1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Ứng dụng thuyết âm dương để đặt giả thuyết về vật lý lượng tử và vật lý vũ trụ (phần 11)

Chủ đề trong 'Vật lý học' bởi tuonghoangnam4488, 05/01/2015.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. tuonghoangnam4488

    tuonghoangnam4488 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    10/12/2014
    Bài viết:
    68
    Đã được thích:
    12
    Mình xin gửi tới các bạn phần tiếp theo của thuyết Ma trận vũ trụ. Rất cảm ơn vì đã đọc nghiên cứu của mình.

    5.6. Làm chủ tâm lý
    Trong cuộc sống này có lẽ không có ai là chưa từng trải qua những rắc rối nội tâm và những rắc rối tâm lý này thực sự là vấn đề rất nan giải. Một tâm lý thoải mái, thư thái sẽ giúp chúng ta cảm thấy cuộc sống trọn vẹn và làm việc hiệu quả hơn. Tâm trạng không tốt gây ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ và hành vi của bạn, có thể khiến bạn có những nhận định và quyết định sai lầm. Tâm phải sáng thì trí mới thông. Khả năng tự bình ổn cảm xúc và thông suốt tâm trí là rất quan trọng trong nhịp sống ngày nay, bởi thế mà khoa học khẳng định chỉ số xúc cảm EQ còn quan trọng hơn chỉ số thông minh IQ. Bên cạnh đó, lịch sử y học ghi nhận nhiều bằng chứng cho thấy suy nghĩ tích cực có liên quan đến khả năng phục hồi sức khỏe. Trạng thái tâm lý tốt có thể làm các vết thương phục hồi nhanh hơn, thậm chí chữa khỏi cả bệnh nan y. Trạng thái tâm lý tồi tệ thì có tác dụng ngược lại. Thống kê cho thấy tỉ lệ tử vong cao nhất đều là các bệnh có liên quan đến tâm lý như tim, cao huyết áp, ung thư.

    Nếu cơ thể không được nuôi dưỡng chăm lo đầy đủ thì nó sẽ yếu ớt, sinh bệnh. Những căn bệnh của thể xác tuy nhiều nhưng ngoại trừ những chứng nan y thì với sự phát triển của y học ngày nay, hầu hết các bệnh đều có thể chữa được. Tâm lý con người cũng đầy bệnh tật nhưng lại rất khó chữa trị. Tâm lý của bạn là sản phẩm của hoạt động não bộ hay là do một cơ thể tinh thần nào đó tạo ra không phải là vấn đề quan trọng. Câu hỏi quan trọng cần phải trả lời ở đây là hoạt động trong tâm trí bạn có tuân theo một nguyên tắc chung nào đó hay không. Y học đã giúp chúng ta biết được các bộ phận và chức năng của từng cơ quan trong thể xác cũng như những nguyên tắc chung của hoạt động thể chất, từ đó giúp chúng ta biết được các nguyên nhân gây ra những căn bệnh ở thể xác và đề ra những phương pháp hữu hiệu để chữa trị chúng. Với một sự hiểu biết vừa phải về thể xác mình, mỗi người có thể tự biết cách chăm sóc, phòng ngừa cũng như tự chữa trị những căn bệnh phổ biến ở thể xác. Tuy nhiên, đối với vấn đề tâm lý, chúng ta không biết phải bám vào đâu để chữa trị hiệu quả các căn bệnh bên trong nội tâm. Ý tưởng về việc xây dựng một cấu trúc tinh thần để từ đó mỗi cá nhân có thể tự làm chủ tâm lý của mình đã từng xuất hiện nhưng đã không thành công. Các cơ quan nội tạng của thể xác thì có thể quan sát và đánh giá nhưng tâm trí thì là một thế giới hỗn độn rất khó quan sát. Thế giới nội tâm là một thế giới phức tạp, luôn luôn biến động dữ dội, mang tính chất ảo, tức là phi vật chất, không thể cầm nắm hay tác động được. Việc chữa trị các chứng bệnh tâm lý thông qua thể xác gặp rất nhiều hạn chế. Tinh thần của thuyết Ma trận vũ trụ đó là vật chất hóa toàn bộ mọi thứ, kể cả những thứ ảo như tâm lý. Điều này sẽ giúp hợp nhất giữa duy tâm và duy vật. Tâm lý của con người cũng mang tính vật chất, do đó những biến đổi tâm lý nhất định cũng tuân theo những nguyên tắc vật lý giống với thế giới bên ngoài.

