1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuyển tập truyện ngắn hải ngoại

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi Julian, 02/12/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Hồ Trường An
    Thai nghén (II)​
    Anh Long nói:
    - Mai mốt, ba má cho cất thêm hai căn nhà gần nhà nầy dành cho chú Ba và thím Ba . Nhà lợp lá, nhưng nền lót gạch tàu và vách ván, bổ kho.
    Chị Long tán thành bằng ánh mắt . Anh Long lại đùa:
    - Ba má nghĩ cũng phải . Phải cất nhà thêm chớ . Biết đâu rồi đây em sẽ đẻ nhiều như heo nái, thím Ba sẽ đẻ sai như chuột bạch thì nhà nầy còn chỗ đâu mà chứa hết lũ cháu nội ?
    - Rầu quá anh cứ khôi hài những chuyện gì đâu ấy.
    Riêng vợ chồng anh Hổ thì thích thức khuya để bàn tán về tên đặt cho đứa con, về cách nuôi dưỡng, giáo dục . Chưa chi mà anh Hổ đã thấy cái trách nhiệm đang tròng lên cổ mình từ lúc chị vợ được báo tin mang bầu.
    Đêm yên tĩnh . Thời tiết oi bức, sắp chuyển mưa . Ếch nhái kêu râm ran ở ngoài ao mương . Rồi mưa rào rào trên mái ngói, lòng chị Hổ rộn rã . Mưa từ xa kéo về từng đợt . Trong vườn, rau dịu rồi đây sẽ thêm xanh um . Rau càng cua sẽ thêm mọng nước . Rau đắng biển ngoài sở ruộng nhà sẽ thêm mượt mà . Mưa tháng bảy chan rưới nguồn sống cho rau cỏ . Ở vạt đất trồng rau, cây bạc hà mà người Bắc kêu là cây dọc mùng dùng để nấu canh chua càng mập mạp và nẫy thêm chồi mới . Lá rau tần phủ một lớp lông mịn như tuyết nhung . Rau húng, rau quế mọc lan, lấn lướt những mầm cỏ dại . Rồi đó, chị nghĩ tới một mầm sống đang tăng trưởng không ngớt trong bụng mình . Cái thai cứ chòi đạp luôn . Chị nói với chồng:
    - Đứa con nầy em chắc nó là trai . Nó nghịch ngợm quá, cứ đạp luôn . Chắc nó rắn mắt giống tía nó.
    - Không, anh linh cảm em sẽ sanh con gái . Anh thích con gái hơn.
    - Em thích con trai đầu lòng . Sau đó em sẽ sinh cho anh năm đứa con gái.
    - Con gái đầu lòng sẽ phụ giúp cho mẹ giữ em, quét nhà, nấu cơm.
    Chị Hổ trề môi:
    - Ăn nói dại dột đi . Có con gái là phải cho nó học chữ, học nữ công, chớ đừng bắt nó làm hết mọi công việc nhà mà nó thua chị kém em với bạn gái hàng xóm.
    Không bao giờ chị Long và chị Hổ nói với chồng họ cái miệng thèm ngã mặn của mình . Một tháng trường chay sao mà trôi qua chậm chạp quá! Còn thời kỳ mang bầu sao kéo dài quá; chín tháng mười ngày đối với họ như cả một thế kỷ . Chị Hổ mơ mộng sau khi sanh nở xong, chị sẽ mặc áo đẹp, đánh phấn tô son rồi đi ra tỉnh chụp một vài kiểu ảnh . Chị Long tính thầm sau khi cái bụng mình xẹp xuống, chị sẽ may một chiếc áo dài bằng cẩm vân màu xanh lợt và một chiếc áo cẩm kim trắng nổi li ti những chấm sáng ngời rất hợp với chiếc quần cẩm tự đen mà chị đã may hồi năm ngoái trong dịp Tết Đoan Ngọ.
    Trong khi hai nàng dâu khoắc khoải đợi chờ thì công việc xây cất nhà dành cho vợ chồng anh Hổ tiến hành . Ông Tư còn hứa sau mùa lúa năm tới, ông sẽ mua ngói về lợp . Thế là ý định ra riêng của vợ chồng anh Hổ không thành . Tuy nhiên, chị Hổ cũng mãn nguyện . Có căn nhà riêng, chị tha hồ hun hít trững giỡn với chồng, hoặc có khi chồng chị chọc chị nổi sùng chị có thể cấu véo chồng cũng không có ai hay.
    Một sáng trong khi làm món gỏi cho cha chồng nhắm rượu, chị Hổ đã bị một cái " sốc" thiệt mạnh chạm vào tâm não . Gỏi nầy gồm có tôm nướng trộn với bưởi, rau răm . Những múi bưởi được gở hết xơ, rồi xé những tép màu hồng non ra để trộn với thịt ba chỉ thái mỏng, tôm nướng xé tơi, rau răm xắt nhuyễn, và sau khi chan nước mắm dưa kiệu, lại được rãi một nhúm đậu phọng rán giã nhỏ . Chị nhìn món gỏi như nhìn con ma cám dỗ trá hình.
    Trưa hôm đó, mâm chay lại có món kiểm . Món nầy giống như món lạp bát chúc của Tàu, nhưng không nấu với gạo tẻ, gạo nếp và đường đỏ, mà chỉ dùng rau đậu như đậu đũa, bí rợ, rau cần ta, khoai lang, khoai mì nấu trong nước cốt dừa . Hai nàng dâu ăn kiểm lấy lệ cho vui lòng mẹ chồng . Đầu óc họ có vẻ lơ lửng, sắc mặt và cái nhìn họ có vẻ xa vắng thế nào ấy!
    Sau bữa cơm, bà Tư tuyên bố phải ngủ trưa một giấc vì đêm qua bà sấy cau khô tới quá nửa đêm . Day qua day lại, không thấy mụ chị dâu ở đâu, chị Hổ nghĩ rằng chị Long có thể đi qua nhà cô Hai Tiểu Thuyết để tán dóc . Chị muốn qua nhà cô nầy mượn cái kéo về cắt chiếc quần lá nem bằng lãnh đen . Cô Hai Tiểu Thuyết tuổi ba mươi ngoài, ở cách phần đất hương hỏa của ông Tư một dãy rào bằng tre bện thêm hàng cây xương rồng . Cô có che một mái tôn ở ngoài chợ cho mướn tiểu thuyết, truyện kiếm hiệp, truyện tàu nên chòm xóm kêu cô là cô Hai Tiểu Thuyết . Vả lại, cách nói chuyện của cô cũng rặc mùi văn chương tiểu thuyết nào là: " đôi lứa đầu xanh, tổ ấm, tâm sự, tâm hồn... " Đó là những tiếng mà dân miệt vườn miền Nam ít khi xài tới.
    Chị Hổ quơ chiếc nón Gò Găng đội lên đầu, men theo con đường rải vỏ hến, vỏ sò đến nhà cô Hai Tiểu Thuyết . Chiếc cửa ngõ mở hé hé . Hàng cây mận thiêm thiếp say nắng . Trong nhà bếp có tiếng cười đùa của chị Long và của cô Hai . Chị Hổ đi nhẹ, lén coi họ làm gì.
    Trời, chị có lầm chăng ? Giữa căn bếp ám khói, cô Hai Tiểu Thuyết và chị Long đang ngồi ăn bún kèm với mắm sống, thịt luộc . Trời ơi, mụ chị dâu chằng ăn trăn quấn, mụ chị dâu thuồng luồng hổ mang dám ngã mặn ngang xương . Thôi, chị biết hết rồi, mấy hổm rày hèn chi chị Long cứ giả đò đau bụng luôn, nên ăn cơm nhà rất ít.
    Hai người đàn bà ngồi chồm hổm đối diện với nhau . Giữa họ là một chiếc mẹt lớn trải lá chuối xanh tươi . Bún bày trên từng miếng lá chuối có bày chuối khế cắt lát tròn tròn . Mắm lóc xé từng miếng phơi thịt đỏ hồng . Một khúc thịt luộc dài cỡ hai gang tay nằm bên mớ xà lách, rau thơm cùng khế và chuối chát xắt mỏng . Ủa còn thêm mớ tôm thẻ vừa bóc vỏ, màu hồng tươi như san hô nữa chi . Chị Long cầm dao xắt thịt cho mỏng rồi cùng cô Hai Tiểu Thuyết cuốn mắm, thịt luộc và tôm luộc trong lá cải xà lách đệm thêm rau thơm, cùng ớt, khế, chuối chát . Họ nhai ngau ngáu . Trời ơi, miệng cô Hai Tiểu Thuyết là miệng La Sát, còn miệng chị Long là miệng Chằng Tinh; họ nhai nuốt thiệt mau, miệng nhồm nhàm, mồ hôi rịn ở mũi và màn tang . Thỉnh thoảng cô Hai Tiểu Thuyết cầm ly la ve nổi bọt vun chùn và lợn cợn những miếng nước đá trong vắt đưa lên miệng ực nghe một cái " trót," còn chị Long thì uống " xi-rô" nước đá màu hồng tươi như ngọc lựu...
    Qúa thể rồi! Chị Hổ không tài nào chịu đựng nổi cơn hành hạ tinh thần như vậy . Nước miếng của chị ứa ra, lưỡi của chị như hóa lõng . Không lẽ chị nhào vô ăn ké . Dù gì thì dù chị phải giữ thể diện trước mặt chị dâu.
    Chị Hổ quay về nhà, lấy tiền rồi cỡi xe đạp, đi ra chợ tỉnh cách nhà ông Tư bốn cây số . Chị tìm đến cửa hàng bán bún thịt nướng của bà Năm Hiệp, vì chị vốn là khách quí của bà.
    Vừa thấy mặt chị Hổ, bà Năm liền đon đẻ:
    - Mẹt mẻ ơi, mợ Ba Hổ! Hèn lâu không thấy mặt mợ . Vào đây chơi, mợ . Tui còn bán dậm thêm bánh xèo, bánh khọt nữa mợ à.
    Chị Hổ dựng xe đạp ngoài quán, rồi hăm hở bước vào . Đã trót thì phải làm cho lọt . . " Tới đây không hát thì hò . Không hò không hát chớ mò tới đây ." Chị phải ngã mặn . Lưỡi của chị cứ ứa nước lõng, khó chịu quá rồi! Phật từ bi hỉ xã cho chị . Trong tranh, trong tượng, Phật nào cũng nhắm mắt, làm lơ chuyện thế gian cả . Phen nầy, chị phải ăn cho thích khẩu . Cái tuồng mặt thùy mị của chị Long mụ giả dối, điêu ngoa, dám ngã mặn trước chị.
    Hai cái gỏi cuốn chấm tương trộn tỏi ớt chưa đã đâu . Cho thêm hai cái bì cuốn nữa đi bà Năm . Chà, nước mắm ớt đệm dưa kiệu xé nhỏ trông ngon mắt quá! Chưa thấm tháp gì sau khi ăn hai cái bì cuốn . Thôi thì cho con mãng xà nầy một tô bún bò xào đi . Có xá xị đó không ? Cho một chai đi, nhớ cho thêm nước đá nghen . Thịt bò xào củ hành, sả ớt, đã thơm điếc mũi, lại còn thêm mùi đậu phọng rang giã nhỏ nữa . Ủa, tui mới vừa lủm vài miếng mà tô bún hết mau quá . Thôi thì bà Năm cho thêm cái bánh xèo, nhớ lấy thêm rau sống, dưa leo . Ý chu choa, bụng mình bắt đầu nặng như chiếc ghe chở khẳm rồi đây . Mình ăn như La Sát, Chằng Tinh . Cái miệng mình là miệng cá mập, cá xà, nhưng cái bao tử của mình thì có giới hạn . Ngày mai mình sẽ ra đây tìm ăn bánh cống, ăn mì, hoành thánh, cháo thập cẩm... ăn cho tới tán gia bại sản, bán chồng đợ con luôn... Chỉ có một bữa ngả mặn mà óc hài hước của mình bắt đầu khai triển giống như óc đức ông chồng trời ơi đất hỡi của mình . Bây giờ mình no cành hông, mình yêu đời quá! Kìa có hai chiếc nem chua, để làm chi cho xốn mắt ? Bán luôn cho con mẹ chửa nầy đi bà Năm . Bộ bà chê tui ăn không nổi nữa hả ? Nè, bà coi nè... Hôm nay tui ngã mặn mà . Tui ăn ngoạn mục, ăn hào hùng cũng như Tống Giang, Lý Qùy ăn thịt trâu, uống rượu vậy . Một khi đàn bà chửa ăn hàng, tức là đứa con trong bụng mẹ cũng được ăn luôn . Bởi vậy tui mau đói lắm . Hổng chừng chút nữa tui quay trở lại " ních" thêm một chục bánh khọt cuốn rau sống, chấm nước mắm cay, hoặc tui " khỉa" thêm vài cuốn chả giò . Tui không ăn thì thôi, chớ một khi mà nhúng mỏ vào rồi thì tôi ăn như tằm ăn lên, tui táp nuốt như heo nái táp cám sú trong ảng vậy.
    Chiều hôm ấy, mâm chay, hai nàng dâu ăn ít như chim . Chị Hổ nhìn chị Long soi mói, làm chị nầy đỏ mặt tía tai.
    Đêm hôm đó, nằm bên cạnh vợ, anh Long còn nghe mùi mắm nương theo hơi thở của vợ . Anh kêu lên:
    - Hình như em có ăn mắm, phải không ?
    - Hồi nào ? Anh đừng có đặt điều.
    - Miệng em hôi mắm lóc.
    Chị Long rít lên:
    - Vô duyên! Khéo nói xàm, bà già mắng cho coi.
    - Mà em có ăn mắm hay không ? Nói đi, anh giữ kín cho.
  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Hồ Trường An
    Thai nghén (III)
    Chị Long ngoe nguẩy:
    - Không . Em buồn ngủ quá, đừng có nói bậy nữa.
