1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuyển tập truyện ngắn hải ngoại

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Julian, 02/12/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Mai Ninh
    Vách Mận Trắng ( I )

    Nhà xoay lưng với những tiếng sấm rền ra từ vách đá. Cơn giông đã qua đây, băng suốt dãy núi cao để thẳng thừng đập xuống cả thành phố mấp mênh gần mặt biển. Căn nhà ấy, giờ này, cũng quay lưng lại với quãng thời gian không biết ngắn hay dài, yên ấm hay bão tố, mà tôi vừa cố tình đoạn tuyệt.
    Hôm đầu tiên khi thuyền ghé bến, tôi còn loay hoay với chiếc vali và cây dù dài thì một cô gái cao, da nâu, môi đỏ tới gần chào hỏi. Tôi nhận ra ngay giọng nói đã trao đổi vài lần qua điện thoại để tìm căn nhà cho thuê. Càng nhớ hơn tiếng cười rung rúc của cô nàng lúc tôi hỏi liệu có thể chia thời gian thuê nhà với một người nào khác, và tiếp liền, ngay cả một người đàn ông. Cô ta vẫn cười như có tôi trước mặt:
    - Già hay trẻ?
    Tôi giễu:
    - Vừa vừa
    - A, cỡ đó hấp dẫn nhưng tính nết hay khó chịu đấy!
    Rồi lại khanh khách chào từ giã.Tôi cũng thầm cười, hẳn cô này tưởng tôi có ý đồ riêng. Nhưng kệ, việc gì trả tiền cả tháng khi mình chỉ đến ở phân nửa thời gian.
    Cô gái đã một tay nhấc bổng chiếc vali, tay kia hớt lấy cây dù trên tay tôi, quay quay vài vòng, chỉ vào mặt nước dập dềnh dưới bến:
    - ở đây ba tháng mới mưa một lần, tôi vứt nó xuống đây nhé. Nói vừa dứt lời, cô nàng liếc tôi cười to rồi quay người bước đi. Cặp mông tròn đánh nhịp với bờ vai đầy bưng mắt, giữa cổ áo buộc nơ và vành tóc búi cao. Tôi lững thững theo sau, hơi ngợp giữa đám đông, người đi người đến ở bến tàu. Nhưng ngửng nhìn xa hơn, bắt gặp nửa vành nắng khoanh trên đọt cây nghiêng xuống những mái ngói đỏ au, lại thoŸng lòng thanh thản. Tự dưng tôi linh cảm, những ngày qua đây làm việc sẽ xảy ra điều gì đó, lạ, mới. Sao không cho được, khi trước mắt là cả một khung cảnh khác hẳn nơi tôi ở. Thành phố này mọc từ biển lên núi, vừa nhấp nhô khép mình ẩn náu lại chĩa đứng sỗ sàng. Biển xanh dưới chân chừng hoang mang, cứ chực men lên, hớp lấy những màu tường hồng đủ gam đậm nhạt.
    Sau khi leo gần mấy chục bực đá mòn trũng, tôi đã theo cô gái bước vào một căn nhà rạng nắng chiều như thế. Cô ta mở tung những cánh cửa với cử chỉ mau mắn, khỏe mạnh. Tôi yêu ngay phòng khách rộng nhìn xuống sân vườn có các cây cao trơ trụi mùa đông chen chúc với những đám lá xanh ngọc suốt năm. Sau đó là vách núi. Nơi đây đất hiếm, cây cối hoa lá mọc lẫn với nhà cửa và len lấn vào đường đi ngõ ngách quẩn quanh, nhỏ hẹp. Cô gái đang huyên thuyên khoe căn nhà của bà mẹ dành cho thuê, chợt tiếng trẻ con gọi ới dưới cầu thang, vội chồm ra cửa trả lời rồi chạy xuống. Tôi chưa kịp hỏi thăm điều gì, đành tiếp tục khám phá chốn trọ mới một mình. Căn phòng ngủ gọn hơn, nhìn ra biển cùng hướng với ngăn bếp nhỏ. Đẩy toang cửa sổ, tôi rơi mình trên tấm nệm trần, nằm hít một hơi dài. Không khí xanh bốc từ biển đang bay vào phòng như một bức họa Chagall.
    Hai tuần thuê nhà đầu tiên mang mang trôi đi trong hơi sương tỏa từ núi sớm, trên những bước chân vọng đường lát đá ô vuông, đi và về đến chỗ làm việc mới, lẫn lang thang phố biển. Tôi chỉ gặp cô gái đôi lần vội vã, nhưng lần nào cô cũng để lại con mắt dài đong đưa. Chiều tối thường có tiếng cô ròn rã cười đùa với thằng bé trai. Lắm khi một bản nhạc nhịp điệu tây ban nha rộn ràng uà lên từ tầng lầu dưới, nơi cô ở với đứa con. Tôi ló đầu ra, thằng bé ngồi trên tảng đá xám trong vườn, hai tay nghiêm chỉnh trên đùi, chiêm ngưỡng người mẹ trẻ đang nâng cao gấu váy, xoay tròn.
    Chưa ở bao nhiêu ngày, thế mà lúc ngoảnh trông căn nhà đến hạn trả tôi đã mong chóng được trở về đây. Nhà ít đồ đạc, trong phòng ngủ, tủ quần áo ẩn vào tường, để thênh thang chiếc giường rộng. Gần cửa sổ phòng khách, lung linh mặt bàn kính trong suốt trên chân sắt uốn xanh hồ thủy. Những khi nắng trưa rưng lên từ vách núi, cây cao ngoài vườn ngả lên đó tất cả hình hài. Hai chiếc ghế bành vàng anh đối mặt nhau trước lò sưởi gạch thẫm, vật duy nhất đậm màu trong không gian nhẹ nhàng với bàn tủ ghế giường bằng gỗ thông thanh nhạt. Cô gái đã nhìn tôi chăm đẵm từ đầu đến chân và chặc lưỡi:
    - Đã mấy người thuê, nhưng căn nhà này dường như để dành cho cô.
    - Tại sao?
    Cô không đáp thẳng:
    - ở dưới lầu, tôi chẳng chắc nghe cả tiếng chân cô trên sàn gỗ. Rồi tự nhiên nện gót giầy thật mạnh bước rầm rầm xuống cầu thang. Tôi nhìn theo, nghĩ:
    - Lạ.
    Nửa tháng sau quay lại, căn nhà vẫn chênh vênh trên cao đón nắng. Cô gái tỏ ra ân cần giúp tôi mua sắm những thứ cần thiết, màn voan trắng, khăn bàn, thức ăn... Thêm tấm thảm xanh trải giữa phòng. Tôi luôn ngại hơi lạnh, dù mùa đông nơi này chỉ đủ se người vào sớm mai. Buổi trưa có hôm tôi về, buông mình thiếp giấc trong giọng cô ta hŸt rất trầm. Không hiểu ban ngày, khi đứa con đi học cô làm gì. Hầu như chỉ tung tăng lên xuống những bực thang đá, ra vào phơi phóng mớ quần áo, rồi ngồi chơi nắng bên bệ cửa. Lần thứ nhì tôi trả nhà, cô nhất định tiễn ra bến thuyền. Tôi chực nhớ, hỏi có tìm được ai thuê nhà trong hai tuần vắng mặt, cô nheo mắt, lửng lơ: - Vội gì, đợi người tương hợp.
    ?
    Lần ấy tôi trở về sớm hơn những kỳ trước. Ngang qua lầu dưới, cửa nhà cô gái khép kín. Vừa bước vào phòng khách, tôi nhận ra ngay có sự khác thường dù hầu hết vẫn ở nguyên vị trí. Chỉ lạ là bức màn trắng lơ lửng vén sang bên và một mùi hương hoà trong không khí ẩm. Buông xách tay, tôi chạy vào phòng tắm. Tấm gương trên tường và kính cửa sổ trông ra vách núi sau nhà còn mờ những giọt nước trải sương. Mùi xà phòng nồng hơi như ai vừa tắm gội. Tôi nhìn quanh, chẳng có gì khác ngoài những vật dụng của mình để lại. Quay sang phòng ngủ, nệm vẫn trần như trước khi đi tôi đã tháo ra giường. Chợt thấy trên bàn ngủ một mảnh giấy nhỏ. Một tên đàn ông, một số điện thoại bằng nét chữ cứng cáp, đẹp. Đã có người chia thuê nhưng lạ lùng, chẳng lẽ vừa rời khỏi đây chừng mấy phút? Chưa kịp xem kỹ hơn, chân cô gái bước về, hát nho nhỏ trên những bực thang mòn. Cứ ngỡ cô sẽ leo lên khoe với tôi về người trọ mới, nhưng không tiếng động nào sau đó. Khi tôi vào bếp pha cà phê thì sự có mặt kia được xác định bằng chiếc bình còn lưng nửa một màu đen nguội đặc. Cầm lên bao thuốc lá vỏ xanh chữ vàng lạ lẫm, lúc lắc vài điếu không đầu lọc. Lại ngạc nhiên, sao chẳng một tàn thuốc trong nhà.
    Không đừng được, tôi mở tung mọi ngăn tủ bếp. Các lọ gia vị bày hàng vàng nâu đen đỏ, nồi niêu bát điã xếp lớp ngăn nắp như tôi đã sắp đặt theo ý hôm nào. Rồi trở ra phòng khách, hai chiếc ghế bành bọc vải vàng tươi vẫn châu vào nhau trước lò sưởi trống vì chưa kiếm được củi về. Tấm màn voan kéo ra nhưng có lẽ vì tôi quên không khép lại? Sau nửa tháng, mấy chuốt tử đinh hương tím đã nhạt màu sao mà lá còn xanh và mực nước trong lọ khá đầy. Chợt nhớ ra, lại vào phòng ngủ mở tủ. Quần áo tôi treo một bên chẳng có gì thay đổi, ngăn còn lại trống vẫn trống. Tôi ngả nằm xuống giường, dang tay thập tự bật cười. Mình mới kỳ khôi, nhà mình đâu mà thắc mắc lục tìm như của riêng tư. Nhưng nửa đêm, cùng hương biển xa xa len vào qua cửa sổ hé mở tôi còn nghe mãi một hơi người. Có thể chỉ là cô gái nửa thời gian thuộc quyền cô ta. Tôi mỉm cười trong bóng tối.
    Cho đến cuối tuần, cô gái im lìm. Thằng con trai nghịch một mình cạnh hồ nước nhỏ dưới gốc cây mận vươn cành khô ngang cửa gác tôi. Mỗi lần tôi về qua, cậu ta ngước đôi mắt rậm lông mi cong nhoẻn miệng. Thằng bé ít nói, ngay cả với cô gái. Tôi thường bắt gặp nó ngồi yên nhìn mẹ. Tuy thế, chắc chắn nó ngóng nghe tất cả vì vẻ mặt linh động và đôi môi chúm lại chăm chú. Thành phố biển miền nam vốn tấp nập, nhà cửa leo lơ lửng lại san sát vào nhau. Vậy mà tầng lầu dưới với mảnh vườn khuất của mẹ con cô ta tựa một chốn vắng tách rời. Không phải nhà họ hoàn toàn thiếu người lui tới. Tôi từng thấy loáng thoáng nhiều người ghé qua, từng vọng lên tiếng đàn ông chào hỏi phóng túng hay thì thầm mơn trớn. Cô đáp lại bằng giọng cười có khi rúc rích, lúc vang cao một chuỗi chuông ồn ả. Nhưng lạ lùng, tôi vẫn nhận ra thỉnh thoảng có những ngừng bặt đột ngột, bất thường của một giòng nhạc bị bất thần cắt ngang. Đàn vụt đứt dây trên tay người nhạc sĩ sau khi cố sức rung lên đến cung bậc tột cùng.
    Trời thứ bảy cao trong, từ trên gác nhìn xuống, biển nhẵn một vệt cọ xanh phẳng lịm cố tình. Trái lại không khí bỗng căm lạnh cơ hồ rút nốt cái rét cuối đông. Tôi choàng thêm áo, định lần này phải vào sâu trong núi nhặt ít củi khô về nhóm lò sưởi đêm nay. Mẹ con cô gái đang bày mấy trái bí đỏ lên thành cửa. Mùa Halloween qua đã lâu rồi. Thằng bé xúng xính trong bộ đồ người dơi. Thấy tôi, nó hí hửng phơi hai cánh rộng, lần đầu tiên nói hồn nhiên:
    - Quà mới của cháu, đẹp không?
    Người mẹ chợt sa sầm níu tay con, cáu kỉnh:
    - Cởi ra đi, mặc mãi thứ quỉ quái.
    Thằng bé không bằng lòng, vớt vát:
    - Mấy lần trước toàn đem cho đồ chơi, con thích cái này!
    Tôi định xen vào, cô gái vụt nói sang chuyện khác, muốn cùng vào núi, rồi thay ngay quần áo, quần bó sát chùm áo len rộng. Trông khác hẳn mọi ngày, trẻ trung hơn, một cô sinh viên ngoài đường phố. Càng lên cao, những nấc thang đá thay dần bằng các đòn gỗ to chèn đất. Con đường leo quanh co, cỏ cây chen lấn. Cô gái săn sóc, dừng lại giơ tay kéo đỡ tôi thật dịu dàng. Những lúc ấy, cô ta khác hẳn ngày thường, mất hết vẻ chế giễu lắm khi khiêu khích. Tôi không ngừng ngạc nhiên trước sự tường tận của cô về thảo mộc và các loại đá miền núi, cả về những hiện tượng thiên nhiên. Nét thông minh không hề tương phản mà lại đằm thắm hơn cặp mắt đuôi dài, bờ môi và dáng đi khêu gợi.

