1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuyển tập truyện ngắn hay nhất (Mới: Trò chơi mới-Asimov, Isaac)

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Julian, 25/11/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. pittypat

    pittypat Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/07/2001
    Bài viết:
    2.803
    Đã được thích:
    0
    Hihi, thế em đề cử Dogology by T.Coraghessan Boyle cũng được đăng trên The New Yorker số ra ngày 11 tháng Mười một, 2002 thì có bác nào chịu khó dịch truyện ra hộ em không ạ?
    starry starry nights...
  2. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    TRUYỆN NGẮN ĐỀ CỬ TIẾP THEO LÀ TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN HẢI NGOẠI SÁNG TÁC BẰNG TIẾNG ANH : ĐINH LINH.
    Đinh Linh là nhà văn quốc tịch Mỹ , sáng tác bằng tiếng Anh và đã có được một vị trí nhất định trong văn giới Mỹ. Tuy nhiên truyện của ông vẫn lấy chủ đề xoay quanh người Việt , văn hoá Việt là chủ yếu . Cách hành văn mang phong cách Mỹ rõ rệt : gọn gàng, sắc sảo, tình tiết nhanh, lôi cuốn. Do nội dung truyện " ! " có một số chi tiết có thể gây suy diễn cho một số người, Julian xin phép được giới thiệu một tác phẩm khác của Đinh Linh : truyện ngắn SAIGON PULL do Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên tác tiếng Anh.
    Saigon Pull
    Đinh Linh
    Cách một mặt hồ hẹp từ chỗ nhà tôi ở ngay trung tâm Hà Nội là một khách sạn xấu xí tên Saigon Pull. Xây dựng cách đây bốn năm, khách sạn này là một sàn disco nổi, một con tàu đáy phẳng đèn chớp lòe loẹt phát ra những tiếng nhạc chói tai đến tận 3 giờ sáng mỗi ngày. Mặc dù tôi đã thử nhét những nút giấy báo vào tai, tiếng nện đều đặn thùm thùm thùm vẫn cứ lọt vào. Một lần tôi thậm chí đã thử quấn băng kín khắp đầu.
    Nhưng khách sạn này không chỉ tòan sự bực mình, thật ra nó cũng là một món bở. Cô con gái duy nhất của tôi làm tiếp viên ở đó. Nó mang về nhà trung bình cũng đến 15 dollars mỗi đêm, bằng cả nửa tháng lương thầy giáo.
    Với khoảng thu nhập này, tôi không phải bước ra khỏi nhà nữa. Lúc trước, khi Lài chưa đi làm, tôi nuôi gia đình bằng nghề bán quẹt Zippo cộng với một khoảng lương hưu còm cõi.
    Tôi có một vài câu tủ để khắc lên mấy cái quẹt Zippo. Câu mà tôi ưa thích nhất là câu này: "When I die burry me upside down so the world can kiss my ass."
    Câu đó có thể dịch ra như thế này: "Khi tôi chết, hãy chôn tôi chỏng ngược đầu để thế giới có thể hôn lỗ đít tôi."
    Tôi thường ngồi trên lề đường đối diện khách sạn Metropole, với sáu cái quẹt Zippo bày lên một chiếc khăn tắm trải dưới đất. (Có thêm khoảng một tá khác ở trong cặp). Tốt hơn hết là không nên bày tất cả ra. Như vậy trông hàng hóa mới có vẻ khan hiếm. Tôi bán khoảng năm, có khi sáu dollars một chiếc.
    Lovetolive[/size=18]
  3. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    TRUYỆN NGẮN ĐỀ CỬ TIẾP THEO LÀ TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN HẢI NGOẠI SÁNG TÁC BẰNG TIẾNG ANH : ĐINH LINH.
    Đinh Linh là nhà văn quốc tịch Mỹ , sáng tác bằng tiếng Anh và đã có được một vị trí nhất định trong văn giới Mỹ. Tuy nhiên truyện của ông vẫn lấy chủ đề xoay quanh người Việt , văn hoá Việt là chủ yếu . Cách hành văn mang phong cách Mỹ rõ rệt : gọn gàng, sắc sảo, tình tiết nhanh, lôi cuốn. Do nội dung truyện " ! " có một số chi tiết có thể gây suy diễn cho một số người, Julian xin phép được giới thiệu một tác phẩm khác của Đinh Linh : truyện ngắn SAIGON PULL do Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên tác tiếng Anh.
    Saigon Pull ( II )
    Đinh Linh
    Có lần một gã khách lạ với vẻ xúc động cực độ, nước mắt lưng tròng, đã đưa tôi đến hai mươi dollars mặc dù tôi ra giá chỉ có mười dollars.
    Tôi biết chạm khắc lên đủ loại vật dụng, với một giá thỏa thuận, khi thì một bức tranh nhiệt đới, khi thì một họ tên, hoặc một hai câu đơn giản bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp. Chẳng hạn trên cái bút nhựa rẻ tiền: cảnh một cây dừa trĩu quả, một mặt trời đang lặn xuống biển và ở phía bên trên là câu này: "Good night, My Love!"
    Bây giờ thì tôi ở nhà cả ngày coi sóc Tuấn, thằng cháu ngoại ba tuổi. Chỉ có ba người trong gia đình: tôi, Lài, và Tuấn.
    Tuấn là một thằng nhóc to xương và khôn trước tuổi. Nó đã có thể đọc làu làu bảng chữ cái, cả ngược và xuôi, rồi đếm đến một trăm. Tôi dạy Tuấn một vài từ độc đáo. Có lần lão Trương hàng xóm sang chỗ tôi uống bia, tôi bảo: "Tuấn, nói cho ông Trương nghe, cái gì ở trong cơ thể người?"
    Tuấn nhìn tôi vẻ ngơ ngác. Tôi động viên: "Nói đi, cái gì rất nhỏ mà không ai thấy được đấy."
    Nó vẫn chưa hiểu ý. Tôi gợi ý: "VVVVV!VVVVVVVVVV!"
    "Vi trùng."
    "Đấy, ông thấy không," tôi nhìn lão Trương, "nó đã biết từ "vi trùng" rồi đấy!"
    Lão Trương cười ngặt nghẽo. Con mắt độc nhất còn lại của lão hí lại, kéo dài trên sóng mũi. Miệng lão gần như cắt đứt khuôn mặt lão ra: "Thằng bé này nói tiếng Việt xuất sắc."
    Được thể, tôi chỉ vào bức ảnh trên tường: "Ai đấy?"
    "Bác Hồ"
    "Bác Hồ thế nào?"
    "Bác Hồ yêu các cháu thiếu nhi!"
    Lúc lão Trương về, tôi ngẫm thấy vui vì lão Trương có vẻ thích thằng cháu Tuấn của tôi lắm, lão lại chẳng bao giờ có nhận xét dở hơi về màu da của Tuấn trước mặt tôi.
    Chỉ có một lần, thấy Tuấn đá một quả bóng nhựa trên sàn, lão đưa tay lên trời hét: "Pele!"
    Sự thật thì lão Trương thích nói những câu so sánh xa vời. Lão nói rằng Hà Nội ngày càng trở nên giống New York. (Lão chưa bao giờ gần New York, đúng ra thì lão chưa bao giờ rời khỏi Việt Nam). Lão gọi Lài là "diễn viên nổi tiếng" và tôi là "ông tướng." Lão bảo: "Ông trông cứ như Võ Nguyên Giáp." Thật là một so sánh ngớ ngẩn. Như có thể thấy trong tất cả các bức hình, và thậm chí tôi đã từng gặp vị tướng vĩ đại một lần, có hình trong bóp tôi làm chứng hẳn hòi, tướng Giáp có một khuôn mặt tròn, kiểu mặt cóc, trong khi mặt tôi gầy quắt, chẳng có tí thịt nào và mắt hơi lồi ra. Tôi có râu mép rậm trong khi tướng Giáp không râu. Mặc dù mũi tướng Giáp trông như bị đập giập và phẳng lì, dù sao nó cũng vẫn là một thứ phụ tùng trên mặt, trong khi tôi, rất đáng tiếc, đã bị bay mất mũi. Thêm nữa, ai cũng biết tướng Giáp chỉ cao có 1 mét 4, một trong những người lùn nhất hoàn vũ, trong khi tôi, nói có trời đất, là một gã rất cao. Có lẽ lão Trương có ý bảo tôi giống tướng Giáp vì cái khổ người bé tẻo còn lại hiện tại của tôi.
    Tôi đã quyết định không gởi Tuấn đến trường. Tại sao bắt nó trở thành đối tượng cho sự tàn nhẫn của những đứa trẻ khác. Tôi bàn với Lài về chuyện này. Đến khi Lài thôi làm nghề tiếp viên thì cũng đã 25 tuổi và có thể mở một tiệm làm tóc. Chúng tôi sẽ đặt tên tiệm là "Paris By Night." Nhổ lông mày, nhuộm sấy, làm móng tay. Tuấn có thể giúp việc vặt trong tiệm khi nó khá lớn, rồi thì là một chuyên viên thẩm mỹ.
    Mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi xoa lòng trứng lên tóc Tuấn để kéo tóc nó thẳng ra. Tôi chả rõ làm như vậy có hiệu nghiệm không, nhưng cứ thử vậy. Tôi cũng thường bảo nó xoa bóp mũi để kéo mũi cao lên.
