1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuyển tập truyện ngắn hay nhất (Mới: Trò chơi mới-Asimov, Isaac)

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Julian, 25/11/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Cao Duy Sơn
    Chợ Tình Âu Lâm ( II )
    Lão chỉ gật đầu rồi dắt ngựa đi thẳng về phía gốc sau sau già, cái gốc cây lão độc quyền hơn nửa thế kỷ qua.
    Năm nay có vẻ mưa nhiều. Mắt lão mơ mơ nhìn những chùm mưa bụi trên đầu. Ơ mà ếm chưa đến! Khác mọi năm đấy! Lão lấy trong ngực áo ra đôi giày, tay vuốt nhẹ từng đường chỉ khâu, lão cảm giác như đang vuốt lên các ngón tay thon mềm mại của ếm. Hồi ấy nàng chỉ cho mình ôm ngang vòng bụng có một lần, đến thở mình còn phải nén lại vì hồi hộp. Tóc nàng thơm lắm! Còn tiếng cười ngân vang và trong trẻo hơn cả tiếng suối ngàn, da thịt thì mịn màng như lông thỏ... Đã định cất đôi giày, lão chợt nghe có tiếng con Nhin sau lưng:
    - Có lẽ năm nay bận việc nên mú ếm không đến chợ rồi! Hay dế đến con ăn tạm bát bún rồi về đi?
    Đột nhiên lão thấy trong dạ bồn chồn. Lão không dám nghĩ tiếp điều vừa đến trong linh cảm. Cất lại đôi giày vào trong ngực áo, lão đứng dậy dắt ngựa bước ra ngoài. Sau lưng chợt nghe có tiếng thở dài của con Nhin.
    Bây giờ chợ Âu Lâm người đông gấp năm, gấp mười so với trước đây. Chỗ ngồi của các cặp tình cũ giờ bỗng hóa thành điểm nhòm trộm của khách hiếu kỳ thập phương. Lão Sinh chẳng bận tâm, chỉ một mực đến gốc sau sau già ngồi đợi. "ếm ơi!". Lão thốt lên với bao niềm thương nhớ và âu lo. Chiều rồi lão mới lại quay về. Thế là một năm nữa ếm không đến chợ, lão thấy trong lòng có ngọn gió buồn nhẹ thổi.
    Xuân nữa lại đến. Lão Sinh đến chợ tình năm nay hóa ra diện nhất! Đến con ngựa cũng được lão chải chuốt và trang điểm bằng những chuỗi hạt gỗ tròn tự tay lão đẽo gọt trông thật vui mắt. Có điều lão không cưỡi trên lưng ngựa như mọi khi, mà chỉ đi bộ và dắt nó theo. Tiết xuân năm nay trời ít mưa. Bầu trời sáng và cao hơn. Chợ cũng đông hơn mọi năm. Khách thập phương từng tốp khoác vai nhau chuyện trò rôm rả. Lão Sinh không nghe, không nhìn thấy gì, lão lặng lẽ bước về phía cây sau sau già cỗi. Ngang qua hàng bún con bé Nhin đột nhiên lão dừng bước. Gặp lại lão con Nhin có vẻ ái ngại! Hình như nó định nói gì đó? Lão đưa tay khoát nhẹ:
    - Thôi nào, lát nữa ta mua hai bát canh phở, canh không thôi nhá, đem đến gốc cây cho ta.
    - Nhưng...?
    - Thôi mà cháu, cứ làm như ta bảo đi.
    Đến bên gốc cây, lão cẩn thận lau mặt, rồi trải chiếc khăn chàm xuống cỏ. Chưa bao giờ lão trịnh trọng như thế! Lão cẩn thận đặt gói cơm nắm giữa khăn, vừa lúc cái Nhin bưng đến cho lão hai bát canh nóng. Canh chỉ có mấy cọng hành và một ít váng mỡ nổi lèo phèo, thế mà đây là món đặc biệt lão thích.
    - Thôi về đi Nhin à!
    Nghe lão đuổi khéo, Nhin quay lại quán của mình, nhưng mắt vẫn nhìn về phía gốc cây. Không hiểu lão làm gì kia? Chẳng lẽ lão cũng đã biết chuyện rồi sao?
    Lão Sinh xắt nắm cơm ra từng miếng nhỏ thả vào hai bát canh, miệng thì thầm như khấn. Bây giờ thì chuyện mười lão biết chín. Thế là điều không mong đã đến. Giọng lão nghe ngàn ngạt như có nước mắt:
    - Về a ếm ơi! Anh biết em bỏ anh, khắc đi một mình rồi, anh đâu dám trách ếm. Ba xuân rồi anh đến mà không còn được gặp em, anh biết em nghe được lời anh nói... anh mua bát canh ngon này cho em ăn, anh thả cơm nắm vào canh cho em làm rau, anh biết ếm thường thích ăn như thế... - Dừng một lúc lão lấy trong túi nải ra một quả bầu cổ thắt, rồi cẩn thận rót rượu vào hai chiếc ly nhỏ -... uống đi ếm à! Rượu này nhạt dễ uống lắm! Uống xong anh sẽ nói - Lão cầm hai chiến chén lên ngang mặt rồi tự cụng vào nhau - uống được thôi mà ếm? Đấy có say đâu! Bây giờ thế này thôi, chợ từ nay không có chúng mình nữa, không có em không còn chợ... Em biết anh quý nhất thứ gì không? Đôi giày này đấy! Anh đã đem theo bên mình bằng cả mười lăm đời ngựa, giày này tay em khâu, anh chỉ đi cho một mình em nhìn thấy, giờ không có em, anh đi cho ai ngắm đây? Bây giờ anh gửi nó theo em, nó mang theo cả hồn vía của Sinh này, hãy chậm chân cho nhau kịp bước với ếm ơi...
    Lão run run bật diêm. Đôi giày bén lửa bốc cháy. ánh sáng mầu vàng như những vũ công cong mình nhảy nhót trên tay. Chờ cho đôi giày cháy hết, lão từ từ đứng dậy với vẻ mặt mãn nguyện. Lão lững thững dắt ngựa xuống đồi, thỉnh thoảng lại chậm bước, tay vịn vào chiếc yên gỗ như thể đang thì thầm với ai chuyện gì đó...
    Từ năm sau cái Nhin bán bún và mọi người ở chợ tình Âu Lâm không còn thấy lão Sinh. Không hiểu lão đi đâu? Dân cùng bản lão nói, từ sau phiên chợ tình hai mươi năm tháng giêng năm Nhâm Ngọ, không hiểu sao lão Sinh đã đi vào núi Phja Bjoóc và biến mất, chỉ có con ngựa trở về, con ngựa thứ mười lăm lão thay trong cuộc đời của mình.
    <H4 align=center><FONT face=Verdana color=darkred>Love to live</FONT>[/h4]
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 20:03 ngày 15/02/2004
  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Lệ Hằng
    Sinh năm 1948 tại Hải Dương Việt Nam. Vào Nam năm 1954. Hiện định cư tại Blue Mountain, Sydney, Australia từ 1989. Khởi viết năm 1967.
    Tác phẩm đã xuất bản:
    Thung Lũng Tình Yêu
    Tóc Mây
    Bản Tango Cuối Cùng
    Ngựa Hồng
    Mắt Tím
    Tình Yêu Như Băng Sơn
    Chết Cho Tình Yêu
    Kinh Tình Yêu
    Sóc Nâu
    Chiều Gío
    Màu Xanh Ðang Lên
    Như Sương Long Lanh
    Sa tăng Dịu Dàng (1992)
    Nghề Làm Vua (truyện dài1992)
    Hạnh Phúc Quanh Ðây (truyện phim, Sài Gòn 1981)
    Bình Nguyên Xanh (truyện phim, Sàigòn 1982)
    Năm 2100
    Bên Kia Là Nuí
    Nói Thầm Với Ðá (1998)
    Lệ Hằng
    Bắt Cóc




    Chi xốc quai đeo, ôm thêm chồng sách mượn của thư viện, hấp tấp đi ra carpark. Cả buổi học cô vẫn chưa xua nổi cú điện thoại kêu vang nhà sáng nay. Lần nào cũng vậy. Cứ nhè lúc cô vừa ôm bị sách, vừa nhét túi ăn trưa mẹ soạn sẵn cho cô vào túi đeo. Chuông điện thoại lại réo liên hồi kỳ trận. Báo đời cô phải hộc tốc quay vào chụp ống nghe
    "Hello, tôi nghe đây."
    "Tôi! Tôi cái gì? Đừng vác mặt lên kênh kiệu như bà lớn nữa. Mẹ con cô là đồ điếm thúi! Có chồng không biết dạy, lừa đảo lường gạt đồng bào ôm tiền về Việt Nam cúng cho bọn chúng."
    Chi á khẩu, ú ớ không sao há miệng ra nổi. Đừng nói chi sủa lại những lời tương tự tặng cho con mụ tàn bạo đó.
    Đầu kia phun thêm một hơi, những lời tục tằn bẩn thỉu. Chui vô lỗ tai Chi chúng nổ lùng bùng. Chi thở dốc lên, dằn mạnh ống nghe vào giá, hằm hằm chạy xuống nhà xe.
    Tuần trước cũng vậy đó. Chuông reo inh ỏi. Chụp máy lên. Giọng bên kia đập cho một tiếng chửi rồi tuôn ra một thôi một hồi đèo cha đèo mẹ. Không bốc máy sợ lỡ có ai tìm. Mẹ Chi phải đi làm từ lúc trời và đất còn lờ mờ bơi vào sương sớm. Từ ngày bố trốn nợ bỏ về Việt Nam sống với người khác. Mẹ phải nai lưng làm nhiều giờ hơn để trả những món nợ không thể nào dầy mặt phủi đi được. Hai mẹ con hụt chân rơi tòm xuống đáy vực. Mẹ phải nai lưng gánh hết oan nợ chướng nghiệp của bố để lại. Phải cắm đầu cắm cổ đi làm. Điện thoại như sợi giây chuông nối hai mẹ con với cuộc đời. Bố có nhiều kẻ thù. Biết làm sao được. Chi thương mẹ rã cả ruột. Chi không muốn mẹ nghe những cú điện thoại dơ bẩn đó. Chi cũng không dám xin đổi số điện thoại. Chi sợ mẹ buồn. Mẹ vẫn thầm mong một ngày nào đó bố sẽ gọi về cho mẹ.
    Trời Đông xám. Nặng đầy hơi tuyết. Chui vội vào xe. Bụng xe cũng ùa lên hàn khí buốt như nấm mồ thép. Chi mở máy, vặn nút máy sưởi, tiếng máy sưởi làm Chi càng bấn loạn thêm. Cô lại vội vàng tắt đi. Chiếc xe rú lên như bị hành hạ đau đớn lắm. Hục hặc một lúc mới chịu phóng đi. Hơn năm giờ chiều. Sương đã giăng mù trời. Chi không chịu nổi tiếng kêu ù ù của máy sưởi trong bụng xe đóng kín. Trong não cô, cái phần mềm xám xịt những kỷ niệm tồi tàn của bố... máy sưởi kêu ù ù như vầy, chúng sẽ trào lên những âm động xoáy vào thần kinh của Chi.
    Cô thấy lòng mình bồn chồn không chịu được. Tưởng như hàng tỉ tế bào trong người cô, nó muốn bể tơi ra. Nhưng tại sao mình lại bồn chồn như thế này? Cô vặn nút mở máy sưởi rồi lại tắt. Lạnh chân quá. Chi bật đèn hiệu rà xe vào sát lề. Với tay ra ghế sau quơ tìm chiếc áo khoác.
    "?....."
    Cô kêu lên một tiếng. Tiếng kêu nghẹn ngay trong cuống họng. Cái cuống họng của cô, vụt một cái, đông cứng thành nước đá. Tim cô bị sợi gân nào cột nghiến lại mất rồi. Một cảm giác kinh hồn xuyên ngay vào óc. Chi run bắn người lên. Thay vì với được cái áo khoác, phủ ngang bụng cho đỡ lạnh. Chi vớ được một cánh tay người...
    "Mình hoá thành nước đá... mình hóa thành nước đá. "
    "Ai biểu ham coi X files, toàn phim ma quái lạnh người. Bây giờ ma hiện hình ngay trong bụng xe như thế này."
    Chi thấy hình như mình tắt thở mất rồi. Lầm lì, sát ngay ót Chi một mặt người. Hơi thở gã hồng hộc. Sao nãy giờ Chi không ngửi thấy? Ma không biết thở. Mẹ kể rõ như vậy. Nhưng sao cái mặt thịt dầy bì bì của người này lại lạnh mùi âm khí? Họng súng kề sát gáy Chi. Phen này, phen này... sướng nhé được đóng phim kinh dị rồi nhé. Đã đời chưa con!
    "Chạy thẳng vào xa lộ. Nếu không muốn bể nát đầu ra."
    Và từ đó. Óc của Chi, tay chân của Chi, hơi thở từng chập, từng chập. Tất cả không thuộc về Chi nữa. Nó tuân lệnh cái mặt thịt quỉ quái ở băng ghế sau. Chiếc Celica của Chi cũng biết sợ, lạng quạng hai ba lần. Hoảng quá! Chi nghiến răng lại. Suýt nữa răng Chi cắn vào lưỡi. Lạy Chúa cầu sao chỉ là một giấc mơ. Từ ngày bố bỏ đi. Sáng nào hai mẹ con cũng rụt rè kể cho nhau nghe toàn những giấc mơ bị đuổi bắt, bị sa lầy, bị lội bùn đầy hoảng hốt và kinh hãi.
