1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuyển tập truyện ngắn hải ngoại

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Julian, 02/12/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Thị Thảo An
    Tình Ca Con Dúi ( III )
    Chúng tôi đi qua sân vào nhà Rông cũ, xin phép nhập làng. Trong khi chờ đợi, tôi nhìn quanh. Bên trong, sàn nhà rộng. Trần mái cao vút, giàn kèo cột bằng dây mây. Chung quanh, tám cây cột to, loại gõ đỏ, hơi nổi vân đen, có chạm trổ hình mặt trời, người, thú. Kệ vách, giắt nhiều xương sọ, sừng trâu, với những đồ trang trí trong buổi tế thần. Bên dưới, còn chưng những bộ cồng, chiêng, trống và các nhạc cụ như đàn brang, đàn brú , đàn brooc,...... thân làm bằng nứa, hộp âm là những vỏ bầu khô, xem rất lạ mắt. Sàn nhà trống trơn, không có bàn ghế, chỉ để những ché rượu bằng sành, chạm hình rồng rắn.
    Xem chán, tôi nhìn ra. Đám con nít vẫn còn lóng ngóng dưới cầu thang. Con trai mặc quần cụt áo thun giống con nít thành phố. Con gái, áo kiểu quần dài. Có đứa mặc áo khín rộng thùng thình, trong ở truồng. Cả đám lem luốc, nhìn tôi cười toe. Chừng chút sau, Già Làng tới. Tôi hơi bất ngờ, ông mặc áo thun, không giống hình ảnh ông già đóng khố cời than, ngồi bên đống lửa. Vừa gặp, ông cho biết, những người thợ rừng đã săn được gấu lớn, đang kéo về. Rồi mời tôi ở lại. ông bảo, có mấy lái thuốc người Kinh cũng đang trong làng chờ. Không còn cách nào, tôi nhận lời. Có thể, ông tưởng tôi là tay mua chuyên nghiệp. A Mang thuật lại chuyện gặp tôi bằng tiếng Thượng. ông phá ra cười. Chúng tôi trò chuyện vui vẻ. Tôi chìa mấy tấm hình chụp hôm qua. Rồi nói, ông không giống Già Làng ngoài Dak Tre. ông ngắm hình thở dài, thời đại đã thay đổi. Xong nhìn ra ngoài, mặt buồn thiu.
    Tôi xách hành lý, theo A Mang về nhà. Đường làng rộng, nhiều mô gò. Hai bên là những nóc nhà dài, loại dành cho cả họ hàng, gồm mấy thế hệ già trẻ sống chung. Cũng có nhiều nhà nhỏ, sống biệt lập từng tiểu gia đình. Nhìn quanh, nhà nào cũng nghèo, vách thưa mái thấp. Trên đất, vương vãi những cành khô. Mấy con gà thả rong, lang thang mổ đất. Lâu lâu mới thấy vài căn, trước sân có cột trâu, A Mang bảo, đó là tài sản lớn. Đi một lúc, bắt gặp trên vạt cỏ thưa, mấy người đàn bà ở trần ngồi cho con bú. Những cặp vú rám, nong sữa, nặng trĩu như hai trái bầu núng nính trên da. A Mang đi trước, ngó thản nhiên, chừng như quen mắt. Đến cuối làng gần tới nhà, đã thấy mẹ hắn chạy ra, chân trần tóc rối, mặt mũi lọ lem như người vừa thoát ra từ trong đám cháy.
    A Mang mồ côi cha. Từ nhỏ, thường theo Già Làng tập làm người lớn, sau này lại thích rày đây mai đó. Khi về, theo lệ làng, mỗi tối trai chưa vợ đều ra ngủ tại nhà Rông, nên khi nghe tôi ở trọ, mẹ hắn mừng lắm. Bà lăng xăng trải chiếu mời ngồi. Căn nhà nhỏ, giữa là bếp lửa, lúc nào cũng đỏ ngọn. Hai mẹ con ngồi xuống gọt sắn. Loại sắn rừng, lá vằn, nhiều củ đẹt. A Mang cười gượng, bảo tôi đến không đúng lúc. Tháng này mới trỉa lúa, không nhà nào còn thóc, cả buôn ăn củ trừ cơm. Rồi hắn nói về những tháng "ning nong" sau mùa gặt, khoảng cuối năm cũ, đầu năm mới. Đó là thời gian nghỉ ngơi, dân làng tổ chức tế lễ, ăn mừng. Họ kéo nhau vào rừng sống lại thời hoang sơ, hái lượm và săn bắt, rồi hú gọi Giàng và tổ tiên cùng về ăn cỗ. Cuộc vui kéo dài, hết nhà này tới nhà khác, mọi người chè chén say sưa, bõ công vất vả. Đó cũng là mùa cưới. Tôi ơ hờ nghe, mắt nhìn quanh. Trên vách, treo nhiều sừng và da thú. Một đầu nai khô, có đôi mắt cứ mải miết trông ra cửa. Đang cao hứng kể, khi nhắc đến mùa cưới thì hắn ngưng bặt. Rồi ngồi thu gối, mắt đăm đăm nhìn củi cháy, nhưng trong con ngươi không hề thấy bóng lửa.
    Buổi chiều, A Mang đưa tôi dạo quanh. Khi ra tới sân làng đã thấy một đám trẻ nhóm vòng tròn, ca hát trước nhà Rông mới. Một cô váy quấn, áo chẽn, đứng giữa vỗ tay bắt nhịp, mấy đứa trẻ đồng ca. Tiếng Thượng líu lo. A Mang đứng lại chăm chú nghe. Tôi bỏ lên thang, thăm nhà Rông mới. Vừa bước vào, tôi chóa mắt. Một rừng biểu ngữ giăng đầy. Tám cây cột lớn và trên xà nhà đều treo cờ, ảnh, khẩu hiệu. "Kinh Thượng một nhà.", "********************** quang vinh muôn năm." Cuối nhà có mấy dãy bàn kê theo kiểu lớp học. Tôi lần theo vách tò mò đọc, những bản thông báo chính sách bảo vệ rừng, cấm đốn gỗ, cấm săn thú, xen lẫn thời khóa biểu lớp học tiếng Việt. Trên tấm bảng, có những dòng chữ nắn nót:
    "Rừng Việt Nam xanh xanh,
    Đất Việt Nam đo đỏ
    Hiu quạnh giữa rừng dày
    Người lính Mỹ phơi thây."
    Khi tôi trở xuống, đám hát đã vãn, chỉ một mình A Mang còn ngồi đó. Chúng tôi im lặng ngắm buổi chiều. Khi mặt trời chìm sau ngọn núi, A Mang thở dài, chừng mươi năm nữa, người Thượng sẽ không còn. Cả đám con nít, chưa có đứa nào bén mảng tới nhà Rông.
    Tối đó, tôi đến thăm Già Làng, gặp lại Y Sao, cô gái dạy hát hồi chiều. Nhiều người tề tựu bên bếp lửa giữa nhà. Đàn ông đan gùi, đàn bà đan rá, có kẻ mang khoai tới vùi cho bữa tối. Họ quây quần, tiếng trò chuyện râm ran. Một hồi, khi ngớt chuyện, Y Sao cất tiếng ca. Có người lấy tre gỏ nhịp, tất cả im lặng lắng tai.
    "Mơ Nâm xoong rang,
    Xơ Teng xoong rế,
    Tơ Drá xoong linh lăng. (*)
    Thấy tôi không hiểu, Già Làng ngồi kế bên dịch. Bài hát nói, người Mơ Nâm làm ruộng, người Xơ Teng trồng đay dệt vải, người Tơ Drá lượm sắt để rèn.
    "Buôn làng ơi, Dậy đi trồng quế.
    Trồng quế chật cả rừng, ta trồng.
    Chiêng sẽ biết về, ché biết nhảy múa.
    Vải, muối đầy nhà vì ta có quế trồng."
