1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuyển tập : Nhạc Đương Đại khai phá & Lý luận âm nhạc

Chủ đề trong 'Âm nhạc' bởi Temely, 21/03/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Temely

    Temely Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    22/08/2001
    Bài viết:
    1.295
    Đã được thích:
    4

    Nhạc sĩ Quốc Bảo: Cho phép tôi nghi ngờ!

    [​IMG]



        Sẽ mang tiếng bảo thủ và chống lại xu thế cách tân chăng, nếu tôi khẳng định mối nghi ngờ của bản thân với đa số những dự án âm nhạc "đương đại" Việt? Xin bạn đọc thứ lỗi, và nếu có thể được, xin bình tâm xem xét những giải trình sau đây của tôi, thì quả thực là may mắn...
    Một
        Nghệ thuật đương đại chủ trương kéo nghệ thuật cao cấp (high-art) về phía đời sống, kéo gần lại khoảng cách giữa những người thưởng ngoạn đặc tuyển (elite) với đại chúng. Chống đặc tuyển được xem như tuyên ngôn mạnh mẽ nhất của các nghệ sĩ đương đại. Thành thử, tôi luôn thấy rợn khi nghe ai đó tuyên bố: "Nhạc tôi không dễ nghe", "Phải có trình độ mới hiểu được nhạc tôi", "Người thưởng thức phải tham gia vào việc tìm hiểu quá trình sáng tạo của nghệ sĩ", vân vân... Ôi, nhiều yêu cầu thế, đại chúng làm sao đảm đương nổi? Các nghệ sĩ Việt đang muốn đặc tuyển hóa việc thưởng thức nghệ thuật chăng? Hay đấy là một cách làm sang?
    Hai
        Các chủ đề được khai thác thường trực trong nghệ thuật đương đại là những cặp phạm trù đối lập mang ý nghĩa phổ biến: sự sống - cái chết, giấc mơ - tỉnh thức, ngày - đêm, can đảm - hèn nhát, hiện diện - vắng mặt, vân vân... Những điều tưởng chừng như sáo mòn ấy được đào xới mãi trong nhiều dự án lớn của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới, với ba mục đích chính là: 1. Tìm cách lý giải mới cho những khái niệm cũ; 2. Giúp công chúng dễ dàng hơn trong việc tham gia vào quá trình tư duy sáng tạo; và 3. Chống lại khuynh hướng "tác giả là thống soái", vì đề tài bàn đến hết sức phổ thông. Trong khi đó, tôi có cảm giác rằng các nhạc sĩ đương đại Việt đã và đang cố tình "làm khó", phức tạp hóa chủ đề, rắc rối hóa các khái niệm và linh tinh hóa các kiến giải.
    Ba
        Căn bản của sáng tạo là ý tưởng. Những dự án lớn nhỏ của chúng ta có lẽ đã quên bẵng quá trình brainstorming (động não). Đa số những tác phẩm âm nhạc, sắp đặt, trình diễn nội địa đều nghèo về ý tưởng, cạn về biểu đạt, lúng túng về thể hiện. Tôi có trực tiếp hỏi một số nghệ sĩ tạo hình về ý tưởng của họ trong các tác phẩm sắp đặt, trình diễn, và đã phải thất vọng! Phần đông đưa ra những câu trả lời hết sức cao siêu, và chung chung: "Tôi muốn nói về thân phận người nữ", "Tôi tái hiện một môi trường sống", "Tôi nhìn về sự tái sinh, về cái chết", nhưng không thể giải trình một cách thuyết phục những chủ đề ấy. Thiếu hẳn tính logic thì làm sao trông mong vào những điều thú vị hơn, như một cách nhìn mới, hay một phản đề gây sốc...?
    Bốn
        Nghệ thuật luôn luôn cần hướng đối tượng, và trong cuộc sống hiện đại, hướng đối tượng còn hàm nghĩa hướng kinh tế. Không ai tài trợ cho những dự án mông lung, vớ vẩn. Không ai kiên nhẫn bỏ tiền bỏ công ra xem/nghe những thể nghiệm thiếu logic và vô nghĩa. Nền nghệ thuật của chúng ta nhỏ bé, xinh xắn, vừa vặn cho những dự án nhỏ, và quan trọng nhất, phải kinh tế. Nuôi những thể nghiệm cõi trên bằng thuế của dân là điều bất nhẫn. Hơn nữa, nếu tất cả chúng ta đều lao đầu vào cuộc thử sai, thì bao giờ ta có cái đúng, cái hay? Nghệ sĩ, như mọi công dân chân chính, phải bảo đảm - nếu không muốn nói là phải thề - là không làm sai quấy, không đeo đuổi những chuyện dở hơi, vô bổ. Năm Không có một thứ "nghệ thuật" nào loại bỏ được các yếu tính kỹ thuật. Chuyện ngẫu hứng - nhất là ngẫu hứng của người Việt - rất đáng nghi. Quả thế, chúng ta chưa hề là những người có chất tức hứng (improvising) bẩm sinh. Bằng kỹ thuật nghiêm ngặt, chúng ta có thể giảm thiểu sự thiếu logic và hụt hơi trong tác phẩm. Cổ súy vô điều kiện cho ngẫu hứng ở Việt Nam là một tuyên ngôn khá... *********, nếu không nói là làm mẽ!
        Tôi nghi ngờ, thậm chí công kích, trong một niềm mong mỏi trong sáng: Chúng ta sẽ có những tác phẩm nghệ thuật đích thực, hoàn mỹ, làm ra vì quyền lợi của công chúng và của chính chúng ta - những người theo đuổi Cái Đẹp.
            Quốc BảoTheo Giai điệu xanh (10-01-2004)
     
