1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuyển tập truyện của Y Ban

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Lissette, 27/10/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Lissette

    Lissette Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/04/2001
    Bài viết:
    2.619
    Đã được thích:
    0
    Tuyển tập truyện của Y Ban

    I/ Sau chớp là giông bão

    Người nàng lâng lâng như bước trên đệm khí. Nhưng những bước chân đặt lên từng bậc thang lại nặng nề biết bao. Ngôi nhà của nàng vẫn còn sáng ánh đèn. Cha mẹ nàng từ quê lên chơi vẫn còn thức.

    Nàng đặt cái túi xách xuống đất và đưa mắt tìm kiếm. Cha nàng vội bảo:

    - Nó chờ con đến chín giờ không thấy nên nó đem con bé về nhà nội chơi rồi. Ơn trời, thế là anh ấy không có nhà. Nàng thở phào nhẹ nhõm, với chiếc khăn đi vào nhà tắm.

    Nàng yên ả ngả mình trên giường với một ý nghĩ rất đỗi dịu dàng, nàng sẽ nhớ lại. Nhưng cơn buồn ngủ đã kéo đến, thế mà nàng lại muốn thức biết bao. Một giấc ngủ ngon, sâu không mộng mị cho đến tám giờ sáng hôm sau khi mẹ nàng đánh thức nàng dậy ăn sáng. Nàng cảm thấy cực kỳ khoan khoái và tỉnh táo hẳn. Nàng ăn bữa sáng ngon lành.

    Thế rồi thay vì mang quà đến cho chồng con nàng lại lên giường nằm. Nàng lại muốn nhớ lại. Sao nhỉ, người ấy đã ôm lấy mặt nàng. Nhưng thực ra từ trước đó mấy phút nàng đã rất muốn ngả đầu vào vai người ta. Nhưng tại sao nàng lại muốn thế nhỉ? Một cơn buồn ngủ lại ập đến. Nàng cố cưỡng lại để nhớ, dịu ngọt đến thế cơ mà. Và giấc ngủ đã chiếm mất cơ thể, ý nghĩ của nàng.

    Đến 12 giờ trưa mẹ nàng đánh thức nàng dậy ăn cơm. Nàng cảm thấy sinh lực dồi dào, tuy nhiên nàng vẫn cố bao biện:

    - Đi công vụ phải mấy ngày nóng quá.

    Cha nàng đồng ý ngay:

    - Ừ mấy ngày qua ngột ngạt thật.

    Nàng lại ăn một bữa cơm rất ngon và nhanh. Xong nàng rửa mặt mũi cho tỉnh táo. Rồi để cho thật tỉnh táo nàng cầm quyển sách để đọc. Đọc được vài trang ý nghĩ của nàng lại xoay về với sự dịu ngọt. Nàng đã đặt được tên cho sự kiện đó. Nhưng tại sao nàng lại muốn ngả đầu vào ngực người ta kia chứ? Nàng một người đàn bà đã già dặn trong trường đời. Cuộc sống với bao nhiêu đau khổ, hạnh phúc, thất bại và thành công tới tấp bủa vây nàng. Để bây giờ nàng nhận ra cái chân của cuộc sống rằng: ở đời chẳng có phân giới nào rõ ràng cho hạnh phúc hay bất hạnh, sung sướng và khổ đau. Những cảm giác đó có một vòng giao thoa rất rộng. Hạnh phúc ư? Rồi thì bất hạnh đấy. Sung sướng ư? Thì sẽ khổ đau ngay. Vì thế nàng rất đỗi yên tâm trong hạnh phúc, bất hạnh, sung sướng và khổ đau của mình. Nhưng cuộc sống đâu để cho nàng được tự do trong cảm giác của mình như thế. Con tạo luôn tạo ra tình huống để thử thách nàng. Nàng lại là một người đàn bà cực kỳ nhạy cảm, yếu mềm nên nàng đã chọn cho mình một thứ vũ khí. Đó là những chiếc gai nhọn của con nhím. Nàng luôn giơ móng vuốt của mình bằng miệng lưỡi của một kẻ táo tợn, đôi khi bặm trợn. Quả nhiên thiên hạ sợ nàng.

    Nhưng tại sao nàng lại muốn ngả đầu vào vai người ta kia chứ?

    Nếu tính đến thời điểm nàng muốn ngả đầu vào vai người ấy thì nàng chỉ quen biết người ta vỏn vẹn có 40 giờ. Một người đàn ông có gương mặt tử tế nhập vào chuyến đi công tác với nàng. Những người đàn ông đi cùng xô vào tán nàng rào rào. Miệng lưỡi của những kẻ thạo đời hư hư, thực thực làm nàng khó có thể nào đối đáp lại được. Nàng chọn một gương mặt đàn ông tử tế đó để công kích thay vì sự đối đáp lại. Một vài chuyện qua lại hết veo đoạn đường dài hơn trăm kilômét. Rồi hóa ra đó là những người đàn ông cực kỳ thạo việc và khi làm việc họ cực kỳ nghiêm túc. Nàng cũng nhập vai với một vẻ thạo việc không kém. Tuy nhiên nàng vẫn hết sức đề phòng với những người đàn ông đó bằng cách nàng đi gần với người đàn ông có gương mặt tử tế mà trong thâm tâm nàng coi như một chú bé con để nàng lớn tiếng xưng là chị. Nhưng thực ra bộ mặt tử tế đó cũng chẳng tử tế chút nào khi thi thoảng bên tai nàng lại có những tiếng thì thầm như gió thoảng: "Chị đẹp lắm!" hoặc: "Lần sau đi công tác chị đừng có mặc váy ngắn nhé làm người khác không làm được việc đâu". Nàng không chấp những lời nói trẻ con ấy. Vì nàng nghĩ thầm bộ mặt kia sao trải đời bằng nàng được.

    Nhưng trước khi nàng muốn ngả đầu vào ngực người ta thì đã có một sự đụng chạm rất đỗi dịu dàng.

    Một cơn buồn ngủ lại kéo đến. Khi nàng mở mắt ra và còn đang ngơ ngác xem mình ở đâu, trần gian hay dưới địa ngục thì chồng nàng đang nhìn nàng đăm đăm. Rồi anh ca lại bài ca cũ:

    - Đàn bà con gái mà không chịu làm việc an nhàn. Cứ thích nhảy thếch lên cơ, cho chết. Nhưng mà mệt lắm à?

    Nàng quay mặt đi ra vẻ hờn dỗi.

    Sau đó dường như để làm lành, chồng nàng ngồi sát vào nàng thì thầm: "Đi về nhà bên kia đi".

    Cũng là tiếng thì thầm mà nàng cảm thấy rùng mình với cảm giác sợ hãi. Nàng đã hiểu tiếng thì thầm đó nói lên điều gì. Rằng chồng nàng đang rất muốn nàng. Thế còn nàng đang chỉ muốn ở một mình mà thôi. Tuy nhiên nàng đã có những kinh nghiệm để ứng xử trong những tình huống như thế này. Tốt nhất là phải nghe theo anh. Nàng ngoan ngoãn đứng lên đi theo chồng.

    Nhà bên kia là nhà cha mẹ chồng. Hai vợ chồng nàng đã ra ở riêng nhưng cha mẹ vẫn để cho một phòng để thi thoảng về chơi. Nàng đưa quà cho cha mẹ chồng, hỏi han con gái dăm câu thì chồng nàng đã lôi tuột nàng vào trong nhà. Chồng nàng hối hả chằm bặp nàng. Mặc dù rất có vẻ muốn yêu nàng ngay nhưng vẫn không quên căn vặn:

    - Đi công tác có phải lòng thằng nào không đấy?

    Mọi bận nghe chồng hỏi vậy nàng sẽ xù ngay những chiếc gai nhím ra để đập lại nhưng lần này nàng chỉ lặng lẽ đẩy chồng ra. Và trong đầu nàng cũng hiện lên một câu hỏi: Liệu nàng đã phải lòng ai đó chưa? Nhưng nàng lại bật ra ngay câu trả lời:

    - Em đã làm vợ anh bao nhiêu năm rồi, vợ anh thế nào mà anh không biết ư?

    Chồng nàng cười xí xớn:

    - Ừ thì cứ phòng ngừa trước đi.

    - Nhưng anh có thể ngừa được gì nào khi em có phải lòng ai thì cũng là sự đã rồi.

    - Em mà phải lòng ai anh sẽ biết ngay bây giờ đây.

    Chồng nàng lại chằm bặp nàng với cử chỉ mạnh mẽ hơn như để chuộc lỗi với nàng. Thân thể nàng nhũn ra không một cảm xúc. Nhưng chồng nàng đang rất hào hứng thế kia, nàng không muốn anh mất hứng. Vả lại nàng cũng có kinh nghiệm trong những lúc như thế này. Nếu nàng không có hào hứng với anh, anh sẽ ca lại bài ca cũ. Rồi sẽ cãi nhau, dỗi hờn.

    Trong cuộc sống, vợ chồng nàng có nhiều xung đột, bất trắc nhưng sau đó đã được giải quyết êm ả. Tuy nhiên sự êm ả đó cứ lặp đi lặp lại thành một rãnh mòn, từ lâu đã không còn làm nàng thổn thức được nữa. Chồng nàng đã trở thành một người ruột thịt thân thích như cha nàng, như anh em nàng và như con nàng vậy. Nàng lo lắng, chăm sóc cho anh nhưng nàng không còn xao xuyến mỗi khi anh động chạm đến nàng. Cùng với sự "xơ hóa" ở cảm xúc với chồng thì đêm về nàng hay có những giấc mơ kỳ lạ. Một người đàn ông lạ mặt liếc nhìn nàng, hay động nhẹ vào nàng thôi là nàng cảm giác xao xuyến đến tột cùng. Những đêm nào có giấc mơ như thế thì buổi sáng nàng thức dậy cực kỳ khoan khoái, và cảm thấy sức lực tràn đầy. Tuy vậy nàng không bao giờ có ý định tìm kiếm gương mặt một người đàn ông nào ở ngoài đời giống trong mơ. Nàng nhìn hết thảy mọi người đàn ông với sự vô cảm.

    (còn tiếp)


    Vì sự trong sáng của tiếng Việt thân thương
  2. Lissette

    Lissette Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/04/2001
    Bài viết:
    2.619
    Đã được thích:
    0
    Vậy tại sao nàng lại để cho sự đụng chạm xảy ra?Buổi chiều, khi kết thúc công việc, cả đoàn đi ra biển. Họ giẫm chân trần trên cát mịn và im lặng. Ai còn có thể tán được những lời vụn vặt, vô nghĩa nữa kia chứ khi đang ở bên một sự hùng vĩ nhường này.
    Rồi mọi người kéo lên bờ đê, ngồi xuống bên cạnh khóm kim trâm đang nở hoa trắng muốt. Nàng cảm thấy mình hoàn toàn là một cô bé con vô tư, chưa từng bận bụi trần gian. Nàng cất tiếng hát Biển hiền hòa lớp sóng đẹp bao la, lòng ta như rộn vang ngàn câu ca. Cả đất nước xanh tươi như mộng đời, lưu luyến trong tâm hồn bao người... Sóng biển đệm đàn cho nàng. Có lẽ từ hồi say sưa hát ru con đến bây giờ nàng mới hát say sưa đến vậy. Ngày còn ở với mẹ chồng, khi nào nàng hứng khởi hát véo von thì bà bảo: "Cô hát hay đấy, sao không đi hát mà kiếm ăn cho nó nhàn thân". Mỗi lần nàng cất tiếng hát thì mẹ chồng nàng lại bảo thế. Khi sống riêng với chồng rồi cao giọng lên hát thì chồng bảo "Cô lại ra đường chập điện với thằng nào rồi mà yêu đời véo von thế". Vậy là giọng hát của nàng cứ lịm đi. Khi nàng hát xong cả bọn im lặng một lúc lâu, rồi thì những giọng đàn ông ồ ồ cất lên. Ban đầu còn chệnh choạc sau thì quyện dần. Rồi thì nàng chẳng thể hát một mình được nữa. Nàng hòa giọng vào dàn đồng ca. Dàn đồng ca lắc lư nghiêng ngả, như say trước biển, người nọ ngồi sát vào người kia thân thiện, hòa bình. Nàng chợt nghĩ ra một điều to tát, giá tất cả loài người cùng nắm tay nhau vòng quanh biển để hát thì trái đất này sẽ hết chiến tranh, đau khổ và đói nghèo. Một ý nghĩ to tát như thế để nàng không mấy chú ý đến việc gương mặt tử tế đó đã nép vào người nàng từ lúc nào. Một tiếng nói ấm áp thoảng qua tai nàng: "Hát nữa đi em, em hát hay biết bao". Em ư? Điều gì đã xảy ra thế. Sao lại là em nhỉ. Nàng quay lại nhìn thẳng vào gương mặt tử tế. Ánh hoàng hôn chạng vạng vẫn đủ để nàng nhìn thấy một đôi mắt đang nhìn nàng đăm đăm. Và đôi môi không ngừng mấp máy những câu tiếng Anh I love you! I love you. Trong đầu nàng cũng xuất hiện những câu tiếng Anh I like you, I need you but I don't love you . Nàng rất muốn bật ra khỏi đầu những câu tiếng Anh đó rồi phá lên cười để dành lại thế chủ động. Nhưng mắt nàng đã hoa lên và nàng muốn ngả đầu vào vai người ta. Sao nàng lại muốn thế? Nàng cũng không hề biết. Chắc chỉ có biển mới biết. Tuy nhiên chiếc đầu kiêu hãnh của nàng vẫn ngồi im trên cổ. Nàng ý tứ ngồi xa ra.
    Chồng nàng đã thức giấc:
    - Em không ngủ à?
    - Em đã ngủ cả ngày rồi mà.
    - Thôi chết đã bảy giờ rồi cơ à? Em đói rồi phải không? Anh đưa em đi ăn nhé. Hôm nay anh thấy em có vẻ là lạ thế nào và lại xinh nữa. Phải chiều thôi, kẻo không có ngày lại mất vợ.
    Nàng giật mình và vội vàng trở lại bộ mặt hơi câng câng của mình.
    - Gớm chết, vợ anh may mà lấy được anh là phúc to bằng cái đình rồi. Anh cứ bỏ ngoài đường bảy ngày bảy đêm xem có quạ nào nó tha đi không?
    - Nói linh tinh thế, thôi nào ăn đi.
    Chồng nàng khoác vai nàng dịu dàng. Đó cũng là một sự dịu dàng, nàng cảm nhận được nhưng chỉ có điều nó không giống sự dịu ngọt kia.
    Cảm giác muốn được ở một mình làm nàng ăn không ngon miệng. Thức ăn vào đến đoạn ngang trái tim là muốn nhào trở ra. Chồng nàng ân cần gắp thức ăn cho nàng làm nàng nghĩ ngợi. Rồi bữa ăn cũng qua. Nàng bảo với chồng:
    - Anh cứ ở nhà bà nội với con. Em về nhà ngủ một mình cũng được, cho khỏe mai còn đi làm.
    Chồng nàng không đồng ý. Nàng cảm thấy sự thất vọng vô cùng. Về phòng nàng vớ ngay một quyển sách đọc để yên thân. Một lần nữa chồng nàng đâu có để cho nàng yên thân. Đã thành lệ mỗi lần nàng đi công tác về dù chỉ một hai ngày anh cũng chằm bặp nàng như là đã xa nhau lâu lắm. Anh tỏ ra quan tâm và rất âu yếm nàng. Lần này cũng vậy. Anh đến bên nằm ấp vào nàng. Anh gối tay để cho nàng đọc sách. Một lần nữa nàng lại thất vọng tràn trề. Thực ra nàng đâu có ý muốn đọc sách, đó chỉ là cái cớ để cho nàng suy nghĩ mà thôi. Dù vậy nàng cũng cảm nhận được bộ ngực của chồng vừa ấm áp, vừa mạnh mẽ. Nàng vùi mặt vào ngực chồng ngủ thiếp đi.
    Ngày hôm sau nàng đến cơ quan làm việc. Thay vì phải xử lý các số liệu của chuyến công tác vừa qua thì nàng lại ngồi dí bên máy điện thoại. Nàng chờ. Nhưng đó là một buổi sáng yên tĩnh. Đến gần 10 giờ mà chẳng có cú điện thoại nào cả. Ngực nàng căng phồng. Thỉnh thoảng nàng lại trút một tiếng thở dài để tống bớt không khí ở ngực ra ngoài.
    ... Trời tối sẫm mọi người quay về nhà nghỉ. Từng người rải bước đường và chẳng còn ai trêu trọc ai nữa. Chỉ có gương mặt tử tế vẫn đi bên cạnh nàng và vẫn bằng những câu tiếng Anh để khen nàng là một cô gái đẹp. Nàng bảo rằng nàng đã là một người đàn bà. Nhưng người ấy bảo nàng chỉ là một cô bé và I love you, I love you. Nàng trở về phòng với cảm giác sẽ không ngủ được nhưng vừa đặt mình xuống giường nàng đã ngủ ngay.
    Ngày làm việc hôm sau diễn ra với nhịp độ nhanh hơn để có thể kết thúc chuyến công tác sớm hơn dự định một ngày. Đến sáu giờ tối thì công việc kết thúc. Mọi người cùng đề nghị trở về nhà ngay. Xe hơi đã chuẩn bị sẵn, chỉ có điều gương mặt tử tế bỗng trở thành một nhà đạo diễn. Người đi tháp tùng được chỉ đạo ngồi lên ca bin cạnh lái xe. Hai người đàn ông được chỉ ngồi lên ghế trên, còn nàng ngồi xuống ghế sau cạnh cửa sổ và gương mặt tử tế thì ngồi cạnh nàng. Xe đi trong màn đêm yên tĩnh. Sau hai ngày làm việc căng thẳng những người đàn ông ở hàng ghế trên đã đi vào giấc ngủ. Trước khi ngủ họ còn cố đùa một câu: Tranh thủ ngủ tí để lấy sức về nhà cho vợ còn truy lĩnh. Không gian chỉ còn lại hai người. Nàng lại một lần nữa quên mất hiện tại của mình. Nàng ngồi nghe gương mặt tử tế nói về mình, rằng anh ta đã có bảy bằng sáng tạo. Rằng thì đàn ông phải có chí tiến thủ. Anh ta đã đạt được điều đó. Và đàn ông thì phải biết yêu cái đẹp. Thấy cái đẹp mà không yêu thì không phải là đàn ông. Còn ở người phụ nữ, cái duyên phải cầm đầu. Có đẹp đến đâu mà không có duyên cũng vứt. Mà ở nàng vừa duyên lại vừa đẹp, thế thì tại sao người ta lại không yêu nàng cho được. Sự từng trải trong con người nàng chỉ thốt lên những lời yếu ớt: Đừng có lạm dụng sự yêu đến vậy! Reng reng... chuông điện thoại cắt ngang luồng suy nghĩ của nàng. Nàng vồ lấy máy. Đó là chồng nàng rủ nàng đi ăn trưa. Nàng cảm thấy gần như ốm. Nàng thều thào đồng ý. Trong lúc đợi chồng đến đột nhiên cảm giác của nàng chuyển sang hướng hờn dỗi, rằng người ta đã quên quách nàng rồi. Sự dỗi hờn bóp nghẹt trái tim nàng. Một lần nữa nàng lại không muốn mình chết chìm trong sự dỗi hờn đó. Nàng nghĩ đến một điều rất thật rằng thì là người ta cũng có một người vợ để ôm ấp yêu thương. Sau sự dịu ngọt đến thế với nàng trên quãng đường hơn 100 kilômét thì ở nhà người ta đang có một người vợ mong chờ. Và như chồng nàng người ta cũng chằm bặp, yêu thương vợ người ta chứ. Bây giờ chẳng hạn, vợ người ta hẹn đi ăn trưa cùng chồng vì thế chẳng thể gọi điện cho nàng được.
    Chồng nàng đến, anh ân cần hỏi thăm nàng rằng nàng có ốm hay không sao mặt nàng xanh xao thế. Anh đưa nàng đến một tiệm ăn ngon, cố ép nàng ăn. Rồi đưa nàng về cơ quan ngồi với nàng cho đến giờ làm việc.
    Buổi chiều, nàng uể oải mang tài liệu ra làm và không còn nghĩ đến cú điện thoại mong đợi nữa. Trời chiều cả phòng ngồi quanh bàn trà chờ hết giờ làm việc, thì bỗng có điện thoại cho nàng. Một giọng nói xa lạ hỏi thăm nàng có khỏe không, và còn nhớ người ta không? Nàng trả lời nàng chưa nhận ra người đang nói chuyện với nàng là ai cả. Giọng nói qua điện thoại có vẻ thất vọng. Rồi giọng nói ấy bảo với nàng rằng: Trông nàng phúc hậu thế mà lại có ý định giết người kia đấy. Nghe đến đấy nàng bắt đầu run rẩy. Nàng hẹn lúc khác sẽ gọi lại và đặt vội máy xuống. Nàng đảo mắt nhìn mọi người trong trạng thái sợ sệt như nàng vừa có ý định ăn vụng vậy. Nàng ra một góc ngồi, run rẩy trong trạng thái đầy xao xuyến. Thì ra là người ta vẫn nhớ đến nàng chứ không phải là đã quên nàng.
    - Kìa mơ màng gì, đức lang quân đến đón.
    Một cô bạn cùng phòng gọi giật giọng, nàng cuống cuồng đứng lên lấy hai tay xoa mặt, vội vã như kiểu xóa dấu vết. Nàng liếc vội vào chiếc gương to treo trên tường. Mặt nàng đã giãn ra nhưng đôi mắt thì còn ngơ ngác. Chồng nàng vào phòng chào mọi người và dừng lại vài giây ở trên mặt nàng. Trên đường về anh không nói gì cả, còn nàng thì huyên thuyên đủ chuyện.
    Về nhà nàng vừa nấu cơm vừa hát thầm trong họng. Chồng nàng ngồi im lặng đọc báo. Cơm nước xong xuôi nàng bê mâm để lên bàn rồi vào phòng tắm. Nàng trút bỏ quần áo rồi tự ngắm thân thể mình. Ý nghĩ của nàng chưa liên hệ gì với thân thể của mình thì chồng nàng đẩy cửa phòng tắm bước vào. Nàng thật sự ngạc nhiên vì đã lâu lắm rồi từ khi sinh con xong thì chẳng bao giờ có chuyện tắm chung với nhau nữa. Chồng nàng để nguyên cả quần áo ôm lấy nàng. Anh định nói gì đó nhưng rồi anh lại cúi xuống hôn nàng. Như có phản xạ sẵn nàng né tránh cái hôn đó, vì cũng từ lâu lắm rồi nàng và chồng cũng không còn hôn nhau. Chồng nàng bê chặt lấy mặt nàng và hôn, rồi anh thì thầm vào tai nàng:
    - Em còn yêu anh nữa không?
    Nàng chết lặng người không biết trả lời chồng thế nào cả. Có còn yêu anh nữa không ư? Nàng cũng chẳng biết nàng có còn yêu anh nữa không. Nàng chỉ biết anh rất là cần thiết trong cuộc đời nàng và nàng thì đang xao xuyến vì một người khác. Nàng lại còn rất thương chồng - điều này là chắc chắn. Và nàng sợ mình sẽ làm tổn thương đến chồng. Nàng chảy nước mắt giàn giụa.
    Chồng nàng ghì chặt nàng vào ngực rồi lặng lẽ trở ra.
    (Còn tiếp)
    Vì sự trong sáng của tiếng Việt thân thương
  3. Lissette

