1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuỳ bút Huế -> nơi cảm xúc lắng đọng

Chủ đề trong 'Huế' bởi duongphuongbay, 11/04/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Nhớ cây mía đỏ ngày Xuân​
    Ngọc Văn​
    Ven theo những triền sông Bồ, sông Hương, sông Truồi... màu mỡ phù sa được bồi lắng qua bao năm tháng đời người, thỉnh thoảng chúng ta lại bắt gặp những ruộng mía mừng xanh rì, với thân đỏ khoẻ khoắn vươn cao. Cuối đông, mía càng đỏ óng, mọng nước. Khi Tết Nguyên đán vừa đến cũng là lúc bà con nông dân bắt đầu thu hoạch rộ mía mừng. Hiện nay, ở nhiều nơi, mía mừng được xem là một cây xoá đói giảm nghèo khá hiệu quả. Ngày xửa, ngày xưa,... tôi còn nhớ như in trong những câu chuyện thuở ấu thơ người già kể lại, vào buổi giáp hạt, người nông dân trong làng chặt hàng bó mía đem ra chợ xa, chợ gần bán đổi lấy bát cơm, manh áo, chi trả công nợ cầy cấy, sắm sanh các thứ cần thiết cho mấy ngày Tết. Lá mía được nông dân nghèo tận dụng bện thành những tấm tranh lợp che chở cho mái ấm cả gia đình buổi giêng hai rét mướt. Mía mừng thân to hơn mía đường, mía lau, nhiều nước, vừa ngọt, vừa giòn lại vừa mát. Ngày nay, giữa ngổn ngang bao sản vật ngon, lạ, cây mía mừng vẫn được người dân từ thị thành đến nông thôn mua dùng như là một món ăn giải khát. Tuy nhiên mía mừng không chỉ là một món giải khát dân dã đơn thuần. Trong ngày Tết cổ truyền dân tộc, nhiều nơi ở TT-Huế có tục cúng mía mừng...
    ... Tết năm ấy đã lâu lắm rồi, khi mà tôi bắt đầu ý thức được thế nào là Tết, vào phiên chợ cuối năm, bà nội mua về gần cả chục cây mía mừng cao gần gấp đôi thân người, róc chuốt sạch sẽ rồi dựng ở một bên góc bàn thờ tổ tiên. Trong suy nghĩ bé thơ, tôi cho rằng, chắc sinh thời các cụ tiền nhân thích ăn mía cây nên bà nội phải chưng cúng vào dịp Tết cổ truyền cho tròn nghĩa hiếu sự. Nhưng điều khiến tôi ngày ấy boăn khoăn là không riêng gì bà nội mà nhiều bà lão của các gia đình khác cũng mua mía mừng về "cúng" trong những ngày tết. Lẽ nào, các vị tiền thân lại chung một sở thích... ăn mía mừng. Rồi vào một năm, miền Trung hứng chịu gần cả chục cơn bão. Những ruộng mía mừng ven sông Hương, sông Bồ, sông Truồi, Mù U sau một mùa bão khắc nghiệt đã trở nên xác xơ, tàn lụi hết. Bà nội tôi buồn lắm. Gần Tết mà phiên chợ quê vẫn không thấy có một cây mía nào được bày bán. Bà lão hàng xóm cũng buồn bã không kém bà nội tôi. Cả hai cùng than thở, không khéo Tết này lại chẳng có mía mừng về cúng trong gian thờ tổ tiên. Bà tôi nhờ người dò hỏi ở những phiên chợ xa nhưng cũng đành chịu. Thiên tai đã cướp đi những ruộng mía tốt tươi và lấy mất miếng cơm kỳ giáp hạt của nhiều nông dân nghèo... Cuối cùng, bằng mọi cách bà tôi cũng gởi mua được mấy cây mía còi nghe đâu ở tận một xã vùng ven hẻo lánh ít bị tác động của bão tố. Ra Tết, sau khi đã "xử" mâm ngũ quả, món tiếp theo mà lũ trẻ con chúng tôi nhắm đến là những cây mía mừng của bà nội... Và thế là chúng tôi đã ngốn hết những cây mía mừng trước khi gia đình tổ chức lễ cúng đưa và làng làm lễ hạ cây nêu đầu năm mới. Trước những sơ ý của con trẻ, bà tôi chỉ mắng yêu rằng, con cháu làm như thế ông bà, tổ tiên lấy gậy đâu mà đi thăm bà con, họ hàng trong suốt mấy ngày Tết. Tôi lấy làm ngạc nhiên, mía chỉ là mía và như những món cúng khác sao lại cho là gậy(?) Bà tôi diễn giải, khi con người ta đã già cả, họ thường, đi lại bằng gậy, trước khi đón ông bà tổ tiên vào nhà ăn Tết, con cháu phải sắm sanh vài "cây gậy" mía cho các cụ dùng. Từ đời này sang đời khác, đã thành một nét quen, người ta chọn những cây mía mừng to thẳng mua về đặt ở gian thờ tổ tiên trong mấy ngày Tết cổ truyền với ý nghĩa tượng trưng cho một vật dụng cá nhân chứ không phải là món ẩm thực như bánh trái, trà, mứt, rượu, ngũ quả... Thì ra, bọn trẻ chúng tôi ngày đó đã hiểu sai. Theo tôi, với cách nghĩ bình dị của người dân nông thôn, chọn mua mấy cây mía mừng tượng trưng cho gậy người già, còn rẻ hơn nhiều so với với việc nhờ hàng mã làm cho mấy cây gậy giấy. Ðôi khi, nhiều gia đình thôn quê khỏi phải tốn kém ở vườn nhà. Người ta chỉ quen chọn mía mừng để cúng. Các loại mía khác như mía lau thì thân nhỏ, còn mía đường sắc nhợt nhạt không đẹp và trông không khoẻ khoắn.