    Sự tồn tại và mối quan hệ tương sinh tương khắc của các cặp đối lập xuất hiện trong tất cả các sự vật hiện tượng của vũ trụ. Tâm trí con người dẫu có phức tạp đến đâu thì chắc chắn cách thức hoạt động của nó cũng phải tuân theo nguyên lý âm dương. Chúng ta có thể chia tâm trí ra làm hai phần đó là bản năng và ý thức. Bản năng tạo ra cá tính, những thói quen, những phản xạ trong tâm lý, tình cảm. “Non sông dễ đổi, bản tính khó rời.” Tâm tính và thói quen của bạn đều mang đặc điểm chung là cứng nhắc, khó thay đổi. Cho dù ở trong hoàn cảnh nào thì cá tính cũng chẳng bao giờ đổi khác được. Ý thức thu nhận tất cả các dữ liệu do các giác quan của bạn mang lại. Ngược lại với bản năng, ý thức mang tính linh hoạt theo hoàn cảnh. Phần ý thức của bạn hoạt động không khác gì cái máy tính, liên tục xử lý thông tin, giải các bài toán. Kết quả của các bài toán sau đó sẽ được truyền xuống phần bản năng. Mắt bạn sở dĩ phân biệt được các sự vật hiện tượng khác nhau ở cùng một nơi đó là bởi các sự vật hiện tượng đó tạo ra cho bạn những phản ứng cảm xúc khác nhau trong bản năng. Nếu như phần ý thức mang lại một hình ảnh thì phần bản năng sẽ tạo ra ý nghĩa cho hình ảnh đó. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Những câu thành ngữ như thế này thể hiện rõ điều đó. Khi bạn đang u sầu vì chuyện gì đó, mọi thứ trước mắt bạn dường như trở nên vô hình. Sự phân biệt giữa các sự vật xung quanh là không lớn. Nếu bạn là một người đàn ông mang tính nghệ sĩ và bạn chợt trông thấy một cô gái đẹp giữa đám đông thì ngay lập tức đám đông kia trở thành con số không, trở thành nền của bức tranh, còn cô gái kia trở thành con số một, trở thành hình ảnh duy nhất bên trong bức tranh đó.

    Đặt giả thuyết thông qua nguyên lý âm dương đã cho ta thấy hai loại lượng tử nhỏ nhất cấu thành nên tất cả mọi thứ trong vũ trụ đó là vật chất động và vật chất tĩnh. Cặp đối lập động/tĩnh là cặp đối lập cơ bản nhất mà tất cả các cặp đối lập khác chỉ là phái sinh của nó. Động là sự di chuyển, sự thay đổi; tĩnh là sự đứng yên, sự cố định. Trong tâm trí con người, phần bản năng mang tính tĩnh còn phần ý thức mang tính động. Tính động luôn nhiều hơn tính tĩnh trong vũ trụ do đó sự chuyển động, thay đổi và chuyển hóa liên tục chính là nền tảng của sự sống. Sự chuyển động diễn ra không ngừng trong nội tâm bạn, trong thể xác bạn và thế giới xung quanh. Cả tâm trí lẫn thể xác bạn đều bị trôi theo các dòng chảy chuyển động của vũ trụ. Phần ý thức mang tính động, tính linh hoạt cho nên nó luôn thay đổi cùng nhịp với sự chuyển động của vũ trụ. Phần bản năng mang tính tĩnh, tính cứng nhắc cho nên nó không theo nhịp chuyển động của vũ trụ. Thói quen và tính cách của một người có thể bị biến đổi nhưng phải sau một khoảng thời gian, có khi rất dài chứ không thể ngay lập tức. Có những cái ở bản năng không bao giờ thay đổi được. Sự thay đổi của phần bản năng luôn luôn lệch nhịp với sự thay đổi của thế giới xung quanh. Chính sự lệch nhịp này tạo ra cảm giác đang tồn tại của bạn. Hãy tưởng tượng nếu tâm trí bạn chỉ có mỗi phần ý thức mà không có phần bản năng thì bạn sẽ chẳng khác gì một cái máy, một đồ vật, không hề nhận thấy sự tồn tại của bản thân. Nó cũng giống như việc chúng ta không hề có cảm giác Trái Đất đang chuyển động do chúng ta đang đứng trên bề mặt Trái Đất nhưng thực ra hành tinh này luôn tự quay xung quanh trục của nó.

