1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuyển tập các bài viết về Trịnh Công Sơn (mục lục tra cứu: trang 1)

Chủ đề trong 'Nhạc TRỊNH' bởi ATC, 02/04/2001.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. hothanhphuong

    hothanhphuong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/12/2002
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0

    Hội Luận Trịnh Công Sơn, Giới văn nghệ hải ngoại nghĩ gì về Trịnh Công Sơn?
    Ô Quan Hạ
    LTS: Buổi ?oHội Luận Về Trịnh Công Sơn? vào tối chủ nhật ngày 6 tháng 3 năm 2005 tại quán French Deli ở Little Saigon do Việt Weekly tổ chức, mục đích tạo ra những sinh hoạt văn nghệ đi tìm bản chất thực sự của vấn đề. Trịnh Công Sơn con người và âm nhạc là một đề tài to lớn mà nhiều ở hải ngoại vẫn còn e ngại khi nói tới vì những lý do chống đối về khía cạnh chính trị của nó. Tuy nhiên, ông đã mất gần đúng 4 năm, hy vọng chúng ta đã có đủ sự bình tâm thẩm định về con người và âm nhạc của Trịnh Công Sơn một cách khách quan. Chúng ta không có gì để mất mát khi chia xẻ với nhau sự thật. Chúng tôi hoan nghênh tất cả những ý kiến đóng góp thêm về Trịnh Công Sơn từ bất cứ góc cạnh nào. Sau đây là toàn bộ trao đổi phát biểu của hai diễn giả chính của buổi hội luận, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc.
    Việt Weekly: Xin hai anh cho một phát biểu cảm nhận tổng quát về âm nhạc Trịnh Công Sơn trước khi chúng ta đi vào chi tiết?
    Nguyễn Đức Quang: Đây là một lối nhập đề hơi đột ngột, thực sự tôi ở trong một trường hợp hơi khác một số bạn bè, không phải chỉ là người nghe không về dòng âm nhạc và những ca khúc của anh Sơn, mà còn có được nhiều lúc ở bên nhau, ca hát chơi đùa với nhau. Và trong một số trường hợp khá gay cấn, cũng lại có mặt nhau. Rồi, tôi với Sơn đã chia tay nhau từ năm 1975, mãi 20 năm sau tôi mới có dịp gặp lại anh. Theo cái nhìn của nhiều người, tôi với anh Sơn đi trên con đường âm nhạc gần như là song song, người ta có cảm tưởng nó không gặp nhau, đôi khi còn rẽ ngược nhau nữa. Thực sự ra, tôi với anh là một cặp bạn bè rất đằm thắm và tốt đẹp cho đến ngày cuối đời. Tôi nhớ lúc nghe tin Trịnh Công Sơn mất, vào tháng 4 năm 2001, đang trên đoạn đường từ San Jose về Little Saigon, nhận được một cú điện thoại của anh Nguyễn Xuân Hoàng từ ở Bắc Cali, báo rằng anh Sơn đã mất rồi. Phải công nhận là lúc bấy giờ mình cũng có những cái xúc động bàng hoàng, vì con người đó không để lại trong mình những cái trò vui nhỏ, những bữa cà phê, hay những phút tôi ngồi nghe anh đàn hát, mà những gì bên trong bài nhạc của anh đã để lại cho mình những cảm xúc lớn, da diết và đáng kể. Vì lý do đó, lúc nghe tin anh Sơn mất, tôi lập tức mời một số các bạn nghệ sĩ và tổ chức một buổi tưởng niệm anh. Ngay lúc mà tôi nghĩ rằng, khi diễn ra buổi tưởng niệm như vậy, những lời nói và những lời chia buồn rơi đúng vào lúc mà anh đến huyệt mộ. Rất tiếc, vì thì giờ chênh lệch, không được ăn khớp lắm, thành ra anh được đưa đến huyệt mộ trước khi chúng tôi bắt đầu. Phải nói, ngày hôm đó là một ngày rất cảm động. Đối với bản thân tôi, chuyện anh Sơn ra đi hay những gì anh Sơn để lại, tất cả những kho tàng, nó là những giá trị mà nếu là một người yêu thích nghệ thuật, yêu thích âm nhạc, yêu tình con người, không thể nào mà chối từ được một Trịnh Công Sơn trong đời sống của mình.
    Bùi Vĩnh Phúc: Thế hệ của anh Nguyễn Đức Quang có cơ hội được lớn lên, được thở hít xã hội cùng với anh Trịnh Công Sơn. Riêng cá nhân của anh Quang, các nhạc sĩ khác, và các nhà văn bạn bè của tôi, họ có cơ hội chia sẻ nhiều điều với anh Trịnh Công Sơn. Nhưng còn thế hệ của tôi, cách thế hệ của anh Quang một khoảng thời gian và lúc những bài hát của Trịnh Công Sơn tạo những chấn động trong xã hội Việt Nam nói riêng và những chấn động trên thế giới phản ảnh cuộc chiến kinh hoàng của Việt Nam, lúc đó chúng tôi đang lớn lên, bắt đầu vào đại học. Những bài hát của Trịnh Công Sơn, đặc biệt là những ca từ, những tiết điệu, những nỗi thiết tha, khoắc khoải trong những ca từ đó đã làm cho chúng tôi rất xúc động. Bởi vì không phải chỉ nói về chiến tranh, nói về thân phận của con người Việt Nam bị nghiến trong vòng quay của cuộc chiến, mà Trịnh Công Sơn còn nói về nhiều điều khác, đặc biệt là tình yêu. Mà đối với tuổi trẻ, không có gì quyến rũ và hấp dẫn như tình yêu. Nhưng tình yêu ở đây lại gắn bó với chiến tranh, với những nỗi đau không rời, và luôn luôn làm cho người ta nghĩ đến một cuộc chia tay lớn trong một tương lai rất là gần. Bởi vì trong một xã hội mà ?ođại bác đêm đêm dội về thành phố,? nghe những âm thanh đó như tiếng kinh cầu như vậy, chuyện sống chết không phải là một chuyện quá xa vời. Nhưng điều quan trọng nhất, Trịnh Công Sơn đã để lại ấn tượng cho người Việt Nam nói chung và người trẻ Việt Nam nói riêng lúc đó, là những lời lẽ ca từ rất lạ lùng, những hình ảnh siêu thực, mặc dầu nó rất là thực. Nó phản ảnh chiến tranh Việt Nam. Nó phản ảnh tình yêu nam nữ, giữa người con trai và người con gái. Nó phản ảnh những khát vọng lứa đôi. Nó cũng phản ảnh ám ảnh của nỗi cô đơn, cũng như lẽ vô thường của con người. Nhưng trong tất cả những điều đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dùng một ngôn ngữ âm nhạc rất là lạ, mà trước đó chúng ta chưa bao giờ được nghe thấy. Cho dù là chúng ta đã nghe nhạc Văn Cao, nhạc Phạm Duy, có những lời lẽ rất đẹp về đời sống này, cuộc đời này. Nhưng những cái đẹp đó hướng về một chiều khác. Còn trong lời lẽ ngôn từ của Trịnh Công Sơn, nó có một chút gì đi xa cuộc sống, nhưng mà nó lại gần gũi gắn bó cuộc sống. Nó siêu thực, nhưng mà nó lại rất hiện thực. Lát nữa chúng ta sẽ có cơ hội để nói chuyện nhiều hơn trong phần thảo luận, bây giờ tôi xin phép được đọc một đoạn dẫn nhập của tôi trong một chuyên luận viết về Trịnh Công Sơn mà tôi hy vọng rằng sẽ ra được và tháng 4, hoặc cùng lắm là tháng 5 năm nay. Tôi nghĩ đây là một chuyên luận nghiên cứu sâu về ngôn ngữ và những ám ảnh của Trịnh Công Sơn. Hầu như tất cả những tài liệu, những bài viết được thu thập từ trước đến nay, trong nước cũng như ở ngoài nước, đa số cho chúng ta thấy một cái nhìn về con người Trịnh Công Sơn. Những góc cạnh về đời sống bình thường, cũng như những khoắc khoải, suy tư của anh chia sẻ với bạn bè. Cũng có một số bài viết có những đánh giá về mặt nghệ thuật. Nhưng những bài viết đó còn ở một mức độ chưa có đào sâu hẳn vào cõi ngôn ngữ và ám ảnh của Trịnh Công Sơn, chuyên luận của tôi cố gắng làm điều đó. Tôi xin đọc một đoạn ngắn, bởi vì đoạn đó nói được gần như là những điểm chính suy nghĩ của tôi về con người Trịnh Công Sơn.
    ?oTrịnh Công Sơn đã ra đi. Những tiếng chuông gọi hồn đã được đánh lên. Và âm ba của những hồi chuông ấy vẫn còn vương đầy trong không gian tâm hồn của chúng ta. Qua những tiếc thương và suy tư của bao người còn ở lại. Nhưng thực ra, những tiếng chuông gọi hồn đó đã luôn cất lên, gióng giả, trong suốt cuộc hành trình làm người của Trịnh Công Sơn. Chúng vang vọng trong âm nhạc của anh, với những nhịp điệu đều đều, buồn buồn, nghe như những tiếng kinh cầu; trong những nhịp kể lể với những ca từ mang nặng tính siêu hình pha vào nhịp thở của thời đại. Những tiếng chuông gọi hồn đó vang vọng trong cõi thời gian chìm chìm ẩn ẩn một màu úa tàn, bềnh bồng trôi dạt về một nơi chốn thiên thu nào đó, một cõi thời gian luôn luôn in dấu những chiếc bóng trăm năm. Những tiếng chuông gọi hồn đó, chúng vang vọng trong những khoảng không gian đựng nhiều bóng tối, trong những cánh rừng xưa đã khép mắt, những cồn biển quạnh hiu và những núi đèo mờ mịt, trong những đường phố đầy bóng hư không, hay trong những quán xá bàn ghế không bầy... Nhưng những tiếng chuông cầu hồn ấy, trước hết, đã được đánh lên với những âm vang sắc buốt nhất qua những bài hát về thân phận con người, về cuộc chiến tang thương vỡ nát trên quê hương Việt Nam.
    Những tiếng chuông ấy vang động khắp thế giới qua âm nhạc cũng như lời ca của Trịnh Công Sơn. Những lời ca như những dòng thơ buồn rầu vỡ sắc, tả về những kinh hoàng tưởng như không bao giờ có thật, nhưng chúng vẫn hiện hữu trong cuộc sống con người. Những lời ca như những dòng thơ đẩy con người chạm mặt với cõi siêu hình. Dù chỉ là trong những khoảnh khắc của cuộc sống. Và chính những tiếng chuông cầu hồn vang lên trong âm nhạc đó của anh đã đẩy anh, nhiều lần, ra trước những vành móng ngựa của đời. Con người là một con vật xã hội (social animal). Từ đó, nó cũng là một con vật chính trị (political animal) dù nó có muốn hay không. Và nếu chỉ nhìn về khía cạnh chính trị, từ góc độ của mình, có lẽ chúng ta có thể nhìn thấy Trịnh Công Sơn có những sai lầm, những vấp ngã; và chính anh, khi nhìn lại đời mình, cũng đã có những lúc thấy và hối tiếc về những vấp ngã và sai lầm của anh trong đời. Chúng ta, trong mắt nhìn của mình về anh như một con người của quần chúng, có quyền lên tiếng và bày tỏ thái độ của mình về những chọn lựa của Trịnh Công Sơn. Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác, rộng lớn hơn, người nghệ sĩ ấy là một con vật xã hội. Hơn thế nữa, Trịnh Công Sơn là một con người với tất cả những yếu đuối và mỏng dòn của nó. Anh cũng là một con người hết sức thiết tha với cuộc đời. Anh yêu thương cuộc đời và đau xót vì thấy được cái thân phận mong manh và nhiều khổ đau của kiếp con người. Thật ra, trên hết và trước hết, Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ, một con người đã sống hết lòng với trái tim mình. Một trái tim thật nhậy cảm trước từng máy động của đời. Trịnh Công Sơn rung động với mỗi chuyển động tế vi của trời đất, với tiếng gió qua đèo, tiếng những giọt mưa, những nụ hoa hẹn hò nhau trước sân nhà anh. Những máy động mong manh như thế, con người nghệ sĩ ấy còn nghe thấy, thì làm sao những tiếng nổ làm vỡ nát thịt da người kia anh lại không nhận ra. Nhưng cuộc chiến nào cũng có hai phía, nếu không là nhiều phía, nên khi anh ghi nhận lại những hình ảnh đau thương tan nát và những âm thanh tàn phá ấy, anh dễ bị lôi ra trước những vành móng ngựa của đời. Cũng thế, những người góp tiếng nói để nhìn lại hoàn cảnh, vị trí, con người và những mơ ước, những thiết tha cùng những đóng góp nghệ thuật của anh cũng có thể bị ngộ nhận như thế. Nhưng, nếu ta nhìn cuộc đời này một cách rộng lớn hơn, nếu ta không đóng khung nó lại trong khoảng thời gian của một cuộc chiến; nếu ta nhìn con người như những tế bào, những sinh thể của một Đời Sống lớn hơn, những sinh thể được liên kết với nhau trong một sự gắn bó thiết tha sống chết, thì đúng như John Donne đã nói, ?oKhông ai là một hòn đảo (...); mỗi người là một mảnh của Đại lục (...) Cái chết của mỗi một người đều làm tôi bị mất mát đi, bởi lẽ tôi gắn liền với Nhân loại. Và, bởi thế, xin đừng bao giờ hỏi rằng chuông gọi hồn ai. Chuông gọi hồn anh đó?. Nếu một người có tội, tất cả mọi người đều - trong những mức độ nào đó - chia sẻ sự liên đới của tội lỗi kia. Để đạt đến sự cứu rỗi, tất cả mọi người đều phải có những nỗ lực đóng góp để vươn về điểm tới ấy. Một gương mặt hằn sâu những vết cắt của tội lỗi và đau khổ (in bóng một cánh rừng âm u, quằn quại những sức sống vươn lên trong bóng tối), cùng lúc, cũng khuôn mặt ấy với ánh sáng thánh thiện và nét cứu rỗi mọc lên trong đôi mắt, bỗng hiện dần ra trước cái nhìn của tôi. Đó là khuôn mặt của con người nghệ sĩ Dostoevski. Tôi muốn chảy nước mắt khi nhớ lại cái ánh sáng kia trong các tác phẩm của ông. Con người là một sự liên đới. Và trong sự nhận thức về tính cách liên đới ấy, nó bước gần đến chỗ tìm ra được sự cứu chuộc cho chính mình. Ý nghĩa cuộc hiện sinh của con người nằm ở chính trong sự liên đới và sự cứu chuộc kia.
    Dù sao, tôi muốn nói về Trịnh Công Sơn không phải chỉ để nhắc lại những tiếng chuông gọi hồn vẫn mãi còn gióng giả trong nhạc của anh. Thật ra, tôi muốn nói về anh nhiều hơn với tất cả những khía cạnh đẹp tươi, thơ mộng mà anh đã để lại trong âm nhạc và ca từ của mình, mặc dù những nét thơ và đẹp ấy gần như luôn luôn nằm trong vùng hồi quang của những chia lìa, mất mát để, khi nhìn lại, người ta thường chỉ thấy ở đó những con gió quạnh quẽ, những chiếc bóng trăm năm đi về mãi mãi. Nhưng, bây giờ, ít nhất, trong những giờ khắc tĩnh tại của lòng mình, trong những khoảng thời gian chớp mắt của đời sống mà chúng ta thỉnh thoảng tìm được cho mình trong dòng đời này, hãy để lòng mình lắng lại những tiếng quê nhà. Hãy thử gạt bỏ đi những tạp âm trong đời sống này để nghe lại những tiếng nói thân thiết mà chúng ta hằng quen thuộc. Trịnh Công Sơn đã để lại cho tất cả chúng ta một gia tài dung chứa bao nhiêu hình ảnh đau thương, xót xa cũng như thơ mộng và đẹp đẽ về quê hương Việt Nam, nói riêng, và quê hương của con người là cõi tạm này, nói chung. Những bài hát của anh đã làm cho chúng ta sống phong phú hơn biết bao về nhiều khía cạnh.?
    Nguồn: Việt Weekly
  2. hothanhphuong

