1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Truyện ngắn

Chủ đề trong 'Đất Sài Gòn' bởi 7miles, 06/05/2007.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. 7miles

    7miles Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    12/02/2005
    Bài viết:
    900
    Đã được thích:
    0
    Truyện ngắn

    [​IMG]
    Chiếc lá

    Chiếc xe gã đang lái đi làm hằng ngày là chiếc Honda đời 83 đã over miles. Gã tơi tả, chiếc xe còn tơi tả hơn gã. Thế mà gã và xe cứ lê lết tấm thân tàn hết ngày này qua tháng nọ không hề đau yếu một lần. Không hề đau yếu
    không có nghĩa là hoàn toàn khoẻ mạnh. Chiếc xe cứ thế khật khù mỗi lần gã leo lên, cũng như gã cứ thế mà lừng khừng trôi vào cuộc sống đến độ buồn chán. Ðôi lúc đang trên đường gã mong một chiếc bạt mạng nào tông vào đít xe của gã cho rồi. Biết đâu chừng đó là cái cớ nằm vạ để bắt đền, và cũng biết đâu chừng nhờ vậy gã mới có dịp mua một chiếc xe khác khá hơn? Vào một buổi chiều trong khi gã đang đợi đèn đỏ ở một góc ngã tư, thì bỗng rầm một tiếng phía sau. Như vậy là xe mình đã "được" tông. Gã mỉm cười khoái chí, cái ngày này gã mong đợi từ lâu. Cuối cùng cũng đã có một con nhạn sa lưới. Không biết con nhạn nào đây? Trẻ, già, trai, gái, lớn, bé? Gã tà tà bước xuống, thầm mong sao chiếc xe mình thật thê thảm để tăng thêm phần gây áp lực về phía đối phương. Chiếc xe quả thê thảm thật, nhưng kẻ gây ra tai nạn không thê thảm chút nào. Cô gái ngồi tỉnh bơ trên chiếc xe của mình. Dân số người Mỹ trên 200 triệu, dân Việt Nam chiếm chưa đến tỷ lệ một phần trăm, cô gái lại là người Việt Nam. Gã hơi thất vọng, người Việt Nam nổi tiếng liều mạng, cứng đầu, gan góc không dễ gì bắt chẹt. Gã chắc lưỡi, trong cái hên (được xe đụng) vẫn còn cái xui (người đụng là Việt Nam lại là nữ?)

    - "Hình như cô đã tông vào xe tôi?"
    - "Tông rõ ràng chứ còn hình như gì nữa"
    Chưa gì cô gái trở giọng ngang như cua.
    - "Như vậy là cô phải đền?"
    - "Ðương nhiên"
    Cô gái mở cửa bước xuống. Khi cô gái bước xuống xe, không hiểu sao mọi ý đồ nằm vạ của gã tiêu tan trong chớp mắt. Gã trố mắt nhìn. Cô gái đầy khoan thai và hấp dẫn
    - "Ông muốn đền bao nhiêu? "
    Tự nhiên gã lắc đầu:
    - "Chuyện nhỏ thôi, bỏ qua đi"
    - "Bỏ qua đâu được, xe ông tan nát thế kia?"
    - "Kệ nó đừng để ý đến. Nó cũng đã cũ lắm rồi"
    Gã chép miệng:
    - "Cũng giống như tôi đến lúc đào thải là vừa"
    Cô gái cương:
    - "Nếu ông không chịu đền tôi gọi cảnh sát"
    Gã rướng gân cổ cãi:
    - "Người gọi cảnh sát là tôi chứ đâu phải cô. Tôi là nạn nhân mà"
    Cô gái phì cười:
    - "Ờ há"
    - "Thôi mạnh ai nấy đi trả lưu thông lại cho đường xá"
    - "Vậy thì cám ơn ông nha"
    Gã nói y như thiệt:
    - "Ơn nghĩa gì, đều là người Việt xa xứ với nhau"
    Chiếc xe mắc dịch chưa từng đau yếu một lần cả những lần gã mong cho nó đau yếu. Còn lần này gã mong nó được mạnh khoẻ thì lại trở chứng bệnh hoạn. Gã loay hoay gần toát mồ hôi mà chiếc xe cứ nằm lì, đề cách gì cũng không chịu nổ. Hình như chiếc xe giận gã cam tâm phản trắc mượn đao thiên hạ giết mình. Thấy vậy cô gái hỏi:
    - "Xe ông sao rồi?"
    Gã đáp cộc lốc:
    - " Trở chứng, hết xí quách. Cô đi đi, để tôi đẩy vào lề rồi đón xe bus về
    cũng được"
    - " Bến xe bus có gần đây không?"
    - " Ði bộ quẹo khoảng hai ba góc đường là tới"
    - " Hay là tôi đưa ông về? Nhà ông ở đâu?"
    - " Tận bên West lận"
    Cô gái reo lên:
    - "Tôi cũng ở bên đó, như vậy là tiện đường rồi"
    Gã nói chận một câu để gọi là cho đỡ mất mặt nam nhi chi chí:
    - "Tự ý cô mời chứ tôi không có yêu sách gì hết đó nghe"
    - "Biết rồi, biết rồi"
    Chiếc xe của cô gái trông rất xịn và ngon lành tuy thế vẫn còn thua xa chủ nhân. Trong khoảng dung tích thu hẹp của lòng xe đựng hai người, tim gã bỗng nhiên rộn ràng. Cô gái có mùi thơm đặc biệt (có cô gái nào mà chẳng
    có mùi thơm) vậy mà gã thầm xính quýnh. Chẳng lẽ ngồi im, gã khơi chuyện để giết thì giờ: "Năm nay cô được bao nhiêu tuổi?" Câu khơi đầu không lịch sự lại điểm trúng vào yếu huyệt của đàn bà. Ðàn bà con gái kỵ nhất là ai hỏi tuổi của mình. Gã hỏi lãng xẹt, vậy mà trong khi cô gái im lặng không thèm nói, gã lại yên chí đợi câu trả lời.
    - "Sao cô không trả lời?"
    Ðến nước này cô gái buột miệng:
    - "Hỏi vô duyên thấy mồ sao trả lời"
    Gã chợt hiểu mình đã vi phạm luật làm quen phái nữ:
    - "Xin lỗi, xin lỗi"
    - "Lỗi phải gì mà xin. Ông còn câu hỏi nào vô duyên hơn câu hỏi hồi nãy
    không?"
    - "Cô làm ở đâu?"
    Lại thêm một câu hỏi dở ẹt, cô gái lắc đầu:
    - "Phải công nhận dở hơn câu hỏi hồi nãy thiệt."
    Gã triết lý cùn:
    - "Dở cũng phải chịu. Ở đời đâu phải cái gì cũng giống như ý mình muốn đâu? Ví dụ như tôi ghét nhất hamburger vậy mà ngày nào cũng phải nhai nó để mà sống. Sống có nghĩa là để chấp nhận."
    Cô gái chỉ biết nhìn gã. Không biết thằng cha này có điên hay không, nói chuyện lừng khừng gì đâu. Nhưng rồi cô gái nghĩ thằng chả xem ra cũng có lý, như mình có muốn tông vào xe thằng chả đâu vậy mà vẫn tông. Mình đâu
    tốt đến nỗi phải chở thằng chả về nhà, vậy mà vẫn phải chở. Ngẫm nghĩ đến đây, quay sang nhìn, cái tướng lùi xùi nhìn kỹ thấy cũng hay hay. Tự nhiên cô gái mỉm cười:
    - "Bên West nhà ông ở đường nào?"
    - "Terry Parkway. Cô cứ giữ lane trái qua khỏi cầu con Cò sẽ thấy Exit Terry
    Parkway"
    - "Tôi biết đường Terry Parkway, nhưng nhà ông nằm ở khúc nào?"
    - "Khúc giữa"
    Gã trả lời cắc cớ. Cô gái đỏ mặt, ước gì mình không còn chút tình người tấp đại xe vào lề trân trọng mời gã cút xéo cho rồi.

    Vậy mà gã và cô gái quen nhau. Một đêm bên góc quán cà phê DuMont, có ngọn gió từ dưới sông Mississipi thổi lên cuốn theo một chiếc lá rớt trên mặt bàn. Gã cầm chiếc lá đưa cho cô gái:
    - "Có chiếc lá rụng tức nhiên là mùa thu đang về."
    Thấy gã bỗng nhiên lãng mạn ngang xương, cô gái chọc:
    - "Giống cải lương ghê"
    - " Ừ giống cải lương thật,tôi vẫn tự thấy mình giống như một kép hát cải lương. Cô biết không mùa thu ảm đạm lắm, cái không gian đó dễ làm chạnh lòng những ngườì xa xứ."
    - "Giống như ông chẳng hạn?"
    - " Ðúng. Như tôi chẳng hạn. Tặng cô chiếc lá này"
    - "Tặng tôi?"
    - "Ừ tặng cô, đừng xem thường nó, nó là sứ giả của mùa thu đấy"
    - "Ðể làm chi vậy?"
    - "Ðể làm kỷ niệm"
    - "Trời đất, giữa thời buổi điện toán này mà ông muốn em giữ chiếc lá giống như thời lạc hậu để làm kỷ niệm?"
    - "Ðôi lúc cần phải giữ. Người ta trước khi có hiện tại ai cũng đều bị có quá khứ hết. Quá khứ nhiều lúc có muốn cởi bỏ nó không phải dễ. Ngày xưa có một con ốc nhỏ sống cô quạnh trong một vũng đầm lầy với chuỗi tháng ngày mà nó cho là buồn thảm. Cư mỗi một ngày trả một ngày về cho quá khứ, sự buồn thảm vì thế trở thành chất chồng một quá khứ nặng nề trên lưng con ốc. Một hôm nó quyết định mang quá khứ đi chôn. Nó nghĩ chỉ có cách đó nó mới được nhẹ nhàng trong cuộc sống. Nghĩa địa nằm bên kia đường. Khi con ốc chở quá khứ đến được mé đường thì nó mới thấy rằng băng qua không phải dễ. Xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, không chừa một khoảng trống thời gian nào để khả dĩ tương xứng với vận tốc chậm như ốc để nó có thể băng qua. Cuối cùng con ốc hiểu rằng nếu nó muốn qua bên kia thì không thể nào thoát khỏi bị cán nát dưới những bánh xe. Vì thế nó đành cõng quá khứ trở về nơi đầm lầy nước đọng xưa kia. Con ốc đã không đủ can đảm làm một cuộc cách mạng hy sinh mạng sống của mình để trút bỏ một quá khứ dẫu quá đau buồn. Con ốc tự nó biết là cả suốt một cuộc đời đành luẩn quẩn ôm một quá khứ đau buồn của mình và chờ chết"
    - "Con ốc nằm chờ chết thật hả ông?"
    - "Chẳng lẽ nằm chờ sống. Có một sinh vật nào được trường sinh bất tử đâu?"
    - "Buồn quá nhỉ. Giả dụ như em chận xe lại để giúp con ốc qua đường. Như vậy theo ông con ốc có hy vọng gì chôn được quá khứ mình không?"
    - "Bên kia đường là nghĩa địa, con ốc còn chậm hơn rùa. Chỉ sợ khi nó cõng được quá khứ đến nơi thay vì chôn quá khứ thì nó lại tự chôn mình. Bởi vì thời gian trôi còn nhanh hơn vận tốc của nó nữa đó."
    - "Sao kỳ vậy?"
    - "Vì lúc đó con ốc đã già lắm rồi."
    - "Nhưng em thấy ông chưa già. Ông còn cả một quãng đường dài trước mặt" "Sao cô biết tôi còn một quãng dài trước mặt?"
    - "Biết chứ sao không vì em đã chận tuổi già ông lại rồi."
    - "Từ lúc nào?"
    - "Từ lúc em tông vào xe ông"
    - "Cô quả quyết như thế?"
    - "Quả quyết như thế"
    - "Quả quyết từ điểm nào?"
    - "Từ điểm ông bước xuống xe.. Lúc ông bước xuống xe cái mặt có vẻ muốn ăn thua đủ lắm, nhưng trông thấy em rồi ông lại tiu nghỉu bỏ qua"
    - "Tôi đâu có bỏ qua, bằng chứng cô đang ngồi đây với tôi trong hiện tại, trong khi cách đây không bao lâu khi còn là quá khứ mình là hai người không hề quen biết"
    - "Ðó là do cơ duyên"
    - "Do cơ duyên? Vậy thì cô có dám ngừng xe lại để đưa con ốc qua đường?"