    "Làm hai mươi lần như thế."
    "Nhưng để làm gì vậy ông?"
    "Tốt cho mũi cháu!"
    Mỗi lần tập mũi xong như vậy, tôi cho Tuấn một nắm kẹo M & M. Hàng nhập, cực đắt.
    Bà Bưởi bán hàng rong ở phố bảo tôi ca sĩ Mỹ, Michael Jackson, tắm mỗi ngày trong bồn tắm sữa tươi để làm trắng da. Sữa hộp đặc không công hiệu, bà nói thêm.
    Một mụ nhà quê dốt nát, bà Bưởi thường nài nỉ khách mua bánh rồi ban phát những lời khuyên bảo tân kỳ nhất về khoa học thẩm mỹ. Nhưng một bình sữa tươi đắt đến hơn một dollar. Tôi không thể tiêu tất cả số tiền Lài kiếm được vào việc mua sữa tươi. Tôi đã nghĩ đến việc chỉ mua một bình sữa nhỏ rồi xoa lên da Tuấn những chỗ quan trọng, có lẽ chỉ hai bàn tay và phía trước mặt nó, bằng một cái khăn lau mặt. Nhưng nếu áp dụng không đồng đều như vậy, nó có thể sẽ lớn lên loang lổ như một con nhái hay một nạn nhân bom Napalm. Không đáng liều như thế.
    Nhưng tôi là cái quái gì để có thể gọi bà Bưởi là một mụ nhà quê dốt nát? Rõ đạo đức giả. Tôi nên gãi những cái sẹo trên mặt tôi cho đến khi rướm máu để tạ lỗi vì đã gọi bà Bưởi như vậy. Hãy chỉ cho tôi một người Việt Nam, thậm chí những kẻ au courant nhất, kể cả c?Test moi, có ai mà không cách đây một thế hệ, cùng lắm là hai, cũng chỉ là dân quê mùa dốt nát?
    Đấy, chính các vị cũng có thể chỉ là những tên nhà quê dốt nát như thế. Có lẽ sáng nay còn đứng chỏng đít lên trời cấy lúa, bùn ngập đầu gối. Chẳng có gì phải xấu hổ cả. Có chết thằng quái nào nếu các vị chưa bao giờ ăn kẹo M & M hay chưa bao giờ mua một cuộn giấy đi cầu.
    Hãy tự hào vì bạn là một con người tự nhiên, au naturel, thứ lỗi cho tiếng Pháp của tôi. Như một con diệc hay một con trâu nước. Bạn nên hãnh diện vì bạn là một gia tài của những bài ca dao không ai còn nhớ. Bạn nên hãnh diện vì bạn là một kho tàng của những kiến thức kỳ bí mà một tên thị thành như tôi chẳng có chút ý niệm gì cả. (Nói như lão Trương, Hà Nội ngày càng trở nên giống như New York và ngày càng trở nên ít giống phần còn lại của Việt Nam). Nếu tôi coi bạn không ra gì, bạn có thể thư tôi với một cái bụng đầy ốc sên hay đặt cả một con vịt sống vào đó. Bởi vì bạn giang nắng cả ngày, chổng đít lên trời cấy lúa, bạn tráng kiện, hơi khùng khùng một chút, và da rám đen. Bạn cũng biết màu da không phải là một cái gì tuyệt đối, không thay đổi được. Màu da là cái quái gì nếu không chỉ là những con vi khuẩn có thể tẩy sạch bằng hóa chất thích hợp?
    Khi tôi đề ra ý kiến mở tiệm uốn tóc, Lài có vẻ bối rối, thậm chí có phần hoảng sợ. Khi bực mình điều gì, môi Lài hơi trề ra như thể nó đang sắp phải hôn một người mà nó không muốn hôn. Đầu nó hơi ngửa ra, mắt chớp nhanh. Một con jolie laid, con Lài của tôi. Tôi trấn an Lài: "Đừng lo, đừng lo, bố hứa là bố sẽ chẳng bao giờ chường mặt ra tiệm đâu."
    "Bố nói gì thế?" Nó phản đối, đầu ngửa ra, mắt chớp nhanh.
    "Ấy, thì đó là một chỗ đẹp đẽ. Ai lại muốn trông thấy một con quái vật xấu xí ở đấy?"
    Sự thật là thế hệ trẻ có rất ít khoan dung đối với sự xấu xí, đối với tất cả những gì tồi tàn, thương tật hay không ăn ảnh. Tất cả những nhắc nhở về cuộc chiến tranh làm chúng bối rối. Cuộc chiến tranh chính nó là một sự xấu hổ. Một sai lầm khổng lồ. (Và chúng nó đúng, dĩ nhiên, nhưng chúng oán trách những người như tôi vì đã tham dự vào cuộc chiến đó như thể chúng tôi đã có thể chọn lựa). Bây giờ chúng thấy những người Mỹ thân thiện rủng rỉnh tiền bạc trên đường phố mà không thể hình dung ra rằng chúng tôi đã từng chiến đấu chống Mỹ.
    Mỗi đêm mất ngủ nằm trong mùng cạnh thằng cháu, tôi thường nhớ lại quãng đời bình thường nhưng chông gai. Cho đến lúc này, ở tuổi 53, tôi mới biết thế nào là sự buồn chán, một thứ yên bình, nếu không muốn nói là hạnh phúc. Tôi thường nghĩ về vợ tôi, về bốn đêm ăn nằm của chúng tôi. Có những người đàn ông được số phận sinh ra để tận hưởng vô số đêm yêu đương. Số phận của tôi là bốn đêm yêu đương. Thịt đâm vào thịt nhớ nhau suốt đời, người ta nói như vậy. Mỗi đêm mỗi khác nhau. Trong những cách nào đó, có thể là một sự may mắn vì Thế Uyển, người vợ mà tôi chẳng biết bao nhiêu, đã qua đời được hai năm ngày tôi trở về từ cuộc chiến tranh. Tôi đã trở thành một của nợ, vô dụng, tàn phế.
    Có lúc tôi nhớ về những ngày ngắn ngủi ở Huế, thành phố duy nhất ngoài Hà Nội mà tôi biết; hay về vụ tôi lừa quả thối một nhà báo Quân Đội Nhân Dân, bịa chuyện tôi đã ép một xe tăng của quân Cộng Hòa đâm vào chính lô cốt của chúng như thế nào - "Ôi, giá mà cô nghe được tiếng chúng nó kêu thét lên"; hay nhớ về vụ chúng tôi phát hiện một xe nhà binh Mỹ lật bên vệ đường với tên tài xế đã chết, và nỗi vui sướng của chúng tôi khi tìm thấy cả một thùng xe đầy thịt hộp và trái cây; hay nhớ về lần tôi dẫm lên một tên lính Mỹ nhưng đã không bắn hắn, và chuyện đó đã làm tôi mất ăn mất ngủ như thế nào cả mấy tuần liền; hay chuyện một két whisky mà tiểu đoàn tôi tìm được trong một căn cứ bị chiếm của quân Cộng Hòa.
    Lúc mới ra trận, có lần tôi đã tưởng một dải thòng lòng vắt vẻo trên ngọn cây là ruột người. Màu xám hồng và ri rỉ máu. Tôi hoảng sợ đến nôn thốc nôn tháo. Khi tôi kể chuyện này với những người lính khác, tất cả bọn họ đều cười: "Đấy là một con rắn, thằng đần!"
    Lovetolive[/size=18]
  4. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    TRUYỆN NGẮN ĐỀ CỬ TIẾP THEO LÀ TÁC PHẨM CỦA NHÀ VĂN HẢI NGOẠI SÁNG TÁC BẰNG TIẾNG ANH : ĐINH LINH.
    Đinh Linh là nhà văn quốc tịch Mỹ , sáng tác bằng tiếng Anh và đã có được một vị trí nhất định trong văn giới Mỹ. Tuy nhiên truyện của ông vẫn lấy chủ đề xoay quanh người Việt , văn hoá Việt là chủ yếu . Cách hành văn mang phong cách Mỹ rõ rệt : gọn gàng, sắc sảo, tình tiết nhanh, lôi cuốn. Do nội dung truyện " ! " có một số chi tiết có thể gây suy diễn cho một số người, Julian xin phép được giới thiệu một tác phẩm khác của Đinh Linh : truyện ngắn SAIGON PULL do Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên tác tiếng Anh.
    Saigon Pull ( III )
    Đinh Linh
    Thường thì Lài không về nhà cho đến tám giờ sáng hôm sau. Những người nước ngoài và Việt kiều thích đi ngủ trễ, nó bảo. Và thường thì họ thích trò chuyện chút đỉnh khi thức dậy, dù có phải trả thêm chút tiền, nó nói thêm.
    Thực ra tôi chẳng bao giờ vặn hỏi Lài về công việc của nó, nhưng đôi khi có những chuyện mà nó kể cho tôi. Chúng tôi đã thỏa thuận là Lài không bao giờ tiếp khách ở nhà. (Có mặt Tuấn, đó sẽ là một điều vô đạo đức).