    hothanhphuong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/12/2002
    Bài viết:
    599
    Đã được thích:
    0

    Trịnh Công Sơn: Giá Trị Nhân Bản Trong Ca Khúc Trịnh
    Ô Quan Hạ
    Việt Weekly: Nhạc Trịnh Công Sơn bắt nguồn từ một đâu, có chịu ảnh hưởng về âm nhạc hay ca từ, từ những nền âm nhạc nào, hay nó là một sáng tạo rất độc đáo của chỉ riêng Trịnh Công Sơn?
    Nguyễn Ðức Quang: Tôi nghĩ rằng Trịnh Công Sơn là một người không có khả năng thẩm lượng để tiếp thu âm nhạc quốc tế. Theo những lời mô tả lại từ những năm bắt đầu từ thời còn ở Qui Nhơn, anh đã viết một số những khúc tình ca sau này trở thành lẫy lừng, để lại nhiều giá trị lớn. Rồi từ đó cho đến khi anh lên Bảo Lộc, rồi về Sài gòn, hành trình anh đi chỉ nội trong quãng thời gian ấy thôi, tôi nhớ là không quá 5 năm. Năm 1963 cho đến năm 1967. Năm 1967, tôi nhớ là năm đầu tiên anh xuất hiện ở Sài gòn. Aâm nhạc Trịnh Công Sơn, khi vừa mới xuất hiện, nó đã cho thấy đó là một cá tính rất đặc biệt. Anh không giống ai cả. Mặc dầu sau, người ta nói anh Bob Dylan, hay thế này thế kia, nhưng tôi không nghĩ anh ăn cắp nhạc của ai cả. Trịnh Công Sơn là Trịnh Công Sơn. Tôi chỉ nhớ lại có một lần, hai đứa đi, anh nói với tôi một câu rất là khuyến khích. Quang, tôi thấy ông cứ nên viết gọn gàng như vậy. Nhạc của tôi lúc bấy giờ đã rất là gọn. Và nhạc Trịnh Công Sơn cũng rất là gọn. Thế tôi mới bảo: Uả mình viết gọn như vậy, không biết có đầy đủ hay không? Vì tôi nghĩ đến đề tài lớn. Sơn nói với tôi một câu mà tôi cứ nhớ mãi. Cứ việc vậy đi, một trăm bài sẽ thành sự nghiệp! Ðó là điều mà tôi ghi nhận được chính từ Sơn nói với tôi. Và anh đi tìm những thể cách mà anh diễn tả, chứ không phải là anh đi tìm nguồn nhạc. Nhạc Trịnh Công Sơn là một cái gì dễ nhất, nếu nói theo cách nhìn của người làm nhạc. Bởi anh không có đi từ ý nhạc, mà anh đi từ ý. Anh chọn ca từ, anh diễn tả ý. Và từ ý đó, nó dẫn anh đi thành ra nét nhạc. Nhạc của anh đi rất nhẹ nhàng. Ai cũng biết như vậy, nhưng phải là người biết nhạc, mới thấy được cách đi của anh nó lạ lùng đến như vậy. Và nó tròn trịa, nó ngọt ngào. Nghe nhạc Trịnh Công Sơn, chúng ta có cảm tưởng mọi thứ nó diễn ra một cách rất là dễ chịu. Nhạc Trịnh Công Sơn không hề có một khúc khuỷu nào. Anh không có viết những quãng âm làm cho chúng ta ngột ngạt, gay gắt. Không có. Hoàn toàn không. Trong tất cả 700 tác phẩm, Sơn không có viết một bài nào dựa trên hình thái đặc biệt cả. Anh không có bị lệ thuộc giống như những người khác. Mà anh cũng không có dựa trên tiết nhịp nào. Ai cũng biết là viết nhạc mà muốn cho hay, không phải chỉ có hành âm, mà còn phải có tiết nhịp. Tôi có cảm tưởng rằng là Sơn để cho dòng ý của mình dẫn dắt. Rồi từ đó, nhịp nói đi theo, hành âm nó đến. Cứ thế mà viết. Thành ra tôi không ngạc nhiên, khi sau này đọc một lời nhận định của Văn Cao. Sơn nó làm nhạc giống như là lấy đồ trong túi ra. Sơn mới trả lời Văn Cao: đúng rồi, bởi vì lúc nào trong túi Sơn cũng có nhạc cả. Chỉ có muốn lấy ra hay không muốn lấy ra thôi. Lối viết nhạc như vậy là một lối tôi cho rằng rất cá tính, do bản chất của anh. Câu chuyện kể mà chúng ta nghe lại được, về sau này có nhiều người viết về Sơn có nói là giai đoạn anh ở Qui Nhơn, anh có chơi cho ban nhạc của trường Sư Phạm đó, và anh cũng có đi tìm tòi, tìm hiểu hai phần. Một phần về dân ca để anh thâu thập những ca từ. Anh bảo rằng dân ca mà tại sao lại phong phú quá như vậy. Có ai có thể giải thích cho tôi, mấy người bạn có giúp Sơn đi tìm một số điều như vậy. Có thể đó cũng có một ảnh hưởng đối với anh. Một phần thứ hai là Sơn cũng làm trưởng một giàn âm nhạc, cũng điều khiển một đội ngũ hợp ca của trường Sư Phạm Qui Nhơn đó, mấy chục người. Ðó là điều ai cũng biết ở đây. Ai đọc tiểu sử của Sơn cũng biết chi tiết đó. Với một người như vậy, rất dễ bị ảnh hưởng bởi ca khúc nổi tiếng của thời đó. Ai làm nhạc, mà cứ phải tập tành, học những bài hát, ca khúc nổi tiếng của thời đại, thế nào cũng bị thấm nhập. Thế nhưng chúng ta không thấy ở trong Sơn hai chuyện đó. Anh có lấy cái gì ở trong ca dao, dân ca hay không, tôi không biết, nhưng mà khi anh sắp xếp những ca từ và chữ nghĩa của anh, chúng ta thấy nó nhẹ nhàng, thoải mái. Cái đó, tôi nghĩ chỉ có trời cho thôi, chứ không thể nào mà ai khi tập được. Thành ra, chúng ta thấy rằng, ngồi mà viết nhạc ra hồi đó để mà chọn được ra cho nó hết một câu nhạc này, rồi một câu nhạc kia, lời của nó từ câu này tới câu kia, nhiều khi phải gọt dũa từ ngày này qua tháng nọ. Chúng tôi có được may mắn ngồi bên cạnh các nhạc sĩ lớn, thí dụ như anh Phạm Duy, anh Phạm Ðình Chương. Chúng tôi thấy, các anh ấy viết nhạc rất kỳ khu. Công lao để mà ngồi soạn ra một câu nhạc. Soạn lời, rồi sau lời phải chỉnh nhạc, tới, lui. Tôi ngồi bên cạnh ông Phạm Duy, tôi thấy ông viết, tôi bảo trời ơi, sao viết nhạc khổ quá thế này. Trong lúc đó, mình còn trẻ quá, mình lại bảo là viết nhạc dễ quá. Cứ ngồi xuống, thấy ý nó ra làm sao, viết như vậy. Càng về sau này, càng thấm thía rằng, viết nhạc là một điều rất khó, rất khổ. Chúng ta thấy những người làm thơ cực nhọc như thế nào, những người làm nhạc cực nhọc thêm một nấc nữa, bởi vì ngoài chữ nghĩa, ngôn ngữ không thôi, người ta còn phải đánh đu với âm thanh nữa. Phải đánh đu với tiết nhịp nữa. Thành ra tất cả những chuyện như vậy làm cho chúng ta hiểu rằng một người mà viết nhạc được trải, diễn ra một cách dễ dãi, gọn gàng đầy đủ như Sơn, tôi cho là hiếm hoi. Bằng cớ là cho đến bây giờ sau khi Sơn mất, hoặc ngay cả thời Sơn còn sống, tiếng nhạc của Sơn nó âm vang đến như thế, mà đâu có mấy ai có thể bắt chước được. Không ai bắt chước được! Không cách chi! Ô hay, chúng ta bảo dễ quá. Nào Ca Dao Mẹ, rồi Người Con Gái Da Vàng, cho tới tất cả những đoản khúc của ông, chúng ta thấy thật là đơn giản, mà không ai bắt chước được. Thành ra chúng ta có thể nói một cách gọn gàng, tiến trình âm nhạc của Sơn là do một rung động tự phát. Và anh dùng chính cảm xúc của anh, cảm thức của anh để diễn đạt. Anh chính là người chủ về dùng ca từ, tức là anh dùng chữ nghĩa, ngôn ngữ để hoàn chỉnh tác phẩm của mình. Ðiều này không phải là anh không có trải qua những biến đổi đâu. Nếu chúng ta thực sự để ý, chúng ta sẽ thấy rằng là chỉ có phần ý tứ, nó hướng dẫn ca từ của anh mà thôi. Còn dòng nhạc của anh, từ đầu cho tới cuối, không có thay đổi. Bố cục câu nhạc và bài nhạc của anh cũng không có thay đổi. Bao giờ cũng gọn, và gần như là chỉ có hai phần, chứ không phải ba phần như bình thường. Thế thì chúng ta thấy cách viết nhạc đó là một trong những nét đặc sắc, và tôi cho rằng đó là hồn nhiên của Trịnh Công Sơn. Anh không phải học của ai. Anh không cóp nhặt của ai. Một người như thế, chúng ta chỉ có hai chữ để dành riêng cho anh. Anh đúng là một ?othiên tài.?
    Bùi Vĩnh Phúc: Tôi không chuyên về nhạc, cho nên những điều anh Nguyễn Ðức Quang nói, tôi rất cám ơn anh Quang đã giúp trả lời câu hỏi đó. Tôi chỉ muốn thêm một chút như thế này. Con người là một con vật xã hội, không ai sống thoát khỏi khí quyển cuộc sống hết. Tôi muốn nói là khí quyển văn hóa. Khí quyển văn hóa của nơi chúng ta sinh ra, lớn lên và sống. Tôi muốn nói đến khí quyển của thời đại luôn. Không phải chỉ thời đại của một đất nước, mà là của liên quốc gia, nhiều quốc gia khác nhau. Bởi thế cho nên tôi nghĩ là khi lớn lên, Trịnh Công Sơn học chương trình Pháp. Cho nên chắc chắn là anh cũng có cơ hội đọc và thưởng thức một số - ca từ đã đành rồi - những thể điệu Tây phương. Trong thế liên văn bản, tức là văn chương, hội họa, âm nhạc, tất cả tác phẩm đều ảnh hưởng lẫn nhau. Không có tác phẩm nào tự nó thể đứng vững được một mình. Nhưng mà để trở thành một tác phẩm riêng, mang dấu ấn của mình, và trụ lại với cuộc đời, chắc chắn, người nghệ sĩ phải có một cái gì riêng của mình. Ðiều đó, anh Nguyễn Ðức Quang đã rất đúng, Trịnh Công Sơn đã có một cái riêng. Cái riêng đó rất là riêng, rất là đặc thù của ông. Có những người như nhạc sĩ Văn Cao, hay nhạc sĩ Phạm Duy về sau cũng có nhận xét, là những khúc thức trong âm nhạc Trịnh Công Sơn giản dị lắm. Chỉ cần có cây đàn ghi ta đệm theo thôi, cũng tốt lắm rồi. Lời nhận xét đó không phải là một lời đánh giá tiêu cực về nhạc của Trịnh Công Sơn, mà Trịnh Công Sơn đã chọn sự hội nhập vào đời sống, đứng giữa đám đông mà ca hát, hát cùng, hát với con