    Hồi trưa, chị Long quên rửa tay bằng xà bông sả, sau khi ăn mắm . Chị cũng quên ngậm kẹo bạc hà để hơi thở thơm tho . Chị tự nhủ, bận sau mình nên có ý tứ hơn.
    Ở buồng bên trái, anh Hổ cứ nghe vợ sôi ruột luôn . Anh khêu đèn sáng, rọi lên mặt vợ . Chị Hổ the thé:
    - Làm cái gì kỳ cục vậy ?
    - Anh muốn soi mặt em, để xem em có thành thật ăn chay không.
    Chị Hổ chột dạ, nhưng cũng làm bộ nghiến răng:
    - Ủa, thằng cha nầy hôm nay sao ăn nói kỳ cục vậy kìa ?
    Anh Hổ cười đắc chí:
    - Chém chết con vợ tui cũng đi ăn hàng lén.
    - Thằng cha nầy ăn nói đảo điên.
    - Mà nó nói trúng!
    - Nói trật!
    - Anh mà nói trật thì khi tắm sông cho ma da rút anh đi . Trưa nay, tình cờ anh gặp em ở cửa hàng bún của bà Năm Hiệp bước ra.
    Chị Hổ cười ruồi:
    - Em đi thâu tiền hụi.
    - Đi thâu tiền hụi vào giữa tháng à ? Cái con vợ nầy lẻo mép không đúng chỗ, đúng cách.
    Chị Hổ cười ha hả, đập tay vào chồng:
    - Sao lúc đó anh không kêu em ?
    - Kêu làm chi cho em mất mặt.
    Anh Hổ hun vợ ngon lành rồi hỏi:
    - Em đói chưa ?
    Chị Hổ lim dim:
    - Cũng hơi đói . Chiều nay em chỉ ăn có nửa chén cơm với đậu hủ kho tương.
    - Anh có mua hột vịt lộn cho em.
    Mặt chị Hổ sáng lên . Chị hun chồng ngon lành:
    - Anh thiệt là tri kỷ của em . Hột vịt lộn đâu ? Đem ra đây! Anh ăn một, em ăn hai . Em ăn là ăn dùm cho con của anh luôn đó chớ . Em mê hột gà lộn trái vải, hột vịt lộn úp mề, anh ơi!
    * * *
    Sáng hôm sau, chị Hổ giở lịch rồi kêu lên mừng rỡ:
    - Té ra, mốt đây kỳ trường chấm dứt.
    Bà Tư đang ngồi bên khay trầu, liếc xéo con dâu út:
    - Ừ thì mốt . Tao biết mà, tụi bây chờ đợi ngày hết ăn chay lắm mà . Như vậy thì làm sao cầu phước cho linh ?
    Chị Hổ cười mơn:
    - Con có đợi ngày hết ăn chay bao giờ ? Chẳng qua tình cờ mở lịch ra coi, con nói cho má biết vậy thôi.
    Bà Tư nói:
    - Mầy vừa coi lịch, vừa kêu om lên, giọng hí hửng lắm mà . Hồi nhỏ tao ăn chay từ tháng nầy qua tháng nọ mà sao tao không mơ tưởng gì đến món ăn cả . Bởi vậy thời bấy giờ là thời mạt pháp, chúng sanh thiếu tín, nguyện, hạnh thì dẫu có tu cũng uổng tương, uổng chao mà thôi.
    Anh Hổ nhìn vợ, nheo mắt . Chị vợ làm như không biết có chồng ở đó, cất giọng thiệt êm:
    - Thì con cũng rán tập ăn chay lần hồi . Mới lúc đầu mà ăn ròng một tháng, tránh sao khỏi xót ruột rồi mơ tưởng tới thịt cá ?
    Bà Tư " hứ" một tiếng dài rồi têm trầu nhai chóc chách . Chị Hổ tìm chị Long báo tin kỳ trường trai sắp mãn . Chị Long cười điềm đạm, nhưng ánh mắt nghịch ngầm . Chị Hổ hỏi gặng:
    - Chị mừng không, chị Hai ?
    - Ừ thì... cũng mừng.
    - Mừng nhiều hay mừng ít ?
    - Thím mừng bao nhiêu thì tui mừng cũng như vậy.
    Hai chị em cùng cười . Chị Hổ làm bộ kêu lên:
    - Thèm mắm lóc xé nhỏ ra ăn kèm với thịt luộc, tôm luộc quá, chị Ơi!
    Chị Long tủm tỉm:
    - Cứ qua nhà cô Hai Tiểu Thuyết là có ngay.
    - Chị qua với em nghe . Mà chị... đã qua nhà cô chưa ?
    Chị Long phì cười, háy em dâu một cái rồi làm bộ mắc cở:
    - Tui đã... qua rồi . Thím có thương thì... giữ kín dùm cho.
    Nói tới đây chị Long trở vào bếp nấu cháo, dọn điểm tâm . Sau đó, trong bếp, thừa lúc vắng mặt mẹ chồng, chị bảo em dâu:
    - Thím ghê lắm nghe thím Ba ! Thím biết tui ăn lén nên thím bóng gió nọ kia . Nhưng tui cũng biết thím ăn hột vịt lộn lén hồi đêm qua; vỏ hột vịt lộn bỏ ngoài líp mía.
    Chị Hổ cười híp mắt:
    - Chị chỉ biết có bây nhiêu đó thôi . Chớ thiệt ra em ngã mặn từ trưa hôm qua, sau khi em bắt gặp chị với cô Hai Tiểu Thuyết.
    Chị Long vẫn cười điềm đạm, nét đoan trang thùy mị dễ ưa lòng người . Chị nói nhỏ:
    - Trưa nay, cô Hai có đổ bánh cống . Thím có rảnh qua chơi... Bấy lâu nay, tui muốn rủ thím ngã mặn cho có chị có em với nhau, muốn mở miệng là tui cảm thấy nhột miệng quá nên... đành thôi vậy . Thiệt tình, tui đâu có... xấu bụng, món ngon muốn hưởng một mình.
    Hai chị em nắm tay rủ nhau đi ra ngoài vườn hái rau . Nắng lên cao . Những ngọn cải trời xanh tươi mềm mại . Những ngọn rau tập tàng mơn mởn điểm giọt sương mưa lóng lánh . Rau dịu lá nhỏ lăn tăn mọc len qua những phiến gạch nâu hồng trên lề lối đi . Lá ngò gai viền gai lấm tấm ở rìa lá, từ mép cọng đâm thẳng ra ngoài, vóc lá mịn lóe sao dưới nắng.
    Cả hai lơ đảng nhìn những mảnh ao, bàu trong vườn phản chiếu sắc trời xanh lơ . Những ao, bàu đó cắm đầy chà để cho cá tôm làm ổ . Cứ cách ba tháng anh Hổ, anh Long tát ao bắt cá một lần . Giờ đây, mặt ao phẳng lặng như gương, nổi lốm đốm những lá bông súng hoặc những dây rau nhút mọc dài.
    Mỗi khi đồng lõa làm chuyện gì lén lút mẹ chồng, hai chị em dâu cảm thấy thân thích nhau hơn . Thiệt tình, họ chẳng phải yêu mến nhau như chị em ruột, nhưng khi nhìn cái bụng của mình, họ biết rồi đây những đứa con của họ sẽ buộc họ vào guồng máy gia đình nhà chồng chặt chẻ hơn . Họ phải nhận quê chồng làm quê mình, họ hàng chồng làm họ hàng mình . Vả lại người đàn bà hiền hậu như chị Long, ai mà giận cho được ? Còn kẻ vui vẻ, khá tốt bụng như chị Hổ, ai mà mích lòng cho đành ? Hơn nữa, tình anh em giữa anh Long và anh Hổ thiệt khắng khít . Qua họ, chị Long và chị Hổ cảm thấy giữa chị em dâu đã có một sợi dây, dù mong manh nhưng đã trói buộc cả hai với nhau.
    Chị Long khuyên:
    - Còn hai ngày chót... mình rán giữ gìn cho khéo, kẻo bà già phật ý . Tối nay, rán thức nghe bả tụng " kinh Phổ Môn" và " kinh Dược Sư ." Đừng có ngủ gục mà bà nổi dóa.
    Hết
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Hồ Đình Nghiêm
    Bữa ăn trên cỏ (I)​
    Khi tiếng chuông nhà thờ ngừng đổ, mọi thứ tiếng động giữa lòng đường bỗng chốc dâng cao. Tạp nhạp, trôi chảy, không gián đoạn. Hai cây kim đồng hồ trên nóc giáo đường chuyển dịch, một kiếm ngắn một kiếm dài tách rời hẳn và mặt trời giữa ngọ như theo đó mà đứng bóng, ngập lụt sắc lửa vàng cháy. Những chuyến xe buýt không ngừng thả khách xuống và đàn bồ câu thì hầu như lúc nào cũng tụ tập đông đảo trước khoảng sân rộng dẫn vào chốn tôn nghiêm.
    Mười hai giờ năm, mười hai giờ bảy, mười hai giờ mười phút. Gió làm bay những mái tóc vàng đứng đợi đèn đường chuyển màu. Làm không khí đậm mùi nước đái những cổ xe ngựa lọc cọc chở du khách đi về phía cuối thành cổ, ở đó khẩu đại bác của mấy thế kỷ trước vẫn không hề hoen rỉ, xanh bóng màu đồng nhô ra khỏi pháo tháp như muốn thách đố một điều gì trong câm lặng. Sông St-Laurent chạy một đường viền sáng ngời, cắt rõ biên giới giữa bụi bặm nhiệt náo với từng không lặng lờ một màu xanh chẳng gợn bóng mây.
    "Làm phiền anh chụp cho bọn tôi một tấm ảnh." Người thanh niên trao cái máy nhỏ và nắm tay cô bạn gái đi thụt lùi. "Có thấy bức tượng ở đàng sau không? Cái nút đỏ ấy, chỉ việc bấm nhẹ là xong." Hai mái đầu tựa vào nhau, người con gái vuốt lại tóc và trong ống kính bức tượng người cầm gươm mình mẩy đen đúa hoen ố cả *** chim. "Cám ơn." Họ đồng loạt nói. Người con gái đưa bàn tay che ngang trán như kiểu chào của lính, đôi mắt nheo: "Họ bảo nhà thờ ấy linh thiêng lắm phải không?" Cô đeo ba-lô sau lưng và tuồng như cô đến từ một nơi chốn khác, trước mặt còn dài những ngày nghỉ hè. "Tôi cũng không rõ. Có thể là như vậy." Họ gửi lại hai nụ cười khác nhau rồi tay trong tay níu kéo đi xăm xăm, đội nắng tới lãnh địa của Chúa.
    Thoảng trong gió có mùi hương quen, gần gũi:
    "Xin lỗi, tôi đến trễ. Khiếp! Hôm nay là ngày gì vậy cà?"
    "Thứ sáu, nhưng không phải mười ba."
    "Có lễ lạc gì không? Người đâu mà đông thế!"
    Anne nhìn dớn dác, cuối cùng cô chỉ tay về một bãi cỏ xanh nằm trên đồi thấp. "Lại đó đi." Anne mặc chiếc váy rộng và gió như có cớ để đùa nghịch: khi thổi phồng nó lên, khi dán chặt vào đôi chân vướng víu. Thuốc ngừa đổ mồ hôi nách thơm thứ mùi hương nồng đậm, ngửi thấy ngầy ngật như bị say nắng.
    "Tôi có mua bánh mì thịt nguội và luôn cả nước ngọt. Nhưng đó không phải là lý do khiến tôi đến trễ."
    "Tôi đợi không mấy lâu, tuy vậy tôi ngỡ là mình đã nghe lầm điểm hẹn. Nhà thờ. Hình như gần đây còn có một cái giáo đường khác?"
    "Ừ, nhưng nó không cổ xưa và tiếng tăm như cái này."
    "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ thì vẫn hơn."
    "Cũng tùy. Đông đúc thì dễ hòa lẫn vào. Sao, mọi chuyện có gì thay đổi không?"
    Anne hỏi trong khi kề sát đầu vào để hôn. Hơi thở nóng, như người đang nhuốm bệnh; và thứ kẹo cao-su mà cô đang nhai mùi vị hệt như thuốc xi-rô trị cảm cúm ho hen.
    "Hiện tại thì chẳng có gì đổi thay."
    "Con Kathy hôm nay nhác chơi. Từ nhà trẻ đi ra, nhìn lui vẫn thấy nó ngoái trông. Mặt buồn bã, tội nghiệp."
    "Nó mấy tuổi rồi nhỉ?"
    "Bốn."
    "Sách vở y khoa bảo là con nít phải tới mười tuổi mới ý thức được cái chết. Sự sợ hãi cũng như nỗi buồn khổ khi thiếu thốn."
    "Nói vậy nghĩa là sao?"
    "Là bốn tuổi thì nó có hề băn khoăn vì không thấy mặt cha?"
    "Tôi không biết. Hình ảnh những thằng đàn ông đến đón con ở nhà trẻ chắc có gieo vô trí óc nó một dấu hỏi... Tôi cũng vậy, tôi cần có một người đàn ông sống ở trong nhà. Bóng đèn bị cháy, bồn rửa chén bị nghẹt, đêm hôm trái gió trở trời... mấy cái lẻ tẻ đó cũng làm phiền mình lắm."
    Khá đông người đang chiếm cứ nằm ngồi trên bãi cỏ. Mình trần hoặc xiêm áo chỉnh tề. Ăn uống, hút thuốc, hôn nhau, chuyện trò hoặc nằm ngủ dang cả tay chân. Tuy vậy, đó là những nơi ngập nắng. Anne kiếm không mấy khó một bóng mát và thật kỳ lạ, bóng mát nào cũng ế ẩm chuyện "lấn đất dành dân." Cô lấy từ túi ny-lông ra tờ nhật báo, khom mình trải rộng nó trên cỏ. Áo khoét rộng cổ cho hợp với thời tiết và thấp thoáng ở đằng sau những hạt nốt ruồi vẫn còn nằm nguyên vị trí cũ. Ngực Anne không lớn và có thể con Kathy không hề được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Ngực Anne nhỏ và điều đó như làm cô mang ngầm một nét quyến rũ riêng tây. Săn chắc như một thiếu nữ chập chững đi tới cánh cửa dậy thì.
