1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn Tô Hoài

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi julie06, 10/05/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn Tô Hoài

    Tình Buồn​


    Ngày trước ai đi lấy chồng như bà Tứ người ta bĩu môi chửi là gái nứng đi theo chồng và khinh ra mặt. Ông Tứ nghề thợ ngõa, quanh năm đeo hòm vác cưa, cầm cân nảy mực đi ăn cơm tứ chiếng. Năm ấy, bỗng dưng đưa về một người con gái. Làng nước thì thào cô này chửa buộm, đứa con trai đầu lòng ấy không phải con phó Tứ. Có người bảo là anh thợ mộc cuỗm con gái chủ nhà. Cô ấy người dưới nam, nghe rõ giọng kẻ bể. Lại người thì nói cái tiếng ấy là người chẳng đâu xa, vùng bên kia sông thôi. Không biết thế nào.

    Bà con rồi cũng gọi là thím Tứ, cô Tứ. Dần dà thì sự khinh khi của người ta cũng nhạt đần. Đến khi con cái trong nhà đã lớn và thế sự đã thay đổi nhiều thì cũng chẳng còn ai rỗi hơi bới móc gốc rễ cái người đàn bà ngày trước khăn gói lấy chồng theo không ấy nữa. Thời buổi mới, cho qua.

    Vợ chồng phó Tứ có ba người con. Chồng đặt tên con theo cái thú chơi cờ bạc là sáu tên sáu mặt con thò lò thoạt nghe cũng có vẻ buồn cười một tý nhưng rồi sinh có ba con, nên chỉ có được thằng Nhất, cái Nhị, cái Tam. Thế mà đứa con nào cũng khá cả. Thằng Nhất học hết bậc phổ thông, được làm anh giáo trường làng. Cô Nhị, cô Tam lấy chồng làng bên, những con rể có chức vị có máu mặt. Người nào cũng khi chủ tịch, khi chủ nhiệm, khi bí thư...

    Một năm kia, ông Tứ ốm. Rồi ông mất bệnh già. Chẳng bao lâu, thấp thoáng đấy mà bà phó Tứ đã lọm khọm lúc nào. Từ khi ông mất, bà không ở hẳn với con nào. Cứ liều liệu ở mỗi nhà ít lâu, nhưng Tết nhất hay giỗ chạp thì bà thế nào cũng về nhà con trai là anh Nhất. Mới năm trước, còn đi ra ruộng làm cỏ lúa. Giữa trưa, nắng chang chang mà xách được giỏ cua dưới đồng sâu về, lấm như vùi. Mấy năm nay thì chịu rồi, chỉ loanh quanh nhặt nhạnh cái rau cái cỏ trong bờ rào. Tính nết đâm ra lẩm cẩm dần, ăn đấy lại quên đấy.

    Bà Tứ ngồi rười rượi trông ra ngoài ngõ, có người đi qua, chào hỏi: "Bà đã xơi cơm chưa?". Vừa xong bữa hẳn hoi, mà bà Tứ ngây mặt ra rồi hừ một cái: "Nào đã cơm cháo gì đâu ! ". Người con dâu trưởng đã để ý cái nhẵng tính tai ác đấy của bà mẹ chồng từ lâu. Có lần chị cũng nói trong bữa ăn, nhưng nói vui thôi. Bà buông đũa xuống, đứng lên: "Tôi vu oan giá họa cho ai để tôi chết không nhắm mắt à?".

    Các cháu cũng không dám nói cợt bà thế. Tưởng chỉ ở nhà giáo Nhất thì có thể sinh ra chuyện "chó dữ mất láng giềng, dâu dữ mất họ!" bà lão mới hay dở chứng, nhưng cả những khi ở bên nhà các cô Nhị, cô Tam bà cũng vùng vằng, mà trước mặt các con gái, bà còn rủa xả ác khẩu gấp mấy: "Là con chó dại cắn càn thì mới mở mõm ra ăn không nói có thế".

    Cả năm nay bà lão ngại đi, chỉ ở nhà giáo Nhất, không sang nhà các con gái. Thỉnh thoảng hai cô em đèo lên anh yến gạo và ít tiền. Được cái anh em nhà này vốn cũng dễ dãi, êm ấm cả. Nhưng mà người ta bảo số tuổi càng gông đeo trĩu cổ thì lại chỉ trái tính hơn. Bao nhiêu nết na, kỹ càng, ý tứ và thời con gái nhanh nhẹn ve vé việc nhà của cô Tứ xưa mà bà lão Tứ bây giờ vẫn còn nhớ vanh vách đấy nhưng bà lão thì hàng ngày chỉ còn làm trò chơi cho lũ trẻ con.

    Bà vẫn nói: Người ta trước kia không tuềnh toàng đoảng như chúng mày bây giờ đâu. Nồi cơm bưng lên phải nhớ lót rế, sới cơm thì có đũa cả, đàn bà con gái phải ngồi đầu nồi... Không vét nồi quèn quẹt, vét nồi là điềm năm ấy đói kém, mà cũng là nhà keo kiệt mới thổi ít cơm phải vét nồi thế. Dâu con trong nhà, giá có ăn được ba bát thì cũng chỉ thong thả hai lưng, mà khéo ý tứ đứng lên sớm hơn trước cả nhà. Bà lão vẫn thuộc in những thói phép thế. Bà hay mắng: "Bố chúng mày là thầy giáo mà chúng mày ăn uống hùng hục như lợn thế thì bố chúng mày đi bảo người ta học cái gì! ". Bà rỉa róc thế, các cháu chỉ cười hô hố.

    Không phải chúng nó cười những sự cổ tích nhiêu khê của bà đâu. Mà chúng nó cười cái khác, cái hâm của bà. Chả là những răn dạy khuôn phép của bà lão bây giờ lẫn lộn cả với những cái dở hơi. Thói quen trên dưới nhường nhịn vẫn nhớ đời mà con người thì già đi, ít ai nhận ra tuổi đã khác thì cũng sinh lắm tính khác.

    Ăn đói thì phải chóng đói. Mà người già ở trong làng, cả đời chưa chắc đã được đủ ngày hai bữa. Bụng còn thòm thèm, nhưng lại nghĩ, bây giờ chẳng còn làm ra của nả cho nhà mày, mắt kèm nhèm đuổi con gà cũng không được, nên bớt mồm bớt miệng lại. Nhưng mà thế thì đói, làm thế nào.

    Khi nhà vắng, bà lão Tứ lần xuống bếp. Bà lão sờ soạng các thứ từ cái mâm chõng ăn cơm lên chạn. Có bát tương, bà lão thò hai ngón tay chấm rồi đưa vào hàng móm mút chùn chụt. Chỗ cơm nguội còn đến lưng liễn. Bà lão bốc một nắm to. Mỗi lần bốc rồi, bà lão lại lấy tay san phẳng vun khéo lại như cũ. Hai hàm răng bà lão đã rụng hết, lâu nay chỉ nhai bằng lợi. Hình như của ăn vụng bao giờ cũng ngon hơn hay là bà lão đương đói, lại đứng trong bếp một mình, cho nên cứ việc bốc bải, nhai nuốt, mặc sức mặc nhiên.

    Bà lão tưởng thế thôi, chứ không phải lúc ấy có một mình đâu. Hai con mắt bà lão bị nhài quạt, bấy lâu chỉ còn thấy mờ mờ, đi trong nhà đã quen bước chân và người thì chỉ nhìn bóng mà đoán ra. Mấy đứa nhóc tụ tập ngay ngoài hiên. Trẻ con thích nghịch ác, chúng nó bấm lưng nhau im lặng rón rén vào xem bà ăn vụng. Bà mút tương, bà húp nước dưa, bà bốc cơm... Chốc bà lại hốt hoảng nhìn ra. Nhưng chẳng nhìn thấy gì cả.

    Có đứa thích quá, thúc cùi tay vào sườn đứa kia. Thằng nọ kêu toáng:

    - ối!

    Bà lão Tứ giật mình, đặt vội cái liễn vào trạn, khép hai cánh gỗ lại, quay mặt ra hỏi ngay ngắn tự nhiên:

    - Đứa nào về đấy?

    Bà lão còn lúng túng chưa biết nói thêm thế nào, một đứa đã hét to:

    - Một, hai, ba...

    Rồi cả lũ ồn ào hét một lượt:

    - Bà ăn vụng cơm ? Một, hai , ba. Bà ăn...

    - Cha đẻ mẹ chúng bay!

    - Mép bà còn dính hạt cơm kia kìa. Cơm lại vãi dưới đất nữa...

    - Cha đẻ mẹ chúng mày ? Tao thề có thổ thần hai vai, tao mà nuốt trộm một hột cơm của nhà chúng mày thì giời tru đất diệt tao.

    - Ê, ê... Một, hai...

    - Tao thề...

    Hôm ấy câu chuyện vui, trẻ con khoái quá kể với bố mẹ ngay ở bữa ăn. Bà lão đặt bát cơm ăn dở xuống, run run đứng dậy, nước mắt đổ ròng ròng, ra ngồi ngoài ngõ. Vợ giáo Nhất chỉ tủm tỉm cười, giáo Nhất thì quát chúng nó im. Giáo Nhất vốn người dễ tính, mãi đến chiều mới nói với mẹ:

    - Bận sau bà cứ ăn cơm cho no, đừng phải làm thế.

    - Tôi thề, tôi thề có quỷ thần hai vai, tôi không...

    - Con chỉ xin mẹ thế thôi. Đến bữa cứ ăn đủ, đừng nhường nhịn mà khổ thân, mà để các cháu nói hỗn thế nó sinh hư ra.

    Sáng hôm sau, nhà lại vắng như mọi hôm, bà lão Tứ nghe ngóng xung quanh im ả, rồi lần lần vào bếp. Những đứa trẻ lại đến đứng ngoài hiên từ lúc nào, thêm cả mấy đứa hàng xóm cũng sang xem "trò chơi" bà ăn vụng. Mà bà không biết.

    Bà lão Tứ bốc cục cơm, móm mém nhai. Thì...

    - Một, hai, ba...

    - Bà già ăn vụng! Một, hai... bà già...

    Bà lão trợn hai con mắt cùi nhãn, lật đật đóng cánh cửa chạn.

    - Đẻ mẹ chúng bay?

    - Một, hai, ba...

    - Có quỷ thần hai vai...

    Thường mỗi buổi sáng lại sinh ra trò chơi ấy của trẻ con. Ngồi vào mâm, có hôm quên bố mắng, trẻ em lại lỡ miệng ríu rít kể. Bà lão lại bỏ bát cơm, lần thần ra ngồi ngoài ngõ. Giáo Nhất phải quát: "Không được hỗn!". Rồi những đứa trẻ cũng sợ bố, không dám nói huyên thuyên, bắt chước cả bà bốc cơm, nhưng mỗi buổi sáng chúng nó vẫn rủ nhau rón rén đến đứng xem bà vào bếp ăn vụng. Mẹ chúng nó chép miệng nói trống không: "Cả tối bà cũng lần xuống bếp, chả cứ ban ngày!".

    Giáo Nhất lặng im. Nông nỗi nhà này cũng lắm éo le. Vợ giáo Nhất chẳng ưa mẹ chồng, nhưng nể chồng cho nên không bao giờ nói một lời nặng nhẹ như cái câu thế gian mai mỉa: "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể; con nuôi cha mẹ con kể từng ngày", nhà không hề có tiếng bấc tiếng chì về gánh nặng mẹ già. Nhưng mọi việc phải làm cho mẹ, Nhất cáng đáng tất. Nhất không cho mẹ ra cầu ao, sợ nhỡ bà cụ lẩy bẩy sa chân thì khốn. Nhất tự tay rũ giặt xống áo cho mẹ. Vợ giáo Nhất làm như không để ý.

    Cái sự con trẻ xấc xược thì giáo Nhất cũng chỉ coi như một bực mình lặt vặt dẹp đi thì thôi. Nhưng mà việc đời đổi thay như mưa nắng có con kiến và con người vần xoay ở trong, vả chăng, nghĩ hay chẳng nghĩ thì rồi cái việc ấy, cái ngày ấy cũng đến. Mỗi năm mỗi tuổi, bà lão Tứ ngày một yếu. Rồi bà lão Tứ ốm. Việc ấy, ngày ấy đương tới rồi.

    Bà lão Tứ không dậy được. Rồi cũng chẳng ăn uống gì nữa. Giáo Nhất che chiếu lên một gian bên, kê cái giường ra phía ngoài cho sáng một chút. Rồi bẻ hai quãng nan giường dưới đặt một thúng tro. Lại cắt thủng cái chiếu để bà cụ nằm lọt một phần lưng vào chỗ giường khoét, cho tiện đái ỉa.

    Nhà có người ốm cứ buồn thiu như ngày có mưa dầm, ấy là bà con xóm giềng rồi các thầy cô, học trò trường làng và trường bên đến thăm hỏi, quà bánh, lúc nào cũng có người ra vào.

    Nhất bưng bát cháo vào giường mẹ. Mấy hôm nay bà lão không nghiêng người được. Nhất ngồi đút từng thìa cháo cho mẹ. Bà lão ngoẹo cổ ra cố nuốt, trông tội tội như con cá ngáp trên cạn.

    Cũng hết được lưng cháo. Nhất đặt cái bát, kéo lại mép chiếu lệch góc trong. Một lúc, bà lão bỗng bảo Nhất:

    - Mẹ có việc nhờ anh.

    - Có gì thì mẹ bảo.

    - Mẹ không phải là người làng này.

    - Mẹ cứ lẩn thẩn nghĩ ngợi điều ấy làm gì?

    - Không, mẹ có nghĩ đâu. Mẹ chỉ muốn nhờ con.

    - Vâng.

    - Mẹ quê ở Giang Hạ bến kia sông thôi.

    - à làng Giang, làng Hạ.

    - Làng Hạ, con ạ. Hôm nào con sang Hạ, con vào xóm Đồng, bây giờ già rồi thì không biết tên là gì, nhưng ngày trước tên là Cõi, anh cả Cõi. Con nói rằng ông Cõi có được thư thả thì mời ông sang chơi.

    Nhất còn muốn hỏi thêm mẹ thế nào nữa, nhưng bà lão đã lặng lẽ nghiêng mặt vào vách.

    Cái người ngày trước tên là Cõi, cái anh cả Cõi ấy là tôi. Bây giờ tên tôi vẫn là Cõi, bởi tôi vẫn bà cô ông mãnh thế. Có điều, đã tuổi tác, theo tục lệ và thói quen kính nể, ít người réo tên tục người già ra nữa mà làng xóm gọi tôi là ông Ba, cụ Ba - chỉ có mấy con mẹ bán bánh đúc tương ở chợ hay ỡm ờ chớt nhả thỉnh thoảng cứ réo tên cúng cơm gọi đùa lão Cõi, ông mãnh Cõi, bao giờ ông Cõi cưới bà ấy cho chúng cháu được ăn cỗ. Có mà lấy bà sáu tấm. ấy, chúng nó cứ trêu chọc thế. Tôi chẳng chấp.

    Anh giáo Nhất chắp tay nói:

    - Mẹ cháu có lời thưa với ông...

    Chỉ mới nghe thoáng thế thôi, tôi đã như thấy ngay cả rồi. Như là có thần linh cách cảm giao nhau khi người ta cùng nghĩ đến nhau hay là bởi nét mặt người đàn ông này, cái mũi và con mắt sao mà phảng phất cô ấy đến thế.

    Mấy chục năm đã qua. Nhưng mấy chục năm ở quãng giữa trống không, người trong cuộc thì ngỡ như chẳng có khoảng cách nào. Cô ấy ngày trước con nhà khá giả vườn trên ao dưới. Mà tôi thì bố mẹ nghèo quá. Dây dợ đâu đâu vương tơ khi trai gái đương thì, cái duyên cái nợ mà gặp nhau thôi. Cô ấy bảo tôi: "Anh về nói với mẹ bỏ cái nghề cắp thúng đi khâu mướn thì...". Tôi bực mình, mát mẻ: "Nếu mẹ không bỏ được cái tội đi khâu mướn ăn cơm nhà người thì giá xem có được ngày nhờ người đến đánh tiếng chắc ông phó lý bố em cho tuần cầm ba toong ra đuổi ông mối, chứ gì! ". Thế là cô ấy lại khóc, chỉ khóc.

    Làm sao cho mẹ tôi vứt đi đâu được việc khâu mướn ăn cơm khoán, cho bố con tôi thôi đi bổ củi thuê và các em tôi ngày không cắp cái bị bật quai ra cửa đình nhặt lá đa về phơi lấy cái đun. Chúng tôi như con săn sắt, con mài mài trong ao làm sao bỗng thành con cá hóa rồng được. Làng xóm dần dà cũng biết cuộc dan díu thầm vụng éo le này. Ông phó lý đã đánh cô con gái thừa sống thiếu chết. Có khi xích chân vào cột buồng cả phiên chợ. Nhưng mà dường như cô ấy lại càng bồng bột như điên. Xểnh ra lại đi tìm tôi. Có khi khóc đến hết nước mắt rồi cô bảo tôi hay là bây giờ hai đứa cùng ra cái đầm đầu làng nhảy xuống trẫm mình. Tôi phải chắp tay van lạy níu cô ấy lại.

