1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn tôi và bạn yêu thích ..cùng đọc ..cùng khóc ..cùng cười ...cùng chia sẻ ...

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi ngoclinhkhue, 24/08/2008.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. ngoclinhkhue

    ngoclinhkhue Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    20/07/2008
    Bài viết:
    117
    Đã được thích:
    0

    Nhớ một ngày mùa đông đói rét năm tôi học lớp ba, trời đột ngột đổ mưa, bà nội sai mẹ mang ô cho tôi. Có lẽ trên đường đến trường tôi mẹ đã ngã ì oạch mấy lần, toàn thân trông như con khỉ lấm bùn, mẹ đứng ở ngoài cửa sổ lớp học nhìn tôi cười ngớ ngẩn, miệng còn gọi tôi: "Thụ... ô...". Có mấy đứa bạn tôi cười khúc khích, tôi như ngồi trên bàn chông, oán hận mẹ khủng khiếp, hận mẹ không biết điều, hận mẹ làm tôi xấu hổ, càng hận thằng Phạm Gia Hỷ cầm đầu trêu chọc. Trong lúc nó còn đang khoa trương bắt chước mẹ, tôi chộp cái hộp bút trước mặt, đập thật mạnh cho nó một phát, nhưng bị Phạm Gia Hỷ tránh được. Nó xông tới bóp cổ tôi, chúng tôi giằng co đánh nhau. Tôi nhỏ con, vốn không phải là đối thủ của nó, bị nó dễ dàng đè xuống đất. Lúc này, chỉ nghe một tiếng "vút" kéo dài từ bên ngoài lớp học, mẹ giống như một đại hiệp "bay" ào vào, một tay tóm cổ Phạm Gia Hỷ, đẩy ra tận ngoài cửa lớp. Ai cũng bảo người điên rất khỏe, thật sự đúng là như vậy. Mẹ dùng hai tay nhấc bổng thằng bắt nạt tôi lên trên không trung, nó kinh sợ kêu khóc gọi bố mẹ, một chân béo ị khua khoắng đạp loạn xạ trên không trung. Mẹ không thèm để ý, vứt nó vào ao nước cạnh cổng trường, rồi mặt thản nhiên, mẹ đi ra.
    Mẹ vì tôi gây ra đại hoạ, mẹ lại làm như không có việc gì xảy ra. Trước mặt tôi, mẹ lại có vẻ khiếp nhược, nhìn tôi vẻ muốn lấy lòng. Tôi hiểu ra đây là tình yêu của mẹ, dù đầu óc mẹ không tỉnh táo, thì tình yêu của mẹ vẫn tỉnh táo, vì con trai của mẹ bị người ta bắt nạt. Lúc đó tôi không kìm được kêu lên: "Mẹ!" đây là tiếng gọi đầu tiên kể từ khi tôi biết nói. Mẹ sững sờ cả người, nhìn tôi rất lâu, rồi y hệt như một đứa trẻ con, mặt mẹ đỏ hồng lên, cười ngớ ngẩn. Hôm đó, lần đầu tiên hai mẹ con tôi cùng che một cái ô về nhà. Tôi kể sự tình cho bà nội nghe, bà nội sợ rụng rời ngã ngồi lên ghế, vội vã nhờ người đi gọi cha về. Cha vừa bước vào nhà, một đám người tráng niên vạm vỡ tay dao tay thước xông vào nhà tôi, không cần hỏi han trắng đen gì, trước tiên đập phá mọi bát đũa vò hũ trong nhà nát như tương, trong nhà như vừa có động đất cấp chín. Đây là những người do nhà Phạm Gia Hỷ nhờ tới, bố Phạm hung hãn chỉ vào cha tôi nói: "Con trai tao sợ quá đã phát điên rồi, hiện đang nằm nhà thương. Nhà mày mà không mang 1000 tệ trả tiền thuốc thang, ****** tao cho một mồi lửa đốt tan cái nhà mày ra."