    Lovetolive[/size=18]
  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Thị Thảo An
    Tình Ca Con Dúi ( IV )
    Dưới ánh lửa bập bùng, khóe mắt Y Sao long lanh, miệng luôn nở những nụ cười rạng rỡ. Hết bài này tới bài kia. Tiếng hát dồn dã, thúc giục như tiếng chày giã gạo giữa đêm khuya. Khi ngọn lửa sắp tàn, Y Sao đổi giọng, hát tình ca.
    "Xà nhà chàng giắt đầy đầu thú,
    Bếp nhà chàng chất đầy xương cá to.
    Đồ sắt chàng rèn, cuốc bền, rựa sắc.
    Dao bén có mắt, rựa như có mũi.
    Ngón tay chàng mòn vì đan gùi lưng em.
    ...Đôi ta, sẽ ăn chung rá, ngủ chung sàn.
    Suốt đời như cá rô lăng dưới suối
    Chồng là nhà, vợ là cửa.",...(*)
    Nghe một hồi, tôi ngờ cô ám chỉ A Mang. Tôi dáo dác kiếm, bắt gặp hắn nhìn trộm Y Sao, đôi mắt giống mắt con nai tới chết vẫn trông về núi.
    Tới khuya, gió lớn, A Mang đưa tôi về. Người mẹ đứng tại cầu thang lóng ngóng chờ. Bà lẩn thẩn dặn, đừng để tôi đi lang thang, ngày xưa các bộ tộc vẫn có tục bắt người đổi trâu. A Mang nói thêm với tôi, đàn bà được năm trâu, đàn ông hai. Rồi hắn cười lớn, bây giờ trâu quý hơn người, đâu ai đổi.
    Đêm rừng núi, tôi không ngủ. Mắt thao láo, nhìn mấy bộ xương thú, nhưng tâm trí lan man tuốt ở rừng sâu. Trong đêm tối, những con thú này từng mò mẫm rình mồi. Giờ nằm đây, đành chết khô trên vách. Gần sáng, trời nổi giông. Trên không, gió rít ngọn từng hồi, khi sà xuống như muốn cào rừng sạch lá. Chút sau, mưa lắc rắc. Tới sáng, hóa thành sương, rồi ngưng hẳn.
    Tiếng gà rừng eo óc làm tôi thức giấc. A Mang đã về tự bao giờ. Hắn soạn gùi, chuẩn bị đi rừng. A Mang khoe, đan gùi là một kỹ xảo nhà nghề, không đơn giản như đan rổ, rá. Đa số dùng lồ ồ, nứa, tre xa -mlú, loại thân dẻo, không mấu, cột bằng dây mây. Hắn lôi ra nhiều loại. Gùi thấp, miệng loe, để tuốt lúa. Gùi cao, đáy vuông, mang đi chợ, đi rừng. Gùi có nắp, chung quanh viền những hoa văn màu mè, dùng như cái tủ, đựng đồ quý trong nhà. Cuối cùng, A Mang lấy cái ba chân, có ngăn, gùi của thợ săn. Hắn đem mớ dao ra, ngắm ngía từng con, chọn để đi rừng. Dao nhọn giống hình lá dứa để thủ thân, đầu dao quắm có cù ngoéo như cán dù dùng cắt dây rừng, lưỡi và cán dao xà gạc để chặt cây, phát rừng. Tôi ngạc nhiên, những loại dao hình dáng lạ. A Mang bảo, tất cả dao cuốc đều rèn trong buôn. Trước, họ vẫn sản xuất để sang Lào đổi trâu. Giờ đã nghỉ, vì không cạnh tranh nổi với hàng công nghiệp miền xuôi. Nói xong, hắn bắc nồi kê chín mời tôi lót dạ, ăn kèm với món măng nướng. Tôi bắt chước, chọn những mụt măng sặt nhỏ cho vào lửa, đợi vỏ ngoài cháy trụi mới lột dần. Măng chấm với gói chẩm cheo, gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, củ tỏi giã nhỏ, pha chút nước chua. Tôi cắn một miếng. Vị đắng của măng, chất mặn từ muối, vị cay xé của ớt, cay ấm của gừng, cay tê của mắc khén, cay nồng của tỏi, tất cả hòa lại xông lên mũi làm tôi sặc sụa, chảy nước mắt. A Mang thấy vậy cười lăn.
    Chúng tôi ra ngoài nhà Rông khi trời sáng rõ. Kẻ dao, người rựa chờ nhau trước sân làng. Kể cả con nít cũng cầm rổ rá, lăng xăng chạy theo cha mẹ. Mọi người lên rừng, kiếm củ. Nhìn một hồi, tôi phát giác, đa số là đàn bà, trẻ con.
    A Mang dẫn tôi ra suối chỉ chỗ dùng nước. Ngọn suối róc rách, nước trong, nom tận đáy. Tắm giặt ở bờ, nhưng nước ăn uống phải dẫn từ mạch về. Một hệ thống máng nước nối nhau bằng những thân lồ ồ dài mút mắt. A Mang dặn, máng nước là chỗ thiêng, không phạm được. Trước khi sửa hay thay máng, làng phải tế thần Nước long trọng lắm. Nói xong, hắn chuyền chân trên đá để men theo suối, vừa đi vừa ca om sòm. Tôi nhớ ra, toàn là những bài Y Sao hát. Chắc mẻm, hắn có tình. Tôi mỉm cười nghĩ, họ xứng đôi.
    Đang vui chân sáo, bỗng hắn lom lom nhìn vào khe, rồi trông lên trời. Nước sủi bọt. Hắn nhảy phóc lên mấy tảng đá khác xem, đâu cũng vậy. Rồi buông giọng lo, chắc sẽ có mưa. Tôi nhìn lên, trời quang, nắng ban mai vàng hoe. Chưa kịp nói gì, đã thấy A Mang trên bờ, bứt mấy cọng cỏ gà, giơ cho tôi xem. Bông cỏ trắng phau như bạc. Giọng hắn chắc nịch, trời sẽ mưa lớn lắm. Người Thượng xem thời tiết bằng kinh nghiệm. Như, thấy con chim kling klang lượn thì biết mùa mưa đến, nghe chim ngói hót là mùa cơm mới, thấy côn trùng dời tổ là có lụt.
    A Mang đổi ý không đi rừng. Hắn thăm ruộng. Ruộng miền cao kiểu nấc thang, mỗi bậc nhỏ chỉ bằng ba sãi chân, nằm chồng chất từ chân núi. Bờ giữ nước thấp, chỉ cao tới cổ chân. Trên mỗi bậc, họ gắn một ống lồ ồ ngắn. Khi mưa lớn, nước từ trên chảy chuyền xuống dưới, tránh ngập úng. Trong khi A Mang đi gắn lại mấy ống lồ ồ, tôi nhìn quanh. Rừng mênh mông. Buôn làng lọt giữa mấy quả đồi trọc, mọc đầy cỏ tranh. Xa xa, ẩn hiện mấy dãy nhà tôn, chắc đó là trại Kiểm Lâm. Gần trưa xong việc, A Mang đến ngồi kế thở phào. Tôi ngạc nhiên, ruộng có nhiều vậy, sao còn đi chụp hình. Hắn cười hiền khô, ruộng nhà chỉ được mươi bậc, còn lại làm dùm cho làng. Truyền thống trong buôn, ai rảnh thì làm, không nệ hà. Tôi trông lên mươi bậc, chịu không sao ước lượng. A Mang bảo, mỗi vụ chỉ được dăm gùi lúa, không đủ cho cả năm, nên phải trồng thêm khoai, bắp trong nương rẫy, hoặc đào củ rừng. Chỉ khá khi may mắn săn được thú quý. Rồi đột nhiên, hắn thở dài, giờ thú quý rất hiếm lại được bảo vệ, có săn cũng là săn lậu. Tôi thắc mắc, lợi tức kém vậy, làm sao sống nổi. Hắn nói, nghề lâu dài là trồng quế. Trước hết, phải biết lựa thế quay về hướng mặt trời mọc, quế mới tốt và nhiều tinh dầu. Quế trồng bằng hạt, mười lăm năm mới lột. Vỏ đem về dầm sương hay ngâm nước, rồi hong khô cho hết nhựa, xong ủ mấy ngày mới bán được. Người trong buôn, cứ cha trồng con hưởng. Hắn cũng được mươi cây gầy vốn để sau này lập gia đình. Nghe vậy tôi cười trêu, xứ này con gái cưới chồng, lo chi. Hắn mắc cở, đỏ bừng tai, chỉ ước sao giống trai Kinh, được quyền yêu ai cưới nấy.