    Thế rồi chỉ một việc nhẹ nhàng, vừa tan hoang lại vừa xong. Bố mẹ cô ấy tìm gả được chồng cho con gái. Đất làng này, nơi môn đăng hộ đối những nhà phó lý, trưởng bạ thường thường bậc trung, trước sân có hàng cau, vườn sau chuồng lợn ao bèo thì cũng chẳng mấy khó khăn. Mà cô ấy cũng chẳng tai tiếng đâu đến nỗi. Những chuyện trai gái phải lòng nhau làng nước coi như chuyện trẻ con mà người ta đồn đại dông dài chứ phải đâu gái chửa hoang, quân giăng há lên tỉnh la liếm hàng cơm quán trọ. Thế nào thì rồi mọi chuyện gả bán cũng xong xuôi như trăm nghìn đám cha mẹ đặt đâu ngồi đấy thôi.

    Rồi nhà nọ đi xem mặt, dạm ngõ, ăn hỏi, lại đã qua một cái sêu tết tháng bảy, đến dạo cơm mới tháng mười này thì cưới. Một hôm, cô ấy đi chợ rồi không về nữa. Thế là biệt tăm từ ngày ấy.

    Bây giờ anh giáo Nhất mới nhớ lại và nhận ra hình như cả một hồi còn trẻ không khi nào mẹ đi xem hội hè đình đám chèo hát ở đâu, cũng chẳng biết mặt cái chợ huyện, mà quanh năm mẹ chỉ như gái đẻ chít khăn vuông xùm xụp, ra cái chợ hôm lèo tèo mấy mủng cá tép ươn của nhà chài dưới sông đem lên đầu làng lúc xẩm tối. Con người gan liều đến thế. Chẳng được đẹp phận như người ta, thôi thì coi như một đời đành vùi vào chiêm bao, chỉ có một mình mình biết.

    Cái lão ba Cõi tôi theo giáo Nhất về bên sông ngay hôm ấy. Hai ông con qua đò ngang. Chiếc đò ngang xưa kia, ừ con đò ngang ngày ấy. Có lẽ như từ bao giờ vẫn thế. Bên này ới bên kia, con đò tai nghễnh ngãng, chểnh mảng, ẽo ợt, lững lờ sang. Năm xưa, đã có những giêng hai, mưa bụi như phấn hoa ngô bay, những chuyến đò đưa đầy người vào xem hội làng trong cánh đồng.

    Còn đương bâng khuâng về những ngày nào, thì mũi đò đã đụng bờ cát. Anh giáo Nhất vác cái xe đạp lên trước làm chòng chành con đò ọp ẹp. Ông Cõi đứng dậy, chị nhà đò một tay bế con, một tay giơ chiếc bơi chèo cho ông lão níu lấy, lẩy bẩy lần lên. Rồi tôi lại vẫn đương đi về ngày xưa. Tôi vừa lập cập vừa xăm xăm bước. Anh giáo "mời ông lại lên xe cho con đèo ông đỡ mỏi" nhưng tôi bảo anh cứ để cho tôi đi thanh thả thế này. Xóm nhà anh tôi cũng biết rồi, chỗ khoanh tre quãng sông dưới kia chứ đâu.

