1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Vài nét về các nhà bác học Hoá Học

Chủ đề trong 'Hoá học' bởi tucurie, 14/03/2003.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. tucurie

    tucurie Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    564
    Đã được thích:
    0
    Giáo sư Nguyễn Đình Huề
    ( 1920 - 1990 )
    Thường thì thời gian làm lãng quên những biến cố, làm nhạt nhoà hình ảnh của nhiều con người. Nhưng điều đó không phải là một chân lý tuyệt đối. Có, dù thật hiếm hoi, những người mà lúc sinh thời đã sống với một số phận thật khiêm tốn, khuất lấp đằng sau ngổn ngang những mũ áo, danh hiệu, bằng sắc và chức vụ nhưng rồi năm tháng lại tô đậm dần những dấu ấn của họ, khi đám đông các thức hàng mã kia trở thành bùn đất.
    Giáo sư Nguyễn Đình Huề nằm trong những số phận hiếm hoi ấy.
    Hơn 40 năm ông viết sách, mà viết thật nhiêu, thật sâu, có thời gần như là tác giả độc tôn trong chuyên nghành khó nhất của Hóa học, nghành Hoá - Lý. Không chỉ viết sách, là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên đi vào Hoá - Lý, ông còn phải đặt ra ngôn ngữ cho chuyên nghành này. Thế hệ của ông được thừa hưởng từ một người Việt Nam lỗi lạc khác, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, một Bộ Danh từ Khoa học quý báu, nhưng là không nhiều, không đủ. Là người đầu tiên là cũng là duy nhất đảm nhiệm cương vị Trưởng tiểu ban Hoá - Lý của UBKHNNVN, chịu trách nhiệm về phần các thuật ngữ Hoá - Lý trong cuốn danh từ Hoá học Nga - Anh - Việt, chính giáo sư Nguyễn Đình Huề đã đưa vào tiếng Việt phần lớn các thuật ngữ liên quan đến nghành học này, mà những người hậu học như chúng tôi nhiều khi vô tâm cứ tưởng những chữ nghĩa ấy tự nhiên đã vốn có.
    Thế hệ của giáo sư thật đúng với nghĩa mở đường, nghĩa là vừa phaidỏn dẹp khai phá, vừa phải đi thật xa, đi thật lực, và tổ chức, hướng dẫn mọi người đi theo mình. Con đường mà ông dọn dẹp cho chúng tôi thật rộng. Chín bộ giáo trình ông viết đi suốt từ Cấu tạo vật chất đến Nhiệt động lực học cơ sở, Nhiệt động lực học dung dịch, Động hoá học, bao gồm gần toàn bộ các lĩnh vực chủ yếu của Hoá - Lý . Sách ông viết, bao giờ cũng là những công trình sáng tạo sư phạm đích thực. Có lẽ chính vì thế mà các giáo trinhg của ông thường rất khó tìm được ở các hiệu sách hoặc thư viện, dù đã được tái bản nhiều lần. Có lần một cán bộ nghiên cứu biết tôi là học trò gần gũi của thầy Huề, đã nhờ tôi kiếm cho một cuốn Nhiệt động lực hoá học do thầy Huề viết, rồi phàn nàn về chuyện xuất bản theo kiểu cò con của ta. Nhưng khi lật trang bìa cuối và biết rằng cuốn sách đã được in tới hai mươi nghìn bản thì cả hai đều im lặng. Nhiều nhà Hoá học Việt Nam, khi đi học, làm công tác nghiên cứu ở nước ngoài, nơi các thư viện thường rất phong phú, vẫn chịu khó đặt vào chỗ 20 cân hành lý ít ỏi của chuyến bay mấy cuốn sách của thầy Huề. Vì rất nhiều kiến giải cho những vấn đề khó hiểu, thường bị lẩn tránh trong cách sách được viết ở nhiều nước, thường luôn được trình bày một cách thật cận kẽ trong sách của ông. Sách ông viết khúc chiết và dễ đọc như những giờ giảng của ông, những giờ giảng mà khó có nhà sư pham nào so sánh được. Có thể vì ông là một người tự học, những người đã từng băn khoăn về những thắc mắc và đã tự mình phải lý giải. Tôt nghiệp cử nhân hoá học tại trường Đạo học khoa học mà người Pháp mở ở Hà Nội, những điều ông biết về Hoá - Lý. Ông dạy cho chúng tôi hoặc viết thành sách đều do ông tự học với một ý chí phi thường, một thói quen có từ lúc ông còn là học sinh tiểu học ở trường Bonnal ở Hải Phòng. Cụ thân sinh ra Giáo sư kể lại rằng, nhiều lần, khi kiểm tra chỗ ngủ của các con, cụ đã bắt gặp con trai mình chui gưới gầm chiếc bàn ăn trong bếp, dùng chiếc khăn trải bàn nguỵ trang ánh sáng của ngọn đèn dầu vặn nhỏ, đang chăm chú đọc sách.
    (còn nữa)
    Tucurie