    Love to live
  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Mai Ninh
    Vách Mận Trắng ( II )
    Lúc quay về chúng tôi vòng qua con đường đổ thẳng xuống bãi đá. Phía bên ấy ít nhà cửa, cây leo chằng chịt và chim muông láu cháu suốt vách dốc dài. Gần đến chân biển, cô ta kéo tôi vào mảnh sân sỏi một cửa hiệu thủy tinh. Những con thú trong muốt, các khung ảnh, chụp đèn lung linh màu sắc. Một người đàn ông đang dọn dẹp trong góc quay ra. Gương mặt nâu nắng, nụ cười vạch đuôi khoé mắt. ông ta mừng rỡ ôm hôn cô gái, âu yếm nhìn theo cô chạy vòng qua những bóng thú, sờ mó nâng lên đặt xuống, cười nói khen chê bằng giọng đùa nhí nhảnh hồn nhiên. Người đàn ông tỏ vẻ ngạc nhiên, còn tôi càng thấy bâng khuâng lạ lùng trước hai con người khác biệt trong cô. Trên mặt bàn giữa hiệu, hòn đá vân biển nâng đứng một chiếc đĩa to vạnh trăng rằm. Trong lớp thủy tinh óng suốt những đốm bọt không khí rơi rắc như sao. Cô gái ghé sát mặt vào đó, vẫy gọi tôi đối diện. Qua khuôn trăng đôi mắt mở to rạng sáng. Bàn tay bỗng đưa ra nắm nhẹ những ngón tay tôi, nụ cười rọi sang xao xuyến. Người đàn ông đứng sau lưng chẳng biết nghĩ gì, cất tiếng:
    - Mày được thế này ta mừng lắm cháu à. ừ, quên đi. Phải quên...
    Lời nói ông ta như làn mây xám vụt kéo về che lấp mặt trăng đang rực rỡ. Mọi ánh sáng tự nhiên tắt lịm. Trong khoảnh khắc ấy, đôi mắt thơ trong khép lại. Lúc chúng từ từ mở ra, hai hạt nước ở ngấn mi lăn rơi giữa những bọt sao lấp lánh.
    ?
    Qua lần lên núi ấy cô gái thu kín hơn cùng với sự hiện diện đã rõ ràng của người thuê chung căn gác. Những khi tôi hỏi, cô ta trả lời quanh quất: - Một người bình thường, chắc chẳng ở lâu. Có khi cố làm như không quan trọng: - Nào có gì đáng để ý. Nhưng mỗi lần ra đi rồi trở lại, linh cảm đàn bà vẫn đem đến cho tôi những thắc mắc hay bực mình lẫn bâng khuâng liên tưởng vu vơ. Dần dần những đồ vật của người đàn ông ấy xâm chiếm không gian tôi. Trước kia là bình cà-phê bỏ dở với bao thuốc lá, sau này là những đĩa nhạc bày tung đây đó. Ra giường cuộn đống vất trong tủ áo với những cánh cửa mở lưng chừng. Lại hay chuyển dịch đồ vật, một trong hai chiếc ghế vàng anh lôi đến gần cửa sổ, bàn kính bị đày ra xa hơn, mất đi bao nhiêu hình cây nghiêng ngả. Nhưng không thể chối rằng đôi lần trở lại đây đúng buổi chiều có sương ẩm lạnh, mùi củi núi cháy thơm mà ông ta hay chàng ta, tôi nào biết, đã đốt còn vương lại khắp căn nhà, ươm ấp quanh tôi bao nhiêu ấm áp. Từ dạo đó tôi thích nhóm lò sưởi, ngồi ghế bên này gác chân bên kia đọc sách. Hình như người đàn ông đã cố tình khuân lên cho tôi những khúc củi to để giữ lửa lâu hơn. Bao diêm, cành khô và tờ giấy báo vo tròn sắp sẵn. Cũng tự lúc nào chẳng biết, cả hai cùng bắt đầu trang trí căn gác chung. Tôi thay chụp đèn vải thô trong góc phòng bằng vòng lá bắp ép mỏng của thổ dân bên kia đảo. ông ấy treo lên tường lò sưởi tấm gương to mà tôi biết chỉ tìm thấy ở những hiệu đồ cổ trên miền bắc. Hôm đầu tiên, tôi đã dừng lại bôi thêm son môi và mỉm cười qua tấm kính trước khi ra khỏi nhà, bâng khuâng. Một người đàn ông dù trẻ, già hay vừa vừa cũng đâu cần gương to, có phải. Qua bậc thang ngang lầu dưới, cô gái đang phơi quần áo trong sân, tôi cất tiếng chào vui vẻ. Cô nhìn theo lặng lẽ khiến nắng ngày từ đấy tan loang. Nhiều câu hỏi lẩn quẩn, về cô gái, về người đàn ông chưa thấy mặt nhưng thực sự có đó. Và cả về tâm trạng mênh mang vô định của chính mình.
    Có những trưa nằm im, chim chóc ngủ. Tôi leo lên thành cửa sổ rộng, ngồi đó, chông chênh ngó nắng. Tháp chuông nhà thờ trắng trinh vượt rời những lớp nhà gợn hồng lên xuống. Biển bình an hút tôi về chân trời, giao tuyến của thực và ảo. Mênh mông đấy nhưng vẫn là hình ảnh một khoảnh khắc. Trời vừa kéo sang xuân, cây cối lửng lơ màu tươi non. Mái ngói đỏ cũng nhòa đi trong ánh sáng. Chỉ có vách núi mang mãi một sắc thẫm sâu, nặng chùng của đá. Hàng mận mọc cao trước núi đã báo mầm thức giấc cùng tôi, bồn chồn. Váng vất chưa qua bỗng đâu cơn gió quạt tới bất ngờ. Khi tôi quay trở lại căn nhà, những nụ hoa mận mọng búp mà tôi nổi hứng phác chơi trên tấm bố trước khi đi bỗng nhiên bị nở tung bềnh bệch. Tôi buông ngay sắc hành lý xuống sàn, cáu bực cầm tấm tranh lên, úp ngược:
    - Vô duyên, dám tự tiện bôi bác tranh người ta!
    Nhưng sau, tôi lại lật lên, đến gần cửa sổ. Sững sờ nhận thấy vài chấm sơn tưởng như thô như vụng ông ta đã quệt lên lại làm những đóa hoa trắng sáng rưng rưng, tựa đang mở bung dưới nắng. Tôi đem đặt vào giá vẽ, bấy giờ mới để ý tới mẩu giấy dán bên. Hai chữ '''' '''' xin lỗi'''' '''' gọn lỏn trong nét chữ đẹp tôi đã thấy hôm đầu.
    Trên đường từ chỗ làm ra, tôi ghé qua phố chợ. Như đa số thành phố ấm miền nam, sự sống bùng lên khi chiều xuống. Con người sau giấc ngủ ngày choàng dậy, sẵn sàng bỏ hết sinh lực để tưng bừng cuộn vào cơn thức đêm. Sóng cũng thích cuống quít, lộng lên ồn ào khi ngày tắt. Suốt dọc đường lên đèn chong sáng, đầy cửa tiệm chưng bày rau trái xanh tươi đủ màu, cá tôm cong đuôi sáng bạc. Tôi vào mua khúc cá hồi hồng lịm, vài trái cà chua đỏ chót và quả ớt tây xanh. Với thêm lọ ô liu đen mọng trên quầy. Ở bực thềm bước ra, vừa ngước lên bỗng chạm thẳng đôi mắt bên kia lề con đường hẹp. Tôi dừng đứng. Người đàn ông, điếu thuốc trên môi quay bước, một tay vất vật gì vào thùng rác dưới cột đèn. Tôi muốn băng ngay qua, nhưng dòng xe vừa ào tới. Cái vỏ bao thuốc lá màu xanh chữ vàng nhãn hiệu khác thường còn nằm ngửa trên rác vụn, giấy báo, chai lọ linh tinh. Tôi định nhặt lên nhưng ngại ngần. Biết đâu chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp. Tuy thế vẫn loay hoay gom góp trong trí nhớ khoảnh khắc không ngờ ấy, cố tượng hình một khuôn mặt, một dáng người. Nhưng không tạo ra được, giữ lại được gì ngoài ánh mắt xoáy sâu như thể đã theo tôi tự lâu rồi. Nỗi buồn dềnh lên với sự tổn thương. Sao người đàn ông ấy biết tôi mà tôi thì không. Sao bấy lâu thầm lắng kiêu bình, vậy mà bây giờ tôi thờ thẫn nôn nả kiếm tìm. Tìm gì? Một hiện hữu. Thực và hư. Thân thiết cùng xa lạ. Dù cố tình cưỡng lại nhưng cuối cùng tôi vẫn bị lôi hút vào cánh rừng có bao cảnh vật biến ảo, đứng đó, hoang mang. Cũng chẳng hiểu do đâu, tôi muốn tự mình tìm biết dù có thể hỏi ngay cô gái rõ hơn về người chia nửa thời gian. Một phần nào, thái độ hờ hững gần như che dấu lẫn mỉa mai của cô ta làm tôi khó chịu chạnh lòng. Biết bao thắc mắc xoay vần. Ông ta hay chàng ta. Làm gì. Ra sao. Giải đáp chỉ vỏn vẹn trong căn gác mấy chục thước vuông. Thế mà, rõ ràng rồi lẫn lộn. Thứ cụ thể, thứ hư ảo. Tôi từng vuốt lên dŸng dấp vừa tầm của mấy bộ quần áo veste treo trong tủ, vải mềm lòng tay. Những chiếc T-shirt, sơ-mi nếu không đen hay xám thì nhã nhặn. Tuy thế có lần mở cửa tủ, rơi tung xuống sàn vài cái lạ, màu mè rộng cỡ XL. Người đàn ông đem về rất nhiều sách báo, vật dụng riêng tư vung vãi nhưng không có gì đủ cho tôi biết về ông ta hơn dù cùng một không gian. Chẳng nhìn thấy mà cứ mang mang vướng vất. Trên những con đường đang vờn dốc rồi bất chợt lại đổ thẳng xuống một khúc quành lấp bởi bụi hoa đậu tía ngả cành, tôi cứ cảm tưởng có cặp mắt dõi theo. Đôi khi một tiếng giầy nửa mạnh nửa ngập ngừng thoáng nghe đằng sau cũng làm tôi hồi hộp.
    ?
    Ngày hôm qua mây đen đổ xuống từ bên kia núi, trời hầm hập oi ả. Biển trở xám, lớp hơi dầy chùng trên mặt nước chẳng thể bốc lên vì không khí nặng từ trên đè xuống. Cây cối đứng im, không gợn gió. Từ sŸng sớm, côn trùng, sâu **** ở đâu bay về vật vã lao vào cửa kính như không chịu nổi áp suất ngoài trời. Đầu óc tôi căng cứng, thân thể bứt rứt. Vài giọt mưa đồm độp rồi ngừng bặt càng làm không khí nóng hực, quay cuồng. Cuối chiều, chẳng ngờ cô gái lên, đem theo chiếc quạt máy. Tôi đang ngồi ở bếp nghe đài khí tượng báo tin cơn giông hãn hữu sẽ ào qua đây và kêu gọi thuyền bè trở về bến. Cô khoác áo mong manh trên chiếc váy tuột luôn hàng nút. Gương mặt hay cười giễu bấy giờ có vẻ bồn chồn. Nhưng vừa tìm chỗ cắm quạt cho tôi cô vừa nói rất ân cần:
    - ôi dào, có gì mà rộn lên, vài tiếng đồng hồ là qua. Cô chỉ cần ở yên trong nhà, đừng mở cửa để sâu bọ bay vào.
    Tôi rót mời tách cà- phê, cô ta đứng dựa thành tủ bếp, rút điếu thuốc lá của người đàn ông vẫn có thói quen để đấy, châm lửa hút. Không tỏ chút ngạc nhiên về cái bao khác lạ, như tôi đã từng. Đôi mắt cô theo tôi trong mỗi cử chỉ nhưng không phải ánh nhìn dò xét mà dịu và buồn. Tôi có cảm tưởng cô ta đang nghĩ về điều gì khác, thả theo cuộn khói chữ o tròn bay lên. Mãi hôm nay tôi mới biết được thế nào là mùi thuốc lá thân thuộc của ông ta. Cô gái giơ một chân gác lên ghế, vạt váy mở khuy vẹt hẳn sang bên bày tất cả vuốt đùi dài trần mịn. Bắt gặp tôi nhìn cô cười, mắt hơi nheo lại, sự hóm hỉnh của những ngày đầu tiên. Tôi hỏi lảng:
    - Cô nói ở đây ba tháng mới mưa, nhưng cơn giông này...
    - Thật đấy, thường chỉ giông gió vào mùa hè, giữa xuân như vầy rất hiếm.
    Rồi cô ta đứng xuống vòng ra phòng khách, tôi bước theo. Cả hai ngước về phía núi. Tôi chắc miệng:
    - Tội nghiệp, hoa mận đang trắng đẹp quá...
    Cô gái không cho tôi dứt lời, buông ngay một câu:
    - Tinh nguyên bao nhiêu cũng tiêu ngay trong giây phút.
    Ngạc nhiên trước sự gay gắt, tôi quay lại. Cô ta đang cầm bức tranh trên tay, biết tôi nhìn nhưng vẫn xoay lưng, nói tiếp:
    - Cô nhẹ nhàng giống mẹ tôi... ngày còn sống, bà cũng yêu hoa mận.
    Bỗng dừng ngang, đổi thái độ bất ngờ, đặt mạnh tấm tranh, mở cửa đi một mạch ra ngoài. Tiếng gót giầy nện trên đá vang lên trong khi tôi còn ngơ ngẩn. Tiếp ngay lúc đó, tràng sấm ùng ùng nổ rền trong không, gió bắt đầu từ biển quạt vào ***g lộng. Tôi chạy về cửa phòng ngủ nhìn ra xa, sóng đang nhào lên lộn xuống như những thân rồng vẫy vùng cuồng giận. Mấy chiếc tàu trở về neo bến đảo theo, nghiêng ngửa chừng sắp đập nát vào bờ. Những chiếc xe còn trên đường đang cố chạy thoát tìm đến nơi ẩn trú, nhưng đang bị sức gió khủng khiếp kìm hãm, hùng hục như trâu cái nặng nề. Vụt nhiên điện tắt ngấm. Cả thành phố đen sầm trước mắt tôi, chỉ còn đỉnh cao nhà thờ vươn lên một màu xám quái dị. Tôi thấy mình rùng lạnh. Lạnh giữa cơn giông bức sốt oi nồng. Vội vào giường, kéo chăn cao. Tôi nằm đó, nghe gió vờn hú đuổi nhau quay bốn hướng, nghe sâu bọ không ngừng tiếp tục điên cuồng tự sát trên các ô kính. Co ro trong chăn, tôi cố giương mắt nhìn đồ vật trong phòng, như thể muốn tìm sự trấn an ở những hình ảnh quen thuộc. Không gian thơ mộng Chagall đã thẫm đi, chỉ còn thoáng màu áo trắng ma trơi lất phất. Mấy cây cyprès trên tấm tranh Van-Gogh mà người đàn ông treo đối diện đang oằn đen tang tóc. Không. Tôi chồm dậy, trong lúc này tôi chỉ nên nhìn cành mận nở hoa trong sáng. Lần mò ra phòng khách, thắp được ngọn lửa trên hai chân nến Hy Lạp vòng xanh rắn lục mà ông ấy đã ân cần bày lên một ngày lập xuân, mang tấm tranh để lên bệ lò sưởi. Ánh nến chảy trên những nụ hoa mong manh. Tôi đã nhầm, chúng chẳng còn rực sức sống như mới đây, từng cánh trắng muốt kia sắp bị rung đứt, bứt rụng khỏi cành. Gió gào rú tứ bề, nhưng không khí trong căn gác nặng im, ngạt thở. Cảm giác có điều gì khác thường và đe dọa sẽ xảy ra làm thân thể đang run rẩy bỗng dậy cồn bứt rứt, bừng bực. Đưa tay kéo cao chiếc áo lanh dài gót chân, tuột hẳn ra khỏi đầu. Vươn vai, chạm mắt trên hai mọng ngực trần trong gương. Thời gian ở đây đủ dài thế mà thân thể chưa hong nổi nắng, lại nhớ màu da thắm trên đùi cô gái. Như có lực vô hình cử động hộ bàn tay, tôi cởi nốt mảnh vải cuối người. Lâu lắm mới nhìn mình toàn diện, trong thứ ánh sáng mờ ảo mông lung, để khám phá trên hình hài đằm thắm kia còn vương đọng một nỗi buồn, từ đáy mắt xuống những đường cong rồi qua bóng sẫm. Mặt gương chợt chao đi, có cặp mắt sau lưng cũng mở to đang cùng nhìn tôi từ cửa sổ. Vội vàng quay lại, không có ai ngoài bóng mờ những cành cây vật vã trong gió và gần hơn, xác côn trùng bám đầy khung kính. Tôi cuống cuồng chạy đến khép chặt mấy tấm màn, trở lại giường, nằm im trong bóng tối. Hai ngọn nến vẫn tiếp tục cháy trên lò sưởi ngoài kia.
    Love to live
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Mai Ninh
    Vách Mận Trắng ( III )
    Mưa bắt đầu đập, rào rào rầm rập. Các khuôn cửa đã đóng chặt, cô lập căn gác với thế giới bên ngoài, nhưng tôi biết rằng cơn mưa đá đang dội xuống cả thành phố nhỏ bé bấp bênh, chừng như chỉ dựa chênh vênh vào vách núi. Sự sợ hãi vụt tràn đầy không gian tối, cùng với nó nỗi cô đơn từ đáy vực trồi lên. Cả hai bùa chú giao nhau trên thân thể tôi trần truồng tê dại. Tại sao mình không giữ cô gái ở lại trong cơn giông yêu quái này? Chàng ta hay ông ta bây giờ đang ở đâu, có biết chăng những đoá hoa lung linh đang tả tơi ngoài mưa gió? Những giọt lệ nối nhau, tôi chết cứng trên giường, không thể đưa tay chùi nước mắt. Cuối cùng rồi cũng thiếp đi trong cuồng phong vần vũ.
    Chập chờn màn cửa phất phơ. Không khí đặc im trong căn phòng kín đang chuyển mình để bốc hơi, đang từ từ nâng tôi lên khỏi mặt giường. Chừng cả gió nữa đã len qua khe cửa, dịu dàng vuốt trên da thịt từng liếm ấm. Đầu óc mê man, thân thể mê muội, tôi cong người chĩu theo một lực đỡ êm ái, mộng mị dưới lưng. Thấp thoáng ống tay áo vải mềm tím đậm tôi đã thấy trong ngăn tủ người đàn ông. Muốn mở mắt ra nhưng hai mi tại sao vẫn khép. Lâng lâng, chơi vơi. Cảm giác rạt rào ứa dưới bụng nhưng có gì như thực như hư, không đạt được. Bỗng đâu hai núm ngực tê cứng, rõ ràng vật gì vừa đụng tới rồi vụt buông ra. Tôi bật choàng ngồi dậy, bàng hoàng nghe tiếng chân người chạy qua phòng khách. Ánh sáng vàng của ngọn nến thoáng bị che đi rồi trở lại. Tôi chết điếng một lúc cho đến khi cánh cửa ra vào đập thình thình với gió. Thu cả can đảm, chụp lấy chiếc áo khoác vẫn để ở chân giường, vừa xỏ tay vừa chạy ra ngoài. Mưa đã ngừng, nhưng trời đất cây cối vẫn hú gào cuồng nộ. Sấm rền ùng ục trên không, cành cây bay rụng chắn hết lối đi nhưng chẳng thể cản trở tôi. Phải xuống tìm cô gái, tôi chỉ còn cô ở lúc này. May thay, ánh đèn nhạt chờn vờn trong nhà cô ta. Nhưng đến bực thang có thể nhìn vào thì tôi dừng sững lại. Cô gái mặc áo ngủ trắng mong manh, tóc vệt sang bên, đứng dựa vào thành chiếc thang gỗ dẫn lên căn gác lửng. Cô đang nói gì với một dáng đàn ông ngồi mép ghế đối diện, khuất ánh cây đèn dầu để trên đầu tủ. Hoá ra cô ta không một mình đêm nay. Tôi thất vọng định quay lên thì cánh cửa vào nhà cô, chẳng đóng như nhà tôi, đã bật ra cùng với giọng nói gay gắt :
    - Tại sao anh còn quay về đây?
    Tiếng người đàn ông ấm, chừng hơn cô gái vài tuổi, có vẻ chán nản:
    - Có những điều không phải vì ngẫu nhiên...Dù sao thì chỉ còn chúng ta với nhau.
    - Đừng biện hộ! Anh thừa hiểu tại sao, anh thừa biết điều gì xảy ra sau ngày anh bỏ đi.
    Người đàn ông im lìm. Có gì hút tôi mãnh liệt, men gần tới bờ tường đá sát cửa, nép mình vào đó để chống đỡ trận gió quật ngang ngửa. Mưa lại đổ xuống ào ào, chảy xối xả trên thân thể, mảnh áo khoác ướt đẫm dính chặt da thịt. Cô gái ngừng một lúc rồi nói sẵng:
    - Bây giờ anh đã về, tôi đi, giao lại nhà cho anh.
    - Đừng, anh làm gì với cái nhà này. Chàng ta cuống quít.
    - Bán đi, chia tay.
    - Không được! Còn cô ấy nữa.
    Tôi giật mình trước thái độ chợt bùng lên giận dữ:
    - Này, tôi lập lại, cấm anh từ giờ không được đụng tới cô ta. May tôi lên kịp. Mà...mà anh là thứ người gì? Tôi...tôi không hiểu được. Tên bạn vẫn đi về với anh đâu rồi?
    Hoá ra ông ta, chàng ta đó. Tôi tưởng mình sắp ngất đi, hơi thở vừa bị chặn đứng, một vòng dây chợt xiết qua cổ, một quả tạ vừa bung vào ngực. Trong kia, chàng thanh niên chợt nghiêng mặt ra ngoài Ÿnh sŸng ngọn đèn. Tôi vội nhỏm người, cố nhìn nhưng chẳng kịp. Tôi muốn thấy mặt người đàn ông đã ngang nhiên đi vào đời tôi trong những ngày tháng vừa qua. Đã dám chạm tới da thịt tôi, không báo trước. Đã tàn nhẫn đùa cợt với hồn tôi quay quắt. Những mảnh quần áo lạ màu khác cỡ đang từ ngăn tủ bay ra khỏi cửa sổ, ào ào trong gió đáp xuống mặt tôi, phất phới trêu ngươi. Nhưng chàng ta đứng dậy rất nhanh và càng lùi hơn vào bóng tối. Tôi nghe tiếng nói vẫn ấm, chậm nhưng mai mỉa:
    - Hình như em đâu khác gì anh. Đừng tưởng anh chẳng thấy. Không dưng đối đãi hết sức dịu dàng với cô ta.
    Cô gái hực một tiếng cười nhạo :
    - Nhầm, nhầm to, tôi chẳng hề giống anh chút nào. Còn anh, anh tìm gì nơi cô ấy?
    Vọng từ khoảng tối:
    - Những thu hút... không hiểu được. Bất chợt, chẳng ngờ, người ta khám phá ra mình khi bắt gặp rung động lạ lùng như thế. Đâu đó, có nét cười, ánh mắt dịu dàng của em...ngày xưa.
    Tôi nghe tiếng chân người xê dịch, có phải chàng ta sắp đến dưới ánh đèn. Nhưng không, chỉ có cô gái nghèn nghẹn:
    - Những điều tôi bị cướp mất khi mới mười sáu...
    Câu nói chưa kịp dứt đã có tiếng đứa bé trai thảng thốt hét:
    - Mẹ, mẹ. Giữ lấy, giữ chặt lấy, gió tốc nhà mình.
    Tôi đứng vụt dậy, thằng bé có lẽ từ gác lửng chạy xuống, mặc áo ngủ thụng dài. Không hiểu sao trong không gian lập lòe mái tóc nó sáng loá bạch kim như thiên thần nhỏ. Cũng ngay lúc ấy, lằn sét buốt màu lửa nung nham thạch xẹt ngang dọc trên bầu trời. Ánh sáng rợn người của khoảnh khắc lóe lên chiếu thẳng vào căn nhà. Nhưng tôi chẳng nhìn ra ai ngoài gương mặt trắng nhợt và hai tròng mắt hút sâu sợ hãi của đứa bé. Nó dang hai cánh tay áo rộng, vụt lao ra cửa như bị gió cuồng cuốn đi. Hai người lớn kêu thất thanh.
    - Dừng lại. Đừng sợ, đừng sợ, cháu.
    Đèn dầu vụt tắt ngấm, cánh cửa đập bung tưởng vỡ toang cùng tiếng người con gái khản đặc:
    - Cháu gì! Sao không nói cho đúng, nó là em anh. Anh biết cả mà, tôi đã nhìn thấy anh hé cánh cửa phòng. Rõ ràng hai con mắt anh cũng trợn trừng thao láo. Tôi ú ớ cầu cứu. Bố chặn miệng tôi và quay đầu lại. Nhưng anh đã sợ hãi, vội vàng khép cánh cửa sau lưng anh.
    Chàng thanh niên cuống cuồng đáp trả nhưng tôi không còn nghe ra gì được nữa, cả người run bần bật. Sấm nổ tung xẻ đôi trời đất, rầm rầm ồ ạt. Bao nhiêu luồng điện phẫn nộ choé những lằn sét xanh rực kim khí, điên loạn chém ngang dãy núi. Trước mắt tôi cả vách mận trốc gốc quay cuồng với đất đá đang từ núi cao đổ sập xuống cõi trần, vùi phủ căn nhà tôi đã đến thuê. Thế rồi, một lúc sau, không gian đêm đen bỗng trắng rưng huyền ảo. Muôn triệu cánh hoa lộng lên trong gió. Tôi thả người rơi xuống, bập bềnh như mảnh thuyền vừa vỡ tan giữa sóng.
    Mai Ninh
    Tháng sáu, hai ngàn.


