1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tuyển tập...

Chủ đề trong 'Cuộc sống' bởi Baron, 10/01/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Baron

    Baron Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    3.168
    Đã được thích:
    0
    Sinh Viên
    Hôm nay trời nắng sớm. Mới sáu giờ rưỡi mà nắng đã rọi vào tận hiên. Chẳng bù cho mấy hôm trước, trời mưa rả rích. Tiếng chú chim sâu lích chích trên rặng cây đầu ngõ, vui vui tai. Nghêu ngao vài câu nhăng nhít, tôi nhảy chân sáo ra hiên. Tiếng mẹ ra theo tới tận ngõ:
    - Hôm nay nắng đậm đấy! Nhớ mang mũ không lại ốm.
    Tôi lè lưỡi chạy biến ra đường. Không nhanh chân thế nào cũng được mẹ "tặng" cho "bài ca hy vọng".
    Như mọi sáng, Hùng vẫn đứng đợi tôi dưới tán phượng già đầu ngõ, cặp kính cận trề xuống sống mũi. Cậu ta đang loay hoay thắt lại chiếc ba lô "Made in USA" chính hiệu. "Hello!" - Tôi hét vào tai Hùng làm cậu giật bắn mình. Hùng vui vẻ xốc lại chiếc ba lô trứ danh, hấp tấp bước cho kịp tôi. "Chết nhé" - Tôi cười giòn giã khi Hùng vấp phải cái rễ cây xù xì nổi trên mặt đường, loạng choạng suýt ngã. Hùng cười hiền lành, chẳng có vẻ gì là giận dữ, mặc tôi cười thỏa thuê.
    Hùng và tôi học khác lớp nhưng lại chơi thân từ ngày mới vào trung học. Có lẽ vì đi học cùng đường, hoặc cũng có lẽ vì tôi thấy Hùng "hay hay". Mặc dù tôi là một đứa con gái rất hiếu thắng và đanh đá (điều này đã được mẹ tôi công nhận), song Hùng vẫn luôn tỏ ra thân thiết và nhường nhịn, trừ những khi tôi tỏ ra quá quắt như bắt Hùng gọi bằng "chị" chẳng hạn.
    Lớp tôi hôm nay có chuyện gì lạ thế nhỉ? Bọn con trai thì chẳng nói làm gì, chúng nó lúc nào chả mãi mê với cái quả cầu, quả bóng. Lũ con gái mới đặc biệt chứ. Chả thế mà lớp tôi mang biệt danh "Tây lương nữ quốc". Nhưng hôm nay thì khác. Chúng nó đang xúm xít ở cuối lớp, đang lắng nghe Oanh "điệu" đọc cái gì đó. Quái! Mọi hôm chúng nó ghét những đứa "yểu điệu thục nữ" như cái Oanh lắm kia mà. Tôi e hèm một tiếng rõ to, chẳng đứa nào thèm quay lại. Hạnh "Sa tăng" ngồi tựa lưng vào thành ghế suy tư như một nhà hiền triết. Vân "liêu trai" mơ màng nhìn lên trần nhà nơi có hai chú thạch sùng cụt đuôi đang tặc lưỡi đuổi nhau. Quỳnh, Anh, Yến... những "nữ yêu" như đang bị tờ giấy trên tay Oanh hớp hồn. Tôi cáu tiết hét lên:
    - Ðại hồng thủy hay sao chổi sắp quệt vào trái đất vậy?
    - Suỵt! Lặng yên nào! - Ngót nghét hơn hai chục cái miệng chỏ vào tôi dạy bảo. Phục tùng đa số, tôi đành im miệng len vào giữa. Ðược thể, Oanh cao giọng:
    ... Mắt em là hồ nước
    Anh là cành liễu buông
    Nước mênh mang xa thẳm
    Liễu đứng ngắm trăng suông...
    Tôi phá lên cười, tất cả nhìn tôi khó chịu. Mắt Oanh cân cấn nước. Ðúng là cá sấu. Tôi bĩu môi.
    Cái Thanh lườm tôi:
    - Mày lắm chuyện quá đi mất. Phải nói mãi nó mới cho xem. Thế mà...