    Nghĩ thế thì tôi bồi hồi giật mình. Làm sao chỉ vài bước chân mà cả đời tôi không nghĩ được ra, không tìm ra cô ấy ở đâu mà cô ấy dường như vẫn biết tôi, vẫn nhìn thấy tôi.
  2. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Nếp nhà ba gian lợp lá mía, dứng tre trát xi-măng xám nhạt. Trước sân, hai cây mít xum xuê lá. Một vườn xoan sau nhà. Cái cổng rong cành rào trống hốc, con chó cũng chui lọt. Nhà tuy ngăn nắp nhưng cũng chẳng có của nả, cũng không cần cửa giả nên hồn. Tôi bỗng ngỡ tôi đương đi về nhà tôi. ừ giá mà ngày ấy chúng tôi lấy được nhau thì nhà cửa, vườn tược, con cái chắc cũng tương tự thế này. Ngày ngày ra sông xuống đồng kiếm cái ăn, cả đời người chẳng có điều phải nghĩ xa nghĩ gần. ở trong làng xóm, ngẩng mặt lên bốn phía khoanh tre mù mịt, quan tâm đâu đến ngoài kia đồng đất thế nào, tôi đương đi về nhà tôi đây. . .
    Tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu kê đầu giường bà Tứ. Lũ trẻ lại đã lấp ló ngoài hiên. Từ hôm bà ốm, mỗi buổi sáng trẻ con không còn trò xem bà ăn vụng nữa. Chúng nó cũng buồn. Bây giờ chỉ còn ngóng khách đến chơi thăm bà- nhưng nhiều khi chỉ toàn người làng, nhìn mãi cũng chán mắt, lại tản ra ngoài vườn nhặt quả xoan non đánh chắt, chơi đố lá.
    Không, bà lão nằm ốm liệt giường kia không phải là cô ấy. Trong tưởng tượng của tôi chưa bao giờ nghĩ ra nông nỗi buồn thảm này. Tôi ngồi im. Tôi nghĩ thầm, tôi cầu mong không phải. Thì cũng đâu phải cô ấy ngày xưa, cô ấy ngày xưa cơ mà.
    Tôi cởi gói bánh lúc nãy đi qua mua ngoài chợ và rồi lại lặng im chẳng biết nên nói thế nào.
    - Nhà vẫn ở dưới Hạ, chỗ cái bụi duối to ấy, hả ông?
    - Vẫn đấy. Nhưng cây duối thì làng xẻ đóng làm bàn cho trẻ học rồi, bà ạ.
    - Ông thứ lỗi cho tôi.
    - Làm gì mà phải nặng lời thế. Cố thuốc thang ít lâu cho khỏe rồi còn đi hội làng trong. Tôi vừa qua đò, sắp sang tháng hai rồi đấy.
    Trên khuôn mặt méo mó thoảng một nét cười mếu.
    - Ông vẫn chúa hay pha trò. Ông ơi, tôi chết không nhắm mắt được, tôi không giữ được lời với ông.
    - Đã bảo thôi mà. Ngồi dậy ăn bánh, cái bánh nếp mật ở chợ bây giờ chúng nó làm cũng khá.
    - Ông bỏ lỗi cho tôi.
    - Thôi mà . . .
    - Ông nói đi, ông bỏ lỗi cho tôi.
    Tôi run rẩy đưa hai bàn tay lên mặt người con gái năm xưa. Mặt người ốm trắng nhợt nhạt như đá, mà nước mắt thì nóng ấm đầm đìa lòng bàn tay tôi. Tôi sờ đến hai con mắt, hai con mắt mềm mềm nhắm lại, tôi dừng tay. Anh giáo Nhất quỳ xuống, ôm hai đầu gối tôi. "Ông ơi, mẹ cháu đi rồi". Tôi vuốt lại hai con mắt người vừa nhắm. Thôi thế bà ấy đi rồi, cô ấy đi rồi.
    Những người con dâu, con gái đứng ở chân giường ôm mặt khóc nức nở. Lũ trẻ con chạy tán loạn ra vườn, tiếng khóc ánh ỏi, léc téc như những con chim sẻ bay vỡ đàn./.
  3. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Gặp Lại​
    Tôi có việc đến Phnôm Pênh. Thời kỳ 1962 phức tạp, ở Phnôm Pênh có cả hai tòa đại diện ngoại giao miền bắc và miền nam Việt Nam. Gần Sài Gòn quá, nếu lộ tông tích, e xảy ra bất trắc. Phải làm thế nào, nhỡ khi la cà quá xá không ai biết là người ở Hà Nội tới. Bộ đồ mùa thu mới pha len xanh nhạt, túi áo vét cài mảnh khăn trắng nhỏ, bắt chước làm dáng kiểu Sihanuc, thời đó thịnh hành ở Phnôm Pênh.
    Tối ấy, chơi sàn nhảy bè nổi Trăng Sáng trên sông Mê Công. Giữa trời nước, giả vẻ thôn dã. ánh điện vụn ra, mờ mờ trăng suông. Từ chỗ này đến chân cầu Chang Va, nhấp nhô, óng ánh những sàn nhảy, những quán ăn trên sóng.
    Người ta vừa ăn, vừa nhảy, vừa nằm ngồi rủ rỉ trong những ngăn buồng vách bên sàn. Tôi ngồi một chỗ, nghe sóng ì ọp dưới chân và ngoài kia sáng trăng- trăng giãi lăn tăn như mắt lưới.
    Một cô gái nhảy đến ngồi bên. Mụ Tú Bà, chẳng biết người ta hay người Tàu, mặc áo "xường xám" xanh, bước thon thót như con châu chấu ma. Sai phái con em đến với khách, mụ đã sắp cỗ cả.
    - Mời anh...
    - Không nhảy nhót gì đâu. Cút đi nhé?
    Nghe mắng yêu và thấy tôi tợp cả ly rượu mạnh không pha đá, cô gái nhảy tỏ vẻ hiểu rồi.
    - Em ngồi với anh vậy.
    - Cứ đi, lúc nào nhảy mỏi hẵng lại đây nghỉ chơi.
    "Anh đuổi em thật à. Cảm ơn nhé?". Tiếng cảm ơn chưa dứt người đã đi thoảng ra đằng trước. Nó chỉ mong có thế. Nó đã lĩnh tích kê ghép đôi với tôi, giờ lại được đi tìm khách, nhận tích kê tiền lần nữa. Có lẽ chúng nó bảo nhau hay mụ áo xường xám đã khéo để mắt, một cô khác vẫn đến.
    - Cho em ngồi hầu anh.
    - Cứ việc.
    Một lát, không thấy tôi nói gì, nó bảo:
    - Cho em đi nhé ?
    - Cứ việc!
    - Cảm ơn anh yêu.
    Nó đi luôn. Nhà hàng đã tính một xuất, lại được đi tìm khách. Lãi quá. Có đứa vừa ló ra, tôi đã hất tay. Nó cười nhoẻn, đi ngay. Lại đứa khác.
    Chẳng sao, đàn cá mài mại đến rỉa mồi. Chắc tôi được tiếng chơi sang nhất hội đêm nay rồi.
    Cô này khuôn mặt quen như đã gặp ở đâu. Thoáng hiện về như gần mà như xa, dáng dấp một người chết đã lâu. Vong hồn cô Ðạm Tiên nào đêm nay theo nhau đến tận chốn sông nước chân mây này. Tôi im lặng. Cô gái mặt trái xoan nhẹ nhõm. Nếu không gặp ở đây không thể tưởng là một cô gái giăng hoa.
    - Sao anh cứ nhìn em thết!
    - Xin lỗi em.
    - Em mới có lỗi. Không biết anh đến, em mặc dơ thế này thì không phải với anh.
    - Chẳng sao.
    - Anh đưa em về nhà thay đồ rồi em mới dám ra với anh. Anh lái cho em, em ở gần đây thôi.
    - Anh mới bên Singapore sang, chưa mua xe.
    Tôi đâu biết Singapore chốn nào! ấy là tôi đã được nghe kinh nghiệm đến Phnôm Pênh tỏ vẻ sành sỏi thì phải nào Casino núi Bokor dưới Kampot, rồi bãi tắm Kép, rồi nơi ăn chơi "Kép nhỏ" trên sông cách đây vài cây, rồi ông Sihanuc mới thuê từ Pháp về trưng bày cả phòng ba bức tranh của danh họa Buffet. Rồi bản ca khúc mới nhất của ông Sihanuc về Phnôm Pênh, rồi... Bấy giờ Singapore sống hoa lệ, Hồng Kông không bén gót. Nói ở Singapore về, làng chơi thèm rỏ rãi, mà gái chơi thì lác mắt. Quả nhiên bài thuốc Singapore nghiệm tức thì, cô gái nhìn tôi, mắt đăm đắm, thuần hơn. Ôi chao, sao mà nhớ ai kia, sao mà nhớ.
    - Em ở đây?
    - Em mới lên.
    - ở Sài Gòn?
    Cô gái nhảy mỉm cười, cúi xuống, nhắc ly rượu của tôi, uống một ngụm.
    - Em theo người ta di cư vào nam. ở ngoài ấy, em đi nhảy các đồn biên thùy, Tiên Yên ra Hà Cối, Ðầm Hà... Anh biết Hà Cối chứ? Ðến khi tụi Tây vào Sài Gòn, nó hợp đồng đem chúng em đi. Ðược ít lâu, Tây cút về nước, cho rơi luôn, thế là bơ vơ.
    - ở Sài Gòn làm ăn còn được.
    - Anh chưa biết à? Dưới Sài Gòn nó cấm các "ba" rồi. Anh cũng người ngoài à?
    - Bao giờ hết loạn mới được về với mẹ cái hĩm.
    - Không che được mắt thánh đâu. Anh ở Hà Nội vào.
    - Em đẹp lắm. Em giống một người ngày xưa của anh.
    Cô gái lung linh mắt, cười.
    - Hay là người ta đấy?
    - Người ta chết rồi.
    Nhưng cô gái đã khẩn khoản:
    - Em có thằng em ở phố Hàng Giày. Hôm nào anh về cho em gửi nó mấy chữ. Ðời em gian truân lắm . . .
    Lát sau, tôi về cùng với những ông chủ tiệc đã tha tôi đến đây. Tôi ôm người gái nhảy. Chúng tôi hôn nhau, hôn thật. Nước mắt cô ấy mằn mặn trên môi. Cuộc chia tay phút chốc đâm ra não nùng.
    Sài Gòn giải phóng được ít lâu, thành phố vẫn còn ngổn ngang những phân vân, những ngỡ ngàng. Ngày trước tôi đã từng qua lại nên không lạ mắt lắm. Có vài dinh cơ và nhà cao tầng mới còn thì đại để vẫn thế. Ðường xe lửa điện không còn nhưng những cột đèn cột điện từ đầu thế kỷ vẫn đứng như những bộ xương người sụn lưng lọm khọm vì bị chằng chịt cơ man từng nạm dây điện vắt qua. Còn nhận ra nhà hàng Thanh Thế xưa đầu tiên bán kem Nhật và cái tiệm cơm chay vẫn chật chội thế ở trước ga xe lửa Mỹ, cánh cửa và bàn ghế xám xịt mầu nước dưa.
    Tôi rỗi rãi, thỉnh thoảng ngồi xích lô rong phố.
    Tôi hỏi người đạp xe:
    - Quảng Ngãi vô hả?
    - Chưa biết Quảng Ngãi ở đâu. Nghe bố con kể quê Quảng Ngãi thôi.
    - Làm ăn thế nào?
    - Cũng vậy vậy. Bây giờ khó nhiều. Các ông giải phóng không đi xích lô, các ông bảo vì thương người lao động, thế thì chết mẹ con rồi.
    Tôi cười ha ha.
    Mặc nhiên, cậu xích lô đời bố quê Quảng Ngãi ấy với cái ông Bắc di cư dởm cứ chuyện với lên với xuống thoải mái râm ran cả đường. Tôi hẹn cậu ấy vài hôm lại đến Thanh Ða gọi tôi đi dạo một vài cuốc. Ðôi khi, ghé quán làm chầu bia 3 con 3 còm. Tôi rủ, nhưng cậu xích lô không dám vào. Chắc e ngại có thật ông này dân di cư hay thế nào.
    ở đường Ðồng Khánh, ở chợ Ðũi, chợ An Ðông, những tiệm nhảy, những nhà hàng đều còn đóng cửa nghe ngóng. Mấy quán bia tạm bợ lấp ló quầng ánh đèn không hắt sáng ra đến vỉa hè.
    Quán ấy ở chợ An Ðông. Trong tôi có cái chán chường, chán mà vẫn đi, đi chơi kiểu lấp sổ như thế. Bia chai con hổ, con báo hay con ba ba, lờ mờ quá, nhưng mỗi khách vào thì cứ tự nhiên, một cô em đến bên cạnh, nửa đùa nửa thật làm quen.
    - Anh cho em uống với.
    - "Con hổ" nhé.
    - Dạ.
    Cô ấy đã bưng ra chai bia và ly trà đá. Cung cách thế biết là đi làm quán bia không công, chỉ ăn vào khách. Chốc nữa, những ly trà rồi tính với chủ thành một chai, hai chai, ba chai... Cũng như cái tích kê vào "ba" ở Phnôm Pênh ấy mà.
    Ô hay, tôi lại thấy cái cô gái nhảy ở Phnôm Pênh tối năm trước bảo là có cậu em ở phố Hàng Giày. Cô đến ngồi với tôi. Tôi vẫn nhớ, mà tôi cũng đã quên rồi. Cái khuôn mặt hao hao ai ở tuổi mười tám đôi mươi dường như chỉ tưởng ra thế. Cho được ngậm ngùi thôi.
    Hơn mười năm rồi, cô ấy bây giờ ốm hom hem, mặt phấn nhưng cái cổ để mộc, ngẳng lại, nổi vằn mấy đường gân xanh. Mùi nước hoa, xà phòng thơm không át được hơi thở tanh tanh. Ðêm xưa, cái hôn nước mắt trào xuống, chứ không phải người này.
    - Anh mới vô?
    - Bên Ða Kao thôi .
    - Em cũng ở Ða Kao.
    -Người như cua bò biết sao hết.- Rồi tôi hỏi trống không.
    - Di cư à?
    Cô gái buông một tiếng nhạt thếch.
    - Không.
    Chuyện tỉ tê, lông bông lăng nhăng. Cô không nhận ra tôi. Khách làng chơi, làm sao nhớ được. Thế cũng nhẹ mình.
    Mấy năm sau, đôi ba khi lại vào Sài Gòn. Nhưng không nghĩ đến chợ An Ðông. Cũng thường chơi nhởi vậy mà ít đi ăn. Món ăn Bắc ở đây tuy được chuộng nhưng quà Bắc sai vị Bắc, đâm ngán. Thịt rựa mận phải có da có mỡ, đằng này là đĩa xương rựa mận, nước lợ như đường.
    Những ngày cuối thu miền bắc hình như cũng làm cho trời đất phương nam dịu đi. Gió hây hẩy, những đốm lá me vàng rụng lăn tăn. Mát mẻ đôi chút, hay nghĩ đến thịt chó. Chúng tôi đi quán thịt chó Huế ở Lăng Ông- có người mách quán ấy cũng như quán bà cô đầu già ở hẻm đường xe lửa gần chợ Ðũi, những nơi còn ăn được. Nhưng thịt chó Ba La, Phủ Lỗ chứ, sao lại Huế? Chậc, thì cứ đi xem nào.
    Chữ "Thịt chó Huế" sơn vào mảnh tôn treo bên gốc cây me cổ thụ, trước cái lều vách tôn, mái tôn, lá me rụng xuống đã bao nhiêu năm, dày kệp, mục đen như những mái rạ thời nào ở các làng miền bắc. Cơ chừng mà rúc vào cái hang cái hốc này chén món cẩu nhục có khi lại hay.
    Nhưng những cái trước mắt đã làm cho chúng tôi ỉu dần. Hai chiếc bàn trống hốc. Bếp núc đằng sau vách, thấy làn khói than đước lên xanh len lét. Dưới gầm tấm ván bên, có đến ba bốn nhóc lầm lụi chui ra. Không biết chúng rúc vào nghịch hay ngủ trong ấy. Toàn con gái, ba đứa, bốn đứa, đứa nào cũng tóc xoăn xù, có đứa da đen nhẻm. Chưa hết, đằng sau nhà, tiếng búa, tiếng dao lạch xạch chặt củi, đụng vào vách tôn, kêu kênh kênh. Có tiếng người đàn bà đương rít lên, rủa: "Chúng bay chết đi! Chết hết đi!".
    Biết có khách, bặt im. Một người đàn bà bước ra, tay còn cầm cái roi lò ô. Chao ôi, lại người ấy, vẫn người ấy. Ðời người ta, nhiều sự đã qua không nghĩ đến thì nó cứ trở lại như những ám ảnh không dứt ra được. Nàng đã tã lắm, lão lắm, không còn chút nào hao hao giống ai, mặt trễ xuống, má hõm lồi lõm, mớ tóc phi dê lờ phờ.
    Người đàn bà đon đả:
    - Chào các ông, mời các ông.
    - Ðã bán mở hàng chưa?
    - Vắng hả? Hôm này rằm. Chỉ có khách tri âm, tri kỷ, khách nghiền mới đến thôi.
    - à...
    - Thịt chó Huế có gì hay nào?
    - Hay lắm. Các nơi khác thì chỉ bảy món, ở đây mười bốn món ạ, thứ thiệt. Chính gốc chứ không phải giả cầy như các ông bắc leo cây đâu. Các ông ngồi, mời...
    Câu nói dài dòng tưởng không thể chắp nối kịp về con người, cuộc đời với giọng kể lể. Có thể coi như câu chuyện làm quà, để đưa đẩy, để bán hàng, để lấy cái kiếm sống, biết thế nào. Lúc thì bảo là ở Hà Nội, lúc thì di cư, lúc thì quê đẩu đâu, cái mà tôi trông thấy từ năm là gái nhảy ở sàng bè Trăng Sáng bên Nam Vang, rồi cô bia ôm chợ An Ðông, rồi bao nhiêu năm sau, lăn lóc đến quán thịt chó Huế mười bốn món này. Trước mặt đây, một lũ lĩ con gái, đứa da nhờ, đứa đen bóng, lêu đêu, tóc xoăn tít. Ðằng sau con người ấy, còn gì nữa?
    Chỉ một thoáng đã lần lượt bày biện các thức ra đủ. Thế mà khoái mắt, người xơi thịt cày thích ăn uống trật tự, quy củ món trước món sau. Lũ trẻ con lốc nhốc ấy mà được việc. Bưng bê từng món, hơn cả món chó Hà Nội bây giờ xô bồ, khách vừa gọi đã lia ra cả thực đơn, chưa có đĩa bún, đã ngốt mắt bát rựa mận, đúng rựa mận. Mỡ và bì tiết ra một thứ nước sền sệt mầu mận chín quánh như mỡ. Bát sáo bốc mùi xương hầm, không ngọt lợ nước dừa. Ðích thị tay nghề thịt chó Cầu Ðơ Hà Ðông. Chứ kiểu cách nơi khác làm thế nào được. Sáo này thế là xài tốt, vậy cũng chưa vắng người thiện nghệ, người sành. Cái ngày rằm chén thịt nặng thì xúi quẩy, thế mà vẫn có khách tới ngồi bàn bên. Hai ba con chó dự trữ lục đục gặm xương dưới gầm nhà, gầm phản. Lũ trẻ con - mấy đứa bé nhất đã ngồi lên ván từ lúc nào, trố mắt hau háu nhìn sang khách như thèm ăn, như xem vô tuyến, còn hai nhóc đứng trực cửa bếp, chuyển món vào. Lúc đã bưng đến bát sáo và đĩa bún, thế là xong, mấy mẹ con cùng bước ra.
    Tôi bảo:
    - Ngồi uống vui với bọn này. Chẳng mấy khi...
    Chị ngồi vào ngay. Tôi hỏi:
    - Uống tối chứ?
    Vẫn nhớ đêm ở sàn nhảy trên sông Mê Công cô đã uống chung với tôi ly "uých ky xếch". Cái hôn nóng nhày nhụa. Tôi cảm tưởng môi cô ấy thế. Nhưng mà môi nào chứ không thể cái môi trễ của mụ gà rù rúm ró này. Sàn nhảy bóng nhoáng khác cái cũi chó, cho nên nhớ mà như không, tội thế.
    Tôi nói :
    - Thịt chó này được.
    - Ba tôi truyền nghề đó.
    - Rựa mận kiểu bắc.
    - ông làm như quê ông cái gì cũng nhất. Còn khuya!
    Hai con mắt mu bào húp híp chằm chằm nhìn tôi.
    Cái tối hôm ở Singapore về, "pôxét" cài "mùi xoa" trắng mốt mới, nhớ không? So với bây giờ thì người ấy đã tã đã gà rù lắm, gà rù lắm rồi, không nhất nữa đâu, đừng có vênh. Tôi lặng người như nghe ai chửi rủa ở đâu. Làm vẻ quên đi, quên rồi, nhưng mà cái câu rỉa rói "gà toi, gà rù, gà tã" mà tôi vừa thầm nghĩ về nó, bây giờ nó quăng độp cả vào mặt tôi, tím mặt tôi. Không còn "như con **** lượn vành mà chơi" đâu nhé, tôi ơi là tôi ơi. ấy con người có thói thường ít tự biết.