người, hát với những người chung quanh mình. Bởi vậy cho nên thể điệu đó là thể điệu thích hợp nhất. Những điệu nhạc của Trịnh Công Sơn rất giản dị. Theo một cách nào đó, có thể nói là ?onghèo nàn.? Nhưng mà chữ ?onghèo nàn? dùng ở đây chỉ là một chữ ?ocưỡng từ đoạt lý? thôi, bởi vì âm nhạc cũng là một ngôn ngữ. Một nhà nhân chủng học nổi tiếng của Pháp thời 60, đã cho biết rằng nhiều người cho rằng ngôn ngữ của những bộ lạc tạm gọi là bán khai, không phức tạp, nó giản dị, và nó không thể thể hiện được hết những suy nghĩ phức tạp trong tình cảm hay khía cạnh cuộc sống của con người. Nhưng mà trong tìm tòi của nhà nhân chủng học nổi tiếng thế giới này, những khám phá về ngôn ngữ của ông xác định rằng những suy nghĩ như vậy là sai. Ngay một ngôn ngữ giản dị nhất của một bộ lạc, nó cũng có thể diễn tả được tất cả những cú pháp phức tạp, mà chúng ta, những người gọi là văn minh, tưởng rằng là ngôn ngữ của những dân tộc, bộ lạc bán khai đó không thể diễn đạt được. Hội hoạ hay âm nhạc cũng là một thứ ngôn ngữ thôi. Nếu Trịnh Công Sơn đã dùng âm nhạc như là một ngôn ngữ để diễn tả những thiết tha rung động, những cái nhìn về cuộc đời của ông, trong cái chọn lựa đó, chúng ta thấy ông rất là thành công trong việc diễn tả tâm tư và tình ý của mình. Không những thế, mà còn để lại một ấn tượng rất là đậm nét, với những lời ca, những thể điệu ballad, kể truyện. Nó ghi một dấu ấn trong tâm thức của tuổi trẻ và của con người Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đến hồi tàn khốc. Nhưng mà cái quan trọng nhất, cũng như điều mà anh Quang vừa nói xong, nó ghi lại ấn tượng đậm nét trong lòng mọi người là ca từ ở nơi anh. Những ca từ ấy, có thể là một một phần nào nó ảnh hưởng bởi ca từ, lối suy nghĩ của Tây phương. Thật sự, Trịnh Công Sơn học không giỏi tiếng Việt, tôi nghĩ như vậy. Nhưng ông là một người rất giỏi trong cách sử dụng tiếng Việt, mà tất cả mọi người chúng ta ở đây, khó có một ngưòi nào sử dụng nhuần nhuyễn tiếng Việt như người nhạc sĩ này. Ðó là một nghịch lý. Nghịch lý nằm ở chỗ Trịnh Công Sơn đã dùng ngôn ngữ một cách rất giản dị, nhưng ông đã sắp xếp ngôn ngữ theo một trật tự, một mắt nhìn rất lạ, và chính vì vậy, nó làm lạ hóa ngôn ngữ đi. Và chính vì vậy nó làm cho ngôn ngữ mang một bộ quần áo mới. Chúng ta thấy nó không có cliche, không có nhàm chán. Chẳng hạn như câu, ?obàn tay chăn gió mưa sang? trong bài Biển Nhớ. Nhiều người không để ý tưởng là ?obàn tay chắn gió mưa sang?, ?ochắn gió mưa sang? không có nghĩa gì trong ngữ cảnh ở đây cả. Chăn, có nghĩa giống như là chăn dắt vậy. Trong cái nhìn của tôi, có thể là Trịnh Công Sơn đã đọc thơ Pháp. Nhà thơ Apollinaire có một câu rất là đẹp nói về tháp Eiffel của Pháp. Dưới tháp Eiffel là những xe cộ chạy nườm nượp như vậy, nhà thơ Apollinaire nhìn khung cảnh đó với một cái nhìn rất là lãng mạng, tình tứ. Ông viết như thế này?[đọc thơ tiếng Pháp], có nghĩa là ?oHỡi nàng chăn cừu kia, tháp Eiffel của tôi, bầy cừu của nàng sáng nay là những bầy xe cộ kêu be be.? Dùng hình ảnh tháp Eiffel để thể hiện một hình ảnh một cô gái chăn cừu, và bầy cừu của cô gái này là những cái dòng xe cộ chạy ở dưới, Trịnh Công Sơn có câu ?obàn tay chăn gió mưa sang.? Hình ảnh này rất là lạ. Một người con gái nào đó đã chăn dắt bầy cừu của mình, là những cơn mưa gió. Những sóng mưa, và gió sóng là những bầy cừu được bàn tay chăn dắt. Những hình ảnh đó nó đẹp lắm. Nó lạ lắm. Hay hình ảnh con chim ở trong trái tim mình khi nói về xúc cảm của con người, Jacques Feigen một nhà thơ nổi tiếng của Pháp, có một câu như thế này? [đọc thơ Pháp] , tức là con chim hót trong đầu của anh, và nó nhắc lại cho anh nhớ rằng anh yêu em. Trịnh Công Sơn cũng dùng hình ảnh con chim trong trái tim, con chim trong tâm hồn, nhưng mà hình ảnh của ông sắc nét hơn nhiều, thảm thiết hơn nhiều, trong bối cảnh của chiến tranh Việt Nam thời đó. ?oTrong trái tim, con chim đau nằm im. Ngủ dài lâu, mang theo vết thương sâu.? Hay là ?oTrên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm.? Những hình ảnh đó, chỉ có Trịnh Công Sơn mới nhìn ra thôi. Mặc dù cũng vẫn dùng những biểu tượng giống nhau, nhưng cách nhìn khác nhau. Mà thực ra, thực tại là do cách nhìn của chúng ta. Chúng ta rung động như thế nào, chúng ta nhìn thực tại như thế nào, cái nhìn của chúng ta nó khúc xạ sự rung động của chúng ta, để khiến cho thực tại đổi màu. Nó thành ra một thực tại riêng dưới cái mắt nhìn của mỗi người. Tôi thấy rằng Trịnh Công Sơn đã đóng góp những cái rất đẹp về mặt ca từ, làm cho ca từ trong âm nhạc của ông nói riêng, và đặc biệt ca từ của thời đại của chúng ta từ Trịnh Công Sơn trở đi nói chung, đã đi theo một hướng mới.
    Nguồn: Việt Weekly
  3. TCSKL

    TCSKL Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/07/2002
    Bài viết:
    305
    Đã được thích:
    0
    Trịnh Công Sơn : Giòng Nhạc Của Nhân Bản, Tiếng Nói Của Tình Thương
    Nghiêm Xuân Cường
    Anh đã có lần viết: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không?? Để gió cuốn đi. Và người nghệ sĩ ấy đã hết một lòng sống đúng như cái châm ngôn của mình đã đặt ra, bởi lẽ trong tất cả các bản nhạc của anh- từ những bản tình ca, đến những bài ca về thân phận quê hương cũng như về thân phận con người (Người Già Em Bé, Cát Bụi, Một Cõi Đi Về?) ta luôn luôn cảm nhận được lòng thiết tha yêu quê hương và yêu cuộc sống của anh. Thế nhưng Trịnh Công Sơn không chỉ yêu con người Việt Nam mà anh thương yêu thân phận con người nói chung. Anh chỉ yêu người Việt Nam vì, do sự sắp đặt của định mệnh, anh đã sinh ra làm người Việt Nam. Và hạnh phúc thay cho chúng ta, vì anh đã làm giầu hơn biết bao cho kho tàng văn hóa của quê hương, cho ngôn ngữ của thơ nhạc, của tình thương yêu con người.
    Những kỷ niệm của tôi về Trịnh Công Sơn bắt đầu từ những năm mới lớn, ở trong tuổi 15, 16. Thuở ấy, chúng tôi là những người con trai thành thị, lớn lên trong quê hương lửa đạn. Nghe nhạc của anh là để thấy xót xa cho thân phận con người, cho số phận của những người sinh ra làm dân nhược tiểu, nhưng cũng để thấy còn một cái gì nhân bản trong cái phi nhân không cùng của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Hiển nhiên là có người sẽ không đồng ý với điều này nhưng ai cũng có thể nhận ra được là nói lên được tiếng kêu đau thương đó là một sự dũng cảm hiếm có của một người nghệ sĩ. Nói cho đúng hơn, của một kẻ sĩ thời đại, vì thử hỏi nếu như anh đã không lên tiếng nói ấy thì 200, 300 năm nữa khi các nhãn hiệu, các chế độ đã trở thành cát bụi của lịch sử, đã chìm vào lãng quên, ai là người sẽ biết đến cái tang thương bi đát, cái khốn đốn cùng cực của bao nhiêu triệu người Việt Nam trong cơn bão lửa ấy?
    Trả lời một câu hỏi của nhà báo Lý Quý Chung vào khoảng giữa thập niên 90 là anh có bao giờ nghĩ đến chuyện viết di chúc, anh nói: ?o Một cô ca sĩ đã hỏi mình câu đó. Mình có tài sản chi đâu? Với mình cái hiện tại là cái có thật, cùng sống với nó. Còn cái sau đó?? Câu trả lời thật hồn nhiên và khiêm nhường biết bao. Tất nhiên, những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn đều biết là cái kho tàng ca khúc của anh cũng như các đóng góp của anh trong việc thay đổi ngôn ngữ của âm nhạc Việt Nam trong các thập niên 60-70 không nhỏ chút nào bởi âm nhạc và cách nhìn của ta về nó đã hoàn toàn thay đổi sau khi giòng nhạc của anh đã trổi lên.
    Trả lời một câu hỏi khác: ?oNgười ta ví von rất hay về Tagore (văn hào Ấn Độ) ông là một người tình của cuộc đời, người lính canh của cuộc sống, có thể gọi anh là người tình của người tình không?? Anh cười và nói: ?oNếu cần một cái tên gọi cho vui thì tôi nghĩ rằng mình có lẽ là người tình của cuộc sống.? Đúng như thế. Người tình của cuộc sống ấy đã quá khiêm nhường khi tự cho là mình không có tài sản gì. Ngay trong phút này, mỗi chúng ta đều mang trong mình một chút Trịnh Công Sơn: một câu nhạc bất hủ nào đó của Diễm Xưa, Hạ Trắng, Như Cánh Vạc Bay, Nối Vòng Tay Lớn? một chút ưu tư về cuộc sống nay còn mai mất khi nghe Một Cõi Đi Về. Ai trong chúng ta lại không thấy yêu quê hương hơn khi nghe anh hát
    Huế, Sàigòn, Hà Nội
    Hai mươi năm tiếng khóc lầm than
    Huế, Sàigòn, Hà Nội
    Trong ta đau trái tim Việt Nam
    Đạn bom ơi, lầm than ơi
    Khí giới nào diệt nổi dân ta
    Việt Nam ơi! Bừng cơn mơ
    Cho mắt nhìn sạch tan căm thù.