    - Làm gì mà ghê thế? - Tôi tròn mắt.
    - Chứ lại không! Ðây là thơ của sinh viên, hiểu chưa? Có một anh sinh viên trường Y tặng nó đấy! - Ba bốn cái miệng tranh nhau hét vào tai tôi.
    - Tưởng gì - Tôi bĩu môi nói cứng - Thơ sinh viên thì tao có cả đống.
    Hơn hai chục cặp mắt "chiếu tướng" tôi.
    - Mày nói thật?
    Tôi quắt mắt làm giá:
    - Tao mà thèm nói phét à? Bảo cho mà biết, tao sẽ mang đến lớp không chỉ thơ đâu, mà còn là một sinh viên ngữ văn hẳn hoi nữa cơ.
    Trước sự ngỡ ngàng của đám bạn, tôi ngạo nghễ bỏ đi. Chợt cái Yến "tồ" kéo tay tôi:
    - Thế Thi định bao giờ?
    - À... ờ... - Tôi thoắt lúng túng, nghĩ kế hoãn binh - Ít nhất cũng một tuần nữa.
    - Lâu vậy sao?
    Trời! Cái óc ngu tồi này. Mày nghĩ ra lời huênh hoang thì cũng phải nghĩ ra lý do vắng mặt cho anh-sinh-viên-tưởng-tượng ấy chứ. Lời nói khó nhọc ở đầu lưỡi:
    - Anh ấy... anh ấy đang cố gắng hoàn thành một tập thơ để tặng cho mình nhân ngày... (tôi nói liều)... ngày sinh nhật.
    Yến gật đầu, vẻ tin cậy. Tôi bực mình bỏ về, không để ý tới Hùng đang lẻo đẻo bên cạnh.
    Chiều nắng nhạt, tôi cầm sách lững thửng ra hồ. Cái hồ nhỏ cách nhà tôi hơn trăm thước là nơi lý tưởng đối với những cặp trai gái. Nhưng buổi chiều, nơi đây lại là thế giới riêng của bọn trẻ ở các khu tập thể lân cận. Tôi thường ra đây đọc sách hay hóng mát, ngắm nhìn bọn trẻ bơi lội, đùa nghịch. Hùng thì khác. Cậu ta ưa chúi mũi vào những quyển sách ở một xó vắng vẻ nào đó. Nhưng hôm nay cả hơi gió ***g lẫn tiếng trẻ la hét cũng chẳng làm tôi chú ý. Trong lòng tôi bứt rứt không yên.
    Chung qui chỉ tại cái tính hiếu thắng của tôi mà ra cả. Ðã từng có lần tôi nổi máu huênh hoang tuyên bố với cả lớp là sẽ giới thiệu một bộ sưu tập tem - ăn đứt bộ sưu tập tem của Thọ, một "chuyên gia" về lĩnh vực này. Nói xong, không hối kịp. Ba ngày trời tôi khóc dở mếu dở, huy động lũ em lùng sục mà chẳng được con tem nào ra hồn. Ngày cuối cùng, khi mà tôi tưởng đã òa khóc vì thua cuộc thì Hùng, tươi cười sau cặp kính cận cố hữu, mang sang cho tôi một cuốn an-bum tem cực quý mà bố Hùng dày công sưu tập. Kết quả là tôi được một chầu khao thỏa thuê với uy tín tăng lên bội phần. Vậy mà... - Tôi tự rủa thầm mình - Ðánh chết cái nết không chừa. Có lúc tôi đã tính nhờ Hùng, rồi lại thôi... Cậu ta là dân chuyên toán, cả đời chỉ chúi mũi vào những con số, biết cái gì đến văn thơ. Cả đám bạn cậu ta cũng vậy. Cứ làm như không có con số thì bọn họ không sống được hay sao ấy. Tôi bật cười vì lời buộc tội vô lý của mình.
    Gió lại ào tới mát lộng. Tóc xấp xõa xuống mặt. Vương vướng dưới chân mấy tờ giấy. Tôi cúi xuống... Mơ hay thức đây? Chẳng lẽ tiên ông xuống giúp tôi? Mấy tờ giấy tôi bắt được đầy ắp những dòng thơ:
    Em trong trắng quá như trang giấy
    Chưa kịp kẻ ô, chưa kẻ dòng
    Anh thì bụi bậm như đời vậy
    Mực đã bao lần đục lẫn trong
    Giá như giấy ấy đừng trắng quá
    Thì anh viết tiếp số phận mình
    Ðời lắm khó khăn nhiều cay nghiệt!
