1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi afl_vn, 04/02/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. enchanteur

    enchanteur Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/01/2002
    Bài viết:
    1.922
    Đã được thích:
    0
    Cây đứng bóng. Con đường nắng chói loà. Người đi lại trên đường thưa thớt. Chốc chốc một vài chiếc ô tô nhà binh : G.M.C, Đốt, ầm ầm chạy qua, cuốn tung bụi. Con đường ngầm ngập nắng như oằn xuống dưới sức nặng dữ dằn của những chiếc xe chở đầy lính, hàng hoá.
    Thúi đi sát bên lề đường, rá kẹo tòng teng trước bụng, cái nón mê gãy vành sùm sụp che gần kín khuôn mặt, cặp chân trần đen đũi nhỏ như hai ống quyển, loang lổ bụi đường và mồ hôi, một tay giữ quai đeo, một tay vung vẩy đánh xa... Chốc chốc nó lại lảnh lót cất tiếng rao :"Ai kẹo gừng nóng!..." để báo cho Lượm đi đằng sau cách nó trăm bước chân phía trước không có gì đáng ngại.
    Lượm đi đằng sau, mũ phở đội lút trán, tay xách bị rau ôi, hành, cà rốt và gạch, chăm chú, thận trọng bước lên, cố giữ đúng khoảng cách giữa hai đứa như đã quy định. Mặc dầu khẩu "côn mười hai" nặng trĩu kềnh kệch trước bụng, cái nòng súng cứ chọc liên tiếp vào bụng dưới đau điếng, nhưng chốc chốc nó vẫn luồn tay vào dưới hai lớp áo dâm dấp mồ hôi, sờ nắng cái báng súng, như chỉ sợ nó rớt mất.
    Nó nhìn con đường hun hút trước mắt bồn chồn, nôn nóng, nhấp nhổm chỉ muốn chạy thật nhanh, để ra mau đến Đường Ngang, nhào xuống ruộng lúa bên đường... Nó phải gắng hết sức mới kiềm chân được, giữ đúng cự li. nguy cơ bọn Tây sở Pốt phát hiện ba tên tù bỏ trốn, và tên lính gác bị trúng thuốc ngủ, sớm hơn thời gian nó dự tính, đang bám sát sau lưng nó. Chúng sẽ lập tức huy động lính, xe, súng, chó béc-giê... lùng đuổi như cái lần vượt tù trước. Trống ngực Lượm đập thình thịch, cổ khô đắng, chốc chốc nó lại ngoái đầu nhìn phía sau. Mỗi lúc nó càng có cảm giác thằng Thúi đi chậm quá. Thúi có vẻ nhẩn nha đi như đi bán kẹo thật không bằng ! Lượm chỉ muốn quát to :"Đi mau lên chứ mi ! Hay mi tưởng mi đang đi bán kẹo gừng lấy lãi cho mụ chủ mi ở Bao Vinh đó!". Nó đột nhiên giận run người. Nó chợt nhớ đến Tư-dát. "Một thằng thì mê bắn chim làm mình phải nộp mạng cho tụi An Ninh, còn thằng ni thì mê bán kẹo gừng, không khéo nó lại nộp mạng mình cho tụi Tây sở Poste Militaire". Lượm cay đắng nghĩ vậy.
    Nhưng cơn giận chỉ thoáng qua. Bình tĩnh lại Lượm phải chịu thằng Thúi đi xích hầu rất khá, "như đã được tập dượt từ khi mô rồi a!". Nó vừa đi vừa chăm chú, thận trọng quan sát không bỏ sót một hiện tượng khả nghi nào trên đường. Tiếng rao lảnh lót của nó cất lên rất vang, rất đều đặn. Nó đóng vai thằng bán kẹo gừng hết chê ! Vì cả hai đứa, một thằng bán kẹo, một thằng ở đi chợ về, không thể chạy ***g trên đường phố như ngựa tế. Bất ngờ tụi làm việc cho Tây ngó thấy, chúng nó nhất định sẽ sinh nghi. Và tai hoạ sẽ bắt đầu từ đó...
    Hai đứa đã bước ra đến Đường Ngang, chạy qua cánh đồng An Cựu - con đường thân thuộc chạy thẳng lên cầu Tràng Tiền, chạy về Ngoẹo-dàng-xây, hai bên trồng cây mù u, me, vông đồng thân chi chít gai... Bên trái đường là cánh đồng lúa tốt tơi bời, chín sắp gặt. Gạo de An Cựu là gạo của cánh đồng ni đây !
    Sinh ra và lớn lên ở làng quê, nhưng chưa bao giờ nhìn một cánh đồng lúa sắp chín, Lượm lại có cảm giác vui mừng đến ngột thở như trưa nay. Lúa tốt bời b ời ! Chỉ mấy trăm bước chân nữa thôi, mình sẽ lủi vô cái rừng lúa bời bời chói chang nắng trưa kia, như con cuốc. Chỉ cần cúi thấp mà chạy là lúa khoả lấp kín người, người đi trên đường không sao nhìn thấy được !
    Lượm bỗng thấy hai mắt mình mờ đi, mồ hôi lút mặt mà không hay. Nó đứng lại dưới bóng mát một cây vông đồng, lột cái mũ phở, dùng mẽ làm khăn lau, lau khuôn mặt đẫm mồ hôi...
    Vừa đội cái mũ lên đầu, mắt còn hấp háy vì loá nắng, Lượm bỗng thấy một người đàn ông tay cầm ghi đông xe đạp cuốc, đứng gần sát trước mặt mình.
