1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

V? làng Gang xem chèo

Chủ đề trong 'Sở thích' bởi ATC, 15/04/2001.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ATC

    ATC Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    18/03/2001
    Bài viết:
    6.452
    Đã được thích:
    0
    V? làng Gang xem chèo


    Tuy không phải là cái nôi của nghệ thuật chèo, nhưng người làng Gang (Thái Thụy, Thái Bình) rất ham hát chèo và thời nào cũng có những nghệ nhân hát chèo. Sau một thời gian gián đoạn, gần đây, gánh chèo làng Gang đã được khôi phục, giúp người dân vừa được tham gia sáng tạo vừa được hưởng thụ các giá trị nghệ thuật truyền thống.

    Về làng xem chèo. Cái cảm xúc mãnh liệt ấy khiến tôi gác lại công việc để vượt hơn 150 cây số từ Hà Nội về đất Thái Bình xem chèo. Nói chính xác thì tôi về xem chèo ở làng Gang mới đúng. Đó là một làng văn hóa của xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy.

    Ông trưởng thôn Ngô Hữu Mùi nói với chúng tôi: Tuy không phải là một trong những cái nôi của bộ môn nghệ thuật chèo như làng Nguyễn, làng Khuốc bên huyện Đông Hưng, nhưng người làng Gang rất yêu chèo và say chèo. Làng Gang không có những nghệ nhân hát chèo nổi đình nổi đám, những cụ Trùm, những bà Cả... trong ngành chèo như một số làng bạn. Tuy vậy thời nào, làng cũng có những nghệ nhân hát chèo. Nhiều người không còn nữa nhưng tên tuổi của họ thì vẫn được tạc trong lòng nhân dân như: Trống Rụy - đàn Kỷ - sáo Chi - nhị Lục.

    Vẫn theo lời kể của ông Mùi, những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thời kỳ đỉnh điểm của nghề hát chèo làng Gang. Vẫn chỉ là những làn điệu chèo quen thuộc đã góp phần động viên cho phong trào "Thóc không thiếu một cân - Quân không thiếu một người" của xã Thụy Ninh những năm gian khó ấy.

    Thời kỳ đó, gánh chèo làng do ông Trần Rụy phụ trách. Ông là tay trống chèo cự phách. Dưới sự dẫn dắt của ông, gánh chèo Gang "vào trận" đánh giặc giữ nước bằng chính những tiếng trống chèo, bằng chính những làn điệu chèo cổ.

    Sau một thoáng trầm ngâm, trưởng thôn Ngô Hữu Mùi bộc bạch: "Từ ngày ông Rụy về trời thì cũng là lúc gánh chèo làng tôi tan tác. Không ai còn mặn mà với chèo nữa. Thế là...".

    Ông trưởng thôn bỏ lửng câu nói giữa chừng. Vậy nhưng, cái phần tâm sự của ông Mùi, cuối cùng tôi cũng hiểu được.

    Thì ra, gánh chèo Gang rã đám từ ngày chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Mười năm trời, làng Gang im bặt tiếng hát chèo. Những xiêm, những mũ; những áo mớ bảy mớ ba, những dải thắt lưng hoa lý của những Thiện Sĩ, những Trương Viên ngày đó tự nhiên mất dần. Mất đi tiếng hát thì nhiều tệ nạn của kinh tế thị trường cũng bắt đầu nảy nở, thâm nhập cuộc sống vốn bình yên của người làng Gang.

    "Làng phải bảo vệ cho được những giá trị truyền thống tốt đẹp của mình", ông giáo Tân bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

    Với quyết tâm của mình, ông giáo Tân và chính quyền, đoàn thể thôn quyết tâm vào cuộc: phục hồi lại gánh chèo làng. Quả thật, lúc đầu, ông giáo và những đồng sự của mình gặp không ít những trở ngại. Người ta dè bỉu, người ta úp mở đại loại như, ông giáo Tân là người "rửng mỡ", là người "vẽ chuyện". Thôi thì đủ lời đàm tiếu. Ông giáo Tân không giận họ, bởi ông nghĩ: ông chẳng thu vén lợi lộc gì cho mình cả. Cuối cùng thì mọi cố gắng, nỗ lực của ông giáo Tân cũng như chính quyền thôn cũng thành công gánh chèo làng đã hồi sinh! Cũng vẫn chỉ là những làn điệu chèo cổ từ các đời trước nhưng người làng Gang bỗng tìm thấy trong những câu chèo dân dã ấy một niềm vui trong cuộc sống thường nhật. Đêm đêm, trên những chiếu chèo, người dân làng Gang vừa được tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị nghệ thuật truyền thống.

