Tuyển ôi chắc rằng có rất ít người thuộc thế hệ chúng ta biết bài thơ này. Không thường xuyên theo dõi sự xuất hiện của các tập thơ hiện đại và cũng không tìm mua tập thơ nào của nhà thơ này nên tôi không biết về sau nó đã được in trong tập thơ nào hay chưa. Chỉ do tò mò, tôi thấy bài thơ này trong đoạn cuối cuốn sổ thơ thời đi học của mẹ tôi, và biết tác giả của nó là Hoàng Nhuận Cầm. Hẳn bạn cũng từng đọc qua một số tác phẩm rất hay viết cho thời sinh viên của nhà thơ này như Nhớ về trường cũ (sau in và sửa thành Chiếc lá đầu tiên) hay Xúc xắc mùa thu. Còn bài thơ này, mẹ tôi kể rằng, mẹ tôi có nó là do truyền nhau chép tay trong thời gian học ở trường Tổng Hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Hồi đó, bác Cầm học trên mẹ tôi vài khóa, sau khi đi bộ đội về tiếp tục học ở Khoa Văn trường Tổng Hợp, thường xuất hiện với chiếc quần lính quét đất và chiếc điếu cầm tay. Thời đó mẹ tôi học cùng rất nhiều người nổi tiếng sau này như nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và nhà thơ Lưu Khánh Thơ - em gái cố nhà thơ Lưu Quang Vũ. Mẹ tôi là bạn của cô người yêu bác Cầm trong trường đại học nên biết rất nhiều giai thoại về bác và cách sống ngẫu hứng của những con người theo nghiệp thơ ca. Nhưng điều tôi muốn nói là bài thơ mà hồi đó chưa được in trong tập thơ nào - bài thơ có một sức truyền cảm kì lạ với những người đã, đang và sẽ đi qua cái thời hai mươi tuổi: Ngay khi mình hai mươi tuổi Ngay khi mình hai mươi tuổi - Thời gian Mảnh vườn Tagor trăng non mới mọc Cỏ đã bên trời xanh mắt Nguyễn Du Đá ven biển đã vọng phu đứng ngóng Câu hát âm thầm vót tím ngọn tầm vông Ngay khi mình hai mươi tuổi - Dòng sông Nước trong vắt mùa thu chim sẻ hót Nước chua xót cửa Tiền năm giặc đốt Máu loang thơ Đồ Chiểu đến tay mình Ngay khi mình hai mươi tuổi - Bình minh Má đã sống bạc đầu đêm Côn Đảo Em đã đứng ba nghìn ngày địa đạo Áp má vào uống nắng lỗ thông hơi Ngay khi mình hai mươi tuổi - Đất ơi Cờ giải phóng đã đỏ trời lục bát Mũi Cà Mau phập phồng mây trắng hát Cuốc cày người vỡ đất, vỡ giọng tôi Ngay khi mình hai mươi tuổi - Thơ ơi Dân ca đã mặn mòi muôn sóng bể Tứ thơ nằm thăm thẳm lối Trường Sơn Ngay khi mình hai mươi tuổi - Trăng non So với thời gian - ta đã chậm mất rồi. (Thơ chưa in, 23 - 5 - 1978) Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm Cái hay của bài thơ là ở chỗ, mỗi truyền thống, mỗi phẩm chất của con người Việt Nam được đề cao mà không hề gượng ép, sáo mòn, không có chất tuyên truyền giáo dục như trong nhiều bài thơ khác cùng thời. Người ta cảm nhận được một cách tự nhiên cái hồn của những người Việt trẻ nhiều mơ ước và khát khao sống tốt, về sự day dứt của nhà thơ lúc ấy hẳn cũng còn trẻ về những điều mình chưa làm được. Ngôn ngữ trong sáng, giàu chất thơ, rất gợi hình và đầy biểu cảm với những mảnh vườn Tagor, nước cửa Tiền, dân ca, vọng phu và cả những ngọn tầm vông nữa. Mỗi khổ thơ lại vẽ lên những hình ảnh mới, rất tự nhiên mà vẫn đầy sức nặng, tạo nên hình ảnh một đất nước giàu truyền thống văn hóa - lịch sử và những tâm hồn người khao khát sống và yêu. Họ chiến đấu để được yêu, được cuốc cày, được hát dân ca dọc dãy Trường Sơn chạy theo suốt chiều dài đất nước. Hai nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và Nguyễn Trọng Tạo thời trẻ. Rồi ngẫm lại mình hôm nay, vừa đi qua cái thời hai mươi tuổi nhưng cũng không phải đã quá xa, tôi sợ mình cũng đã bỏ phí mất quá nhiều thời gian cho những điều không thật cần thiết, với chính bản thân mình và với những người xung quanh. Đôi khi tôi quên mất mình cần phải làm gì, đôi khi những cuộc vui vô bổ níu lấy chân mình và lúc nào đó trên đường mình đi, chợt nhận ra mình đang đi lạc? Dường như là vậy, có đôi khi trong chúng ta, ai cũng một lần cảm thấy: ?oSo với thời gian - ta đã chậm mất rồi?. Tôi muốn sống khác đi, bớt phí hoài những ngày tháng tuổi xuân sau khi đọc bài thơ này. Còn về tác giả của bài thơ, hẳn bạn cũng đã đọc những lời nhận xét đầy ưu ái này. Nó được trích trong cuốn Nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc ?oMãi mãi tuổi hai mươi?. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là bạn cùng học với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: ? Kể cũng lạ, ở nó (Hoàng Nhuận Cầm - NV) có gì đáng học đâu, ngoài những ý sáng tạo trong thơ. Cách sống của nó hơi ngang tàng và thiếu nghiêm túc. Nhưng vì sao nó nắm bắt mạch thơ đúng thế. Tưởng như lời nào của nó cũng là thơ?. Điều mà chúng ta nghĩ nhưng khó diễn đạt thành lời chính là như vậy, chỉ một số ít người nắm bắt được, vẽ nên được, để dành tặng cho đời những vần thơ tinh túy. Nguồn: Nguyên Thảo- SHNpost.com