    Lissette Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/04/2001
    Bài viết:
    2.619
    Đã được thích:
    0
    Đêm ấy nằm cạnh chồng nàng không còn dám nghĩ đến sự dịu ngọt ấy nữa. Nhưng đến sáng hôm sau khi chỉ còn lại một mình thì trống ngực nàng đập rộn rã. Nàng quyết định gọi điện thoại và hẹn gặp mặt. Nàng rất muốn nhìn cho kỹ bộ mặt tử tế đó.
    Sau khi giải quyết xong công việc, nàng gọi điện đến cho gương mặt tử tế và hẹn gặp. Giọng nói ở bên kia đầu dây có vẻ do dự một chút rồi hẹn nàng ra đầu phố. Còn nửa giờ nữa mới đến giờ hẹn. Nàng hồi hộp như lần đầu tiên hẹn hò vậy. Nhưng trong đầu nàng lại tỉnh táo để tự hỏi mình: "Gặp người ta để làm gì nhỉ? Mọi việc diễn ra chẳng quá rõ ràng rồi sao? Để dấn thân vào một cuộc tình ư?". Một cuộc ngoại tình, điều này có đến trong mơ cũng chưa bao giờ nàng nghĩ đến. Nàng vội vàng xua ngay khỏi đầu ý nghĩ ấy. Không biết gặp mặt nhau rồi xong để làm gì? Thế thì bẽ bàng hết sức. Nàng thuộc típ người luôn làm việc gì cũng phải có lý do. Việc làm nào không có lý do cụ thể thì nàng xếp vào loại việc ngớ ngẩn, rủi ro.
    Nàng vội vàng bấm máy điện thoại, máy điện thoại, may quá người ta chưa đi khỏi nhà. Nàng xin lỗi là không thể gặp được vì bận. Người ta cũng xin lỗi nàng về chuyện hôm ấy và khẳng định lại một lần nữa là nàng thật đáng yêu!
    Đã sang ngày thứ mười. Từ trong sâu thẳm nàng muốn một lần nữa thử lại sự dịu ngọt quá ấy. Nàng muốn biết cảm giác thực của nó xem có giống như lúc nàng hồi tưởng lại không. Nàng cho rằng đó không phải là sự ngoại tình, mà đó chỉ là "sự dịu ngọt" quá hay là "sự dịu dàng" quá, mà nhân loại đang rất thiếu mà thôi. Nàng rất muốn nhưng chưa tìm được lý do để thực hiện. Chồng nàng thì đang có điều gì biến đổi chăng? Sao anh lại tỏ ra đặc biệt âu yếm, quan tâm đến nàng. Trước đó anh đã từng nhiều lần thô bạo với nàng. Nếu bây giờ mà anh tỏ ra thô bạo với nàng thì nàng sẽ có ngay lý do để tìm đến sự dịu ngọt. Vì sự giằng co đó mà nàng rơi vào trạng thái gần như tuyệt vọng. Nàng ăn uống rất kém và bỏ bê công việc. Và những cơn buồn ngủ thì luôn ập đến bất ngờ. Những cơn buồn ngủ vẫn luôn đến từ tim khi nàng hồi tưởng về "sự dịu ngọt". "Sự dịu ngọt": - có lúc làm tim nàng căng phồng như sắp vỡ toang ra để nàng muốn hét to lên rằng "sự dịu ngọt" chết người.
    Sau một tháng vật vã với chính những cảm xúc trái ngược, nàng dần cân bằng trở lại bằng chính sự chăm sóc của chồng. Cũng sau một tháng đó nàng đã tìm được lý do chính đáng để gặp mặt ngườt ta. Bạn bè với nhau thì có thể gặp nhau để trò chuyện được chứ. Nhưng lý do thực chất là nàng muốn kiểm chứng lại thái độ của người ta với nàng như thế nào? Đó có phải là sự đùa cợt không? Nàng hồi hộp muốn tìm câu trả lời.
    Một tháng đó dường như cũng đủ thời gian để chín những cảm xúc. Khi nàng đã không còn run rẩy ấn các con số điện thoại nữa thì điện thoại bên cạnh bỗng kêu reng reng. Gương mặt tử tế gọi điện thoại cho nàng và nói rất muốn gặp nàng. Nàng đồng ý và mỉm cười muốn đùa cợt ngay khi nghĩ lại lần trước người ta đã hẹn nàng ở góc phố.
    Người ta bước vào phòng nàng đầy tự tin với một gương mặt tử tế. Nàng chủ động mời người ta ra quán nước. Khi chỉ còn hai người đối diện với nhau qua chiếc bàn nước, nàng nhìn vào mắt người đó với cái nhìn cực kỳ thẳng thắn. Người ta bảo nàng:
    - Chúng mình là bạn của nhau nhé
    - Tùy thuộc vào ý trời.
    - Nếu đã là ý trời rồi thì mình chẳng thể nào chống đỡ được đâu. Mình là bạn bè của nhau. Bạn bè với nhau thì mang đến điều tốt đẹp cho nhau hơn, phải không?
    - Nhưng tại sao...?
    Nàng định hỏi tại sao lại xảy ra chuyện đó. Người ta như nắm bắt ngay được ý nghĩ của nàng:
    - Chị có bao giờ quan sát bầu trời lúc sắp xảy ra giông bão chưa? Một tia chớp sáng lóa rạch ngang bầu trời đen thẫm, sau đó là bão giông. Chuyện xảy ra giống tia chớp đó, tôi không sao nắm bắt được. Chỉ có điều sau đó là giông bão thật sự ập xuống đầu tôi.
    Nàng chìa tay qua bàn với một cảm giác cực kỳ nhẹ nhõm:
    - Ta sẽ là bạn tốt của nhau chứ.
    - Tất nhiên.
    - Và trái tim nàng cũng cực kỳ nhẹ nhõm: Ơn trời nàng đã vượt qua được cơn bão đó.
    Hết
    Vì sự trong sáng của tiếng Việt thân thương
  4. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Một phần ba cuộc đời