    "Công việc như thế nào?" Anne hỏi khi cô bày thức ăn trên mặt báo. Tờ Journal de Montréal bao giờ cũng trình bày lem nhem những co chữ lộn xộn và nó có khối người đọc bởi chuyên đăng tải những chuyện bậy bạ. Cha ngủ với con gái. Mẹ ngủ với con trai. Đại loại thế. Tuy vậy, hiểu cho tường tận những chuyện lắc léo kia thì vốn liếng Pháp văn cũng không đến nổi tồi. Chỗ nào còn ẩn khuất chưa thấu đáo thì cứ hoa tay múa chân cũng có ngày sáng mắt trước mọi thứ. Luân thường đạo lý, luật pháp và luật sống. Những cái đó tựa như động từ bất quy tắc mà mỗi người có một cách chia khác nhau, tùy nghi loay hoay sử dụng.
    "Công việc? Vẫn vậy. Mệt mề như một cổ máy thiếu xăng dầu."
    "Can đảm lên. Mình không có sự lựa chọn nào khác. Đúng không? Ăn cái này đi, tôi mua ở cửa hiệu chuyên nhập thực phẩm từ bên Pháp qua."
    Khúc bánh mì dai, mùi mù-tạt nồng cay và những con ruồi từ đâu sớm làm kẻ thăm viếng. Có con lì lợm xua không bay. Có con từ tốn bò chậm rãi từ cổ chân lên tuốt đầu gối để trần của Anne. Những sợi lông măng vàng óng như nhụy phấn hoa, và ở thế ngồi bất cẩn kia gió có thể bất chợt thổi bay những gì vướng viú đang lay động trước mắt.
    "Chiếc váy này mua tháng trước mà giờ này coi bộ mặc muốn chật rồi."
    "Anne mệt không?"
    "Đâu phải lần đầu. Lâu lâu hơi nhón người một tí thôi. Và hồi hộp."
    Anne uống một ngụm nước ngọt. Trán cô ta lấm tấm mồ hôi, như lon nước cam ứa từng giọt nước ngoài vỏ nhôm mát lạnh.
    "Hôm qua lại đụng mặt bố con Kathy, thật là phiền nhiễu!"
    "Chuyện gì đã xẩy ra?"
    "Chẳng có gì. Tuy nhiên tôi nghĩ là nên dọn đi một nơi khác. Cho khuất mắt!"
    Mắt Anne nhìn xuống con đường đổ xuôi bên hông nhà thờ. Đường lát gạch nhấp nhô, phía trên căng tấm biểu ngữ quảng cáo vở kịch "L?Tenfer, c?Test les autres." Tấm vải màu vàng cũng nhấp nhô căng gió, hắt xuống đất vằn vện từng vệt đen di động.
    "Đôi lúc nằm ôm con Kathy giữa đêm khuya, tôi thấy căn phòng rộng thoáng như một cánh đồng. Tôi yếu đuối và tôi nhớ tới bạn rất nhiều. Nhà thờ kia rất linh, người ta bảo thế, có lẽ một lúc nào đó chúng ta nên bước vào cầu xin một điều gì chăng?"
    "Trước đó hãy lựa sáu con số mà mua cái vé số. Cầu xin? Những đứa giàu có thường là những tên chẳng thèm tin chuyện dị đoan, huyền bí."
    "Nói cũng đúng. Nhưng mà trước khi đời lên hương, bọn đó hẳn phải sống qua những ngày hoang tưởng như chúng ta. Này, hè tới bọn mình chính thức ở chung với nhau nhé?"
    Anne lật tìm từng trang báo, sau cùng thì cô rút lên một tờ. Có nhiều vòng tròn làm dấu bằng viết đỏ, Anne cúi đầu đọc sau khi cô nghĩ ô quảng cáo ấy coi bộ bắt mắt nhất: "Ba phòng rưỡi, nhà mới sửa, có bếp điện và tủ lạnh, gần trường học, gần bệnh viện, gần métro Place des Arts. Giá bốn trăm chín lăm đồng một tháng. Xin điện thoại sau sáu giờ, số bla, bla, bla... Ngó được quá đi chứ?"
    Anne đổi thế ngồi, mặt thoáng nhăn nhó. Một tay xoa nhẹ lên bụng và tay còn lại ném những vụn bánh mì ra xa cho chim ăn:
    "Sao không nói gì cả vậy?"
    "Tôi đã chuẩn bị tinh thần, nhưng vẫn không tránh khỏi nhiều lo ngại."
    "Về điều gì? Trong số báo này tôi đọc thấy một câu khá hay đăng ở mục trả lời những rối rắm của đọc giả: ?~Người ta sẽ đi suông sẻ trên đường nếu trong tâm họ sắt son một lòng thương yêu?T."
    Anne vuốt lại đầu tóc, cởi vòng cao su tròng ở cổ tay để cúi mặt cột túm sau ót thành một cái đuôi ngựa.
    "Mai tôi đi nhuộm nó thành màu đen nhé?"
    "Để làm gì? Hớt ngắn cho mát mẻ thì có lý hơn."
    "Ừ thì hớt ngắn và sau đó nhuộm đen mun cho hai đứa mình giống nhau. Màu đen e là màu mạnh nhất trong các màu. Chị tôi dạo đó ở với thằng John, sinh đứa nhỏ ra da dẻ đen bóng. Tôi nói với bả, sao kỳ vậy cà, chị chế sữa vô ly cà phê thì cái chất nước đen kia phải đổi màu chứ? Một đứa bé có làn da màu cà-phê sữa thì chắc là ngó đặng hơn. Đưa tay cho tôi. Có thấy gì không?"
    Bụng Anne tròn, cứng. Như một kẻ háu ăn đang ngồi thở dốc vì bội thực. Cách một lớp vải mỏng nhưng có thể biết được đâu là vị trí vết sẹo nằm vắt ngang. Con Kathy chào đời bằng lối đó. Bốn năm rồi, những đường kim mũi chỉ đã chìm dấu và tương lai, trên khoảng da bụng căng láng kia người ta sẽ không nương tay cầm dao rạch thêm một lỗ hổng mới. Chẳng còn hạ sách nào khác. Anne cho biết là lần này cô sẽ yêu cầu bác sĩ cắt bỏ buồng trứng luôn. Cho tiện việc sổ sách.
    "Mai tôi đi bệnh viện L?Tenfant de Jesus. Có bận việc gì không? Sau đó chạy ra chợ trời Namur mua sẵn ít đồ cho đứa nhỏ. Chị tôi nói, nôi giường ở đó bán rẻ như bèo. Thượng vàng hạ cám, thứ gì cũng ê hề mà giá cả không có thiên lôi như chỗ khác."
    "Tôi không đi được. Cuối tuần, việc vàng lúc nào cũng ngập đầu."
    "Cái gì đây?"
    "Anne cất đi, cho có mà sắm sửa."
    Phong bì màu trắng, Anne đón nhận và ngắm nghía. Ở trên góc in cái logo của nhà hàng, đỏ loét như một vết thương mới đổ máu. Chỉ một vòng tròn nhỏ, người vẽ đã nhét chật vào trong đó những long, những phụng, những vân, những nhật, những nguyệt, nhửng sơn, những thủy. Cái phong bì khá lớn, nhưng ngược lại, nó đựng lỏng lẻo vài tờ giấy bạc. Chỉ vài tờ, xộc xệch, vậy mà nó đã cướp đi khá nhiều sinh lực, sinh thú. Lao động tại sao lại gọi là vinh quang?
    "Cám ơn."
    "Tôi trở về lại với công việc nhé?"
    "Chia tay rồi sao?"
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Hồ Đình Nghiêm​
    Bữa ăn trên cỏ (II)​
    Đồng hồ trên nóc giáo đường chỉ tới số một. Thời giờ thì bao giờ cũng có ở đó sự khó hiểu. Đôi khi nó dậm chân tại chỗ, một vài lúc nó tròng đôi hia bảy dặm vào, thoáng sáng, thoáng trưa và màn đêm đổ ập tới trong ngờ vực.
    "Xong việc khoảng mấy giờ? Để tôi biết mà gửi con Kathy sang nhà bà chị. Nhớ không, đã một tuần rồi mình chưa hề ******** với nhau."
    "Tôi không rõ. Có gì tôi gọi điện thoại cho hay."
    Anne đứng lên sau khi thu dọn các thứ trên cỏ.
    "Dạo này ốm quá, da xanh. Tôi vẫn ngỡ là làm trong nhà hàng Tàu thì tha hồ mà ăn những thứ hợp khẩu vị."
    Triền cỏ đổ xuôi xuống lề xi-măng. Thưa thớt dần người ngồi. Chim rỉa lông dưới nắng và dãy thùng rác đầy kè những con ruồi lên xuống.
    "Để hồi nào lại tôi hớt tóc cho, trông xác xơ quá!"
    Hai đứa đứng ôm nhau hồi lâu. Như dưới chân có hành lý và ngoài sân ga tàu đang hú còi đòi băng mình khỏi bến đậu.
    "Nè, tôi có một yêu cầu, cho tôi được quyền đặt tên đứa nhỏ nhé?"
    "Tại sao không? Anne đã từng cười đùa về cái tên tôi mang. Những Van, những Truc, những Son..."
    Bên kia đường, dưới thềm bóng mát của một cơ sở bán bảo hiểm nhân mạng có người quấn vải trắng toàn thân, tóc tai mặt mày bôi trắng xóa màu vôi, tay mang găng trắng, chân đi giày trắng và chiếc nón đen đặt giữa lối đi đựng đầy những đồng tiền. Người giả thiên thần kia đứng yên như bức thạch cao, mắt nhắm nghiền, hai tay vòng ra ôm hư không, đày đọa, đau khổ, như thể thiên đường đã mất dấu. Anne xuýt xoa và sự xúc động lộ ra trên mặt, y như đám đông hiếu kỳ đang vây quanh cái xác ướp màu trắng. Ở gần đó có người đàn ông rậm râu thổi kèn đồng ai oán khúc nhạc "Je t?Taime, moi non plus." Trước mặt ông ta cũng có chiếc nón nhưng nó hứng chẳng nhiều nhặng gì ơn mưa móc của bá tánh. Mặt đỏ ké, ông không ngớt phồng má trợn mắt. Cho hay ở đời có khi năng nổ lao động cho lắm cũng không bằng kẻ đứng yên chây lười chẳng buồn cử động.
    "Một ngày đẹp trời nào đó tụi mình dắt nhau đi tới tòa thị chính nhé?"
    "Tòa thị chính?"
    "Để ký với nhau một tờ giấy cho có vẻ danh chính ngôn thuận. Chị tôi luôn sẵn lòng để đóng vai một nhân chứng."
    "Ừ. Một ngày đẹp trời nào đó."
    "Nhớ nhé. Nãy giờ Chúa đã nghe hết những bàn tính của đôi ta."
    "Thôi, tạm biệt."
    "Bai. Hãy điện thoại cho tôi."
    Đâu lưng nhau, mỗi đứa có một lối đi khác nhau. Điều ấy liệu Chúa có thấy không? Anne hẹn gặp trước nhà thờ, cô nói trong điện thoại: Bởi vì chỗ ấy không xa nhà hàng Orient. Không xa, nhưng phải mười phút để lội bộ, để lòn lách ở những lối đi gọi là đường chim bay. Một giờ mười lăm, con chim về đậu đúng tổ.
    "Nị đi đâu nãy giờ không thấy?"
    Thằng A Hính hỏi với cây tăm tre nhúc nhích nơi cửa miệng.
    "Có biết là hôm nay một trăm hai chục mạng người sẽ ngồi đầy ở đây để ăn mừng đám cưới không?"
    "Biết. Tôi sẽ chạy bàn mệt xỉu. Tôi sẽ là con gà mắc đẻ cho tới khuya."
    "Biết vậy là tốt. Bà già có điện thoại lại đó. Hỏi thăm bả một tiếng rồi nhào lui sau bếp phụ ngộ một tay."
    A Hính có dáng vẻ như một thằng tài tử Hồng-kông. Một đứa đóng vai công tử ở Thượng-hải chứ không phải là tên sát thủ xã hội đen gói dao trong tờ nhật trình bạ ai cũng rút ra chém. Bởi thế nói chuyện với hắn ?~được?T hơn là tám thằng đàn ông mặt mày bặm trợn ở trong quán. Được thêm điều nữa, hắn giỏi tiếng Việt nhất bọn và đôi khi nghe hắn nói nhiều câu lấn cấn thiệt đã ngứa cái lỗ tai.
    Điện thoại nằm sau quầy rượu. Màu nhựa đen bóng mỡ màng, nhấc lên để nói chuyện có lúc thơm lừng mùi tương tầu xì.
    "Má hả? Con đây."
    "Hồi nãy má gọi mà con đi đâu thằng Hính cũng không biết?"
    "Con đi đánh vé số. Nhờ trời, đánh cầu may. Má gọi để nói chuyện chi?"
    "Ừ, bà Tâm mới chết hôm qua. Má tính nói con đưa cho má ít nhiều đặng có mà đi phúng điếu người ta. Thiệt tội, mới đó mà đã ra người thiên cổ! Bà Tâm chỉ bằng tuổi má chứ đã già nua chi cho cam!"
    "Bao nhiêu thì đủ hả má?"
    "Má cũng không rành. Con cứ cho má xin một trăm đi. Chao, tháng tới lại còn phải tốn tiền đám cưới cho con gái bà Sáu nữa mới khổ chớ!"
    "Tối nay ở đây người ta có đặt tiệc cưới. Tôm cua cá mực ê hề, má ưa ăn thứ gì để con gói một ít ?~tả páo?T về cho má ăn."
    "Í, thôi khỏi. Tuần nay má ăn chay. Má đi chùa làm công quả. Má niệm Phật cho hương hồn bà Tâm sớm thong dong miền cực lạc."