    (Huế, Sàigòn, Hà Nội)
    Gan cùng mình! Trong khi guồng máy chiến tranh đang kêu gào thêm xương máu , người thanh niên mới ngoài hai mươi với dáng dấp thư sinh mảnh khảnh ấy đã có đủ can trường và đảm lược để nói lên điều mà mọi người đang mơ ước nhưng đã không thể nói. Anh kêu gọi chúng ta hãy Bừng cơn mơ. Cho mắt nhìn sạch tan căm thù và nhìn tới một viễn ảnh mà trong những năm chinh chiến ấy tưởng chừng như sẽ không bao giờ xẩy ra
    Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm
    Tôi sẽ đi thăm một phố đầy hầm
    Đi thăm một con đường nhiều hố
    Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm
    Tôi sẽ đi thăm cầu gẫy vì mìn
    Đi thăm hầm chông và mã tấu
    ?
    Khi đất nước tôi không còn chiến tranh
    Bạn bè mấy đứa vừa xanh nấm mồ.

    (Tôi Sẽ Đi Thăm)
    ?oBạn bè mấy đứa vừa xanh nấm mồ ? Tám chữ thật giản dị mà tóm gọn cái mất mát đau thương và xót xa của dân tộc. Anh cho chúng ta biết sự lựa chọn để ở lại với quê hương của anh là dễ hiểu, vì
    Mỗi ngày, tôi chọn một lần thôi
    Chọn tiếng ru con nhẹ bước vào đời
    Tôi chọn nắng đầy, chọn cơn mưa tới
    Để lúa reo mừng tựa vẫy tay
    Mỗi ngày, tôi chọn ngồi thật yên
    Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
    Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
    Vì đất nước cần một trái tim
    Và như thế tôi sống vui từng ngày
    Và như thế tôi đến trong cuộc đời
    Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi ?

    (Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui)
    ?oVì đất nước cần một trái tim? Còn lời nào thiết tha và đầy thơ tính hơn! Từ tiếng ru con nhẹ bước vào đời đến nắng đầy hay lúa reo mừng tựa vẫy tay? tất cả nói lên một tấm lòng tha thiết yêu quê hương , yêu cuộc đời. Vẻ đẹp trong nhạc của anh nằm ở chỗ, nó bình dị, không chải chuốt mà lại đẹp tuyệt vời và đi ngay vào lòng người nghe. Bởi vì sao? Vì điều anh nói là những gì rất bình thường: một ước vọng hòa bình mà bất cứ người Việt nào dù ở đâu, ở thời nào vẫn hằng mơ ước. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã có lần nói: ?oTrịnh Công Sơn viết dễ như người ta lấy đồ trong túi.? Nếu ý nhạc và lời thơ có đến với anh dễ dàng cũng chỉ vì đó là những tình cảm chân thật xuất phát từ trái tim mẫn cảm của anh. Trái tim yêu thương ấy đã rung lên một nhịp điệu mà người nghe đã bắt được ngay tức khắc vì như anh bộc lộ: ?o? trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất là mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì hơn.? Trong Người Con Gái Việt Nam Da Vàng lời ca của anh ngọt ngào nhưng không kém phần chua xót và không cần cắt nghĩa gì hơn
    Người con gái Việt Nam da vàng
    Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín
    Người con gái Việt Nam da vàng
    Yêu quê hương nước mắt lưng dòng
    Em chưa biết quê hương thanh bình
    Em chưa thấy xưa kia Việt Nam
    Em chưa hát ca dao một lần
    Em chỉ có con tim căm hờn. ?

    Còn gì đáng sợ hơn viễn ảnh của một xứ sở mà ở đó thế hệ những người trẻ lớn lên không biết gì đến cội nguồn yêu thương, vì ?oem chưa biết quê hương thanh bình, em chưa thấy xưa kia Việt Nam, em chưa hát ca dao một lần? mà ?oem chỉ có con tim căm hờn.? May thay, kẻ sĩ Trịnh Công Sơn đã đánh thức chúng ta, những ?ongười nô lệ da vàng, ngủ quên trong căn nhà nhỏ đèn thắp thì mờ ? của những năm chinh chiến ấy.
    Không những anh đã thay đổi cách ta nói và nghĩ về tình yêu, Trịnh Công Sơn còn cho chúng ta thấy cái thân phận nhỏ bé, bọt bèo của kiếp người qua những lời ca của anh rải rác trong nhiều ca khúc khác nhau. Khi Phạm Duy viết Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc, dù rằng đây là một bản nhạc rất hay, nó chỉ nói cho ta biết về người chiến sĩ phi công ấy. Trái lại, khi Trịnh Công Sơn viết Cho Một Người Vừa Nằm Xuống anh không chỉ xót xa cho một người bạn vừa ra đi mà nghe như anh đang nói với mỗi chúng ta về thân phận của chính mình.
    Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
    Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
    Đất ôm anh đưa về cội nguồn
    Rồi từ đó trong trời rộng đã vắng anh
    Như cánh chim bỏ rừng
    Như trái tim bỏ tình...

    Anh nằm xuống
    Như một lần vào viễn du
    Đứa con thơ đã tìm về nhà
    Đất hoang vu khép lại hẹn hò...

    Trịnh Công Sơn viết nhạc cũng như làm thơ vì anh gần gũi với cả hai lãnh vực của nghệ thuật này. Với anh, không có sự phân chia ranh giới giữa hai bộ môn nghệ thuật ấy ?ocó lẽ đã lâu lắm rồi tôi hoàn toàn quên lãng cái biên giới giữa các bộ môn nghệ thuật và văn học ? và bằng một sự pha trộn tuyệt vời của nhạc và thơ, Trịnh Công Sơn đang nhắc cho anh và cho mỗi chúng ta là, dù có muốn chối bỏ đến đâu, ta cũng sẽ có một lần là ?ođứa con thơ đã tìm về nhà ? đó.
    Lớn lên trong một gia đình thấm nhuần đạo Phật, anh hiểu rõ cái vô thường của cuộc sống. Thân phụ của Trịnh Công Sơn mất năm anh mới 15 tuổi. Đó là một cái chết đột ngột và là một mất mát vô cùng lớn cho gia đình anh. Trịnh Công Sơn đã có ít nhất là vài năm gần gũi với kinh kệ ở cái tuổi rất trẻ ấy vì anh đã quy y và sống gần gũi với cửa thiền. Hiển nhiên là những năm đó đã để lại trong anh nhiều ảnh hưởng sâu đậm. Anh viết ?oNhững ai đã đi đến với đời thì có lúc phải lìa xa nó. Một cõi đi về...Trong Phật giáo một trong những hạnh cao nhất là hạnh bố thí. Cho kẻ này nhưng sẽ nhận lại ở kẻ khác...Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người đã chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người... Trong câu chuyện đời chung, kẻ này quên thì người kia phải nhớ. Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hóa cho một ý tưởng khác nẩy sinh. Cái mất không bao giờ mất hẳn. Cái còn không hẳn là mãi còn...? Điều anh nói đến là những triết lý rất căn bản của đạo Phật là duyên khởi và vô sinh vô diệt. Những ý này được Trịnh Công Sơn diễn đạt rất tài tình trong nhiều ca khúc khác nhau
    Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
    Đi đâu loanh quanh cho đi mỏi mệt
    Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
    Rọi suốt trăm năm một cõi đi về
    ...
    Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
    Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
    Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
    Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
    Đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy
    Một bờ cỏ non, một bờ mộng mị
    Ngày xưa...
    Từng lời tà dương, là lời mộ địa
    Từng lời bờ sông nghe ra từ độ
    Suối khe...
    (Một Cõi Đi Về)
    ...
    Đời sống mỗi khi người đưa tiễn người
    Là tôi lắng nghe, lòng tôi rã rời
    Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
    Trong xuân thì thấy bóng trăm năm
    ...
    Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
    Sông bao lần sông đã ra đi
    Những ngàn xưa trôi đến bây giờ
    Sông ra đi hay mới bước về.

    (Gần Như Niềm Tuyệt Vọng)
    Con chim ở đậu cành tre
    Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
    Tôi nay ở trọ trần gian
    Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời ...

    (Ở Trọ)
    (còn tiếp)
  4. TCSKL

    TCSKL Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/07/2002
    Bài viết:
    305
    Đã được thích:
    0
    (Tiếp theo)
    Những ý tưởng bàng bạc thiền tính như ?oTrên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, Rọi suốt trăm năm một cõi đi về? ?oTrăm năm vô biên chưa từng hội ngộ, Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà ? ?oTrong xuân thì thấy bóng trăm năm? ?oTôi nay ở trọ trần gian, Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời? cho ta thấy anh nắm vững tư tưởng triết lý Phật giáo, y như là nó ở trong huyết mạch của anh để bộc lộ một cách hết sức tự nhiên qua lời thơ, ý nhạc. Anh giải thích ?oTôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một Thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt được còn có những lời kệ vô tình nằm ở đấy.?
    Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du ta luôn gặp những hình ảnh của triết lý Phật giáo, những câu thơ về duyên và nghiệp, đề cao tình người mà điển hình là ?oĐã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài? và ?oCó tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần.?. Ta không ngạc nhiên chút nào khi được biết rằng khi viết Đoạn Trường Tân Thanh, Tố Như tiên sinh đã đọc và thấm nhuần kinh Kim Cương khi ông đi sứ bên Tầu trước đó. Thế nên, đây chẳng phải là một ngẫu nhiên khi văn hóa Việt Nam lại thêm một lần khởi sắc vì người nghệ sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã có cơ duyên đi qua cổng Phật để đem tiếng hát nhân bản đến với muôn người.
    Ta hãy nghe anh nói tiếp ?o Phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng, nằm, ngồi. Không làm công việc này mà nghĩ đến công việc khác. Với tôi, đó cũng là thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tích cực thực tập cách sống như thế hằng ngàỵ Tôi đang cố gắng quên đi Phật giáo như một thứ tôn giáo. Tôi muốn đó là một thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi ...Cuối năm 1995, tôi có viết một bài hát mà tôi rất thích và bạn bè ai cũng thích. Đó là bài ?oSóng Về Đâu?. Bài này lấy cảm hứng từ câu kệ Gaté, Gaté. Paragaté. Parasamgaté. Bodhisvaha?.
    Nói về Trịnh Công Sơn mà không kể đến những mất mát và phấn đấu của anh để vượt qua những mất mát ấy thì quả là một thiếu xót lớn. Như đã kể trên, thân phụ anh qua đời sau một tai nạn lúc anh mới 15 tuổi. Người cha đã từ trần thuở anh còn thơ ấu tưởng chừng như đã không để lại gì, nhưng gương hy sinh của ông trong những năm kháng chiến chống Pháp và lao tù chắc chắn đã có động tác hun đúc tình yêu đồng bào, yêu quê hương của anh. Mất cha, anh may mắn có được một người mẹ hết sức đảm đang và thương con, như anh nói : ?oMẹ tôi về lòng dũng cảm và thương con thì duy nhất trong cuộc đời này.? Anh học được ở mẹ nhiều đức tính, nhưng đáng kể nhất là lòng nhân từ và vị tha. Khi có người hỏi: ?oNếu có một đóa hồng quý giá, nhạc sĩ sẽ tặng cho ai? Đức tính nào của con người khiến nhạc sĩ cúi đầu kính phục? ? Anh đáp ?oTôi sẽ tặng cho mẹ tôi. Rất tiếc mẹ tôi không còn nữa. Đức tính của con người khiến tôi cúi đầu kính phục là lòng vị tha.?
    Sống vị tha và sống với một tấm lòng, đó là phương châm của anh. Được hỏi: ?oSống trong đời sống cần có một tấm lòng? Đó có phải là quan niệm sống và sáng tác của nhạc sĩ không? Theo nhạc sĩ, quan niệm đó có còn đúng trong thời buổi có quá nhiều thay đổi như hiện nay? ? Anh đáp ?oThời buổi nào cũng cần phải có một quan niệm sống như thế, con người và động vật chỉ có khác nhau từng ấy thôi. ? Anh yêu người thì nhiều song phần lớn đó là những cuộc tình không đoạn kết, nhưng Trịnh Công Sơn không hề oán trách, anh nói:
    Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người
    Tạ ơn ai đã cho tôi những ngày quên kiếp sống lẻ loi