    Một chiếc xích lô lọc cọc nhô vào đỗ dưới gốc me ngoài cửa. Thình lình thằng bé xích lô quê Quảng Ngãi nhô vào. Nó nhìn tôi, nó reo lên:
    - Chào bác, bác đến...
    Một ông bạn cầm chén, hướng vào tôi:
    - Nhận con, mày nhận con mày đi. Cái thằng này bạc như vôi. Ngủ với người ta rồi quên. Hề, hề, hề... Mày đã nghe hết ****** xỉ vả ba mày về cái tội lòng thòng. Ðích đáng, đích đáng. Mời các ông, mời bà, mày nữa, một chén tái hồi Kim Trọng nào.
    Thằng bé xích lô ngẩn mặt nghe giọng ông say lè nhè. Tôi thấy nước mắt người đàn bà lã chã. Bỗng nghe văng vẳng cái câu năm xưa: "Ðời em gian truân lắm" như vừa nói vừa khóc. Tôi tưởng là quả thật tôi đã có ăn nằm với người ta. Chén rượu Hóc Môn hẳn hoi mà sao vị nó cài cài không đậm như mọi khi.
    10-1995
  4. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Hoa bìm biển ​
    Ông Thái sắp vào Sài Gòn. Những năm mới nghỉ hưu, ông Thái cũng hay đi. Khi Hải Phòng, khi Nam Định. Hồi ấy các quốc doanh, các loại hợp tác xã mở tới tấp người ta cần đến nghề kế toán, tài vụ của ông. Tay nghề đã ngồi xó của ông Thái đâm ra còn dùng được. Lắm nơi sổ sách chồng chất, vài ba tháng lại tìm nhờ ông. Nào quyết toán, nào dự chi, những con số ma.
    Ông Thái cũng chưa được vào Nam lần nào, từ khi thống nhất. Ông Thái chưa trông tận mắt cái máy bay bao giờ.
    Nhưng làm như đã quen, rất thường. Ông Thái nói: ''Trong Nam người ta thoáng lắm. Máy bay hay tàu hỏa thì ăn nhằm vào đâu!''.
    Ông Thái nói hách thế, nhưng cũng không gợi ai tò mò. Ông Thái nói, ông Thái đi đâu cũng chẳng khác ông ngồi ở cái cửa sổ tầng bốn, cả ngày đăm đăm ngóng ra.
    Ông Thái đi Sài Gòn. Viết thế này, còn có thể đọc được, nhưng ngồi nghe ông kể, chắc chẳng ai tin. Một hôm, ông Thái nhận ra ngay thư của người con gái bốn mươi lăm năm trước, tên là Vân.
    ''Kính gởi ông Thới... Tôi có một người bạn thân kể là ngày xưa quen ông. Bạn tôi có ý tìm ông từ khi mới giải phóng, có nhiều người kháng chiến về Sài Gòn. Nhưng không biết hỏi ai. Rồi cũng lại ngại, bởi vì đã bao nhiêu nước chảy qua cầu, cây đa bến cũ chẳng còn như xưa. éã quên đi, nhưng rồi lại mong. Vậy cận trạng ông ra sao, gia đình khang an thế nào...''.
    Chữ ký loằng ngoằng cuối thư. Đàn bà là chúa hay vô ý. Ngày ấy, chỉ Vân gọi mình là Thới. ''Muốn lấy vợ Nam Kỳ phải kêu là Thới. Thái, Thái nghe kỳ muốn chết''. Thì còn ''người bạn thân'' nào nữa. Hay là sợ quên nhau, nhắc khéo. Ôi chao!
    Ông Thái trả lời, đề thẳng kính gửi bà Huỳnh Thị Vân. Rồi nhận được một thư dài, giấy xanh, khổ giấy như trước kia. Trong thư, Vân nói mừng lắm, mừng anh vẫn nhớ chữ em. Ông Thái buồn cười vì cô ấy vờ như đánh tam cúc lại để hở bài cho người ta xem.
    Rồi thư từ qua lại, hai người kể hoàn cảnh của nhau. Bà Vân lấy chồng người Ấn Độ, có cửa hiệu tơ lụa. Sau khi Tây thua ở éiện Biên Phủ, vợ chồng rời Sài Gòn, nhưng không về Bombay, mà sang Mỹ. Bốn đứa con đều có chồng, có vợ, ở riêng cả. Chồng bà mất đã lâu.
    Bà Vân gửi ảnh cho ông Thái và bảo ông cho bà một cái mới chụp. Ông Thái đã không thể nhận ra bà nếu không có dòng chữ đề tặng. Trong hình, một bà già tóc cúp ngắn chấm tai - mốt của các bà đứng tuổi ở châu Âu bây giờ. ờ, mình bảy mươi ba thì Vân bảy mươi mốt rồi. ''Em phải uống thuốc tiêu mỡ. Tụt cân nhiều đấy. Nay còn 92''. Cái cô Vân học trò trường bà sơ Bồ Câu Trắng ở Sài Gòn, ngày xưa mảnh mai như liễu, tớ nhấc bổng lên được cơ mà.
    Cụ Thái lặng lẽ đốt cái ảnh. Cụ cũng không gửi ảnh của cụ. Không phải vì cụ bà hay con cháu tọc mạch. Mà cái ảnh bà Vân kia lạnh ngắt, chẳng một nét nào bận đến cụ.
    Một ngày kia, ông Thái nhận được một lá thư rất hay của bà Vân. Thế nào mà cái ông lão hàng ngày ngồi rù rù, người trong nhà đã quen mắt, như nhìn chỗ để xe đạp, cái ghế, cái tủ thuốc. Nhưng ông lão tự thấy khác. Ông thấy ông vẫn sống, mà sống có lửa, ngọn lửa tình đương bốc trong ông. Thư bà Vân hẹn ông tháng ấy ngày ấy ông vào Sài Gòn gặp bà. Cái hẹn còn xa, nhưng đích xác là ngày tháng thế.
    Và tấm ngân phiếu bà Vân gửi cũng khiến ông nghĩ. Số tiền đủ mua một vé máy bay khứ hồi. Bà ấy gửi vừa khẳm. Thế này là thế nào? Thế nào nữa, bà ấy tặng mình tiền tàu xe. Ta là cán bộ, theo kháng chiến cả đời đến tóc rụng, răng rụng rồi, chứ mình đâu phải người nhà người ta ngồi hóng của.
    Đánh giá nhau hay lắm, phải lắm. Nhưng ông Thái cũng không nghĩ thế được lâu. Giá bà ấy cứ gửi nhiều nhiều một chút cũng hay... Không được, thế là coi nhau chẳng ra gì. Bà ấy trọng mình, phải trọng mình chứ.
    Chuyện ông đi kháng chiến kể ra cũng vừa bình thường, lại cũng khúc khuỷu như mối tình này. Nếu ngày ấy quân Nhật không chiếm Đông Dương, tàu hỏa vẫn thông thương bắc nam, có khi ông đã lấy bà ấy rồi cũng nên. Nói ''có khi'', bởi hai người chỉ là trai gái lứa tuổi không dưng gặp nhau. Vân ở Sa Đéc, nhà gửi lên Sài Gòn học. Thái làm công nhật cho một hiệu thuốc hoa liễu với các thứ cao đan hoàn tán ở Hà Nội chuyên đi quảng cáo và tính sổ cho đại lý các tỉnh.
    Khi bắt đầu kháng chiến, ông Thái đương làm kế toán cho một hãng bảo hiểm nhân thọ ở Hải Phòng. Ông có việc lên Hà Nội. Đêm ấy nổ súng. Thế là nghẽn lại. Vợ ông và đứa con trai bị kẹt dưới Hải Phòng. Ông theo người ta tản cư ra vùng tự do, rồi vào làm cơ quan, vẫn nghề kế toán. éến tuổi, ông về hưu. Thằng con đỗ kỹ sư đã đi làm. Nó hay nói đùa láo lếu như nhiều người bây giờ: ''Giá ngày ấy bố bị Tây bắt đi tù ít lâu, có phải đã làm quan to, lương hưu khá hơn không''. Ông không thèm nói lại. Bây giờ và trước kia khác nhau lắm. Khác nhau cả cách nhìn cái ghế. Mà ông thì già rồi. Cháu ông mua về bốn chiếc ghế đẩu. Ông nhận ngay ra là gỗ nhội, đồ dởm. Dạo cơ quan tránh máy bay Mỹ sơ tán về Bùng, ông thấy người làng đi vác về những cây nhội mới hạ ở đường Sơn Tây mở rộng, đem ném xuống ao ngâm. Vài hôm, vớt lên cưa từng khoanh rồi đẽo thành thớt, đánh bóng đỏ sẫm. Mấy ngày áp tết quảy ra bán ngoài phố - tết nhất, nhiều nhà sắm cái thớt mới. Vô ý vớ phải cái thớt gỗ tươi ấy chỉ thái mạnh vài nhát dao, đã toác. Trông cái gỗ bủng nước, biết ngay. Nhưng thằng cháu ông cười như reo lên: ''Không cần gỗ lim, gỗ lát. Chỉ cần kiểu mô đéc, giường Đức, ghế Nhật, hỏng thì mua cái khác, mốt khác. Thời buổi gấp gáp, ông ạ''.
    Có lẽ chúng nó phải. Người cao tuổi như mình, bàn chân cũng khô đét, giày dép thôi cả long đinh, há mõm. áo sơ mi, bao nhiêu năm nay chẳng phải may sắm. Không biết ngoài cửa sổ, các ve cổ áo sơ mi đã to huếch hoác, lại cụp lại, lại hủn hoẳn, nhỏ tý...
    Ông Thái đi Sài Gòn, quần áo và đôi dép râu cũng vậy như mọi khi. Ông không định khác. Không thiếu thốn, mà quen xuềnh xoàng rồi. Nhưng có lẽ nên đi lắp mấy cái răng giả. Răng hàm chẳng còn cái nào. Nhưng cười huếch mép cũng không hở. Chỉ rầy rà mấy lỗ hỏng răng cửa hàm trên. Soi gương, thấy phiền thật. Nhưng rồi ông lại ngại.
    Những cái răng đã gãy từ đời nảo, đời nào. Bà ấy cho là ông phát rồ hay sao, tự dưng lại đi làm răng giả.
    Ông Thái không lo bà ấy sinh nghi. Nhưng ông tưởng tượng ra một sự kỳ quặc, có thể xảy ra lắm. Thế nào thì ông Thái cũng phải hôn bà Vân. Chao ôi, những cái hôn triền miên đầm đìa đêm xưa bên sông Sài Gòn. Bây giờ mà thế a, nhỡ những cái răng giả rời ra, rơi vào họng ai. Chẳng lẽ lại bảo hãy khoan để tháo răng ra đã, rồi hãy...
    Thôi thôi, đã mộc mạc thì thế nào cứ thế. Cái hẹn tháng bảy dần dà tới... Ông Thái cứ lúc bồng bột, lúc lại thây kệ. Nghĩ toàn chuyện cản trở. Ngót hai tháng thư mới tới nơi, thì tin thế nào được ngày hẹn quá xa. Nhưng sự thật như cái đinh tai ác cứ nhô lên dần. Sắp tới rồi. Ông lại nghĩ ầm ừa: Hôm ấy mình cứ bay vào à? Không có bà ấy ra đón thì sao. Ông cũng có người quen, nhưng thình lình dò đến nhà người ta, không tiện...
    Rồi ông Thái nhận được một bức điện.
    Rồi cháu gái đón ông ở sân bay Tân Sơn Nhất. Bây giờ cháu đương đưa ông về nhà. Không đến khách sạn, nhà trọ. Cũng đỡ rắc rối.
    Căn nhà nhỏ trong một hẻm sâu hun hút. Những hình ảnh lảng vảng, ông Thái như lững lờ trôi trong đám mây.
    Năm xưa, ông Thái gặp bà Vân ở Sa Đéc. Thầy ký công nhật đi tính sổ đại lý. Thị xã nhỏ bé, Thái dạo qua một cửa hiệu vàng bạc. Thấy trong hàng có một cô gái ngồi bên máy khâu. ở Nam Kỳ hồi ấy, mỗi nhà sắm cái máy khâu Sanhde cũng là một lối chơi. Cô gái xinh quá, đúng dáng những người đẹp mẫu của Thái. Tuổi trẻ đâu cũng xông, thế là Thái bước vào. Cô gái vào nhà trong một thoáng rồi ra ngay. Người con trai đã kịp nhận thấy cô mới thay tấm quần lụa trắng muốt. Anh chàng gà trống tơ nghĩ vơ vào rằng thế là ăn tiền rồi.
    *
    Ông Thái nhìn qua cửa sổ mở. Bà Vân hệt tấm ảnh bán thân nhận được năm trước. Có điều khác, đây là người thật, một bà lão khỏe mạnh, to đùng. Hình như bà Vân đang dở tay làm gì, nhắc cái phích hay bày ấm chén. Bà chưa vội ra mở cửa. Nhận xét đầu tiên ấy khiến ông Thái buồn buồn. Chỉ đến lúc thoáng thấy bóng mình lù rù chiếc mũ cối như cái mu rùa trên đầu, hôm đi ông mượn của thằng cháu, ông mới nguôi ngoai và lại hơi ngượng.
    Bà Vân nhìn ông, chào ông một câu đột ngột:
    - Anh ốm quá!
    Ông Thái đã sắp sẵn một câu đùa tình tứ. ''Em trẻ, em trẻ lắm''. Nhưng bị một câu phủ đầu mất vui, lại nhớ cái răng cửa hổng, ông Thái chỉ mỉm cười.
    Chẳng mấy lúc, cũng may, ông Thái đã cảm thấy như ở nhà nhà mình thương yêu êm ấm, không phải căn hộ tẻ nhạt ở ngoài kia bây giờ. Bà Vân và cháu gái lên xuống dọn mâm bát. Nhớ lần về chơi nhà Vân dưới Sa Đéc. Cả nhà vờn vỡ, phong tục Nam Kỳ sao mà đáng yêu. Ông Thái đương trở lại cái gia đình tưởng tượng, hai người yên vui về già.
    Bức tranh vẽ rồi lại xóa, lại vẽ, lúc hồng rực, lúc đen nhẻm. Ông Năm lấy trong tủ ra chai rượu ngâm thuốc. Ông Thái cười. Đã quen, không còn ngại hàm răng trống.
    - Rượu thuốc à?
    - Sâm em mua ở Băng Cốc về biếu anh Năm ngâm.
    - Có bia hơi...
    Bà Vân nhăn mũi:
    - Bia hại thận, nghe. Rượu thuốc...
    Ông Thái im, chợt lại thiu thỉu như mọi khi ở nhà.
    Nhưng ông Thái với bà Vân cũng có phút giây mơ màng.
    Bà Vân bảo: - Chúng ta đi vườn Bờ Rô.
    Nhớ lúc nãy ngoài đường, xe máy liên hồi tạt qua mặt, ông ngại:
    - Làm gì?
    - Ôi anh quên trọi rồi sao! Cái năm hội chợ Sài Gòn, đêm hôm đó chơi vườn Bờ Rô.
    Ông Thái lúng túng vì câu trách yêu. Ông Năm ở buồng trong góp chuyện ra.
    - Bộ cô Ba tưởng vẫn cái vườn Bờ Rô năm cô Ba ở Sài Gòn à? Không đâu. Bây giờ vườn Bờ Rô, vườn Chuối loạn dữ, nhất là ban đêm. Không đi dạo được đâu.
    Ông Năm gỡ cho ông Thái một cuộc đi chơi không hào hứng. Nhưng câu chuyện bên bàn nước vẫn lai rai. Tiếng mưa xầm xập xuống mái tôn nhà nào xung quanh, chẳng biết là đương ở đâu. Trời cũng giúp làm nhạt cái kỷ niệm vườn Bờ Rô rồi.
    - Ngày mai đi Vũng Tàu.
    - Vũng Tàu à?
    - Trước em định nghỉ Long Hải. Nghe nói bên ấy yên tĩnh. Nhưng anh Năm nói Long Hải vắng lắm. ở Vũng Tàu hơn. Anh Năm với các cháu cũng đi.
    - Cả nhà cùng đi cho vui.
    Bà Vân cười:
    - Không, anh Năm không đi chơi. Anh biểu anh Thới là cán bộ cách mạng, phải bảo vệ ảnh, không được lơ là cảnh giác. Ông nói như đọc báo vậy.
    - Bảo vệ tôi à?
    - Anh Năm biểu thế.
    Ông Thái vừa buồn cười, vừa nhớ ra. Nhưng lại thú vị. Ông đã trông thấy ở Hà Nội những cán bộ có người bảo vệ. Ông cán bộ đi bách bộ cũng có người đeo súng ngắn sau lưng áo, đi cạnh. Ông cán bộ may ô quần đùi mặt đỏ lựng chạy tập thể dục buổi sáng bên bờ hồ, có hai thanh niên áo đại cán trịnh trọng, vẫn súng giắt lưng, lõng thõng chạy hai bên. Ông Thái như con kiến, ông muốn bò đi đâu thì đi. Bây giờ nghe có người nói đi bảo vệ ông. Cũng sướng.
    Bà Vân nhìn ông Thái, nheo mắt, tinh nghịch:
    - Nhưng mà anh Năm không đi nữa!
    Ông Thái cũng rỡn:
    - Không phải bảo vệ à?
    - Em bảo anh Năm là ra Vũng Tàu ở khách sạn, ở boong-ga-lô mới lo bảo vệ, chứ ở chùa thì thôi, cửa Phật mà. Anh Năm thấy thế ưng được.
    Rồi bà Vân lại cười:
    - Có vậy mới được đi đôi!
    Không biết bà Vân mừng thật hay chỉ là nói đùa. éột nhiên, bà Vân nói:
    - Anh có còn nhớ chị Hậu không?
    - Chị Hậu...
    - Có lần anh vô Sài Gòn, em ra ga xe lửa Mỹ đón, có chị Hậu...
  5. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Thật ông Thái đã nhớ ra. Không những thế, ông Thái còn đương bấn trong đầu khi nghe đến tên người đàn bà ấy. Những liều lĩnh của tuổi trẻ thì vô vàn, nhưng đã nguội lạnh, xếp xó trong ký ức từ nửa thế kỷ rồi.
    Vân trọ học nhà Hậu. Hậu hơn tuổi Vân, ở nhà giúp tiệm may của mẹ. Hậu theo Vân ra ga để ''ngó mặt thằng Hai''. Hậu chưa biết Thái. Nhưng Thái thoạt trông thấy Hậu đã cảm giác gờn gợn kỳ lạ. éôi mắt bồ câu lóng lánh đằm như làn nước muốn hút người ta trầm mình vào. Cô Hậu nhìn Thái. Thái đoán được đôi mắt ấy nói gì.
    Đêm ấy, Thái nghỉ lại nhà Hậu. Mai, Vân và Thái về Sa ééc sớm. Thái nằm ngoài phòng khách. Vân và Hậu ngủ buồng cạnh đấy, cái giường to kề bên cửa sổ. Nửa đêm, chợt tỉnh, trời vẫn xầm xập mưa như đêm nay thế này.
    Thái tha thiết nhớ hai con mắt Hậu. Thái lần ra, thò tay vào màn, mà Thái đã để ý, biết Hậu nằm cạnh cửa màn. Tay Thái vừa đụng vào cánh tay Hậu, thì một bàn tay ai nắm lấy, vuốt từ từ lên mặt Thái. Cái hôn dài vùi vào nhau, tưởng như hai làn môi không bao giờ rời ra được nữa.
    Sáng hôm sau, đôi mắt Hậu khác hẳn, lay láy long lanh quang đãng như trời mưa tạnh. Rồi Thái và Vân về Sa ééc. Đến hôm lên đường ra Hà Nội không tạt được vào nhà Hậu. Người trai đào hoa không quên, nhưng cũng chẳng nhớ hơn nữa. Từ đấy, không khi nào còn gặp lại.
    Ông Thái hỏi:
    - Thế chị Hậu rồi sau ra sao? Giờ ở đâu?
    - Cũng chẳng lấy ai!
    Người đàn ông đam mê ngày trước chợt bồi hồi vu vơ. Bây giờ lòng yêu thành nỗi bùi ngùi cho ai có lẽ vẫn chờ mình từ sau đêm ấy, mà mình thì đương nhắm nhía cái đau của người ta.
    - Rồi thế nào....
    - Chị ấy đi tu.
    - Cái năm em sang Mỹ, em có xuống chùa chào chị. Em vẫn được thư từ. Chị ở Vũng Tàu.
    Ông Thái nhắc lại như trẻ con học nói:
    - ở Vũng Tàu.
    Bà Vân nói:
    - Em được thư thấy nói thầy đau, có khi về người Phật mất. Ta xuống thăm thầy nhân thể.
    Ông Thái lễ phép rụt rè:
    - Vâng.
    - Bây giờ gặp thầy, anh cũng không nhận ra được đâu. Mà thầy quy y đổi tên nhà Phật rồi.
    Bãi Dứa ở Vũng Tàu, một bên gồ ghề sườn núi, một bên bờ đá. Chỉ có một bãi tắm nhỏ ở chân dốc sang bãi Sau bên kia. Nhưng lọt giữa những tảng đá lởm chởm, đôi chỗ hủm xuống một vùng cát choen hoẻn phẳng lỳ như manh chiếu cói trắng.
    Dọc triền núi, ẩn hiện những ngôi chùa nhỏ, công đức của các nhà giàu trên Sài Gòn. Đã thành phong tục đem ảnh và bài vị người đã khuất lên chùa, tương tự ngày trước nhà có của cúng ruộng hậu.
