1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Từ những ngôi nhà sàn hình thuyền... - Văn Ngọc

Chủ đề trong 'Kiến Trúc' bởi MTH, 10/01/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. MTH

    MTH Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/05/2002
    Bài viết:
    917
    Đã được thích:
    0
    Từ những ngôi nhà sàn hình thuyền... - Văn Ngọc

    Tìm hiểu nguồn gốc của một truyền thống nghệ thuật, hay một phong cách nghệ thuật nào đó, trong một nền văn hoá, hay thậm chí trong nhiều nền văn hoá khác nhau, đòi hỏi một sự tìm tòi công phu, song đầy thú vị, mặc dầu niềm thú vị đó chưa thể nào trọn vẹn, vì còn nhiều vấn đề mông lung, chưa có lời giải đáp.

    Người ta thường dựa vào những phát hiện, những kết quả nghiên cứu của các ngành khảo cổ học, dân tộc học, và nhiều ngành khoa học khác, cũng như dựa vào văn học, nghệ thuật, để lập nên những giả thiết, từ những góc nhìn khác nhau, đôi khi bổ sung cho nhau.

    Hiện tượng những ngôi nhà sàn hình thuyền của một số dân tộc vùng Tây Nguyên nước ta có cùng một hình dạng kiến trúc với ngôi nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn, và với những ngôi nhà sàn hình thuyền hiện còn tồn tại ở nhiều nơi khác trong vùng Đại Dương châu và Đông Nam Á (từ các đảo Papoua, Nouvelle Guinée, Célèbes, Sumatra, lên đến đảo Kyushu, miền nam Nhật Bản), khiến cho người ta tự hỏi : phải chăng đã từng có một mối quan hệ lịch sử, hoặc văn hoá nào đó giữa các dân tộc Tây Nguyên và các dân tộc láng giềng ở vùng biển này ?

    Đồng thời, một loạt câu hỏi khác cũng được nêu lên : Tại sao các ngôi nhà sàn này lại có cái mái hình thuyền ? Các dân tộc Tây Nguyên đã từ đâu đến ? Ai là chủ nhân đích thực của những chiếc trống đồng Đông Sơn? Người Việt đã có một vị trí nào trong nền văn hoá này ? v.v.

    Ngôi nhà sàn khắc trên trống đồng Đông Sơn, rõ ràng cùng là kiểu nhà sàn hình thuyền của các dân tộc gốc Mã Lai- Đa Đảo ở Tây Nguyên nước ta, cũng như của các dân tộc Batak, Toradja, v.v. ở các đảo Sumatra, và Célèbes (Indonesia), hoặc của dân tộc Papou ở Papoua, Nouvelle Guinée (Đại Dương châu). Đối với người Việt (người kinh), thì hình dáng của ngôi nhà sàn này, mặc dầu không mấy quen thuộc, song họ vẫn thấy như có một cái gì rất gần gũi !

    Cái mái hình thuyền, về hình khối chung, thì quả là xa lạ với thẩm mỹ của người Việt, nhưng đường nét của cái nóc mái cong xoắn lên, thì lại không khỏi gợi nhắc đến chiếc đầu đao của các mái đình, mái chùa quen thuộc ! Mặc dầu là ở những ngôi nhà sàn hình thuyền trên trống đồng Đông Sơn, hay ở Tây Nguyên và ở các đảo, nóc mái luôn luôn là một đường cong và diềm mái thẳng, trong khi ở ngôi đình, ngôi chùa Việt Nam, thì ngược lại, nóc mái thẳng (mặc dầu luôn luôn có những mô típ trang trí, như lưỡng long chầu nguyệt, v.v), nhưng cái diềm mái thì lại cong lên ở hai đầu. Sự đối lập giữa đường cong và đường thẳng ở cả hai trường hợp, mặc dầu trái ngược nhau, song đều tuân theo cùng một qui luật thẩm mỹ về sự tương phản của nhịp điệu.

