1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

TỰ HÀO TA LÀ NGƯỜI CON XỨ NGHỆ (Lịch sử _ địa lý _ văn hóa _ con người Nghệ Tĩnh và những bài viết v

Chủ đề trong 'Nghệ Tĩnh' bởi LUMBER, 13/05/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. sanu

    sanu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    06/04/2002
    Bài viết:
    2.493
    Đã được thích:
    0
    CHÁO LƯƠN XỨ NGHỆ
    Cháo lươn là một trong những đặc sản của xứ Nghệ. Thịt lươn xào với nghệ, ớt, hành tăm. Xương sống lươn giã giập lọc lấy nước ninh cháo. Cháo lươn nóng ăn kèm với rau ngổ mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon, cay nồng hấp dẫn.
    Với người nông dân, con lươn thật thân quen và giản dị. Ra đến chốn thị thành, xuất hiện tại các nhà hàng thì những chú lươn trở thành đặc sản với các cách chế biến cầu kỳ... Cháo lươn là một trong những món ăn đặc sản của xứ Nghệ. Không chỉ người dân xứ Nghệ yêu thích món cháo này, mà người ở nhiều vùng quê khác cũng đã biết tiếng và không bỏ lỡ dịp thưởng thức khi có điều kiện.
    Nấu một nồi cháo lươn ngon đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các bà nội trợ. Lươn được làm sạch, đem luộc, gỡ lấy thịt. Theo kinh nghiệm của những người sành ăn, người ta không mổ lươn bằng dao mà dùng một thanh cật tre để tránh vị tanh, nồi nấu những món lươn cũng là nồi đất chứ không phải nồi đồng, nồi nhôm. Thịt lươn xào với nghệ, một chút ớt xay, tiêu, nhất là không thể thiếu được những cọng hành tăm chỉ mọc ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, lá hành nhỏ xíu nhưng mang vị thơm cay nồng đặc trưng. Cháo lươn Nghệ An không xào thịt lươn đến săn khô như cháo lươn ở Hà Nội. Miếng lươn để nguyên, vẫn mềm, ngọt, thấm đậm vị thơm cay của hành, của ớt, của tiêu, óng ánh sắc vàng của nghệ, điểm mầu xanh của lá hành tăm, chỉ nhìn thôi cũng đủ thấy hấp dẫn. Xương sống lươn được giã giập rồi lọc lấy nước để ninh cháo. Gạo nấu cháo chọn loại gạo ngon, pha thêm chút nếp để cháo sánh hơn. Cái khéo của người dân ở đây là nấu cháo để nguyên hạt gạo mà ninh cho nhừ chứ không giã nhỏ hoặc xay gạo. Cháo ninh thật kỹ, hạt gạo nở bung, không đặc, cũng không được loãng quá. Khi ăn, lươn trộn cùng cháo, thêm gia vị, tiêu, ớt... tùy sở thích, ăn kèm vài ngọn rau ngổ càng thêm hấp dẫn. Ăn bát cháo nóng, mồ hôi lấm tấm trên trán, dù giữa mùa hè cũng nên dùng một bát nước chè xanh nóng để tráng miệng mới cảm nhận được cái thú vị, cái đặc sắc của món cháo lươn xứ Nghệ.
    (sưu tầm)
    hongbach2000k3
  2. sanu