    Ngày nay, tục cúng mía mừng trong dịp Tết vẫn còn được duy trì ở một số vùng nông thông TT-Huế. Tục cúng mía không chỉ là thói quen sinh hoạt dân gian mà còn thể hiện một quan niệm sống mang tâm đạo lý làm người. Ðây là một trong những cách mà hậu duệ bày tỏ tấm lòng hiếu nghĩa, luôn hướng về cội nguồn, tiên tổ... Mùa xuân dần đến, những ruộng mía ven sông Hương, sông Bồ, sông Truồi đang khoẻ khoắn sắc xanh dưới nắng mới. Và tôi thầm tự hỏi, liệu có những cây mía đỏ nào thành "gậy" cho người già quá cố khi Tết đến, xuân về không nhỉ?
  2. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Nghe mưa nơi này lại nhớ ... ​
    Y Thiên​
    Ai ở Huế lâu ngày cũng biết Huế mưa theo nhiều cách, tuỳ vào từng thời điểm trong năm. Mưa Huế thất thường như tính cách của một cô gái mới lớn, mang đến thật nhiều tâm trạng.
    Vào độ từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch, Huế thật ít khi mưa mà thay vào đó là rưới lên Huế cái nắng hồng hộc của mùa hè. Tuy nhiên vào khoảng thời gian này, đôi khi ông trời cũng cố gắng ''lắc rắc một vài hột'' mưa theo như cách nói của người già ở Huế. Những cơn mưa này thật ngắn và và nhiều khi không đủ lớn nên lại càng làm cho không khí càng oi nồng, ngột ngạt thêm. Cái đẹp của cơn mưa rào này, nếu mưa đủ lớn, làm dịu hẳn cả thành phố và in lên bầu trời quang đãng sau đó một cái cầu vồng thật rực rỡ. Đám con nít bọn tôi thường chỉ trỏ lên lên trời và tưởng tượng ra đủ thứ với cái cầu vồng đó. Huế tuy nhỏ nhưng những cơn mưa đỏng đảnh này nhiều khi cũng chỉ dành cho bờ Bắc hoặc bờ Nam sông Hương mà thôi.
    "Trời mưa ở Huế sao buồn thế
    Cứ kéo dài ra đến mấy ngày"
    (không nhớ tên tác giả)
    ---->Nguyễn Bính chứ ai!
    Tôi chắc rằng thi sĩ này đang nói đến những cơn mưa vào khoảng 10 đến tháng Chạp âm lịch ở Huế. Mưa rả rích, mưa da diết, mưa triền miên, mưa như cố làm chậm lại hoặc làm đông cứng tất cả những gì hoạt náo, tươi vui vốn đã hiếm hoi ở cái thành phố này. Vào những ngày này, Huế đã buồn lại càng buồn hơn. Những chiếc áo mưa sùm sụp, những vũng nước đọng và những chiếc lá, cành cây rơi rụng trên đường càng làm cho khung cảnh u ám, trầm mặc hơn. Có lẽ chẳng bao giờ tôi quên được những đêm trời mưa và lạnh thấu xương, vào khoảng đầu những năm 80, mấy anh em tụi tôi cùng trùm chung một cái mền (chăn) dạ cũ còn lại từ trước giải phóng, đã thủng lỗ chỗ, vừa lắng nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn vừa mông lung với những suy nghĩ, những ước mơ về một cuộc sống đỡ nhọc nhằn hơn cho gia đình mình. Những lúc như vậy, nếu nghe được một tiếng rao: "Mì nooong-----đê...y" thì hình như cả mấy anh em tụi tôi chợt thấy như cái mền đang đắp lành lặn hơn, dày hơn một chút và dĩ nhiên, thấy mình vẫn còn may mắn hơn một chút. Chúng tôi cố gắng theo tiếng rao mì và tiếng chân lẹp xẹp khuất dần, khuất dần sau một con hẻm nào đó và chìm dần vào giấc ngủ lúc nào không hay.