    Mẹ ơi! Chi nghe mình rên được hai tiếng... Dù sao bị săn đuổi trong mộng cũng đỡ hơn cái họng súng... kềm sát vào gáy như thế này!
    Một giọng nặng chình chịch, bốc từ hố miệng hôi, gần trong gang tấc mà nghe ù ù như bị gió thổi, bạt đi xa mù:
    "Chạy thẳng tới, muốn sống, khôn hồn không được nhúc nhích."
    Chi rủa thầm.. đồ ngu, không nhúc nhích làm sao lái xe. Ủa, chửi nó đồ ngu. Sao xe mình khóa kín nó vẫn chui vào ngồi lù lù một đống ở ghế sau như vậy được? Nó là đồ ngu hay mình là giống đầu bò?
    Có cái việc nhòm trước nhòm sau trước khi leo lên xe mà cứ quên hoài. Trước khi rời xe, nhớ nhòm lui nhòm tới xem khoá xe kỹ chưa nghe con. Mẹ dặn đi dặn lại cả trăm lần như vậy đó... Sáng nay giận cú điện thoại làm trễ giờ vào lớp mình dám hấp tấp quên khóa cửa xe lắm...
    Mẹ ơi, Chi lại rên được hai tiếng mẹ ơi nữa. Mỗi lần mẹ nhắc chừng, dặn dò thế này, thế nọ, bao giờ Chi cũng muốn hực lên một tiếng... bực mẹ không chịu được.
    Bây giờ... bây giờ... Xe phóng chạy, mà người cô cứ tơi ra từng mảnh. Hơi thở cô cùng hơi thở của gã.. Trời ạ chúng đang cùng trộn trạo chung vào nhau làm mù kính xe. Tê nơi ngực, nặng nơi chân. Cô muốn nhòm xuống chân mình xem nó còn dính vào nguời cô không? này chân, này tay chúng mày còn sống không hả? Cô kinh hoàng ngó thấy mình dường như cụt tay cụt chân hết cả. Mình biến thành củ khoai tây từ bao giờ vậy trời? Nghẹt thở, nặng ngộp, buồn ói, cơn tê thì rần rần, vạn tỉ con trùng nhung nhúc bò ngang bò dọc trong da trong thịt. Cô tuyệt vọng nhìn ngang. Xe cộ nghìn nghịt như biến thành nấm mồ chạy đua nhau vùn vụt. Chẳng một ai ngó ngang xem mặt cô đang bợt như xác chết. Huyết nóng châu thân cô ào ào dồn hết vào lỗ cống vô hình.
    Cô giơ tay sờ soạng lúc bị gã mặt thịt tống xuống hầm. Cố mở căng mọi lỗ hổng giác quan. Lỗ chân lông, lỗ mũi, lỗ mắt, lỗ miệng, lỗ tai, lỗ... Xác thân chừ vô dụng như một đống thịt. Một đống thịt xương ù lì đi vì khiếp sợ. Mắt cô mù đi trong bóng đen đặc quánh. Cả hai hốc tai cũng biến thành tổ ong kêu o o khiến ruột cô lại cồn lên nôn nao muốn ói. Đành sờ soạng lò dò từng bước. Chân quớ lên cô đạp nhằm cái đinh ba, cán gỗ bị hất ngược lên đập thẳng vào đầu cô đau điếng. Thế là cô tỉnh hồn ra.
    Ôi! ôi! Không phải là...phim X files rồi. Không phải ba trò ảo lộng tìm thấy trong internet. Cũng không phải những cơn mơ cuồng dội của tuổi dậy thì nữa. Té ra đời thực nghìn lần khủng khiếp hơn trong mộng. Té ra cái hầm tối này rùng rợn hơn trong phim nhiều.
    Màn bắt cóc này để trả thù bố cô hay sao? Nhưng bố cô đã làm gì để gây nên mối căm hận này? Chưa bao giờ cô thèm được về nhà với mẹ như bây giờ. Thèm được tắm, thèm được ăn chung với mẹ một bữa cơm. Dạo sau này, bận rộn bù đầu, hai mẹ con hiếm khi được ăn chung với nhau. Cô cứ lủi thủi, mẹ cũng cứ lủi thủi một mình như hình như bóng. Bữa nào cũng mẹ một tô cơm, con một tô cơm, trộn rau trộn thịt, lục đục trong phòng riêng. Chi vừa ăn vừa dán mắt vào computer, surf tứ tung đủ mọi kênh trên internet. Mẹ vừa ăn vừa dán mắt vào màn hình.Từ lúc nào nhỉ? Cô cứ thích được một mình. Cô không chịu nổi ngồi bên mẹ. Không hiểu tại sao sự vui sống vụt một cái bỏ đi, theo cùng với im hơi lặng tiếng của bố. Đúng là ưng gì đưọc nấy. Đã bụng chưa. Ông Trời có mắt thiệt. Bây giờ mặc sức sờ soạng một mình trong cái hầm kín bưng như nhà mồ.
    Cô áp tai vào vách hầm. Có tiếng xe rú ga bò lên dốc. Tiếng động cơ dội ngay trên đỉnh đầu. Cô muốn chọc thủng nóc hầm. Căn hầm này rõ ràng xây ngay dưới sàn nhà xe. Có tiếng người quát tháo, tiếng lao xao rầm rì vang vẳng từ tầng trệt hắt xuống. Chịu, dòng họ nhà cô tai điếc lòi ra. Chẳng nghe được gì. Sợ quá đổ lì. Kệ bà nó, chết là cùng. Đỡ phải đi học, đỡ lo ra trường không kiếm được chỗ làm. Đỡ xót lòng thương mẹ. Đỡ phải thù giận bố tán tận lươngtâm bỏ mẹ con cô ngang xương thế này... đỡ quê với bạn bè... Nó sẽ đòm cho mình một phát. Thế là xong!
    Tiếng xích sắt kêu loảng xoảng. Cô rủn người ra vì sợ, phải dán chặt lưng vào vách hầm cho hỏi ngã nhào xuống. Cánh cửa mở thốc ra. Ánh sáng từ cầu thang tràn xuống. Cô che tay lên mặt cho khỏi chói. Căn hầm không rộng như cô tưởng. lổn ngổn đủ loại đồ phế thải, tủ lạnh, máy móc, máy tiện máy hàn, lò bếp cũ, cuốc xẻng...Hai ba bóng người lố nhố nhìn trừng nhìn trạo xuống mặt cô. Thình lình cánh cửa lại đóng xập xuống. Cô tuyệt vọng vừa gào vừa đập thình thịch vào vách hầm cầu thang. Chúng quên tắt đèn. Lạy chúa ánh sáng dù lờ mờ vẫn nghìn lần quí hơn bóng tối đen đặc lúc nãy.
    Giọng đàn ông hực lên... làm ăn cái con mẹ gì chúng mày... bộ cứ Celica là trúng phóc con ca sĩ mặt mẹt đó đâu.
    Thời gian trong hầm không hề trôi đi. Thời gian cũng lết quanh lần mò sờ rịt như cô vậy. Nhìn đồng hồ, nhìn gói đồ ăn chúng để ngay bậc thang cô đoán mình bị nhốt một đêm một ngày. Đêm hôm sau, mệt quá cô ngủ thiếp đi trong một xó hầm. Kinh hoàng, tuyệt vọng, không chăn không nệm vậy mà cô vẫn ngủ được. Lại còn mơ nữa chứ. Hình như một giấc mơ hiền... cô đi lạc vào sa mạc, gặp một anh chàng cứ mài miệt viết tên cô lên những cuồng cát đang vùng vẫy trong bão... những cuồng mây bị bão xoắn, tóc của chàng dính đầy cát... Chàng từ cơn mơ hiện ra trong hầm, da thơm mùi kem cạo râu.
    "Dậy thôi cô nhỏ."
    Chi nhảy phắt lên bắn người ra xa. Cô nhớ ra rồi, đến trường, vào thư viện mượn sách, cặm cụi ghi bài, tên mặt thịt, họng súng kề sát gáy, chỉ một nhích tay cò súng nổ, bể toang cần cổ... Vậy mà tưởng mình ngủ mơ, tưởng mình đóng phim X files chứ.
    Gã xông tới, lôi cô xềnh xệch lên cầu thang, đẩy cô vào chiếc xe đen bóng loáng. Cô trì người lại, nửa mừng nửa sợ:
    "Xe của tôi đâu?"
    "Đừng có hỏi. Tôi không đến kịp, cô đi đời nhà ma. Ở đó mà xe với cộ."
    Ngồi vào xe cô đờ người ra nhìn chăm vào mặt gã. Nửa đêm, đường vòng xuống núi cũng mù mịt sương. Trong lòng xe ấm áp, máy sưởi của BMW chạy êm như ru. Gương mặt gã không nặng cả ký thịt như đồng bọn. Một gã đàn ông hấp dẫn đến nghẹn ngào. Da săn mịn, mắt sáng, gờ mũi thẳng, hai hàng răng bóng sáng. Gã quay sang cười với cô. Lại cười được nữa chứ. Cô muốn toét miệng ra cười đáp lễ. Sực nhớ cái họng súng đêm qua bọn chúng ghìm vào ót mình, cô xụ mặt xuống.
    "Không hiểu gì hết phải không?"
    Cô nhìn ngang mặt gã. Nhìn ngang nhìn thẳng mặt gã vẫn hiền khô. Giọng gã dịu dàng:
    "Bọn chúng bắt lầm cô với ca sĩ Mỹ Chi. Cô cũng tên Chi, cô cũng đi Celica đỏ, nhưng may phước cô không phải là tình nhân của ông trùm ma túy. May hơn, tôi tạt vào thăm chúng. Tôi biết rõ mặt cô Mỹ Chi đó. Tôi biết chắc cô không phải con đượi đó..."??
    Cô lặng ngắt đi mất một lúc, mặt co rúm lại, miệng mếu xệch đi trông rất thảm hại. Thình lình cô nổi điên, vùng vẫy trong giây nịt, rồi bưng mặt khóc òa lên. Bao nhiêu kinh hoàng bao nhiêu khiếp sợ hãi hùng giờ mới trào lên thành tiếng nấc, thành nước mắt thành những lời lắp bắp không có đầu không có đuôi... con đượi... trùm ma túy, bắt lầm... Một lúc sau thấy gã vẫn một mực nín thinh. Cô ngượng nên quệt ngang nước mắt:
    "Bắt lầm... lại nhè tôi hành hạ như thế này. Cô mếu máo nói."
    "Chúng không giết cô là mạng cô lớn lắm rồi... Gã lầm bầm... ngồi đó mà làm xàm."
    "Làm xàm cái gì, sau cú này tôi điên luôn... làm xàm cũng còn may."
    "Cả bọn chúng một hai đòi giết cô đấy. Chỉ xém xém chút nữa cô bị giết rồi đấy."
    "Tôi có làm gì đâu mà giết tôi? Cô run lên rên rỉ với gã."
    "Đâu cần phải làm gì mới bị giết. Cô không biết mỗi ngày có hàng vạn người bị giết chết rất ư tình cờ và lãng xẹt hay sao."
    Cô quay sang nhìn chăm vào mặt gã:
    "Nhưng tại sao ông lại cứu tôi?"
    "Tôi không biết."
    "Ông cũng buôn lậu ma túy, cũng cướp của giết người như họ?"
    "Cô thấy tôi cướp của giết người bao giờ?"
    "Sorry... Tôi không muốn nói như vậy. Tôi thấy ông không giống bọn kia...nhưng tại sao ông lại có mặt ở đây? Tôi không hiểu gì hết..."
    "Tôi thuộc về họ."
    Gã quẹo xe vào carpark rồi lạnh lùng tắt máy. Khuya quá, bãi đậu xe còn lưa thưa vài chiếc. Chiếc Celica của cô! Kỳ chưa vẫn đậu ngay tại chỗ cũ... Sợ mình ngủ mơ, cô làm gan bấu vào cánh tay gã...gã kêu khẽ lên, gã biết đau. Tay gã là tay nguời, không phải ma cà rồng không phải tay bọn quỉ ám. Cô nhăn mặt vì rối trí.
    Gã gỡ tay cô ra, giọng gã nhẹ hẫng đi:
    "Cô có nhớ báo chí đăng tin trùm du đãng tóc dài tên Triều bị bắn chết vì dính vào vụ ám sát ông dân biểu không? Tôi đấy... Tôi là Tony Võ Mạnh Triều."
    Cô trợn mắt lên, sợ líu cả lưỡi, tay qướ lên muốn mở cửa xe tông chạy mà không sao mở nổi :
    "... Ma... Trời ơi!.. Ông chết mấy năm rồi."
    Thấy cô từ từ nghẹo đầu xuống, mặt tái ngắt. Gã hoảng hồn ôm vai cô lắc thiệt mạnh.
    "Tỉnh dậy, đồ chết nhát... Tôi không phải là ma... tôi chỉ có trái tim của Võ Mạnh Triều thôi. Tỉnh dậy, tỉnh dậy...đồ chết nhát..."
    Cô phều phào... nói không nổi. Gã ôm đầu cô trong hai tay, giọng gã thật buồn bã, buồn đến não cả lòng.
