1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuyển tập truyện ngắn hải ngoại

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Julian, 02/12/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Hà Thúc Sinh

    Tên thật Phạm Vĩnh Xuân, Sinh ngày 7,7.1943 tại Thanh Hóa. Sĩ quan QLVNCH . Ðịnh cư tại Hoa Kỳ 1981.
    Tác phẩm đã xuất bản:
    Trí Nhớ Ðau Thương (thơ 1967)
    Ðá Vàng (thơ 1069)
    Tuyển Tập truyện Âu Châu (dịch 1970)
    Ðiệu Buồn Chúng Ta (thơ 1972)
    Dạo Núi Mình Ta (thơ 1972 tb 1973)
    Tình Em Vỗ Cánh (dịch 1973)
    Nàng Nô Lệ (dịch 1973)
    Trận Chiến Trong Thành Phố (dịch 1973)
    Cát Bụi Trần Gian (dịch 1974)
    Kiếp Người Cô Quạnh (dịch 1974)
    Ðại Học Máu (hồi ký 1985)
    Vầng Thái Quê Nhà (dịch1988)
    Thơ Viết Giữa Ðường (thơ 1988)
    Chị Em (truyện dài 1988)
    Ông H.O (truyện 1993)
    Cố Hương (truyện 1994)
    Dưa Cà Mắm Muối (truyện 1996)
    Về (truyện 1966)
    Ðêm Hè (truyện 1997)
    Dưa Cà Mắm Muối

    Ông bà đi một tháng thăm mấy cậu dì học xa. Kinh nghiệm những lần trước nhà thiếu bà như quân thiếu tướng, bừa bãi chồng lên nhau một tí, bẩn quệt lên nhau một tí, không lâu trong nhà ngoài vườn thừa điều kiện đón bà về bằng nỗi bàng hoàng. Lần này bà dặn vợ chàng, ''Mẹ đi cuối tuần chị chịu khó ghé xem trong ngoài hộ mẹ.'' Cậu em cười, Chưa chi mẹ lo cái vườn đấy.'' Bà gắt, ''Liệu mà lo cơm nước cho bà cố.'' Chàng bảo vợ, ''Dưới vòm trời đâu có mẹ có vườn đó có chút quê hương.'' Mấy đứa cháu nhỏ bà gom về hết. ''Các anh các chị bận đi làm,'' bà bảo, ''hè cứ đem hết về đây cho bà trị.'' Thằng út chàng nằm trong số gom quân. Dì út nghiễm nhiên xử lý thường vụ chức tư lệnh. Bảng phân công gắn trên tủ lạnh. Lính tráng tuân lệnh răm rắp. Cuối tuần ghé, nó cầm vòi tưới, khoe, ''Con phải làm thôi. Thằng Khôi to con lo cắt cỏ. Cái Vân tưới dối, chết cây bà.'' Chàng hỏi, ''Thế tưới sao mới thật?'' Nó bảo, ''Thọc hết ngón tay xuống vẫn ướt mới đủ.'' Vợ chàng nói, ''Bà bảo không sai. Thằng này tóc quăn, sau lại khổ.'' Chàng nói, ''Cỡ bố nó là cùng.'' Vợ chàng cười, ''Tóc anh hết quăn rồi.'' Chàng thở ra, ''Hói còn quăn vào đâu!''
    Tưới đều thế mà mấy gốc dưa gang, nhất là mấy luống cà bát cà pháo chưa ra hoa. Bà cố ra vườn bảo, ''Năm nay dám mất mùa cà. Giờ chưa ra hoa mát trời sợ hỏng.'' Chàng nói, ''Chắc do thời khí, hai năm trước cũng vậy đó bà.'' Bà cố hỏi, ''Thế hai năm trước cũng mất mùa à? Bà chẳng nhớ đâu đấy.'' Chàng chỉ con, cười, ''Quên gì bà hỏi thằng này. Nó nhớ dai lắm. Mê món cà bung nó nhớ hết.'' Bà cố quay vào, lẩm bẩm, ''Té ra ở Mỹ đáng quên là con gà đáng nhớ là quả cà, lạ đấy nhỉ!''
    Chàng nói với cậu em sắp lấy vợ đang ngồi sang lại mớ băng chuột mèo, ''Nhớ lấy, mai mốt bảo mợ ấy trồng cà.'' Cậu em cười tít mắt dúi mũi vào máy. Chàng nghĩ cậu này sẽ không nhớ chuyện cà nhưng rồi cũng khổ. Cậu đang cố lưu giữ loại hoạt hoạ nay không còn trình chiếu phổ thông, ý để cho lũ con tương lai hưởng được tiếng cười thời các cháu cậu đã hưởng. Vợ chàng cự nự, ''Cậu ấm ớ.'' Chàng không can thiệp nhưng nghĩ đàn bà không hiểu với đàn ông dĩ vãng chẳng riêng đẹp còn cần. Cậu em đang sốt sắng giữ một dĩ vãng gần. Thế hệ chàng nôn nả với dĩ vãng xa.
    Xưa còn sống mẹ chàng hay ăn cơm với trám muối, nhất là dưa muối xổi. Cha chàng lại thích cà. Quanh năm nhà có những vại cà nén. Mỗi khi gắp miếng cà lên cụ thường bảo, ''Trong như miếng hổ phách thế này mới ngon.'' Trải bao loạn lạc, bồng bế nhau vào Nam, ê răng, cụ thôi ăn cà nén xoay sang ăn cà pháo ngâm tương. Cụ thường muối lấy, ngâm lấy; và khi gắp quả cà lên vẫn lời xưa ý cũ: ''Trong như miếng hổ phách thế này mới ngon.'' Mấy chú mấy cô sau lập gia đình ở riêng, thấy cũng muối cũng ngâm cà kiểu ấy, nói câu ấy.
    Ở Mỹ có đủ thứ nhưng đâu phải nhất nhất tìm ra miếng hổ phách để giải thích cho lũ trẻ miếng cà ngon phải như thế nào. Vả giải thích ích gì khi chúng nhai dưa chuột muối rau ráu, chép miệng chơi cũng hết lọ ô-liu, có khuyến khích nhai thử quả cà chỉ ngao ngán đưa nhận xét ''vừa dai vừa chẳng mùi vị gì bố ạ.'' Chàng kiên nhẫn bảo, ''Cà Thái đóng lọ nó thế. Phải trong như...'' Mới đây vợ chàng bật cười cắt ngang, ''Cuối tuần này chắc khỏi về bà.'' Chàng hỏi, ''Sao thế?'' Nàng đáp, ''Kẹt chị Kim hẹn đem nhẫn lên cho xem. Năm ly thôi. Em phải lo trước. Cứ để cậu ấy loay hoay phút cuối thiếu nhẫn cô dâu thì chết.'' Chàng nhớ đến bà bạn già vui tính. ''Từ San Diego lên à?'' Chàng hỏi. ''Dặn chị ấy đi xa đừng mang nhiều món, cướp bóc như rươi.'' Như chưa thoát khỏi từ trường mấy chiếc nhẫn, vợ chàng kể, ''Kỳ trước em xuống chị ấy cho xem toàn hột nước trắng, dầu hoả thích hơn.'' Chàng cười, ''Cứ nước này nước nọ, chẳng hiểu gì.'' Vợ chàng dấm dẳng, ''Đàn ông!'' Đứa lớn như từ lâu đợi bố lọt ổ phục kích, cười chen, ''Kim cương với bố như cà với con, cứ hổ phách hổ phách con cũng chẳng hiểu gì.''
    Khi không chàng buồn hụt hẫng.
    Đầu tháng chín ông bà về tới. Mấy đứa bé như có chỗ trút một gánh nặng. TV thoải mái, game thoải mái. Dì út tíu tít khoe thành quả tề gia nội trợ. Cậu em tạm rời giàn máy hát, nằm võng sau nhà nghiền ngẫm quyển ''Yêu Con Như Một Người Cha Lớn'' của một tác giả Á châu nào đó. Bà cố vẫn thủng thẳng ra vào, độc thoại, ''Ở thì nhớ mồ mả, về thì nhớ cháu con, chẳng biết định sao nữa.'' Ông thì trở lại với những giáo trình soạn dở. Chỉ bà xắn tay lao tiếp vào những công việc quen thuộc mà giá có thọ trăm tuổi tưởng vẫn thiếu thì giờ hoàn tất. Thấy vợ chồng chàng lên, bà hỏi, ''Sao dạo này anh gầy thế?'' Chàng tính đáp ''con mất ngủ quá'' nhưng vợ chàng đã nhanh nhẩu đáp, ''Có chịu ăn đâu mẹ. Gàn lắm. Cứ bảo gốc nông dân, toàn mơ cua đồng mồng tơi rau đay mướp hương và cà... và phải trong như miếng hổ phách cơ!'' Bà nhìn vườn cười bảo, ''Thoại được việc, hy vọng có ít quả ăn ghém.''
    Rồi cả nhà rộ lên chuyện cô dâu chú rể trong mâm cơm rôm rả tiếng cười. Chàng ăn xong ra vườn đứng hút thuốc. Gió như bước chân mùa thu khẽ tới. Hoa lá co cụm lời thủ thỉ vĩnh biệt nhau. Chàng không biết chia với ai mối lo xương thịt. Mấy ngày trước điện thoại về Việt Nam chàng hay tin cụ vào bệnh viện. Chú em trấn an, ''Cậu vẫn gắt, nói nhạt miệng thèm cơm cà, vậy vẫn khoẻ anh cứ yên tâm.'' Chàng tính nhắc ''quả cà bằng ba chén thuốc'' nhưng lan man chuyện khác, quên mất. Nhớ tuần trước nữa được nói chuyện với cụ, chàng nói sẽ về thăm, cụ lặng giây lâu, giọng thều thào, ''Nghe nói lại phải xin xỏ, cam kết, quỵ luỵ...'' Cụ ngừng, còn chàng thì bâng khuâng mãi. Phải đó là thứ sau cùng ở mỗi người cha mà thời gian không thể làm tiều tuỵ?
    Trời trùng hẳn. Gió thổi mây xoắn xít. Và lòng chàng cũng xoắn xít một nỗi thương nhớ lộn màu thấm thía lo âu.
    Nhớ hôm ấy chàng về tới nhà đã chạng vạng. Mấy đứa lớn hết hè trở lại các trường phương xa từ tuần trước. Vợ chàng và thằng út nán lại nhà ông bà bàn thêm chuyện cưới hỏi.
    Chàng đứng ngoài ban-công nghe tiếng quạ kêu trên mấy ngọn cọ, bất ổn. Mai mình sẽ hỏi một hãng du lịch xem sao, mua vé về tưới chuyện gì hậu xét. Tưới cho mấy chậu ớt ít nước chàng mới mở cửa. Đang khi loay hoay xỏ chìa khoá chàng thấy trên cửa gắn miếng giấy nhỏ. Miếng giấy mang chữ ký người anh họ viết vội: ''Gọi mãi không ai bắt phone. Anh chị đến cũng không gặp. Báo chú biết cậu mất rồi.''
    Khi không chàng không biết mình đang đứng bên mặt nào của cánh cửa; hồn tênh hênh, nhẹ hẫng, trong như miếng hổ phách. Cũng khá lâu chàng thấy bầu trời nhá nhem thoắt đổi thành màu hoa cà mênh mang, rười rượi, trễ tràng. Chàng bấm ba lần mới gọi trúng số nhà cha mẹ vợ.
    Chín giờ sáng hôm sau chàng mới choàng dậy, ngửi thấy mùi hương nến phòng ngoài, lòng hoang mang không hiểu sao lại có thứ giấc ngủ bất nhân. Tối qua quên chàng đâu uống thuốc. Nắng lách màn gió đặt một dải tang trên bàn.
    Con chàng khẽ mở cửa, mắt bối rối, một lát nói nhỏ:
    ''Mẹ đi mua hoa. Ông bà gọi lúc bố còn ngủ. Tối qua bà bảo bói mãi mới được mấy quả, đem hết về cho bố. Bói là gì bố?''
    Chàng cay mắt nhìn con, bất giác thấy có gì xông lên mũi, hăng hăng, mặn mòi, tựa mùi dưa cà mắm muối.

  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Phùng Nguyễn
    Cua ( I )
    Tôi tên Phiên. Tôi đang ở trong một siêu thị khá nổi tiếng nằm trên con đường sầm uất nhất của thành phố đông người Việt nhất ở nước Mỹ.
    Bây giờ là chín giờ sáng ngày mồng một tháng Giêng. Buổi sáng của ngày đầu năm không hứa hẹn một điều gì tốt đẹp. Bầu trời thì xám xịt, và tôi thì không được khỏe lắm. Nhất định là mấy chai bia tối hôm qua ở chiếc bàn ngoài hiên một quán ăn ở khu Westminster có liên quan đến điều này. Hoặ? chính cái cảm giác tôi có vào lúc chia tay với người bạn đêm qua vẫn còn đeo đẳng cho đến bây giờ. Chúng tôi đã la cà khá lâu ở quán ăn đó, hai tiếng đồng hồ thuộc về năm cũ và phần còn lại thuộc về năm mới. Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn nhỏ ngoài hiên quán, nhìn ra con đường nhựa mỗi lúc mỗi thưa dần xe cộ, nói chuyện lung tung, và đã có một lúc tôi cười thực to. Nhưng cái cảm giác khó chịu vẫn ở đó, lẩn lút một cách kiên nhẫn dưới những nụ cười, trong những ngụm bia uống vội, đàng sau cái tranh tối tranh sáng của hiên quán, rồi bất ngờ xồ ra như tiếng vo ve của một con nhặng quái ác. Tiếng vo ve lớn dần trên đường ra bãi đậu xe. Khi tôi về đến căn nhà nhỏ của mình ở phía Đông Bắc của thành phố thì đã gần một giờ sáng. Bây giờ thì tôi hoàn toàn một mình. Con nhặng biết điều đó. Tiếng vo ve của nó vang đến từ mọi ngóc ngách của căn phòng, bám vào phía trong sọ não của tôi, và tôi biết chỉ có một điều duy nhất tôi có thể làm để xua đuổi nó đi. Tôi bước đến chỗ đặt máy điện thoại và bắt đầu bấm vào những nút số. Cuối cùng tôi đã thực hiện được điều tôi muốn làm, không phải chỉ mới ngày hôm nay, không phải chỉ mới ngày hôm qua, mà đã từ lâu lắm và đã chọn không làm. Con nhặng quái ác vô hình vô tướng kia bỗng im bặt khi tiếng chuông điện thoại vang lên từ đầu giây phía bên kia. Tôi đếm từng tiếng chuông reo, bàn tay cầm ống nói run lên. Một, hai, ba, ..., sáu, bảy, tám. Có tiếng lích kích ở đầu dây bên kia rồi tiếng người trả lời. ''Rất tiếc tôi không có ở nhà. Xin bạn hãy vui lòng...'' Bây giờ là một giờ sáng ngày đầu tiên của một năm. Ở một nơi nào đó, những đôi tình nhân và bạn bè của họ đang tụ họp trong một căn phòng ồn ào, tràn ngập bia rượu và tiếng nhạc. Đời sống có nhiều niềm vui để người ta tìm đến, tại sao tôi lại cứ muốn kéo họ quay về? Tôi đặt ống nói xuống trước khi lời nhắn tin chấm dứt.