    Trên đường về, A Mang nói, thời tiết ở đây khắc nghiệt lắm. Mùa Hè, có những cơn mưa xối xả phủ trắng đất trời. Mưa dầm dề, dai dẳng, với những cơn lốc sụt đất, lở rừng. Đến mùa khô thì nắng chói chang, thiêu đốt. Mặt trời như muốn hút cạn những giọt nước cuối cùng của đất. Những con đường nóng ran, bụi nhẹ tênh, bay hờ trong không, nhuộm đỏ lá rừng. Xong, hắn kể, mấy năm trước, Già Làng thường xuống miền xuôi. Mỗi tối, nhà Rông thiếu người kể chuyện. Rượu nhạt, lửa reo cũng không vui. Những chiếc gùi đan ra đều méo. Đêm mưa dài, Y Sao buồn tình cất tiếng hát. Khi mưa dứt, giọng ca còn rớt trong lòng. Nói tới đây, hắn nhìn trời đất mông lung. Thấy A Mang buồn, tôi xúi, cứ bắt chước con trai Kinh, thương ai phải tỏ ý trước. Hắn thẹn, nhưng cũng hỏi, tỏ như thế nào? Tôi nói đại, nắm tay, hay hôn, đều được cả. Nghe vậy, hắn rụt đầu, le lưỡi, đi một mạch xuống làng.
    Lovetolive[/size=18]
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Thị Thảo An
    Tình Ca Con Dúi ( V )
    Già làng nghe chúng tôi báo, vội sai đánh cồng. Tiếng cồng hối hả, nghe nóng ruột. Nhịp điệu có tín hiệu riêng, thúc giục mọi người đi xa trở về. Và, báo tin cho những buôn lân cận. ông chặc lưỡi lo, chỉ có trại Kiểm Lâm chắc nghe không hiểu.
    Tới chiều, trời bảng lãng, vẫn chưa mưa. Nhiều người lùa trâu, lợn xuống sàn. Trên người, dưới thú, bây giờ tôi mới hiểu thêm công dụng của nhà sàn. A Mang cũng chạy về, giúp mẹ khuân củi. Cảnh làng tấp nập, chỉ mình tôi đứng xớ rớ giữa sân.
    Đầu hôm, trời đổ mưa. Ban đầu còn nặng hạt, sau như trút nước. Già Làng giữ tôi ở nhà Rông ăn tối. Xong bữa, chúng tôi quây quần bên ché rượu. Già Làng khoe, rượu cần trong buôn đặc biệt nấu bằng kê chân vịt, ngon không đâu bằng. Rượu được ủ bằng lá rừng làm men, đựng trong ché đậy kín, không chưng cất qua lửa. " càng lâu, rượu càng nồng và ngọt. Già Làng múc nước suối trong đổ vào. Ché rượu giống bình bông, cao năm tấc, ngoài có chạm hình một con rồng uốn khúc màu da lươn. Cần hút là ống cây kxia, tợ như ống trúc nhỏ, hơi cong, trong ruột rỗng thông lòng, đầu dưới có mấu và lỗ khoét ngang. Trên miệng bình có đẽo một khúc gỗ gác ngang, gọi là cang đo rượu. Mỗi khi rượu cạn, ông lấy khúc sừng trâu, phía chót sừng có lỗ thủng để châm thêm nước. Già Làng nhấm chút rượu rồi gác cần mời. Tôi lúng túng. Tưởng tôi sợ say, ông đưa một khúc măng nướng bảo, ăn măng le uống rượu cần không say đâu, đừng sợ. Nghe nói, vào buôn không uống rượu mời, người Thượng sẽ giận. Tôi bối rối, đang tìm lời chối khéo thì Gìa Làng đã khoát tay, đàn bà Kinh không biết uống rượu là thường.
    Bên ngoài, càng lúc mưa càng lớn. Thỉnh thoảng, sấm rền trời, nghe như tiếng nổ ngay trên mặt đất. Rồi chớp lóe, những tia sáng run rẫy, sáng lòe. Chúng tôi lo lắng nhìn ra. Tôi liên tưởng ngoài ruộng rẫy, giờ này chắc mấy thằng bù nhìn đan bằng nứa té ngả nghiêng, dàn mõ gỏ đuổi chim đứt dây, bay tứ tán. Hồi sau, liếp nhà Rông bị gió đập cũng run lên bần bật. Già Làng chép miệng, lo cho cả những làng hẻo lánh, neo người. Tôi bâng quơ hỏi, cũng cùng sắc tộc, sống giữa rừng núi sao không hợp lại thành một buôn. Già Làng lắc đầu, không ai hiểu được. Truyền thuyết chúng tôi chỉ kể, ngày xưa có hai anh em mồ côi. Nhà nghèo, thường bị đói. Một hôm hai anh em bắt được một con dúi. Người anh bảo người em nướng cùng ăn, còn mình ra ngoài kiếm thêm. Nướng xong, người em chờ lâu mệt, ngủ quên. Bất ngờ, một con chó rừng đi qua ngoạm mất con dúi. Khi anh về, tưởng em tham ăn nên giận dữ, mắng cho thậm tệ. Tủi thân, người em bỏ đi. Ngày nay, con cháu họ rải rác đó đây. Tới giờ vẫn chưa về chung với nhau được. Câu chuyện buồn làm tôi ngùi giọng, thở dài. Hồi lâu, Già Làng tò mò hỏi, còn người Kinh oán hận chi mà hòa bình rồi lại kéo nhau bỏ xứ ra đi? Tôi nhìn ra màn mưa, đáp bâng quơ, người Kinh chưa ai bắt được con dúi. Chúng tôi chỉ mới đuổi theo. Điều buồn là, ai cũng cho đường mình đi chính là đường con dúi chạy, nên tới giờ cũng chưa sống chung với nhau được. Nghe xong, Già Làng làm thinh, rồi kéo cần, ghé môi hút. Tôi mơ hồ thấy, vũ trụ như thu vào trong ché, tiếng rượu reo nghe như tiếng mưa réo bên ngoài.
    Đêm sau, trời ngớt mưa. Không gian ướt sũng. Hơi ẩm bốc ra từ mái nhà, xó bếp len tận trong da. Nhiều người ngồi nhà buồn, mặc áo tơi, đội mưa tới. Đàn ông hút thuốc. Tôi ngạc nhiên, có những chiếc tẩu, cán dài quá ngực. Đàn bà ăn trầu như người Việt. Chỉ khác, họ dùng vôi bằng vỏ ốc bắt ở suối, mài nhuyễn rồi đem nung. Có bà không nhai trầu lại nghiện thuốc. Họ không hút, chỉ ngậm bột thuốc lá trong kẽ răng. Mọi người quây quần bên ché rượu, vừa nhâm nhi vừa tán đủ thứ chuyện trên đời.
    Đêm dài, chuyện nhạt, tôi bỗng nhớ tiếng hát Y Sao. Hỏi về cô, Già Làng cười, đó là cây quế của rừng, trai làng ai cũng thích. Con gái ở đây hấp dẫn không tùy nhan sắc, hơn thua nhau ở đôi tay giỏi việc nhà. ông chỉ, hễ thấy nhà nào trước có chất nhiều củi, con gái nhà đó có giá, cưới ai họ cũng ưng.