    "Cô học y khoa mà sao chậm hiểu quá. Tôi bị đột quị vì đau tim bẩm sinh, được thay bằng tim của Triều... bình phục tôi nhiễm đủ mọi thói quen của Triều không dứt bỏ được. Tôi tìm về thế giới của anh ta. Thiếu bọn họ tôi không chịu được. Chìa khóa xe của cô đây. Sách vở áo choàng của cô còn nguyên trong thùng xe. Lái thẳng xe về nhà, đừng hé môi cho ai biết vụ bắt cóc này. Đừng chọc que lớn que nhỏ vào ổ rắn độc. Đêm qua, biết bắt lầm. Chúng định dứt luôn ném cô vào thùng acid rồi đó. nếu cô ngứa mồm báo cảnh sát... Lần sau trời cũng không cứu nổi cô nữa đâu."
    Gã đẩy nhẹ cô xuống xe. Cô chưa kịp định thần. gã rồ ga phóng một mạch. Cô theo đà chạy theo xe gã, rồi đành loạng choạng đứng sựng lại miệng lắp bắp nói không ra hơi... Who are you?... Sương mù... sương mịt... nuốt chửng màu xe đen của gã. Gã biến, như nguời trong phim, một cuốn phim bị cắt ngang xương... nửa chừng.

    untitled.bmp
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 02:11 ngày 18/02/2004
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Quế Hương
    Nhìn từ vĩnh cửu ( I )

    Năm tôi mười sáu, mẹ mời về nhà một ông thầy nổi tiếng bói tên. Ông ta không tráp, không sách, không quẻ. Đồ nghề của ông ta chính là đôi mắt. Đôi mắt có ánh nhìn cứng lạnh như mũi khoan thủng thỉnh đục từng mẩu đời cho đến khi lộ số phận. Ba người ngồi một dãy nhưng ánh mắt của ông ta chĩa vào chị ái.
    - O tên chi?
    - Dạ... ái.
    - Đời o lộ cả trong cái tên: ái là yêu. O yêu thiệt dễ sợ! - Ông bỏ lửng ở đó, quay qua mẹ tôi:
    - Tên bà?
    - Dạ ... Lội.
    - Lội suốt đời phải không? Vì mẹ, vì chồng, vì con...
    Mẹ tái mặt còn tôi ghé tai chị ái:
    - Bói rứa em bói cũng được. Căn cứ vào tên mà suy diễn. Vả lại mạ nói đàn bà mấy ai không khổ.
    - ừ, mụ non nói có lý. Thầy nói tau yêu dễ sợ... Nhưng tau có trái tim đông lạnh, sức mấy!
    Đôi môi đỏ mọng trề ra rồi chủ nhân trái tim đông lạnh đứng dậy, nhưng không bỏ đi vì câu tiếp theo của ông thầy:
    - Sáu, bảy mươi tuổi nhà bà có tai biến, bắt đầu nếm mùi cực. Tuổi trăng tròn phải lưu lạc. Chồng con không ra chi. Đôi chân bà là đôi chân biết khóc, luôn dầm trong nước, "ướt '' suốt đời. Đưa nó ra đây!
    Mẹ tôi líu ríu chìa chân ra. Đôi chân in dấu số phận. Chỗ chai, chỗ sần, chỗ lõm, chỗ nhô xương, móng hư, móng trụi... Dấu vết lầm than lấm tấm như lệ ứa.
    Chị ái ngồi xuống hình như bị lực hút của ông thầy. Hình ảnh bà ngoại điên đẹp tuyệt trần đứng cởi quần rũ hiện ra trong nắng. Bà tôi điên khi mẹ tôi lên tám, vẫn đẹp lạ lùng cho đến khi chết. Tôi còn nhớ bà ngoại hay nói một mình, phì cười và cởi quần rũ. Động tác nào của bà cũng tự nhiên, duyên dáng. Đúng là mẹ đã đi ở từ năm mười ba để lấy một món tiền chữa bệnh cho bà mẹ điên. Đôi mươi về lấy một anh thợ hớt tóc nghèo. Khoảng mười năm bệnh lao cướp mất chồng... Vâng, cuộc đời mẹ, thầy tóm trong mấy câu mà đúng đến sởn da gà! Cả đôi chân mẹ, suốt đời chui rúc lặn lội sao ông ta nhìn thấy và gọi tên nó thật đúng - Đôi chân biết khóc! Chị ái có vẻ hoang mang. Tôi nghe chị lẩm bẩm: "Chân vợ ổng cũng rứa thôi. Đàn bà mà!". Thế nhưng tôi thấy chị lén nhìn chân mình.
    - O tên chi? ánh mắt ông thầy xỉa vào tôi. Vẫn cái ánh mắt dễ sợ ấy. Lập tức con bé "cắc cớ" trong tôi xúi tôi nói láo:
    - Dần ạ!
    Bà chị bụm miệng cười còn ông thầy tỉnh bơ cắm ánh mắt vào tôi bắt đầu khoan:
    - O khổ vì không giống cọp. O hiền và đa cảm đa mang. Hiền là thiệt, thương là khổ. Hay thương nhưng lại dễ bị người ta ghét. Trái tim đa cảm của o tự vệ bằng những cái gai - bướng bỉnh, lạnh lùng, kênh kiệu , khó gần...
    Sau bữa bói tên, những người đàn bà trong nhà tôi dường như khổ hơn. Mẹ hay nhìn "đôi chân biết khóc"''. Tôi xù gai tăng cường bảo vệ trái tim yếu đuối bằng thành trong lũy ngoài và thề tránh xa mấy lão vừa xoi vừa bói. Chị ái trông như vô sự vì trái tim chị vẫn "ngủ đông"! Cô giáo mới ra trường đẹp như hoa khôi nhưng lạnh như nước đá vẫn chưa có bồ dù lượn lờ quanh chị cả tá. Loại lì lợm lăn xả vào nhà, chị lấy chổi quét. Loại ngang lứa, chị bảo "hỉ mũi chưa sạch". Loại chững chạc, chị thưa cụ... Mẹ tôi đe ở góa, chị bảo: "Thầy bảo con lụy vì yêu, ở quá hết lụy". Mẹ im lặng ân hận. Còn tôi rủa thầy xem mặt bói tên!
    Chị ái không ở góa. Chị lấy chồng muộn khi mẹ tôi đã qua đời, ở tuổi băm. Tôi tò mò nhìn người làm nóng trái tim mùa đông và khiến cái đầu ngang ngạnh của chị đầu hàng. Trong ảnh anh ta trẻ hơn chị và trông quen quen. Chị viết trong thư chị rất hạnh phúc, đến nỗi thỉnh thoảng chị cứ muốn hét lên với ai đó rằng chị hạnh phúc lắm lắm...
    Một ngày, tôi nhận một bức điện khẩn từ thành phố Hồ Chí Minh: "Chị cần em. Thu xếp vào với chị gấp".
    Tôi gặp chị tại phòng hồi sức của một bệnh viện. Chị già đi, gầy rộc hốc hác. Đôi mắt đen toát lên ánh lửa dữ dội của kẻ đang quyết đấu. Nằm mê man bất động trên giường lủng lẳng dây ống là chồng chị. Mặc năm tháng và biến đổi, tôi vẫn nhận ra đó là thằng Chuột!
    Thằng Chuột thua chị ái ba tuổi, lớn hơn tôi một tuổi nhưng không ai gọi đứa quanh năm làm thuê gánh mướn, không cha không mẹ bằng anh! Thằng Chuột thường ở trần khoe chỗ lõm trên vai, nơi chiếc đòn gánh luôn đè nặng từ khi cha mẹ nó chết vì trúng mìn khi xăm tìm phế liệu. Nó bảo đó là chỗ đựng tiền nuôi em. Hồi đó em nó còn nhỏ, gánh thuê nó phải dắt em theo. Gánh xóm nào gửi em xóm ấy. Trông nó gánh nước thật buồn cười. Quang gánh e dài hơn nó và nước thì lưng lửng thùng. Thế nhưng có việc gì người trong xóm cũng gọi nó vì nó siêng năng, thật thà và rất thương em. Nó hay gửi em nó ở nhà tôi. Con bé la lết chơi, thấy cái gì cũng cho vào miệng. Tôi lén lấy cục đường đen kho cá trong chạn cho nó còn chị ái đem con bé nhem nhuốc gầy gò ra bể nước "đánh bóng". Tắm rửa xong xuôi gói trong chiếc áo cũ rộng thùng thình, trông con bé rất ngộ. Thằng Chuột cảm động lắm. Nó thường nán lại chẻ giúp đống củi, buộc cái chổi hoặc chữa cái gì đó... Mùa mưa, nước trời lai láng, thằng Chuột chuyển qua bán kẹo gừng. Thỉnh thoảng gửi em và trả công cho chị em tôi mấy cái kẹo. Viên kẹo như chiếc bánh ú nhỏ xinh, tẩm bột cho khỏi ẩm, sực nức mùi gừng. Chị ái thường lè lưỡi liếm sạch lớp bột rồi mới ngậm. Chúng tôi nói chuyện bằng cái giọng ngọng nghịu bởi viên kẹo trên lưỡi. Những ngày mưa dầm thúi đất ấy, anh em thằng Chuột là tia nắng. Bốn đứa chơi trò bán buôn hoặc vợ chồng. Chị ái thường đòi làm vợ thằng Chuột để ăn kẹo gừng. Còn tôi thích làm mẹ con Bẹp, em nó. Thằng Chuột lại thích trò dạy học. Nó bảo nó nhất định nuôi em nó thành cô giáo!
    - Sao vậy chị?- Tôi bối rối hỏi trống.
    - ảnh xuống vét cái giếng cho xóm... trèo lên ngã vật ra mê luôn. Nằm ở trên một tuần, chị chuyển vào đây - Giọng chị ái khô khốc. Mắt chị nhìn dán vào cái hình hài bất động trên giường.
    - Bác sĩ bảo sao?
    Chị không trả lời, bọc người bệnh bằng ánh mắt da diết mênh mông.
    Chị nhận ở tôi mọi sự giúp đỡ ngoại trừ thay chị ngồi bên... anh. Tôi cứ lướng vướng với tiếng "anh" ấy! Chị ái không rời anh quá mươi lăm phút. Hình như chị sợ anh mở mắt khi không có chị hoặc chị biết thời gian anh còn đấy không bao lăm và chị chắt chiu từng phút còn lại. Tôi không hề thấy chị đặt lưng xuống giường. Ngày đêm chị ngồi bên giường người bệnh, làm các động tác chăm sóc một cách tỉ mỉ, bọc anh trong cái nhìn trĩu nặng yêu thương. Khi chị mệt quá, chị ngủ gục trong khoảnh khắc rồi tỉnh dậy hoảng hốt. Tôi biết chị sợ tử thần. Thi thoảng lão lại tạt qua. Khi lão hiện diện phút giây dài đằng đẵng, cả nắng cũng ốm và đến người khỏe mạnh như tôi cũng cảm thấy khó thở. Lão dửng dưng ghé nhìn anh và thằng bé mười bảy lún phún ria mép, bị chấn thương sọ não vì đua xe nằm cùng phòng. ánh mắt nghiệt ngã của lão làm tôi ớn lạnh. Hồi nhỏ, cả nhà bảo tôi bị nhiễm vi rút TT (vi rút tưởng tượng). Tôi sợ đến phát khóc khi chứng kiến một con bé bị xe tông chết khi băng qua đường. Dòng xe ngưng chảy. Con bé nằm lộ như con búp bê bị quẳng ra đường. Đến lúc ấy tôi mới biết rằng người ta vẫn có thể chết khi còn rất trẻ. Chị ái bảo có một lão mặc áo choàng đen, mang bị gậy. Lão sờ vào ai là lấy đi hồn vía của người đó bỏ bị. Từ đó ngủ với mẹ và chị, tôi chen vào giữa, trùm chăn kín mít. Tôi sợ lão thấy tôi. Còn bây giờ, tôi cứ như kẻ vô hình trong mắt lão! Lão vẫn nhìn chòng chọc chồng chị ái và cái thằng lún phún ria mép ấy. Khi chị ái thiếp đi vì mệt trong khoảnh khắc, tôi thay chị lắng nghe tiếng tí tách của từng giọt sống mỏng mảnh truyền vào người bạn cơ cực thời thơ ấu và canh lão. Bây giờ tôi thấy lão mà lão không thấy tôi!
    Có một lần gánh đầy bể nước, thằng Chuột gãi đầu cố ngập ngừng đề nghị:
    - Tui không lấy tiền công gánh nước, dán bì, chẻ củi chi tui cũng làm không công hết... chị dạy con Bẹp học với!
    - Răng mi không dạy em? - Tôi cong cớn hỏi.
    - Tui biết có ba chữ: O tròn như quả trứng gà, Ô thời đội mũ, Ơ đà mang râu. Con Bẹp học hết ba chữ nớ rồi !
    Chị ái cười ngặt nghẽo:
    - Té ra mi mù chữ. Để tau dạy cho. Học phí tau tính bằng kẹo. Mỗi buổi hai cái kẹo gừng.
    Thằng Chuột gật đầu lia lịa.
    Khi con bé học, thằng Chuột nuốt lén chữ đực chữ cái vào bụng, thế mà biết đọc trước cả em nó. Thấy nó sáng dạ, chị ái bày luôn cho nó để kịp kéo vào tai và bắt nó gọi bằng sư phụ. Đồ đệ không những để dành kẹo gừng làm thủ công, tìm lá thuộc bài, bắt chuồn chuồn, ếch nhái cho chị em tôi lấy điểm. Chị ái mười bảy, mười tám, thường có đuôi quẩn chân, thằng Chuột lại vác thiết bản đòn gánh hộ tống chị. Khi chị ái thôi dạy, trình độ văn hóa lôm côm của thằng Chuột khoảng lớp ba và tai nó hết nguy cơ thành tai lừa!