    - "Sợ gì mà không dám. Chỉ sợ quá khứ đã tan thành máu nuôi cơ thể con ốc buồn thảm kia. Nếu rút máu ra thì con ốc chỉ là cái xác khô queo. Ðã là cái xác thì ông đâu còn sống nữa. Giả dụ như còn sống để mà hấp hối thì
    sống để làm gì?"
    Gã ngước mắt nhìn cô gái, dường như sau mái tóc ngắn, khuôn mặt gầy gầy, cô gái lớn hơn, hiểm hóc hơn gã tưởng nhiều. Khi người đàn ông nào để ý đến người con gái nào và cảm thấy trong lòng mình có những biến chuyển trên mức tình cảm thì không hiểu sao người đàn ông đó lại có khuynh hướng che dấu mọi biến chuyển xét ra vô cùng tự nhiên kia. Có thể sợ bộc lộ ra sẽ không tránh khỏi bão táp phũ phàng của dư luận. Dù vậy trong tận cùng sâu xa của trái tim, ai cũng muốn nhanh chóng công khai hóa cảm xúc càng ngày càng mạnh mẽ đối với đối phương. Xét cho cùng đó là một điều nghịch lý, nhưng lại là một điều nghịch lý có thể chấp nhận được. Gã không thoát khỏi điều thường tình đó. Từ lúc quen biết cô gái, cái chất lừng khừng chừng như muốn biến mất đi. Gã đâm ra xao xuyến, cảm thấy mình không còn là mình nữa. Con nhỏ thì cứ nhởn nhơ trước sự đổi khác lạ thường trong con tim gã. Vì muốn che giấu cảm giác của mình, gã đâm ra đau khổ vì sự che dấu đó. Gã loay hoay tìm cách thoát ra nhưng đành bất lực. Một hôm khổ sở quá, gã rủ thằng bạn người Mỹ làm chung sở đi uống rượu tiêu sầu. Thằng bạn nói: " Ðể tao dẫn mày đến chỗ này." Chỗ này của nó là một cái quán " top less" nằm trên đường BourBon. Con đường vẫn giữ y nguyên đặc thù của Pháp, mặc dù thành phố này đã thuộc về Mỹ hơn một trăm năm nay. "Vào đây đi. Ở đây đa số là người bản xứ của tao, rất ít ngưới đồng hương của mày. Tao biết người Việt Nam mày rất ngại chạm mặt nhau ở chỗ không đáng chạm

    Khi hai đứa bước vào, ban nhạc đang chơi bản Sweetdream. Cô tiếp viên với hai mảnh vải nhỏ xíu che thân, miệng cười toét gần đến mang tai dẫn gã và thằng bạn chỉ vào cái bàn nhỏ khuất phía sau sân khấu. Sân khấu là một cái bục gỗ vuông vức được căng dây bốn phía giống như võ đài đấu quyền anh. Lúc gã vào, trên sân khấu con nhỏ người Mỹ trắng đang đánh đu tòn ten trên một sợi dây như hát xiệc, từ từ lột từng mảnh trên người theo tiếng nhạc. Lột cho bằng hết, lột sạch sẽ những gì vướng víu trên người, chỉ trừ quyển sách luật của Tiểu bang Louisiana nhỏ xíu che khiêm nhượng ở điểm cuối cùng. Tiền tip được tặng theo lòng hảo tâm, cứ việc tự do dắt vào sợi dây thun cột ngang bắp vế các cô nàng. Khách có quyền hả hê la hét khỏi phải bị thưa về tội quấy nhiễu nơi công cộng hay công súc tu sỉ. Tất cả đều hợp pháp, bởi vì một phần thuế thu nhập từ những khuôn mặt há hốc kia được dùng làm công tác xã hội. Người Mỹ từ lúc lập quốc đến giờ vẫn là một thực tế lòng vòng khó hiểu. Gã chơi bảnh, gọi nguyên một chai ********, vui vẻ đưa đầu cho thiên hạ chặt vào nỗi phiền muộn của mình. Trong khung cảnh ồn ào đầu óc gã mơ màng để tận đâu đâu. Trong lúc gã đang ở trong trạng giác đó, thằng
    bạn vỗ vào tay gã: "Ê mày, xem cô kia có phải người Á đông?" Theo tay thằng bạn, gã choáng váng mặt mày khi trông thấy cái người đã làm cho gã nhức nhối tâm can mấy bữa nay. Cô gái đang đứng bên sân khấu chờ đến
    phiên mình để lên biểu diễn màn thoát y. Gã không tin vào đôi mắt mình. Ðâu lẽ nào như vậy, nhưng nếu lẽ nào như vậy thì đã sao? Gã trả lời:
    - "Có thể là người Á đông, nhưng tao không tin đó là người Việt Nam"
    - "Tại sao mày không tin là người Việt Nam?"
    - "Bởi người Việt Nam tao đã từng đau khổ, mà những nỗi đau khổ đó không xứng đáng hội nhập vào cái xô bồ đất nước mày."
    - "Ðành rằng vậy, nhưng cá tính mỗi người mỗi khác."
    Gã nổi sùng:
    - "Tao nói không phải là không phải. Còn mày không phải đã nói ở đây toàn dân bản xứ của mày hết đó sao?"
    Thằng Mỹ chỉ biết nhún vai, lắc đầu. Khuôn mặt cô gái đêm nay diêm dúa đầy tội nghiệp. Ban nhạc đang thổi những điệu kèn thôi thúc, đây là dịp ngàn năm một thuở, gã có thể thoả mãn được lòng hiếu kỳ của mình mà không cần phải tốn một sự năn nỉ ỷ ôi nào hết. Nhưng sao trong lòng gã tức tối vô cớ, gã bỗng tự nổi cơn thịnh nộ đứng dậy bỏ ra về. Cái dáng nhỏ con của gã đang lủi thủi lách qua ánh đèn mờ ảo giữa đám Mỹ to lớn trông thật não lòng. Cô gái bất chợt trông thấy, cô há miệng chưa kịp kêu lên tiếng nào, thì gã đã ra đến ngoài đường. Gã đi lang thang suốt đêm, ngửa cổ ngước nhìn lên trời cao xem có cơn gió nào lạc lõng thổi về để rụng trên tay một chiếc lá để chứng tỏ rằng mùa thu đang hiện hữu đâu đây.....

    Kể từ đêm đó gã không còn gặp cô gái nữa, nỗi buồn không vì thế mà nguôi ngoai. Một năm sau, trong lúc còn đang nẫu ruột vì thất tình và thất vọng, gã nhận được thư cô gái. Trong thư cô viết: "Hi ông, Lâu quá không gặp. Em biết ông đang buồn. Em cũng vậy. Em hiện giờ đang ở miền Bắc, mà ông thì đang ở miền Nam. Như vậy em và ông ở cách xa nhau lắm. Ở đây em chợt nhớ đến có lần ông nói người ta trước khi có hiện tại ai cũng đều phải có quá khứ. Không biết ông còn nhớ? Ðêm đó có một chiếc lá vô tình rụng tấp trên mặt bàn trong quán cà phê DuMont. Chiếc lá rụng được thổi đến bởi cơn gió đầu thu dưới dòng Mississipi. Em và ông, hai người cùng chứng kiến. Khi cùng chứng kiến thì chiếc lá rõ ràng là hiện tại. Ông đã tặng chiếc lá đó cho em. Chiếc lá vụt trở thành quá khứ. Quá khứ theo lời ông nói, nhiều lúc muốn cởi bỏ không phải dễ. Nơi em ở cũng có một con ốc nhỏ muốn cõng quá khứ đi chôn, nói đúng hơn muốn cõng chiếc lá đi chôn vì không nỡ để chiếc lá nằm chết trần trụi trên đời. Nghĩa địa bên kia đường. Khi con ốc nhỏ đứng bên này đường nhìn qua thì xe cộ ngược xuôi như mắc cửi. Con ốc nhỏ biết rằng muốn qua bên kia đường không phải là dễ, nhưng nó vẫn băng qua vì trên lưng nó còn chiếc lá, còn có một quá khứ muốn đi chôn. Kết quả ông biết sao không? Kết quả dòng xe khổng lồ đã cán chết con ốc nhỏ. Em đã dám cõng chiếc lá băng qua đường để mong chôn nó. Còn ông? Ông có dám không? Nếu ông không dám thì hãy xem em như người dưng nước lã, đừng hơi sức đâu buồn nhớ em làm chi cho mệt xác."

    Quan Dương

    Lấy tại đây: http://www.ninh-hoa.com/qdchiecla.htm
  2. ThichMit

    ThichMit Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/04/2006
    Bài viết:
    1.132
    Đã được thích:
    0
    Nghe audio Cô Ba Trà đi các bros.
    http://www.truyenviet.com/Audio_Truyen/Audio_Truyen_Dai/Audio_Co_Ba_Tra/
  3. FJX

    FJX Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/10/2005
    Bài viết:
    5.880
    Đã được thích:
    0
    Loa hỏng rùi, chưa có xiền mua.
    Có một truyện hay mà các forum ng ta hùa nhau copy đem về share. Còi có 2 bản tiếng Anh và Việt. Post tiếng Việt trong này, bản tiếng Anh có link:
    [​IMG]