    sanu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    06/04/2002
    Bài viết:
    2.493
    Đã được thích:
    0
    MÙA HÈ UỐNG CHÈ VẰNG
    Ngoài chè xanh, chè vối truyền thống, vào mùa hè, người dân miền trung, đặc biệt vùng Nghệ An, Hà Tĩnh còn hay uống chè vằng.
    Cây chè vằng mọc ở dãy núi Hồng Lĩnh, nhiều nhất là núi Mồng Gà. Cây chè vằng là loại cây dây leo, bám quanh những bụi gai rậm rạp trên một độ cao nhất định, uống sương và dưỡng khí trong lành, quanh năm lá xanh.
    Để lấy được một gánh chè vằng, người dân các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Nghi Xuân... thường dậy từ ba giờ sáng và mất trọn một ngày.
    Cây chè vằng lấy về đem băm nhỏ khoảng 7 - 8 cm, phơi nắng, phơi sương đến khi khô nỏ, có thể cất giữ bao lâu cũng không mốc, dành uống dần. Cách nấu như nấu nước chè xanh, nhưng khác với chè xanh là được nước, không thiu. Chè vằng đun lại ba lần, uống vẫn đậm, không mang tiếng vô duyên như chè xanh - "chè hâm lại, gái ngủ trưa". Nước chè vằng thoạt uống có vị đắng, sau thấm ngọt. Trong nắng lửa miền trung, khi đi làm đồng về, mồ hôi đầm đìa lưng áo, chỉ cần uống một bát nước chè vằng là cơn khát tiêu tan, toàn thân mát mẻ, sảng khoái.
    Cây chè vằng có giá trị như cây thuốc nam, uống tiêu độc, giảm béo.
    Nó cũng rất phù hợp với những phụ nữ mới đẻ nhờ tính mát và lành. Chè vằng lại rất rẻ. Nhà nào người đông, uống chè vằng thường xuyên thì mỗi tháng chỉ hết khoảng mươi nghìn. Nhiều gia đình ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày nay đang coi chè vằng là món quà quý, đậm đà vị quê và để giảm béo, tiêu độc, kích thích tiêu hóa trong mùa hè. Ngày nay, chè vằng được chế biến thành những túi lọc nhỏ và đóng hộp, rất tiện lợi cho người sử dụng. Nhờ đó, chè vằng cũng dễ dàng đến được nhiều miền quê khác.
    (sưu tầm)
    hongbach2000k3