    Love to live
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Quế Hương
    Nhìn từ vĩnh cửu ( II )
    Thế mà trong hồ sơ bệnh án ghi: Lê Chuột, 35 tuổi. Nghề nghiệp: Kỹ sư. Hôn mê sâu vì khí độc dưới lòng giếng. Chuyển từ bệnh viện Đác Lắc...
    Người ta đã chuyển anh ấy ra khỏi phòng đặc biệt để nhường chỗ cho những kẻ còn hy vọng. Y học hầu như đã bất lực nhưng chị ái vẫn không đầu hàng. Nữ trang, tiền bạc, hết sạch, chị thế chấp nhà và mảnh đất trồng cà-phê ở Đác Lắc vay ngân hàng một số tiền lớn duy trì cho anh điều trị ở bệnh viện. Tình yêu và niềm hy vọng vẫn rừng rực trong mắt chị. Tôi thường bắt gặp chị ôm anh như truyền cho anh sinh lực của mình, thầm thì nói với anh như anh nghe được, tắm anh bằng những nụ hôn đẫm nước mắt. Chị gầy nhanh, tinh lực chỉ còn trong đôi mắt hõm sâu. Bác sĩ điều trị bảo tôi khuyên chị đem anh về nhưng tôi và họ đều không thuyết phục được chị. Chị còn tiền trang trải và vẫn tin anh sẽ mở mắt nhìn chị.
    - Thế chị gọi thằng Chuột bằng anh lúc nào? - Một đêm tôi buột miệng hỏi.
    - Khi lấy nhau.
    - Thế chị... thích... hắn lúc nào?
    - Hồi ấy...
    - ừ. Hồi đó chị chỉ nhớ tới hắn khi có việc gì sai hắn... Khi chị quên mất hắn từng có mặt trên đời thì hắn bỗng hiện ra. Chị nhận một lá thư chữ rất đẹp. Hắn báo em hắn học năm cuối ngành sư phạm. Còn hắn đã tốt nghiệp bổ túc văn hóa phổ thông trung học, đang đợi kết quả thi vào đại học. Hắn xin phép ghé thăm...
    - Em không tưởng tượng nổi chị ngạc nhiên thế nào đâu khi đứng trước hắn. Một người đàn ông thực sự - từng trải, phong trần và đẹp! Chị bối rối không dám gọi hắn là... thằng Chuột nữa. Từ đó theo với những chuyến tàu hắn hay xuất hiện bất ngờ với những món quà thời thơ ấu. Gói kẹo gừng chị thích, chùm keo ngày xưa chị bắt hắn lội qua ao bẻ, con sóc bằng xơ mướp mà chị em mình từng giành nhau, bó hoa dại toàn thứ tụi mình chơi đồ hàng... Hắn làm chị ngỡ thời gian không có thực và chị vẫn ở cái thuở be bé ấy! Hắn ít nói, hay làm. Đến chỗ chị có gì hư cũng xắn tay sửa. Có khi hắn còn xách nước... Hắn đang là sinh viên năm thứ nhất ngành cơ khí... Xí nghiệp nơi hắn làm công nhân cho hắn đi học... Tần tảo, vất vả hơn mụ đàn bà... - Giọng chị ái rã ra từng mảnh.
    - Rứa hắn tỏ tình với chị ra răng? - Tôi tò mò.
    - Không nói chi cả. Cứ lẳng lặng tận tâm tận tụy. Cũng như ngày nhỏ, có hắn chị cảm thấy vui và yên tâm. Có một lần hắn giáp mặt anh chàng đang theo đuổi chị. Anh ta ngồi lâu ơi là lâu. Hắn thay cái đèn neon trên bàn chị cũng lâu như thế. Sau đó lấy chổi quét nhà xoèn xoẹt...
    - Thì hồi nớ chị từng biểu hắn làm rứa để đuổi khách - Tôi cười.
    - Nhưng hồi nớ chị chỉ là con ranh 16, 17. Khi anh ta về, hắn bảo:
    - Cô có nhớ cái đòn gánh dùng làm thiết bảng bảo vệ cô ngày xưa không? Tui... còn giữ đấy! Lần sau... tui đem theo nhé!
    - Bảo vệ kiểu ấy chắc sư phụ ế! - Chị trợn mắt.
    - Người ta chê tui lấy! - Hắn lầm bầm trong miệng.
    Anh ấy mỗi ngày chết đi một tí. Như chiều cứ tà dần và không ai ngăn được mặt trời lặn. Tôi trở lại với chị vì con Bẹp ngày xưa anh vắt kiệt cả thanh xuân vun bón thành cô giáo dạy toán vào với anh có một tuần rồi bay ra dạy cours. Anh trở thành bệnh nhân lâu nhất khoa, một bệnh nhân đã tàn hy vọng mà bệnh viện đã nhiều lần ngỏ ý đuổi về. Những lúc ấy chị ái trở thành kẻ quyết chiến. Nước mắt, sức mạnh dữ dội của tình yêu, cả tiền bạc nữa hỗ trợ chị... Anh đã nằm hết tháng thứ ba. Nhìn chị ái tôi thấy sợ. Những gì liên quan đến con bệnh, chị khắc cốt ghi tâm còn mọi thứ đều lơ đãng. Chị mất dần khả năng ăn ngủ. Thế nhưng chị không có vẻ bất hạnh. Hoàn toàn hiến dâng mình cho kẻ khác xem ra cũng là một thứ hạnh phúc.
    - Chị còn nhớ cái lần tụi mình tắm sông không?
    - Nhớ.
    Chị òa khóc. Tôi để mặc. Nước mắt sẽ kéo chị trở lại với cõi người đau khổ.
    Chị ái rủ tôi tắm sông. Chị muốn thử nghiệm hiệu quả cho chuồn chuồn cắn rốn. Xuống nước chúng tôi vẫn đeo cứng phép. Cuối cùng chị ái bảo : "Đồ rệp. Ngó tau bơi nì!". Chị thả tay, hí hửng quẫy đạp vài cái rồi không thấy đâu cả. Tôi thất thanh kêu cứu. Một bóng người lao vút đến, lặn xuống và túm lấy mái tóc dài của chị ái lôi lên. Tôi nhận ra thằng Chuột. Thằng Chuột đem chị lên bờ vác ngược chị chạy. Sau đó hắn đặt chị xuống và để hai tay trên ngực chị ấn lên ấn xuống. Lập tức tụi đứng coi ré lên: " Thằng Chuột bóp vú con ái?". Chị ái tỉnh lại nghe thế, hất tay hắn rồi co cẳng đạp giữa tiếng reo hò khoái chí của tụi nhỏ. Hắn lắp bắp: "Tui thấy họ cứu người chết đuối làm vậy mà!". Nhưng tụi kia vẫn ré: "Thằng Chuột dê! Thằng Chuột dê!". Hắn xấu hổ bỏ đi. Chị ái lườm theo. Chẳng đứa nào coi việc hắn cứu chị ái đáng phải cám ơn.
    - Sau này anh ấy bảo anh ấy lo nên đi theo, luẩn quẩn gần đó. Còn chị bị mạ quất cho mấy roi vì tội đạp người cứu mình. Mạ bảo: "Đồ vô ơn. Không có hắn mi thành ma rà rồi!". Chị trả thù mấy roi bằng nghỉ chơi với hắn. Hắn năn nỉ: "Tui sợ cô thành ma rà mới làm thế! Tui không dê! - Tau mà thành ma rà mi tắm tau dận nước". - "Cũng được!" - "Rứa mi không sợ làm ma ư?" - "Cô làm ma, tui cũng thích làm ma"... Hồi ấy sao chị quá quắt ngoa ngoắt thế không biết? - Chị ái cười rơi nước mắt rồi nhìn anh thì thầm - Anh ấy nghe đấy! Anh ấy thích nhắc chuyện ngày xưa lắm? Giờ chị có thương anh ấy mấy cũng không bù nổi tình thương và lòng quý trọng anh ấy dành cho chị. Anh ấy bảo hình bóng chị đã động viên anh ấy ngoi lên từ đáy cuộc đời. Trong giấc ngủ cũng đau đáu ước mơ vượt lên số phận. Thỉnh thoảng chị nhận một món quà tự làm ngồ ngộ, dễ thương đến nỗi chị cứ đem khoe. Bao giờ cũng kèm một câu: "Tôi đang chạy cho kịp. Hãy đợi tôi!". Chị cứ tưởng của một thằng man man nào đó... Anh ấy ra trường, hai đứa chị lấy nhau. Nếm mùi vị nghèo gần trọn đời nên sợ lắm. Gì cũng làm, làm quần quật để tạo dựng cơ nghiệp, để chị sung sướng. Chị sống với ảnh được năm năm hai tháng bốn ngày. Kể 4 năm yêu nhau là chín năm. Kể cả lúc anh ấy là "thằng Chuột" và cả sau này, lúc anh ấy đã ra đi. Vậy là cả đời. Hai đứa chị sinh ra là để hợp nhất với nhau...
    Love to live
  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Quế Hương
    Nhìn từ vĩnh cửu ( III )
    Chị nói với tôi nhưng vẫn nhìn anh và tôi có cảm tưởng anh ấy đang nghe chị. Ngay cả lúc này vẫn không thấy chị bất hạnh. Yêu là thế sao? Là cuộc đời này tỏa sáng vào cuộc đời khác và người đó trở nên tốt hơn, mạnh hơn? Nếu thế thì quả tôi chưa yêu và được yêu bao giờ!
    - Nhọc nhằn lắm mới có ngày hôm nay. Thế mà cứ chuốc vạ vào thân, lận khổ trong người. Giếng của người ta mắc chi mà! - Tôi đau lòng buột miệng.
    - Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Em coi nì - Chị giở tấm ra đắp chân anh. Một bàn chân bị mất ba ngón.
    - Sao thế?
    - Cái giá của một lần cứu một thằng bé chạy lúp xúp theo trái banh rớt trên đường ray khi tàu đang vào ga. Kho khối sắt khổng lồ sầm sập lướt qua, tim chị như bị nghiến... Chị cầm tay anh ấy trước, vào lúc đó!
    - Thế chị yêu vì anh ấy tốt hả?
    - Vì tất cả.
    - Chị có hối tiếc vì yêu muộn không?
    - Không, có lẽ chị yêu anh từ sớm lắm, từ hồi còn là con bé ngoa ngoắt mà chị không ý thức đó thôi. Anh ấy là mối tình của cả đời chị. Là đầu. Là cuối. Là duy nhất.
    - Chị có biết anh ấy... sắp chết? - Tôi thì thầm.
    - Anh ấy chỉ đi trước thôi và anh ấy sẽ đợi chị. Bao giờ anh ấy cũng đợi chị.
    Khoa hội chẩn và quyết định thứ hai tới cho anh về. Họ trưng bày những chứng cứ y học để cho chị ái thấy đã vô vọng và không nên mất công sức, tiền bạc nữa. Hãy để thân thể bất lực của anh an nghỉ. Chị ái bỗng trở nên ngoan ngoãn.
    Thứ hai có ý nghĩa là còn một ngày một đêm nữa. Chị ái xin chuyển anh vào một phòng nhỏ, được ở một mình với anh và tự chị sẽ rút ống thở ra khỏi anh. Khoa đồng ý. Hai mươi bốn giờ ấy, phòng bệnh trở thành phòng của đôi tình nhân tạm biệt nhau. Tôi bứt lén một ít lan dại mầu tím trong bồn cỏ bệnh viện cắm vào ly nước. Rằm cho ánh trăng - hào phóng, lênh láng phủ lên muộn phiền, tiều tụy, chết chóc... Cửa khép. Chị ở trong ấy cùng anh. Tôi ngồi ngoài cùng lão. Lão đã đến. Không chuông mà văng vẳng tiếng chuông gọi hồn. Không áo quần mà có tiếng sột soạt. Không hơi thở mà vẫn thấy khí lạnh... Tôi lắng nghe tiếng tí tách của từng giọt thời gian và tôi khóc. Còn lão điềm nhiên đợi xong chuyện.
    Họ nằm bên nhau. Chị ái ôm cổ anh thủ thỉ. Mơ hồ như tiếng vọng. Nhẹ như gió thoảng. Trăng sáng đến rợn ngợp, càng khuya càng sáng. Đêm không đen, đêm nhờ trắng. Trên cái nền trắng của hư vô ấy, tôi thấy tình yêu, khổ đau, sự sống, cái chết nắm tay nhau khiêu vũ dưới trăng. Tôi dí mắt vào cửa kính. Lão cũng thế. Đêm múc trăng dội xuống họ. Gương mặt tái nhợt của anh gối trên cánh tay ngà của chị tôi ngời ngợi ánh trăng. Tôi có cảm giác hàng mi anh run rẩy khi chị hôn mắt, tay anh khẽ khàng động đậy khi chị ôm anh và tôi nghe... lão thở dài!
    Đêm cạn đáy, tiếng thì thầm bặt. Có lẽ họ đã thiếp trong tay nhau. Tôi thấy lão len lén đi xuyên qua tường.
    Lão trở ra với cái bị phồng to. Tôi thấy rõ ràng lão quệt nước mắt. Lão lướt qua tôi như làn gió lạnh, nhanh đến nỗi tôi không kịp cảm ơn. Phải, tôi muốn cảm ơn: "kẻ thù" của chị tôi, người đã đánh bại chị sau ba tháng đối mặt. Cảm ơn lão đã bền lòng đợi chị thiếp ngủ để làm nhiệm vụ. Chị tôi hẳn không đủ sức rút những giọt sống cuối cùng ra khỏi nửa sinh mệnh của chị.