    Sau cái cười đôn hậu, ông giáo Tân tâm sự: "Anh hỏi gánh chèo Gang chúng tôi lấy đâu kinh phí để hoạt động gần như cả năm ư? à, chuyện là thế này, ngoài nguồn kinh phí của xã cũng như của bà con trong làng ủng hộ theo cái nghĩa "của ít - tình nhiều", anh chị em chúng tôi tự bỏ tiền túi ra để có kinh phí hoạt động. Nói thật nhé, thiết bị của gánh chèo Gang giờ là niềm ao ước, thèm muốn của nhiều gánh chèo trong vùng cơ đấy.

    Tôi đặt câu hỏi: "Xin lỗi ông giáo, gánh chèo làng ta trang bị như vậy e rằng có phần tốn kém? Mà nghe nói, mỗi bận diễn trong làng, trong xã, gánh chèo Gang không bao giờ bán vé. Vậy, chỉ có chi mà không có thu thì sợ không lâu dài được" ông giáo Tân bảo: "Anh đừng vội cho là gánh chèo Gang chúng tôi chơi ngông. Nhưng sự thật thì, chúng tôi không sợ tốn kém. Hơn nữa, lưu giữ được bản sắc dân tộc thì sao gọi là lỗ được? Chúng tôi bỏ tiền túi ra để hoạt động cũng tức là cái cách mình lo cho mình, con cháu mình thôi". Ra là vậy. Tôi cúi đầu trước lời bộc bạch chân tình của ông giáo Tân.

    Vui chuyện, tôi nêu câu hỏi tiếp với ông giáo Tân: "Vậy chứ gánh chèo Gang khai thác nguồn kịch bản bằng những vở, những tích chèo cổ là chính, thưa ông?". Nhấp ngụm nước chè, ông giáo nói: "Bên cạnh những tích, những vở chèo cổ chúng tôi còn khai thác nguồn kịch bản từ những đề tài cận và đương đại. Qua mấy cuộc kháng chiến giữ làng, giữ nước, làng Gang là một trong những làng kháng chiến của đất Thụy Anh cũ, vì thế chúng tôi xây dựng những kịch bản dựa trên chất liệu lịch sử của làng, tái hiện lại qua những hoạt cảnh, những vở chèo ngắn. Chúng tôi giáo dục cho thế hệ trẻ của làng bài học truyền thống với tinh thần "Ăn quả nhớ người trồng cây".

    "Còn những vở chèo mang hơi thở đương đại, đề tài của nó là...?"- Ông giáo Tân cười hiền, đáp: ở làng thiếu gì đề tài để xây dựng những hình tượng sân khấu, hở anh? Nhìn đâu cũng thấy kịch. Cùng với việc xây dựng những hoạt cảnh, những vở ngắn nhằm phê phán những tệ nạn xã hội ở trong làng, ngoài xã, chúng tôi còn tập trung phát hiện, xây dựng những nhân tố mới nhằm cổ vũ, động viên những mô hình mạnh dạn biết làm giàu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo trong thôn, trong xã. Chất liệu cho những kịch bản ấy đều nóng hổi hơi thở cuộc sống.

    "Từ ngày hồi sinh, cái được của gánh chèo Gang chúng tôi là gì ư? - Khuôn mặt ông giáo Tân ánh lên những nét vui. - Được nhiều lắm, anh ạ. Lại nhớ cái hồi cơ chế kinh tế thị trường mới bung ra, ở làng tôi nảy nòi vô vàn những tệ nạn. Thuần phong mỹ tục của làng có nguy cơ mai một. Kể từ ngày gánh chèo hồi sinh, những hoạt cảnh, những vở diễn ngắn mà gánh chèo chúng tôi mang đến cho bà con lại phần nào cải hóa được những thói hư tật xấu. Và, tạo ra được một khí thế động viên phong trào xóa đói, giảm nghèo ở làng, ở xã. Vừa rồi, làng Gang chính thức được tỉnh công nhận là một làng văn hóa, như anh đã thấy!".

    Chia tay ông giáo Tân, tôi cứ nhớ câu nói của ông: "Còn Chèo, còn bản sắc dân tộc, là quê chúng tôi sẽ còn thịnh cường, thái bình. Và, nói thật, chúng tôi không bao giờ chịu khuất thân mang khuôn mặt của người khác đâu, cho dù chúng tôi có hội nhập để phát triển. Bởi, những câu chèo cổ đơn giản vậy thôi, thế nhưng, chúng lại là xương, là cốt trong thế giới tâm linh của người dân làng tôi, của người dân xã tôi".

    Tôi nhớ lắm câu nói ấy của ông giáo Tân như nhớ một tứ thơ hay vậy.

    Lê Vũ



    ATC

    éu?c s?a ch?a b?i - Admin on 08/05/2001 06:11:55

Chia sẻ trang này