  3. sanu

    sanu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    06/04/2002
    Bài viết:
    2.493
    Đã được thích:
    0
    TƯƠNG NAM ĐÀN
    Tương là món ăn rất đỗi thân quen trong cuộc sống hằng ngày của người nông dân:
    Anh đi anh nhớ quê nhà
    Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương...
    Nam Đàn là một trong ba vùng làm tương ngon nổi tiếng cùng với tương Bần (Hưng Yên) và tương Cự Đà (Hà Tây).
    Tương Nam Đàn độc đáo, khác hai loại tương kia ở chỗ nó là "tương mảnh", hạt đậu làm tương chỉ xay vỡ thành "mảnh đậu" chứ không "nát như tương Bần". Chai tương Nam Đàn không có mầu nâu như tương Bần, mà vàng sánh như mật ong. Những mảnh đậu lơ lửng trong nước tương đặc quánh, thơm và ngọt lịm. Chỉ nhìn thôi cũng thấy hấp dẫn. Dù lượng muối bỏ vào làm tương không ít, nhưng vị đậm đà của muối biển đã chìm đi, nhường chỗ cho hương vị của thứ nước chấm đặc sắc.
    Ở Nam Đàn và cả Nghệ An, hầu như nhà nào cũng có một hũ tương. Nhiều nhà biết làm tương, nhưng những người thành thạo, có bí quyết để làm ra những chum tương đặc sản Nam Đàn, thì không còn nhiều. Kinh nghiệm làm tương được các bà, các mẹ ở Nam Đàn truyền cho con gái như một chút vốn cho cuộc sống mai này.
    Để có được chum tương ngon, người ta cẩn thận lựa chọn từng cái chum. Chum được nung chín đều, men láng bóng, đổ nước ngâm thử ba, bốn ngày, đem úp miệng chum xuống đất. Đậu nấu tương phải chọn loại đậu mới, đều hạt và có lẽ chỉ giống đậu tương xuân trồng tại Nam Đàn mới cho những chum tương ngon nhất. Nước dùng để nấu tương, cũng kén như loại nước để nấu chè xanh. Gạo nếp thổi xôi làm mốc, muối dùng làm mặn cho tương đều phải lựa chọn kỹ càng. Lúc rang, lúc ủ đậu, khi nấu ngả tương, khi phơi và đánh tương... đều phải có bí quyết, kinh nghiệm, chọn nắng để phơi tương... Ai dám bảo làm tương không lắm công phu. Tương Nam Đàn, tương xứ Nghệ dễ mấy ai quên khi đã một lần thưởng thức.
    --------
    TƯƠNG NAM ĐÀN (2)
    Đã từ xa xưa ở Nam Đàn, Thanh Chương có câu ca "nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn".
    Tương Nam Đàn là loại nước chấm được nấu từ hạt đậu tương và hạt nếp hoặc hạt ngô làm mốc. Cứ vào dịp tháng 6 âm lịch hằng năm, người ta bắt đầu làm tương. Nhà nào cũng nấu cho được vài choé tương hoặc một chum tương. Muốn tương thơm ngon, đầu tiên phải phơi mốc được nắng. Mốc tương làm bằng gạo nếp hay ngô. Gạo nếp hay ngô giã trắng, đồ chín rải ra nong, lấy lá nhãn ủ đến khi lên mốc đưa ra phơi nắng khoảng 7-9 ngày. Đậu tương rang lên để nguội đem xay cho vỡ đôi, vỡ ba, sau đó đổ nước vào nấu chín rồi đổ vào nước đậu (sau 7 đến 9 ngày) là đổ muối vào đánh đều cho muối tan với mốc, đậu. Cứ 5 nước tương thì 1 muối, nếu quá nhiều muối thì tương mặn, mất ngon, nếu bỏ ít muối thì tương hỏng (gọi là tương ỉnh). Cho nên người dân Nam Đàn thường nhớ công thức: "Năm tương một muối thì ngon. Nhiều tương ít muối đổ vườn mất thôi". Tương ngon ngọt là tương làm bằng mốc nếp, nhiều đậu phơi được nắng. Đây là loại tương đặc biệt người ta nấu riêng một choé, một chum dùng để làm nước chan hay nước chấm thịt luộc, trong những ngày giỗ tết, có khách. Còn loại tương được làm từ mốc ngô, ít đậu thì dùng để kho cá, chấm rau, chấm đậu, ăn với cơm hàng ngày. Ngày mùa gặt lúa về nấu nồi cơm gạo mới dẻo thơm chan với nước tương ngon, ăn thật đậm đà hương vị quê hương. Vào những ngày hè nóng bức dùng nước tương chấm với ngọn khoai lang luộc, rau muống luộc, cà luộc ăn với cơm, vừa mát, vừa đậm đà hương vị đồng quê.
    Ai đã từng ăn thịt bò, thịt bê luộc chấm với nước tương ngọt có ít gừng, tỏi, thì không quên được hương vị đặc biệt này.
    Người dân Nam Đàn thường giã nhỏ lạc rang hay vừng đen hoà với nước tương sền sệt để chấm chuối xanh hay khế chua thái mỏng ăn với cơm. Vắt xôi nếp mà chấm với nước tương ngọt cũng khá hấp dẫn.
    (sưu tầm)
    hongbach2000k3
    Được sanu sửa chữa / chuyển vào 15:16 ngày 20/07/2002
  4. sanu