    "Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
    Mà mưa xối xả, trắng trời Thừa Thiên"

    (Vẫn không nhớ tên tác giả) ----> thi sĩ Thu Bồn
    ''Mưa xối xả'', ''mưa trắng trời'' có lẽ chỉ xảy ra vào giữa tháng 10 cho đến giữa tháng 11 âm lịch. Nhiều khi mưa cả tuần hoặc hai tuần không ngớt, mưa như ai nghiêng cả một cái giếng mà đổ hết lên mái nhà. Sông hồ mặp nước. Sông Hương nước dâng cao, đục ngầu và cuồn cuộn chảy như chưa bao giờ được chảy. Và rồi lụt. Ban đầu nước sông Hương lên mấp mé bờ cỏ Thương Bạc. Rồi Đập Đá ngập. Rồi nước ngập các con đường ở bờ Nam như Hùng Vương (đoạn chạy ngang qua cà phê Sứ), Đống Đa, Chợ Cống...; bờ Bắc thì Phu Văn Lâu, Thương Bạc, Bạch Đằng, Huỳnh Thúc Kháng (về phía Bao Vinh) và một số con đường nhỏ trong Thành Nội. Nếu là lụt lớn thì hầu như nơi nào cũng ngập. Và ngập đến vài ngày. Lụt đối với nhiều gia đình còn có nghĩa là gạo thua (gạo tăng giá), là đồ ăn đắt đỏ, là công ăn việc làm ế ẩm, là mất mát (người và của). Hầu như cứ mỗi cơn lụt, dù lớn hay nhỏ, là dân Huế lại nghe đến có người chết đuối: khi thì ở Ngã Ba Bãng Lãng (gần Lăng Minh Mạng, nơi con sông Hương chia làm hai nhánh), khi thì ở Đập Đá, khi thì ở các huyện lân cận như Hương Trà, Phú Vang. Điển hình là hai cái lụt khủng khiếp nhất mà hầu như ai cũng biết: đó là lụt 53 và lụt năm 1999.
    Nếu không tính đến những ''mặt trái'' của nó, thì mưa lụt Huế cũng mang lại những cái thú, những cái thi vị và đầy ắp kỷ niệm về một thời ở Huế cho những kẻ như tôi. Lụt là dịp mà dân ở thành phố được trở thành những tay câu cá, cất rớ (lưới) nghiệp dư. Bờ hào quanh Thành Nội, đặc biệt là gần các cống như Thượng Tứ, Cửa Sập (sập vào lụt năm 1953)..., và các ao hồ quanh Đại Nội là những nơi lý tưởng để những tay cất rớ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp thi thố tài năng. Bờ Nam thì hồi trước có cánh đồng An Cựu, đoạn từ Ngã Tư Âm Hồn (gần bến xe An Cựu ngày trước) cho đến Nhà Hát Lớn bây giờ. Cánh đồng này giờ đây đã ''đô thị hoá'' thành nhà cửa, văn phòng, không còn một ao nước nào để thả rớ xuống cả. Một cái thú nữa vào những ngày lụt là ''đi lội lụt''. Nếu nhìn ra đường phố lúc này sẽ thấy rất ít bóng dáng xe cộ, mà thay vào đó là từng nhóm năm bảy người, già có, con nít có, nam có, nữ có, với chiếc quấn đùi hoặc quần dài xăng đến tận đùi, tùm hụp trong chiếc áo mưa, vừa đi vừa chuyện trò rôm rả. Một vài người còn tỏ ra chuyên nghiệp hơn khi trang bị cho mình một chiếc gậy tre hay gỗ đế được an toàn hơn qua những nơi nước xoáy. Hầu hết những người ''đi lội lụt'' chỉ nhằm mục đích ham vui, tò mò muốn biết nước cao ngang đâu ở Đập Đá hay Thương Bạc. Ba tôi là một người rất thích đi lội lụt, mỗi lần như vậy đều dẫn tôi đi theo. Sau mỗi lần như vậy, tôi trở về nhà với đôi chân mỏi nhừ, lạnh cóng và bạc phếch vì ngâm nước quá lâu nhưng trong lòng vui và kiêu hãnh như vừa vượt qua được một thử thách nào đó. Những người không lội vì tò mò ham vui thì lội lụt để thăm viếng, trợ giúp bà con hoặc người thân ở những vùng bị ngập. Khi lớn lên, tôi không còn đi lội lụt với ba tôi nữa mà đi lội một mình, dĩ nhiên, mục đích ''chuyến đi'' cũng khác trước. Nhà vợ tôi (khi đó còn là bạn gái) ở trong một vùng thấp của Thành Nội, nên tôi thường hay lội từ ...An Cựu sang, tay xách theo một chai dầu ăn hay xì dầu vì bên đó không có chợ búa vào những ngày lụt. Có điểm lắm!