    Ông Thái và bà Vân xuống ô-tô ngoài bến rồi đi xích lô về bãi Dứa. Từ lúc gần đến Vũng Tàu, ông Thái đã lẩn thẩn sợ thế nào ấy. Sợ cả cái dáng bà Vân đi phăm phăm, tiêu tiền như vứt đi, tiền xe, tiền ăn sáng, tiền cho ăn mày. Được cái trông bà Vân không khác mấy bà luống tuổi. Khăn vuông lụa trắng, áo xuyến đen, quần lĩnh đen giản dị. Chẳng ai có thể đoán được bà ấy đã xa đất nước mấy chục năm qua. Ông Thái ngồi sau bà, lưng tựa đệm xe. Như con cá nằm trong cái kẹp thế lực.
    Hai người lên bậc gạch một ngôi chùa, đi dưới đường chỉ thấy thấp thoáng mấy cành đại khẳng khiu nhô ra. Bà Vân vào thẳng nhà hậu. Ông Thái còn quáng mắt trong căn nhà tối ẩm, bà Vân đã tới trước bộ ván, ngồi sụp xuống đất, chắp hai tay:
    - Bạch thầy, còn là Vân, con mới ở Mỹ về.
    Trên phản, một người nằm, hai chân nề nặng trắng bệch. Có tiếng khe khẽ:
    - à... Vân...
    Một cô tiểu ngoài hiên bước vào. Cô tiểu đỡ người ốm ngồi lên. Bà thở khó nhọc, như con mèo gù, bà tựa lưng vào tường và vai cô tiểu đỡ... Ông Thái đã nhìn rõ. Không thể là cô Hậu năm nao. Cái đầu bà lão bủng vàng như nghệ, phù to ra.
    Một cô tiểu bưng nước mời khách, đặt trên án thư bên cạnh. Bà Vân nói:
    - Bạch thầy, thầy có nhớ ai đây không.
    Nhà sư ngước cặp mắt trắng lờ đờ:
    - Ông Thái ngày xưa đó.
    Bóng mờ khuôn mặt xị không động đậy.
    Các chùa ven bãi Dứa đều có nhà khách, vào mùa nắng, cho cả người chơi biển trọ. Ăn chay theo bếp nhà chùa. Hình như cũng vắng vẻ.
    Bà Vân và ông Thái nghỉ ngoài nhà tổ. Gian giữa, một tượng Quan Âm. Mùi hương phảng phất, nằm trông lên thấy cái bệ tòa sen thếp vàng ánh. Bên một kệ đặt những khung ảnh người đã mất được đem gởi hậu. Ông Thái mắc cái màn nâu dưới chân kệ ảnh. Bà Vân nằm trên phản đầu gian bên. Như vợ chồng già vãn cảnh chùa, đường xa nghỉ lại.
    Ngày ngày bà Vân ra bãi tắm. Bà Vân nói: ''Em khỏe được là nhờ biển. Nhà em bên kia ở ngay cạnh nước. Hằng ngày cả thành phố tắm biển''. Bà Vân rủ ông Thái tắm. Nhưng ông Thái lắc đầu. Bà Vân cũng không ép thêm. Bà Vân lội xuống nước. Ông Thái đội mũ cối, quần áo bộ đội xanh nhợt, ngồi cái quán cóc cạnh gốc dừa trên bờ. Ông ngồi trông quần áo cho bà Vân. Đôi lúc cao hứng, ông lội cả đôi dép râu đi dọc mép nước. Khi về, bà Vân vào chỗ dội nước ngọt thay quần áo, ông Thái cầm cái túi đứng ngoài.
    Bà Vân đã ra bãi. Ông Thái ở vườn chùa vào nhà hậu. Ôi, năm mươi năm trước xa vời vợi, ở phía nửa trái đất bên kia. Ông Thái vẫn không thể nào tưởng cái cô Hậu ấy là bà sư liệt giường này. Không, không, ngày xưa đã qua rồi. Nghĩ thương thương, ông Thái bước vào.
    Cô tiểu đến nâng sư thầy. Nhưng bà không giơ tay. Bà vẫn nằm nguyên đấy. Ông Thái lặng lẽ ngồi xuống ven giường. Ông Thái nghe tiếng thều thào như vẳng đâu tới:
    - Ông già quá rồi.
    Ông Thái đã muốn nói mấy câu gì đó. Nhưng ông không nói được nữa, ông ngồi yên.
    Nhà sư từ từ quay mặt vào tường.
    Ông Thái lững thững ra bãi. Ông Thái ngồi cái quán bà Vân gửi quần áo. Sóng biển lăn tăn, bà Vân đứng ở chỗ nước ngập ngang vai. Trông thấy ông Thái, bà Vân giơ tay vẫy vẫy.
    Ông Thái vẫn chưa dứt cái đau, cái ngán ngẩm vừa rồi: ''Ông già quá rồi'', ông cũng sắp tịch rồi, câu nói thổi bay mất hào hứng và lòng thương người của ông. Ông Thái nhìn bà Vân vùng vẫy thảnh thơi dưới nước. Ông thở dài, bỗng cáu kỉnh: ''Hay là cái đêm ấy nó biết. Nó thù đến tận bây giờ nên mới đầy ải mình ra đây''. Ông Thái nhấp một ngụm rượu rồi lại nhẹ nhàng nghĩ có thể không phải thế.
    Bà Vân đã lên. Bộ quần áo tắm vằn xanh, cánh tay và bộ đùi hộ pháp phục phịch đã bơi bắt nắng. Ông Thái thờ ơ nhìn. Bà Vân giơ ngón tay. Nách bà trắng bạch. Mọi hôm vẫn thấy mà không để ý. Ông lẩn thẩn đoán không biết bà ấy nhổ hay tự nhiên thế.
    Bà Vân giơ tay nẹt đùa:
    - Cấm uống bia nghe.
    Ông Thái mỉm cười giơ ly rượu.
    - Rượu thuốc. Rượu thuốc vẫn uống nhắm với ô mai ở bùng binh chợ Bến Thành, từ ngày xưa đấy.
    Vào dội nước ngọt, thay quần áo ra, hai người lững thững về. Bà Vân tự nhiên nói:
    - Chúng mình có duyên, nhưng không có nợ.
    Có lẽ câu ông Thái vừa nói đã khiến bà Vân nghĩ ngợi. Ông Thái bâng khuâng, mủi lòng.
    Hôm rời Vũng Tàu, ông Thái nhổ ngoài bãi cát một cái dây cây dại, không có tên. Lá dày tựa lá thài lài, hoa mầu xanh nhợt nhạt, man dại như hoa bìm bìm. Ông cắm vào cái vỏ bia 33, đem về.
    Mấy hôm sau, ông Thái lại đã ở nhà. Ông lại ngồi ở cái góc buồng tầng bốn trông ra cái cửa sổ mới được trang trí thêm hộp bia trồng dây hoa bìm biển.
    Những nhánh ba lá vào mùa thu đã ngả mầu vàng gắt. Không ai biết được cuộc phiêu lưu kỳ lạ ông Thái vừa trải. Ông im lặng như chiếc phất trần dựng xó tường. Cái phất trần thỉnh thoảng bà ấy còn lấy ra phảy bụi, ông thì chẳng ai đụng đến. Ông lặng lẽ. Ngồi xuống, không có rượu gặm nhấm lại kỷ niệm. Thói quen nghề nghiệp kế toán ông Thái tính một tuần lễ vừa qua mỗi người chỉ nói được ba câu đùa vui. Cứ vậy mà dự phòng, dự chi, thế mà còn hơn. Nếu nợ nhau thì có lẽ chỉ còn cáu gắt và im lặng như bây giờ.
    Hai cái răng cửa đã rụng nốt. Hàm trên nhẵn thín, môi cúp xát vào lợi. Móm hẳn. Đã lâu lắm không nhận được thư của Vân. Ngộ như năm nao Vân lại về có gọi Thới vào, Thới cũng không đi nữa. Ông Thái quả quyết thế. Nhưng rồi cả năm cũng không được tin tức. Có lẽ ở bên ấy bà Vân cũng đương nghĩ như ông Thái. Một hôm, con mèo nhà ai nhảy cửa sổ, làm rơi ụp cái vỏ bia trồng dây hoa bìm biển. Ông Thái cũng chẳng buồn xuống nhặt lên./.
  6. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Dung và Quyền ​
    Phố Hàng Ngang, Hàng Buồm cũng chẳng khác xưa bao nhiêụ Mặt đường, đôi chỗ vẫn cái nắp gang đậy cống ngầm còn đề tên sở thời Pháp. Không kể mấy bảng điện nhấp nháy, cái nhà tầng nông lòng đột ngột chon von lên như những đồ chơi của trẻ con. Chỉ có một cái khác. Xe đạp, xe máy liên liến khin khít đan nối nhaụ Ngày xưa thì lòng đường, vỉa hè toàn những chân người đi, chân người ngược xuôi như ***g vào nhaụ
    Họa sĩ Ngô Thúc Dung vẽ cho báo Hà Nội Tân văn in ở phố Hàng Buồm. Anh Vũ Ngọc Phan bảo tôi: ''Anh Dung tốt nghiệp số 1 Đại học Mỹ thuật Đông Dương, anh Nguyễn Đỗ Cung giới thiệu làm cho báo ta đấy''. Anh Phan muốn gợi sự chú ý và kính trọng của tôị Thì ra đỗ nhất lại bạn của những Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, những mét đỉnh rồị Nguyễn Đỗ Cung đương chùm cubít lập thể vẽ cái chân người như bắp chuối và người đi hai vai ngang như cua bò, tôi phục lắm, dẫu chẳng hiểu gì cả. Ngô Thức Dung minh họa báo, vẽ tay người to hơn đầu ngườị ồ, trường phái ông Cung mà. Nhưng rồi tôi thấy Dung vẽ cái mu bàn tay nào cũng tròn như quả bưởi, lại để ý Dung không vẽ cho báo nào khác ngoài báo của anh Phan. Về sau quen Dung nhiều hơn, tôi nghĩ: thằng này không biết vẽ, chẳng ai thuệ
    Thì tôi thấy Dung cũng hết oai, Dung chỉ vừa vừa như tôi thôị Vì, giỏi hay dốt cũng là may rủi thế nào đấỵ Như ông Thịnh del chỉ có mỗi báo Tiểu thuyết Thứ Bảy mượn ông vẽ cái mặt nào cũng tréo giống nhau, thế mà ông đỗ đầu Mỹ thuật Đông Dương, ông làm thông phán sở Canh Nông cả ngày cả tháng ngồi truyền thần phóng to con tằm, con nhộng, con ****, cái kén. Ông Thịnh del chẳng có bức tranh nào, giới vẽ có lẽ chẳng hề biết ông là ai, mà ông có cần gì đâụ
    Dung bảo tôi:
    - Bát phố một lúc, được không?
    Tôi chẳng có việc gì, để chối là không được. Chúng tôi ở nhà in đi ra và tôi hiểu bát phố là chẳng đi đâu cả, chỉ lê gót hết phố nọ sang phố kia, nhìn nghênh nhìn ngáo rồi nhìn xuống đường thấy chân người chen nhau đi qua đi lạị Người đi xem phố, người đi kiếm ăn, nhiều người quá, chỉ thấy chân, toàn người đi chân đất. Đôi khi, người đàn bà trong làng ra kẻ chợ, có đột dép Kẻ Noi quai ngang và nếu là dân thầy thì có đôi giày vải như chúng tôị Những người chân đất đi ngoài phố nhiều, nhớ mãi đến tận bây giờ.
    Tôi hỏi Dung:
    - Chiều rồị Phải làm cái gì cho no bụng chứ?
    - Túi tớ cạn cả có thế mới phải đi phố ăn tiệc nhìn.
    - Nhịn ả
    - Hôm nào có tiền thì lại ăn, ăn bù.
    - Thôi được, đi với tớ.
    Tôi cũng chẳng đủ tiền mua hai bát cơm úp. Tôi nói mạnh bạo vì tôi nghĩ đến Quyền. Có thể Quyền có. Chúng tôi rẽ về phố Hàng Trống. Sang phố này đã thưa những bàn chân đị Mấy nhà bán đồ thêu ren sách cũ. Tắt qua cửa đền vào một góc phố có một gian hàng chỉ bằng sải chân. Những cái chụp đèn bày la liệt như nón úp. ở trong nhà, một thanh niên vạm vỡ sơ mi trắng cộc tay đương soi gương nắn cái múi cà vạt đen.
    - Giới thiệụ..
    Quyền nói to:
    - Họa sĩ Dung, quen rồị Đã vẽ chụp đèn cho nhà nàỵ
    - à...
    Họ biết nhau, tôi nhẹ hẳn người, nói luôn:
    - Đương định đi ăn mà chưa trữ được đủ tiền.
    - Có đây, có đâỵ
    Quyền chạy sang cửa hàng bên cạnh xem nhờ đồng hồ.
    - Năm rưỡi, đóng cửa được rồị
    Chúng tôi giúp Quyền vác những tấm cánh cửa lắp đóng lên kín gian hàng. Tôi hỏi khẽ Dung:
    - Đã cộng tác với Quyền à?
    - Có một lần, đã lâụ Thằng cha nhớ dai gớm.
    - Cái kiốt đằng Hàng Da của cậu mà treo bán những cái chụp đèn này cũng nên lắm.
    - Có thể, có thể. Đằng ấy bảo nó cho mượn mấy cái bày thử.
    Đã lắp cửa xong, chúng tôi ra chỗ đầu Hàng Giò, xuống dốc Hàng Kèn, tạt sang ngả hồ Thiền cuông.
    Chỗ ấy có mấy hàng cơm, sau lưng trông xuống bãi cỏ laụ Đằng kia là Vân Hồ, nhưng quãng nay lầy lội, phải vòng lên Thể Giao mới có lối xuống. Thành phố chưa bắt điện đến vùng đấỵ Trong búi cỏ lau đen lù lù, ánh đèn ba dây, đèn hoa kỳ lốm đốm to nhỏ như những con đom đóm. Mấy quán cơm đầu ghế đón người đi làm bên ga Hàng Cỏ về các đầu Ô Thanh Nhàn, Ô Trung Hiền, đôi khi có những xe chở gỗ dưới Phà Đen lên. ấy vậy mà hàng quán đỏ đèn suốt sáng. Bởi vì những con bạc rúc ráy trong bụi lau lần ra ăn đêm.
    Chúng tôi cũng đã nhẵn mặt ở đâỵ
    Thấp thoáng một cái đầu chó treo dưới mái tranh.
    Tôi hỏi Quyền:
    - Vào làm mấy chén mừng gặp nhau, được không?
    Quyền nói:
    - Không. Tớ là sì cút (*). Và tớ thương loài vật, con chó thân thiết với người nhất, tớ không ăn thịt chó.
    - Thế thì ăn gì?
    - Cơm, đậu rán, canh cà chua, như mọi khị Được không?
    Hai thằng không có tiền, thế nào mà chẳng được. Nhoáng một cái xong bữa chẳng có gì để kề cà, chúng tôi bước ra ánh điện loáng thoáng ngoài hè phố. Tôi chẳng hỏi ai, cũng không nghĩ đi đâu tối naỵ Đứng cửa sổ rạp Hiệp Thành nghe cải lương, lượn nhà thổ ngõ Yên Thái cũng chỉ nghĩ và kể ra thế thôị Không đi đâu thì đi ngủ vậỵ Có ba nơị Về nhà tôi trên Bưởi thì xa mà đã hết tàu điện. Đến cái kiốt của Dung ở chợ Hàng Da thì ôi thôi, khi sáng ra có thể đã gãy đầu gốị Cái kiốt bốn mặt cửa nhưng hẹp quá, đêm phải đổi hai thế nằm. Lúc thì khoanh chân, lúc thì duỗi gác hai chân lên vách. Dung thấp bé người, suốt đêm nằm khoanh hai chân, đêm nào cũng thế. Đến nhà Quyền thì được ngự trên mảnh ván. Rộng rãi, chỉ phải cái không có màn.
    Gian bán chụp đèn, đèn bàn, đèn treo trần cũng không phải của Quyền ông chủ. Không biết cửa hàng của ai, chắc của người nhà, Quyền trông hàng, bán hàng ghi sổ. Những khung nan, khung gỗ thợ gò, thợ tiện ở phố Hàng Tiện đem đến, Quyền dán giấy bồi, lụa hoa, lắp bật điện. Cũng không thấy chủ hàng bao giờ chỉ có mình Quyền, sáng ra xuống bờ hồ rửa mặt, còn ỉa đái chỗ nào thì tuỳ. ấy thế nhưng đã phong lưu nhất hội rồị
    Mưa sầm sập cả đêm như xay thóc. Mưa đêm ở làng, trong bóng tối bốc lên mùi rơm rạ ải, mùi hoa lý thơm ủng. Mưa rào, mưa to ở thành phố, tiếng mưa nghe mỗi tai mỗi khác, cứ như gõ thanh la, lại như liên hồi đập cái thùng sắt tâỵ Nhưng đã dịu được cơn oi bức ban chiềụ Nhờ thế, đỡ muỗi, sáng ra mặt mũi không lấm tấm mần đỏ.
    Quyền cho Dung xách đi mấy chiếc chụp đèn. Cái kiốt của Dung dựng đứng như chiếc thùng gỗ vuông, trông sang bãi cỏ chợ Hàng Dạ Trên bãi, thỉnh thoảng hiệu tạp hóa Tây Lùn ra căng bạt mở xổ số cò quay ăn tiền, ăn thưởng áo may ô, lọ nước hoa Con Voi, khăn mùi xoạ Đôi khi gánh Lê Thành Các về làm xiếc. Có cả ban xiếc nước Anh với hai con la thồ đồ, lưng phủ bạt, đến cắm cọc dựng rạp. Cái kiốt vẫn đứng đấy, bốn mặt sơn xanh trổ lỗ cửa vuông, phía nào cũng thông thống.
    Kiốt bày bán lắm thứ lỉnh kỉnh. Những ống bút, một thếp giấy mới, gói bột màụ Có khi bày tranh phong cảnh. Cũng có buổi cho bà bán quà sáng để nhờ mẹt khoai lang luộc.
    Tôi bảo Dung:
    - Treo bảng vẽ truyền thần, có khi ăn tiền hơn.
    Dung xua tay:
    - Mày dốt bỏ mẹ. Họa sĩ không vẽ truyền thần.
    Nhưng tôi nghĩ cứ như Dung vẽ cái tay to hơn cái đầu thì có khi Dung cũng không biết vẽ truyền thần. Bốn mặt quang vắng, không biết đồ đạc, quần áo Dung cất đâụ Chẳng thấy cái hòm, cái bọc chỗ nàọ
    Dung nói:
    - Mày nhà quê cũng có khác. ở Hà Nội bây giờ văn minh giống bên Tâỵ Hết mùa rét thì cái áo dạ gửi nhà cầm đồ Vạn Bảo phố Mớị Giờ đương nắng nóng, chỉ cần nhất bộ, tối đi ngủ thì cởi ra giặt cho tiện.
    Tôi đã quen lối nói tiếu lâm chày cối bịa tạc ra cách sống thành phố. Bốn cái chụp đèn Dung để bốn cửạ Hai chụp treo, hai chụp đèn bàn đặt trên mỏm hòn gạch nhô cái chóp lên. Đi cả bốn bên đều trông thấy, cũng vui vui mắt.
    Một hôm tôi đến chẳng thấy cái chụp đèn nàọ
    - Bán hết cả rồi à?
    - Mất cắp hết thì có. -Không gắn được con mắt đằng lưng thành thử cứ trông cửa trước thì nó phỗng đằng saụ
    Đến năm kháng chiến, phố xá tản cư đi khắp nơị Người ta như con kiến khi gặp nhau thế nào đôi bên cũng đụng râu chụm lại như chào hỏi, trò chuyện rồi mới lại tăng tả bò đị Cho nên ai ở đâu rồi cũng được tin, mình không gặp thì thế nào cũng có người gặp, người biết. Tôi cũng láng máng biết tin tức bè bạn và người quen, xóm giềng, ai tản cư vùng nào, công tác ở đâu, ai chết bom, ai lại về thành. Nghe nói Quyền đã lấy vợ, vợ chồng đem nhau lên Phú Thọ.
    Năm ấy, tôi có việc về Gia Điền. Việc vui và cũng nực cườị Tôi đi dự đám cưới họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Anh Tỵ ở vùng văn nghệ sĩ tản cư trong khu Bốn. Trường Mỹ thuật của anh Tô Ngọc Vân mở ở Việt Bắc, anh Tỵ được mời ra dạỵ Tỵ cũng đã cứng tuổị Chị trẻ hơn, gia đình cũng ở Hà Nội tản cư đị Tiếng đồn thế nào đấy, có thể bên nhà gái nghi ngờ, mà nhà trai nhà gái đều đương trong cảnh xa lạ không biết đâu mà hỏi han dò la được. Tôi được giao việc đại diện cơ quan đi dự đám cướị Tôi có nhiệm vụ nói thật nhưng nói khéo thế nào để họ nhà gái tin tưởng tôi là bạn anh Tỵ từ xưa và anh Tỵ chưa có vợ bao giờ.
  7. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Mọi việc đều xong xuôi, êm đẹp. Hôm về, tôi không ra theo đường bờ sông. Tôi đi đường trong, qua làng đồi chè, rừng sơn, rừng cọ từ Gia Điền sang Ao Châụ Tôi đã được biết Quyền ở Ao Châụ
    Tôi vào xưởng giấy Ao Châu hỏi Quyền. Người ta bảo: ông Quyền thôi việc ở đây rồị Bác ra ngoài đầm, hỏi ông Quyền Chài thì ai cũng biết - Quyền Chài là thế nàỏ Người ta chỉ cườị
