn ) là cậu, "a" ( a nhỏ ) là thằng Út và nhiều nghĩa khác nhau nữa. Những chữ "A", "a" ấy là:
    Em thương yêu của anh!
    Ở nhà anh và bố vẫn khoẻ mạnh. Bao giờ thì em về với bố và anh? Về ngay với bố và anh nhé. Mọi người về hết cả rồi.
    Anh rất nhớ em
    Anh chờ em về
    Anh trai của em.

    1977

    Ông quyết định lấy vợ cho thằng Giữa.
    Lặn lội lên tận Tuyên Quang, ông thăm dò rồi vào một gia đình nghèo, có cô con gái khoẻ mạnh, hiền lành và đặt thẳng vấn đề hỏi vợ cho con trai. Ông không giấu giếm chuyện nó bị câm. Ông hứa sẽ lo cho cuộc sống của hai vợ chồng chúng đầy đủ và đưa cho bố mẹ cô hai lạng vàng.
    Sau đó, trong bức thư gửi em, cậu Giữa có kèm thêm dòng:
    A a a a a a
    ... "Anh đã lấy vợ em ạ. Từ ngày có cô ấy, bố đỡ buồn hơn xưa ..."

    1990

    Thỉnh thoảng cậu Giữa vẫn gửi thư cho em. Nhữn bức thư ngày càng dài hơn vì trong nhà có nhiều thay đổi.
    Lần nào nằm ốm lâu, anh lại ra hiệu bảo con ra đưòng đón xe bộ đội để gửi thư cho chú nó.
    Những bức thư toàn chữ "a".

    Hết.

    Không ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử.
  2. shimizu_hn

    shimizu_hn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/07/2002
    Bài viết:
    1.176
    Đã được thích:
    0
    CAM NGỌT​
    Ra khỏi Hà Nội đến mấy chục cây số mà tôi vẫn chưa tin là mình đang đi xa. Trong khi người đàn ông ngồi bên tôi đã kịp mang cam ra bóc. Chắc anh là người hay đi: vẻ mặt thản nhiên anh vừa bóc cam vừa thuyết minh thật rành rọt những địa điểm xe đang qua. Anh niềm nở mời tôi, mời mọi người trong xe ăn cam.
    Đã lâu lắm chẳng có người đàn ông nào bóc cam mời tôi hay một cái gì tương tự.
    Tôi vừa muốn giữ lại vừa thèm được ăn những múi cam ấy. Có một mảnh đời khác như vừa thức giấc. Tôi từ từ đưa múi cam lên môi.
    Ngọt quá!
    Gần mười năm nay tôi chẳng đi đâu. Bổn phận làm vợ, làm mẹ đã nhốt tôi trong cái ***g gia đình không khóa mà thật chặt.
    Đêm qua tôi đã ngồi ghi gần hết hai trang giấy những việc cần làm trong mấy ngày tôi đi vắng cho hai bố con, thế mà tôi vẫn chưa yên tâm.
    Gần mười năm đang từ người ưa đó đây tôi bỗng rất ngại đi. Chỉ đêm qua, cái cảm giác muốn đi trong tôi mới thật rõ ràng: hồi hộp, háo hức và sung sướng và tủi thân. Cả chồng cả con, chẳng ai thiết nghĩ đến chuyến đi của tôi. Hình như người đàn bà luôn cô đơn với chính mình và luôn phải tự vượt từ nỗi cô đơn này đến nỗi cô đơn tiếp theo. Tưởng như không bao giờ hết. Hay đàn bà đồng nghĩa với cô đơn?
    Lúc tối tôi cứ chờ xem con trai có nằn nì tôi ở nhà không nhưng học xong bài nó mang bàn cờ ra và rủ tôi chơi. Còn nhiều việc phải làm nhưng tôi vẫn chơi với con một ván và cố tình để mình thua. Mai nó sẽ ở nhà không có tôi.
    Chúng tôi đến nơi lúc bốn giờ chiều.Tôi được xếp ở chung phòng với một chị độc thân. Là tôi cứ gọi thế chứ không biết chị có độc thân thật không. Người chị như cằn đi vì dồn nén và ở chị vừa có vẻ tự tin của một người sẵn sàng đối phó với mọi thứ, vừa thoáng vẻ yếu đuối của người không được ai chở che. Tôi bỗng muốn được làm một cái gì đó cho chị.