    Nhà sàn thực ra đối với dân tộc Việt không phải là xa lạ. Người Mường (người Việt cổ) ở các vùng Nghĩa Lộ, Hoà Bình, Thanh Hoá, xưa nay vẫn ở nhà sàn. Vùng trung du và thượng du phía bắc nước ta, ngay từ những thời xa xưa, trước khi người Việt rời xuống đồng bằng sông Hồng để định cư và sống chủ yếu bằng nông nghiệp, thì chắc hẳn cũng đã từng ở nhà sàn, mặc dầu đó là những nhà sàn kiểu khác. Và rồi qua thời gian, người Việt cũng dần dần quen đi với thẩm mỹ của những ngôi nhà tranh xây trên nền đất ở đồng bằng.

    Tuy nhiên, nếu nhìn vào nền kiến trúc tôn giáo truyền thống của dân tộc Việt (kinh), người ta sẽ thấy có những yếu tố cho phép khẳng định rằng quan niệm xây nhà sàn trên cọc đã không xa lạ gì với họ : các ngôi đình làng cổ thường được xây theo truyền thống nhà sàn, nghĩa là chiếc sàn gỗ được xây cao lên khỏi mặt đất để phòng chống ẩm thấp, như kiểu những ngôi nhà truyền thống Nhật Bản.

    Nhiều chứng tích còn để lại nói lên điều đó : ở đình làng Đình Bảng, Bắc Ninh (thế kỷ 18), và đình Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh (thế kỷ 17-18), sàn được xây cao khỏi mặt đất khoảng 0,70m. Chùa Một Cột (thế kỷ 11) có lẽ là thí dụ điển hình nhất về truyền thống xây nhà sàn trên cọc của người Việt Nam, một truyền thống chắc hẳn đã có từ lâu đời.

    Mặt khác, sự hao hao giống nhau giữa chiếc đầu nóc mái của ngôi nhà sàn "hạ thu thượng khuếch" ở Tây Nguyên và chiếc đầu đao ở các góc mái đình, chùa, khiến cho người ta tự hỏi : không biết chiếc mái cong của các ngôi đình, ngôi chùa, từ đâu mà ra, và có liên quan gì đến chiếc mái cong của những ngôi nhà hình thuyền không ?

    Ở Indonesia, người Minangkabau có những ngôi nhà mái cong rất đẹp, nhịp điệu bay bổng, phong phú, một mặt giống ngôi nhà sàn hình thuyền, một mặt lại giống mái cong của đình chùa Việt Nam.

    Có thể nghĩ rằng nguồn gốc mái cong của các ngôi đình chùa Việt Nam chỉ đơn giản là một vấn đề kỹ thuật : ở một xứ khí hậu nóng ẩm, nhiều mưa, nhiều nắng, mái đình, mái chùa, lợp bằng ngói, hay mái gianh, mái rạ của nhà nông dân, đều phải nhô ra khá xa để che chở mưa nắng cho bức tường bao xung quanh. Hơn nữa, các công trình này lại thường rất thấp. Ở nhiều ngôi đình cổ, chiều cao tính từ thềm đến diềm mái (giọt gianh) nhiều khi chưa tới 1m80 ! Do nhu cầu ánh sáng, và cũng có thể do cả nhu cầu thẩm mỹ, người ta đã phải "vén" cao bốn góc mái lên theo những đường cong, khiến cho toàn bộ cái mái trông cũng đỡ khô khan, nặng nề.

    Đương nhiên, từ chiếc mái vuông vức, thẳng tắp, của những ngôi nhà nông dân làm bằng tranh tre nứa lá đơn sơ, đến chiếc mái cong của ngôi đình, ngôi chùa, là cả một quá trình phát triển về mặt kỹ thuật cũng như về mặt thẩm mỹ, và chắc hẳn trong quá trình đó đã có những ảnh hưởng qua lại giữa các cộng đồng văn hoá có quan hệ láng giềng với nhau.

    Các đường cong của các góc mái đình chùa chắc hẳn cũng đã chỉ có thể thực hiện được khi kỹ thuật sử dụng vật liệu gỗ đã đạt tới một trình độ tinh xảo, với sự hỗ trợ của vật liệu gạch, ngói, vôi, vữa, xuất hiện vào một thời kỳ muộn hơn. Cũng như mọi sản phẩm văn hoá nghệ thuật khác, từ chiếc áo tứ thân đến câu hát quan họ, chiếc mái cong một khi đã được chấp nhận, ưa thích, mới có cơ sở tồn tại để trở thành một truyền thống.