    Khu chợ vắng hoe. Vắng đến độ tôi có thể nghe được tiếng rần rật của máu từ trái tim mệt mỏi của mình đang dồn lên hai thái dương. Tôi nghĩ mình sẽ tốn rất ít thì giờ để mua một vài món cần thiết trong khu chợ này. Tôi không có ý định la cà ở đây. Tôi không có ý định la cà ở bất cứ đâu. Tôi không có ý định gặp ai. Tôi không có ý định bắt chuyện với ai. Đi chợ xong tôi sẽ về lại căn nhà nhỏ của mình. Tôi sẽ lăn ra giường và ngủ một giấc cho hết một ngày, cho dù đó là ngày đầu năm, để bù lại một đêm thức trắng. Đã có những ngày như thế trong đời sống của tôi. Sẽ có những ngày như thế trong đời sống của tôi, những ngày mà tôi và những điều xảy ra chung quanh tôi không có chút liên hệ gì với nhau. Hoặc ít nhất tôi nghĩ vậy. Và muốn như vậy. Hôm nay là một ngày như thế.
    Người đàn ông chận tôi lại trên lối đi nhỏ gần khu bán nước chấm. ''Ông mua giùm tôi bốn con cua đi.'' Bốn con cua? Con nhặng quái ác từ một xó xỉnh nào đó trong khu chợ bỗng xồ ra, vo ve, vo ve.
    2.
    Tôi là Hoa, còn ảnh là chồng của tôi. Tính ảnh lúc nào cũng vậy, hễ không vừa ý thì chửi, mà toàn là chửi bậy! Tôi cằn nhằn ảnh về chuyện này hoài, tôi sợ thằng con bảy tuổi nghe quen rồi bắt chước. Vậy mà cứ chứng nào tật nấy không chừa.
    Sáng nay ảnh hối tôi đi chợ sớm mua đồ ăn về làm tiệc. Ảnh mời bạn bè khách khứa đến nhà ba giờ chiều nay. Hai vợ chồng ông Long chủ hãng tiện chỗ ảnh làm, còn lại là mấy người bạn nhậu của ảnh, cả thảy là bảy người. Ảnh khoe với họ là tôi làm cua rang muối ngon lắm. Lúc còn ở nhà nghe quảng cáo trên đài chợ này có bán cua tươi với giá rẻ, ảnh chở tôi đến đây. Ai dè họ chỉ bán mỗi gia đình có bốn con mà thôi. Ảnh nói như vậy thì không đủ, phải ít nhứt tám con mới đủ. Tôi chắc ảnh tính bảy người khách cọng với ảnh là tám, còn tôi lúc đó lẩn quẩn trong bếp chắc cũng không ăn uống gì. Thằng Toản, con chúng tôi thì ăn những món khác cũng được, đỡ phải ngồi đó lột vỏ cua hay đập càng đập ngoe cho nó. Ảnh định nhờ mấy người khách đi chợ mua giùm bốn con nữa. Tôi cản, nói người ta bán như vậy là muốn để dành cho người khác. Mình mua hết rồi mấy người tới sau lấy gì mua. Thiếu thì mình đi chợ khác mua thêm hay là làm món gì đó thế vào cũng được. Ảnh gạt đi, nói thây kệ người ta, ai biểu đến trễ làm chi. Với lại mình mua trả tiền đàng hoàng chớ có cướp giựt của ai đâu! Vậy là ảnh chận người ta lại nhờ mua cua. Ai dè gặp cái ông khách khó tính, không chịu mua giùm. Vậy là ảnh chửi người ta là đồ chó đẻ. Bị người ta cự lại ảnh xốc tới làm um sùm, xô đẩy người ta làm bể đồ bể đạc để quản lý chợ kêu cảnh sát vào thu hết giấy tờ, bắt khai báo đủ thứ. Lỡ mà bị bắt nhốt thì khỏi có tiệc tùng gì hết chiều nay. Thiệt là hết chỗ nói!
    3.
    Tôi là Thuận, làm việc ở sở Bưu Điện gần đây. Vợ chồng tôi có ba đứa con, thằng lớn nhất mười tuổi. Hai đứa kia tám tuổi, sinh đôi mà! Hôm nay là Tết tây, tôi được nghỉ ở nhà. Mấy đứa nhỏ thì được nghỉ hai tuần, bắt đầu từ hôm trước lễ Giáng sinh lận. Tụi nhỏ đòi đi chơi biển, nhưng trời đất âm u như thế này, ra đó lỡ chúng nó bị cảm lạnh thì khổ. Tôi cũng muốn đưa chúng đi biển chơi lắm, đã lâu rồi vì bận rộn công ăn việc làm tôi không có thì giờ đưa chúng đi đây đi đó. Tôi còn nhớ năm ngoái đưa cả nhà ra bãi biển Redondo. Tụi nhỏ đòi ăn cua luộc, tôi mua cho hết cả nhà, mỗi người một con bự. Nhà hàng phát cho mấy cái búa gỗ và một mớ giấy báo cũ. Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn gỗ dài gần mé biển, chỗ người ta đến câu cá, vừa ăn vừa cười giỡn với nhau thật là vui. Vui lắm.
    Sẵn nghe đài quảng cáo cua tươi đại hạ giá, tôi lái xe đưa vợ tôi ra chợ này mua cua về luộc ăn với muối tiêu chanh. Tôi gởi tụi nhỏ cho bà chị dâu bên cạnh, dặn tụi nhỏ ở nhà ngoan ngoãn, ba má đi mua cua về làm đồ ăn cho cả nhà xong buổi chiều sẽ đưa đi xem phim. Chợ bán cua tươi và rẻ, đúng như họ đã quảng cáo. Ngặt một nỗi họ giới hạn mỗi nhà chỉ mua được có bốn con thôi. Tôi hơi thất vọng. Tôi tính mỗi đứa nhỏ hai con, phần vợ chồng tôi mỗi người một con cũng vừa. Bây giờ chạy đi chỗ khác mua thêm thì chưa chắc đã có, mà có thì cũng chưa chắc ngon và rẻ như ở đây. Tôi nghĩ chỉ có cách nhờ ai đó mua giùm thêm bốn con nữa là tiện nhất. Chắc không có ai nỡ từ chối. Lúc nãy tôi chỉ mất có hai phút để mua bốn con cua thôi mà. Tôi nhìn thấy một người khách đang nhẩn nha ở khu bán xì dầu nước tương. Tôi nghĩ mình có thể nhờ ông ta giúp được. Tôi đến gần và hỏi ông ta có thể mua giùm tôi bốn con cua hay không. Ông ta khinh khỉnh trả lời là không có thì giờ. Cách trả lời và khuôn mặt khó đăm đăm của ông ta làm tôi có cảm tưởng bị khinh thường. Tôi chưa thấy ai ích kỷ và đáng ghét như ông ta. Ông ta làm hư hết những dự định của tôi. Ông ta làm hư hết niềm vui của mấy đứa con tôi. Tôi giận quá, chỉ muốn đấm vào mặt ông ta!

    Người đi muôn dặm cũng đành
    Sao còn bỏ lại mối tình chăng tơ.
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 20:18 ngày 24/08/2003
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Phùng Nguyễn
    Cua ( II )
    4.
    Tôi tên Quỳnh. Tôi sẽ còn ngủ mê mệt nếu không phải dậy sớm đưa Caroline ra phi trường. Trên đường về, tôi ghé vào khu chợ này để mua một bó rau muống. Tôi thích ăn rau muống xào tỏi. Đêm qua chúng tôi đi ăn tối với nhau ở một quán ăn vùng Tustin gần khu tôi ở và làm việc. Ở đó, tôi đã thổi ngọn nến nhỏ trên chiếc bánh sinh nhật xinh xắn mà Caroline đã mua cho tôi khi ghé lại một tiệm bánh ở khu chợ gần đó. Chúng tôi tiêu phí phần còn lại của đêm cuối cùng của năm cũ trong một quán rượu nhỏ của thành phố bên cạnh. Trên đường về, tôi cám ơn Caroline đã đến. Tôi sẽ cảm thấy trơ trọi ghê lắm nếu nó đã không vội vã bay đến với tôi chiều tối ngày hôm kia. Caroline nghiêng người qua từ phía bên phải, hôn lên má tôi và nói không có gì đâu cưng, mày biết tao yêu mày mà. Tất nhiên là tôi biết Caroline yêu tôi, theo cách của nó. Tôi còn biết nó sẽ hôn môi tôi nếu được phép, nhưng điều này đã không hề và sẽ không bao giờ xảy ra.
    Caroline lăn ra ngủ ngay trên chiếc sô pha khi về đến căn apartment một phòng nhỏ xíu của tôi. Nó cần phải giữ sức khỏe cho chuyến bay tám giờ sáng ngày mai ở phi trường Los Angeles. ''Gấp quá, không tìm được vé về phi trường John Wayne,'' nó nói như xin lỗi. Tất nhiên điều đó là thừa, tôi không cảm thấy phiền hà gì hết khi phải đi thêm bốn mươi dặm nữa để đưa đón nó, tôi bảo nó như vậy. Tôi vào phòng mình và lập tức nhào đến chiếc bàn đêm nơi đặt chiếc máy điện thoại. Chỉ có một lời nhắn tin trong máy. Tôi đoán là của Frank. Tôi đã đoán đúng. Lời chúc sinh nhật lịch sự và dễ thương, như con người của Frank. Tôi xóa ngay ra khỏi máy lời nhắn của Frank sau khi nghe xong và thả mình xuống giường, vói tay tắt ngọn đèn ngủ. Bóng tối tràn ngập căn phòng, và cùng với nó, niềm chua xót. Cú điện thoại tôi chờ đợi suốt ngày hôm nay đã không đến. Lầ? sinh nhật năm ngoái nó cũng không đến. Lúc bấy giờ tôi và Frank còn sống chung với nhau. Frank đã cố gắng mang đến cho tôi một ngày sinh nhật thực vui vẻ. Đêm hôm đó, căn phòng của chúng tôi tràn ngập tiếng nhạc và tiếng cười cho đến khuya. Nhưng Frank hiểu ra là anh đã thất bại khi căn phòng chỉ còn lại hai đứa chúng tôi. Tất cả chỉ vì cú điện thoại tôi chờ đợi đã không hề đến. ''Tôi không hiểu được bố em. Ông ấy luôn làm hỏng mọi việc.'' Frank ném hai tay lên trời, than thở.
    Frank không bao giờ hiểu được bố. Frank chưa hề là một đứa bé sáu tuổi mười mấy năm về trước đã lênh đênh cùng bố trên chuyến tàu vượt biển hôi thối và đầy nghẹt những người, chỉ ba tuần sau khi người mẹ bệnh hoạn được chôn cất ở một nghĩa địa tồi tàn vùng ngoại ô Sài Gòn. Frank chưa hề có lần hồi tỉnh vào lúc ba giờ sáng sau một cơn sốt cao độ trên chiếc giường ở khu cấp cứu của bệnh viện để nhận được chiếc hôn của bố trên vầng trán vẫn còn nóng hâm hấp của mình. Frank chưa hề cùng với bố thổi tắt những ngọn nến trên chiếc bánh sinh nhật xinh xắn vào mỗi đêm cuối năm. Frank chưa hề biết được cái cảm giác tôi đã có khi bố cúi xuống hôn lên tóc, hơi thở bố len qua những kẻ tóc phả lên da đầu ấm áp, và tiếng bố, ngọt ngào hơn tất cả những chiếc bánh sinh nhật tôi đã từng và sắp được ăn, ''Chúc mừng sinh nhật, Quỳnh của bố.'' Tôi luôn luôn là ''Quỳnh của bố,'' và Frank không bao giờ hiểu được phải cần có bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu gian nan, bao nhiêu nụ cười và nước mắt để ba tiếng giản dị này có được cái ý nghĩa của nó. Vậy mà chính là Frank, cùng với tôi, đã khiến tôi không còn là Quỳnh của bố. Ít nhất là bố đã nghĩ và tin như vậy.
    Một tuần trước ngày nhập học của năm cuối cùng của chương trình Đại học, tôi bảo với bố là tôi sẽ dọn ra ở với Frank. Chúng tôi sẽ đi về một tiểu bang miền Đông và sẽ tiếp tục công việc học hành ở đó. Đây là một tin vô cùng bất ngờ cho bố. Bố ngồi lặng đi, một bên khóe môi giần giật. Nhất định tôi đã làm bố đau lòng ghê lắm. Nhất định bố đã không hề chuẩn bị cho việc Quỳnh của bố sẽ ra đi. Nhưng tôi đã quyết định. Tôi có trước mắt cả một thế giới rộng lớn, và tôi có Frank luôn luôn bên cạnh. Sẽ không có gì ngăn cản được tôi. Cánh cửa của căn nhà nhỏ đóng lại thực nhanh sau lưng tôi khi Frank đến đón tôi cùng ra phi trường. Bố đã không hề mở miệng khi tôi bảo là tôi sẽ gọi về cho bố khi đến nơi.
    Tôi quen Caroline và những người bạn khác ở ngôi trường mới. Tôi luôn có Frank bên cạnh, lúc nào cũng lịch sự, cũng dễ thương, cũng chiều chuộng. Tôi sẽ cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc nếu bố thỉnh thoảng liên lạc với tôi. Nhưng điều này đã không hề xảy ra. Khi tôi gọi về cho bố để báo tin mình đến nơi bình yên, bố đã lạnh lùng cắt ngang cuộc điện đàm. Tôi ngơ ngác nhìn chiếc ống nghe đang phát ra một tràng u u vô duyên, và để cơn giận tràn ngập lấy mình. Tôi thề sẽ không bao giờ gọi về cho bố nữa. Về sau, tôi vẫn thỉnh thoảng gởi cho bố những tấm bưu thiếp mỗi khi có dịp đi chơi xa với Frank hoặc trong những dịp lễ. Tôi luôn cẩn thận kèm theo địa chỉ và số điện thoại của mình, hy vọng sẽ nhận được hồi âm của bố. Điều này đã không hề xảy ra. Không một bức thư, không cả một lần điện thoại cho Quỳnh của bố!