    Một nghìn tệ? Cha đi làm một tháng chỉ 50 tệ! Nhìn những người sát khí đằng đằng nhà họ Phạm, cha tôi mắt đỏ lên dần, cha nhìn mẹ với ánh mắt cực kỳ khủng khiếp, một tay nhanh như cắt dỡ thắt lưng da, đánh tới tấp khắp đầu mặt mẹ. Một trận lại một trận, mẹ chỉ còn như một con chuột khiếp hãi run rẩy, lại như một con thú săn đã bị dồn vào đường chết, nhảy lên hãi hùng, chạy trốn, cả đời tôi không thể quên tiếng thắt lưng da vụt lạnh lùng lên thân mẹ và những tiếng thê thiết mẹ kêu. Sau đó phải trưởng đồn cảnh sát đến ngănbàn tay bạo lực của cha. Kết quả hoà giải của đồn cảnh sát là: Cả hai bên đều có tổn thất, cả hai không nợ nần gì nhau cả. Ai còn gây sự sẽ bắt luôn người đó. Đám người đi rồi, cha tôi nhìn khắp nhà mảnh vỡ nồi niêu bát đũa tan tành, lại nhìn mẹ tôi vết roi đầy mình, cha tôi bất ngờ ôm mẹ tôi vào lòng khóc thảm thiết. "Mẹ điên ơi, không phải là tôi muốn đánh mẹ, mà nếu như tôi không đánh thì việc này không thể dàn xếp nổi, nhà mình làm gì có tiền mà đền cho người. Bởi nghèo khổ quá mà thành hoạ đấy thôi!". Cha lại nhìn tôi nói: "Thụ, con phải cố mà học lên đại học. Không thì, nhà ta cứ bị người khác bắt nạt suốt đời, nhé!". Tôi gật đầu, tôi hiểu.
    Mùa hè năm 2000, tôi thi đỗ vào trung học với kết quả xuất sắc. Bà nội tôi vì làm việc cực nhọc cả đời mà mất trước đó, gia cảnh ngày càng khó khăn hơn. Cục Dân Chính khu tự trị Ân Thi (Hồ Bắc) xếp nhà tôi thuộc diện đặc biệt nghèo đói, mỗi tháng trợ cấp 40 tệ. Trường tôi học cũng giảm bớt học phí cho tôi, nhờ thế tôi mới có thể học tiếp.
    Vì học nội trú, bài vở nhiều, tôi rất ít khi về nhà. Cha tôi vẫn đi làm thuê 50 tệ một tháng, gánh tiếp tế cho tôi đặt lên vai mẹ, không ai thay thế được. Mỗi lần bà thím nhà bên giúp nấu xong thức ăn, đưa cho mẹ mang đi. Hai mươi ki lô mét đường núi ngoằn ngoèo ruột dê làm khổ mẹ phải tốn sức ghi nhớ đường đi, gió tuyết cũng vẫn đi. Và thật là kỳ tích, hễ bất cứ việc gì làm vì con trai, mẹ đều không điên tí nào. Ngoài tình yêu mẫu tử ra, tôi không còn cách giải thích nào khác. Y học cũng nên giải thích khám phá hiện tượng này.
    27/4/2003, lại là một chủ nhật, mẹ lại đến, không chỉ mang đồ ăn cho tôi, mẹ còn mang đến hơn chục quả đào dại. Tôi cầm một quả, cắn một miếng, cười hỏi mẹ: "Ngọt quá, ở đâu ra?" Mẹ nói: "Tôi... tôi hái..." không ngờ mẹ tôi cũng biết hái cả đào dại, tôi chân thành khen mẹ: "Mẹ, mẹ càng ngày càng tài giỏi!". Mẹ cười hì hì.