    Người đàn ông này từ ngã tư con đường đối diện phóng xe ra định ngoặt lên phía cầu Tràng Tiền. Nhưng hình như bất chợt nhận ra Lượm là ai, nên vòng xe lại, nhảy xuống xe đúng cái lúc nó còn mải lau mồ hôi mặt. Người đàn ông cao lớn, mặc áo sơ mi ngắn tay trắng, quần soóc ka-ki, đội mũ bê-rê, chân đi giày bốt tin trắng, đeo kính râm, khuôn mặt đầy trứng cá, nhiều chỗ tím bầm vì nặn nhiều.
    Con đường trước mặt vắng tanh, xa xa chỉ có một chị bán đậu hũ gánh gánh không trở về, cắm cúi bước.
    Thằng Thúi đi phía trước, quay đầu lại định hỏi Lượm :"đã đến chỗ rẽ xuống ruộng chưa?" đúng lúc người đàn ông nhảy xuống xe đạp. Nó liền ngậm miệng, căng mắt nhìn, tự hỏi :"Ai rứa hè mà ngó bộ như muốn chặn đường ăn Lượm". Nó cở cái rá kẹo đặt xuống lề đường, im lặng sải chân bước tới phía sau lưng người đàn ông...
  2. enchanteur

    enchanteur Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/01/2002
    Bài viết:
    1.922
    Đã được thích:
    0
    Có thể nói nếu thay vào người đàn ông này là một con cọp hoặc một con beo, cũng không làm Lượm sửng sốt kinh ngạc bằng. Nó lùi lại một bước và b ật kêu lên :
    - Nguyễn Trì !
    - Phải. nguyễn Trì đây ! Mi đi đâu?
    - Tui đi chợ mua đồ ăn. - Lượm trả lời như máy. - Tui được tha tù, chừ về ở với mạ. Mạ tui sai đi chợ Cống...
    - Mi mà được tha tù? - Nguyễn Trì nhếch mép cười gằn.
    - Tui được tha thiệt. Đây mạ tui sai đi mua đồ ăn cho bữa chiều. - Lượm đưa cái bị đựng rau hành ra trước mặt như để chứng minh.
    Nguyễn Trì thả chiếc xe đạp bổ nghiêng xuống đường, giật phắt cái bị trong tay Lượm. Hắn ném hai mớ rau xuống đường, nhìn vào đáy bị...
    Đúng ngay lúc đó, Lượm luồn tay vào bụng áo, rút phắt khẩu "côn mười hai", bật chốt an toàn, và chĩa súng vào ngực hắn.
    Thấy nòng súng đen ngòm bất thần chĩa thẳng vào ngực, chỉ cách ba bước chân, nguyễn Trì đứng chết lặng, cặp mắt lạc tinh, miệng há ra định kêu nhưng không kêu được, như bị ai bóp cổ. Cả khuôn mặt hắn hiện lên một nỗi kinh khiếp khôn tả của người cầm chắc cái chết.
    Lượm bóp cò. Cắc ! Viên đạn không nổ !
    Nghe tiếng kim hoả đập vào bạt nổ viên đạn lép, Nguyễn Trì vụt tỉnh trí lại. Hắn phản ứng nhanh như một ánh chớp. Hắn nhào tới, tung chân đá vào cổ tay Lượm. Khẩu súng trong tay Lượm văng ra cách đó bốn năm thước. Lượm chưa kịp nhúc nhích, Nguyễn Trì đã quài tay ra sau lưng, giật phắt khẩu súng lục dắt sau lưng quần. Cũng một khẩu "côn mười hai" chĩa súng vào mặt Lượm. Hắn cười gằn dữ tợn, hả hê:
    - Giơ tay lên ! Mi giết tau răng nổi !
    Lượm chưa kịp giơ tay, bất thình lình từ phía sau lưng Nguyễn Trì, hai cánh tay con nít khẳng khiu như ống sậy chồm ra, túm chặt lấy cánh tay hắn chĩa súng, kéo rị xuống. Thằng Thúi co hai chân lên, đu hẳn vào cánh tay Nguyễn Trì để kéo xuống với sức nặng toàn thân. Bị tấn công bất thình lình, Nguyễn Trì hoảng loạn. người tấn công hắn bị cái nón mê che khuất nên hắn không nhìn thấy mặt, nhưng hắn biết cũng là một thằng con nít. Hắn gầm lên như thú dữ bị mắc bẫy, cánh tay còn lại cứ nhè dưới cái nón mê đấm thốc ngược lên với tất cả hung dữ, điên cuồng của thú dữ vùng vẫy khỏi bẫy. Cánh tay cầm súng bị đeo chặt, hắn cố vằng thật mạnh để lẳng cái thân hình ốm nhom của thằng Thúi ra xa. Nhưng hắn bỗng kêu thét. Khẩu súng rớt xuống đất ! Với hai hàm răng nhỏ và nhọn như răng chuột, Thúi ngoạm vào cổ tay hắn, cắn mạnh đến nỗi răng ngập lút vào thịt !
    Trong khi đó Lượm nhào tới chộp lấy khẩu súng của mình, giật mạnh cơ bẩm cho viên đạn thối văng ra khỏi nòng. Nó chĩa súng lên trời bắn một phát thử súng. Đoàn ! Nó nhảy đến, bắn liền ba phát vào giữa ngực Nguyễn Trì. Thân hình lực lưỡng của hắn đổ nhào xuống nằm vắt ngang lên chiếc xe đạp. Thúi lột cái nón mê vứt xuống đường. Miệng nó nhoe nhoét máu.
    Với tất cả căm giận dồn nén bây lâu, Lượm gần như dí sát nòng súng vào mặt tên phản bội, bắn liên tiếp hết cả băng đạn. Cái mặt đầ mụn trứng cả của Nguyễn Trì vỡ toác, lầy nhầy máu và não.