    sanu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    06/04/2002
    Bài viết:
    2.493
    Đã được thích:
    0
    Cam bù Thanh Chương
    Cam có nhiều loại: Cam Xã Đoài, cam chanh, cam giấy, cam Hương Sơn, v.v... Nhưng không có loại nào bằng cam Xã Đoài và cam bù Thanh Chương (Nghệ An). Mỗi loại có một đặc trưng khác nhau. Chẳng hạn như cam chanh, cam giấy: quả to, dày vỏ nhưng không ngon thơm bằng cam bù, đặc biệt là không chín vào dịp Tết Nguyên Đán như giống cam bù. Đến bây giờ không ai biết đích thực cam bù xuất xứ từ đâu; chỉ biết rằng nó là loại cam rất bổ chữa được nhiều bệnh nhưng dễ bị thoái hóa. Hiện nay một số vùng ở Thanh Chương đang thịnh hành giống cam bù này. Bởi nó rất ưa với loại đất đỏ ba zan. Nhân dân Thanh Chương, đặc biệt là xã Thanh Tùng có kinh nghiệm đào lỗ nông và hằng năm đắp đất bồi lên giống cam bù. Chủ yếu là chiết cành chứ không trồng bằng gieo hạt. Sau mỗi mùa thu hoạch hái quả xong rồi mới bỏ đạm, lân và phân chuồng khô. Nếu bỏ phân lúc có quả đã lớn thì thường hay bị nứt nẻ. Đặc điểm cam bù là quả thường nhỏ (thông thường 5 quả được 1kg), vỏ mỏng, lúc chín thì cam mới đỏ lựng. Một cây nhiều quả cũng cho từ 500 - 1.000 quả và tương đương với 1,2 - 2,5 triệu đồng.
    Cam bù ăn ngon ngọt có vị thơm đậm, nhiều nước, hạt nhỏ. Do thời tiết nên thông thường sau khi Tết xong người ta thường hay bị cảm cúm. Chỉ có cam bù làm cho sức khỏe con người chóng hồi phục nhất, giúp cho người ta đỡ khô môi và kích thích tiêu hóa. Riêng vỏ cam bù cùng với vỏ quả tắt và củ nghệ chúa gác bếp lâu hoặc đã khô, 3 loại ấy rang vàng hạ thổ sắc cho đúng liều lượng rồi uống, chữa được bệnh ho lâu năm rất hiệu nghiệm.
    hongbach2000k3
  5. sanu

    sanu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    06/04/2002
    Bài viết:
    2.493
    Đã được thích:
    0
    Hến sông La
    Những người con của sông La (Hà Tĩnh), xa quê lâu rồi còn nhớ mãi bát canh hến vị ngọt mát lành.
    Ấy là những sáng hè, nắng vừa le lói qua dãy rào râm bụt, đầu ngõ đã xôn xao: Hến đơi... hến ngọt, rọt (ruột) to... đoong (đong) đầy, bán rẻ... Ai hến đơi... Rẻ mọn là bát hến nấu canh mà trẻ con làng tôi thuộc lòng hàng chục kiểu rao đưa đẩy của người bán hến. Chị bán hàng người xóm thượng, tiếng lảnh lót như chim, chào mời đon đả, tay thoăn thoắt rảo từng lớp ruột hến vào chiếc bát sành. Cứ mỗi bát hến, người mua được múc kèm gáo nước luộc mầu trắng nhờ, ngậy thơm. Trưa hè nóng bức, làng tôi hiếm nhà nào không mua hến. Từ hến ra bao món ăn thơm ngon, hấp dẫn: canh hến rau lang, hoặc lá hẹ ăn với cà pháo muối giòn; hến xào, hến cháo, hến trộn nhút, lạc rang...
    Trong nhiều kiểu chế biến, có một món được xem "khoái khẩu", đưa chén rượu quê, đó là món hến xào ăn kèm bánh đa nướng. Hến ruột nhỏ đều, xào khô với gừng, tỏi, mắm tôm, giá đỗ, nhút mít. Bánh đa nướng giòn, bẻ ra từng miếng nhỏ, dùng thay thìa, xúc hến ăn. Ngọt bùi, chân chất món ăn quê mùa mà níu lòng bao thực khách.
    Tuổi thơ tôi cùng bạn bè lam lũ chốn quê, lớn lên bên triền sông với ngô khoai và hến. Những năm thiếu thốn, hến là vị ngọt thảo thơm nuôi sống chúng tôi. Vị ngọt ấy thấm mãi trong lòng, đượm đà, nồng hậu. Có phải thế, để giờ đây, giữa thị thành đô hội, trong nỗi nhớ quê thi thoảng dội về, lòng chúng tôi lại quay quắt nhớ một triền sông có con đê oằn lưng gánh lũ, có mượt mà ngô lúa đôi bờ và có cả ngọt lành bát hến.
    -----------------
    HẾN SÔNG LAM
    Hằng năm cứ vào dịp hè, từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch. Người dân Nam Đàn thường đi cào hến sông Lam về nấu canh làm thức ăn. Những con hến chỉ to bằng cái cúc áo, nhiều vô kể, người ta xúc hàng gánh.
    Mỗi bữa ăn mỗi nhà chỉ luộc độ nửa rổ hến là có một nồi canh hến cả nhà ăn thoải mái, vừa ngon, mát, vừa bổ.
    Hến được luộc lên, nở ra, ruột trắng nõn như những cúc áo. Nước luộc hến trắng màu sữa thoang thoảng thơm. Ruột hến được đãi sạch vỏ, đem xào với lạc rang giã nhỏ, bỏ vào một ít lá chanh thái mỏng rồi đổ vào nồi nước hến, là có một nồi canh hến ngọt.
    Những ngày hè đi làm đồng về mệt nhọc có nồi canh hến ăn với cơm thì chẳng mấy chốc khoẻ lại ngay. Trong nhà có bố mẹ già, các con thường nấu canh hến, mua bánh đúc, hay bún về thái nhỏ cho bố mẹ già ăn rất hợp khẩu vị.
    Hến là món nhắm rượu được nhiều người ưa thích. Khi nhà có khách đến chơi, mua ít hến về luộc lên lấy nước làm canh ăn với cơm. Ruột hến đem xào với lạc rang giã nhỏ, bỏ vào một ít lá chanh thái mỏng, ít bánh đa vừng thơm giòn, kẹp ruột hến vào giữa bánh đa, vừa ăn vừa uống rượu.
    Hến còn được nấu cháo cho người đau ốm. Luộc hến lên lấy nước rồi đổ ít gạo vào nấu nhừ, đổ ruột hến vào, thế là có nồi cháo thơm. Người đang ốm ăn bát cháo hến bỏ ít hành vào là cảm thấy chóng khoẻ ngaỵ
    (sưu tầm)
    hongbach2000k3