    Y BAN
    Làng chúng mình cùng nhau lớn lên là một làng quê rất đẹp phải không anh. Có đầy đủ cả cây đa, bến nước, sân đình. Có một chợ sớm tinh mơ ven sông. Lần đầu tiên trong đời, em biết nhận thức mọi sự quanh mình, em cứ ngỡ buổi chợ sớm hôm ấy họp ở trên thiên đường. Một màn sương sớm phủ trên mặt sông, mờ ảo như trong đám mây trắng chiều hè. Gió thổi nhè nhẹ, sương từ mặt sông bốc lên phủ trên những gương mặt người. Ðầu chợ là một cái lò rèn. Lửa trong lò reo ràn rạt. Trên bến, dưới thuyền, người mua kẻ bán tấp nập... Ðến bây giờ, trong lòng em vẫn chứa đầy những hình ảnh buổi chợ sớm đó, chỉ có điều nó không có một âm thanh nào hết. Và tất cả người, vật đều bay nhè nhẹ. Chính vì điều ấy mà bao lần nghĩ đến, em ngờ rằng mình không phải là người của cõi này. Chỉ có làng chúng mình và anh là điều có thật.
    Học xong lớp vỡ lòng ở đình, lên lớp hai phải ra trường. Trường của chúng mình phía chân đê, con đường tới trường đi ngang những thửa ruộng. Học lớp hai, chúng mình còn thấp hơn cây lúa. Có hôm mẹ đi đón ở cuối con đường, đầu này đường bốn bàn tay chúng mình vẫy mãi mà mẹ không nhìn thấy. Mẹ bảo:
    - Mẹ chỉ nhìn thấy bốn chiếc lá lúa to hơn.
    Lên lớp ba, chúng mình đã lớn hơn cây lúa. Hôm đi học trời mưa to giữa đường, thấy lúa dày khít, tưởng lúa sẽ che mưa được bèn rủ nhau rúc xuống ruộng lúa, ai ngờ vừa ướt lại vừa lấm. Lên lớp bốn, mỗi lần đi ngang qua đồng lúa, bọn trẻ chăn trâu cầm cái roi cưỡi trên lưng trâu vừa đi vừa quật vào lúa:
    - Cái đòng thì ngọt, cái vọt thì đau, bọn học trò chúng mày nhớ chưa.
    Trên ruộng vườn làng mình đâu chỉ có mỗi cây lúa. Vườn nhà anh trồng rất nhiều cam.
    Sau một trận mưa rào, anh sang gọi:
    - Liên ơi sang bói cam nẻ.
    Những quả cam còn xanh vỏ nhưng căng mọng, nứt vỏ, chìa những múi cam trắng ra ngoài. Quả ấy sẽ được hái ăn sớm.
    Ở LÀNG MÌNH CÒN MỘT ĐIỀU NỮA LUÔN TRỞ LẠI GIẤC MƠ CỦA EM. Những con gà mái mắn đẻ nhưng hay đẻ hoang. Chúng không đẻ trên ổ mà rúc vào đống rạ để đẻ. Tha thẩn rút những cọng rơm để đan mũ, em đã bắt được cả ổ trứng tròn nung núc ở chân đống rơm. Ôi những quả trứng tròn, mang trong mình một mầm sống cứ hiện về giấc mơ để cho em sống.
    Học lớp bốn, anh lên trường huyện vì anh là HỌC SINH GIỎI VĂN. EM HỌC XÃ NHÀ. Ở TRÊN TRƯỜNG HUYỆN, ANH CÓ NHIỀU CUỐN SÁCH HAY LẮM. MỖI LẦN VỀ thăm nhà, anh mang cho em. Em học không giỏi bằng anh, nhưng cũng mỗi năm một lớp.
    Học trường huyện nhưng anh không quên chăn trâu. Mỗi lần về, anh thường đánh trâu đi chăn. Anh cho trâu gặm cỏ ngoài ngõ nhà em làm em không thể đi ra đồng. Em cứ ngồi ở bếp chờ anh đánh trâu đi để chạy. Em rất muốn gặp anh, nhưng sợ chúng bạn chế lắm. Thỉnh thoảng anh mới về làng, nên anh không biết bọn chúng nó cứ hát rằng:
    Cây tre non không bao giờ mất ngọn
    Thời buổi này kén chọn làm chi
    Liên ơi cứ lấy Bình đi.
    Mà anh thì cứ vô tư mang sách về cho em.
    Ðến năm lớp bảy, em ước ao rằng em sẽ thi đỗ vào cấp ba để được cùng anh học chung trường huyện. Ước mơ của em thành sự thật, em đỗ cấp ba nhưng anh lại lên trường tỉnh.
    Trường tỉnh càng nhiều sách hay. Mỗi kỳ nghỉ anh mang về cho em bao nhiêu là sách. Trong chồng sách đó ngoài sách văn, sách toán có cả những tiểu thuyết, thơ tình. Con nhà nông không có thời gian nhiều để đọc sách. Em đã lén lút đọc trộm tiểu thuyết trong giờ sinh học. Cô giáo đã đứng nhìn em cả phút đồng hồ mà em không hề hay. Em đang lạc vào mối tình của A-na Ca-tê-ri-na. Cô giáo đứng bên cạnh từ lúc nào. Thay vì bắt quyển tiểu thuyết như các giáo viên khác, thì cô giáo lại bảo:
    - Mơ mộng lắm rồi vỡ mộng đấy em ạ. Mà mộng mơ của bọn con gái nhà quê chúng mình thì có cao hơn ngọn tre làng được đâu.
    Mùa hè cuối cùng, sân trường huyện không có hoa phượng, cũng không có cả bằng lăng, chỉ có cây bàng già tiễn đưa tuổi thơ chúng em. Gần hết bọn con trai thời đó đi bộ đội. Cả trường chỉ có ba, bốn đứa đỗ đại học. Hơn nữa, bọn con gái về làng lấy chồng, sinh con. Số còn lại đi trung cấp, sơ cấp.
    Anh đỗ vào Trường đại học Văn khoa trên thủ đô. Anh về nhà chờ ngày nhập trường. Gặp nhau ở giếng đầu làng, em không dám chào anh. Anh bảo: "Sao tóc Liên dài thế?".
    Anh không còn gọi em sang để bói cam nẻ nữa. Nhưng cái đêm thu ấy, khi anh sắp lên nhập trường, ở dưới gốc cam nhà anh, anh bảo em rằng:
    - Học xong anh sẽ cưới em làm vợ. Nhất định đấy.
    Anh còn tặng em cả một cuốn sổ thơ do anh viết, trong đó có rất nhiều bài anh tặng cho em.
    Năm sau em rời khỏi làng, bởi nghĩ rằng để xứng với anh, thì giấc mơ phải vượt ngọn tre làng.
    Ðó là một phần đời của em: Anh.
    Giữa phố phường tấp nập, nhan sắc của em dẫu có bị một phần đời buồn làm cho tan nát, nhưng tuổi trẻ vẫn vượt được qua, em vẫn lấy được một người chồng, danh giá, trẻ tuổi. Một phần đời nữa của em: Chồng.
    Em sinh được hai đứa con đẹp như tranh. Chúng khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn. Phần đời thứ ba của em: Con.
    Còn em chẳng còn gì cả.
    Em biết một phần đời anh là: Thơ.
    Anh bảo vì yêu em nên anh chẳng thể nào lấy em làm vợ. Anh để cảm xúc làm thơ. Em biết thế.
    Cuộc sống gia đình như một con thuyền trên đại dương. Lúc biển êm gió lặng, em sống với phần đời chồng và con. Em chăm sóc, yêu chiều họ và em là người họ cần. Thế là em thỏa mãn. Lúc biển động, sóng cả, em sống với ba phần đời: anh, chồng em và con em. Em lấy tình yêu và những bài thơ để vỗ về số phận, lấy lại sự thăng bằng và lấy lại cả tình yêu với chồng con. Thế rồi biển yên, gió lặng.
    Có một thời kỳ cuộc sống gia đình em khủng hoảng đến tưởng chừng tan vỡ. Chồng em biết về cuộc tình ngày xưa của chúng mình, cùng những bài thơ anh đã tặng em. Và cả những bài thơ anh làm thời hiện tại để tặng lại quá khứ, ấy là em. Dẫu em và anh có cách nhau cả ngàn cây số, nhưng chồng em lại cho rằng anh và em vẫn cứ lén lút đi lại với nhau ngay sau lúc anh ấy đi vắng. Em khó giải thích rằng đó chỉ là cái đã qua. Tình yêu đã là một điều khó giải thích thì sự ghen tuông lại là điều càng khó giải thích hơn. Sự thể đã đẩy em đến mức không thể nào chịu đựng nổi nữa. Em đưa lên bàn cân ba phần đời của em. Anh và những đứa con em đã làm cần cân có phần đời chồng em dựng ngược lên. Em biết em có thể sống yên ổn với những đứa con và những hoài niệm về anh. Thế là đủ lắm rồi. Từ lâu em đã chẳng còn biết tin tức gì về anh, ngoài tên anh và những bài thơ thỉnh thoảng anh in trên báo.
    Nhưng chồng em, có thể em không yêu anh ấy với cảm xúc bằng anh nhưng anh ấy lại là máu thịt của em. Anh ấy đã chia sẻ với em cả đến giấc mơ.
    Rồi sóng gió cũng lặng đi. Cuộc sống gia đình vốn là thế. Gia đình em cũng ngày càng đầm ấm, hiểu nhau hơn.
    Rồi anh xuất hiện. Ðó là một chiều đông. Sau bữa cơm, những đứa con em đang xem ti-vi. Chồng em ngồi uống nước chè. Em xem lại giáo án. Trong lòng không một cảm xúc. Ðột ngột, tiếng gõ cửa vang lên. Em vốn là người hay ra mở cửa mặc dù từ khi anh bỏ em, em đã chẳng còn chờ đợi ai nữa.
    - Anh!
    Tim em run lên bần bật. Anh hiện diện bằng xương bằng thịt. Dù đã 20 năm rồi mà anh vẫn thế.
    - ÁI LIÊN!
    Em nghe trọn cả hai tiếng tên em đó trước khi cánh cửa sập vào. Em cài then rất kỹ, rồi đi lại phía bàn soạn giáo án. Chồng em hỏi: "Ai đấy!".
    Em đáp: "Một ông phụ huynh hay rầy rà".
    Em ngồi như hóa đá nhưng các ý nghĩ thì quay cuồng. Ðã bao lần em nghĩ đến những cuộc gặp gỡ. Nếu là lúc em tự do nhất, em sẽ ào đến anh. Nếu có mặt chồng con, em sẽ giới thiệu anh với họ. Rồi sau đó họ sẽ tế nhị để lại hai chúng mình tâm sự. Hoặc, chồng em vì quá ghen tuông mà làm ầm ĩ lên thì sau đó em càng dễ bề đến với anh. Và đến với anh để làm gì, em không biết nữa. Ðể yêu anh như thuở ban đầu. Ðiều đó không bao giờ xảy ra cả, dù có là huyền thoại. Ðể trách móc, hờn dỗi ư? Không, em đã từng được yêu và bội bạc rồi yêu lại sau đó, rồi làm vợ, làm mẹ. Trái tim em đã được tôi luyện rồi, không còn chỗ cho trách móc, dỗi hờn.
    Vậy, bây giờ anh đã đến, em biết làm gì đây?
    Cái lúc em chao đảo nhất, em nghĩ đến anh như một điều linh thiêng, như một hoài niệm, chứ em hoàn toàn không bao giờ nghĩ rằng em sẽ đến tìm anh, để chia sẻ với anh con người bằng xương bằng thịt. Em nghĩ rằng, em ở trong anh cũng thế. Em đã thăng hoa thành vần thơ chứ không phải bằng xương bằng thịt.
    Em biết, hai cánh cửa ập trước mặt anh chẳng khác nào một cú đập kinh khủng xuống đầu anh. Anh sẽ tha hồ nguyền rủa em đi, rồi lại tự biện bạch rằng em đã trả thù cái ngày xưa ấy. Nhưng em không thể nào đánh đổi sự bình yên của gia đình em mà em đã phải đấu tranh bao nhiêu ngày tháng để giành giật được...
  5. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0
    Con mang cuộc đời của mẹ
    Y BAN
    Cảm nhận đầu tiên trong tôi là một con đường nhỏ ngoằn ngoèo, với hai bức thành đất rất cao. Phía trên đầu bầu trời cũng bị cắt thành những đường nhỏ. Trên tay tôi có một búp bê và một cái giỏ trong đó có những quả phi lao khô. Tôi cứ đi theo con đường trước mặt. Lâu lắm, thời gian như vô tận, tôi đi đến hết con đường. Ở ĐÓ CÓ NHỮNG BẬC THANG BẰNG ĐẤT. Tôi cố sức leo lên những bậc thang đó nhưng nó cao quá. Tôi suýt òa khóc thì nhìn thấy một rễ cây thò lò ở trên đầu tôi. Tôi đu vào rễ cây rồi leo lên các bậc thang. Trên mặt đất là một vườn cây to, tỏa bóng rợp mặt đất. Dưới nền đất những lá rụng được quét gọn thành một đống, sạch sẽ. Nắng chiều qua vòm lá thành những quả bóng to, nhỏ khác nhau trên mặt đất. Tôi đi quanh những gốc cây và cảm thấy muốn hát. Rồi một cơn buồn ngủ kéo đến. Tôi nằm trên đống lá và ngủ ngon lành. Trong giấc ngủ tôi mơ thấy những điều đẹp đẽ.
    Khi tôi đang chìm trong giấc ngủ thiên thần thì tôi đâu biết rằng mẹ tôi đang khốn khổ vì tưởng đã đánh mất tôi rồi. Máy bay Mỹ ập đến, người ta bế lũ trẻ bỏ xuống hầm, rồi phải đi sơ tán đồ đạc. Bọn trẻ ngồi túm tụm lại một chỗ. Còn tôi đi lang thang. Máy bay Mỹ cút đi, những bà mẹ đi tìm con, mẹ tôi không tìm thấy tôi đâu cả.
    Tôi mở choàng tỉnh vì thấy có ai đó bế tôi lên. Tôi mở mắt và nhìn thấy một người đàn ông mặc áo thụng đen. Ông cười với tôi. Tôi bảo ông rằng, trong đống lá kia còn con búp bê và lẵng quả phi lao nữa. Ông bế tôi quay trở lại lấy hai thứ đó rồi đi vào nhà thờ. Một lúc lâu sau, có người chạy đi báo mẹ tôi đến nhà thờ đón tôi. Nhìn thấy tôi, mẹ òa khóc, rồi chạy đến túm tóc tôi lôi xềnh xệch:
    - Con ranh con khốn nạn này, mày đi đâu mà để tao tìm đứt cả hơi. Sao mày không bị bom nó vùi đi cho rồi.
    Lúc đó cha không có mặt ở đấy.
    Khi đó tôi lên bốn nhưng sau tôi còn có hai đứa em trai nữa, một đứa lên hai và một đứa mới mấy tháng. Nơi chúng tôi đang sống không phải là quê của cha mẹ tôi mà là nơi họ làm việc. Nhưng đối với tôi đó lại là nơi chôn rau, cắt rốn. Ngày tôi ra đời là thời kỳ đất nước đang thịnh vượng, thế nhưng tôi lại được cắt rốn bằng lưỡi liềm cắt lúa. Chuyện thế này, lúc mẹ tôi lên cơn đau đẻ, được cha tôi đưa đến trạm xá. Bà trạm xá trưởng kiêm đỡ đẻ, kiêm y sĩ kê đơn, kiêm y tá tiêm chích thuốc khóa cửa đi ăn cỗ mãi bên xã khác. Cha tôi để mẹ tôi ngồi ở chiếc ghế chờ rồi mượn xe đi tìm bà y sĩ. Mẹ tôi quằn quại trên ghế, cơn đau mỗi lúc một tăng. Một bà đi kiếm rau lợn thấy mẹ tôi đau dữ quá bèn vào giúp đỡ. Sau thấy mẹ tôi đẻ đến nơi mà vẫn chưa thấy bà đỡ và cha tôi về. Bà bảo với mẹ tôi:
    - Cô chịu khó nằm đây, tôi vào tìm bà Mụ, ngày chưa có trạm xá bà ấy đỡ cho cả làng này đấy.
    Chưa đầy năm phút sau đã thấy bà quay lại cùng bà Mụ. Trên tay bà Mụ cầm một chiếc liềm đen sì. Bà Mụ khám cho mẹ tôi thấy cái đầu tôi lấp ló cửa dạ bèn giục bà đi hái rau lợn:
    - Chị kiếm cho tôi mấy cái tàu lá chuối khô, kiếm đâu được cái chậu nữa chứ, không thì bẩn tóe ra đây về bà trạm trưởng lại mắng cho.
    Thế là tôi ra đời trên cái ổ chuối khô, được bà Mụ cắt rốn bằng lưỡi liềm. Bà Mụ bảo: Trong các vật dụng của nhà nông thì chỉ có lưỡi liềm sạch nhất vì chỉ để cắt lúa và cắt rốn trẻ con. Ca đẻ mẹ tròn con vuông xong thì bà trạm trưởng và cha tôi mới về đến nơi. Bà trạm trưởng trách mắng mẹ tôi:
    - Cô lỗi thời quá, sao không chờ tôi về. Phản khoa học hết sức, ai lại cắt rốn bằng liềm. Nằm lại đây theo dõi.
    Bà Mụ nghe thế chỉ tủm tỉm cười rồi ra về. Hai ngày sau mẹ tôi bế tôi về nhà vì tôi chẳng bị làm sao cả. Câu chuyện này được cả làng biết, hễ ai nhìn thấy mặt tôi cũng kể. Tôi được nghe có dễ hàng trăm lần.
    Càng lớn lên tôi càng thấy vùng quê tôi ở sao mà đẹp thế, lắm điều kỳ lạ thế. Ngày ấy, tôi có khái niệm về mùa, một năm đối với tôi chỉ có hai dịp Tết và hè.
    Tết, ấy là khi cam trong vườn nhà bác Thạo ở bên cạnh nhà tôi đỏ rực. Cỏ ở bờ mương xanh ngắt mỡ màng. Cỏ chen mọc cả vào lối đi, cỏ che những vết chân trâu lồi lõm. Mẹ thay cho tôi một chiếc áo trắng và dặn:
    - Mày đi chơi đâu thì đi, đến chiều tối là về. Ngày mai mùng một chớ có vào nhà ai, cái thứ con gái đến nhà mùng một là dông cả năm, người ta chửi cho thì tao đánh chết.
    Tôi phải nhớ lời mẹ dặn. Sáng mùng một, mẹ tôi để cho tôi ngủ thoải mái. Bố mẹ sắp cơm cúng xong mới gọi chúng tôi dậy ăn uống. ¡n xong mẹ chia cho một ít bánh kẹo. Tôi gói vào khăn mùi xoa để dành cho cái Hoa. Nhà nó có nhiều bánh chưng hơn nhà tôi nhưng lại không có bánh kẹo, vì bố mẹ nó làm ruộng. Tôi đi ra ngõ, mẹ tôi gọi với theo:
    - Nhớ đừng vào nhà ai đấy.
    Tôi đi một mạch ra bờ mương. Nước đồng trong veo chưa cấy lúa, chỉ có cỏ ở bờ vùng, bờ thửa xanh nối lên trời. Từ cuối bờ mương, nơi giáp với làng bên xuất hiện một vài chấm nhỏ, rồi to dần, rồi tiếng cười, tiếng nói, rồi mầu xanh, mầu đỏ của áo xống phấp phới trong gió, những người họ hàng đi Tết nhau. Trong lòng tôi rạo rực đến kỳ lạ. Tôi muốn đi cùng những người họ hàng kia để đến những nhà họ hàng. Nhưng tôi chỉ được phép đứng dựa lưng vào gốc dừa để nhìn theo họ.
    Mùa hè, bắt đầu từ những cơn mưa rào. Ngồi dưới một tàu lá chuối to làm nhà, bên cạnh hàng rào mắc mấy sợi tơ chuối làm khung cửi, ngắt mấy lá mùng tơi làm mâm cơm. Một gia đình nhỏ ở trên thiên đàng. Bỗng đâu mây đen kéo đến che khuất mặt trời. Mưa rơi nặng hạt trên tàu lá chuối. Rồi cơn mưa trút xuống bất ngờ. Tôi chạy vội vào nhà trú mưa. Mưa càng to thì nỗi buồn của tôi càng lớn. Tôi không hiểu nỗi buồn của tôi đến từ khi nào. Có khi từ một buổi trưa, tôi nằm trong lòng mẹ với sự thanh bình nhất, rồi tôi ngủ thiếp đi. Cơn mưa đánh thức tôi dậy. Mẹ đã đi làm rồi. Thế là nỗi buồn ập đến. Và ngay cả khi tôi không thức dậy vào cơn mưa thì từ cơn mưa nỗi buồn ùa vào tôi. Nỗi buồn đeo nặng cả cuộc đời.
    Cơn mưa tạnh bất ngờ, nắng lại bừng lên. Sau cơn mưa tất cả bụi bẩn trên lá cây được gội rửa hết, chỉ còn lại màu xanh nguyên sơ của từng loài, lóng lánh những tia mắt cười dưới nắng. Sau cơn mưa là đến chuyện bố tôi đi bộ đội. Bố đi vào mùa hè, một buổi sáng, sau cơn mưa rào vào đêm. Ba chị em cùng mẹ đi tiễn bố. Nơi bố nhập ngũ sao mà đông vui thế. Rất nhiều cờ, có cả trống và rất đông thanh niên. Bố có lẽ là già nhất trong số họ. Mẹ cứ khóc còn chúng tôi thì cười và la hét với bố và những chú mà bố bảo là đồng đội. Bố đi buổi sáng, hết cả ngày hôm ấy đến đêm tôi không có cảm giác nhớ bố, mặc dù cho đến khi ấy tôi chưa bao giờ xa bố. Gần sáng, cảm giác lạnh, tôi quờ tìm bố để ôm lấy bố như mọi khi thì không thấy bố. Tôi nhớ bố đã đi rồi, tôi khóc khe khẽ. Mẹ tôi hỏi vì sao mà khóc, có đau hay nhức đầu gì không. Tôi chỉ khóc to hơn. Mẹ tôi dỗ:
    - Nói đi vì sao mà khóc rồi sáng ra mẹ cho đi xem đám ma.
    Tôi chưa bao giờ được đi xem đám ma nên tôi bảo với mẹ:
    - Con nhớ bố lắm!
    - Thế thì im đi, khóc gì cho ****** sốt ruột, sốt gan, không khéo lại bị giặc nó bắn chết đấy. Nhớ chưa, ****** chưa chết thì đừng có khóc, có nhắc gì làm bố rối ruột, không tỉnh táo mà tránh đạn được đâu. Tao cũng chẳng dám khóc đây này.
    Nghe mẹ nói tôi sợ lắm, nên mỗi lần nhớ bố tôi phải chạy đi tìm cái gì chơi để khỏi khóc.
    Mùa hè, cái ngày đầu tiên tôi đến trường trời đầy nắng. Cô giáo dạy trên lớp, về nhà mẹ dạy thêm cho tôi. Cô giáo dạy dễ thuộc, mẹ dạy dễ nhớ. Mẹ có những câu thơ thế này: "O tròn như quả trứng gà; ô thì đội mũ-ơ thì thêm râu. O, a hai chữ khác nhau; vì a có cái móc câu bên mình". Tôi cứ đọc theo mẹ thế mà thuộc. Nhưng đến hai chữ X và S thì tôi không sao phân biệt nổi. Mẹ cho tôi hai cái tát, một cái cốc, rồi bất lực bảo:
    - Tao chịu rồi con ngu dốt ạ, để mai cô giáo mày dạy cho mày.
    Mùa hè, là những đêm đầy huyền bí. Những đêm không trăng trời tối đen như mực, lũ trẻ bắt đom đóm bỏ vào lọ cầm đi chơi. Một thằng lớn đầu têu bảo:
    - Chúng mày có đến ngôi nhà ma không?
    - Có sợ lắm không?
    - Ði rồi khắc biết.
    Thằng lớn đi trước, một lũ bé rồng rắn theo sau. Căn nhà nằm riêng ra một chỗ bên cạnh một gò đất nhỏ. Xung quanh có những luống hoa thẳng tắp. Những con đom đóm lập lòe trong cỏ xung quanh nhà. Thằng lớn bảo:
    - Ðấy thấy chưa, ma trơi lượn đầy xung quanh nhà. Chạy đi kẻo ma nó đuổi đấy.
    Thế là ù té chạy. Những đứa bé vấp ngã bật khóc. Ðứa không ngã cũng khóc. Nỗi sợ hãi đi cả vào giấc ngủ. Thế mà ngôi nhà ấy ban ngày ối đứa vào hái trộm hoa.
    Một đêm, cách cái ngày bố đi bộ đội khá lâu, buổi tối mẹ giục chúng tôi đi ngủ sớm. Một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó làm giấc ngủ của tôi chập chờn, nhưng vì có ngọn đèn dầu được mẹ vặn nhỏ bằng hạt đỗ để ở đầu giường mà tôi yên tâm ngủ thiếp. Giấc ngủ kéo dài khá lâu thì đứa em tôi đạp đổ đèn, căn nhà chìm vào bóng tối. Tôi tỉnh giấc, gọi mẹ không thấy mẹ đâu. Tôi gào khóc, không thấy mẹ đâu. Tôi liền mở cửa, cửa bị khóa từ bên ngoài. Hai đứa em tôi cũng thức giấc. Chúng tôi gào khóc cuống cuồng, và cùng hé mắt nhìn ra khe cửa. Bên ngoài cũng tối đen như mực. Một lúc lâu sau, tôi nhìn thấy cổng có một đốm lửa bằng hạt đỗ. Tôi gào to:
    - Cho cháu xin tí lửa. Cháu sợ tối lắm.
    Ðốm lửa ngập ngừng định tiến lại phía cửa, rồi dừng lại. Tôi nài nỉ:
    - Cho cháu xin tí lửa đi, em cháu làm đổ đèn rồi, cháu sợ tối lắm. Mẹ cháu đi vắng.
    Ðốm lửa đứng yên lặng rồi từ từ quay ra phía cổng đi mất. Tôi gào khóc thêm một lúc nữa rồi mệt quá vào giường nằm. Không gian im lặng, tiếng cầu kinh đã tắt từ lâu rồi. Tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi. Sáng ra mẹ gọi dậy dặn dò để đi làm. Tôi ngơ ngác nhìn mẹ. Không hiểu đêm qua mẹ có đi vắng thật hay chỉ là một giấc mơ hãi hùng. Tôi tự đi xác minh xem, bởi tôi vẫn nhớ có một ngọn đèn hạt đỗ trước cổng nhà tôi. Nhưng hình như mọi người có điều gì muốn giấu. Họ im lặng nhưng đánh mắt sang nhau.
  6. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0