    Chúng ta giống hệt nhau ở phần ý thức nhưng khác biệt nhau ở phần bản năng. Mắt tôi và mắt bạn có thể thấy cùng một hiện tượng đang xảy ra nhưng phản ứng của tôi và bạn đối với hiện tượng đó lại khác nhau. Ý nghĩa của hiện tượng đó đối với tôi và bạn sẽ khác nhau. Tôi có thể coi hiện tượng mà cả hai chúng ta cùng nhìn thấy đó là bằng chứng cho một niềm tin nào đó của tôi, nhưng có thể bạn thì không. Nếu chúng ta có tính cách đối lập nhau hay trải qua những hoàn cảnh ngược hẳn với nhau thì khi đàm luận về một việc nào đó, chúng ta thường có quan điểm trái chiều nhau, có thể dẫn đến cãi vã và xung đột. Những trải nghiệm trong cuộc sống tạo ra những logic trong tâm trí bạn. Niềm tin vào sự chặt chẽ của logic toán học đã khiến tâm trí của bạn hình thành một phản xạ có điều kiện là suy diễn sự việc ngay khi nhìn thấy một dấu hiệu nào đó và những động thái của bạn tuân theo sự suy diễn này. Mối liên quan logic giữa mọi thứ chẳng qua chỉ là sự cộng hưởng giữa các sự kiện trong vũ trụ. Sự cộng hưởng này lúc mạnh, lúc yếu, lúc có, lúc không. Số Omega cũng như những bằng chứng khác về sự tương đối của logic toán học cũng cho thấy nếu dựa vào sự suy diễn một chiều của logic mà đề ra hành động thì sẽ dẫn tới nhiều hậu quả xấu. Một sự việc nếu nhìn ở nhiều góc độ khác nhau sẽ thấy những điều khác nhau. Khi một sự kiện xảy ra, nếu tâm lý bạn lạc quan thì sẽ nhìn theo chiều hướng tích cực của logic, nếu tâm lý bạn bi quan thì sẽ nhìn theo chiều hướng tiêu cực của logic. Những nhìn nhận, đánh giá của bạn về thế giới chủ yếu là từ những phản ứng cảm xúc ở phần bản năng của bạn. Bạn sẽ thấy những thứ bạn tin là tồn tại, không thấy những thứ bạn không tin. Do logic có nhiều chiều hướng và chỉ đúng một cách tương đối cho nên chúng ta cần từ bỏ thói quen coi tất cả những gì mà giác quan thu nhận vào như là thông tin mà hãy chỉ coi chúng là dữ liệu chưa được xử lý. Khi đó, những động thái của bạn sẽ không tới từ thói quen, tính cách, cảm xúc hay tất cả mọi thứ ở bản năng nữa mà sẽ tới từ ý thức. Như đã nói về tư duy quan sát ở phần 5.5, bằng việc tâm niệm trong đầu là logic chỉ đúng tương đối và bác bỏ mọi sự suy diễn trong tâm trí, bộ óc sẽ tắt hệ thống logic của bạn và tự động thử nghiệm các chuỗi logic khác nhau cho đến khi tìm ra một cách suy diễn không có chút mâu thuẫn nào, tạo cảm giác chắc chắn cho hành động tiếp theo của bạn. Đôi khi, bộ óc cho ra kết quả ngay lập tức mà ta thường gọi hiện tượng này là trực giác. Đôi khi, phải mất một khoảng thời gian chừng vài phút. Hành động dựa vào quan điểm cá nhân không thay đổi, mang tính phản xạ theo dòng cảm xúc và suy diễn logic trong tâm trí, thường theo một kế hoạch đã được lập trình sẵn là phong cách sống nhanh. Hành động một cách thận trọng, không theo quan điểm, không tin tưởng tuyệt đối vào logic, mang tính thử nghiệm và quan sát, chú ý tới từng bước đi nhỏ chứ không theo kế hoạch chính là phong cách sống chậm. Biến cố, dù là nhỏ hay to, luôn xảy ra trong tất cả mọi mặt của đời sống và có vẻ như những chuỗi biến cố sẽ chẳng bao giờ kết thúc cho đến tận ngày bạn nhắm mắt xuôi tay. Cuộc sống của bạn giống như là một cuộc chiến trường kỳ chống chọi với những biến cố này vậy. Đánh chậm thắng chắc sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua những biến cố, giữ được tâm lý tốt để hưởng thụ cuộc sống và luôn cảm thấy trọn vẹn với tất cả mọi sự kiện bạn trải qua trong cuộc đời. Đánh nhanh thắng nhanh dễ đẩy bạn đến sự thiếu minh mẫn, hoảng loạn, căng thẳng thần kinh và nhạy cảm hơn với mọi điều, thấy mệt mỏi, gục ngã trước những biến cố, thường có cảm giác hối tiếc về các quyết định trong quá khứ.