    Nếu không có lụt thì có một cái thú khác nữa là đi uống cà phê với bạn bè hoặc người yêu (dân Huế gọi là bồ). Để ngồi với bạn bè thì tôi thường chọn các quán trên đường Trần Thúc Nhẫn (dẫn lên Chợ Bến Ngự). Con đường này ngắn nhưng lại có rất nhiều quán cà phê, tập trung ở những ngôi nhà xây theo dạng một villa nhỏ với một khoảng vườn (sân) rộng ở đằng trước. Điển hình quán Số 6. Nếu tôi không nhầm thì đây là nhà của một cô giáo từng là hiệu trưởng của trường nữ Đồng Khánh ở Huế. Bên trong ngôi nhà đặt khoảng 4-5 bộ bàn ghế gỗ khá lịch sự còn ngoài vườn có thêm khoảng mươi bộ nữa đặt rãi rác dưới tán cây đào và một số cây gì mà tôi cũng không nhớ rõ nữa. Thức uống hồi đó lui tới một vài thứ đơn giản như: cà phê (đen, sữa, nóng, đá...), nước chanh (đá, nóng). Hồi đó tôi thích quán này không phải do cà phê mà do cái không khí ở quán này. Yên tĩnh và lịch sự. Cái gu nhạc của chủ quán cũng giống như của tôi: nhạc Trịnh Công Sơn và nhạc pop Pháp của những năm 50-60 (tôi đoán thế vì không rành lắm về âm nhạc ngoại quốc). Nhớ những chiều mưa rả rích cuối tuần ngồi với một vài đứa bạn thân ở quán này, vừa nhâm nhi ly cà phê vừa ''khẩu'' đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cho đến khi tối mịt mới chịu rời quán. Năm kia khi tôi về lại quán Số 6 thì cách bài trí, nhạc, khách...tất cả đã khác xưa, tôi thấy như mình vừa mất một cái gì đó.... Nhưng để thật sự cảm được cái đẹp-buồn của mưa Huế thì nên ngồi ở quán Sông Xanh nằm trong một con hẻm gần Đập Đá, nhìn ra Sông Hương. Tiếng hát khàn khàn, chậm rãi của Khánh Ly, những giọt cà phê đều đặn, cái lạnh ngấm ngầm xuyên qua quần áo, những hạt mưa bên ngoài khung cửa sổ rơi xiên xiên qua những tán lá cây, một dòng sông đang trãi mình trong mưa đầy vẻ cam chịu... tất cả tạo nên một cảm giác buồn buồn, nằng nặng khó tả. Tôi và vợ lại thường chọn một quán nằm bên kia đập đá, lấy tên một loài hoa. Quán này nằm lọt thỏm trong một khu vườn thật lớn ở Vỹ Dạ. Có lẽ chỉ có những kẻ đang yêu mới chọn quán này để ngồi vào ngày mưa vì chỗ ngồi hoàn toàn không có tường vách gì cả, trên đầu là một mái nhà lợp tranh. Gió thổi xuyên qua cây cối trong vườn làm lạnh thấu xương nhưng hai đứa hầu như không để ý gì cả! Sau này có những lúc nằm trong phòng cư xá ở Manchester, nhìn ra bên ngoài cửa sổ là bầu trời tháng 11 cũng xám xịt, cũng lạnh cóng và những hạt mưa cũng rơi xiên xiên, xiên xiên tôi thấy nhớ nhà nhớ Huế kinh khủng!
    Càng gần tới Tháng Giêng Âm lịch thì mưa nhỏ dần nhưng vẫn còn dai dẳng lắm. Mưa làm cho cái lạnh càng da diết; ngược lại những cơn gió mùa Đông Bắc lại làm cho mưa có vẻ ẩm ướt hơn. Tôi nhớ như in những hôm gò lưng trong mưa lạnh đạp xe qua cầu Tràng Tiền đưa đón người yêu đi học. Gió thổi ngược vào người làm chiếc xe nặng trịch, chiếc áo mưa không đủ che cho hai ống quần và cổ áo nên làm mình lạnh thêm. ''Khổ'' là thế mà vẫn cứ vui vẻ tự nguyện làm ''công tác'' này trong suốt mấy năm cho đến khi cưới nhau về ở một nhà. Càng về cuối mùa mưa - trước và sau Tết một chút - thường có những cơn mưa phùn, mưa bụi. Đối với những kẻ lãng mạn thi một trong những cái thú là rảo xe qua những con đường nhỏ rợp bóng cây quanh Đại Nội hoặc dọc theo hai bờ sông Hương dưới cơn mưa bụi này để cảm nhận được cái tiết trời lúc giao mùa này.
    Rồi một buổi sáng nào đó ta thức dậy, nhìn ra cửa sổ thấy bầu trời quang đãng hẳn. Không khí như nhẹ hẳn lên. Cây cối như cũng tỉnh ngủ hẳn ra cùng mình. Phía Đông dần dần hén lên một chút nắng. Ai đó dưới nhà nói: "A! Ngày ni nắng rồi! Tết ni mà ông (Trời) nắng cho vài ba ngày để đi thăm bà con thì sướng biết mấy!". Cả xóm tục tục sửa soạn, lôi áo quần, mền mùng ra phơi hết cho kịp nắng. Ừ! Hình như sắp hết mùa mưa rồi thì phải.
  3. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Gởi em chút nắng quê nhà
    Ngô Cang ​
    Làng tôi ở bên sông Bồ thơ mộng. Con sông đã cho tôi bao điều kỳ diệu. Ngay từ khi mới lớn, tôi đã biết lang thang dọc triền sông, nhìn những đám mây trắng trôi lững lờ dưới nước. Đôi lúc, cũng đã biết nhìn trộm các cô gái tắm sông. Có phải, ngày đó tâm hồn tôi đã ấp ủ tinh thần của thi ca mà khi gặp em, lòng tôi dâng lên một cảm xúc lạ lùng...
    Em, gái quê mà có dáng tiểu thư đài các. Tóc em bay theo gió dọc triền sông làng thơm thơm mùi lá bưởi. Em đi chân đất, nắng mùa xuân lấp lánh ngời sáng trên gương mặt thanh tú. Em cùng tôi học trường làng Mỹ Xá, rồi lên cấp 2 trường công lập Quảng Phước (Sịa). Nhớ những lần học chung nhóm, em đã "dạy" cho tôi biết thế nào là kết luận một bài tập làm văn. Giọng nói em dịu dàng, mà tôi không nghe gì ngoài những vang động mơ hồ và không bao giờ tắt trong tim của cậu bé đang lớn. Những buổi chiều chủ nhật, chúng tôi thường ra bờ sông chơi. Tôi và em vấn những chiếc chiếc kèn lá dừa, ngồi trên mặt đê thổi kèn, tiếng kêu u u trầm trầm lan mãi qua tận bên kia sông. Mỗi lần hai đứa nằm trên thảm cỏ nhìn trời xanh mênh mông; kể cho nhau nghe những giấc mơ đã bắt đầu mộng mị. Một nụ hôn đầu đời đã làm cho tôi thấy trời như xanh hơn và nắng gió mùa xuân như dịu mát hơn. Hai đứa đi dạo quanh làng, tôi thường đi sau lưng em để ngắm nhìn mái tóc và dáng đi. Một dáng đi như chẳng có chuyện gì trên đời này làm em bận tâm. Lúc đó, tôi cảm thấy nắng quê nhà ngùn ngụt xanh và quanh vườn xôn xao tiếng lá...