    Frank và tôi chia tay không lâu sau đêm sinh nhật đầu tiên không có bố bên cạnh. Tôi nhìn khuôn mặt ngơ ngác của Frank khi tôi bảo anh điều này và tin rằng mình đã quyết định đúng. Tôi cho rằng mình có thể hiểu Frank rất nhiều trong khi anh giỏi lắm chỉ có thể chạm vào lớp vỏ ngoài của tôi. Bên dưới cái vẻ ngoài rất ''Mỹ'' của tôi là một mớ bòng bong những suy nghĩ phức tạp về những giằng co, những phản ứng tâm lý mâu thuẫn của mình, những điều tôi có thể cảm nhận được nhưng luôn luôn thất bại khi tìm cách lý giải. Tôi cũng sẽ thất bại như thế khi tìm cách giải thích điều này cho Frank. Bởi vì Frank sẽ không hiểu gì hết. Đó không phải là lỗi của Frank. Chúng tôi khác nhau, như là một định mệnh. Chúng tôi không thể thay đổi định mệnh của nhau.
    Tôi ra trường ít tháng sau đó và tìm được việc làm ở vùng Irvine, ba mươi dặm về phía Nam của thành phố Westminster. Tôi biết tại sao tôi đã cố tình chọn công việc này trong số những đề nghị khác. Đêm qua tôi đã thèm muốn quá đỗi, trước khi rơi vào giấc ngủ ngắn ngủi, hơi thở ấm áp của bố phả trên da đầu và lời chúc sinh nhật ngọt ngào của bố bên tai.
    Khu chợ rất vắng, rau cỏ ê hề, nhưng không có rau muống. Bố thích rau muống xào tỏi, và tôi thích theo bố. Khi tôi đủ lớn để quấy rầy bố trong căn bếp nhỏ xíu, bố dạy tôi nấu ăn. Món đầu tiên tất nhiên phải là rau muống xào tỏi. Tôi đã cười đến vỡ bụng nhìn bố vừa bỏ vào mồm những cọng rau muống cong queo và đen xỉn vừa khen ''Quỳnh của bố'' nấu ăn giỏi quá. Vậy mà hôm nay lại không có rau muống! Tôi thất vọng, rời khu hàng rau, nhìn quanh quất tìm một món gì đó để mua. Tôi thường không quen ra về tay không. Vào lúc tôi đang phân vân giữa hai bình sữa đậu nành nóng hoặc lạnh, tiếng chai lọ đổ loảng xoảng lẫn với tiếng người ồn ào làm tôi giật mình. Tôi quay lại và nhìn thấy ông ta.
    Ông đang ngồi bệt dưới sàn, hai chân bẹt ra trông rất thảm hại. Những chai xì dầu, nước mắm nằm vương vãi chung quanh, có ít nhất một chai bị vỡ, giòng nước nâu sẫm từ đó chảy ra, loang dần trên nền gạch men nhớp nháp. Ông ta cầm chai xì dầu vỡ lên, ngắm nghía. Có vẻ như ông ta không gấp gáp để đứng dậy. Có vẻ như ông ta chỉ muốn ngồi mãi ở đó, suy ngẫm về một điều gì đó, một điều rất quan trọng.
    Khi ông ta ngẩng đầu lên, tôi nhìn thấy đôi mắt buồn thảm của ông. Tôi giật bắn người, quay mặt đi thực nhanh, nhưng đã trễ. Ông ta nhất định đã bắt gặp tôi đang quan sát ông tự nãy giờ. Nhất định là ông không muốn tôi hay bất cứ ai bắt gặp mình trong một hoàn cảnh như thế. Tôi cảm thấy bứt rứt quá đỗi như thể đã làm một điều gì vô cùng tàn nhẫn. Tôi cầm đại một bình sữa đậu nành nguội lạnh, quay người đi như chạy về phía quầy tính tiền. Tôi chần chờ ở đó vài phút, lòng dạ rối tung. Tôi chỉ muốn rời khỏi nơi này ngay lập tức, và trong cùng một lúc, tôi biết mình không thể bỏ đi. Tôi hít vào một hơi thực sâu, vòng trở lại khu bán nước chấm, bước những bước ngắn, khẽ khàng đến nơi ông ta đang ngồi dạng chân dưới đất. Nhẹ nhàng quỳ xuống bên cạnh ông, tôi đặt bình sữa đậu nành qua một bên, nhặt những chai nước chấm đủ loại đang lăn lóc trên sàn chợ đặt lên kệ, cố gắng giữ vẻ bình thản như thể không có ai đang ở bên cạnh. Cố gắng của tôi chỉ là một nỗ lực tuyệt vọng. Tôi len lén quan sát từng cử chỉ của ông. Từ một góc mắt, tôi có thể nhìn thấy ông ta né người qua một bên, chống hai tay lên sàn, xoay mình lại và cuối cùng thẳng người lên trong tư thế quỳ tương tự như tôi. Ông ta nhặt một chai nước mắm còn nguyên vẹn đặt lên kệ và quay lại nhìn tôi. Tôi để cho ông tha hồ ngắm nghía một nửa khuôn mặt bên phải của mình, trái tim chùng xuống trong nỗi chờ đợi. Ông sẽ nói với tôi điều gì? Ông sẽ cám ơn tôi đã giúp ông thu nhặt những chai nước chấm vương vãi dưới sàn chăng? Hơn mười giây trôi qua, ông vẫn không mở miệng. Tôi không còn chịu đựng được nữa, thu hết can đảm quay lại nhìn thẳng vào ông. Đôi mắt ông âm u như màu trời ngoài kia. Một bên khóe môi ông rung rung, nhưng vẫn không có âm thanh nào phát ra từ đó.
    Có tiếng nói phát ra từ phía sau, ''Tôi có thể làm phiền ông một chút hay không?'' Chúng tôi cùng giật mình quay lại. Đó là một viên cảnh sát trẻ, cao lớn. Cùng với anh ta là một người đàn ông trung niên, có lẽ là nhân viên quản lý của khu chợ. Bây giờ thì ông ta chịu lên tiếng, nhưng không phải với tôi. ''Tôi có thể làm được gì cho ông, thưa ông cảnh sát?'' Giọng ông cứng cỏi, mang nặng âm sắc của người học nói tiếng Anh khi đã lớn tuổi. ''Chúng ta có thể lại đàng kia một chút hay không? Tôi cần hỏi ông vài câu.'' Viên cảnh sát lễ độ trả lời, tay chỉ về phía một góc vắng của khu chợ. Viên quản lý cúi xuống nhặt những mảnh chai vỡ trên sàn, cám ơn tôi đã giúp thu dọn chỗ này. ''Cô ngưng tay đi nhé, nhân viên của tôi sẽ lo việc này.'' Tôi đứng lên, hấp tấp bước theo hai người kia. Tôi đã không hề tự hỏi mình đi theo ông ta để làm gì. Tôi chỉ muốn đi theo ông ta.
    Để tìm hiểu thêm nhà văn Phùng Nguyễn, mời bà con vào đây:
    http://www.ttvnol.com/forum/t_132809/9
    Lovetolive[/size=18]
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Phùng Nguyễn
    Cua ( III )
    Người vợ, đang cúi xuống nói gì đó với người chồng, đột ngột đứng thẳng lên, hai tay thỏng xuống nghiêm chỉnh khi viên cảnh sát đến gần. Người chồng, ngồi bó gối trên sàn chợ dơ bẩn, ngoảnh mặt nhìn ra phía quầy tính tiền, vẻ bướng bỉnh. Lúc này một vài người khách đi chợ sớm kéo đến và dừng lại ở một khoảng cách vừa phải, nhìn. Viên cảnh sát chỉ tay về phía người chồng và hỏi ông khách. ''Có phải người này đã hành hung ông khi nãy không?'' ''Không!'' Ông ta trả lời một cách dứt khoát, và gần như quyết liệt. Nhất định ông đã suy nghĩ về câu trả lời trên đường đến góc chợ này. Viên cảnh sát, và tôi nữa, nhìn ông, chờ một lời giải thích. ''Người này và tôi có một cuộc thảo luận ngắn về ... cua. Chúng tôi không đồng ý với nhau về việc cua thực sự có bao nhiêu càng và ngoe. Vậy thôi.'' Tôi chưa thấy ai nói dối dở như ông ta. Có lẽ viên cảnh sát cũng có cùng nhận xét. Anh ta nhăn mặt như thể bị xúc phạm, đưa tay chỉ vào những vệt bẩn loang lỗ trên quần áo ông ta, hỏi, ''Thế thì những vệt bẩn này từ đâu ra?'' ''Tôi sơ ý ngã vào ngăn kệ đựng mấy thứ nước chấm, một vài chai bị vỡ.'' Ông ta thoáng có vẻ lúng túng, tôi nghĩ vậy. Thực không dễ dàng khi phải nói dối hai lần trong vòng một phút. Viên cảnh sát lên tiếng một cách chán ngán, ''Vậy sao?'' Anh ta tiếp, cố tình không che dấu vẻ tinh quái trong giọng nói, ''Cám ơn ông, ông thật là hữu ích cho bản báo cáo của tôi.'' Tự dưng tôi cảm thấy bực bội. Tên cảnh sát non choẹt này làm chỉ giỏi làm bộ làm tịch! Riêng ông ta thì chẳng có phản ứng gì đặc biệt. Có vẻ như ông biết mình muốn gì. ''Này ông cảnh sát, ông định làm gì với chàng trẻ tuổi này vậy?'' Ông ta vừa hỏi vừa nghiêng đầu về phía người chồng. ''Chỉ giữ ông ấy lại làm biên bản thôi. Nếu ban quản lý khu chợ này khiếu nại, ông ấy sẽ phải ra hầu tòa.'' ''Khiếu nại về chuyện gì?'' ''Về tội hành hung khách hàng và gây tổn thất hàng hóa của cơ sở thương mại này.'' ''Hành hung? Tôi đã xác nhận với ông là không có chuyện đó mà! Tôi nghĩ ông không nên làm khó dễ người ta chỉ vì một chuyện hiểu lầm. Anh này phải là một người tốt. Người xấu không hối hả đi chợ vào buổi sáng sớm ngày đầu năm để mua thức ăn cho con cái mình.'' Lý luận của ông thực buồn cười. Làm sao ông ta biết được người ta có con. Tôi tự hỏi không biết ông ta đã làm điều gì tệ hại với người ta rồi bây giờ phải cất công bênh người ta chầm chập để chuộc lỗi như thế. Viên cảnh sát trẻ, tuy vậy, có vẻ hơi bất ngờ bởi câu nói của ông ta. ''Thế còn những món hàng bị hư hỏng thì sao?'' ''Đó là trách nhiệm của tôi mà. Tôi sẽ giải quyết ổn thỏa với nhân viên ở đây.'' Ông ta nói tiếp, giọng thấp hẳn xuống như thể xấu hổ vì đang xin xỏ cho chính mình một điều gì đó, ''Cho anh ấy đi về đi, làm ơn...'' Viên cảnh sát trẻ tuổi hơi ngần ngừ, có thể bởi vì anh ta không muốn bị thuyết phục dễ dàng bởi một di dân nói tiếng Anh cứng như gỗ. Tôi bước tới một bước, lập lại câu nói của ông ta với viên cảnh sát, ''Let the man go, please...'' Tất nhiên là tiếng Anh của tôi gần như hoàn hảo, và đầy tính thuyết phục. Có ít nhất vài người đàn ông đã bảo tôi như vậy.
    Trên đường trở lại quầy tính tiền, ông ta xoay người nhìn vào mắt tôi. Ông ta vẫn không chịu mở miệng, nhưng đôi mắt ông rõ ràng đang nói với tôi một hay nhiều điều gì đó. Có lẽ ông ta đang cám ơn tôi đã đứng về phe ông. Có lẽ ông ta đang hỏi tôi tại sao lại ở đây, một mình. Nhất định là ông không tin rằng tôi sống một mình, đã từ lâu. Nhưng tôi không thể đứng mãi ở đây với bình sữa đậu nành vô duyên trên tay và suy đoán mãi về một hay nhiều ý nghĩa có thể được hay không được gởi theo cùng ánh mắt của ông. Tôi cần phải đến khu bán hải sản ngay lập tức, may ra... Và tôi ù té chạy vào phía trong.
    Tôi bắt kịp ông ta ở bãi đậu xe. Ông nghiêng đầu qua nhìn tôi, vẻ dọ hỏi. Tôi đoán ông muốn hỏi bao giờ thì tôi mới chịu buông tha cho ông. Nếu quả thực ông nghĩ vậy thì đừng hòng, tôi nói thầm. Tôi nâng túi giấy trong tay lên, liến thoắng khoe với ông là tôi mua được hai con cua. ''Chỉ còn có hai con cuối cùng thôi đấy nhé. Thực là may mắn!'' Ông vẫn không chịu mở miệng, chỉ gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Tôi ấm ức trong lòng, nhưng cố gắng không để lộ ra ngoài. Tôi làm ra vẻ tươi tỉnh, nói tiếp là ông ta cũng may lắm bởi vì tôi sẽ chia cho ông một con. Nhịp đi của ông ta bỗng chậm lại, mặt lộ vẻ hoài nghi. Tất nhiên ông ta có quyền nghi ngờ. Mấy con cua mắc dịch từ sáng đến giờ đã làm phiền ông không ít. ''Thực đấy.'' Tôi ngưng đúng hai giây rồi tiếp ''Chúng ta sẽ ăn cua luộc chấm muối tiêu chanh. Luộc xong là ăn ngay, nóng hôi hổi!'' Tôi tin rằng lúc này thì ông đã hoàn toàn bị thuyết phục. Bởi vì ông đột ngột dừng lại, và trời đất ơi, ông đang nhìn tôi mỉm cười. Nụ cười làm không những khuôn mặt ông mà cả bầu trời Westminster âm u bỗng như sáng lên rực rỡ. Cùng với nụ cười là đôi cánh tay ông, dang rộng, mênh mông. Trong không đầy một sát na, tôi thấy mình đang ở trong lòng ông, mặt dúi vào ngực ông, khóc rấm rứt. Rồi tôi bỗng nhận ra ông đang cúi xuống hôn lên tóc mình, hơi thở của ông len qua những kẻ tóc phả lên da đầu tôi ấm áp. Và cuối cùng điều tôi mong đợi, không phải chỉ từ lúc gặp ông sáng nay, không phải chỉ suốt ngày và đêm hôm qua, mà từ đã lâu lắm rồi, đang xảy đến. Tiếng ông vang lên, ngọt ngào hơn tất cả những chiếc bánh sinh nhật tôi đã từng nếm qua, ấm áp hơn ngọn lửa của tất cả những ngọn nến sinh nhật tôi đã từng thổi tắt, ''Chúc mừng sinh nhật, Quỳnh của bố!''