    Chúng tôi ngồi nghe mưa. Một hồi, khi Già Làng ngà hơi men thì A Mang tới. Hắn lẳng lặng kiếm chỗ ngồi, không buồn chào tôi một tiếng. Tiếp theo, Y Sao kéo một đám thanh niên ồn ào bước vào. Tôi ngạc nhiên, có một người không giống Thượng. Chỉ chút sau, tôi biết anh ta là cán bộ của trại Kiểm Lâm. Họ hát hò rồi trêu nhau. Anh cán bộ cời than. Y Sao ngồi kế bên, rất đằm thắm. Lửa bập bùng, mầu da cô bóng như mầu gỗ non lên nước. Thỉnh thoảng, họ liếc nhau, cười rất tình.
    Trong câu chuyện, anh cán bộ là tay lanh lợi, khéo đưa đẩy, hay pha trò. Chủ yếu, anh ca ngợi những sắc tộc thiểu số, những anh hùng người Thượng như anh A Núp, chị Y Một. Sau cùng, anh nhắc nhở, họ đang sống trên rừng vàng. Dãy Trường Sơn được đánh giá là loại rừng Cúc Phương, gồm năm tầng địa sinh, có nhiều gỗ và thú quý. Rồi anh kết luận, vì vậy phải bảo vệ thật nghiêm ngặt. Mà người Thượng, chính là vệ sĩ của rừng.
    Đến nửa khuya, lửa tàn, mưa cũng tạnh. Cuộc vui vãn dần. Nhìn quanh căn nhà chỉ còn mươi người say, nằm chèo queo bên ché rượu. Già Làng đi ngủ từ lâu. Tôi tìm A Mang, định bụng bảo sáng tôi về, không chờ nữa. Nhưng bắt gặp hắn ngồi bất động, mặt eo xèo như kẻ sa cơ, tôi lại chùng lòng, không nói được.
    Tới gần sáng, gió trên núi thốc về, tốc vào mái tranh. Tiếng rừng hú âm u, nao dạ. Trời lạnh, sương từ hốc núi men ra, len vào liếp cửa. Vài người lui cui dậy, gầy lại bếp. Già Làng pha nước muồng, người Thượng gọi đó là cà phê rừng. Tôi nhấp thử. Nước màu nâu nhạt, hơi giống thứ cà phê giảo của người nghèo.
    Trời còn mờ, có một tốp thanh niên ghé qua xin nước uống. Họ mặc đồ ka ki, vác rựa sắp ra khỏi làng. Hỏi, Già Làng bảo, đó là những người thợ cưa của trại Kiểm Lâm. Tôi thắc mắc, trong buôn có việc, sao A Mang lại đi làm tuốt ở Dak Tre. Chỉ chút sau, tôi vỡ lẽ. Chiếc xe cây chở công nhân vừa đậu trước sân, đã nghe tiếng anh cán bộ gọi người ơi ới.
    Sực nhớ câu chuyện đêm qua, tôi hỏi, anh A Núp, chị Y Một là ai. Già Làng lắc đầu, cũng không biết. ông nói, những anh hùng được người Thượng sùng bái là các vị Tù Trưởng như ông Ngeuh, ông Kon Klot, ông Y Thu K'nul, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Pou Trang Lung. Nói tới đây, ông kiêu hãnh bảo, miền xuôi đất rộng phì nhiêu, người Kinh có nhiều đường lui. Còn chúng tôi ở trên đỉnh núi, vào thế liều. Tò mò về Pou Trang Lung, tôi giục Già Làng kể tiếp. ông nói, Pou Trang Lung chỉ là một người nhỏ bé, khổ mặt lớn, có tiếng nói đặc biệt. Người Biệt truyền rằng, mỗi khi Tù Trưởng Lung thét lên, thú rừng cũng phải lẩn trốn. Ngoài ra, ông còn vẽ mặt ngụy trang như mặt hươu để cướp tinh thần quân địch. Vào lúc quân Pháp đã chiếm hết miền xuôi, họ bắt đầu đưa quân đánh đất cao nguyên. Người Thượng cùng đường nên chống trả kịch liệt. Tuy võ khí thô sơ, nhưng cuộc khởi nghĩa chưa bao giờ ngừng. Một người chỉ huy danh tiếng của Pháp là Henri Maitre nhận lệnh cai trị vùng này. Khi H. Maitre đi vắng, lính trong đồn xông ra cướp bóc của cải, đập phá các ghè rượu và giết chết cả nhà Pou Trang Lung. Tù Trưởng Lung liền kêu gọi các bộ lạc xung quanh đến diệt nguyên đồn Pháp. Từ đó Pou Trang Lung đi khắp nơi, thành lập liên minh các bộ lạc, tổ chức tấn công ngăn chận đoàn quân viễn chinh. Hai năm sau, ông dùng mưu trá hàng và giết chết H. Maitre cùng lính trong đồn. Người Pháp kinh hãi gọi xứ này là địa ngục treo, và triệt thoái ra khỏi cao nguyên. Hơn hai mươi năm, Pou Trang Lung đã bảo vệ đời sống tự do cho người Thượng. Mãi sau khi ông chết, người Pháp mới đưa quân trở lại cao nguyên.
    Buổi sáng, trong lúc mọi người thăm ruộng, tôi trở về nhà A Mang. Dọc đường, bắt gặp một nha,ụ trước sân chất cả trăm đống củi. Nhớ lời Già Làng, tôi đứng lại nhìn. Đang ngó dáo dác, bất ngờ thấy Y Sao đi ra. Gặp tôi, cô mừng rỡ, kéo vào chơi.
    Nhà Y Sao rộng, ngăn nắp. Trên giường, có căng một khúc hàng thổ cẩm đang dệt dở. Khung cửi đơn sơ, gồm hai thanh tre lớn, cột những sợi lanh đen. Cách dệt đơn giản, người ta luồn những sợi lanh màu nằm ngang, rồi dùng những thanh tre nhỏ căng cho thẳng. Thấy tôi xem chăm chú, Y Sao nói, chỉ dệt lấy từ sợi gai dầu, tức là cây lanh mán, rồi nhuộm bằng lá rừng như lá cây Chàm cho màu xanh, rễ cây Vang nhuộm màu vàng, rễ Sim màu tím, cây củ Nâu nhuộm màu đỏ nâu,......... Vải cô dệt nhiều màu sắc, ai cũng thích. Tôi lắc đầu đùa, "Thích vải đẹp dễ, tìm đâu cũng được, nhưng làng chỉ có một Y Sao." Cô cười, khóe mắt kiêu hãnh, "Trai làng thích trăm đống củi, chắc gì họ thích Y Sao?" Tôi ngó ra sân, bật cười. Cô tò mò hỏi, "Không biết trai Kinh thích gì?" Tôi nhún vai bỡn, "Họ không thích củi, nhưng thích trăm thứ khác." Cô lại gạn, "Là những thứ gì?" Tôi lắc đầu, không biết. Một hồi, cô nói, "Con gái Kinh khờ, sao cứ ngồi chờ con trai tới rước?" Tôi nghĩ, rõ ràng cô định cưới chồng Kinh.
    Lovetolive[/size=18]
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Nguyễn Thị Thảo An
    Tình Ca Con Dúi ( VI )
    Ban ngày, mặt Y Sao hơi tái. Tôi rủ sang nhà A Mang, sẽ cho cô mớ phấn son để dùng. Vừa ra khỏi sân, chúng tôi đi ngang một chuồng trâu lớn. Tôi thắc mắc, ruộng ít sao trâu lại nhiều? Y Sao cười ngặt ngoẻo, tục Thượng nuôi trâu tế thần, không phải để cày bừa. Người ta làm ruộng bằng cách giẫm chân sục bùn, rồi dùng gậy chọc lỗ tra hạt giống, gọi là trỉa lúa. Người Thượng không dám thay đổi cách sống vì sợ xúc phạm Thần Lúa, Thần Đất, Thần Nước. Rồi cô chau mày, đó là lối suy nghĩ của những người già. Lớp trẻ ngày nay học trường Việt, thích đời sống miền xuôi hơn. Nghe vậy, tôi mời cô xuống thành phố chơi. Y Sao rụt vai nói, người Kinh lên rừng nhìn chiếc lá nào cũng giống nhau; người Thượng xuống thành thấy cái nhà nào cũng giống nhau. Dễ lạc lắm.