    http://members.lycos.co.uk/botrai/
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Hoàng Nga
    Thời tiết trái mùa ( I )​
    Hắn sến ơi là sến. Chàng có thể nói như vậy mà không sợ người khác bắt bẻ, hoạch hoẹ vì sao. Bởi từ cách ăn mặc, cách đùa giỡn, cho đến mấy bản nhạc hắn vẫn thường hay hát với hai cô y tá và anh chàng y công đồng hương mà chàng đã nghe, đã thấy nhiều lần trong các giờ nghỉ giải lao, giờ cơm trưa ở căng tin bịnh viện, đều toát ra vẻ... cải lương. Sáng sáng, chàng hay gặp hắn đi lên từ bãi đậu xe, cứ hễ thấy hắn diện quần tây màu đen, thì hẳn trên mình phải là áo sơ mi trắng có viền vàng chạy quanh cổ, hoặc chiếc áo khác, cũng cùng tông đen, nhưng chắc chắn sẽ thêu thùa đủ hình rồng phượng. Hôm nào hắn trướng cái quần trắng, cá trăm ăn một, dứt khoát cái áo sẽ hoa lá cành tếch ni co lo muôn vẻ, muôn màu. Hoặc khi hắn "chơi" quần jeans ôm cứng lấy cặp đùi không mấy thon thả, mang giày bốt kiểu cao bồi, không cách chi tránh được, hắn sẽ thắt một sợi dây đen lòng thòng trên cổ áo thay cho cà vạt. Những bận như vậy, hắn thường bắt chàng phải nghĩ đến chỉ còn thiếu cái mũ bẻ cong, cây súng ngắn vắt bên hông nữa là trọn bộ anh hùng viễn tây. Và có một bộ cánh khác, mà chàng sợ phải thấy hắn mặc nhất, là chiếc quần da đen bóng lưỡng, bó sát lấy người, thêm cái áo lụa rộng thùng thình ở bên trên.
    Hắn sến. Hẳn nhiên rồi. Nhưng điều ngắc ngứ trong trí chàng, khiến chàng khó chịu là sự đỏm dáng của hắn. Hay nói đúng hơn, dùng từ ngữ chính xác hơn, cái vẻ đĩ thoả hiện ra lồ lộ trong bộ vó hắn đã làm chàng dẫu không muốn, vẫn cứ phải nghĩ ngợi tới những điều cố tránh. Lẽ ra, với lối ăn mặc như bá tước thời La Mã còn xưng hùng xưng bá, hay như các công tử Petersburg của Leon Tolstoi, hoặc như những anh hùng thời Reagan đi đóng phim, thì ít nhiều cái cốt cách quê mùa của hắn phải được lột bớt đi mới phải. Đằng này, chẳng bao giờ chàng dám nhìn hắn lâu. Chàng sợ phải... rùng mình vì sự kệch cỡm không che dấu được sẽ đập vào mắt mình. Chàng hay liên tưởng đến điệu bộ của một con cóc đi guốc. Nếu làm lơ được, không bắt buộc phải gật đầu chào hắn, là chàng thực hiện ngay. Chàng thường cám ơn thầm những người bạn đồng nghiệp đang đi chung, hay trò chuyện với mình nếu tình cờ gặp hắn giữa đường. Thường những bận như vậy, chàng chỉ phải vội vã gật đầu khi trực diện cùng hắn. Có khi chàng lơ luôn, như không thấy hắn.
    Tuy nhiên đó là về phía chàng, chứ hắn, hình như ngược lại thì phải. Chàng luôn luôn có cảm tưởng, hắn chỉ chờ dịp để tỏ sự thân thiện, gần gũi với chàng. Cứ thoáng thấy mặt chàng trong cơ hội thuận tiện nào đó, là hắn sẽ hăng hái thể hiện điều đó ra ngoài ngay. Bao giờ chàng ngang qua chỗ bọn hắn đang ngồi, hắn cũng là người gật đầu chào chàng trước khi hai cô y tá và anh chàng y công đồng hương khẽ khàng lịch sự làm theo cử chỉ ấy của hắn. Hắn thường hớn hở:
    "Bác sĩ rảnh, ngồi chơi với bọn em một tí."
    Thật tình mà nói, dầu không hề có cảm tình với hắn, và vẫn luôn luôn tìm cách tránh hắn như thế, vậy mà khi nghe cái giọng khá ấm, khá mềm mại, nhún nhường nhưng đầy vẻ nam tính của hắn nói với chàng, chàng cũng không sao cưỡng lại một câu trả lời, kèm theo thoáng bối rối:
    "Các anh chị cứ tự nhiên... Xin lỗi, tôi lu bù quá... Để hôm khác nhé!"
    Dĩ nhiên khi nghe chàng nói vậy, cả đôi bên cùng biết rằng chẳng bao giờ cái "hôm khác" ấy xảy ra, chàng sẽ chẳng bao giờ bỏ thì giờ ngồi xuống với bọn hắn, tán gẫu, nghe hắn hát những bài tình ca sướt mướt ấy, nhưng rồi, hệt thông lệ, hệt thói quen, hắn vẫn cứ vói theo mời khi thấy chàng. Và chàng, thì vẫn cứ phải quay đầu cười. Hẹn.
    Thật ra, chẳng phải chàng coi thường hắn. Hay khinh ghét hắn. Nhưng chàng có cảm giác hắn giống hệt một thứ thời tiết trái mùa, với những cơn nóng lạnh bất thường làm người khác bừng lên sự khó chịu. Giữa hắn và chàng, cái thứ bậc phân chia rành rẽ nào đó cũng không được chàng đặt ra, nhưng chàng thấy mình không thể nào cảm nhận được gì nơi hắn, cũng không thể gần gũi, hay chia xẻ. Một mẫu người như hắn, hình như trong suốt quãng đời đã trải của chàng trước đây, chàng chưa bao giờ có dịp giao tiếp, nói gì đến quen thân. Hắn, dĩ nhiên, trượt ra xa. Xa tít đời sống chàng hằng ngày. Như hai người đang ở hai hành tinh, hai lục địa nào đó khác biệt nhau.
    "~
    Nhưng vậy đó, mà bỗng nhiên hắn và chàng lại phải làm việc chung với nhau một cách hết sức đột ngột. Kế hoạch cắt giảm chi phí của ngành y tế nói chung, bịnh viện chàng làm việc nói riêng, khiến hắn dưng không bị đưa từ phòng cấp cứu về khoa giải phẫu để phụ việc cho chàng. Hôm nghe cô thư ký bảo chàng sẽ có một đồng hương làm việc chung, chàng đã giật mình, đã cầu mong thầm trong bụng, đừng là hắn. Tuy nhiên, như một thứ "định mệnh", một thứ "số phận" ràng buộc trớ trêu, chàng bị an bày, bị cột vào với hắn, không cách gì gỡ ra được. Hắn vào trình diện chàng:
    "Nghe về làm với bác sĩ, em mừng hết lớn luôn."
    Chàng ngó hắn. Ngó nụ cười nở ra trên khuôn mặt lần đầu tiên chàng bị buộc phải nhìn gần, mà ngao ngán, chẳng biết nói câu gì. Cuối cùng chàng đành miễn cưỡng cười theo một cách hết sức não nề. Hắn hí hửng bảo chàng:
    "Bà Hoa nói số em hên."
    Hên! Đang ngó hắn, chàng bỗng sụp mắt xuống mớ hồ sơ bịnh án đặt trên bàn làm việc, cố gắng hết sức để không bật kêu lên một tiếng chán chường. Chàng tự nhủ lòng, trong tương lai, chàng sẽ rán vận dụng bằng mọi cách, để không phải trực chung với hắn vào ban đêm. Chưa gì, chỉ cần mường tượng đến bầu không khí ngượng ngập, tẻ ngắt khi ngồi chung với hắn suốt mấy tiếng đồng hồ lê thê, lúc ở bên trong lẫn bên ngoài đều im vắng, khô cứng đến lạnh người, là chàng đã thấy... tuyệt vọng. Chàng nghĩ đến cảnh hắn tới lui, nói cười. Nghĩ đến căn phòng trực dành cho chàng và y tá, vốn đã chật chội, ngột ngạt có lẽ rồi đây sẽ còn thê thảm hơn nhiều... Chàng hỏi, nhưng vẫn không nhìn lên:
    "Chưa làm việc với tôi, sao anh biết hên?"
    Hắn chậc lưỡi:
    "Em nghe người ta nói, bác sĩ. Với lại, "tụi nó" dầu gì đi nữa thì cũng đâu hiền bằng người mình."
    Chàng bật cười. Câu nhận xét hết sức hồ đồ, nhưng cái giọng có vẻ thành thật, chân chất vừa thốt ra từ phía hắn, khiến tự dưng chàng thấy dịu lòng xuống. Chàng ngẩng lên. Dẫu vẫn không sao nhìn thẳng vào hắn mà lại ngó bâng quơ ra phía ngoài, nhưng trong trí chàng, cái dáng nét một khuôn mặt đã bắt đầu trở nên hơi thừa mỡ ở hai bên má cùng phía dưới cằm, với cặp mắt mở hơi lớn, hàng chân mày sậm, ánh lên khá rõ ràng. Chàng nhận ra dường như có cái gì, không ổn lắm, trên sắc mặt, trên nụ cười của hắn; và trúc trắc lắm, trong lòng chàng. Dưng không, chàng lại loay hoay cố tìm một lý do. Chẳng biết để biện hộ cho mình, hay cho hắn. Mà chàng thấp thỏm không yên. Đành rằng trong sắc áo đồng phục trắng của bịnh viện, trông hắn "đỡ" đi rất nhiều so với bộ tịch đỏm dáng hằng ngày, nhưng rõ ràng, "cái gì đó" vẫn làm vướng mắt, làm bận rộn chàng. Chàng nói:
    "Anh chưa đi mưa nên chắc chưa biết lạnh."
    Bờ cỏ dại lạnh lưng trần ngoan quáEm là ta , ta mãi là em.
  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Hoàng Nga
    Thời tiết trái mùa ( II )​
    Hắn dĩ nhiên làm sao tin điều chàng nói, nên không biết có đề phòng một "cơn mưa" nào đó sẽ dội xuống từ phía chàng hay không. Còn chàng, ngày ngày, thường cố tránh, nhưng vẫn cứ phải khổ sở nhìn thấy hắn, thấy cái kiểu "ngơ ngác cõi người" ấy chờn vờn trước mặt mình. Lúc đầu, chàng cứ tưởng mãi mãi, sẽ phải giữ khư khư cái ngắc ngứ ấy với hắn, nhưng điều lạ lùng, chừng như lâu ngày, chút thiện cảm rồi cũng đến với chàng. Chàng không biết bởi cách làm việc cần mẫn và tận tuỵ của hắn, hay do "hoàn cảnh", phải trực diện hắn mãi, nên cuối cùng "ông thầy" cũng đâm ra quen mắt với thứ thời tiết trái mùa hắn mang trên người. Nhất là những bộ cánh, không còn chỉ rớt vào nhãn quan chàng khi chàng từ bãi đậu xe đi lên như trước, mà xộc thẳng, đâm sầm vào phòng làm việc của chàng hằng ngày, cũng không gây sự khó chịu cho chàng cách gay gắt nữa. Thỉnh thoảng, chàng còn đùa được với hắn đôi câu, đại khái, "tôi trông cậu coi bộ dạo này giống ca sĩ hơn giống người thường đấy nhé" (và hắn, chắc tưởng chàng khen ngợi, nên hay cười đáp, ca sĩ gì em hả ông thầy). Hơn thế, chàng còn quen luôn cả cách tán dóc, cách pha trò với nhiều câu danh ngôn vớ vẩn, cộng thêm một lô một lốc triết lý ba xu, rẻ tiền, mà trước đây, chỉ cần loáng thoáng để lọt vào tai thôi, là chàng đã phải rùng mình lên như bị dị ứng.
    Tuy nhiên, giữa hắn và chàng, vẫn rạch ròi một ranh giới nhất định nào đó. Cả hai, đều chẳng bao giờ hỏi han, nói chuyện với nhau về đời sống riêng tư của mình. Chàng đoán hắn vẫn còn độc thân với bàn tay chỉ trang sức bằng những chiếc nhẫn bạc uốn éo hình cọp beo, cộng thêm chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đắt tiền. Lắm khi suy nghĩ "ác" hơn, tàn nhẫn hơn, chàng chắc có lẽ hắn đã nhiều lần giáo gươm sa trường chiến đấu, nhưng chỉ toàn làm kẻ ngã ngựa, chỉ bị đứng nghe địch thủ trỗi lên khúc khải hoàn. Chàng hoàn toàn không tưởng tượng nổi, trong đời, cũng đã có lúc hắn từng làm chồng, làm bố. Một lần, làm việc với hắn thời gian không dài lắm, chàng nghe hắn bảo, hắn sẽ phải nghỉ vài hôm để ra hầu toà. Chàng hơi giật mình, nhưng cố không để cho hắn thấy vẻ thay đổi trên gương mặt mình. Chàng hỏi:
    "Vụ gì đó?"
    Hắn cười cười. Mãi sau hắn mới nói:
    "Em bị con vợ cũ thưa."
    Chàng nhìn sững hắn một lúc. Không ngờ mình đã "đánh giá" sai về hắn, chàng có vẻ ngớ ra, không biết nói thêm câu gì với hắn. Còn hắn, sau khi ngó đông ngó tây, ngó đất ngó trời một hồi, bỗng đổi giọng bùi ngùi, chậc lưỡi kể:
    "Thiệt ra hồi đó tụi em sống cũng hạnh phúc lắm đó chớ bác sĩ. Nhưng đó là lúc chưa có chuyện gì xảy ra kìa. Có nghĩa là lúc em chưa về Việt Nam quậy lung tung, và vợ em còn ở nhà cơm nước hầu hạ chồng con đàng hoàng. Mãi đến khi ông... Một Răng và Một Rắc đánh nhau ở vùng Vịnh, thì mới là lúc tụi em đứng bên bờ cửa tử. Đúng ra lỗi ở em đó chớ. Nhưng mình... nam nhi chi chí, nhận lỗi khơi khơi như vậy thì còn gì là đời, ông thầy có công nhận không? Nên lúc chiến trận xảy ra tưng bừng, con vợ em la làng, tuyên bố đòi ly dị, em bèn sôi máu, nghiến răng bắt nó chạy ngay ra luật sư. Tưởng mình ngon, tưởng mình "ngầu", tưởng nó không dám làm, em mới dữ dằn tới vậy, có dè đâu nó de em ra tám chục cây số, một đi không ngoảnh lại liền tù tì..."
    Chàng cười hiền:
    "Nhưng tôi thấy anh cũng anh hùng chán đấy chứ."
    Hắn phì cười theo chàng:
    "Anh hùng cái gì hả ông thầy? Em lỡ tố phải theo, chứ em giữ con tẩy lủng bác sĩ à."
    Cái cách nói cà rỡn của hắn khiến chàng không sai nhịn được câu đùa, chàng hỏi:
    "Vậy ra người ta có đôi ách hả?"
    Hắn cười gượng. Im hồi lâu. Rồi hắn nói. Cũng đâu đó. Cuối cùng hắn trầm ngâm:
    "Ở đời, không biết người biết ta là thua chắc, ông thầy ơi! Hồi mới chia tay nhau, em cứ tưởng em trút được gánh nợ, tưởng mình "ngon cơm", có dè đâu sau cơn mưa trời cứ lại... tối. Qua cơn bĩ cực em chẳng thấy thái lai đâu hết mới chết chứ!"
    Chàng chớp mắt nhìn hắn. Cái giọng của hắn nghe buồn bã thê lương thế nào. Đã vậy, hắn còn không ngó lại chàng, mà quay ngó ra cửa sổ, nơi bầu trời bị che lấp bởi hai dãy tường quét vôi trắng xoá, cao ngất, đến như đã bị thâu hẹp lại, chỉ còn lớn hơn mảnh giấy không bao nhiêu. Tự dưng hướng mắt nhìn của hắn khiến chàng bỗng liên tưởng đến cuộc đời cũng đã bị thâu hẹp lại cách chật chội của những kẻ thiếu đất sống, ngộp hơi thở. Chàng nhận ra cái chênh vênh tội nghiệp của hắn. Nhận ra nỗi cô đơn chất chồng của con chim lẻ bạn. Hắn bùi ngùi:
    "Cái hồi mới bỏ nhau, như em nói với bác sĩ, em tin chắc là mình không hề hấn, sây sứt gì. Lại còn tưởng con vợ em sẽ đớn đau, khổ sở lâu dài lắm vì chuyện chia lìa đôi lứa của tụi em, ngờ đâu mới được năm bữa nửa tháng, trong khi em còn chưa kịp làm quen với hoàn cảnh mới, nói gì đến vụ hớn hở reo hò... độc lập tự do hạnh phúc; thì nó đã cặp ngay một thằng khác rồi. Thiệt cứ y như nó sắp sẵn cái bẫy từ đời tám hoánh, chỉ chờ em sa lưới là dung dăng dung dẻ vui hưởng cuộc đời mới liền."
    Lúc hắn nói với chàng, bàn tay đặt trên mép bàn của hắn ngọ ngoạy. Bồn chồn. Như thể hắn đang muốn làm cái gì đó khác hơn. Cái dáng điệu của hắn làm chàng nao lòng. Chàng chép miệng:
    "Cũng buồn, ha?"
    Đột ngột, hắn quay lại ngó chàng, cười, nhưng giọng nói nghe rầu rĩ không tả được:
    "Buồn chớ, bác sĩ. Đàn bà, chẳng lẽ em nói, chắc quen "chịu đựng", nên không ở với em, nó phải quay qua ở với thằng khác cho... qua bữa! Nhớ cái hôm đầu tiên em gặp nó đi ngoài phố với thằng kia, thấy xách đồ đạc lủ khủ, nhìn cái kiểu sượng trân của nó, mà tới giờ, lòng em cũng còn xốn xang."
    Chàng thấp giọng:
    "Tôi không nghĩ anh gặp hoàn cảnh buồn như vậy..."
    Hắn ngó chàng:
    "Buồn, mất mát, bị xúc phạm... Cái tâm trạng em lúc đó kỳ quặc lắm. Bác sĩ biết không, buổi tối mà nằm tủi thân một mình, gác tay lên trán suy gẫm chuyện đời, ngó tới ngó lui chỉ thấy bốn bức tường, lại tưởng tượng tới cảnh giờ này con vợ mình đang nằm trong tay thằng khác, dù là lỗi do mình đưa nó tới hoàn cảnh đó đi chăng nữa, cũng cứ nghe đau đớn khủng khiếp lắm. Nhưng thật ra, đau thì chỉ đau vậy thôi, không nghĩ mình sẽ làm gì hết, mà tới chừng có thằng bạn phone lại nhà, kể lể, nói năng lung tung, em mới bắt đầu... quê. Mới bắt đầu nghe... hận kẻ bạc tình. Trời ơi, ông thầy biết không, đang yên, em bỗng đùng đùng nổi giận, máu du côn chẳng hiểu nằm đâu trong người bỗng sôi lên như núi lửa. Tấm tức, thế là em chạy ào vô bếp, lục ra được một cây búa, chẳng nghĩ chẳng suy gì cả, em lao ra ngoài, phóng tới nhà con nhỏ liền..."
    Hệt như hắn, đang ngồi yên nghe kể chuyện, chàng chợt nhảy dựng cả tóc gáy lên:
    "Cái gì? Hai người lúc đó đã ly thân rồi mà."
    Hắn ngó chàng, rũ người ra cười:
    "Thì như vậy mới có chuyện để em đi hầu toà chớ, bác sĩ! Em nói thiệt với ông thầy, có nhiều khi cái tâm tư tình cảm của con người ta nó rắc rối, cà chớn lắm, mà mình không ngờ được đâu. Ông thầy đọc báo chắc thấy có những trường hợp vợ chồng hay bồ bịch bỏ nhau mấy trăm kiếp, tự dưng có thằng mang súng về bắn chết người nọ người kia phải không? Em hồi trước mà đọc ba cái tin đó, là thế nào cũng chửi cái thằng giết người vô duyên, lãng nhách. Nhưng tới khi mình nằm trong cái hoàn cảnh đó rồi, mới hiểu tại sao. Đoạn trường ai có qua cầu mà, bác sĩ."
    Chàng thừ người, ngồi im không biết nói sao với hắn. Cũng không dám hỏi thêm câu nào. Mà chỉ nghe cái khoảng không gian từ mình đến hắn bỗng trở nên nặng trĩu, rờn rợn. Chàng hoàn toàn chẳng muốn mường tượng đến cái cảnh hắn vung bàn tay lên, chém nhát búa xuống; nhưng tất cả những hình ảnh kinh khiếp ấy bỗng hiện ra trong đầu óc chàng một cách rõ ràng như một đoạn phim "action" thường thấy. Chàng co đôi bàn tay lại với nhau. Cái cảm giác gai gai người tràn lên sau sống lưng. Chàng loay hoay tìm một câu nói. Nhưng hắn, chừng như chẳng thèm để ý đến những nét kích động, ghê sợ trên mặt chàng, nên hạ giọng, kể tiếp:
    "Bác sĩ biết không, em lái chiếc xe, lao đi liền trong buổi tối đó như đi giữa chốn không người. Y hệt như một thằng điên, amok. Em chạy ào ào. Chạy bất kể trời trăng mây nước, chẳng sợ đụng phải ai, cũng không ngán cảnh sát đuổi theo gì cả. Miễn lao được tới nơi thì thôi. Và khi tới nơi rồi, em leo lên thềm, bấm chuông nhà con nhỏ liên hồi. Bấm muốn cháy cả chuông. Nhưng mà bác sĩ biết rồi, bên này mà, không hẹn trước, hỏi ra cũng không có chuyện gì, khuya khoắt như vậy thì còn lâu nó mới chịu mở cửa cho em. Lẩn quẩn, lục lọi hoài cả tiếng đồng hồ mà chẳng được cái tích sự gì, cuối cùng em đành bò về."
    Hắn lại cười:
    "Bây giờ mọi chuyện qua rồi, nghĩ lại, thấy... tếu không chịu nổi. Cả đêm hôm đó em y như thằng thất tình. Em đi lang thang khắp thành phố. Vào mấy cái night club, uống một đống bia, một đống rượu. Đến lúc mò về được tới nhà thì đã bốn năm giờ sáng. Sáng hôm sau không cách gì dậy nổi để đi làm, lại ói mửa tùm lum, mệt muốn ngất ngư..."
    Chàng gượng gạo cười theo hắn. Hắn kể tiếp:
    "Cái yếu của em, chắc ông thầy cũng nhận ra, là mất chỗ dựa, mất hậu phương nên em mất luôn cả hướng, cả đường. Em như con ngựa què, lẩn quẩn mãi vẫn không thoát ra được khỏi chuồng. Bình thường, ông thầy à, đàn ông con trai, sức mấy mà mình chấp chận cái dỏm của mình, nên khi bất trắc xảy ra như vậy, em đâu có biết đường chống đỡ. Lẽ ra, em phải coi như pha, tỉnh như ruồi chuyện xảy ra như vậy, tại mình quậy trước, tại mình xúi nó ly dị mà. Nhưng đàng này, em cứ bị cái tư tưởng "quê độ" ám ảnh, cứ thấy trong khi mình chưa có kẻ nâng khăn sửa túi, mà con vợ cũ đã ôm cầm sang thuyền khác, là kể như mình bị thua cuộc. Kể như mình không ra gì. Thế là tự ái quá, em lên cơn điên liên tục. Em phone tới hăm doạ con nhỏ đủ mọi điều. Bảo cứ thấy nó béng mảng ra đường với thằng kia là em "chơi đẹp" liền..."
    Hắn ngưng lại đôi ba giây, rồi tiếp:
    "Trong người em hồi đó, ông thầy biết không, lúc nào cũng có con dao. Còn trong xe, em để nguyên luôn cây búa lục thấy trong bếp..."
    Không kiên nhẫn được nữa, chàng ngắt lời hắn:
    "Anh không sợ hậu quả gì hết à?"
    Nụ cười nửa gượng gạo, nửa tự nhiên nở ra trên mặt hắn:
    "Sợ gì chứ hả ông thầy? No mất ngon, giận mất khôn, người ta nói vậy mà..."
    Chàng nhìn hắn chằm chằm. Hắn ngập ngừng một hồi rồi lại bật cười:
    "Nhưng có điều chuyện của em nó vô duyên lắm bác sĩ ơi. Kể ra chắc ông thầy cười thối ruột. Là em hùng hổ như vậy, mà có làm gì được ai đâu. Em đánh du kích nhưng khai hoả, động thủ sớm quá, lúc trời chưa kịp tối, nên địch nó biết hết trơn hết trọi. Con vợ em nó kỹ lắm, ông thầy à! Nó chẳng nói gì với em nhưng im ỉm đi báo cho cảnh sát biết chuyện em hù doạ nó lâu rồi. Nên một bữa, lúc em mới vừa xông vô đập... cái xe của thằng kia đậu ở khu vực nhà nó, là tới khuya, em bị cớm vồ liền."
    Đến đấy, như không dừng được nữa, hắn rũ người cười to hơn. Xong hắn xoa tay:
    "Rồi thì kiện tụng. Rồi thì ra toà. Em đã ra toà một lần rồi. Nhưng dĩ nhiên mình cũng quân sư quạt mo tùm lum, nên em đi kiện lại. Kiện tới kiện lui cả năm trời, vừa mất thì giờ, vừa tốn tiền, riết đâm ngán, hơn nữa cũng nguôi ngoai rồi ông thầy, nên chắc có lẽ kỳ này em đồng ý bồi thường và hứa sẽ không bao giờ quấy nhiễu nó nữa để yên chuyện cho rồi. Thiệt tình! Vợ với con! Yêu với đương! Chẳng ra cái quái gì cả."
    Và không đợi chàng hỏi thêm câu nào, hắn kết luận:
    "Em giờ có cách sống mới khác rồi. Bác sĩ thấy đó, em ăn diện, cà phê cà pháo, nhảy nhót, đèn xanh đèn đỏ lung tung, đủ cỡ đủ điều, nhưng em nói thiệt với bác sĩ, là em chỉ sống một mình thôi, dứt khoát không có dính dáng gì tới ba cái chuyện vợ con đường trường nữa. Mệt, bác sĩ ơi."
    Chuyện của hắn hôm ấy, chấm dứt ở đó cách cụt ngủn. Lãng xẹt như lời hắn nói. Nhưng hắn không biết chàng hoàn toàn đã không cười thối ruột nổi như hắn tưởng. Mà chàng cũng giống hệt hắn, giống hệt con ngựa què lẩn quẩn, nặng trĩu mãi bên mình một tiếng thở dài sâu kín. Hắn làm sao biết được, cái đời sống chừng mực của chàng hằng ngày, khiến những nỗi đau, nỗi khổ chàng phải chịu đựng cũng đã trở nên chừng mực. Tầm tầm một cách hết sức quái gỡ. Hắn tưởng tượng sao nổi chàng đã sắt se khi nghĩ đến cái hậu phương, cái chỗ dựa của mình, cách nào đó, cũng lung lay không vững vàng gì cả, nhưng thử khi nó sụp xuống, mất đi, chắc chắn là chàng đâu có dám tính tới chuyện vác một cây búa, lận lưng một con dao, và rồi, sau khi gượng dậy được, sức mấy mà dám tỉnh bơ, ngang nhiên làm một thứ thời tiết trái mùa, suồng sã đập vào mắt thiên hạ, để chứng tỏ mình đang có một đời sống khác ngon lành hơn đời sống lứa đôi, như hắn. Hắn thể nào mà hiểu được, một người như chàng, với cái vỏ lấp lánh cưu mang trên lưng, lại có lúc cũng ước ao được lột bỏ nhẵn nhụi, trụi trần cho rảnh nợ...