    Phùng Nguyễn
    01.2002
  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Dương Thuỵ
    Bảo Tàng Của Sợ Hãi ( I )
    Su gọi điện cho Lắc, nói kỳ nghỉ lễ Các Thánh chị sẽ đáp xe lửa lên Paris chơi. Sẵn dịp, Lắc đề nghị hai chị em cùng đi Hà Lan cho biết . Hai năm không gặp nhưng Lắc vẫn dễ dàng nhận ra dáng tròn trịa của Su trong dòng người bước xuống tàu . Nó chạy lại đỡ giỏ đồ trên tay chị hàng xóm:
    - Sao ? Đi xe lửa khỏe há ? Rồi em sẽ đưa chị đi thăm Paris!
    Su cảm động nắm tay Lắc, thấy nó như em ruột mình . Con này lanh lẹ lắm, may mà sang đây đã có nó, nó tư vấn hết . Hai chị em ra khỏi nhà ga, xuống métro về ký túc xá chỗ Lắc ở .
    - Già rồi sao không lấy chồng đi còn ham học làm gì ? - Lắc bắt chuyện hỏi - Năm nay chị bao nhiêu rồi ?
    - Mới có 30 mà già cái gì ! - Su không giận, chị quen với cách mọi người trong xóm hay chọc mình - Tao không học để tụi trẻ như mày qua mặt sao ?
    - Kỳ đó tưởng ông anh họ Việt kiều của em " vớt" chị rồi chứ ! - Lắc chép miệng - Ai dè bà bị lãnh cảm !
    - Xí , tại tao hổng thèm !
    Lần này Su giận, ai bảo Lắc khơi lại " kỷ niệm buồn" . Mà Su cũng tự hỏi mình có lãnh cảm không, sao gặp đàn ông con trai là sợ . Nhưng mà không phải ai Su cũng sợ, cỡ mấy chàng đẹp trai, có học thức, hào hoa phong nhã, lịch sự, tế nhị là Su chịu liền . Nhưng không ai thèm giới thiệu cho chị những người như vậy, tòan là để bọn Việt kiều ế bơ mỏ về dòm ngó chị . Dù gì chị cũng mang danh giảng viên đại học chứ bộ ! Con Lắc này ghê gớm lắm, tối ngày đòi chị lấy chồng hòai cho nó được làm dâu phụ . Hồi nhỏ xíu nó đã " lu xu bu" nên mọi người trong xóm đặt nó tên Lí Lắc, sau lần hồi gọi tắt dần thành Lắc . Lắc sang Pháp du học được 2 năm rồi, lúc nào " meo" về cũng đòi làm mai cho Su 1 người . Hỏi người đó ra sao, có đẹp trai không, công ăn chuyện làm thế nào, học vị tới đâu, nghe nhạc theo gu gì ... nó trả lời làm Su bực mình quá không thèm liên lạc với nó nữa . Ai đời, nó dám nói " Em bây giờ học cách nói thẳng của tụi Tây cho đỡ mất thì giờ . Nói thiệt, chị Su có khuôn mặt rất dễ thương nhưng thân hình thì " chim cánh cụt" . Quá 30 rồi mà còn làm giá chi ? Chị mà như quần áo là bên đây đem ra rao: " hàng đã cắt nhãn hiệu, đại hạ giá 70%" . Em thương chị cô đơn chưa biết mùi nụ hôn đầu là gì nên làm mai cho, mà sao thấy " chảnh" quá !"
    Giận Lắc hơn 6 tháng thì Su được tin mình đạt học bổng sang Pháp học Cao học, và tương lai làm luôn luận án Tiến sĩ . Thế là phải nối lại liên lạc để nhờ Lắc chỉ cho cách chuẩn bị hành lý và kinh nghiệm làm giấy tờ , đi máy bay. Su chỉ quá cảnh ở phi trường tại Paris mấy tiếng rồi lấy tiếp máy bay nội địa xuống Lyon. Lắc nhờ người quen của nó ở đó rước chị . Mấy tháng nay xa nhà Su buồn thê thảm, may có Lắc gọi điện an ủi trò chuyện . Tình cảm chị em đang tốt đẹp thì lần này đến Paris chơi với Lắc chưa gì nó lại làm Su phật lòng .
    Lắc dẫn Su vô phòng mình, Su biết trước rồi phải có kẻ nằm giường người nằm đất vì phòng chỉ có 5 mét vuông. Lắc hào phóng:
    - Cho chị tối này ngủ trên giường vì vừa đi xe lửa . Nhưng ngày mai đổi tua nha. Chị thì đâu có sợ đau lưng vì được ... mỡ bao bọc đến mấy lớp !
    Su ráng nhịn, chị cười hề hề:
    - Mày ăn hiếp tao quá nha. Mập vầy chịu lạnh tốt . Ai như mầy: cây tre miễu!
    - Ốm là mốt đó bà ! - Lắc trả đũa - Tụi Tây mê tui lắm đó !
    - Vậy mày có bồ chưa ? Mày nhỏ hơn tao 10 tuổi, năm nay cũng 23 rồi !
    - Có ! - Lắc lục ngăn bàn lấy ra tấm hình một chàng mũi thẳng, mắt biếc, tóc mây bồng bềnh - Đẹp trai bá chấy hôn ?
    - Đẹp ! Sao mày không làm mai cho chị mấy chàng giống như vầy nè !
    - Bà chịu Tây sao ? - Lắc hù - tụi nó hay đòi ngủ chung lắm đó, không cho nó sống thử là nó không chịu cưới đâu!
    - Khiếp! Khiếp! - Su hét lên - vậy là mày " mất" rồi hả Lắc ?
    - Chưa bà ! - Lắc làm mặt buồn - Tui kết vậy thôi chứ thấy không hợp tên nên dang ra rồi .
    - Người ta chỉ sợ không hợp tuổi, mày lại sợ không hợp tên. Nó tên gì ?
    - Hắn người Úc, sang đây làm luận án Tiến sĩ về văn chương Pháp . Hắn tên Lúc (Luck). Tui nghĩ mai mốt tui dẫn hắn về Việt nam, mấy " cái loa" xóm mình tối ngày cứ la " Vợ chồng Lúc Lắc!" chắc tui mắc cỡ độn thổ . Nên thôi, thà tui Lắc một mình chức Lúc Lắc với hắn kỳ quá !
    Su bật cười " Đồ quỉ ! Con nhỏ này vẫn chứng nào tật nấy" . Lắc cũng cười, hồi ở nhà nó khóai chõ miệng qua chọc Su lắm . Su học giỏi, lại lớn hơn Lắc khá nhiều tuổi nên chị hay chỉ bài cho nó . Hai chị em chơi thân với nhau, Su tuy lớn hơn nhưng lại ngờ nghệch, không bằng Lắc . Su không ra đời giao tiếp nhiều, chỉ thích chinh phục thật nhiều bằng cấp, đó là đam mê của chị . Có lần Su còn bị Lắc gạt khóc hu hu, má Lắc phải dắt nó qua xin lỗi .
    - Mày giàu quá Lắc! du học tự túc mà cũng có tiền mua tivi . Bật lên cho chị coi. Mấy tháng nay buồn chết bỏ, tối ngày ôm sách học hòai . Chắc chị cũng phải mua 1 cái giải sầu .
    Lắc bật tivi theo yêu cầu, nó cầm điều khiển chọn phim.
    - Ha, ha - Lắc reo lên đắc thắng - Cho bà coi phim này, tòan tài tử đẹp trai, đã lắm !
    Một xen ái tình đang diễn ra, hai nhân vật ôm siết nhau vật ra giường, áo quần từ từ vứt rào rào xuống sàn . Máu trong người Su chảy rần rật, chị vừa muốn xem, vừa xấu hổ, giá đừng có con Lắc ở đây.
    - Ghê quá! - Su rên rỉ - Mẹ chị dặn coi tới những cảnh này phải che mặt lại .
    Nói là làm, Su đưa hai bàn tay mũm mĩm như trẻ con của mình lên che mắt .
    - Hết chưa ? Xong chưa ? Sao lâu quá ? Ai thở nghe ghê rợn vậy ?
    Lắc nhìn Su ngơ ngác . Nó tự hỏi chị đang chọc nó hay sợ thật . Ai đời 1 phụ nữ 30t lại giẫy nẫy như con gái mới lớn . Chướng quá !
    - Tụi nó làm cái gì vậy Lắc ? - Su sốt ruột - Lâu quá mậy ?
    - ******** chứ bộ làm tính sao mà đòi nhanh - Lắc kéo mạnh tay Su ra - Bà làm cái trò gì kỳ cục ! mở mắt ra nhìn đi, có thấy gì hông ?
    Su hí hí mắt, " tụi nó" bị chăn màn che hết, nhưng mà nghe thở nổi gai ốc . Chị chữa thẹn bằng cách lên án Lắc:
    - Mày tiến bộ dữ nghen ! Tao về Việt nam mét má mày . Dám nói " ********" tỉnh bơ .
    Lắc đứng dậy dậm chân bất mãn, thấy Su đúng là lãnh cảm thật rồi . Hay là bả giả nai, làm bộ sợ nhưng khóai thấy mồ !
    - Chị Su! Đây chỉ là phim bình thường ôm ấp, hun hít, có gì đâu ! Chị muốn coi phim érotique thứ thiệt không ? Phim *** đó . Tối chủ nhật nào trên đài M6 sau 11g khuya cũng có . Không nặng đô lắm đâu, có nội dung, chỉ cách người xem vào cuộc . Chị già rồi phải biết với người ta. Học làm gì 2 ngọai ngữ, 3 bằng đại học mà cơ thể của chính mình thì " bù trất" . Nè, ******** cũng là 1 môn khoa học đàng hòang đó nhe !
    - Im mày !
    Lovetolive[/size=18]
  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Dương Thuỵ
    Bảo Tàng Của Sợ Hãi ( II )
    Su hét lên, vẻ mặt ghê tởm . Chị đùng đùng đứng dậy xỏ giày mở cửa đi ra.
    - Chị đi đâu vào giờ này ? - Lắc hỏang - Có gì từ từ nói . Chị không thích bàn về đề tài này nữa thì thôi chứ sao lại bỏ đi !
    - Tao đi toa-lét, làm gì mày cản tao om sòm !
    ----
    Lắc và Su từ sáng đến giờ đi bộ rã chân ở Amsterdam rồi . Su kịp nhìn thấy mấy cô phục vụ quán giải khát mặc áo thun sát nách và quần ***y chạy tới chạy lui. Lắc còn chỉ cho chị mấy cái bảng hiệu " Porno - Demonstration" đầy rẫy ngòai đường rồi giải thích đây là nơi diễn kịch minh họa chuyện " đó đó" , coi trực tiếp luôn.
    - Chị muốn coi cho biết không ? - Lắc hỏi nhỏ, vẻ nghiêm trọng - Em cũng chưa coi bao giờ . Nhân dịp mình đến Amsterdam cũng nên biết " đặc sản" .
    - Mày nhe! Vừa thôi, tao mét má mày đó! Con nít bây giờ gớm chết !
    - Không coi thì thôi!- Lắc lại chọc - Hay tụi mình đến phố màn đỏ đi ! Nghe đồn ở đó có mấy cô gái tuyển đủ mọi màu da . Hấp dẫn lắm, đẳng cấp quốc tế mà ! Các cô đứng khiêu khích trong tủ kính, quí ông nào chịu không đặng thì bước vào, màn đỏ kéo lại, mặc sức cho mấy người đứng bên ngòai tưởng tượng . Đi không ? Cho biết! Đâu có gì bậy bạ !
    Su do dự, ừ thì nghe đồn đến Hà Lan phải nên đi xem mấy nơi này, nhưng dù sao mình cũng là giáo viên, con nhà trâm anh. Rủi nhỏ Lắc dụ mình đến coi rồi sau này về Việt nam phao rùm lên có nước mình bỏ xứ !
    - Không đi thì thôi - Lắc giả tảng- Sau này không có dịp đi Amsterdam nữa đâu, đừng có hối hận nha !
    - Có kỳ cục không ? - Su dao động - Tụi mình là phụ nữ mà!
    - Trời ơi! Phụ nữ thì sao ? - Lắc vẫn khiêu khích - Phụ nữ Hà Lan còn ... hiếp đàn ông nữa đó!
    - Ghê mày! - Su lại hét lên làm Lắc bật cười khóai chí .
    - Tui chỉ muốn bà mở mắt với người ta thôi. Tui còn trẻ, còn ở lại Châu Âu lâu, tui muốn đi sang đây lúc nào hổng được . Chỉ sợ bà không còn cơ hội trở lại đâu !
    - Thì đi ! - Su xấu hổ cúi mặt - nhưng về Việt nam mày mà nhiều chuyện là tao xẻo mày đó !
    Su tận mắt thấy mấy cô gái đúng là đẹp hết chỗ chê. Vậy mà uổng, phải đứng ẹo qua ẹo lại làm những động tác khiêu dâm khiến bọn đàn ông thèm rỏ dãi . Thì ra đàn ông, ngòai bằng cấp, công việc, sự nghiệp ra, họ còn mê chuyện này dễ sợ . Su còn nhớ có lần đọc cuốn sách nói về chủ nghĩa hiện sinh của Proust, ông phân tích tất cả những ham muốn của con người đều xuất phát từ nhu cầu " đó" . Chị thấy khó hiểu và không tin. Bây giờ chứng kiến cảnh mua bán vừa sang trọng có kính có màn, vừa thấp hèn tiền trao cháo múc mà " ngộ" phần nào . Lắc không bình phẩm, nó có vẻ tỉnh, chắc nhờ quá trình tối chủ nhật nào cũng xem phim sau 11g. Lúc đầu chưa quen nó cũng phản ứng, dù không " làm dữ" như Su nhưng cũng thấy kỳ . Sau riết rồi nhàm, thấy đó cũng là 1 nhu cầu như ăn uống, học hành, vậy thôi! Lắc nghĩ mình phải hiểu để chuẩn bị tinh thần nếu không, sau này la hỏang lên như má nó đêm tân hôn thì hậu quả khó lường . Má Lắc kể bà rất sợ hãi chồng dù không ghét ông . Bà chưa hề có cảm giác vui thích trong sự chung đụng . Bà chỉ coi đó là nhiệm vụ nên sau khi sinh được 2 đứa con bà nhất định không cho chồng đụng vào người . Ba má Lắc không hề hạnh phúc, hai người không ly dị nhưng ở với nhau mà cắn đắn, làm khổ nhau hòai . Còn bà nội và bà ngọai Lắc, ai cũng sanh 10 đứa con, nhưng trong suốt cuộc đời làm vợ, 2 bà chưa từng biết tới cái gì gọi là " lạc thú" . Lắc thấy phụ nữ Việt nam nhiều thiệt thòi . Cũng vì họ được giáo dục theo kiểu như chị Su, chẳng hiểu gì hết, vậy mà cứ lên án, đời này qua đời nọ .