    Nếu muốn ly hôn, hãy bế em ra khỏi cuộc đời anh

    Vào ngày cưới của tôi, tôi đã ôm vợ trên đôi tay của mình. Xe đưa dâu dừng tại trước tổ uyên ương của chúng tôi. Đám bạn thân của tôi nhất quyết bắt tôi phải đưa nàng ra khỏi xe trên đôi tay của mình. Do vậy, tôi đã bế nàng vào nhà. Lúc đó, nàng là một cô dâu tròn trĩnh và e thẹn, còn tôi là một chú rể rất sung sức và tràn trề hạnh phúc.
    Nhưng đó là cảnh của mười năm trước. Những chuỗi ngày sau đó cũng giản dị như một cốc nước tinh khiết: chúng tôi có con, tôi bước vào thương trường và cố gắng kiếm thật nhiều tiền. Khi của cải trong gia đình chúng tôi mỗi lúc một nhiều hơn cũng là lúc tình cảm giữa hai chúng tôi suy giảm dần.
    Vợ tôi là một công chức nhà nước. Mỗi sáng chúng tôi cùng ra khỏi nhà với nhau và hầu như về nhà cùng một lúc. Con chúng tôi thì học tại một trường nội trú. Cuộc sống hôn nhân của chúng tôi nhìn bề ngoài hạnh phúc đến nỗi nhiều người phải ganh tị. Nhưng thật ra cuộc sống yên ấm đó gần như bị xáo trộn bởi những đổi thay không ngờ...
    Dew đã bước vào cuộc đời tôi.
    Đó là một ngày đầy nắng. Tôi đứng trước một ban công rộng lớn. Dew ôm vòng sau lưng tôi. Con tim tôi, một lần nữa, lại đắm chìm trong dòng suối yêu đương cùng nàng. Đây là căn hộ tôi mua cho cô ấy.
    Dew nói: ?oAnh là mẫu đàn ông có sức cuốn hút với đàn bà nhiều nhất?. Câu nói của Dew đột nhiên nhắc tôi nhớ đến vợ mình. Hồi chúng tôi mới cưới, nàng nói: "Mẫu đàn ông như anh, khi thành đạt sẽ rất quyến rũ với phụ nữ". Nghĩ đến lời nói đó của vợ mình, tôi thoáng do dự. Tôi hiểu mình đang phản bội lại nàng. Nhưng tôi đã không thể cưỡng lại chính mình.
    Kéo tay Dew sang một bên, tôi nói: ?oEm đi mua mấy món đồ nội thất nhé? Anh có vài việc phải làm ở công ty?. Hiển nhiên là nàng thất vọng rồi bởi vì tôi đã hứa sẽ cùng đi với nàng. Ngay lúc ấy, ý nghĩ phải ly hôn xuất hiện trong tâm trí tôi mặc dù trước đây ly hôn là một điều tưởng chừng không thể.
    Nhưng tôi nhận ra khó mà mở lời với vợ về chuyện này. Cho dù tôi có đề cập nó một cách nhẹ nhàng đến đâu chăng nữa, cô ấy chắc chắn sẽ bị tổn thương sâu sắc.
    Công bằng mà nói, cô ấy là một người vợ tốt. Tối nào, cô ấy cũng bận rộn chuẩn bị bữa ăn tối, trong khi tôi ngồi phía trước màn ảnh TV. Bữa ăn tối thường xong sớm. Sau đó, chúng tôi cùng xem TV. Không thì, tôi lại thơ thẩn bên máy tính, mường tượng thân thể của Dew. Đó là cách tôi thư giãn.
    Một ngày nọ, tôi nửa đùa nửa thật nói với vợ tôi, ?oGiả dụ chúng ta phải ly hôn, em sẽ làm gì??. Cô ấy nhìn chằm chặp tôi phải đến vài giây mà không nói lời nào. Hiển nhiên cô ấy tin rằng ly hôn là một cái gì rất xa vời với cô ấy. Tôi không hình dung được vợ tôi sẽ phản ứng thế nào một khi biết rằng tôi đang nói nghiêm túc về chuyện đó.
    Luc vợ tôi bước vào phòng làm việc của tôi ở công ty thì Dew cũng vừa bước ra. Hầu như tất cả nhân viên ở văn phòng tôi đều nhìn vợ tôi với ánh mắt ra chiều thông cảm và cố giấu giếm chút gì đó khi nói chuyện với nàng. Vợ tôi dường như có nghe phong phanh vài lời bóng gió. Cô ấy chỉ mỉm cười dịu dàng với đám nhân viên, nhưng tôi đọc được nỗi đau trong đôi mắt ấy.
    Một lần nữa, Dew lại nói với tôi: "Ninh, anh ly dị cô ấy đi? Rồi chúng mình sẽ cùng chung sống với nhau?. Tôi gật đầu. Tôi biết mình không thể chần chừ thêm được nữa.
    Khi vợ tôi dọn ra bàn chiếc dĩa cuối cùng, tôi nắm lấy tay cô áy. ?oAnh có điều này muốn nói với em?, tôi nói. Cô ấy ngồi xuống, lặng lẽ ăn.
    Tôi lại nhìn thấy nỗi đau trong đôi mắt nàng. Đột nhiên, tôi không biết phải mở miệng như thế nào. Nhưng tôi phải nói cho cô ấy biết những gì tôi đang suy nghĩ thôi. ?oAnh muốn ly hôn?. Cuối cùng thì tôi cũng đặt vấn đề hết sức nặng nề này một cách thật nhẹ nhàng.
    Cô ấy tỏ ra không khó chịu lắm với lời tôi nói mà chỉ hỏi nhỏ ?oTại sao??. ?oAnh nói thật đấy?, tôi tránh trả lời câu hỏi của cô ấy. Cái gọi là câu trả lời của tôi đã khiến cô ta giận dữ. Cô ấy ném đôi đũa đi và hét vào mặt tôi ?oAnh không phải là đàn ông!?.
    Đêm đó, chúng tôi không nói chuyện với nhau. Cô ấy khóc lóc. Tôi hiểu cô ấy muốn biết chuyện gì đã xảy ra với cuộc hôn nhân của chúng tôi. Nhưng tôi khó đưa ra được câu trả lời thỏa đáng bởi vì trái tim tôi đã nghiêng về Dew.
    Trong tâm trạng tội lỗi tột cùng, tôi thảo đơn ly hôn ghi rõ cô ấy sẽ sở hữu căn nhà, chiếc xe hơi và 30% cổ phần trong công ty tôi. Nhìn lướt qua tờ đơn, cô ấy xé nó ra từng mảnh. Tôi cảm thấy tim mình đau nhói. Người phụ nữ chung sống với tôi suốt mười năm nay bỗng trở nên xa lạ chỉ trong một ngày. Nhưng, tôi không thể rút lại những lời đã nói.
    Cuối cùng, điều tôi mong đợi đã đến. Cô ấy òa khóc trước mặt tôi. Tiếng khóc của cô ấy thực sự là liều thuốc an thần cho tôi. Ý định ly hôn dằn vặt tôi suốt nhiều tuần qua giờ đây dường như càng trở nên rõ rệt và mạnh mẽ.
    Trời khuya, tôi về nhà sau tiệc chiêu đãi khách hàng. Tôi nhìn thấy vợ tôi đang cắm cúi viết tại bàn làm việc. Tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Nửa đêm, tỉnh giấc, tôi thấy cô ấy vẫn ngồi viết. Tôi trở mình và ngủ tiếp.
    Vợ tôi đưa ra điều kiện ly hôn: Cô ấy không cần bất cứ thứ gì của tôi, nhưng tôi phải cho cô ấy thời gian một tháng trước khi chính thức ly hôn; và trong thời gian một tháng đó, chúng tôi phải sống với nhau một cuộc sống bình thường. Lý do chỉ đơn giản vì: tháng sau con trai của chúng tôi sẽ kết thúc kỳ nghỉ hè và cô ấy không muốn nó phải chứng kiến cuộc hôn nhân của chúng tôi đổ vỡ.
    Cô ấy đưa cho tôi thư thỏa thuận cô ấy soạn sẵn và hỏi: ?oAnh còn nhớ em đã vào phòng cô dâu trong ngày cưới như thế nào không??.
    Câu hỏi này chợt làm sống tại trong tôi tất cả những kỷ niệm tuyệt vời ngày ấy. Tôi gật đầu và nói: ?oAnh còn nhớ?.
    ?oLúc đó, anh đã bế em trên đôi tay của anh?, cô ấy tiếp tục, ?odo vậy, em có một yêu cầu là anh phải bế em ra vào ngày chúng ta ly hôn. Từ giờ đến hết tháng này, anh phải bế em từ giường ngủ đến cửa nhà mình vào mỗi sáng?. Tôi mỉm cười đồng ý. Tôi biết cô ấy đang nhớ lại những chuỗi ngày ngọt ngào hạnh phúc và muốn cuộc hôn nhân của mình kết thúc lãng mạn.
    Tôi kể cho Dew nghe về điều kiện ly hôn của vợ mình. Cô ấy cười to và cho rằng đó là một yêu cầu ngu xuẩn. ?oCho dù cô ta có đưa ra mánh khóe gì chăng nữa, thì vẫn phải đối mặt với kết cục ly hôn mà thôi?, cô ấy nói một cách khinh bỉ. Lời nói đó của Dew ít nhiều khiến tôi cảm thấy khó chịu.
    Vợ tôi và tôi đã không đụng chạm gì về thể xác kể từ khi tôi có ý định ly hôn. Chúng tôi đối xử với nhau như hai người xa lạ. Vì vậy ngày đầu tiên tôi bế cô ấy, cả hai chúng tôi tỏ ra khá lóng ngóng, vụng về. Đứa con trai vỗ tay theo sau chúng tôi: ?oCha đang ôm mẹ trên tay?. Lời nói của con trẻ làm tim tôi đau nhói. Từ phòng ngủ đến phòng khách, sau đó mới đến cửa ra vào, tôi đã đi bộ trên mười mét với cô ấy trên tay. Cô ấy nhắm mắt và nói nhẹ nhàng, "Chúng ta sẽ bắt đầu từ hôm nay đừng nói gì cho con hay?. Tôi gật đầu và cảm thấy chút gì đổ vỡ. Tôi đặt cô ấy xuống ở cửa ra vào. Cô ấy đứng đó chờ xe buýt, còn tôi lái xe đến công ty.
    Vào ngày thứ hai, chúng tôi ?odiễn? dễ dàng hơn. Cô ấy dựa vào ngực tôi. Chúng tôi quá gần nhau đến nỗi tôi có thể ngửi được mùi hương từ áo khoác của nàng. Tôi nhận ra rằng đã lâu lắm rồi tôi không nhìn kỹ người phụ nữ thân yêu của mình. Tôi nhận ra vợ tôi không còn trẻ nữa. Đã xuất hiện một vài nếp nhăn trên gương mặt của nàng.
    Ngày thứ ba, cô ấy thì thầm vào tai tôi: "Vườn ngoài kia đang bị xói mòn đấy. Anh cẩn thận khi đi qua đó nghe".
    Ngày thứ tư khi tôi nâng cô ấy lên, tôi có cảm giác chúng tôi vẫn còn là một đôi uyên ương khăng khít và tôi đang ôm người yêu trong vòng tay âu yếm của mình. Những tơ tưởng về Dew trở nên mờ nhạt dần.
    Đến ngày thứ năm và thứ sáu, cô ấy tiếp tục dặn dò tôi vài thứ, nào là cô ấy để chiếc áo sơ mi vừa ủi ở đâu, nào là tôi phải cẩn thận hơn trong lúc nấu nướng. Tôi đã gật đầu. Cảm giác thân thiết, gần gũi lại trở nên mạnh mẽ nhiều hơn.
    Nhưng tôi không nói với Dew về điều này. Tôi cảm thấy bế cô ấy dễ dàng hơn. Có lẽ mỗi ngày đều luyện tập như vậy đã làm tôi mạnh mẽ hơn. Tôi nói với cô ấy: ?oCó vẻ bế em không còn khó nữa?.
    Vợ tôi đang chọn váy đi làm. Tôi thì đứng đợi để bế cô ấy. Cô ấy loay hoay một lúc nhưng vẫn không tìm ra chiếc váy nào vừa vặn cả. Rồi, cô ấy thở dài, ?oMấy cái váy của em đều bị rộng ra cả rồi?. Tôi mỉm cười. Nhưng đột nhiên tôi hiểu rằng thì ra cô ấy đã ốm đi nên tôi mới bế cô ấy dễ dàng, chứ không phải vì tôi mạnh khỏe hơn trước. Tôi biết vợ mình đã chôn giấu tất cả niềm cay đắng trong tim. Tôi lại cảm thấy đau đớn. Theo phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay chạm vào đầu cô ấy.
    Đúng lúc đó, thằng con chúng tôi chạy đến "Cha à, đến giờ bế mẹ ra rồi" - nó nói. Đối với nó, hình như nhìn thấy cha bế mẹ ra đã là một phần tất yếu trong cuộc sống của nó rồi. Vợ tôi ra hiệu cho nó lại gần và ôm nó thật chặt. Tôi quay mặt đi vì sợ rằng mình sẽ thay đổi quyết định vào phút chót.
    Tôi ôm cô ấy trong vòng tay, bước từ phòng ngủ qua phòng khách, qua hành lang. Tay cô ấy vòng qua cổ tôi một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Tôi ôm cô ấy thật chặt, tưởng tượng như chúng tôi đang trở về ngày tân hôn. Nhưng tôi thật sự buồn vì vợ tôi đã gầy hơn xưa rất nhiều.
    Vào ngày cuối cùng, tôi thấy khó có thể cất bước khi ôm cô ấy trong vòng tay. Con trai chúng tôi đã lên trường. Vợ tôi bảo: ?oThực ra, em mong anh sẽ ôm em trong tay đến khi nào chúng ta già". Tôi ôm cô ấy thật chặt và nói: "Cả em và anh đã không nhận ra rằng cuộc sống của chúng mình từ lâu đã thiếu vắng quá nhiều những thân mật, gần gũi".
    Tôi phóng ra khỏi xe thật nhanh mà không cần khóa cả cửa xe. Tôi sợ bất cứ sự chậm trễ nào của mình sẽ khiến tôi đổi ý. Tôi bước lên tàu. Dew ra mở cửa. Tôi nói với cô ấy: ?oXin lỗi, Dew, anh không thể ly hôn. Anh nói thật đấy?.
    Cô ấy kinh ngạc nhìn tôi. Sau đó, Dew sờ trán tôi. ?oAnh không bị sốt chứ?, cô ấy hỏi. Tôi gỡ tay cô ấy ra. ?oDew, anh xin lỗi?, tôi nói. ?oAnh chỉ có thể xin lỗi em. Anh sẽ không ly dị. Cuộc sống hôn nhân của anh có lẽ tẻ nhạt vì cô ấy và anh không nhận ra giá trị của những điều bé nhỏ trong cuộc sống lứa đôi, chứ không phải bởi vì anh và cô ấy không còn yêu nhau nữa. Bây giờ, anh hiểu rằng bởi anh đưa cô ấy về nhà, bởi cô ấy đã sinh cho anh một đứa con, nên anh phải giữ cô ấy đến suốt đời. Vì vậy anh phải nói xin lỗi với em?.
    Dew như choàng tỉnh. Cô ta cho tôi một cái tát như trời giáng rồi đóng sầm cửa lại và khóc nức nở. Tôi xuống cầu thang và lái xe đến thẳng công ty.
    Khi đi ngang tiệm hoa bên đường, tôi đặt một lẵng hoa mà vợ tôi yêu thích. Cô bán hàng hỏi tôi muốn viết lời chúc gì vào tấm thiệp. Tôi mỉm cười và viết ?oAnh sẽ bế em ra, vào mỗi sáng cho đến khi chúng ta già?.
    Mai Hạnh dịch
    Theo PNCN
    http://jallbits.blogspot.com/2006/06/when-you-divorce-me-carry-me-out-in.html
    Được FJX sửa chữa / chuyển vào 12:11 ngày 07/05/2007
  4. CO