    Buổi tối, trời lại nổi giông. Đêm rừng núi, đầy bất trắc. Tôi ngồi đẩy củi vào lò, nhưng cảm giác đang ngồi giữa trời không. Chẳng khéo, kẹt một đám mưa nữa thêm phiền. Tôi định cáo từ thì nghe Già Làng nói, thật ra, người Thượng thường vào rừng tìm mật ong để bán. Khi kiếm được tổ ong rất dễ tìm ra gấu. Gấu leo cây, sục mõm vào tổ hút mật. Hết mật thì gấu say, bị ong đánh té nhào chết giấc. Họ chỉ việc lấy dây trói gấu, cột chặt mõm khiêng về. Đợi khi gấu tỉnh mổ thì mật mới còn nguyên. Cái khó là đoạn đem gấu về. Gấu nặng mấy trăm ký, khiêng trên đường gai góc chằng chịt, vừa đi vừa mở lối, không phải dễ.
    Sáng hôm sau, có tin nhóm thợ săn đã khiêng gấu về tới bìa rừng. Nhiều người nhốn nháo ra xem. A Mang phóng như bay, chạy trước. Tôi theo sau, cũng vui lây.
    Khi tôi tới, không thấy gấu. Một đám đông bu quanh mấy nhân viên Kiểm Lâm. Một người cắm cúi viết biên bản. Nghe nói, gấu đã bị tịch thu, chở về trại. Tôi ngơ ngác ngó quanh, không biết A Mang biến đâu mất.
    Xế trưa, hắn từ rừng lò cò về. Mình mẩy bị gai cào sướt, một chân trật khớp, đi cà nhắc. Mặt còn tái, A Mang kể, hắn mới ghé vai khiêng phụ thì đội Kiểm Lâm trờ tới. Sợ bị bắt, hắn lủi vào rừng. Tôi chọn những quả Dành Dành nhiều cánh đâm dập, đắp vào những chỗ sưng. Bà mẹ A Mang lấy tay nặn những vết máu bầm còn ứ. Hắn cắn răng, nén cơn đau. Tôi ngồi bên cũng xuýt xoa. Thấy vậy, hắn bật cười, "Nghe nói, người Kinh can đảm lắm, đau chân thì chặt chân, phải không?" Tôi trố mắt, ngạc nhiên, nhưng chợt hiểu. Chắc hắn thấy mấy người thương tật, bị cưa chân. Tôi giải thích, "Trong trường hợp vì muốn giữ tính mạng, đôi khi người ta phải quyết định cắt bỏ một phần nào đó trong cơ thể." Hắn nghiêm giọng hỏi, "Đau đâu, chặt đó. Vậy nếu đau ở đây," hắn đưa tay lên ngực, "Thì chặt ở đâu?" Tôi giả lơ, không đáp.
    Hồi lâu, hắn thiu thiu ngủ, tôi lững thững ra ngoài dạo chơi. Vừa tới cửa nhà Rông, đã thấy anh cán bộ chờ tôi ở đó. Anh trao cho túi vải. Tôi mở ra, giật mình. Một trái mật tươi còn hâm hấp nóng. Anh cán bộ nói, về lấy dao trích nhẹ, trong giọt mật đen có nhiều hột màu vàng óng ánh, bỏ vào nước, sẽ chảy thành những sợi chỉ vàng dài xuống tận đáy ly. Cứ việc thử để mua không sợ lầm. Sau cùng anh dặn, ngày mai có xe của công ty chế biến gỗ về thành phố, tôi có thể đi cùng.
    Buổi chiều, tôi chực nhớ, chưa hỏi mấy giờ chuyến xe khởi hành. Sắp xếp hành lý xong, thấy còn sớm, tôi rủ đám trẻ thả bộ qua trại Kiểm Lâm. Mấy đứa nhỏ vừa đi vừa đuổi nhau, qua một con đồi phút chốc đã tới trại. Thấy không ai ở ngoài, tôi đẩy cửa vào. Phòng khách vắng hoe. Tôi nhón chân qua khe cửa nhìn vào trong. Dưới sàn, một tấm vải thổ cẩm màu mè động đậy. Bên dưới, có người đang giẫy dụa, có cả tiếng cười thầm.
    Qua một đêm, A Mang hồi phục hẳn. Hắn hăng hái vác hành lý đưa tôi qua trại. Dọc đường, A Mang bảo, từ nay sẽ ở lại làng. Tục Thượng, con gái chưa chồng thất tiết bị coi là tội loạn luân, làng phạt vạ rất nặng. Tôi hỏi, phạt thế nào? Hắn nói, có thể bị đền trâu. Người con gái phải làm lễ nhập gia, nghĩa là phải lấy máu trộn gan lợn bôi lên đầu tất cả mọi người trong gia đình. Đó là nỗi nhục lớn, không rửa được. Nói tới đây, A Mang đanh giọng, phải ở lại để giúp Y Sao. Thì ra, hắn biết hết mọi chuyện. Gần tới nơi, A Mang đứng lại, trao hành lý rồi ù té chạy. Tôi ngó theo. Sức hắn dai như con thú, mang vết thương mà sống giữa đời?
    (trích Văn, Xuân Tân Tỵ 2001)
    (*) Dân ca Tây Nguyên
    Lovetolive[/size=18]
  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    [green] Miêng {/green]
    Ai Thương ( I )
    Bây giờ thì tôi thức dậy với cái đánh thức nhẹ nhàng của người đàn bà. Chị thường bảo nhìn tôi ngủ rất dễ thương nhưng chị thấy cô đơn. Chẳng như hồi xưa anh ấy thường đánh thức tôi vũ bảo : Dậy. Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa, sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày. Dậy. Anh dậy sớm mà vẫn không giàu, không say sưa mà chẳng sang chút nào. Được cái bảnh trai, mắt ướt môi mọng. Bà chủ thì bảo mặt anh trông điếm.
    Anh thức ngủ theo giờ giấc loài gà. Đêm nào muốn thức với nhau, anh phải uống hai ly cà phê đen. Sau mỗi đêm thức, anh thường đòi làm đám cưới, bảo là đã tìm ra người đàn bà đời mình. Nhưng thỉnh thoảng vẫn nhắc đến cô bồ cũ và câu ca dao chín con chưa gọi rằng chồng, rằng anh em như tay chân vợ chồng như quần áo ... làm tôi khựng.
    Chúng tôi sống với nhau như những cành tầm gửi, không đứa nào là thân cây chính. Nhưng xa nhau không nổi. Xứ này một năm thời tiết vui vẻ chỉ có ba bốn tháng. Tôi sợ một mình. Hôm tình cờ gặp nhau khu chơ. Tàu, cô bồ cũ anh thản nhiên mời tôi vào tiệm ăn trưa. Thản nhiên tới nỗi tôi không dám từ chối. Tôi lúng túng với đôi đũa vì mang mặc cảm mình đang đầm ấm với người xưa của chị, trong khi chị lại thui thủi một mình. Chỉ khi xong bữa ăn, tôi mới hiểu là chị bỏ anh hay những vị đàn ông trước đó vì chán, lại bỏ thêm thằng bồ Tây sau anh cũng vì chán. Như thể chị tìm kiếm hoài mà người đàn ông đời chị cứ trốn chui trốn nhủi xó xỉnh nào hoặc dám chưa ra đời. Tôi thấy chị may mắn sung sướng quá, tha hồ cứ lựa xong lại chán bỏ. Nếu chị không chán hẳn có người mang trầu tươi rượu ngon tới thỉnh về.
    - Có hạnh phúc không ?
    Tôi không biết trả lời sao. Có cũng không hẳn đúng mà không cũng chẳng sai.
    - Đều đều hai ly cà phê đen không ? Và tìm ra người đàn bà lý tưởng ?