    Em còn trong trắng đến rưng rưng...
    Tim tôi nhảy lên vui sướng. Chủ nhân những dòng thơ này - anh ta (phải! Mong rằng đây là một chàng trai) hẳn là người tôi đang mong tìm kiếm. Chưa kịp định thần, tôi đã thấy xuất hiện trước mặt mình một chàng trai. Ái chà, anh ta mới đúng "mốt" làm sao!
    Một bộ đồ "Jin" chính hiệu, cặp kính cận dày cộp (điểm này làm tôi nhớ tới Hùng) và... chiếc bị to đùng nữa chứ.
    Nhận lại những trang thơ bị gió cuốn tới tay tôi, anh ta đỏ mặt, ấp úng mãi mới nói nên lời:
    - Cảm... cảm... ơn... bạn.
    Ồ, tôi muốn cười phá lên trước cái bộ dạng lúng túng ngờ nghệch ấy, nhưng ghìm lại được. Một kế hoạch được vạch ra chớp nhoáng trong óc. Tôi nhích qua một bên nhường chỗ cho anh chàng lạ mặt. Câu chuyện dần dần trở nên thân mật. Qua đó tôi được biết tên anh ta là Minh - Nguyễn Anh Minh (một cái tên nghe cũng "có vẻ" lắm), sinh viên Tổng hợp văn. Tôi muốn hét toáng lên vì vui sướng. Có lẽ kiếp trước tôi tu nhân tích đức thật. Thắng lợi đã ở trong tầm tay, chỉ cần...
    Lựa lúc anh chàng đang thao thao giảng giải về Puskin, Hainơ, về Xuân Diệu, Huy Cận... tôi ngước cặp mắt đầy vẻ thơ ngây cắt ngang:
    - Anh đọc nhiều thơ thế, chắc cũng sáng tác?
    Lập tức hai tai "chàng" đỏ lên, dáng điệu trở lại vẻ luống cuống ban đầu:
    - Có đôi... đôi... chút...
    - Anh sẽ tặng em vài bài chứ? - Tôi tấn công tiếp.
    - Sẵn... sẵn... lòng.
    Trong đầu tôi như vang lên khúc ca khải hoàn. Bước một kế hoạch đã thành công tốt đẹp. Bây giờ chuẩn bị cho giai đoạn hai...
    * * *
    Hôm nay, nghĩa là đúng một tuần sau cái ngày-thứ-ba-đáng-ghi-nhớ ấy, tôi hân hoan đón mừng thắng lợi. Nếu có một tấm gương trước mặt, tôi sẽ được ngắm nhìn gương mặt hả hê, thỏa mãn của chính mình. Khỏi phải nói tới tâm trạng của bọn con gái lớp tôi, khi tận mắt trông thấy chàng-thi-sĩ-sinh-viên trứ danh của tôi.
    Cả tập thơ của anh chàng bị chúng lôi ra ngốn ngấu. Những câu "phỏng vấn" tới tấp làm "chàng" toát cả mồ hôi (chả gì chàng ta cũng là đại diện cho một bậc học "đáng kính nể"). Tôi đứng bên cạnh, như vị anh hùng vừa làm nên chiến thắng oanh liệt. Vô tình, tôi nhìn ra cửa sổ. Dáng Hùng gầy gầy với cặp mắt kính cận trông đơn độc lạ. Suốt tuần qua, mãi theo đuổi mục đích của mình, tôi quên hẳn cậu. Chiều nay nhất định tôi sẽ sang nhà Hùng, sẽ chia sẻ vinh quang với cậu ta, mình sẽ...
    * * *
    Mình sẽ... sẽ... Nhũng dự định nhòe ướt run rẩy trong óc tôi. Tất cả, cả cái bàn gỗ lim vững chắc, cả giỏ phong lan treo bên cửa sổ, cả cuốn nhật ký của Hùng trước mắt tôi... tất cả đều như hoen nước mắt.