    Nhưng tại sao lại phải là những đường cong, mà không là những đường thẳng, hoặc đường gẫy khúc, để dễ thực hiện hơn ? Đây chính là một nét sáng tạo, không phải chỉ vì một lý do kỹ thuật, mà chủ yếu là một sự chọn lựa có tính chất thẩm mỹ. Đôi khi, do một sự ngẫu nhiên nào đó, người ta đã tìm ra được một giải pháp thẩm mỹ cho một bộ phận kiến trúc, ví dụ như trong chiếc mái cong của kiến trúc cổ Trung Quốc, mặt mái cũng cong (khác với mặt mái phẳng trong kiến trúc Việt Nam) : lý do là vì vào thời kỳ sơ khai, mái Trung Quốc được lợp bằng những nửa ống tre ghép lại, cái sấp, cái ngửa (như ngói ống). Qua thời gian, những chiếc mái tre này bị trũng xuống, tạo nên một đường cong, và người ta thấy như vậy lại đẹp hơn , nước mưa chảy xuống theo mái cũng được hắt xa hơn.

    Đương nhiên, không loại trừ là đường cong của các mái đình mái chùa có thể có một ý nghĩa tượng trưng nào khác : đó có thể là đường cong của những chiếc thuyền lướt trên sóng, nhưng cũng có thể là đường cong của cấu trúc hoa, cỏ, sinh vật trong thiên nhiên, của mặt trăng, mặt trời, của sóng, gió, v.v. Dẫu sao, thì đó cũng là những đường cong giàu nhịp điệu, có khả năng tạo nên cảm xúc thẩm mỹ, đồng thời khiến cho các góc mái không còn là những chướng ngại cản gió nữa.

    Hai đầu nóc mái nhô ra ở hai đầu hồi trên ngôi nhà sàn hình thuyền cũng đều có những chức năng nói trên. Trước hết, là chức năng che mưa nắng cho hai đầu hồi. Tuy nhiên, nếu nhìn toàn bộ ngôi nhà sàn hình thuyền, thì ta thấy rằng chính những cái đầu nóc mái này đã đem đến cho nó một phong cách độc đáo, không thể nào nhầm lẫn được với những chiếc nhà sàn khác, và tạo cho nó một vẻ đẹp hoành tráng, một nhịp điệu khoẻ mạnh.

    Chiếc đầu đao cũng có một vai trò quan trọng : nó không chỉ có chức năng trang trí bằng những mô típ rồng phượng, mà chính là để tạo thêm nhịp điệu cho cái mái, khiến cho nó càng thêm bay bổng, nhẹ nhàng.

    Cách giải thích trên phần nào dựa theo lô gích. Trong kiến trúc, mặt lô gích thường kết hợp chặt chẽ với mặt nghệ thuật. Chùa Một Cột chính là một trường hợp thể hiện rõ hiện tượng này : một người không biết gì về lịch sử của ngôi chùa này (nghĩa là không biết gì đến sự tích vua Lý Thái tôn nằm mộng thấy đức Phật "dắt tay mình lên toà sen", và sau đó muốn xây một ngôi chùa "như một đoá hoa sen mọc trên mặt nước"), vẫn có thể cảm nhận được cùng một lúc cái đẹp và cái lô gích của nó về mặt kiến trúc.

    Trước hết, là lô gích về mặt quan niệm : người xưa đã biết nương vào cái đẹp tự nhiên của đoá hoa sen mọc ở giữa hồ, cũng như dựa vào cái cấu trúc rất toàn mỹ của nó, để thiết kế một công trình thổ mộc, tuy bằng gỗ và đá nhưng vẫn giàu tính chất tượng trưng.

    Thứ hai, là lô gích về mặt cấu trúc : với cây cột cái bằng đá, làm chỗ dựa cho những chiếc tay chống như những đài hoa đón lấy những cột chống từ trên đâm xuống. Nếu như những cột chống này đâm thẳng xuống nước thì chúng ta đã có một chiếc nhà sàn 100% rồi !