    Tôi cho như vậy là ác miệng, là muốn phá thối niềm kiêu hãnh của mình, nhưng vẫn cười. Chị nhìn tôi cười thẳng thắn. Người đàn bà này có cái gì làm tôi rất thích. Chả trách anh vẫn còn lưu luyến.
    Tôi không kể anh nghe buổi gặp gỡ ấy với cái nháy mắt chia tay lúc ra khỏi tiệm ăn. Có cái gì đồng loã ngầm giữa hai đứa quen hơi một thằng đàn ông mà không ghen tị. Sau đó chị thường điện thoại rủ nhau ăn trưa. Không có gì phải khai ra với ai, nhưng sao cứ như lén lút.
    Rồi anh muốn về Việt Nam vì sở gửi đi. Anh nói là sống ơ ? Việt Nam mà ăn lương Tây thì như vua. Em về với anh đi, khỏi phải làm công, mà làm bà. Chỉ cần ở nhà lo cơm nước cho anh. Không chừng cứ ngày ngày ra tiệm kéo ghế vì rẻ, lại ngon. Em vẫn thèm như vậy mà ? Tôi ngần ngại. Chín con chưa gọi rằng chồng mà ! Lại là thời buổi Việt kiều đang có giá, ông nào về cũng được các cô mơn mởn ve vãn. Bà nào cũng bị mất chồng mất bồ dễ hơn mất ví - rồi tôi sẽ ra sao ? Bà chủ khuyên không nên cho anh về. Mà tôi thì quyền hạn gì. Vẫn cứ phân vân. Chỉ có chị là khuyên nên để lủy đi đi, cho yên thân (cứ như thể lủy phiền hà tôi lắm vậy !).
    Lovetolive[/size=18]
  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    MIÊNG
    AI THƯƠNG ( II )
    Buổi chia tay cũng bịn rịn như những cặp vợ chồng chân chính. Anh hứa khi nào thu xếp xong xuôi bên ấy thì tôi về, ta về ta tắm ao ta. Sở gửi đi chỉ hai năm chớ sau đó có thể gia hạn nếu muốn. Anh hứa thỉnh thoảng trở qua Pháp thăm tôi, người đàn bà đời anh. Tự nhiên tôi thấy có gì không ổn. Chắc chỉ vì mỏi mệt. Hay do những cái mà bà ngoại vẫn gọi là "linh tính" ? Cái thứ con hoang như mày ấy mà, chẳng hy vọng gì được ăn miếng trầu héo uống miếng rượu nhạt đâu. Lớn lên cứ đứa nào nói thương thì theo nó, đừng hòng ai mang trầu rượu. Tôi thường hỏi mẹ con hoang là gì. Mẹ làm thinh giây lâu, xong chỉ tay lên trời, bảo con hoang là con của trăng. Cha tôi thỉnh thoảng mới xuất hiện và chẳng bao giờ về nhà chơi với tôi như cha lũ bạn cùng xóm. Khi tôi giới thiệu cha, tụi nó trầm trồ ******* sáng trưng, ******* đẹp quá, mày sung sướng quá, mà sao ******* ở chi tuốt trên cao vậy, sao không về. Người lớn thì cười. Rồi mẹ một hôm theo cha, cũng không bao giờ về với tôi và ngoại. Tôi hỏi nếu cha là trăng, thì mẹ là cái gì, có ở cạnh cha không. Ngoại lặng người, không trả lời. Rồi ngoại cấm tôi khóc hỏi về mẹ. Và cho đến ngày mất, ngoại vẫn mang trong lòng nỗi thương khắc nghiệt và niềm hận tôi vì sự "dại dột" của mẹ. Lớn lên tôi mới hiểu là ngoại nát cả lòng.
    Tôi đi theo người đàn ông thứ nhất vượt biên. Tới Pháp, anh bảo em triệt sản đi, anh không muốn có con nữa. Chẳng biết anh nói gì với bịnh viện. Người ta đưa tôi lên bàn mổ rồi hai tuần sau thì thả về. Ba năm sau anh bảo lãnh vợ con qua, may là tôi tìm được chân bán hàng. Rồi tôi gặp anh khách bảnh trai mắt ướt môi mọng. Bà ngoại vẫn bảo đứa nào nói thương thì cứ theo nó, anh nói anh thương, tôi theo ...
    Tháng đầu anh đi, chị và tôi gặp nhau tuần hai lần. Tháng thứ hai, chúng tôi gặp nhau tuần ba lần. Tháng thứ ba anh bắt đầu vắng tin tức, tôi vẫn còn khóc, (không, khóc nhiều hơn chứ, vì biết là đôi mắt ướt đã nhìn đôi mắt khác, cặp môi mọng đã hôn đôi môi khác), chị bắt đầu qua đêm trong căn phòng chật chội của tôi. Đêm đầu tôi nhường giường cho chị. Đêm hai chị bảo tôi cùng nằm, âu yếm vuốt tóc tôi. Đêm ba giữa đêm tôi thức giấc, mơ hồ cảm giác tay anh sờ soạng khắp người. Đêm tư tôi bẻn lẽn như cô dâu mới vê với chồng. Đêm năm nhớ tới lời ngoại dặn: đứa nào nói thương thì theo nó đi, đừng hòng ai mang trầu rượu ...
    MIÊNG Paris, 02 Janv., 1999.

    Lovetolive[/size=18]
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    ÁI KHANH
    HUẾ VỚI MỘNG BAN ĐẦU ( I )
    Khi Thi vừa đặt chân đến Huế là đang mùa Hè, phượng đỏ rực cả một chân trời khiến Thi lặng người đứng nhìn ... Nơi đây, khi xưa, Thi được sinh ra và lớn lên.
    Sau khi thả bộ một vòng khá xa, Thi tìm một băng ghế đá ngồi nghỉ chân. Nhớ lại, trước khi quyết định về thăm lại nơi này, Thi nghe chừng như Huế đã thật sự rời xa thăm thẳm trong ký ức mình. Bây giờ thì ngược lại, nàng muốn trào nước mắt, lòng bồi hồi cảm xúc khi đứng trước thiên nhiên. Huế đẹp quá! Một ngọn gió vô tình thổi qua, lá phượng chen lẫn một vài cánh phượng hồng lả tả rơi xuống, bay là đà trong gió ... Thi nhìn không chớp mắt.
    Một cảm giác lành lạnh chen lẫn chút tê tái trong lòng. Thi nhắm mắt, mặc cho dòng tư tưởng đưa đẩy nàng về với kỷ niệm xa xưa.
    Thuở ấy, khi còn là một cô bé khờ dại, ngây thơ, Thi được sống trong sự thương yêu của Ba Mạ. Một hôm, Mạ đang tập cho Thi đan áo len thì Ba cùng với một người đàn ông trung niên và một thanh niên trạc tuổi Thi đi vào. Ba lên tiếng với Mạ:
    - Nì mình coi thử ai đây?
    Mạ ngẩng lên và reo:
    - Ồ anh Cẩn! Chào anh, đây là cháu Đình phải không?
    Sau một màn thưa gửi, chào hỏi Thi mới vỡ lẽ ra là Bác Cẩn đem anh Đình đến tạm gửi tại nhà Thi để học năm cuối cùng bậc Trung Học tại Huế vì Bác phải đi công tác tại Sài Gòn. Để cho việc học hành của anh liên tục nên Bác Cẩn đành phải để anh lại Huế nhờ bố mẹ Thi chăm sóc.