  2. tucurie

    tucurie Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    564
    Đã được thích:
    0
    ( Tiếp )
    ... Một nhà Hoá học đã quá cố, thuộc lớp đàn anh của chúng tôi, Tiến sĩ Lê Viết Lân, người đã khởi thảo những ý tưởng chủ yếu của chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp quốc Nhà nước 50B về Nhiên liệu và Vật liệu Hạt nhân, từng gây ấn tượng rất mạnh mẽ một thời, đã giải thích cho tôi nghe vì sao các chuyên gia Hoá học được đào tạo ở nước ngoài, như các anh, những người chưa bao giờ được học giáo sư Nguyễn Đình Huề, vẫn thành kính gọi ông bằng thầy. Theo anh: " Trong những năm sáu mươi, bảy mươi và có lẽ cả bây giờ nữa, các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy hoá học Việt Nam đã tìm thấy trong các giáo trình Hoá - Lý sâu sắc của thầy Huề, những lời giải đáp thấu đáo cho những thắc mắc về nhiều vấn đề cơ sở lý thuyết của Hoá học, những điều mà họ chưa học được trong những năm du học hoặc trong nhiều cuốn sách nổi tiếng trên thế giới".
    Người duy nhất không hài lòng với các cuốn sách của giáo sư Nguyễn Đình Huề là chính bản thân ông. Hai bộ sách đồ sộ về cấu tạo vật chất ( Cấu tạo nguyên tử, Cấu tạo phân tử và Liên kết hoá học ) ra đời chưa được bao lâu, chúng tôi còn chưa hết vui mừng, vì nhờ đó những người dạy học và học hoá học ở bậc đạ học có được hai bộ giáo trình thật quan trọng và tin cậy, thì chính tác giả đã cảm thấy chúng cần được viết lại. Và chỉ vài năm sau, giáo trình "Cấu tạo chất", thực chất là giáo trình Hoá học lượng tử hiện đại, đã ra đời. Đọc, suy ngẫm đến tận cùng của lý lẽ rồi viết; rồi lại đọc, suy ngẫm và muốn thay đổi, là cái chu kì chu kì nghiệt ngã của đời ông, con người đã không có được cái hạnh phúc của sự bằng lòng và niềm vui của sự nghỉ ngơi. Các nhà quản lí thật khôn ngoan khi đã dành cho giáo sư Nguyễn Đình Huề cái quyết định nghỉ hưu vào lúc ông vừa tròn sáu mươi tuổi, khi sức viết của ông cường tráng nhất. Dưới sự thôi thúc của những tích luỹ và suy ngẫm chín muồi đến thế, thì người ta phải viết, dù ngồi trong căn phòng máy lạnh sang trọng hay trong căn gác tồi tàn của nhà số 8 phố cửa Bắc, với những cửa sổ vỡ kính, được che chắn sơ sài bằng vài mảnh báo cũ, và những trận gió mùa mang theo không chỉ sự giá buốt, mà cả một đám khổng lồ những khói bụi được nhà máy điện Yên Phụ thải ra một cách hào phóng. Cả khi căn bệnh vảy nến hiểm nghèo tàn phá cơ thể ông, đến không còn một mảnh da nào lành lặn, cả khi lương hưu không đủ cho hai bữa đạm bạc, cả khi mà cô con gái rất hiền thảo và tận tuỵ chỉ đủ khả năng cấp cho ông mỗi ngày vài điếu thuốc Sông Cầu, ông vẫn viết. Một năm trước khi mất, giáo sư Nguyễn Đình Huề còn dự định tập hợp các học trò đã trưởng thành của ông để viết lại một bộ giáo trình Hoá - Lý thật hoàn chỉnh, thật đồ sộ, làm một đóng góp cuối cũng cho đời sau. Chúng tôi chưa về kịp ông đã qua đời..."
    (còn nữa)
    Tucurie