    "Má này..."
    "Hả?"
    "A Hính nó gặp chuyện phiền não không biết con có giúp nó được không?"
    "Giúp được thì nên lắm, trong khả năng của mình. Hắn chẳng từng nói với con là anh em như thủ túc bạn bè như y phục đó sao?"
    "Hắn có đứa bạn gái lỡ mang bầu, con hỏi có chắc là con của nị không? Và con xúi hắn biểu đem đi phá cho yên thân."
    "Mô Phật. ****** mi. Ai đời lại tâm xà đi làm quân sư kiểu đó. Mà cái thằng Hính nữa, ngó nó hiền lành vậy mà. Thiệt là quá tay quá chân!"
    "Vậy chứ theo má thì làm sao đây? Quất ngựa truy phong thì chắc không xong rồi. Con nhỏ kia là đầm đó má. Mắt xanh mũi lõ da trắng tóc vàng, má có ưa có đứa con dâu như vậy không?"
    "Chao, thiệt là nghiệt. Biểu thằng Hính cho nó ít tiền để tự mình chu toàn việc sanh nở thì có đặng không?"
    "Biết đưa bao nhiêu tiền mới gọi là thanh thoả? Chưa kể con nhỏ kia đòi ra tòa làm giấy hôn thú nữa."
    "Thôi, má mệt lắm. Nghe chuyện thanh niên trai tráng bọn bây tao thiệt không hiểu. Nói thằng Hính liệu ăn chay niệm Phật là vừa."
    Điện thoại buông xuống vị trí cũ. Chiếc quạt trần quay rã rời xua không nổi mùi nhựa đường xông vào. Ở sau bếp tiếng động dao thớt chẳng ngừng ta thán nhịp điệu cách khoảng. Ông Pạt phụ bếp vẫn còn yêu đời chu mỏ huýt gió bài "Máu nhuộm bãi Thượng hải."
    "Hính à, bà già ngộ có chuyện cần. Nị cho ngộ mượn đỡ một trăm."
    "Cái gì? Mượn tiền nữa à? Vậy tám chục hồi sáng tiêu vào việc gì rồi?"
    "Tiêu việc gì à? Ngộ mua thuốc mọc tóc a tài lũ. Có thấy tóc ngộ đang sói không?"
    "Cạo trọc đi, rồi làm Thiếu-lâm trường hận."
    Ông Pạt thôi huýt gió, ông với ly nước gần đó để ?~dậm xà?T. Trà thấm giọng, ông đùn cả dao cả thớt cả xương cả thịt qua:
    "Chặt đi. Trảm hết đống này đi. Chặt mạnh tay, chặt cho hết nó thì tự khắc trong tâm sẽ vơi nhẹ đi những rắc rối của cuộc đời. Nị đã nghe câu giận cá chém thớt chưa?"
    Ông Pạt chùi tay vô tạp dề. Ông gỡ tờ giấy cắm ở cây đinh đóng nơi cánh cửa. Ông đọc to cái thực đơn của tiệc cưới tối nay. Gồm tám món cả thảy. Mỗi món có một cái tên mĩ miều rất Tàu và khi chấm dứt, ông gục gặt đầu như một nhà thơ tự tán thưởng bài cổ thi ấy là hay.
    "Có một điều lạ tôi cần nói cho anh em biết, là chẳng hiểu sao những tiệc cưới được tổ chức ở nhà hàng này, tất cả những đôi vợ chồng bước ra khỏi nơi đây đều hạnh phúc đầy mình; họ ăn ở với nhau thuận thảo và đã có nhiều trường hợp người vợ mang bầu xong liền sinh đôi, sinh ba."
    Hính cười:
    "Đã gọi là hạnh phúc đầy mình sao lại có cảnh sinh đôi sinh ba? Cái đứa làm cha thấy vậy thì chỉ có nước từ chết tới bị thương!"
    Hắn moi bóp giấy tờ sau túi quần:
    "Đó, một trăm. Xem như kỳ lương tới ông chỉ có nước húp cháo thôi. Và chớ đừng nói với tôi húp cháo cũng là một hạnh phúc. Bà già ông hỏi tôi, sao dạo này nó lầm lì và bí mật như mèo dấu *** vậy? Ông gặp tiếng sét ái tình rồi sao? Dắt bồ tới ông Pạt cho ăn cái thực đơn kia xem có đẻ được hai ba đứa nhỏ cùng lúc không? Cứ thử đi. Nếu đúng thế thì A Hính này xem như cúng dường tất cả tiền nong cho nị đó. Thiện tai! Thiện tai!"
    Nhát dao chặt mạnh xuống thớt. Rầm. Thịt văng lìa ra xa, xương còn ở lại với dao rướm máu.
    "Bọn bây có theo dõi tin tức không? Có con mẹ mài cây dao sắc đợi chồng về giữa khuya bèn nhẹ nhàng đem thiến cái vật cà chớn kia."
    Tiếng chuông nhà thờ từ xa dồn dập đổ về nuốt trôi giọng nói ông Pạt. Trên chảo dầu nóng khúc lạp xưởng co quắp cháy đen.
    Hết
  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Hiền
    Nasera (I)​
    Một buổi chiều tôi và Nasera cùng hẹn nhau nghỉ việc, sau khi ăn vội vàng miếng hamburger, về phòng nằm làm cặp muỗng. Nasera mơ mộng: "Thật kỳ diệu. Hai đứa mình như hai mảnh puzzle, anh nhỉ." Tôi chỉ biết thầm cảm ơn Trời Đất một hôm giao hoà đã ban phát cho tôi niềm hạnh phúc tôi đang có, đã giúp tôi một khám phá trong tình yêu. Tuy tôi không quá đỗi mơ mộng như Nasera (tôi đã nhiều lần thử ráp với các cô gái, các bà chưa chồng, có chồng hay đã bỏ chồng), nhưng tôi phải công nhận điều Nasera đã nói với tôi. Chúng tôi rất "vừa" nhau, vừa hơn bất cứ với một người nào khác. Nếu keo Tình Yêu có thật, tôi và Nasera đã nhập thành một khối, cùng nhau hoá thạch.
    Rờ rẫm hai trái ngực đang căng tròn lên trong xúc cảm đang dâng, tôi đã thì thầm vào gáy cô nàng một câu khá gọi là ngớ ngẩn: "Nasera, nếu rủi em gặp tai nạn, như là căn nhà này bốc cháy, em có nghĩ rằng anh sẽ nhảy vào lôi em ra không?"
    Giọng Nasera tỉnh queo:
    "Lúc đó em sẽ biết anh có thực lòng với em không? Anh vẫn nói rằng anh yêu em hơn cả yêu chính anh mà."
    Nàng quay lại hôn tôi và nói thầm vào tai:
    "Nhưng em đâu muốn anh phải làm anh hùng."
    Như để khỏa lấp câu chuyện, nàng đặt lên môi tôi một nụ hôn nồng mùi ketchup. Nàng thì thầm:
    "Em chỉ muốn anh làm người tình. Anh đừng đặt giả thuyết này nọ. Em không thích anh nói những điềm gở như vậy. Ở xứ em người ta nói như vậy là điềm xui lắm, thế nào cũng gặp tai nạn đó."
    Nasera tuy sinh trưởng trong một gia đình Maroc, nhưng rõ ràng cô nàng không chịu nổi những ràng buộc phái nữ xứ nàng phải chịu. Nasera không đẹp, ít nhất là dưới con mắt những đứa bạn tôi. Miệng rộng (má tôi đã nói "sẽ tan hoang cửa nhà"; chú tôi đùa "ngao nó cũng thế"), mắt lớn, cằm vuông. Nhưng tính bướng bỉnh dường như toát ra từ những thứ ấy. Từ đôi mắt đen to nhìn thẳng, chiếu ra những tia như muốn khuất phục người. Tôi không bao giờ quên được nét mặt giận dữ của Nasera trong buổi học đầu tiên, khi chúng tôi tham dự khoá học cứu thương sơ cấp dành cho nhân viên. Tôi làm trong hãng thuốc lá. Nasera giữ quầy tính tiền siêu thị. Tôi biết nàng qua những lần tình cờ tò mò nhìn mấy cô bấm máy trong lúc chôn chân trong một chục hàng người đông kịt trước dẫy quầy. Trong bộ đồng phục màu xanh dương lợt có viền nẹp đỏ và cổ áo màu cam, với dáng điệu lanh lẹ, cô nàng trông ít nhất cũng không dễ ghét. Tôi không thể nào tránh được sự bối rối khi bắt gặp đôi mắt tròn, với nốt ruồi nhỏ nơi khoé mắt trái, nhìn như thôi miên người đối diện, pha chút chế diễu. Tuy vậy cho tới hôm nhập khoá cứu thương, tôi vẫn chưa hề nói với nàng câu nào ngoài hai chữ "cám ơn" một cách xã giao máy móc đáp lại lời chúc "tạm biệt" nghề nghiệp mỗi khi người bán hàng giựt tờ hoá đơn tính tiền ra khỏi máy và trao cho khách hàng. Với tôi, nàng cũng không khác một chục cô ngồi sau dẫy két NCR trong cửa hàng nơi tôi ở bao nhiêu. Còn đối với nàng, nếu không có khoá học cứu thương, có lẽ tôi chỉ hơn thằng robot chút đỉnh.
    Buổi học đầu tiên đó tôi có dịp ngồi bên cạnh Nasera. Cũng một phần vì trong đám trai gái nhốn nháo đó, tôi chỉ biết mặt nàng. Cả khoá hơn hai chục mạng - từ cô bé mười bảy mười tám đến ông già sắp về hưu non - được dồn vào căn phòng vốn là nơi họp của một bệnh viện nhỏ trong vùng. Hai dãy bàn ghế được kê lại đâu mặt nhau. Trên mặt chiếc bàn đặt trong góc phòng một chiếc rương lớn mở nắp, trong chứa một dàn hộp bông, băng cuộn và trăm thứ bà dằn mà trong ba tháng nữa chúng tôi sẽ phải thuộc tên và biết cách sử dụng thành thạo. Các cô nàng khúc khích chỉ trỏ con búp bê nhựa trắng bệch, miệng há hốc ngô nghê, mảnh quần rách tốc lên một nửa, nằm tênh hênh duỗi chân trên bàn. Một đứa nói bô bô: "Anh tao cũng có một con búp bê như vậy tụi bây ơi. Để tao nói với anh ấy mua con búp bê này, khỏi mất công bơm." Một tràng cười tồ tồ tô hồng những đôi má con gái ngượng nghịu đang chúi đầu vào nhau. Mỗi học viên nhận một miếng bìa cứng, tự mình ghi tên vào, để trước mặt cho dễ nhận. Tôi liếc sang bên cạnh, nói nhỏ, vừa quay bảng tên mình sang: "Hi! Chào Nasera." Nàng ngượng ngập chào lại, vừa ngó xuống miếng bìa ngoằn ngoèo tên tôi.
    α
    Ở thời đại mà mọi người suốt ngày phải quay cuồng với cuộc sống, luật lệ, những khoá học thường là nơi để mọi người có dịp nghỉ xả hơi, là nơi để tán dóc, chờ đến hết ngày, hết khoá vồ lấy cái chứng chỉ, thế là có thêm một tờ giấy bổ túc vào hồ sơ cá nhân. Tiền lương hình như cũng được tính bằng số lượng những tờ giấy này, còn thực chất ra sao chẳng mấy ai để ý. Vì thế sau mười lăm phút cả đám chúng tôi vẫn chưa chịu đi ra khỏi phần mở đầu với năm nguyên tắc nhân viên cứu thương phải ghi nằm lòng.
    "Điều các anh chị nhớ cho là chúng ta trước hết phải để ý tới sự an toàn của mình trước khi nghĩ đến người khác..."
    Tôi vô tình nhìn sang bên, thấy Nasera cau mặt. Nàng đưa tay lên, chực hỏi. Chừng như anh giảng viên đoán trước được điều nhiều người đã thắc mắc. Anh ta khoát tay, từ tốn nói:
    "Tôi biết có thể một vài bạn không đồng ý với tôi về điểm này. Nhưng chúng ta gặp nhau hôm nay để học cứu thương chớ không phải học làm anh hùng. Các bạn lo cứu người ta mà không để ý đến mình thì có lúc chết chùm cả hai. Nhớ chưa?"
    Nasera chưa chịu thua:
    "Tôi không thể nào nhẫn tâm bỏ mặc người ta chết trước mặt mình."
    Tay giảng viên cũng không vừa:
    "Cô bé ơi. Người ta có lúc phải đành bỏ mặc cho một người chết khi biết chắc chắn mình có thể cứu được nhiều người khác chưa đến nỗi nguy kịch..."
    "Anh nói vậy chứ mấy người lính đều là lũ khùng hay sao?"
    "Tôi đã nói đây không phải là trại lính, và các bạn cũng không mặc đồ trận."
    Anh ta tiếp thêm, giọng trêu chọc:
    "Cô có bạn trai chưa?"
    Mặt Nasera đỏ bừng. Anh chàng bồi thêm một câu, như để chữa sự quá lố bịch của mình:
    "Chừng nào các bạn về hỏi gia đình, hay người yêu bạn, mà họ đồng ý chịu mất bạn để người khác được sống, chừng đó bạn hãy quay lại đây và cười vào mặt tôi. Thôi ta tiếp tục...."

  6. can_bo

    can_bo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/12/2002
    Bài viết:
    5
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Hiền ​
    Nasera (II)​
    Giờ nghỉ, Nasera xoay qua tôi, phàn nàn:
    "Vừa mới mấy tháng trước nghe ông bố thuyết giảng phải xả thân cứu người, bây giờ nghe thằng khốn này nói như vậy, biết tin ai đây?"
    Tôi cười:
    "Bộ Nasera muốn làm anh hùng hả?"
    "Anh hùng thường sống lâu, trong lòng mọi người."
    "Họ sống trong lòng mọi người chứ riêng họ, đã chết từ lâu. Tôi cãi, biết mình bướng."