    Tuy nhiên, trong kiến trúc, tất cả đều không chỉ là lô gích mà thôi !

    Có giả thiết cho rằng cái mái cong có nguồn gốc từ hình mũi thuyền. Giả thiết này dẫn chúng ta đi rất xa, không những chỉ trong việc tìm hiểu nguồn gốc của chiếc mái cong, mà cả trong việc tìm hiểu nguồn gốc của những dân tộc hiện đang chung sống từ lâu đời trên dải đất Việt Nam.

    Nhà sàn kiểu " hạ thu, thượng khuếch " (dưới lùi vào, trên nhô ra) khắc trên trống đồng Đông Sơn, là một kiểu nhà sàn có phong cách kiến trúc rất độc đáo, mà ngày nay còn tìm thấy được ở Tây Nguyên, tại một số vùng định cư của các dân tộc Gia Rai, Êđê, gốc Mã Lai - Đa Đảo ; ở Indonesia : đảo Célèbes,ấ(dân tộc Toradja), đảo Sumatra (dân tộc Batak); ở Đại Dương châu : các đảo Nouvelle-Guinée, Papouaấ(dân tộc Papou - từ Papou, tiếng Mã Lai có nghĩa là dân tộc tóc xoăn).



    MTH@
  2. MTH

    MTH Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/05/2002
    Bài viết:
    917
    Đã được thích:
    0
    Theo Christian Pelras, trong tạp chí Archipel, số 10, 1975, thì người dân đảo Célèbes cho rằng "đường cong của cái mái nhà hình thuyền gợi nhắc đến những chiếc thuyền đã chở tổ tiên của họ từ lục địa tới đây". Có thuyết còn cho rằng cư dân ở các đảo thuộc Nam dương quần đảo (Indonesia) đã từ miền Vân Nam xuống, qua Campuchia, Tây Nguyên, Mã Lai, v.v. (Chúng ta biết rằng Vân Nam xưa kia là một trong những cái nôi của các dân tộc Bách Việt).
    Trong tập san Histoire et Anthropologie số 10, 1-6/1995, Christian Pelras còn đưa ra giả thiết cho rằng : có thể các dân tộc nguồn gốc Môn-Khmer và Mã Lai-Đa Đảo đã đặt chân tới Nam Dương quần đảo khoảng thiên niên kỷ thứ 3 trước C.N. Nếu quả như vậy, thì những cuộc di dân ngược trở lại, vì những lý do khác nhau, từ các đảo vào lục địa có thể cũng đã diễn ra trong khoảng thời gian này, hoặc muộn hơn.
    Nhà tiền sử học R.von Heine-Geldern cho rằng cuộc di dân này đã diễn ra rất chậm, giữa 2500 năm và 1500 năm tr. C.N. Ông còn cho rằng chính đây cũng là con đường truyền bá của chiếc rìu đá có mộng, vào thời đại đồ đá mới, xuất phát từ Vân Nam xuống tới Mã Lai, Indonesia, Đại dương châu và đi trở ngược lên tới các đảo phía nam Nhật Bản.
    Nhưng ta hãy trở lại ngôi nhà sàn và con thuyền được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn.
    Con thuyền ở vào thời kỳ nông nghiệp chưa phát triển chắc hẳn đã đóng một vai trò kinh tế vô cùng quan trọng. Con thuyền có thể còn có một ý nghĩa tôn giáo xa xôi, thần bí : phải chăng đó là con thuyền chở linh hồn người chết vượt trùng dương qua một cõi khác, hay đến một miền quê hương nào của tổ tiên ?
    Ở một số dân tộc vùng quần đảo Nam Dương (Bornéo, Moluques, Célèbes), cho tới gần đây, người ta vẫn còn tục lệ chôn người chết vào trong những chiếc thuyền gỗ thật đặt trên cọc gỗ, hoặc trong những chiếc quan tài gỗ làm theo hình thuyền chạm trổ rất tỉ mỉ. Sự kiện này làm chúng ta liên nghĩ tới chiếc quan tài Việt Khê.
    Ở Sumatra (dân tộc Batak), trên nóc một số ngôi nhà có tính cách quan trọng như nơi thờ cúng, hoặc nhà của những người có quyền chức trong làng, đều có tạc hình chiếc thuyền này. Một điều đáng chú ý khác, là cũng ở dân tộc này, thuyền của vua chúa đều được trang hoàng bằng hình một con rắn ở đằng mũi thuyền. Điều này không khỏi làm cho chúng ta nghĩ đến chiếc "thuyền rồng" !
    Phải chăng, trong nền văn hoá của một số dân tộc vùng Đại Dương châu và Đông Nam Á, vào thời kỳ nền "văn hoá Đông Sơn" phát triển (từ thế kỷ 4 trước C.N. đến thế kỷ 1 sau C.N.), và trước nữa, thuyền vừa là một công cụ sinh nhai quan trọng, lại vừa là một vật tượng trưng, được người ta sùng bái như một đồ thờ linh thiêng ?