    Cho đến bây giờ, tôi đã làm chồng, làm em làm vợ người khác. Có nhiều khoảng cách, có nhiều trở ngại trong cuộc sống. Tôi có thể vượt qua, nhưng tôi biết, sẽ chẳng bao giờ vượt qua được bến sông quê nhà, để cùng ai kia ăn một miếng trầu têm cánh phượng. Sẽ chẳng bao giờ kết luận một bài văn. Mấy chục năm rồi, tôi không gặp em. Nhưng tất cả vẫn như xưa! Vẫn thảm cỏ xanh mênh mông trên bến sông làng mà sao lòng tôi mang một khoảng trống vắng.
    Đóa mai vàng ơi! Không biết bây chừ em ra răng (?!). Chắc là đã tay bồng tay bế. Hay là chốn phù hoa đã bắn vào đời em một nỗi đau buồn. Còn tôi, vết thương ngày ấy không bao giờ lành được. Thỉnh thoảng, tôi có về. Vẫn đứng trên triền đê một mình, lặng im nhìn hoàng hôn tím Huế. Dòng sông Bồ vẫn chảy thổn thức khi tôi vẳng nghe tiếng cười đùa khúc khích của những cô gái làng ta, từ xa vọng về trong ký ức, trong những tiếng cười ấy, có tiếng cười của em. Tiếng cười em làm lòng tôi vừa nôn nao vừa tê buốt. Và cũng từ dạo đó, những trang đời đã được mở ra rất sớm trong thơ tôi, em ạ?.
    Vu vơ thèm một loài hoa, loài hoa mang tên em nhưng không còn em ở đó. Tôi ngồi đây mà sống lại thứ hạnh phúc nồng ấm của những ngày mới lớn. Nắng vẫn đang vàng lênh lang ngoài kia. Tôi đi dọc triền sông và chính nơi đây đã ghi chắc hình ảnh của hai đứa. Hành lý một đời mà tôi mang theo, cũng có thể là cả gia tài mang đi không hết. Mà cũng có thể chỉ là một Đóa Mai Vàng vừa nhú lên trong nắng sớm. Cũng có thể là mái tóc, dáng đi, màu áo của em ngày xưa, chừ xa vắng! Cũng có thể chỉ là mùi em rơm rạ sau mưa âm vang cùng tiếng chuông nhà thờ những đêm noel giá lạnh, cũng có thể chỉ là rong rêu dưới lòng sông Bồ yêu dấụ..Mớ hành lý đó, cần một chiếc vali không giới hạn. Chiếc vali không bao giờ khóa là trái tim tôi để ngỏ cho ngọn gió buổi xuân thì trở về xua tan rét lạnh dài xứ Huế. Đóa Mai Vàng đón nắng đã một đi không trở lại. Tuyệt vời đau thương lần ta dại ngộ. Tình qua, nỗi nhớ cứ cồn cào. Đóa Mai Vàng một chút nắng quê nhà. Ở phương trời xa, biết em có nhận được không (?)...
  4. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Mạ ơi, mùa gió bấc​
    Ngô Cang​
    Lần đầu tiên tôi cảm nhận ngọn gió mùa Đông Bắc thổi về, mang theo cái lạnh buốt da, thấm chân tóc, kinh hãi như thế nào, vào năm tôi 14 tuổi. Nhớ buổi trưa, theo đám bạn trong làng lên "Cồn mồ" săn chuột. Những chú chuột phá hại mùa màng làm hang ở quanh các lăng mộ, bụi cỏ, đứa dùng xẻng đào hang, đứa múc nước tưới, đứa thảy chó vô miệng hang sủa inh ỏi. Thỉnh thoảng, có đứa ré lên vui sướng vì đâm được 1 chú chuột. Những chú chuột đồng to béo nhờ ăn đòng đòng lúa, thịt đỏ hồng. Gió bấc thổi, lạnh thấu xương, mà chẳng đứa mô lo để ý. Để rồi, khi về tới nhà, đêm nằm không ngủ được vì cả ngày bị gió bấc thổi rát mặt, rát mắt....
    Lớn lên, tôi dần hiểu vì răng mà da dẻ những người nông dân quê tôi lại tím tái đến thế! Mưa trên, lụt dưới, cọng với gió bấc thử thách họ từng ngày đêm đồng ruộng.Ngọn bấc thổi vô tận nồi cơm của mỗi gia đình. Sông Bồ chảy qua làng tôi, mùa này nước tràn lênh láng, nước vàng đục một màu phù sa quanh các xã Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành. Giữa muôn trùng biển nước đó, ngọn bấc cứ thổi u-u-ù-ù tới. Nhớ ngày xưa, mùa lụt, bơi ghe ra đồng bỏ lưới. Mấy chị em tôi cúi lom khom trên ghe để giăng lưới, cố gượng sức lại khỏi ngã nhào vì gió bấc thổi làm những con sóng vỗ mạnh mạn thuyền. Gặp lúc sóng ngược, mũi ghe nảy tung lên như muốn hất chị em tôi xuống nước.