    Trước lúc mẹ về, tôi theo thói quen dặn dò mẹ phải cẩn thận an toàn, mẹ ờ ờ trả lời. Tiễn mẹ xong, tôi lại bận rộn ôn tập trước kỳ thi cuối cùng của thời phổ thông. Ngày hôm sau, khi đang ở trên lớp, bà thím vội vã chạy đến trường, nhờ thầy giáo gọi tôi ra ngoài cửa. Thím hỏi tôi, mẹ tôi có đến đưa tiếp tế đồ ăn không? Tôi nói đưa rồi, hôm qua mẹ về rồi. Thím nói: "Không, ****** đến giờ vẫn chưa về nhà!" Tim tôi thót lên một cái, mẹ tôi chắc không đi lạc đường? Chặng đường này mẹ đã đi ba năm rồi, có lẽ không thể lạc được. Thím hỏi: "****** có nói gì không?" Tôi bảo không, mẹ chỉ cho cháu chục quả đào tươi. Thím đập hai tay:" Thôi chết rồi, hỏng rồi, có lẽ vì mấy quả đào dại rồi!" Thím kêu tôi xin nghỉ học, chúng tôi đi men theo đường núi về tìm. Đường về quả thực có mấy cây đào dại, trên cây chỉ lơ thơ vài quả cọc, bởi nếu mọc ở vách đá mới còn giữ được quả. Chúng tôi cùng lúc nhìn thấy trên thân cây đào có một vết gãy cành, dưới cây là vực sâu trăm thước. Thím nhìn tôi rồi nói: "Chúng ta đi xuống khe vách đá tìm!" Tôi nói: "Thím, thím đừng doạ cháu...". Thím không nói năng kéo tôi đi xuống vách núi...
    Mẹ nằm yên tĩnh dưới khe núi, những trái đào dại vương vãi xung quanh, trong tay mẹ còn nắm chặt một quả, máu trên người mẹ đã cứng lại thành đám màu đen nặng nề. Tôi đau đớn tới mức ngũ tạng như vỡ ra, ôm chặt cứng lấy mẹ, gọi: "Mẹ ơi, Mẹ đau khổ của con ơi! Con hối hận đã nói rằng đào này ngọt! Chính là con đã lấy mạng của mẹ... Mẹ ơi, mẹ sống chẳng được hưởng sung sướng ngày nào..." Tôi sát đầu tôi vào khuôn mặt lạnh cứng của mẹ, khóc tới mức những hòn đá dại trên đỉnh núi cũng rớt nước mắt theo tôi.
    Ngày 7/8/2003, một trăm ngày sau khi chôn cất mẹ, thư gọi nhập học dát vàng dát bạc của Đại học Hồ Bắc đi xuyên qua những ngả đường mẹ tôi đã đi, chạy qua những cây đào dại, xuyên qua ruộng lúa đầu làng, "bay" thẳng vào cửa nhà tôi. Tôi gài lá thư đến muộn ấy vào đầu ngôi mộ cô tịch của mẹ: "Mẹ, con đã có ngày mở mặt mở mày rồi, MẸ có nghe thấy không? MẸ có thể ngậm cười nơi chín suối rồi"
  2. ngoclinhkhue

    ngoclinhkhue Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    20/07/2008
    Bài viết:
    117
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn thứ sáu : Bát canh nước trong rau biếc

    Các nhà văn Trung Quốc viết về hôn nhân - hạnh phúc gia đình với biết bao sự gần gũi chân thực rất văn mà cũng rất đời .
    Có ai đó đã nói rằng phụ nữ là khó hiểu và mâu thuẫn
    "Tình yêu của một người đàn ông chỉ là một phần của cuộc sống còn tình yêu đối với người đàn bà là cả cuộc đời "
    Cùng đọc để biết thêm một món canh ngon của ẩm thực Trung Quốc và hiểu hơn một người phụ nữ khi yêu chân thành


    Bát canh nước trong rau biếc
    Phan Hướng Lê
    Phạm Tú Châu trích dịch.

    Anh mở cửa rồi nhìn sang phòng khách, không thấy chị ở đó. Anh mỉm cười, đi vào bếp, quả nhiên chị đang đảo cơm trong nồi. Anh ngửi thấy mùi cơm thơm, rất thơm. Điều lạ là ở nơi khác, hầu như anh chưa ngửi thấy mùi cơm thơm như thế bao giờ.