    Rõ ràng, ngôi nhà sàn và con thuyền trên trống đồng Đông Sơn có một mối quan hệ mật thiết với một số dân tộc ít người vùng Tây Nguyên, cũng như với một số dân tộc vùng Đại Dương Châu và Đông Nam Á. Có thể những dân tộc này đã từng có những nếp sống văn hoá chung, một dĩ vãng chung ? Điều có thể khẳng định được là tổ tiên của họ đã từng gắn bó nhiều với biển. Theo truyền thuyết của dân tộc Toradja ở đảo Célèbes, thì dân tộc này cùng một vài dân tộc khác ở Sumatra đều là những "dân tộc từ biển tới". Có thể những người gốc Mã Lai - Đa Đảo ở Tây Nguyên, nói chung, cũng đã từ biển tới, theo những đợt di dân khác nhau, và đã sống chen vào với những tộc người gốc Môn - Khơme có mặt ở đây từ trước.
    Nhưng còn người Việt, họ đã từ đâu tới, nếu không phải là từ phía bắc xuống, theo giả thiết nguồn gốc Bách Việt ? Họ có phải là chủ nhân của những chiếc trống đồng Đông Sơn không ? Nếu không thì chủ nhân của những chiếc trống đồng Đông Sơn là ai ? Và hậu duệ của những người này là ai ?
    Chiếc mái ngói cong của những ngôi đình, ngôi chùa Việt Nam, có mối quan hệ nào với chiếc mái hình thuyền lợp bằng lá, hoặc bằng rơm rạ, của người Tây Nguyên, hoặc của người các đảo ? Theo tôi, nếu có, thì đó cũng chỉ là một mối quan hệ gián tiếp, với những động cơ kỹ thuật và thẩm mỹ, thông qua hình tượng của chiếc mũi thuyền, hoặc của ngọn sóng, chứ không liên quan trực tiếp đến biển và con thuyền-nguồn gốc của tổ tiên.
    Bởi nếu chỉ xét cái bề ngoài "hình thức" của kiến trúc, và nhìn từ góc cạnh thuần tuý thẩm mỹ không thôi, thì giữa chiếc mái cong của ngôi đình, ngôi chùa các thời nhà Lý, nhà Lê (chùa Một Cột, chùa Keo, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình làng Đình Bảng, v.v.) và chiếc mái hình thuyền của nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn, hay nhà sàn ở Tây Nguyên, hoặc ở đảo Célèbes, thì có quá nhiều điểm khác biệt so với những điểm tương đồng ! Ngoài các khía cạnh hình dạng, cấu trúc và vị trí của các góc mái cong ra, còn có khía cạnh vật liệu : mái nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn, ở Tây Nguyên, hay ở các đảo Célèbes, Sumatra, đều lợp bằng tranh, bằng lá, khung bằng tre, gỗ, trong khi mái đình, mái chùa cổ đều được lợp bằng ngói, khung gỗ. Vẫn biết rằng, trong kiến trúc, sự thay đổi vật liêu xây dựng tuỳ theo môi trường khí hậu, điều kiện nguyên liệu, trình độ văn hoá, kỹ thuật, của từng địa phương, và ở từng thời điểm, vẫn là sự thường.
    Chiếc mái cong của các ngôi đình, ngôi chùa Việt Nam, theo tôi nghĩ, nhiều phần không có một nguồn gốc bí ẩn, tượng trưng nào cả, mà chủ yếu chỉ do một nhu cầu kỹ thuật và thẩm mỹ. Nếu nó có dập theo hình dạng của cái mũi thuyền, hay của ngọn sóng, thì cũng chỉ là do động cơ thẩm mỹ. Vậy mà chính cái mái cong lại là một trong những bộ phận thể hiện rõ nhất những nét đặc thù của kiến trúc Việt cổ, so với kiến trúc Trung Quốc và Nhật Bản : nếu ta đem so sánh cái mái cong của các ngôi đình, ngôi chùa Việt Nam với cái mái cong của các ngôi chùa Trung Quốc, hay Nhật Bản, thì ta thấy rằng nó khác hẳn. Cái mái cong của Việt Nam có một cấu trúc khác, một hình dạng khác : nó cong hơn mái cong của Nhật Bản, và khoẻ mạnh hơn mái cong của Trung Quốc. Mái cong trong kiến trúc cổ của người Việt lợp bằng ngói mũi hài, hay ngói ta (nghĩa là ngói dẹp), trong khi mái cong Trung Quốc và Nhật Bản cổ lợp bằng ngói ống.