    Mùa hè, những cái roi thật sự quất lên da thịt tôi. Khi tôi lên bảy mẹ giao cho tôi một việc: đun một ấm nước mưa để nguội cho cả nhà uống. Mẹ đi làm tôi kéo chúng bạn đến chơi thả đỉa ba ba, đi chợ Ðồng Xuân... Vui không thể nào tả xiết. Nhưng cũng vì thế mà ấm nước sôi để nguội hết nhanh chóng. Sắp đến giờ mẹ về tôi mới bắc bếp đun nước. Tôi đút rạ vào bếp cháy đùng đùng mà mãi nước không sôi. Ở NGOÀI SÂN THÌ BỌN CHÚNG CƯỜI VUI quá. Mẹ về ấm nước còn nóng không uống được thế là tôi bị mấy cái cốc bêu trán. Một lần tôi đổ đầy ấm nước để cạnh bếp định đun nhưng cuộc chơi đang vui, cuốn đi, nên quên mất. Mẹ về khen tôi ngoan biết nghe lời. Tôi im lặng và suy nghĩ. Ðể tránh đòn của mẹ thì bận sau tôi chỉ cần đổ đầy nước mưa vào ấm và chẳng cần đun gì cả.
    Tôi chỉ tránh được một việc như thế. Còn những cuộc đi chơi cùng mẹ tôi rất khao khát mà dường như chẳng bao giờ được toại nguyện. Một lần thấy tôi đang tha thẩn chơi ở đường, mẹ đạp xe đi qua, dừng lại bảo:
    " - Về lấy mũ tao cho đi chơi". Tôi sướng quá nhảy chân sáo chạy về. Bỗng nhiên vấp phải hòn gạch ngã sóng xoài ra đường. Mẹ đang vui bỗng điên tiết đạp xe đi. Tôi chạy theo mẹ gào khóc: "Mẹ ơi, cho con đi với". Mẹ càng đạp nhanh hơn. Tôi hụt hơi ngã xuống bãi cỏ ven đường. Tôi thi gan nằm úp mặt cho đến khi mẹ quay về. Mẹ bẻ một cành roi thật to, quật và thề rằng: "Chẳng bao giờ tao cho mày đi đâu cả".
    Lâu lắm mẹ quên mất lời thề, một chiều mẹ bảo tôi dọn cơm sớm ăn rồi cho đi chơi. Tôi sướng sun người, vừa bê mâm bát vừa hát. Bỗng: choang. Chao ôi! Tôi bị vấp phải bậu cửa. Mẹ lại điên tiết lên: ở nhà, không đi đâu nữa. Tôi đã hết lời van xin mẹ mà mẹ vẫn chỉ dắt hai thằng em tôi đi. Tôi gào khóc dữ dội. Trời ập tối, tôi bỗng thấy mình thật bé nhỏ, cô đơn. Tôi nhớ đến bố. Mặc dầu vẫn nhớ lời mẹ dặn là không được khóc hờ bố vì bố chưa chết, để bố tỉnh táo mà tránh đạn nhưng tôi nghĩ, tôi chẳng còn ai thương nữa ngoài bố ra. Tôi khóc: "Bố ơi về với con đi, mẹ ghét con lắm. Mẹ chỉ yêu chúng nó thôi. Chẳng còn ai thương con cả". Giọng tôi khản đặc. Mệt mỏi quá tôi ngồi im lặng và mở to mắt để nhìn. Trước mặt tôi là một người mặc áo thụng đen đang nhìn chằm chằm vào tôi. Rồi người đó đưa tay cho tôi:
    - Tâm hồn con bị lạc lối mất rồi, theo cha về để cha rửa tội lỗi cho con.
    Tôi ngoan ngoãn đứng lên và lầm lụi bước theo người đó với cái đầu rỗng tuếch. Ông dẫn tôi vào một căn phòng rộng, thắp đèn măng-sông sáng trắng. Ông mở tủ rót cho tôi một chén nước và lấy cho tôi mấy chiếc kẹo, thứ kẹo này dù có dịp Tết tôi cũng chưa được ăn bao giờ. Ông chìa cho tôi nhưng tôi rụt tay lại thành hai nắm đấm giấu chặt vào đùi. Tôi bậm chặt môi và nhìn trừng vào mặt ông. Thì ra ông không già như tôi tưởng, chỉ già hơn bố một ít thôi. Ông cũng nhìn thẳng vào mặt tôi rồi để kẹo và nước xuống bàn. Ông nhìn vào mặt tôi một hồi lâu và tôi cũng cứ giương mắt nhìn vào ông như thế. Ông rời mắt khỏi tôi, rồi kéo ghế ngồi xuống bên cạnh.
    - Nào con của ta, con hãy kể cho ta nghe vì sao con lại gào khóc như thế?
    Tôi im lặng.
    - Ta biết bố con đi vắng rồi nhưng bố con vẫn thường xuyên nghe thấy những lời con nói đấy.
    - Có thật không hở cha? Nhưng bố con vẫn tỉnh táo để tránh đạn của quân thù chứ cha?
    - Con nói sao?
    - Mẹ con dặn, không được nhắc đến bố, nhớ bố cũng không được khóc, vì bố chưa chết, để bố tỉnh táo mà tránh hòn đạn mũi tên. Nhắc nhiều đến bố, bố rối ruột lên.
    - Mẹ con dặn thế à?
    - Ðúng không cha?
    - Thế con kể đi, vì sao mà con gào khóc dữ thế?
    - Vì con rất yêu mẹ con mà mẹ con lại không yêu con. Mẹ con đánh con, không cho con đi chơi cùng mẹ.
    - Không đúng thế đâu, mẹ rất yêu con, mẹ không ghét bỏ con đâu. Chắc mẹ có lý do nào đó. Con ơi, cha muốn nói với con điều này. Con được sinh ra ở trên đời này là một kết quả đẹp đẽ nhất trong sự sinh sản của muôn loài. Bởi vậy con mang trong mình con một vũ trụ riêng. Con đã có những niềm vui, sự sung sướng phải không? Vậy sự khổ đau và nỗi buồn cũng sẽ tự mình con mang lấy. Con có thể chia sẻ với người này, người khác nhưng con hãy mang một chữ "nhẫn" bên mình. Có chữ nhẫn bên mình con sẽ thấy cuộc sống dễ dàng hơn. Con đừng oán trách cha mẹ làm gì. Dẫu sau này cuộc sống của con có khốn khổ đến nhường nào. Với bố con, con hãy ngày đêm cầu nguyện cho ông ấy, mong Chúa ở bên ông, che chở cho ông ấy.
    - Nhưng mà nhà con không có Chúa.
    - Cha biết, nhà con theo đời nhưng Chúa ở trong tim con ấy. Con hãy tin ông ấy sẽ che chở cho con.
    Tôi và cha nói chuyện với nhau rất lâu. Tôi vui lên rất nhiều. Tôi quên hết cả mọi buồn phiền. Tôi uống hết cốc nước, ăn hết kẹo. Cha xoa đầu tôi:
    - Khuya rồi đấy, con về đi kẻo mẹ chờ. Con có sợ bóng tối không, cha sẽ đưa con về.
    - Con không sợ đâu, con sẽ chạy một mạch. Ồ, CHA ƠI, TRĂNG KÌA!
    Trăng cuối tháng tỏa xuống đất trời vào lúc đêm đã khuya, vạn vật đã im lìm trong giấc ngủ. Cỏ cây cũng đã ngủ say, ánh trăng cù vào lá, lá càu nhàu rung nhẹ. Rồi chẳng đừng được mở mắt ra cười lóng lánh với trăng. Tôi chạy một mạch về nhà với tâm trạng như vừa được tắm rửa sạch sẽ. Mẹ đã đóng chặt cửa. Tôi gọi:
    - Mẹ ơi mở cửa cho con với .
    Im lặng.
    - Mẹ ơi, mở cửa cho con vào ngủ với. - Tôi gọi to hơn.
    Im lặng.
    - Mẹ ơi! - Tôi gào lên.
    - Mày sang chuồng lợn nhà bác Thạo mà ngủ.
    - Mẹ ơi, con muốn vào nhà.
    - Mày mà gào lên lần nữa tao sẽ đánh cho mày nhừ đòn đấy!
    Tôi lặng lẽ ngồi xuống bậc thềm. Ô kìa! Trăng cũng có bóng. Mái rạ nhà tôi đổ bóng xuống đến giữa sân, bóng cây na góc thềm cũng có những đốm trắng chui qua kẽ lá. Ô, mặt trời đêm, đúng rồi. Mặt trời đêm mọc rồi. Tôi chạy ra ngõ. Con đường lát đá sáng bóng loáng. Bụi tre, vại nước, cây cau bên nhà bác Thạo cũng đổ bóng xuống thềm. Trăng sáng rõ từng ngọn cỏ cũng đang vươn dậy, động đậy khẽ ngả sang nhau. Ô, thì ra mọi vật đều thức cả, chỉ có mẹ và con người nằm trong bóng tối của ngôi nhà mới đang ngủ. Tôi cảm thấy đầu óc rất tỉnh táo nhưng mí mắt thì nặng trĩu. Tôi rất muốn thức cùng vạn vật nhưng tôi cũng buồn ngủ như những con người ở trong các ngôi nhà kia. Theo bản năng tôi đi về phía cửa nhà mình. Cánh cửa đã để ngỏ chờ tôi chứ không còn cài chặt nữa. Một ý nghĩ loáng qua đầu, thì ra mẹ cũng chẳng ghét mình đâu, rồi tôi ngủ thiếp đi mê mệt.
    Mùa hè, những câu chuyện cổ tích. Sau cái đêm được cha rửa tội, tôi có thêm một người bạn mới - đó là cha. Những lúc rỗi rãi, tôi không còn chơi thả đỉa ba ba, chơi ô ăn quan hay trèo lên cây nhãn rồi nhảy xuống ao bơi sang bờ bên kia nữa, mà tôi ra nhà thờ. Tôi được phép vào gặp cha bất cứ lúc nào. Nếu là lúc cha rỗi rãi tôi với cha sẽ ngồi trò chuyện. Cha hay kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích. Cha kể chuyện rất có duyên. Truyện ngàn lẻ một đêm làm tôi đứng cả tim. Nếu là lúc cha bận việc, tôi có thể vào tủ sách của cha để mượn một quyển nào đó tôi muốn đọc. Có điều phải ngồi đó đọc không được mang về nhà. Mùa hè năm tôi lên tám tuổi tôi đã đọc trọn bộ cổ tích Andecxen. Mặc dù rất mải mê đọc truyện nhưng tôi vẫn phải nhớ về trước khi mẹ về. Có một bản nhạc vào lúc 11 giờ trưa đánh thức nỗi sợ hãi của tôi... Cái bản nhạc đó nổi lên, tôi đang ở đâu cũng nhanh chân chạy về nhà, rửa sạch chân tay và ngồi lên giường chờ mẹ.
    Một hôm tôi đến chỗ cha, cha đang chuẩn bị đi đâu đó.
    Cha rủ tôi đi cùng:
    - Cha sang xứ làng bên đây, con có đi với cha không?
    Lâu lắm tôi chẳng được đi chơi ở đâu cả nên tôi thích lắm. Tôi đồng ý đi cùng cha. Cha dắt tay tôi đi trên những bờ mương, rồi đi qua những bờ vùng, bờ thửa. Chỗ nào lội cha bế bổng tôi qua. Tôi cảm thấy rất yêu quý cha và không còn nhớ đến bố nữa. Thế là bố đã đi bộ đội được ba năm rồi. Bố không gửi thư về nhà nhưng tôi tin là bố chưa chết, vì mẹ không khóc. Tôi hỏi cha:
    - Cha ơi, cha có con không?
    - Không có con ạ.
    - Vì sao thế?
    - Vì cha không được phép có con.
    - Ai cấm cha?
    - Khi nào lớn con sẽ hiểu.
    Ðường đi khá xa, tôi mỏi nhừ chân nhưng vì những câu chuyện cha kể nên tôi không thấy mệt. Buổi trưa ấy tôi được ăn một bữa cỗ rất thịnh soạn. Sau đó cha nhờ một người đèo tôi về nhà. Mẹ tôi rất giận dữ, bỏ buổi làm chiều để chờ tôi về. Mẹ chuẩn bị sẵn một cái roi. Mẹ đánh cho tôi một trận rất đau. Vừa đánh mẹ vừa khóc.
    - Mày bêu riếu tao rồi con ơi, mày nghe làng xóm họ nói gì không? Từ nay tao cấm mày không được ra nhà thờ chơi với cha nữa nghe chưa? ****** ở đâu không về mà dạy mày để mày mất dạy thế này.
    Mẹ vừa khóc vừa nhắc đến bố làm tôi bỗng nhiên thót cả tim. Bố làm sao phải không? Vì mẹ vẫn bảo rằng không được khóc vì bố chưa chết đâu. Vậy mà mẹ lại khóc. Tôi sợ lắm không dám đến chơi với cha nữa. Vài tuần sau cha nhờ người mang đến cho tôi quyển chuyện cổ tích Grim. Cha đề tặng tôi hẳn hoi.
    Mùa hè, bố chiến thắng trở về. Bố về nhà vào buổi tối, khi cả nhà vừa ăn cơm xong. Bé út, khi bố đi bộ đội mới chưa đầy một tuổi thốt lên. "Có chú bộ đội vào nhà mình" Mẹ òa khóc. "Anh đã về đấy à? Anh có bị sao không?" Bố cười hàm răng trắng trên khuôn mặt sạm đen. Mẹ đứng nép vào một bên ngực bố, tôi đứng bên kia, còn hai đứa em thì nhìn bố ngơ ngác. Tôi cầm vào tay bố nhưng đó chỉ là một tay áo rỗng. Tôi thốt lên: "Tay bố đâu rồi? "Bố bỏ vai mẹ ra xoa tay lên đầu tôi: "Mất rồi con ạ". Mẹ thảng thốt nắn từ vai bố trở xuống xem còn đến đâu. Bố bảo: "May mà còn tay phải, còn làm được nhiều việc". Tối đến cả nhà vui không thể tả được.
  7. Milou