    Anh rửa tay, ngồi vào bàn ăn. Chị bưng lên hai đĩa nhỏ có hoa xanh, một đĩa đựng mười mấy con ốc hạt mít, một đĩa đựng rau non mỡ, trong trong. Cuối cùng chị bưng lên một âu sành nhỏ, đây mới chính là món anh mong chờ nhất. Lập tức anh mở nắp âu ra xem, trong đó có trắng có xanh, có đỏ, trông thật vui mắt.
    Anh tự múc trong âu ra nửa bát canh. Nước canh trong, không có váng mỡ, xanh là rau cải, trắng là đậu phụ, lại còn dăm ba hạt câu kỷ đỏ. Mùi vị canh tuyệt hảo, bảo chay tịnh thì lại rất đậm đà, bảo đậm đà thì lại rất thanh đạm, bảo thanh đạm thì lại rất ngọt ngào. Bát canh chẳng khác gì có đoá phù dung nổi trên mặt nước trong, đầy vẻ thiên nhiên. Chỉ húp một ngụm thôi đã thấy các giác quan bị tê liệt cả một ngày bỗng dưng thức tỉnh, vẻ mặt anh cũng biến đổi theo. Dường như vỏ bọc mỏng trên mặt đã bị vỡ tan, tất cả các thớ thịt, tất cả các nếp nhăn đều duỗi ra... thật là một món canh ngon tuyệt! Nó khác hẳn các bữa tiệc anh phải thù tiếp - tiệc công việc. Loại tiệc như thế không bao giờ có cơm. Lúc nào cũng quá nhiều chất béo, quá nhiều vị nồng cay làm cháy cả cổ, lưỡi hầu như tê dại.
    Anh húp liền hai bát canh rồi mới ăn cơm, cứ một con ốc hạt mít lại một gắp rau, một đằng béo, một đằng giòn, đều là những món trôi cơm. Bát cơm hết veo lúc nào cũng chẳng hay, nhưng anh không xới thêm mà chỉ nhấm nháp một lưng canh nữa, sau đó anh đặt bát xuống, mỉm cười với chị:
    - Em nấu sao được món canh này? Ai cũng bảo tiệm ông Vương Già có món canh ngon, nhưng theo anh thì canh ở tiệm ấy cũng không ngon bằng canh nhà nấu.
    - Nói ra thì... Kỳ thực rất đơn giản, nhưng phải có lòng kiên trì.
    Sau này nhiều lần anh thấy luyến tiếc cuộc sống lúc đó. Cuộc sống thật yên bình. Cảm giác thật tuyệt khi ngồi vào bàn ăn đợi vợ bưng chiếc âu sành lên, màu sắc đẹp mắt khi mở nắp âu ra.
    Anh đã kết hôn mười bảy mười tám năm rồi. Vợ anh là bạn thời học đại học, là mối tình đầu. Ra trường hai năm, họ làm lễ cưới và chẳng bao lâu đã có con. Thằng bé chẳng những học vào loại ưu mà còn rất xinh trai, bởi vì chị là hoa khôi của trường, chẳng cần trang điểm cũng đáng yêu. Vì thế nên anh không dễ bị sắc đẹp đàn bà làm kinh động. Vả chăng anh cũng biết sắc đẹp của phụ nữ bây giờ phần lớn nhờ vào mỹ phẩm.
    Nhưng sự xuất hiện của Đô Đô là một việc hoàn toàn bất ngờ. Lúc đầu anh thấy đó chỉ là cô bé còn chưa trút bỏ được vẻ ấu trĩ, như một bình hoa thuỷ tinh, đẹp và trong suốt, chỉ để ngắm chứ không dùng được bao lâu. Tới khi nhận ra ý đồ của cô bé, anh còn cảm thấy buồn cười. Nếu không phải là nhân viên của anh, cô bé đáng gọi anh bằng chú. Đương nhiên anh cũng thầm lấy làm thích thú. Cô bé chẳng những xinh đẹp mà gia đình cũng không xoàng. Cha là luật sư nổi danh, mẹ là bác sĩ nổi tiếng, gia đình vốn định cho cô sang Đại học Cambridge du học. Một cô bé như thế mà gần gũi đàn ông thì...