    CO Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    17/01/2002
    Bài viết:
    991
    Đã được thích:
    0
    cai nay thay hay hay, copy de trong may, lau roi nen hong nho nguon
    Ả Ìa Âu?
    Bữa ấy bố về và quẳng vào lòng nó một con cún mũm mĩm đen thui.
    - Tao chộp nó lúc đang chơi lúc thúc trước cửa. Gọi nó là Chả Chìa. Chà...chưa gì đã nghe thơm điếc mũi! Còn con nữa, nếu túm được, tao đặt Rựa Mận. Cho chúng mày chơi với nó, vỗ béo nó cho tao.
    Chả Chìa khát sữa, nhớ mẹ khóc ăng ẳng cả đêm. Ngủ không được bố cáu:
    -Bịt mõm con quỉ nhỏ lại kẻo ông ngồi dậy hầm đậu xanh bây giờ. Chó mực con ăn bổ khỏi chê.
    Con Mơ lật đật ngồi dậy bế con cún xa mẹ vào lòng. Cún rúc đầu vào ngực nó. Chiếc mõm đen ươn ướt khắc khoải kiếm tìm.
    - Ôi nhột quá! Tao đâu phải ******. Tao không có vú. à cũng có đấy nhưng bé như hạt đỗ, không có sữa.
    Con bé hất con cún ra.
    - Oẳng...oẳng...oẳng - tiếng kêu dài ra van nài tha thiết.
    - Im đi! Con Ngổ dậy đấy! Bố dậy đấy! Bố hầm đậu xanh đấy! Thôi cho con nằm tạm một bữa, mai xuống ổ nghe chưa!
    Con cún rúc đầu vào lòng con Mơ. Nó túm được chéo áo con bé và khát khao mút chùn chụt. Nó nhớ da diết bầu vú căng sữa và bộ lông ấm mềm của mẹ. Nó vừa bú áo vừa ư ử khóc. Tiếng mút vải của cún làm con Mơ chạnh lòng. Ngày mẹ nó đi mãi không về, đêm ấy con Ngổ cũng khóc ằng ặc vì khát sữa như con cún bây giờ. Nó phải đút ngón tay vào miệng em để cầm cơn khóc.
    Mãi đến giờ, nó vẫn không tin mẹ chết. Chết là phải bỏ vào quan tài, đưa ra nghĩa địa. Thế nhưng những điều ấy nó không chứng kiến. Sáng ấy như thường lệ, mẹ đặt gánh lên vai sau khi cho con Ngổ bú no. Mẹ cho nó tiền mua xôi và dặn ở nhà đút cháo đường cho em khi em khóc. Đến chiều, một bà buôn chai bao hớt hãi đến báo tin mẹ nó bị đụng xe chết, xác để ở nhà thương. Bố nó tất tả ra đi. Từ nhà xác ra luôn nghĩa địa. Đám ma nhà nghèo đơn giản chóng vánh lắm. Người lớn bảo vậy nhưng với nó, mẹ chỉ trốn hai chị em nó ở đâu đó thôi. Thỉnh thoảng bố nó trở về nhà, mặt đỏ gay, không một đồng xu dính túi. Mẹ chậm nước mắt nói dỗi: " Uống đi! ăn đi! Làm mấy ăn mấy cho sướng miệng để vợ con đói khát. Có ngày tui bỏ hai đứa nhỏ cho ông nuôi" . Đúng là mẹ giận bố nhưng sao lâu thế, mẹ không về? Những đêm đầu buồn thảm ấy bố gào lên bên chai rượu đế. Con Ngổ khát sữa khóc đến tắt tiếng. Còn nó khóc lặng lẽ đến khi mắt không mở được nữa. Ba con người khóc ba cách trong căn nhà nát lỏng chỏng chai lọ, sắt rỉ, giấy vụn mẹ chưa kịp thanh toán. Nó lau nước mắt, bắt tay làm mẹ con Ngổ lúc chưa đầy 7 tuổi. Đêm em khóc, nó tha con bé như ếch tha nhái, đi quanh xóm gọi mẹ về. Ông trăng ở trên cao, sáng vằng vặc thế kia có thể biết mẹ chúng trốn ở đâu. Thế nhưng ông không biết nói, chỉ lẽo đẽo theo chúng. Đi đâu cũng đi theo.
    Bây giờ nó làm " mẹ" Chả Chìa như đã từng làm mẹ con Ngổ cách đây ba năm. Ngày cún lúc thúc chơi với con Ngổ. Đêm rúc vào lòng con Mơ bú áo. Nó bú ướt nhè vạt áo và thỉnh thoảng vẫn ư ử khóc vì chẳng có lấy một giọt sữa ngọt ngào.
    Được vài tháng, Chả Chìa lại thành vú em con Ngổ. Con bé ra đường. Nó sủa gọi và kéo áo vào. Con bé té khóc, nó liếm chỗ đau vỗ về. Con bé ị, nó dọn sạch...Có lần con bé rớt xuống cái ao nhỏ trước nhà, nó sủa inh ỏi, kêu cứu rồi nhảy xuống cắn áo con nhỏ không cho chìm. Con Mơ nghe tiếng chó sủa chạy ra vớt em lên. Con bé dính đầy bèo tấm, hãi quá đến không thể khóc.
    Chả Chìa ngày càng dài ra, gầy gò nhưng vẫn lớn. Toàn thân đen thủi đen thui ngoại trừ một chấm trắng làm duyên ở mũi. Cả ba đứa bữa đói bữa no vì nhà có một người lớn thì người lớn ấy hoạ hoằn mới tỉnh táo. Chúng quấn quít bên nhau, chơi đùa, chia sẻ cực khổ. Con Ngổ đói không khóc nhưng vắng Chả Chìa là mồm méo xệch. Những chiều hạnh phúc là bố trở về không có mùi rượu. Con Ngổ được vài tấm bánh. Con Mơ được cha dốc túi mua gạo và thức ăn. Có lẽ bố nó cũng là người cha tốt nếu ông không mê thịt cầy đến nỗi có tên là Tư Cầy. Nhà nó ai cũng có tên liên quan đến niềm say mê ấy. Mẹ nó có tên là Húng. Cha nó nhân đó đặt tên con là Mơ và Ngổ. Ông xoa tay: " Có Tư Cầy phải có húng quế, lá mơ tam thể, rau ngổ ba lá" . Nó ghét những cái tên đó nhưng đối với mọi người, nó vẫn là con Mơ, em nó là con Ngổ và bây giờ giá gọi Chả Chìa là Mực, nó chả thèm chạy đến. Mấy ai đặt tên hai lần!
    Từ ngày mẹ chết, chẳng còn ai ngăn nổi tình yêu " cầy tơ" trong bố phát triển. Ông thường trở về chân thấp chân cao, lè nhè: " Có Tư Cầy, có Mơ, có Ngổ mà không có Húng cũng bỏ...Húng ơi là Húng!" Những lúc đó con Mơ thấy thương cha. Nhưng tình thương ấy biến thành nỗi sợ hãi ngay khi nó bắt gặp ánh mắt bố nhìn Chả Chìa. ánh nhìn ước lượng sức nặng và chứa đầy thèm khát.
    Một chiều bố trở về với một ông bạn. Cả hai đều sực nức mùi rượu. Ba đứa vội tránh đi nhưng cái giọng lè nhè quen thuộc đã cất lên:
    - Con Mơ tam thể đâu?
    - Dạ.
    - Con Ngổ ba lá đâu?
    - Ngoài sân.
    - Chả Chìa đâu?
    Nó chỉ tay mơ hồ ra ngoài nhưng Chả Chìa nghe nhắc tên đã nhanh nhẩu xuất hiện. Bố túm lấy nắn nắn cái lườn mịn màng, cái eo thon thả của con chó đang độ tơ.
    - Hơi gầy nhưng chắc. Mềm lắm đây. Ngon phải biết! Thơm say mê!
    Ông khách hít hà rồi sờ tay lên người con chó. Chả Chìa đớp hụt bàn tay ấy.
    - Chả Chìa! Hỗn! Ông chủ quát.
    - Chà, nghe tên đã ngửi thấy mùi thơm. Đúng là Tư Cầy đặt!
    - Để dành Nôen đấy! Người ta ăn thì mình nhậu. Ba tuần nữa. Mày kiếm rượu đế Gò Đen nghe chưa?
    Noel đến gần. Mỗi tờ lịch rụng xuống, trái tim bé nhỏ của con bé cũng lung lay. Còn mười ngày... tám ngày... năm ngày... Nó thường ngồi sững nhìn em nó và Chả Chìa chơi đùa. Nó không tưởng tượng nổi cuộc sống của hai chị em nó khi không còn Chả Chìa. Trên phố đã xuất hiện những cây thông lấp lánh ánh bạc, nó quyết định thả bạn. Nó cho Chả Chìa ăn no rồi bế em gửi hàng xóm, dắt chóc đi. Thiếu con Ngổ, Chả Chìa cứ bần thần ngoái lại, nửa muốn theo con chị, nửa muốn về với con em. Con Mơ phải bế nó lên. Chả Chìa đã nặng lắm rồi nhưng con bé vẫn cố bế vì đây là lần cuối cùng nó được bế Chả Chìa. Con chó ngạc nhiên liếm những giọt nước mắt nóng hổi rơi trên lưng mình. Giọt này chưa kịp thấm, giọt khác đã trào ra, tròn trịa long lanh như hạt ngọc. Một bà chận chúng lại:
    - Bán không mày? Tao trả cho hai xấp.
    - Không!
    - Bốn đấy!
    - Không!
    - Chó mực tơ. Thôi sáu xập vậy, bán mà mua gạo.
    Con bé lắc đầu rảo bước. Chả Chìa nhoài người xuống không chịu bế. Cái mũi xinh xinh hít lấy hít để cái mùi phố thị rõ dần, những mùi thơm ứa nước bọt phả ra từ các hàng quán ven đường. Ngôi chợ nhỏ chỉ đông buổi sáng đã tàn nhưng con Mơ biết ở hàng bún còn cả đống xương móng giò dính những mẩu gân. Thỉnh thoảng đi chợ, nó vẫn ghé vào nhặt làm quà cho Chả Chìa. Con chó mừng quýnh sục mõm vào đống xương. Thế nhưng đang nhai xương rau ráu thấy con Mơ đứng dậy, nó ngoạm vội một cục xương rồi đứng lên sẵn sàng ra về.
    - Sao mày khôn thế? Mày không tham ăn bỏ tao phải không? Thế mà tao phải bỏ mày. Không bỏ mày sẽ chết...Hu...hu..
    Chả Chìa cuống quít thả xương xuống, dỗ con Mơ bằng cái cách nó dỗ con Ngổ. Nó đứng trên hai chân sau, đặt hai chân trước lên vai con bé và bắt đầu liếm dỗ. Khi không ngăn nổi những giòng nước mắt nóng hổi trào ra như suối, con chó kêu lên ư ử buồn rầu. Nó cũng khóc.
    - Mày cứ quanh quẩn ở chợ là sẽ có ăn. Còn no hơn ở nhà với tao. Đành xa nhau để cho mày sống. Không biết tao về tao phải làm sao với con Ngổ đây? Hu... hu..
    Cuối cùng con bé cũng lừa được con chó, len lén rời khỏi chợ và cắm đầu chạy. Dọc đường, nó mua một quả bong bóng bay. Đó là quà đền cho con Ngổ. Ngang ngõ, nó nghe tiếng cha nó:
    - Tưởng mất tiêu rồi. Thế mà lại lò dò về tắm nước sôi. Đúng là đồ ngu như chó!
    Con bé cảm thấy rờn rợn. Mặt nó tái mét. Hai chân như khuỵu xuống. Chẳng lẽ...chẳng lẽ Chả Chìa về? Nó đang gặm xương ở cái chợ cách đây xa lắm mà!
    Nó lê bước vào. Bên bể nước là một con cầy tơ trắng hếu đang nằm nhe răng, những mảng lông đen bết dính lả tả bên cạnh.
    * * *
    Hai đứa ngồi ở bờ ao. Mặt con Mơ đờ đẫn, mặt con Ngổ nhoè nhoẹt nước mắt, nước mũi. Nó khóc rỉ rả như trời mưa dai, lặp đi lặp lại một câu hỏi ngọng nghịu:
    - Ả ìa âu?
    - Đó! Con Mơ chỉ tay về phía lò than hồng.
    - Hổng phải - con Ngổ lắc đầu quầy quậy- Ả ìa âu?
    Bố nó đang trải chiếu bầy cuộc nhậu. Ba người đàn ông hể hả mời nhau.
    Cha nó nốc một ngụm rượu dạo đầu: " Nam vô tửu như kỳ vô phong. Tửu vô cầy tơ, tửu như nước lã..."
    - Ả ìa âu? Con Ngổ lại kéo áo chị.
    - Đó kìa! Con Mơ chỉ vào mâm thịt chó.
    - Hổng phải
    - Chả Chìa đấy!
    - Thế mắt nó âu?
    - Ông có râu đang gắp đấy!
    - Thế ai nó âu?
    - Bố đang nhai đấy!
    - Uôi nó âu? Ân nó âu? Nông nó âu?...
    Giọng con Ngổ càng lúc càng bồn chồn, vút lên nhọn hoắt.
    - Lông nó đây. Con Mơ chỉ vào nhúm lông bèo nhèo bết dính quẳng trên bờ ao.
    - Hông. Nông nhiều cơ! Khô cơ! Mịn cơ!Hu...hu...ả ìa âu?
    Con Ngổ oà lên khóc. Con Mơ cũng oà lên khóc. Nỗi đau dồn nén từ chiều đến giờ bật thành cơn mưa nước mắt. Chúng khóc thê thảm như ngày mẹ chúng đi mãi không về. Tiếng khóc làm cha chúng dừng đũa, hỏi vọng ra:
    - Gì đấy? Đừng làm tao mất ngon. Cho tiền mua kẹo nè. Chó thì giết thịt chứ nuôi làm gì? Vẽ chuyện. Mai tao kiếm con Rựa Mận đền.
    Con Mơ bế em ra xóm, bóng Chả Chìa đổ dài bên cạnh. Nó còn quá bé để lường hết tình yêu và sự trung thành của một con chó. Với tình yêu ấy, Chả Chìa của nó sẵn sàng trở về để chết.
    Nó thất thểu đi trong thứ ánh sáng lờ mờ, nhập nhoạng, tê tái của những giấc mơ. Mẹ trước mặt, Chả Chìa lẽo đẽo sau lưng, thế mà trên vai nó, cái giọng khản đặc vì khóc của con Ngổ vẫn vang lên như điệp khúc: " Ả ìa âu?... ả ìa âu?... ả ìa âu?"
  5. FJX

    FJX Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    30/10/2005
    Bài viết:
    5.880
    Đã được thích:
    0
    Trong box Tác phẩm văn học có truyện này. Tác giả của tác phẩm trên là (cô) Quế Hương
    http://www9.ttvnol.com/tacphamvanhoc/478409.ttvn
  6. cocan

    cocan Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/04/2006
    Bài viết:
    2.742
    Đã được thích:
    0

    Hai kẻ ngốc
    Vai chính trong câu chuyện tình yêu này là hai người ngốc. Người con trai ngốc lắm. Ngốc đến nỗi chỉ biết hét lên những câu điên dại. Người con gái cũng ngốc, ngốc đến nỗi chỉ biết nhìn người khác bằng cặp mắt vô hồn rồi cười một cách ngây ngô.