    "Ngày... tháng..."
    Thấy Thi có vẻ buồn, muốn trêu vài câu cho "hắn" tức. Rẻ qua nhà Minh. Nhân tiện nhờ anh..."
    "Ngày... tháng..."
    Tôi không đọc được nữa. Hóa ra tất cả là do sự sắp xếp của Hùng. Vậy mà tôi cứ tưởng...
    Tôi nhớ lại vẻ mặt dương dương tự đắc của chính mình khi sáng. Thật là lố bịch... thật là...
    Tôi vùng chạy.
    Cơn gió vời vợi làm chậm bước chân tôi. Mặt hồ hiện ra lung linh trước mặt. Nắng nhảy nhót lấp lóa. Cái ghế đá quen thuộc còn nóng hơi ấm của mặt trời. Vạt cỏ xung quanh chỗ tôi ngồi đã trụi. Tiếng chân bước sẽ... ngập ngừng. Tôi quay lại. Im lặng giây lát, giọt Hùng cất lên rụt rè:
    - Thi... Thi... đã biết...
    Tôi không đáp. Vài chiếc lá bạch đàn rụng lả tả xuống mặt ghế.
    - ... Hùng chỉ muốn Thi vui... Thế thôi...
    Lại yên lặng. Tiếng chân se sẽ quay đi. Tôi ngước lên:
    - Thi vui lắm! Thật đấy!
    Thật đấy. Gió và nắng như reo lên trong buổi chiều rạng rỡ. Mặt hồ lấp lánh như dát bạc...
    - Thi này, Hùng sẽ thi vào Tổng hợp văn... nếu Thi muốn...
    Nắng nhảy nhót trong mắt Hùng, tinh nghịch. Ai mà biết được. Ồ, năm sau chúng mình đã là sinh viên đại học rồi.
    Hết
  2. Baron

    Baron Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/04/2002
    Bài viết:
    3.168
    Đã được thích:
    0
    Con Trai Cũng Biết Khóc
    Tôi nâng niu cuốn lưu bút, lòng ngập tràn vui sướng. Này là của Mi Hương, này là của "Tam quái" rồi cả Bình "quậy" đã nghỉ học nữa. Nhiều lắm, mỗi đứa đều gắn liền với một kỷ niệm. Có đứa chỉ vắn tắt vài dòng thật láu lĩnh: "Chúc bí thư thi không bị bí". "Ê! Khi nào trở thành nhà báo nhớ viết về tập thể 12A3 này nha mậy" ... Hàng loạt nét chữ cười vui trên trang giấy. Tôi bất ngờ nhận được dòng chữ của "hắn":
    Gởi cô bé hay hờn
    Mùa phượng cuối cùng vội trao nhau từng kỷ niệm. Xin gởi tặng cô bé hay hờn biệt danh dể thương ngày nào để nhớ mãi về nhau.
    Cô bé ơi, cổng trường khép lại, trang lưu bút mở ra là chứa đầy những ước mơ. Chúc cho nhau đôi chân vững bước vì rằng bước đi ngày mai có thể sẽ chông gai. Nên ta chỉ chúc cô bé hãy giữ mãi nét vui tươi khi ngày mai thẳng bước ngẩng cao đầu, dẫu cuộc đời còn ngửa nghiêng phiền muộn.
    Lời cuối chúc cô bé sớm trở thành nhà báo tương lai và đừng giận kẻ không mời mà viết này.
    Lê hiền huynh
    Lê hiền huynh, tôi bất ngờ thốt lên rồi khẽ mỉm cười. Thế là hắn đã chịu thua mình rồi hay sao? Mấy ngày nay hai đứa giận nhau. Ngày nào cũng thế tôi phải đi một mình. Trời nắng, gió ngược, những cảm xúc vô tình vờn theo cơn gió. Mỗi lần như thế tôi đều níu kéo hắn và cố hỏi cho được những thắc mắc. Còn hắn thì căng đầu mà suy nghĩ trả lời để tôi vừa lòng. Tình bạn hai đứa hồn nhiên như cỏ. Tôi như một đứa em út được anh hai chiều chuộng. Vậy mà hôm nọ làm kiểm tra Lý. Cả lớp im phăng phắc làm bài, bài tập Lý rắc rối tôi chẳng làm được xíu nào. Nên vội cầu cứu hắn. Tưởng chừng hắn sẽ ân cần như ngày nào, thế mà hắn lại rất tỉnh queo:
    - Kiểm tra một tiết thôi, Phương ráng giải đi. Dễ lắm.