    Bản năng của bạn mang tính tĩnh còn ý thức của bạn mang tính động cho nên bản năng thường chủ động và ý thức thường bị động. Khi đứng trên mặt đất vững trãi và các sự vật xung quanh đều đứng yên, cố định thì bạn sẽ có cảm giác chủ động. Ngược lại, khi đang bám trên một khúc gỗ bị trôi theo dòng nước lũ, bạn sẽ có cảm giác yếu đuối, bất lực, bị động. Bản năng mang tính khác biệt, phân biệt cho nên những động thái đến từ bản năng tạo ra sự đa dạng cho cuộc sống loài người. Ý thức là giống nhau với bất cứ ai, mang tính không phân biệt cho nên những động thái đến từ ý thức tạo ra sự hài hòa cho cuộc sống loài người. Vì bản năng chủ động hơn ý thức nên mọi động thái của con người tới từ bản năng là chủ yếu. Trong cuộc sống ngày nay khi mà bạn luôn phải giao tiếp và làm việc theo nhóm có thể là với những người có tính cách trái ngược với bạn mà nếu chỉ hành động từ bản năng sẽ khiến bạn cảm thấy như bị hành hạ vậy. Nguyên tắc để làm chủ tâm lý ở đây là làm sao để khiến bản năng trở nên bị động hơn và phần ý thức trở nên chủ động hơn trong những hoàn cảnh khó khăn. Hãy nhìn vào biểu tượng vòng tròn âm dương. Đó là hình ảnh hai con cá mang tính chất trái ngược nhau hoàn toàn đang bơi quấn quýt bên nhau. Trong mắt của con cá này luôn có hình bóng của con cá kia biểu hiện cho tình yêu mãnh liệt giữa chúng. Trong âm phải có dương, trong dương phải có âm sẽ dẫn tới tương sinh. Nếu hai con cá này nhắm tịt mắt lại, không nhìn nhận nhau thì tức là âm và dương chỉ đặt cạnh nhau chứ không gắn kết. Trong âm không có dương, trong dương không có âm sẽ dẫn tới tương khắc. Bản năng và ý thức của phần lớn chúng ta không gắn kết với nhau nên thường dẫn đến sự tương khắc, mâu thuẫn giữa cảm xúc và lý trí. Trong nhiều hoàn cảnh, bạn bị buộc phải cố kìm cảm xúc của bạn lại, nén cá tính của bạn xuống để hành động theo lý trí. Nhưng bản năng phản kháng lại dữ dội do nó mang tính chủ động hơn, tác động làm cho lý trí của bạn bị hỗn loạn, không thể thông suốt. Nếu làm cho bản năng và ý thức gắn kết chặt chẽ sẽ giúp chúng tương sinh với nhau. Phần ý thức sẽ giúp bạn nhanh chóng tạo lập được những thói quen tốt, phù hợp với hoàn cảnh sống. Những cá tính ở bản năng sẽ giúp ý thức xác định được con đường để khiến cho những tinh hoa của bạn được bộc lộ mạnh mẽ nhất. Không có công việc gì bạn dở cả mà bạn phải tìm ra con đường của riêng bạn để làm công việc đó thì mới phát huy được tối đa khả năng, đạt được kết quả như ý. Tư duy quan sát như tôi đã nói ở phần 5.5 chính là cách để khiến ý thức chủ động hơn, hỗ trợ cho bản năng của bạn. Bạn chỉ cần luôn tâm niệm rằng logic chỉ đúng một cách tương đối để ngăn chặn sự suy diễn vội vàng theo thói quen trong tâm trí. Lao động chân tay cần sự tập trung nhưng lao động trí óc không được tập trung. Nếu quá tập trung vào một vấn đề sẽ khiến bạn sao nhãng những vấn đề quan trọng khác. Nếu tâm trí bị thu hút quá mức vào một vấn đề thì phải đánh lạc hướng tâm trí bạn bằng cách chuyển sự tập trung sang một cái gì đó khác. Luôn chú ý tới hành động tiếp theo chứ không phải kế hoạch. Khi xử lý một vấn đề nào đó, đừng đặt câu hỏi “Làm sao để giải quyết vấn đề này?” mà hãy đặt câu hỏi “Phải dùng công cụ gì hay có những hướng tiếp cận nào để giải quyết vấn đề này?” Đây là một câu lệnh giúp bộ óc bạn ở trạng thái tư duy quan sát. Thời gian đầu khi chưa quen với tư duy quan sát, bạn có thể sử dụng công cụ sơ đồ tư duy để hỗ trợ bộ óc. Hãy phân biệt với sơ đồ tư duy sử dụng trong học tập, ghi nhớ kiến thức. Sơ đồ tư duy trong ghi nhớ kiến thức thường dài hơn, là sự liệt kê một cách có thứ tự trong không gian những cái có sẵn trong óc bạn. Sơ đồ tư duy trong sáng tạo giải quyết vấn đề thường ngắn gọn, gợi mở một hướng mới để quan sát lấy thêm thông tin, một hướng đi cho hành động tiếp theo. Nhiều người lầm tưởng sơ đồ tư duy là hỗ trợ cho suy diễn, phân tích nhưng thực ra không phải. Sơ đồ tư duy không phải để giúp bạn trả lời câu hỏi và liệt kê ra những logic đã tồn tại mà là giúp bạn tìm ra câu hỏi có câu trả lời, tìm ra những logic chưa tồn tại, thấy được những kẽ hở để bạn lách qua đó mà thoát khỏi thế bế tắc. Nó sẽ giúp bạn biến điều không thể thành có thể.