    Milou Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    07/06/2001
    Bài viết:
    7.928
    Đã được thích:
    0

    Ngày hôm sau mẹ trong trạng thái cực kỳ sung sướng. Mẹ dậy sớm đi chợ. Tôi được theo mẹ đi. Ði qua một chiếc cầu nhỏ bằng tre, chợ được họp ở một khu đất rộng, dưới gốc những cây chay già. Ðêm hôm trước trời mưa rào, để ngày hôm sau, trời mang xuống một thứ nắng thủy tinh. Nắng trong veo không một gợn bụi. Chợ mà không ồn ào. Người mua, người bán nói khẽ khàng như sợ nắng thủy tinh vỡ òa ra. Mẹ mua gà, mua thịt, mua rau... rất nhiều thứ. Về đến nhà có mấy bác cùng cơ quan bố mẹ đã chờ sẵn, mỗi người xúm vào một tay thế là tôi không phải làm gì cả. Tôi nhớ đến cha. Tôi muốn báo cho cha biết bố tôi đã về. Cha đón tôi mừng rỡ lắm:
    - Lâu lắm rồi con chẳng đến thăm ta. Con cao quá rồi, chắc lớn lên con sẽ thành cô bé xinh đẹp đây.
    - Cha ơi, bố con đã về rồi. Bố con bị mất một cánh tay.
    - Ơn Chúa, nhờ Chúa che chở cho ông ấy.
    - Có phải là nhờ Chúa hay do con đã không khóc và nhắc đến bố như lời mẹ dặn hở cha?
    - Nhờ cả hai điều đó con ạ.
    - Thôi chào cha con về đây, mẹ không muốn con chơi với cha đâu.
    - Cha biết, tạm biệt con.
    Sau mùa hè đó, nhà tôi có một sự chuyển dời. Nhà tôi không ở miền quê đó nữa mà chuyển lên thành phố. Mẹ tôi thuyết phục bố:
    - Vì tương lai của chúng nó anh ạ. Lên thành phố chúng nó được học hành tử tế hơn. Vả lại con Hoa, sao mà nó lại giống em đến thế. Dường như nó đang lặp lại chính em.
    Mẹ nghẹn ngào như khóc.
    Tôi chuyển lên thành phố với một bí mật mang theo. Tôi không đến từ biệt cha được, nhưng quyển sách cha tặng tôi đã giấu mang theo.
    Lên thành phố tôi thay đổi hẳn. Dù không muốn thay đổi cũng sẽ phải thay đổi. Mỗi lần tôi phát biểu, bạn cùng lớp cười khúc khích; chúng bảo: "Nghe con nhà quê nó nói buồn cười quá". Về nhà tôi đóng chặt cửa để tập nói. Tôi ngâm chân vào nước nóng cho đến bợt cả ra để kỳ sạch những móng chân vàng. Ngoài những thứ đó tôi học rất giỏi.
    Lên thành phố mẹ cũng như khác hơn, mẹ sống có vẻ thoải mái hơn. Nhưng với tôi mẹ vẫn một mực khắt khe. Mẹ theo dõi từng đường đi, nết ăn ngủ của tôi rồi riết gióng, mắng mỏ. Tôi cố thu mình lại trong chữ nhẫn. Mặc dù thế trong tim tôi vẫn vang lên những câu nói của mẹ: "Con Hoa - sao mà nó giống em thế!". Nếu tôi giống mẹ thì tại sao mẹ lại không yêu tôi? Ðối với hai đứa em tôi lại khác, mẹ chiều chuộng chúng hơn tôi nhiều. Mẹ hay đi chơi với chúng, điều đó thật xa lạ với tôi. Ðiều bí mật tôi không thể nào lý giải được. Sau tôi cho rằng hay mẹ không thích tôi vì tôi là con gái. Nhưng nhà tôi chỉ có một mình tôi là con gái thôi mà. Với bố, bố lại hay chăm sóc đến tôi. Bố hay trò chuyện hỏi han tôi nhưng tình cảm với bố, có một cái gì đó như è dè, ngăn cách. Có lẽ bố không biết những câu chuyện cổ tích hay lý giải về vũ trụ như cha, tôi cảm thấy thiếu thốn một thứ tình cảm nào đó. Càng lên lớp cao hơn tôi càng thu mình lại. Tận đáy lòng tôi vẫn ước ao rằng đến một lúc nào đó bố mẹ sẽ hiểu tôi hơn.
    Tôi tốt nghiệp đại học, tôi bỗng hiểu được tấm lòng bố hơn. Tôi hay tâm sự cùng bố. Một lần tôi đem thắc mắc của tôi ra với bố:
    - Con không hiểu sao mẹ và con không hiểu được nhau, mà con thấy con rất giống mẹ, từ nét mặt, dáng đi đến lời ăn tiếng nói.
    - Chỉ có điều mẹ không có được chữ nhẫn như con mà thôi.
    - Sao bố biết?
    - Bố chỉ không nói ra thôi con ạ.
    - Nhưng con cảm thấy chữ nhẫn của con cũng có giới hạn. Con thề rằng con không bao giờ sinh con gái để rồi nó lại khổ như con.
    - Giêsu ma! Sao con độc mồm thế.
    - Sao hở bố? Bố đã từng theo đạo Thiên Chúa à?
    - À không, bố bắt chước đấy.
    Bố có vẻ rất bối rối.
    Nó về chữ "Nhẫn", lúc lên tám tuổi cha dạy cho tôi về chữ nhẫn, tôi đã học được nó. Nhưng kèm với chữ nhẫn đó thì tôi học được tính bướng bỉnh, tôi chỉ làm theo ý mình. Khi tôi nói với bố rằng, tôi không muốn sinh con gái, tôi không muốn nó phải giống số phận của tôi thì tôi đã nung nấu điều đó. Mặt khác, do học hành mà tôi biết rằng chưa có cách gì để sinh con theo ý muốn cả. Vậy chỉ có một cách là tôi không bao giờ có con dù là trai hay gái. Còn việc lấy chồng - đương nhiên là tôi sẽ lấy chứ.
    Về già, mẹ tôi trở nên đỡ nghiệt ngã với tôi hơn, tuy nhiên để mẹ con tâm sự được với nhau thì có lẽ là không bao giờ. Nhiều lần mẹ chỉ nói bóng gió - Con gái có thì, lấy chồng đi kẻo ế. Mỗi lần mẹ chỉ nói bóng gió thế thì tôi càng sắt đá hơn trong ý nghĩ - Không bao giờ tôi sinh con gái. Bởi ý nghĩ quyết liệt đó mà ngay cơ thể tôi ngày càng như khô đét lại. Về việc lấy chồng, có khá nhiều người theo đuổi tôi nhưng khi tôi nói ra điều kiện thì họ lần lượt bỏ tôi mà đi. Tôi chẳng lấy đó làm đau khổ hay mục đích để đạt tới. Hai đứa em tôi đã đàng hoàng gia thất, chúng đẻ ra những đứa con gái, con trai rất xinh đẹp. Bố mẹ tôi tự hào về chúng lắm.
    Bất chợt vào một đêm tôi làm việc khuya đã nghe thấy câu chuyện của bố mẹ tôi. Giọng mẹ tôi run run:
    - Ông ơi, hay tôi nói thật với con đi. Tôi ân hận quá, cầu Chúa lòng lành tha tội cho tôi. Bây giờ thì tôi vừa mang tội với ông, tôi vừa mang tội với nó. Tôi nào có ghét gì nó đâu kia chứ. Ðáng lẽ tôi phải thương nó gấp hai lần. Tôi mang ơn ông vì ông đã thương yêu nó vậy. Ông ơi, tôi cảm thấy sức mình đang yếu dần, ông hãy giúp tôi nói với con.
    - Bà chớ có âu sầu thế. Bằng ấy năm, Chúa đã rửa tội lỗi cho bà rồi. Nhưng này, bây giờ tôi mới hỏi bà, cái hồi tôi đi bộ đội, đêm bà khóa trái cửa con cái trong nhà, bà đi đâu vậy?
    - Ông cũng biết chuyện đó ư? Tôi đi cầu chúc. Tôi không dám vào nhà thờ, tôi quỳ ở ngoài vườn chay để cầu nguyện cho ông. Về điều này, tôi dám ngửng mặt lên mà nói với ông.
    - Tôi tính với bà thế này, ngày mai tôi với con về quê. Bao nhiêu năm chúng mình không về quê.
    Tôi nghe trọn câu chuyện của bố mẹ, một nỗi giận hờn con trẻ bừng lên trong tim làm đau đớn. Tôi tự nhủ dứt khoát tôi không về quê với bố. Tôi không muốn biết cái sự thật mà bấy lâu bố, mẹ đã giấu giếm tôi nữa.
    Hôm sau, để bố không có cơ hội nói với tôi chuyến về thăm quê, tôi nói với bố mẹ tôi phải đi công tác một tháng. Tôi đến để xin cơ quan đi công tác xa. Hóa ra chuyến đi của tôi không phải một tháng mà kéo dài đến ba tháng. Sắp kết thúc chuyến công tác thì tôi nhận được tin mẹ ốm nặng. Tim tôi đau nhói vì một linh cảm xấu. Tôi không oán giận bố mẹ nữa. Tôi chỉ mong bố mẹ khỏe mạnh. Tôi nhanh chóng trở về nhà. Mẹ tôi ốm rất nặng. Tôi nhào đến bên mẹ. Mẹ tôi thiêm thiếp. Bao nhiêu năm rồi bây giờ tôi mới động vào người mẹ. Từ cái thuở biết nhớ, tôi chỉ nhớ đến những cái tát, cái cốc của mẹ, tôi không nhớ một sự vuốt ve âu yếm nào của mẹ cả. Cũng vì thế mà tôi cũng không bao giờ tỏ tình cảm với mẹ. Thậm chí có lúc hai mẹ con cùng bước vào cửa nhà, tôi tránh vào một bên để không đụng vào mẹ.
    Khi động vào người mẹ, tôi bỗng cảm nhận thấy một luồng điện giao cảm của mẹ và tôi hòa vào nhau rất mạnh. Tôi biết, tôi đã và đang yêu mẹ biết chừng nào. Mẹ dường như cũng cảm nhận được điều đó, mẹ từ từ mở mắt ra. Mẹ ứa nước mắt và lẩy bẩy rút ra từ dưới gối một tấm ảnh đưa cho tôi. Tôi cầm lấy và thốt lên.
    - Cha!
    Mẹ lắc đầu:
    - Không phải cha của con đâu mà cha của mẹ đấy.
    Tôi lật phía sau tấm ảnh ghi G.L 1958. Cha Luận. Cha của tôi là Nghi. Cha Nghi. Mẹ thều thào:
    - Cha con đấy, à không, bố đẻ của con đấy!
    Mắt mẹ thật thanh thản khi nói ra điều ấy. Còn tôi, tôi muốn ngất xỉu. Bố đứng bên cạnh đỡ tôi đứng lên ra bàn uống nước.
    - Con lại đây cho mẹ nghỉ.
    Tôi theo bố như một cái máy. Bố ngồi xuống bên cạnh cầm lấy tay tôi:
    - Con có muốn nghe không? Bố kể cho con nghe câu chuyện này.
    ... Ðiều con vẫn biết là mẹ con mồ côi từ bé được bà cô chết chồng, chết con nuôi nấng dạy dỗ. Nhà bà cô rất giàu ở một vùng theo đạo Thiên Chúa nhưng bà cô lại không theo đạo nào cả. Có lẽ vì là người chết chồng, chết con nên bà cô rất độc ác. Bà đánh mẹ con những trận đòn rất đau. Khi lên tám tuổi mẹ con chạy trốn vào nhà thờ những khi đòn đau. Cha xứ che chở linh hồn cho mẹ. Mẹ con lớn lên xinh đẹp, còn bố là con một người dân cày ở đó. Bố mẹ đã trốn làng quê đó, rồi xin đi làm công nhân ở một nhà máy đóng trên cái nơi con đã sinh ra... Con hiểu không, mẹ rất yêu con nhưng những mặc cảm tội lỗi cứ bám theo bà. Bây giờ con có quyền phán xử bố mẹ đây. Bố mẹ có lỗi với con.
    Tôi lau khô những giọt nước mắt và nắm chặt tay bố.
    - Trên đời này con chỉ có một bố thôi, đó là bố. Chính bố đã sinh ra con. Con mãi mãi biết ơn bố.
    Tôi đi đến bên mẹ. Mẹ đang ngủ ngon lành lắm. Tôi ngồi xuống bên cạnh, cầm lấy bàn tay mẹ. Tôi thì thầm:
    - Mẹ ơi, mẹ không có lỗi nào hết. Ðiều bí mật mẹ mang hộ con đến bây giờ con đã thành một người phụ nữ trưởng thành. Nếu con biết điều này sớm hơn, không biết rằng đời con sẽ ra sao. Mẹ ơi, con muốn nói với mẹ điều này, ngày mai con sẽ đồng ý để anh ấy cưới con. Dẫu bốn mươi tuổi con vẫn có thể đẻ cho chồng con một đứa con gái cơ mà. Chồng con rất thích một đứa con gái.
    Mẹ hãy tỉnh dậy đi để con nói với mẹ điều này.
  8. minhkim