    Cái cục tự ái của tôi càng lúc càng lớn dần. Trống đánh hết giờ, tôi chuyển bài ra đầu bàn rồi phóng nhanh xuống cầu thang. Hắn chạy theo. Tiếng gọi ân cần, khẩn khoản sau lưng. Tôi bước thật nhanh nhưng hắn đã theo kịp:
    - Phương không hiểu Dũng gì hết.
    Tôi gạt phắt:
    - Cần gì phải hiểu. Như thế chưa đủ à?
    Hắn lúng túng:
    - Nhưng mà Phương...
    Tôi cắt ngang:
    - Nhưng mà Phương không muốn tồn tại một tính ích kỷ, cá nhân trong tình bạn của chúng mình.
    Nói xong tôi ào chạy đi và chỉ kịp nghe tiếng thở dài của hắn.
    Thế rồi ngày ngày mọi việc vẫn xảy ra rất bình thường. Tôi vẫn với cái mặt nước đá lạnh băng đến lớp. Hắn vẫn đôi mắt buồn buồn, chăm chỉ học hành. Duy chỉ có một điều là tôi đã tham gia băng "Tứ quậy" của nhỏ Thanh và thằng Tuấn...
    ... Vừa ăn cơn xong tôi nhét vội hai cuốn tập vào túi quần rồi giả bộ đến trường chẳng khác nào một tên con trai. Trưa nay năm đứa tôi hẹn nhau tại trường để chuẩn bị đi xem phim. Ðã một giờ trưa rồi mà vẫn chưa thấy đứa nào. Sân trường vắng lặng, chỉ vài đứa ở lại học thêm. Phượng đã bắt đầu ra hoa. Những cái búp xanh mơn mởn càng làm lòng tôi thêm xao xuyến. Một cành phượng vô tình vương trên tóc, tôi thẫn thờ vuốt nhẹ. Cái đầu sư tử của tôi, ôi! Sao vô dụng đến lạ kỳ.
    - Hoàng Phương!
    Tiếng gọi bất ngờ sau lưng. Tưởng đâu là bọn nó tới, ai dè... hắn ta chạy nhanh đến chỗ tôi, miệng mỉm cười cầu hòa:
    - Phương đi học sớm quá vậy?
    Tôi lạnh lùng:
    - Tôi chờ nhóm "Tứ quậy" đi xem phim.
    - Vậy à? Thôi, xin lỗi Phương nha.
    Hắn thẫn thờ bước đi. Tôi tỉnh bơ không một chút dắn đo cho đến khi cùng nhóm "Tứ quậy" cúp học đi xem phim. Hết suất phim cả bọn định dạo một vòng rồi mới về, nhưng tự nhiên tôi cảm thấy nhớ hắn. Nói đúng hơn là nhờ ánh mắt và dáng đi hồi trưa ở trường của hắn.
    Tôi trở về nhà và nhận được một lá thư viết trên giấy học trò do dì Hai bán xăng cạnh nhà đưa. Bất ngờ quá. Hắn viết thư xin lỗi tôi chuyện hôm ấy và báo rằng hắn phải nghỉ học và trở về quê vì ba mất. Nghẹn ngào xúc động, tôi không thể cầm được nước mắt. "Hồi trưa này Dũng đến từ biệt Phương, nhưng Phương bận đi xem phim cùng "Tứ quậy". Dũng định nói cho Phương biết từ hồi tuần trước lận mà cứ sợ Phương buồn..." Lời hắn viết chân thành đến thế. Tôi xấu hổ nghĩ đến những hành động của mình, lòng quặn thắt một nỗi buồn bất tận.