    Lượm kêu :
    - Chạy thôi mi ! - Rồi vọt xuống ruộng.
    Thúi chộp lấy khẩu súng của Nguyễn Trì rớt cạnh chân, vọt theo Lượm.
    Những bông lúa trên đầu chúng lay động. Vệt lay động mỗi lúc một xa dần...
    Hai đứa lặn sâu vào rừng lúa vàng hực nắng trưa.
  3. enchanteur

    enchanteur Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/01/2002
    Bài viết:
    1.922
    Đã được thích:
    0
    Đoạn sau phải nhờ Sota type hộ rồi, truyện của tớ mất mấy trang cuối.
  4. Rose19802001

    Rose19802001 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    13/10/2005
    Bài viết:
    42
    Đã được thích:
    0
    Các bạn ơi sao lâu quá không thấy post tiếp vậy? Minh mong quá, hôm nào cũng vào trang này để tìm đọc mà không thấy. Buồn quá!
  5. Sota

    Sota Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/10/2004
    Bài viết:
    3.401
    Đã được thích:
    0
    hehe xin lỗi, tại tớ quên mất là truyện của enchanteur thiếu mất đoạn cuối tập 2
    ---------------
    16​
    Lượm và Thúi tiếp tục cúi lom khom, cố lủi thật nhanh giữa cánh đồng lúa chín. Lượm lủi trước, Thúi bám gót theo sau. Hai đứa trong tay lăm lăm hai khẩu súng "côn mười hai".
    Hai đứa lúc chạy trên bờ ruộng, lúc lội băng ngang giữa ruộng bùn sục đến bắp chân. Chốc chốc, Lượm đứng lại, thò đầu lên khỏi những bông lúa, nhìn quanh để định hướng, rồi lủi tiếp. Hai đứa lội ào qua những con hói lớn nhỏ, có con nước đến đầu gối, có con nước ngập đến bụng.
    Lủi khoảng một tiếng đồng hồ Lượm và Thúi gặp một con hói lớn hơn tất cả những con hói vừa lội qua, nước đục trắng như nước chan cơm hến. Bên kia con hói cách chừng hai dạt ruộng là một luỹ tre dài. Đó là luỹ tre dọc con đường ven bờ sông, quãng lên trên cống Phát Lác.
    Lượm chỉ luỹ tre, nói với Thúi:
    - Cánh đồng bên kia sông thuộc địa phận làng tau rồi. Chừ ta ngồi nghỉ một chút rồi bơi qua sông. Mi có biết bơi không?
    - Biết hơi hơi thôi. Tui sợ bơi qua không thấu.
    - Có chi tau dìu mi.
    Thúi đưa khẩu súng cho Lượm, nói:
    - Anh cầm để tui xuống hói súc cái miệng, máu thằng đó tanh quá.
    - Máu Việt gian mà mi!
    Sau lưng hai đứa bỗng nổi lên một tiếng còi chói tai. "Còi tụi cảnh sát!" Ý nghĩ đó loé lên trong đầu Lượm như một ánh chớp. Nó lên đạn khẩu súng của Nguyễn Trì, quay phắt lại. Thúi nằm rạp phía sau lưng Lượm.
    - Uơ trời! Thằng Lép-sẹo! - Cả hai đứa cùng bật kêu to.
    Lép-sẹo đứng giữa đám ruộng lúa nếp, cởi trần trùng trục, trên ngực chỗ xăm hình con dao găm xuyên qua trái tim là một mảng bùn che kín. Một tay hắn cầm cái ve không treptomixin kề miệng ve vào môi thổi còi, một tay hắn cầm cái chi như khúc tre dài chừng nửa sải tay, bọc kín trong cái áo pác-ti-dăng lem luốc của hắn. Hắn đưa cái "khúc tre" đó lên đầu, hoa lia lịa chào Lượm và Thúi. Cái miệng rộng ngoác của hắn hoác ra, cười rất tươi.
    Hắn bươn bừa qua mấy thửa ruộng, nhảy lên bờ hói, ngồi phịch xuống cạnh chân Lượm và Thúi, Lép-sẹo thở dốc, nói:
    - Hai đứa bay làm tau lủi đuổi theo gần đứt hơi! Mấy lần tau định gọi chờ với, nhưng sợ có ai giữa đồng họ nghe tiếng lại thôi.
    Từ sáng đến giờ Lượm đã đụng đầu liên tiếp những chuyện bất ngờ muốn đứng tim. Nhưng việc gặp lại Lép-sẹo có lẽ là bất ngờ nhất. Nó cứ đứng ngây người trên bờ hói nhìn Lép-sẹo, tưởng như đang nằm mơ. Lép-sẹo liến thoắng kể:
    - Lúc chia tay cậu đó, tớ băng qua khu vườn, trèo qua tường, vọt xuống đường. Tớ cắm đầu cắm cổ đi lên phía cầu Tràng Tiền. Gần đến chân cầu, tớ dừng lại nghĩ: "Chừ mình biết đi mô hè? Mình không cha, không mạ, không cửa, không nhà, chừ mình biết đi mô? Răng lúc đó mình không biết xin đi theo thằng Lượm, nhờ hắn dắt mình vô Vệ Quốc Đoàn hè? Đúng mình là thằng đại ngu! Thằng Thúi nhỏ như cái tăm rứa còn vô Vệ Quốc Đoàn được, huống chi mình?". Rứa là tau chạy lộn lại, vọt vô vườn coi hai đứa bay còn đó không? Vô đến nơi, nhìn quanh nhìn quất, hai đứa bay đã lặn mất tăm. Tau chợt nhớ khi hồi nghe cậu dặn thằng Thúi đi theo đường chợ Cống, băng qua xít-tát, ra cánh đồng Đường Ngang. Tau liền chạy đuổi theo hai đứa bay. Lúc ngang qua thằng lính gác, tau thấy hắn vẫn há hốc miệng, ngáy pho pho, khẩu súng gác ngang trên đùi. Rứa là tau bắt chước mi, liều mạng lò dò đến, nhấc khẩu súng ra khỏi đùi hắn, rồi lượm một khúc cây gác lên đùi hắn, thế vô - lúc đó mà hắn tỉnh dậy hứng bất tử, cũng mệt! Cũng may hắn trúng phải liều thuốc mê quá nặng, hắn ngủ say mới gớm chớ! Tau cởi luôn cái áo bọc khẩu súng lại, lẻn ra đường. Phiền nhất là quả tim với con dao găm trên ngực, biết lấy chi che đậy. Qua cái rãnh bùn thúi như ***, tau bốc đại một nắm bệt lên...