    Tuy vậy có lần một gã Việt kiều đến nhà vào một đêm Lài nghỉ làm và van nài khẩn khoản xin được vào. Mặc dù rất say, gã trai trẻ không hề tỏ vẻ vô lễ. Sau một lúc bàn bạc, chúng tôi quyết định, thôi thì nhằm quái gì, cứ để thằng con hoang khốn khổ vào nhà.
    "Cám ơn bác, cám ơn bác lắm," gã Việt kiều nói bằng giọng Quảng Ngãi đặc sệt, cúi rạp xuống như một con rối, hai bàn tay múp míp chắp lại trước ngực.
    "Chưa phải Tết, miễn lạy!"
    "Cám ơn bác!"
    "Cứ coi chúng tôi như người nhà!"
    Thế, bốn mạng người chúng tôi ngủ trên hai cái giường trong căn nhà một phòng. Gã Việt kiều, quần áo nguyên trên người, nằm ôm lấy Lài như thể Lài là cái phao cuối cùng còn nổi bập bềnh trên biển Hải Nam, lũ cá mập trắng đang bơi lội dưới gầm giường. Hắn lầm rầm kể lể chuyện đời hắn, một chuyên gia đổ rác ở Miami, rồi bỏ đi trước lúc mặt trời mọc.
    Sau khi gã Việt kiều ra về, thằng ranh con Tuấn hỏi: "Ông ấy là bố con phải không ạ?"
    Mặc dù Saigon Pull cách nhà chúng tôi đúng một sải ném đá, thường thì Lài phải mất mười lăm phút để lái quanh hồ trên chiếc Dream của nó. Tôi luôn nhận ra mỗi khi nó về bằng vào tiếng sủa cuống cuồng của con chó cái Pekinese nhà lão Trương. Lài thường mang một vài món gì đó mua từ chợ, khi thì xôi lạp xưởng, bánh mì paté, khi thì bún thịt nướng. Thỉnh thoảng nó mang về mấy tờ báo hay tạp chí ngoại quốc.
    Mặc dù tôi thưởng thức tất cả những bức hình trong các tạp chí, thậm chí cả những bức quái dị: như cảnh bài trí một căn phòng tắm trong một bức ảnh quảng cáo xà phòng, hay cảnh một cái đầu hươu lông lá treo bên trên lò sưởi, những bức hình hấp dẫn tôi nhất là những bức hình chụp tai nạn và thiên tai: hình một chiếc xe đua bốc cháy, một cuộc nổi loạn, một người bị còng tay... Đấy là chỉ để biết chắc rằng những người ngoại quốc cũng đau khổ, ở ngay trên đất nước họ, vì những người ngoại quốc ddến đây, năm 1995, không biết đau khổ là gì.
    Trên hình bìa của tờ Bưu Điện Băngkok tuần trước là tấm ảnh chụp một người đàn ông đội beret đỏ, quần khaki, áo thun trắng, đang chỉa khẩu SA-93 của Bulgary vào một người đàn ông khác nằm trên mặt đất, trần truồng, ngoại trừ một đôi tất xanh ở chân. Tôi đã thấy chiến tranh, nhưng tôi chưa bao giờ thấy chiến tranh một cách trắng trợn như vậy. Tôi chẳng rõ đấy là ở nước nào. Nhưng cả hai người đàn ông đều da đen nên có lẽ là ở Phi châu. Người đàn ông trần truồng che hạ bộ bằng một tay trong khi cố gắng ngăn cái chết không tránh được bằng tay còn lại. Một chiếc tất tuột lủng lẳng nơi chân. Cạnh đó, năm thiếu niên núp sau một bức tường đang chứng kiến màn trình diễn công cộng này với những đôi mắt dè chừng.
    Tôi chỉ thấy người da đen một lần duy nhất ở khoảng cách gần. Đó là trong một cánh rừng gần Pleiku. Chúng tôi vừa phục kích một toán tuần tra Mỹ và đang ra sức thu lượm vũ khí từ những xác chết trước khi trực thăng đến. Tôi dẫm lên một khúc cây đổ lên cái gì đó mềm mềm. Một cái gì đó rên rỉ dưới chân tôi. Đó là một người lính da đen bị thương khá nặng, máu chảy đầm đìa nhưng hãy còn tỉnh táo, cánh tay phải của anh ta đã văng mất. Cho đến bây giờ tôi hãy còn nhớ khuôn mặt của người lính: anh ta có những mụn nhỏ kỳ quặc phía dưới má và một chỏm râu dê lưa thưa. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt cũng đang nhìn trừng trừng vào tôi. Không có ai ở gần kề. Tôi tiếp tục bước đi.
    Khi Tuấn sinh ra, tôi lập tức nghĩ đến người lính da đen tôi đã không giết. Một trò đùa của thuyết luân hồi: tôi đã thích người da đen trước kia quá, thì đây, bây giờ tôi có thêm một đứa da đen nữa. Tôi cười như điên đến nỗi trong bệnh viện, người ta tưởng tôi điên.
    Chuyện đó đã làm phiền tôi suốt mấy tuần, sự kiện tôi đã không thể bắn người lính đó. Tôi là một người lính như thế nào nếu tôi đã không kết liễu kẻ thù?
    Nhưng khuôn mặt đó cứ trở đi trở lại, một khuôn mặt không biểu lộ sợ hãi hay thách thức, với những mụn nhỏ dưới má và một chỏm râu dê lởm chởm. Nếu có một biểu hiệu nào, thì đó là sự bối rối. Như thể anh ta chỉ vừa thức giấc và ngạc nhiên nhìn thấy tôi đứng bên cạnh. Một phản ứng khá nữ tính, tôi kết luận, để cảm thấy bối rối sau khi đã bị xâm phạm. Đấy là bởi vì anh ta đã bị bắt gặp trong một tình thế thỏa hiệp, một cách rõ ràng nhất, cũng như tôi vậy. Cứ như thể tôi đã bước vào nhà vệ sinh mà không gõ cửa và bắt gặp anh ta đang ngồi chồm hổm trên cái lỗ xi măng. "Xin thứ lỗi, thưa ngài." Nhưng tại sao hai chúng tôi đã phải ở trong cánh rừng tan hoang đầy muỗi đó trong một buổi chiều mùa hè nóng không thể tin được? Anh ta với một cánh tay đã biến mất và người vùi trong bùn? Còn tôi với hai chân sắp sửa bị thổi bay đi mãi mãi?
    Lovetolive[/size=18]
  5. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT không phải ở trang TPVH nên bà con cứ việc vào đay mà " phê bình " thoải mái. Ai thấy truyện nào hay hay post lên cho bà con coi với!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
    Lovetolive[/size=18]
  6. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Kiên là nhà văn có tiếng ở trong nước. Tập truyện ngắn Chim Khách Kêu của ông đã được giải thưởng Văn Học Đông Nam Á.
    Chim Khách Kêu
    Nguyễn Kiên
    Buổi sáng có con chim khách đến kêu trước cửa nhà. Nó nghênh đầu, phô ra khoang ngực trắng, ngoáy cái đuôi dài, tiếng kêu giòn tan: "Khách! Khách! Nhà có khách!" Rồi lao vút đi giữa các lùm cây. Tỏ nghĩ, con chim kêu nhầm nhà. Nhà anh chẳng bao giờ có khách. Tỏ sống một mình, giữa vùng chân núi hoang vu, trước mặt là cánh đồng mênh mông nước trắng. Quanh đây cũng có xóm làng, ở rải rác trong núi hoặc ngoài rìa đồng nhưng cái trại nhỏ của Tỏ dường như tách biệt hẳn với cộng đồng dân cư ấy. Đôi khi Tỏ phải vào làng hoặc người làng ghé qua trại của anh, chỉ vì có công việc gì đấy không thể đừng, nói với nhau dăm bẩy câu là xong, thậm chí chỉ cần đứng nói qua rặng rào. Tỏ không có khách và cũng không có thói quen chờ đợi khách. Mặc cho con chim khách kêu trước cửa nhà, cái thế giới đơn độc, kín bưng của anh vẫn cứ bình lặng thế. Buổi chiều con chim khách lại đến, chẳng rõ là con chim ban sáng hay một con chim khác, nó vẫn nghênh đầu, phô ra khoang ngực trắng, ngoáy cái đuôi dài, kêu: "Khách! Khách!" Tỏ vẫn dửng dưng, sự dửng dưng vốn là thói quen của anh. Con chim chợt lao vút qua lùm cây và mất mút. Lúc này trời đã xế chiều, bóng núi phía sau nhà đổ dài, sẫm dần lại còn mặt nước đồng phía trước nhà thì dềnh lên, nhòa nhòa mầu trắng đục. Tỏ ngồi ở đầu hiên, thư giãn một mình, sau cả ngày làm lụng nặng nhọc. Bầu không khí vắng lặng khiến anh dễ chịu và trong tâm tưởng của anh chỉ bảng lảng hình ảnh ông lão Nhòe, người cha cả đời vất vả, nuôi dạy anh theo cái cách lạ lùng nhưng mãi rồi Tỏ cũng quen. Sự cô độc của Tỏ hiện thời chẳng qua là tiếp nối cái đời cô độc của ông lão. Một năm xa lắm, lão mang Tỏ tới đây rồi mọc rễ ra ở nơi heo hút này. Tỏ còn nhỏ tuổi, chỉ biết lếch thếch theo cha. Lớn thêm vài tuổi, bắt đầu thắc mắc về cái gốc gác và lai lịch của mình, mẹ mình là ai, vì sao chỉ có hai bố con phiêu bạt? Nhưng lão Nhòe kín bưng, hễ Tỏ mở miệng hỏi là lão trợn mắt lên, gạt phắt: "Mày biết cũng chẳng để làm gì. Thôi, im đi!" Tỏ đến tuổi trưởng thành, lão Nhòe không thể chỉ cộc lốc một câu là xong, lão hứa: "Mày hãy cứ chờ, trước khi tao chết tao sẽ nói cho mà nghe!" có thể lão định thế thật, cũng có thể không chẳng biết thế nào, bởi lão chết quá ư đột ngột. Lão vốn xương đồng da sắt, đến già vẫn khoẻ như vâm, bỗng bị một trận cảm gió, cấm khẩu ngay tức khắc. Có một phút hồi tỉnh, lão mở mắt nhìn Tỏ, cái nhìn ấy là tất cả, chỉ biết thế thôi rồi lão hơi dướn mình, khẽ nấc một cái và đi luôn. Cái thế giới lão Nhòe để lại cho Tỏ là một thế giới tự cô lập, khép kín, có một góc sâu mờ mịt Tỏ không sao nhìn thấu được.