    Nhìn từ dưới lên, hình khối chung của góc mái cong của các ngôi đình, ngôi chùa Việt Nam rất đầy đặn, cấu trúc gỗ thể hiện tất cả vẻ đẹp khoẻ mạnh và hoành tráng của nó ở bộ phận này. Càng nhìn ngắm những công trình kiến trúc cổ như chùa Một Cột, chùa Keo, đình Tây Đằng, v.v. người ta lại càng thấy rằng người xưa, ở vào các thời Lý, Trần, Lê, đã có một khiếu thẩm mỹ rất vững vàng, và rất... độc lập !
    Ngôi chùa Một Cột, xây năm 1049, dưới thời vua Lý Thái tôn, thể hiện hình tượng đoá hoa sen mọc trong hồ nước, với ý nghĩa tượng trưng cho toà sen của đức Phật Quan Âm và cho sự tinh khiết, với cấu trúc đơn giản và vẻ đẹp mộc mạc, khoẻ mạnh, quả là một đỉnh cao của nền kiến trúc cổ truyền Việt Nam.
    Vậy thì trước đó ắt hẳn đã phải có những tác phẩm kiến trúc khác cũng đã đạt tới một trình độ nào rồi ? Bởi không thể nào hình dung được rằng một sớm một chiều các nhà kiến trúc sư và các nghệ nhân đầu thời nhà Lý đã có thể sáng tạo ra được một kiệt tác như thế !
    Câu trả lời chắc hẳn không thể tìm thấy ở ngay trong bản thân nền kiến trúc này, vì các công trình cổ đều đã bị mất mát hết, coi như chẳng còn gì. Dẫu sao thì kiến trúc của những ngôi chùa cổ nhất ở Việt Nam (chùa Dâu, chùa Kiến Sơ, chùa Vạn Phúc, v.v.) cũng không xưa hơn thế kỷ 6 sau C.N. Ở Trung Quốc, những ngôi đền chùa cổ nhất còn tồn tại cũng không có niên đại xưa hơn thế kỷ 5 sau C.N.
    Như vậy, là vào khoảng đầu công nguyên, chắc hẳn đã tồn tại trên đất nước ta một nền kiến trúc gạch ngói sơ khai, song song với kiến trúc tranh tre nứa lá của những ngôi nhà sàn của người Việt cổ ở các vùng trung du và thượng du, và những ngôi nhà tranh của nông dân ở dưới đồng bằng. Cùng tồn tại với nền kiến trúc này chắc hẳn còn có những ngôi nhà sàn của người Chăm (ở vùng Hội An) và những ngôi nhà sàn mái hình thuyền của các dân tộc gốc Môn-Khơme và Mã Lai-Đa Đảo ở vùng Tây Nguyên ngày nay ?
    Nếu quả thật người Việt cổ là một trong những chủ nhân của nền văn hoá Đông Sơn, và nếu họ cũng đã có một mối quan hệ nào đó với chủ nhân của những ngôi nhà sàn hình thuyền trên trống đồng Đông Sơn, thì chúng ta có thể nghĩ rằng, suốt trong khoảng cách thời gian giữa những ngôi nhà sàn hình thuyền của thời kỳ văn hoá Đông Sơn và ngôi chùa Một Cột _ cũng là khoảng thời gian hơn một nghìn năm nước ta bị Trung Quốc đô hộ _ mặc dầu có thể cha ông chúng ta đã không có điều kiện để xây dựng gì nhiều trong khoảng thời gian ấy, song sự hiểu biết về nghệ thuật kiến trúc, cũng như năng khiếu thẩm mỹ của cha ông ta đã không hề bị lu mờ, để khi có cơ hội là bộc phát một cách tự nhiên.
    Trong gần một nghìn năm, ngôi chùa Một Cột vẫn lặng lẽ soi bóng xuống hồ Linh Chiểu.
    Trước khi có nó, và ngược trở lên trước thời kỳ hơn một nghìn năm nước ta bị đô hộ, ắt hẳn dân tộc Việt cổ đã có cả một dĩ vãng kiến trúc, mà ta đã không được biết đến, ngoại trừ những ngôi nhà sàn của đồng bào Mường, và ngôi nhà tranh nền đất của người kinh ở đồng bằng ?
    Tuy nhiên, nếu nhìn vào nền văn hoá của một số dân tộc ở Tây Nguyên gốc Mã Lai-Đa đảo, chủ nhân của những chiếc nhà sàn hình thuyền, mà tổ tiên đã từ biển tới định cư tại đây, rồi có thể một lúc nào đó, một bộ phận đã xuất phát từ đây để đi tới các đảo, vào thời kỳ nền văn hoá Đông Sơn phồn thịnh (từ thế kỷ 4 tr.C.N. đến thế kỷ 1 sau C.N., hoặc trước nữa, cũng như nếu nhìn rộng ra các nước láng giềng ở xung quanh ta trong vùng Đông Nam Á và Đại Dương châu, thì ta thấy _ như thể nhìn vào một tấm gương phản ánh dĩ vãng _ qua hình dáng của những ngôi nhà sàn hình thuyền, như thấp thoáng có bóng dáng của những ngôi nhà sàn mái cong của người Minangkabau, hay chiếc mái cong của những ngôi đình, ngôi chùa Việt Nam !
    Văn Ngọc
    http://perso.wanadoo.fr/diendan/nouveau/u125vngoc.html
    MTH@
  3. MTH