    Xem tiểu sử tác giả : http://ttvnol.com/vanhoc/132809/trang-11.ttvn
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 04:23 ngày 28/03/2004
  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Võ Đình​
    Láng giềng ( I )​
    ?oHạnh phúc là chinh phục lớn nhất trong đời, cưỡng lại số phận đã được áp đặt lên kiếp người.?[1]
    Albert Camus
    (Thư cho một người bạn Đức quốc, 1948)
    Tôi nói với ông láng giềng: tên riêng của ông, Tim, Timothy gọi tắt, tiếng Việt có nghĩa là "heart". Tim thích chí, cười ha hả, đấm vào ngực trái bồm bộp, rồi kéo tôi đi theo ông. Đến gốc dừa nhỏ mới trồng, ông vén lá ra. Dưới đáy cuống lá non trong cùng, có con nhái bén nhỏ xíu nằm im thin thít, hai mắt long lanh, láo liên. Tôi cũng thích chí, cười ha hả, đưa tay thoi nhẹ vào bụng Tim, cái bụng đồ sộ nằm bừa bãi trên thắt lưng. Tôi nói: You?Tre O.K. Từ hai ông láng giềng chúng tôi trở thành hai người bạn.
    Tim thua tôi bốn tuổi. Vậy là năm nay ông cũng đã 65, tuổi về hưu. Nhưng ông nghỉ ?ocày? sớm hơn, từ năm mới 62. Gặp ông lần đầu, tôi không mấy thiện cảm. Mỹ trắng, gốc Hòa lan, da dẻ phốp pháp, ửng hồng, không râu nhưng tóc rậm, lượn sóng, bạc phơ. Người vừa cao, vừa mập, rất đồ sộ. Bắt tay ông, tôi đã có phản ứng e dè: bàn tay to tướng, mềm mại, âm ẩm. Hai vợ chồng Tim dọn đến đường này cả mấy năm sau chúng tôi. Nhà họ thật lớn, mái ngói mới tinh, tường vôi sơn quét hai màu, ngà và hồng, sáng sủa, bóng bẩy. Điều trước nhất khiến nhà tôi và tôi nghĩ rằng khó có thể gần gũi với những người láng giềng mới đến vì thái độ của họ đối với cây cỏ. Bao nhiêu cây lớn chung quanh nhà, như thông, như tràm, bị đốn xuống hết. Chỉ để lại một sân cỏ mênh mông, xanh mướt, trần trụi. Cây cối đẹp đẽ là thế mà bị cưa xuống, dồn thành đống bên đường cho xe rác bốc đi.
    Từ lâu, tôi có thói quen xem sự dị biệt giữa mình và người khác, nhất là dân bản xứ, như chuyện đương nhiên. Chỉ cốt giữ sao cho được một liên hệ chừng mực và nhã nhặn là quá đủ, quá tốt. Không mong gì hơn.
    Tuy thế, từ ngày được Tim vén cọng lá dừa chỉ cho xem chú nhái bén nằm thu lu dưới đáy cuống, tôi tự nhủ: Một người biết để tâm tới một con nhái như thế là một người ?ođược? lắm. Nói như Mỹ, một người ... O.K.
    *
    Nhà tôi có thói quen nghịch ngợm thay đổi tên họ người ta ra một thứ têu tếu. Có những âm Việt tương đương với âm Anh, âm Pháp. Ví dụ: Clark Gable, tài tử gạo cội, trở thành ông ?oQuạt Gắp?, Charles Bronson trở thành ?oSạt Bung Xung?, ông René, người Gia nã đại gốc Pháp, trở thành ?oMonsieur Renard? (Renard tiếng Pháp là chồn cáo), bà Ellen được gọi là bà Ái Liên. Nhà tôi gọi ông bà láng giềng Thomas là ông bà ?oCà Chua?, vì Thomas giống chữ tomate của Pháp. Bà ?oCà Chua? lại là người Pháp chính cống, quê đâu ở vùng Poitou, gần cả hai thành phố danh tiếng La Rochelle và Poitiers. Bà ?oCà Chua? nhỏ con, bề ngang, bề cao gì cũng chỉ bằng nửa ông chồng. Tên Marie, gọi tắt là Mimi. Có một khoảnh đất trong vườn dành cho riêng bà. Ông Tim đóng cọc, căng lưới, dựng giàn, rắc vỏ cây dưới chân, rồi giao khoán cho bà. Mimi trồng một ngàn thứ trong khoảnh đất đó! Từ bông giấy đến chuối cho đến phượng vĩ. Nhà tôi nói riêng với tôi: ?oTrồng cây như vậy thì mở tiệm bán cây con mấy hồi!? Nhà tôi và bà Mimi có cùng sở thích, nhưng cách nhìn, cách trồng cây cỏ khác nhau, cho nên chỉ ?odung? nhau mà thôi. Ông Tim và tôi có những sở thích khác nhau, rất khác, cho nên ai đi đường nấy, khỏi phải bàn cãi, đề nghị, xúi giục, hay thuyết phục lôi thôi gì nhau cả.
    Ông Tim mê ... chơi xe lửa. Xe lửa tí hon (miniature trains) Cũng đầu máy, cũng toa này toa kia, cũng đèn, cũng chuông, cũng đường rầy sắt, cũng ?oghi? để đổi hướng chạy. Nhưng bộ phận nào cũng bé tí xíu. Trước, tôi tưởng người ta mua các thứ ấy về, lắp ráp đại khái, rồi cắm điện cho chạy. Ông Tim không ?ochơi? chơi như thế. Ông ?ochơi? thiệt . Ông sưu tầm xe này máy nọ như người ta chơi tem, chơi đồ cổ. Với ông, không phải chỉ có mấy ?ogoon? xe chạy trên đường rầy. Xe phải có lúc dừng ở nhà ?oga? nào đó. Nhà ?oga? đó, vào thời nào đó, phải như thế nào mới đúng kiểu, đúng từ cái mái cho đến cái cửa ra vào, đúng từ phòng đợi cho đến ... cầu tiêu. Ông cho tôi xem một cái ?omô-đen?: trong cầu tiêu có cả chỗ ngồi, có cả giây giật nước. Ông cất cả ngàn cuốn ca-ta-lô in ra từ thuở ông và tôi còn mặc quần cụt (shorts), tức những năm của thập niên 30!
    Đâu chỉ có dăm ba toa xe móc cái này sau cái kia. Chỉ mỗi từ miền Đông sang California đã có đến 3 hệ thống khác nhau: Union Pacific, Northern Pacific, Southern Pacific. Ngoài ra có những đường riêng của tiểu bang như Pennsylvania Railroad, như New York Central... Mỗi đường chạy, mỗi hệ thống, liên bang hay tiểu bang, đều khác nhau. Với hình dáng riêng, màu sắc riêng, phong cách riêng. Những sự riêng biệt này lại còn thay đổi, vài ba năm một lần. Cho nên Union Pacific 1935 khác với Union Pacific 1938, chẳng hạn. Tìm kiếm một cái gạt tàn thuốc cho toa hạng nhất New York Central năm 1950 ư? Ca-ta-lô New York Central 1950 có in hình cái gạt tàn thuốc ấy, với con số đặc biệt của nó cùng giá tiền (giá năm 2002!) Chỉ cần bốc phôn gọi, trả tiền bằng thẻ tín dụng, cái gạt tàn được gửi đến tận nhà. ?oNghề chơi cũng lắm công phu?. ?oNghề chơi? cũng tốn kém thì giờ và tiền bạc lắm. Láng giềng Tim mê chơi ... ?ochoo- choo trains? là thế.
    Hè vừa qua, tôi giúp ông di chuyển những thùng lớn, thùng nhỏ đựng vô số các thứ lỉnh kỉnh, từ ?oga-ra? ra workshop. Không ngờ nhiều đến thế. Nhiều khiếp đảm. Bên ngoài mỗi thùng các-tông đều có ghi những gì ở bên trong. Tôi nghĩ thầm: đây là một tay có óc tổ chức ngoại hạng. Thế rồi, từ mấy tháng nay, Tim đóng giàn gỗ, đặt đường rầy. Xe lửa của ông không chạy khơi khơi kiểu ta thường thấy cảnh đồ chơi đêm Giáng sinh trên TV. Xe lửa ông chạy qua thành phố lớn, thị trấn nhỏ, leo núi, qua đèo, băng sông, vượt suối. Mọi phong cảnh, mọi tình huống, phải đúng đắn. Tôi hỏi: ?oÔng tính khi nào thì xong hết?? Tim nói: ?oCó lẽ sang năm.? Vậy là ông bỏ ra gần hai năm trời cho mấy đoàn xe lửa tí hon. Đúng là ?oNghề chơi cũng lắm công phu?.
    Vài ba tuần, tôi ghé qua, xem công việc của ông đã tiến tới đâu, Tim mừng lắm. Chỉ cho xem cái này cái nọ, tôi nghe không hiểu gì cả vì chuyện máy móc, điện điếc, quá phức tạp đối với tôi vốn là đứa không có khiếu khoa học kỹ thuật. Nhưng ông láng giềng nói thì cứ nói, và tôi thì cứ gật đầu tấm tắc. Tim tưởng rằng tôi thưởng thức cái khéo của ông. Sự thật, tôi tấm tắc không phải vì tôi thẩm thấu những gì ông mới làm mấy tuần qua, mà vì tôi cảm phục cái công lao, cái kiên trì, cái chăm chỉ của ông. Thấy tôi ố á như vậy, anh chàng khoái tỉ, lại càng chưng các thứ ra, lại càng giải thích. Đến một lúc nào đó tôi phải kiếm cớ rút lui. Bằng cách hỏi thăm Herman.
    Herman cũng là một láng giềng, một con nhái. Không phải chú nhái bé như đồng xu 1 cent nằm dưới đáy cuống lá cây dừa nhỏ. Anh Herman này to lớn, bệ vệ hơn. Trong khoảnh đất của Marie có cái chuồng nhỏ đóng lên cột cao để chim vào làm tổ. Không thấy chim đâu, chỉ thấy anh nhái ngồi trong chuồng, lò đầu ra ngoài cái lỗ nhỏ. Ông Tim đưa tay vuốt má, vuốt cằm nó. Herman lim dim mắt, có vẻ khoan khoái. Tim phân trần: Có bữa, nửa đêm, xách đèn pin ra vườn xem thử, thấy chuồng chim trống rỗng. Sáng hôm sau, lại thấy cái đầu Herman lò ra ngoài lỗ. What does that mean? Thế nghĩa là sao? Ông hỏi rồi ông trả lời: ?oThế có nghĩa là đêm hôm chàng đi đâu mình chẳng rõ, nhưng cu cậu biết về ?onhà? sau đó. Chứng cớ là Herman vẫn trấn đóng nơi đây. Hà hà...?
    Tim cười hà hà sau câu giải thích là lúc chúng tôi đã bước đến đường cái, và tôi ra về. Mỗi lần ghé xem công việc của Tim đã đến đâu, nhìn ngắm những họa đồ vô cùng tỉ mỉ, nhiêu khê của ông, nghe ông giảng giải, tôi chóng cả mặt. Nhưng trong lòng tôi thầm cảm phục sự gắn bó, nỗi say mê của ông, mặc dù cái thích, cái khoái của ông, tôi ?ohổng có ke? tí nào cả!
    Bờ cỏ dại lạnh lưng trần ngoan quáEm là ta , ta mãi là em.
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Võ Đình
    Láng giềng ( II )​
    *
    Nghĩ cho cùng, cái thích, cái khoái của tôi, ông Tim cũng ?ohổng có ke?! Viết lách như tôi, ông Tim không biết để làm cái chi. Ông hỏi tôi viết rồi đăng ở đâu, mỗi bài được trả bao nhiêu tiền, vân vân, cực chẳng đã tôi phải nói qua quít đôi lời về nền báo chí hải ngoại của người Việt. Ông nghe, ơ hờ. Tôi mừng thấy ông không lưu tâm gì lắm đến chuyện này nên vội vàng đổi đề tài. Chẳng lẽ lấy cái thú vị (?) sự viết lách của tôi đem lại cho bạn đọc so sánh với cái vui sướng công trình của ông láng giềng đem cho người khác. Tôi đã có dịp thấy tận mắt: Đầu máy hú còi, đèn xanh đèn đỏ chớp chớp, mấy cái ?opít-tông? chuyển động, thụt tới thụt lui, rồi bánh sắt bắt đầu lăn lăn... Người lớn nghiêm trang mấy cũng phải cười toe, trẻ con thì vỗ tay đôm đốp, nhảy cỡn lên. So sánh thế nào được!
    Ngày xưa, ông láng giềng của tôi chưa xong trung học đã vì gia cảnh lăn vào đời kiếm sống. Nhờ chút năng khiếu thiên về kỹ thuật, may mắn được Bell, hãng điện thoại khổng lồ ngày nay vẫn còn , nhận cho vào làm với đồng lương tối thiểu. Việc dạy việc, ông ?ocày? cho hãng trong mấy chục năm, leo lên đến ?ochuyên viên kỹ thuật hạng Nhất?. Rồi về hưu. Không giàu có, nhưng với tiền hưu trí và tiền già cũng đủ phương tiện để ở một ngôi nhà đồ sộ (nhà cửa đất đai vùng này rẻ hơn nơi khác nhiều), rồi còn xây thêm một căn phía sau, một workshop, cả ngàn bộ vuông, chỉ để có chỗ cho xe lửa chạy chơi. Nghe Tim kể chuyện, tôi mới phát giác ra rằng ông ta đã mê cái ông gọi là ?ochoo-choo trains? từ thuở lên mười.
    Tôi hình dung cái cảnh thằng nhỏ nhà nghèo, không tiền mua xe lửa điện đành đứng ngoài hè phố dán mắt vào tủ kính ngắm nghía những đầu máy xe nhỏ xíu, những đầu máy xe lửa có đủ cả trục, cả bánh, cả ống khói, cả cái chuông đồng sáng choang, thỉnh thoảng kêu leng keng, leng keng... Những ngày cuối tháng 12, cận lễ Giáng sinh, trời lạnh và khô, những bông tuyết nhỏ và xốp rơi lốm đốm trên mái tóc vàng thằng bé mải mê ngắm đồ chơi sau lớp kính dày...
    Ngày nay, ông già với cái bụng bự và mái tóc trắng phau loay hoay thực hiện ước mơ của thằng nhỏ ngày xưa đó thôi. Có những bộ phận xe lửa tí hon nhỏ quá những ngón tay chuối mắn của ông già không cầm được phải cầu cứu đến cái nhíp thép, thứ bà Mimi ngày trước dùng nhổ lông mày! Mắt Tim còn khá tốt, nhưng lắm khi ông phải cần đến kính phóng đại. Nhìn ông láng giềng lui cui với những việc ?oruồi bu? như vậy, một hôm tôi chợt vỡ lẽ:
    Thuở hồng hoang, Sisyphus của thần thoại Hy lạp bị cực hình. Nỗi đọa đày của vị ?oanh hùng? (hero) là ngày ngày phải hì hục lăn tảng đá thật lớn, một boulder, lên núi. Gần tới đỉnh, đá lại rùng rùng lăn xuống chân núi. ?oAnh hùng? lại lò mò xuống núi, hì hục lăn đá lên lại. Lăn đá lên, đá lại lăn xuống, đời đời kiếp kiếp như vậy.
    Chuyện chỉ có thế mà ông Albert Camus cũng viết được cả một tiểu luận từ lâu giới trí thức coi như tuyệt phẩm nói về phận người. Trong ?oHuyền thoại Sisyphus?, Camus viết rằng: ?oNhững thần linh có lý phần nào khi họ nghĩ rằng không có trừng phạt nào ghê gớm cho bằng làm một công việc vô ích và vô vọng.?[2]
    *
    Tôi chắc chắn là láng giềng Tim cả đời chưa hề nghe nói đến huyền thoại Sisyphus. Tôi cũng chắc chắn rằng ông chả biết Camus là cha căng chú kiết nào. Tim không đọc sách có ?ochất lượng?. Ông chỉ dò ca-ta-lô để mua các bộ phận cho đoàn xe lửa mà thôi.
    Tôi ngờ chừng nếu Tim biết ngày ngày tôi cầm cây bút để viết ra những chuyện ?oruồi bu? như thế này, e rằng ông tức cười lắm. Ông sẽ bảo: ?oĐể đấy cái đã, qua đây chơi choo-choo trains với tôi đi!?
    (2002)
    _________________________
    [1]?oLe bonheur est la plus grande des conquêtes, celle qu?Ton fait contre le destin qui nous est imposé.? Albert Camus, Lettre à un ami allemand, 1948
    [2]?oIls avaient pensé avec quelque raison qu?Til n?Test pas de punition plus terrible que le travail inutile et sans espoir.? Albert Camus, Le Mythe de Sisyphe, 1943

