1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuyển tập truyện ngắn hay nhất (Mới: Trò chơi mới-Asimov, Isaac)

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Julian, 25/11/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0



    Truyện Ba Con Cáo ( IV )
    Bình Nguyên Lộc
    Trời mưa cuối mùa cứ dai dẳng từ ngày nầy qua ngày khác. Con hồ ly ban đầu ăn xôi, ăn bánh mì chả lụa trừ cơm. Mãi rồi nó cũng không còn tiền để mua xôi nữa. Đất Sài Gòn, những ngày cuối tháng mà mưa dầm, thì tiền bạc nó cũng sợ lạnh, không hề dám ló ra ngoài. Nó có ló ra, con hồ ly mới ăn nem nướng được, còn nó mà trùm chăn thì chồn cái cũng đành trùm mền mà nhịn đói.
    Anh Sáu cũng chẳng thấy đi uống cà-phê sáng cho ấm bụng. Cũng chẳng thấy khói thuốc bay ra khỏi mái lều của anh như mọi ngày, và lâu lâu cũng không còn nghe mẩu thuốc vứt xuống ao, tắt kêu xèo một cái.
    Cả hai, vì tự ái hão, đều giả đau để nằm nhà. Anh Sáu yên thân hơn, còn dám ngồi dậy lết ra lết vô. Còn con hồ ly thì sợ anh Sáu đi ngang qua đó biết mình giả đò chăng, nên cứ trùm chiếu mãi từ sáng đến chiều.
    Khó chịu quá, ngộp quá, mà anh Sáu không đi ngang qua lần nào để thấy là nàng ta đang đau ốm thì có tức hay không chớ ?
    Hết mưa rồi nắng. Anh Sáu ra đi. Ngang qua nhà hồ ly, anh lấy chơn lật chiếu ra thì thấy hồ ly nằm xụi lơ. Nàng đau ốm thật đó, đau một chứng bịnh cổ điển của loài người, là bịnh ... đói.
    Anh Sáu mau bước nhảy như con khỉ từ ngôi mộ nầy đến ngôi mộ khác và rốt cuộc ra tới đầu ngõ hẻm trổ ra phố.
    Thiên hạ cứ mỗi ngày một khôn ra, cho nên, mặc dầu là cáo già, anh Sáu không còn gạt gẫm ai được nữa.
    Anh buồn hiu trở lại đào viên mà ba người bạn đã mặc lặng kết nghĩa với nhau hôm mấy tháng trước.
    - Chị đỡ bớt hay chưa ? Anh hỏi bậy cho có chuyện.
    - Có uống mẹ gì đâu mà đỡ bớt.
    - Chị nghe trong mình làm sao ?
    - Không biết. Nhưng nếu ăn được một chén cháo thì khỏe.
    Anh Sáu hiểu ngay. Anh lại thở ra, ngồi bó gối bên cạnh một người mà anh sẽ chịu đồng cảnh vài ngày nữa đây. Sở dĩ anh còn đi đứng được là nhờ anh mạnh sức, lây lất nổi thêm vài ngày.
    Chiều xuống sớm và mây kéo đen nghịt trời. Ngoài kia vịt vào chuồng kêu cạp cạp. Nghe tiếng vịt kêu, anh Sáu nhớ lại người bạn thứ ba.
    - Hừ, nó coi vậy mà nó đó.
    Bỗng một ý nghĩ nảy ra. Anh vừa mừng thì lại nghe như ai xát ớt trong ruột anh.
    Nhưng biết làm sao: Đi ăn trộm vịt, không đáng gì cả, mà rủi ro thì khổ. Trong lúc mình đang trốn mà dại gì làm những chuyện xằng nho nhỏ.
    Anh Sáu đứng lên nhảy bay qua nhà anh, rồi ngồi nhìn mưa bắt đầu rơi lũm chũm trên mặt ao tù.
    Một con nhái hay con gì không rõ, nhảy xuống nước lội róc rách đi về đâu không biết. Gió hú trong tiểu giáo đường, gió than vãn ở các nhà mồ. Xa xa tiếng động cơ xe nổ lên, nhắc nhở rằng cuộc sống ở bãi tha ma nầy thầm lặng quá!
    Anh Sáu rút cây chĩa ba, lết ra tới trước mả mà ngồi. Anh cúi mặt xuống miếng đất đọng nước, mắt lom lom rình.
    Bỗng có tiếng sột soạt do con chồn khua lau sậy, nay đã chết khô rồi. Anh Sáu hồi hộp nghe tim anh đập thình thình trong ***g ngực anh. Lạ! Anh đã giết người, mà nhớ ra là anh đã không nghe mảy may sợ hãi. Cớ sao đêm nay ...
    Kìa một cục đen đen thò ra khỏi sàn ván. Anh Sáu cầm chĩa ba mà nhắm rồi sực một cái, mũi chĩa đâm chúi xuống trúng ngay cổ con chồn. Chồn thét lên một tiếng kêu đau, kinh sợ, rồi thôi. Trong bãi tha ma hoang vắng, không một tiếng vang lặp lại tiếng kêu thương của con vật vừa bị bạn phản bội nầy.
    Dân lưu manh vẫn thế. Họ cũng biết xúc cảm, nhưng chỉ xúc cảm vậy vậy thôi. Họ nhỏ trên máu con chồn vài giọt nước mắt rồi thịt nó liền mà không nghe nhờm răng.
    Thế là đêm đó hai con chồn đói xơi một con chồn no.
    Họ chỉ ân hận một vài giây thôi, vì dầu sao, người bạn xấu số ấy cũng chỉ là một con chồn. Ai dư nước mắt mà khóc thú vật cho lâu!
    Trời cứ mưa, mưa như cầm chĩnh mà đổ, mưa như một oanh tạc cơ định về căn cứ, đổ rốc hết bao nhiêu bom còn sót lại trên tàu, mưa cho hết ráo nước để rồi khô hạn được trong sáu tháng dài, mưa đêm chưa phỉ lại mưa ngày, mưa cho đến xương kẻ dưới mồ chắc cũng lạnh thấu tủy khô.
    Ăn được bữa cháo chồn, hồ ly nghe khỏe như chị đã đoán. Sáng hôm ấy chị ra đi, căn dặn anh Sáu ở nhà, chị sẽ có tiền, một món tiền khá to, đâu như năm trăm, do một anh tình nhơn hứa biếu và hẹn hôm ấy trao cho vì hôm trước là ngày lương.
    Anh Sáu thích quá, muốn ôm lấy hồ ly mà hôn một cái. Nhưng hồ ly dơ thấy mà bắt nôn, nên anh thôi.
    Độ lối chín giờ sáng, anh Sáu đang nằm ca sáu câu mùi mẫn:
    Cảnh vị nhân sầu, xơ xác ngọn vi lau, nước triều mênh mông chảy ...
    thì bỗng nghe tiếng tu hít thổi hoen hoét ở cùng tứ phía, quanh nghĩa địa rồi giây lát sau hồ ly nhảy như khỉ qua các nấm mồ, theo sau chị là hai người đàn ông còn trẻ.
    - Trời ơi, anh Sáu kêu, mình đã dại, kể cho nó nghe duyên cớ trốn tránh của mình; nó bán mình mà ăn đây! Chồn ơi, hồn mi có thiêng chăng, về mà xem kẻ phản bội mi sắp bị trừng phạt đây.
    Anh Sáu bó tay không chống cự. Anh nhìn hồ ly, không oán giận mà chỉ tội nghiệp thôi. Hồ ly trốn cái nhìn của anh, ngồi day mặt vô vách lá mà đếm tiền.
    Đêm nay, gió sao mà hú ghê rợn hơn đêm nào cả. Hồ ly giật nẩy mình, dáo dác nghe ngóng. Gì mà như anh Sáu ho bên ấy! Chị đánh diêm lên để thắp nến. Trời ơi, mới hôm qua đây, anh Sáu còn nằm bên đèn kể lại những bước phiêu lưu của anh! Hơi thở của anh, chị còn nghe như văng vẳng. Cái mặt xương của anh đậm nét lên dưới ánh đèn, như là còn ẩn hiện mơ hồ trên tấm mộ bia!
    Trời ơi! Kéo cuộc đời nhơ nhớp nầy biết đến bao giờ mới thôi ? Đã nhơ nhớp lại đê hèn, bước từ phản bội này qua phản bội khác cho đến một khi kia thì mình chỉ còn phản bội được chính mình.
    Hồ ly rùn mình một cái, không phải vì lạnh, cũng không phải vì sợ ma, mà vì chị bỗng sợ hãi chính mình, sợ hãi con người đã vơi cạn hết chất người.
    Chị ôm mặt khóc òa, rồi lẩm bẩm van vái lầm thầm:
    - Trời Phật ơi, Chúa ơi, tha tội cho tôi, ngày mai tôi sẽ ra khỏi chốn nầy và ra khỏi vực đen của đời tôi nữa!
    Chú Thích:
    (1) Nơi đây yên nghỉ: Ông An-Phông Tô Ma Nguyễn Văn Nở, thất lộc năm 78 tuổi. Hãy cầu nguyện cho ông.
    (2) Ý nầy của P.S. và X.V.