    minhkim Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    11/10/2003
    Bài viết:
    516
    Đã được thích:
    0
    Cái Tý
    Cái Tý cõng em đứng như tượng nhìn vào mảnh vườn nhỏ, trước một căn nhà nằm ở chân đồi. Một ngôi nhà thật lạ vì nó cách biệt với xóm nghèo rất xa, mà lại trồng cả hoa nữa chứ. Nó rụt rè đẩy chiếc cổng bằng cây trúc xanh bước vào sân, muốn nhìn thật kỹ những bông hoa ấy. Hoa - nào đâu có lạ với nó, hoa mướp, hoa cà, hoa bí, nó thuộc làu làu. Nhưng đây là thứ hoa khác nó chưa nhìn thấy bao giờ. Nó muốn biết thứ hoa đó có kết trái được không và quả của nó như thế nào. Nó thả em xuống đất, một thằng bé con chỉ có một mảnh áo không che kín được cái bụng ỏng. Thằng bé đánh xệp xuống đất rồi lê đến bờ rào vin vào đó đứng lên. Cái Tý rón rén bước vào vườn, nó ngồi xuống bên cạnh khóm hoa. Nó thành thạo đỡ lấy bông hoa ngắm nghía, rồi lấy ngón tay khẽ vạch những cánh hoa che mất phần nhụy. Nó nhìn kỹ vào nhụy hoa. Quả thật đó là một thứ hoa lạ vì nhụy rất bé. Điều đó không hứa hẹn sẽ cho thứ quả nào cả. Để kiểm chứng, nó tìm kiếm xung quanh bụi hoa một bông hoa đã tàn xem có đậu quả không? Chẳng có một quả nào cả. Nó thở dài, hoa thì đẹp quá nhưng rõ là đồ vô tích sự. "Đồ vô tích sự". Đó là những thứ không thể bỏ vào mồm được, bố nó dạy nó thế. Nó đến bên thằng bé xốc lên lưng.
    Cái Tý đâu hay rằng, tất cả những cử chỉ của nó đã không lọt qua được đôi mắt của một người đàn ông đang nhìn nó qua khe liếp. Khi nó sắp sửa cõng em đi ra cổng thì người đàn ông nói:
    - Này, cháu ơi. Cháu có thích hoa thì hãy hái lấy một bó. Chú cho cháu đấy.
    Nó quay lại lắc đầu.
    - Vì sao thế? Chú biết cháu thích nó mà?
    - Cháu cũng thích vì thấy nó đẹp nhưng nó là đồ vô tích sự.
    Con bé đã làm cho người đàn ông cực kỳ tò mò. Người đàn ông nhìn nó, một con bé khoảng 12, 13 tuổi, với nước da nâu và hai hàng lông mày đẹp như hai nét vẽ. Nhưng thân hình nó thì quá nhỏ bé. Sự tò mò đã khiến người đàn ông mời:
    - Cháu vào nhà chú chơi một lát được không?
    - Cũng được, nhưng đến chiều cháu phải chăn trâu rồi.
    Bước vào căn nhà lạ, cái Tý lại một phen ngạc nhiên nữa. Trong nhà có một tủ sách to hơn cái giường. Như cái cách đã làm ở vườn hoa, nó thả em xuống đất. Người đàn ông nhắc:
    - Cháu để em lên giường đi.
    - Em cháu nó bẩn lắm, làm bẩn giường của chú mất.
    Nó đến bên tủ sách, ngắm nghía và thử ước tính xem có bao nhiêu quyển. Có đến hàng trăm. Nó thử đưa tay sờ lên một quyển rồi lại rụt tay vào:
    - Cháu cũng thích sách à?
    - Không, đồ vô tích sự!
    Nó quấy quả đi ra chỗ em đang ngồi, xốc thằng bé lên lưng, đi ra khỏi nhà.
    - Này, - người đàn ông gọi với theo. - Cho cháu cái kẹo này.
    Mắt nó sáng lên, nó quay vào nhà đặt em xuống đất, đỡ lấy mấy cái kẹo người đàn ông đưa cho. Nó cho em một cái, lấy cho mình ăn một cái, còn lại vặn vào cặp quần, là nơi cất giấu rất lý tưởng, bởi chưa bao giờ nó mặc áo có túi. Ngậm chiếc kẹo vào mồm nó ngửng mặt lên cười với người đàn ông. Một bên má nó có một núm đồng tiền trông duyên tệ, và hình như má nó có chút mầu hồng.
    - Cháu bao nhiêu tuổi?
    - Mười.
    - Mới lên mười thôi a?
    - Thế là nhớn rồi đấy!
    - Cháu có đi học không?
    - Không, đã bảo nhớn rồi mà.
    - Chú muốn hỏi cháu điều này, vì sao cháu bảo hoa và sách là đồ vô tích sự?
    - Vì bố cháu bảo. Phàm thứ gì không ăn được là đồ vô tích sự hết. Thôi cháu về đây, nhưng thỉnh thoảng cháu lại ra chơi với chú nhé.
    - Đồng ý. Và cháu hãy biết rằng cái tủ sách kia không vô tích sự đâu nhé. Trong đó lúc nào cũng có kẹo đấy.
    Con bé nhoẻn miệng cười.
    Sau buổi làm quen đó, cái Tý dường như đã có thêm một người bạn mới. Cứ đến phiên nó trông em là mắt trước, mắt sau nó đã đến ngôi nhà đó. Nó lặng lẽ đi chứ không rủ dăm ba đứa bạn cũng trông em như nó cùng lang thang đi chơi hoặc ngồi đánh chắt. Nay, nó phải giấu kín ngôi nhà đó. Vì trong ngôi nhà đó luôn có thức ăn chờ đợi và ít thôi nên không thể chia sẻ cùng chúng bạn.
    Cái Tý là một con bé ngoan ngoãn và biết điều như mẹ nó vậy, không bao giờ ăn không của ai cái gì. Mỗi lần đến căn nhà đó, nó cùng em ăn xong cái bánh quy gai, hoặc một mẩu bánh mì, cũng là lúc nó nhìn ra việc cần phải làm. Nó quét dọn nhà cửa, khua mạng nhện. Nó phủi bụi trên giá sách. Nó cuốc đất vun cho mấy luống hoa. Nó rửa những cái bát rếch. Người đàn ông ngăn lại, không muốn nó làm thế. Nhưng nó cười duyên tệ: - Chuyện vặt của đàn bà, chú để ý làm gì.
    - Sao lại đàn bà?
    - Thì cháu đã chẳng phải là một đứa con gái rồi sẽ thành đàn bà ư?
    Rồi một hôm nó nghĩ ra:
    - Tại sao chú chỉ sống có một mình mà không có mẹ, bố, anh em, vợ con nhỉ?
    - ừ, vì chú chỉ thích sống một mình thôi.
    - Tại sao lại có thể thích theo ý mình được nhỉ, chẳng lẽ không có ai bắt buộc chú phải làm điều đó ư? Ông, bà, bố, mẹ, họ hàng và hàng xóm nữa. ở làng cháu không có ai phải sống một mình cả. Đến như bà Gái thọt chân mà cũng ở với con đàn cháu đống nữa là.
    Bỗng nó im lặng nhìn đăm đăm vào mặt người đàn ông:
    - Có một người đàn ông sống một mình như chú, ở rìa làng không có ai đến chơi cả. Nhưng mà người đó chết rồi. Bà cháu kể rằng, ông ấy bị hủi. Vậy chú có phải...
    - Thế bà cháu kể người hủi đó bị như thế nào?
    - Ông ấy bị sần sùi hết mặt, tay chân bị cụt cả.
    - Vậy cháu hãy nhìn chú xem, mặt có bị sần sùi không?
    - Không, nhưng xanh rờn.
    - Thế, tay chân chú có bị cụt không?
    - Lành lặn cả nhưng vô tích sự.
    - Sao thế?
    - Chân cò tay vượn làm nên trò trống gì mà chẳng vô tích sự.
    - Ai nói với cháu thế.
    - Ông cháu bảo.
    - Vậy chú không phải là người hủi nhé.
    - Nhưng vì sao chú lại ở một mình?
    - Vì bố mẹ chú chết hết cả rồi. Anh em đi làm mỗi người một nơi. Còn vợ, thì chẳng ai lấy chú cả.
    - Thế thì khi nào lớn cháu sẽ là vợ chú để nấu cơm quét nhà cho chú.
    Con bé vừa nói, vừa nhìn xuống đất nên nó không nhìn thấy vẻ mặt của người đàn ông lúc ấy, nó bừng lên như buổi sáng mùa xuân. ánh hồng lướt qua gò má xanh rờn từng trải. Trong đầu người đàn ông đang nhẩm tính khoảng cách giữa mình và con bé. Người đàn ông 40 tuổi còn con bé 10 tuổi, khoảng cách là 30 năm.
    - Chú biết không, chú cũng nên lấy vợ để chia ruộng chứ không lấy cái gì mà ăn. Nhưng không biết chú có được tiêu chuẩn xã cho ruộng không nhỉ? chắc là không rồi, vì chú ở nơi khác đến. Thế thì để cháu vậy. Cháu mà lấy chồng cũng được chia ruộng riêng. Nhưng mà lâu quá, những 8 năm nữa mới đủ tuổi. Thôi thì, khi nào cháu 13 vậy, cháu sẽ làm vợ chú. ở quê cháu ối chị mới 15 đã bảo 18 để đi lấy chồng.
    Cái Tý vừa nói, vừa nghĩ trầm ngâm như một bà cụ già. Bởi cái sự toan tính đó nên nó không nhìn thấy những giọt nước mắt lăn tròn trên má người đàn ông.
    Từ khi cái Tý đưa ra lời tuyên bố sẽ làm vợ người đàn ông thì nó như có trách nhiệm hơn với căn nhà đó. Hầu như ngày nào nó cũng có mặt để thu dọn quét tước và thỉnh thoảng còn nấu cơm hộ. Một hôm nó bàn:
    - Chú ạ, hoa cũng đẹp thật đấy nhưng vô tích sự, hay ta dẹp bớt lại để trồng lấy luống rau.
    Bàn là để bàn vậy thôi chứ nó đã quyết rồi. Nó chỉ để lại ba khóm hoa hồng, còn nó phá tất. Nó cuốc đất thành hai luống xinh xắn. Hôm sau, nó mang đến đủ loại rau thơm: tía tô, kinh giới, mùi tàu, xương sông, lá lốt... trồng cho kín hai luống.
    Thấm thoắt thời gian thoi đưa, từ ngày cái Tý biết người đàn ông nọ đã một năm trôi qua. Nó và người đàn ông đó rất thân thiết với nhau. Họ như đã quen nhau cả thế kỷ. Và, ở người đàn ông thì như đã đủ cả một đại gia đình sống bên mình. Thế nhưng cái Tý chưa một lần hỏi xem người đàn ông đó là ai và từ đâu đến. Nó nghe phong phanh đâu như nhà người đàn ông đó ở trên phố kia nhưng chán sống ở đó nên về quê nó ở. Đôi lúc nó cũng muốn hỏi cho đến điều nhưng nó lại sợ như bố mẹ ở nhà hễ cứ hỏi nhau chuyện gì lại y như cãi nhau.
    Sáng hôm ấy nó đến sớm hơn mọi bận. Đứa em ngủ ngặt nghẽo trên lưng. Người đàn ông rủ nó:
    - Cháu đi ra bưu điện với chú được không?
    - Để cháu đặt em vào giường đã nhé. Nhưng phải đi nhanh lên kẻo em cháu dậy, nó hết nước mắt.
    Người đàn ông dắt xe đạp ra, buộc thêm một chiếc khăn mặt bông vào poóc ba ga để nó ngồi cho êm. Bưu điện cách nhà chừng 2 cây số, ở ngoài thị trấn. Ra đến thị trấn nó quên khuấy mọi thứ. Lần đầu tiên nó mới biết thế nào là phố xá, dẫu rằng đó chỉ là một thị trấn nhỏ miền sơn cước. Nó mê đắm nhìn vào các cửa hiệu, mà ở đó, nó thấy cái gì cũng đẹp lộng lẫy kỳ lạ. Người đàn ông đến bưu điện, bảo nó ở ngoài trông xe. Lát sau người đàn ông đi ra mặt đầy phấn khởi:
    - Hôm nay khá lắm, chú sẽ đãi cháu một chầu kem.
    Có đến trong mơ nó cũng chưa bao giờ được ăn kem ngon như thế. Nó cũng đã từng được ăn kem nhưng chỉ là kem hai trăm, lạo xạo toàn đá và hơi ngòn ngọt. Nó ăn hết hai cái, còn ngỏ ý muốn ăn cái thứ ba. Nó cầm cái kem thứ ba đầy lưỡng lự, rồi bỗng nhớ đến em ở nhà. Nhân lúc người đàn ông vào trong quầy trả tiền, nó lẻn ra luống khoai bên cạnh đường hái một chiếc lá, gói chiếc kem vào, rồi giấu trong vạt áo. Trước khi về người đàn ông còn mua cho nó một chiếc áo hoa mầu đỏ. Nó sung sướng đến mụ cả người. Dọc đường về nó líu lo nói chuyện mà chẳng chuyện nào ra chuyện nào. Gần về đến nhà nó đã nghe tiếng em gào khóc. Nó nhảy phắt khỏi xe chạy như phi vào nhà:
    - Nín đi, chị có cái này cho em đây.
    Thằng bé nhìn thấy chị có chiếc áo hoa mới tròn xoe đôi mắt nhìn, nín khóc. Cái Tý giở lá khoai, chiếc kem to là thế nay chỉ còn bé tý bằng ngón tay nhưng nước chảy ra vẫn còn lạnh. Nó múc nước bón cho em mà không hiểu vì sao kem lại chảy thành nước.
    Có chiếc áo mới nó mừng vô tả cõng em chạy tung tẩy về nhà. Vừa về đến đầu xóm bọn thằng Ba đã đứng túm tụm như chờ nó về. Bọn chúng hò hét ầm ĩ:
    - Cái Tý đi chơi với người yêu về, được người yêu mua cho chiếc áo mới.
    - Người yêu cái Tý là người hủi.
    Bố cái Tý nhìn thấy con có chiếc áo mới thì cả mừng. Thay vì gọi người đàn ông đó là đồ vô tích sự như mọi khi thì lại bảo:
    - Cái ngữ ấy làm gì mà cũng nhiều tiền gớm nhảy. Cái áo này cũng phải nửa tạ thóc chứ chẳng ít.
    Mẹ cái Tý thì nhìn nó suy tính vắn dài nhưng rồi thấy thân hình nó vẫn còm cõi thế bèn chép miệng thở dài:
    - Sắp mười hai tuổi rồi mà bé tý như đứa lên tám vậy thôi. Nhưng mà mày cũng ít sang nhà người ta chơi thôi kẻo làng xóm họ bàn tán.
    Cái Tý được người đàn ông mua cho chiếc áo đẹp như là một sự kiện ở cái xóm nhà nó. Người ta tha hồ mà tưởng tượng, mà thêu dệt. Chỉ có điều căn nhà đó không chỉ còn là của riêng nó nữa. Nhiều bé gái như nó cũng cõng em đến. ối chị 16, 17 cũng lân la đến ngôi nhà đó nhưng chưa dám vào, họ tụ nhau thành đám dăm ba người đi ngang ngõ cười ré lên.
    Với cái Tý, sau niềm vui có chiếc áo mới thì dường như nó đang chán ghét chiếc áo đó. Làng trong, xóm ngoài ai nhìn thấy nó cũng hỏi thăm: "Người yêu mày dạo này thế nào?". Sao mà nó căm thù cái thứ gọi là người yêu đến vậy. Nó đầy vẻ thô bỉ, giễu cợt. Đành rằng nó hứa sẽ làm vợ người đàn ông đó nhưng làm vợ chứ có phải là người yêu đâu. Hãy xem bộ mặt khả ố của thằng Ba khi nó réo lên:
    - Người yêu cái Tý mua cho nó chiếc áo mới để nó thành cô tân thời kìa:
    Cô tân thời đánh rơi mất vú
    Chàng công tử hỏi vú cô đâu
    Vú cô để ở đầu cầu
    Con chó nó tưởng quả bầu nó tha
    - Cô tân thời ơi, vú cô đâu.
    Cái Tý ngượng lắm. Có đến cả tháng sau nó không đến nhà người đàn ông đó. Rồi câu chuyện cũng nhạt dần như chiếc áo hoa dần dần cũ đi. Nó lại nhắc mình bổn phận phải đến ngôi nhà ấy. Người đàn ông mừng lắm.
    - Cháu biến đi đâu thế, chú cứ lo cháu ốm nhưng có mấy đứa bạn cháu qua đây bảo cháu không sao nên chú mới đỡ lo.
    - Những đứa nào qua đây thế? - Cái Tý bỗng cảm thấy một nỗi hờn ghen dâng đầy.
    - à, cái Mùi, cái Bông ấy mà.
    - Lũ con gái xí xớn.
    ( Còn tiếp )
  9. minhkim