    Source: tienve.org
    Xem thêm về tiểu sử Võ Đình:
    http://ttvnol.com/vanhoc/132809/trang-12.ttvn
    Đọc các truyện ngắn khác của Võ Đình:
    http://ttvnol.com/vanhoc/182136.ttvn
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 00:40 ngày 04/04/2004
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 00:47 ngày 04/04/2004
  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Tĩnh Nguyệt Quang
    ... Bao giờ đi qua / Bạn cho tôi biết / Bao giờ đi thật / Bạn cho tôi hay ​
    Bé đang ngồi trên thảm bận rộn với những chiếc xe đồ chơi đủ màu. Nghe tiếng chân bước lại gần, bé ngước cao gương mặt, miệng hơi cười vừa để hở hai cái răng sữa và đôi mắt sáng lên trong một thoáng. Đối với chị, sự đón chào ấy ấm áp hơn nhiều cái tương tự từ nhiều người. Chị cũng ngồi bệt xuống thảm; thằng bé lập tức bỏ mớ đồ chơi mà chui vào lòng chị, đôi cánh tay có búp trắng mịn màng quàng qua vai. Nó nghiêng đầu dựa vào khoảng giữa vai và cổ chị thật nhõng nhẽo không ngờ. Chị vụt buông tiếng thở dài, nhẹ nhàng vòng tay ôm lại thân hình bé bỏng đó. ***g ngực ấm áp của nó áp đúng ngay vào trái tim chị; chị nghe trái tim nhỏ xíu của nó đập phấp phỏng liên hồi bên cạnh nhịp đập đều và chậm rãi của chị.
    -Andrew, đừng làm phiền cô nào, để mẹ và cô nói chuyện chút.
    Bà kéo thằng bé ra, cái bàn tay to lớn trong cử chỉ dịu dàng trông vừa dễ thương, vừa tương phản buồn cười.
    -Tôi hay suy nghĩ vẩn vơ, chị ạ
    Chị im lặng nhìn vẻ trong trẻo trên làn da của bà, tự hỏi điều gì đã xảy ra, hoặc là đang và sẽ xảy ra.
    -Chị uống tí trà nhé. Tôi mới tìm được loại trà có mùi hồi.
    -Vâng, phiền chị. Sáng giờ em cũng rối tay chân, chưa kịp uống miếng nước nào. À, bình bông của chị đẹp quá, và thơm nữa.
    -Ồ, hoa Magnolia. Không phải lúc nào tôi cũng để ý là nó đẹp, nhưng có những thứ lúc nào nhìn vào mình cũng thấy yêu được.
    -Em hiểu
    Chị bắt gặp một thoáng bối rối vừa kéo nhanh qua gương mặt người phụ nữ trong khi bày tay khuấy trà chậm lại. Song bà lại khoắng chiếc muỗng nhanh hơn cho nó đánh leng keng. Chị đón lấy tách trà tỏa hơi nóng từ tay bà, vị hồi cùng vị chát của trà trên đầu lười tê tê.
    -Thơm lắm, cám ơn chị
    -Không phải lúc nào nó cũng ngon, ít nhất là đối với tôi.
    -Em nghĩ đối với ai cũng vây, nhưng có nhiều thứ thì luôn luôn thơm.
    Bà nhìn thẳng qua:
    -Chị cũng nghĩ thế ?
    Bà áp má vào thành ly trà của mình; hai người im lặng.
    -Chị đến chơi thế này thật dễ chịu.
    -Em thấy có nhiều sự ồn ào lúc nào cũng dễ thương.
    Bà dò xét chị qua hơi nóng từ ly trà:
    -Đúng vậy. Chị nhớ lại chơi luôn !

