1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Vài điều lưu ý về "nạp năng lượng" khi chơi quần vợt

Chủ đề trong 'Tennis' bởi khongtenso0, 18/04/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. khongtenso0

    khongtenso0 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/10/2004
    Bài viết:
    3.758
    Đã được thích:
    0
    Vài điều lưu ý về "nạp năng lượng" khi chơi quần vợt

    Ngạn ngữ có câu: "Vòng thắt lưng càng dài thì vòng đời càng ngắn". Béo phì, đặc biệt là béo bụng, luôn kèm theo các nguy cơ tử vong như các bệnh lý tim mạch, tai biến mạch máu não, tiểu đường, huyết áp... và thường làm giảm tuổi thọ cũng như giảm chất lượng cuộc sống. Hiểu được điều này, người ta đổ xô đi tập thể thao, trong đó có cả quần vợt, với hy vọng làm cuộc sống trở nên thú vị hơn. Ðiều đó tốt chứ sao!

    Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Có không ít những lời than vãn về chuyện vòng eo và trọng lượng cơ thể nghe được từ sân quần vợt. Rằng sao mà cứ càng chơi thì cân nặng càng tăng, vòng thắt lưng càng dài? Bởi thế nên mới nảy ra câu hỏi: "Người ta làm gì ở sân quần vợt?".

    Quần vợt là môn thể thao được xếp vào nhóm vận động nặng, tương tự như chạy tốc độ cao, leo núi, đua xe đạp... Một giờ chơi quần vợt liên tục, cơ thể sẽ tiêu hao hết 400 kcalo. Trên lý thuyết, cứ mỗi tuần cơ thể sẽ giảm được 0,4 kg và mỗi tháng giảm được gần 2 kg thể trọng, với điều kiện vẫn giữ nguyên chế độ ăn bình thường, thời gian đánh banh phải liên tục trên 30 phút mỗi lần, thời gian nghỉ giữa 2 lần chơi không quá 10 phút, chơi trên 1 giờ mỗi ngày và đủ 7 ngày trong tuần. Trong thực tế, mọi chuyện đâu có diễn ra như vậy.

    Nhiều người chọn chơi quần vợt vì đây là một môn thể thao được xếp vào hàng... quý tộc. Chuyện mặc bộ quần áo giày vớ trắng tinh, cầm vợt đi vào sân đôi khi có ý nghĩa quan trọng về mặt... khẳng định đẳng cấp xã hội hơn là ý nghĩa về mặt thể thao. Người ta có thể chọn nó mà quên rằng nó là một môn thể thao chỉ thích hợp cho những người có khả năng vận động mạnh. Khi vào sân, một số người chỉ có thể chơi liên tục được khoảng 10 -15 phút là thấm mệt, ra nghỉ, thời gian nghỉ kéo dài trên 30 phút. Như vậy, dù có mặt ở sân quần vợt 2 tiếng đồng hồ, nhưng thực chất họ chỉ chơi được 30 - 40 phút và thời gian chơi mỗi lần rất ngắn, chưa đủ làm các sợi cơ vận động tối đa và cơ thể phải huy động đến năng lượng dự trữ.

    Những người có thể vận động mạnh thích hợp với môn thể thao này và chơi đủ thời gian cần thiết vẫn có thể tăng cân khi chơi. Ðiều này thường do sự chủ quan, cho rằng mình vận động nặng như vậy khó mà tăng cân được, từ đó quên chú ý đến chế độ ăn hàng ngày. Không chỉ quần vợt, mà bất kỳ chơi môn thể thao nào cũng làm người ta cảm thấy cơ thể sảng khoái và ăn uống ngon lành hơn. Cộng với ý nghĩ chủ quan rằng mình là người có chơi thể thao, người ta sẽ dễ dàng ăn thêm nửa chén cơm trong bữa, vài chiếc bánh ngọt lúc nghỉ giữa giờ, tô bún hay dĩa bánh bèo trên đường đi làm về... Như vậy, tổng năng lượng hấp thu vào trong ngày cao hơn so với phần năng lượng tiêu hao khi chơi quần vợt, chuyện những con số trên cân và thước đo vòng eo lớn dần lên là điều không tránh khỏi.

    Sân quần vợt còn là nơi... hội tụ anh tài, tức là ở đó, bên cạnh đánh banh, người ta còn giao lưu với đồng nghiệp, bạn làm ăn, bạn thân, và cả... bạn nhậu. Ðánh quần vợt mà không cá độ thì... thiếu lửa, chơi không hăng hái, nên hầu như hội quần vợt nào cũng có chuyện ai thua thì làm nghĩa vụ thanh toán một chầu gì đó ở cuối buổi chơi. Một buổi chơi quần vợt trong 2 giờ liên tục với cường độ cao làm tiêu hao tối đa 800kcalo, trong khi số năng lượng này tương đương với chưa đầy 2 lon bia. Thế nhưng, ít khi người ta vận động được đến mức tối đa này và trong chầu chung độ, người ta lại thường uống nhiều hơn 2 lon bia, chưa nói đến các loại mồi để đưa cay, thứ nào mà không có năng lượng? Kết quả là sau mỗi buổi ra sân, cơ thể sẽ được nhận thêm một ít năng lượng sau khi đã trừ phần năng lượng cho vận động. Mỗi tuần chơi 3 - 4 buổi, năng lượng này sẽ tích lũy dần và làm cho vòng thắt lưng ngày càng dài ra, tức nguy cơ sức khỏe cũng tăng lên, chưa kể đến sự nguy hiểm vì uống thức uống có cồn sau khi cơ thể vận động mạnh, một điều được khuyến cáo tuyệt đối không nên.

    Khi đánh quần vợt, người ta hay có khuynh hướng uống nhiều nước vì lượng mồ hôi mất qua vận động rất nhiều. Nếu là nước lọc, nước suối, nước trà loãng... thì không sao. Nếu là nước ngọt, nước tăng lực, sô đa chanh đường... chỉ cần 1 lon, mức năng lượng tiêu hao cũng đã được cân bằng. Kết quả tối đa có thể đạt được là không tăng cân, chứ đừng mơ đến chuyện giảm cân.

    Nhìn chung, với những người có đủ điều kiện, quần vợt là một môn thể thao thú vị và hữu ích. Ðiều cần lưu ý khi chọn quần vợt để theo đuổi thường xuyên là phải chú ý đến tình trạng sức khỏe ban đầu để đảm bảo việc tập luyện một cách nghiêm túc nhất, đồng thời cảnh giác những nguy cơ làm giảm tác dụng tích cực của nó, những nguy cơ có thể có mặt cả ở bên trong và bên ngoài sân quần vợt.

    [BS Ðào Thị Yến Phi]

    (trích từ quanvot.net)

Chia sẻ trang này