    Do phần ý thức luôn thay đổi cùng nhịp với sự thay đổi của vũ trụ cho nên nếu tâm trí bạn tập trung ở phần ý thức, bạn sẽ có cảm giác không tồn tại. Các đệ tử Phật gia luôn luôn cố gắng hạn chế sự chủ động của phần bản năng và nâng cao sự chủ động của phần ý thức để đạt được trạng thái hư vô trong tâm trí. Khi phần ý thức nắm thế chủ động hơn, không còn bị chi phối quá nhiều bởi phần bản năng nữa thì nó sẽ hoạt động tốt hơn. Trong cuộc sống, có quá nhiều thứ lôi kéo tâm trí chúng ta, khiến chúng ta phải tập trung vào chúng và coi chúng như những vấn đề cần giải quyết. Phần bản năng của bạn luôn nắm thế chủ động khiến phần ý thức không hoạt động hiệu quả, từ đó khiến tâm trí bạn luôn loanh quanh không tìm ra lối thoát, không nhìn thấy đâu là cốt lõi của mọi việc. Các vị thiền sư phải lui tới những chốn thanh tĩnh, tách bạch hẳn với thế giới xô bồ bên ngoài để luyện tập thiền định, làm rỗng tâm trí. Với cái tâm giũ bỏ hết mọi thứ, bản năng của họ không còn bị lôi kéo vào vấn đề gì nữa, phần ý thức hoạt động một cách tự do, giúp các thiền sư nhìn ra được những điều cốt lõi trong cuộc sống, xác định được đâu là vấn đề thực sự cần giải quyết và đâu là những vấn đề không thực tế. Chúng ta vẫn gọi đây là sự thức tỉnh hay giác ngộ. Tất nhiên, mức độ ngộ thức của mỗi giác giả là khác nhau. Với việc chuyển từ tư duy phân tích thành tư duy quan sát, bạn mang lại sự chủ động hơn cho phần ý thức mà không cần phải tách khỏi thế giới bên ngoài. Tâm lý của bạn sẽ luôn hài hòa với hoàn cảnh, cân bằng hơn và không bị ảnh hưởng bởi tâm lý xấu của người khác.