    Ao Châu, một vùng đầm nước mênh mông như hồ Tây bọc một dãy đồi ở giữạ Tôi được chỉ vào một cái lều lá gồi bên bờ nước. Quyền cởi trần, da bắt nắng đỏ xạm, vẫn cao lớn và để bộ râu quai nón xồm xoàm đen kịt, chỏm mũi đỏ sần sùi nhô lên quen thuộc.
    Cái lều một gian một chái, một người đàn bà ra chào tôị Chị mặc quần thâm, áo trắng nhuộm nâu non, cũng như mọi người tản cư thường gặp ở dọc đường và trong chợ.
    Quyền nói to:
    - Nhà tôi đấỵ Chúng tớ nghề chài lưới, nên làng nước gọi là Quyền Chàị Nhờ giời cũng đủ chén, cứ xuống nước thì có cá đem bán.
    Chị ấy đi chợ. Quyền bảo tôi ở nhà chơi, Quyền thả cái thúng đi bắt mấy con cá về nhắm rượụ Tôi bảo cho tôi ra hồ vớị Cái thuyền thúng, Quyền ngồi đằng mũi, tay cầm bè chèo lái, bàn tay kia bơị Tôi thả lưới từng quãng ngắn, Quyền vòng thuyền cầm bè chèo gõ xuống đòn ngang. Tiếng cành cạch xua cá dồn vào mắt lướị
    Trên thuyền, chúng tôi chuyện.
    - Bọn tớ đã lấy nhau từ khi còn ở Hà Nộị
    - ờ... ờ...
    - Chắc đằng ấy không biết vợ tớ là con nhà thổ ở ngõ Yên Tháị Tớ vớt rạ
    Tôi không biết thật. Nhưng cái tình, cái tính khí khái và nghĩa hiệp của Quyền thì tôi không lạ.
    - Thế sao lại bỏ làm xưởng giấỷ
    Quyền cười nhạt:
    - à bọn ngồi bàn giấy trong xưởng chữ nghĩa lỗ mỗ, cũng dân thành phố ra, thế mà chó lại chê mèo lắm lông, chúng nó chửi mình là tiểu tư sản, đội cái mũ sì cút chúng nó cũng bảo là đội *** đế quốc. Lộn ruột, tớ hét vào mặt chúng nó: ông đây học trường kỹ nghệ, công nhân hẳn hoi chứ không như chúng mày đội lốt. Công nhân thì không sợ cái gì hết. Ông đố chúng mày dám bỏ cái xưởng này ra đi tăng gia, hay chỉ là đồ ôm chân bàn đẽo cơm Nhà nước. Ông không thèm, cái mặt chúng mày chỉ bẩn mắt ông.
    Quyền đặt bè chèo vào lòng thuyền, nhấc từng mảng lưới lên. Có con cá rô như hạt bưởi, Quyền lại ném xuống nước.
    - Thế là tớ ra đâỵ Tớ chẳng cần đứa nào đâụ
    Lát sau, thu hết lưới, được mấy con chép nhỡ. Quyền cười hê hê: ''Đầu đuôi để nấu dấm quả dọc, còn chặt khúc ra nướng uống rượu, hay lắm''.
    Tôi giễu:
    - Cậu là sì cút chửi rượu cơ mà.
    - ở đời cũng có lúc cần rượụ
    Chốc đã mấy chục năm quạ Rồi tôi cũng không gặp lại Quyền ở Hà Nộị Biết có còn sống, vẫn ở Ao Châu hay lại đi đâụ
    Họa sĩ Ngô Thúc Dung thì đôi ba khi còn biết tin.
    Các cơ quan mới ra khỏi thành phố lên Việt Bắc đều đóng ở Đại Từ trên Thái Nguyên. Có người cơ quan ở xóm bên cạnh - chỗ cục quân nhu đóng, sang hỏi tìm tôi và nói :
    - Chúng tôi có đồng chí họa sĩ Dung... - A họa sĩ Ngô Thúc Dung! Tôi có quen... Tôi sẽ sang, tôi sang... Thế ra Dung đã vào bộ đội, lại bộ đội quân nhụ.. có thể Dung vẽ mẫu áo trấn thủ... Dung cho lính sang tìm tôị.. Oách thế, họa sĩ Dung, đồng chí Dung...
    Rồi không nhớ tôi bận gì, mấy hôm sau mới sang được xóm có quân nhu ở? Tôi thấy những nhà kho, những lán ở trống hoác. Vào trong làng hỏi, bà con cũng chỉ biết bộ đội đã đi từ nửa đêm hôm kiạ Bộ đội thường đi đến bí mật thế. Rồi sau tôi biết thủ trưởng cơ quan ấy là Trần Dụ Châu đã bị bắt vì tội hống hách, tiêu pha tiệc tùng bán giời không văn tự. Tôi chột dạ hỏi lại nó là thằng Trần Dụ Châu hay thằng Ngô Thúc Dung. Lẩm cẩm đâm hốt hoảng mới ngờ cái tai nghễnh ngãng chú Châu với Dung thì nhầm với nhau sao được. Nhưng tôi lại nảy ra cái lo khác. Hay là thằng Dung đã lấy bí danh là Trần Dụ Châụ Đi kháng chiến, nhiều người lấy bí danh tên khác, kể cả tôị..
    Đến khi hòa bình tôi mới lại được tin về Dung. Có người trông thấy, có người đã gặp Dung ở Hà Nộị Dung không làm họa sĩ nữạ Mà Dung bây giờ bán vé xe điện, Dung nghiện thuốc phiện nặng, thảm hại lắm!
    Ôi Dung. Sao mà tôi nhớ thằng Dung cũng như tôi nhớ cái tàu điện, những kỷ niệm xa xưa của tôi đã già lão, sắp vứt đi cả rồị Cái tàu điện cũng có sự tích lúc trẻ lúc xế bóng chẳng khác con người sinh ra ở thành phố nàỵ Cái tàu điện mới đi từ Bưởi xuống chợ Mợ Lúc qua Bờ Hồ thì có đường rẽ về Giám vào Hà Đông. Hơn ba mươi năm sau mới đẻ thêm đường ô Đồng Lầm ở Kim Liên lên ô Yên Phụ. Đường tàu điện đầu tiên ra đời năm 1899 - khi tôi được sinh ra thì tàu điện đã ở tuổi hai mươi, hai mươi tuổi thanh xuân hơn hớn, cái vè tàu điện tôi được nghe kể và tôi đã hát suốt thuở tấm bé.
    ... Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
    Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
    La ga thì ở Thụy Chương...
    Cái ngày khai trương tàu, cưới tàu mới linh đình sao, Tây mở tiệc nhảy đầm ở chỗ đình Thụy bên hồ Tâỵ Các cụ kể: khánh thành đường tàu điện các làng được một tháng đi tàu không mất tiền vé. Cả vùng Bưởi chúng tôi lên ngồi tàu điện xuống đi chơi Bờ Hồ. Cái câu cuối bài vè tàu điện chẳng biết là mỉa mai hay ba lơn: Năm xu ngồi ghế đệm bông. Hỏi mình có sướng hay không hả mình?
    Thanh niên thì không thèm lên tàu điện khi tàu đỗ, mà chúng tôi rún chân lấy dáng lả lướt nhảy tàu xuống tàu khi tàu đương lượn vào hay đã rời bến.
    Thế mà cái tàu điện đã rong ruổi đến tận khi Hà Nội chống Mỹ. Báo động cứ việc, tàu chạy suốt ngày, qua các phố Hàng Than, Quán Thánh, cạnh nhà máy điện - trọng điểm máy bay Mỹ thả bom. Cái tàu vẫn chạỵ Chỉ còn người lái tàu, người bán vé tàu và mỗi một người hát xẩm, không biết sợ là cái gì, cứ ngất ngư trong lòng tàu nghêu ngao cất tiếng hát giữa tiếng bánh xe rít trong đường sắt, tiếng chuông leng keng ầm ầm và tiếng bom rơị
    Rồi cái tàu điện về già. Cái tàu cái toa được tẩu tán đi rồi mới bóc đến đường sắt. Nó cũng như cái cầu Long Biên, mấy năm đau yếu sau bao nhiêu trận bom đạn, thì đến cái tàu điện rách rưới, tả tơi nhất. Nó ốm cả tinh thần lẫn thể xác. Chẳng ai thiết nó nữa, chẳng ai ngó ngàng chữa chạy cho nó nữa, chẳng biết số phận còn bắt rật rờ thế này đến khi naọ
    Những tiếng leng keng ầm ầm đã hết hơi, không còn giục giã vui tai như thời xưạ Mà nó rè rè như những con cóc đêm kèng kẹc nghiến răng gọi mưạ Các ông lái tàu thì say bia, say rượu tối ngàỵ Tay ông cầm cái mở máy bằng đồng đã mòn vát. Tàu đến ngã tư Hàng Khay, Hàng Bài thì đỗ. Chỉ vì những nơi ấy ven hè có quan bia hơi nhà mậụ Ông khóa lại số không rồi rút cái trùy đồng xách xuống đứng uống đôi ba vại bia, mặt dần dần đỏ lựng. Có khi đến chợ Mơ, đỗ lâu đợi khách thì cả ông lái, ông bán vé cùng xuống làm chén nước trắng, lại châm điếu thuốc lào ngồi lơ mợ
    Cái tàu điện lại giống như bà lão đã mõ ra rồi còn làm đỏm. Cũng chẳng phải tôi còn nhớ đến Dung đâụ Mà một hôm tôi chợt nghĩ: ''Cái tàu đương ốm thập tử nhất sinh thế kia cũng xuống lỗ đến nơi rồị Ta đã đi tàu từ thuở bé, thuở trẻ, bây giờ ta đi một chuyến tàu điện dối già xem saọ Có còn nhảy tàu lên xuống được không nhỉ?''. Chỉ nghĩ chơi đã thấy ngượng. Thân già này mà trổ tài điệu nghệ thì chỉ có đưa chân vào bánh tàu mà thôị
    Chặp tối hôm ấy, uống vại bia ở bờ hè Hàng Khay rồi, tôi làm cuộc du lịch lên cái tàu điện ngàn xưạ Người bán vé tàu như đứng sẵn rình tôi, chộp tôị Người ấy hiện ra trước mặt tôi, giọng khao khao mơ hồ: ''Tiền vé! Tiền vé!''.
    Trông đích là thằng Dung! Không thể nhìn nhầm không thể sai được mặc dầu đã khác lạ hẳn. Khuôn mặt chảy xị, tái xám, môi nhờn bóng, cửa tay áo về vệt đen nhãỵ Rõ một con nghiện già. Chẳng ra thằng Dung một mảy nào, nhưng cái sẹo ở thái dương bên trái thì vẫn đỏ tía như đồng xu úp vào, nguyên như thế như người tù khổ sai chung thân thời trước bị thích chữ lên mặt.
    - Dung đấy hả? Có phải Dung không?
    Người ấy ngước đôi mắt đục lờ đờ nhìn tôi rồi lại cất giọng cũng rè rè đùng đục:
    - Vé nào! Tiền vé!
    Tôi đưa đồng tiền vé. Lão ta bỏ vào túi áo vét rồi lù rù quay vào, trong khi tôi còn hỏi vớị.. Có phải Dung... có phảị..
    Biết làm thế nàọ Chán đến không còn muốn nhận ra nhau nữa.
    ----------
    (1) Sì cut (Scout): hướng đạo sinh.
    ----------
  8. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Lá Thư Tình Đầu Tiên​
    Cô Mì mười tám tuổi. Ðến tuổi ấy, từ mùa xuân trở đi, đôi mắt người con gái trong thẳm và đen lay láy. Cô nhìn sang hai bên, con mắt lừđừ đưa nghiêng nghiêng. Ôi chao là say sưa. Miệng hoa chúm chím. Mỗikhi mỉm một nụ cười nhỏ, đôi má hây khẽ gợn lúm xuống hat nét vòng yêu.
    Mì là cô gái đẹp nhất làng. Tất cả những người con trai đều công nhận thế. Vả anh nào cũng ngấp nghé muốn phải lòng. Nàng chẳng kiêu kỳ chi đâu, nhưng yêu được nàng cũng không phải là dư. Bởi vì nàng nhan sắc. Bởi vì nàng lại biết chữ nữa. Sự biết chữ của một người con gái ở làng Nghĩa đô quả là một tài hoa hiếm có. Nàng viết hộ thư những người hàng xóm. Nàng đọc truyện Hoàng Trừu vanh vách. Nàng thông thạo về đường tiểu thuyết lắm. Bởi vậy, đã xảy ra một chuyện tức cười về chữ nghĩa khó khăn ấy.
    Có một người con trai khác xóm yêu Mì. Một bữa kia, chẳng biết làm thếnào, anh chàng đưa đến tay Mì một bức thự Mì đọc. Rồi Mì đi nói với các chị em bạn rằng: - Nó không biết chữ, nhờ ai viết cho cái thư,người ta lại hiểm, đi chép ở trong truyện ra. Truyện ấy tôi xem rồị Ðã dốt đặc cán mai, lại còn ti toe, chài sao nổi mình!
    Và nàng chép miệng:
    -Không biết chữ, nhục thế đấy!
    Những lời nói chẳng hay cho người con trai nọ lọt ra ngoài và lan đi khắpngã ba, ngã bảy. Anh Cuông cũng rõ câu chuyện như mọi ngườị Nhưnganh còn biết rõ thêm hơn nhiềụ Bởi Cuông có cô Nghiên, cô em con nhàchú, là bạn thân của Mì. Một lần Cuông đã được nghe Nghiên đọcnhững lời thư kiạ Nó đọc từ đầu đến đuôi. Nhưng Cuông chỉ nhớlõm bõm thôi; thư hay lắm. Ðại khái có những câu rằng: "Mợ yêuquý của tôi ơi! Cánh hồng bay bổng, chim xanh tuyệt vời. Mành tươnglất phất. Gió đàn lung lay. Nỗi niềm ngậm đắng nuốt cay; ai ơi cóbiết lòng này cho không."
    Những nghe mà cảm động. Thỉnh thoảng Cuông đọc lẩm bẩm trong miệng nhữnglời văn chương ấy. Cũng bởi rằng anh Cuông đã yêu cô Mì. Cuông làmột gã trai mới lớn. Tơ tình đương phơi phới nhẹ nhàng. Thườnganh vẫn được trông thấy Mì, mỗi buổi chiều, dù hai người ở cáchhai xóm. Chiều chiều, Mì sang chơi nhà Nghiên. Cũng chiều chiều, lúchoàng hôn đã đỏ sạm, mọi người đều rời khung cửi, Cuông ra đứngngẩn ngơ trước ngõ. Hư thoáng thấy cái thắt lưng lụa bạch của Mìphất phơ đằng đầu xóm, chàng đã đỏ bừng mặt, chân tay tự dưng líuríu lại. Và khi Mì đi sắp đến nơi thì Cuông lẳng lặng thụt dần vàotrong cuối ngõ. Ðể đến lúc Mì đã đi khỏi, Cuông mới nhô đầu racúi khom khom nhòm theo, nét mặt ra chiều đờ đẫn. Giá bấy giờ co aichợt đi đến trông thấy Cuông thì Cuông vội đứng ngay ngắn, hai taychắp ra đằng sau, mặt ngẩng lên trời, giả như đương đứng tơ mơnghe tiếng diều sáo vo vo trên caọ ấy, buổi chiều nào cũng tương tựnhư buổi chiều nàọ Nếu không có một sự gì mới mẻ khác chẳng biếtcuộc "tình duyên một vế" này còn kéo dài đến tận bao giờ!
    Cuộc đổi thay vào sau những đêm có hát chèo bên làng hượng. Một hôm,Nghiên nói chuyện với anh Cuông:
    -Cái hôm hát trò Lục-Vân-Tiên ấy mà. Em đi xem với chị Mì.
    -ừ, lúc bấy giờ tao lẻn qua chỗ cửa đình chứ gì?
    -Vâng. Lúc chị Mì thấy anh đi qua, lại bảo em thế này chứ: "Anhấy hay nhỉ?"
    Cuông bừng người, thấy như đương rung từng đốt xương ống một. Anh hấptấp hỏi dồn:
    -Sao, Sao thế?
    -Em cũng hỏi lạị Chị ấy cười, bảo: "Anh có vẻ hay phạm. Chiều nàocũng đứng ngoài ngõ. Trông thấy em lại đi vàọ"
    Anh Cuông ngơ ngác, lẩm bẩm chối bâng quơ:
    -Quái nhỉ Quái nhỉ Tao có đứng ngõ đâu!
    Nhưng trong lòng anh nghĩ khác. Trong lòng anh đương có hoa nở. Và anh đã tương tư cô Mì lên gấp trước mười lần rồi. Bởi vì như thế là côMì có chú ý đến anh lắm. Ðêm hôm đó và mấy đêm hôm sau, anh Cuôngnằm trằn trọc không ngủ được mấỵ Chính anh cũng chẳng muốn chợp mắt.Ðôi chốc, anh mỉm cười vớ vẩn. Anh nghĩ lập lý rằng:
    -Thế là cắn câu rồị Bây giờ chỉ thả một cái thư là ăn thua ngayđấỵ Nhưng chết một cái, mình lại cóc biết chữ. Nó mà hỏi đến, mìnhmít đặc như cái anh cu kia thì bỏ xừ.
    Cuông thở dài ở đoạn nàỵ Anh nghĩ lơ mơ, lơ mợ
    -Có lẽ mình phải đi học chữ quốc ngữ!
    Một ngày phiên chợ Bưởi, Cuông xách một con gà lên chợ bán. Con gà hưquá, ăn bún rất nhiều, mà lại đẻ trứng cách nhật, nên Cuông đem bántống nó đi Nó to xù xù, há mỏ kêu cục te cục tác cùng đường. Bángà xong, anh đến một hàng xén. Anh có ý tránh những hàng có cô gáingồi bán. Anh vào hàng một ông cụ già kèm nhèm mắt. Và anh mua mộtquyển "Lên sáu" năm xu. Anh thu gọn lỏn ngay quyển sách vào bụngáo, chẳng một ai nhìn thấy. Rồi anh ung dung về làng.
    Cuông học chữ quốc ngữ liền từ tối hôm ấy. Thằng Tế là cháu anh, học tròlớp tư ngoài trường làng, dạy anh. Mỗi phiên, anh trả công thằng bémột xu, nó bằng lòng ngaỵ Bắt đầu anh lẩm nhẩm những chữ cái to thôlố - gọi là chữ cái có khác - một cách nhọc nhằn và hơi chán nản.Nhưng anh chỉ gắng, chịu khó vài bữa, đã học sang đến nửa vần bằng"ba be bê bi" rồi. Tối đến, dệt cửi đầu hôm xong, Cuông mang đèn ra ngoài hiên. Thằng Tế đã đợi sẵn ở đấỵ Anh ngồi xổm,chăm chú chỉ từng chữ, theo ngón tay trỏ của thằng bé. Học đuổinhau như vậy một lát. anh đã thuộc. Thằng bé đi ngủ, để anh ngồi lẩmnhẩm gật gù một mình. Khi đã thuộc kỹ, có thể gấp sách lại mà vẫnđọc được, anh mở vở ra. Anh nằm nhoài xuống, cong hai chân lên. Bútvà mực đã sẵn đấỵ Anh mắm môi, nheo mắt, nghiêng đầu tô từng cái"gậy" một. Hết hàng "gậy" này xuống hàng "gậy"khác. Cầm thì cầm úp ngòi bút xuống, chấm mực vừa phải và vạch chokhỏe. Nhiều khi tức ê ẩm cả ngực mà anh vẫn chịu khó nằm thẳng duỗira. Viết xong một trang, anh mới bò dậy, thở phèo một cái rõ mạnh, rồigấp sách lại, đi ngủ. Bao giờ trước khi đi ngủ, anh cũng nghĩ dếnnhững chữ nghĩa lủng củng, lôi thôi anh vừa học: "Nào t-a-ta,n-g-a-nga, lại n-g-h-e-nghẹ.." Và thể nào anh cũng tưởng tượnglan man đến một hôm nào đó, cái Nghiên đưa tờ thư của anh cho Mì.Cô nàng mở ra, vừa đọc vừa chớp đôi hàng mi. Anh không tư lự gì hơnnữa.