    Vào lúc chạng vạng tối có một chú bé chui ra từ bụi cây đầu ngõ, chú bé nhìn quanh rồi bước nhanh vào trong sân nhà Tỏ.
    - Cháu chào chú!
    Tỏ hất hàm:
    - Mày là con cái nhà ai? Cần gì?
    - Cháu không phải người vùng này. Cháu ở dưới thuyền neo đậu bên kia đồng, mà chiếc thuyền ấy cũng không phải là nhà cháu. Cháu... cháu khát quá, khát cháy họng, chú làm phúc cho cháu xin ngụm nước!
    Chú bé vừa uống nước vừa nhìn Tỏ, cái nhìn thăm dò, cầu khẩn và chú nói lân la:
    - ở đây khuất, chú nhỉ. Từ dưới đồng nhìn lên chẳng thấy nhà cửa gì cả. Cháu thật may mắn. Cháu xin chú cho cháu ngủ nhờ đêm nay, cháu chỉ ngủ ở dưới bếp kia thôi!
    - Nhưng mày phải nói mày là ai, mày đi lang thang hay buộc lòng phải trốn chạy ai thì tao mới cho mày ngủ nhờ được chứ.
    - Vâng, cháu trốn chạy, cháu lang thang nhưng quyết không phải là đứa hư hỏng. Với lại cháu bé thế này, nếu cháu giở trò láo lếu, chú chỉ di nhẹ ngón chân là cháu chết bẹp như con ngoé. Cháu van chú, chú cho cháu ngủ nhờ đêm nay đi!
    Thằng bé cố giấu kín bưng điều cần giấu và nó nhất định chỉ xin ngủ nhờ ở dưới bếp. Nó thu xếp chỗ nằm rồi lăn ra ngủ rất nhanh. Vậy là đêm nay nhà Tỏ có một người khách không mời. Sự hiện diện của cái sinh linh xa lạ, nhỏ nhoi ấy như là sự khuấy động bất thường vào cái thế giới đã đông cứng lại của Tỏ. Thuở lão Nhòe dắt Tỏ đến đây, Tỏ cũng bé như thằng bé này, có khi còn bé hơn. Cả vùng chân núi hoang rậm chỉ có hai bố con. Lão Nhòe phá hoang, cuốc đất mầu phủ lên trên sỏi đá, trồng sắn, trồng khoai. Tỏ vào trong núi kiếm củi đem ra chợ bán. Chợ xa lắm, ở bên đường hàng tỉnh chỗ con đường gặp dòng sông. Trẻ con các làng quanh chân núi thường đi kiếm củi, đem ra bầy ngay bên vệ đường, bán cho dân phố và khách đi ô-tô từ trên ngược về xuôi. Lão Nhòe không bao giờ đi chợ, thậm chí chuyện chợ búa do Tỏ đem về lão cũng chỉ nghe dửng dưng. Bần cùng lắm lão mới vào làng, dù lão thông tỏ đường đi lối lại mọi làng xóm trong vùng. Giải đồng chiêm chân núi ngăn cách lão với thế giới bên ngoài, lão thu mình lại trong ngờ vực, khinh khỉnh và giận dữ một cái gì đó mà chỉ mình lão biết. Nhưng lão Nhòe cũng là người cha mạnh mẽ và đầy lòng kiêu hãnh. Lão yêu thương Tỏ theo cái cách của lão, nghiêm khắc và dữ tợn đến ghê người. Lão bảo Tỏ: "Tao cho mày đi củi là để học cách kiếm sống. Liệu hồn, chớ có tí tởn theo lũ trẻ cùng đi củi với mày. Duyên ai phận nấy, nghe chưa!" Tỏ trở thành một đứa trẻ lầm lũi, ngơ ngác, cục cằn. Đôi khi cái bản tính phóng khoáng hồn nhiên trong nó nổi dậy, nó rông đi chơi với lũ bạn, trèo cây, lội nước và mơ màng trong giấc mơ con trẻ. Lão Nhòe quát: "Tao cấm mày!, Mày chơi bời lêu lổng, nghĩ ngợi lung tung thì chỉ hư hỏng thôi con ơi! Hãy ở nhà làm lụng cùng với tao, nghe lời dạy bảo của tao, để chứng tỏ cho thiên hạ biết mày là thằng Tỏ con trai lão Nhòe khởi nghiệp trên mảnh đất này. Thôi không đi củi rồi phơi mặt ra bên lề đường để bán củi nữa! Cũng không cắp sách đến trường ở mãi tít trong làng để học hành gì nữa! Hãy học ******* đây". Tỏ vào khuôn phép của lão Nhòe từ bao giờ chính anh cũng không biết. Hai cha con làm quần quật đổ mồ hôi sôi nước mắt, xây dựng dần lên cái cơ ngơi biệt lập hiện thời. Và cùng với nó. Tỏ cũng quen với sự xa cách, trở nên lạnh lùng và kiêu hãnh ngay với mình và chỉ với mình thôi.
    Lovetolive[/size=18]
  7. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Kiên là nhà văn có tiếng ở trong nước. Tập truyện ngắn Chim Khách Kêu của ông đã được giải thưởng Văn Học Đông Nam Á.
    Chim Khách Kêu ( II )
    Nguyễn Kiên
    Trước khi đi ngủ, Tỏ cầm đèn đi soi một lượt quanh nhà rồi anh vào bếp, đặt cây đèn lên cái bệ gạch ngay phía trước mặt thằng bé. Thằng bé nằm co quắp, mặt xoay nghiêng, ánh đèn làm mi mắt nó thoáng động đậy nhưng nó vẫn ngủ say mê mệt. ừ, ừ... thằng bé này, cái sinh linh xa lạ này từ thế giới bên ngoài, rơi lạc đến đây, nó năn nỉ xin ngủ nhờ nhưng nhất định không hé lộ điều bí mật nó mang theo. Tỏ có chút động lòng trắc ẩn, một chút thôi còn trong sâu xa anh không quan tâm đến thằng bé, hình ảnh của nó chỉ chờn vờn bên ngoài chứ không thể thâm nhập vào được cái thế giới riêng của anh. Tỏ ngủ ở nhà trên cánh cửa cài then, ngọn đèn đặt trên bàn vặn nhỏ, xanh lè hạt đỗ. Nửa đêm thức giấc, Tỏ có cầm đèn xuống bếp soi qua thằng bé một lần nữa. Thằng bé vẫn ngủ say, một dòng nước dãi chảy ra bên khoé miệng. Tỏ nghĩ thuở nhỏ, lúc theo ông bố gan lì, với một bầu tâm sự âm thầm, sôi sục đến đây, mình có giống thằng bé này không nhỉ? Chắc là có. Mà cũng không. Nó đang giấu cái tâm sự của riêng nó, điều bí ẩn của riêng nó và mặc dù nó yếu đuối, trẻ thơ nhưng nó giống ông bố gai góc của mình. Tỏ định lay thằng bé dậy, hỏi han căn vặn, buộc nó phải nói rõ nguồn cơn. Nhưng ý định chỉ thoáng qua, chính anh cũng đang dở giấc, mắt cứ ríu lại. Tỏ lên nhà trên ngủ tiếp và trong giấc ngủ anh mơ thấy thằng bé biến đi, rõ ràng là nó biến đi, chỉ có điều anh không biết nó biến đi như thế nào.
    Sáng sớm hôm sau Tỏ trở dậy, thấy nền bếp trống trơn, mọi thứ đồ đạc lặt vặt để trong gian bếp còn nguyên xi, không suy suyển một tý gì.
    ở ngoài đồng có chiếc thuyền đậu ở chỗ cửa ngòi, gần con bờ bao vòng vèo về phía chân núi. Gã chủ thuyền nhảy lên bờ, nhìn ngó quanh quẩn rồi leo dốc lên nhà Tỏ. Tỏ đang hì hục đánh gốc cây ở góc vườn. Gã chủ thuyền đi tới, đôi mắt hấp háy nhìn xoi mói:
    - Chào người anh em! ở đây vắng vẻ nhỉ...