    Hai người họ vốn dĩ không quen nhau, kẻ trời Nam, người đất Bắc. Gia đình của họ đều hắt hủi họ, bỏ mặc cho họ lang thang phiêu dạt tứ xứ. Người con trai từ miền Nam lang thang lên phía Bắc. Còn người con gái từ phía Bắc dạt xuống phía Nam. Cứ trôi dạt... Cứ phiêu lãng...
    Người con trai vốn dĩ ngày trước không ngốc chút nào. Nhưng vì một lần làm việc ở công trường xây dựng không may bị gạch rơi vào đầu, từ đó biến thành kẻ đần độn. Người con gái vốn dĩ trước kia cũng không ngốc. Cô thi đỗ thủ khoa vào một trường đại học danh tiếng, nhưng rồi bị một kẻ có tiền mua danh, hoán đổi tất cả, từ đó, cô gái không bao giờ nói chuyện với ai, không quan tâm gì đến bố mẹ, và cuối cùng cũng biến thành một người ngốc.
    Họ đã lang thang không biết bao nhiêu nơi, không biết bao nhiêu năm. Chỉ biết bộ quần áo của người con trai đã bẩn thỉu, nhếch nhác, đôi giày vải rách nát để lộ những ngón chân đen vì bùn đất. Và chiếc áo đỏ mà người con gái mặc cũng đã ngả sang màu của tro bụi, mớ tóc rối bù còn vương vài sợi cỏ rơm, nhưng khuôn mặt vẫn trắng đến lạ kỳ. Trên tay cô cầm một chai nước, lúc nào cũng nhìn những người xung quanh và cười một cách ngô nghê.
    Họ gặp nhau trong một buổi chiều tà, khi cùng phát hiện trong thùng rác còn sót lại chiếc bánh mì đã mốc meo. Họ cùng lao lên trước, giơ tay chộp lấy miếng ăn duy nhất, đầu va vào nhau. Người con trai trợn mắt nhìn người con gái. Người con gái đáp lại bằng điệu cười ngây dại, nhưng cuối cùng cô vẫn chịu thua.
    Người con trai há to miệng cắn và nhai nhồm nhoàm miếng bánh mì. Chợt anh ta nhìn thấy người con gái đang đứng bất động nhìn anh, bất động đến ngây dại, trong ánh mắt không một đốm sáng. Cô ta chỉ nhìn anh, cổ họng không ngừng nuốt nước bọt.
    Người con trai dừng lại không ăn nữa, bắt đầu nhìn người con gái, cái nhìn chăm chú mà cũng ngây dại. Hai người họ cứ đứng nhìn nhau. Khuôn mặt người con trai không biểu lộ chút tình cảm nào. Người con gái vẫn cứ cười ngô nghê.
    Người con trai đưa chiếc bánh mì cho người con gái rồi quay đầu bước đi không nhìn lại, bỏ mặc người con gái đứng đó ngấu nghiến gặm chiếc bánh mì. Khi về đến cái lán rách lụp xụp bên bãi rác quen thuộc, người con trai quay đầu lại và bất chợt nhìn thấy người con gái. Cô ta đã đi theo anh về đến đây. Vẫn là nụ cười ngây dại ấy.
    Họ không lên tiếng. Buổi tối hôm ấy, lúc nằm ngủ, người con trai cảm thấy cơ thể ấm hơn bình thường. Sự ấm áp trước đây chưa từng có. Người con gái đang ôm người con trai và ngủ. Dáng vẻ của cô ta khi ngủ quả thực ngô nghê giống một người ngốc.
    Hai kẻ ngốc sống với nhau từ đó. Ban ngày họ ra phố nhặt nhạnh tất cả những thứ có thể ăn được, buổi tối cùng trở về cái lán rách và ngủ. Ngày tháng cứ trôi qua trong sự tuần hoàn ấy.
    Buổi tối đó, người con trai không biết từ đâu nhặt được một chiếc nhẫn đã gỉ. Anh ta đeo lên tay người con gái. Người con gái nhìn anh và cười. Vẫn là nụ cười ngây dại, nụ cười xé rách sự tĩnh mịch của màn đêm. Cuối cùng thì cười ra nước mắt.
    Người con gái khóc. Lần đầu tiên. Cô ta ôm lấy người con trai, khóc rưng rức. Người con trai dường như không chút động lòng, khuôn mặt vẫn không biểu lộ tình cảm gì.
    Cuối cùng một ngày kia, người con gái phát bệnh nặng. Buổi sáng, cô ta không cùng người con trai ra phố nhặt đồ, cũng không cười ngô nghê với anh ta nữa. Người con trai đi một mình, và buổi trưa bất ngờ quay về với một chiếc bánh mì mới và một chai nước mới trong tay. Trên mặt anh ta còn lưu lại vài vết bầm tím, dưới mũi còn hai vệt máu dài. Đó là vì trong lúc cướp bánh mì và nước ở quầy hàng anh ta đã bị người ta đánh.
    Người con gái vẫn nhắm mắt, không còn nhìn người con trai và cười ngốc nghếch như trước kia nữa. Người con trai đút miếng bánh mì nhỏ vào miệng người con gái, nhưng cô ta không ăn. Toàn thân cô nóng như lửa đốt, và rơi vào trạng thái hôn mê.
    Người con trai lần đầu tiên lộ ra chút biểu cảm trên khuôn mặt. Đó là sự hoảng loạn. Anh chạy ra ngoài, bất chợt gặp hai người mặc đồng phục cảnh sát, vội hét lên: ?oHãy cứu lấy cô ấy! Cứu lấy người đàn bà của tôi!?. Nước mắt anh ta lăn trên đôi gò má gầy gò. Lần đầu tiên người con trai khóc.
    Hai cảnh sát lấy chân đạp anh ta ra và chửi: ?oCút xéo! Vừa ra ngõ đã gặp thằng điên!?. Người con trai càng đập đầu van nài bao nhiêu, càng bị hai tên cảnh sát đó đá thốc vào bụng bấy nhiêu.
    Khi họ bỏ đi một lúc, người con trai mới lồm cồm bò dậy. Nước mắt đã khô. Người con trai bế người con gái ra phố. Người đi trên phố rất nhiều, nhưng chỉ nhìn họ bằng ánh mắt lạnh lùng trong giây lát rồi lại rảo bước thật nhanh.
    Người con trai đặt người con gái nằm ở ven đường. Hơi thở của cô ta đã yếu dần và gần như tắt lịm. Người con trai nhặt một mảnh thủy tinh vỡ sắc nhọn, nâng cánh tay gầy gò, đen đúa của người con gái và rạch một đường nơi cổ tay. Máu phun đỏ tươi khuôn mặt người con trai. Anh cười điên dại và hét lên: ?oTôi giết người rồi. Mọi người nhìn xem, tôi giết người rồi...?.
    ? Xe cấp cứu đến. Người con gái được đưa đi. Ở bệnh viện, người con gái được băng bó vết thương và được hồi sức. Đã qua cơn nguy kịch. Khi biết người con gái là một người ngốc, ai cũng ái ngại và không muốn giữ cô lại.
    Cô ta rời khỏi bệnh viện trong sự hắt hủi của bác sĩ và y tá. Cô biết ngoài kia còn một kẻ ngốc nữa đang đợi cô. Vẫn là khuôn mặt vô cảm ấy. Người con gái lại nhìn người con trai và cười ngô nghê.
    Họ ngốc. Nhưng điều duy nhất họ hiểu rằng là, cho dù xã hội không cần họ, thì chỉ cần họ sống có tình yêu cũng đủ rồi. Bất kể tình yêu đó là tình yêu của những kẻ ngốc.

    24H.COM.VN (theo PNVN cuối tuần
  7. zenviet

    zenviet Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/10/2006
    Bài viết:
    409
    Đã được thích:
    0
    Gai của hoa hồng[​IMG]
    "Ông đúng là ông già khó chịu!", Becky nói với ông già khi cô đi ra khỏi phòng bệnh của ông ta ở bệnh viện nhân đạo, nơi mà cô đã làm việc hơn một năm nay.Bệnh nhân mới này ở đây được khoảng hai tuần và ông ta làm cho cuộc sống của tất cả các y tá trở thành địa ngục. Ông ta chửi rủa, quát, đá tất cả những ai lại gần ông ta. Đó là còn chưa kể việc ông ta cố tình đổ thừa ăn ra giường để y tá phải đến dọn, và để ông ta có thể nguyền rủa thêm. Becky không nghĩ là ông ta có người thân vì chẳng có ai đến thăm ông, ít nhất là trong khoảng thời gian cô phải chăm sóc ông ta.Một hôm, một tổ chức phụ nữ đến thăm bệnh viện. Họ hát và đem hoa hồng đến, tặng mỗi bệnh nhân một bông hoa đỏ thắm. Ông già khó tính nhìn bông hoa được cắm tử tế trong lọ thủy tinh trên bàn, lấy mu bàn tay gạt cái lọ. Cái lọ rơi xuống, vỡ tan tành. Mọi người chỉ đứng nhìn ông ta vẻ kỳ lạ. Ông trở mình quay mặt vào tường xoay lưng lại những người từ tổ chức phụ nữ đến thăm. Một người bắt đầu dọn những mảnh vụn của cái lọ. Becky nhặt bông hoa lên, cắm nó vào một cái cốc nhựa và đặt lên tủ đầu giường của bệnh nhân già kia.Khi người của tổ chức phụ nữ đã đi về, Becky quay lại phòng ông bệnh nhân khó chịu, cầm bông hoa hồng và ngắt từng cánh một, ném vào thùng rác bên cạnh. Ông già nhìn thẳng cô y tá, cho đến khi cô ngắt đến cánh cuối cùng. Còn lại cuống hoa, cô cắm trả lại cốc nhựa. Vừa khi cô định quay đi thì ông bệnh nhân già làu bàu:- Sao cô lại làm thế?- Tôi chỉ muốn ông thấy những gì ông đã làm? ?" Becky đáp ?" Ông đã phá vỡ những mối quan tâm của chúng tôi với ông như là ngắt bỏ từng cánh hoa một, kể từ khi ông đến đây.Rồi Becky đi ra.Sáng hôm sau, khi đến bệnh viện thì các bác sĩ bảo Becky đến dọn phòng ông bệnh nhân già. Ông đã mất vào đêm hôm trước. Khi Becky thu khăn trải giường đi giặt, cô nhìn thấy bông hoa hồng vẫn còn nguyên vẹn trong cái cốc nhựa. Những cánh hoa đã được đính vào cuống hoa bằng băng dính một cách vụng về.Becky cũng thấy ở dưới gối của ông lão có một quyển Kinh thánh. Khi cô nhấc quyển sách lên, trong đó rơi ra một tờ giấy, có ghi: "Không phải tôi muốn mọi người ghét tôi. Tôi chỉ không muốn tất cả mọi người sẽ quên tôi. Tôi đã là một đứa trẻ mồ côi và tôi chẳng bao giờ có một người thân."Là một đứa trẻ mồ côi từ nhỏ, Becky hiểu rằng người bệnh nhân già đó không phải là một ông lão khó chịu. Chỉ vì không có ai trên thế giới này quan tâm đến ông ấy. Vì ông thấy mọi người đều quên ông ấy, ngay cả khi ông ấy vẫn còn sống. Và tất cả những gì ông lão muốn chỉ là có ai đó nhớ tới ông ấy.
  8. zenviet

    zenviet Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/10/2006
    Bài viết:
    409
    Đã được thích:
    0
    HUỆ LẤY CHỒNG
     