    Khi tôi và người bác sĩ trực bước vào, hai người vẫn ở trên giường. Gương mặt anh thanh thản trong giấc vĩnh cửu. Gương mặt mệt mỏi và nỗi đau dồn nén trăm ngày của chị dãn ra trong giấc ngủ đầu tiên trên giường sau bao đêm trắng, ở bên anh. Trăng đã ra khỏi phòng lâu lắm rồi nhưng một mảnh tai tái ngủ quên trên tóc chị, trắng như khăn tang cho đến hết đời chị tôi!
    Những gì diễn ra sau đó dường như không liên quan đến chị nữa. Người ta bảo lạy, chị lạy. Dìu đến lò thiêu, chị đi... Nhưng chị chẳng ăn nhập gì đến khung cảnh tang tóc chung quanh. Có lẽ chị không cảm thấy mất anh vì anh vẫn tồn tại trong chị. Đêm đầu tiên về lại nhà mình, nằm trên chiếc giường đã trở thành mênh mông, chị nằm một phía, phía kia có anh. Khuya chị bật dậy. Tôi nghe chị gọi: "Anh, anh ở đâu? Em không thấy tay anh". "Anh ở bên em, em yêu!" - Tôi nghe tiếng đáp.
    Tôi rón rén trở lại giường mình. Ngày mai tôi yên tâm trở về. Không sợ chị đơn độc. Không sợ chị yếu đuối. Có lẽ tôi lại mất việc. Nhưng tôi sẵn sàng bắt đầu lại. Tôi đã học nhiều điều trong hơn tháng kề cận họ. Đời rộng mênh mông bởi tôi đã nhìn ngắm nó dưới góc độ vĩnh cửu.
    Phụ trương Văn nghệ Quân đội số 67 tháng 6-2000
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 01:20 ngày 09/03/2004
  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Châu Diên
    Hamlet thiu thiu ngủ ( I )
    Truyện ngắn của tác giả có một trong số ít tiểu thuyết được chú ý nhất năm 2003 - "Người sông Mê". Nhà văn Châu Diên sinh năm Nhâm Thân, giải thưởng Tạp chí Văn học (truyện ngắn "Cái lô cốt" - 1959), giải thưởng Báo Văn Nghệ (truyện ngắn "Gia đình ông chủ nhiệm" - 1962). Ông còn là dịch giả của gần chục cuốn sách: "Chín mươi ba" (V.Huygo), "Nhà tiên tri" (Kalil Gibran), "Bay đêm" (A.de st-Exupery), "Ruồi" (Jean Paul Sartre)... Sự trải đời ẩn trong một lối viết rất trẻ trung, "Hamlet thiu thiu ngủ" của Châu Diên làm người đọc giật mình về một bầu không gian sống vô vị, tù đọng...
    Nhung vừa lau mặt cho Quỳnh vừa dỗ dành, chả ra vui chả ra buồn, chả ra mẹ con chả ra vợ chồng: "Ngoan nhé, lau mặt này, ăn sáng này, xong cho em làm việc, hôm nay đến hẹn nộp bài, anh nghe rõ không hả anh Quỳnh Rồ?". Quỳnh gật gật đầu, hai mắt thao láo, cái cổ ngẳng cao, đôi môi đỏ chót... Người ấy không ốm đau kinh niên thì đẹp giai chán.
    Phải thừa nhận rằng cái biệt danh Quỳnh Rồ do một ông nhà văn biệt danh Khánh Toét đặt có gì đó như là lời tiên đoán của kẻ thấu thị. Hai mươi năm trước, khi Quỳnh học xong đại học rồi ra trường nhận việc ngon lành như vào mâm cỗ bày sẵn, thì ông Toét đã gọi anh ta là Quỳnh Rồ. Bà con hỏi tại sao đặt cho Quỳnh cái tên đó, ông Khánh Toét chỉ tít mắt cười trừ, không giải thích. Gạn hỏi mãi thì ông nói "đùa đấy mà, trông cái mặt nó ngồ ngộ ngây ngây dại dại..." - Nhà văn toét lại cười trừ, "Nhỡ mồm một tý ấy mà!"
    Nhỡ mồm mà thành thật. Và nếu như ông nhà văn tinh đời toét mắt chỉ đặt tên rồi bỏ đó, thì bao nhiêu năm ròng, người chịu đựng cái con người ngây ngây dại dại và ngồ ngộ kia lại chỉ còn một mình cô gái từng một thời..., nhưng mà thôi, con gái nào mà chẳng "từng một thời". Cái "từng một thời" ấy càng to càng tỉ lệ thuận với nỗi hẩm hiu lớn trong cái thực tại ngày hôm nay đặt sừng sững trước mặt từng con người trong truyện.
    Người con gái từng có một thời ấy tên là Nhung. Tên là Nhung mà lại làm nghề nghiên cứu lịch sử thì chẳng gây được ấn tượng gì. Nói theo giọng giáo sư người đỡ đầu cho Nhung, tên của cô không acađêmic, ông thích nói tiếng Tây như vậy, vừa cho mọi người thấy là ông giỏi tiếng Tây lại vừa bất cần giải thích cái ấy nó ra sao, "rứa biết rứa" ông nhại giọng Huế để lấy cái xa lạ thêm giá trị cho cái không xa lạ. Nhung là phiên dịch cho cả viện nghiên cứu này, xuất thân từ cô đánh máy. Con một giáo sư già, tốt nghiệp khoa Văn, nhưng Nhung nói mình không làm nghề văn chương được. Cô đánh máy, con một vị giáo sư cao tuổi, thường vẫn chữa văn chương cho nhiều báo cáo khoa học của lớp học trò vẫn gọi cha cô là thầy. ít ai biết, trải qua cả chục năm đánh máy chữ, Nhung đã học mót được biết bao nhiêu kiến thức bổ sung cho cái "đại học chay" của cô. Quỳnh lấy Nhung nên cũng nấp bóng "thầy" để được sống an thân. Sau này Nhung còn hiểu rằng, chẳng qua anh cu Rồ thì còn có gì để tranh giành đấu đá nữa, nên an thân cũng là phải nhẽ. Rồi cô thư ký đánh máy được đi học ngoại ngữ. Đi học cũng là dịp xa chồng, xa các đồng chí cơ quan, được xả hơi. Có lẽ Nhung tốt nghiệp loại xuất sắc là nhờ vậy chứ chẳng vì cái vốn tiếng Tây thầy dạy từ nhỏ. Ra trường, cô lại được điều về viện cũ, nay đã có chức danh cô phiên dịch. Ngày xưa đánh máy chữ thì chỉ chữa văn tiếng ta cho các nhà nghiên cứu, nay lại kiêm nghề viết tiếng Tây cho các thầy kiêm đồng nghiệp. Tính nết nhẹ nhõm, nên khi nghe thầy nói tiếng Tây bình phẩm tên mình, Nhung cũng chẳng thấy cần hỏi lại vậy thế nào là một cái tên acađêmic cho một người ở một cơ quan nghiên cứu lịch sử như của ta? Nhưng giáo sư thì lại lấy luôn chính mình ra làm dẫn chứng:
    - Một cái tên nghe ra đã thấy là acađêmic như tên của tôi ấy. Bạn bè đặt thêm cho mình một cái biệt danh nữa sao cho dân dã thời buổi công nghệ thông tin - "Bộ nhớ dân tộc". Cứ rứa mà mần!
    Hai vợ chồng Nhung và Quỳnh Rồ cùng làm việc ở một viện với "Bộ nhớ dân tộc". Nhung là một người kiên trì. Trong phạm vi câu chuyện đem kể ở đây, thì Nhung kiên trì với hai người, như kiên trì với hai gánh nặng giời đầy. Cái nọ mắc kẹt cái kia, để cả hai cái thì buồn nhưng chúng nương tựa nhau, mà nói dại, nếu cắt đi một cái thì lại đau, thì lại thành ra cắt tuốt tuột. Người ta thừa nhận cho Quỳnh Rồ là không rồ. Anh chẳng điên dại đập phá, vẫn còn trí nhớ chẳng kém ai, được người ta cho ăn lương rồi nhận vài việc chữ nghĩa, vợ làm thay cho dưới danh nghĩa "biên tập lại" rồi có đồng lương tháng... Trong biên chế quan trọng là vậy đó.
    Được julian sửa chữa / chuyển vào 23:30 ngày 16/03/2004
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Châu Diên
    Hamlet thiu thiu ngủ ( II )
    ***
    Chuông điện thoại. Đầu dây đằng kia chính là giáo sư "Bộ nhớ dân tộc" giục Nhung dịch cho xong bài để ông còn đem đi Paris họp. Nhung quăng cái khăn vừa lau mặt xong cho Quỳnh Rồ vào chậu, rồi bỏ chồng ngồi đó, chạy vội vào bàn lấy ra tập bản thảo nói theo chức phận là đang dịch dở dang mà nói bằng thực chất là vừa viết vừa dịch dở dang.
    Quỳnh Rồ hễ trông thấy giấy má thì bỗng như sống lại một thời khi anh còn chưa được thừa nhận là đến giai đoạn rồ. Quỳnh níu tay Nhung lại để nói về một ký ức bất chợt:
    - Em à... hôm qua em mua phở cho anh ở phố nào nhỉ?
    Nhung nói cho qua chuyện:
    - Phố Mai Hắc Đế, anh quên rồi à?
    - Quên à? Đời nào! Nhưng em nhớ nhầm, chắc không phải Mai Hắc Đế... cha này không đen đen thế... mà xinh xinh tươi tươi kia... Đúng rồi, Triệu Việt Vương, anh đã nói là cha này không đen mà! Em thấy trí tuệ lịch sử của anh còn vững đấy chứ?... Có phải ở phố Triệu Việt Vương có nhà giáo sư gì nhỉ ở cạnh hàng phở nhỉ...?
    - Thôi để em làm nốt mấy việc rồi em cho anh đi chơi phố nhé...
    Quỳnh Rồ đã vội quên chuyện lịch sử, cầm lấy cuốn tiểu thuyết định đọc, rồi lại để đó, loay hoay thu thu đôi chân đã bị teo cơ cho rúc vào dưới tấm chăn, rồi ngả người an nhàn vào cái ghế xích đu mắt nhìn trần nhà theo dõi hai con thạch sùng đuổi nhau. Nhung mở tập bài đã in ra, đã đóng quyển tạm, định đối chiếu mấy đoạn dịch cô còn chút nghi ngại. Cô khẽ lật đoạn được đánh dấu bằng mẩu giấy của giáo sư "Bộ nhớ dân tộc" giúi cho tối qua nhưng chưa kịp đọc. Thư không ký tên tác giả, viết bằng tiếng Anh trộn tiếng Pháp, mở đầu bằng tiếng Italia O sole mio lại cẩn thận sợ Nhung đọc không ra nên chú thích thêm tiếng Việt là "Mặt trời của tôi ơi". Do chỗ nhiều bạn đọc có thể không đọc nổi lá thư hai ngữ Anh-Pháp vả chăng cũng không tiện dùng tiếng nước ngoài trên sách báo ta, người kể chuyện xin dịch lại trăm phần trăm nguyên văn như sau:
    "Kính yêu em của tôi! Em cần phải nỗ lực phấn đấu để kỳ này anh và em cùng đi Hội nghị về "Chấm dứt chiến tranh trong thế giới đương đại" ở thủ đô hoa lệ của loài người. Ôi em không sao hiểu nổi thế nào là tự do đâu chừng nào em còn khư khư níu giữ cái chàng Rồ không chính danh Hamlet nhà em. Hãy thử chút hạnh phúc thoáng qua với một chàng Hamlet thực thụ, khả kính và khả ái, người viết lá thư đầy tình cảm chân thành này. Kính thư".
    Nhung ném cái nhìn xéo rất nhanh về phía Quỳnh Rồ. Nhung chợt thấy sợ, cái nỗi sợ chính mình, chẳng hiểu sao Nhung thấy mình bắt đầu có tật nhìn trộm chồng. Quỳnh đã ngừng quan sát thạch sùng, đã mở sách ra và đang đọc Bulgakov. Khi Nhung vừa nhìn xéo qua Quỳnh, thì cũng vừa lúc anh úp sách vào ngực để nhìn sang Nhung. Như có luồng điện giữa hai người vậy. Nhung nhớ thoáng thật nhanh cái dáng thư sinh đặt cuốn sách trên ngực hệt như vậy cái bữa Quỳnh nằm bệnh viện trước khi hai người cưới nhau. Bữa đó Quỳnh và Nhung vào bệnh viện thăm giáo sư thân sinh Nhung đang chờ mổ khối u. Đứng giữa cổng bệnh viện, Quỳnh bỗng dưng nhảy tót lên mui một chiếc xe ô tô đen đang từ từ vào viện. Quỳnh đứng lên đó vẫy tay và la hét, mấy chục năm về trước và ở một xứ sở nào đó hẳn phải là một cảnh sinh viên tiên phong đang diễn thuyết dắt dẫn quần chúng tối tăm. Người ta xúm lại lôi Quỳnh xuống, cho anh vài quả thụi, rồi sau đó Quỳnh bị đưa vào nằm luôn ở chính bệnh viện đó, bệnh án không ghi mấy quả thụi mà ghi một triệu chứng tâm lý gì đó, một hội chứng rồ thích làm to hơn, thích đứng cao hơn cái mui xe của chiếc xe con đang lăn vào viện. Nhung đều đặn vào thăm Quỳnh. Tình yêu là thế đấy. Có những xì xầm này nọ, nhưng Nhung vẫn cưới anh chàng Quỳnh đẹp giai của mình. Cưới rồi thì cả yêu cả thương cả bó buộc không rời ra nổi nữa. Cũng may là Nhung cũng có khi biết tự nhạo mình "đã vào biên chế rồi thì không xin ra được nữa". Và cũng có lần nghĩ thầm về "chàng Hamlet thực thụ" khi trao cho chàng bản dịch mà thực chất là một công trình của chính Nhung: "Đành thôi, đã giáo sư rồi thì trọn đời cứ phải giáo sư, em sẽ giúp chàng đến trọn kiếp".