    Lép-sẹo cởi cái áo bọc, lôi khẩu tiểu liên "mát" nước thép xanh biếc đưa cho Lượm, nói:
    - Khẩu ni coi bộ cũng xài được cậu hè?
    Lượm đỡ khẩu súng, mừng đến ngột thở:
    - Cả trung đoàn Trần Cao Vân chưa có khẩu mô giống như khẩu ni! - Lượm vừa nói vừa lật đi lật lại khẩu súng ngắm nghía - Ui chao! Cậu dám kẹp nách khẩu súng to tướng ri mà đi lừng lững giữa phố à?
    - Không kẹp vô nách thì biết giấu vô chỗ mô? Hắn có nhỏ như khẩu của cậu đâu mà biểu giắt vô lưng quần? Thôi thì cứ liều! Lỡ gặp tụi hắn dọc đường chặn hỏi, thì mình cứ trả lời đại: "Mệ thấy ai làm rớt giữa đường, ngó khéo khéo, mệ lượm mệ chơi!" Nói rứa chứ nghĩ cũng ớn! Nhất là ngang qua quãng phố đông gần xít-tát. May quá, tau nhìn thấy bên lề đường, dưới gốc cây mù u, có một bó củi cành khô nhỏ nhỏ, với cái khoèo củi, dựa vô thân cây. Chắc của thằng con nít mô đi quèo củi, để tạm đó vô nhà bên đường xin nước uống. Rứa là tau kẹp luôn bó củi ra bên ngoài cây gậy sắt ni - Lép-sẹo chỉ khẩu súng - rồi bớp luôn cả cái khoèo vác vai. Cởi trần mà giả vai thằng đi quèo củi dưới nắng trưa thì nhất hạng! Nhưng tau phải sải chân, vừa đi vừa chạy. Sợ thằng có khoèo, có củi, đuổi theo đòi lại thì lôi thôi to, chạy ra đến đầu đường ngang, thấy xa xa hai đứa bay đang bắn đòm đòm rồi vọt xuống ruộng. Rứa là tau vứt khoèo vứt củi, vọt xuống lủi theo. Tau nghĩ bụng: "Khôn hồn không lủi cho mau, tụi hắn tóm được, tưởng mình bắn thằng cha nớ bể mặt, bể mày thì cũng mệt". Kể không vội thì tau cũng bớp chiếc xe máy na đi. Thằng cha đó chết rồi, xe máy để ai đi? Rét rỉ mất thiệt uổng!
  6. Sota

    Sota Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/10/2004
    Bài viết:
    3.401
    Đã được thích:
    0
    Lượm và Thúi nghe giọng kể tưng tửng của Lép-sẹo, phải bò lăn ra bờ hói mà cười.
    - Mi mần tau cười đứt ruột! Có thằng Tư-dát ở đây cho hắn cười một bữa đã đời!
    - Tui là Tư-dát đây rồi còn chi! - Thúi vừa cười vừa làm bộ nói dỗi.
    - Ừ, ừ... Tau quên... Lê Văn Tư, biệt danh Tư-dát, trưởng ban ám sát *********. Chừ thì mi đúng là trưởng ban ám sát thiệt rồi, tụi hắn có bắt, không oan!
    Lượm đặt khẩu tiểu liên "mát" lên đùi Lép-sẹo, dang rộng hai tay ôm Thúi kéo vào lòng, rồi cúi xuống hôn lia lịa lên hai má nó.
    - Bữa ni mà không có mi thì tau rồi đời! - Lượm rưng rưng nói - Lúc đó tau hoảng quá, mắt mờ đi không ngó thấy mi đi đến sau lưng hắn. Tau cứ tưởng mi đã bỏ chạy từ đời tám hoánh!...
    Thúi ôm chặt cổ Lượm rủ rỉ nói:
    - Tui bỏ chạy, để hắn bắn chết anh thì lấy ai dắt tui vô Vệ Quốc Đoàn?...
    Lép-sẹo ngồi ngây người ngó hai thằng con nít, bùn lấm từ chân đến đầu, súng đạn đầy mình ngồi ôm nhau vừa hôn vừa khóc trên bờ hói, dưới nắng trưa chang chang, xung quanh là cánh đồng lúa tẻ, lúa nếp chín vàng hương thơm nức, hắn hoác miệng định cười. Nhưng miệng bỗng méo xệch thành mếu. Và hai mắt hắn tự nhiên cũng nhoè ướt. Hắn nói:
    - Chừ tính răng đây? Hay bay định cứ ngồi đây mà hôn nhau cho đến tối?