    Nhiều năm sau chị quay trở lai. Chị không nhớ cụ thể là bao nhiêu năm bởi vì chị ngờ vực mình có già đi chút ít. Người đàn bà đang ngồi bệt trên thảm, chậm chạp nở nụ cười khi thấy chị bước vào.
    -Không, không, chị đừng phiền đứng lên đón em. Chị khỏe chứ, bé đâu rồi?
    Bà giương mắt nhìn chị đỗi lâu qua màn mây đùng đục phủ trên đồng tử. Xong bà đưa bàn tay từ từ chỉ lên cao. Chị dõi mắt theo bàn tay run run. Phía trên tường gần trần nhà, một cái khung hình dài trên dưới một mét, đóng khung kiếng nằm đó mà sao lúc bước vào chị không hề để ý. Thằng bé đứng sống động với quả banh màu đỏ giữ hờ giữa đôi bàn tay xòe ra, miệng nó cười hở hai chiếc răng thỏ. Ánh hồng hồng trên đôi má và da thịt tươi nguyên! Chị không tìm ra những khoảng sáng tối rõ rệt làm nên cảm tưởng của không gian ba chiều vì dĩ nhiên trên cao ấy không phải là một bức tranh. Chị quay sang người đàn bà để ngắm vẻ tươi sáng trong ánh mắt nhìn nghiêng.
    -Em cũng nghĩ vậy
    Bà không trả lời ngoài cái gật đầu nhẹ khó nhận ra. Chị lại cùng bà ngước cổ lên cao.