    Lúc đầu anh thật sự không hề để ý vì cho rằng Đô Đô chỉ bốc đồng nhất thời, hơn nữa anh không thể phá hoại gia đình của mình. Nhiều năm nay, vợ anh xin nghỉ công việc dạy học ở một trường trung học mà chị đang làm rất tốt, chuyên tâm ở nhà giúp chồng, dạy con. Một phụ nữ ngoài bốn chục tuổi, không có sự nghiệp, cũng không có bạn bè, chị sẽ sống sao đây? Huống hồ rất nhiều đàn ông bây giờ sau khi thành đạt đều tìm thú vui mới, bỏ mặc người vợ kết tóc xe tơ. Anh không muốn mình cũng là hạng đàn ông tầm thường. Nhưng con gái thời nay chỉ thích làm theo ý mình. Các cô muốn gì là vừa khóc vừa gào đòi chết. Bình hoa thuỷ tinh Đô Đô vì yêu anh vô vọng nên đặt mình trên vách đá thẳng đứng. Cuối cùng anh đành phải giơ tay đỡ lấy cô ta.
    Anh không về nhà ăn cơm nữa. Sau đó cả đến tối cũng không về. Anh bảo anh quá bận, sau đó lại nói anh muốn ở một mình cho yên tĩnh. Chị im lặng hồi lâu. Cuối cùng chị bảo:
    - Thôi thế này vậy, khi nào anh muốn về thì gọi điện.
    Anh không thích thuê nhà, bảo phải mua một căn hộ trang bị đầy đủ, đồng bộ, từ đồ đạc đến đồ điện. Đô Đô lại không thích, cô bảo kiểu nhà như thế không có phong cách. Cuối cùng cô đưa anh về ở nhà cô. Đô Đô một mình ở căn hộ hai phòng ở, một phòng khách do cha mẹ mua cho. Cô tự trang trí lấy, một phong cách gọn nhẹ, hiện đại nhưng lại là kiểu còn tốn tiền hơn cả bài trí hoa lệ.
    Tình yêu mới, nhà ở mới, không khí mới, điên cuồng mới, cả anh cũng thấy mình như đổi mới. Mấy tháng trời qua đi như có cánh bay. Cũng có lúc cả hai thấy đói. Anh là nhân vật của một nửa công chúng, không thể đi ăn hàng ngày ở tiệm, Đô Đô đành phải gọi các tiệm mang đồ ăn tới nhà. Món ăn đưa đến không có canh, họ có lúc uống thay bằng trà Ô Long đóng hộp và thường xuyên hơn là uống Côca Côla.
    Dần dần bữa ăn trở thành công việc khổ sai, bởi các món đưa đến trở nên khó nuốt, hơn nữa anh còn phải che giấu, bởi chỉ cần anh tỏ ra không vừa ý là Đô Đô nói ngay: "Em biết anh lại nhớ cuộc sống trước kia rồi chứ gì? Anh thấy hối thì cứ nói toẹt ra đi!".
    Chẳng ngờ một hôm, vừa vào qua cửa, anh đã nhìn thấy khuôn mặt ửng hồng vì hưng phấn của Đô Đô. Đô Đô kéo anh vào bếp. Trong bếp là cảnh một siêu thị thu nhỏ sau cơn động đất. Mọi thứ đều rối loạn, cả đến mái tóc của Đô Đô cũng dính một thứ gì đó vàng vàng như mỡ. Tất bật một lúc lâu rồi Đô Đô cũng làm xong. Anh làm ra vẻ không do dự xúc món xúc xích viên sốt cà chua thêm mười mấy thứ gia vị khác nữa. Ăn xong, anh nói: "Từ nay không cần phải nhiêu khê đến thế. Người giỏi làm cơm thì cho dù chỉ có canh nước trong cải biếc, ăn vào đã thấy sướng!".
    Dứt lời, anh lập tức nhận ra mình đã nói một câu không nên nói.
    o O o
    Khi tiếng chuông cửa vang lên, trong một giây, chị tưởng anh trở về, nhưng chị hiểu ngay là không phải. Chị mở cửa, một cô gái trẻ đứng ngay trước mặt chị, da trắng nõn nà. Chị thầm hỏi bằng ánh mắt, cô bé nói: "Em là Đô Đô, bạn của chồng chị!".