    - Chị em mình vào " *** Museum" hông ? Ngay trước mặt nè! -Lắc lại đề nghị, giọng nó nghiêm trang.
    - Được voi đòi tiên mậy!
    - Chị không coi thì ở ngòai này chờ em, em vô một mình -Lắc nhìn Su khinh mạn - Làm gì chị sợ, đây là viện bảo tàng chứ có phải là *** shop đâu!
    Không biết sao Su lại lẳng lặng móc túi lấy tiền hỏi " Nhiêu 1 vé ?" . Hai chị em bước vào, cùng lúc đó nhiều du khách nữ người Nhật theo sau. Su vẫn chưa quen, chị cúi gằm mặt, lí nhí với Lắc:
    - Rủi gặp phụ huynh tụi sinh viên trong này chắc tiếng tăm tao đi đời! dù sao tao cũng là giáo viên!
    - Giáo viên hay tổng thống gì cũng có nhu cầu về *** hết- Lắc bực mình nạt- Như vậy mới là người bình thường, sống có thăng bằng . Bà coi chừng bà đó!
    Bị Lắc lôi " gót chân Asin" của mình ra, Su bực bội, chị dấn bước hùng hổ vào bảo tàng nhưng chỉ vừa nhìn thấy những bức tượng trưng " cái đó" ra, chị đã hỏang, rồi cố cười lớn cho đỡ quê. Lắc lại nạt nhỏ " Vào đây thì xem cho nghiêm túc, cười khinh bỉ như vậy người ta đuổi ra bây giờ!"
    Bước ra khỏi bảo tàng, Lắc có vẻ tư lự, Su thì chỉ nhớ có 1 câu cuối cùng trong cái máy tự động thuyết minh những hình ảnh kể về lịch sử ********: " Đừng lên án *** vì *** giúp bạn có mặt trên cõi đời này!" Hai chị em tiếp tục bước vào những cửa hàng lưu niệm chọn mua vài món . Su thích mấy cái áo T-Shirt có hình cối xay gió và những chiếc xe đạp nhưng chị thấy đắt quá nên do dự mãi . Lắc thình lình hỏi Su:
    - Chị thích cái áo này không để em mua tặng chị ?
    Su vui vẻ đến kế bên nhìn vào áo rồi bất chợt hét tóang lên giữa cửa hàng " Kinh khủng quá!" . Thì ra áo in hình " cái đó" của đàn ông. Lắc chỉ định ghẹo Su chơi ai dè chị phản ứng mạnh quá làm mọi người quay lại nhìn lạ lẫm . Lắc quê độ trả cái áo vào chỗ cũ rồi bỏ đi ra ngòai . Su ngượng chín mặt lúp xúp chạy theo sau. Lắc chỉ thèm nói: " Tui tởn bà tới già!" rồi cấm khẩu luôn cho tới khi 2 chị em lết về đến khách sạn dành cho giới trẻ
    ----
    Lâu lắm rồi lắc không liên lạc với Su, không phải vì nó giận mà vì quá bận rộn cho chuyện học hành . Su cũng bù đầu bù cổ nên cũng chẳng thèm " meo" gì hết . Đến khi Lắc có việc phải xuống Lyon nó mới nhớ ra và gọi điện bảo Su ra ga đón . Su cũng ở ký túc xá nhưng chị là dân có học bổng nên phòng ốc khang trang hơn. Chị hiếu khác nhường Lắc ngủ trên giường suốt thời gian nó ở với chị chứ không thèm trả thù nó bắt chị ngủ đất còn nói chị nhiều mỡ như hồi lên Paris chơi. Su đã mua tivi được vài tháng, Lắc láu lỉnh hỏi:
    - Chị coi phim nào trên kênh M6 tối chủ nhật chưa ?
    - Hòai!
    Su trả lời cụt ngủn, tỉnh bơ làm Lắc khá bất ngờ:
    - Bà này có tiến bộ nha!
    - Có gì đâu, bình thường! - Su vẫn thản nhiên - Phim đó đâu có thuộc dạng khiêu khích mà xấu hổ, có nội dung đàng hòang, trai gái yêu nhau thì có nhu vầu . Ăn chung được, uống chung được thì ngủ chung cũng được chứ sao!
    - Wow! - Lắc thán phục - Lẽ nào nhờ chuyến đi lên Paris rồi qua Hà Lan với em mà chị được tẩy não ?
    - Xí! - Su bĩu môi - Già hơn mày cả chục tuổi mà phải để mày dạy chuyện đó sao ?
    Rồi chị bí mật kéo Lắc sát vào người, thì thầm:
    - Tao tuy nhiều mỡ như vậy nhưng không ế đâu nha em. Có anh chàng cùng lớp người ở thành phố Lille tỏ tình rồi!
    - Rồi có tính cho sống thử không ? Lắc hồ nghi.
    - Bây giờ thì chưa, cũng còn tùy nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, cho cũng là nhận mà nhận cũng là cho - giọng Su nửa đùa nửa thật làm Lắc hoang mang - Chị quá 30 rồi, " còn" hay " mất" không có gì quan trọng . Chỉ có mày là khôn hồn giữ thân nhe mậy!
    - Biết rồi! - Lắc mặt hiền queo - dù sao mình cũng người Việt Nam mà . Bởi vậy tui mới dang anh Lúc ra, chứ tui mà sợ kị tên cái nỗi gì! Lúc Lắc Lúc Lắc! Nghe còn vui tai nữa !
    Hai chị em ôm nhau cười nắc nẻ .

    Lovetolive[/size=18]
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Quan Dương
    CHIẾC LÁ ( I )
    Chiếc xe gã đang lái đi làm hằng ngày là chiếc Honda đời 83 đã over miles. Gã tơi tả, chiếc xe còn tơi tả hơn gã. Thế mà gã và xe cứ lê lết tấm thân tàn hết ngày này qua tháng nọ không hề đau yếu một lần. Không hề đau yếu không có nghĩa là hoàn toàn khoẻ mạnh. Chiếc xe cứ thế mà khật khù mỗi lần gã leo lên, cũng như gã cứ thế mà lừng khừng trôi vào cuộc sống. Ðến độ buồn chán. Ðôi lúc đang trên đường gã mong một chiếc bạt mạng nào tông vào đít xe của gã cho rồi. Biết đâu chừng là cái cớ nằm vạ để bắt đền, và cũng biết đâu chừng nhờ đó gã mới có dịp mua một chiếc xe khác khá hơn.
    Vào một buổi chiều trong khi gã đang đợi đèn đỏ ở một góc ngã tư, thì bỗng rầm một tiếng phía sau. Như vậy là xe gã đã được tông. Gã mỉm cười khoái chí, cái ngày này gã đã mong đợi từ lâu. Cuối cùng cũng đã có một con nhạn sa lưới. Không biết con nhạn nào đây? Trẻ, già, trai, gái, lớn, bé? Gã tà tà bước xuống, thầm mong sao chiếc xe mình thật thê thảm để tăng thêm phần gây áp lực về phía đối phương. Chiếc xe quả thê thảm thật, nhưng kẻ gây ra tai nạn không thê thảm chút nào. Cô gái ngồi tỉnh bơ trên chiếc xe của mình.. Dân số người Mỹ trên 200 triệu, dân Việt Nam chiếm chưa đến tỷ lệ 1%, cô gái lại là người Việt Nam. Gã hơi thất vọng, người Việt Nam nổi tiếng liều mạng, gan góc không dễ gì bắt chẹt . Gã chắc lưỡi, trong cái hên vẫn còn cái xui.
    - Hình như cô đã tông vào xe tôi?
    - Tông rõ ràng chứ còn hình như gì nữa
    - Như vậy là cô phải đền?
    - Ðương nhiên
    Cô gái mở cữa bước xuống. Khi cô gái bước xuống xe, không hiểu sao mọi ý đồ của gã tiêu tan trong chớp mắt. Gã trố mắt nhìn. Cô gái đầy khoan thai và hấp dẫn
    - Ông muốn đền bao nhiêu?
    Tự nhiên gã lắc đầu :
    - Chuyện nhỏ thôi, bỏ qua đi
    - Bỏ qua đâu được, xe ông tan nát thế kia?
    - Kệ nó đừng để ý đến. Nó cũng đã cũ lắm rồi.
    Gã chép miệng:
    - Cũng giống như tôi đến lúc đào thải là vừạ
    Cô gái cương:
    - Nếu ông không chịu đền tôi gọi cảnh sát
    - Người gọi cảnh sát là tôi chứ đâu phải cô. Tôi là nạn nhân mà.
    Cô gái phì cười:
    - Ờ há
    - Thôi mạnh ai nấy đi trả lưu thông lại cho đường xá.
    - Vậy thì cám ơn ông nha.
    Gã nói y như thiệt:
    - Ơn nghĩa gì người Việt xa xứ với nhau.
    Chiếc xe mắc dịch chưa từng đau yếu một lần cả những lần gã mong cho nó đau yếu. Chỉ trừ lần này, nhưng lần này lại đề không nổ. Gã loay hoay một hồi lâu mà vẫn không sai khiến được nó. Hình như chiếc xe giận gã cam tâm phản trắc mượn đao thiên hạ giết mình. Thấy vậy cô gái hỏi:
    - Xe ông sao rồi?
    Gã đáp cộc lốc :
    - Trở chứng. Cô đi đi, để tôi đẩy vào lề rồi đón xe bus về cũng được.
    - Bến xe bus có gần đây không?
    - Ði bộ quẹo khoảng hai ba góc đường là tới
    - Hay là tôi đưa ông về? Nhà ông ở đâu?
    - Tận bên West lận
    - Tôi cũng ở bên đó, như vậy là tiện đường rồi
    - Tự ý cô mời chứ tôi không có yêu sách gì hết đó nghe
    - Ðược rồi, được rồi.
    Chiếc xe của cô gái trông rất ngon lành tuy thế vẫn cònmthua xa chủ nhân của nó. Trong khoảng dung tích thu hẹp của lòng xe đựng hai người, tim gã bổng nhiên rộn ràng. Cô gái có mùi thơm đặc biệt, có cô gái nào mà chẳng có mùi thơm, vậy mà gã thầm xính quýnh. Chẳng lẽ ngồi im, gã khơi chuyện để giết thì giờ:
    - Năm nay cô được bao nhiêu tuổi ?
    Câu khơi đầu không lịch sự lại điểm trúng vào yếu huyệt của đàn bà. Vậy mà trong khi cô gái im lặng không thèm nói, gã lại yên chí đợi câu trả lời.
    - Sao cô không trả lời?
    Ðến nước này cô gái buột miệng:
    - Hỏi vô duyên thấy mồ sao trả lời
    Gã chợt nhớ, bên Mỹ rất cấn kỵ hỏi tuổi đàn bà con gáị
    - Xin lỗi, xin lỗi
    - Lỗi phải gì mà xin. Ông còn câu hỏi nào dở hơn câu hỏi hồi nãy không?
    -Cô làm ở đâu?
    Lại thêm một câu hỏi vô duyên, cô gái lắc đầu:
    - Phải công nhận dở hơn câu hỏi hồi nãy thiệt.
    - Dở cũng phải chịu. Ở đời đâu phải cái gì cũng giống như ý mình muốn đâu? Ví dụ như tôi ghét nhất hamburger vậy mà ngày nào cũng phải nhai nó để mà sống. Sống có nghĩa là để chấp nhận.
    Cô gái chỉ biết nhìn gã. Không biết thằng cha này có điên hay không, nói chuyện lừng khừng gì đâu. Nhưng rồi cô gái nghĩ thằng chả xem ra cũng có lý, như mình có muốn tông vào xe thằng chả đâu vậy mà vẫn tông. Mình đâu tốt đến nỗi phải chở thằng chả về nhà, vậy mà vẫn phải chở. Ngẫm nghĩ đến đây,quay sang nhìn, cái tướng lùi xùi nhìn kỹ thấy cũng hay hay. Tự nhiên cô gái mỉm cười:
    - Bên West nhà ông ở đường nào?
    - Terry parkway. Cô cứ giữ lane trái qua khỏi cầu con Cò sẽ thấy Exit Terry Parkwaỵ
    - Tôi biết đường Terry Parkway, nhưng nhà ông nằm ở khúc nào?
    - Khúc giữa.
    Gã trả lời cắc cớ. Cô gái đỏ mặt, ước gì mình không còn chút tình người tấp đại xe vào lề trân trọng mời gã cút xéo cho rồi.
    oOo
    Vậy mà gã và cô gái quen nhau. Một đêm bên góc quán cà phê DuMont, có ngọn gió từ dưới sông Mississipi thổi lên cuốn theo một chiếc lá rớt trên mặt bàn. Gã cầm chiếc lá đưa cho cô gái:
    - Có chiếc lá rụng tức nhiên là mùa thu đang về.
    Thấy gã bỗng nhiên lãng mạn ngang xương, cô gái chọc:
    - Giống cải lương ghệ
    - Ừ giống cải lương thật,tôi vẫn tự thấy mình giống như một kép hát cải lương. Cô biết không mùa thu ảm đạm lắm, cáI không gian đó dễ làm chạnh lòng những ngườì xa xứ.
    - Giống như ông chẳng hạn ?
    - Ðúng. Như tôi chẳng hạn. Tặng cô chiếc lá này
    - Tặng tôi ?
    - Ừ tặng cô, đừng xem thường nó, nó là sứ giả của mùa thu đấỵ
    - Ðể làm chi vậy?
    - Ðể làm kỷ niệm.
    - Trời đất, giữa thời buổi điện toán này mà ông muốn em giữ chiếc lá giống như thời lạc hậu để làm kỷ niệm?