    minhkim Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    11/10/2003
    Bài viết:
    516
    Đã được thích:
    0
    ( tiếp theo và hết.)
    Nó lặng lẽ bắt tay vào dọn dẹp. Dường như vắng bàn tay nó căn nhà trở nên lộn xộn và bẩn thỉu. Người đàn ông ngồi lặng lẽ nhìn theo nó. Dọn dẹp xong nó ra giếng rửa chân tay đã thấy người đàn ông chờ nó ở đó.
    - Tóc cháu rối bù trông thật xấu xí. Để chú cắt cho gọn nhé.
    Nó đồng ý ngay, đỡ phải để bố xén bằng liềm đau ê cả đầu. Cắt xong người đàn ông lấy xà phòng thơm gội đầu cho nó. Có cái đầu gọn ghẽ trông mặt nó thật xinh.
    - Cháu xinh lắm, ước gì chú có một đứa con như cháu nhỉ.
    - Sao lại là con hả chú? Chỉ còn gần hai năm nữa cháu sẽ là vợ ch૩a mà, chú quên rồi sao.
    - Làm sao có thể quên được! - Người đàn ông phá lên cười.
    Cái Tý nói thế nhưng nó đã biết thế nào là bổn phận của người làm vợ đâu. Mà từ trong tim nó, nó thấy người đàn ông đó thật gần gũi như cha mẹ nó vậy. Nó muốn được ôm ấp vào lòng như mẹ nó vẫn ngày ngày ôm ấp em bé của nó. Có lẽ lúc nó biết nhớ, nó luôn chỉ được đứng bên cạnh để nhìn mẹ ôm ấp hết đứa em nọ đến đứa em kia nối đuôi nhau ra đời. Nó nghĩ rằng, hai năm nữa, khi nó làm vợ người đàn ông nó sẽ được ôm ấp vào lòng như mẹ, một cử chỉ mà chưa khi nào bố nó làm, nó bỗng muốn nhào vào lòng người đàn ông mà gọi bố ơi. Nhưng sao kia, người đàn ông đó cười mà mắt lại ngấn nước. Và, ánh mắt nhìn nó mới yêu mến làm sao. Nó đến bên cạnh người đàn ông, khẽ đụng vào vai. Người đàn ông ôm choàng nó, thổn thức: "Con ta". Tim nó ngân vọng: "Cha ơi".
    Buổi tối ở quê cái Tý tối đen như mực, vì thế người già và trẻ em không có việc gì đều đi ngủ từ tối. Đến năm cái Tý 12 tuổi không đi ngủ sớm nữa. Chúng tụ tập ở nhà một đứa bạn cùng tuổi ngồi nói lại những chuyện chúng nghe lỏm của người lớn.
    - Này, u tao bảo lão Khả đi bán tinh lợn rồi lão bán luôn cả giống người nữa đấy.
    - Lạ nhỉ, sao nhà lão lại có giống người nhỉ? Lão ươm giống ở đâu?
    - Thật đấy, u tao cũng bảo thế mà. U tao còn kể, cái chị Sửu ở ngoài làng vớ phải anh chồng thui, lấy nhau mười năm chưa có con. Lão Khả mang lợn đến cho nhà chị ta lấy đực, mà chị ta lại vớ được một thằng cu bụ bẫm mới hay chứ.
    Những chuyện đó cái Tý nghe lạ tai lắm, nó kể lại cho người đàn ông nghe và mong chờ một sự giải thích cặn kẽ. Nhưng người đàn ông chỉ ngồi im rồi bảo nó:
    - Chuyện vớ vẩn lắm cháu đừng bận tâm, có chuyện gì hay hơn cháu kể cho vui đi.
    - Chuyện gì hay ư? Cháu cũng không biết có hay không nhưng mà cháu thấy lạ lắm. Vì nhà cháu nuôi một con mèo đực lâu lắm rồi. Bố cháu bảo nó sắp sửa hóa cáo. Thế mà hôm qua nó cõng ở đâu một đám mèo con, để lũ con ở đống gio cạnh bếp. Rồi nó cho lũ con bú. Nhưng mèo đực làm gì có sữa nên lũ con bị đói kêu loạn cả nhà. Bố cháu biết đem hót cả đống mèo vứt ra bụi tre, bảo:
    - Rõ là điềm gở ai đời mèo đực nuôi con bao giờ không ấy.
    - ừ thật là chuyện lạ đời.
    Cái Tý đến tuổi 13, nó không còn được rong chơi nhởn nhơ như trước nữa. Nó phải theo mẹ ra đồng, ra bãi. Lúc rỗi việc đồng áng phải lo rau cám cho lợn. Bây giờ chỉ thỉnh thoảng nó mới ra ngôi nhà đó. Thực chất không phải nó bận bịu đến mức không có thời gian để đi chơi. Chỉ là vì càng ngày nó càng đi ngủ muộn hơn. Nó được nhập bọn với lũ bạn lớn hơn. Chúng thì thì thào thào nhỏ to bí bí, mật mật gây nên sự tò mò không thể chịu được. Chúng sắp xếp những câu chuyện cái Tý lờ mờ biết rằng, ngôi nhà nhỏ của nó không phải là yên ả và sẵn mọi điều đã được giải thích cả. Màn đêm phủ xuống sẽ mang đến những điều bí mật. Chiếc cầu nhỏ bắc qua con mương dẫn vào làng nó là nơi thật hấp dẫn. Những đứa bé như cái Tý đang chờ cái ngày lần đầu tiên được ra ngồi ở chiếc cầu đó. Chúng ngồi trên thanh cầu, một bên con trai, một bên con gái. Chúng trao đổi với nhau dăm ba câu chuyện vu vơ trong vòng hai giờ đồng hồ rồi kéo nhau về. Những đêm tối không nhìn thấy mặt nhau, bọn con trai sẽ hòa vào đám con gái. Rồi, vài ba đứa con gái bỗng nhảy lên vì bị bóp vú. Nhưng bọn con gái ở đây không có thói kêu. Sau cái đau như nghẹt thở là cảm giác lạ lẫm dâng lên. Đó là khúc dạo đầu để mở tiếp những điều bí mật khác: một ánh mắt con trai đưa tìm, một cái véo rất đau vào đùi, một cuộc trốn tìm sau đống rạ, một cuộc săn tìm trong gia phả xem hai họ có thù oán nhau không. Rồi sau đó là những điều mà cả làng ai cũng biết lễ ăn hỏi, đám cưới, chia ruộng, sinh con đẻ cái. Trong cơ thể cái Tý cũng đang có một sự thay đổi lạ kỳ. Nó bỗng ăn rất khỏe. Trước nó có thể nhịn ăn một bát để dành cho em, nay nó không thể nhịn được. Vừa ăn xong nó đã thấy đói ngay. Và nó rất hay xấu hổ. Nó vẫn thích kẹo và bánh quy nhưng lại thấy ngượng ngùng mỗi khi muốn đến ngôi nhà đó. Tuy nhiên bao giờ bổn phận cũng thắng sự xấu hổ. Nhất là khi nó có những quả trứng của một thị gà mái mắn đẻ, đẻ lang thang bên đống rơm, để mang đến nấu cho người đàn ông bát cháo. Nó thật ái ngại khi về rồi người đàn ông chỉ nằm có một mình, trơ trụi, không có ai ở bên hỏi han, giúp đỡ. Nó lại bàn:
    - Chú này, mẹ cháu bảo cháu không thể lớn được. Vậy mà sắp đến tuổi 13 rồi còn gì. Thôi chú lấy vợ đi. Chú phải sống một mình thế này khổ lắm.
    - Chú biết lấy ai bây giờ.
    - Cháu biết có mấy chị hay đi qua nhà chú lắm. Chú thích chị nào thì chú đi ra cầu ở đầu làng vào đêm nào thật tối, để các chị không nhìn thấy mặt chú. Chú xông vào ôm thật chặt. Dù chẳng nhìn thấy mặt chú đâu nhưng nếu chị ấy mà thích chú thì chị ấy cũng biết ngay là chú. Chị ấy sẽ tìm cách đánh tín hiệu để chú nhận thấy. Sau đó thì..., nhưng mà ở nhà chú không có đống rơm nhỉ. ở đống rơm dễ nói chuyện lắm. à nhưng mà thôi, chỉ cần chú đi ra ngoài thị trấn mua cho chị ấy một chiếc áo hoa thật đẹp là được. Rồi chú mua trầu cau về ăn hỏi. Đám cưới vui lắm, rồi chị ấy về ở với chú.
    - Nhưng mà, cháu đã hứa sẽ làm vợ chú rồi cơ mà.
    - Nhưng mà, cháu không lớn được. Thôi thế này, hay là cháu sẽ làm con nuôi chú vậy. Nhà cháu có sáu chị em. Bớt cháu đi, sẽ bớt đi một miệng ăn. Rồi thỉnh thoảng cháu chạy về làm giúp bố mẹ cháu cũng được. Nhưng mà nếu không phải là vợ chồng thì chẳng được chia ruộng đâu, rồi lấy gì mà ăn.
    - ừ, chú cũng nghĩ như cháu. Cháu làm con nuôi chú cũng được nhưng mà chú thích cháu làm vợ chú hơn. Chú sẽ chờ cháu cho đến cả ngàn năm sau, bé con thân yêu của chú ạ. Còn bây giờ chú không thể chờ đợi hơn được nữa rồi. Cháu hãy đặt tay lên tim chú để xem này, nó đập rất yếu ớt. Chú nhờ cháu việc này. Cháu hãy cầm mảnh giấy này ra bưu điện gửi đi cho chú. Tiền còn thừa cháu cầm lấy để ăn kem. Cháu ăn ba cái kem như lần trước nhé.
    Đến tận trưa cái Tý mới trở về. Nó hổn hển nhào vào trong nhà với một bọc lá khoai lang thu lu trong vạt áo. Mặt nó rạng rỡ:
    - Cháu mang kem về cho chú đây. Lần trước cháu chỉ bọc trong một chiếc lá khoai nên gió thổi vào kem chảy gần hết, giờ cháu bọc kín lắm.
    Nó thật sự thất vọng khi hai chiếc kem đã bị chảy gần hết, nhưng nước vẫn còn lạnh. Nó lấy thìa bón cho người đàn ông. Người đàn ông nuốt từng thìa thật khó khăn, từ khóe mắt chảy ra những giọt nước to tròn.
    - Chú đau ở đâu phải không?
    - Đau lắm, đau ở đây này. Người đàn ông chỉ vào ngực mình. - Đau vì kiếp này chú không có cháu làm vợ.
    Cái Tý không hiểu được những lời to lớn ấy, "kiếp này" là thế nào? Nếu người đàn ông cứ muốn nó làm vợ thì có thể chờ thêm mấy năm nữa. ở ngực nó đã mọc hai cái mụn nho nhỏ. Mẹ nó bảo, hai cái mụn đó sẽ thành hai cái tý to để nuôi con và để... ôi, nói ra thì ngượng chết. Thôi thì, khi nào nó sẽ nói cho người đàn ông đó biết vậy, để khỏi thất vọng.
    Ngày hôm sau cái Tý phải ra đồng với mẹ đến tận trưa. Đến chiều nó mới đến căn nhà đó. ¥ kìa, có một chiếc ô-tô chắn trước ngõ. Nó rảo bước nhanh hơn. Trong nhà có ba người khách lạ. Họ đang thu dọn sách vở thành những bó gọn gàng. Người đàn ông vẫn nằm trên giường, có vẻ rất mệt mỏi vẫy nó lại gần:
    - Chú phải đi đây. Họ đưa chú về thành phố. Chú để ngôi nhà này cho cháu. Khi nào chú khỏe, chú sẽ quay về với cháu. Chắc khi ấy cháu sẽ lớn rồi. à này, bây giờ chú đi rồi, lấy ai ăn rau nữa. Cháu nên trồng hết hoa hồng ra vườn cho nó đẹp. Dễ trồng lắm, cháu chỉ cần cắt một nhánh nhỏ đâm xuống đất, chịu khó tưới nó sẽ lên.
    Cái Tý đứng nhìn trân trân, không kịp nói gì thì người đàn ông tiếp:
    - Cháu cầm lấy cái này, của hồi môn chú tặng cháu đấy.
    Cái Tý ôm lấy cái bọc vải đỏ khá nặng. Nó thật chẳng thể nào hiểu được câu chuyện. Có lẽ lại thêm một điều bí mật ở làng nó nữa chăng!
    Nó chờ cho đến khi những người lạ khiêng người đàn ông ra xe. Giờ thì nó biết người đàn ông đó yếu đến mức không thể tự đi một mình. Một người khóa căn hộ lại, rồi bỏ chìa khóa vào túi. Người đàn ông nhắc người lạ đưa chìa khóa cho cái Tý. Họ ngồi cả vào xe rồi nhưng xe vẫn chưa chuyển bánh. Hình như họ cãi nhau thì phải. Lát sau họ mở hết các cửa xe, bảo cái Tý đưa cho họ bọc vải đỏ.
    - Cháu có biết đây là cái gì không, bản thảo của chú ấy đấy. Các chú sẽ mang đi xuất bản, khi nào có sách các chú sẽ gửi về cho cháu một cuốn. Cháu biết đọc chứ?
    Cái Tý gật đầu.
    Người đàn ông ngồi im lặng trong xe nhắm nghiền đôi mắt, tay vẫy vẫy nó lại gần. Cái Tý chui vào trong xe ngồi xuống bên cạnh người đàn ông. Người đàn ông ôm nó vào lòng hôn lên tóc nó, rồi thì thầm:
    - Thiên thần của tôi. Ước gì cho tôi còn sống được. Cháu hãy nhớ vun cho những khóm hồng ấy nhé. Mầu đỏ ấy là máu của chú đấy.
    Cái Tý ngơ ngác nhìn người đàn ông, nó chẳng hiểu gì những lời to tát ấy. Nó đã chui ra khỏi xe. Xe nổ máy vút đi.
    Cái Tý bỗng cảm thấy nỗi buồn trống vắng. Nó thẫn thờ vào ra. Rồi nó ra vườn đến bên khóm hồng, ngồi xuống vuốt ve một cây, chiếc gai nhọn đâm vào tay nó đau điếng. Nó òa khóc. Thực ra nó khóc bởi nỗi đau trong tim chứ không phải vì đau ở tay. Có lần băm rau lợn nó băm phải tay đứt một miếng to tướng mà nó có khóc đâu.
    Một năm sau cái Tý vẫn còn nhớ đến người đàn ông đó nhưng căn nhà thì hoang vắng dần. Bọn trẻ con kháo nhau căn nhà đó có ma, đêm đêm hiện về tưới cho những khóm hồng. Quả thật những bông hồng cứ nở mơn mởn. Sau một năm cái Tý bỗng lớn phổng phao. Nó mon men ra cầu vào những buổi tối. Mẹ nó đã khai tăng tuổi cho nó. Thực chất nó mới 14 mà mẹ nó đã khai 16 tuổi.
    Đến năm 16 tuổi thực cái Tý đã có người làng bên dạm hỏi. Bây giờ thì nó chẳng còn chờ đợi người đàn ông đó nữa. Những khóm hồng đã chết từ lâu, cỏ mọc tốt um cả vườn. Đến năm 17 tuổi cái Tý lấy chồng. Chồng cái Tý hơn nó 2 tuổi. Hai vợ chồng nó được chia 3 sào ruộng. Cái Tý tần tảo sớm khuya trên những sào ruộng khoán. Lấy chồng năm trước năm sau cái Tý sinh được một đứa con gái, đặt tên là Hoa. Cái Tý muốn đặt tên con gái là Hoa Hồng nhưng chồng nó không thích. Con bé có cái tên là Hoa nhưng mọi người vẫn gọi nó là cái Tý cho dễ. Còn cái Tý thì không ai gọi nó là cái Tý nữa. Đi lấy chồng người ta gọi nó theo tên của chồng: - Chị Chiến. Cái tên Thơm Thảo chỉ được dùng trong giấy tờ mà thôi.
    Một hôm có bác bưu tá về làng hò cái tên Thơm Thảo từ đầu làng. Chị Chiến đang ngồi cho con bú, không mảy may nhớ đến cái tên đó. Bà mẹ già te tái chạy đến:
    - Ơ hay mẹ cái Tý, người ta đang gọi mày đi lĩnh cái gì kia kìa.
    - Con à mẹ.
    - Chứ chẳng phải tên mày là Thơm Thảo mẹ đặt cho ư?
    - Mẹ bế hộ con cái Tý.
    Người ta đưa cho chị Chiến một gói vuông mầu đỏ. Mẹ Chiến mở ra thì đó là một quyển sách dày. ở trang thứ hai có một dòng chữ nắn nót: Tặng cái Tý - nguồn cảm hứng vô tận để cho tôi viết nên tác phẩm này.
    Chị Chiến ngơ ngác, cái Tý bé bỏng vậy mà ai đã biết đến nó. Nhưng mà thôi, người ta đã tặng nó rồi thì cất đi cho nó vậy. Chị Chiến bọc kín lại cất lên bàn thờ.
    Nửa đêm, chị Chiến bỗng thức tỉnh và chợt nghĩ. Thì ra người đàn ông đó vẫn còn sống và nhớ đến chị. Chưa chết thì sao không về tìm chị nhỉ. Một quyển sách thì nào có ý nghĩa gì đâu. Nhưng mà thôi, dẫu sao chồng chị Chiến cũng là người tốt. Anh hiền lành, chất phác, thương yêu vợ con lắm. Chị ôm chặt con vào lòng thổn thức một hồi rồi ngủ thiếp đi.
    Có đến trong mơ chị Chiến cũng không thể biết được rằng một quyển sách đã làm nên một đời người thế nào. Quyển sách đó đã làm nên cả một danh tiếng, sự nghiệp, tiền bạc và vợ đẹp con khôn cho người đàn ông đó. Trong ngần ấy năm người đàn ông đã say sưa tận hưởng những thành công mà mình đã gặt hái được. Sự tận hưởng đó là chính đáng lắm, thực có gì sai trái đâu. Nhưng sự đời suy thịnh, thịnh suy, hạnh phúc rồi bất hạnh, nó chỉ cách nhau gang tấc mà thôi. Khi hạnh phúc người ta hướng về miền đất hứa, khi bất hạnh người ta nhớ về bến đò xưa.
    Người đàn ông ấy đã ước mơ được trở về căn nhà lá với những khóm hồng trong vườn và có một cô vợ bé xíu như thiên thần.
    Thôi có lẽ ước mơ đó sẽ làm nên một quyển sách khác cho người đàn ông đó.
    Nhưng với chị Chiến, trước khi thiếp đi đã ước ao - giá mà đổi quyển sách 30 nghìn đồng này lấy một chiếc áo hoa cho cái Tý như ngày xưa ấy có phải hay hơn không.
    Y Ban
  10. minhkim

    minhkim Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    11/10/2003
    Bài viết:
    516
    Đã được thích:
    0
    Cưới chợ