    Cô gái không đồng ý:
    "Người ta sống chỉ có một lần. Phải sống cho ra cái gì chứ."
    "Tôi chỉ sống cho ra tôi. Muốn làm anh hùng, phải sống theo khuôn mẫu người đời đặt ra. Tôi không thích vậy."
    Cô nàng chưng hửng. Lời tôi đáp tưởng làm cô nàng giận, hoá ra có tác dụng ngược lại. Nàng im lặng, ngẫm nghĩ. Tôi mời nàng ly trà, nói giả lả: "Thôi mà, ai cũng có ý nghĩ riêng của mình". Và như thế tôi quen Nasera. Sau này nàng bảo tôi: "Anh làm em như sống lại, thành một người khác từ khi nghe câu nói ấy." Tôi chỉ biết đỏ mặt, cười trừ. Chẳng lẽ tôi lại nói với nàng là lúc đó tôi đâm liều, nói bừa, mong cho dứt câu chuyện dằng dai.
    Tôi ghé siêu thị thường hơn, mặc dù Nasera bảo tôi cần gì cứ nói, nàng mua cho tôi giá rẻ. Tôi sòng phẳng, đưa tiền, nhưng nàng ít khi nhận. Thành ra tôi vẫn cứ ra siêu thị, say với mối tình câm. Nasera thỉnh thoảng tạt vào nhà tôi chơi khi nàng đi làm về. Chúng tôi nói chuyện vơ vẩn không đầu không đuôi. Một hai lần tôi đến thăm nàng - căn nhà xập xệ đầy cỏ dại ở vườn trước và một lũ vại đất méo mó chất một góc sân sau - nói chuyện bập bẹ với ông bố hơi khó tính, lúc nào cũng sợ con gái hư. Bà mẹ chỉ biết cười và mời tôi ăn những miếng bánh ngọt đến đắng miệng. Thằng anh Yussef chỉ biết bàn chuyện túc cầu và ủng hộ đội bóng đá Maroc dở như hạch, và thằng em Ali tàn tật, bị liệt hai chân do trận sốt không tên hồi nhỏ, ngồi chơi trong chiếc xe lăn, hoặc nằm trên ghế sa lông trước máy truyền hình mở suốt ngày, và suốt cả đêm mỗi khi có trận banh quốc tế trái giờ. Để đáp lại, tôi không có chuyện gì khác hơn những mẩu chuyện vụn vặt trong hãng thuốc lá tôi đang làm. Mỗi lần tôi đến chơi, mỗi lần một bao thuốc mới toanh được bóc ra, và mỗi lần tôi lại giả bộ quên gói thuốc hút dở dang khi tạm biệt hai thằng anh em của nàng đang phì phò thở khói. Tạm biệt cả Nasera đang lấp ló sau tấm rèm sáo gió đung đưa lách cách, mũi chun lại, nhìn chiếc gạt tàn thằng Yussef thuổng được trong tiệm Pizzeria giờ đầy ngập mẩu đầu lọc vàng và những điếu thuốc chưa hút hết đã bị dập vội.
    α
    Ở hãng thuốc tôi làm, những điếu thuốc hư máy thải ra được dồn lại thành một đống, cứ ba tháng đốt bỏ một lần. Ông Parker, trưởng phòng quản lý vật liệu phế thải, thỉnh thoảng lén tuồn cho chúng tôi, những thằng ham thuốc, cả một sắc tay đầy, điếu gẫy lẫn điếu không gẫy. Điếu gẫy quăng thùng rác. Điếu lành, hút cháy phổi cũng chưa hết, tôi đem cho lũ bạn thiếu tiền. Nhờ vậy tôi có thêm được một số bạn, trong đó có đám bạn trai bồ tèo với mấy con nhỏ giữ két siêu thị, đồng nghiệp của Nasera. Những thằng đó ngoài giờ ở trường chẳng biết làm gì ngoài việc phóng xe gắn máy lạng qua lạng lại, chọc gái, tụ tập uống bia, hút thuốc trên bãi cỏ trong tiếng nhạc vỡ phổi từ chiếc ghettoblaster thảy lăn lóc gần đó. Chúng nó gọi tôi ơi ới mỗi khi thấy tôi đi qua, kéo tôi vào cuộc, bắt uống một chai, nhưng kỳ thực là để tạo nhịp cầu đến cái cửa kho thuốc lá miễn phí mà chúng nghĩ không bao giờ có ngày cạn.
    Nhưng những ngày vui vẻ này không kéo dài được lâu. Trong một lần hãng cải tổ, khi sắp mãn hạn giao kèo, một hôm lão trưởng xưởng gọi tôi lên bàn giấy, với một giọng lịch sự, lão mời tôi cà phê, thuốc lá nhà, sau mười phút giáo đầu hỏi thăm công việc, sau đó đến một loạt chữ nhưng..., nhưng... để kết thúc bằng một câu ngắn gọn: "Anh cũng biết... nhưng chúng tôi không thể làm khác được". Tôi bị vất ra đường, mang theo một tờ giấy chứng nhận đã làm việc tốt trong gần hai năm qua, một nắm tiền thưởng và chứng bệnh ghiền thuốc nặng mà tôi biết có kiện lão chủ để lấy tiền bồi thường cũng chỉ hoài công.
    Thất nghiệp, lĩnh nửa năm lương rách cũng chán, cộng thêm đời sống tơi tả. Mấy thằng nhóc nằm ngồi trên bãi cỏ thấy tôi đi ngang làm bộ ngó lơ, tôi cũng đâm ngượng không chào. Nasera rủ tôi vào làm cùng với nàng. Cửa hàng lúc nào cũng cần người, nàng nói. Tôi nghĩ nàng quên tuổi tôi. Ngồi sau két tôi chỉ thấy toàn lũ nhóc chưa quá hai lăm. Nasera trấn an tôi, nàng nói không sao đâu, em vào nói với thằng chủ Ron một tiếng là xong liền. Tiệm lớn mà, thêm một người nữa có thiệt hại gì, tụi nó nay làm mai nghỉ, lúc nào cũng thiếu người. Thế là tuần sau tôi đã vào làm, công việc không hở tay, không có cả thời giờ để suy nghĩ về cuộc đời khốn nạn. Lũ con trai mạnh tay chân, giữ việc chất hàng lên kệ. Bọn con gái ngồi két tính tiền. Cuối ngày tính ra thấy tôi đã mang sức người chuyển hơn hai tấn hàng lên kệ. Bọn con gái mỗi đứa cũng đã vất qua tấm băng chuyển hàng một số chai lọ thùng hộp tương đương.
    Trước ngày tôi bắt đầu nhận việc, Nasera bảo tôi: "Anh khỏi cần xem phim hài, vào đó làm cũng đủ, cả bi cả hài kịch". Quả đúng như thế, hôm đầu tiên tôi vào làm trong siêu thị cũng là hôm con nhỏ Marian bị đuổi việc. Sa thải ngay tại chỗ. Tôi nghe mấy đứa đang sắp hàng từ những thùng cạc tông lên kệ thì thầm với nhau. Còn con Marian thì cuốn mớ quần áo, cho vào sắc tay, mặt đầy nước mắt. Nó lẳng lặng đi ra cửa sau, không ngoái lại.
    Giờ nghỉ, tôi hỏi Nasera. Mới biết con nhỏ phạm tội ăn cắp. Ăn cắp? Một két bia tuồn ra cho thằng Willem, bồ nó. Thằng Willem đẩy một xe đồ ăn nhóc ké bên trên. Bên dưới gầm xe, một két bia hai mươi bốn chai. Thằng Willem vừa đẩy xe ra ngoài cửa, thì thằng an ninh cửa hàng ở đâu hiện ra, lừng lững đứng chặn trước mặt nó, lịch sự hỏi giấy tính tiền. Nó lắc đầu, giả bộ không biết, ấm ớ chỉ lại đằng quầy. Thằng này xin lỗi, lôi tuột nó lại quầy con Marian, mặt lạnh như tiền, kéo dây xích sắt ngăn lại. Một hàng người đứng trợn mắt ngó. Mặt con Marian xám ngoét, mặc cho thằng an ninh gọi thằng Ron tới, lấy chìa khoá quay cuộn giấy trong máy trở lại. Chứng cớ rành rành. Giá một két bia ngon, lẫn tiền thế chân vỏ và két, có tìm cả giờ cũng không thấy in trong cuộn giấy. Chắc hẳn bia để thằng Willem uống chung với nó, còn tiền đổi vỏ và két dành cho gói thuốc và một vỉ ba chiếc condom rút trong quầy tự động ngoài đầu phố.
    Chiều đó về nhà, đi ngang dãy hành lang, nhìn qua khung cửa tôi thấy con Marian ngồi trong bếp nhìn ra ngoài trời, mặc dù tầm nhìn từ đó ra ngoài bị vướng bức tường hành lang rêu mốc xỉn, cao nghệu, chỉ thấy mấy đọt cây đung đưa lá xanh lá vàng cắt lên trời xám ẩm. Tôi ghé vào, an ủi: "Kệ cha nó, quên đi, còn thiếu gì chỗ cần người." Nó bảo tôi: "Chắc muộn rồi."
    "Sao muộn?"
    "Tao chắc có bầu rồi. Xui quá. Định báo tin vui cho tụi mày hay."
    "Chúc mừng mày." Tôi nói một cách máy móc, trước khi sực nhớ ra đáng lẽ phải chia buồn với nó. Hai đứa còn trẻ quá mà.
    Marian rót cho tôi một ly nước suối. Nó hỏi:
    "Tụi nó có nói gì về tao không?"
    "Tao không nghe."
    "Xạo đi."
    Tôi im lặng. Con nhỏ tuy trẻ mà khôn trước tuổi. Nó biết những xấu xa bao giờ cũng dồn cho những đứa bị sa cơ. Nó ngồi nhìn ra cửa sổ có chăng chiếc màn voan màu xanh nhạt, không thèm chào bà hàng xóm vừa đi ngang. Bỗng nó bật nói:
    "Mày nói tao phải làm sao bây giờ?"
    Tôi không thể nhẫn tâm nói: "có làm thì rán mà chịu." Tôi biết rủi ro của con Marian cũng có thể xảy đến bất kỳ lúc nào cho hai đứa, tôi và Nasera. Tôi an ủi:
    "Nghỉ. Làm đám cưới. Tụi tao phụ một tay. Xã hội này đâu để mày chết đói."
    Tôi thấy lửa từ mắt nó toé ra:
    "Xã hội không để tao chết đói, nhưng chắc thằng Willem để tao chết đói. Cả ngày nay nó không đến thăm tao. Không cả hỏi thăm. Tụi đàn ông chúng mày cùng một duộc như nhau. Chỉ tìm cách đè lên bọn con gái tụi tao như lũ heo nọc."
    Tôi sượng sùng rút lui trước khi nó nổi khùng tống tôi ra khỏi cửa.
    Được can_bo sửa chữa / chuyển vào 16:48 ngày 09/06/2004
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Nguyễn Hiền ​
    Nasera (III)​
    Hôm thứ bảy trong giờ nghỉ giữa buổi thằng Peter mang vào một hộp bánh mua tại tiệm bánh ngọt của con mụ Charlotte ngoài đầu phố. Cả bọn à à lên bài hát mừng sinh nhật nó được hai mươi lăm tuổi. Thằng Mark hỏi bao giờ tới phiên tôi. Tôi nói còn hai tháng nữa, con Nasera sinh nhật trước, ba ngày sau tới phiên tao. Nó hỏi tôi có được thiệp hay tin gì của Nasera không. Con nhỏ về nước nghỉ hè gần một tháng, hai tuần rưỡi ở với gia đình, tuần cuối trên đường về nó sẽ ghé Bordeaux thăm bà mẹ nuôi của nó, và ngày mốt thứ hai nó sẽ đi làm lại. Tôi nói Nasera mới về hôm qua, chiều nay tôi sẽ đến nhà nó lấy chai rượu bà mẹ nuôi nó gửi biếu tôi làm quà.
    Khi tôi sắp nuốt mẩu bánh cuối cùng, miệng còn dính đầy kem thì thằng Ron từ trên lầu kiểm soát lao xuống, la bai hải: "Tụi bay ơi. Con Nasera nó bị đụng xe rồi. Bệnh viện nó tìm thấy cái thẻ nhân viên trong túi nó, nó mới điện cho tao biết nè."
    Tôi nhảy bổ ra đường, chui vào xe, nhanh hơn câu gọi giật của thằng chủ bảo tôi lái xe cẩn thận, và nhắn tôi mang theo lời hỏi thăm của tiệm. Tôi ghé qua nhà Nasera. Cửa mở hé, tôi xông vào, dựng cổ thằng em què của nó đang ngồi rầu rĩ dậy, nhưng nó rũ xuống, lắc đầu, khóc hu hu. Lắc vai nó một chục lần mới hay phòng intensive care vừa chịu bó tay đầu hàng... Cha nàng từ bệnh viện vừa điện về, đang chờ làm thủ tục mang xuống phòng lạnh.
    Bỗng dưng tôi như liệt cả toàn thân. Tôi chạy ra đường, định phóng đến bệnh viện, nhưng lại ngần ngại. Tôi không muốn chường mặt ra lúc này. Hôm Nasera lên đường về quê, nàng nói sẽ mua cho tôi một ít bánh. Nàng hỏi tôi muốn gì thêm. Tôi nói nếu có ít trái cây mang về ăn cũng được. Tôi thấy nàng ngập ngừng. Trước khi bước qua cửa kiểm thông hành, nàng nói nhanh, mặt cúi xuống đất.
    "Anh..."
    "Gì vậy?"
    "Em nghĩ..." Nàng ngập ngừng ít giây. "Em nghĩ... em có bầu rồi."
    Tôi hỏi dồn:
    "Nói giỡn chớ bạn?"
    "Không. Em sợ vậy. Nó kỳ lắm. Chỉ có đàn bà tụi em mới cảm được."