    Lượm rời tay ôm thằng Thúi. Nó bày qua cho Thúi và Lép-sẹo cách sử dụng súng lục và tiểu liên, lên đạn, ngắm bắn,bóp cò, khoá chốt an toàn... Rồi nói:
    - Hai đứa bay ngồi núp ở đây. Tau lội hói, lên bờ sông, ngó không thấy ai, tau ra dấu cho tụi bay. Tụi bay lên thật mau rồi ta bơi luôn sang bên tê sông. Qua bên đó là thuộc địa phận làng tau rồi. Qua hết cánh đồng là đến làng. Qua làng, đến đường quốc lộ, rồi đến đồi trọc chạy mãi cho đến tận núi xanh. Chiến khu còn ở trên nớ.
    - Anh có biết đường lên chiến khu không?
    - Không. Đây là chiến khu huyện. Tau chưa lên đó khi mô. Chiến khu đội Thiếu niên trinh sát là chiến khu tỉnh, ở ngoài phía Bắc tê. Nhưng tau tính cả rồi. Sang bên tê sông tụi mình sẽ lủi vô nằm giữa ruộng lúa, chờ cho đến tối rồi sẽ đi vô làng. Chú Bốn tau là ********* hạng nặng, chắc chừ ông đang ở chiến khu. Chú Đệ, chú ruột thứ hai của tau là ********* ấp. Ba đứa mình sẽ vào nhà chú Đệ, nhà ở liền với cánh đồng, chỉ cách một con hói, cơm nước cái đã. Việc đưa tụi mình lên chiến khu giao cho chú lo liệu.
    Lép-sẹo ngạc nhiên hỏi:
    - Mi đông chú rứa mà chú mô cũng là ********* cả à?
    - Tau có bảy chú, hai trong. Cả nhà tau ********* một mạch. Ông nội tau là ********* phụ lão. Cha tau là ********* từ khi tau chưa đẻ. Tau được hai tuổi thì cha tau bị Tây bắn chết. Chừ đến phiên tau... Nhưng ********* đời tau sướng hơn nhiều... Đời cha, ********* tay không, không súng không đạn. Tây bắn mình chỉ chịu chết. Đời con, hắn bắn mình, mình bắn lại!
    Lượm đứng lên định lội hói. Thúi níu tay Lượm, giữ lại.
    - Đừng, anh để tui lên dò đường trước cho. Tui nhỏ lỡ có xáp tụi hắn, tụi hắn cũng chỉ nghĩ: "Nhỏ như cái tăm rứa thì ********* việt miếc chi!"
    Thúi cởi áo, cởi luôn cả quần. Lượm và Lép-sẹo nhìn nó. Đúng là nhỏ như cái tăm thiệt! Toàn xương với da, cọp ăn không đủ dính răng. Con chim hắn chỉ bằng quả ớt chỉ thiên. Thúi ngó xuống, nói giọng phân trần:
    - Tui ở lỗ sẵn ri, có gặp tụi hắn, tụi hắn cho là con nít đi vầy nước.
    Lép-sẹo lượm hòn bùn, vê tròn, nhắm chim nó, ném trúng cái phắp, hoác miệng cười:
    - To đầu mà dại, nhỏ dái mà khôn! Đúng thiệt!
    Thúi lội hói, nước đến cổ. Nó lội qua mấy đám ruộng, chui qua bụi tre. Nó bước lên con đường ven sông, ngó ngược ngó xuôi rồi thò đầu ra ngoắc Lượm và Lép-sẹo.
    Hai đứa trải rộng cái áo pạc-ti-dăng, cho tất cả súng đạn vào đó, bọc lại để lúc lội sông khỏi ướt. Lượm vầy bộ quần áo hôi khét mùi tù, nhổ mấy cây lúa làm lạt bó lại, liệng xuống sông, nói to:
    - Vĩnh biệt đời tù!
  7. enchanteur

    enchanteur Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/01/2002
    Bài viết:
    1.922
    Đã được thích:
    0
    Những năm đầu của cuộc kháng chiến chồng Pháp, đồng bào Thừa Thiên truyền tụng từ làng này qua làng khác, chuyện một người đàn bà dở tỉnh dở điên đi lang thang khắp tỉnh để tìm con. Chị ta tên chi, quê quán ở đâu, ít ai biết thật rõ. Chỉ biết chị ta làm nghề bán bún rong, khi bún thịt, khi bún cá, khi bún cua... tuỳ theo sản vật hiện có ở vùng chị đến bán. Ngoài gánh bún bên vai chị còn đeo toòng teng cái bị đệm đựng quần áo và vài đồ vật linh tinh khác - chắc là toàn bộ gia sản của chị.
    Chị bán ở làng này ít lâu, lại lân la qua làng khác. Chị cứ dọc theo cái dải đồng bằng dài mà hẹp, với những thôn xóm giặc thường xuyên càn quét, bắn giết, đốt phá...; với những trảng cát miên man ngút tầm mắt; những đầm, những phá, những hói, những sông...
    Mới đầu du kích các làng ngờ chị là Việt gian, gián đẹp. Họ cho là "con mụ ni giả điên giả dại, lấy cớ đi tìm con nhưng cốt để dò la kháng chiến, chỉ điểm cho Tây". Nhiều lần họ bắt chị, định lôi chị ra rú, ra trảng cát chặt đầu.