    Mấy cuốn sách gói lại kỹ lưỡng. Một tấm hình tôi và hắn chụp cùng tập thể lớp trên bãi biển Long Hải hồi 20-11. Một quyển sổ nắn nót với dòng chữ: "Chúc Dũng luôn vui vẽ, mạnh khỏe và luôn nhớ tới Phương..." Cho tất cả vào giỏ xách rồi, tôi mới yên tâm lên giường. Trằn trọc không ngủ được. Ðồng hồ điểm báo đã 4 giờ sáng. Tôi tức tốc vùng dậy và chuẩn bị đồ đạc ra ngoài bến xe. Trời tháng năm mới đó đã tờ mờ đã sáng. Chuyến xe tốc hành về miền Tây đã khởi hành. Tôi hồi hộp không biết Dũng đã đi chưa. Bất ngờ một giọng nói ấm áp quen thuộc vang lên bên tai:
    - Phương đến lâu chưa vậy?
    Tôi cuời buồn bã:
    - Vừa tới, Dũng à.
    - Dì Hai chuyển thư cho Phương hả?
    Tôi gật đầu không nói và nhìn Dũng. Ðôi mắt hắn ta trông buồn bã làm sao. Ðời quả không ai học được chữ ngờ. Mười mấy năm trời cùng nhau thẳng bước đi qua. Hôm nay chỉ còn trọn vẹn 60 ngày. Có hai tháng thôi mà chúng tôi cũng không thể cùng sánh bước, quả là cay nghiệt quá.
    Tôi cố gắng dò xét một lần nữa:
    - Dũng không thể cố gắng được à?
    - Không thể được, Phương à. Ba Dũng mất, nhà Dũng như người cụt tay. Quê nghèo lắm, một mình má không thể tảo tần nuôi nổi gia đình, huống chi là lo cho Dũng trên này ăn học.
    - Vậy về dưới Dũng tiếp tục học chứ?
    - Hổng biết sao nữa. Mà có học cũng chỉ có lớp bổ túc văn hóa thôi Phương à.
    Tôi thở dài:
    - Vậy là buồn quá Dũng ha. Về dưới Dũng nhớ thường viết thư cho Phương và các bạn. Phương có ghi địa chỉ ở trong này. Dũng giữ lấy nhé, quà tặng của Phương đó - Tôi dúi cái xách tay vào tay Dũng bắt hắn phải cầm lấy. Chuyến xe thứ hai về miền Tây sắp sửa khởi hành, tôi cố gắng lấp hết khoảng không gian đầy mật ngọt:
    - Dũng cũng gan quá há. Ai cho Dũng viết vào lưu bút của Phương vậy? Tại Dũng đi đó, chứ nếu mà ở lại thì còn lâu Phương mới chơi với Dũng.
    - Thiệt không vậy? - Hắn mỉm cười.
    - Thiệt đó.
    Cả hai cùng cười. Lần đầu tiên tôi mới nhìn kỹ vào mắt Dũng. Mắt hắn trong vắt như pha lê, lặng lẽ như mùa phượng cuối. Thế mà đôi mắt ấy lại sớm vật lộn với đời. Ngày mai giữa chốn đường đời phức tạp sẽ đón thêm một "thành viên" mới. Có ai biết rằng thành viên ấy đã sống và trưởng thành từ tình thương của mẹ, của thầy cô và những tấm lòng của bạn bè. Ðể rồi ngày ra trường chưa kịp nhìn cánh phượng cuối cùng rơi, bạn bè chưa kịp nói với nhau lời từ biệt... Dũng ơi, có lẽ chúng mình sẽ gặp lại nhau, dù nơi đó không phải là cổng trường thời đi học nhưng nó cũng sẽ có đủ những tiếng ve, những cánh phượng, những kỷ niệm của một thiên đường đầy ắp những tinh nghịch vui tươi...
    Tôi ngước mặt nhìn Dũng. Dũng lặng im, mắt nhìn vào một phương trời xa vợi. Chắc Dũng đang liên tưởng đến tương lai của mình. Một tương lai nhỏ bé không định hướng giữa khoảng trời mênh mông ***g lộng. Nước mắt vô tình tròn lăn trên má. Tôi lại nhìn Dũng, lần đầu tiên, chợt hiểu rằng: Con trai cũng biết khóc...
    Hết

Chia sẻ trang này