    Ở phần 5.4, bạn đã được biết sơ qua về lý thuyết ba cơ thể của con người. Ngoài thể xác, con người có những thể khác hay không thì hiện nay chúng ta không có cơ sở để khẳng định. Tuy nhiên, lý thuyết này gợi ý cho chúng ta một điều đó là tâm lý của con người cũng cần có sự trao đổi chất giống như thể xác vậy. Thể xác cần ăn, tâm trí cũng cần ăn. Thể xác cần thở, tâm trí cũng cần thở. Nếu thể xác không được ăn uống nghỉ ngơi một cách điều độ, nó sẽ yếu đi, chết dần chết mòn. Nếu thể xác bị tiếp xúc với môi trường thiếu vệ sinh, nhiều vi khuẩn, nó sẽ sinh bệnh. Tâm lý của chúng ta có lẽ cũng cần được chăm sóc cẩn thận như thể xác vậy. Trong ấn tượng của con người, tâm lý là cái gì đó ảo, chỉ là kết quả của những hoạt động ở thể xác và thế giới vật chất bên ngoài. Những được và mất liên quan đến vật chất luôn được đề cao hơn được và mất ở thế giới tinh thần. Do coi tâm lý chỉ là thứ ảo, con người chỉ để tâm đến sự sinh tồn về mặt thể xác chứ không nghĩ tới sự sinh tồn về mặt tâm lý. Tâm trạng u uất, trầm cảm, thường xuyên chán nản, sự mất bình tĩnh, mất cân bằng, dễ hoảng sợ, nhạy cảm quá với mọi mất mát hay những điều không vừa ý chính là những biểu hiện của sự suy yếu trong cơ thể tinh thần. Sự suy yếu này trong tinh thần con người có thể gây ra rất nhiều hậu quả tồi tệ ở thể xác cũng như cuộc sống vật chất của bạn. Tâm lý tốt có khả năng phục hồi sức khỏe một cách kỳ diệu, tâm lý xấu có thể giết chết một người. Năm 1982 ở Mỹ, có hai người bị đau dạ dày cùng đi khám tại một bệnh viện. Một trong hai người bị ung thư dạ dày, người còn lại thì là u lành, tuy nhiên bác sĩ trong lúc vội lại ghi nhầm bệnh án của người này với người kia. Sau đó nửa năm, người vốn bị ung thư sống rất vui vẻ, không lo nghĩ nên bệnh đã lành chỉ sau một thời gian điều trị, còn người vốn không bệnh nhưng vì lo buồn nên u lành chuyển thành u ác và qua đời.