    Mỗi lần du kích bắt, tưởng chị phải sợ lắm, nhưng chị lại mừng rỡ như người bắt được của. Chị xoắn xít, đon đả mời chảo :"Mời các anh vô ăn bún! Bún tui là ngon có tiếng đó các anh nờ... Cả chợ Bao Vinh ai còn lạ chi bún giò heo mụ Niệm!". Chị cười đó rồi khóc đó. Chị kéo vạt áo nối đà chấm nước mắt, sụt sùi kể lể :"Các anh là *********, chắc các anh biết chừ thằng con tui ở mô... Các anh chỉ giùm cho tui với. Cháu tên là Mừng. Cháu mới có mười ba tuổi, nước da đem ngăm ngăm giống in như tui ri. Người cháu rom rom là lanh lẹ lắm. Tui chỉ có một mạ một con... Ngày Huế mình mới nổ súng, bữa đó tui đi chợ về thì không thấy cháu nó ở nhà. Tui nghĩ là cháu chạy chơi mô đó. Tui chờ đến tối, đến nửa đêm, đến sáng hôm sau, cũng không thấy cháu về... tui e cháu ra sông tắm nghịch, ma rà nhận nước mất rồi. Cả tháng trời, tui bỏ buôn bỏ bán, đi dọc hai bờ sông tìm xác cháu, cắm cơm cắm trứng hú hồn hú vía cháu, mà chẳng thấy tăm dạng cháu mô... Tui để dành để dụm may cho cháu được bộ quần áo, cái quần soọc với cái áo thơ-mi". Chị lục cái bị lác, lôi ra một bộ quần áo con nít gấp vuông vắn buộc lại bằng sợi lạt. Chị giở từng cái một đưa ra trước mặt anh du kích. Cháu hắn nằn nì đòi ặmc, tui không cho. Tui nói để đến Tết mặc, mình con nhà nghèo ăn, mặc phải tùng tiệm... Rứa mà chừ áo quần còn đây, mà con thì đi mô mất ! Mạ có ngờ mô chuyện ni con ơi! Con mà không còn thì áo quần con mạ biết để mần chi... Rồi một bữa, nửa đêm nửa hôm, có một chsu Vệ Quốc Đoàn nhỏ nhỏ cũng trạc lứa tuổi con tui, đi vô nhà nói :"Bạn Mừng con thím đang ở Vệ Quốc Đoàn, đánh Tây trên mặt trận Huế. Chừ bạn ấy đang mắc công việc mặt trận, bgạn ấy nhờ cháu về nhắn với thím, khi mô việc mặt trận thư thư, sẽ xin phép cấp chỉ huy về thăm mạ..."... Tui nghe mà bán tín bán nghi... Hay họ lầm Mừng con cái nhà ai? Chớ thằng Mừng con tui đôi khi còn ở lỗ chạy rong khắp xóm, còn nhai chéo áo, thì đã biết cái chi mà dám vô Vệ Quốc Đoàn!... Rứa rồi mấy bữa sau, lại có một anh Vệ Quốc Đoàn tui quen, trước tê anh làm cu-li khiêng vác ở bến Bao Vinh, thường ăn chịu bún bò của tui, về tìm gặptui, đưa cho tui bó lá tầm gửi - chị lôi ra trong bị bó lá tầm gửi bọc bằng vải bạt áo súng, buộc bằng dây điện - nói là thằng Mừng con chị gửi về cho chị để chị sắc uống cho lành bệnh suyễn kinh niên... Hắn đang mắc viếc đánh giặc nên mới phải nhờ tui gửi giúp cho chị. Lá tầm gửi ni hắn phải trèo lên cây chót vót mặt trận, rồi phải phơi ba sương năm nắng, uống vô chắc chị lành bệnh cái rụp! Ui chao, lúc đó tui mới tin là cháu nó vô Vệ Quốc Đoàn thiệt, các anh ơi ! Đúng là tui mắc bệnh suyễn kinh niên, cực khổ không nói được các anh nờ... Các anh là *********, chắc các anh biết thằng con tui chừ đang ở mô, chỉ giùm cho tôi với... Chị kể, nước mắt giọt ngắn giọt dài. Người chị run rẩy như tàu lá chuối trước gió. Giọng chị kể, những hàng nước mắt, đến bộ áo quần con nít, bó lá tầm gửi... chân thật, thống thiết đến nỗi làm các anh du kích đang định lôi chị ra trảng cát chặt đầu, quay lại tìm lời an ủi chị:"Chắc thằng con chị chừ đang ở trên Xê-ca" - đồng bào Thừa Thiên ngày đó gọi chiến khu là Xê-ca.
    Cặp mắt đẫm lệ của chị vụt sáng lên mừng rỡ:
    - Chớ Xê-ca mô rứa các anh?
    Ở Phú Lộc, họ nói với chị:
    - Xê-ca Truồi Bạch Mã.
    Ở Phú Vang, Hương Thủy, họ nói với chị:
    - Xê-ca Độn Bồ, Xê-ca Khe Tre, Nam Đông, Xê-ca Dương Hoà, Lương Miêu.
    Ở Phong Điền, Quảng Điền, họ nói với chị:
    - Xê-ca Trò, Trái, XÊ-ca Cầu Nhi, Xê-ca Hoà Mỹ...
    - Nhưng làm răng tôi biết đường sá mà lên thấu đó các anh ơi !
    Chị mếu máo kêu lên nghe thương đứt ruột :"Các anh có việc chi lên trên mấy Xê-ca đó cho tui lên theo với. Các anh cần sai biểu chi tôi cũng xin làm hết, miễn răng lên được trên đó, may ra tìm thấy thằng con một của tui..."
    - Được rồi, khi mô đi tiếp tế Xê-ca tui sẽ kêu chị đi. - Các anh du kích làng nào, huyện nào cũng hứa với chị như vậy.
    Rồi đồng bào các làng chị đi qua, không còn ai nhớ tên chị, chỉ nhớ câu chuyện chị kể với nước mắt giọt ngắn giọt dài. Rồi người ta gọi gánh bún của chị alf Gánh-bún-chị-tìm-con.