    Cô nàng nói thêm, chắc để trấn an tôi:
    "Nhưng chắc không sao đâu. Để chừng về em đi thử coi."
    Tôi chẳng biết sẽ thử bằng cách nào. Nhìn bụng nàng, vẫn phẳng với chiếc rún lồi ló ra nơi vạt áo xẻ rộng, tôi hơi yên tâm, cho dù trong ruột vẫn rối như mớ cỏ khô cho bò ăn. Cưới Nasera ư? Tôi sẽ phải cầu đấng Allah năm lần một ngày? Hay nàng sẽ phải đọc Kinh Thánh mỗi chủ nhật với tôi cho trọn lời tôi đã hứa với ba má? Hay chúng tôi sẽ bỏ hết, bỏ cả gia đình và lời đàm tiếu. Rồi đời chúng tôi sẽ ra sao? Khi chưa có một thứ gì chuẩn bị, ngoài một số tiền nhỏ chưa bằng tháng lương, dằn trong trương mục để dành cho những chuyện cần kíp...
    Từ Marakech, Nasera có điện lại cho tôi một lần, giọng lo lắng: "Em sợ quá, nhưng ở đây em không dám đi hỏi ai. Ngày nào em cũng cầu đấng Allah, nhưng em sợ ngài phạt, em cần anh." Tôi còn đang choáng người, không kịp nghĩ ra lời an ủi nàng lúc đó, cũng không kịp nhận ra là mình bỗng trở thành quan trọng hơn cả đấng Allah thiêng liêng của nàng. Bên này tôi cũng đang rối nùi, tiến cũng dở, mà lùi còn tệ hơn.
    Đêm qua Nasera về đến nhà, điện thoại hỏi thăm tôi nhưng mải chuyện tôi đã quên khuấy mất cho đến khi tôi nghe nàng nói nhanh vào máy: "Để tao nói với con Susan đưa mày cuốn truyện." Đó là ám hiệu nàng dùng với tôi mỗi lần muốn cúp ngang khi có sự hiện diện của ông bố. Sáng nay tôi đã định bụng sẽ gọi cho nàng vào giờ nghỉ trưa để hỏi thêm. Bây giờ chợt nhớ lại câu chuyện đó, tôi sợ hãi khi nghĩ lúc vào bệnh viện, nghe họ nói Nasera đã có bầu, nhìn vẻ mặt trách móc của cha mẹ nàng tôi đâm nhụt chí. Mặc dù sau này tôi biết đây chỉ là điều lo sợ hão huyền. Một cái bầu mới tượng một tháng còn nhỏ hơn cái trứng cút, nhiều người còn chưa công nhận nó là một sinh vật thì bệnh viện cũng chẳng để ý đến nó làm gì cho hoài công.
    Hôm đưa đám, tôi đứng phía sau, im lìm bước đi trong đám bạn bè, gia đình của nàng xì xồ tiếng Maroc với nhau. Lúc hạ huyệt, thẫn thờ liệng bó hồng vàng xuống nắp quan tài, tôi đã bật khóc, nhưng cùng lúc bỗng thấy lòng nhẹ đi. Bỗng nhiên tôi rùng mình. Tôi đã có thể nhẫn tâm như thế được sao? Hay tôi sợ phải nghe sự thực không muốn nghe? Nhưng cũng vì sợ cho nên nỗi ấm ức và dấu hỏi vẫn còn mãi trong đầu tôi. Chỉ vì sau đó tôi biến dạng, không trở lại gia đình nàng nữa. Tôi rời bỏ thành phố cuối hè đó, trời hiu nắng. Khi lái xe ngang thùng thư dọc đường, tôi quăng vào tấm thiệp nhỏ cho thằng Ali què quặt báo tin tôi dọn nhà. Con người ta thật tệ, có thể cha mẹ nàng sẽ nghĩ vậy, nhưng tôi và họ không có dịp nào cần nhau nữa, thì với tôi cũng không còn vương vấn gì. Tôi tưởng rồi tôi sẽ quên Nasera dễ dàng.
    Nhưng không phải. Sau này thỉnh thoảng nằm làm cặp muỗng với một vài người con gái khác, qua những mối tình tạm bợ, tôi bỗng dưng nghĩ đến Nasera, đến phần số của những đứa trẻ như chúng tôi, như bèo mới hợp đã tan ngay đấy, đến câu nói gở của tôi chiều nào. Những khi đó tôi như tê cứng, bao nhiêu ham muốn tự dưng tiêu tan hết cả, mặc cho người con gái ngạc nhiên, đưa đẩy phần dưới thúc giục.
    Tôi mới biết là hình bóng của Nasera vẫn còn lại, trong tôi, sâu lắm.
  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Vĩnh Hảo​
    Tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Hảo. Ông sinh ngày 30-11-1958 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Nguyên quán : Vỹ Dạ, Phú Vang, Thừa Thiên.
    Vĩnh Hảo từng học ở các trường Ấu Việt, Sinh Trung, Hóa Khánh, Võ Tánh (Nha Trang), Bồ Ðề (Hội An), Già Lam & Vạn Hạnh (Sài-gòn, sau năm 1975), Trường Cải Tạo Lao Ðộng K4 (Long Khánh, Ðồng Nai), NOVA (Northern Virginia Community College), Los Angeles Valley College (California)... Ngoại trừ trường tiểu học Sinh Trung, các trường còn lại đều bị cắt ngang bởi chính bản thân, hoặc do hoàn cảnh.
    Vĩnh Hảo bắt đầu sáng tác từ năm 18 tuổi với tác phẩm đầu tay Núi Xanh Mây Hồng, hoàn thành năm 1982. Tác phẩm đầu tiên được in và phát hành rộng rãi là Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt, vào đầu năm 1989.
    Nhà văn là con trai thứ 10 trong một gia đình có 14 anh chị em; thân phụ là văn sĩ, thân mẫu là thi sĩ; hơn một nửa số anh chị em đều cầm bút.
    Vĩnh Hảo từng ở tù gần 3 năm
    ....qua trại tị nạn Songkhla, Thái Lan vào 31 tháng 3 năm 1987; đến tháng 5 thì chuyển đến trại Panat Nikhom, sống ở đó cho đến đúng ngày sinh nhật thứ 29 (30-11-1987) thì lên máy bay, chuyển qua trại tị nạn ở Bataan, Philippines; ở đây học thêm Anh ngữ và đời sống Mỹ đến cuối tháng 8 năm 1988 thì lên máy bay, đến California, Hoa Kỳ.
    Sống, học và làm việc tại tiểu bang Virginia từ khi mới qua Mỹ (1988); dời qua California từ tháng 8 năm 1991.
    Cộng tác với một số báo Việt ngữ tại hải ngoại với văn, thơ, tùy bút... rất giới hạn, không thường xuyên, như: Chân Nguyên, Khởi Hành, Làng Văn, Thư Quán Bản Thảo, Phật Giáo Hải Ngoại, Phật Giáo Việt Nam, Thế Kỷ 21, Viên Giác, Văn Học... và nhiều tạp chí, đặc san khác.
    Biển Đời Muôn Thuở (I)​
    Biển buổi sớm yên tĩnh như thể chưa muốn vươn dậy để đón chào ánh nắng mai rực rỡ đang trải một tấm lụa kim tuyến khắp không gian mênh mông, soi chiếu xuống tận bề sâu thăm thẳm của đáy nước. Thỉnh thoảng mới có một gợn sóng nhỏ phả vào bờ nhưng không gây được một âm thanh nào đáng kể. Sóng vỗ như vỗ lấy lệ và biển hãy còn ngơi nghỉ.
    Nhưng, trên bãi cát ướt keo sơn với biển cả chạy dài từ góc trời này đến góc trời kia, bao nhiêu sinh vật li ti đang múa nhảy, đang trườn tới, đang nỗ lực chống lại sự cuốn hút của biển hoặc đang tự thả trôi đời mình cho sự đẩy xô của sóng nước vô tận.
    Con ốc xoay mình theo cơn sóng nhỏ, lăn lóc và cạ cái vỏ cứng của nó trên nền cát lạnh sắc. Sự cọ xát này có vẻ như không gây tác động nào vào linh hồn bé nhỏ của nó nhưng ít ra cũng nói lên được ý nghĩa rằng cái vỏ ốc đủ cứng, đủ kín đáo để vây bọc và che chở nó trong một thế giới riêng biệt, an ổn và thầm lặng. Tuy nhiên, cũng chính từ trong cái thế giới bưng bít kia, nó lắng nghe được một nỗi niềm gì đó như là một sự thúc bách, một sự mời gọi, một sự lôi cuốn đầy khích lệ của những mới lạ từ thế giới bên ngoài. Nó không thể chịu đựng nổi sự khép kín vĩnh viễn của cặp vỏ dù rằng đó là cách duy nhất để tự vệ và được an ổn. Nhưng cũng chính từ sự an ổn đó, cảm giác trơ trọi trống vắng cũng cùng hiện hữu. Vì thế, nó hé mở cặp vỏ: ánh sáng, nước và bụi cát lùa vào. Đau rát, ê ẩm. Nó phải chống lại và chịu đựng tất cả những thứ ấy để xông xáo tìm hiểu thế giới bên ngoài và mặt khác, sự phóng ngoại này cũng là cách để trốn chạy niềm cô đơn man rợ tự bên trong. Đau khổ, đau khổ. Thế giới bên ngoài chỉ tạo nên những đau khổ. Nó cảm nhận được điều đó rất sớm, ngay tự phút đầu của chặng đường tìm kiếm, nhưng nó vẫn hy vọng sẽ bắt gặp được một cái gì khác hơn, mới lạ hơn, một cái gì đó mà nó chưa hiểu. Cái đó sẽ mang lại cho nó hạnh phúc, cái đó sẽ vĩnh viễn xóa lấp đi nỗi buồn trơ trụi của nó. Nó tin như vậy và nó đi tìm. Nó lên đường chạy theo tiếng gọi mơ hồ bí ẩn kia. Nó vượt qua bao thử thách, bao khó khăn và khốn khổ. Và cuối cùng, nó tìm thấy một con ốc khác. Một con ốc đồng loại nhưng khác giới tính. Hai con ốc cô đơn tìm thấy nhau. Bàng hoàng, rung động. Chúng lập tức nghe được trong nhau thứ ngôn ngữ của yêu thương và chúng quyện lấy nhau, gắn bó với nhau trong khoảnh khắc phù du nhưng đầy lạc thú, bỏ quên thế giới biến động vây quanh. Biển, cát, ánh sáng lòa chói, không là gì cả. Chỉ có hai tâm hồn, hai thể xác thể nhập trong nhau trong một giao cảm tuyệt vời. Nhưng sau cái khoảnh khắc cực kỳ thỏa mãn kia, chúng bỗng nhận chân rằng sự nỗ lực hướng ngoại của chúng để chạy trốn cô đơn chỉ làm tê buốt và lạnh giá thêm nỗi hiu quạnh ngàn đời của chúng mà thôi.
    ?oNgà ơi, có bao giờ em cảm nhận được điều đó không??
    ?oCó. Đã có lần anh hỏi vì sao em buồn. Em chẳng biết trả lời sao. Em chỉ thấy buồn, buồn kinh khiếp lắm mà không hiểu gì cả. Em không muốn nhìn nhận nó, không muốn tìm hiểu nó, không dám đối diện với nó. Nó như là một khoảng không, hay một vực thẳm sâu hút... Em chỉ biết có anh, tin vào anh và trao hết thương yêu cho anh để mà xua đuổi nó. Là nó đó, có lẽ. Em chẳng hiểu vì sao.?
    ?oLà bởi chúng ta cố gắng đi tìm sự đồng nhất. Chúng ta không muốn mãi mãi là một cá thể bị cô lập. Nhưng chính cái khuynh hướng ?ođi tìm? đã là một tiền đề đầy mâu thuẫn rồi. Anh đi tìm em có nghĩa rằng anh đã và sẽ chẳng bao giờ là em cả; cũng vậy, em đi tìm anh, em cũng chẳng bao giờ là anh cả. Thì làm sao có sự đồng nhất! Cuối cùng, anh vẫn là anh, em vẫn là em. Chúng ta chỉ gượng gạo chấp nhận nhau để mà lãng quên nỗi cô đơn của chúng ta mà thôi.?
    ?oAnh đừng nói nữa.?
    Chương ôm lấy Ngà. Nàng nép gọn vào lòng chàng như muốn tìm một chỗ nương tựa. Chương hỏi nhỏ:
    ?oEm sợ à??
    ?oVâng, em sợ. Đừng nghĩ đến nó được không anh??
    Chương bật cười:
    ?oĐừng nghĩ. Điều này chứng tỏ rằng em công nhận có nó, phải không??
    ?oEm không biết... nhưng nếu chúng ta đào sâu về nó... có ngày chúng ta sẽ chán nhau, phải không anh? Em không muốn vậy. Em có thể chịu đựng được một nỗi buồn vu vơ thỉnh thoảng mới xâm chiếm lòng mình chứ không thể tưởng tượng nổi là sẽ có một cuộc chia xa vĩnh viễn với những gì mình yêu quí.?o
    ?oYên tâm đi, anh chỉ thắc mắc, chỉ suy tư về nó. Trên thực tế, anh vẫn là chồng em, vẫn yêu em mà.?
    ?oNhưng cần gì phải suy tư về nó, hở anh? Những suy tư như vậy phỏng có ích lợi gì thêm cho tình yêu, cho cuộc sống của chúng ta chứ??
    ?oBởi anh hy vọng rằng khi chúng ta hiểu thấu được bản chất của tình yêu, hiểu thấu về bộ mặt thực của nỗi cô đơn trong ta, có lẽ từ đó chúng ta sẽ có hạnh phúc hơn.?
    ?oVậy lâu nay anh không cảm thấy hạnh phúc khi chung sống với em sao??
    ?oAnh không có ý nói vậy. Anh chỉ nghĩ là có một thứ hạnh phúc to lớn và trọn vẹn hơn cái hạnh phúc mà chúng ta đang hưởng.?