  2. Temely

    Temely Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    22/08/2001
    Bài viết:
    1.295
    Đã được thích:
    4
    Âm nhạc - một chất liệu của performance art




    Performance art là một loại hình nghệ thuật được hình thành trên thế giới trong những năm 60-70, nhưng nó đã có mầm mống từ những thập niên đầu thế kỷ XX trong lòng sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa Dada. Chủ nghĩa này có thể coi là một khởi sự cho sự bùng nổ của rất nhiều trường phái nghệ thuật sau nó như siêu thực, biểu hiện, trừu tượng, ý niệm (conception art) và nghệ thuật "có sẵn" (ready-made).
    Dada là một phong trào phản kháng dữ dội của các nghệ sĩ chống lại nghệ thuật truyền thống, do tâm trạng vỡ mộng sau Thế chiến thứ Nhất. Cái phi lý, không hợp lý được làm nổi bật và cái ngẫu nhiên trong sáng tạo được họ thổi phồng. Khi này từ performance art chưa được định danh, nhưng nhóm nghệ sĩ Dada đã tụ  họp nhau lại để làm nhiều cuộc biểu diễn mang tính chất khiêu khích. Trong những buổi diễn như vậy, yếu tố âm nhạc ngẫu hứng đã góp mặt, nhằm mục đích phản bác nghệ thuật chính thống. Tuy nhiên, đến những năm 60 sau này thì nghệ thuật trình diễn đã trở thành một khuynh hướng phát triển mạnh, có luận thuyết rõ ràng, có nguyên lý biểu đạt riêng.
    Ý nghĩa của các tác phẩm trình diễn ở đây không đơn giản là một bề mặt thưởng ngoạn, mà trở thành một không gian thưởng ngoạn (installation) rồi đến chính chủ thể sáng tạo trực tiếp truyền đạt những thông điệp nghệ thuật trong không gian (performance). Performance & installation cho phép người ta có thể hưởng thụ nghệ thuật trọn vẹn bằng mọi giác quan. Lúc này không còn là sự "khiêu khích", nó được coi là một loại hình nghệ thuật có tiếng nói trong xã hội. Loại hình này có khả năng giao kết với các loại hình nghệ thuật khác như hội hoạ, điêu khắc, văn học, sân khấu..., trong đó có âm nhạc.
    Ở Việt Nam, perforrmance art thực sự được biết đến vào thập kỷ 90. Nhưng không phải cuộc trình diễn nào cũng có sự góp phần của âm nhạc. Điều đáng nói là mục đích của cuộc trình diễn đó nhằm tới điều gì ? Một cái nhìn về các vấn đề xã hội hay chỉ nhằm bộc lộ một tình cảm hoặc nhu cầu cá nhân, sử dụng những chất liệu nào để phục vụ cho ý tưởng?