    Tôi dành rất nhiều thời gian "vi chỉnh" hai vòi nước nóng lạnh để được thật đúng độ ấm như mình muốn. ở nhà giờ này, khoảng năm giờ chiều, là lúc tôi hí húi bên cái bếp than tổ ong. Tôi hít không biết bao nhiêu lượng cacbon ôxít để chồng tôi có được cốc bia ở bữa cơm chiều, để sáng sáng thằng con tôi được ăn không phải cái bánh mì suông mà là có ít ruốc như nó vẫn thích. Chiều chiều, hai bố con tắm rửa sạch sẽ xong thì cũng là lúc mâm cơm đã dọn ra. Hai người đàn ông một từng trải, một ngây thơ cứ vừa ăn vừa kể với nhau đủ thứ chuyện, thật thoải mái. Lúc ấy mới là lúc tôi được đi tắm. Và khi tôi vào mâm thì cơm canh đã nguội, chẳng có ai để trò chuyện. Hai người đàn ông đã ngồi bên máy thu hình.
    Vậy mà hôm nay, vào giờ ấy tôi lại đang được tắm. Mà lại tắm từ vòi nóng lạnh chứ không phải một gáo nước sôi đủ cho một chậu nước lã theo hình thức đong đếm, cổ xưa như chính ngôi nhà của tôi. Tôi tự nhủ: phải tranh thủ tắm thật đã trong những ngày ở đây.
    Cộc... cộc... cộc...
    - Các chị cứ ở đây, lúc nào đi ăn cơm chúng tôi sẽ gọi - Tiếng người đàn ông ấy thông báo.
    Rồi bước chân anh dần xa.
    Có người nào đó lo bữa cơm chiều cho tôi lúc không ốm đau?
    Ba trăm sáu mươi nhăm ngày nhân với gần mười năm. Với những ngày bị băng huyết nằm đói chờ chồng đi làm về nấu cơm mà chồng thì về muộn vì... "phải đánh nốt ván cờ". Với những tháng ngày dài dằng dặc đi bốc thuốc rồi sắc thuốc cho chồng, mùi thuốc bệnh ngai ngái ngạt thở...
    Chị bạn cùng phòng đã đi nằm. Tôi mở cửa ra ban công. Ngoài kia là vườn cỏ cây nguyên sơ, gần như hoang dã. Những bông hoa dại trắng li ti cứ đung đưa đung đưa theo gió ru chiều. Rồi chuối, rồi đu đủ, rồi dứa dại, gặp đâu mọc đấy vô tư. Và cỏ, bạt ngàn những cỏ là cỏ. Giá tôi còn là tôi mười năm trước, chắc chắn tôi đã nằm lên cái thảm cỏ có mùi đất ẩm nồng và ngửa mặt hưởng cái bao la ngợp thở để thấy mình vô cùng nhỏ nhoi và đầy tự tin đến có thể giang tay ôm gọn cả bầu trời...
    Nhưng trước hoàng hôn hình như đến hoang dã cũng phải buồn: những bông hoa trắng cứ nhạt nhòa và lẫn dần vào đêm. Không hiểu giờ này có bao nhiêu người đàn bà được thấy những bông hoa dại ru chiều buồn và thấy chiều đang ngủ?
    Có mùi hương trầm xa mà rất gần. Nhà ai đó có việc hay đang cầu xin điều gì mà hương thơm da diết cả với người trần gian.
    Tôi bỗng thấy như mình chẳng cần cho ai. Hốt hoảng, tôi quay vào phòng đóng cửa lại.
    Hết.
    Không ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử.