    Tôi đem sách báo, thấy người ta viết về những gót chân son. Thứ gót chân đỏ hồng, mịn, không một vết nứt nẻ. Tôi lên nhìn chân mạ, chân chị, chân những người khác. Để rồi, biết rằng tất cả những gót chân ấy từng vết nứt hằn vào da, chen vào bùn đất.
    Mạ ơi, gió mùa đông Bắc lại thổi về. Trời cấn bấc non rồi trở lại bấc già. Một thời mạ đã vượt qua bao ngọn bấc cam go này, để mà lo cơm áo, nuôi các con ăn học. Gió cuối đông thổi buốt dọc sông Bồ mà mạ phải ngồi gánh gạo (gọi là bán hàng xén) về chợ Tài Ba từ tờ mờ sáng. Còn lo cho con thì chiếc mo cơm với thêm phần sắn độn, bỏ theo trong cặp (hồi đó dùng bị rết) để học xong, ăn trưa, nghỉ lại tại trường công lập Quảng Phước (Sịa). Con ăn miếng cơm vùi sắn và vùi cả mồ hôi đượm mùa gió bấc của mạ để hầu tìm "cái chữ" như mạ nói là sẽ rất cần, rất quý cho các con...
    Ngọn bấc gió thổi ù-ù-u-u bên tai, đã có lúc làm tôi quặn lòng thương nhớ mạ nhớ cha, với những cơn lũ lụt hàng năm ở xứ Huế mình! Như cơn đại hồng thủy năm 99 chẳng hạn. Cả một rương sách vở Đông, Tây, kim cổ của tôi dành dụm, bị chìm trong sóng nước.
    Bây chừ, xứ Huế mùa đông. Gió mùa đông bắc lại thổi về. Bay bay ngọn khói lam chiều, cay nồng mái tranh, mái rạ. Những cánh cò xao động trên cánh đồng làng và chúng vẫn thường bay vào những giấc mơ tuổi thơ tôi từ ấy đến chừ! Vâng, những đợt gió mùa đông bắc và năm tháng tuổi thơ của tôi "ăn chưa no lo chưa tới". Để rồi, đi qua những cánh đồng, nhìn những người nông dân, những bà, những mạ, những chị, lầm lụi trong mưa cùng ngọn gió bấc khắc nghiệt mà sống và ước mơ! Từ bến sông đầy gió chướng này, vẫn thoang thoảng mùi hương ẩm ướt của rơm rạ sau mưa, của gió bấc già lành lạnh, rưng rưng. Tôi mang theo cho đến trọn đời ánh mắt ân tình của mạ. Và ngọn gió mùa đông bắc ơi! Thôi đừng thổi nữa, để cho những giọt nắng ấp áp một niềm quê....
  5. duongphuongbay

    duongphuongbay Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    16/06/2003
    Bài viết:
    1.108
    Đã được thích:
    0
    Nắng Phú Xuân ​
    khuyết danh​
    Giữa những cơn nắng oi nồng của hạ trắng và những chuỗi mưa lê thê của đông sầu, Huế có những ngày mà không gian và thời gian tuồng như là " ảo ", cảnh vật, con người cứ lung linh chập chờn nửa có nửa không, ấy là khi ánh nắng đầu tiên trở về sau mấy mươi ngày mưa ủ rũ.
    Rét mướt nhiều ngày đã làm tê cóng gương mặt có màu da trắng xanh, mịn và mát lạnh hơi mưa của mỗi con người Huế. Người đi cứ lầm lũi gồng mình chống lạnh như những pho tượng cứng nhắc xê dịch trên các nẻo đường. Rồi có một ngày không hẹn truớc, bỗng đâu giữa cầu Trường Tiền, nơi khúc sông Hương lộng gió, từ phía núi Kim Phụng đưa về những tia báo chuyển mùa. Như từ một cõi xa mô đó, ánh nắng rớt trên vai trên nón ngỡ ngàng, nhẹ như tơ, như một mảnh lụa the choàng phớt qua, và gương mặt, dáng đi của mỗi người bỗng trở thành nhẹ nhõm như khói như sương, xuống cầu chia nhau về những con đường rộn ràng hỗn độn của Huế hôm nay...
    Nắng mới đến Huế như không đi bằng bước chân gay gắt mà bằng đôi cánh mỏng của sương mù Thuận An pha lẫn với hơi rừng Trường Sơn. Sáng cũng như trưa, trưa cũng như chiều, nắng lãng đãng không thay sắc màu, cứ như một vùng ánh sáng đã được lọc qua nhiều tầng sương, mây, gió, mờ nhạt mông lung giăng trải lên cảnh vật.