    Tôi sinh ra ở một vùng quê. Cả tuổi thơ của tôi gắn bó với chiếc cầu ao, thửa ruộng và những cây đa. Chiếc cầu ao có phiến đá xanh. Những khi mưa rào tôm càng bò lên phiến đá, nhảy vũ điệu tôm mê li. Tôi ngồi thật yên lặng để xem chúng múa.
    Tháng bảy mưa rào. Những thửa ruộng đã được cày bừa, nước xâm xấp. Chúng tôi rủ nhau đi bắt cua bóng. Bữa canh cua mẹ nấu làm sáng bừng các khuôn mặt trong bữa ăn. Cha vui vẻ kể chuyện ngày xưa, mấy đứa em líu tíu.
    Khi lên mười tôi mới có khái niệm về chợ. Ấy là do tôi được theo mẹ đi hai lần. Một lần khi tiết trời đã sang thu, nắng trong veo. Chợ họp dưới những gốc chay già. Những người bán hàng ngồi dưới những tán chay. Nắng chiếu qua vòm lá thả những quả bóng tròn trong veo làm mặt người rạng rỡ. Bên cạnh chợ là khoảng đất trống, những cây dứa dại mọc tốt um. Nắng chiếu lấp lóa trên những lá dứa. Phản lại là một màu xanh êm ả đến gây lòng. Lần thứ hai vào giáp tết, chợ họp trong sương lạnh. Mỗi lần nói như phả ra một làn khói, những vòng tay như cố thu nhỏ lại trên miệng thúng, miệng rổ.
    Rồi bẵng đi, tôi không còn nhớ có còn theo mẹ đi chợ lần nào nữa không. Cho đến cái ngày hôm ấy, cả làng tôi tưng bừng kéo nhau đi cưới chợ. Lũ trẻ con chúng tôi cũng rồng rắn nhau đi. Chúng tôi đi men theo đường làng, nghỉ chân dưới bóng hai cây gạo mọc giữa đồng. Rồi đi một thôi nữa mới đến chợ. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy cảnh nhộn nhịp, vui vẻ đến vậy. Trên một khoảng đất rất rộng, người ta lát gạch đỏ. Từng nhóm hàng ngồi gần nhau. Chỗ này toàn rau, chỗ kia hàng xén. Đặc biệt, có những gian nhà nhỏ, ở đó tỏa ra những mùi thơm nức. Tôi thấy lũ trẻ cứ đứng xúm ở các ô cửa để ngó vào trong. Tôi cũng lại gần một ô cửa, nắm chặt chấn song để ngó vào. Trong đó có một cái bếp to, có nồi nước sôi sùng sục. Trên bàn có chiếc thớt và một con dao to. Người ta thái, người ta đập chí chát. Những gương mặt ngồi trước cái bát bốc khói có vẻ hỉ hả. Tôi nghe rõ một tiếng nuốt nước bọt của thằng bé đứng bên cạnh. Tôi cũng không ghìm được, nuốt nước bọt đến ục.
    Tối đấy về nhà, cha tôi vừa cười vừa hỏi:
    - Hôm nay đi cưới chợ, ăn phở "ngó" có ngon không?
    - Nhưng con có được ăn đâu mà. Bố ơi, đấy gọi là phở "ngó" à bố. Nó có giống với ngó cần, ngó sen không?
    - Phở "ngó" ngon tuyệt trần nhé. Bố nghĩ là con được ăn rồi chứ.
    - Chưa, con chưa được ăn mà. Khi nào bố cho con ăn phở "ngó" nhé.
    Từ đồng đất quê nhà quanh năm chỉ trồng được cây lúa cây khoai. Mái trường đình làng cũng chỉ dạy cho đứa trẻ biết đọc biết viết rồi về cày ruộng. Bỗng nảy nòi ra tôi, một đứa trẻ học hành giỏi giang. Tôi học hết trường đình, ra trường xã rồi lên trường huyện. Tôi học một lèo, năm nào cũng được mấy bằng khen. Khi học xong phổ thông tôi được đi học nước ngoài.
    Tôi về quê một tháng để nghỉ trước khi đi học nước ngoài. Năm ấy tôi mười tám tuổi. Từ cái buổi cưới chợ ấy đến khi tôi mười tám tuổi, thế giới của tôi chỉ là những trang sách. Nay tôi nhận ra xung quanh có biết bao điều kỳ lạ. Nhưng điều hấp dẫn tôi nhất là anh trai cày nhà bên. Hồi bé chúng tôi chơi vui vẻ với nhau. Rồi tôi cứ học hành lên cao. Còn anh trai cày về đi cày. Chúng tôi đã làm quen lại với nhau ở cầu ao làng khi anh đi cày về xuống rửa chân, còn tôi đi giặt áo cho mẹ.
    Anh bảo tôi:
    - Tay học trò mà cũng biết vò áo gụ à?
    Tôi vênh mặt:
    - Đây còn biết cày nữa cơ.
    - Thật không?
    - Chứ không à?
    - Thế mai ra đồng nhé.
    Tất nhiên là tôi không thể biết cày được. Nhưng trưa mai tôi đã giành phần đem cơm ra đồng cho cha đang đi cày. Cha tôi và anh đang ngồi nghỉ dưới bóng cây gạo. Ăn cơm xong cha tôi ngả mình dưới gốc cây, úp cái nón mê lên mặt ngáy khò khò. Tôi với anh ngồi nói chuyện:
    - Ngân kể chuyện đi học đi?
    - Chuyện đi học ư? Kể chuyện không học bài bị thầy giáo phạt nhé.
    - Chuyện ấy thì tôi cũng biết rồi.
    - Vậy anh kể chuyện đi cày đi.
    - Chuyện đi cày có gì mà kể. Ngân có nghe chuyện ma không? Ngân có nhớ cây đa ở giếng làng không? Đấy. Một đêm trời nóng lắm tôi dậy ra giếng làng để tắm. Từ xa nhìn thấy có một cái võng đang đu đưa mắc ở những rễ đa. Vừa đưa võng vừa hát ru con. Tôi mới thấy lạ chạy lại xem thì không còn thấy gì nữa. Thì ra ma nó mắc võng ru con đấy.
    - Thế anh không sợ à?
    - Sợ gì chứ. Tôi còn trêu cả ma nữa đấy.
    - Anh trêu ma thế nào?
    - Tối nay ăn cơm xong, Ngân ra ngõ tôi sẽ chờ Ngân ở đấy, tôi chỉ cho mà xem.
    Tối ấy anh trai cày đã thủ sẵn hai củ khoai nướng chờ tôi ở ngõ. Tôi vừa ăn khoai vừa bảo anh kể chuyện trêu ma như thế nào. Anh ậm ừ không nói gì. Sau anh mới nói thật anh chưa bao giờ trêu ma cả. Thế là tôi trở về. Nhưng không hiểu sao tôi rất thích ở cạnh anh. Mặc dù anh chẳng có chuyện gì để kể cả. Những chuyện về đồng ruộng anh kể veo là hết. Rồi cuối cùng tôi cũng cùng anh ngồi dưới chân gốc rơm. Anh nắm chặt tay tôi run rẩy:
    - Ngân đã biết yêu chưa?
    - Yêu như thế nào?
    - Nghĩa là... yêu ấy mà.
    - Là như thế nào cơ?
    Đột ngột anh ôm chặt lấy đầu tôi kéo áp vào ngực anh. Tôi cố vùng vẫy để thoát khỏi nhưng không được. Và tôi đã nghe thấy tiếng tim anh đập âm vang trong ***g ngực. Và tôi đã cảm nhận được một tấm ngực đàn ông rắn chắc và trinh nguyên.
    Tôi đi ra nước ngoài học tập. Tôi học miệt mài, học đến khô đét cả thời con gái. Trong đầu óc tôi luôn hiển hiện các khái niệm nhưng lại không có khái niệm nào là thì yêu của con gái. Học xong đại học, tôi học tiếp tiến sĩ. Cầm tấm bằng tiến sĩ trong tay tôi được một tổ chức quốc tế mời làm việc. Khi không còn bận rộn nữa, có những phút được sống với chính mình, tôi thèm khát yêu đương. Và anh trai cày luôn là nhân vật chính trong thứ tình cảm đó của tôi. Sự tưởng tượng của tôi đã chắp thêm cho anh hình bóng. Từ giọng nói của anh tôi chắp thành lời thơ. Từ vòng tay ôm của anh thành một nụ hôn nóng bỏng. Từ vồng ngực của anh thành một người đàn ông cường tráng và nồng thắm. Anh đã lấp vào khoảng trống cô đơn của tôi. Anh đã lấp đầy vào giấc ngủ khắc khoải của tôi. Tôi luôn tưởng tượng ra sự gặp gỡ đầy lãng mạn với anh. Tôi không tin trời lắm nhưng tôi cầu trời hãy dành riêng anh cho tôi.
    Sau hai mươi năm tôi trở về nước, trong phái đoàn đi khảo sát văn hóa truyền thống. Thật trớ trêu, là người Việt Nam tôi lại ở trong phái đoàn của nước ngoài đi khảo sát văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Cũng phải thôi, hai mươi năm tôi đã đủ mất gốc rồi. Tôi có thể biện minh gì cho mình đây? Năm năm học đại học ở nước ngoài, tôi là niềm tự hào của cha mẹ, dòng họ. Ba năm sau là tiến sĩ, tôi là niềm tự hào của cả xã, cả huyện. Sau tám năm ấy, bằng bất cứ giá nào tôi phải trở về chứ. Dứt khoát, tôi phải trở về bằng xương bằng thịt chứ không phải bằng những đồng đô la. Nhưng tôi đã không trở về. Chỉ vì một suy nghĩ nông cạn: quê tôi nghèo lắm, những đồng đô la kia sẽ giúp bớt cái nghèo phần nào. Mười hai năm xa quê cha tôi ốm nặng. Mẹ và các anh chị em gọi điện tới tấp nhắc tôi về. Tôi gửi hết những đồng đô la dành dụm được về để cho cha đi bệnh viện. Lần gọi điện cuối cùng mẹ tôi báo: Cha mất rồi. Ông ấy đi không đành vì chưa gặp được mặt con lần cuối. Tôi khóc vì từ nay không còn cha nữa.
    Về nước, tôi đã được các ban ngành đón tiếp thịnh soạn. Những với cái vốn ít ỏi của một người Việt mới sống có mười tám năm lại chỉ vùi đầu vào đèn sách, bỗng chốc tôi trở thành chuyên gia văn hóa. Người ta đề cao những kế hoạch của tôi. Người ta bảo tôi rất chu đáo và hiểu biết. Vì cái sự được đề cao đó nên tôi cố phải nặn óc để nhớ cho ra một cái nét văn hóa truyền thống nào đấy mà tôi đã từng được sờ thấy. Tôi bảo: Cưới chợ. Người ta ồ lên - Chao ôi, ngần ấy năm nào chị còn nhớ được cưới chợ cơ à?
    - Đấy, cái văn hóa truyền thống không được bảo tồn là mai một hết. Bây giờ chỉ toàn gọi là khánh thành chợ. À, sắp tới ở một xã sâu trong huyện xây xong một cái chợ mới. Tôi sẽ bảo họ "cưới chợ" để cho chị và các bác Tây trong đoàn xem.
    Hai mươi năm, trở về nhà tôi thành xa lạ rồi. Mẹ tôi còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Bà nhìn tôi thờ ơ và lạ lẫm. Chỉ có mấy đứa cháu - khi tôi đi nó chưa ra đời - thì xoắn xuýt quanh tôi. Chúng hỏi tôi rất nhiều về nước ngoài và những đồng tiền đô.
    Thực lòng, quê hương là chỗ mong manh nhất trong tâm hồn tôi. Hai mươi năm, tôi luôn đau đáu nhớ về nó. Tôi nhớ rất rõ hai cây gạo trồng trên bờ ruộng. Một cây ven bờ mương, cha hay ngồi nghỉ giữa buổi cày. Tôi nhớ như in cái cầu ao bằng phiến đá xanh sau nhà. Tôi nhớ cây na bà trồng cạnh bể nước. Và mùi ổi chín luôn thoảng về trong trí nhớ. Tôi nhớ cái lược mau mẹ băm vào da đầu tôi đau rát mỗi khi chải chấy... Từng ấy nỗi nhớ đã làm khô dần nước mắt của tôi.
    Mẹ đón tôi hờ hững, tôi đau quặn lòng. Bao lần nghĩ, đêm đầu tiên về quê tôi sẽ nằm ôm lưng mẹ ngủ. Nhưng đêm đầu tiên về quê, mẹ mắc chiếc màn tuyn mới trên chiếc giường tây kê giữa nhà và bảo tôi nằm ngủ ở đấy. Trong buồng, mẹ vẫn nằm chiếc màn nhuộm gụ. Tôi trằn trọc với giấc ngủ. Nửa đêm thấy mẹ dậy thắp hương. Mẹ khóc, rồi mẹ lầm rầm khấn:
    - Ông ơi, ông yên lòng nghỉ nhé. Nó xa lạ lắm rồi ông ạ. Trước lúc ra đi, ông đã mấy lần không nhắm được mắt, cứ hỏi: Nó về chưa? Nó quên mất hết rồi ông ạ. Rằng nghĩa tử là nghĩa tận. Nó tưởng rằng chỉ có người sống là biết nhớ, biết thương. Còn người chết là không biết gì. Nó đâu biết cha nó đến chết rồi còn mang nỗi nhớ, thương nó. Chết mà chẳng yên lòng. Thôi, nó về rồi đấy. Ông yên lòng ông nhé.
    Nghe mẹ khấn, nước mắt tôi chảy dài trên gối. Tôi cũng thầm khóc cha: Cha ơi, cha tha thứ cho con. Con đầu xanh tuổi trẻ không biết gì. Nay con về, có lớn mà đâu có khôn. Cô con gái Việt mười tám tuổi ấy vẫn là con đấy thôi.
    Tôi nhìn lên bàn thờ, thấy que hương mẹ cắm cháy sáng bùng lên. Nhìn lên ảnh cha, thấy như cha đang cười. Lại thấy như có ai đang vuốt tóc mình. Rồi thấy lòng thanh thản lạ. Thiếp vào giấc ngủ.
    Y hẹn, một ông ở ban văn hóa dẫn chúng tôi đi xem cưới chợ. Vùng quê này cũng giống như vùng quê tôi ngày xưa, còn hoang vu lắm. Lũ trẻ con chạy chân trần. Quần áo, cái cộc, cái rách hở cả da bụng. Chợ được xây ở giữa khoảng đất trống. Có khác cái chợ ngày xưa là láng ximăng, những mái nhà lợp bằng phibrôximăng. Những hàng rau, hàng cá, hàng tôm, hàng dao, kéo, hàng con giống con má. Tôi đi giữa các hàng để mong ước gặp lại tuổi thơ của mình. Lũ trẻ con cũng tung tăng chạy giữa các hàng. Bỗng một mùi thơm thu hút tôi. Mùi của quá khứ ư? Không, tôi đã quen với mùi này. Mùi phở bò. Tôi đã nhìn thấy một dãy nhà nho nhỏ tỏa ra cái mùi thơm ấy. Tôi cũng đã thấy lũ trẻ con đang đứng ép nhau vào cái cửa sổ nhỏ nhìn vào. Tôi bật cười: Phở ngó. Phải, đến khi tôi đi Tây học cha mới giải thích cho tôi: Phở ngó và bánh phỉnh là thế nào. Đứng ngó vào nhìn người ta ăn phở là phở ngó. Còn được người ta khen nịnh cho mấy câu là bánh phỉnh.
    Tôi cũng đứng cùng với đám trẻ con để "ăn" phở ngó. Trong kia chỉ có khoảng bốn, năm người đàn ông đang ăn phở. Không hiểu vô tình hay hữu ý người ta cứ quay mặt vào tường để ăn chứ không quay mặt ra cửa sổ. Tôi đang vơ vẩn nghĩ tại sao lại thế thì đột nhiên nghe tiếng kêu: Ôi chết rồi, ông kia làm sao vậy? Một người đang ăn ngã ra trên ghế băng. Chủ quán cùng mấy người khách ăn đổ xô vào chỗ người ngã. Tôi cũng chạy vào xem sao. Người ngã mặt tím, môi tái nhợt. Bát phở người đó ăn đã hết nhưng vẫn còn bốc khói. Một người nói: Hô hấp nhân tạo đi, chắc là chết nghẹn đấy.
    Người ta khiêng người đàn ông để nằm xuống đất. Một người đàn ông quãng độ hơn bốn mươi gầy gò, đen sạm. Một người bóp miệng người bị nạn thổi vào. Một người ấn tay đè lên ngực. Một người hô to:
    - Chủ quán ơi, xem có trạm y tế gần đây không? Chắc anh ta chết mất.
    Bọn trẻ con bắt đầu túa vào đầy phòng. Trong đám có hai đứa trẻ bỗng khóc ầm lên:
    - Bố ơi, bố ơi, bố bị làm sao thế hả bố? Bố bảo bao giờ cưới chợ bố cho đi xem. Cưới chợ có phở bò, ăn hay chết nghẹn lắm. Nhưng ăn phở ngó thì không việc gì đâu. Sao bố không ăn phở ngó ấy. Bố ơi, bố tỉnh dậy đi.
    Tôi rưng rưng nước mắt khóc theo lũ trẻ. Trước khi quay ra, tôi nhìn người đàn ông bị nạn một lần nữa. Cúc áo ngực anh ta bung ra hết để hở một cái bớt màu đỏ đập tóe vào mắt tôi. Tôi luống cuống ôm thằng bé đang khóc hờ hỏi:
    - Bố cháu tên là gì?
    - Bố cháu tên là Chạc.
    Trời ơi, đây có phải là Chạc, anh trai cày của tôi không?
    Tôi đờ đẫn rút ví, vét hết những đồng tiền trong đó giúi vào tay thằng bé. Tiền, lại tiền. Tiền bây giờ còn có ích gì nữa không? Rồi tôi đi như chạy ra khỏi cái chợ đang cưới. Tôi ngửa mặt than trời: Trời ơi, sao ông ác thế. Cuộc đời ai cũng có một bệ thờ, một điều thiêng. Sao ông nỡ đập bể bệ thờ của tôi như thế. Tôi sẽ sống tiếp thế nào đây? Trời trên kia tít mắt nhìn tôi: Chỉ vì đồng tiền của cô đến không đúng lúc thôi. Nếu trước đó mười phút cô cho những đứa trẻ kia tiền để chúng ăn phở bò chứ không phải phở ngó. Khi đó cha chúng sẽ không phải vừa ăn vừa sợ con đến nỗi nuốt vội vàng như thế để chết nghẹn.
    Y Ban

Chia sẻ trang này