    Được shimizu_hn sửa chữa / chuyển vào 22:53 ngày 30/10/2002
  3. shimizu_hn

    shimizu_hn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/07/2002
    Bài viết:
    1.176
    Đã được thích:
    0
    BỜ MƯA
    Cuộc nói chuyện qua điện thoại phải hoãn vì trục trặc kỹ thuật. Tôi phân vân: trong lúc chờ, tranh thủ viết thư ngay ở đây rồi gửi luôn cho người ấy hay đi dạo quanh hồ? Lần nào cũng thế, cứ thấy "Bưu điện" tôi lại hồi hộp, nhủ mình phải viết thư trả lời người ấy. Nhưng tôi lại yên tâm vì tôi đinh ninh khi mình nghĩ đến ai, hẳn người đó sẽ nhận được thư mình viết trong đầu. Tôi quyết định đi dạo quanh hồ. Chưa bao giờ tôi đi trọn một vòng hồ từ ngày xa người ấy. ... Mưa phùn. Mưa không rơi, mưa lang thang, như đi tìm..., đậu xuống vô tình... Đám thợ ảnh hàng chợ uể oải mời rơi. Chỉ có tôi chụp ảnh mưa làm kỷ niệm. Bên kia hồ như chẳng có bờ, chỉ thấy xanh ... mờ mờ ... xanh ... Khái niệm về khoảng cách ... Như chẳng phải chỉ có lúc này, chốc nữa, mà hình như có cả mai, kia ... xa ... xa quá ... biết đến bao giờ ... Trên chiếc ghế đá có hai người: người đàn ông thả chiếc mũ mưa ra sau, tóc vón lại, lúng túng dựng ngược, bên cạnh, người đàn bà gục mặt xuống ghế khóc thành tiếng, tay bấu vào mưa...
    Mấy đứa trẻ đánh giày mặt lấm tấm nước vừa đi vừa khum khum lưng che mưa cho những đồng tiền mới kiếm được vừa hể hả đếm một cách công khai. Tôi có cảm giác người lớn đếm tiền thường kín đáo, đôi khi khuất tất.
    Lại có hai người trên một chiếc ghế đá khác.
    - Cô mà không bỏ là cô giết tôi, - tiếng người đàn ông gằn sít lại.
    Không hiểu người đàn ông muốn người đàn bà bỏ điều gì? Bỏ ai?
    Và chẳng biết người đàn bà kia khi nhận những cái đang bị người đàn ông bắt bỏ đi ấy, có được vui và dễ dàng?
    Ngày xưa, tôi cứ ước mình là Juliet của một Romeo, là công chúa tóc vàng của một chàng hoàng tử.
    Mấy chục năm tẻ nhạt của cuộc sống đã làm tôi nguội lạnh. Những giấc mơ ngày xưa chắc không đủ ấm chỗ, dù chỉ là cho một con mèo nhỏ như trái tim nằm ngủ.
    Nhưng hôm qua, tôi chợt cảm thấy mình "điên lên" khi biết người ấy gọi điện hẹn một người không phải tôi. Trái tim đập hoảng loạn như báo động một đám cháy. Một giấc mơ chôn chưa chặt bỗng hiện lên, chết đứng.
    ... Vẫn mưa... Hình như tôi đang ở "bên kia" của lúc nãy. Chẳng phải chỉ có xanh ... mờ ... xanh ... Mấy đám cờ tướng túm tụm, im lặng, gay go... Hoá ra giải trí nhiều khi cũng chẳng thanh thản. Những quân cờ không tuổi đi mãi chẳng hết nước. Lòng người đàn bà phải chăng cũng như một bàn cờ...?...?...? Có một đám giải tán. Họ kéo nhau vào quán bia trước mặt. Một quán bia mưa. ... Tôi giật mình nhìn đồng hồ. Cuộc nói chuyện qua điện thoại có lẽ phải hoãn, không phải vì lý do kỹ thuật: Tôi mải nhớ nên đã quên mất nó...
    Kệ.
    Đằng kia, hai người vẫn ngồi ghế đá: người đàn ông tóc lúng túng dựng ngược không nhìn ra hồ nữa, anh vuốt tóc cho người đàn bà và nhìn những ngón tay gầy của chị đang đặt trên bờ vai anh.
    Trên chiếc ghế đã lúc nãy người đàn ông bắt người đàn bà bỏ đi cái gì đó bây giờ đang có mấy đứa trẻ ngồi đánh tá lả ăn tiền.
    Tôi đi
    Thêm một vòng mưa...
    . . .
    Tôi vẫn đi.
    Mơ một mình...
    Bờ bao giờ thôi mưa...?...?...?
    Không ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử.
  4. shimizu_hn

    shimizu_hn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/07/2002
    Bài viết:
    1.176
    Đã được thích:
    0
    ÂM THANH IM LẶNG​
    Cuối giờ, vị giáo sư đi xuống hàng ghế sinh viên, giọng không phải để giảng bài: Tôi có một cuộc chơi, trò nào muốn chơi thì ghi tên.
    Cuộc chơi của thầy dạy môn Tự động hoá là "khám" sức khoẻ của máy bằng cách "nghe" tiếng máy chạy. Thật hấp dẫn.