    Tỏ dừng tay rìu, đứng lặng im. Gã chủ thuyền đành phải nói:
    - Tôi ở dưới thuyền lên đây tìm một đứa bé. Nó cao chừng này - gã đưa tay ra khoảng ngang bụng gã - gầy, đen nhưng nhanh nhẹn. Người anh em có trông thấy nó, biết nó trốn ở chỗ nào quanh đây không?
    Tỏ hơi nhíu mày, vẻ khó chịu và anh vẫn lặng im.
    - Thế nào người anh em, tôi đã có lời, người anh em nghe rõ chứ?
    - Rõ. Nhưng đấy là việc của ông, không dính dáng gì đến tôi. Tôi không biết đứa bé nào, không biết gì cả. Đừng có quấy rầy tôi!
    Gã chủ thuyền đi về phía chân núi, loanh quanh một lúc rồi lại quay ra. Lần này giáp mặt Tỏ, gã đột nhiên trở nên dữ dằn:
    - Này, người anh em là con trai ông lão Nhòe, đúng không? Tôi biết ông lão, hồi ông lão còn sống, ông lão ghê gớm nhưng vẫn nể tôi lắm... Lẽ nào người anh em lai phớt lờ tôi, không giúp tôi!
    - Thôi đi, đừng dài dòng - Tỏ cắt ngang - Ông muốn tôi giúp ông cái gì mới được chứ?
    - Giúp tôi tìm đứa bé. Tôi phải tìm được nó. Tôi tốt với nó nhưng nó lại phản tôi. Mà cái thân phận nó là gì? Là của gán nợ, mẹ nó gán cho tôi. Tôi có quyền tìm bắt nó, lôi cổ nó về thuyền, dậy cho nó một bài học phải không nào?
    Tỏ gắt:
    - Tôi nhắc lại là tôi không biết. Đấy là chuyện của ông, không liên quan gì đến tôi!
    - Vâng, đấy là chuyện của tôi. Nhưng tôi xin hỏi anh, chung quanh đây đồng nước mênh mông, thằng bé không trốn theo lối này thì còn lối nào? Đêm hôm qua tôi đã sục sạo khắp các gò đống nổi trên đồng nước rồi. Không có nó. Chắc chắn là thằng bé đã mò đến nhà anh, anh chỉ đường cho nó vào trong núi. Tôi có lời tử tế với anh, anh giúp tôi bắt nó hay anh giúp nó trốn khỏi tôi nào?
    Gã chủ thuyền vờ nhún nhường nhưng vẫn lộ vẻ thách thức, gã nói hai chữ "tử tế" một cách giật cục, có nghĩa là gã dám chơi trò không tử tế rồi. Trước khi rời khỏi nhà Tỏ, gã dừng lại trước ngõ, hắng giọng quát một câu vu vơ: "Tao mà bắt được thằng bé tao cho một trận nhừ đòn. Mà bất kể kẻ nào che giấu, chứa chấp nó cũng phải nhừ đòn với tao!" Tỏ chỉ cười nhạt, anh quay vào đánh nốt cái gốc cây đang đánh dở ở góc vườn. Tâm trạng Tỏ bỗng nhiên đổi khác. Lúc đầu gã chủ thuyền hỏi anh về thằng bé, anh nói "không biết" vì quả thực anh không biết, nó đã biến đi trong đêm không một lời thưa gửi và anh chỉ đơn giản muốn chấm dứt nhanh câu chuyện chẳng dính dáng gì đến mình. Nhưng gã chủ thuyền lại quay trở lại, lên mặt phách lối, dám viện ra cả ông bố đã khuất của anh, hầm hè hăm dọa và lên giọng thách thức anh. Gã nhầm. Gã chẳng hiểu gì về ông lão Nhòe và con trai ông lão, hai cha con đầu đội trời chân đạp đất giữa chốn hoang vu này. Một năm thời tiết nghịch, trời đất tối xầm, mưa đổ xuống ào ào suốt ngày đêm. Sườn núi phía sau nhà đã thành sườn núi trọc từ lâu, trẻ con đã thôi đi củi, nay biến thành cả thác nước, nước xô ầm ầm, xuống tới chân núi dâng thành con lũ quét. Ngôi nhà của hai cha con Tỏ bị chìm trong mưa, gió đánh tả tơi, xiêu vẹo, chung quanh nhà ngổn ngang đất đá do con lũ cuốn về, dồn tụ lại. Lão Nhòe bảo Tỏ: "Con ơi, trời ra oai là để thử lòng người, con không được nhụt chí. Bố con ta phải biến cái tai họa này thành điều có lợi cho ta!" Sau trận mưa lũ kéo dài, trời nắng như đổ lửa, mặt đất bị rang khô, gió cuốn bụi bay mù. Hai cha con Tỏ hì hục dọn đất đá. Có những tảng đá lớn bằng con bò con trâu thì đành chịu, nó nằm đâu bỏ mặc đó. Những tảng đá nhỏ hơn thì bẩy lên, vần đi, khiêng vác ra ngoài rìa khoảnh đất vườn. Rồi hai cha con thay nhau giữ choòng, quai búa đập. Lão Nhòe thở hi hóp, nhễ nhại mồ hôi, lão chùi tay vào ống quần, nói tưng tửng: "Thật là giời vần đá xuống đây cho mình để mình đập. Cái thế đất vườn nhà mình dốc nghiêng, đất trơ cằn, phải có đủ đá hộc xếp thành tường vây, rồi đổ đất mầu lên san cho phẳng thì vườn cây mới tốt được!" Một đời lão Nhòe, đến thách thức của trời lão còn không chùn bước, lão để lại cho Tỏ mảnh vườn xanh tươi giữa một vùng đất chết và cái ý chí cứng rắn đến lạnh lùng. Gã chủ thuyền xa lạ kia là cái thá gì mà dám nhơn nhơn trước mặt Tỏ, lên giọng thách thức anh? Tỏ nổi tự ái, đầu anh bốc nóng phừng phừng và anh quyết định đã thế thì anh phải đi tìm thằng bé, chắc chắn nó còn chui lủi quanh đây, đưa nó về nhà, che chở cho nó. Xem ra gã chủ thuyền cũng chỉ thuộc loại mềm nắn rắn buông, Tỏ coi thường!
    Việc tìm thằng bé đối với Tỏ không khó. Anh thông thuộc địa hình và mọi ngóc ngách vùng chân núi, chỉ cần căn cứ vào một vài biểu hiện khác lạ nhỏ nhặt là có thể phán đoán ra hướng lẩn trốn của thằng bé. Loanh quanh một lúc Tỏ đã đứng trước cửa cái hốc đá nông choèn, được che phủ phủ bởi đám cây bụi và dây leo.
    - Này cháu bé, ra đi. Cháu trốn được ai khác chứ không trốn nổi chú đâu. Ra đi, chú đưa cháu về nhà.
    Lovetolive[/size=18]
  8. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0

    Nguyễn Kiên là nhà văn có tiếng ở trong nước. Tập truyện ngắn Chim Khách Kêu của ông đã được giải thưởng Văn Học Đông Nam Á.
    Chim Khách Kêu ( III )
    Nguyễn Kiên
    Thằng bé lồm cồm chui ra khỏi hốc đá, mặt xám ngoét, vẻ sợ sệt.
    - Chú biết cháu lẩn trốn ai rồi. Kẻ ấy vẫn neo thuyền rình rập cháu ở chỗ cửa ngòi dưới đồng kia. Nhưng cháu đừng sợ. Nào, nào... đi theo chú!
    Tỏ giấu thằng bé vào cái chái buồng kho, cửa ngoài có khóa, lại thông vào trong nhà qua một cửa ngách. Anh không chỉ hỏi thằng bé vì sao lại lặng lẽ biến khỏi nhà anh vào lúc trời chưa rạng và cả câu chuyện mà nó giấu anh dẫn nó tới chỗ phải lẩn trốn gã chủ thuyền. Điều quan trọng đối với Tỏ không phải là bản thân thằng bé, nó vẫn hoàn toàn xa lạ đối với anh, anh giấu nó thản nhiên chỉ là để chứng tỏ anh dám đương đầu, chấp nhận sự thách thức của gã chủ thuyền hợm hĩnh vô lối. Tỏ đem cơm nước vào tận nơi cho thằng bé, qua cái cửa ngách phía trong nhà và nhắc đi nhắc lại, giọng quả quyết: "Cháu đừng sợ, dù gã chủ thuyền có mò vào tận đây, đã có chú che cho cháu. Đừng sợ!".
    Gã chủ thuyền vẫn neo thuyền chỗ cửa ngòi. Gã đi sục sạo vẩn vơ và lảng vảng quanh nhà Tỏ. Thỉnh thoảng Tỏ lại bất ngờ giáp mặt gã khi anh đi xuống bến nước, anh nhếch môi cười và buôn ra một câu lơ lửng:
    - Ông chủ thuyền vẫn còn ở đây kia à?
    Như một câu thăm hỏi vu vơ, không cần đợi trả lời.
    Rồi gã chủ thuyền cũng phải chịu thất bại, nhổ thuyền đi nơi khác. Tỏ lôi thằng bé ra khỏi cái chái buồng kho, phủi bụi và mạng nhện trên đầu tóc cho nó, giọng anh reo lên đắc thắng:
    - Bây giờ thì yên ổn rồi, kẻ truy bắt cháu biến rồi, cháu không còn phải lo sợ gì nữa.