    Đã có rất nhiều tiết mục performance art được biểu diễn như: "Mẹ và con" (1999) - Nguyễn Văn Cường, Trương Tân; "Giấc mơ Honda" (9/1999) - Nguyễn Văn Cường; "Hòa cùng vũ trụ" (2000) "Đáo Xuân" (2003-2004) - Đào Anh Khánh, "Bữa tiệc tiễn vong linh" (2000) - Trần Việt Đức, "Đi ra" - Nguyễn Xuân Sơn, "Hoa hồng và gai", "Nước" - Ly Hoàng Ly, "Tai nạn giao thông" - Bùi Công Khánh và những cuộc trình diễn lớn nhỏ của các nghệ sĩ Lê Vũ, Nguyễn Trí Mạnh, Vũ Nhật Tân, Lê Đức hi, Lê Ngọc Thanh... Tuy không thật nhiều nhưng ở những cuộc trình diễn này đã xuất hiện những xu hướng khác nhau. Có âm thanh và không có âm thanh.
    Ví dụ như cuộc trình diễn của Lê Vũ ngẫu hứng với Ly Hoàng Ly, chỉ dùng hai chiếc micro cọ xát lên thân thể để phát ra các tiếng động, hay màn diễn những người ngồi đọc những mẩu quảng cáo trên báo, thì cũng là một dạng performance art có âm thanh, nhưng liệu có thể gọi đó là âm nhạc? Do đó với bài viết này, tôi chỉ xin nói về một vài performance art ở Việt Nam có sử dụng âm nhạc được coi là ý tưởng của cuộc diễn.
    Một cuộc trình diễn khá thành công của Nguyễn Văn Cường trong chương trình "Chào Việt Nam" tại Viện Goethe: "Giấc mơ Honda" (9/1999). Ý tưởng sử dụng âm thanh là rất rõ ràng. Anh dùng một thanh vĩ kéo tạo ra những ?otiếng nhạc? khác nhau từ các bộ phận của một chiếc xe máy, và cùng lúc, một nghệ sĩ biểu diễn một tác phẩm violon cổ điển. Hai luồng âm thanh cùng cất lên. Âm hưởng của cây đàn violon như lạc lõng trong những âm thanh "đường phố" được phát ra từ chiếc xe máy. Tính tương phản được đặt ra. Chính chiếc xe máy Dream - tiện nghi mơ ước của nhiều người Việt Nam, biểu tượng cho cuộc sống hiện đại - đã trở thành một nhạc cụ, một phương tiện để diễn đạt nghệ thuật. Ở đây, mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống kinh tế đã được đề cập khá trực tiếp. Nguyễn Văn Cường cũng là một nghệ sĩ đã làm rất nhiều tác phẩm nhạc ngẫu hứng.
    Một triển lãm khác ít người biết đến hơn là triển lãm sắp đặt âm thanh của nhạc sĩ Peter Keelan và nữ hoạ sĩ Cecile Wiliam người Australia có phần trình diễn của nhạc sĩ Vũ Nhật Tân tại Nhạc viện Hà Nội năm 1999. Triển lãm này cũng khiến cho nhiều người khó chịu bởi nó được diễn ra tại nơi mà âm nhạc luôn mang tính hàn lâm. Với các nhạc cụ được gọi là các "điêu khắc âm thanh" tạo ra từ những ống nhựa plastic với các kiểu dáng, cấu trúc khác nhau và còn có chức năng tạo ra những thang âm phong phú. Hay đơn giản hơn, chúng được kết hợp với nước hoặc nhiều chất liệu khác, góp phần làm nên một loại hình âm nhạc "mới", âm nhạc "phổ thông". Trong cuộc biểu diễn này, ngoài màn diễn ngẫu hứng của Peter và Vũ Nhật Tân, những nhóm bạn trẻ đã được mời đến để khám phá âm thanh từ những nhạc cụ đó. Điều này xuất phát từ ý tưởng của Peter về "Âm nhạc cho người nghèo" để tất cả mọi người đều có thể tạo ra và cảm thụ âm nhạc trong cuộc sống của mình.