    Lovetolive[/size=18]
  2. codet

    codet Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/03/2002
    Bài viết:
    1.130
    Đã được thích:
    0
    THuế biển
    Thuế Biển - không phải là truyện ngắn duy nhất của P.T.Hoài sử dụng phương pháp đồng hiện . Nhưng có lẽ nó là một trong những truyện ngắn sử dụng phương pháp đó thành công nhất , và chính nó làm nên sự tương phản mà lại hài hoà tuyệt đẹp của giọng điệu nổi loạn trữ tình của Phạm Thị Hoài .(NTSn)
    ------------
    Biển xanh là một ở dưới , tôi mặc váy xanh ngụp lặn trong mỗi độ xanh trong môĩ chiều xanh . Mất hút giữa hai thái cực xanh .
    Trước đó , tôi chưa bao giờ ra biển .Tôi sợ chết vì nước thì rửa mặt cũng chết được , ngoài ra làm mồi cho cá đỡ thối hơn làm mồi cho giun . Tôi cứ viết mãi những truyện ngắn khát nước về mưa và vòi nước công cộng . Anh treo lên tường những con sóng bạc đầu .Yêu nhau từ Hồ Tây sang hồ Trúc bạch , từ hồ Trúc Bạch lượn về hồ Gươm , từ hồ Gươm vòng qua hồ Thiền Quang , Từ hồ Thiền Quang vọt sang hồ Bảy Mẫu , nước hồ nào cũng cạn lên anh bảo chúng mình phảỉ hôn thật sâu . Tôi hát cùng anh thật sâu trong vòm họng , nhưng bây giờ thì anh no nước , tôi lang thang hoài trên cạn Hà Nội , Huế ,Sài Gòn , thành phố nào cũng phơi ròn như bánh đa phơi quá nắng .
    Cho nên tôi cũng nhận lời mời di Vũng Tàu . Ông ta đi góp ý cho một vở kịch . Tôi nghĩ kịch cọt chắc sẽ bận , chắc tôi sẽ đựoc ở một mình . Sẽ ngồi nhìn sóng bạc đầu và chờ cá . Từ buổi hai đứa hai nơi mỗi lần đi chợ tôi chăm chú nhìn vào hàng cá biển . Dường như trong con nào cũng có anh .
    Chúng tôi khởi hành vào buổi sớm . Lúc lên xe ông ta bảo tôi ngồi sát cho vững , ôm vai hay ôm bụng thì tùy . Tôi chọn vai , chỗ ấy ít dấu vết của thời gian , nếu chọn bụng , bụng sẽ luôn nhắc rằng ông ta hơn bố tôi một tuổi . Tôi nghĩ lòng mình nặng nề nhưng đem đổ xuống đầu một người đáng tuổi bố thì thiếu lễ độ nên gắng bắt chuyện . Tôi bảo đường tốt thật . Ông ta bảo người Mĩ xây mà . Rồi nhân tiện cho biết vợ cũ của ông ta đang ở Mĩ , mỗi tháng gửi về cho ông một trăm , cô bạn gái kém tôi hai tuổi cũng ở Mĩ thì gửi ảnh . Tôi không muốn nghe chuyện nước Mĩ , người tôi yêu đọc tiểu thuyết của Harald Robbins và Daniele Steel biết rõ đàn bà thượng lưu dùng xà lách bữa trưa ở tiệm nào trong thành phố Nữu ước và đàn ông hiện đại nói năng hóm hỉnh vô liêm sỉ ra sao , anh cho là so vói những sách ướt đẫm dục vọng ấy thì truyện ngắn của tôi là gãi đi gãi lại vào tâm hồn khô nẻ . Anh bảo sẽ đón tôi sang làm phu nhân . Tôi sẽ đi máy bay để nhìn Thái Bình Dưng từ trên cao , khỏi sợ chết đuối . Tôi không muốn nghe chuyện nước Mĩ nên chăm chú nhìn vào những cặp đi đưòng, chắc cũng tắm biển. Chỗ nào cũng một gương mặt thiếu nữ âu yếm nép vào chiếc gáy trẻ trung của người trai cầm lái . Tôi thường úp mặt vào đúng chỗ đó để liếm mồ hôi . Anh thường mút tóc tôi . Hôm chia tay anh bảo để anh nuốt tôi vào , chỉ cần ngủ một giấc ngủ là qua biển , khi nào đến nơi anh sẽ mổ bụng kéo tôi ra . Giá được như thế , bây giờ tôi không phaỉ lang thang một mình.
    Xế trưa dến Vũng Tàu . Chúng tôi chọn một nhà hàng gần biển , uống bia Vạn Lực với mực xào . Cách đó một bình phong , tập thể nhân viên nhà hàng họp kiểm điểm công tác . Nữ cửa hàng truởng phê bình các đồng chí để chuột gặm khăn trải bàn và khu nhà bếp có bọ gậy . Một con ruồi lao thẳng vào cốc bia của tôi như phi công cảm tử Nhật Bn . Ong ta dùng thìa vớt ra , đổi sang phía mình , rồi nâng cốc ấy về phía biển , bảo rằng ông thích thiên nhiên , thiên nhiên đồng nghĩa với cái đẹp , thằng nghệ sĩ bao giờ cũng hướng tới cái đẹp. Thực ra tôi không biết rõ ông làm nghệ sĩ như thế nào . Tôi chỉ dọc duy nhất bài thơ ông tặng cho tôi , trong đó tóc tôi thì như mây , cặp kính là hai mảnh trăng treo và hàm răng nụ cười thì như ánh chớp . Tôi nghĩ với một bề ngoài đầy vũ trụ tính như vậy tôi có thể đi thi hoa hậu với những Miss của các hành tinh khác . Hơi thở của tôi sẽ là gió , thở mạnh một cái thành bão cuốn phăng người tôi yêu băng qua Thái Bình Dưng , bản thân tôi cũng đâu phải mòn mỏi chờ đợi một tấm vé hàng không đi làm phu nhân nơi đất người .
    Ngoài cửa sổ, những ngưòi dân Vũng Tàu sống nhờ bãi biển nổi tiếng này nhìn chúng tôi chờ đợi .Lòng tôi nặng nề nên tôi nhìn trong họ mỗi người một giáo viên nghỉ hưu non . Thà họ xông đến túm cổ chúng tôi để tròng vào đó những chiếc phao đen xì khổng lồ trông đã thấy chết đuối , lột truồng chúng tôi để dí vào những bộ đồ tắm thuê sặc sỡ trông đã thấy bệnh giang mai , thế đỡ nhột . Hoặc thà họ nhún nhường , bẩm ông , bẩm bà , thế đỡ tức . Đằng này , họ rụt rè săn đón , đựoc chấp nhận thì hớn hở suồng sã quên mọi phép tắc , bị từ chối thì ủ ê lạnh lùng khác nào người tình đỏng đảnh bị tổn thương . Dòng họ tôi về phía bố đời đời chỉ theo đuổi hai nghề giáo viên và thầy thuốc , hai nghề cứu giúp ngưòi đời , hai năm trước đã rủ nhau rời bỏ quê hương , một vùng đất mà ông Phan Huy Chú cho rằng " vẻ non sông tốt chung đúc sinh ra nhiều vưong tưóng , khí tinh hoa tụ họp lại này nhiều văn nho", vào vào chính thành phố chỉ nổi tiếng bởi cái "bãi biển đã đánh đĩ " này , nói theo chữ của ông Nguyễn Tuân làm nghề bán kem sinh tố . Tôi biết trút nỗi lòng không đựoc bình thường của mình lên đầu ngưòi ngoài kia là vô lí lắm . Tôi ngồi ăn đặc sản , nghe ông ta ca ngợi thiên nhiên , nữ cửa hàng trưởng tổng kết lại số bát đĩa bóng đèn hao tổn , và ở đâu đó gần đây thôi dòng họ tôi đánh mất dần lòng kiêu hãnh trong những cốc kem trộn linh tinh . Ông ta lại nâng cốc , lại mời tô thưởng thức thiên nhiên . Từ chỗ tôi ngồi nhìn ra , biển cũng giống như biển trên tường của anh, trông không đáng sợ.
    Tôi nghĩ từ sáng tới gì mình lầm lì vô cớ nên gượng làm vui , pha trò linh tinh nhạt nhẽo , nhưng lúc xuống bãi tắm thì không thốt nổi câu nào nữa . Biển bây giờ ngay trước mặt , tất cả hồ Hà Nội dềnh lên cũng không đủ cho anh . Nếu đưòng đi nước Mĩ không đẫm nước đẫm dục vọng như thế chắc anh sẽ chết già bên tôi trong một căn hộ tầng tư phải bơm ban đêm lên từng giọt nước . Anh nghĩ rất tốt về nước Mĩ . C một đại dương Thái Bình như thế có thể đưa anh đến đó có thể tắm gội cho anh thành một kiếp mới , thậm chí chỉ cần bay qua đó nhìn xuống một chút là tôi có thể thành phu nhân , chỉ cần đứng dậy thán phục kính sợ một vùng biển Đông tôi đã cho rằng đời mình sắp khác .