    (Tạ Ơn)

    Hai mươi năm xin trả nợ đời
    Trả nợ một đời em đã phụ tôi
    ?
    Em phụ tôi một thời bé dại
    Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
    Thơ dại ra đi quên hết tình tôi.
    nhưng anh vẫn tha thứ và nói lời yêu thương
    Bao nhiêu năm lại vẫn nhiệm mầu
    Trả nợ một lần quên hết tình đau
    Hai mươi năm vẫn là thuở nào
    Nợ lại lần này trong cõi đời nhau

    (Xin Trả Nợ Người)
    Anh không hề chua chát khi nói : ?oNếu vì lý do nào đó mà tôi mất hẳn chức năng biết yêu thì có lẽ bây giờ tôi đã không trở thành người viết tình ca. Cái may ở đời là bị phụ tình. Với tôi, trong tình yêu không có sự bất tử. Người ta chỉ muốn lãng mạn hóa nó đó mà thôi?Tình yêu cho phép những khúc ca ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là trong bản thân nó đó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không có cơ duyên ra đời. ? Hiểu rõ như thế, anh không oán trách sự mất mát mà trái lại còn yêu đời tha thiết hơn, vì : ?oCái Tôi đáng ghét (Le moi est haisable) nhưng cái Tôi cũng có lúc đáng yêu vì cái Tôi đó biết mình và cuộc đời là một. Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi. Đó là niềm an ủi lớn trong cuộc sống nàỵ. Vì thế trong lòng tôi không có một giây phút nào nuôi lòng oán hận đối với cuộc đời. Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời lớn rộng quá và mỗi chúng ta chỉ là hạt bụi nhỏ trong trần gian mà thôi. Giận hờn trách móc mà làm gì bởi vì cuộc đời sẽ xóa hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn. Ai cũng biết cuộc đời là quý vì vậy ai cũng muốn ôm lấy mãi cuộc đời. Như đôi tình nhân. Nhưng mà nợ trần không dễ, không dài. Rồi sẽ có phút chia lìa?.
    Như bất cứ một ai, Trịnh Công Sơn cũng có cái mâu thuẫn của anh. Hiểu rõ tư tưởng Phật giáo nhưng anh vẫn lo sợ phút chia lìa ấy. Anh tâm sự : ?oNỗi ám ảnh lớn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ, cho đến sau này vẫn luôn luôn bị ám ảnh là cái chết. Sự sống và sự chết trở thành vấn đề lớn trong đi sống tinh thần của tôi. Có lẽ, suy cho cùng, từ đâu mà ra cái suy nghĩ đó là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó. Mất mát một cái gì đó mà mình đã từng có trong cuộc đời, đã từng đi qua và đã từng tìm thấy như tình yêu, như cái gì đẹp nhất của cuộc sống sợ ngày nào sẽ mất đi. Sự mất mát và cái chết là nỗi ám ảnh lớn nhất trong đời tôi.? Nỗi ám ảnh và sự mất mát đôi lúc đẩy anh đến gần niềm tuyệt vọng, và lúc đó thì anh tự nhủ
    Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
    Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
    Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng
    Em là tôi và tôi cũng là em
    Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
    Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo
    Tôi là ai mà còn khi dấu lệ
    Tôi là ai mà còn trần gian thế
    Tôi là ai là ai...mà yêu quá đời này.
    Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
    Nắng vàng phai, như một nỗi đời riêng
    Đừng tuyệt vọng em ơi đừng tuyệt vọng
    Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
    Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
    Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên.

    (Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng)
    Tôi là ai mà còn trần gian thế. Tôi là ai là ai...mà yêu quá đời này. Hai câu này nói lên được hết cái sức sống của Trịnh Công Sơn. Anh sống trọn vẹn cho cuộc đời và gắn bó với quê hương Việt Nam vì như anh nói ?oMỗi thế hệ đều mang đến cho tôi nguồn mạch cảm hứng. Tôi đã cố gắng sống hòa hợp và biểu hiện những suy nghĩ của mình bằng mạch nguồn cảm hứng ấỵ Người sáng tác thì không thể sống tách rời với thời đại mình đang sống...? Trả lời câu ?oở xa đất nước, anh có nghĩ rằng anh sẽ viết khác không ?? anh nói ?oKhông những sẽ viết khác đi mà thậm chí là không thể viết nữa. Tiếng Pháp có chữ ?oculture? vừa có ý nghĩa là văn hóa, vừa có ý nghĩa là trồng trọt. Một nền văn hóa này lại trồng trên một mảnh đất khác thì e rằng không thể phát triển bình thường được?.
    Có một mối liên hệ rất thân thương và thiêng liêng giữa người sáng tạo và người thưởng thức vì Bá Nha đâu là gì nếu không có Chung Tử Kỳ. Người nghệ sĩ ở đâu và bất cứ thời nào cũng không thể tách rời ra khỏi môi trường xã hội của mình. Văn hào Nguyễn Du đã chẳng có lần hỏi Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như- không biết rồi ba trăm năm nữa, thiên hạ ai người khóc Tố Như, đó sao? Vậy thì, chúng ta hãy hãnh diện và vui sướng đi. Hãnh diện bởi vì bằng những sợi dây liên lạc vô hình mà cũng rất thật, mỗi người trong thời đại của chúng ta đã góp phần nào đó để tạo nên con người Trịnh Công Sơn. Vui sướng vì ta đã được sống cùng thời với một trái tim lớn nhất của thế kỷ và bởi vì qua giòng nhạc nhân bản và tiếng nói thương yêu ấy, cuộc sống của mỗi chúng ta, gia tài văn hóa của quê hương đã giầu có lên biết bao nhiêu.
    Và trên hết tất cả, chúng ta hãy vui sướng vì dù không có mặt, anh vẫn luôn ở bên ta bởi lẽ ngọn đuốc yêu thương mà Trịnh Công Sơn đã thắp sáng trong mỗi chúng ta qua bốn thập niên ca hát của anh sẽ mãi mãi còn sưởi ấm cuộc đời này. Hôm nay, nhân ngày giỗ thứ ba của anh, người viết xin được dùng chữ của Trịnh Công Sơn góp lại như một lời chia tay với người tình của cuộc sống.
    Cho Một Người Vừa Nằm Xuống
    Như cánh vạc bay tận cuối trời
    Ngàn thu cát bụi cũng đành thôi
    Tình xa biết có ai còn nhớ
    Một cõi đi về bỏ cuộc chơi
    Nắng thủy tinh còn vương trong ta
    Diễm xưa, tình cũ chẳng phôi pha
    Quỳnh hương khoe sắc muôn đời thắm
    Tuổi đá buồn thêm nỗi xót xa
    Em đứng lên gọi tên bốn mùa
    Bên đời hiu quạnh nắng bơ vơ
    Lặng lẽ nơi này lời buồn thánh
    Yêu dấu tan theo nỗi đợi chờ
    Nhìn những mùa thu đi qua nhanh
    Hoa vàng mấy độ héo trên cành
    Nghe những tàn phai giăng khắp lối
    Mưa hồng che lấp nắng mong manh
    Ở trọ, cõi này vương vấn chi
    Biển nhớ từ đây biết nói gì
    Cỏ xót xa đưa về muôn kiếp
    Thương tiếc ai mà lệ ướt mi.
    Ann Arbor, Đầu Xuân 2004
    nguồn: trinh-cong-son.com