    Được sanu sửa chữa / chuyển vào 15:21 ngày 20/07/2002
  6. sanu

    sanu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    06/04/2002
    Bài viết:
    2.493
    Đã được thích:
    0
    RUỐC XỨ NGHỆ
    Gọi là ruốc song không phải là loại ruốc thịt như người miền Bắc vẫn thường làm. Đây là một loại mắm được chế biến từ tép biển, dân Nghệ Tĩnh vẫn gọi là con khuyết.
    Người miền biển ủ hàng tạ con khuyết để làm ruốc trong những thùng gỗ to. Những con khuyết chỉ bé bằng con tép đồng, phơi khô thường có màu đỏ phơn phớt hồng. Khi đã chế biến thành ruốc, màu của nó vẫn được giữ nguyên trông rất bắt mắt. Trong mỗi gia đình nông dân nói chung và miền biển nói riêng, thường trữ sẵn hũ ruốc trong nhà để làm thức ăn dự trữ. Hũ ruốc được phơi nắng sẽ dậy mùi và để được lâu hơn.
    Ruốc còn được dùng để làm gia vị. Nêm vào canh hoặc những món xào. Ngoài ra còn pha chanh hoặc giấm để làm nước chấm các loại rau. Trong bữa ăn nhẹ, đơn giản thường ăn với bún kèm chuối xanh, khế chua thái mỏng hoặc chấm với bánh đúc. Ăn kiểu khan này sẽ được thưởng thức hương vị nguyên tinh của ruốc (như mùi mắm tôm), nhưng ai không quen ăn thì sẽ cảm thấy rất hôi không ăn được.
    Ở các chợ quê, các quán nhỏ bên đường, những người dân sau giờ lao động vẫn thường ghé vào ăn bún ruốc, vừa chống cơn đói lại hợp túi tiền, nói cười bỗ bã kể chuyện đồng quê, nhìn vào rất ấm cúng.
    (sưu tầm)
    hongbach2000k3
  7. sanu