    - Cháu cảm ơn chú. Ơn này cháu sẽ nhớ đời... Nhưng cháu phải đi. Chú cho cháu đi nhé.
    Tỏ không giữ thằng bé, anh chỉ hỏi nó có cần gì không, thằng bé nói "không ạ" rồi nó cúi đầu, chắp hai tay vái Tỏ thay cho lời chào từ biệt. Giây phút ấy lòng Tỏ đột nhiên xao động, anh xoa đầu thằng bé và cứ tự nhiên bàn tay tuột xuống đặt trên vai nó:
    - Khoan đã, cháu hãy ngồi xuống đây cho chú hỏi. Cháu có phải của gán nợ, mẹ cháu nợ nần gì đó gã chủ thuyền, phải đem cháu gán cho hắn không?
    Thằng bé ngồi im, khuôn mặt nó tối xầm, co giật, miệng mấp máy nhưng không nói nên lời:
    - Cháu hãy bình tĩnh. Chuyện của cháu, cháu muốn kể hay không muốn kể cũng không sao!
    - Cháu muốn chứ, muốn kể ngay từ cái hôm chú đi tìm cháu rồi giấu cháu vào cái buồng kho. Nhưng chú không hỏi đến thành ra cháu ngại. Gã chủ thuyền hắn bịp chú đấy. Sự thực khác hẳn... Mẹ cháu chẳng nợ nần gì gã chủ thuyền, chính cháu đòi đi theo gã, mẹ cháu can ngăn mãi không được đành phải cho cháu đi. Hóa ra cháu bị quân độc ác, nham hiểm ấy nó dùng lời lẽ ngon ngọt nó lừa. Cháu bị lừa. Cháu có lỗi với mẹ cháu, cháu nhớ thương mẹ cháu quá chú ơi!
    Câu chuyện của thằng bé lộn xộn, luôn luôn xen vào những ý nghĩ tha thiết đến quằn quại về mẹ nó. Hai mẹ con sống lủi thủi, mẹ nó bện chổi đót và đan lát những thứ lặt vặt bằng tre nứa, cặm cụi suốt ngày may lắm mới đủ tiền đong gạo. Còn nó chạy rông quanh chợ, thỉnh thoảng đảo xuống bến thuyền, ai sai gì làm nấy. Ngày phiên chợ có một chiếc thuyền cập bến, chở theo những món hàng của thành phố xa xôi như quần áo may sẵn, đồ nữ trang bằng nhựa mầu lòe loẹt, son phấn rởm, băng nhạc và tranh ảnh. Gã chủ thuyền thường thuê thằng bé khuân hàng lên bờ mỗi khi có người đến cất buôn. Công sá chẳng đáng là bao nhưng thằng bé thích vì được đụng chạm và tha hồ nhìn ngắm những món hàng lạ lùng, hấp dẫn, khêu gợi lên một cuộc sống khác với cuộc sống ảm đạm của nó. Gã chủ thuyền nhìn ngắm thằng bé kỹ lưỡng rồi nói với nó dịu dàng: "Con là đứa trẻ thông minh, lanh lợi, cứ chui rúc ở cái nơi heo hút này thì tàn đời. Con có muốn đi theo ta không? Ta có bạn ở khắp nơi, làm đủ nghề. Con muốn học nghề buôn sông nước như ta, ta dạy. Thích học nghề khác thì tùy, ta sẽ gửi gắm các bạn ta". Thằng bé về nói với mẹ nó rằng nó sẽ đi theo gã chủ thuyền. Mẹ nó can ngăn, dỗ dành nó không được thì òa khóc: "Con ơi, con lỡ bỏ mẹ ở nhà một mình thui thủi, mẹ thương nhớ con, lo lắng cho con đến héo ruột gan mà chết mất!". Thằng bé cũng khóc, nó thương mẹ nhưng nó muốn thay đổi cuộc sống, được đi xa, học lấy một nghề rồi trở về làm ăn nuôi mẹ. Thằng bé ra đi. Được một thời gian, cứ đến phiên chợ gã chủ thuyền lại quay thuyền về bến để thằng bé về thăm nhà, đưa tiền cho mẹ nó. Mẹ nó cầm tiền, càng lo lắng. Còn nó đang tuổi dại khờ, gã chủ thuyền đổi hướng, cho thuyền đi quanh quẩn vùng đồng chiêm chân núi, nó vẫn tin theo gã. Bẵng đi lâu lắm không được về nhà, nó chỉ âm thầm nhớ mẹ thôi. Nhưng cũng vì thế, vì có hình bóng mẹ lặn vào trong tâm tưởng, thằng bé phát hiện ra nó bị gã chủ thuyền lừa...
    Thằng bé nhìn Tỏ, kêu lên hốt hoảng:
    - Cháu không nghe lời mẹ cháu nên cháu bị lừa. Đáng đời cháu. Cháu phải về với mẹ cháu ngay bây giờ để mẹ cháu khỏi phải rơi nước mắt vì cháu!
    Tỏ trấn an thằng bé và nói rằng anh muốn nó nán ngồi lại với anh lâu hơn chút nữa, giục nó hãy cứ kể tiếp đi.
    - Thì cháu đã kể rồi, cháu bị lừa! - Thằng bé hấp tấp nói, như muốn thoát nhanh ra khỏi nỗi kinh hoàng nó vừa phải trải qua - Gã chủ thuyền ấy là quân buôn người, nó lừa cháu để đem bán cháu đi. May mà có mẹ cháu hiện ra trong giấc ngủ, mách bảo cháu, lay tỉnh cháu...
    Lovetolive[/size=18]
  9. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Nguyễn Kiên là nhà văn có tiếng ở trong nước. Tập truyện ngắn Chim Khách Kêu của ông đã được giải thưởng Văn Học Đông Nam Á.
    Chim Khách Kêu ( IV )
    Nguyễn Kiên
    Trước mắt thằng bé hiển hiện cảnh con thuyền neo đậu trong đêm tối, gã chủ thuyền ngồi uống rượu với một kẻ lạ mặt ở phía mũi thuyền. Hai tên đàn ông trò chuyện, thỉnh thoảng lại khạc nhổ và văng tục. Thằng bé nằm nép trong khoang, nó mơ thấy mẹ trong giấc ngủ và vừa tỉnh dậy. Tên lạ mặt nói: "Tôi không ưng món hàng của chú. Nó bé quá, không làm được việc nặng, nuôi tốn cơm!" Gã chủ thuyền nói: "Thôi đi, lớn bé đều đã có giá. Ông anh đưa nó lên tút hút rừng xanh núi đỏ, giao cho đứa lớn kèm cặp, bé cũng phải làm, làm mãi phải quen!" Thằng bé chưa nghĩ ra là hai tên đàn ông đang bàn về nó. Bỗng tên lạ mặt hỏi: "Nó ngủ rồi à?" Gã chủ thuyền dí ngọn đèn dầu vào trong khoang rồi lại đặt đèn xuống cạnh mâm rượu: "ừ, nó ngủ rồi. Mà nó chưa ngủ cũng chẳng sao. Anh em mình cứ say túy lúy đi. Sáng sớm mai tôi sẽ giao hàng..." Thằng bé tỉnh thức hẳn, tim nó đập thình thình nhưng hai mắt vẫn nhắm nghiền, người cứng ra. Dường như nó nghe văng vẳng tiếng mẹ nó nói, lẫn trong tiếng gió đồng: "Con ơi, con đã thành món hàng để người ta mua bán trao tay..." Thằng bé vờ trở mình, lăn dần về phía cuối thuyền. Đến khi hai tên đàn ông say mèm, nói năng lẫn lộn thì nó tụt xuống ngòi nước, lội vào bờ rồi cắm đầu chạy thục mạng. Đêm tối thui, nước đồng dềnh lên trắng mờ lênh láng, chỉ vùng chân núi in trên nền trời một mảng thấm đen. Thằng bé lần mò quanh quẩn gần suốt đêm, hướng về phía chân núi. Đến tờ mờ sáng, nó rúc vào bụi rậm ở sườn con dốc lên nhà Tỏ giở sống giở chết, may mà ngày hôm đó gã chủ thuyền còn mải lùng tìm nó ở dưới đồng nước, chưa kịp mò lên đây.
    - Nhờ có mẹ cháu mách bảo, cháu mới tìm đến được nhà chú. Phúc đức cho cháu quá, chú ơi!
    Điều thằng bé nói vẻ như vô lý nhưng chính vì nó vô lý nên Tỏ bị hấp dẫn. Có cái gì lạ lẫm rung lên mơ hồ trong lòng Tỏ. Thằng bé trở nên gần gũi đối với anh, nó nhập vào cái thế giới khép kín của anh, đem theo thứ tình cảm thiết tha về người mẹ.
    - Cháu phải về với mẹ cháu ngay bây giờ - thằng bé đột ngột đứng lên và nó lại chắp hai tay vái Tỏ - Cháu biết ơn chú, chú cho cháu đi...