    Một cuộc trình diễn khác khá ấn tượng đó là của Trần Việt Đức. Trong cuộc diễn này, Đức đã vận dụng nhạc nền có sự kết hợp âm hưởng của nhạc dân gian như chèo, ca trù... bổ trợ cho ý tưởng "đưa tiễn vong linh". Đào Anh Khánh là một trong những nghệ sĩ trình diễn làm rất nhiều tiết mục performance art trong khoảng 5 năm trở lại đây và dường như ở các cuộc trinh diễn ấy, âm thanh cũng là một phần không thể thiếu. Thành công nhất có lẽ là màn "Đáo xuân" 2004" gần đây. Từ không gian sắp đặt cho đến các trường đoạn biểu diễn, ý tưởng về sự giao hoà giữa hai thế giới được bộc lộ một cách rõ ràng. Kết hợp với màn diễn này là âm nhạc, do các nghệ sĩ Nguyễn Văn Cường, Vũ Nhật Tân, Trí Minh và Nguyễn Mạnh Hùng chơi ngẫu hứng. Chính âm nhạc trong cuộc diễn này đã góp phần quan trọng làm nên cao trào và tính hoành tráng của tác phẩm.
    Như vậy âm nhạc trong performance art chính là một chất liệu, mà chất liệu này có mọi khả năng nội hàm để gây dựng nên không gian nghệ thuật. Nó tạo ra những tiết tấu, góp phần xây dựng kịch tính, cuốn hút chính người biểu diễn cũng như người tham gia vào không khí của cuộc diễn. Cũng giống như ánh sáng hay màu sắc của không gian sắp đặt tác động vào thị giác người xem, âm nhạc tác động vào thính giác giúp người xem xâm nhập vào không gian trình diễn như một chủ thể thực thụ. Âm nhạc giúp thức tỉnh, gợi mở trong con người những tình cảm, những rung động sâu xa mà hình tượng biểu diễn phần nào chỉ là một bộc lộ có tính ngoại hiện.
    Âm nhạc ngẫu hứng ở đây đã phát huy tốt vai trò của nó hơn là thứ âm nhạc bài bản. Bởi nghệ sĩ làm nhạc nền hay tự thân người làm perforrmance cảm nhận được tiến trình cũng như thái độ của người tham gia để có thể ứng tác trong lúc diễn, cũng như để tiếp tục hay kết thúc cuộc trình diễn. Do đó, âm nhạc ngẫu hứng trong một màn performance đơn giản nhưng đồng thời cũng có những phức tạp riêng khi tạo nên sự hoà hợp, ăn nhập, hoặc trệch hẳn ra khỏi cuộc diễn tuỳ theo ý tưởng của những người thực hiện.
    Như vậy, tuy không phải trong tất cả các màn performance, âm nhạc đều xuất hiện và chiếm một vai trò thiết yếu, nhưng âm nhạc chính là một chất liệu nghệ thuật cùng với các ngôn ngữ khác mà performance art chiếm lĩnh để sự dụng như một phương tiện tăng khả năng biểu đạt của màn trình diễn.
      Phương KhanhGiai Điệu Xanh 09-03-2004

Chia sẻ trang này