    sanu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    06/04/2002
    Bài viết:
    2.493
    Đã được thích:
    0
    Cà pháo xứ Nghệ
    Cà pháo từ xưa vốn được coi là một món ăn chính của người nông dân xứ Nghệ. Cà pháo ngon nhất, đúng hương vị nhất phải kể đến cà pháo của đất Nghi Lộc, Nghệ An. Khác với loại cà pháo muối xổi ở thành phố, cà xứ Nghệ thường được muối trong vại lớn trước đó dùng làm nước mắm, cà muối hàng tháng sau mới lấy ra ăn.
    Từ trước tới nay có nhiều người cho rằng cà là một món ăn "chủ lực" của nông dân lao động. Ca dao cũng nhắc nhiều đến quả cả.
    Khen anh làm rể Chương Đài
    Một năm ăn hết mười hai vại cà.
    Giếng đâu thì dắt anh ra
    Kẻo anh chết với vại cà nhà em!
    Trong chuyện xưa của ta cũng có một quả cà mặn đầy tình nghĩa ấy là quả cà Dương Lễ đãi Lưu Bình.
    Nếu bà con có dịp về xứ Nghệ vào dạo cuối xuân, đầu hè, nhìn vào bữa cơm gia đình nào cũng thấy món cà. Những món ăn như thịt, cá không thấm thía bằng đĩa cà pháo nằm gọn giữa mâm.
    Thi sĩ Tản Đà thuở xưa đã có lần vào xứ Nghệ viết văn giữa mùa cà pháo, và đã có lần nhắm vợi hết một hũ rượu lớn với độc vị, cà pháo. Những kẻ sành ăn đều nghiệm ra chỉ có món cà pháo mới đủ tư cách làm khoái trá toàn bộ ngũ quan của người ăn mà thôi. Mắt được thưởng thức cái hình dáng tròn xinh và nước da trắng mọng như ngà của cà, mũi được ngửi vị thơm bùi ngùi, ngòn ngọt, cái tay cầm đũa được gắp quả cà một cách vừa tầm khỏi tốn công lựa chọn, vì quả nào cũng tròn đầy và đều tăm tắp như một viên bi, cái miệng được nếm vị ngon của cà, nhất là tai khi được nghe cái thanh âm giòn tan của cà pháo thật là khoái vô cùng. Bữa cơm cà rất giản dị, chỉ cần một bát nước rau muống luộc là đủ lắm rồi.
    Ngày xưa, cà pháo Nghệ An đã có lần vào làm dáng trên mâm cơm của đô thị Sài Gòn, lại có lúc trẩy mãi ra Lạng Sơn sau bao thư từ nhắn nhe hò hẹn. Hình như riêng nó cũng đủ sức gợi lên hương vị ẩm thực một vùng đất và gửi trao cả tình người xứ Nghệ với tri âm, tri kỷ đàng trong, đàng ngoài... Cà pháo đã thành một món quen thuộc của mọi lớp người trong xã hội. Bởi vì nó không thô như cà dừa, nó không "tục" như cà **** dê, nó không nguy hiểm như cà độc dược, nó có thể quần tụ với các món bát trân giữa một bữa tiệc cầu kỳ. Các bạn muốn hưởng đúng hương vị của cà pháo thì phải dùng cà pháo của đất Nghi Lộc (Nghệ An) và khi đến nơi đây để thưởng thức món cà, các bạn nên biết rằng thổ âm Nghi Lộc khiến bạn rất dễ nhầm lẫn giữa cà và cá. Cho nên về đây muốn ăn cà thì phải nói rõ là cà có cuống chứ không phải là cà có đuôi.
    (sưu tầm)
    hongbach2000k3