    Buổi sáng, khu vườn Huế còn lặng yên ướp lạnh trong hơi đông giá, bỗng nghe ấm một chút thoảng hương hoa mộc, - một chút thôi ! không nồng đượm như giữa mùa hè -, như cùng một nháy mắt với tia lấp lánh trên chùm cau già cỗi đông thì, - dấu báo của một ngày không mưa. Trong khoảnh khắc sau, cả vườn cây như lay động chuyển mình đón nắng, một cách sẽ sàng, tế nhị, gần như e ngại mỗi tiếng chào niềm nở ồn ào sẽ làm cho nắng tan biến đi. Hương ấm của hoa - của trời hiếm hoi trong mùa lạnh giá - như vừa đủ để tan sương trên lá của những cây trong khu vườn, nghe hơi nước luân lưu chuyển đi trong các mạch âm giai đầy tiết điệu uyển chuyển của màu xanh.
    Có phải đây là dấu hiệu của mùa xuân đang trở về ? Xin đừng đặt một câu hỏi rộn ràng như thế trong nỗi tĩnh lặng ban mai của vườn cây ở Huế ! Hãy lắng nghe tiếng tơ của nắng đang nhỏ giọt từ cành ! Và hãy nhận đi ! giờ phút nắng về như một tình cờ, như một cơn may mắn theo kiểu " may may ", " may mà tới Huế gặp ngày không mưa ! " trong những ngày tháng chạp.
    Người Huế hay kiêng, không dám gọi tên những điều, những tình cảm mình trân trọng yêu dấu, sợ một lần lên tiếng là một lần " mất thiêng ", tình cảm, sự vật sẽ tan loãng, biến mất... Mỗi hiện tượng đều là một diễm phúc bí ẩn của trời cho ! Cho nên cả khu vườn rậm rạp um tùm cỏ cây đón ánh nắng bằng sự diệu kỳ của thuật tàng hình " biến có thành không " : êm ả không lời khu vườn bất động vô hình trong giây phút nắng lên, để cho tất cả thành một sự đợi chờ vô định nào đó, có lẽ là một cuộc tái sinh hay hồi sinh hay một bước đi vào cõi thường hằng... Xin đừng nói rõ ! Ngay cả cỏ cây cũng không dám hé lời lao xao, để mặc cho màu xanh chảy hoà với ánh nắng luân lưu chuyển thể sang màu xanh lam u mặc mơ hồ... Đang là lá là cây đa dạng đa hình, trong phút chốc khu vườn trở thành một mảng không gian xanh bồng bềnh trong một thứ ánh sáng hư ảo... Trong giây phút mầu nhiệm ấy, chủ nhân khu vườn, khi mở cánh cửa đón nắng sớm, thoáng chốc tưởng như đang bước chân trong cõi mộng...
    Nhưng xin đừng vội vàng tin ngay rằng ánh nắng hôm nay chỉ là cơn mộng, - những giấc mộng làm cho Huế " tộng bộng " hai đầu, không đủ dấy lên một chút hơi xuân ! Hãy lắng nghe tiếng động của quả Giáng Châu (1) đang rơi trong vuờn, để đừng hất hủi không về với Huế nghèo nàn trong buổi cuối đông. Giáng châu trên cành dù cho chín tới vẫn chưa phải là giáng châu, phải đợi một thời điểm nồng ấm vừa tầm - như tiếng nhắc nhở của nắng sớm qua hương hoa mộc - giáng châu rơi xuống, chạm đất - phải " rơi và chạm " như một nghi lễ hành thâm, như sự cúi xuống của giọt nắng đầu tiên - đó là bí mật vị ngọt thanh khiết vô song của những múi giáng châu trinh nguyên, hái trên cành không chạm đất giáng châu vẫn còn giữ một vị chua chưa đủ xứng danh là viên ngọc của trời riêng tặng cho đất (2).
    Nếu chính trong lòng nắng không ấm không nồng làm sao giáng châu trở thành một giáng tiên trong mùa đông ở Huế ? Nếu nắng không thực là thực thì làm sao có được một quả ngọt trái mùa không có ở Bắc Nam mà chỉ có trong vườn Huế như trái giáng châu ? Và sẽ không đủ hai mắt để ngắm cho hết màu hồng rực rỡ của hoa hải đường trước khi lả ngọn đêm xuân đang nở rộ trong vườn Kim Long, Xuân Hoà, Vĩ Dạ, Thuỷ Xuân...Có lẽ phải biến thành con sâu hoa hay một nàng Út như trong chuyện thần tiên chui vào nằm giữa những cánh hoa để thấy được hết vẻ lộng lẫy màu hồng thắm của đoá hải đường, để thấu rõ cội nguồn của giọt nắng mong manh trong vườn vốn dĩ là một hoả diệm sơn, đã được mây gió của Huế như những người thợ thủ công tinh xảo mài dũa thanh lọc làm thành những tác phẩm tuyệt vời cho Huế.
    Có ai đến Huế mà không qua cầu Trường Tiền, dừng lại một giây nhìn sông núi, với một chút khát khao được ngắm ánh sáng đùa giỡn với sóng nước sông Hương, sẽ thấy nỗi ngạc nhiên theo liền sau niềm thất vọng. Không có những phút sông Hương rực rỡ chói lói trong mùa hè với vô vàn lớp lớp ánh bạc ánh vàng, hay tím ngát đến rùng mình trong mùa thu. Chỉ có một giòng Hương đang hoà mình vô tận trong ánh sáng xanh lơ, chỉ sáng hơn ánh trăng một gam màu rất nhẹ, trời nước phân cách nhau bằng một nét nhạt mờ giữa " lơ lửng mây trôi ngừng lại " và " lao xao sóng nước cuốn đi ", ở đó như có một tay thợ bạc lão thành còn sót lại của thời xưa, thủ xảo đã đến độ xuất thần, đưa bàn tay tài hoa tung rãi một lớp nhũ bạc trên giòng sông, thay mặt nước bóng loáng bằng một lớp nhũ mờ trầm mặc, để cho sông trở lại được với trời mây thành một giang thuỷ cộng trường thiên nhất sắc !