    21-03-2004
  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Trịnh Thanh Thuỷ​
    Bút hiệu khác: Tóc Dài.
    Định cư tại Nam California, Hoa Kỳ .
    Tác phẩm [in chung]: Giữa L và C ( Tập thơ do Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng phát hành, 2001)
    Cộng tác với: Tiền Vệ, Talawas, Hợp Lưu, Văn, Chủ Đề, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Người Việt Hải Ngoại.
    Bản tin buổi sáng: Tình yêu của chiếc mũi hỉnh, sợi tóc quăn và thạch thảo tím ​
    1. Thạch thảo tím
    Tôi kéo bàn đánh máy ra để gõ tên người con gái vào óc con vật vi tính. Sóng tín hiệu giật mạnh những sợi thần kinh, làm nó mở choàng đôi mắt: từ từ cô hai, chưa cà phê sáng mà! Giọng nó khè khè khi tôi nhấn nút bắt làm việc.
    Con vật lừ đừ nuốt cái tên Việt Nam không đường sữa vào miệng. Nguyễn Thị Ðẹp! Tôi la lớn. Sao mày đánh Nguyen Thi Dep! Con nghiệt súc nhe răng. Dẹp? Ừ tao đập cho nó dẹp lép. Dép? Không, tặng con nhỏ một đôi dép vi tính......
    Sau cái tên đẹp đầy dân tộc tính, tôi ghi vào lý lịch nạn nhân, luôn cả lời khai của nhân chứng thời thế là xã hội Mỹ và người gốc Việt.
    Cô chị: người đàn bà của cuộc cách mạng tháng mười ba. Của mái tóc nhuộm nâu, điểm những lượn sóng rẽ thiện ác vàng vàng và tả hữu hoe đỏ. Sống mũi chị được vun đắp như con đường tráng nhựa lên dốc đèo Cả. Cặp môi trái tim đang phát sóng thần với những tiếng gió hú phá đổ Hạ Uy Di.
    Cái giọng kim đặc biệt ấy khi phóng đến Los Angeles bỗng thắng gấp, rít lên như tiếng bánh xe ma sát cháy trên mặt xa lộ...
    - May mắn quá, được gặp cô. Tôi múa may tiếng Anh rã cả tay chân. Thằng Mỹ hỏi tôi câu gì tôi cũng OK Salem như thời ở Việt Nam vậy. Cô biết không, em gái tôi bị nó đánh. Ừ thằng chồng. Thằng mất dạy, nó cầm con dao, đồ con lai khốn nạn. Nó giết em tôi. Cô giúp tôi bỏ tù nó. Trói chặt cái thằng hít and run đó lại.
    Nạn nhân đang nép mình vào mé ghế. Khuôn mặt cô vẫn còn bàng hoàng như vừa lội vào bờ từ tàu hải tặc Thái trong chuyến vượt biên. Cô hao hao giống chị mình hai ba năm trước.
    Thiếu phụ hăm hở bước tới, lật mạnh chiếc áo cô Ðẹp đang mặc lên để chỉ cho tôi thấy mấy giẻ xương sườn tím bầm. Sự thật phơi trần. Cô hoảng hốt giật vạt áo xuống, mắc cỡ quay đi.
    Bản báo cáo lại được viết tiếp. Mấy con chữ trôi lạch xạch trên sông ngữ nghĩa gió lăn tăn tạo những đợt sóng chòng chành chính tả (spell check) màu đỏ. Có thương tích rõ rệt: những vết bầm còn mới, tím đỏ, cổ tay có vết xước, vai, cổ có dấu cắn. Trường hợp ngược đãi có bạo hành (Domestic Violence case). Nạn nhân cần được giúp đỡ và giới thiệu tới những cơ quan phụ thuộc (Supportive Services referred.)
    Người đàn bà dồn hơi nén xúc động. Tên tôi hả? Nguyễn Thị Xinh. Tôi bỏ tên bà chị vào ô liên hệ thân tộc... "Trúc xinh trúc mọc đầu đình... Hai chị em: một xinh, một đẹp, một tình, một duyên. Óc điện toán và óc người thường nảy thơ văn vào lúc căng thẳng như vậỵ
    Tiễn họ ra cửa mà giọng kim vẫn còn theo tiếng chào đâm vào màng óc sợ chích của tôi và làm cho đầu vi tính dùng dằng bắt tôi bỏ mật mã trở lại. Nó nhõng nhẽo: Sai rồi cô hai! Giọng kim lại từ đâu rít lanh lảnh. Con dao! Nó có con dao đó cô. Tôi bần thần đánh lại pass words lần thứ ba. Con vật hét: Mật mã đâu phải Nguyễn Thị Ðẹp. Tiếng nó kêu coong cong! pưng pưng! vào những chỗ có thành kiến. Vi tính nổi sùng, hàng mi chớp nháy, chữ Alert đen lai trắng lẫn vàng. Nghiệt súc!!! Câm miệng!!!
    ?oSao thế cô?? Ba lần thôi đánh không thông, tôi đình công. Mấy người chỉ biết bênh vực đồng loại dù họ sai, giúp đỡ họ khi họ đáng bị đối xử tồi tệ. Còn tôi lại bị các người ngược đãi, sao bỏ mặc? Một ngày cô đánh chữ lên mặt tôi bao nhiêu lần. Nhét vào óc tôi bao nhiêu chuyện thế gian, làm bao việc phù phiếm nữa. Có ai nhận ra sự hành hạ ấy đâu? Tôi nhớ người đàn ông hôm qua. Ổng rất thành thật khi trả lời câu hỏi của cảnh sát: ?oTại sao anh đánh bà ấy?? Người đàn ông lắc đầu tuyệt vọng. ?oChỉ còn cách ấy để bà ta câm!? ?oNhưng ông làm thế là bạo hành, là phạm luật ngược đãi phụ nữ.? ?oCác người chỉ biết bênh họ. Họ không phải phái yếu đâu. Những lời nói của họ như triệu triệu mũi kim đâm vào trọng huyệt tê dại nhất. Nó xoáy sâu, buốt điếng, rỉ rả và nhức nhối. Hai mươi hai năm, tôi đã bị tra tấn tâm thần hai mươi hai năm rồi biết không? Mỗi ngày bao nhiêu phút. Mỗi tháng bao nhiêu ngày. Mỗi năm bao nhiêu mũi kim ghim vào óc tôi.? Người đàn ông vuốt mặt, trầm ngâm. ?oLẽ ra tôi nên đánh bà ta lâu rồi.? Ông lẩm bẩm: ?oVerbally abuse!!! Tôi bị verbally abuse hai mươi hai năm.?
    Con vật tỉ tê: Các người thấy chưa! Ngược đãi tinh thần cũng như thể xác đều có lịch sử. Cô hai! Cô nghe tôi nói gì không? Nó nghiến răng gầm gừ: lại mộng du giữa ban ngày. Thật chán.
    Con quái mệt mỏi lật trang wall paper qua bức hoạ thu tím (tôi đã bỏ vào) anh làm tặng tôi khi mùa tình yêu của chúng tôi đang độ mãn khai. Bó thạch thảo nở trường phái siêu sinh. Chiếc đàn guitar nằm ở góc nhạc tình ngổn ngang những nốt trắng đen quyện vòng quanh tên họ của tôi. Hoa còn đó, cuộc tình đã chết trước thu tàn. Bỗng giờ có mấy búp nhụy đài tua tủa mọc gai, đâm suốt vào vết thương tím bầm trên thân thể người con gái. Con vật lại cười. Nó nhe hai chiếc nanh quặp lấy bờ vai rát rịn mồ hôi của cô Nguyễn Thị Ðẹp. Mấy giọt máu nhỏ xuống cụm hoa thạch thảo tím ngắt.

    2. Sợi tóc quăn
    Phất nhẹ mái tóc người khách về phía trước, tôi nhón lên một lọn tóc quăn và xén phần đuôi. Một mùi khen khét thoảng qua. Mùi da thật đặc biệt của một giống dân da màu thốc vào khứu giác, nhắc tôi nhớ nó. Thằng trời đánh. Thằng Mỹ đen con lai mất dạy, vũ phu. Con nhỏ khách rướn người lên xuýt xoa:
    - Ðau quá, Cindy.
    Cẩn thận dùm một chút. Tôi nhắc nhở chị Cindy, người thợ làm tóc đang cắt tóc cho tôi. Hẳn hôm nay chị ấy có chuyện lo lắng. Chị có kể tôi nghe về người em gái cứng đầu yêu say mê một người bạn trai mà chị ấy rất ghét. Sao chị xén tóc tôi như xớt bãi cỏ trước nhà chị ấy vậy. Chết, không biết mái tóc rồi sẽ ra sao? Buổi dạ vũ đêm nay tôi muốn mình lộng lẫy và khiêu gợi cho thằng John lé mắt. Thằng đẹp trai hết sức. Mà hình như nó đang để ý tới Kelly, con gái mình sao đó? Cặp mắt láo liên của nó cứ liếc vào phòng con Kelly lúc tới thăm tôi. Còn Kelly nữa. Tối nay tôi bắt nó ở nhà trông con nó. Tôi chán cảnh vú em này quá. Nhưng nó có biết cho thằng nhỏ ăn baby food không? Kỳ trước hai mẹ con làm thức ăn văng đầy thảm khiến tôi phải chùi rửa đến phải cúi gập kiếp người. Tuổi mười lăm như nó mà phải nuôi đứa con còn măng sữa thiệt tội. Ðúng là ác mộng truyền kiếp. Biết sao hơn, khi tôi phát giác ra bào thai đã lớn hơn năm tháng! Nhớ lại hồi tôi sinh Kelly tôi cũng mới mười sáu chứ có tỉnh táo gì? Trách con nhỏ cũng tội cho nó, tôi chỉ ngượng có cháu lúc tuổi mới ba mươi hai. Con Kelly có nghe lời tôi mà bớt đi hoang không? Giờ chỉ trông nhờ vào mấy vỉ thuốc ngừa thai tôi trao cho nó giữ thân. Lạy thánh nữ hoàn lương xin nhập vào xác mẹ con tôi.
    - Oh!!! xin lỗi!
    Tôi hoảng hốt xin lỗi nàng Mỹ đen khách hàng. Vô tình trong lúc tức giận, tôi giựt mạnh mớ tóc ướt bệt, loăn xoăn của nó. Tóc thằng Năm cũng quăn. Mà nó có phải Mỹ lai đâu. Mẹ nó hình như ngủ với thằng Chà Và Ấn nào sanh ra nó chớ. Mẹ con nó khai láo mà được cho đi theo diện con lai, thiệt lòng người còn quăn queo hơn tóc cháy.
    Tôi liên tưởng tới người đàn bà quê mùa ngồi chẻ từng cọng rau muống bán ở chợ Rạch Ông. Còn ba tôi nữa, thiệt kỳ! Mỹ có phải thiên đường đâu mà ổng đưa vàng cho mẹ thằng Năm kêu nó dẫn con Ba qua đây theo diện vợ chồng. Ông già ham gì mà gả con cho thằng gáo rỗng vậy.
    Hồi ra đón hai đứa ở phi trường tôi choáng váng. Trong thơ ổng có nói gì đâu. Con ba tuy không phải hoa hồng, hoa lan nhưng cũng đâu tệ. Ổng đem gả vậy khác gì hoa lài cắm bãi phân trâu? Thật khổ. Tôi gạn hỏi con nhỏ. Mày đã vo gạo với nó chưa? Con nhỏ đỏ mặt ú ớ . C..h...ư...a ! !.. Nghe vậy tôi dựng tường Bá Linh khôn dại cho tụi nó liền. Ðẩy gia đình thằng Năm ra phòng khách, tôi bắt con ba vào ngủ với tôi. Trò chơi vợ chồng giả không bao giờ có kẻ thắng. Tôi định đem gả nó cho đứa nào xứng đáng hơn hai con mắt trắng dã ưa gườm gườm tôi kia. Nghe con ba kể chuyện nó cầm dao đòi giết tôi khi tôi áp dụng Hiệp định Ba lê với tụi nó mà rợn người. Có hiệp định để kẻ gian vi phạm, tụi nó đã lợi dụng lúc tôi đi làm để ăn vụng đời nhau. Giờ luật Quốc Tế chưa chắc giải quyết nổi.

    3. Chiếc mũi hỉnh
    Không hiểu sao chị Hai ghét anh Năm thế. Anh ấy trông quê mùa, cuc mịch, ít nói nhưng tình cảm chân thành. Có thể mái tóc quăn, chiếc mũi hỉnh và nước da đen mun đã làm cho chị ấy và nhiều người có thành kiến chăng? Chửi tục, cộc cằn, nhưng tôi lại thích nét chất phác, giản dị của anh. Ðôi mắt chị hai kêu là trắng dã đó khi nhìn tôi lại chất chứa cả trời thương yêu. Ngày ba cho phép hai đứa từ tỉnh lên thành phố làm thủ tục xuất ngoại là ngày tôi không bao giờ quên. Căn khách sạn sang trọng gối êm nệm trắng. Giọt mồ hôi đọng trên vầng trán nhô, bướng bỉnh của anh. Những con muỗi no tròn máu của hai đứa bay vo vo ở bốn góc mùng. Tất cả đều còn nguyên trong óc tôi. Tiếng xe cộ huyên náo đồng lõa cùng hoạt động phố thị về đêm tạo nên một hợp âm mới lạ đầy quyến rũ. Tôi thấy cần một sự che chở thân quen và tôi ngã vào vòng tay êm ái, cứng cáp đầy nồng nàn sâu lắng kia.
    Làm sao tôi có thể thú thật cùng chị chuyện hai đứa, khi tia nhìn đầu tiên của chị cho cái mũi hỉnh kia là chiếc mũi dùi. Lúc biết sự thật, chị đã gây áp lực mạnh và ép tôi xa anh Năm. Chị tổ chức những buổi party, mời nhiều người con trai lạ đến. Họ thật hoàn toàn dưới mắt chị Hai. Có nghề nghiệp vững chắc, xe, nhà, tư cách đàng hoàng, vật chất sung túc. Họ. Chiếc ghế da xoay tròn tiện nghi. Máy điều hoà không khí, lò điện tử, microwave.
    Ban đầu tôi cũng thích làm quen với họ nhưng dần dà, tôi khám phá ra họ và tôi có nhiều cách biệt. Ngồi trò chuyện với anh Năm tôi thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Không hợp sao được, khi anh Năm và tôi lớn lên cùng xóm, học cùng trường, đi tắm, mò cua, bắt ốc cùng bãi biển. Anh chỉ cần liếc mắt, tôi đã hiểu anh nói gì trong khi những người kia ba hoa cả buổi chuyện trên trời, dưới đất mà tôi có hiểu họ nói gì đâu. Phản ứng anh Năm thật dữ tợn lúc chị Hai cho phép tôi đi chơi với họ. Anh lấy dao đòi giết chị, bị tôi cản lại. Anh ấy muốn giết hết mọi người. Tôi van xin: Chị là người ơn đã cưu mang tôi, là máu mủ của tôi. Anh nói tôi ruồng rẫy, phụ bạc. Tôi cãi lại. Anh đánh tôi. Tôi giằng co và làm rớt con dao trong tay anh. Chị Hai về thấy được, kêu cảnh sát. Họ còng và đưa anh đi. Chị xin trát toà tống giam và cấm anh không được đến gần tôi. Hiện giờ tôi quá rối trí, không biết làm sao. Mấy hôm nay bỗng dưng tôi bị chóng mặt và buồn nôn. Cảm giác thật khó chịu vào buổi sáng. Có điều gì không ổn trong cơ thể vốn khoẻ mạnh của tôi. Trời chắc có lẽ tôi đã lật xuồng cùng anh.