    Đang đọc, bỗng Quỳnh dừng lại, nhìn sang Nhung:
    - Anh sợ quá, Nhung à...
    - Anh sợ gì?
    - Trong sách này này... lổn nhổn những người những ma... anh thấy sợ quá... nhất là cái con mèo đen...
    - Em có kinh nghiệm đọc Bulgakov, đang đọc em cũng có lúc thấy sợ như anh, nhưng khi đó cứ mở bìa sau ra nhìn ảnh ông ta là hết sợ... đấy thấy chưa... anh thấy ông ta hiền không? Hiền và đẹp giai, hệt như anh ấy...
    Quỳnh Rồ lấy cuốn sách che miệng che quá mũi, chỉ còn ló ra đôi mắt trố, cười hích hích bên dưới tấm chân dung Bulgakov:
    - Anh đẹp giai à?
    Nhung nhìn vào gương mặt Bulgakov đang thế chỗ cho bộ mặt chồng mình. Nhung nói với chồng mà như thể trò chuyện với ông nhà văn đã viết nên những điều nhố nhăng điên dại của người Nga trong bộ sách kỳ diệu đã được Đoàn Tử Huyến dịch sang tiếng Việt:
    - Anh không đẹp giai kiểu như mọi người, anh đẹp kiểu Hamlet... Anh đừng sợ... Em thương anh. Bao giờ em cũng thương anh...
    Nhung cũng chẳng hiểu vì sao bỗng dưng mình lại phải thề thốt chừng nấy. Ngày trước, khi mới yêu nhau, có khi nào cần thề thốt vậy đâu? Có chuyện gì thế nhỉ? Nhung mở ra, đọc lần nữa lá thư xinh xinh của giáo sư "Hamlet chính hiệu" biệt danh "Bộ nhớ dân tộc". Đồng ý hay không đồng ý, toàn bộ vấn đề nằm ở đấy. Hệt như xưa, Hamlet Rồ nêu câu tự vấn "Ta có là ta hay không còn là ta đây, toàn bộ vấn đề là ở đó".
    Nhung thấy căn nhà bỗng yên ắng quá. Rời mắt khỏi lá thư, quay sang đã thấy Quỳnh Rồ thiu thiu ngủ. Quỳnh thích ngủ vào quãng chín mười giờ sáng thế này. Hôm nay chủ nhật, ngủ thoải mái...
    Nhung khẽ kéo chiếc chăn mỏng đắp cho đôi chân trắng xanh, bé như hai cây mía non của chồng. Hamlet, ngủ đi, ngủ yên nhé.
  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Vũ Bão
    Người vãi linh hồn
    Nếu mọi chuyện trên đời đều diễn biến đúng như ta dự định thì đến bây gờ tôi chẳng còn gì mà viết về trận đánh bốt Chè năm ấy nữa. Công tác chuẩn bị chiến trường tiến hành đúng tinh thần chỉ đạo của phòng tham mưu. Số liệu biến động về quân số và vũ khí của địch được điểm từng ngày. Sơ đồ phòng ngự bốt Chè được vẽ đi vẽ lại đến độ tin cậy gần như tuyệt đối. Trinh sát hoả lực kiểm tra đi kiểm tra lại toàn bộ hoả điểm, đánh dấu bằng đủ các loại lý hiệu trên sơ đồ. Thế là chắc quá chứ gì !
    Chiến tranh không phải trò đùa, chỉ có một bên bắn súng và một bên chỉ được quyền ăn đạn. Phải công nhận tên đại uý chỉ huy trưởng bốt Chè là một tay cáo già trong chiến trận, biết giấu chủ bài. Mặc cho mỗi lần trinh sát hoả lực, quân ta nhử thế nào, hắn vẫn ghìm không cho hai ổ đại liên găm ở hầm ngầm phát hoả. Chính vì thế, khi đại đội chúng tôi bung hàng rào tiến vào trung thâm theo đội hình đầu nhọn đuôi dài, hắn mới cho hai ổ đại liên ở hầm ngầm bắn chéo cánh sẻ. Ðợt tiến công của chúng tôi bị chặn khựng lại. Cả đại đội nằm dán bụng xuống đất, không ngóc đầu lên được. Giá có phép gì dũi được đất, dìm cả người xuống, chúng tôi mới hy vọng giữ được cả gáo lẫn càng. Tình huống bất ngờ này không hề được tính đến trong phương án tác chiến. Các cấp chỉ huy không kịp phản ứng, cứ đâu nằm yên đấy. Mọi lần trước, đại đội bị vấp, chi uỷ thường hội ý cấp tốc rồi vạch chủ trương, nhưng lần này Luật, đại đội trưởng nằm ngay vị trí tiểu đội mũi nhọn chúng tôi, chính trị viên ở cuối đội hình, chính trị viên phó đang lo kéo một số thương binh ra ngoài hàng rào kẽm gai băng bó. Chính trị viên rút khẩu Xmít Oétxon, bắn một phát lên trời rồi bật dậy lao về phía trước hô lớn :
    - Các đảng viên cộng sản tiến...
    Một viên đạn đã cắt ngang khẩu hiệu tiến quân. Luật bò lùi xuống bên tôi, hất đầu về phía hoả điểm trước mặt.
    - Cậu diệt thằng trái, còn thằng phải để mình.
    Tiểu đội mũi nhọn chia đôi hàng chữ V, một nửa bò theo Luật, một nửa bò theo tôi. Thằng Vĩnh nằm bẹp lại. Tôi bò lùi xuống :
    - Sao ?
    Giọng Vĩnh lạc hẳn đi :
    - Ðạn nó bắn như mưa, lên sao được.
    - Mày nằm đây chờ chết à !
    - Lên cũng chết.
    Không sao ép một thằng hèn thành người lính dũng cảm trước làn mưa đạn được, tôi quát lên :
    - Ðưa băng đạn cho tao. Cả hai quả lựu đạn nữa.
    - Thế nó phản kích, tôi chết à.
    Tôi lộn tiết, giằng luôn khẩu tiểu liên của nó :
    - Tao phải lên, mày giữ lá cờ đại đội cho tao.
    Bò dưới làn đạn, tôi vẫn quan sát hoả điểm. Tự dưng đốm lửa tắt lịm ở lỗ châu mai. Bọn địch đang thay băng đạn. Tôi bật dậy lao lên áp sát hầm ngầm. Bọn giặc ẩy lựu đạn ra. Tôi chộp ngay lấy, nhét vội vào lỗ châu mai rồi lùa nòng tiểu liên lia một băng. Tiếng reo hò ở phía sau vang dội bên tai tôi. Ðại hội bốn đã tràn ngập căn cứ giặc. Chưa trận nào chúng tôi vất vả như lần này. Chúng tôi phải vật nhau với từng lô cốt con, đến gần sáng mới đánh sập sở chỉ huy của giặc. Luật nhảy bổ lên ôm chầm lấy tôi. Tiểu đoàn trưởng chạy ào đến :
    - Nhanh lên các bố ơi. Gần sáng rồi, thu dọn chiến lợi phẩm nhanh lên. Hencát nó cù cho dài rốn, lại iarơcu(1) bây giờ.
    (1. IRQ : ỉa ra quần.)
    Tôi quay lại thấy thằng Vĩnh vừa chạy đến. ống quần bên trái bám chặt vào bắp đùi nó. Tôi giật vội băng cứu thương vẫn cài ở thắt lưng. Luật giơ tay cản lại :
    - Nó vãi linh hồn toé ra quần đấy.
    Chúng tôi rút về thôn Nội, cách bốt Chè bốn kilômét. Dân quân đã đào sẵn hầm hố tránh máy bay. Các đơn vị ở thê đội hai đêm qua, bây giờ đã chia nhau bảo vệ vòng ngoài cho chúng tôi. Các gia đình ở nông Nội đã chia nhau mỗi nhà nấu sẵn nồi cháo gà, nhưng sau một đêm vừa bận tập vừa lăn lê bò toài, đứa nào đứa ấy chỉ húp qua loa. ¡n là phụ, ngủ là chính, nằm lăn trên ổ rơm chẳng đứa nào biết đất là gì, trời là gì nữa. Ðột nhiên tôi bị dựng dậy. Mắt nhắm mắt mở, tôi nghe lõm bõm lệnh của Luật :
    - Ði công tác đột xuất. Cả tiểu đội chỉnh đốn quân trang, lên tiểu đoàn nhận nhiệm vụ.
    - Rõ !
    Lên tiểu đoàn trưởng, chúng tôi mới biết có đồng chí Bạn về quay phim. Trận đánh đã kết thúc, chúng tôi phải diễn lại. Cảnh đồng chí Bạn cần quay đầu tiên là cảnh cắm cờ trên bốt Chè.
    Tôi ngơ ngác hỏi lại :
    - Báo cáo tiểu đoàn trưởng, đánh xong, thu dọn chiến trường rồi về đây ngay, chúng tôi không kịp cắm cờ.
    - Thì lên phim, các đồng chí phải đóng lại.
    - Báo cáo tiểu đoàn trưởng, chúng tôi có cờ đâu mà cắm.
    - Lá cờ Quyết Thắng, trung đoàn trưởng giao cho tiểu đội mũi nhọn trước giờ xuất kích đâu ? Ðồng chí là tiểu đội trưởng nhận cờ trước hàng quân, tại sao đồng chí lại nói là không có cờ ? - Báo cáo tiểu đoàn trưởng, lúc đại đội trưởng ra lệnh cho tôi lên, tôi giao cờ cho đồng chí Vĩnh. Lúc tôi bịt mồm được thằng đại liên, cả đại đội xông lên, đồng chí Vĩnh cũng ào theo, bỏ
    quên cờ ở trận địa.
    - Tại sao các đồng chí không đi tìm ?
    - Báo cáo tiểu đoàn trưởng, tôi quay lại tìm nhưng ở chỗ ấy, tôi chỉ ba hố cối 81, chẳng thấy lá cờ đâu cả.
    Tiểu đoàn trưởng quay sang bảo liên lạc viên xuống đại đội ba lấy lá cờ Quyết Thắng khác lên.
    Cũng may cho thằng vĩnh lại lấy cháu tham mưu trưởng trung đoàn nên việc này đã được tiểu đoàn trưởng cho qua. Chuyện này thôi không nói nữa.
    Vừa gặp chúng tôi ở sở chỉ huy trung đoàn, đồng chí Bạn tươi cười bắt tay chúng tôi :
    - Vĩnh quang Việt Nam. Tôi tự hào chúng mày !
    Chúng tôi mím môi lại không dám cười.
    Dựng lại cảnh cắm cờ không đơn giản như chúng tôi đã tưởng. Ðại đội tiểu pháo 20 ly dàn ở vòng ngoài, đại đội trọng liên trợ chiến bố trí ở vòng trong, bốn đài quan sát phòng không dựng ở bốn hướng, một đại đội bộ binh bố trí quanh bốt Chè sẵn sàng đánh quân nhảy dù định vồ mồi. Còn chúng tôi, theo lệnh của đồng chí Bạn, chúng tôi cứ phải diễn đi diễn lại cảnh diệt hầm ngầm cho đến khi thấy đạt yêu cầu, máy quay phim mới bắt đầu quay. Thật hại cho tôi, khi thử pháo nổ, một mảnh bê tông trong hầm ngầm văng vào đầu gối tôi làm ngã dúi xuống. Tôi định chồm dậy nhưng chân không đủ lực làm điểm trụ được nữa rồi. Y tá chạy vào dìu tôi ra băng bó cho cầm máu. Thế là tôi không được đóng tiếp cảnh sau nữa. Luật đến gặp anh phiên dịch, nhờ anh báo cáo với đồng chí Bạn cho thay người cắm cờ. Ðồng chí Bạn gật đầu, vừa lững thững đi trước tiểu đội chúng tôi đang xếp hàng ngang vừa ngắm nghía từng đứa. Khi quay trở lại đồng chí Bạn dừng chân trước mặt Vĩnh, trỏ ngón tay vào ngực cậu ta :
    - Tốt. Người lính này cầm cờ.
    Trước khi chúng tôi đi, tiểu đoàn trưởng nhắc đi nhắc lại : Bộ phim này rất quan trọng, cả thế giới sẽ xem bộ phim này. Mỗi ý kiến của đồng chí Bạn là một mệnh lệnh, các đồng chí phải nghiêm chỉnh chấp hành. Chính vì thế, Luật vừa giơ tay định nói câu gì đó phản đối nhưng anh vội bỏ tay xuống. Từ đó anh mất vui, đóng cảnh cắm cờ chẳng lấy gì làm hào hứng. Công binh điểm hoả tám cái bánh khảo (1) xung quanh sở chỉ huy bốt Chè cho đồng chí Bạn thu cảnh khói lửa vào ống kính.
    (1. Bánh khảo : bộc phá.)
    Bờ cỏ dại lạnh lưng trần ngoan quáEm là ta , ta mãi là em.