    Ông ta bảo đi tìm nhà soạn kịch . Nhà soạn kịch là một thợ ảnh đang xếp đùi cho ba cô thiếu nữ trên cát . Vở kịch là mười lăm trang viết tay trên giấy học trò , bàn về lưong tâm của một nữ công nhân dầu khí Vũng Tàu khi người yêu nàng cũng là công nhân nhưng đã tha hoá . Kết cục đôi trai gái chia tay , người nữ một mình ngắm ban mai mới trên biển . Họ ngồi bên nhau sát chân sóng . Ông ta hào phóng ban phát những lời chỉ giáo như sấm . Kết cục như vậy là đựoc , nghệ thuật hiện đại bây giờ không chấp nhận có hậu nữa , đôi ấy chia tay là cần thiết , phi tàn nhẫn một chút nhưng đừng thái quá , chỗ này phải xuống dòng , viết hoa, thế . Tôi nghĩ cuộc góp ý này còn kéo dài vì thỉnh thoảng nhà soạn kịch lại xin lỗi để đứng lên bấm máy , nhiều thiếu nữ ngồi trên cát quá . Tôi bỏ đi dọc bãi . Chui qua những dây phơi đồ tắm thuê , lách qua những chú bé cắp mẹt sấn vào mời mua cua luộc . Bãi biển sang trọng nhất nứoc Việt này giống như một bãi chợ huyện . Ngoài khi dăm ba chiếc thuyền . Có ngưòi chết đuối may ra chợ này mới nhộn nhịp lên . Tôi nhớ lại ông Nguyễn Tuân ở Cửa Đại. Nơi ấy" con nhà chài chưa biết đánh lừa người ta mỗi khi bán mớ tôm mớ cá . Những thiếu phụ goá bụi quấn giải khăn ngang để tang một người thuyền chài chết vì mẻ cá nục ngoài bể sâu mấy con sào nước , những người sưong phụ có cái vẻ đẹp của Thánh Maria đó chưa biết đến việc mãi dâm ..." Nơi này hẳn không thừa lưong thiện như thế . Một đám dân chài đang kéo lưới cho khách quan . Tôi cũng trả một ngàn vào ngắm ngưòi ta đánh cá . Lưói kéo lên từng đoạn từng đoạn chậm chạp , tôi có cảm giác rằng công việc này còn cần kiên nhẫn hn nghề văn của tôi . Lúc lưới lên hết , tôi cũng chen chân vào nhìn mẻ cá . Tất cả đuợc chừng một rổ , chia cho hai chục người kéo, mỗi ngưòi nửa cân cá bé hơn hai ngón tay . Chia nhau xong rồi , mỗi đám trẻ ào vào mót . Tôi chân chân nhìn một đúa bé dắc thắng giơ lên chiến lợi phẩm là một chiếc mũ bẩn thỉu sũng nước có dòng chữ trắng GO TO DISNEYLAND. Ngưòi tôi yêu luôn luôn đội mũ , che bớt vầng trán với những nếp nhăn hình dẻ quạt kinh khủng . Một phần ba gương mặt phiá trên ảm đạm cùng cực chuyển dần sang một phần ba gưong mặt ở giữa đã sáng sủa hơn , rồi một phần ba phiá dưói tươi đẹp lạ thường . Tướng thuật bảo thế là phát về hậu vận . Hôn nhau mãi ở Hà Nội không thấy hậu vận , anh bảo để anh đi tìm nó , bắt nó đến trước khi mình già . Hôm chia tay anh đội mũ GO TO DISNEYLAND. Tôi chạy theo thằng bé , dúi cho một ngàn đổi về chiếc mũ . Rồi len lén ném chiếc mũ xuống biển , nó đã trôi từ vịnh Bắc bộ đến đây thì cho nó hãy trôi tiếp , trên bờ này không có DISNEYLAND.
    Buổi chiều nhà soạn kịch mời chúng tôi về nhà dùng cơm , có rau sống và đĩa dứa xào mềm nhũn thết khách .Tôi không ăn nổi , lấy cớ đã no cua luộc ngoài bãi , ông ta cũng gắp qua loa rồi cả chủ lẫn khách ra ngoài hiên hóng mát . Nhà soạn kịch tự đệm ghi ta , hái những bài trứoc năm 75. Giọng anh ta run run như sắp khóc. Tôi nghĩ chẳng trách nền mĩ học của ta được bằng số lần rút khăn mùi xoa , còn nền đạo đức thì đo bằng sự sạch sẽ của những chiếc khăn mùi xoa ấy.Tôi ngáp . Anh ta và vợ là một thiếu phụ đi chân đất , ngón tay út đeo một chiếc nhẫn vàng kếch xù , nhìn nhau rất nhanh , rồi người vợ bảo :"Mời anh chị ngủ ngoài này cho thóang ". Trong nhà chỉ có một buồng ngoài kê một chiếc giưòng lớn cho hai vợ chồg và đứa con gái 15 tuổi , con bé cũng đi chân đất và đeo nhẫn vàng ở ngón tay út , ngoài hiên kê một chiếc chõng tre . Tôi đoán chắc chủ nhà đã phải suy nghĩ nhiêù lắm về vấn đề ngủ của khách . Lúc ở Sài Gòn , ông ta bảo sẽ ngủ đêm ở nhà một người bạn . Văn nghệ sĩ có nhiều bạn là vứt đi. Tôi nhìn mãi chiếc chõng tre rộng chừng hơn một thứoc rồi nhòm mãi vào mặt ông ta . Ông ta lẩm bẩm một câu gì đó, đại loại là anh chị chủ nhà bạn ông ta đây , cũng là văn nghệ sĩ , quan niệm tự do lắm , ta không có gì phải e ngại . Tôi nghĩ lòng mình không bình thường nhưng chắc chắn chưa rối loạn , vậy mấy người người còn lại dở điên lên rồi . Nếu văn nghệ sĩ là phải mời nhau hoặc ăn đặc sản hoặc dùng những bữa cẩu thả như thế kia cho khác với những đám thị dân tầm thường , nếu tự do văn nghệ là phaỉ ngủ lang linh tinh như thế này thì tôi đành bỏ nghề viết truyện ngắn .Tôi có nhiều thứ để đóng thuế , nhưng chỉ có một tấm thân , không đựoc phép phung phí.
    Hôm chia tay anh bảo , anh không nuốt đựoc tôi vào thì tôi xin giữ anh trong tôi, nhỡ có mệnh hệ nào thì cũng đựoc giọt máu của anh an ủi . Hai đứa ngập ngừng mãi bên Hồ tây , xung quanh trai gái yêu nhau rào rào như thể ngày mai Nhà nước ban hành luật " thụ thụ bất thân ". Anh mở tôi ra nhìn ngắm không chán rồi tỉ mỉ đóng vào từng cái cúc lên đến sát cổ . Anh bảo tôi phải giữ mình cho trọn đến ngày đi làm phu nhân , phu nhân khác gái tân thời, rồi người đàn ông tôi yêu dấn thân vào biển dục vọng với một tấm lòng quân tử sạch trong . Rồi cười lớn , hậu vận của anh tươi tốt như thế này , mệnh hệ thế nào được , đừng nghĩ quẩn, giữ mình nhé em giữ cho anh. Tôi xin vào buồng trong , nằm vuốt ve mình trong bóng tói , giữa những tủ khoá kĩ những áo quần có mùi nước biển những hộp các tông giống nhau chồng chất , có lẽ nhà soạn kịch kiêm nhiếp ảnh này luôn buôn lậu bia Henieken. Sáng hôm sau tôi không lầm lì , nhưng ông ta luôn lầm lì .
    Kịch cọt chắc đã xong , bây giờ còn việc tắm biển. Tôi thấy khó chịu trong bộ đồ tắm mượn vội của một người bạn ở Sài Gòn, chị ấy ưa những bộ đồ thật bé thật xinh , hai cái vệt đỏ chót treo hờ hững trên người tôi như châm lửa vào bãi chợ này , nhà soạn kịch chạy gịât lùi bấm máy tanh tách ,ông ta cũng thôi lầm lì , quàng vai tôi và giục tôi cười cho một pô nữa . Tôi hót hoảng nhảy ào xuống không lao ra , tôi đi từ từ , vừa đi vừa giữ hai vệt đỏ trên người để chúng không bị sóng biển dập tắt , tôi đi từ từ , sóng không xô tôi vào bờ nữa , sóng rẽ ngoan ngoãn cho tôi ra khi , cứ di mãi, nhất định tôi sẽ ra tới Thái Bình Dương , gặp anh , anh sẽ nhăn mặt hỏi sao tôi ăn mặc kì cục, tôi sẽ bảo là đồ đi mượn , khát nước và sợ nước như tôi có bao giờ sắm riêng bộ đồ tắm cho mình. Lúc tôi sụt chân xuống thì ông ta nhấc bổng tôi lên . Nhà soạn kịch bảo ghi được pha ông bế tôi lên bờ , trông Holiút lắm nhé!. Cả anh ta cũng nghĩ tốt về nước Mĩ.