    Chị hiểu ra ngay. Đô Đô muốn tìm một tình cảm nào đó biểu hiện trên nét mặt chị nhưng không hề có. Cô ấy đi vào đề:
    - Hôm nay em đến đây, một là muốn thấy chị là người như thế nào, hai là muốn được chị cho ăn cơm chị nấu. Anh thường khen chị nấu món đơn giản nhất cũng thành được món ngon nhất nên em tò mò.
    Chị dường như cảm thấy khó nghĩ, lát sau mới nói:
    - Thế thì cô ăn tạm bữa cơm xoàng vậy.
    Chị dọn ra một bát cơm, hai đĩa thức ăn nhỏ và một cái âu sành. Đô Đô mở âu sành, múc một bát canh, húp một ngụm rồi chẳng cần suy nghĩ đã reo "Oa!". Cô ngờ vực nhìn chị:
    - Đây chính là món canh nước trong rau biếc hay sao?
    - Anh ấy gọi như thế! - Chị đáp.
    - Chị có thể cho em biết canh này nấu như thế nào không?
    Chị dường như khẽ trút một tiếng thở dài, sau đó mới nói:
    - Phải chuẩn bị nhiều thứ đấy. Sườn ngon, giămbông Kim Hoa, gà cỏ Tô Bắc, tôm tươi Thái Hồ, măng núi Mạc Can, sò tươi, nấm hương, đến mùa cua thì mua cua hồ Dương Trừng, chặt làm đôi, cho tất cả vào âu đun nhỏ lửa chừng ba bốn giờ. Nước một lần phải đổ cho đủ, không cho muối, bột nêm. Hầm xong, vớt tất cả bã ra, cả những vụn bã nhỏ cho nước thật trong. Lúc gần ăn mới thả đậu phụ, rau cải, những thứ này có thể hút hết váng mỡ.
    Đô Đô hít vào một hơi dài. Đây chính là món canh được gọi là "nước trong rau biếc" sao? Lòng dạ người phụ nữ này mới sâu lắng làm sao! Còn người đàn ông kia nói mà chẳng hiểu gì hết. Hàng ngày được hưởng thụ món ngon như thế mà anh lại cho rằng đó là món đơn giản nhất, dễ làm nhất? Chính trong giây phút đó, Đô Đô sâu sắc hiểu ra người phụ nữ ấy. Cô cũng hiểu ra trên thế giới này, giữa tình yêu này và tình yêu kia khác xa nhau biết mấy!
    Chị nhìn Đô Đô, cười khoan dung rồi hỏi:
    - Cô có thể vì anh ấy mà nấu như vậy không?
    Đô Đô ngoẹo đầu, nghiêm túc suy nghĩ rồi đáp:
    - Em có thể làm như vậy, nhưng không cần nữa rồi.
    Một tháng sau. Chiều muộn, như thường lệ chị ở trong bếp. Chuông cửa bỗng reo vang, chị mở cửa, bất ngờ lại là anh. Chị ngẩn ra, buột miệng hỏi:
    - Sao thế? Quên không mang chìa khoá à?
    Anh cảm thấy như trút được gánh nặng, xác định mình có thể rửa tay ngồi vào bàn ăn được rồi. Chị bưng lên một khay to. Chứ không mang thành nhiều lần như trước. Trên khay có hai bát cơm, hai đĩa nhỏ thức ăn và một cái âu sành. Đó là thứ anh nhớ nhung nhất. Không chờ được, anh mở nắp âu, múc ra lưng bát canh. Vẫn có xanh, đỏ, trắng, vẫn là màu nước trong vắt, không có váng mỡ. Anh hấp tấp hút một ngụm, chỉ một ngụm ấy là đã biến sắc mặt.
    - Canh gì thế này? - Anh không dám nhổ ra.
    Chị nếm một ngụm rồi nói:
    - Nước trong rau biếc thì chỉ có thế này thôi.