  5. TCSKL

    TCSKL Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/07/2002
    Bài viết:
    305
    Đã được thích:
    0
    Bốn năm ngày mất của Trịnh: Để gió cuốn đi
    TT - André Malraux đã định nghĩa: ?oNghệ thuật là cái chống lại định mệnh?. Ngày xưa, có một người Hi Lạp cổ đã thử cố gắng triển khai đời mình trong một nỗ lực chống định mệnh như thế, đấy là Empédocle.
    Bình sinh, Empédocle là một nhà bác học lỗi lạc, đã xây dựng nhiều công trình có ích lợi cho nhân dân Hy Lạp, thí dụ như xẻ một trái núi, đào một dòng sông...Lúc về già, Empédocle đi khắp nơi để truyền bá học thuyết triết học của ông, với một tấm áo choàng đỏ, mà ông cho rằng ấy là biểu hiện của lửa. Ông trèo lên bên miệng núi lửa Etna đang hoạt động và nhảy vào lòng núi lửa, để lại trên miệng núi một đôi dép. Người phương Tây dùng hình tượng ?ođôi dép Empédocle? (les sandales d?TEmpédocle) để chỉ ?odanh tiếng?.
    Huyền thoại trên đây mang ý nghĩa thâm thúy rằng đối với con người, trước khi trở về với hư vô, vẫn cần phải để lại dấu vết của mình trên mặt đất, chính là tên tuổi của mình.
    Người Trung Hoa thì gọi sự nghiệp của con người để lại sau cái chết là ?ohồng tuyết trảo? (dấu chân chim hồng đi trên tuyết). Cũng giống như ?ođôi dép Empédocle? của người Hi Lạp cổ đó thôi, vết chân thì mỏng manh có ra gì, nhưng hợp với lẽ tự nhiên, đã đi qua thì để lại dấu chân, học theo con chim hồng đi trên tuyết.
    Trịnh Công Sơn đã cho rằng mọi cái ở đời đều là phù phiếm, như ta đã thấy. Anh không tích lũy một chút của cải vật chất nào cho riêng mình cả. Rốt cuộc, như một vật thể không bị hòa tan trong lịch sử, chính là tên tuổi của anh. Khi tôi mới rời Huế ra đi vào năm 1966, tên tuổi của Trịnh Công Sơn mới bắt đầu bằng những nét chữ mờ nhạt. Nhưng khi tôi trở lại Huế, vừa đúng với sự kiện năm 1975, tên tuổi của Trịnh Công Sơn đã vang dậy hết thành phố này đến thành phố khác. Trịnh Công Sơn đã thành công rất nhanh kể từ mấy bài ở phố biển, nhanh đến độ lúc này tên tuổi Trịnh Công Sơn đã sáng chói khắp cả bầu trời âm nhạc miền Nam.
    Nhạc của Trịnh Công Sơn tồn tại rất bền lâu, nhiều bài của thời kỳ đầu đến nay vẫn còn nổi tiếng. Qua một thời gian dài bị chính quyền Sài Gòn cấm đoán, nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn đến được tay công chúng, bằng cách mỗi người tự chép riêng những bài hát yêu thích và lưu chuyển đến người khác. Như thể có một dòng sông ngầm vẫn trôi đi trong khi những dòng sông trên mặt đất đã bị tắc nghẽn. Điều đó chứng tỏ nội lực âm nhạc của Sơn, từ đó phát ra sức mạnh thúc đẩy sự luân lưu giữa cuộc đời. Theo công bố của Đài phát thanh Sài Gòn nghe được ở chiến khu, thì năm 1966 Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ được quần chúng hâm mộ nhiều nhất.
    Ở Sài Gòn trước 1975, người ta vẫn thấy nhiều quán rượu hoặc cà phê bên đường có tên là Biển nhớ, Diễm xưa, Hạ trắng, Mưa hồng... Ở Đà Lạt, ở Huế hoặc những thành phố khác cũng đều như vậy. Ở miền Bắc dù ít hơn song không phải là không có những cô gái đã đi qua tuổi học trò với những bản nhạc của Trịnh Công Sơn chép tay luôn luôn được mang theo trong cặp sách.
    Có lần tôi lang thang ngoài một hòn đảo vùng biển Qui Nhơn, gặp một quán rượu nhìn ra biển, dựng trên một mảnh đất của dân mới đến khai phá. Gặp tôi, cô chủ quán hỏi câu đầu tiên là: ?oAnh có thuộc bài Biển nhớ của Trịnh Công Sơn không??. Thậm chí, tôi muốn nói rằng có một văn hóa Trịnh Công Sơn trong đời sống tinh thần của các đô thị miền Nam; và Trịnh Công Sơn nghiễm nhiên trở thành một nhà văn hóa đồng thời với một nhạc sĩ.
    Sự nổi tiếng của Trịnh Công Sơn cho ta thấy một hiện tượng xã hội thật hiếm có trong chiến tranh. Chẳng những những người hâm mộ Sơn thích nhạc Trịnh Công Sơn, mà cả những người chống Trịnh Công Sơn (về chính trị) cũng thích nghe nhạc Sơn. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sau chuyến đi du hành ở Pháp cùng với Trịnh Công Sơn luôn luôn khẳng định như vậy.
    ...................................
    Tin Trịnh Công Sơn từ trần được các báo lớn trên thế giới thông báo cho bạn đọc, và từng nhóm Việt kiều đã tổ chức lễ tưởng niệm hoặc ?ođêm nhạc Trịnh Công Sơn?. Có lẽ chưa có sự ra đi của danh nhân văn hóa nào đã để lại nhiều cuốn sách tưởng niệm như vậy: TP.HCM ba cuốn, TP Hà Nội hai cuốn và Huế một cuốn cùng với ba cuốn sách của cá nhân nhà văn, mỗi cuốn sách tác phẩm của cộng đồng đều tập trung bài vở của hàng chục tác giả đủ mọi giới, nam và nữ, âm nhạc và các ngành khác. Tất cả những người viết đều đã trực tiếp gặp gỡ Trịnh Công Sơn, và thế mới biết bạn bè của Trịnh Công Sơn đông không thể hình dung được.
    Khát vọng ?olưu danh thiên cổ? tỏ ra bức xúc đến nỗi Érostrate, cũng là một người cổ Hi Lạp, đã thề rằng nếu không được lưu danh như một kẻ xây đền (đền thờ nữ thần Athena) ta sẽ lưu danh như một kẻ đốt đền.
    Vậy thì ?ocái tên? là một tòa nhà còn mãi, trong đó cư ngụ đời sống vĩnh hằng của con người sau khi chết. Cao Bá Quát đã từng nói: ?oĐời người há không viết gì lên đấy, như một tấm bia không chữ?. Người đời sẵn sàng phê phán thói hư danh, nhưng không nên nhầm lẫn với sự hiếu danh: khát vọng lưu danh là chính đáng và là đòi hỏi đáng giá để đặt ra trước cuộc sống trần thế.
    Chúng ta hài lòng khi thấy Trịnh Công Sơn đã giành được trong tay định mệnh, cái mà người nghệ sĩ nào cũng thèm muốn: sự bất tử. Trịnh Công Sơn không có nhà cửa nguy nga, của cải vật chất và không có vợ con riêng. Nhưng Trịnh Công Sơn có một cái tên để lưu truyền cho hậu thế. Và tất cả đó để làm gì? Cũng theo lời bài hát của Sơn, Để gió cuốn đi. ?oKhát vọng lưu danh? là một ý niệm rỗng không về vật chất, và Trịnh Công Sơn đã sống đúng với ý niệm ấy.
    Hoàng Phủ Ngọc Tường
    (trích Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé - NXB Trẻ 2005
    )
  6. home_nguoikechuyen

    home_nguoikechuyen Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    15/05/2002
    Bài viết:
    3.846
    Đã được thích:
    7
    Mình đang viết Chất Huế trong âm nhạc Trịnh Công Sơn
    bác nào có quyển Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé của Hoàng Phủ Ngọc Tường, post giùm mình cái bài Không gian Huế ( đếch nhớ tựa, chỉ nhớ có 1 bài viết về Huế và nhạc Trịnh).
    Mình xin cám ơn nhiều!
  7. tadathaygi

    tadathaygi Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/06/2004
    Bài viết:
    154
    Đã được thích:
    0
    "Ai cũng đòi làm người tình cuối cùng của anh Sơn!"
    08:42'' 07/09/2005 (GMT+7)
    (VietNamNet) ?" Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nghĩ gì về các ca sĩ hát nhạc Trịnh và những ?ongười tình? của Trịnh Công Sơn?

    Năm 2001, sau chương trình nhạc Trịnh Như một lời chia tay gây nhiều xúc động, đến 3 năm sau, Phương Nam Phim mới dám làm chương trình thứ hai về người nhạc sĩ huyền thoại này. Chương trình Đêm huyền thoại được đạo diễn Phạm Hoàng Nam thực hiện bằng con đường thị giác sẽ mang đến nhiều cảm xúc trong nhạc Trịnh. Thị giác ở là trình diễn những hình ảnh nghệ thuật. Đêm huyền thoại sẽ diễn ra vào ngày 23&24/9/2005 tại Nhà hát Hoà Bình. Trước rất nhiều chương trình về nhạc Trịnh đã diễn ra và để lại nhiều dấu ấn riêng,

    Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.


    Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh
    Trong Đêm huyền thoại sẽ biểu diễn một tác phẩm chưa bao giờ công bố của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chị có thể cho biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn nhiều tác phẩm âm nhạc chưa được công bố không?

    Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: - Khi tôi định làm một đĩa nhạc của anh, tình cờ tôi kéo hộc tủ và thấy một bài chưa phát hành và cũng chưa đặt tựa. Bài hát có tên là Đêm. Thật ra mỗi lần vào phòng của anh gia đình rất buồn. Đến bây giờ phòng của anh vẫn để nguyên không thay đổi gì nên mọi thứ vẫn giữ nguyên như lúc anh còn sống.

    Sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, gia đình có xem hết những chương trình làm về nhạc Trịnh không và đánh giá như thế nào về những chương trình này?

    Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: - Gia đình tôi gần như đi xem đầy đủ. Nhưng cũng có một số nơi tổ chức không thông báo nên cũng không biết hết được. Từ ca sĩ đàn anh đàn chị đến ca sĩ trẻ mỗi người có một cách cảm nhận, biểu diễn nhạc Trịnh khác nhau. Gia đình luôn luôn cảm ơn mọi người đã yêu thích nhạc của anh.

    Gần đây, có nhiều xu hướng khác nhau khi biểu diễn và hát nhạc Trịnh. Ví dụ đưa cả Rock, nhạc điện tử? vào nhạc Trịnh. Bản thân chị có thích điều đó không?

    Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: - Bản thân tôi thấy mỗi cái có một màu sắc riêng. Tuỳ theo tính cách của mỗi người, nhẹ nhàng hay dữ dội, sẽ thích đến với nhạc Trịnh theo cách của họ. Tôi thì thích cái gì nhẹ nhàng.

    Đối với giải thưởng Âm Nhạc Hoà Bình trao cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gia đình có thích không?

    Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: - Dĩ nhiên gia đình rất vui sướng khi nhận giải thưởng của anh mình. Bên cạnh đó cũng buồn và đáng tiếc vì mong mỏi giải thưởng của anh mình được tổ chức trên đất nước của mình. Điều đó đối với gia đình quý hơn chứ làm trên đất nước khác làm sao bằng được.

    Buổi lễ Âm Nhạc Hoà Bình có ca sĩ Khánh Ly tham dự. Không biết sau khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, mối quan hệ giữa gia đình với ca sĩ Khánh Ly như thế nào?

    Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: - Khánh Ly, Hồng Nhung hay tất cả ca sĩ khác cũng vậy thôi. Trước đây là bạn bây giờ vẫn là bạn. Không có gì khác biệt nhưng dĩ nhiên chị Khánh Ly thì thân hơn vì chị gắn bó quá lâu.

    Có phải vì mối thân tình với ca sĩ Khánh Ly mà quán 3 Miền của gia đình chị chỉ mở nhạc Trịnh do Khánh Ly hát?

    Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: - Có lẽ cái thời đó gắn bó và nhiều kỷ niệm với gia đình. Trong gia đình ai cũng từ 50 tuổi trở lên, nghe Khánh Ly hát có thể nghe hết một đĩa chứ nghe ca sĩ trẻ hát, nói thật nghe không nhiều được.

    Gần đây một người được cho là người tình cuối cùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đi lấy chồng, không biết gia đình có quan tâm đến điều đó không?

    Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh: - (Cười) Người nào cũng đòi làm người tình cuối cùng của anh Sơn hết. (Lại cười) Cái đó tôi không biết và cũng không để ý. Anh Sơn là một nhạc sĩ, một bóng hồng đẹp đi qua anh cũng làm được một bài nhạc hay một bài thơ.
    Thanh Chung
  8. TCSKL