    Pha Hôliút có lẽ làm cho ông ta phấn chấn hơn sau đêm ngủ kiểu thị dân tầm thường nên truớc khi về , ông ta mời tôi lên núi ngắm chùa . Chúng tôi chia tay nhà soạn kịch , anh ta nhắc đi nhắc lại mãi :"Về rồi à, ở chơi đã" , tôi không biết đấy là câu hỏi hay lời đề nghị . Chùa ở tít trên cao , đưòng lên đầy đá lổn nhổn , xe chúng tôi đổ nhào . Ông ta bảo sẽ galăng với tôi đến cùng , xuống tháo giầy , xoa chân cho tôi . Tôi đau phía trên , nhưng ông ta cứ vuốt không quá phần bụng chân , vừa vuốt vừa tha thiết đề nghị tôi nên tin ông , ông coi trọng danh dự. Tôi nghĩ danh dự là việc một người đàn ông xoa bụng chân cho một người đàn bà chẳng mất gì , nhất là không mất đau , nên tự nhiên cười phá lên . Bàn tay ngưòi đàn ông tôi yêu mùa đông ấm như nắng mùa hè dịu như trăng , đụng vào đá , đá cũng khoan khoái rên lên , bây giờ tay anh ở trong bụng cá , cho cá thành tiên , những thiếu nữ thuỷ cung biết hát mê hồn ấy sẽ làm anh quên đường đến nước Mĩ .... Ông ta buông chân tôi , bảo có lẽ tôi còn quá trẻ , tuổi trẻ bây giờ ít coi cái gì là thiêng liêng . Tôi không rõ vì sao ông ta chuyển đề tài về thiêng liêng , chắc vì sắp đến chùa ?
    Chúng tôi đứng trên gác chuông . Ơ đây là bánh xe ,luân chuyển , cách một quãng núi ở cùng một độ cao là Giê Su trắng muốt giang tay hướng ra biển . Ai cũng hướng ra biển . Ai cũng mê sóng bạc đầu. Ông ta giảng giải say sưa về chiếc chuông lớn nhất nước Việt , bao nhiêu văn hoá lịch sử tuôn chảy sát bên tôi, miệng ông ta là chiếc bình Pandora thời mới , chỉ có ngôn từ , ngôn từ , rồi lại ngôn từ nay ra , tràn ngập cả thế gian từ độ cao thiêng liêng này, cả Chúa và Phật đều không làm nổi. Hình như ông ta lại nói về những valeurs humaines của người nghệ sĩ . Và về biển , một mảnh hùng vĩ của thiên nhiên còn thiên nhiên lại đồng nghĩa với cái đẹp . Ngôn từ , ngôn từ , rồi lại ngôn từ bay ra mịt mù .
    Tôi bất giác giơ tay ra , rất nhẹ , nhẹ như một lát gió quệt vào thành chuông mà thôi . Ông ta bay từ độ xanh này đến độ xanh kia, mất hút giữa hai thái cực xanh . Tôi mặc váy xanh ở trên này , biển xanh dưới kia , sau lưng các ni cô rú lên adi đà phật. Tôi chúc ông ta sớm ra đến Thái Bình Dương sang đến nước Mĩ . Tôi hy vọng ông ta sẽ đọc truyện của Harald Robbins Đnianiele Steel . Ở đó vợ cũ và bạn gái sẵn sàng chờ ông ta rồi . Không ai chờ tôi, anh đã đi theo những nàng tiên cá./.
    phantincodet
    mai tôi sửa chữa
    03
    Được codet sửa chữa / chuyển vào 12:09 ngày 21/02/2003
  3. gianghobenbinh

    gianghobenbinh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    29/11/2002
    Bài viết:
    350
    Đã được thích:
    0

    Ðây là tuyển tập hay nhất trong những truyện dở nhất. Hãy post
    tiếp đi bạn. dù sao cũng cảm ơn zất nhiều, có vài thứ thỉ thoảng lôi ra nghiền và ngẫm <(
    I am a Citizen of the World
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Tầng Trệt Thiên Đường
    Bùi Hoằng Vị
    Tầng trệt. Trong phòng. Chẳng có đồ đạc gì ngoài một tủ kê sát tường, một bàn kê sát tủ, và hai ghế kê sát bàn.
    Hai hữu thể có cánh, rã rượi, ố bẩn, như chưa một lần bay lượn: Một, có cặp mông lớn lao và hung hãn, đang đứng kiễng chân trên đầu bàn, ghé tai vào cái đài bán dẫn made in Hell giấu trên nóc tủ, vẻ lắng nghe, thỉnh thoảng quay lại bộ mặt xanh xao, mắt quầng thâm, thở dài ,... Một kia, đang ngồi ở ghế cạnh bàn, đầu cúi, viết không ngưng nghỉ ,... Những dòng chữ chảy lênh láng, ngập một tấc trên sàn, tràn cả ra cống rãnh ngoài cửa. Bầu khí thì oi, thoang thoảng mùi chuột, và gián, và rác ...
    - Em van anh. Hữu thể đang đứng nhắc lại, giọng ủ dột. Anh viết gì mãi thế? Hữu thể kia vẫn mải mê không đáp.
    - Không. Giọng càng ủ dột. Không thể thế được. Em không tin.
    - Gì cơ? Giọng hỏi lơ đãng.
    - Em không tin.
    - Nhưng tin gì cơ?
    - Không thể vui thế được. Ở dưới ấy đã được giả thiết là buồn thảm.
    Hữu thể kia bất giác ngửng đầu, vẫn lơ đãng. Chiếc đài dang lần lượt nhả ra âm thanh của chín kênh địa ngục.
    Anh bất giác ngửng đầu, lúc nàng đưa tay vặn nút, dò tìm kênh một, VOHell. Một bản giao hưởng tấu bằng các khí khổng. Anh ngừng bút, nhưng không có ý nghe, chỉ lơ đãng đưa mắt nhìn sang phải , ở đó, một mảng vôi xám nữa vừa rơi xuống từ cái vách ố bẩn, la liệt những chữ Dieu, Love, Rai,... viết nguệch ngoạc bằng phấn và than, chung quanh những nét vẽ, còn nguệch ngoạc hơn, phác thảo chân dung của Thượng Đế, vẻ mặt vừa đáng kính vừa đáng ngờ, với một vòng hào quang mầu hoen rỉ. Phải, hào quang.
    Bản giao hưởng dứt. Chương trình được tiếp tục bằng một giọng xướng ngôn chuyên nghiệp: ?. Sau đây là bản tin cuối ngày. Vừa qua chúng tôi đã tiếp nhận thêm 12 hữu thể có cánh. Một trong số cho biết, họ đã ... từ những bóng tối thiên đường nào trung cổ, những xứ sở nào buồn bã vô song. Thẩy đều bơ phờ, liệt nhược. Một số đã chết. Hiện chưa tìm được một biện pháp nào khả dĩ giúp số còn lại vui lên được một chút. Chúng tôi thành kính nghiêng mình trước... Chúng tôi trân trọng mọi nỗi đau thiên đường... Anh ngáp.
    Tiếng rột rạt phát ra từ cái nút vặn đài. Nàng rà sang kênh hai. Một bài triết luận đang đọc dở: ... Cuối cùng, rõ ràng sứ mệnh cay nghiệt mà trung thành nhất của ý thức vẫn là phản bội, và, rất tiếc, ấy lại chính là phương tiện duy nhất cứu rỗi cho chân lý ... Anh vẫn không buồn nghe. Sự chú ý của đôi tai anh đột ngột được dành cho những âm thanh đang vọng xuống từ những tầng trên của toà cao ốc, những tiếng cãi cọ, chì chiết chua ngoa, những tiếng quát tháo, rồi là tiếng khóc khô khan,... Mắt anh thì để ra cửa sổ. Ngoài ấy, một cơn gió đang cuốn bụi bay tung. Mầu trời u uất. Có một con trốt xám vẫn lơ lửng ở đâu đó, anh biết.
    Kênh ba. Tin về phát hiện khoa học mới nhất... Vừa qua, các nhà... đã thí nghiệm thành công... Tia nhìn anh bất động, bám lấy cái cửa sổ, trong lúc cố hình dung ra điều gì nghiêm túc, chẳng hạn một phòng thí nghiệm, những ống thuỷ tinh, những cái blouse trắng ... Anh cố gắng đến đau mỏi, cuối cùng lắc đầu. A, một lần nữa anh kịp nhận ra, chẳng có hình ảnh nào gọi được là nghiêm túc lại có thể lưu trú trong trường ý thức của anh. Nhưng mà không, xét cho cùng, có hề chi. Những điều ấy, dầu nghiêm túc đến đâu mặc, có liên quan gì đến anh, đang ngồi đây, giữa một nỗi hỗn mang oi ả, thoang thoảng mùi chuột và gián và rác!
    Cái nút đài tiếp tục kêu lên. Nó lại được hăm hở vặn đi. Kênh bốn. Tiếng Thét Vượt Thời Gian. Anh mệt mỏi đặt bút xuống. Ấy là từ ngữ anh thật sự không muốn nghe. Thời gian.