    Với lũ trò quỷ sứ tuổi chưa đủ mười chín, nghe đến "chơi" đã muốn nhảy vào, lúc đầu người thầy già có được một danh sách tên trò phiến âm dài dằng dặc. Nhưng rồi đám học trò dần dần bỏ thầy lại cùng với cuộc "chơi" ù đầu, mờ mắt sau nhũng buổi học đã kéo dài đến tám chín tiếng đồng hồ. Thầy có vẻ không vui. Ông buồn rầu nói với chúng tôi: "Nghe" máy khó lắm các em ạ.
    Chúng tôi đã trả xong bài thi cuối cùng của thời sinh viên. Chúng tôi đến từ biệt thầy giữa lúc ông đang mải mê "nghe " máy....
    Chúng tôi về nước. Thời điểm đó ngành tự động hoá chưa được quan tâm, thế là đành phân tán, mỗi người một nghề trái tay, nhưng các bạn tôi ít nhiều đều "dính" đến máy. Riêng tôi "phiêu bạt" sang một nghề khác hẳn: Nghề viết... Tôi cũng chẳng hiểu sao ...
    Người ta thường nói đó là số phận. Tôi cũng đành biết thế. Vì tôi chưa gặp mặt số phận một lần nào để có thể nhận diện được nó.
    Là học trò thầy nên tôi dám chắc thầy đã không bằng lòng khi biết tôi bỏ nghề, cái nghề mà thầy đã dầy công dìu dắt chúng tôi. Có lẽ thầy cho là tôi đang theo một nghề quá mơ hồ, quá dễ dàng so với bộ môn khoa học chính xác mà tôi đã yêu và đã được dạy dỗ. Tôi đã phụ công thầy.
    Sau lá thư tôi báo với thầy tôi đã chuyển sang nghề viết, thầy không trả lời thư tôi nữa....
    Quá trình tập "nghe" máy đã giúp tôi rất nhiều trong nghiệp viết. Sự tập trung tinh thần và giác quan cao độ khi "nghe" máy đã tạo cho tôi một thói quen rất cần thiết trong khi lắng nghe cỗ máy tâm hồn con người. Và có lẽ thầy cũng khó ngờ rằng chính thời gian gần máy đã đóng góp rất nhiều cho việc ra đời những truyện mini của tôi.
    Và cũng không hiểu sao tôi cứ nghĩ là mình vẫn đang tiếp tục cuộc "chơi" của thầy....
    Tôi đã nghe, lắng nghe rất nhiều. Càng ngày, qua nhiều thất bại, tôi càng hiểu ra rằng việc "nghe" người còn khó khăn hơn "nghe" máy hàng nghìn vạn lần. Máy cũng có thể nhiễu nhưng chúng thật thà và không biết nói dối.
    Rồi tôi bắt đầu tập nghe "âm thanh", thứ "âm thanh" mà tự vị quen gọi là sự im lặng.
    Một cỗ máy im lặng là một cỗ máy chết. Nhưng âm thanh im lặng của con người hình như nhiều khi còn "sống động", còn "nói" được nhiều hơn lời nói.
    Ðã mấy lần trong cuộc đời người mẹ nói được thành lời tình mẫu tử đại dương mênh mông của mình?
    Có bao nhiêu cặp tình nhân đến lúc xuôi tay vẫn chỉ nói yêu nhau bằng lời mắt?
    Và sự khinh bỉ tột cùng nhiều khi cũng chỉ có thể nói bằng âm thanh của lặng im....
    Sau nhiều năm không nhận được tin thầy, tôi bỗng thấy cần phải viết thư cho người thầy già năm xưa.
    Thầy còn sống hay đã mất?
    Thầy còn ở địa chỉ cũ?
    Tôi không cần biết. Tôi chỉ biết cần phải viết cho thầy.
    Rồi tôi nhận được một bức thư vẫn với nét chữ quen thuộc nhưng như run rẩy hơn, xót xa hơn: "Thầy cảm ơn em vẫn nghĩ đến thầy. Em đã giúp thầy hiểu thêm nhiều điều. Thầy rất tâm đắc với nhận xét của em: Thật ra không có sự im lặng. Chỉ có những âm thanh ở những tần số đặc biệt mà do những điều kiện hạn chế nhất định mình không "nghe" thấy được. Ðó là bi kịch của con người..."
    Gần đây tôi mới biết thầy hiện sống cô độc sau cuộc chia tay với người vợ mấy chục năm im lặng sống bên người chồng chỉ biết đến giảng đường và phòng thí nghiệm.