    - Cháu đừng nói đến chuyện ơn huệ, to tát quá - Tỏ nắm chặt tay thằng bé - ừ, cháu đi. Nhưng cháu không thể băng đồng, đi theo đường sông nước, nhỡ lại rơi vào tay gã chủ thuyền. - Tỏ bật nói ra cái quyết định vừa đến thức thời, gần như không phải suy nghĩ gì cả - Chú sẽ đi với cháu. Chú biết lối tắt theo đường núi, đến cái phố chợ có nhà cháu. Đi đường ấy cùng với chú, vừa an toàn vừa nhanh hơn... Nào, chú cháu ta lên đường!
    Con đường núi chính là con đường Tỏ thuở nhỏ vẫn đi kiếm củi, đem ra bán ở phố chợ. Nhiều quãng bị cỏ dại che phủ cả lối mòn nhưng anh vẫn nhớ như in. Thằng bé lẽo đẽo đi theo Tỏ, mồ hôi nhễ nhại, thở hụt hơi. Tỏ sợ thằng bé mệt, muốn dừng lại cho nó nghỉ nhưng nó nắm cánh tay áo Tỏ khẽ giật giật và nói líu ríu: "Cháu sắp được gặp mẹ cháu rồi cứ đi đi, đi nhanh nữa chú ơi!". Đến quãng đường quanh và bằng phẳng thằng bé còn chạy vọt lên phía trước rồi quay lại nhoẻn cười. Nó không biết rằng Tỏ đã ghìm bước chậm lại cho vừa sức đi của nó. Thằng bé mỗi lúc một thêm náo nức, nó nhắc đi nhắc lại: "Cháu sắp được gặp mẹ cháu rồi. Mẹ cháu ngồi bện chổi đót, lúc nào cũng cắm cúi nhưng mà lạ lắm chú ơi, hễ cháu đi đâu về, mẹ cháu không cần ngẩng nhìn cũng biết ngay!". Những mẩu chuyện vụn vặt của thằng bé về người mẹ lam lũ, tràn đầy tình thương yêu nhọc nhằn đối với nó cùng với cái giọng kể trẻ thơ của nó dội vào lòng Tỏ, lay động vùng sâu xa mù mịt, bị vùi lấp của anh. Thuở anh còn nhỏ, theo ông bố cứng rắn đến ương gàn đến lập nghiệp ở đây, anh từng thắc mắc về cái gốc gác của mình và tưởng tượng mơ hồ về một người mẹ. Lão Nhòe bố anh đã mang theo điều bí ẩn ấy xuống mồ, để lại trong anh một khoảng trống. Cái bóng của lão Nhòe trùm lên khoảng trống đó, khiến nó bị chìm khuất đi. Nhưng lúc này khoảng trống ấy hiện ra khiến anh cảm thấy chông chênh...
    - Ô, con đường đá kia rồi. Đi hết khúc quanh ở phía trước kia, xuống chân dốc là đến lối rẽ vào phố chợ rồi! - Thằng bé nhẩy cẫng và reo to lên - Mẹ ơi, con sắp gặp mẹ rồi!
    Tiếng reo náo nức của thằng bé va đập vào khoảng trống trong lòng Tỏ. Mới khoảng mười giờ sáng, mặt trời chênh chếch đỉnh đầu, Tỏ không ngờ thằng bé theo anh vượt chặng đường xa và gập ghềnh nhanh đến thế. Vào đến phố chợ, thằng bé vượt lên trước, bây giờ đến lượt nó dẫn Tỏ đi. Thằng bé thoăn thoắt rẽ phải, rẽ trái, lại rẽ trái, đi sâu vào ngõ hẹp rồi dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ:
    - Nhà cháu đây. Mẹ cháu đang ngồi bện chổi đót ở góc sân kia kìa!
    Tỏ đẩy nhẹ vào lưng thằng bé:
    - Cháu vào đi! Vào đi!
    Thằng bé hơi chùn lại:
    - Sao lại thế ạ?
    - Chẳng sao cả. Chú muốn đứng lại đây giây lát. Cháu vào với mẹ cháu đi! Vào đi!
    Mãi sau này Tỏ vẫn nhớ đến cảnh tượng hai mẹ con chú bé gặp nhau. Chú bé lắp bắp nói câu gì đó và òa lên khóc nức nở. Người mẹ ngồi ngay đờ rồi giật mình bừng tỉnh, bà lau nước mắt cho đứa con, áp cả hai lòng bàn tay vào khuôn mặt nó, kéo nó gần lại phía mình: "Đừng khóc! Đừng khóc! Nào, nào... ngẩng mặt lên cho mẹ nhìn con lâu lâu một chút nào!" Hình ảnh người mẹ của chú bé xa lạ thoắt trở nên gần gũi, thay thế vào cái khoảng trống mơ hồ trong tâm hồn anh khiến anh không còn bị chông chênh và cân bằng trở lại... Tỏ thay đổi một cách tự nhiên, như cuộc sống lớn lao, bình dị lôi cuốn anh vào. Bây giờ anh hay vào làng gặp người này người khác và người làng cũng thường ra khu trại nhỏ của anh, có khi vì công việc, cũng có khi chỉ chuyện gẫu cho vui. Tỏ nhớ con chim khách, nó mải bay đi phương nào nhỉ?
    Chính nó đã từng bay đến kêu ngay trước cửa nhà anh!
    Tháng 12 năm 1998
    Lovetolive[/size=18]
  10. Julian

    Julian Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/11/2002
    Bài viết:
    1.565
    Đã được thích:
    0
    Mikhail Alexsandrovich Sholokhov là nhà văn Xô Viết đã tùng đoạt giải Nobel văn học với tác phẩm Sông Đông êm đềm.Cái Bớt là một truyện ngắn đặc sắc của ông.
    MIKHAIL ALEXSANDROVICH SHOLOKHOV
    (Nobel Văn Chương năm 1965)
    Mikhail Alexsandrovich Sholokhov sinh năm 1905 tại làng Veshenskaya ,
    bên bờ sông Don. Giòng họ ông đã ở đó từ nhiều đờị Cha mẹ Sholokhov tuy nghèo, nhưng vẫn cố gắng gửi ông lên Mạc Tư Khoa ăn học. Đến năm mười lăm tuổi ông trở về quê dạy học, làm nhân viên kiểm tra thực phẩm, làm nhà toán học, sau đó còn làm cả chục nghề khác nhaụ Thời gian ấy, trong làng
    chỉ có ông và người cha là đàn ông. Đó là những năm 1920-1923 đẫm máu, và ông đã chứng kiến trước mắt mình ý nghĩa thật sự của cuộc nội chiến.
    Ông khởi sự viết từ năm mười tám tuổi và sau đó mau chóng trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng của Liên Bang Sô Viết. Cả triệu ấn bản của ông được xuất bản khắp nơi trên thế giớị với số tiền bản quyền khổng lồ, dư thưa cho ông sống nhung lụa trong những thành phố xa hoa, nhưng ông lại chọn cuộc đời êm đềm với vợ tại ngôi làng của cha ông mình bên bờ sông Don. Ông có một trang trại cùng bầy gia súc nho nhỏ, và ông rất an vui hưởng cuộc sống
    điền viên của mình. Thời gian rảnh rỗi, ông còn đi săn và câu cá.
    Dù được tôn suy là anh hùng Sô Viết, Sholokhov vẫn liên tục khẳng định và đòi hỏi quyền độc lập qua các tác phẩm của mình và sự thách đố thẳng thừng đối với quan điểm của chủ nghĩa Cộng Sản và nền văn chương độc tài Sô Viết. Do đó ông là một trong những nhà văn Nga từng biện hộ cho Boris Pasternak trong cuộc luận chiến về tác phẩm Dr. Zhivago . Sholokhov gia nhập Hồng Quân Liên Sô năm 1920, và trở về quê nhà năm 1924 tại ngôi làng của người dân Cossak bên bờ sông Don, miền nam nước Ngạ Ông gia nhập đảng Cộng Sản Liên Sô
    năm 1932 và năm 1961 là thành viên Ủy Ban Trung Ương. Ông từng tháp tùng lãnh tụ Sô Viết Nikita Khrushchev trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 1959.
    Tác phẩm đầu tiên của ông là tuyển tập Donskie Rassskazy (1926) (Những Mẩu Chuyện Bên Bờ Sông Don). Năm 1925, ông bắt đầu viết bộ Tiểu thuyết lừng danh Tikhy Don (Sông Don Êm Đềm). Quá trình sáng tác của ông tuy chậm nhưng đạt kết quả phi thường. Phải mất mười hai năm để hoàn tất Tikhy
    Don (1928-1940). Tác phẩm gồm bốn tập, chia thành hai phần. Sau đó, ông dành suốt hai mươi tám năm để hoàn tất bộ tiểu thuyết nổi tiếng khác, Pondnyataya Tselima (1932-1960) gồm hai phần , Đất Vỡ Hoang và Mùa Gặt Trên Giòng Sông Don. Ngoài ra còn có Oni Srazhalis Za Rodinu (1942) (Họ Chiến Đấu Cho Tổ Quốc, tác phẩm là thiên anh hùng ca về người dân Sô Viết
    trong cuộc chiến chống quân Đức xâm lăng vào Thế Chiến Thứ Hai . Tác phẩm nổi tiếng vang dội khác của Sholokhov, Tikhy Don (Sông Don Êm Đềm) phản ánh người dân Cossak anh dũng bên bờ sông Don và cuộc chiến chống quân Bolshevicks để dành độc lập. Tác phẩm đươc giải Prize năm 1941, và còn được phong hiệu là tấm gương vẻ vang cho nền Xã Hội Hiện Thực.