    Kênh năm. Bản tin lúc không giờ. Lại thời gian! Cái gì vậy? Có phải mớ khái niệm gắn liền với từng múi giờ, mà bầy hữu thể có đuôi nào đó cam lòng chia nhau gặm nhắm? Thế, anh chẳng thể chia sẻ với họ. Ở đây, nơi thường trú anh, dù sáng hay tối, ngày nắng hay ngày mưa, mùa ít nóng hay mùa rất nóng, thì ngọn đèn duy nhất giữa trần phòng kia cũng cứ thắp suốt, chẳng khác một con mắt võ vàng treo dọc, không bao giờ nhắm lại, và, dưới ánh sáng tự kỷ ám thị kinh niên vàng vọt của nó, anh không thể xác định được là mấy giờ. Thời gian của anh là mênh mang vô bờ bến, hay co xoắn đậm đặc, theo cách nào đó, anh không thể diễn tả bằng ngôn ngữ phàm tục bất toàn, - nó phải được thể nghiệm và diễn giải theo những phạm trù siêu việt hẳn, vượt khỏi tầm với của ý thức lẫn tưởng tượng anh. A, thời gian! Đã lâu rồi, anh không còn biết đến nữa.
    Lovetolive[/size=18]
  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Tầng Trệt Thiên Đường
    Bùi Hoằng Vị
    Bản tin bỗng níu kéo thần trí anh trở về với cái đài: Nghe nói, ở tầng trệt của Thiên Đường, từ một nỗi đau giả, một hữu thể có cánh đã để chẩy lênh láng những giòng thơ, làm ngập lụt mọi cống rãnh... Nàng quay lại, giọng trách móc.
    - Người ta đang nói về anh. Mắt nàng như quầng thâm hơn.
    Anh lắng nghe, vẻ buồn bã.
    - Không. Họ lầm. Nỗi đau của anh là có thật.
    Và anh cúi mặt, vẻ rất buồn bã, nhìn những giòng chữ chẩy khôn cầm. Họ có thể hiểu gì về việc anh đang làm! Nhưng thôi, thây kệ, anh chẳng cần. Khi anh sáng tạo, một mình anh là đối trọng của thế giới, anh tự triển khai thành một thế giới của riêng anh ...
    Kênh sáu. Tiếng động kẽo kẹt của một chiếc giường. Tiếng thở hổn hển lẫn tiếng rít khe khẽ, khuyến khích ,...
    - Nghe nói, ở dưới ấy bọn quỷ cái đẹp lắm, đúng thế không, anh? Giọng nói ủ dột của nàng vang lên, như rên.
    - Có đâu. Anh vẫn cúi mặt. Đã được chứng minh là ở dưới ấy những hữu thể có đuôi, giống cái, phải ngồi trước gương hàng giờ và tô đi tô lại đường viền những lỗ thủng trên mặt bằng những mỹ phẩm thượng thặng. Họ hẳn phải xấu xí.
    Nhưng nàng vẫn chẳng có vẻ gì là nguôi ngoai. Những ngón tay run rẩy lại đay nghiến cái nút vặn.
    Kênh bảy. Tiếng cốc tách chạm nhau. Tiếng cười. Tiếng chúc tụng. Một buổi liên hoan. Nào, nào, xin cạn ly, nhân kỷ niệm lần thứ 1991 ngày qua đời của... Anh không thể không một lần nữa nhìn qua cửa sổ. Đằng xa, ở cuối tầm mắt, cách một quãng đồng vắng không cây, có một cái gò lớn, vẫn được mệnh danh Nấm Mồ Của Thượng Đế. Phần anh, chưa bao giờ gọi nó bằng cái tên đó. Thật xúc phạm đối với con tim khi phải nhìn thấy nó hôm nay, cỏ xanh loang lổ. Anh vẫn nghĩ, lẽ ra ra nó phải được lát bằng những phiến cẩm thạch, mát lạnh và lặng lẽ, an nghỉ dưới bóng râm của những rặng trường xuân.
    Kênh tám. Tiếng cười sặc sụa ...
    Nàng cứ rà đi rà lại cái nút vặn, vẻ thất vọng. Cuối cùng, bật khóc.
    - Không. Nàng gục đầu vào cái tủ, vai rung lên. Em không tin.
    - Thôi nào! Giọng nhẫn nại, anh nói, trong lúc quờ tay lấy cây bút , cách vô thức.
    Anh lại cúi xuống, cắm cúi viết. Chữ nghĩa lại chẩy lênh láng, ngập ngụa, ào ạt khắp, phần lớn xuống cống rãnh sặc mùi chuột và gián và ..., chỉ một ít bay tung theo gió, lấp lánh giữa đám bụi. Vẫn lơ lửng một con trốt xám ở đâu đó, bên ngoài ,... Bầu khí thật oi.
    Anh ước ao nàng sẽ vặn cái đài về kênh chín. Nhưng chẳng hề hy vọng điều đó. Nàng chẳng bao giờ lại chọn nghe kênh chín, cũng như chẳng bao giờ lại chịu tắt đi cả. Chẳng thà vặn suốt, và cứ như thế, để cho tiếng rột rạt hăm hở kéo dài tưởng chừng vô tận. Dù sao vẫn hơn. Nàng bảo. Em ghét kênh chín. Phải, anh biết, ở đấy chỉ được nhả một Dấu Lặng Vĩnh Cửu. Còn anh, thì thèm khát nghe nó xiết bao.
    Từ một tầng bên trên của toà cao ốc lại vọng xuống một giọng lanh lảnh, át cả tiếng rột rạt ngoan cố của cái nút vặn đài: Gớm, lại sặc. Rõ khốn khổ. Người ta vẫn nuốt cả tấn địa ngục vào họng đến là tươm tất, còn ông, có mỗi cái hạt tấm cũng cố mà sặc. Thật, tôi đến độn thổ ...
    Anh chẳng muốn nghe chút nào, cứ lẳng lặng viết xối xả. Song, thật đáng buồn, đôi vành tai của anh đâu thể đóng lại ! Đấy, và anh cũng lại nghe nàng rảo trở về kênh bẩy...
    Tiếng ngáy như sấm. Buổi liên hoan đã vãn rồi sao? Anh lẩm bẩm... Bất thần vang lên, trong khoảnh khắc, một đoạn Adagio của bản.....No14, của .... Kênh sáu, phải không em? Anh định hỏi, nhưng cái nút đã vặn đi. Phải rồi, kênh sáu. Người ta đã ngưng chuyện ấy, chỉ còn tiếng đàn rướm máu, ánh trăng rướm máu. Anh lại bất giác nhìn ra cửa sổ, nhìn những đám mây trên cánh đồng thiên thu, chẳng phải mùa xuân, chẳng phải mùa hạ, cũng chẳng phải..., những đám mây ấp ủ mộng đời nào bất tuyệt. Chúng đến từ đâu? Anh bỗng cảm giác xa lạ, xa lạ, xa lạ...
    Kênh năm lại vồ lấy thần trí anh với cái giọng thường trực: Chẳng bao giờ đã và cũng sẽ chẳng bao giờ có ai từng nghe nói về một vụ tự tử như thế, - tự tử bằng thơ. Thơ dâng lên từng milimét, chắc chắn sẽ ngập đến cằm, đến miệng, đến mũi, và thế là hết, chỉ còn hai con mắt, thao láo, dần dần bất động, ngưng thần. Đồng thời, mức thơ không dâng lên nữa. Phải mất lâu lắm, thơ mới rút đi hết, qua ngả cống rãnh, và trên nền nhà chỉ còn lại sõng sượt một mình thi nhân, với đôi cánh nát tan ...
    - Họ lại nói anh. Giọng nàng nghe khô khốc.
    - Không. Anh lơ đãng nhìn xuống bàn, gẩy gót cây bút, nhưng không viết. Họ không hiểu gì hết. Chúng ta không biết đến sự chết. Khái niệm đó đã được qui ước là vô nghĩa ở Thiên Đường.
    Anh vẫn gẩy gót cây bút. Sao họ lại dối trá thế? Chẳng ai đã từng biết được điều gì về chốn đây. Tự tử bằng thơ! Có buồn cười không. Anh nào có làm thơ ! Anh chỉ để chữ nghĩa tuôn chảy mãi thế này, ngập sàn một tấc, và chỉ thế không hơn. Còn anh, thì tồn tại đã được chỉ định là chẳng bao giờ kết thúc.
    - Nhưng, em van anh. Anh viết thế để làm gì chứ?
    - Anh van em. Giọng anh cũng khô khốc. Anh không biết. Có thể nào khả hữu một câu trả lời khác hơn, mà vẫn trung thực đến thế? Cũng như có thể nào tìm thấy một điều gì khác hơn là cây bút xấu xí này, để cho anh trang trải hết cái chiều kích ghê gớm của thiên thu? Quả thật, anh không biết.
    Lovetolive[/size=18]
  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Tầng Trệt Thiên Đường (III)
    Bùi Hoằng Vị
    Anh thoáng thấy nàng mím môi. Cố nhiên, ấy chẳng phải lần đầu tiên được đặt cho anh một câu hỏi đại loại. Nhưng thôi, hãy quên đi những điều nhỏ nhặt, khi một mình anh cũng đủ khả năng là đối trọng của thế giới, một mình anh cũng có thể tự triển khai thành ...
    Dường như nàng cũng thế, cũng biết quên. Thoắt cái, nàng đã trẩy sang kênh khác, vẻ lãnh đạm.
    Kênh bốn. Chương trình đọc thơ. Đã về đâu rồi, Tiếng Thét Vượt Thời Gian? Và bây giờ, thì thơ! Một giọng đọc có cái gì đó khẩn thiết, buộc anh phải lắng tai.