    [​IMG] Vẫn còn tiếng lụp cụp rộn ràng của mấy cây dao chặt vào mặt thớt mù u. Vẫn tiếng nói cười xao động từng chòm nhóm của các chị, các dì trong nhà bếp. Tiếng máy đèn chạy tạch tè. Đằng trước rạp, nhóm ca cải lương dạo đờn lửng ta lửng tửng rồi ai đó vô câu vọng cổ ngọt xớt. Không biết vô tình hay cố ý, anh chàng nọ kê micro gần miệng mà uống rượu. Nghe đánh cái chóc giòn thiệt giòn rồi khà ra tuồng như cay đắng lắm, chua xót lắm, bắt thèm.Huệ với Điềm ngồi xếp quần áo trong buồng. Điềm bò lại cửa sổ mở chốt, đẩy hai cánh cửa lá sách sơn xanh ra, trời khuya sâu hun hút, nó la lên:- Trời, gió mát ghê hen. Huệ gật đầu, ừ, mát, gió chạy nghe thông thống trong lòng. Nghe rõ ràng mùi xoài cát trái mùa chín son ngoài song cửa. Tự dưng Huệ thấy nhớ nhà ghê lắm. Ngồi ngay ở nhà mà cũng nhớ thiếu điều rớt nước mắt cái độp xuống mặt chiếu bông. Lúc nãy, ăn cháo khuya xong, ba Huệ biểu cả nhà ra đằng trước, ông đốt nhang khấn trước bàn thờ làm lễ xuất giá cho con gái út. Chưa đủ lễ thì má Huệ đã khóc òa. Mấy chế, mấy dì ở nhà dưới chạy lên, bắt khóc theo, nước mắt nước mũi lòng thòng. Thành ra ai cũng xúm lại khóc nên không có màn dặn dò như mấy những lễ xuất giá khác. Huệ nghĩ vậy mà tốt, nó đỡ buồn tủi. Điềm dặn: "Bây giờ mầy khóc cho đã đi, để mai lúc rước dâu thì ráng nhịn, cô dâu mà khóc, son phấn trôi tèm lem, thấy rầu lắm". Trời đất, buồn thương ở trong lòng, lúc nào tràn đầy thì phải khóc cho vơi chứ có phải rót nước ra từ cái ấm, lúc nào muốn rót thì rót, lúc nào không muốn thì thôi. Con gái lấy chồng, hỏi ai không tủi? - Hồi sáng này, lúc đi chợ mua đồ về tao thấy ông Thi đi ngang nhà mình. Điềm rũ cái áo bà ba hường làm cái đèn chao ngọn, nó lên tiếng. Huệ ra bộ dửng dưng: - Ừ! - Thấy cái mặt ổng buồn, đứt ruột lắm. - Ừ! Điềm trở giọng quạu quọ: - Ừ, ừ hoài. Phải chuyện mầy với ổng mà thành, đám nầy vui biết bao nhiêu không. Huệ cười, biểu Điềm nói nho nhỏ thôi rồi cái giọng lại nửa dửng dưng nửa phân trần: - Thành gì mà thành, người ta đã nói là không có tiền sắm trầu cau. - Sạo, trầu cau rẻ rề, mà, sao lại có tiền đi cưới người khác. Huệ cười, người ta vậy, mầy còn nhắc làm chi. Mà, sao bữa nay gió lạnh quá chừng, gió te tái đưa tới một tiếng gà đang gáy, nghe từng giọt, từng tiếng buồn thỉu. Cái vali da mới màu vôi đã đầy quần áo. Đồ của Huệ không có bao nhiêu, cũ hết rồi, đồ bên chồng cho mới nhiều, tới mười hai bộ. Điềm nhắc: - Còn tập chép bài ca, mầy đem theo không? - Ừ, đem theo, chút nữa tao quên rồi. Mà, đem theo chắc cũng không làm gì hết. Về bên nhà chồng không biết còn rảnh rỗi vừa đưa võng vừa nghêu ngao hát. Nhà Thuấn vườn rộng, ruộng cũng nhiều, công chuyện chắc vô số. Thuấn kể, chỉ tính bẹ dừa khô rụng xuống, má Thuấn đã đi chặt mãn một năm còn chưa giáp vườn. "Nhưng em đừng sợ, về bển, ba má với anh không cho em làm gì nặng nề đâu", Thuấn nói thêm. Huệ cười, cực khổ nó không sợ, chỉ sợ không được vui. Nghĩ lại, có chồng vừa hiền vừa giỏi như Thuấn, lại thương mình như vậy làm gì mà không vui. Huệ lại chỗ đầu nằm, giở gối lên, nâng niu ấp trong tay tập chép bài ca đã cũ. Nhắm mắt, nó vẫn lật ra ngay cái trang có nét chữ nắn nót của Thi, dưới bài hát "Nhẫn cỏ", Thi ghi thêm hai câu thơ "Trăm năm ai chớ bỏ ai. Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim". Con Điềm thường bảo, người ta lấy thơ để thay lời thề hẹn đó. - Tao tội nghiệp ông Thi quá, mà tao cũng tội nghiệp mầy nữa. - Điềm vừa nằm xuống, vừa thở dài cái thượt. Huệ kêu Điềm ngủ đi rồi lụi hụi xuống giường, nó nói nó còn quên sợi dây nịt. Điềm xì một cái, "mầy có tật tiếc đồ cũ". Huệ gắt, "Kệ tao. Ngủ đi". Huệ bò lại chỗ cửa sổ và ngồi đó, đưa mắt nhìn xa thẳm màu đêm. Huệ ngồi đó thật lâu, đến má ghé vô buồng biểu Huệ nhắm mắt một chút đi, ngày mai rước dâu mệt lắm. Huệ dạ, thổi phù cho tắt đèn. Con Điềm vốn mê ngủ, đặt lưng xuống chưa bao lâu đã thở sâu. Huệ lại thắp đèn coi bây giờ là mấy giờ rồi giở vali ra, nói thầm trong bụng: "Không biết mình có quên gì không ta?". Nó làm như lỡ quên món gì sau này không có dịp về lấy nữa. Mà, từ Đất Cháy qua nhà Thuấn có bao xa, chạy xuồng băng tắt qua Đầm, rẽ theo kinh Thợ Rèn chừng mười lăm phút là tới. Nhưng với đứa con gái theo chồng, quãng đường đó cũng chở thương, chở nhớ. Chế Lê, chế thứ ba của Huệ lấy chồng sát bên nhà, chỉ cách một hào ranh mà còn khóc lu bù. Hồi đó, Huệ cười, chế cú cái cóc lên đầu nó, "Sau này có chồng rồi biết, cưng". Huệ không tin, nó biết mình rắn rỏi lắm, sức mấy mới khóc. Té ra không phải vậy, nó cũng là một đứa lạc lòng. Sáng mai thôi nó sẽ xuống vỏ rồi về ở miết nhà người ta. Nhớ cái cối xây bột dựa hàng kệ đựng tiêu tỏi, dầu ăn, nước mắm... Con mèo ngủ thiu thiu trên đầu bộ ngựa, mấy cái võng giăng quây quần quanh bồ lúa. Lối vô nhà trải đất đỏ, người đi ra đi vô đã mòn mấy hòn tròn tròn trọc lóc. Lối này đổ ra con đường xóm xáng múc hôn hang chạy dài tới Vịnh Dừa. Đi chút nữa là tới đám trâm bầu, chỗ con đập vào xóm Kinh Cụt, bẹ dừa kéo xuồng nằm vảnh cổ, có bẹ đã khô quắt, có bẹ còn tươi thơm. Xóm kinh ăn sâu vô đồng. từ vườn nhà Huệ dòm xéo về phía tây, bỏ cánh đồng lúa lơ thơ gốc rạ là một vệt xanh rờn của dừa, của chuối. Và nhà Thi ở đó. Huệ với Thi quen nhau hồi nhỏ. Thi có tật khoái đi tắt đường đồng đâm thẳng vô vườn nhà Huệ để đến trường. Tan học về, nó có thể nhẩn nha, lang thang đồng khơi thả diều cho tới chạng vạng. Có bữa tan trường, Thi về cùng Huệ, Thi hỏi, "tao thấy con gà mái nhà mầy đẻ bậy đống rơm sau hè, sao mầy không làm ổ?" Huệ xụ mặt xuống, môi trề ra "Gà nhà tao, kệ tao". Thi mất hứng, càu nhàu: "Con gái gì... vô duyên". Đó là chuyện hồi nhỏ, chớ khi hai đứa lớn lên, Thi nhận ra Huệ có duyên, đã có duyên mà còn đẹp nữa. Thi học lớp trung cấp sư phạm xong về dạy trường cấp II Ấp Chín. Thi dạy lớp sáu, ngay lớp con bé Mén con anh Hai Mận học. Huệ đi họp phụ huynh hoài. Vô đó, không phát biểu gì, thẹn thò ngồi cuối dãy bàn, cũng không để ý coi Thi nói gì, chỉ nhìn Thi cười. Trời đất quỷ thần ơi, người gì cười hiền thấy thương quá. Hồi xưa, lúc còn con nít đứa nào cũng hôi nắng, cũng lùi bùn sình, đâu phải như bây giờ. Ở chợ hay ở quê gì rồi người ta cũng lớn lên. Ở xóm này, người biết tụi nó thương nhau đầu tiên là con Điềm, nhỏ bạn thân nhất của Huệ, người thứ nhì, thứ ba biết là chú thím Mười Ba. Chú Mười Ba bán quán cà phê cặp bờ kinh xáng. Quán chú buổi sáng toàn đàn ông, buổi trưa của mấy thím đàn bà, ôm đứa con nẹo một bên vú nói chuyện làng trên xóm dưới. Buổi chiều, tụi con nít tụ lại quán chạy lòng vòng trong sân chơi. Riêng buổi tối, quán chạy máy đèn chiếu phim bộ Hong Kong phục vụ cho đám thanh niên. Có lần coi bộ phim kiếm hiệp "Thiên Long Bát Bộ", tới đoạn A Châu chết, con Huệ nước mắt rịn rịn, chắc lưỡi như nói với con Điềm: "Ước gì trên đời này có ai thương tao như ông Kiều Phong thương A Châu, chắc tao sướng tới chết luôn quá". Con Điềm cười, ngó ra sau lưng, nói xa xôi, "Có chớ, sao mà không?". Thi ở đằng sau, kế dãy ghế Huệ ngồi, hít đầm đìa hương tóc thơm của cô bạn gái, mỉm cười. Ra về, Thi thả chầm chậm theo tới chỗ quẹo vô nhà Huệ, Thi mới níu tay Huệ lại, Thi nói rằng: "Ông Kiều Phong đó mà nhằm gì, có người còn thương Huệ hơn...". Tay Huệ ấp vào giữa tay Thi líu ríu. Sáng ra Bà Hai, má Huệ nói với thím Mười Ba: "Làm gì hồi đầu hôm nầy mấy con chó nhà tôi sủa o­ng ỏng hoài vậy không biết?". Thím cười, chó sủa chuyện vui. Rồi con Điềm làm nhân chứng cho mối tình của Huệ. Gặp Thi ở đâu, Thi nói cái gì Huệ đều kể cho Điềm nghe. Nhiều lúc Điềm phải nạt, "Trời ơi, mầy kể cho tao nghe hoài, tao phát ghen luôn đây nè". Mai mốt đây, hai đứa phải lấy chồng (con gái ở quê nuôi lớn không để lấy chồng thì làm gì?), Điềm ước gì mình gặp được một người tử tế, hiền hậu, có học thức như Thi, lấy được người chồng mà tự mình tìm hiểu, yêu thương như Huệ. Huệ cười, chưa gì hết mà chồng chồng vợ vợ, nghe kỳ. Nói vậy, nhưng lòng Huệ nghe ấm ran, nó mơ tới một mái nhà sớm chiều khói tỏa, buổi sáng nó rang cơm cho Thi lót lòng đi dạy, trưa đón Thi về chăm chút nồi canh chua bông súng ăn với cá sặc kho khô. Thương thì thương vậy, nhưng nhắc chuyện cưới, thấy không gấp gáp được. Nhà Thi đã nghèo mà anh em lại đông. Má Thi giao, đứa nào nấy làm để cưới vợ riêng. Lương Thi thì ít lắm, dư dả bao nhiêu. Vì vậy mà Thi xin đổi ra Rạch Ráng dạy trường huyện. Thi tính, ra ngoài đó Thi dạy thêm giờ, chắc lương lên được hai trăm mấy, để dành không bao lâu nữa đủ tiền lễ để cưới Huệ rồi. Huệ cười, cưới vợ chớ đâu phải mua vợ đâu mà phải tốn nhiều tiền. Thi bảo, không cần rình rang nhưng cũng phải có năm sáu bộ đồ, đôi bông, sợi dây chuyền cho Huệ không phải tủi chứ. Những lúc nhớ Thi, Huệ ngồi mơ về đám cưới, bữa đó, chắc là vui lắm. Hết học kỳ đầu, tự nhiên bặt cả tháng Thi không về, có về cũng chui nhủi trong nhà, ốm như ma đói. Huệ hỏi hoài, nhưng Thi cúi đầu, tìm được ánh mắt Thi đã khó, mong gì Thi nói ra. Chuyện Thi thế là thôi rồi, mấy thím buổi trưa ngồi quán chú Mười Ba cong miệng nói với nhau, nghe phong thanh Thi đi lại với con gái trưởng phòng giáo dục huyện, cô nọ mang thai, chuẩn bị cưới. Đâu nè, thầy Thi đâu có tệ như vậy. Ừ, nhưng nghe nói thầy Thi bị "gài" như trong Lan và Điệp. Tội nghiệp. Tội nghiệp ai? Thì Thi chớ ai, ở đời ngược ngạo vậy đó. Thi cưới vợ xong rồi nhưng vẫn thường tha thểu về ở lì trong này. Huệ gặp Thi giữa đường muốn cười nhưng Thi lầm lũi cúi mặt. Huệ lấy chồng. Thím Mười Ba chép miệng, giọng không biết khen hay chê: "Con Huệ nó dứt tình lẹ quá ha, dứt cái "rụp". Huệ cười, thấy đâu có chê Thuấn được cái gì, Thuấn biết Huệ từng thương Thi mà anh cũng bước tới. Huệ bây giờ, còn chờ ai nữa? Huệ chuẩn bị cho đám gả mình từ mấy tháng trước. Suốt ngày nó cặm cụi ngoài vườn. Lá dừa khô bó láng vo, tề đầu tề đít chất đầy giàn bếp, dựng qua tới bồ lúa. Củi phơi từ lúc chớm hết mưa, lổn nhổn ngoài sân. Mớ cọng dừa đã róc lá dựng ngoài giàn, chưa khô hẳn thì đám bìm bìm đã leo xanh rờn, nó cũng dỡ xuống, chặt phơi. Chuyện gì nó cũng giành làm một mình, làm từ sáng sớm tới chạng vạng, không đi coi phim nữa mà tối tối nằm nhà nghe cải lương hoặc đưa võng cò kẹt, hát "Thương nhớ nhớ mãi không thôi. Chàng mới ra về chị em tôi thương nhớ...". Điềm tới chơi thường, như giữ Huệ, sợ Huệ vì Thi mà làm chuyện dại. Sợ vậy thôi, chớ Huệ vẫn roi rói, người ta thấy nó không thèm rớt một giọt nước mắt nào như nó với Thi chưa từng có duyên dẻ gì nhau. Điềm hỏi "Sao tao không thấy mầy buồn gì hết?". Huệ cười, "Tao quên ông Thi mất tiêu rồi, tệ quá, nhớ làm chi?" Hồi đám cưới Thi, Huệ chép miệng tiếc, phải chi Thi mời... Không được mời nên mới nằm nhà, gió đưa tiếng hát ngang qua đồng lúc gần. lúc xa thăm thẳm. Hôm gần đám, Thuấn chạy xuồng qua chở Huệ đi chợ. Hai đứa mua nhiều thứ, cuối cùng dắt nhau tới tiệm tạp hóa lựa bốn trái tim bằng giấy đỏ lớn bằng cái thúng để Huệ dán bên nhà hai trái, buồng cưới nhà Thuấn hai trái. Lúc Huệ giở mấy trái tim coi kỷ coi có thủng lổ không thì thấy Thi đằng cuối chợ đứng nhìn. Huệ cười ráo hoảnh. Tưởng Huệ không thấy, Thuấn quay qua, nhắc nhỏ, "Thi kìa, em!". Huệ cười, ừ, Thi đó, Thi chớ ai, rồi biểu người bán hàng lựa thêm cho hai chữ Song Hỷ. Lúc đó Thi mới lại gần chào, Huệ biểu, "Thi đừng có nhìn tui trân trối vậy, tui cũng phải lấy chồng chớ, phải hôn. Mà anh nhớ đối xử với người ta tốt như đối xử với tui vậy nghen". Thi gượng gạo cười rồi cắn môi quay đi. Thuấn nhìn theo, nắm tay Huệ, nắm rất chặt, nửa như để an ủi, nửa lại giống như rịt lấy, như sợ Huệ bỏ chạy đi mất. Huệ mắc cười, đó là lần đầu tiên từ lúc xuống mối, tới ăn trầu uống rượu rồi chuẩn bị cưới Thuấn mới nắm tay cô. Thì phải vậy thôi, mai mốt là vợ chồng rồi... ... Huệ ngồi chỗ cửa sổ cho tới lúc gà gáy rộ. Bà Hai lủi thủi đốt cây đèn cóc ngồi lột tỏi, không biết có phải tỏi nồng hay không mà mũi bà sụt sịt, nước mắt kèm nhèm. Bà con cô bác cũng trở dậy râm ran. Thức ăn đãi buổi mai đã làm sẵn từ hôm qua một mớ nhưng thịt kho tàu vẫn chưa thấm lắm, lớp mỡ chưa trong. Than bắt lửa cháy lép bép. Huệ kêu Điềm dậy, sửa soạn ra chợ xã đánh tóc, làm mặt. Điềm ngồi dậy, tay lò mò kiếm cây kẹp tóc, giọng tỉnh queo nhưng hơi bàng hoàng: - Trời! Sáng rồi sao? Mau vậy? Đám thanh niên đằng trước quét qua nền rạp, xếp bàn ghế ra. Nhóm ca cải lương đã mỏi mòn ngoẹo vào nhau ngủ mê mệt, thay vô đó là băng nhạc đám cưới xập xình "Ô vui quá xá là vui...". Xuống xuồng, Huệ giành lái máy. Điềm ngồi co ro đằng trước mũi, than lạnh quá chừng đi. Gió này mà không lạnh sao được. Một tháng mười ba ngày nữa là Tết rồi còn gì. Và sau tết nầy, mấy thím ngồi quán trưa bảo nhau, "Vợ chồng con Huệ có về". Trong tiếng máy Koler 4 nổ lùng bùng, tự dưng Huệ bảo: - Ừ, lạnh quá, Điềm ha? Xuồng từ từ chạy tới đập nhỏ đầu xóm Kinh Cụt. Đám trâm bầu đứng im lặng, xơ rơ. Huệ bất ngờ xuống máy chạy chậm, chiếc xuồng khật khừng. Nó ngơ ngẩn ngó lên bờ, trong lòng chao chát một nỗi thèm muốn. Nó muốn chạy vô xóm, tới nhà Thi, gặp anh và nói cho anh hay rằng nó hết thương Thi rồi, nó quên anh, quên thiệt. Nhưng nói để làm gì, ta?
    NGUYỄN NGỌC TƯ
  9. 7miles