  3. tucurie

    tucurie Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    564
    Đã được thích:
    0
    ( Tiếp )
    "... Chị T., biên tập viên lâu năm của NXBGD cứ nhắc mãi với tôi rằng : "Nếu anh viết gì về thầy thì đừng quên chuyện em nói nhé. Ngày 28 Tết, thầy còn nói với em rằng, mọi ý định về việc sửa lại bộ sách của thầy đã được suy nghĩ kĩ lắm rồi. "Tất cả đều đã rất rõ rệt trong đầu tôi. Sau Tết ta sẽ bàn bạc lại thật chi tiết", thầy nói thế. Mà chỉ ngày hôm sau thầy mất". Giáo sư mất vào tối ngày 29 Tết. Không một cơ quan thông tin đại chúng nào nhận đăng tin về cái chết của ông vào ngày giáp Tết. Phần lớn số học trò đông đúc của ông không biết tin ông mất để đến tiễn đưa người thầy kính mến của mình. Đám tang ông u buồn và vắng vẻ, đám tang của một số phận giản dị. Nếu lấy số hoa mà những thân quyến ít ỏi đặt trên mộ ông chia cho số trang sách mà ông để lại cho đời sau, hay cho số học trò mà ông đào tạo, trong đó nhiều người đã trở thành các nhà khoa học đầu nghành, thì người ta được một phân số có vẻ rất bội bạc. Cũng không có danh hiệu nào có thể kể ra trong lời cám ơn muộn mằn về đám tang đơn sơ ấy. Sau đó ít lâu, anh Nguyễn Duy Ái, anh Thế Trường và tôi được NXBGD đặt hàng viết cuốn sách "Truyện kể về các nhà bác học Hoá học". Khi ngồi viết cuốn sách ấy, tôi thấy mình thật có lỗi nếu không viết gì về thầy Huề. Chúng tôi đã cảm thấy được an ủi đôi chút khi trường ĐHSP Hà Nội, khoa Hoá và tổ Hoá - Lý tổ chức lễ kỉ niệm 10 năm ngày mất của ông. Thì ra, với thời gian, người ta không dễ quên được ông. Những người chính trực và có một tấm lòng, càng ngày càng cảm nhận được rõ rệt hơn sự thiếu vắng của ông trong ngành Hoá - Lý của đất nước, trong bộ môn Hoá - Lý của trường ĐHSP. Tôi không tin rằng sau giáo sư Nguyễn Đình Huề sẽ có một ai đóng lại cái vai trò đặc biệt ấy, vai trò của người thấy, của người anh cả, người mở đường trong một ngành khoa học quan trọng và khó khăn như vậy. Có thể lịch sử vốn là không lặp lại, nhưng cũng có thể là chuyện tài năng và nhân cách. Không phải là dễ dàng mà có lại được một tài năng và nhân cách như vậy..."
    (còn nữa)
    Anh với em ừ thì cũng lạ
    Bồng bềnh cho tới mai sau.
  4. tucurie

    tucurie Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    564
    Đã được thích:
    0