    4. Tình yêu
    Tình yêu có phải đường biểu diễn chỉ số chứng khoán trên biểu đồ của thị trường cổ phần theo từng chu kỳ. Tăng vọt lúc kinh tế phồn thịnh. Tuột dốc theo ngõ hẻm tình ái của giám đốc công ty. Một cuộc cách mạng dư máu. Một nhà tu xé rào, một đam mê thức dậy nơi sỏi đá. Tình yêu luôn hùng biện cho tiếng kêu trống dùi của nó. Nó không bao giờ chấp nhận điều kiện. Vỏn vẹn có hai từ Tình Yêu mà nhân loại bị điên không ít. Tôi loay hoay trong mê lộ tình cảm không đèn. Giờ lại phân vân trước tập hồ sơ cô Nguyễn Thị Ðẹp.
    Cô ấy bỏ đi rồi. Người chị ruột nức nở nước mắt, lem luốc màu chì vẽ và mascara.
    - Cô ơi nó bỏ tôi nó theo thằng chết bầm, chết dịch Mỹ đen lai đó, cô ơi. Tôi không hiểu sao nó ngu si quá. Tôi vì thương em, tìm bạn trai đàng hoàng, tử tế, nghề nghiệp vững chắc, đảm bảo tương lại cho nó. Vậy mà không ưng, lại bỏ đi theo tên trôi sông, lạc chợ, chết đâm, chết chém ấy. Sao văn minh Mỹ không nhốt kỹ lại để nó xổng ra hại em gái tôi hả cô? Biết ăn nói sao với cha mẹ tôi bên Việt Nam bây giờ. Cô cho cảnh sát đi tìm dùm tôi đi cô.
    Giọng kim giờ khàn đặc. Núm ruột tự dưng đứt lìa, đuổi theo tiếng quạ vang rân. Ối ơi!!! Tiếng quạ trong lòng cô gái quá ngọt ngào, êm dịu. Con chim quyên ăn phải nhãn ***g xuất cảng nên bỏ cung son lên rừng tìm mùi dại. Cô Ðẹp đã chọn cho mình con đường tình có bóng mát nên thiếu nắng thừa mưa.
    Tôi chỉnh lại ô điạ chỉ nạn nhân bằng mấy chữ: "Where about unknown" và mơ hồ ngả vào lưng ghế. Trên màn ảnh vi tính, trang wall paper đã sang trang với khung chữ Love vàng rực với cách kết khéo léo bằng những cánh cúc vàng đại đóa.

    5. Tin địa phương:
    Vào lúc năm giờ chiều hôm qua, một bọn cướp có súng, gồm ba người đàn ông đã xông vào gia cư một cặp vợ chồng người Việt. Chúng bắt trói và tra khảo người vợ, bắt khai ra chỗ để tiền và tư trang. Chúng không ngờ người chồng có ở nhà. Ông mang súng từ trên lầu xuống, nả vào bọn cướp. Chúng bắn trả và bỏ chạy. Gia đình chủ nhà may mắn không ai bị trúng đạn nhưng trong bọn cướp có một thanh niên bị thương nơi ngực. Người này được nhận diện là một thanh niên Á châu có giòng máu lai. Nước da đen, tóc quăn, hình như có nốt ruồi đen bên cánh mũi phải. Cảnh sát đang truy nã. Ai thấy được người như hình vẽ đã mô tả, xin báo cho sở cảnh sát...
    Con quái vi tính đang phát thanh tin tức địa phương bỗng bị bể óc gây toàn thân bất toại vì vi trùng con người truyền vào. Tôi rà vội người và bắt được con vi trùng tình yêu ra ngắm nghía. Nó giống như con ong có mật và có độc trong bụng. Làm sao lấy mật mà không bị chích.
    Ring ring r i n g !!
    - Chào cô, tôi là Xinh, chị của Ðẹp. Xin cô hủy hồ sơ của chúng tôi trong máy vi tính vì cơn khủng hoảng tị nạn và đoàn tụ đã qua.
    Tôi ngó vào xác con vật... nó chết mang theo cả chuyện đời lẫn chùm hoa thạch thảo của tôi.

    (10/ 2000)
  10. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Hồ Trường An​
    Nhà văn Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang. Ông sinh ngày 11.11.1938 tại Vĩnh Long ,Việt Nam. Ðịnh cư tại Pháp từ 1977
    Ðã xuất bản :
    Lớp Sóng Phế Hưng
    Phấn ****
    Hợp Lưu
    Nửa Chợ Nửa Quê
    Lúa Tiêu Ruông Biền
    Ngát Hương Mật Ong
    Giai Thoại Hồng
    Chuyện Quê Nam
    Cõi Ký Ức Trăng Xanh
    Tạp Chủng
    Thông Ðiệp Hồng
    Lối **** Ðường Hương
    Tình Trong Nhung Lụa
    Ðêm Chong Ðèn
    Còn Tuôn Mạch Ðời
    Ngát Hương Hoa Bưởi Bông Trà
    Chuyện Miệt Vườn
    Trang Trại Thần Tiên
    Tình Ðẹp Ðất Long Hồ
    Vùng Thôn Trang Diễm Ảo
    Chân Trời Lam Ngọc
    Ðồng Không Mông quạnh
    Hội Rẫy Vườn Sông Rạch
    Gả Thiếp Về Vườn
    Bãi Gío Cồn Trăng
    Ðêm Xanh Huyền Hoặc
    Thuở Sen Hồng Phượng Thắm
    Chân Trời Mộng Ðẹp
    Tình Sen Ý Huệ
    Thai Nghén​

    Tết vừa kết thúc trong buổi cúng lễ hạ nêu; mọi người trong nhà trở lại nhịp sinh hoạt bình thường . Ông Tư và anh Long thuê chiếc ghe lườn, chở lúa ra bán ở các chành lúa ngoài chợ . Anh Hổ lo móc bùn sình bồi líp chanh, líp cam, líp chuối, líp mận trong vườn . Chị Long và bà Tư lo chao các hũ mắm sặc, mắm lóc . Về mùa Xuân, ở các sông rạch, nước trong vắt, nên có nhiều cá lòng tong, cá rói, cá linh, cá cơm . Chị Long có biệt tài làm mắm nêm bằng cá cơm, và mắm cá linh, nên cứ vào mùa Xuân là chị phải bận rộn . Chị Hổ mỗi sáng bơi xuồng đem mắm cùng rau, hoa quả trong vườn nhà ra ngồi bán ở ngoài chợ.
    Năm nay, hai nàng dâu của ông Tư bà Tư đều có bầu, nên dù nói là cả gia đình trở lại nhịp sinh hoạt bình thường nhưng nhịp sinh hoạt đó trôi chậm hơn . Mỗi khi rảnh rang, hai nàng dâu lo đan áo, may tả lót cho hai đứa trẻ sắp chào đời.
    Anh Long mỗi tối vẫn quen thói áp tai vào bụng vợ để nghe nhịp sinh hoạt của bào thai . Anh thường nói:
    - Đứa nhỏ nầy đạp, đánh lung tung trong bụng mẹ . Nếu kiếp trước nó không phải là tay thiện nghệ túc cầu thì cũng là một cao thủ môn quyền cước.
    Chị Long vò đầu chồng, mắng:
    - Bắt chước chú Ba nói xàm hoài đi . Bà già nghe được mắng cho một trận biết thân.
    Chị cảm thấy yêu chồng thêm vì từ khi chị cấn thai, chồng chị như trẻ hẳn ra, bông đùa đậm đà ý nhị lắm . Dĩ nhiên là anh chỉ khôi hài, trững giỡn ở phòng the mà thôi . Khi bước ra ngoài anh lấy lại vẻ trang nghiêm ngay.
    Còn anh Hổ, anh cũng mừng sắp được làm cha, nhưng khi nghĩ tới vợ trong thời gian mang mển, thân thể sẽ méo mó, xấu xí thì anh hơi ngán ngẫm . Nhiều đêm đặt tay lên bụng vợ, anh ngáp dài nghĩ tới cái trách nhiệm làm cha trong những ngày sắp tới.
    Hai nàng dâu cùng bắt đầu hôi cơm tanh cá cùng một lượt . Họ bợn dạ thường xuyên, ói mữa như muốn trút hết mật xanh ra ngoài.
    Một hôm nghe chị Long ho khan, bà Tư bấm đốt tay tính toán rồi nói:
    - Đứa nhỏ bắt đầu mọc tóc.
    Chị Hổ không ho khan như chị Long, nhưng anh Hổ cũng bấm đốt tay, tính:
    - Tháng đầu, cái thai lớn cỡ cái trái chùm ruột, tháng thứ ba nó lớn cỡ hột sầu riêng . Tháng thứ năm nó lớn như trái cà tím, hoặc cỡ trái dưa leo . Tháng thứ bảy nó lớn cỡ trái bí đao . Tháng thứ chín, nó lớn cỡ trái mít.
    Chị Hổ nguýt:
    - Lớn cỡ trái mít thì làm sao em rặn nó cho ra ? Thôi đừng có trù mạt, nói chuyện tầm phào mà xui xẻo.
    Ngôi nhà ông Tư gần sông; trong vườn lại có nhiều ao, bữa ăn, mâm cơm đầy những món ăn bĩ bàng: cá lóc cùng thịt bắp đùi kho nước dừa đệm với trứng luộc, tôm kho tàu nổi gạch đỏ ối, tép chấy thịt ba rọi, mắm chưng, canh rau hoặc canh khoai mỡ... Chị Long và chị Hổ cầm đũa . Ông Tư kèo nài hai nàng dâu cùng ngồi đồng bàn . Chị Long lễ phép nói:
    - Xin ba má cùng anh và chú Ba cầm đũa . Chị em con còn bận việc sẽ ăn sau.
    Bà Tư biết ý, nói:
    - Thây kệ tụi nó . Tụi nó đâu có lý gì cơm nước mà ông mời.
    Chị Hổ xuống nhà bếp, cạo lớp cơm cháy vàng rực, chan một chút nước mắm chưng sền sệt rồi xắt trái ớt sừng trâu rải lên miếng cháy . Chị nhai cơm cháy giòn rụm trong khi chị Long giã tỏi ớt để trộn mắm ruốc xào thịt ba rọi . Cả hai rủ nhau ra vườn bẻ cốc, khế, xoài xanh, me chấm vào mắm ruốc nhai ngau ngáu rồi nhìn nhau chúm chím cười . Có hôm chị Long thò tay vào hũ sành lôi ra dưa cải chua rồi chấm với nước mắm ớt để nhai cho đỡ lạt miệng nữa.
    Mỗi khi đối diện với chị Long, chị Hổ chỉ nhìn cái miệng của chị dâu mình . Môi của chị Long đều đặn, lúc nào cũng như chực nở một nụ cười cầu tài . Hàm răng của chị bóng ngời, khít khao và đều đặn . Đây là chiếc miệng đẹp của người đàn bà thùy mị nhưng vui tánh và... tinh nghịch ngầm . Cái miệng đó hồi còn đi học ở trường Cao Tiểu tỉnh Vĩnh Long thường ưa ăn chùm ruột lén trong lớp, để rồi khi có chồng lại ưa cằn nhằn chồng mỗi khi chị ghen bóng ghen gió . Và chị Hổ cũng không lạ gì cái miệng đó ăn quà vặt đến nỗi chê cơm, nhứt là đang lúc thai nghén . Rồi chị tự hỏi:
    - Còn cái miệng mình thì sao ? Môi mình cũng tươi, răng mình tuy hơi móm, nhưng móm duyên như cô đào cải lương tên Kim Hoàng . Mình lại có cái nốt ruồi ăn quà mọc ở mép . Ừ, cái miệng mình hun chồng cũng giỏi, chửi chồng cũng giỏi, cắn chồng miếng nào là thấm đau miếng ấy, và ăn quà vặt cũng cừ khôi có thua bà chị dâu chút nào đâu.
    Bởi đó, lợi dụng lúc có thai, cả hai tha hồ ăn quà, không sợ mẹ chồng la rầy, quở trách . Mà cái miệng của chị Long, lẫn cái miệng của chị Hổ thiệt cắc cớ, kỳ cục . Gặp món ngon vật lạ, họ lại không thích, họ chỉ tìm những món lặt vặt, tầm thường . Họ thích ăn con ruốc chấy tóp mỡ rồi cuốn bánh tráng, rau sống chấm nước mắm ớt . Họ ăn ốc lác, ốc bươu luộc chấm nước mắm sả ớt . Họ ăn ốc len xào dừa, ăn bánh đúc rắc tôm khô xào, ăn bò bía, khô bò, trứng vịt lộn... Vậy thôi! Nghĩ tới cơm gà, cá gỏi, nem nướng, bún chả là họ ngán ngược rồi.
    Cái thai hành giảm lần . Cơn ói mửa, bợn dạ cũng thoảng qua . Vừa khi cả hai thèm ăn món ngon vật lạ thì bà Tư truyền lịnh:
    - Tụi bây phải ăn chay một tháng để cầu Phật Bà Quan Âm phù hộ đẻ con trai, hoặc nếu đẻ con gái thì đứa nhỏ cũng được mọi người yêu mến vì đã có trồng gốc phúc đức từ bao kiếp trước . Má cũng ăn chay với tụi bây cho vui.
    Hai nàng dâu tuân lịnh, dạ ran . Họ bắt đầu nghĩ các món chay thích khẩu . Bà Tư có làm món tương ta gồm có cháo nếp nêm muối nấu với đậu nành rang giã nhỏ để chấm gỏi cuốn chay hoặc bánh đúc . Ba còn biết kho mắm chay bằng nước tương trộn chao đỏ và kho chung với nấm rơm, cà tím, sả, ớt... Hai nàng dâu còn làm thêm chả giò chay, bì cuốn chay, mắm thái chay ăn với rau sống, cải xà lách . Họ cứ tìm tòi chế biến các món chay cầu kỳ hơn nào là nem chay, bún cà ry chay, hình thức khá giống món mặn . Tới khi hết món để chế biến họ đi hái rau vừa luộc để chấm tương hột hoặc vừa nấu canh . Được nửa tháng, chị Hổ thèm món mặn một cách khổ sở, còn chị Long cứ nằm chiêm bao thấy những miếng thịt quay trên sàn bún trắng, những miếng thịt vịt chấm nước mắm gừng, những miếng thịt ếch, thịt rùa, thịt lươn, thịt chim... Hồi còn nhỏ, chị Ở nhà quê với ông nội chị . Ông là tay nhậu chẳng những ăn chim, ếch, rắn, lươn, rùa, cua đinh, mà còn ăn được thịt chó, thịt dơi, thịt kỳ đà, thịt sấu nữa . Bởi do nhờ ông mà chị biết ăn đủ mọi thứ thịt kỳ quái cho tới khi lấy chồng . Giờ đây, đang lúc mang thai và lúc ăn chay, chị càng thèm những thứ thịt kia.
    Thấm thoát mà đã vào tháng bảy . Mùa mưa đã vào khá sâu rồi . Chuối sứ, chuối cau mọc sởn sơ . Đêm nằm nghe mưa rơi trên tàu chuối thiệt là thú vị . Anh Long cứ lo nếu mà mưa liên tiếp ba ngày thì anh phải đào mương tháo nước ở dãy đu đủ, kẻo đu đủ chết vì úng thủy . Vợ anh mỗi khi vào giường là ngủ ngay, nhưng giấc ngủ không sâu . Thỉnh thoảng chị thức dậy uống nước, đi tiểu.

Chia sẻ trang này