    ?oVậy thì anh hãy làm Thượng Đế đi.?
    Cả hai cùng cười. Rồi im lặng. Trời đổ mưa bên ngoài. Lạnh.
    Một chốc, Ngà bước xuống giường, sửa ngay lại cái gối của nàng, không nhìn Chương, nàng nói:
    ?oTrên thực tế, anh vẫn là con người.?
    ?oVà anh vẫn là chồng em, vẫn yêu em như thuở ban đầu.?
    ?oVà cũng sắp đến giờ anh đi làm rồi đó.?
  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Vĩnh Hảo​
    Biển Đời Muôn Thuở (II)
    * * *
    Chương mang dù bước ra xe. Trên đường đến sở, Chương nhớ lại một ngày mưa như hôm nay cách đây hai năm, chàng đã quen Ngà. Lúc đó, vì một cơn mưa bất ngờ, hai người phải đứng nấp mưa dưới một hàng hiên rộng của một khu phố. Quanh đó chỉ toàn người Mỹ. Hai người Việt Nam nhìn thấy nhau, câm lặng chẳng nói gì, nhưng hai tâm hồn bỗng dưng gần lại với nhau, cảm thấy ấm áp, quen thuộc và tự nhiên với nhau qua một tia nhìn và một nụ cười mỉm. Ngà đẹp lắm, đẹp một cách nghiêm trang và thầm kín. Thế giới trong chàng, thế giới trong nàng, cùng mở ra một lúc, cùng đón nhận và trao nhau một cách trọn vẹn mà hầu như không cần một sự giải thích nào. Không phải trước đây chàng chưa từng gặp một đối tượng khác. Có, nhiều lắm. Nhưng chỉ là những thoáng bất chợt, gượng gạo. Chàng cũng chưa hề có ý nghĩ rằng sẽ lấy một cô gái nào đó làm vợ cho đến khi gặp Ngà. Tự thâm tâm, Chương biết rằng không phải chỉ vì Ngà đẹp mà chàng quyết định cưới nàng. Nhưng chính vì từ nơi Ngà, từ nơi cái phút đầu nàng mỉm cười chào chàng, Chương đã bắt gặp được cái bóng dáng của sự toàn vẹn mà chàng tìm kiếm bấy lâu. Và như thể Ngà là hiện thân của một cái gì ở trong chàng mà chàng không sao nhìn thấy rõ; hoặc của cái gì mà chàng đã đánh mất. Chàng lao theo bóng dáng đó với trọn vẹn bản thể của mình, chinh phục nó, chiếm hữu nó. Chàng đã được tất cả mà không cần phải tìm hiểu, phân tích hay suy tư gì về nó cả. Nhưng bây giờ, chẳng biết sao chàng lại thấy muốn tìm hiểu, muốn có một cái nhìn thấu đáo tận nguồn cội nỗi khát vọng yêu thương trong chàng.
    Có thật là có tình yêu không? Chương tự hỏi. Khi người ta vẽ ra những điều kiện về tính chất (với hiền thục, đoan trang, nhu mì...) và về thể chất (với đôi mắt phải như vậy, cái mũi phải như vậy, đôi môi phải như vậy và dáng dấp phải thế kia...) trong một tiêu chuẩn khả dĩ đáp ứng được sự đòi hỏi của sở thích, liệu rằng sự đòi hỏi đó có khách quan không và đó có phải là tình yêu chân thật và toàn vẹn hay không? Rõ ràng là chàng đã tự phác họa sẵn một kiểu mẫu ở trong chàng và khi Ngà xuất hiện một cách trùng hợp và y khuôn với kiểu mẫu đó, chàng liền rung cảm đón nhận và khao khát chiếm lấy. Như thế chàng đã yêu chính mình và yêu cho mình, vì mình, yêu cái bóng dáng của sự toàn vẹn mà mình ôm ấp. Nếu Ngà không có sẵn trong chàng, nàng sẽ không bao giờ làm rung động được nỗi khao khát chiếm hữu của chàng. Nhưng cái bóng dáng đó đã được vẽ ra, được thoát thai từ nỗi cô đơn của chàng. Chàng nghĩ rằng khi tìm được nó, nỗi cô đơn sẽ tan biến. Đến khi tìm được nó, chàng lại thấy rằng bóng dáng vẫn là bóng dáng; sự hiện diện của một bóng dáng bên ngoài mình chỉ tô đậm và xác nhận thêm rằng chàng vẫn mãi mãi là một con ốc tự ly cách mình với thế giới chung quanh mà thôi.
    Thời gian gần đây, những suy tư đó ám ảnh Chương liên tục trong nhiều ngày. Chàng vẫn chung sống với Ngà, vẫn ăn chung ngủ chung, trò chuyện, đọc sách, đi làm. Nhưng có một cái gì đó gượng gạo, vô hồn len lỏi vào từng phút giây của cuộc sống. Chàng thấy buồn cười cho những vở kịch mà mọi người, kể cả chàng, đã và đang phải đóng một cách mù lòa, an phận và lặng câm trong suốt cuộc tình mâu thuẫn của họ.
    Sau cuộc truy hoan, hai con ốc buồn bã rời nhau. Không phải là cơn buồn nôn, chán chường và mệt mỏi của thể xác sau khi trút hết sinh lực để đắm say trong khoái cảm, mà là nỗi thất vọng trong nỗ lực khỏa lấp cô đơn. Một con ốc tiếp tục buông mình theo sóng nước và sỏi cát. Con còn lại cố gắng lách mình, nương sóng trườn lên một hốc đá, nơi đó nó tránh được sự vồ chụp của những cơn sóng và cũng không còn nữa, những bụi cát mù mịt làm đau rát cơ thể; nơi đó, nó mỉm cười tự hỏi tại sao những con ốc khác không tìm đến những hốc đá cao như nơi chốn nó tìm đến để được thong dong, nhàn hạ.
    Không thể chịu đựng nổi thái độ lạnh nhạt, dửng dưng và sự trầm tư ngùn ngụt bất thường trong nhiều ngày của Chương, một đêm nọ, Ngà hỏi chàng:
    ?oAnh nói đi, sao mấy hôm nay anh thay đổi quá vậy??
    Chương ngập ngừng một lúc:
    ?oAnh thấy có một cái gì đó thật phi lý trong tình yêu.?
    ?oTình yêu cũng cần có lý nữa sao??
    ?oỞ đời chẳng có gì mà chẳng có lý lẽ của nó.?
    ?oNhưng nếu cần phải viện dẫn lý lẽ một cách tường tận thì anh và em đã không thể nào yêu nhau, anh không thấy vậy sao??
    ?oBởi vậy anh mới nói là có cái gì phi lý đó.?
    ?oĐể rồi đi đến đâu? Những suy tư rởm đời của anh có giải quyết được cái gì chăng? Hàng tỉ người trên thế giới, tự cổ chí kim, không thắc mắc, họ đã yêu nhau, sống với nhau hết một đời.?
    ?oNếu phải y khuôn với mọi người thì...?
    ?oTầm thường quá, phải không? Anh à, anh tưởng rằng một con ốc nằm trên hốc đá cao thì khác với những con ốc ở dưới nước cạn và sình lầy sao? Vẫn chỉ là con ốc mà thôi. Chưa đập vỡ cái vỏ thì con ốc muôn đời vẫn là con ốc. Nhìn lại thực tế đi, anh là con người, phải không? Nếu anh cho rằng cuộc sống chung này thất bại, rằng chẳng có gì thực sự là tình yêu, em chấp nhận chia tay theo ý anh. Nhưng trước khi quyết định, anh hãy suy nghĩ đi, trong ba ngày hay trong một tuần cũng được. Em chờ đợi câu trả lời của anh.?
    Nói rồi, Ngà ôm chăn gối qua phòng khách ngủ riêng. Chương nằm lại một mình trên giường. Chàng thử tưởng tượng không có Ngà, chàng sẽ sống thế nào. Sáng dậy ăn điểm tâm, đi làm, tối về tắm, nấu ăn, ăn, đọc sách, rồi ngủ một đêm, lại thức dậy tiếp tục một ngày khác. Những ngày đó sẽ không có mái tóc Ngà buông dài qua bờ vai nhỏ mà rộng dáng bao dung. Những ngày đó sẽ không có cái nhìn sâu thẳm tình tứ từ đôi mắt mang đầy ẩn ngữ của Ngà. Những ngày đó sẽ không có đôi môi hồng nũng nịu thèm khát yêu đương. Sẽ không có tất cả. Khi chưa tìm thấy cái toàn vẹn thì bóng dáng của nó có vẻ như chính là nó. Bám chặt lấy bóng dáng này vẫn thấy cô đơn, nhưng buông bỏ nó thì niềm cô đơn cũng ác liệt không kém. Cái cô đơn truyền kiếp kia cứ bám theo, bám theo hoài, không sao khỏa lấp.
    Trằn trọc mãi đến nửa đêm, cuối cùng, Chương cũng ngủ được một giấc. Trong mơ, Chương thấy Ngà nằm trong vòng tay kẻ khác và chàng điên tiết.
    Đến sáng, đồng hồ báo thức gọi chàng dậy, nhưng chàng biết hôm nay là thứ bảy, nghỉ làm; chàng nằm đó, nhìn bâng quơ ra cửa sổ. Trời hãy còn mưa. Mưa suốt đêm rồi. Trời mưa gợi đầy kỷ niệm. Chàng đưa tay qua bên cạnh, không thấy Ngà. Chàng nằm im rất lâu trong tư thế của một con ốc nhỏ bị kẹt lại trong hốc đá. Cảm thấy thiếu vắng một cái gì.
    Con ốc bỗng nhớ sóng, nhớ nước, nhớ những hạt cát quất vào thịt da đau rát, nhớ cả con ốc khác giới tính hôm nào.
    Và con ốc lên đường, trở về biển cát.
    Ngà bước vào phòng thay đồ. Chương nhìn ngắm nàng. Ngà vẫn đẹp như thuở nào. Từ đường cong của đôi môi cho đến đường cong của ngực nàng, không chỗ nào mà không nói lên ý nghĩa sâu kín và toàn vẹn của vũ trụ mênh mang muôn thuở. Nơi đó, thật là vô ích và thừa thãi cho một tiếng nói hay một ý niệm được cất lên.
    Chương rời khỏi giường, đến ôm lấy thân thể nóng bỏng của Ngà.
    Hai con ốc im lặng quyện lấy nhau.
    Và họ tiếp tục trò chơi tình yêu.
    (Hết)
  10. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Võ Phiến​
    Nhà văn, hiện sống tại Hoa Kỳ. Tên thật Ðoàn Thế Nhơn sinh ngày 30.10.1925 (khai sinh ghi 20.10.1925) tại Trà Bình, Trung Bình, Phù Mỹ, Bình Ðịnh.
    Ðã xuất bản rất nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, phê bình, tiểu luận, dịch thuật, và cả thơ).
    Tác phẩm mới nhất: bộ sách phê bình Văn học Miền Nam, gồm 7 tập.

    Mười giờ (I)​
    Gửi Võ Đình
    Cây sweet pea ?" người Tàu gọi là đậu tuyết hay đậu xạ hương gì đó ?" màu sắc thật là sặc sỡ. Ở đây người ta chỉ trồng lấy màu, lấy hoa, lấy hương (xạ hương?). Người láng giềng gieo hạt hồi mùa đông, đầu xuân đã có hoa nở rộ trên hàng dậu ngăn cách hai khoảnh vườn. Tháng ba dương lịch, bà láng giềng thông báo cho ông về chuyện phá lũ dây đậu để gieo hạt anh túc. Cũng lại một hoa sặc sỡ nữa. Bà ta có cái thú làm nở ra những đóa hoa cánh mỏng dính có sắc màu lòe loẹt. Bà ta dự tính như thế, ông tán thành ngay. Mà hình như lũ **** cũng tán thưởng lắm.
    Ông lạc mất trang sách từ lúc nào không hay. Tay vẫn cầm hững hờ cuốn sách, nhưng mắt ông đã rời chữ. Xung quanh ông, khắp phòng, ánh sáng ùa vào nhiều quá, ùa vào tràn trề. Hai mặt phòng có nhiều cửa gương lớn, phòng ông vào giờ này là cả một niềm hân hoan.
    Mấy hôm gần đây kể như hôm nào cũng vậy, rốt cuộc rồi cũng đến thế thôi: ông bỏ sách, loay hoay tìøm một mảnh giấy, một cái gì để cài vào làm dấu trang sách nhưng không tìm được, ông đành úp mặt cuốn sách xuống thảm. Rồi ông nằm ngẩn ngơ trong ngôi nhà sáng choang. Rồi ông ngồi dậy đốt một điếu thuốc, khói xanh tỏa chầm chậm qua những tia ánh sáng. Rồi ông mở cửa bước ra hiên. Ông trở vào pha cà-phê uống. Ông mở cửa ra vườn sau, nghếch mặt nhìn nghiêng nhìn ngửa, đến bên cây này cây nọ, lại nghếch mặt nhìn đàn sáo đậu trên dây điện, nhìn con quạ trên cây thông sau lưng căn nhà trên ngọn đồi bên kia đường, có khi nhìn lên trời xanh trống không. Rồi ông bước đến đứng một lúc dưới bóng cây long não. Rồi ông cảm thấy mình lơ ngơ, không có việc gì giữa ngôi vườn vắng vẻ, ông lại vào nhà, ông đốt một điếu thuốc nữa v.v... Ông nằm xuống, cầm lấy cuốn sách. Một lát, ông lại nhổm dậy, úp sách xuống mặt thảm. ?oCăn phòng này coi bộ sáng quá, sáng dữ đa!?. Ông nhìn qua cửa kính, theo dõi lũ chim hải âu từ đâu ngoài bãi mới kéo vào khu phố này, lượn thấp trên các mái nhà, sà cả xuống mặt đường. Ông đứng lên, mở cửa, bước ra hiên xem hải âu chúng nó làm gì! Xem ra chúng cũng chẳng làm gì đáng kể: không ăn không uống, không tìm sâu tìm hạt gì, chúng chỉ bay lên bay xuống, lượn đi lượn về rà rà khắp xóm vậy thôi. Có con đậu lên một chiếc tán đèn bên đường, một con hải âu xám trên chót đỉnh một cột đèn, đậu và phóng uế, xong lại bay đi, vậy thôi. Rồi ông nhìn sang hai con **** chờn vờn trên hàng dậu sweet pea. **** nó bay, hay nhỉ, nó không bay thẳng từ nơi này đến nơi khác, như không cốt bay để đến; nó bay như nhảy như múa, như đùa như giỡn mà chơi. Một lát, tự cảm thấy thừa thãi trước hiên, ông quay vào nhà, sửa lại chiếc gối, ghé nằm xuống, cầm cuốn sách lên, xem đồng hồ: Thế mà đã mất khối thì giờ!