    sanu
  8. sanu

    sanu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    06/04/2002
    Bài viết:
    2.493
    Đã được thích:
    0
    Vó Tôm
    Vó tôm có từ bao giờ, không ai xác định được. Chỉ biết nó có từ lâu lắm rồi. có ở nhiều nơi trên khắp đất nướcnhiều sông, hồ, ao, ngòi của ta.
    Làm vó tôm đơn giản, dễ dàng, tốn tiền ít, mà tiện lợi nhiều. Chỉ cần một đoạn tre hoặc trúc, hoặc nứa... dài độ 1 m, chẻ ra từng mảnh rộng độ 1,5 cm rồi vót nhẵn là thành gọng vó. Lấy hai cái gọng đặt bằng đầu, rồi lấy dây buộc hai gọng chồng lên nhau ở điểm chính giữa, sao cho dễ xoay ngang, xoay dọc.
    Lưới vó tôm, người ta thường làm bằng vải màn dễ thoát nước, kéo lên nhanh, tôm, tép không kịp chạy ra ngoài vó. Để làm vó tôm, người ta cắt vải xô ra từng mảnh hình vuông, mỗi cạnh độ 70 cm. Bốn góc của tấm xô làm lưới, khâu vào một đoạn dây vải, hay dây dù. Rồi đem buộc thật chặt bốn dây này vào bốn đầu của gọng vó. Thế là ta được một cái vó tôm.
    Người kéo vó lấy thính (cám gạo, hoặc ngô, rang vàng thơm, trộn với nước, mức sột sệt) ném xuống nước, ước lượng vào giữa vó, hoặc ném chỗ đỉnh gọng vó, là được. Thính chìm xuống mặt lưới; tôm, tép vào ăn, bị kéo lên, mắc gọn trong vó. Kéo vó phải thật nhanh và gọn để tôm, tép khó thoát ra ngoài. Kéo lên rồi, một tay cầm đỉnh gọng vó, giữ nó ở thế vuông góc nhau; tay kia đỡ đáy chính giữa phía đuôi lưới vó và hất mạnh tôm, tép trong vó vào rá, hay rổ, có cành lá nhãn, hay lá tre sẵn trong rổ để chắn tôm, tép nhảy ra ngoài.
    Người ta thường kéo vó ở ven bờ sông, hồ, mương, máng, ao, thùng, ruộng nước sâu độ nửa mét. Đặt vó ở ao, hồ... chỗ có bóng sung, ổi, vối, tre... hay cạnh cầu ao là tốt nhất. Có thể mang mấy chục vó đặt nhiều nơi một lúc, và lần lượt kéo liên tục trong ngày. Người làm nghề cất vó có thể kiếm được hàng cân tôm, tép.
    Kéo vó tôm tốt nhất là ở cánh đồng mới gặt. Bởi tôm, tép ở ruộng sâu ăn mầu từ lúa và rạ, v.v. Mà sinh sôi đông đàn, béo múp. Ta chỉ cần lấy gậy đập đập những gốc rạ cho xẹp xuống bùn thành những khoảng nước trống để đặt vó xuống đấy rồi rắc thính là tôm, tép kéo đến. Mỗi mẻ vó kéo lên tôm riu, tôm càng xôn xao nhảy cao nhảy thấp.
    Giờ đây, nhìn cảnh quây quần cả nhà, trên mâm bầy ra những bát canh rau, bầu, bí nấu canh tôm khô thơm ngọt, hay đĩa tôm rang đậm, hoặc rau muống luộc chấm tương, nước rau chan cơm, ăn với tôm rang, tôi lại nhớ về ngày còn ở quê với những lần đi cất vó.
    hongbach2000k3
  9. d.an1

    d.an1 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    20/11/2001
    Bài viết:
    558
    Đã được thích:
    0

    Cà pháo mà ăn với khoai luộc thì cực kỳ.
    Ruốc mà ăn với khế thì chỉ có rỏ nước dãi vì thèm.
    Hến mà xào với xule thì ăn cả chục đọi cơm cụng nỏ chán.

    PDA

  10. LUMBER

    LUMBER Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    08/01/2002
    Bài viết:
    596
    Đã được thích:
    0

    Đây là nhà của cụ Sinh Sắc

    Đây là nhà làng sen
    Khu mộ bà Hoàng Thị Loan
    [​IMG] [​IMG][​IMG]

Chia sẻ trang này