  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Vũ Bão
    Người vãi linh hồn ( II )
    Ðến cảnh cắm cờ, theo sự chỉ dẫn của đồng chí Bạn, Luật vung khẩu Xmít Oétxơn vọt lên trước, Vĩnh giương cao cán cờ chạy theo anh, cả tiểu đội chạy theo sau. Cắt cảnh. Tiếp đó, Vĩnh chạy lên nóc sở chỉ huy, co chân đạp cán cờ cho lá cờ tam tài đổ xuống đất, Vĩnh đứng xoạc chân phất cao lá cờ Quyết Thắng, cả tiểu đội chia nhau đứng hai bên, Vĩnh vừa giơ cao khẩu tiểu liên K50 băng cối vừa hết thật to. Cả tiểu đội phải diễn đi diễn lại cảnh quay này đến ba lần để đồng chí Bạn quay phim. Thấy chúng tôi có chiều uể oải, anh phiên dịch phải giải thích thêm : Theo tiêu chuẩn quốc tế thì quay ba dựng một. Các đồng chí đánh bốt Chè đã vất vả rồi, bây giờ cố vất vả thêm chút nữa để phản ánh khí thế xung trận của quân đội chúng ta cho toàn thế giới biết. Kết thúc chầu quay phim đến tái mào, chúng tôi mới được quay về thôn Nội. Trước khi đóng máy, đồng chí Bạn lần lượt bắt tay chúng tôi :
    - Vĩnh quang Việt Nam. Tôi tự hào chúng mày.
    Ðời lính chiến vùi đầu trong trận mạc, thì giờ đâu mà nghĩ đến những thước phim đã quay. Sau mỗi trận đánh, nhìn thấy nhau đủ càng đủ gáo là lính mừng rồi. Ðến khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi lần lượt trả súng quay về kiếm sống, quên cả cái chuyện cảnh phim cắm cờ trên bốt Chè. Một hôm đi cắt tóc, tôi vơ một tờ báo xem cho đỡ buồn. Dòng chữ đậm đập ngay vào mắt tôi loan tin bộ phim tài liệu Dặm đường máu lửa vừa hoàn thành. Tôi sực nhớ đến đồng chí Bạn : "Tôi tự hào chúng mày". Tôi xem tiếp tấm ảnh ở cuối bài. Ơ thằng Vĩnh đang xoạc cẳng đứng trên nóc chỉ huy, hay tay phất cao lá cờ Quyết Thắng, lũ bạn tôi, nhặt mỗi thằng ở một tiểu đội đứng dàn hàng ngang hai bên thằng Vĩnh, súng giơ cao, miệng đang gào. Tuy biết đây chỉ là cảnh diễn lại sau trận đánh, nhưng tim tôi vẫn cứ đập rộn lên khi đọc đến dòng chú thích : "Cảnh cắm cờ chiến thắng trên nóc sở chỉ huy bốt Chè trong phim Dặm đường máu lửa".
    Câu chuyện nếu chỉ đến thế cũng chẳng có gì mà bàn nữa. Chuyện kiếm miếng ăn hàng ngày choán ngợp hết cuộc sống đời thường của người lính đã giã từ vũ khí. Bằng khen không treo, huân chương không đeo, miễn là kiếm được cái gì đó đổ vào nồi là nhất. Vả lại, điện ảnh, còn gọi là xinêma, họ tha hồ mà diễn nhiều trò ma trước mắt chúng tôi. Cần quay phim chuồng lợn tập thể làng tôi thì người ta đi khiêng những con lợn súc của xã viên về trại lợn. Sợ lũ lợn cắn nhau người ta sát tỏi vào mồm chúng. Cần quay phim ao cá điển hình của làng tôi, người ta đã đi mua hàng xảo cá chép cỡ xắt ba xắt tư đổ vào thuyền nan cứ như họ vừa kéo được mẻ cá dưới ao lên. Chiến thắng bốt Chè không còn là niềm tự hào riêng của tiểu đoàn chúng tôi nữa mà còn là niềm tự hào của cả sư đoàn, nên ở bức tường chính giữa ngay ở cửa nhìn vào phòng truyền thống, chính uỷ sư đoàn đã duyệt cho treo tấm ảnh cắm cờ trên bốt Chè phóng to bằng cái chiếu. Loại cựu chiến binh biết thừa là các cụ diễn, còn cánh lính mới toe cứ nghênh mắt nhòm thằng Vĩnh trong ảnh đang phất cao lá cờ Quyết Thắng và cứ tưởng đấy là tấm ảnh được chụp giữa lúc tơi bời khói lửa. Gặp gỡ nhau có một ngày ở doanh trại sư đoàn, anh em còn mê mải hỏi thăm chuyện làm ăn, nên cái cảnh diễn cắm cờ trên bốt Chè cũng qua đi. Phải công nhận tấm ảnh trích ở cảnh phim rất đẹp. Tư thế chiến sĩ quân đội nhân dân đứng trên đầu thù trông rất hiên ngang. Một hoạ sĩ đã phỏng theo tấm ảnh ấy vẽ mẫu tem phát hành trong dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân. Công ty phát hành sách lại in tấm ảnh cắm cờ trên bốt Chè vào bìa lịch. Cánh cựu chiến binh bắt đầu xì xào và đến ngày hội truyền thống của sư đoàn, anh em đưa vấn đề đó chất vấn chính uỷ. Chính uỷ đành phải giải thích theo kiểu thích đến đâu giải đến đấy : Các nghệ sĩ phải chọn hình tượng, chọn điển hình chứ làm sao đưa được cả sư đoàn vào một tấm ảnh. Lúc ở doanh trại sư đoàn, cánh lính cựu cứ ngậu xị lên nhưng về đến nhà, chuyện cắm cờ cũng nhạt dần. Ðại tá bơm xe, trung tá bán chè đỗ đen, thiếu tá buôn kem... tiếng gọi của cái bao tử làm chúng tôi quên hết chuyện hoa lá cành.
    Hai mươi năm sau... Ðạo diễn Xtivenxơn sang Việt Nam quay bộ phim Máu và hoa. Ông đến các cơ sở sản xuất phim xem những thước phim đã quay trong thời kỳ kháng chiến và ông yêu cầu Bộ Văn hoá cho phép được gặp và phỏng vấn một số người có mặt trong những thước phim tư liệu ông đã chọn mua. Bộ Văn hoá điện sang Cục Chính trị, Cục Chính trị điện xuống sư đoàn. Bấy giờ lớp chỉ huy cũ đã về hưu. Lớp chỉ huy mới ở trường sĩ quan ra hoặc ở các đơn vị khác mới bổ sung về, ai nấy đều tin Vĩnh đã vượt qua lửa nhảy lên cắm cờ ở bốt Chè. Sư đoàn trưởng cử sĩ quan chính trị đi tìm bằng được Vĩnh về doanh trại sư đoàn gặp đạo diễn Xtivenxơn. Bộ phim máu và hoa được chiếu rộng rãi trong cả nước. Tôi cũng được giấy mời đi xem phim. Những chuyện Vĩnh kể với đạo diễn Xtivenxơn đều đúng như trong cảnh diễn cho đồng chí Bạn quay phim. Nó kể diễn biến trận đánh y như thật, có quên chăng chỉ là đoạn nó nằm bẹp xuống đất, sợ đến vãi linh hồn. Luật đến tìm tôi. Anh thở dài :
    - Thằng Vĩnh nó tưởng anh em ta chết hết cả rồi.
    Tôi an ủi Luật :
    - Dù cắm cờ thật hay cắm cờ diễn trên phim, cánh lính chiến có được ăn cái giải gì đâu.
    - Sự việc chúng mình tận mắt còn bẻ quẹo đi như thế huống chi là những sự việc đã xảy ra từ 50 năm, 100 năm. Mình viết cái giấy lên Trung ương khẳng định không có chuyện cắm cờ trên bốt Chè. Cậu ký vào đây xác nhận hộ mình.
    - ừ thì ký. Ðược chưa ?
    - Tốt lắm. Phiền cậu ghi rõ chức vụ, phiên hiệu đơn vị hồi đó.
    Tôi ghi hết. Sau này tôi mới biết chị Luật đã bán con lợn 50 ký lấy tiền cho chồng đi tìm các bạn đồng đội để khẳng định không có chuyện cắm cờ trên bốt Chè. Anh sao bức thư ấy làm mấy chục bản, anh đem từng bản sao lên nộp các cơ quan có trách nhiệm. Thế là câu chuyện đó rùm beng trong sư đoàn nhưng ai dám hạ tấm ảnh Vĩnh phất cờ ở bức tường giữa phòng truyền thống. Ai dám huỷ hàng triệu con em, hàng chục vạn bìa lịch có in ảnh Vĩnh phất cờ nữa chứ. Sư đoàn trưởng phải gặp riên mấy anh em chúng tôi đê nghị đừng "chiếu bí" sư đoàn. Trận tiêu diệt bốt Chè là trận lớn nhất trong lịch sử sư đoàn, là vinh dự của cả sư đoàn, ông không thể hạ ngay tấm ảnh cắm cờ được, ông sẽ đi tìm tấm ảnh khác. Một trăm năm nữa cũng chẳng ai tìm được tấm ảnh khác ấy đâu. Một hôm, con trai Luật đến tìm tôi :
    - Chú ạ, bố cháu sắp mổ dạ dày. Bố cháu muốn gặp chú trước khi lên bàn mổ.
    Tôi phóng xe đến bệnh viện.
    Luật vẫy tôi đến bên giường, nắm chặt tay tôi :
    - Cậu là nhà văn, đừng bao giờ chỉ viết một nửa sự thật và đừng bao giờ viết những chuyện khôn có thật thành chuyện có thật. Cậu hãy viết những điều cậu đã nghe thấy : không có chuyện cắm cờ trên bốt Chè, cậu viết ngay đi và đem đến đây đọc cho mình nghe.
    - Anh đừng nói gở. Sửa một chuyện tưởng là có thành một chuyện không hề xảy ra đâu phải ngày một ngày hai. Tôi sẽ viết. Ca mổ đã thành công. Vết mổ chóng liền sẹo. Luật vẫn sống. Tấm ảnh thằng Vĩnh phất cờ treo trong phòng truyền thống sư đoàn. Gần đây, đạo diễn Xitivenxơn đã mời Vĩnh sang Anh bốc phét về chuyện cắm cờ để quảng cáo cho bộ phim Máu và hoa. Thằng con Trời ấy, số nó đỏ thật. Giá lúc tôi bảo nó đưa băng đạn và cả hai quả lựu đạn cho tôi, nó tự ái khi thấy danh dự bị xúc phạm, nó liền leo lên lấy thân mình lấp ngay lỗ châu mai thì bây giờ làm sao còn sống mà sang Anh bốc phét nữa. ở bên Anh, làm sao người ta biết được nó đã vãi linh hồn trong trận đánh bốt Chè. Cái quần trong phim là cái quần khác đấy.
    Bờ cỏ dại lạnh lưng trần ngoan quáEm là ta , ta mãi là em.
  10. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Nguyễn Thị Thanh Phượng
    Những câu chuyện cũ rích ​
    1. Tại sao lại là khói thuốc? Vì một ngày mưa rất nhiều, mưa, mưa, đến bây giờ vẫn còn nguyên cái buốt lạnh đến rùng mình khi thò bàn chân trần ra ngoài tấm áo mưa mỏng. Chạy vội vào cửa hàng nhỏ bé lụp xụp, anh bạn nướng vội cho mình một ổ sandwich. Ẩm ướt, lạnh lẽo và chiếc cassette cũng ỉu xìu như vậy. Là bài beautiful boy, thành ra anh ta chẳng có gì là beautiful cả thì mình lại cứ nhớ anh ta mỗi lần nghe bài hát này. Beautiful, beautiful, beautiful, beautiful boy?. Cô bạn kia nằm hờn dỗi trên cái giường xếp Liên Xô cũ rích. ?oĐằng nào thì anh cũng lại đi mà, thôi thì cứ để em ở lại đây, mưa không về được và nằm giữa đống bàn ghế, nồi niêu, xoong chảo này đi?. Anh ta tất bật chạy đi chạy lại giữa cái lò nướng bánh và cô người yêu. May mà quán hôm nay vắng khách. Discotheque bên kia đường thì phải đến nửa đêm mới náo nhiệt. Sẽ có mấy chàng Tây cao kều và gái nhảy nhà ta rẽ qua đây ăn vội ăn vàng dăm ba kẹp sandwich với Coke. Đến giờ đó thì anh sẽ về. Có những hôm rảnh rỗi bọn mình sẽ chờ đôi bạn kia đến chơi và chiêu đãi chúng nó món sandwich hảo hạng của quán mình đúng không nào? Thôi anh cứ đi đi, đằng nào cũng đi thì cứ phải vẽ vời những viễn cảnh thảm hại đó làm gì. Cái cửa sắt kéo bị rỉ ngoèn cứ rít lên ken két. Đằng nào cũng chẳng ra được vì một đống người đã ngồi ngoài đó lấp hết lối đi. Hàng nước chè nóng, có mỗi cái ấm và vài cái chén mà cũng lôi được một lũ cha vơ chú váo đến ngồi chật cửa. Mưa. Trùm áo mưa uống nước chè thì có gì là thú nhỉ? Nào bác ơi cho cháu dắt xe ra với chứ, ngồi nhờ mà cứ như là vương là tướng ý. Mưa. Tại sao lại là khói thuốc? Vì đêm mưa này đây.