    Anh Cuông rất chịu khó học. Nhưng anh giấu giếm cẩn thận việc học củaanh. Bạn bè không ai biết, anh lại càng kín đáo hơn đối với cáiNghiên. Bởi vì to đầu mà còn đi học, anh rất sợ xấu hổ, và nhất làsự bí mật đến tai Mì thì hỏng bét cả. Mùa đông đã sang những ngàycuối. Cuông ngồi học phải quàng chân lên tận cổ. Nhưng anh cũng sắpthành công rồi. Bởi anh đã có thể chúm nghoẹo mồm đi mà ậm ựcđánh vần đến u-i-cờ-lét-a-uya, đến u-i-cờ-lét-uê-c-h-uếch, rồị..Trong giấc ngủ, lẫn với bóng dáng hình ảnh cô Mì yêu quý, lòng anhxốn xang hy vọng. Thế rồi, một đêm đầu mùa xuân. Cái không khíđầm ấm, cái phong thái nhàn nhã hãy còn phảng phất trong mỗi giađình. Cuông khuân sách vở, bút mực ra ngoài hiên. Nhưng tối nay khôngcó cu Tế. Anh ngồi gật gưỡng, ngả nghiêng cái đầu, mắt nhìn đămđăm vào ngọn đèn. Thoáng mơ màng một vẻ nghĩ ngợi rất xa xôi. Phải,anh Cuông đươmg có điều nghĩ ngợị Anh xếp băng tròn hai chân ngồinghiêm như ông Phật, qua hàng giờ im lặng. Rồi anh xé ở cuối vở ra mộttrang giấy. Anh đặt lên trên bìa sách, vuốt hai mép cho thực phẳng.Chàng từ từ nằm bò xuống. Cái bút chấm vào lọ mực tím, chàng cứ hýhoáy đưa ngòi bút. Chiếc ngòi bút sắt, bên ánh đèn, lấp loáng màumực, đưa đi theo dòng kẻ, như ngượng nghịu reo lên cồn cột vìđược gặp mặt tờ giấy trắng. Một chữ viết, lại ngừng. Một chữ viết,lại rụt rè xóa. Song Cuông đưa bút rất nắn nót, tề chỉnh. Có khi cốgắng và đam mê công việc quá, Cuông ngoẹo cổ, trợn lồi mắt lên, méolệch mồm để đẩy chữ "o" cho được thực tròn trặn. Mặt giấyđầy dần dần được ba dòng, rồi bốn dòng, rồi bốn dòng rưỡi thìanh buông bút xuống, bâng khuâng ngó ra ngoài vườn. Bấy giờ đãkhuya lắm. Vườn tre và vườn dừa láng một chút ánh trăng xế dịu dàng.Cuông cúi xuống, hai tay nâng tờ giấy, trầm ngâm nhìn mươi hàng chữnằm ngổn ngang, trong những đường kẻ xanh. Nhưng khi anh lắp bắp đọclại nho nhỏ thì mắt anh sáng lên. Những tiếng chữ lẫn với tiếng"ư", "a" bật ra miệng và cả ở đôi mắt, một cách rấtkhó nhọc, nhưng rất kính cẩn, thiêng liêng. Thành thử, những hàng chữxấu xí và bề bộn cũng được lây ít nhiều khí sống mạnh mẽ, trở nênquý giá và đẹp đẽ lắm. Anh Cuông đã đọc lại xong. ồ, đó là mộtbức thư ngắn - mà dài cho người viết - để gửi cho người yêu. Thưcủa Cuông gửi cho em Mì.
    Thư rằng:
    Em Mì ơi! bấy lâu nay tôi vẫn trộm nhớ thầm mong em lắm. Chẳng biết emcó biết cho không. Tôi viết thư này là chính của tôi viết cho emđấy. Em Mì ơi! gió đưa tờ giấy lên mây; gió đưa thư này bay đếnnhà em. Em mà bắt được em nên trả lời. Trăm năm xin quyết cùng nhauchung một lời vàng đá.
    Nguyễn Văn Cuông viết thư.
    Thực là một công trình ghê gớm của Cuông. Anh đọc lại một lần nữa, rồi hơ giấy lên ngọn đèn cho chóng khô mực. Bấy giờ anh mới cẩn thận gậplại làm tư, để vào trong quyển vở, đem nhét xuống gối đầu giường.Ðã vào canh một, gà gáy lên te te. Vừng trăng đã khuất hẳn.
    Thế là Cuông cắm cuối học từ ngày vào mùa đông, đến ngoài Tết Nguyênđán thì viết được trọn lá thư đưa cho Mì. Nhưng lá thư tìnhđầu tiên ấy không bao giờ được gửi cho ai. Bởi vì, ngày đầu mùa xuân đó, cô Mì đi lấy chồng. Cô lấy chồng người bên làng khác. Tất nhiên là Cuông không hay biết gì trước. Cho đến khi cái Nghiên lại nói chuyện với anh thì đã muộn hẳn hoi rồi. Anh không thể dám oánai được. Bởi anh chưa có ai để mà oán hận.
    Lá thư tình vô duyên nằm buồn thiu trong mép bím(*) anh được mấy hôm.Những nếp gấp đã lên nước mồ hôi mà đen xỉn lại. Một đêm, anhchâm đèn lên, kề tờ giấy vào ngọn lửa mà đốt đi. Ðôi mí mắt nặngxụp xuống.
    Rồi mọi người xung quanh đều biết rằng tự nhiên mà Cuông thông thạođọc và viết nhoang nhoáng được chữ quốc ngữ.
    Nhưng anh buồn lắm. Cả ngày anh chỉ giải khuây mối hận kín đáo bằng cáchđọc truyện Kim-Vân-Kiều.Một hôm, anh nói với cô em:
    -Truyện Kiều hay lắm. trong ấy có nhiều câu buồn ghê!
    Nghiên cười:
    -Ðộ còn chị Mì ở nhà, chị ấy cũng thích đọc truyện Kiều. Hoài của,giá ngày trước em làm mối cho anh nhỉ!
    1942
    ----------
    (*) bím: cái ví
    ----------
  9. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Lấy Chồng Khác Làng ​
    Một phiên chợ áp Tết, những đứa trẻ phụ việc cho mẹ, chúng lớn lên được hai nhà gả cho nhau, đám cưới trong trận mưa rào đầu mùa, rồi lễ cheo ở đình làng, rồi người đàn ông đi buôn xa bị hổ ăn thịt, người đàn bà vẫn giữ lễ về quê chồng giỗ với đứa con bây giờ ''chân nó dài bằng cái sào nứa''... Với bấy nhiêu tình tiết, bấy nhiêu câu chuyện dằng dặc gần cả một đời người, cùng rất nhiều những thói tục của làng Bắc Bộ xưa được gói trong truyện ngắn vẫn thênh thang rất thú vị này.
    *
    * *​
    Thật thì cũng làng trên chạ dưới trong hàng huyện, chẳng xa mấy. Đứng gốc cây đề ngoài cổng đồng trông qua bờ đìa, mờ mờ trong lùm cây muỗm cổ thụ nhô lên hai cái cột trụ tam quan đình, những hôm quang trời, bên này cũng thấy được lằn đê chắn ngang tầm mắt. Thế mà ngỡ như đám mây trắng mùa hạ lững thững mãi mới sang đến bên ấy. Nghĩ ra thì là cách trở, cả đời cô Vải cứ tưởng như thế.
    Mấy phiên áp Tết, chợ huyện đông như nêm cối. Bà Chồi quảy ống dang ra chợ. Vườn nhà bà có búi dang, tết nào cũng được vài gánh, đỡ tiền chợ. Vừa khéo, vào một chạp, những bụi dang vừa già ống, chẻ lạt được. Tết nhất, mái bếp nhà nào cũng giắt nắm lạt, lắm việc phải cần đến.
    Ở chợ, có những mặt hàng chỉ Tết mới có bán. Bác tuần chợ xếp cả ra bãi ngoài. Gánh lá dong, ống dang, những quảy thùng mật, lão hàng gáo dừa, chợ Tết người ta sắm bó đũa, cái gáo, cái muôi mới, mấy con bò buộc tận ngoài rệ sông, bò rống ò ò lẫn tiếng lợn eng éc trong rọ.
    Chợ trước, gánh ống dang của bà Chồi đến nửa buổi đã hết tiệt. Cũng đã đào, chặt ống cả trăm cái, nhưng còn phơi nóc chuồng lợn, chưa se mặt. Phiên này phải đi hai gánh dồn một mới có thể đủ bán. Bà Chồi nhấc gánh rồi nói:
    - Cái Vải ra quảy đỡ cho tao mấy được.
    Vải buộc thành bốn bó dang nặng. Vải quảy, mẹ chỉ phải vác một bó. Chưa đến nửa buổi, cả gánh dang còn có mấy ống điếc, ống lép. Hàng bên kia, bà bán mật đong không ngớt muôi. Hàng ống dang, hàng mật chạy tay, nhà nào chẳng gói bánh, cột bếp lại lủng liểng miếng thịt bò quấn lạt, rồi nồi chè con ong, chè bà cốt ngọt lừ.
    Bà hàng mật hấp tấp sang hàng bà Chồi:
    - Nhờ bà để mắt trông giúp hàng nhà cháu một mảy. Quái, cái thằng chết toi, chỉ sai đi chặt mấy cái ống nứa đựng mật mà mất mặt từ nãy.
    Rồi bà lão chạy qua đám chọi gà đầu bãi thì thấy thằng con dựng đứng ống nứa bên nách, đương chầu hẫu xem đá gà - hay là nó cũng đánh gá, người chăm chú, người tíu tít cá cược. Mấy tay chủ gà loay hoay mặt đỏ lựng hay đỏ cay cú.
    Con trai bà bán mật ngồi ngây mặt ra. Bà lão kêu ''Chết thật! Chết thật!''. Rồi, vào lôi ngật nắm tóc đuôi hoa voi. Thằng con phải chống hai tay xuống như con gọng vó mới khỏi ngã ngửa ra. Rồi nó đứng lên vác bó ống nứa cong cổ chạy.
    Chỉ một chốc, những ống dang, những ống nứa đựng mật đã hết sạch. Hai bà lão thong thả ăn trầu, môi cắn chỉ nhai bỏm bẻm. Thằng con trai xách những thùng mật ra bờ sông té nước gột. Cái Vải nhà bà Chồi đã ***g quang gánh để đấy, vào trong chợ, dạo xem hàng tết.
    Bà bán mật vuốt quết trầu bám mép hỏi bà Chồi: - Cái cháu quảy dang là thứ mấy nhà ta?
    - Cháu thứ ba bà ạ.
    Bà bán mật hỏi ngay một câu: - Bà cho tôi nhá?
    Bà Chồi còn chưa biết thế nào, bà kia quết vôi lấy miếng trầu mời đon đả: - Cái thằng quảy mật ấy.
    Rồi đưa bà Chồi miếng trầu mới têm. Bà Chồi nhổ bã trầu vào gốc cây, quay lại nhón tay lấy miếng trầu mới của bà bạn hàng. Và nói:
    - Ối chà, con Vải nhà tôi ấy à, có nhớn mà chẳng có khôn đâu. Bà xem đấy, mặt trời đã lấp bóng đa rồi mà còn lượn chợ, rõ con nhà.
    Bà bán mật lại vuốt mép, nhổ quết trầu rồi cũng nói ồi ồi:
    - Thì cái thằng hai nhà tôi cũng như cái đụn rạ. Đấy, đi theo đỡ mẹ mà lại rúc vào đám chọi gà.
    Câu chuyện qua lại mắng vui mắng yêu giữa hai bà về con cái mà rồi nên duyên chúng nó.
    Tháng ba năm ấy, cô Vải lấy chồng bên Lở. Bấy giờ đã có mưa mới. Những trận mưa rào đầu mùa như mưa dứ, chốc ào ào chốc tạnh; con ngòi ngoài đìa có lúc nước ngập đến gối, đến bụng.
    Họ nhà trai sang đón dâu, các lão ông lão bà, các cô phù dâu thoạt chỉ xống áo như người đi làm đồng. Người xắn quần, người ôm váy, bì bõm lội. Sang đến đồng Lở, đám rước dâu ghé vào cái quán gốc cây muỗm, như khách đường xa nghỉ chân. Bấy giờ mới lấy trong tay nải ra những buồng cau, những hũ rượu. Rồi thì áo the, khăn vố của ông cầm hương, các bà váy chồi thâm ***g ngoài váy nâu da bò, các cô thì khăn vuông mỏ quạ tua dây hoa đỏ . Chú rể đi lẫn trong đám trai, áo năm thân nhuộm cậy.
    Đã tinh tươm ra đám đón dâu. Đi vào đường làng, ông cầm hương áo the khăn lượt chít, vừa lội ngòi quần xắn móng heo, vẫn đi chân không - cả đám rước dâu chân đất, chả cứ một ông cầm hương. Hương đen thơm nghi ngút trước hai người đội mâm cau, mâm rượu phủ vuông lụa điều.
    Vào trong xóm, nhấp nhô người lớn trẻ con các ngõ đổ ra. Trẻ con cuống quýt chăng dây, vớ được dây mướp, dây gấc, cái thắt lưng dải yếm cũng chăng ra - chỉ kiêng không được chăng thừng. Chằng chịt như mạng nhện, những cái dây cản bước, như không muốn người con gái đi lấy chồng làng xa. Âậy thế nhưng đã có người nhà trai lo sẵn, xong cả. Trẻ mỏ chỉ khó cho thêm vui. Mỗi cái dây nhận một phong bao giấy điều. Mở ra, thấy mấy đồng chinh, đồng kẽm, đứa nào cũng hí hửng, giựt giây mở đường.
    Đám đón dâu có lời nói trước, đôi bên đã thoả thuận từ con lợn, thúng gạo, gánh rượu, quan tiền. Nhà trai nhà gái ăn cỗ mỗi bên, bởi vì đường đất cách trở, hai họ chỉ miếng trầu và chén rượu hả hê rồi lễ tạ xin dâu về.
    Đám rước dâu đã ồn ào ra đến đầu ngõ. Bà Chồi đứng trong cổng ném vốc muối theo rồi cúi mặt, quay vào. Còn Vải thì cảm thấy đi đâu chưa biết, nhưng thế là xa nhà từ đây. Nước mắt Vải đẫm cả hai bên má.
    Rước dâu về, hai họ lại tay nải đeo vai, xúm xít hỗn độn như đi chợ tết. Mặt trời đã ngả đằng sau chân tre, sương mờ khắp cánh đồng. Hai bên bờ nghe tiếng nhái, tiếng chẫu.
    Vải ngước mặt lên, chỉ thấy bóng tối mờ mịt. Mới vài bước đường mà xa, sao mà thật xa.
    Lội xuống ngòi, đã nhá nhem tối, tiếng chân bì bõm, nhưng chẳng trông thấy chân ai. Vải quay nhìn lại bóng tối lần nữa.
    Được mấy hôm, ăn cỗ lại mặt rồi, vợ chồng Vải về làng ngoại làm lễ nộp cheo. Lấy chồng làng khác, lệ phải có lễ cheo mới được làng nhận rể.
    Chồng xách cái rọ mới đan nhốt con gà trống thiến, con gà mái rồi ra cổng đồng, như người đi làm, chỉ khác đầu quấn cái khăn lượt, lại mặc cái áo năm thân nhuộm cậy, như hôm đám cưới. Ra tới cầu ngói thì ngồi đợi vợ. Đến lúc trông thấy Vải trong khoanh tre đi ra thì chồng đứng dậy, lại cung cúc đi. Người đi trước cách quãng người đi sau, vào đến gốc đề đầu xóm Vải mới mở khăn vuông lấy cái áo dài nâu non mặc. Vạt áo thắt quả găng, lất phất bay lẫn hai dải yếm lụa. Áo váy tinh tươm rồi, Vải lại càng đi nán xa. Vải chẳng muốn ai trong làng gặp vợ chồng đi tay đôi. Vào đến cổng ngăn, Vải đã thấy chồng cắt tiết xong cả hai con gà, đương nhấc nồi nước sôi ra cầu ao giội làm lông.
    Vải vào bếp. Chẳng đợi mẹ bảo, Vải cầm dao cắt tàu lá chuối lót lên cái nong rồi dỡ chõ xôi. Ngả chiếc mâm gỗ đơm xôi, mùi hương nhà trên quyện khói xôi ngào ngạt. Con gà thiến đã được vớt từ khi nãy để ghếch trên miệng nồi rồi người khía chân, khía cánh với mỏ, đặt nguyên cả con lên đỉnh mâm xôi để ra miệng vại dưới gốc cau. Trên mỏ con gà, từ lúc nào ai đã cài ngậm cái hoa đơn đỏ.
    Bây giờ, vợ chồng lại khăn áo chỉnh tề. Vợ đội mâm xôi, chồng hai tay bưng hũ rượu, hai người đem lễ ra đình. Vào tam quan, vợ hạ mâm xôi xuống cửa bên. Chồng ấn lại vành khăn lượt trên đầu cho chặt, vợ từ từ đưa mâm xôi lên. Chồng trịnh trọng đội mâm, một tay nắm cổ hũ rượu nút lá chuối khô.
    Vợ bước theo, vào trước bậc cửa đình thì đứng lại đấy, đàn bà con gái xưa rày không được đặt chân vào chốn đình trung. Vợ đứng nhìn bâng quơ ra ao làng. Năm xưa mùa này, những hôm nắng to cả lũ đem sảo ra bắt ốc nhồi nổi lên tránh nóng trong chân bụi cúc tần.
    Nghe tiếng người rì rào, không phải tiếng quát lác. Mùi hương đưa ra có lẽ nắm hương chồng vừa thắp thêm. Vải cũng không dám ngoảnh mặt nhìn vào.
    Người mõ ở ngoài lều bờ sông tất tưởi bước tới. Đòn gánh xỏ một bên quang có chiếc thúng trong để con dao phay với cái thớt. Chỉ vậy, nhưng bởi vào nơi trang nghiêm phải có ý, không dám khua múa con dao cái thớt.
    Chồng hai tay đặt hũ rượu lên hương án cùng với mâm xôi con gà. Rồi quỳ xuống lễ thánh, xong xuôi bước ra vái hai bên các ông chức việc, các quan viên rồi cứ chắp hai tay, cúi đầu so vai lom khom bước lùi qua bậc cửa đình.
    Ở nhà, mâm rượu con gà mái đã sẵn sàng. Đám chén mời ông chú, có lão ông cầm hương hôm đưa dâu cháu.
    Sáng nắng thế mà giữa trưa đổ cơn mưa. Trận mưa rào đầu mùa ào ạt một lúc lại tạnh. Hai vợ chồng trở về bên Lở.
    Có hơi rượu chếnh choáng, chồng chạy cung cúc như ma đuổi. Nước mưa đồng cao dồn về, con ngòi ngập đến thắt lưng. Nhìn lại, chưa thấy vợ, chồng ngồi đợi.
    Vải đã ra khỏi cổng đồng. Trông hút đồng sâu, chỉ thấy bóng nước lấp loáng. Chắc là có khi nó lội qua ngòi rồi. Người trong xóm lác đác ra bờ tre bắt cá rô rạch. Gặp Vải, có người chào, có người hỏi chớt nhả: ''Thím về bên nhà... Sang báo tin cho mẹ Chồi à... cái bụng trông ngon mắt thế kia rồi...''.
    Vải đỏ mặt cúi xuống vuốt cái khăn vuông bọc đĩa xôi và cái tỏi gà. Lại nhớ năm ngoái, năm kia, Vải chạy tớn lên theo chúng bạn ra bờ chuôm bắt cá rạch.
    Cánh đồng mù mịt trắng những nước. Con ngòi ngập cả lên bờ cỏ. Đàn đỉa trâu, đỉa hẹ lượn lên lượn xuống cung quăng tìm chân tay người thò xuống nước.
    Vải đã ra đến bờ ngòi. Chồng đương ngồi úp mặt xuống đầu gối, dáng ngủ. Nhưng không, như anh ả đã đánh hơi thấy vợ. Anh ả ngẩng mặt nhăn nhở cười, hai con mắt rượu vằn vằn đỏ.
    Hỏi:
    - Nhà mày có lội được không?
    Vợ lắc đầu, nhìn lại đằng xa. Chồng cười tủm:
    - Cõng nhẻ?
    Vợ lại lắc đầu, vẫn tần ngần ngoảnh mặt trở lại. Chồng đứng lên, xoe ống quần, buộc hai dải áo vào bụng. Anh ta đương nghĩ nói thế nào để dỗ, để doạ, để vợ cho cõng. Thì vợ đã bíu tay ôm cổ chồng, rún lên, chân đạp như trẻ con chơi hún đu. Hai tay chồng ôm chặt đít váy vợ rồi lội xuống nước.
    Chồng nói lỡm:
    - Này này buông xuống cho đỉa cắn nhẻ!
    Vợ đá chân xuống mặt nước, như trêu tức. Những đàn đỉa đói nhao nhao lượn theo. Đã thế, ông dìm cho một cái. Nhưng chị ả đã cong chân lên làm anh ả loạng choạng suýt ngã. Thì vừa sang đến bờ bên kia.
    Hai con đỉa trâu bám vào bắp chân chồng như hai quả chuối bụt. Máu chảy loã lợi xuống gót, xuống cỏ.
    Vải tụt trên lưng chồng xuống. Nhìn hai con đỉa lủng lẳng ở ống chân chồng, ả nguýt một cái.
    - Rõ đáng đời!
    Chồng nhìn quanh, chỉ thấy bóng nước bóng cỏ. Chẳng nói chẳng rằng, lẳng vợ một cái ngã bệt xuống. Tốc váy vợ, làm một quắn.
    Rồi anh chàng ngủ một giấc mê mệt. Đến lúc thấy lạnh bên bả vai mới mở mắt, bốn bên vắng lặng. Ngôi sao hôm lay láy đã lên đằng kia.
    Hàng năm, vợ chồng Vải về bên ngoại vào tết nhất hay các dịp góp giỗ. Cẩn thận, giữ lệ. Khi con gà, hũ rượu, lại có khi vác cả bó mía, dựng bên bàn thờ làm gậy cúng các cụ. Khi nào gặp mưa, nước ứ trong ngòi, chồng lại cõng vợ, rồi cõng cả con sang bờ bên kia.
    Năm ấy, chỉ có hai mẹ con về bên ngoại góp giỗ. Nguyên vì anh theo bạn buôn lên Mường mua mía về kéo mật bán chợ tết. Khi lên theo đường bộ, về thì cho mía lên bè xuôi sông Đà. Năm nào cũng đi thế. Chuyến ấy ngược, dọc đường cả bọn ngủ lại cửa rừng dốc Cun. Nửa đêm, con hổ ra ăn thịt mất anh ấy.
    Năm năm, mẹ con nhà Vải vẫn giữ lệ về góp giỗ. Khi qua ngòi, gặp nước đầy hay nước cạn, mẹ Vải cũng cõng con lội. Cu con đã lên chín, lên mười, ''chân nó dài bằng cái sào nứa'' - người ta cười thế, mẹ vẫn cõng con lội sang - người ta lại bảo nhà này chiều con quá.
  10. julie06