    TCSKL Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/07/2002
    Bài viết:
    305
    Đã được thích:
    0
    Nghĩ Về Cách Hát Nhạc Trịnh​
    Nhất Duy
    Qua giọng hát của ca sĩ Khánh Ly mà tâm hồn tôi cảm nhận và say mê nhạc Trịnh Công Sơn từ khi còn rất bé. Với tôi, khi Khánh Ly cất tiếng hát không phải là một sự trau chuốt của một người ca sĩ, không phải là một sự cố gắng phô trương khoe giọng hát của mình như những ca sĩ khác, mà tôi chỉ thấy như Khánh Ly đang chuyện trò cùng tôi bằng cung bậc của 7 nốt nhạc. Khánh Ly hát đơn giản nhẹ nhàng như hơi thở, Khánh Ly hát êm đềm như một lời tâm tình hay một lời khuyên nhủ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng?.
    Thật ấn tượng khi lần đầu tiên tôi nghe Khánh Ly hát hết tập Ca khúc da vàng. Trong bài Tình ca người mất trí, Khánh Ly kể lể về một người yêu của mình ?otôi có người yêu chết trận Pleime, tôi có người yêu ở chiến khu D chết trên Đồng Xoài? Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam, ngày mới lớn tôi đi môi gọi thầm gọi tên anh tên Việt Nam??. Nghe sao mà da diết, nghe sao mà nồng nàn! Rồi ?ongười con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín??, thật mạnh mẽ và thật đầy cá tính. Trong tập Tình khúc Trịnh Công Sơn với một số bài Tình sầu, Tình xa, Tình nhớ, Khánh Ly đã hát về tình yêu bằng sự gặp gỡ về nỗi nhớ, về sự chia xa nhưng nghe sao mà gần gũi và tôi đã tìm thấy tôi trong những lời hát đó.
    ...
    Nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly ?" có thể nói lên được điều gì ở hai "vế" này? Vì trước khi họ gặp nhau (1964) thì Khánh Ly đã là ca sĩ ở phòng trà của xứ sương mù Đà Lạt và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì cũng đã sáng tác ca khúc từ lâu (1958). Nhưng không ai biết Khánh Ly là ai và rất ít người biết đến Trịnh Công Sơn trừ những bạn bè của ông. Trước khi Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn thì đã có ca sĩ Thanh Thúy hát bài Ướt mi nhưng giọng Thanh Thúy hình như chưa lột tả được hết ý nghĩ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nên bài Ướt mi lúc Thanh Thúy hát chỉ là một bài nhạc bình thường và lúc đó chưa ai biết Trịnh Công Sơn là ai. Cho đến khi Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giới thiệu tập "Ca khúc da vàng" ở khuôn viên Đại học Văn khoa, mọi người mới biết đến một nhạc sĩ thật sự. Sau ngày đó, đã gây nên một cơn sốt nhạc Trịnh Công Sơn khắp nơi cùng với tiếng hát Khánh Ly. Đâu đâu quán cà phê nào cũng Diễm xưa, Tình nhớ, Tình sầu,? Trong giới sinh viên học sinh với những phong trào dấy lên đêm ca nhạc nào cũng không thể thiếu nhạc Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly.
    Khi gặp Khánh Ly, Trịnh Công Sơn đã dạy và hướng dẫn Khánh Ly hát nhạc của mình theo những cảm xúc của chính ông và điều kỳ diệu đã đến với cả nhạc sĩ và ca sĩ: nhạc Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly đã đem đến cho người nghe những điều mới lạ thú vị không tưởng; bằng tiếng hát của mình Khánh Ly đã đem nhạc Trịnh Công Sơn đến vói mọi người thật sự dễ dàng, đi đâu cũng nghe nhạc Trịnh Công Sơn, đi đâu cũng nghe tiếng hát Khánh Ly. Khánh Ly đã chuyển tải những tâm tư tình cảm của Trịnh Công Sơn đến cho người nghe và khán giả đã cảm nhận được những gì Trịnh Công Sơn muốn nói, nghe Khánh Ly hát cảm nhận ngay được những lời ca Trịnh Công Sơn viết: ?oMưa vẫn hay mưa cho đời biển động, làm sao em biết bia đá không đau??. Chữ ?ođau? Khánh Ly nhả thật ngọt nhưng nghe thật thấm thía. Ca sĩ Khánh Ly trong một lần phỏng vấn đã nói: ?oTừ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, từ những lời ca của Trịnh Công Sơn tôi đã được mọi người biết đến mình, tôi mới được thành nhân và mới thành danh. Tôi luôn luôn nói rằng nếu không có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ không có tôi, không có ca sĩ Khánh Ly mà có thể tôi chỉ là một cái bóng mờ nào đó, hoặc là con đường đi của tôi sẽ chật hẹp hơn. Tôi luôn nghĩ rằng tôi đã may mắn gặp và nhận sự giúp đỡ dạy bảo của ông Trịnh Công Sơn và tôi không bao giờ quên ơn nghĩa này?. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói về Khánh Ly: ?oKhánh Ly và tôi là hai người bạn lãng đãng trong cuộc đời và rất yêu thương nhau, yêu thương vô cùng trên cả tình bạn? Có ai đủ can đảm phủ nhận một thời hạnh phúc mà trong đó Khánh Ly và tôi đã tận hưởng từ những tình cảm nhân loại nhất của mọi người?.
    Khánh Ly hát rất mộc, chỉ cần một cây đàn guitar thùng đệm thôi là đã nghe ra nhạc Trịnh Công Sơn ngay. Khánh Ly hát không cần phải hòa âm phối khí rộn ràng. Không biết người khác cảm nhận như thế nào, chứ với riêng tôi, nhạc Trịnh chỉ cần một cây đàn thùng hoặc một cây dương cầm đệm theo giọng hát là đủ. Nghe nhạc Trịnh Công Sơn càng mộc mạc càng đúng chất Trịnh vì nhạc ông mang đậm chất thơ ca. Nếu ai đó đã có lần nghe Đêm thấy ta là thác đổ qua giọng hát Mỹ Tâm khi cô ôm guitar thùng đệm theo tiếng hát của mình mới thấy bài hát này đúng như cảm xúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cũng như năm 1997, Mỹ Tâm đoạt giải Giọng ca vàng Mực tím bằng bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội cũng chỉ với cây guitar thùng mộc mạc. Chỉ với giọng hát non trẻ lúc đó, nhưng Mỹ Tâm đã làm người nghe cảm nhận rõ chất nhạcTrịnh Công Sơn và đã thuyết phục Ban giám khảo trao giải I cho cô. Có nhiều ca sĩ hiện nay đang nổi tiếng cũng hát nhạc Trịnh Công Sơn nhưng thực ra họ chỉ dùng nhạc Trịnh để biểu diễn giọng hát của mình, nên khi nghe họ hát, nếu không được giới thiệu trước, người nghe có đôi khi chẳng biết đó là bài hát của Trịnh Công Sơn.
    Tôi rất dị ứng với những bài phối mới và những ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn mà nhảy múa tưng bừng. Tôi vẫn thường nói đùa với bạn bè mình: ?oÔng Trịnh Công Sơn phải chết thôi, vì nếu còn sống mà thấy mọi người đem những đứa con tinh thần của mình ra tô điểm bằng những nhạc cụ nghe đinh tai nhức óc thì cũng phải? chết ngay?. Tôi chỉ là một người yêu thích tiếng hát Khánh Ly và mê nhạc Trịnh Công Sơn, khi nghe những bài phối cầu kỳ về nhạc Trịnh, tôi thấy rất là khó chịu và chỉ muốn la lên thật to để mọi người đừng xâm phạm thô bạo vào dòng nhạc Trịnh Công Sơn và làm người nghe khó cảm được nhạc Trịnh.
    Trước 1975, ngoài Khánh Ly ra cũng có vài người hát nhạc Trịnh nhưng thật ra chỉ có Lệ Thu được biết đến với hai bài Xin mặt trời ngủ yên và Hạ trắng. Và rồi sau 1975 rất nhiều người hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng với tôi không ai hát qua được Khánh Ly, chưa ai hát dấu hỏi hay và nhẹ nhàng như Khánh Ly. Bài Nhớ mùa thu Hà Nội, nhiều ca sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, Mỹ Tâm hát nhưng không ai hát câu ?oHà Nội mùa thu đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai?? như Khánh Ly hát mà mang đến cho người nghe cái sự hỏi han đó. Cũng như ?ongủ đi em đôi môi lửa cháy, ngủ đi em mi cong cỏ mượt??, những ca từ mang dấu hỏi Khánh Ly ?onhả? rất tài tình. Và chính Trịnh Công Sơn, tự bản thân ông cũng đã giúp người nghe thấu hiểu được nhạc của mình. Tôi đã nghe ông hát bài Mưa hồng lúc ông còn trẻ và tôi phải khen ông Sơn hát rất tuyệt vời. Sau này bài Tiến thoái lưỡng nan, ông diễn tả hay không chịu nổi. Từng chữ từng lời được ông phát âm thật khúc chiết như một người đi rao giảng Kinh Thánh mời mọc mọi người đến với đạo làm người chứ không đơn thuần chỉ là một người hát.
    Nhạc Trịnh Công Sơn rất gần gũi, rất chân thật, rất nhẹ nhàng, rất từ bi và rất dễ làm mọi người đến gần với nhau hơn. Tuy nhạc dễ nghe, nhưng không phải ai cũng hát được. Nếu không có cảm xúc không thể tả cho mọi người nghe được nhạc Trịnh. Hát nhạc Trịnh mà cứ gào thét sẽ làm hư nhạc Trịnh Công Sơn ngay. Nghe Một cõi đi về không ai mà không xúc động, không ai mà không xuýt xoa sao mà Trịnh Công Sơn hay thế ?ođi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt??. Ông làm cho mọi người ngộ được cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời dù có đi Đông đi Tây gì thì cũng chỉ đi loanh quanh thôi. Đi để rồi ngộ ra một điều con người dường như ai cũng có một phần ích kỷ cho riêng mình ?ođôi tay nhân gian chưa từng độ lượng??. Với cả một gia tài nhạc của Trịnh Công Sơn, tôi để cả đời mình ra để phân tích cũng không sao hết được. Có nhiều loại nhạc chỉ nghe được lúc vui hoặc lúc buồn thôi, nhưng chỉ có nhạc Trịnh là ta nghe được cả khi vui cũng như lúc buồn vì ?obuồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ??

    Với thiển ý của riêng tôi, ai muốn hát nhạc Trịnh Công Sơn thì hãy hát thật mộc mạc, hát thật bình thường như kể chuyện, như nói năng thì sẽ nghe ra chất Trịnh Công Sơn ngay. Tôi nhớ ca sĩ Khánh Ly từng nói về nghề của mình: ?oTôi là một con chim đến từ xứ lạ ngứa cổ hót chơi?. Cái từ "ngứa cổ hót chơi" nghe nó là lạ ngồ ngộ vì một người ca sĩ mà chỉ ?ongứa cổ hót chơi??
    nguồn: nguoivienxu.vietnamnet.vn
    Được TCSKL sửa chữa / chuyển vào 04:23 ngày 27/09/2005
  9. TCSKL

    TCSKL Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/07/2002
    Bài viết:
    305
    Đã được thích:
    0
    Nhạc Trịnh, từ bấy đến nay​
    "Bấy", là thời điểm người nhạc sĩ tài hoa mất. Là thời điểm đánh dấu sự "không kiểm soát" của tác giả đối với những đứa con tinh thần của mình. Là thời điểm mà kể từ đó, những cuộc hát nhạc anh được gọi chung là posthumous, tức "sau ngày tác giả qua đời". Từ bấy đến nay, bốn năm tròn, bao nhiêu đổi thay?
    Những vầng hào quang bao phủ Trịnh Công Sơn chưa tan, và dĩ nhiên, còn lâu mới tan. Cũng dĩ nhiên, với những người yêu mến anh, chẳng ai muốn những quầng sáng ấy tan đi. Để nuôi dưỡng hào quang cho anh, bạn bè anh làm một số điều, ca sĩ làm một số điều khác, còn công chúng - công chúng vô tư - thì làm những điều mà hai nhóm trên không làm. Tất cả góp sức vào một mục đích: làm Trịnh Công Sơn tỏa sáng hơn cả lúc sinh thời, đồng thời làm nhạc anh trở thành món ăn quý dành cho kẻ sành. Anh Sơn có muốn hai điều ấy hay không, chẳng cần.
    Cách làm của bè bạn Trịnh Công Sơn dĩ nhiên đầy tình nghĩa. Họ cố nhớ lại những câu chuyện, những giai thoại, những cuộc gặp gỡ với người nhạc sĩ huyền thoại này, để viết thành tùy bút, đa số bài tùy bút ấy dựng nên một huyền thoại mới, chắc là khác xa nguyên mẫu. Đâu phải lỗi ở họ, khi bỗng dưng nói khác đi một tí, bỗng dưng kể lại không hoàn toàn chính xác, bỗng dưng suy diễn một điều không xác thực, vô phương kiểm chứng. Thời gian và tình bạn mới có lỗi trong những chi tiết thiếu khoa học ấy: trí nhớ thì có hạn, nhất là dưới ảnh hưởng của rượu và thuốc lá; và tình bạn thì vô biên. Cuối cùng, dưới tác dụng phụ của một số bài thuốc bổ, Trịnh Công Sơn hiện ra như một ông Phật dễ thương song khó hiểu; điều đáng nói hơn nữa là không ai buồn nhắc đến cái ưu cái khuyết trong âm nhạc anh đã đành, lại còn có xu hướng bỏ qua âm nhạc để ưu tiên một cho kỷ niệm, hồi ức. Ca khúc Trịnh Công Sơn kể từ đó, thành một lời sấm, lời kinh. Quyến rũ nhưng bội phần khó hiểu.
    Với ca sĩ, tôi tin rằng chẳng ai hiểu Trịnh Công Sơn viết gì, viết bài hát ấy lúc nào, diễm là ai mà hoa vàng là cô nào, quỳnh hương với bống là hai là một hình ảnh, dù những cuốn sách về Trịnh Công Sơn tái bản liên tục và đều có kể về những điển tích đại loại như thế. Bích Diễm, Dao Ánh, Quỳnh Hương, Hoàng Cúc... vân vân. Ca sĩ đứng ngoài những giai thoại, đứng xa những cái ta thường gọi là hoàn cảnh sáng tác, cảm hứng, nhân vật, nàng Thơ. Nhưng đặc biệt, ca sĩ nào hát nhạc Trịnh cũng đầy tràn tự tin, tôi hát theo cách hiểu của tôi (hiểu ra làm sao có Trời biết), tôi hát theo ý thức thế hệ tôi (thế hệ tôi ý thức khác thế hệ trước tôi chỗ nào?), tôi hát vì lòng yêu quý người nhạc sĩ tài hoa ấy (chứ không phải vì nhạc hay?), tôi hát vì vì tại tại bởi bởi, rất nhiều câu phát biểu rất hăng say như thế được đăng tải trên báo chí, và kết quả là nhạc Trịnh Công Sơn vang lên như thể những bộ váy áo xúng xính trong vũ hội hóa trang, đủ màu, đẹp lắm song chẳng nhìn thấy người thật ra làm sao.
    Tôi nghĩ, dù ở thế hệ nào, cũng nên hiểu một điều rất căn bản nếu thực sự muốn tiếp cận nhạc Trịnh: chỉ có Khánh Ly mới sinh ra cho nhạc Trịnh, và nhạc Trịnh đầy đặn, cuốn hút, tỏa hào quang, là nhờ duy nhất một người, Khánh Ly. Chẳng phải Khánh Ly là danh ca vô đối thủ, sau chị và trước chị có cả nghìn người hát hay, hát giỏi. Cũng chẳng phải Trịnh Công Sơn chỉ ưu ái có một mình Khánh Ly, anh viết đến tận lúc cuối đời, và những tác phẩm sau cuối rõ ràng là không hướng về Khánh Ly. Nhưng Khánh Ly được Trời ban cho một tâm thế đặc biệt: tâm thế tuổi trẻ miền Nam phải sống trong thời chiến tranh, với những nỗi buồn hiện sinh đặc thù, cứ mở mắt ra là thấy hiu quạnh, bước chân ra phố lúc nào cũng thấy âm thầm. Trịnh Công Sơn dành cả đời mình miêu tả từng ngõ ngách tâm hồn tuổi trẻ đô thị, từng tế bào thấm hiện sinh, và vì thế, nhạc anh và giọng ca Khánh Ly đã hòa làm một, như thể ta không thể tách lá phổi với hơi thở lìa nhau. Nhạc Trịnh đã ăn vào tâm não tuổi trẻ miền Nam thế hệ chiến tranh ở một cấp độ hơn cả hồi ức; hồi ức thì may ra khiến ta nhỏ vài giọt nước mắt ngậm ngùi, còn nhạc Trịnh thì phải ví như một vùng dưỡng khí ta đã từng được thở.
    Công chúng ngày hôm nay dĩ nhiên không nằm trong lớp thính giả tôi vừa nhắc. Nhiều người bảo nghe Khánh Ly hát chả thấy gì hay, nghe ê a phát sợ, chi bằng ta nghe Hồng Nhung, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Lam đầy hơi thở thời đại. Cũng có người nuối tiếc một chút Khánh Ly, và họ tự bằng lòng bằng việc tìm đến những bản sao Khánh Ly như Lô Thủy. Tôi vẫn chưa hiểu được với những giọng hát như thế, hồn Trịnh Công Sơn đã biến thành màu gì, triết lý của anh đã dị hóa thành những triết lý gì khác; và cuối cùng, những người thuộc về thế hệ nghe nguyên gốc, chẳng hạn thuộc về Quán Văn 1966-67, sẽ nghĩ gì. Chắc là buồn tiếc khôn nguôi.
    Số phận quy định cho một huyền thoại là được yêu mến, trọng vọng nhưng không bao giờ được hiểu. Trịnh Công Sơn ngày càng được trọng, được yêu, và nhạc anh ngày càng được khoác cho những lớp áo chẳng xứng hợp với nó. Âu cũng là số phận.
    Lưu Hiền
  10. TCSKL