    ...Anh ra ngõ, ngồi xuống một phiến đá, và bắt đầu khóc. Anh khóc trước tiên cho bản thân anh, rồi sau đó, cho mọi thứ, mọi sự trên đời: Khóc cho trời đất quá bao la, cho những đám mây quá xanh, cho mặt trời quá rực rỡ, cho đồng lúa quá vàng, cho dòng sông quá nhiều nước, cho những kẻ đi vụt qua ; - cho người đàn bà kia đôi vai quá mảnh, đôi vú quá lớn ; cho người đàn ông kia dáng đi đã quá nhọc nhằn, lại còn sở hữu thêm cái ... quá khổ ... A, mọi sự tồn tại đều đẹp đẽ và tội nghiệp đến mức không chịu nổi. Song, điều càng lúc càng trở nên khủng khiếp nhất, là anh vẫn không thể nào hiểu được cái lẽ tồn tại của chúng. Thế là, anh lại khóc và khóc, và phát hiện ra đôi mắt là cả một nguồn mạch đầm đìa.
    Ôi khốn khổ. Tạo vật có đuôi vô danh nào đã có thể cưu mang một nỗi đau nhường ấy, nỗi đau đồng dạng với nỗi đau anh? Đoạn thơ khiến anh thật sự ganh tị, dù chỉ có bấy câu. Chao, chẳng bù cho bao tuyệt phẩm anh đã từng biết, trường giang đại hải, hoàn thiện một cách vô tích sự ; hay hớm, thông minh và vĩ đại một cách vô tích sự, chẳng đáng để anh nhớ lại mảy may...
    Dù sao, rất tiếc, thi ca vẫn không phải điều nàng quan tâm. Tiếng rột rạt lại cương quyết nói lên điều đó ... Cái đài đang trở về kênh ba...
    Vẫn những mẩu tin nhanh về những phát hiện mới nhất ... đã xác nhận tồn tại của lỗ đen...Vấn đề bản chất của lỗ đen,- điều kỳ diệu đến nghịch lý của thực tại vật lý ... Lại những điều đồng thời vừa nghiêm túc vừa chẳng liên quan gì đến anh, đang ngồi đây, giữa nỗi hỗn mang oi ả, thoang thoảng mùi chuột và gián và rác, dưới cái áp suất song trùng, vừa xám xịt, của một con trốt vẫn lơ lửng ở đâu đó ngoài kia, vừa võ vàng, của ngọn đèn duy nhất trong phòng, chẳng khác một con mắt kinh niên tự kỷ ám thị treo dọc, không bao giờ nhắm lại...
    ...Nghiên cứu cho thấy, ở điều kiện..., dung dịch từ mắt sẽ không chảy xuống má, nhưng sẽ... Những từ vựng lại tiếp tục nổ dòn một cách nghiêm túc phi thường, trong khi anh chẳng biết làm gì khác hơn là ngáp, và kín đáo nhận ra, chẳng bao giờ kịp che miệng.
    Cái ngáp của anh kéo dài cùng với tiếng rột rạt của cái nút vặn đài, và không thể ngưng lại, ngay cả khi trên kênh hai đã vang lên bài triết luận dị hợm quen thuộc:...Đã đành năng lượng phải được tiêu hao dưới mọi hình thức, thế này hay thế khác, song bi kịch nhất vẫn là nỗ lực vận dụng nó cho việc ghi nhớ những điều chẳng... hay trả giá nó cho niềm tin vào những thứ chẳng..., vâng, và ngay cả khi anh, như theo một phản xạ tự nhiên, vụt ngoảnh ra cửa sổ, đưa mắt nhìn về phía nấm mồ của Thượng Đế, với vẻ buồn rầu...
    Lúc này đây, anh càng khát khao chuyển cái đài về kênh chín, khát khao đắm mình vào nó, - cái Dấu Lặng Vĩnh Cửu, chưa một lần được nghe nọ, xiết bao. Song, anh vẫn ngồi yên thế, vân vê cây bút, lặng lẽ ngáp, và cuối cùng, lại lặng lẽ cúi xuống, tiếp tục viết và viết, lênh láng, xối xả, ào ạt khắp...
    Thôi, cứ xem như giải pháp duy nhất cho anh là thế, và anh sẽ mãi còn trung thành với nó, thây kệ mọi sự, thây kệ cả cái đài đã được nàng vặn hối hả, rột rạt trở về kênh một, nơi cũng vừa kết thúc một bản tin hay một bài triết luận hay một bài thơ nào đó anh chẳng rõ: ... Sẽ chỉ còn lại một mình anh thôi, và thế cũng đủ để hoàn tất sứ mệnh làm chứng cho nỗi vô nghĩa bí ẩn và vĩnh cửu của tồn tại Thiên Đường. Và cố nhiên, ngay cả cái lối kết thúc này nữa, anh tự nhủ, cũng phải được thây kệ nốt.
    02/91
    Bùi Hoằng Vị
    hiện sống tại Sài Gòn. Tác phẩm: Nhật ký (thơ, 1990), Tầng trệt thiên đường (tập truyện, 1995).
    Lovetolive[/size=18]
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    NHÀ VĂN BÙI NGỌC TẤN
    Người Chăn Kiến
    Cái tay B trưởng* ấy hoặc đã chán mọi chuyện đánh đấm, hoặc có máu hài hước. ông M vừa bị vài cú khai vị tưởng rụng quai hàm thì hắn hét bọn đàn em vây quanh ông đang nổi cơn say đấm đá:
    - Thôi.
    Hắn bước tới gần ông. Nhìn. Ngắm:
    - Trắng.
    - ...
    - Làm nghề gì?
    Ông nuốt một bụm máu, nửa cái răng gẫy vào bụng và biết nên nói thật:
    - Giám đốc.
    B trưởng reo lên:
    - Thảo nào. Trắng như con gái.
    Rồi thật bất ngờ:
    - Cho làm nữ thần Tự Do.
    - ...
    - Tượng nữ thần Tự Do ở bờ biển Nữu Ước. Làm giám đốc mà không biết à?
    Ông thoát khỏi trận đòn nhập B mà chưa ai lường hết được sự ghê gớm và hậu quả của nó. Thay vào đó ông phải khoả thân leo lên bậc thang cao nhất, giáp cửa song sắt ngăn với sân xê rom **, cái sân thượng chỉ về đêm mới có lính gác. Tay ông giơ lên cao khi gói kẹo, khi quả dưa chuột ố những đồ tiếp tế của anh em tù -- để làm nữ thần Tự Do. Trần truồng trước hàng trăm con mắt, thật nhục nhã, quá sức chịu đựng đối với một người từng làm giám đốc lại đã đứng tuổi như ông. ở trên ấy ông thèm được như ông già chủ nhiệm hợp tác xã dưới kia, chỉ phải bế bọc nội vụ đi quanh, hát ru em bài Bé bé bằng bông.
    Ðúng là tay B trưởng này có máu đại hài hước. Trời nóng, hắn ngồi phè phẹt giữa sàn, hét:
    - Hitachi!
    Gần hai chục người lập tức vây quanh hắn.
    - Quạt.
    Tất cả quạt. Bằng tay. Nhưng mát, bay cả tóc. Hắn lại hét:
    -Panasonic.
    Những người trong đội Panasonic sẵn sàng.
    - Quạt.
    Lại còn thêm:
    -Tuốc năng.
    Bùi Ngọc Tấn
    Lovetolive[/size=18]
  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Bùi Ngọc Tấn
    sinh năm 1934 tại Hải Phòng
    khởi viết năm 20 tuổi
    hiện sống tại Việt Nam.
    từng bị tập trung cải tạo 5 năm (1968-1973: vụ
    án xét lại chống đảng)
    bị treo bút hơn 20 năm.Trở lại với bạn đọc qua
    bài Nguyên Hồng, Thời Ðã Mất đăng trên tạp chí
    Cửa Biển tại Hải Phòng năm 1993.
    tác phẩm đã xuất bản:
    Một Thời Ðể Mất (hồi ký)
    Những Người Rách Việc (truyện ngắn)
    Một Ngày Dài Ðăng Ðẳng (truyện ngắn)
    Chuyện Kể Năm 2000

    Người Chăn Kiến (II)
    Cái vòng người Panasonic vừa quạt vừa chạy quanh hắn giống đèn kéo quân bỗng đồng loạt đổi chiều như cùng một bánh xe truyền lực.