    Anh đặt thìa xuống xét nét nhìn chị. Chị không nhìn anh, thản nhiên ăn cơm. Anh không ăn, châm một điếu thuốc. Chị không hề nhìn anh lấy một cái. Ăn xong miếng cuối cùng, chị thu hết bát đĩa vào khay, sau đó mới nhìn thẳng vào anh nói:
    - Nhà ta sau này có thể phải thuê một người giúp việc theo giờ. Em tìm được việc rồi mà việc nhà lại nhiều như vậy.
    - Em đi làm? Làm gì? - Anh kinh ngạc hỏi.
    - Anh quên rồi à? Em vốn là một cô giáo.
    Ngụm canh khó nuốt vừa nãy dường như cuộn lên trong ruột, anh buột miệng hỏi:
    - Việc lớn như thế sao không bàn với tôi? Em bây giờ sao thế? - Vừa hỏi xong, anh đã thấy hối. Người đuối lý là anh.
    Nhưng chị không nói gì thêm, chỉ nhìn anh một cái. Cái nhìn ấy khiến anh bắt đầu nhận ra mình thật ngu xuẩn.
  3. Khongco0

    Khongco0 Thành viên mới Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    22/01/2008
    Bài viết:
    2.039
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn thứ 7: Ly Hôn
    Cùng đến với một đôi vợ chồng nghèo Trung Quốc nhé để cùng cười tủm tỉm khi đọc câu truyện này
    Một truyện ngắn hạnh phúc khác hẳn tựa đề của nó


    Ly hôn
    Dịch giả : Nguyễn Mạnh Tùng
    Truyện ngắn Trung Quốc


    Suy đi tính lại mãi, Mai Lan mới đi đến quyết định ly hôn với chồng. Từ khi lấy Dương Tiểu Sơn, cô thật khổ vì chồng. Dương Tiểu Sơn quen thói la cà, cờ bạc, đề đóm không chịu làm ăn gì. Cô đã tốn không biết bao nhiêu công sức khuyên nhủ chồng nhưng Dương Tiểu Sơn vẫn chứng nào tật ấy chẳng thèm chú ý gì đến việc lập nghiệp hưng gia.
    Lấy chồng đã hơn ba năm mà mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều một mình cô lo liệu. Mới hai mươi bốn tuổi, có chồng cũng như không, chẳng trông mong gì được ở chồng, sức chịu đựng của Mai Lan có hạn nên cô quyết định đem chuyện ly hôn ra nói với chồng. Nào ngờ, chồng cô rất thoải mái trả lời: ?oLy thì ly, đi hết đường núi này thì làm gì chẳng có miếu!?.
    Thế là hai vợ chồng dắt nhau đến tòa án huyện.
    Vào phòng tiếp hồ sơ của tòa án huyện. Dương Tiểu Sơn khúm núm mời trưởng phòng Đỗ một điếu thuốc lá Song Hỉ và nói:
    - Thưa trưởng phòng Đỗ! Chúng tôi muốn được ly hôn.
    Trưởng phòng Đỗ mệt mỏi nhận tờ đơn, miệng nói luôn:
    - Nộp năm trăm đồng!
    Mai Lan giật mình khi nghe trưởng phòng Đỗ nói thế. Tất cả vốn liếng của cô chỉ có một trăm năm mươi đồng. Số tiền đó cô phải dành dụm, tằn tiện mãi mới có, mang đi những mong mua một con lợn giống.
    Dương Tiểu Sơn gãi đầu, gãi gáy, anh ta thì một xu dính túi cũng không có. Bao thuốc Song Hỉ kia cũng là vừa mua chịu ở cửa hàng bà bác trong làng.
    Trưởng phòng Đỗ mặt lạnh lùng nói:
    - Đưa đơn thì phải có tiền, không thì thôi. Về đi! Khi nào có tiền thì hẵng đưa đơn, nghe chưa!
    Mai Lan nói với chồng:
    - Lệ phí này mỗi người chịu một nửa.
    Về nhà, Mai Lan lại cặm cụi chở rau lên phố bán. Tằn tiện mãi mới gom đủ hai trăm năm mươi đồng. Dương Tiểu Sơn thì sáng nào cũng dậy sớm vác thuổng đào lươn, bắt chạch.