    7miles Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    12/02/2005
    Bài viết:
    900
    Đã được thích:
    0
    Một câu chuyện khá hay:
    Yêu kẻ sát nhân
    [​IMG]
    Truyện ngắn của Rose Deshaw-Trần Lê Thanh Hà dịch
    Jerry Martin có phải là người của tôi sau ngày Valentine năm nay? Tôi không biết. Sáu tháng trước, trong một hội nghị chuyên đề đông người, khi đôi mắt xanh sâu thẳm của anh nhìn tôi, tiếng nhạc đã vang lên.
    ?oCô có một gương mặt hiền lành?, anh nói vào giờ giải lao.
    ?oVà anh là một người lực lưỡng?, tôi nghĩ và nhướng mày hỏi lại: ?oAnh tìm người hiền lành hả??.
    ?oÀ, tôi hụt mất buổi họp sáng nay nên đang tìm một người có thể giúp mình...?.
    Một mớ tóc dày màu sẫm rũ xuống trán anh và anh gạt đi bằng một cử chỉ làm tim tôi đập mạnh. ?oNày, có một góc yên tĩnh chúng ta có thể nói chuyện ở đằng kia?.
    ?oAnh dẫn đường đi?, tôi với lấy cái cặp da nhỏ và đi theo anh.
    Anh tỏ ra rất ân cần. Chúng tôi nói chuyện rồi đi ăn tối, rất tự nhiên. Sau đó là những bữa ăn tối hay đi uống nước với nhau mỗi khi chúng tôi tình cờ cùng đến thành phố.
    Thật tốt đẹp khi có một người trong mộng xứng đáng, dịu dàng nhưng không yếu đuối. Ở Jerry có điều gì đó khiến bạn muốn nghe anh nói. Ít nhất cũng là tôi muốn. Càng ngày tôi càng không muốn ở một mình. Thêm vào đó còn là nỗi sợ hãi. Có kẻ lẻn vào khu nhà của tôi, tấn công những phụ nữ đi làm về. Những lúc như thế này, người ta rất muốn có đôi có bạn, ngay cả khi không yêu.
    Nhưng Jerry rất đáng yêu. Dần dần tôi chỉ còn hẹn hò với mỗi anh. Cho đến một ngày, anh gọi điện cho tôi (Tôi luôn luôn cảm thấy hơi hồi hộp khi nghe giọng anh). Anh nói: ?oAnh nghĩ đã đến lúc em gặp người quan trọng nhất trong cuộc sống của anh?.
    Tôi mặc một bộ áo váy màu hoa cà hơi ngả tím, quàng chiếc khăn quàng cổ nhỏ, đi đôi giày đế mỏng đắt tiền mua trong một chuyến đi Ý.
    ?oChào em, trông em đẹp quá?, Jerry nói khi đến đón tôi lúc tám giờ.
    ?oTrông cháu tuyệt quá, Donna?, bà Patrickson ở phòng kế bên nói. Bà vừa khập khiễng đi ra, kéo lê cái chân đau vì tuổi già, dựa vào cánh tay của đứa cháu trai Mac.
    ?oĐây là anh Jerry Martin?, tôi nói.
    Mac mỉm cười thân mật với tôi. Anh ấy cao, tóc vàng và đẹp trai. Bà Patrickson thường nói bà mong Mac và tôi sẽ thành đôi nhưng hình như chúng tôi không hợp nhau. Bây giờ thấy tôi đi với Jerry, có lẽ Mac sẽ không cố gắng nữa.
    ?oChúc hai cháu vui vẻ?, bà Patrickson nói.
    ?oRất hân hạnh được biết bác và anh?, Jerry nói trong khi bắt tay. Anh có vẻ mờ nhạt kế bên sự hấp dẫn của Mac. Tôi có chọn lầm người không?
    ?oEm đừng lo lắng quá. Cậu ấy sẽ thích em mà?, Jerry nói khi mở cửa chiếc xe Caddy đời cuối của anh.
    Cậu ấy? Tôi đã đoán là sẽ gặp mẹ anh tối nay. Tim tôi thắt lại. Jerry sẽ bảo tôi rằng anh ấy là dân đồng tính, anh ấy đã cố làm một người bình thường với tôi nhưng không thể, vì vậy chúng tôi sẽ uống rượu với người anh của anh rồi anh nói chúng tôi chỉ có thể là bạn... Jerry đậu xe trong bãi xe dưới tầng hầm chung cư rồi chúng tôi đi thang máy lên tầng thứ mười.
    Jerry mở khóa căn hộ 1003. Tôi đã quyết định sẽ lịch sự với bất cứ ai anh giới thiệu là người tình.
    ?oĐây là Fitzhugh?, Jerry nói, mở rộng cửa như thể có một đội kèn chào mừng và một nhân vật vô cùng quan trọng sẽ bước ra.
    Tôi bước tới, đặt xách tay lên cái bàn kế cửa và chìa tay ra. Không có ai. Căn hộ thật dễ thương, cửa sổ dài dọc theo một bên tường, vài chậu cây cảnh và những đồ đạc tiện nghi màu xanh lục và nâu.
    Như vậy tôi lại đoán sai. Jerry không muốn tôi gặp mẹ anh và anh không phải là người đồng tính; anh bị điên. Fitzhugh là một con vật ảo. Jerry dụ tôi đến để gặp người bạn tưởng tượng, để rồi vài ngày sau người ta tìm thấy xác tôi trong một công viên, giấu sau một bụi cây...
    Ít nhất Mac và cô của anh ấy đã nhìn thấy Jerry, tôi tự nhủ, lén lùi về phía cửa. Anh không thể thoát được đâu. Jerry không có vẻ là kẻ sát nhân, nhưng những cô bạn gái và hàng xóm của những kẻ sát nhân khi được phỏng vấn đều nói như vậy sau khi chúng bị bắt. Ngay cả những tên giết người hàng loạt cũng có một cuộc sống bình thường...
    ?oĐây là con mèo của anh, Fitzhugh?, Jerry lịch sự nhắc lại.
    Tôi nhìn xuống. Một con quái vật nham hiểm đang nhìn tôi trừng trừng. Lông nó đen bóng, cặp mắt vàng, to, sáng, lấp lánh.
    ?oAnh biết là cậu ấy thích em?, Jerry nói. ?oCậu ấy hơi kiểu cách...?.
    Đúng vậy, tôi nghĩ. Tôi luôn cho rằng những người quá thân thiết với mèo đều không được bình thường.
    ?oEm thấy chúng mình đẹp đôi không??. Jerry chỉ vào tấm gương trước mặt. Mái tóc màu sẫm rất đẹp của Jerry, dáng người mảnh mai tóc vàng của tôi và một khối có lông dưới sàn nhà đang quắc mắt nhìn ở giữa hai chúng tôi. Thật là một bức tranh đẹp.
    Jerry quàng tay ôm tôi. Tôi ngước mặt lên để anh hôn, nhắm mắt lại.
    Có cái gì đó cào vào mắt cá, tôi nhìn xuống: Chiếc vớ dài của tôi tơi tả, rũ xuống giày. Fitzhugh vừa cắn mạnh gót giày trái của tôi rồi ung dung bỏ đi.
    ?oDonna??, Jerry cử động và làm rơi xách tay của tôi xuống sàn. ?oXin lỗi em?, anh nhặt nó lên và nhét mọi thứ vào như cũ. ?oAnh vội vàng quá phải không? Anh không muốn em nghĩ anh là loại người thích hẹn hò để cưỡng bức phụ nữ. Từ lâu lắm anh đã không mời một phụ nữ nào đến đây?.
    Nếu Fitzhugh biết nói, nó sẽ phản đối và anh sẽ không mời đâu, tôi nghĩ. Tôi vẫn còn nhìn vào cái lỗ ở gót giày. Con mèo đã cào rách lớp da giày. Chỉ còn nước quẳng đi thôi.
    Jerry nhìn xuống: ?oÔi trời, Fitzhugh làm đó hả??. Có lẽ Fitzhugh ngửi thấy mùi mèo khác trên người em?.
    ?oEm không bao giờ ở gần con mèo nào?.
    "Có lẽ bà hàng xóm của em, bà Patrickson, có nuôi mèo. Bà ấy có vẻ thích mèo?.
    ?oBà ấy nuôi chim hoàng yến. Bà ấy ghét mèo?.
    ?oEm cũng ghét Fitzhugh hả??.
    ?oĐúng vậy?, tôi nói. Tôi chộp túi xách và đi ra, cảm thấy những mảnh vớ vướng quanh mắt cá. Mèo: l, bạn gái: 0.
    ?oEm về sớm đấy?, Mac bước vào thang máy khi tôi bước ra.
    ?oHơi trễ?, tôi đi qua mặt anh.
    ?oAnh nghĩ có lẽ không đúng lúc'''', Mac lưỡng lự, ?oanh định đi ăn, nhưng anh nghĩ em đã ăn tối rồi??.
    ?oEm muốn ăn chứ?, tôi quyết định và đến khi chúng tôi ngồi trong góc quán uống cà phê tôi mới nhận ra mình không giống ai với chiếc vớ rách quanh mắt cá. Mac không hề cười.
    Anh ấy là người bạn tốt. Công việc của Mac là quản lý tài sản và tòa nhà chúng tôi ở là một trong số đó. Quả thật nó được bảo quản tốt. Anh không nuôi con vật nào, một điểm son và anh luôn có những chuyện vui về những người thuê nhà khiến tôi bật cười.
    Tôi từ chối đề nghị của Mac muốn đưa tôi lên tận phòng. Đến căn hộ của mình, tôi mới nhận ra không có chìa khóa phòng trong xách. Có lẽ nó đã rơi trong căn hộ của Jerry. Tôi chạy xuống gặp ông Masterson, người quản lý. Mac vẫn còn ở đó.
    ?oAnh sẽ mở cho em?, Mac lấy xâu chìa khóa của chủ nhà treo gần cửa.
    ?oĐừng anh. Ông Masterson đã làm như vậy nhiều lần rồi?.
    ?oEm không nên coi thường chuyện mất chìa khóa, Donna?, Mac cau mày, ?osau những vụ tấn công phụ nữ trong khu vực này gần đây. Anh sẽ thay ổ khóa cho em. Trong thời gian đó em có thể mượn chìa khóa của chủ nhà?.
    Jerry gọi điện vào cuối tuần, nói anh nhớ tôi. ?oLỗi tại anh?, anh nói. ?oĐáng lẽ anh phải chuẩn bị tư tưởng cho em trước khi gặp cậu ấy. Fitzhugh từng bị ngược đãi nên cậu ấy thường không tin ai?.
    ?oEm cũng vậy?, tôi nói.
    ?oBây giờ cậu ấy đã quen em rồi. Anh sẽ đem cậu ấy theo khi hẹn với em?.
    ?oCái gì? Anh, em và Fitzhugh??.
    ?oAnh không thích bỏ cậu ấy ở nhà suốt đêm. Đi đâu anh cũng đem cậu ấy theo. Anh nghĩ cậu ấy đã biết em rồi. Anh xin lỗi. Để anh trả tiền sửa giày cho em nhé?.
    ?oKhông cần đâu anh?, tôi nói dối, nhìn một mũi giày thò ra từ đống rác tôi sắp đem ra lò đốt.
    ?oHãy nói em tha lỗi cho anh và để anh mời em đi ăn tối ngày mai nhé. Mai là ngày Valentine mà?, anh nói, giọng khẩn thiết. Anh nêu tên một nhà hàng tôi rất muốn đến nhưng không thể đi một mình. ?oBảy giờ nhé??.
    ?oĐồng ý?, tôi nói, cảm thấy ghét mình vì đã yếu đuối. Nhưng thật khó từ chối anh được. ?oÀ, Jerry, anh có thấy chùm chìa khóa em bỏ quên không??.
    ?oKhông?, anh nói, giọng rất thành thật. ?oCó quan trọng không em??.
    ?oKhông có gì đặc biệt. Hẹn anh ngày mai?.
    Sáng hôm sau người ta đến thay ổ khóa. Đó là ngày Valentine. Các cửa tiệm đầy những thần tình yêu và chocolate. Tình yêu có ở khắp nơi nhưng người đàn ông tôi chọn đã lỡ có một con mèo trong tim rồi. Bữa ăn tối nay sẽ là lần hẹn hò cuối cùng, tôi tự hứa. Tiếp tục làm khổ nhau làm gì?
    Vào giữa trưa, có người mang một tá hoa hồng đỏ đến văn phòng tôi. Tấm thiệp ghi: ?oCảm ơn vì đã cho cho bọn anh một cơ hội?, ký tên Jerry, phía dưới là một dấu chân mèo.
    Năm giờ, tôi gọi điện cho Lou Ann, cô bạn gái thân nhất, người từng khen Jerry hết lời: ''''Cậu có thể đưa bồ cậu - Laurence đến gặp bọn mình tối nay được không?''''.
    ?oVào một buổi tối lãng mạn như thế này à? Dĩ nhiên. Laurence có lẽ còn không biết hôm nay là ngày gì nữa đấy?.
    Tôi lái chiếc Corvette nhỏ màu xanh hòa vào dòng xe giờ cao điểm và mở radio. ?oMột phụ nữ đã bị tấn công và giết chết ngày hôm nay trong căn hộ của bà ở khu Main và Charles...?.
    Đó chính là khu nhà của tôi. Tôi ngừng lại trước đèn vàng và vặn lớn âm thanh. ?oCảnh sát tin rằng Gilroy Patrickson, bảy mươi lăm tuổi, là một nạn nhân nữa trong những vụ tấn công hàng loạt đã khủng bố người dân khu vực phía Nam này...?.
    Thật khủng khiếp cho Mac, cho tất cả chúng tôi, tôi nghĩ, nước mắt lăn xuống.
    Tấm thảm trước cửa phòng tôi có vẻ như đã bị hàng chục đôi giày dơ giẫm lên. Có hai miếng băng màu vàng của cảnh sát dán chéo trước cửa nhà bà Patrickson và một bảng thông báo cấm vào. Tôi rơi nước mắt khi nhìn nó. Thang máy mở ra sau lưng tôi, Mac bước ra.
  10. 7miles