    Cô đơn khoả thân trên cao, cái nóng từ máy chàm vào người như nướng, ông M ao ước được ở trong đội quạt, nhưng ông không dám nói với ai. Ngoài những lúc đi cung hoặc học tập chính sách cải tạo, giờ chính quyền còn lại ông ngoan ngoãn đứng làm nữ thần Tự Do. Cho đến một ngày... Hôm ấy đi làm vệ sinh về, tay B trưởng bắt ra 4 con kiến đỏ bé xíu đựng trong cái vỏ bao thuốc lá. Hắn cầm mẩu gạch non khoanh 4 vòng tròn xuống nền xi măng. 12 anh tù được hắn chỉ định chia thành 3 ca chăn 4 con kiến nhỏ. Ông M không ngờ mình lại mê chăn kiến đến như thế. Công việc kì dị ngày càng hấp dẫn ông. Nó làm ông khao khát đến bồn chồn. Cho dù đó là khổ ải. Phải giữ kiến luôn ở trong vòng tròn. Trong ấy có bánh bích qui, có đường, có thịt, kiến ăn nhưng không chịu ngủ, kiến vẫn bò tìm tổ. Phải luôn tay chặn kiến lại và không được làm sứt một cái chân của kiến. Chính những điều ấy khiến ông thèm khát. Nó sẽ giúp ông quên thời gian, quên những thiên thu tại ngoại. Hơn nữa ông quá chán trò cởi truồng đứng trước mặt mọi người.
    Thế là một hôm ông gặp B trưởng, chìa ra một con kiến ông vừa bắt được trong khi đi làm vệ sinh và rụt rè, ấp úng xin được chăn... B trưởng cố kìm cơn giận. Hắn miết chết con kiến và quắc mắt, hất hàm về phía sân xê rom.
    Ông hiểu. Ông lại khoả thân bước lên. Nhưng ông không được làm thần Tự Do nữa. Ông biến thành con chim. Con chim nhỏ trên cành cây cao. B trưởng đứng dưới, giả cầm súng lom khom, chui lủi, rình ngắm:
    - Ðoàng.
    Ông phải rơi từ sát mái nhà xuống. B trưởng không bằng lòng với cách rơi giả vờ, rơi có chuẩn bị, rơi chân xuống trước ấy. Phải rơi như thật. Như bị bắn rụng thật. Hiểu chửa. Làm lại.
    "Thật quá rùng rợn. Cầu mong đừng gẫy cổ, vỡ mặt, mù mắt, gẫy tay là được. Cố vượt qua. Ðể còn ra".
    Ông M đã được ra. Ông được ra sau bốn tháng giam cứu. Ông được ra bởi ông không có tội. Những người gây ra vụ án oan ức của ông đã bị kỉ luật.
    Người ta đã khôi phục lại cho ông tất cả. Ông lại làm giám đốc nhưng ở một xí nghiệp tận trong Nam, để ông có thể quên được những gì vừa trải qua. Ông cám ơn cấp trên về điều tế nhị ấy.
    Cũng như mọi xí nghiệp, giờ nghỉ trưa ở đây nhiều vẻ... Uống bia. Ðánh cờ tướng. Tiến lên. Làm vài séc bóng bàn. Chuyện gẫu...
    Giám đốc mới không tham dự. Ăn trưa xong ông về phòng. Các vị chức sắc cũng muốn kéo ông vào cuộc vui nhưng trả lời tiếng gõ cửa là sự im lặng.
    Họ bảo nhau:
    - Thôi. Ðể sếp ngủ.
    Chẳng một ai biết sau khi gài trái cửa, giám đốc rút ngăn kéo lấy ra một lọ nhỏ, trong đựng 4 con kiến. Ông thả lũ kiến vào một vòng tròn bằng phấn vẽ trên bàn. Ông bẻ bánh cho chúng ăn và lấy những các-vi-dít (Có rất nhiều trong ngăn kéo ố của khách và của ông) chặn chúng lại. Thỉnh thoảng ông còn đặt cả ghế lên bàn làm việc. Và khoả thân trên ghế. Ðứng thẳng. Mắt hướng về phía xa. Tay giơ cao. Như kiểu thần Tự Do.
    23.6.1993
    Bùi Ngọc Tấn
    (từ tập truyện ngắn: Những người rách việc, Nhà xuất bản Hà nội, 1996)
    * B: buồng xà lim. B trưởng: trưởng buồng, do ban giám đốc nhà tù chỉ định trong số tù nhân, thường là một tay anh chị.
    Lovetolive[/size=18]
  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Để tiện cho bà con theo dõi , Julian làm bản list TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT từ trang 1 đến trang 19
    TRANG 1 : http://www.ttvnol.com/forum/t_131970/1
    NGƯỜI NGU của NGUYỄN KHẢI
    LIÊU TRAI HUẾ của NHÃ CA
    ÁM THỊ của PHẠM THỊ HOÀI
    TRANG 2 : http://www.ttvnol.com/forum/t_131970/2
    ÁM THỊ ( tiếp )
    ANH PHẢI SỐNG của KHÁI HƯNG
    MỘT NGƯỜI RƠI XUỐNG HỐ của VŨ BẰNG
    ĐÈN ĐỎ của ALFRED HITCH****
    TRANG 3 : http://www.ttvnol.com/forum/t_131970/3
    ĐỊNH NGHĨA TÌNH YÊU của ANTON.P.TCHEKHOV
    HOA MUỘN của PHAN THỊ VÀNG ANH
    CHA TÔI của PHAN THỊ VÀNG ANH
    NHỮNG CON ĐƯỜNG KHÔNG ĐẾN SEATTLE của PHAN TRIỀU HẢI
    MỘT TỐI NGỒI Ở QUÁN BAR của PHAN TRIỀU HẢI
    TRANG 4 : http://www.ttvnol.com/forum/t_131970/4
    BÔNG HỒNG CHO EMILY của WILLIAM FAULKNER
    CÒN LẠI NƯỚC CHÈ của TRẦN THỊ TRƯỜNG
    CHUYỆN KINH DỊ của LÝ LAN
    LẮP GHÉP HẠNH PHÚC của LÝ LAN
    ĐIỆN THOẠI của LÝ LAN
    TRANG 5 : http://www.ttvnol.com/forum/t_131970/5
    CHÂN DUNG NGƯỜI HÀNG XÓM của DƯƠNG THU HƯƠNG
    TRANG 6 : http://www.ttvnol.com/forum/t_131970/6
    GẶP GỠ THÁNG TÁM của GABRIEL GARCIA MARQUEZ
    TRANG 7 : http://www.ttvnol.com/forum/t_131970/7
    SAIGON PULL của ĐINH LINH
    CHIM KHÁCH KÊU của NGUYỄN KIÊN
    CÁI BỚT của MIKHAIL ALEXSANDROVICH SHOLOKHOV
    TRANG 8 : http://www.ttvnol.com/forum/t_131970/8
    CÁI BỚT ( tiếp )
    NHÀ TRỌ của NGUYỄN THỊ CHÂU GIANG
    BÀI HỌC TIẾNG VIỆT của NGUYỄN HUY THIỆP
    TRANG 9 : http://www.ttvnol.com/forum/t_131970/9
    BÀI HỌC TIẾNG VIỆT ( tiếp )
    THIÊN HƯƠNG của HỒ THỊ HẢI ÂU
    TRẦM LUÂN ĐÁ ĐỎ của HỒ TĨNH TÂM
    TRANG 10 : http://www.ttvnol.com/forum/t_131970/10
    ĐI KHỎI THUNNG LŨNG MỚI ĐẾN NHÀ của HỒ ANH THÁI
    CHUỘT RÚT của CAO HÀNH KIỆN
    TRANG 11: http://ttvnol.com/forum/t_131970/11
    NHỮNG GIÒNG SÔNG KHÔNG CHẢY của NGUYỄN THỊ THẢO AN
    ANH NĂM THỢ HỒ VÀ ANH SÁU THỢ MỘC của Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa
    TRANG 12: http://ttvnol.com/forum/t_131970/12
    HOẠ SĨ BREKKE của Ragnar W. Otgart
    SỢI TÓC NHÀ TIÊN TRI của Salman Rushdie
    TÌM TRĂNG ĐÁY NƯỚC của Phạm Hải Anh
    TRANG 13: http://ttvnol.com/forum/t_131970/13
    BỮA ĂN TRƯA của Somerset Maugham
    VŨ ĐIỆU CỦA CÁI BÔ của NGUYỄN QUANG THÂN
    Opa , Con Chó Và Tôi của LÊ MINH HÀ
    TRANG 14: http://ttvnol.com/forum/t_131970/14
    BỮA ĂN TRÊN CỎ của NGUYỄN VĂN NINH
    TRANG 15: http://ttvnol.com/forum/t_131970/15
    NHÀ HIỀN TRIẾT của TRẦN KIM TRẮC
    Chuyện Hóa Thân Của Bích Thảo của Hermann Hesse
    Cánh Đàn Ông Chúng Mình của NGUYỄN NHẬT ÁNH
    TRANG 16: http://ttvnol.com/forum/t_131970/16
    QUAY VỀ của NGUYỄN TRỌNG MGHĨA
    TRANG 17: http://ttvnol.com/forum/t_131970/17
    CHUYỆN CỦA NGƯỜI SỐNG của NGUYỄN THU PHƯƠNG
    ĐÊM BA MƯƠI CÓ MỖI CHUYỆN NÀY của NGUYỄN QUANG LẬP
    TRANG 18: http://ttvnol.com/forum/t_131970/18
    XUÂN MỚI NGƯỜI XƯA của TỐNG VĂN BÌNH
    NHÀ CÓ HOA ANH ĐÀO của TƯỞNG NĂNG TIẾN
    TÌNH GIÀ của NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
    TRUYỆN BA CON CÁO của BÌNH NGUYÊN LỘC
    TRANG 18: http://ttvnol.com/forum/t_131970/18
    THUẾ BIỂN của PHẠN THỊ HOÀI
    TẦNG TRỆT THIÊN ĐƯỜNG của BÙI HOẰNG VIỆT
    NGƯỜI CHĂN KIẾN củA BÙI NGỌC TẤN
    Lovetolive[/size=18]
  10. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    NHÀ VĂN MAI NINH
    Ô-liu Hoàng Thổ ( I )
    MAI NINH
    Chẳng ngờ tôi trở về với vườn ô-liu cằn cỗi mau chóng thế. Những cành cây toả tím trong ráng chiều đỏ sậm chiếu mặt biển, tím như bao nhiêu cặp mắt chong đứng nhìn tôi thẫn thờ xách hành lý bước lên chiếc cầu gỗ ở bến. Bà tôi trong tấm áo đen từ thuở nọ giơ cả hai cánh tay ra đón. Tôi lách người tránh né trước vẻ ngạc nhiên lẫn đăm đắm xót thương của từng ấy bộ mặt già nua nhập choạng lên nhau, gấp từng làn sóng lăn tăn lấn vào bờ. Rồi ngần ấy cái miệng viền vành môi nhăn nhúm, đã teo mỏng theo thời gian cùng mở ra thốt kêu : - Ô, Man, con bé Man. Đứa bé gái tám chín tuổi nắm tay mẹ đứng ở đầu tàu, nước mắt ròng ròng, nức nở : - Man không muốn đi, Man ở lại đảo với bà. Bây giờ thực ra nó chẳng lớn hơn bao nhiêu, chỉ vừa ngoài hai mươị Nhưng với hai tròng mắt dã khô, nó biết, lần trở về này không hề để chạy nhảy trong khu rừng rậm rì bọc núi hay vẫy vùng lặn tìm san hô trong lòng biển.