    Gần nửa tháng sau, họ lại dắt nhau lên tòa án. Lúc ấy, trưởng phòng Đỗ vừa đưa xác nhận ly hôn cho một đôi vợ chồng trẻ khác. Thấy vợ chồng Mai Lan, ông ta lạnh lùng hỏi:
    - Việc gì?
    Mai Lan vội nói:
    - Chúng tôi xin ly hôn.
    Cô vừa đưa đơn vừa móc túi lấy ra năm trăm đồng đưa lên bàn. Đỗ trưởng phòng thu tiền và đưa cho cô một tờ khai rồi ông ta lại cúi xuống cắm cúi xem cái gì đó.
    Đợi mãi không thấy ông ta nói gì, Mai Lan liền giục:
    - Thưa trưởng phòng Đỗ việc của chúng tôi...
    Trưởng phòng Đỗ lúc đấy mới ngẩng đầu lên nói:
    - Các người cho ly hôn là dễ thế nào? Phải để cho người ta xem xét rồi thụ lý chứ!
    Hai vợ chồng lại lủi thủi ra khỏi tòa án. Ra đến cổng, họ lại gặp người đàn ông vừa nãy được trưởng phòng Đỗ giao cho tờ xác nhận ly hôn. Nhìn vợ chồng Mai Lan, anh ta đắc ý nói:
    - Đúng là ngon ơ! Hôm qua tôi đưa đơn, hôm nay đã có ngay xác nhận ly hôn.
    Mai Lan ngạc nhiên hỏi anh ta:
    - Thật vậy à?
    Anh ta bô bô:
    - Rõ là quê một cục chẳng hiểu gì. Việc ly hôn bây giờ mà không ghép vào đơn hai bông ?ovua hoa sen? thì có mà đến mồng thất cũng không có giấy xác nhận!
    Dương Tiểu Sơn hỏi:
    - Tức là bốn trăm đồng à?
    Về nhà, Mai Lan lại đi bán rau. Dương Tiểu Sơn lại đi bắt lươn, móc chạch đến tối mịt mới lê cái thân dính đầy bùn đất về. Mai Lan lại thấy vui trong lòng. Anh ta đến tiền ly hôn cũng không có.
    Lại nửa tháng nữa trôi qua. Hai vợ chồng lại lẳng lặng lên đường. Dương Tiểu Sơn lưng cứ còng xuống, đau ê ẩm không đứng thẳng lên được. Anh ta gầy rộc đi. Chẳng hiểu sao, Mai Lan cứ chân nọ vấp chân kia trên đường đi. Đi được chừng năm dặm, Mai Lan bỗng nói với chồng.
    - Chẳng phải chúng ta đã phí phạm mất hơn nghìn đồng rồi à?
    Tiểu Sơn nói:
    - Biết làm sao được!
    Mai Lan nói:
    - Số tiền ấy có thể mua được bốn, năm con lợn giống ấy chứ!
    Tiểu Sơn im lặng một lát rồi nói:
    - Lại mua lợn về nuôi à?
    Mai Lan lại nói:
    - Mua được đến ba trăm con vịt ấy chứ lỵ!
    Tiểu Sơn giục:
    - Đi thôi! Đừng thừa lời nói những chuyện vớ vẩn ấy nữa.
    Mai Lan nhìn chồng nói:
    - Tiểu Sơn! Hay là mình không ly hôn nữa nhé!
    Tiểu Sơn ngạc nhiên nhìn vợ rồi nói:
    - Thế là mất toi năm trăm đồng. Rõ là tiếc đứt ruột!
    Mai Lan nói:
    - Mất năm trăm mà thay đổi được con người anh thì cũng đáng.
    Dương Tiểu Sơn bỗng nước mắt tràn mặt, nói:
    - Mai Lan! Em tha lỗi cho anh, anh thề sẽ không sống như trước nữa.
    Hai vợ chồng quay gót trở về, lòng hân hoan vui sướng theo hướng nhà thẳng tiến.

Chia sẻ trang này