    Không hiểu có phải vì thầy đã không "bắt" được tần số âm thanh im lặng của người đàn bà ấy????
    Không ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử.
  5. shimizu_hn

    shimizu_hn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/07/2002
    Bài viết:
    1.176
    Đã được thích:
    0
    HAI GIỜ SÁNG​
    Bốn giờ rưỡi chiều.
    Khói nhóm bếp than nhất loạt xông lên mù mịt, ngạt thở. Có nhà đã mở tivi. Các con đề chung thân tính toán, thì thào như buôn bạc giả với may rủi.
    Đám trẻ con đi học thêm lao rầm rầm vào cái phòng bé xíu, hình như để điểm danh hơn là học...
    o0o
    Tám giờ tối.
    Nhà đối diện, cách nhà tôi khoảng một mét, mở kênh Trung ương. Từ nhà chung vách bên phải oang oang giọng thuyết minh khê nồng của phim Hồng Kông: "Mạt đại hoàng tôn". Nhà chung vách trái đang say sưa eo éo hát theo băng karaoke, giọng cô ca sĩ nhõng nhẽo chẳng biết làm nũng với ai qua dãy nhà thông trần.
    Tiếng bố mẹ quát tháo con và tiếng chúng cãi giả, trong một trận chiến dexiben ác liệt. Câu nói "vách có tai" có lẽ không thật sát với dãy nhà này... Có lẽ phải nói là vách có ...loa mới đúng... Nó cứ tăng âm chuyện của nhà này sang nhà kia oang oang...
    Cho đến gần mười một giờ khuya.
    Còn lại một nhà chuẩn bị ăn tối, họ sống theo chế độ làm việc ở khách sạn.
    Sau một tối sống trong thứ văn minh thông trần "tạp pí lù" như thế, đặt lưng xuống là tôi lăn ra chết ...giấc. Còn lấy sức chống chọi với ngày mai.
    Cho đến hôm...
    Hai giờ sáng.
    Kiểu đau thật lạ: quay phải cũng đau, quay trái cũng đau, đứng lên chẳng đỡ, ngồi xuống vẫn méo mặt... Liều, vớ tạm hai viên kháng sinh, uống xong tôi quyết định: ai làm việc nấy.
    Tôi tắt đèn, nằm xuống.
    Hoá ra giường tôi mới sắm mà đã có mọt. Tiếng kêu mới hách dịch chứ (chắc nó tưởng nó là chủ của đêm).
    Rồi có tiếng người ướ...ướ... Tiếng người nói mơ có một ngữ điệu và văn phạm lạ như một ngoại ngữ... Và tiếng gió mùa va vào đêm, gọi cửa kỷ niệm.
    Không hiểu sao tôi bỗng nghĩ đến một tuổi già còn khá xa..., đến những giờ sống phí phạm trong cái ồn ào của đời sống ban ngày...
    Ở cái khu nhà chung trần ngăn vách lắm điều này vào lúc khuya có những phút tịch mịch một cách lạ, tưởng như có thể nghe được tiếng thì thầm của thâm tâm mình.
    o0o
    Từ hôm ấy cứ khoảng hai giờ sáng là cái đau lại dựng tôi dậy. Và tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống của đau. Và tôi thấy như tâm hồn mình bỗng giàu có thêm. Nhưng sau một tuần, đau quá, tôi đành đi khám bệnh. Bác sĩ bảo tôi đau dạ dày rồi cho thuốc. Tôi uống, uống rất chăm. Và tôi không đau nữa.
    o0o
    Tôi ăn được, ngủ được, béo hẳn ra, nhưng tôi vẫn không vui và cảm thấy như đánh mất một cái gì.
    Không hiểu có phải lời người đó trách tôi sống còn hời hợt nên tôi không nhủ được chăng? Và qua đêm lâu lắm mới lại mất ngủ ấy tôi chợt hiểu ra mình đã mất cái gì.
    Thế là thỉnh thoảng tôi lại bỏ, kiên quyết bỏ, không uống thuốc và hồi hộp, và háo hức chờ cơn đau hẹn đến đánh thức một cuộc sống khác lúc hai giờ sáng.
    Không ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử.