    julie06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/05/2003
    Bài viết:
    937
    Đã được thích:
    0
    Nàng Ba Châu Long​
    Giữa tháng giêng, làng Hạ đã gọi phường chèo hát. Cả vùng bảo làng này trốn hội. Bởi vì giêng hai thì đâu cũng còn thong dong hơi hướng đôi chút tết nhất.
    Nhưng ở đâu thảnh thơi chứ làng Hạ đã lác đác đeo giỏ xách thuổng ra đồng, xuống gò đào chuột. Vừa Tết ra đã phải đi kiếm miếng thịt trời, đi như người ăn vụng, lủi ra đằng cổng đồng. Không để ai trông thấy, như muốn bay biến trong ngọn gió bấc quất vào mặt. Thì cũng lệ là cố lo tối hát, như ra ngõ gặp trai, ao ước cái may năm mới đến.
    Ngoài sân đình, trống gọi trò vừa gióng vài tiếng, đã nghe trong bờ ao, ở ngã ba gốc nhãn trẻ con gọi nhau ơi ới, đã rộn rã ra vui rồi.
    Làng Hạ chẳng có nổi cỗ kiệu long đình. Hằng năm, đến kỵ thánh, ông từ ra đình thắp bó hương đen. Họa may mới có năm đi chợ xa tậu được con bò dắt về mổ chia ba giáp rồi ngoài sân đình có tối chèo. Thế đã linh đình rồi.
    Các cụ kể: ông thành hoàng làng ta hóa thiêng lắm. Nửa đêm, người đi úp cá trộm, người thò tay khoắng vào chũm, phải con rắn lục cắn, người ngã xuống ngay trên cái nơm. Ðược giờ linh, chỗ ấy mối đùn thành gò đến tận bây giờ. Người thiêng lắm, nhà bị mất trộm, bị lừa, hay ai cầu xin thế nào, hay đem lễ ra đình khấn.
    Có được thế nào cũng chỉ nghe vậy. Cái làng Hạ chỉ uống nước lã mà chèo hát suông, ai cũng bĩu môi, ấy thế mà rồi nhiều người kéo đến xem đông thế, vui xem hát nhạt xem bói, bao giờ chả vậy.
    Phường về lúc xế trưa. Cả bọn qua chợ đã ngả vào hàng cơm. Gồng gánh lội bộ từ sớm mai bên kia sông sang, đến quá bữa mới được lưng cơm. ấy thế mà mới cạn bát rượu, bác trùm đã ngả nghiêng đứng lên.
    - Hôm nay được ngày, làng đương mong, trống gọi đấy.
    Ðã có người ra ngóng cổng làng.
    - Hát lấy may, hôm nay tốt ngày.
    Mấy cô gánh dâu ở ngoài bãi về.
    - Còn hát lấy duyên nữa, các cụ ạ.
    Tiếng con trai con gái ở đâu cười vang động. Nhưng trong đám chẳng thấy có nữ. Phường Bắc đã được tiếng kép nam đóng nữ khéo đến đỗi tan trò rồi mà trai các làng còn quanh quẩn nhòm ngó đến khi sáng ngày ra, trông vào mái lều trong tam quan chỉ thấy toàn đàn ông còn ngái ngủ ngồi lổm nhổm.
    Có chàng ngơ ngác hỏi:
    - Cái cô Châu Long tối hôm qua đâu nhỉ?
    Bác trùm cười hề hề nói:
    - Con ma gốc gạo bắt cô ấy đi từ tan trò tối hôm qua rồi, không biết à?
    Ôi chao, chẳng cứ trai làng mê vai Châu Long đêm chèo để thương để nhớ đến cả cho bao nhiêu cô gái trong làng nữa kia.
    Tung, tung... Bung nhóc... Bung bung nhóc... Chiếc chiếu mộc thủng giữa đã được nhà mõ trải ra sân cửa đình. Ðôi hòm gỗ nhà phường kê đằng góc che tàu lá dừa. Ðào kép thì đến đằng ấy, ngồi ghé lên mặt hòm cạnh cái đèn hoa kỳ.
    Bôi phấn, vẽ râu, kẻ lông mày, thay xống áo xong rồi vào chiếu ra vai.
    Nhà mõ cũng đã đóng cọc chăng thừng, kê chiếc ghế dài ra, một ông kỳ mục chít khăn mặc áo dài thâm ngồi bên cái trống cầm chầu. Cũng không ai biết cầm chầu thưởng phạt câu hát, mà chỉ thỉnh thoảng điểm tiếng tùng, tiếng cắc giữ nhịp cho ấm đám, lại còn ra vẻ người bề trên ở chốn đình trung.
    Trống và nhị theo tiếng hát vỡ nước đã réo rắt rào rạt nổi. Chung quanh ngoài kia túm tụm người cha tới đám đã biết tối nay tích Lưu Bình, Dương Lễ - tích trò éo le mà có hậu được hát mở hàng.
    Trời đã tối hẳn. Một chiếc đèn ba dây treo lên cành nhãn. Người ra vai đứng giữa chiếu mà bốn phía nhìn được, lại thuộc cả tích diễn, cả câu hát. Cái lúc Lưu Bình sang thăm Dương Lễ đỗ được bổ về làm tri huyện sở tại. Này này thằng lính lệ sắp bưng ra cái mâm gỗ có quả cà bát làm bằng nắm đất thó lăn lóc. Thế mà như thật. Lưu Bình cau mặt phủi áo đi. Lưu Bình vừa vào khuất thì nàng ba Châu Long đã khăn gói bước ra, quan Dương Lễ đứng trong hát với ra dặn dò vợ đi nuôi bạn.
    Nàng Ba đuổi theo Lưu Bình, đến quán Nghênh Xuân thì gặp Lưu Bình đương đăm đăm nhìn dòng nước chảy, Lưu Bình phẫn chí định trẫm mình chết trôi sao? Châu Long bước vòng qua, hát mấy câu đường trường thì vừa tới kịp.
    Châu Long khuyên nhủ rồi đưa Lưu Bình về nhà. Từ đấy, canh cửi và đèn sách bên nhau, hẹn bao giờ đại đăng khoa thì tiểu đăng khoa. Chỉ trên mặt chiếc chiếu, quanh quanh với bước đi và câu hát mà đủ mọi sự tình, đêm hôm và mưa nắng, mùa hạ sang mùa xuân, mấy năm qua. Luống những đầu mày cuối mắt mà ra hờ hững, mà lại dường như đinh ninh một câu thương nhớ ở đâu rơi xuống, đấy là Châu Long tự thán hay là ông trời xanh trong đêm đen kia than thở bỏ lời hộ người.
    Những tưởng lúc chiều đông tựa cửa
    Ngao ngán thay cho cảnh vợ xa chồng. Ngao ngán thay cho cảnh vợ xa chồng.
    ối a... tình bằng... thế mà mê tơi lăn lóc cả cái sân đình. Chị em cái Vối, cái Nụ thương Châu Long quá. Châu Long đẹp thế, mỗi lúc một đẹp hơn, thương hơn. Tấm áo nâu non vạt thắt quả găng, cái khăn thâm mỏ quạ mà như cô tiên, cô tiên giáng trần tu duyên tích đức. Thương quá. Nước mắt cái Vối ứa ra lúc nào, đêm tối chẳng ai trông thấy ai, Vối mặc cho nước mắt chan chứa xuống. Chốc chốc, cái Nụ lại kéo áo chị, nhất là đến những khi đêm hôm Châu Long ngồi trong khung cửi, Dương Lễ nằm ngoài trường kỷ đọc sách, chốc lại buông sách xuống đứng lên những toan bước vào. Nụ lại kéo áo Vối, không biết là nó muốn Lưu Bình bước vào buồng cửi hay nó bảo chàng đừng... Mà sao lúc ấy tiếng hát Châu Long trong vắt, hay thế, yêu thế. Chị em Vối cứ như người thất thần cho đến khi trống tan trò, mọi người gọi nhau tìm đóm làm đuốc về, bấy giờ mới như sực tỉnh ra.
    Ðêm mười sáu, trăng tháng giêng, trời mù mịt trăng suông. Ðóm đuốc về các ngả, bỗng rậm rịch bọn người chạy lại.
    - Bắt lấy nó! Bắt lấy nó cho ông!
    Qua điếm canh, thấy mấy người bị trói giặt cánh khuỷu vào chỗ cái giá cắm đinh ba, câu liêm.
    - Kẻ trộm à?
    - Ăn trộm người thôi!
    - Thiên hạ đến chim gái làng thì cứ việc gô cổ lại.
    Một ngời nói to:
    - Chúng ông cõng con phường chèo thì bận gì đến nhà chúng mày!
    Thì ra lúc tan trò, lũ này háu quá chui vào kéo cô Châu Long. Bọn trai làng xông tới, bắt được trói về đây. Bây giờ không biết thế nào, đâm ra lục đục cãi vã. Người nói chõ vào: "Gái làng chẳng phải, họ hàng cũng không, khéo ghen hão". Cứ thế ầm ĩ, loạn xạ.
    - Ðứa nào chửi ông? Ðứa nào?
    Như sắp choảng nhau to đến nơi.

Chia sẻ trang này