    Năm 1965, Sholokhov được giải Nobel Văn Chương. Ông vinh dự là người đầu tiên trong khối Liên Bang Sô Viết nhận được giải thưởng Nobel. Ngoài ra ông còn nhận được các giải thưởng khác như, The Order of Lenin năm 1955 và The Lenin Prize năm 1960.
    Chúng ta cùng thưởng thức truyện ngắn sau đây của ông, hãy cùng nhìn nội dung truyện trong tinh thần Nhân Bản và loại bỏ những Ý Thức Hệ, những chủ nghĩa đối nghịch nhau để thấy những mâu thuẫn, những đau thương tột cùng của con người phải gánh chịu trong bất cứ cuộc nội chiến nàọ
    Cái Bớt

    MIKHAIL ALEXSANDROVICH SHOLOKHOV
    (Nobel Văn Chương năm 1965)

    Trên mặt bàn, mấy chiếc vỏ đạn khét lẹt mùi thuốc súng, con xúc xắc làm bằng xương cừu, tấm bản đồ dã chiến, bàn thông báo, bộ Dây cương với riềm tua trang trí bằng kim loại sực mùi mồ hôi ngựa và một góc bánh mì. Tất cả những thứ đó đặt trên bàn, còn Nhicônca Côsêvôi chỉ huyđội kỵ binh, ngồi trên chiếc ghế dài đẽo bằng gỗ đãmốc meo vì tường ẩm, tựa lưng sát bệ cửa sổ. Cây bút
    chì kẹp giữa mấy ngón tay tê giá, cứng đờ. Bên cạnh những tờ tranh áp phích cũ trải trên mặt bàn có bản khai lý lịch đang viết dở. Tờ giấy sù sì ấy giới thiệu rất ngắn gọn: Côsêvôi Nhicôlaị chỉ huy đội kỵ Binh, làm ruộng, đoàn viên Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Ngạ
    Trước cột " tuổi " cây bút chì chậm rãi ghi: 18 tuổi .
    Nhicônca có đôi vai rộng, nom anh chẳng hợp với tuổi tác.
    Đôi mắt với những nếp nhăn và cái lưng gù như ông cụ làm anh trông già đị
    - Anh ấy chỉ là chú nhóc búng ra sữa, non choẹt, anh em trong đơn vị kỵ binh thường nói đùa như vậy! ấy thế mà đố tìm được ai như anh đấy; diệt được hai băng phỉ mà hầu như không bị thiệt hại gì, và suốt nửa năm trời dẫn đội kỵ binh lao vào các trận đánh và giao chiến, chẳng thua kém bất kỳ vị chỉ huy già dặn nào!
    Nhicônca thấy xấu hổ vì cái tuổi mười tám của mình. Bao giờ cũng vậy, hễ đến cái cột "tuổi" đáng ghét kia là cây bút chì ghi chậm lại, như bò trên giấy, còn hai gò má của Nhicôn ca thì cứ đỏ ửng lên, như tức tối điều gì.
    Bố Nhicônca là người Kadắc và tổ tiên bố anh cũng là dân Kadắc. Anh còn nhớ mang máng khi anh lên năm, sáu tuổi, bố anh thường đặt anh lên lưng con ng+.a chiến của mình.
    - Cu con hãy bám lấy bờm! giọng ông ta cất to, còn bà mẹ thì từ trong bếp mặt tái xanh, mỉm cười với Nhicônca và giương tròn hai mắt nhìn đôi chân nhỏ xíu đang quắp chặt lấy cái
    sống lưng nhọn của con ngựa, rồi lại nhìn người bố đang
    giữ dây cương.
    Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồị Bố Nhicônca lao vào cuộc
    chiếntranh chống bọn Đức, và mất tích. Không thấy tăm hơi
    gì nữạ Bà mẹ qua đời, Nhicônca thừa hưởng ở bố cái
    tính yêu quý ngựa, trí dũng cảm vô song và cũng có cái bớt
    giống hệt bố, to bằng quả trứng chim câu nằm phía trên ma
    ('t cá chân tráị Chưa đầy mười lăm tuổi, anh đã lang bạt
    nay đây mai đó đi làm thuê, rồi sau xin đượcchiếc áo da
    lính và theo trung đoàn Hồng Quân qua làng đi đánh bọn Vraghen.
    Mùa hè này Nhicônca cùng tắm ở sông Đông với cậu chính
    ủỵ Cậu ta ngoẹo cái đầu bị chấn thương, vừ vỗ vào cái
    lưng gù rám nắng của Nhicônca, vừ nói lắp:
    - Cậu ấy à? Cậủ Cậu là thằng tốt? tốt số đấy! Thật
    mà, cậu là thằng tốt số! Người ta b ảo cái bớt là
    tướng tốt số đấy!
    Nhicônca nhe răng, ngụp xuống nước, rôi vừa thở phì phì,
    vừa ngoi lên khỏi mặt nước nói to:
    - Cậu chỉ bốc phét, cái anh chàng kỳ quặc này! Mình côi cút
    từ bé, cả cuộc đời đi làm thuê, mà lại bảo là mình tốt
    số!...
    Rồi Nhicônca bơi ra doi cát vàng bao quanh con sông Đông.
    *
    Căn nhà, nơi Nhicônca đóng quân ở nhờ, nằm trên bờ dốc
    đứng sông Đông. Từ những ô cửa sổ, nhìn thấy rõ một
    dải sông Đông màu xanh lam, một mặt nước sóng sánh óng lên
    như lớp thép láng đen. Những đêm giông bão, sóng vỗ oằm
    oạp dưới chân bờ dốc, những tấm ván che cửa sổ buồn bã
    sụt sùị Nhicônca có cảm giác nước đang lẹ Làng luồn vào
    những khe hở của nền nhà va dâng lên dần, lay động căn
    nhà.
    Anh muốn chuyển sang căn nhà khác, nhưng rồi lại thôi và ở
    đây đến tận mùa thụ Một buổi sớm giá lạnh, Nhicônca
    bước ra thềm nhà, tiếng giày đinh cồm cộp phá vỡ bầu
    không khí tĩnh mịch mỏng manh. Anh đi xuống khu vườn anh đào
    nhỏ Và ngả mình trên đám cỏ ướt trắng sương đêm. Anh nghe
    rõ tiếng bà chủ trong nhà kho đang vỗ về con bò cái cho nó
    đứng yên, tiếng bê con khàn khàn vòi vĩnh, và những tia sưa
    chảy va vào thành bình kêu lanh canh.
    Ngoài sân, cánh cửa rào kêu ken két, có tiếng chó sủạ Nghe
    thấy giọng trung đội trưởng nói:
    - Thủ trưởng có nhà không?
    Nhicônca trống khủy tay nhỏm dậỵ
    -Tôi đây! Lại có chuyện gì ngoài đó hả ?
    - Có người đưa thư hỏa tốc từ trong xã Kadắc tớị
    Anh ta nói bọn phỉ đã xuyên qua khu Xanxki, chiếm nông trường
    quốc doanh Gorusinxki rồỉ
    - Dẫn anh ta vào đây !
    Người đưa thư kéo con ngựa đầm đìa mồ hôi nóng hổi về
    phía tàu ngựạ Đến giữa sân, nó khuỵu hai chân trước rồi
    ngã kềnh ra, thở phì phì từng hơi đứt quãng rồi nằm
    chết luôn, đôi mắt lờ đờ của nó còn nhìn trừng trừng
    con cho xích đang sủa một cách tức tốị Nó chết vì người
    đưa thư đã chở chiếc bao thư có đóng ba dấu chữ thập,
    nó phóng vượt bốn chục dặm đường, thẳng một lèo không
    nghỉ chân.
    Đọc xong lá thư của ông chủ tịch yêu cầu anh đưa đội kỵ
    binh đến ứng cứu, Nhicônca đi vào phòng, vừa đeo kiếm vừa
    suy nghĩ, vẻ mệt mỏi: " Giá được đi dâu học, nhưng đây lại
    có phỉ... Cậu chính ủy chả vẫn kê mình rằng chữ nghĩa
    viết chẳng nên thân mà cũng là chỉ huy kỵ binh? Mình đây co
    'lỗi gì, nếu chưa kịp học xong trường tiểu học? Tay ấy kỳ
    cục thật? Giờlại có phỉ... Máu lại đổ, mà sống thế này
    mình đã mệt mỏi lắm? Mọi thứ đều chán ngán lắm rồỉ"
    Anh bước ra thềm, vừa đi vừa nạp đạn vào khẩu cácbin,
    nhưng những ý nghĩ, như ngựa quen đường cũ lại vụt đến
    với anh: "Giá được về thành phố? Được đi học?"
    Anh đi ngang qua con ngựa chết, vào tau ngựạ Nhìn vệt máu đen
    rỉ ra từ hai cánh mũi bám đầy bụi của nó, anh quay mặt đi
    chỗ khác.
    Lovetolive[/size=18]

Chia sẻ trang này