    Tôi về Huế giữa mùa đông chí, những nghĩ rằng buồn tẻ là xứ Huế mùa đông ! Giác quan và tâm thức đã chuẩn bị trước những vị chua cay của " chột nưa ", " cải cay ", " dưa môn ", " mắm cà " của những buổi ăn chiều đạm bạc trong cơn mưa dầm. Bỗng " gặp may " trời đang ươm nắng ! Bắt gặp trái giáng châu đang rơi, nghe hoa hải đường lộng lẫy trong nắng, hoa mộc thơm hương trong vườn...
    Khi đưa cũng như khi đón, người em trai nói " may quá, trời hôm ni nắng, cả tháng Huế mưa ! " và " may quá, trời hôm ni nắng, có máy bay đi ! " với một nụ cười nửa miệng rất Huế. Khi đến cũng như khi đi thấy nụ cười con trai Huế giống như bóng núi chạy qua nơi sân Phú Bài, dáng núi rất thân rất gần gũi, đã từng như ôm vai tôi ngay khi chân vừa đặt lên tầng cấp thứ nhất xuống tàu, bên ni triền núi là mây mờ, bên kia triền núi nắng đang lên, như nụ cười nửa miệng... Bỗng nghe lạnh bờ vai trong chiếc ghế... Có chi an ủi trong chuyến tiễn biệt này ? Tôi bỗng nhớ có lần mình đã được an ủi vô cùng khi trở lại xứ người lần thứ nhất bắt gặp mấy câu thơ của Hoelderlin : " ta sẽ trở về... ôi rặng núi thân thương đã chở che ta những ngày xưa ấy..." (3).
    Có phải núi Kim Phụng vẫn còn thuỷ chung đứng đó đón nắng cho sông Hương mang đi...biền biệt ?
    (1) Trái Giáng Châu : người Nam gọi là trái măng cụt, người Huế đặt tên " Giáng Châu ".
    (2) Theo lời kể của chủ nhân các vườn ở Kim Long - Huế, nơi trồng nhiều cây Giáng Châu, về đặc tính của trái Giang Châu.
    (3) Trích từ bài thơ Die Heimat (Quê hương) của Friedrich Hoel-derlin, văn hào Đức, 1770 ?" 1843

  6. deathchuck

    deathchuck Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    2.885
    Đã được thích:
    0
    2 ngày ở Vinh , chứng kiến cuộc sống ở ngoài đó , lộn xộn và có phần vô kỷ luật ... Mới thấy hết được cái vẻ trầm mặc và nhẹ nhàng lãng mạn của Huế mình ... Xe chạy từ từ trên cầu Phú Xuân , nhìn xuống sông Hương mà có cảm giác như nhìn vào tấm gương trong suốt soi bóng cả thành phố dịu hiền ... Ôi , đẹp biết bao ... Dù có đi đâu thì đi , nhưng cái cảm giác yên bình và yêu tha thiết một Huế tuyệt vời vẫn không bao giờ thay đổi . Huế mình ...
    Huế có em , Huế ....

  7. deathchuck

    deathchuck Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    2.885
    Đã được thích:
    0
    Huế đầu hè , trời oi bức và râm ran mãi những tiếng ve kêu gọi hè ... Trời nắng như đổ lửa xuống mặt đường , đi mà thấy bỏng rát ... Dòng sông Hương xanh mát trắng trong không đủ để xoá đi cái nóng khủng khiếp trong mấy ngày qua ở Huế ... Những hàng cây ở hai bên lề của mỗi con đường cứ như cúi rạp đi và mệt lả dưới anh nắng gặt như giận dữ trút bực bội xuống đâu người Huế ...
    Những cây phượng đang mang một màu đỏ thắm như tô thêm cái oi nồng của một mùa hè đỏ cháy ...
    Vậy mà trưa nay , trời bỗng đổ một cơn mưa kì lạ lắm , một cơn mưa quý hơn vàng , bởi hơn 1 tháng nay Huế không có mưa rồi ... Đang đi trên đường và thực sự không muốn trú mưa ... Cứ đứng xe lại và ngửa đầu lên cho mát ... Đã quá ... Cơn mưa như xoá tan đi bao mệt nhọc của một chuỗi ngày nắng nóng ...
    Mưa mù trời , tầm tã , trắng xoá bọt nước xuống mặt đường ... Cây cối ngả rạp xuống và rồi những cơn gió cứ thổi tốc lên và như muốn đánh thức tất cả dậy ...
    Lá rụng đầy mặt đường và lác đác những cánh phượng đỏ rải rác ... Chà , đẹp quá đi ... Phê quá ...
    Giờ đây trời mát hẳn , tất cả như khoác lên mình một màu xanh mỡ màng và tràn đầy nhựa sống ...
    Ước chi Huế luôn có những cơn mưa tuyệt đẹp như vừa rồi .

Chia sẻ trang này