    Chỉ một tuần lễ sau là Thi hết khó chịu khi hàng ngày phải đối diện với một thanh niên lạ trong gia đình. Đình rất chăm học. Anh hơn Thi tới ba tuổi mà Thi cứ tưởng như mình lớn hơn, nàng thường rót cho Đình ly nước khi thấy Đình cứ ngồi lỳ mãi nơi bàn học tới khuya. Mạ cho biết Bác Cẩn là bạn học ngày xưa rất thân với Ba nàng, vì công việc bác cứ đi mãi ít có khi ở nhà, bây giờ sở lại đổi vào Nam nên buộc lòng phải gửi anh Đình lại. Có lần Đình kể cho Thi nghe Đình mất Mẹ khi anh mới lên tám, Bố không chịu tục huyền vì thương anh, sợ cảnh Mẹ ghẻ con chồng. Nhưng thỉnh thoảng Bố cũng đem về nhà một người đàn bà lạ rồi bắt Đình ra chào. Đình có lần kể với Thi, mạ anh vẫn thường nói: ?oCon trai phải học hành đỗ đạt bằng cấp này bằng cấp kia sau này mới lo được cho gia đình!?
    Nhớ lời Mạ nên khi Ma Đình mất, sau một thời gian tinh thần bị khủng hoảng, Đình bắt đầu chú tâm vào việc học. Từ đó, Đình cứ lo học và tiến bộ một cách rõ rệt; cho đến bây giờ là năm chót bậc Trung Học thì Ba gửi Đình đến trọ ở nhà Thi. Ở nhà Thi, Ba Mạ đều rất thương yêu Đình, coi anh như con. Mạ thì đặc biệt là chăm sóc Đình rất cẩn thận như người Mẹ đối với con. Bù lại Đình cũng rất kính mến Ba Mạ Thi, rảnh chút nào thì anh chăm sóc vườn tược cho Mạ, ba cái lu luôn luôn đầy ắp nước do anh múc từ giếng lên thay công việc cho Ba. Bác Cẩn, ban đầu có thư từ, điện tín tới tấp vào việc gửi gấm Đình, rồi sau một lần Bác từ Sài Gòn về Huế ghé thăm thấy Đình được yêu thương như con đẻ, lúc đó Bác yên lòng và thưa dần liên lạc ...
    Cuối năm sau kỳ thi của Đình, Thi cũng hồi hộp không kém. Nàng còn nhớ trong thời gian chờ kết quả, Đình rảnh rỗi đã dẫn nàng đi khắp nới từ thành nội Huế đến các lăng tẩm, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền và ngay cả Đàn Nam Giao là một nơi vắng vẻ, thanh tịnh nhất, rồi chùa Thiên Mụ ... Đình bảo nhìn lại Huế lần cuối cùng để mai này anh sẽ vào Nam học tiếp Đại Học. Thi buồn buồn hỏi:
    - Nếu hỏng thi, anh ở lại Huế hay vào Sài Gòn?
    - Anh chưa biết. Nhưng nếu Ba anh ở luôn trong Sài Gòn thì anh phải đi Sài Gòn.
    Và rồi anh chỉ tay lên trời và reo lên:
    - Ồ, em nhìn kìa, cầu vồng!
    Thi lơ đễnh nhìn theo, rồi cũng trở lại câu chuyện vừa rồi.
    - Anh Đình! Anh có hy vọng thi đậu không?
    - Anh rất nhiều hy vọng, vì anh ... trúng tủ bài toán mà anh đã làm qua rất nhiều lần.
    - Em mong anh thi đậu, sau này nếu em đậu được Tú Tài, em cũng xin Ba Mạ cho vào Nam học với anh. Anh học giỏi, anh dạy kèm cho em.
    Thi nói với tất cả lòng thành của mình. Đình gật đầu:
    - Ừ anh sẽ kèm cho em vì em đi ban C nên Toán của em anh thấy còn yếu lắm!
    Lovetolive[/size=18]
  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Tuần lễ sau, lúc Thi ở trong phòng chăm chú đan cho Đình chiếc khăn quàng cổ, chuẩn bị làm quà cho Đình khi nào Đình rời Huế, thì nghe Đình la toáng lên:
    - Bác ơi! Con đậu rồi!
    Thi vội vàng bỏ chiếc khăn đan dở dang chạy ra phòng khách. Đình nhảy dựng lên, cầm tay Thi gặc lia lịa và la lên:
    - Thi! Anh đậu rồi, đậu Bình Thứ!
    Nhìn ánh mắt sáng ngời và cử chỉ bồng bột của Đình, Thi cũng vui lây, nàng la lên:
    - Mạ ơi! Anh Đình đậu rồi!
    Mạ dưới bếp hấp tấp chạy lên, hai tay ôm ngực:
    - Cám ơn Trời Phật! Hai con mau mau ra bưu điện đánh điện vô Sài Gòn cho ba biết mà mừng đi!
    Nghe Mạ nói, Thi vội vàng vào phòng thay quần áo. Ra sân, Đình kéo tay Thi giục:
    - Mau! Mau lên!
    Thi rụt tay lại, hờn dỗi:
    - Anh vui quá, quên là cứ kéo tay em làm em đau muốn chết!
    Đình cười rất tươi, đập vào đầu mình bôm bốp:
    - Ừ anh quên em là con gái, cứ tưởng như tụi thằng Hưng, thằng Trường ... Nhắc đến anh mới nhớ, mau lên mình ghé nhà tụi nó coi tụi nó có đậu không.
    Kỳ thi đó, chỉ một mình Đình thi đậu. Hưng và Trường đều rớt nên niềm vui của Đình cũng không được trọn vẹn. Riêng Thi ... chưa đến kỳ thi mà nàng nghe buồn da diết vì ... chỉ vài tháng nữa là Đình từ giã gia đình nàng để vào Sài Gòn học tiếp trên Đại Học.
    *
    Từ khi bác Cẩn ở Sài Gòn ra đón Đình đi rồi, Thi thấy cuộc sống của Thi thật buồn tẻ. Mỗi đêm nhìn lại chiếc bàn nho nhỏ Đình ngồi học, Thi nghe nhớ chàng lạ lùng. Lần đầu tiên được thư của Đình, cầm bức thư trong tay, Thi run rẩy, Ba Mạ bình thản bảo Thi đọc thư. Những lời cảm ơn Ba Mạ nàng rất cảm động và lời nhắn nhủ Thi cố học để thi đậu Tú tài rồi vào Sài Gòn học với Đình khiến Thi càng cố để tâm vào việc học nhưng với tâm hồn lãng mạn, ngồi đâu Thi cũng thấy toàn hình ảnh của Đình, việc học với Thi thật khó khăn vô cùng. Rồi liên tục hai kỳ thi, nàng đều trượt vỏ chuối. Mộng vào Sài Gòn cùng học với Đình tan như bọt biển.
    Bốn năm trôi qua nhanh, Thi xin được chân thư ký đánh máy cho một hãng buôn, thư từ của Đình ngày càng thưa thớt vì Đình sắp sửa ra trường nên chàng dốc tâm vào việc học, quên luôn cả việc liên lạc cùng Thi. Cho đến một ngày Thi đang chuẩn bị buổi cơm chiều cho gia đình thì điện tín vắn gọn của Đình tới: ?oCháu sẽ về Huế thăm hai Bác và em Thi sáng Thứ Ba?, Thi nghe lòng vui rộn lên, chưa bao giờ nàng ăn một bữa cơm đạm bạc mà ngon như bữa đó. Mạ nhìn Thi dò hỏi:
    - Hôm ni có chi mà Mạ thấy con vui rứa?
    Thi ấp úng:
    - Mô có, Mạ!
    Nhưng Thứ Hai đi làm, Thi xin phép nghỉ Thứ Ba vì có việc nhà cần giải quyết ... Ông chủ vui vẻ chấp thuận ngay.
    Lovetolive[/size=18]
  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    ÁI KHANH
    HUẾ VỚI MỘNG BAN ĐẦU ( I )
    Thứ Ba, Thi dậy thật sớm, chuẩn bị làm bánh bèo và nước mắm, tóp mỡ và tôm chấy ... vì Thi biết đó là món ăn mà Đình thích nhất hồi Đình ở nhà Thi. Không biết Mạ đã nói gì với Ba mà sáng đó Ba cười cười nhìn Thi, Thi nói để che giấu ngượng ngùng:
    - Hồi trước anh Đình thích ăn bánh bèo, con có hứa khi mô anh về lại Huế con sẽ làm món này đãi anh, nên chừ con phải giữ lời hứa ấy.