    - Ðôi lúc cần phải giữ. Người ta trước khi có hiện tại ai cũng đều "bị" có quá khứ hết. Quá khứ nhiều lúc có muốn cởi bỏ nó không phải dễ. Kể cho cô nghe một câu chuyện ngày xưa nghe chơi . Ngày xưa có một con ốc nhỏ sống cô quạnh trong một vũng đầm lầy với chuỗi tháng ngày mà nó cho là buồn thảm. Cứ mỗi một ngày trả một ngày về cho quá khứ, sự buồn thảm vì thế trở thành chất chồng một quá khứ nặng nềtrên
    lưng con ốc. Một hôm nó quyết định mang quá khứ đi chôn. Nó nghĩ chỉ có cách đó nó mới được nhẹ nhàng trong cuộc sống. Nghĩa địa nằm bên kia đường. Khi con ốc chở quá khứ đến được mé đường thì nó mới thấy rằng băng qua không phải dễ. Xe cộ ngược xuôI như mắc cửi, không chừa một khoảng trống thời gian nào để khả dĩ tương xứng với vân tốc chậm như ốc để nó có thể băng qua.Cuối cùng con ốc hiểu rằng nếu nó muốn qua bên kia thì không thể nào thoát khỏi sự cán nát dưới những bánh xe. Vì thế nó đành cõng quá khứ trở về nơi đầm lầy nước đọng xưa kia. Con ốc đã không đủ can đảm làm một cuộc cách mạng hy sinh mạng sống của mình để trút bỏ một quá khứ dẫu quá đau buồn. Con ốc tự nó biết là cả suốt một cuộc đời đành lẩn quẩn ôm một quá khứ của mình và chờ chết .
    - Con ốc nằm chờ chết thật hả ông?
    - Chẳng lẽ nằm chờ sống. Có một sinh vật nào được
    trường sinh bất tử đâu?
    - Buồn quá nhỉ. Giả dụ như em chận xe lại để giúp con ốc
    qua đường. Như vậy theo ông, con ốc có hy vọng gì chôn được quá khứ mình không?
    - Bên kia đường là nghĩa địa, con ốc còn chậm hơn rùa. Chỉ sợ khi nó cõng được quá khứ đến nơi thay vì chôn quá khứ thì nó lại tự chôn mình.
    - Sao kỳ vậy?
    - Vì lúc đó con ốc đã già lắm rồi.
    - Nhưng em thấy ông chưa già. Ông còn cả một quãng đường dài trước mặt
    - Sao cô biết tôi còn một quãng dài trước mặt?
    - Biết chứ sao không vì em đã chận tuổi già ông lại rồi.
    - Từ lúc nào?
    - Từ lúc em tông vào xe ông.
    - Cô quả quyết như thế?
    - Quả quyết như thế.
    - Quả quyết từ điểm nào?
    - Từ điểm ông bước xuống xe. Lúc ông bước xuống xe cáI mặt có vẻ muốn ăn thua đủ lắm, nhưng trông thấy em rồi ông lại tiu nghỉu bỏ qua.
    - Tôi đâu có bỏ qua, bằng chứng cô đang ngồi đây với tôi trong hiện tại, trong khi cách đây không bao lâu khi còn là quá khứ mình là hai người không hề quen biết.
    - Ðó là do cơ duyên.
    - Do cơ duyên? Vậy thì cô có dám ngừng xe lại để đưa con ốc qua đường?
    - Sợ gì mà không dám. Chỉ sợ quá khứ đã tan thành máu nuôi cơ thể con ốc buồn thảm kia. Nếu rút máu ra thì con ốc chỉ là cái xác khô queo. Ðã là cái xác thì ông đâu còn sống nữa. Giả dụ như còn sống để mà hấp hối thì sống để làm gì?
    Gã ngước mắt nhìn cô gái, dường như sau mái tóc ngắn, khuôn mặt gầy gầy, cô gái lớn hơn , hiểm hóc hơn gã tưởng nhiều.
    Love to live
  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Quan Dương
    [maroon]CHIẾC LÁ ( II )
    oOo
    Khi người đàn ông để ý đến người con gái nào và cảm thấy trong lòng mình có những biến chuyển trên mức tình cảm thì không hiểu sao người đó lại có khuynh hướng che dấu mọi biến chuyển xét ra vô cùng tự nhiên kia. Có thể sợ bộc lộ ra sẽ không tránh khỏi bão táp phũ phàng của dư luận. Dù vậy trong sâu xa trái tim ,ai cũng muốn nhanh chóng công khai hóa cảm xúc càng ngày càng mạnh mẽ đối với đối phương. Xét cho cùng đó là một điều nghịch lý, nhưng lại là một điều nghịch lý có thể chấp nhận được. Gã không thoát khỏi điều thường tình đó. Từ lúc quen biết cô gái, cái chất lừng khừng chừng như muốn biến mất đi. Gã đâm ra xao xuyến, cảm thấy mình không còn là mình nữa. Con nhỏ thì cứ nhởn nhơ trước sự đổi khác lạ thường trong con tim gã. Vì muốn che giấu cảm giác của mình, gã đâm ra đau khổ vì sự che giấu đó. Gã loay hoay tìm cách thoát ra nhưng đành bất lực. Một hôm khổ sở quá, gã rủ thằng bạn người Mỹ làm chung sở đi uống rượu tiêu sầu. Thằng bạn nói:
    - Ðể tao dẫn mày đến chỗ này.
    Chỗ này của nó là một cái quán " top less" nằm trên đường BourBon. Con đường vẫn giữ y nguyên đặc thù của Pháp, mặc dù thành phố này đã thuộc về Mỹ hơn một trăm năm nay.
    - Vào đây đi. Ở đây đa số là người bản xứ của tao, rất ít ngưới đồng hương của mày. Tao biết người Việt Nam mày rấtngại chạm mặt nhau ở chỗ không đáng chạm.
    Khi hai đứa bước vào, ban nhạc đang chơi bản " SweetDream ". Con nhỏ tiếp viên với hai mảnh vải nhỏ xíu che thân, miệng cười toét đến mang tai dẫn gã và thằng bạn chỉ vào cái bàn nhỏ khuất phía sau sân khấu. Sân khấu là một cái bục gỗ vuông vức được căng dây bốn phía giống như vỏ đài đấu quyền anh. Lúc gã vào, trên sân khấu con nhỏ người Spanish đang đánh đu tòn ten trên một sợi dây như hát xiệc, từ từ lột từng mảnh trên
    người theo tiếng nhạc. Lột cho bằng hết, lột sạch sẽ những gì vướng víu trên người,chỉ trừ quyển sách luật của Tiểu bang Louisiana nhỏ xíu che khiêm nhượng ở điểm cuối cùng. Tiền tip được tặng theo lòng háo tâm, cư việc tự do vắt vào sợi dây thun cột ngang bắp vế các cô nàng. Khách có quyền hả hê la hét khỏi phải bị thưa về tội quấy nhiễu nơi công cộng hay công xúc tu sĩ. Tất cả đều hợp pháp, bởi vì một phần thuế thu nhập từ những khuôn mặt há hốc kia được dùng làm công tác xã hội. Người Mỹ từ lúc lập quốc đến giờ vẫn là một thực tế lòng vòng khó hiểu.
    Gã chơi bảnh, gọi nguyên một chai rượu, vui vẻ đưa đầu cho thiên hạ chặt vào nỗi phiền muộn của mình. Trong khung cảnh ồn ào đầu óc gã mơ màng để tận đâu đâu. Trong lúc gã đang ở trong trạng giác đó, thằng bạn vỗ vào tai gã:
    - Ê mày, xem cô kia có phải người Á đông?
    Theo tay thằng bạn gã trông thấy cái người đã làm cho gã nhức nhối tâm can mấy bữa nay. Cô gái đang đứng bên sân khấu chờ đến phiên mình để lên biểu diển màn thoát y. Gã không tin vào đôi mắt mình. Ðâu lẽ nào như vậy, nhưng nếu lẽ nào như vậy thì đã sao? Gã trả lời:
    - Có thể là người Á đông, nhưng tao không tin đó là người Việt Nam.
    - Tại sao mày không tin là người Việt Nam?
    - Bởi người ViệtNam tao đã từng đau khổ, mà những nỗi đau khổ đó không xứng đáng hội nhập vào cái xô bồ đất nước mày.
    - Ðành rằng vậy, nhưng cá tính mỗi người mỗi khác.
    Gã nổi sùng:
    - Tao nói không phải là không phải. Còn mày không phải
    đã nói ở đây toàn dân bản xứ của mày hết đó sao?
    Thằng Mỹ chỉ biết nhún vai, lắc đầu. Khuôn mặt cô gái đêm nay diêm dúa đầy tội nghiệp. Ban nhạc đang thổi những điệu kèn thôi thúc, đây là dịp ngàn năm một thuở, gã có thể thoả Mãn được lòng hiếu kỳ của mình mà không cần phải tốn một sự năn nỉ ỷ ôi nào hết. Nhưng sao trong lòng gã tức tối vô cớ, gã bỗng tự nổi cơn thịnh nộ đứng dậy bỏ ra về. Cái dáng nhỏ con của gã đang lủi thủi lách qua ánh đèn mờ ảo giữa đám Mỹ to lớn trông thật não lòng. Cô gái bất chợt trông thấy, cô há miệng chưa kịp kêu lên tiếng nào, thì gã đã ra đến ngoàI đường.
    Gã đi lang thang suốt đêm, ngửa cổ ngước nhìn lên trời cao xem có cơn gió nào lạc lõng thổi về, để rụng trên tay một chiếc lá chứng tỏ rằng mùa thu đang hiện hữu đâu đây. .
    oOo
    Kể từ đêm đó gã không còn gặp cô gái nữa, nỗi buồn không vì thế mà nguôi ngoai. Một năm sau, trong lúc còn đang nẫu ruột thì gã nhận được thư cô gái. Trong thư cô viết:
    " Hi. Lâu quá không gặp. Em biết ông đang buồn. Em cũng vậy. Em hiện giờ đang ở miền Bắc, mà ông thì đang ở miền Nam. Như vậy em và ông ở cách xa nhau lắm. Ở đây em chợt nhớ đến có lần ông nói người ta trước khi có hiện tại ai cũng đều phải có quá khứ. Cái lần đó ông còn nhớ ? Có một chiếc lá vô tình rụng tấp trên mặt bàn trong quán cà phê DuMont. Chiếc lá rụng được thổi đến bởi cơn gió đầu thu dưới dòng Mississipi. Em và ông, hai người cùng chứng kiến. Khi cùng chứng kiến thì lúc đó rõ ràng là hiện tại. Ông đã tặng chiếc lá cho em. Chiếc lá đó bây giờ rõ ràng thành quá khứ. Mà quá khứ cũng theo lời ông nói, nhiều lúc muốn cởi bỏ không phải dễ. Có một con ốc nhỏ muốn cõng quá khứ đi chôn, nói đúng hơn muốn cõng chiếc lá đi chôn vì không nỡ để chiếc lá nằm chết trần trụi trên đời. Nghĩa địa bên kia đường. Khi con ốc nhỏ đứng bên này đường nhìn qua thì xe cộ ngược xuôi như mắc cửi. Con ốc nhỏ biết rằng muốn qua bên kia đường không phải là dễ, nhưng nó vẫn băng qua vì trên lưng nó còn chiếc lá, còn có một quá khứ muốn đi chôn. Kết quả ông biết sao không? Kết quả giòng xe khổng lồ đã cán chết con ốc nhỏ.
    Em đã dám cõng chiếc lá băng qua đường để mong chôn nó. Còn ông? Ông có dám không? Nếu ông không dám thì hãy xem em như người dưng nưóc lã, đừng hơi sức đâu buồn làm chi cho mệt xác."
    9/98
    Love to live
  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Cao Huy Thuần
    Một Buổi Chiều Tháng Sáu ( I )
    Tháng sáu, ngày dài ra như không muốn dứt. Mười giờ đêm, trời vẫn đủ sáng cho ai muốn đọc sách không đèn. Tháng sáu, đời sống như dài thêm, bởi vì buổi chiều dài thêm. Ôi, những buổi chiều bất tận của tháng sáu phù du !
    Năm nào anh Tuân cũng "ôi" một câu như thế để ca tụng tháng sáu và để tiếc nó chóng qua. Tháng sáu làm anh vui hơn, trẻ hơn, thấy cuộc đời đẹp hơn, yêu mọi người hơn, máu chảy mạnh hơn. Khi anh đi làm về, chị Tuân đã dọn sẵn bàn ngoài vườn : rượu khai vị, đồ nhắm. Anh tắm nhanh, thay quần áo nhẹ, chải tóc mượt mà, người thơm phức, mát như trẻ thơ. Ngả dài trên ghế, anh nhắm mắt hít hơi nắng nồng nàn còn vương trên lá, nghe buổi chiều êm ả ru anh bay theo dải mây trên trời. Con cái đã ăn xong trong bếp, hai vợ chồng ăn riêng với nhau ngoài vườn. Họ ngồi với nhau cho đến khi chị Tuân thấy bóng đêm lành lạnh trên vai, phải mượn hai cánh tay của anh Tuân để sưởi. Ôi, những buổi chiều bất tận của tháng sáu thần tiên !
    Anh Tuân là người có hoa đầu lưỡi. Anh ăn nói dễ dàng, tự nhiên, làm đẹp lòng người. Cách sống của anh cũng vậy, giản dị, hồn nhiên, thư thái, đem dễ chịu cho người chung quanh. Ai cũng mến anh, vậy mà anh lại rất ít bạn thân, tuy rất nhiều bạn. Trong số bạn thân hiếm hoi đó, anh lại gần như thân nhất với một cặp vợ chồng già đáng tuổi bố mẹ anh.
    Ông bà này qua Pháp hơn hai mươi năm rồi, nhưng lúc đầu đi làm ăn xa với một người bạn ở Tân Đảo. Mãi đến khi về hưu ông bà mới mua nhà định cư ở Pháp. Ở Tân Đảo, ông bà không ưa. ở Pháp, ông bà không hợp. Hai vợ chồng già sống ru rú với nhau cả ngày trong nhà, cửa ngõ đóng kỹ, sợ tiếng bấm chuông, sợ bước chân trong hành lang, sợ tiếng cãi cọ ngoài cửa sổ, sợ cả im lặng. Mua nhà là chuyện cực kỳ gian truân của hai bác, là tính toán chiến thuật chiến lược ở cả hai tầm vi mô và vĩ mô. Nhà phải ở trong khu vực an toàn nhất. Phải nằm trong một chung cư không có bóng người da màu. Không ở tầng sát đất, cũng không ở tầng trên cao : sát đất kẻ lạ dễ lẻn vào ; trên cao lỡ nhà cháy chạy không kịp. Hai ông bà đã quen tính toán suốt đời, và tính toán thành công. Vậy thì mua nhà cũng phải thành công thôi. Quả nhiên, nhà hai bác nằm đúng tầng thứ nhất, khỏi cần đi thang máy, khỏi sợ kẻ gian lẻn theo chân. Cửa sổ của nhà mở ra ngay bên trên cửa sổ của người gác dan : có chuyện gì bất an ngoài hành lang, mình có thể kêu vọng qua cửa sổ. Trên đầu, ngay tầng thứ hai, phòng mạch của ba bác sĩ nằm kế phòng chữa răng của hai nha sĩ. Một ông bác sĩ là người Việt, một cô nha sĩ cũng là người Việt, bác gái khỏi lo cắt nghĩa bệnh tình không được cặn kẽ. Ở cuối đường, một trạm xe chữa lửa sẵn sàng ò e hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ. Cuối cùng, như một chiếc nhẫn đã đẹp vẹn toàn lại còn nạm thêm một hạt kim cương óng ánh, ngay trước mặt nhà, chênh chếch một tý thôi, vừa đủ để khỏi bị một cửa hàng tạp hoá che khuất, tấm bản sơn cờ ba màu của bót cảnh sát hào hùng phô mình dưới lá cờ tuy đã cũ vẫn phất phơ khí phách.