    TCSKL Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/07/2002
    Bài viết:
    305
    Đã được thích:
    0
    Âm nhạc Trịnh Công Sơn ?" Lăng kính muôn màu!​
    Nguyễn Hữu Thái Hòa
    LTS: Thái Hòa là một cộng tác viên ở Hải ngoại. Cũng là tác giả kiêm ca sĩ -biên tập-thiết kế của bốn Album Nhạc Trịnh đã phát hành ở Việt Nam : Về nơi cuối trời (2001), Chiếc lá thu phai (2003), Cõi tình Trịnh Công Sơn ?" Phúc Âm buồn (2004) và Lặng lẽ nơi này (2005). Dù là kẻ ngoại đạo của nghiệp cầm ca nhưng anh xem nhạc Trịnh như là một lẽ sống riêng, một ?onền văn hóa? mang tính nhân văn tiêu biểu cho tâm hồn người Việt. Mấy năm qua, anh đã cùng bạn bè trong và ngoài nước thực hiện và vận động nhiều chương trình trình diển và các dự án nghiên cứu, phát triển, gìn giữ gia tài âm nhạc của người nhạc sĩ thiên tài này.
    Chúng tôi xin giới thiệu bài viết mới nhất của anh về chủ đề này.

    Nhạc Trịnh ?" như ?oKính Vạn Hoa? trong thời buổi kinh tế thị trường !
    Trong chuyến công tác ghé về Việt Nam trung tuần tháng tám vừa qua, tình cờ tôi được đọc một bài viết trên báo Thể Thao Ngày Nay nói về cuộc đua hát nhạc Trịnh chưa có hồi kết của các ca sĩ, trong đó có đề cập đến hai Album nhạc Trịnh Công Sơn của tôi trong năm qua. Vì sự trân trọng đối với Cố Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn và những trăn trở với gia tài âm nhạc của ông, tôi quyết định phải viết đôi điều về những cảm nhận rất riêng của mình và về chặn đường đồng hành cùng với nhạc Trịnh trong những năm vừa qua để chia sẻ cùng bạn đọc.
    Đã từ lâu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn có một chỗ đứng riêng rất trang trọng trong tim của người yêu âm nhạc. Dù ở trong hay ngoài nước và với thái độ chính trị nào đi nữa thì những lời ca của ông rõ ràng đã chinh phục lòng người. Trước 1975, đã có thế hệ ca sĩ Hà Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu,? Sau này ở Hải ngoại là Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Ngọc Lan, ? Trong nước có Thanh Hải, Lan Ngọc, Cẩm Vân, ? là những giọng ca đã ít nhiều thành danh từ nhạc Trịnh.
    Đến thế hệ 7X, 8X của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà hay gần đây như Quang Dũng, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, .v.v.. Nhạc Trịnh quả thực đã biến đổi, quay cuồng muôn màu muôn vẻ như ?oKính Vạn Hoa? trong thời kỳ quá độ của một nền văn hoá văn nghệ mang đậm hơi thở của nền kinh tế thị trường.
    Cảm nhận về nhạc Trịnh thời nay cũng chia năm xẻ bảy theo nhiều xu hướng,. Những người nghe cũ chê trách ca sĩ ngày nay hát quá phản cảm, huyễn hoặc và đập phá các giá trị nhân văn vốn có của nhạc Trịnh. Trong khi người chuộng cái mới lại cho rằng cần phải thay đổi vì cảm thụ âm nhạc thời nay đã khác (!). Nhiều cuộc tranh luận gay gắt trên báo chí và các diễn đàn về việc yêu, ghét nhạc Trịnh. Có rất nhiều bài viết, khen, chê, bình luận, nhận xét quá đà và có cả những sự ác ý, bài trừ lẫn nhau của các fan-clubs. Nhạc Trịnh trong thời gian gần đây bỗng trở thành tâm điểm của dư luận và cả của những chuyện thị phi.
    Tôi còn nhớ rõ câu trả lời ý nhị của Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên Báo Sóng Nhạc trong một cuộc phỏng vấn tại tư gia mà tôi được chứng kiến, lúc phóng viên hỏi ông cảm thấy thế nào khi nghe các ca sĩ trẻ ngày nay hát nhạc Trịnh : ?o...Có lẽ mỗi người đang hát theo cách hiểu riêng của họ. Đó cũng là điều thú vị khi nỗi lòng của một người được thể hiện qua những cảm nhận của nhiều người và điều đó càng làm cho âm nhạc của tôi thêm phong phú trong lòng công chúng. Đối với những ca sĩ trẻ thì thường phải giảng giải cho họ về nhiều điều, nhưng cũng chỉ có thể giải thích cho những người hiểu được mà thôi??
    Hành trình đi tìm ?oChân-Thiện-Mỹ? trong nhạc Trịnh ?
    Từ sau ngày ông mất, những cảm nhận trong tôi như cứ vỡ òa theo ngày tháng cùng những khám phá thật tuyệt vời về một con người - mà mới hôm qua thôi vì quá gần gũi, thân tình nên ta đã không kịp nhận ra cái vĩ đại của một chữ ?oTâm? đầy nhân bản và cái tinh khiết của một chữ ?oTình? xuyên suốt trong gia tài âm nhạc đồ sộ ông để lại cho đời.
    Từ cái đêm tiễn đưa cuối cùng ở Sài Gòn, tôi ngồi hát bên linh cữu Ông cùng với Hoàng Công Luận, Nguyễn Thanh Huy trong khi ông giám đốc khu Du lịch Bình Quới ?" Cao Lập đang khóc hồn nhiên như trẻ thơ. Đến suốt bảy tuần lễ sau đó anh em cùng sát cánh bên nhau làm các đêm tưởng niệm ở Hội Quán Hội Ngộ, Bình Quới. Một sân chơi âm nhạc hồn nhiên, du ca kiểu Trịnh đã dần dần được hình thành giữa lòng đời sống văn hóa còn bề bộn của Sài Gòn. Riêng tôi tự hứa với lòng mình sẽ âm thầm dấn thân trên hành trình đi tìm ?oChân-Thiện-Mỹ? cùng nhạc Trịnh. Không dám dao to búa lớn như ông Nam Chi Đặng Tiến ở Pháp đòi ?ogiải mã? một thiên tài (!), chúng tôi chỉ mong chia sẻ những cảm nhận về âm nhạc Trịnh Công Sơn trong những khả năng giới hạn của mình cho công chúng đồng điệu đó đây.
    Thật bất ngờ khi Album đầu tiên ?oVề nơi cuối trời? thực hiện cùng nhiều thế hệ đệm, làm hết sức tài tử, vội vã cho kịp 100 ngày tưởng nhớ ông lại được công chúng đón nhận và đã vượt biên giới đi xa đến không ngờ. Rồi cuộc sống phiêu bạt khắp Châu Âu những năm sau này của một kẻ ?olàm công quốc tế? như tôi đã vô tình hỗ trợ rất nhiều cho việc liên kết, gặp gỡ biết bao bạn bè đồng điệu trong nhạc Trịnh : Hội Quán Hội Ngộ Trịnh Công Sơn ở Bình Quới đã đi vào hoạt động bài bản, định kỳ hằng năm; Một nhóm anh em tâm huyết của Đạo Trịnh lập ra Đồng Vọng, giữa những vườn cây trái ở Bình Dương; Rồi những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn làm chương trình tưởng niệm ở Đại học Phú Xuân, ở Huế, ở Hà Nội ; Vươn tay dài cả ra hải ngoại đến Hội Văn Hóa Trịnh Công Sơn ở Paris, Lyon, Toulous, Cộng Hòa Pháp; Nhóm Việtnamiti và Thư Viện Trịnh Công Sơn đầu tiên và các đêm tưởng niệm ở các TP Torino, Verona, Milano, Ý; Có anh bạn Trịnh Công Long-Frank Gerke ở Đức; Còn cả Hoàng Lan ?" Hoa Vàng Một Thuở ở Toronto, Canada; Hoàng Trúc Ly với Website Sưu Tập-Trịnh Công Sơn ở Mỹ; Chị Dao Ánh và nhóm Hướng Dương ở Cali; .v.v.. Những con người xa lạ từ khắp phương trời bỗng trở thành thân quen, thương quý nhau như ?ochị em xẻ thịt? chỉ sau vài lần hội ngộ.
    Tất cả chúng tôi dường như đều có cùng khao khát tìm đến với nhạc Trịnh để được ru dỗ mình. Phải chăng vì những lời ca và giai điệu đầy tính nhân văn của Trịnh Công Sơn đã hàm chứa những ấp ủ từ lâu trong tâm hồn người Việt chúng ta mà qua bao đau khổ, mất mát vẫn chưa có dịp tỏ bày. Như một anh bạn ở Ý đã nói, có lẽ chính Trịnh Công Sơn cũng không thể ngờ rằng âm nhạc của ông lại trở thành một cơ duyên cho biết bao sự hội ngộ của anh em, bạn bè khắp nơi trên thế giới. Qua mỗi cộng đồng tôi đã được tiếp xúc, mỗi cá nhân yêu ghét nhạc Trịnh tôi đã từng gặp, quả thật đã có quá nhiều dư âm của sự chia rẽ, hận thù và đố kỵ hôm qua. Chúng tôi cũng đã ngỡ ngàng nhận ra rằng ?ocon đường âm nhạc? của Trịnh Công Sơn sao mà nhiều gian truân, đau khổ, như thân phận của một nàng Kiều trong nghệ thuật. Nhưng đứng trên tất cả là sự chinh phục rất rõ ràng của Nhạc Trịnh trong lòng công chúng. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn luôn là một đại diện tiêu biểu cho thân phận và tâm hồn Việt, dù rằng tên tuổi và tầm ảnh hưởng của ông đã từ lâu vượt ra ngoài biên giới một quốc gia.
    Thái HòaĐầu tháng 9, năm 2005.

Chia sẻ trang này