  8. Sota

    Sota Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    02/10/2004
    Bài viết:
    3.401
    Đã được thích:
    0
    Nhắn enchanteur nhé: khi post sang phần mới chương mới bạn nên ghi ra, mọi người sẽ dễ theo dõi hơn.
    Giờ tớ type tiếp Con nhân mã trong vườn, khi nào cần tớ type phần nào trong Tuổi thơ dữ dội (rách sách hay busy gì đó) thì PM cho tớ ^^
  9. enchanteur

    enchanteur Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/01/2002
    Bài viết:
    1.922
    Đã được thích:
    0
    Ừ, tớ rút kinh nghiệm vậy. Bài trên tớ post là chương 1 phần 7 nhé. Giờ tớ tiếp tục chương 2 phần 7.
    ========================================================
    2​
    Người ta thường ví tỉnh Thừa Thiên như cái đòn gánh, cái đòn gánh dài gần trăm cây số ! Một bên là biển, một bên là núi, giữa là dải đồng bằng hẹp. Nhiều quãng hẹp đến nỗi tưởng chừng người đứng trên núi gọi thật to, người đứng dưới bờ biển cũng nghe tiếng.
    Hàng mấy chục con sông lớn nhỏ từ trên núi đổ xuống như những lưỡi dao xanh, xắt khúc dải đồng bằng hẹp ra những khúc ngắn dài, xiên xẹo, như người nội trợ vụng xắt khúc con cá hố. Sau ngày Huế vỡ mặt trận, lực lượng kháng chiến của mỗi huyện đổ ngang lên vùng rừng núi thuộc huyện mình, thành lập chiến khu. Cả tỉnh Thừa Thiên cũ có sáu huyện mà có đến bảy tám chiến khu. Do đó Chị-tìm-con đến làng nào cũng than thở với khách ăn bún :"Chiến khu bất loạn, không biết đi tìm cho hết phải mất mấy tháng, mấy năm".
    Trong bảy tám chiến khu đó, chiến khu Hoà Mỹ là chiến khu lớn nhất và cũng là chiến khu đầu tiên. Xê-ca Hoà Mỹ là đầu não kháng chiến của tỉnh. Các cơ quan tỉnh đều đóng ở đây. Bọn giặc biết rõ như vậy. Chúng dốc sức, tìm đủ trăm phương nghìn kế để tiêu diệt chiến khu Hoà Mỹ. Việc trước tiên là chúng đổ quân lên làng Đất Đỏ, một làng chỉ cách Hoà Mỹ bốn cây số, xây vị trí và chốt ở đó một trung đội Âu Phi. Trung đội giặc này lừng danh thiện chiến, rất giỏi đánh vùng rừng núi, mới đưa từ Pháp sang, được gọi là Đội tuần tiễu núi An-pơ (Chasseur Alpin). Phía nam Hoà mỹ, chúng đóng vị trí Sơn Quả. Vị trí Đất Đỏ khác nào mũi lê gí vào trán chiến khu và vị trí Sơn Quả như lưỡi dao găm kề mạn sườn chiến khu. Mặt khác, chúng tung gián điệp, biệt kích lên chiến khu do thám, chỉ điểm, chuẩn bị cho kế hoạch tấn công tiêu diệt chiến khu...
    Xê-ca Hoà Mỹ được chia thành bảy Xê-ca nhỏ, theo từng lớp chiều sâu của núi: từ Xê-ca Một đến Xê-ca Bảy.
    Bộ đội Thừa Thiên ngày đó ưa nói tiếng Tây cho vui, họ không gọi Xê-ca Một, Xê-ca Hai... gọi là Xê-ca "Oon", Xê-ca "Đơ", Xê-ca "Tờ-roa", Xê-ca "Cát", Xê-ca "Xanh", Xê-ca "Xít", Xê-ca "Xết".
    Riêng làng Hoà Mỹ được gọi là "Tiền chiến khu".
    Chỉ sau mấy tháng, chiến khu Hoà Mỹ đã có những thay đổi thật lớn lao. Xê-ca bây giờ đã có gần đầ đủ các bộ phận của "guồng máy kháng chiến tỉnh". Nhà cửa, lán trại của bộ đội, cơ quan, mọc lên ngày một nhiều, từ Tiền chiến khu đến Xê-ca "Xết", có khu nhà tỉnh uỷ, uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh, Trung đoàn bộ, tỉnh đội, bệnh viện, xưởng quân giới, quân giới, xưởng bào chế dược liệu, kho quân khí, quân lương, quân nhu... Vùng Tiền chiến khu, hàng quấn của đồng bào mọc lên ngày một đông. Tiền chiến khu cũng là nơi đóng quân của một số đơn vị như trinh sát, biệt động, đại đội liên pháo... Giữa trung tâm Hoà Mỹ có cả nhà văn hoá đại chúng - nhà bằng tranh tre nứa, nhưng cao rộng thênh thang, dựng theo kiểu hội trường. Hàng tuần, ngày chủ nhật, nhà văn hoá đại chúng thường tổ chức sinh hoạt văn hoá, biểu diễn văn nghệ, các tiết mục văn nghệ đều do các đơn vị, các cơ quan tự biên tự diễn.
    Chỉ riêng sự thiếu thốn, gian khổ thì Xê-ca Hoà Mỹ ngày đó còn gay gắt, quyết liệt hơn cả những ngày đầu tiên. Có thể nói cuộc sống gian khổ thiếu thốn ngày đó đã trở thành những huyền thoại : huyền thoại đói, huyền thoại rét, huyền thoại rách rưới, huyền thoại ghẻ, huyền thoại rận, huyền thoại bệnh tật... và cao hơn hết là những huyền thoại "bền gan chịu đựng" của những người kháng chiến cứu nước.