    Em bận không? Ra quán café đầu phố mình nói chuyện đi. Nào thôi, đừng ủ dột thế, đi Na Uy về có quà cho em không? Em biết chuyện rồi đúng không? Thôi nào beautiful boy, đó chỉ là một chuyện đùa thôi và nó sẽ nhanh chóng hối hận. Hôm qua N bảo anh là những gì 2 đứa đã có không phải là tình yêu, hoá ra là nhầm à? Nó chỉ mù quáng trong đôi ba ngày là sẽ hết thôi, đến chu kỳ rối loạn trong tháng mà. Thôi không nói chuyện này nữa, vì em không phải là anh. Ừ thế thôi nhé, em không thích chuyện này. Ngày mai anh sẽ lại vào Huế, sống trong đó cũng không tệ hơn cái hồi anh còn bán quán ở Thi Sách. À thì, chuyện đó cũng khó nói. Em hút thuốc không? Anh làm em buồn quá đi mất, boy.
    2. Tại sao lại là khói thuốc? Đêm nay mình sẽ chọn một đĩa nhạc thật đặc sắc. Chỉ 15?T nữa là tới nửa đêm. Anh ấy sẽ chẳng message cho mình đâu, đó là một trò chơi cũ rích mà người lớn nhanh chán lắm. Hình như anh ta thất vọng nhiều vì mình. Mình cũng thường thôi. Thích thể hiện này. Yêu bản thân quá mức này. Thái độ nửa vời này. vv và vv? Kỳ thật. Mình cũng chẳng chối bỏ chuyện này. Nhưng mà kỳ thật, ai chẳng thế chứ? Dù sao lý do đấy cũng hay rồi, nếu mà cứ cố tìm lý do thì dễ như trở bàn tay. Khi không muốn thì vứt quách mọi lý do. Đêm thì vẫn cứ là đêm, nó nhắc nhỏm nhiều thói quen xấu quá. Cái chính là cố gắng không để hình ảnh anh ta xâm lấn đầu óc mình. Nhưng mà anh ta sẽ xâm lấn bằng cả thân thể của anh ta cách đây nửa tháng. Anh ta sẽ xâm lấn mình bằng những deep kiss, ồ, mình rơi tự do xuống những chiều sâu khôn dò của nụ hôn mãnh liệt. Anh ta sẽ đè bẹp những giấc mơ khác bằng sự trỗi dậy của hiện thực này. Thói quen và ký ức đã trượt đi quá lâu và mãi chẳng ngừng lại, đến lúc này vẫn tìm khói thuốc mà cay đắng làm chi? Sao lại trách con N không tiếc nuối anh chàng cũ làm gì? Ôi beautiful boy vất vả đáng thương.
    3. Em yêu quý của anh, hôm nay em làm gì nào? Chương trình mới ra có được mọi người tán thưởng không? Hôm qua em phải làm đến tận 11h đêm cơ à? Khi nào về nước anh sẽ đưa mèo con của anh đến làm ở trường quay nhé, để mèo con đỡ phải đi một mình đêm hôm. Anh đã nghĩ ra một món quà cho em trong ngày sinh nhật rồi đấy, chỉ mất 2 tuần là món quà sẽ về đến nơi. Anh còn mua cho Ben một cuốn Harry Porter nguyên bản nhé, hy vọng là Ben thích, em phải động viên Ben học thật giỏi tiếng Anh thì mới thi được vào chuyên Anh chứ. Thế mèo con đã đỡ ho chưa? Sao em coi thường sức khoẻ thế nhỉ, chuyện này đã diễn ra gần 1 tháng mà em vẫn không thèm uống thuốc là sao? Em chẳng thay đổi gì cả.
    4. Anh có một nụ cười rất đẹp. Hay vì mình yêu nhỉ?
    5. Tao sắp cưới rồi, mày sẽ tặng tao cái gì đây? Mày thiếu gì? Bây giờ thì chỉ thiếu mỗi cái giường. Nhưng chỉ có bố mẹ, ông bà mới tặng giường thôi chứ. Ui giời, câu nệ chuyện ý làm gì, mày biết gia đình tao thế nào rồi. Thế cũng được, mày và anh ấy đi với tao chọn giường luôn đi, thế đã báo cho boy biết chưa? Thôi, ích gì đâu, chỉ khiến người ta đau khổ. Ừ, mày hạnh phúc chứ? Con điên, hỏi ngu thế, không hạnh phúc sao lại cưới? Ừ nhỉ, tao cứ ngỡ? vì thói quen thôi, tao vẫn nhớ món sandwich mà. Rồi mày sẽ quen dần thôi, anh này cũng rất tốt, mày sẽ thấy mà.
    6. Con người là một khối mâu thuẫn lớn, anh đừng gọi đó là thái độ nửa vời, em chẳng sung sướng gì sống trong mâu thuẫn này, nhưng sự thiếu vắng thì làm sao mà tránh khỏi. Anh biết, nhưng điều đó không giống với quan niệm của anh về tình yêu, một tình yêu trọn vẹn, nó đòi hỏi sự ưu tiên ngay cả trong suy nghĩ. Em hiểu, nhưng chúng ta đều có quá khứ của mình, nó là cái vốn có của cuộc sống, mình quên được sao? Em luôn đẩy anh vào những tình huống khiến anh bối rối, dù sao anh yêu em và anh tin rằng mình chỉ muốn làm cho nhau vui. Anh có tin vào những khoảnh khắc? Mình hãy sống cho điều đó để khỏi phải thấy sự trống trải cả trong quá khứ lẫn tương lai. Anh yêu em?
    7. Mà cuối cùng thì anh cũng chẳng quên gì. Dù sao chuyện này cũng không có vẻ? cũ rích lắm với mình. 25 tuổi, ******** còn là một bí ẩn và ảo tưởng thì nhiều. Thời gian của tan vỡ những lý tưởng để sau này hàn gắn cũng chưa muộn nhỉ?
    8. Tuần trăng mật ngọt ngào? Vỡ mật thì có, đi đến Cần Thơ thì đánh mất cái túi quan trọng nhất, may mà có cơ quan thường trú trong đó mua vé máy bay cho 2 đứa về. Tao đang yêu. Điều tao sợ là dường như anh ta quên mất mình là ai, anh ta yêu như một người đàn ông chưa vợ, chưa ràng buộc, như là những buổi tối về nhà không có tiếng con chạy ra gọi bố, như là một người đang đi tìm tình yêu tuyệt đối và tuyệt đối cho một sự bù đắp không tuyệt đối. Thế à? Tao chưa bao giờ thấy ngạc nhiên, mày quá nặng thành kiến, ai mà nhớ ra điều đó khi yêu? Ai mà yêu được khi cứ phải nhớ điều đó. Nhưng anh ta cứ đặt cho mày những luật lệ mà anh ta có chấp hành nghiêm chỉnh đâu? Ôi thôi, mày thì hiểu gì anh ấy. Tao chỉ hiểu rằng mày rất ngu, tình yêu khiến mày mù quáng. Anh ý có những điều tốt đẹp khiến tao có thể bỏ qua mọi chuyện khác. Mày sẽ thấy sự tốt đẹp ấy phát huy ra sao.
    9. Có nhiều điều khiến em suy nghĩ, có nhiều điều khiến em buồn và nó ảnh hưởng đến tình yêu của chúng mình. Mèo con nói cho anh suy nghĩ của em đi. Anh sẽ buồn đấy, em sẽ làm cho anh ghét em mất. Nhưng em nghĩ gì? Thôi anh ạ, mình nói chuyện khác đi. Em thay đổi nhiều quá. Em thay đổi gì đâu. Chẳng hào hứng gì cả. Về chuyện đám cưới à? Về mọi chuyện. Anh Gấu đừng thế mà, đừng buồn nữa, mình nói chuyện khác đi. Anh chán, để hôm khác chat nhé, hôm nay anh không thoải mái, sáng mai ngủ dậy mọi chuyện sẽ khá hơn.
    10. Anh Gấu yêu quý, anh còn buồn không? Sự thật là có một người nói rằng anh ấy mến em. Anh biết đấy, công việc của em rất nhiều quan hệ, nếu người ta đặc biệt thì mình phải có ấn tượng chứ đúng không? Nhưng mọi chuyện chỉ có thế thôi, anh không buồn nữa nhé. Anh hãy tập trung học thật tốt, đừng nghĩ ngợi nhiều mà ảnh hưởng tới kỳ thi này. Em quên hết rồi. Em yêu anh
    11. Chào em, khoẻ không? Huế mùa này nắng ấm, thời tiết rất lý tưởng. Tuần sau anh sẽ ra Hà Nội, hy vọng em không bận? Em và Gấu thế nào rồi? Chúc tình yêu hai bạn mãi đẹp.
    Boy tội nghiệp vất vả đáng yêu.
    12. Có thể yêu 2 người cùng một lúc không anh? Cũng có thể. Tại sao anh yêu em? Anh không biết. Em rất thích nói chuyện với anh, có rất nhiều vấn đề trong cách anh nói chuyện, những câu chuyện về triết học, hội hoạ, âm nhạc, văn chương... Anh là người đam mê nhiều đấy. Anh thực tế hơn em tưởng đấy, không lãng mạn thế đâu, những câu chuyện chỉ là cái cớ thôi. Ôi không, tại sao không phải theo cách em muốn? Thế thì còn ra gì. (rõ đồ trẻ con). Nhưng mà có khi là em không yêu anh, em nhầm thì sao. Em không yêu anh à? Thật không? Thật. Hỏi lại lần nữa thật không? Em không biết nữa. Chẳng thể nào cùng một lúc xác định được vận tốc và vị trí của một vật thể, cũng có nghĩa là chẳng thể biết được mọi chuyện sẽ kết thúc thế nào (cười).
    13. Có lẽ chúng mình làm bạn thì tốt hơn (nhưng mà em rất nhớ những nụ hôn của anh, điều đó mới thực là tệ hại)
    14. Em yêu anh. Em nhớ gương mặt anh, nụ cười của anh khi anh kể cho em nghe về những năm tháng sinh viên. Anh hình dung thấy điều gì khi nghe bài hát Casablanca? Oh a kiss, still a kiss in... I miss your kiss. When a woman loves a man, she forgets who she is, she becomes to loose control, she cries with her loneliness. Anh nhận thấy rằng em còn thiếu niềm tin? Em yêu anh, yêu anh, chỉ thế thôi
    15. Đừng có mà ngu ngốc đi tìm điều tuyệt đối. Anh ta là điều tốt đẹp hay không? Nhưng anh ưa che giấu bản thân, còn mình thì cứ gào lên ?otôi yêu, tôi yêu, tôi yêu?, một tình yêu nguy hại. Sao mấy bà ca sĩ chẳng biết có yêu thật không cũng gào lên ?ogiờ đây sao trống vắng, nhớ anh em buồn? thì người ta ok, còn mình thì thành kẻ sùng bái biểu hiện cho dù đó là điều có thực. Mình cứ chật vật với nhu cầu phải giãi bày tình yêu, còn anh ta thì im lặng quan sát và đánh giá mức độ cống hiến cho tình yêu của mình đến đâu. Hôm nọ có một thằng bạn an ủi mình ?obiểu hiện không phải là chủ nghĩa hình thức khi nó khiến người ta dằn vặt nhiều đến thế?. Khéo nói, ai mà cần những lời thanh minh loại ấy. Bóc hết mình ra để mà mọc da non, sau này sẽ đỡ ngu hơn. ?oNhưng mà, thằng bạn đấy nói, đừng tự làm khổ mình, hãy học cách kết luận và phán xử những biểu hiện, thì cứ cho rằng mình hồ đồ, vội vã và xử oan cho người ta đi, nhưng có khi lại còn công bằng hơn việc cố lý giải và gán ghép những động cơ vô nghĩa, không có, như thế thì chỉ khổ mình mà có ai thương đâu?. Sống là gì nào? Nếu ta theo đuổi một giá trị cuộc sống thì ta cũng có thể bỏ rơi nó, vì làm gì có chuyện ngưỡng mộ những giá trị hơn bản thân mình? Giá trị là để tô điểm và làm đẹp bản thân thôi. Vì thế cần học cách yêu bản thân mình trước khi yêu một người khác. Nghe thấy tởm, chưa học đã được tặng danh hiệu đấy rồi còn gì. Chắc phải chứng minh bằng một vụ tự tử thì người ta mới tin. Những nữ thánh đã ra đời như thế đấy.
    Ngay từ đầu trong tình yêu của chúng mình anh đã thấy thiếu vắng một cái gì?. Em đang làm gì vậy? Em đang lấp đầy sự thiếu vắng này bằng những sai lầm nào vậy? Anh hãy tha lỗi cho em.
    16. Mày cũng chẳng cần phải hối hận vì đã yêu người khác. Vì đằng nào thì trong kỳ Chrismast cũng chẳng có ai cô đơn bằng mày. Chuyện đó đã qua rồi mà? Đấy là mày nghĩ thế thôi. Ai mà chẳng khéo sắp xếp cho mình một cuộc sống dễ chịu nhất. Đừng lý tưởng hoá cuộc đời.
    17. Và bây giờ chỉ còn một màu trắng im lặng...
    18. Cuối năm nay nhà tôi sẽ có đám cưới, con gái tôi sẽ đi lấy chồng
    19. Mày có hạnh phúc không? Con điên, sao hỏi ngu thế, không hạnh phúc thì sao lại?
    20. ...
    Cần quái gì cái trình tự cũ rích này. Châm cho tôi một điếu thuốc đi!

    Bờ cỏ dại lạnh lưng trần ngoan quáEm là ta , ta mãi là em.

Chia sẻ trang này