    Đã một tuần lễ nay, bà tôi đứng bên này cửa sổ nhìn sang tôi bên kia, vùng đất mộ chôn luồn rám gió mặn. Nghĩa trang duy nhất của ngôi làng bé nhỏ nằm cạnh bờ biển với ba cây sồi chắc cũng già ngần ấy thời gian, kể từ ngày ông cố tổ xa lắc của tôi cập vào bờ rồi ở lại đâỵ Sáng nào tôi cũng vào nhìn từng phiến bia, người nằm trong này đa số mang tuổi đời nặng tựa đá. Tôi rũ xuống trên hai vai, chẳng có tấm bia của thằng con trai nào cùng tuổi Sam, cho tôi nhìn vào mà gào lên vạn lần câu hỏi : tại sao mới hai mươi lăm đã phải chết tức tưởi ? Tôi từng âm thầm giận dữ trong nhà nguyện của thành phố vừa bỏ đi, sau đám tang Sam : - Thượng Đế, cuối cùng những lời phán của người chỉ là lừa phỉnh, nếu người công bằng sao ngang nhiên cướp đoạt sự sống một người như Sam ? Ngay cả trước tượng Chúa lặng lẽ trong ngôi nhà thờ khiêm nhường khép bên núi đá nơi đây, tôi vẫn đầy phẫn nộ. Bà tôi thành khẩn kéo cháu mình vào đó để rồi đau xót nhìn nó nhắm nghiền mắt, nắm chặt lòng tay, từ chối mọi lời cầu nguyện. Có gì, có ai đền nổi cho tôi sự mất mát tột cùng nàỵ Người ta vẫn chưa tìm ra chiếc xe nào đã hất tung Sam vào bờ đường một sớm mai lung linh nắng.
    Đúng ra không mấy ai có thể bảo rằng mình biết trọn hòn đảo này, nó nhô giữa biển lênh thênh đơn độc. Chỉ một phần tư châu mặt vào đất liền có người ở, còn lại phiá nhìn ra đại dương là rặng núi đá không cao lắm nhưng viền chặt toàn mặt rừng bưng kín. Chiều luôn bất ngờ buông sập xuống đảo, dân làng rút vào nhà lẹ làng như thủy triều ào dâng lấp hết bãi cát lõm giữa ghềnh đá. Từ lúc ấy cho đến còi hụ con tàu đầu tiên trong ngày cập bến, tôi không làm gì khác hơn là lăn lộn giữa đám gối chăn trong căn phòng khép cửạ Áo ngủ vải mịn nhàu nát quấn cùng lọn tóc bời rốị Ba bữa đầu bà tôi còn leo lên gác, vào phòng dỗ dành tôi xuống nhà ăn những món bà biết tôi mê mẩn từ ngày bé. Không thành công, nên bữa sau bà đem cả khay thức ăn đến tận giường. Vẫn dúi mặt trong mớ vải lùng bùng tôi không trả lời, để bà thở dài quay xuống. Tôi cố tình không nghe tiếng chân bước một bước hai mệt nhọc. Tôi chẳng muốn nghe bất cứ một tiếng động nào, chỉ mong trời mau sáng để lại leo qua nghĩa trang. Lẩn quẩn giữa mấy hàng mộ hay trèo lên bờ tường, bước đi lần mò trên đá gạch nhiều năm đã vỡ. Chỉ ở nơi đó tôi cảm tưởng mình còn có thể trò chuyện với Sam. Nhưng những người dân trong làng, hầu hết là bạn bà tôi hay họ hàng sót lại sau vài thế hệ, chầm chậm đi ngang, run rẩy ngó tôi chênh vênh tưởng sắp mất thăng bằng và rơi sõng sượt trên cỏ dạị Rồi họ ái ngại lắc đầu ngửng lên chia sẻ ánh mắt lo âu của bà tôi từ cửa cao bên kia nhìn xuống. Ngoài một số đã lần lượt chọn chỗ nằm thiên thu trong nghĩa trang này, những bộ mặt tôi từng quen biết lúc ấu thơ vẫn còn mãi đây, gan lì với núi cùng biển. Đâu ai ngờ các lằn da xếp chùng đó càng làm gương mặt sáng láng dưới những sợi tóc mềm của Sam hiện ra nổi bật, cồn cào dưới lớp da bụng tôi phẳng lịm. Sam mới vừa đặt tay lên ve vuốt, hai hàm răng đậu trắng nghiến nhẹ đủ khiến tôi thót người đẩy Sam chuồi xuống sâu hơn. Sam cúi rúc, hơi thở đã dập dồn :
    - Đồng ý, mình đi Phi Châu, vào rừng cho em tha hồ pha nhuộm màu cây nâu đỏ.
    Tôi rướn người :
    - Không phải đỏ với nâu thôi, vàng nữa, xanh nữa, màu đồng hung Sam ơị
    - Màu gì cũng được, rừng đang là em, Man ạ. Sam hổn hển cố nóị
    Hết chiều rồi tới đêm. Nhà máy điện dưới chân ngọn thác cao ở bìa rừng dư sức phục vụ cho một dân số đông gấp mấy đảo nàỵ Nhưng người nơi đây dường như quá quen và yêu bóng tốị Ánh sáng mặt trời trong ngày chừng đã thừa nhức chói bao đôi mắt lem hem. Họ cần sự dịu dàng của màn đêm, dăm bóng đèn vàng lu mu đủ soi rọi cõi sống, trên các con đường phủ lá khuya cùng những căn nhà thu gọn giữa cây cối và gạch đá. Tối nay tôi chịu khó bò dậy, xuống ngồi ở bàn ăn. Chiếc chụp đèn chao đi chao lại với ngọn gió từ ngoài khơi lách qua phần mộ rồi luồn vào căn phòng này ươm mùi hương kim ngân. Chống hai khuỷu tay lên bàn, trước đĩa xúp sệt màu sữa tôi cúi nhìn những hạt bột năng lênh lênh mòng mọng. Sợi tóc chấm sâu trong đĩa, tôi cặp hai ngón tay kéo nó dài ra, quệt quệt vẽ vẽ những đường ngoằn ngoèo trên mặt gỗ. Một bàn tay thuôn dài lốm đốm tàn nhang giơ ngang chặn đứng trò chơi ấỵ Tôi ngửng phắt lên, bà tôi lặng thinh, ánh mắt dưới ngọn đèn nặng một chịu đựng. Lần đầu tiên kể từ khi trở về đây tôi biết những dòng lệ khô lại có thể lăn chảỵ Trên tấm áo lụa đen, bà khoác khăn len màu ngà. Vòng tóc quấn nhẹ quanh khuôn mặt thuần hậu, khác hẳn con gái bà, mẹ tôi, mang đôi mắt sâu đăm trên gò má cao và đôi môi mím mỏng. Sam nhìn ảnh bà rồi nói : - Man giống bà lẫn mẹ. Tôi vùng vằng đòi ảnh lại : - Không, giống bà nhiều hơn. Mẹ tôi đã đứng nghiêm chỉnh lạnh lùng trước những bó hoa tiễn đưa Sam, bà lắc lắc tay tôi nhắc nhở : - Về thôi con, cũng may hai đứa mày chưa đám cướị Tôi chẳng còn đủ sức để giựt tay lại, sau đó đã bước thẳng ra khỏi nghĩa trang, không đợi chân mẹ lúc thúc đằng saụ
    Lovetolive[/size=18]

Chia sẻ trang này