    7miles Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    12/02/2005
    Bài viết:
    900
    Đã được thích:
    0
    ?oỒ, em rất lấy làm tiếc?, tôi giang tay ra và Mac ngả vào đó. Tôi vụng về vỗ lên vai anh. ?oCảnh sát đã bắt được tên sát nhân chưa??.
    Anh lắc đầu và lùi lại: ?oAnh vừa mới đi khỏi, chắc hắn đã rình lúc anh đi. Giá như anh ở lại chút nữa...?.
    ?oAnh đừng nghĩ về chuyện đó nữa. Sớm muộn gì cảnh sát cũng tìm được hắn?.
    ?oEm biết không, hồi còn sống cô anh rất mến em?.
    Tôi gật đầu, nghẹn ngào.
    Căn hộ của tôi toát lên vẻ đầy nguy hiểm. Kẻ giết bà Patrickson có thể leo cửa sổ vào. Chúng tôi chỉ ở tầng thứ ba. Khủng bố. Radio đã nói đúng.
    ?oTệ thật, Donna?, ông Jaspers, một thợ ống nước về hưu phòng đối diện mở cửa, ?oMột phụ nữ tốt?.
    ?oVâng?.
    ?oCó một anh chàng đến tìm cô ngay trước đó?.
    ?oSáng nay??.
    ?oĐúng vậy. Anh ta có chìa khóa của cô?, ông bắt đầu đóng cửa.
    ?oKhoan, xin ông nói anh ta trông như thế nào?.
    ?oCao. Tóc sẫm. Áo khoác vải tweed?. Cánh cửa khép mạnh lại.
    Lông mèo, tôi tự động thêm vào trong đầu. Chiếc chìa khóa dư của bà Patrickson cũng ở trong xâu đó. Nếu như...? Không, không thể là Jerry được. Hơn nữa anh không biết chìa khóa nào mở cửa nào. Một giọng nói thầm vang lên trong đầu tôi: ?oAnh ta có thể thử mở cửa phòng của mình, rồi mở cửa phòng bà Patrickson...?.
    Tôi đi qua hành lang, đập cửa phòng ông Jaspers.
    ?oĐi đi?. Ông đang nhìn qua lỗ khóa.
    ?oÔng Jaspers, ông có nói với cảnh sát điều đó không??.
    ?oKhông phải chuyện của tôi?.
    Tuyệt thật. Như vậy tùy tôi có muốn cho cảnh sát biết tôi đang hẹn hò với tên đã giết bà Patrickson hay không, rồi họ sẽ theo dõi cuộc hẹn của tôi, sẽ bắt anh nhưng luật sư của anh sẽ giúp anh thoát ra và anh trở lại tìm tôi...
    Nhưng tôi không gọi điện cho cảnh sát. Không thể là Jerry được. Anh rất tốt, rất trung thực. ?oNhưng anh đã nói dối về chuyện xâu chìa khóa?, giọng nói thầm nhắc. Giải thích thế nào đây?
    Có thể anh ấy định vào phòng và đợi tôi như đã làm với nhưng người phụ nữ khác. Khi anh thấy ổ khóa phòng tôi đã đổi, anh quay sang người hàng xóm...
    Nhưng làm sao anh biết ông Jaspers sẽ không nói với cảnh sát? Dễ quá. Ai đã nói chuyện với ông già thô lỗ ấy trong hai phút sẽ biết ngay ông không bao giờ tự ý nói ra điều gì. Chỉ do tình cờ mà ông nói với tôi.
    Tôi sẽ nói với Mac. Có lẽä anh ấy sẽ quyết định có phải do tôi quá tưởng tượng không. Tôi xuống tầng dưới và xin ông Masterson số điện thoại của Mac rồi về phòng, bấm số.
    ?oMac Patrickson?.
    ?oMac,...?, tiếng bíp vang lên khi máy tự động trả lời ?oGọi cho em nhé?, tôi nói và đọc số của tôi.
    Chuông cửa reo. Ồ không, Jerry đã đến trước khi tôi quyết định phải làm gì. Làm sao tôi có thể đi chơi với anh với những nghi ngờ trong đầu? Và nếu anh nghi ngờ tôi đã biết thì sao?
    Tôi mở cửa. ?oDonna, trông em lúc nào cũng tuyệt?.
    ?oChỉ là đồ đi làm thôi. Em chưa kịp thay quần áo?.
    ?oNhư vậy cũng đẹp rồi. Với anh lúác nào em cũng tuyệt vời cả?, Jerry nhìn vào mắt tôi. Tôi lùi lại và với lấy áo khoác. Thôi được, tôi phải đi thôi. Dù sao Lou Ann và Laurence cũng sẽ đến. Họ sẽ thắc mắc nếu chúng tôi không đến. Tôi có thể quyết định sẽ làm gì trong khi ăn. Có thể tôi sẽ lẻn ra ngoài và gọi cho cảnh sát trước khi về.
    Nhà hàng ÝÁ xinh đẹp này cóá người phục vụ gửi xe. Jerry đưa chìa khóa chiếc Caddy cho anh ta.
    Trong nhà hàng, Lou Ann và Laurence đang ngồi ở một bàn vẫy tay gọi chúng tôi. ?oCác bạn ngồi với chúng tôi nhé??, Laurence hỏi, như thể tôi không hề sắp đặt trước.
    ?oRất vui lòng?, Jerry sửng sốt nhìn tôi, ?oĐược không em??.
    ?oĐược?, tôi nói, cảm thấy bực mình vì Jerry không muốn chúng tôi ngồi riêng. Tôi làm sao thế này? Không lẽ tôi muốn ở một mình với kẻ sát nhân vào ngày Lễ Tình yêu? Tim tôi xao động khi anh kéo chiếc ghế nặng màu sẫm bọc nhung cho tôi, những ngón tay dài mảnh của anh làm rối một sợi tóc xoăn trên cổ tôi.
    Dàn nhạc chơi những bản tình ca suốt buổi tối. Ánh nến lung linh, những giọng nói dịu dàng và thân mật. Sẽ là một buổi tối tuyệt vời nếu... Có thể năm sau sẽ là Mac nếu tôi sống sót qua buổi tối này. Nhưng sự luyến tiếc trong tôi đang khóc, ?oJerry, Jerry, Jerry?.
    Tôi ép mình nhìn bảng danh sách rượu vang. Jerry đang nói nhỏ bằng tiếng Pháp với người quản lý, trông anh khéo léo, bản lĩnh và rất đáng yêu. Tôi đá chân Lou Ann dưới bàn để cô ấy đừng bị anh cuốn hút. Khi tôi ngồi thẳng lên, nét mặt Jerry đột nhiên thay đổi. Anh đứng bật dậy làm ngã những ly pha lê đựng nước trên tấm khăn trải bàn vải lanh trắng như tuyết.
    ?oXe của tôi!?, anh hét lên.
    Chiếc xe Caddy của anh đang chạy chậm qua khúc quanh, bị cản lại vì một chiếc khác đang lùi lại.
    Jerry chạy ra cửa, mọi người nhìn theo.
    Nhiều việc xảy ra cùng lúc. Người lái xe nhìn thấy anh qua kính chiếu hậu, cố gắng lùi lại, bối rối, đụng Jerry và đâm sầm vào bức tường kế bên khi Jerry đang ở phía sau xe. Rồi hắn nhảy ra khỏi xe, biến vào bóng tối.
    ?oGọi giùm xe cứu thương!?, người quản lý hét lên trong khi tôi chạy về phía Jerry. Laurence đến trước tôi.
    ?oCứ nằm im?. Tôi nghe Laurence nói. Anh cởi áo vét và đắp lên Jerry trong khi giữ anh nằm yên. ?oXe cứu thương sẽ đến ngay?.
    ?oFitzhugh?, Jerry thì thào.
    ?oEm chắc cậu ấy không sao. Đừng lo. Em sẽ chăm sóc cậu ấy?, tôi ngốc nghếch hứa.
    Mặc dù chiếc xe trông rất thảm hại, cái chuồng mèo vẫn nguyên vẹn, bị lật ngược, với con mèo giận dữ bên trong.
    Xe cứu thương đến. Tôi nhìn họ đặt thân hình bất động của anh lên băng ca. Thật là một ngày Lễ Tình yêu khủng khiếp. Đầu tiên là bà Patrickson. Bây giờ đến Jerry. Một cuộc tàn sát Lễ Tình yêu.
    ?oMình phải về, Lou Ann?, tôi nói, ''''Cảm ơn bạn?.
    ?oGọi cho tớ nhé?, cô ấy nói và siết tay tôi, tỏ ra rất ái ngại. Tôi ngồi vào chiếc Corvette với Fitzhugh trong cái chuồng mèo. Ôi, Jerry, anh là ai? Tôi nghĩ và muốn khóc. Có thể anh ấy đã cố giết tôi vì anh là người tâm thần và thay vào đó đã giết bà Patrickson...
    Khi tôi bước ra khỏi thang máy, cái chuồng mèo đập mạnh vào chân tôi. Dấu băng dán chéo và thông báo của cảnh sát trên cửa phòng bà Patrickson như một lời cảnh cáo. Cẩn thận! Tôi dũng cảm bước vào, đặt cái chuồng xuống và mở cửa chuồng. Fitzhugh vẫn ngồi bên trong, nhìn tôi trừng trừng.
    ?oTao không sợ đâu?, tôi nói với nó, cảm thấy một sự trống rỗng bên trong mà tôi nghĩ là vì chưa ăn tối. Tôi đi về phía nhà bếp.
    ?oNhưng tôi sợ?, một giọng nói vang lên. Một bàn tay bịt chặt miệng tôi trước khi tôi kịp quay lại. Một bàn tay khác nắm cánh tay tôi và bẻ quặt ra sau lưng.
    ?oCô đã đoán ra phải không??, giọng ấy nói tiếp, ?oTôi tưởng cô sẽ đổ tội cho thằng bạn trai đẹp mã của cô nhưng khi cô gọi tôi biết là không. Tệ quá, em bé. Đáng lẽ chúng ta có thể tốt với nhau?.
    ?oMac??, tôi lắp bắp qua những ngón tay đè mạnh lên miệng tôi, ?oCô ruột của anh??.
    Cô ruột rất giàu của tôi. Chủ một loạt nhà như thế này nhưng bà ấy cứ sống với những con chim hoàng yến chết tiệt và coi tôi như một thằng bé sai vặt. Cái thằng Jerry cô rất thích ấy đến thật đúng lúc. Khi tôi bảo thằng cha ở phòng trước mặt nhận diện nó, tôi sẽ thoát?.
    Tôi cố vùng ra. Những ngón tay của Mac bấm sâu vào miệng tôi. Tôi cảm thấy vị máu. Bàn tay kia của hắn vặn tay tôi mạnh tới mức tôi tưởng nghe tiếng xương kêu răng rắc.
    Tôi cắn hết sức vào bàn tay trên miệng. Hắn giật tay ra và tôi thét lên.
    ?oBây giờ mày cũng giống những con khác, đồ chó cái!?, Mac hét lớn.
    Hắn chồm tới để trói tôi lại. Ngay lúc đó, một con vật lông lá nhảy lên đầu hắn. Đến lượt Mac thét lên trong khi những móng vuốt chết người cào vào mắt, vào da đầu và xé những mảng da lên trên lưng hắn.
    Tôi lao ra cửa và mở toang ra, thở hổn hển. Ông Jaspers đang đứng trước cửa phòng mình:
    ?oTiệc thú rừng hả? Cô có con mèo trong đó à??.
    ?oCó tên đã giết bà Patrickson. Gọi cảnh sát đi?.
    Để cửa mở, ông Jaspers quay vào gọi điện thoại. Tôi đứng ngoài hành lang, nghe tiếng thét bên trong. Tội nghiệp Fitzhugh. Mong sao nó không bị chứng bệnh gớm ghiếc nào vì cắn hắn. Mac khập khiễng đi ra, chửi rủa và trượt té, máu chảy ròng ròng xuống mặt khi xe cảnh sát hụ còi chạy đến. Tất cả những người thuê nhà ở tầng của tôi đứng đầy hành lang nhìn Mac bị cồng tay dẫn di. Fitzhugh đang rửa mặt và có vẻ tự mãn. Lần đầu tiên tôi cảm thấy biết ơn một con mèo.
    Hôm sau, tôi đến bệnh viện. Jerry ngồi trên giường, một chân bó bột. Dùng cả hai tay nắm tay tôi, anh nói, giọng khàn khàn: ?oDonna, anh tưởng là đã mất em rồi?.
    ?oSao anh lại nghĩ thế?. Trông anh xanh xao nhưng rất tuyệt, mái tóc sẫm lại rối, ánh nắng buổi sáng chiếu vào quai hàm cương quyết. Tôi kể anh nghe chuyện Mac. ''''Cảnh sát nghĩ hắn là người đã tấn công những phụ nữ đó, lợi dụng vai trò người quản lý tài sản''''. Tôi đợi anh hỏi thăm về con mèo.
    ?oÔi em yêu. Hắn có làm bị thương không? Em có sao không?. Anh vuốt tóc tôi và tôi khóc trong tay anh.
    ?oAnh là một thằng ngốc?, anh nói, ?oAnh mong em sẽ không để một vật nhỏ như con mèo chen vào giữa chúng ta?, anh hôn lên cổ, lên má, lên môi tôi. ?oAnh có thể cho mẹ anh con mèo?.
    ?oỒ không. Chúng em đã hiểu nhau rồi. Em nghĩ em sẽ thích cậu ấy?, tôi thì thầm, ?oEm đã được một bài học?. Tôi sẽ không bao giờ để anh biết chúng tôi đã suýt mất nhau vì sự tưởng tượng quá đáng của tôi.
    Năm nay, Thần Tình yêu có lẽ đã đến trễ một ngày, nhưng Jerry và tôi sẽ có nhau mãi mãi.

Chia sẻ trang này