    Để hiểu rõ hơn cách thức tác động của tâm lý tới thể xác, chúng ta hãy đến với những thí nghiệm của hai nhà khoa học là giáo sư Korotkova người Nga và giáo sư Emoto Masaru người Nhật Bản. Hai vị giáo sư này đã tiến hành những thí nghiệm tương tự nhau về nước và thu được kết quả giống nhau. Một nhóm người được yêu cầu truyền những cảm xúc tích cực như tình yêu, đam mê, biết ơn và những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, hận thù, giận dữ vào cốc nước trước mặt. Nước trong những chiếc cốc được đem đi làm đóng băng rồi phân tích. Các cấu trúc tinh thể của chúng thay đổi khác nhau với những cảm xúc khác nhau được truyền vào. Nước từ suy nghĩ tích cực được đem đi bón cây thực sự làm tăng năng suất cây trồng. Xin hãy lên mạng tìm đọc bài “Thông điệp từ nước” viết về nghiên cứu của giáo sư Emoto Masaru với rất nhiều hình ảnh tinh thể nước để hiểu kỹ hơn về công trình khoa học rất quan trọng với nhân loại này. Những công trình nghiên cứu trên đã cho thấy nước luôn có phản ứng tương thích với trạng thái tâm lý của bạn. Vì nước chiếm tới 75% thành phần cấu tạo nên thể xác của bạn nên chắc chắn nước đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi sức khỏe. Trạng thái tâm lý tốt khiến tinh thể nước rất cân đối, làm thể xác bạn khỏe khoắn và có khả năng phục hồi nhanh chóng hơn khi bị bệnh. Trạng thái tâm lý tiêu cực làm tinh thể nước trở nên méo mó, khiến cơ thể sinh bệnh nhiều hơn và nếu bị bệnh sẵn thì tình trạng có thể tồi tệ hơn. Nước có cấu trúc tinh thể cân đối là nước không ô nhiễm còn nước có cấu trúc tinh thể dị dạng méo mó là nước bị ô nhiễm. Nước là khởi nguồn của sự sống cho nên nó sẽ giúp tái tạo lại cơ thể bạn. Nếu nước trong cơ thể mà bị ô nhiễm thì khả năng sản sinh, tái tạo của nước sẽ mất đi, chưa kể còn gây hủy hoại nghiêm trọng hơn. Như vậy, tâm lý, tinh thần của bạn mà bị ô nhiễm thì nhất định sẽ làm ô nhiễm nước trong cơ thể bạn, khiến bệnh tật sinh ra.

    Nếu lý thuyết về ba cơ thể của con người là đúng thì từ trước tới nay, loài người chúng ta chỉ biết chăm chút cho thể xác mà không có chút ý thức nào chăm lo cho cơ thể của tinh thần trí tuệ (thể trí) và cơ thể của tâm hồn (thể vía) khiến chúng luôn ở trạng thái yếu ớt, suy kiệt. Để có cuộc sống cân bằng, hạnh phúc ở bất cứ hoàn cảnh nào, bạn chỉ cần đảm bảo cả ba cơ thể luôn ở trạng thái khỏe khoắn. Thể trí có thể coi là thể của khoa học. Những sự học hỏi, quan sát, khám phá và chiêm nghiệm liên tục sẽ giúp thể trí luôn tráng kiện. Thể vía có thể coi là thể của nghệ thuật. Những mơ mộng, sáng tạo, đổi mới trong hoạt động sống và giao lưu tích cực về mặt tâm hồn sẽ giúp thể vía luôn khỏe mạnh. Thêm một bằng chứng nữa nâng cao khả năng tồn tại của thể trí và thể vía đó là hiện tượng những người mất hết não mà vẫn sống và làm việc như người bình thường, thậm chí có người còn có chỉ số IQ cỡ 120 trở lên. Trong lịch sử, có hàng trăm trường hợp người có hộp sọ rỗng không mà vẫn sống đã được y học ghi nhận. Đó là một trong những hiện tượng bí ẩn mà khoa học vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng. Từ trước tới nay, não bộ được coi là trung tâm của nhận thức, điều khiển toàn bộ thể xác. Trường hợp người không có não hay mất não mà vẫn sống chứng tỏ rằng bộ não không phải là hệ thống điều khiển duy nhất mà tồn tại một hệ thống khác nữa. Có lẽ hệ thống đó chính là thể trí của con người. Những điều trên cho thấy chính tâm trí mới là cái kiến tạo ra mọi thứ và những điều diễn ra ở thể xác và thế giới vật chất chỉ là kết quả từ hoạt động của tâm trí. Do đó, sự sinh tồn ở tâm trí nên được coi trọng nhiều hơn. Hạnh phúc tại tâm, những sự đầu tư của bạn nên hướng một cách cân bằng vào môi trường tinh thần và môi trường vật chất. Suy cho cùng, bạn đầu tư vào những lợi ích vật chất thì cũng chính là để phục vụ cho những lợi ích về mặt tinh thần mà thôi.

Chia sẻ trang này