Tương lai nào cho em? Một lần vào thăm làng Hữu Nhị (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Tây) nơi nuôi dưỡng và chăm sóc các cựu chiến binh, các em nhỏ bị nhiễm chất độc màu da cam, tôi may mắn được trò chuyện với vợ chồng anh Đỗ Đức Địu, chị Phạm Thị Nức và bé Đỗ thị Hằng. Có thể nói đây là một trong những gia đình điển hình cho nỗi đau da cam: 15 lần sinh nở, 12 lần chôn liệm con ở động cát sau nhà ... 2 đứa út đang trong tình trạng khờ khờ, dại dại. May còn 1 đứa khoẻ mạnh là niềm an ủi duy nhất của anh chị trong những lúc tuyệt vọng nhất. Anh Địu cho biết: mấy hôm nay hai vợ chồng anh phải ra Hà nội để chuẩn bị cho việc đưa bé Hằng vào bệnh viện Nhi mổ. Hoàn cảnh khó khăn, cũng may được Ban giám đốc làng Hữu Nghị tạo điều kiện cho gia đình được ăn ở miễn phí trong thời gian bé Hằng điều trị. Đỗ Thị Hằng là con thứ 14 của anh chị. Khi mới sinh, em cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Lớn lên, em cũng đi học và học lực tương đối khá. Những tưởng may mắn đã mỉm cười khi cho anh chị hai đứa con khoẻ mạnh (em Hằng và chị thứ hai là Đỗ Thị Bình) nhưng năm 2003, khi Hằng học lớp 4 thì mắt cứ mờ dần rồi tiếp đó là những cơn co giật khiến em bị liệt chân, tay. Gia đình đưa em vào viện và được chẩn đoán là bị não úng thuỷ, bệnh viện tỉnh bó tay và giớ thiệu lên tuyến trên. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành mổ nhưng bệnh chưa thuyên giảm nên phải mổ lại. Anh Địu bảo chẳng biết thế nào nhưng còn nước còn tát. Hai vợ chồng chẳng còn gì để mất nên chỉ mong bác sĩ cứu được con bé. Mỗi lần nó lên cơn thấy tội và xót xa lắm. Gia đình anh Địu sống tại thôn 2, thôn Hà hiệp, Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Năm 1972, anh lên đường nhập ngũ và chị cũng vào dân công hoả tuyến. Lúc đó anh 23 tuổi còn chị tròn đôi mươi. Năm 1974, sau khi tổ chức đám cưới, anh lại lên đường. Năm 1978, anh chị mới có con đầu lòng. Bao nhiêu hạnh phúc, vui mừng... Nhưng đứa trẻ chào đời được mấy hôm thì đầu to lên nhìn thấy, da vàng rộm. Cuối cùng nó bỏ anh chị ra đi. Năm 1979, đứa con thứ 2 ra đời, anh chị đặt tên con là Bình với hi vọng nó được bình an. Lần này, hi vọng mỉm cười với anh chị, Bình lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác. Cứ nghĩ lần trước số phận mình lận đận nên đứa đầu mới bỏ bố mẹ ra đi chứ chẳng phải do bệnh tật gì, anh chị sinh tiếp đứa thứ 3, thứ 4, thứ 5 ... Khi chào đời nó cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng rồi vài ngày, vài tháng, thậm chí ba năm sau, lại giống như anh chúng, đầu to lên, da vàng rộm và chết yểu. Vẫn nuôi hi vọng, anh chị sinh thêm đứa thứ 14, 15 để mong gia đình đầy đủ sum vầy. Đến giờ, Hằng và bé út Đỗ Thị Nga đã ở với anh chị được hơn chục năm nhưng chúng lại khờ khờ, dại khiến lòng chị đau như cắt. 15 lần sinh nở, 12 lần khóc chôn con đã làm đôi mát chị trũng sâu. Chị bảo, 12 đứa con chưa đứa nào được đặt tên, trên 12 nấm mộ ấy được đánh số từ 1 đến 12 và có cuốn sổ ghi ngày mất của chúng để còn hương khói. Giờ chị chỉ mong Hằng mau được chữa khỏi bệnh để chị về nhà chăm sóc bé Nga vì khi ra Hà nội, chị phải gửi hàng xóm nuôi hộ. Chị sợ có chuyện chẳng lành xảy ra. Khi trò chuyện với vợ chồng anh Địu, bé Hằng rất tỉnh táo, thỉnh thoảng bé còn chen vào để được nói chuyện. Anh Địu bảo sao hôm nay không lên cơn co giật. Mọi hôm cứ vào giờ này là anh chị phải khổ sở để giữ cho em khỏi lăn xuống đất. Thấy mọi người nói về mình, Hằng khoe: "em học giỏi lắm đó, nếu em không bị bệnh năm nay em đã học lớp 6 rồi." Tôi hỏi em nếu được chữa khỏi bệnh, em sẽ làm gì, em bảo sẽ học tiếp và bán hàng giúp mẹ để lấy tiền nuôi em. Tôi chỉ biết an ủi Hằng cố gắng chữa bệnh. Chẳng biết tương lai nào dành cho em. (Theo GD - TĐ)