  6. shimizu_hn

    shimizu_hn Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/07/2002
    Bài viết:
    1.176
    Đã được thích:
    0
    BẦY CHIM TRỞ VỀ​
    Năm ấy, lũ chim không về làm tổ ở khu vườn. Bà ngoại tôi ngồi ở bậc thềm, nhìn vào khoảng không hun hút trước mắt. Trời không mưa không nắng, xám xịt một màu chì. Tôi không biết bà tôi nghĩ gì, nhưng chắc chắn là đang nghĩ. Dáng ngồi như thế, tấm lưng còn tựa vào cửa cũ, nửa như lơ đễnh, nửa như coi cánh cửa ấy là một điểm tựa.Ðúng rồi, cái cánh cửa là điểm tựa của bà. Bà ngồi như thế lâu rồi, từ ngày tháng năm này qua ngày tháng năm khác. Bà tựa vào tiếng răng của lũ mọt, hình như là hoài nhớ về những ngày đã qua nhiều hơn là nghĩ đến ngày mai. Tôi ôm con mèo cái già có bộ lông màu xám tro vào lòng, vuốt ve nó. Nó chừng như cũng đã mệt mỏi vì quãng đời có tuổi của mình mà không chờn vờn đôi bàn tay thô kệch của tôi, bộ ria mép chỉ hơi khẽ động đậy.Nó lim dim đôi mắt. Tôi thấy thái độ của nó giống bà tôi quá. So với lũ mèo, nó cũng có tuổi, nó cũng đã là một con mèo già. Mà già rồi thì hay mệt mỏi. Chắc lúc này ở trong tay tôi, nó cũng đang suy nghĩ, suy nghĩ theo kiểu loài mèo. Nó nghĩ gì thì chỉ có trời mới biết được (có khi loài mèo biết?). Nhưng tôi thầm nghĩ, biết đâu nó cũng như bà tôi, tức là đang hoài nhớ về cái thời đã qua thì sao? Tuổi thơ tôi là một chuỗi những ngày tháng không tên. Cứ lặng lờ lặng lờ, chẳng có gì sôi nổi. Tôi ở với bà từ ngày còn nhỏ. Ngày xưa dì Mân cũng ở với bà, nhưng dì Mân vì lý do nào đó tác động đến mà sinh mất trí, bỏ nhà đi lâu rồi. Ði, rồi từ đấy không về. Và cũng chẳng có tin tức gì, không biết còn sống hay đã chết. Thỉnh thoảng, tôi ngây ngô nhắc đến gì như một lẽ bình thường, bà tôi lại chảy nước mắt. Ông Hân, hàng xóm nhà tôi bảo: "Bà cháu đã mất hai anh con cả trong cuộc chiến. Mất cả mẹ cháu, bây giờ lại mất cô con gái ngay giữa thời bình....". Ông Hân nói thế rồi đi về nhà. Nhưng ông đã thức dậy trong tôi hình ảnh một người đàn bà bỏ con lại cho mẹ già, đi biền biệt. Người ấy là mẹ tôi, tôi chưa biết mặt mẹ bao giờ! Suốt những năm tháng hiện diện ở bên bà, tôi ít khi thấy bà tôi cười, hay đúng hơn là chưa bao giờ thấy bà tôi cười dù chỉ khe khẽ. Và tôi như nhánh mạ non mọc trên cánh đồng bà ngoại, cánh đồng ấy là vô cùng. Tôi cũng ít cười, ít khóc. Tôi là cái gì thì lẳng lặng làm theo ý mình. Làm xong rồi mới nhớ đến việc phải hỏi bà: "Bà thấy cháu làm cái này, (hay cái kia) thế nào? Có được không?". Những lúc ấy bà im lặng gật đầu và nhìn đi đâu. Hay cũng có khi bà mải vào bếp, dáng đi lệch đầy vẻ cam chịu, mà quên cả câu trả lời dành cho tôi. Mấy hôm nay con mèo cái gì có bộ lông màu xám tro bỏ đi đâu, không thấy về nhà. Bà tôi vẫn ngồi ở bậc thềm, nhìn vào khoảng không hun hút trước mặt. Trời không nắng, nhưng hưng hửng hơn một chút. Tôi không có con mèo để ôm nó vào lòng vuốt ve như mọi bữa, quay ra bẻ cọng rơm chổi nghịch đĩa cơm bà để phần nhỡ nó có về thì ăn. Nghịch chán, tôi ngồi tì tay lên má nhìn đàn kiến đen hành quân. Lũ kiến thì nhỏ nhoi nhưng hạt cơm thì kềnh càng, thế mà chúng cũng tha cho được. Tôi nghĩ vớ vẩn, bây giờ cho tôi cái giò mà to hơn người tôi một chút, không biết tôi có tha nổi không? Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến những người thợ thuyền. Nghĩ đến bà. Nỗi buồn bà mang làm gì có ranh giới. Rồi tôi lại lắc đầu. Chịu, không sao lý giải nổi. Ðêm. Trời nổi gió, nhưng mà không mưa. Tôi nằm bên bà, mắt thao láo nhìn lên những kèo, cột, giằng nhà. Bà hờ hững phe phẩy cái quạt nan, chẳng vào đâu, tôi không được mát, bà cũng không được mát! Chợt có tiếng động trên mái, tôi tập trung nhìn lên đó nhưng không thấy gì. Rồi có tiếng của con mèo già nhà tôi với tiếng của những con mèo lạ. Chúng chạy rầm rập trên mái, gào lên gọi nhau bằng những âm thanh nghe ghê rợn. Tôi dựng tóc gáy nép sát vào bên bà. Tôi nhớ ngày xưa đã có lần bà giải thích cho tôi rằng, mùa này là mùa lũ mèo tìm nhau. Loài mèo thuỷ chung lắm! Nhưng nghe tiếng kêu của chúng, tôi vẫn sợ. Tôi im lặng, nem nép, mắt mở trừng trừng. Chợt tôi nghe tiếng bà thở dài. Giữa lúc tiếng con mèo đực nào đó với tiếng con mèo cái già nhà tôi đáp lại nhau. Sau đó thì lặng im, chúng bỏ đi đâu mất... Qua thời gian đấy, con mèo cái già trở về nhà. Nó nằm trên bậc thêm sưởi nắng. Tôi thấy người nó to hơn, và có vẻ nặng nề, bữa ăn không hết đĩa cơm. Nó trở nên lười biếng, chỉ suốt ngày cuộn mình nằm ngủ. Bà tôi ngồi tựa cửa, nhìn sang nó, thở dài. Tôi không biết bà đang nghĩ gì, chắc vẫn chỉ có thế thôi! Có tin của cô tôi ở tỉnh nào đấy xa xa. Một buổi chiều, ông bưu điện tìm đến đưa cho bà tôi cái phong bì màu xanh xanh hồng hồng, thơm thơm mùi nước hoa. Tôi cầm nó xăm xoi. Từ bé tôi mới nhìn thấy cái phong bì đẹp như thế, cứ y như... Tây. Tối, ông Hân sang chơi, bà tôi đưa cái thư cho ông đọc. Ðọc xong ông Hân với bà tôi ngồi nói chuyện, tôi nằm ê a hát mấy bài hát trẻ con cũ rích, và ngủ quên từ lúc nào. Hôm sau ông Hân đi đâu đấy, không ở nhà. Ba hôm sau nữa.... Cho đến lúc trời xâm xẩm tối, ông Hân đeo lỉnh kỉnh những cái túi ở đâu đó về thẳng nhà tôi. Uống ngụm nước bà tôi đưa, còn dở dang, ông Hân đứng lên dốc ngược mấy cái túi, các thứ lăn ra giường. Tôi ngạc nhiên giương mắt nhìn. Ông Hân cầm con búp bê tóc vàng: "Con búp bê này, dì Mân gửi cho cháu. Cầm lấy mà chơi!". Tôi ôm em bé búp bê, ngỡ như là trong tưởng tượng. Lần đầu tiên, tôi thấy bà tôi cười. Ông Hân phá bụi mây ngăn giữa hai nhà, tôi chạy loăng quăng như con loi choi mà ngồi chơi với em bé búp bê của mình: "Cháu sẽ gọi là ông ngoại". Ông Hân nghỉ tay vào thềm ngồi hút thuốc, bà tôi ngồi bên cạnh rót nước chè cho ông. Tôi nghĩ, ông Hân như cái cột lắp cánh cửa sắp rơi ra của nhà tôi, là chỗ cho bà tôi tựa. Năm ấy tôi mười tuổi. Năm ấy con mèo cái già có bộ lông màu xám tro đẻ được ba con. Hai con khoang và một con tam thể. Năm ấy bầy chim lại tìm về làm tổ, hót vang ở khu vườn
    Hết.
    Không ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử.
    Được shimizu_hn sửa chữa / chuyển vào 06:58 ngày 12/11/2002

Chia sẻ trang này