  10. enchanteur

    enchanteur Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    05/01/2002
    Bài viết:
    1.922
    Đã được thích:
    0
    3​
    Đội Thiếu niên trinh sát là một trong những đơn vị đóng quân ở Tiền chiến khu. Lán của đội nằm chếch về phía nam Xê-ca, trên bờ sông Ô Lâu. Trước mặt lán là một vuông sân đất. Qua sân vuông là lau lách mọc rậm như rừng đổ dóc xuống sát tận mép sông. Đứng ở sân không nhìn thấy sông vì lau lách che khuất, nhưng nghe rõ mồn một tiếng nước rì rào và tiếng những coọng nước quay kẽo kẹt suốt ngày đêm...
    Ngôi lán dài khoảng chục mét, cột kèo bằng thân cây nguyên vỏ, phên liếp tre lồ ô, mái tranh phủ đầy lá tre rụng. Trong lán hai bên hai dãy sạp nứa dài, lối đi chính giữa, nền đất cháy đen vì đốt lửa suốt vụ rét, và những ngày mưa gió. Cả đội nằm trần trên sạp, nên mặt sạp loang lổ những mảnh xám xịt vì mồ hôi và ghét bẩn. Phía đầu nằm, sát phên liếp xếp một hàng những cái bao tải đựng gạo, gấp làm tư, làm tám. Cái bao tải nào cũng đen sì, mép rách tuơ, lông dựng lờm xờm như lông chó ghẻ. Trên mặt bao, những chú rận gầy xác, đen như chấy, lủi nhanh như bọ chét, bò dạo thung thăng. Tư-dát một hôm đứng chống nạnh ngắm chúng, có lời bình luận :"Rận của lính trinh sát khác xa rận của bên dân sự ! Rận dân sự trắng trẻo, béo núc ních, bụng no kềnh, bò chậm chạp lờ đờ như cha cố tập quân sự; ghè móng tay giết kêu bốp! Rận tụi mình giết kêu tét, nghe tức như pháo xịt!".
    Những cái bao tải này được ban Quân nhu trung đoàn cấp phát theo tiêu chuẩn quan trang đông xuân. Mà cũng chỉ những đơn vị đặc biệt như trinh sát, biệt động, các tổ canh gác các trạm gác tiền tiêu... mới được ưu tiên cấp phát.
    Các đội viên thiếu niên trinh sát rất lấy làm hãnh diện về việc được cấp phát bao tải. "Như rứa là đội mình được trung đoàn xếp vô hàng những đơn vị đặc biệt".
    Bao tải được bọn trẻ sử dụng tuỳ theo sở thích, và sáng kiến của mỗi đứa. Có đứa tháo ra thành một tấm dài để đắp như chăn; có đứa cứ để nguyên xi, lúc đi ngủ chui vào bao, co đầu, rụt chân lại cho vừa người - vì tuy bé nhưng đứa nào cũng dài hơn bao tải. "Đem tháo ra thiệt dại ! Cứ để nguyên làm thành trên chăn dưới đệm, ngủ vừa ấm vừa êm!". Những đứa sử dụng nguyên bao khích bác những đứa tháo thành tấm dài. "Nhưng người ta được nằm thẳng chân thẳng cẳng sướng như ông hoàng ! Ấm lưng hơn một chút mà phải nằm co ro cút rút, sung sướng cái nỗi chi!". Cuộc tranh cãi, tranh khôn ấy ngày nào cũng diễn ra giữa bọn trẻ và bất phân thắng bại. Tư-dát là đứa thuộc nhiều "chuyện kiếm hiệp ba xu", cười hề hề nói :"- Các cậu dại tuốt, thằng tháo cũng dại, thằng để nguyên cũng dại!- Nó giũ tung cái bao tải của mình ra làm bụi mù. - Cái mền ni của tớ là mền vóc đại hồng kiêm áo hồ cừu. Lúc làm mền, lúc làm áo, biến hoá khôn lường! - Nó biểu diễn luôn cách biến hoá khôn lường : lấy sợi dây mây xâu ngang qua cái bao tải gấp đôi, khoác lên người và buộc dây trước cổ. Nó nói, mặt vênh vênh tự đắc:
    - Đã thấy tuyệt chưa? Riêng hai rét mướt mà khoác cái áo cừu thiên kim (áo cừu nghìn vàng) ni về đồng bằng bám vị trí giặc thì còn chi ấm hơn!
    Cả đội đều chịu sáng kiến của Tư-dát. Từ đó, những đứa được phân công về đồng bằng bám địch đều xúng xính "áo cừu thiên kim bao bố". Nhưng chỉ khoảng tháng sau, chúng phát hiện ra nhược điểm đáng sợ của loại "mền vóc đại hồng", và "áo cừu thiên kim bao bố" này là rận - Tư-dát gọi đó là "Xê-ca của rận". Vì rận ở quần áo còn dễ lùng bắt nhưng rận chui rúc trong bao bố thì vô phương tiêu diệt - cũng là ý kiến của Tư-dát.
    Bọn trẻ giận dữ trải bao tải lên mặt tảng đá, cầm một hòn đá mà ghè. Chúng không chết! Dìm bao tải xuống sông Ô Lâu, lấy đá dằn lên, tiêu diệt bằng kế "thuỷ công" cũng không ăn thua!
    người ta thường hình dung nỗi gian khổ của những người kháng chiến ở chiến khu là đói và rét. Nhưng rận, ghẻ, sốt rét mới thật là kinh khiếp.

Chia sẻ trang này