    MTH Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/05/2002
    Bài viết:
    917
    Đã được thích:
    0

    Nhà kho hình thuyền của dân tộc Toradja ở đảo Célèbes, Indonesia,hiện còn tồn tại.
    Nhà sàn hình thuyền trên trống đồng Đông Sơn
    Nhà sàn tambaran ở vùng sông Sepik, Nouvelle Guinée.
    Chùa Một Cột, Hà Nội - (thế kỷ 11)
    Nhà sàn của người Minangkabau,- Sumatra, Indonesia
    Góc mái đình làng Đình Bảng (thế kỷ 18) - (Mặt cắt)
    Nhà sàn hình thuyền trên gương đồng tìm thấy ở Nhật Bản, thế kỷ 3 sau C.N.
    Con đường truyền bá chiếc rìu đá có mộng (thời đại đồ đá mới), theo Heine-Geldern.
    Hình thuyền trên trống đồng Ngọc Lũ
    MTH@
  4. Aoitotoro

    Aoitotoro Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/11/2002
    Bài viết:
    92
    Đã được thích:
    0
    Mấy ngày nay box Kiến Trúc hoạt động sôi nổi hơn,đáng mừng đáng mừng
    Nhưng mà giá như các bạn post bài hoặc tư liệu của người khác có kèm theo giải thích hoặc ý kiến cá nhân thì hay
    Aoitotoro

Chia sẻ trang này