    ( Tiếp...)
    Chỉ vài câu chuyện nhỏ cũng đã làm ta hiểu được nhân cách ấy. Một buổi trưa hè, hình như vào năm 1975, hai nữ sinh năm thứ tư hốt hoảng đến tìm tôi để báo tin rằng có một người đàn ông đứng tuổi đứng ở phòng thí nghiệm Hoá - Lý, khi các cô yêu cầu ông ra ngoài để khoá cửa phòng thí nghiệm thì ông mỉm cười một cách hiền lành : " Vâng các cô cứ khoá lại rồi tôi lại mở ra để vào vậy". Tôi nói để các cô yên lòng, đó là thầy Huề. Họ không tin. Họ không thể tin rằng vị giáo sư nổi tiếng đến thế lại phản ứng một cách hiền lành đến thế, không mảy may tự ái, khi bị người ta đuổi ra khỏi phòng thí nghiệm mà mình là thủ trưởng. Nhưng hiền hậu và độ lượng như thế, chính là thầy Huề, không chỉ là tác phong mà chính là bản tính cố hữu, có từ khi ông cong là một công chức cao cấp rất trẻ trong chính quyền người Pháp. Một số cựu học sinh trường Bưởi kể lại rằng, vào những ký thi tú tài, ai cũng mừng khi được vào thi vấn đáp với thầy Huề, vì ông bao giờ cũng thật điềm đạm và hiền hậu, không chỉ trên bục giảng, mà ngay cả trên ghế giám khảo. Thời ấy, Giáo sư Nguyễn Đình Huề là Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Sư phạm, nhưng vẫn tham gia giảng dạy, viết sách, chấm thi cho bậc học tú tài. Có lẽ do ảnh hưởng của ông mà bộ môn Hoá - Lý Khoa Hoá trường ĐHSP luôn là một tổ ấm, cả đối với những người đã nhiều năm chuyển đi làm việc ở cơ quan khác.
    Ở tuổi chúng tôi, những người đã sống gần hết cuộc đời công chức của mình, người ta thường đàm luận về sự thành công, thất bại, may rủi, được mất trong đời mình, đời người khác. Vâng, không có một danh hiệu tôn vinh nào, không có giải thưởng khoa học nào dành cho Giáo sư Nguyễn Đình Huề. Ngôi nhà số 8 phố Cửa Bắc đã bị bán đi và người chủ mới sẽ đạp vỡ các bức tường cũ kĩ của căn phòng làm việc nghèo nàn, nới giáo sư đã viết mấy ngàn trang sách. Nhưng hơn 40 năm viết sách, dịch thuật, hiệu đính và tu chỉnh các thuật ngữ Hoá học, cũng ngần ấy năm giảng dạy, lãnh đạo bộ môn Hoá - Lý của trường ĐHVN, trường ĐHSP Hà Nội, Tiểu ban Hoá - Lý của UBKHNVNN, ông đã để lại trong đời rất nhiều tấm lòng biết ơn và khâm phục. Những sách ông viết, NXBGD lại quyết định tái bản với số lượng rất lớn. Và khi chúng tôi gặp lại nhau, những điều nói về thầy Huề bao giờ cũng có thật nhiều.
    Đỗ Quý Sơn
    Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
    ( Bài viết cho Hội thảo khoa học về Giáo sư Nguyễn Đình Huề )