    Trước khi rời nhà đi làm, Ba dặn Mạ:
    - Mình rán giữ thằng Đình ở lại nhà mình, chiều tui đi làm về nói chuyện hí!
    - Dạ! À mà chắc chắn hắn ở đây chớ không lẽ đi mô?
    - Con cũng nghĩ anh Đình sẽ ở chơi vài hôm, không lẽ đi liền?
    Thi đi ra, đi vào, dáng vẻ sốt ruột, Mạ nhìn Thi nghi ngờ:
    - Thi, con nói thiệt Mạ nghe, bộ con ... thương thằng Đình rồi hả?
    Thi nghệch mặt ra, ấp úng:
    - Con ... Con cũng không biết nữa.
    Tiếng chuông kính coong vang lên, Thi mừng rỡ vì khỏi phải đối diện với Mạ. Cửa vừa mở, Đình tươi cười rạng rỡ với Thi, chàng reo lên:
    - Thi ơi, anh trở lại Huế như đã hứa với em nì!
    Nụ cười của Thi chưa kịp hé đã vội khép lại vì sau lưng Đình còn có thêm một người con gái khác. Nhìn thấy bụng người con gái lúp lúp, Thi kinh ngạc lắp bắp:
    - Anh đã có vợ?
    Đình lùi bước, quay ra sau, choàng vai người con gái rồi bảo:
    - Đây là Thu Nga, vợ anh! Còn đây, Thi, cô em gái mà anh vẫn kể với em đó!
    Cảnh vật trước mắt Thi nhạt nhòa theo lệ. Thi cắn môi nén tiếng khóc, Mạ như hiểu ra, đỡ lời:
    - Hai con vào nhà chơi! Con Thi vẫn nhắc đến Đình luôn. Bây giờ nó có thêm bà chị dâu chắc là nó vui lắm.
    Thi ngồi chết sững trên ghế, trong lòng nàng muốn gào lên muôn ngàn câu trách Đình vô tâm, vô tình. Thu Nga đẹp mơn mởn, vô tư trao cho Thi chiếc nón lá bọc kín trong những tờ giấy báo. Đình vẫn vui cười, không hề biết một mảy may nào sự biến đổi của Thi, chàng bảo:
    - Thật là buồn cười cho chị dâu em, vào chợ Sài Gòn mà cứ một hai đi tìm nón lá Huế để mua cho em, anh đã bảo chị ấy chở củi về rừng, chị ấy còn nói như vậy mới là độc đáo, mới là đặc biệt và chị ấy còn bảo mỗi ngày em đội đi làm là nhớ tới anh chị.
    Chị dâu của em??? Thi cười chua chát, nước mắt tuôn ra. Mạ lại một phen nữa chen vào:
    - À cái con Thi này mới kỳ, mừng cũng khóc, buồn cũng khóc y như hồi nhỏ. Đi rửa mặt đi!! Mẹ quát lên như đuổi Thi. Thi chỉ chờ có thế, vội vã đứng lên bước vào trong nhà rồi chui tuột ra sau hè đứng khóc như trẻ thơ. Sau cùng nàng lấy gáo dừa múc nước đổ vào tay khỏa lên mặt. Dần dần bình tĩnh lại, Thi lầm bầm: Đừng trách Đình, Thi ơi! Anh ấy đâu biết mình thương anh đâu!
    Khi Thi lên nhà trên thì Đình đang phe phảy chiếc quạt giấy quạt cho Thu Nga vừa kể cho Mạ nghe những năm ở Sài Gòn ra sao. Tim Thi đau nhói khi nhìn Thu Nga vô tư tựa đầu lên vai Đình.
    Một đêm đóng kịch với anh-trai-và-chị-dâu cũng qua đi. Sáng nay vừa mở mắt ra là Thi vội vàng nói với Mạ phải đi làm để đánh máy gấp hồ sơ ứ đọng hôm qua. Mạ gật đầu nhè nhẹ như thấu hiểu niềm đau của Thi, vừa lúc ấy, Thu Nga trong phòng bước ra thấy thế vội bảo:
    - Thi đi làm hả? Để chị gọi anh Đình dậy để từ giả em nghe, vì hôm nay anh chị sẽ đi Đà Nẵng chơi vài hôm, sau đó trở lại Sài Gòn luôn.
    Thi ngăn lại:
    - Thôi, chị để anh ấy ngủ đi, chị chào thế vậy được rồi. Em chúc anh chị đi chơi vui vẻ nghe!
    Lovetolive[/size=18]
  10. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Thi vừa bước đến bậc cuối cùng của thềm nhà thì nghe giọng Đình gọi giật ngược lại:
    - Thi! Chờ anh chút!
    Rồi Đình băng băng nhảy xuống mấy bậc thang trao chiếc nón lá cho Thi và bảo:
    - Bữa ni em đội chiếc nón mới chị Thu Nga mua cho em đi, có sẵn quai nhung màu tím hợp với em lắm. Đưa cái nón cũ đây.
    Thi miễn cưỡng làm theo, nhận chiếc nón lá trên tay Đình mà Thi nghe tim mình lạnh buốt. Muốn nói câu gì cùng Đình, nhưng nhìn lên thấy Thu Nga đang mỉm cười như khuyến khích, Thi đành đội nhanh chiếc nón và quay đi.
    Buổi chiều tan sở, Thi thơ thẩn trên bờ sông Hương với tâm hồn lịm chết. Nàng đứng tựa vào một gốc cây, đưa chiếc nón lên ánh sáng ngắm nghía và nhẩm đọc những chữ được dán bên trong. Thi rơi nước mắt khi nhớ lại những ngày tháng cũ Đình tá túc trong gia đình nàng. ?oAnh ấy đã có vợ rồi? Thi nói với lòng không biết bao nhiêu lần điều này. Có nên cất kỷ niệm này hay hãy vùi chôn? Cuối cùng, Thi rút cây bút ra và viết quanh viền nón:
    Thuyền nào ghé bến yêu đương
    Cũng thường chở hận lên đường mà thôi
    (thơ MĐHT)
    rồi Thi bặm môi ngăn tiếng nấc, nàng nhẹ nhàng đặt chiếc nón xuông dòng nước đang xuôi chảy. Nhìn chiếc nón dần xa, Thi nguyện cầu sao cho mình sớm nguôi ngoai những niềm đau của mộng ước ban đầu.
    *
    Hai năm sau, Thi lấy chồng, một người thương Thi từ tính tốt đến nết xấu. Thi an phận bên một người chồng hiền hòa, ai gặp cũng mến thương. Và năm 1975, Thi cùng chồng con ra nước ngoài theo dòng người ?oDi tản chiến thuật?.
    Nay vì việc bảo lãnh cha mẹ già có vài điều trục trặc Thi phải về Việt Nam chặng chót cho xong thủ tục. Ở Sài Gòn vài ngày, lo xong công việc, Thi ra Huế vì nàng chắc chắn từ nay về sau không còn lần nào nữa nàng trở lại đây ...
    - Ngó tề! Cứ chọc tau hoài, mai mốt tau không đi với mi nữa mô!
    Nghe lại giọng Huế thân yêu khiến Thi giật mình quay lại. Hai cô gái tóc thề áo trắng với chiếc nón lá e ấp trên tay, Thi không khỏi chạnh lòng nhớ lại hình ảnh ngày xưa của mình. Nàng ngước nhìn trời. Mây xanh lơ. Trời trong vắt. Vài lá phượng rơi trên tóc, Thi đưa tay phủi nhẹ. Không hiểu nghĩ sao Thi lại nắm giữ trong lòng bàn tay như nắm giữ một kỷ niệm mong manh.
    Ngày mai Thi rời Huế. Thi nghe mắt mình cay cay. Vĩnh biệt Huế ... Vĩnh biệt những mộng ước ban đầu.
    Lovetolive[/size=18]

Chia sẻ trang này