    Nhà cửa an toàn chu tất như thế, cần phải đi đâu nữa ! Tháng tám, con cái mời đi nghỉ hè, ông bà lắc đầu, người chết trên xa lộ đông hơn nạn nhân chiến tranh. Phải nài nỉ khan cổ, ông bà mới chịu nhận lời đi ăn tối với một người quen : đường phố đêm khuya càng ngày càng nhiều du thủ du thực. Thảng hoặc phải đành lòng nhận lời ăn cưới, đúng mười giờ đêm là ông bà bật lò xo đứng dậy dứt khoát cáo từ.
    Tất nhiên cưới hỏi cũng là lĩnh vực mà ông bà đã chiến thuật chiến lược gian khổ. Hai bác có tám người con, toàn là gái. Quà trời cho, đâu có tính toán được. Nhưng rể con thì phải tính toán chứ ! Tín đồ trung kiên của địa phương chủ nghĩa, nhỏ lớn chỉ rời quận Hóc Môn để ra đi biền biệt, ông bà sợ nhất là có rể Bắc. Chiến thuật chiến lược, ông bà vạch đường chỉ lối thế nào mà bốn cô con gái đầu đều lấy chồng người Nam. Hay thế ! Nhưng ma quỷ cũng biết chỉ lối đưa đường, bốn cái má hồng sau cứ chọn toàn dân Bắc kỳ xông vào. Mà quái lạ, bốn anh rể Nam lâu lâu buồn chân mới đến nhà cha mẹ vợ một lần, bốn anh rể Bắc thì luân phiên hầu hạ như con ruột. Bạn thân nhất của ông cũng là Bắc : anh Tuân gốc Hà nội chính cống, cuốn rốn chôn giữa phố Hàng Đào.
    Cái gì xui khiến cặp vợ chồng già Hóc Môn trở thành tri kỷ của tay hào hoa Hà nội ? Có gì đâu, anh Tuân là người rất sành ăn và cặp vợ chồng già không có thú vui nào khác trong đời ngoài việc nâng niu những món ăn ngon như người khác vuốt ve cây cảnh. Một người có hoa tay khi nấu, một người có hoa lưỡi khi ăn, hai người nghệ sĩ tìm đến nhau như cá đến với nước mắm. Anh Tuân có lần nói đùa với vợ : " nếu phải lựa chọn giữa em với món tiết vịt của bác Năm, anh dứt khoát lựa...". Hai vợ chồng cái gì cũng tâm đầu ý hợp trừ khi chị Tuân nghe anh đê mê tả vị ngon của miếng thịt dê tái hoặc cái ngọt của lát dao khi bác Năm lấy huyết vịt.
    Ngày mười lăm tháng sáu, anh Tuân đang làm việc thì được điện thoại của bác Năm. " ông Tuân ơi, đổi chương trình rồi, chiều nay chứ không phải chiều mai. Đáng lẽ chiều mai chúng nó mới mang vịt đến, thế mà không hiểu làm sao chúng nó vừa mới bấm chuông giao vịt đây nàỵ Vậy chiều nay ông đến nhé. Nhớ đấy, chiều nay chứ không phải chiều mai như đã hẹn ". Anh Tuân suy nghĩ : chiều nay anh đã lỡ hẹn với vợ đi mua quà sinh nhật cho đứa con đầu, thế này thì rắc rối thật rồi, thì phải lựa chọn giữa em với tiết vịt rồi !
    Khi hai phe đánh nhau mà bất phân thắng bại, kỹ thuật thương thuyết là kéo dài để chờ xem. Buổi chiều, lúc ba giờ, anh có hẹn tại sứ quán để làm hộ chiếu. Anh tính toán : nếu phải chờ lâu quá để làm giấy tờ, mình sẽ điện thoại cho vợ nói là mắc kẹt tại sứ quán, không về sớm được để đi mua quà.
    Không ngờ lần này anh Tuân làm xong hộ chiếu nhanh quá, vào là ký ngaỵ Thế là anh vui quá, vui như lúc vừa bước qua bên kia cửa khẩu, trước mặt là gia đình đến đón. Hai tuần làm việc ở trong nước, bao nhiêu hào hứng ! Bạn bè lại sắp nói đùa với chị Tuân : " Chị ơi, Tuân nó bảnh trai thế kia, không khéo các cô ấy lại cầm nhầm mất thôi ! ". Vợ anh lại sắp mỉm cười lấy lòng, chị thừa biết hai cánh tay của anh thì chỉ dành cho một vai chị mà thôi, hạnh phúc của hai người cứ như buổi chiều tháng sáu, kéo dài bất tận.
    Anh Tuân không về thẳng nhà mà ghé vào sở. Anh vẫn có thể điện thoại cho chị, nói rằng tháng sáu người ta làm đuôi đông quá tại sứ quán như mọi tháng sáu. Nhưng nói thế hèn quá. Anh trình bày sự thật như là sự thật, nghĩa là có món tiết vịt khiến anh cầm lòng không đậu. Lúc đó chưa tới sáu giờ, trời nắng như vừa mới nắng, như vẫn ban mai. Quái, sao lòng vui thế này ! Tại mùi tiết canh hay tại tấm hộ chiếu trong túi áo ? Anh lật lật hồ sơ, nhưng trong đầu chỉ lao xao tiếng sóng vỗ đâu từ vịnh Hạ long. Cùng lúc đó, chị Tuân nhấc điện thoại định gọi cho anh. Chị thương chồng quá, định nói anh tạt qua nhà đón chị để cùng đi đến nhà bác Năm luôn thể, nhưng chưa kịp nói thì đứa con đi xe đạp ngoài vườn vấp phải trái banh anh nó vừa đá đến, ngã xuống sân, khóc ré. Chị gác điện thoại, chạy ra vườn, không gọi anh Tuân nữa.
    Anh Tuân nhìn đồng hồ khi đến nhà bác Năm : chín giờ tối. Không, chín giờ chiều. Gớm, chiều tháng sáu có khác, xe đông nghẹt trên xa lộ, hai xe nào đấy lại tông nhau nát bét, kẹt cứng cả giờ. Anh bấm chuông. Biết là tri kỷ đến, nhưng hai ông bà, quen lệ, vẫn quan sát kỹ qua kính mắt cáo, bà trước ông sau, để kết luận rằng đó đích thực là thằng Tuân, không phải ai khác. Trong bếp, mùi hành tỏi thơm phức. Bác gái đang cầm cây dao to tướng trong taỵ Bác nói : " Tôi chờ anh Tuân đến để chặt thịt vịt, chặt trước không ngon. Các ông nhắm tiết canh trước đi ". Anh Tuân xin lỗi : " Kẹt xe cả giờ, đói quá ! Cháu vào rửa tay rồi ra ngay ". Kỳ thực, anh vào nhà cầu, anh đau bụng quá, Tào Tháo đuổi anh suốt trên xa lộ, tưởng đã đầu hàng nó.
    Trên bếp, nồi cháo vừa sôi, khói bốc um. Bác gái chặt thịt vịt trên thớt, lát nào lát nấy đốp đốp. Nước reo, khói bốc, dao chặt, hành tỏi thơm, cái bếp của bác Năm là giang sơn của no ấm, phồn vinh, an cư, hạnh phúc. Ở trong pháo đài hạnh phúc đó, đâu cần biết gì sự việc bên ngoài.
    Bên ngoài, thì vẫn thế thôi, vẫn chừng ấy tiếng ồn, vẫn thỉnh thoảng tiếng phanh xe buýt. Vẫn rất nhiều thanh niên đang đi ngoài đường. Một thanh niên nhiều râu dừng lại trước một cửa nhà, gõ cửa. Có gì lạ đâu ? Anh gõ ba lần, năm lần, mười lần. Anh đập cửa thình thình. Gọi tên chủ nhà. La lối. Rồi van nài. Chửi. Cửa vẫn đóng im ỉm. Anh đá vào cửa. Vẫn đóng. Đá cái nữa, bỏ đi. Người qua lại trên đường, ai có chuyện nấy, liếc nhìn, rồi thôi, chuyện đó bình thường. Chỉ có đương sự biết là không bình thường. Biết là phải chấm dứt. Bởi vì anh ý thức anh sắp lên cơn điên. Anh gõ cửa nhà bạn để giúp anh chận đứng cơn điên như anh đã nhiều lần gõ cửa như thế và nhiều lần qua khỏi cuồng loạn. Nhưng bạn anh chiều nay đã đóng cửa. Chắc hẳn người kia có bao nhiêu chuyện khác phải làm.
    Chiều tháng sáu trời không chịu tối. Trời sáng như thế, làm sao anh thanh niên ở một mình trong nhà được ? Làm gì cho hết buổi chiều ? Trời sáng, làm sao ngủ ? Lửa cháy trong đầu, làm sao tắt ? Làm sao tắt mặt trời đang cháy ? Anh bỏ đi, đi về phía nhà thờ. Anh nghĩ đến ông mục sư với quyển kinh. Hai ba lần, anh đã đọc kinh như thế với ông. Và thấy đầu dịu lại. Anh đến trước cửa, gõ. Ba lần, năm lần, mười lần. Đấm thình thình. Kêu tên. Van nài. Chửi. Cửa đóng im ỉm. Bên cạnh nhà thờ là hiệu sách nhỏ. Anh thanh niên đập đầu vào cửa kính, máu chảy đầy mặt, đầy tóc.
    Love to live
  10. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Cao Huy Thuần
    Một Buổi Chiều Tháng Sáu ( II )
    Anh vuốt máu, nhìn quanh. Đàng xa, lá cờ ba màu phơ phất. Đó là lá cờ trước bót cảnh sát. Đó là bót cảnh sát nằm chênh chếch trước mặt nhà bác Năm. Anh thanh niên đi về phía lá cờ. Có chuông điện nơi bót cảnh sát, nhưng anh cứ gõ cửa. Ba lần, năm lần, mười lần. Đấm thình thình. Chửi. Đấm nữa. Kêu to : " Nhà thương ! Cho tôi đi nhà thương ! ". Bên trong, nhân viên trực thấy người thanh niên máu me loang lổ, đấm đá cuồng loạn, vội gọi điện thoại cho xe đi tuần vừa mới ra ngõ, bảo tức tốc quay đầu về.
    Chiều tháng sáu, bao nhiêu nhà đãi khách ngoài vườn. Người gác dan ở dưới nhà bác Năm cũng đãi khách như thế, trong khoảnh vườn con, cạnh cửa sổ. Khách đông. Phải một chiếc bàn lớn, ba chiếc bàn con, nhiều ghế. Đâu phải ăn tối. Ăn trưa ! Ăn từ một giờ trưa đến năm giờ chiều. Một số ra về, vài người ở lại lai rai đến chín giờ tối. Chín giờ, chủ tiễn khách ra đường, trời vẫn còn nắng, lại lai rai nói chuyện, lai rai đưa người này, chào người khác tận xẹ
    Không ai để ý đến anh thanh niên đang đá vào cửa bót cảnh sát rầm một cái, rồi càu nhàu bỏ đi. Đi vài bước, chợt anh thấy trước mắt một cánh cửa sổ mở. Một cánh cửa mở ! Ôi thiên đường ! Đó là cửa sổ nơi bếp nhà bác Năm, trong đó khói đang bốc, nối cháo đang sôi, hành tỏi đang dậy mùi, con dao to tướng đang đốp đốp. Trời tháng sáu nóng, bếp lửa nóng, khói um, dù đứng về mặt chiến lược cửa sổ phải đóng, nhưng nguyên tắc nào cũng có ngoại lệ. Vả chăng dưới cửa sổ là cửa sổ người gác dan, và bên ngoài cửa sổ đó khách khứa đang nói cười từ một giờ trưa. Anh thanh niên nhảy gọn vào vườn, bàn ghế sẵn sàng cả, như chờ đợi anh. Anh đặt chiếc bàn nhỏ trên chiếc bàn lớn, chiếc ghế ba chân trên chiếc ghế bốn chân, đu người một cái là vào thiên đường của anh.
    Chuyện gì xảy ra sau đó, chẳng cần đọc biên bản của cảnh sát, khai báo của nhân chứng, cũng rành rành trước mắt. Cứ tưởng tượng bà già đang chăm chú chặt thịt bỗng thấy hiện ra một người máu me nơi cửa sổ. Cứ tưởng tượng con dao to tướng bà cầm trong taỵ Cứ tưởng tượng ông bà vừa kinh hoàng kêu cứu vừa loạng choạng hươi con dao trước mặt người điên. Và tưởng tượng anh Tuân từ trong nhà cầu ôm quần lúng túng chạy ra. Chỉ có thể như thế thôi : anh thanh niên giật cây dao trong tay bà già, say máu chém loạn xạ, chém luôn anh Tuân vừa chạy vào bếp, chân tay luýnh quýnh, rồi tiện tay thọc dao vào cổ mình. Bốn xác chết. Một biển máu. Một đĩa huyết vịt.
    Xe cảnh sát xộc đến ngay lập tức, chưa đầy một phút sau. Nhân viên trực đã nhận được báo động của ông mục sư và của người bạn. Ông ta nhìn theo anh thanh niên và thấy anh đu vào cửa sổ căn nhà trước mặt. Rất có thể anh thọc dao vào cổ khi nghe tiếng ò e của xe cảnh sát bên dưới.