    Gần như hôm nào cũng vậy. Đến một lúc nào đó, ông chợt để ý và tự hỏi: ?oCó gì vậy cà?? Hồi gần đây có gì xảy ra? biến cố gì vậy?? Kiểm điểm mãi, cũng thấy ra biến cố: Mười giờ.
    Mười giờ là một biến cố. Đáng lẽ ông đã biết từ lâu, vậy mà không hiểu tại sao ông lại lú đi, chẳng chịu thấy. Mười giờ sáng; trời đất vào cái giờ ấy, nó lạ lắm. Bây giờ nhớ lại thì ông đã nhiều lần khốn khổ vào cái lúc mười giờ. Hồi nhỏ, ngày ngày ngồi trong lớp học, mỗi buổi mai vào khoảng mười giờ, thỉnh thoảng hoặc một con chim bay ngang qua cửa sổ kêu đánh ?ochéo? một tiếng nhỏ, hoặc mấy đứa chăn trâu đùa giỡn với nhau ngoài đồng để lọt vào tai ông mấy tiếng léo nhéo, hoặc tốp lính kéo đi rộp rộp ngoài đường v.v..., thế là ông trông ra cái nắng tưng bừng bên ngoài và lạc mất tiếng thầy giảng một lúc lâu, thần trí vẩn vơ mãi đâu đâu.
    Ngày nhỏ lơ đãng trong lớp, lớn lên ông lơ đãng ngay tại nhà. Cứ mười giờ mai, vào giờ nắng ráo, ấm áp, là như thế. Cứ như có ai kêu ai réo ở ngoài trời. Cứ như có hội hè ầm ĩ linh đình, có trống thúc cờ reo giục giã khẩn cấp ở ngoài. Nằm không yên, ngồi đứng không yên.
    Giá mà lúc ấy ta xô cửa, bước ra ngoài, bắt gặp quả tang ?ocái mười giờ?, nhìn tận mặt nó một lúc thì rồi cũng nguôi ngoai. Rồi thấy mình lơ ngơ thừa thãi. Rồi cũng đến trở vào nhà thôi. Nhưng nằm lì trong nhà, ngồi lì trước bàn viết, nắm mãi cuốn sách trên tay, thì khổ sở đa!
    Mười giờ, ngoài trời có gì vậy? Thì trời xanh vậy thôi. Thì mây trắng tơ tướt ngang trời vậy thôi. Nhưng trời xanh thao thiết mênh mông vào lúc mười giờ, tưởng chừng nó có cái hấp lực hút bật dậy những thây ma. Những xác chết nhập tràng chồm lên dưới một tác động ma quái.
    Ma quái chứ. Mở cửa ra, vẫn chỉ có trời xanh, có cây xanh, có ánh nắng nhấp nháy trên lá xanh, mọi sự y nhiên, như xế hôm qua, như trưa hôm trước, như sáng hôm kia, như một ngày năm ngoái, năm kia... Nhưng mà không! Mười giờ hôm nay, vào giờ phút này, tưởng chừng nó đập gõ khua ầm lên trước cửa mình vậy. Mỗi hôm nó mỗi quấy động, nó luôn luôn mới, luôn luôn bất ngờ, nó là biến cố hàng ngày. Hôm nào mười giờ cũng làm mình rạo rực, nao nức, như là một Mười Giờ đầu tiên buổi khai thiên lập địa. Mười Giờ nào cũng là một Mười Giờ hoang sơ. Khu phố có thể tha hồ vắng vẻ, cứ mười giờ là tưởng chừng có hội hè tưng bừng: Mười giờ ngoài cửa, nó là một im lặng ầm ĩ, huyên náo, chát chúa.
    Hoa có thứ hoa giờ tí có thứ hoa giờ ngọ, hoa tự do chọn lựa giờ giấc. Thứ hoa chọn lúc khuya khoắt vắng vẻ như hoa quỳnh, nó tha thồ đơn độc, ẻo lả, kiều mỵ. Còn hoa mười giờ không thế. Nó là hoa bầy hoa lũ. Là thứ hoa đồng khởi. Nó dậy lên, đứng lên cùng lượt, rực lên chói chang. Nhất hô bá ứng: Mười giờ cất tiếng gọi, từng từng lớp lớp điệp điệp trùng trùng hoa nọ liền đứng lên giữa trời. Không có ai mang hoa mười giờ vào phòng, vào những căn phòng nhỏ hẹp, để cho những ông cụ già móm mém vừa nhắp từng hớp trà vừa ?othưởng thức?. Hoa mười giờ phải nở giữa khoảng rộng, dười trời bao la.
    Đã mười giờ lại mười giờ sáng một ngày xuân, thôi thì khỏi nói. Đám dạ lý hương bên hè phát triển mạnh quá, lấn tràn vào cửa, mùa đông vừa qua ông đã phát bớt đi quá nửa lùm. Những gốc dạ lý hương bị đốn tưởng đã chết khô, bẻ gãy rôm rốp. Thế mà sang xuân bỗng thấy mầm xanh phọt lên. Lại nhớ có lần trong đống củi xếp sau hè thỉnh thoảng lại có cành bắn mầm nứt lá non. Tiếng gọi mùa xuân, sức kêu gọi của sự sống, Trời! nó mạnh kinh khủng!
    Nghĩ đến cái rạo rực trong lòng một cành củi, một gốc cây khô, ông lại nhân tiện nghĩ qua về cái rạo rực trong lòng mình: ?oỜ! mà mình cũng ?orạo rực? lắm, đâu đã yên? Khối thì giờ mất đi một cách vu vơ. Thế mà không để ý thì không biết đấy?. Ông nhìn xuống mấy ngón tay vàng khè khói thuốc, mấy ngón tay dẹp, mỏng, khô quắt dần. Ông nhìn thoáng qua, rồi quay mắt đi, chán ngán. Tuy nhiên cũng nhếch miệng cười bâng quơ.
    Ngoài sân, con **** chờn vờn bên dậu hoa sweet pea. Rồi nó rời dậu hoa, bay nhanh qua suốt chiều ngang của khoảnh sân trước, tưởng đi luôn sang vườn nhà bên cạnh, bỗng đâu lại thấy nó chập chờn ngay trước hiên. Cái bóng của con **** múa rộn ràng trên tấm màn cửa. Vào lúc ấy, chợt vẳng lên tiếng một đứa trẻ. Tiếng gọi la eo éo gì đó, nghe không rõ ràng, cách vài con phố, cất lên mấy tiếng rồi bặt mất.
    Ông bàng hoàng. Tiếng kêu ngắn quá không kịp phân biệt là tiếng nước nào. Mễ chăng? Mỹ chăng? Việt chăng? Tưởng chừng tiếng một đứa trẻ ngày xưa hắt vào căn nhà tranh của ông từ một ngôi gò nào trong làng. Tưởng chừng tiếng mấy đứa trẻ la giỡn ở một góc phố vẳng lọt vào lớp học hồi niên thiếu... Một cái gì rung lên, quẫy mạnh trong ông. Ông xao động cả người.
    Ông nhớ bữa ăn sáng cuối cùng với một người đàn bà. Người đàn bà đã chung sống với ông hơn chín tháng, ở một ngôi nhà mát mẻ thanh tịnh bên Tân Qui Đông. Hồi tưởng lại những ngày đó thật êm đềm.
    Hồi đó, hai người gặp nhau giữa một đám bạn. Ông có một cảm tình mơ hồ với Loan lúc vừa mới gặp, tuy vậy ông không bắt chuyện, cũng không có dự tính gì. Vào một lúc nào đó ông nói một câu vẩn vơ (bây giờ ông không còn nhớ đại khái ra sao nữa, hay nói cho đúng là ông quên bẵng đã từ lâu chứ không phải mới bây giờ). Loan nghe xong, không nói gì; nàng quay mặt về phía khác, nhìn mông ra xa, mỉm cười nhẹ nhàng, bâng quơ. Ông sực kiểm điểm và nhận thấy câu nói vừa rồi của mình quả nhiên là có hướng về nàng, một cách vô ý thức. Sự hưởng ứng của nàng xa xôi dè dặt, lại hơi hững hờ.
    Vậy mà ít lâu sau hai người gần gũi, rồi ông rước nàng về chung sống.
    Nghĩ lại, giá bấy giờ nàng niềm nỡ có lẽ ông đã lảng tránh. Độ ấy tự dưng ông tránh hết những thái độ nồng nhiệt, tích cực, hăm hở. Tự dưng ông mệt mỏi tận chỗ sâu xa nhất trong tâm hồn. Đang ở một căn phòng thuê tại đường Cô Bắc, đi lại các tòa báo khá tiện khá gần, ông quyết định rút hẳn về bên Tân Qui Đông. Ông từ chối bớt một số công việc tòa soạn, hạn chế bớt một số khoản chi tiêu, hạn chế giao du, để hưởng một thời gian yên tĩnh. Bên cạnh Loan. Và Loan là cả một sự yên tĩnh, êm đềm.
    Hai người sống với nhau không lâu, nhưng ?ohợp nhau kinh khủng?, ông công nhận thế.
    Hôm về ở với ông, nàng không có gì nhiều nhặn để mang theo. Y phục, nàng cũng không sắm bao nhiêu. Nhưng nàng có chở theo một chậu trúc đằng ngà. Kể ra không phải là thứ cây kiểng hiếm hay quí. Một cây trúc đằng ngà nhỏ hơn cổ tay bịï chặt ngang lưng chừng, cao chừng thước rưỡi tây, thế thôi. Đưa cây trúc xuống xe, nàng cười. Ông bảo đặt nó ngay trước hiên nhà, ngoài cửa sổ từ phòng khách trông ra. Nàng đồng ý dễ dãi.
    Cây trúc thế mà khỏe. Cành lá nó tỏa rộng ra sum suê. Nhiều buổi trưa vắng lũ chim sẻ kéo đến ríu rít trong tàn lá ấy. Mỗi lần nghe tiếng khua động trong nhà, chúng bay tán loạn. Trưa mùa hè nhiều lúc không được trông đến, trúc khô nước, lá cuốn cả lại. Múc một lon nước đổ vào gốc cho nó, thử lắng tai, có thể nghe tiếng lá khô mở ra rào rào, khe khẽ. Chừng vài giờ lá lại cuốn queo, lại cần thêm lon nước nữa.
    Tàn lá ấy làm khổ cây trúc. Có những đêm gió lớn, sáng ra thấy nó lăn kềnh, nằm chình ình trước hiên. Cái chậu đất nặng nề là thế vẫn chưa đủ để giữ thăng bằng. Rốt cuộc Loan phải hè hụi trói cây trúc vào song cửa bằng một sợi dây kẽm. Ông muốn giúp nàng một tay, nàng cười cười:
    ?" Anh cứ để nó cho em. Em trị được mà.
    Thực ra ông ngờ rằng không phải chỉ có thế. Không phải là nàng không muốn phiền đến ai khác chỉ vì nàng đủ sức ?otrị? nó, mà bởi vì nàng muốn tự tay mình chăm sóc cây trúc ?ocủa mình?. Cây tre cây trúc ít khi là cây kiểng của một người đàn bà. Có thể đây là một kỷ niệm riêng sao đó. Nàng có cây trúc trong trường hợp như thế nào? nàng ?othừa hưởng? của ai? Có lúc ông thoáng nghĩ ngợi về điều ấy, nhưng rốt cuộc cả hai cùng lảng tránh, bỏ qua vấn đề. Sáng sáng hai người ngồi trước hiên điểm tâm, uống cà-phê, và nhiều lần ông khen cây trúc đẹp. Nàng thắc mắc:
    ?" Không thấy nó nẩy được mụt măng nào.
    ?" Ờ nhỉ. Trồng lâu chưa?
    ?" Lâu.
    ?" Ờ, thế thì lạ.
    Vậy rồi thôi. Ông không hỏi thực sự nó ở với nàng từ bao giờ.
    ?oTrị? cây trúc là công việc của nàng. Ngoài ra nàng còn một thành tích nữa, cũng đáng kể. Sau nhà có cây mít, không biết nàng tìm đâu ra cái chuông, đem về treo lên một cành mít, rồi lại buộc một khúc cây bên cạnh làm cái dùi. Thỉnh thoảng, trong gian nhà vắng lặng, hoặc ông đang nằm đọc sách, hoặc chợt ngừng bút giữa trang giấy, hoặc đang ngồi lơ mơ uống tách nước..., chợt nghe một tiếng ?oboong.., oong...oong...? từ sau vườn.
    Tiếng chuông đánh thức sự tịch mịch vắng vẻ. Ông tán thưởng:
    ?" Hay nhỉ. Không có tiếng chuông, mình không để ý đến sự im vắng của xung quanh.
    Nàng không nói gì. Một lát, ông lại ngẫm nghĩ:
    ?" Thì vẫn là im vắng, nhưng một im vắng vô ý thức. Lâu lâu một tiếng ?oboong? làm cho sự im vắng tự ý thức về mình. Thành ra một sự vắng lặng có ý thức.
    Nàng vẫn không nói gì. Nàng nhìn mông ra ngoài, cười bâng quơ.

Chia sẻ trang này