    * * *
    Đất chôn anh Tuân rồi, nhưng không chôn nổi hai chữ " giá như " trong đầu bạn bè anh. Giá như người gác dan không mời khách hôm đó, hoặc mời khách nhưng đừng lai rai đến chín giờ chiều, hoặc lai rai đến chín giờ nhưng đừng lai rai tiễn khách như thế. Giá như xe cảnh sát đi tuần trễ hơn một phút, hoặc đến sớm hơn một phút. Giá như ông mục sư mở cửa thêm một lần nữa, một lần nữa thôi. Giá như con vịt được giao đúng hẹn, nghĩa là chiều hôm sau đó . Giá như anh Tuân đừng về lại sở. Giá như anh tạt qua nhà đón chị cùng đi...
    Tất nhiên chị Tuân là người khổ nhất với hai chữ " giá như " đó. Trong những " giá như " dày vò chị như vậy, có một " giá như " vô duyên mà chỉ một mình chị biết thôi : giá như lúc chín giờ tối ngày mười lăm tháng sáu anh Tuân không bị đau bụng đi cầu. Như thế, anh đã có thể ngồi vào bàn bên cạnh cửa sổ, thoải mái nếm tiết canh, và đã có thể đối phó với mọi tình huống trong một tư thế tay chân thuận lợi hơn. Suốt mấy tháng trời, uất khí chặn đứng cổ chị Tuân mỗi lần chị nghĩ đến nguyên nhân của cơn đau trong bụng anh Tuân. Chị thấy rành rành nguyên nhân chỉ có một. Chị đâu biết rằng nguyên nhân có cả trăm nghìn trong bất kỳ chuyện tầm phào nào vớ vẩn nhất trong mọi chuyện tầm phào làm nên cuộc sống thường tình hàng ngày của mỗi người. Anh Tuân của chị đã sống một buổi chiều tầm phào như thế, một buổi chiều như mọi buổi chiều, trừ chữ "ôi" làm máu anh chảy mạnh hơn thường lệ.
    Chiều hôm đó, khi về lại văn phòng làm việc với tấm hộ chiếu trong túi, anh Tuân thấy buổi chiều tháng sáu trong sở cứ nhấp nhô sóng Hạ long. Hứng chí, anh gọi điện thoại qua hiệu cà phê bên cạnh, bảo mang đến cho anh một cốc kem. Anh chợt nhớ kem Hà nội lúc nhỏ. Cô hàng kem quen biết hỏi anh muốn ăn kem gì. Anh vui miệng nói : " Cô bảo tôi muốn cái gì thì tôi muốn cái nấy ". Cô hàng kem đang túi bụi với khách khứa, sẵn cốc kem đang cầm trong tay, bảo chú hầu bàn mang qua cho ông khách thân bên kia đường. Đó là một cốc kem to tướng với chất béo của sữa tươi đánh lên trắng xoá, cao nghều nghệu như núi tuyết Phú sĩ bên Nhật. Anh Tuân có dạ dày cực tốt, món gì cũng nạp được, kể cả cơm hến ở Huế, trừ sữa. Một giọt sữa tươi lọt vào bụng là ruột già râm ran báo động. Anh cầm cốc kem : nào có giọt sữa nào đâu, chỉ thấy tuyết trắng thơm phức. Anh ăn ngon như trẻ con, ưỡn người dài ra trên ghế, một chân duỗi thẳng lên bàn, chân kia gõ nhịp theo điệu nhạc gì đó trong đầu.
    Lúc đó đã gần bảy giờ chiều, đồng nghiệp lần lượt rời sở gần hết, về trễ để tránh kẹt xẹ Cô thư ký của anh ghé chào anh để về, xắc tay lủng lẳng trên vai. Cô mở tròn mắt, ngạc nhiên nhìn sếp của mình ăm kem trong tư thế của một người nằm trên bãi biển, dưới dù che nắng. Anh Tuân reo lên : " Cô vào đây tí đã, mặt trời chưa cho phép cô về đâu ". Cô thư ký nhìn kem dính trắng nơi khoé môi anh Tuân, nơi cả râu nữa, ngập ngừng nói : " Ông Tuân, ông có biết là ông cần một cái khăn tay không ? Tôi cho ông mượn nhé ! ". Cô đặt xắc trên bàn làm việc, mở ra, lấy khăn tay, dụ dự một lát, rồi cúi xuống lau nhẹ vết kem nơi râu anh Tuân, nơi miệng anh Tuân. Mùi thơm thoang thoảng từ khăn tay toả ra, từ áo toả ra.
    Ít nhất là có ba cô thư ký trong sở quyến luyến anh Tuân. Chị Tuân biết thế, nhưng không biết làm gì khác hơn là tin chồng. Đâu có phải cứ hào hoa là không chung thủỵ Mà cánh tay của anh Tuân... Lúc đó, anh chỉ cần đưa cánh tay ra là một trong ba cô thư ký ca khúc khải hoàn trên những ao ước của các cô kia. Nhưng anh Tuân không nghĩ gì khác trong đầu ngoài tiếng sóng vỗ ngây ngây nơi nắng buổi chiều tháng sáu. Anh thấy như vậy là hạnh phúc quá rồi, cái gì cũng nhẹ nhàng như mùi thơm nơi chiếc khăn taỵ Anh vui vẻ nói : " Cô biết không, tôi chưa bao giờ ăn một ly kem ngon như thế này trong đời trừ ly kem của tôi lúc nhỏ. Tuyệt ! Tất cả hương vị của tháng sáu ! Tôi gọi cho cô một ly nhé ! ". Không đợi trả lời, anh nhấc điện thoại : " Cô Lise nhỏ bé của tôi đấy phải không ? Chưa bao giờ tôi ăn một ly kem ngon thế trong đời. Cô có biết cô ban hạnh phúc cho tôi như thế nào không ? Cho thêm hai ly nữa nhé ! Hai ly ! ". Cô thư ký nhanh nhẩu ghé miệng vào ống điện thoại, nói sát vào miệng anh Tuân : " Nhiều kem trắng vào nhé ! Thật nhiều nhé ! "
    Lần này, đích thân cô hàng kem xinh đẹp mang hai ly kem ngất ngưởng tuyết Phú sĩ đến trước mặt anh Tuân. Anh nhận hai ly kem nơi tay cô hàng, thân mật đọc một câu thơ : " Em mang hạnh phúc chứa đầy tay ". Không ngờ cô hàng kem cảm động quá. Sau đó, khi khai với cảnh sát, cô còn đọc thuộc lòng câu thơ. Cô chỉ không biết hậu quả của hạnh phúc mà cô ban.
    Trong nhà cầu, anh Tuân rút điện thoại cầm tay gọi cho vợ. Vợ chồng vốn tâm sự với nhau những chuyện sâu kín của lòng, thi phú là chuyện màu mè với thiên hạ.
    _ Em ơi, anh đau bụng dữ dội. Đau thắt, đau quặn. Đang ở trong cầu tiêu.
    Chị Tuân lo quýnh :
    _ Coi chừng kẻo ruột thừa...
    _ Không phải đâu. Tại uống sữa. Giá như có em ở bên cạnh để cầm tay anh lại...
    _ Uống mấy ly ?
    Anh Tuân định trình bày sự thật như là sự thật, nhưng tự nhiên lại nói chệch ra :
    _ Đâu có mấy ly ! Buồn ngủ quá, kêu một ly cà phê, nó nhầm, mang qua một ly cà phê sữa, chả nhẽ lại bảo nó mang về, lôi thôi quá.
    Nói thế đâu có phải dối vợ ! Ý của anh là muốn nói với vợ anh đau bụng. Chả nhẽ đang ngồi trong nhà cầu mà tâm sự với vợ về hạnh phúc thơm mát của buổi chiều tháng sáu ? Của chiếc khăn tay ? Chả nhẽ kể chuyện ăn kem với cô thư ký ? Vớ vẩn với cô về hạnh phúc đơn sơ của một buổi chiều dài ? Chắc cô cũng chẳng hiểu anh đâu. Chẳng biết ly kem bờ hồ trong đầu anh là gì . Chỉ thấy cô ăn kem với ánh vui trong mắt. Cô không ăn bằng thìa mà lấy lưỡi liếm quanh tuyết trắng, rồi duyên dáng lấy chút đầu lưỡi quét nhẹ khoé môi, môi cô chúm chím, răng cô trắng đều. Anh Tuân nhìn cô ăn, thấy vị mát nơi lưỡi cô thấm từ từ vào ruột mình. Anh nói thật thà : " Trông cô ăn, thích quá ! " . Cô thư ký ngước mắt nhìn anh Tuân. Rồi cô chớp hàng mi cong, múc một thìa kem đưa vào miệng anh. Anh Tuân ăn thìa kem, chẳng động tĩnh gì cả, chỉ khen ngon. Chả nhẽ múc thêm thìa nữa ? Cô khuấy khuấy ly kem. Một lát cô hỏi : " Ông đang nghĩ gì ? ". Anh Tuân cứ thật thà : " Tôi nghĩ cuộc đời thật đẹp ".
    Ngang đó thì chuông điện thoại reo, ông giám đốc nghe nói cô thư ký còn đấy, mừng quá, bảo lên gấp. Một buổi chiều như mọi buổi chiều trong sở.
    Nghe tin anh Tuân chết, cô thư ký khóc sưng mắt. Cô thú thực buổi chiều hôm đó cô chỉ ao ước được anh Tuân chiếu cố tình cảm thầm thì của cô. Không ngờ anh Tuân khó hiểu quá, máu Âu châu nơi cô không hiểu nỗi kiểu lãng mạn Á châu cổ điển, tiền hiện đại. Nhưng cô thú nhận bi. thu hút đến rùng mình trước nỗi vui ngây thơ nơi anh Tuân khi mắt anh diễn tả cái ngà ngà say của buổi chiều tháng sáu. Cô nghẹn ngào : " Giá như hôm ấy ông Tuân phấn khởi hơn chút nữa... Chắc chắn tôi sẽ giữ ông lại thêm nửa giờ, một giờ, hay năm phút cũng được. Chỉ cần ông ấy về nhà trễ hơn năm phút thôi...". Cô khóc thút thít : " Giá như lúc đó không có cú điện thoại đao phủ của ông giám đốc...".
    Ông giám đốc nghe thế, tái mặt, phân trần: " Bên Nhật gọi tôi, đòi tức tốc gửi ngay hợp đồng, không thì mất phần, tôi hỏi họ cho tôi ngày mai được không, anh chàng Nhật bên kia nói không được, đã có hẹn đi chơi với cô bạn gái. Thế thì tại cô Nhật nào đó, đâu phải tại tôi ".
    Ở bên kia thế giới, biết đâu anh Tuân có đủ thì giờ và kiên nhẫn để tìm tác giả cái chết của mình. Anh sẽ tìm chiều dọc, rồi anh tìm chiều ngang. Chiều dọc sâu thăm thẳm, hun hút, anh giật mình thấy một kiếp trước, hai kiếp trước. Chiều ngang trải dài vô tận, mênh mông, từ Nhật qua Mỹ, vươn tới trăng sao. Chị Tuân bao nhiêu lần mộng thấy anh giương mắt hỏi, chị cứ ngỡ là anh uất ức. Chị tưởng như còn nghe anh nói: " giá có em bên cạnh cầm tay anh lại...". Có bao giờ chị cho anh uống cà phê sữa đâu !
    _ Có bao giờ em cho anh uống cà phê sữa đâu ? Khổ quá, trong tủ thuốc trên cầu tiêu còn hộp ganidan má vừa mở, anh uống ngay hai viên rồi về nhà liền. Lái xe nổi không, em đến đón nhé !
    Anh Tuân vừa được giải phóng, thoa dịu chị :
    _ Thôi, đi được rồi, toàn cả nước, nhẹ hẳn bụng, em đừng lo. Gớm, có hai giọt sữa mà như động đất.
    Chị Tuân rời ống điện thoại, sục sạo tủ thuốc. Năm phút sau, điện thoại lại reo, chị cuống lên, khổ quá, lại một cơn đau bụng nữa rồi, bao giờ cũng thế, phải đi mấy lần. Nhưng không phải giọng anh Tuân.
    _ Alô... có phải bà Tuân đấy không ạ, đây là cảnh sát. Mời bà đến ngay tại địa chỉ...Vâng, vâng ông ấy bị tai nạn.
    Khi cảnh sát ập vào nhà, thói quen nghề nghiệp đầu tiên là moi vào túi. Họ rút tấm hộ chiếu của anh Tuân trong đó có ghi địa chỉ.
    Chị Tuân mộng thấy anh Tuân giương mắt hỏi, chị nức nở : " Năm phút trước, em còn nghe giọng anh, năm phút sau...". Trong tay chị khi bước vào bếp, chị còn cầm theo hộp thuốc đau bụng.
    Suốt một năm chị Tuân phải uống thuốc ngủ. Chị nhờ thuốc ngủ đuổi những " giá như " dày vò chị. Đuổi hình ảnh đứa con đá trái banh, trái banh lăn đúng vào bánh xe đạp, em nó ngã xuống, khóc thét, đúng vào lúc chị sắp nói anh tạt qua nhà đón em cùng đi. Sao lại đúng cái phút ấy, giây ấy ? Thế thì phút nào, giây nào lại chẳng quyết định mạng sống của mọi người ! Chẳng lẽ khi mình vô ý làm tắt máy xe hơi nơi ngã tư, lúc đèn xanh vừa bật, mình đang vô tình cứu mạng anh chàng lái xe inh ỏi bấm còi đàng sau ? Như vậy có người nào lại chẳng đang cứu người nào, có người nào lại chẳng đang hại người nào từng giây, từng phút ? Ai cứu tôi để tôi đang sống thế này ? Ai khiến tôi đã đi bên lề tay mặt, lúc đó, mà không đi bên lề tay trái, lúc kia ? Chẳng lẽ tôi phải cảm ơn cả cơn mưa giông ban nãy đã cầm chân tôi lại dưới một mái hiên không quen ?
    Chị Tuân là người bất hạnh nhất thế gian buổi chiều tháng sáu năm ngoái. Chị mất một hạnh phúc tưởng như bất tận. Nhưng chị còn hai đứa con, và chị phải sống để thương con. Những câu hỏi chị đặt ra khi anh Tuân chết, bây giờ chị lại đặt ra khi phải sống nuôi con. Ai đang cứu chị, cứu con chị giây phút này đây ? Chị và con chị đang cứu ai ? Bất cứ người vô danh nào trên trái đất lại chẳng đang tương quan với chị ? Chị cảm ơn tất cả mọi người đang sống. Cả nhân loại đang cảm ơn chị. Chị cảm ơn giây phút nàỵ ở giây phút này, chị đang hưởng phước. ở giây phút này, chị đang tạo phước.
    Chẳng lẽ phải có buổi chiều tháng sáu kia để chị hiểu điều hiển nhiên này ?
    Love to live

Chia sẻ trang này