    Anh với em ừ thì cũng lạ
    Bồng bềnh cho tới mai sau.
  5. tucurie

    tucurie Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    564
    Đã được thích:
    0
    Humphry Davy
    (1778 - 1829)
    [​IMG]
    Ông là nhà Vật lý và Hoá học Anh, một trong những người sáng lập ra điện hoá học.
    Từ thời niên thiếu, Davy đã say mê môn Hoá học. Từ năm 1798, ông đã bắt đầu làm việc ở Viện khí nén, đặt tại ngoại ô Bristol. Trong 3 năm công tác ở đây, Davy đã nghiên cứu tác dụng sinh lý của các chất khí khác nhau: metan, cacbon đioxit, hiđro và đặc biệt là nitơ(I) oxit. Hồi đó Nitơ (I) oxit được coi là nguồn gốc của nhiều loại bệnh tật. Nhà bác học đã phát hiện ra tính chất giảm đau của Nitơ(I) oxit và xác định thành phần của hợp chất này.
    Năm 1800, Davy là một trong những người đầu tiên tiến hành phân huỷ nước theo phương pháp điện hoá nhờ pin Volta và khẳng định giả thuyết của Lavoisier là nước gồm oxi và hiđro.
    Trong thời gian 1800-1806, Davy nghiên cứu tác dụng của dòng điện của pin lên các chất khác nhau và đi đến kết luận như sau:
    - Sự tạo thành các hợp chất hoá học là do lực hút tương hỗ của các hạt tích điện trái dầu.
    - Tác dụng của dong điện một chiều lên dung dịch các chất được giải thích là do các hạt mang điện của các chất đó bị đẩy khỏi cực mang điện cùng dấu và bị hút vào cực mang điện trái dấu.
    - Có mối quan hệ chặt chẽ giữa độ lớn và dấu của điện tích các chất và ái lực hoá học của chúng.
    Rất nhiều thí nghiệm về điều chế các chất nguyên chất bằng phương pháp điện phân, mà nhà bác học đã tiến hành, dựa trên lý thuyết điện hoá. Thực hiện quá trình điện phân natri hiđroxit và kali hiđroxit nóng chảy, Davy quan sát thấy trên điện cực âm tạo thành những hạt natri và kali kim loại. Năm 1808, Davy tìm ra phương pháp điện phân muối của các kim laọi kiềm thổ trên anôt bằng platin, bao quanh catôt là thuỷ ngân. Sau đó, nhà bác học tách hỗn hống của kim loại kiềm thổ thu được bằng cách thăng hoa phân ra thuỷ ngân và kim loại. Bằng cách đó vào năm 1808, Davy đã thu được Magie, canxi và bari ở trạng thái nguyên chất, xác định bản chất kim loại của stronti. Hai năm sau, nhờ phương pháp điện phân, ông đã chứng minh được bản chất nguyên tố của clo.
    Năm 1813, độc lập với Gay-Lussac, Davy khẳng định rằng iot là một nguyên tố chứ không phải một hợp chất. Davy lần đầu tiên dùng phương pháp điện phân để nghiên cứu tính chất của flo. Nhưng ông không tách được flo ở trạng thái tự do.
    Đầu thế kỉ XĨ, Davy giảng dạy giáo trình đầu tiên về hoá nông nghiệp. Ý kiến của ông về vai trò quan trọng của muối khoáng trong dinh dưỡng của thực vật đã trở thành những ý kiến cơ bản trong hoá nông học.
    Anh với em ừ thì cũng lạ
    Bồng bềnh cho tới mai sau
  6. tucurie

    tucurie Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    564
    Đã được thích:
    0
    Giáo sư Nguyễn Thạc Cát
    Nhà giáo nhân dân
    Nhà khoa học đầu nghành Hoá học phân tích Việt Nam

    Nhớ lại những ngày đầu thành lập Đại học ở Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà non trẻ (1951), những nhà trí thức ít ỏi của Việt Nam lúc bấy giờ, với kiến thức cơ bản vững vàng, phải tự chọn một bộ môn khoa học để xây dựng. Nguyễn Thạc Cát nằm trong số này. Toán học là môn anh học giỏi và say mê. Song anh tự nghĩ: Có lẽ Toán học lúc này còn chưa thiết thực. Anh quyết định chọn Hoá Học. Đặc biệt, anh đi sâu vào Hoá phân tích vì nhờ nó, trước mắt và sau này mới dễ có dịp phục vụ kháng chiến và nắm được tài nguyên đất nước, để nhanh chóng có kế hoạch tổ chức sản xuất khi bắt đầu kiến quốc. Việc ông quyết định chiếm lĩnh nghành khoa học còn mới mẻ ấy đã tạo điều kiện cho đất nước ta có được một nhà khoa học lớn đầu tiên chuyên về nghành Hoá phân tích.
    Nhìn cuộc đời gần 90 năm (ông sinh ngày 13-12-1913) của Giáo sư Nguyễn Thạc Cát, người ta thấy nổi bật lên một tấm gương kiên trì tự học, tự đào tạo hiếm có để từ một người với tấm bằng Cử nhân khoa học thời Tây đến một nhà khoa học đầu ngành với tầm nhìn xa trông rộng.
    Là người thầy dày dạn kinh nghiệm của hơn 40 năm giảng dạy Đại học, phương pháp giảng dạy của Giáo sư Nguyễn Thạc Cát thật là độc đáo, đến mức có người đánh giá như một "khai phá trong lĩnh vực sư phạm". Giáo trình "Cơ sở hoá học phân tích" của Giáo sư - cuốn sách giáo khoa đầu tiên đến nay vẫn còn giá trị với những thuật ngữ mà Giáo sư đã tự đặt thêm làm giàu cho ngôn ngữ khoa học Việt Nam. Vừa tinh giản, vừa cô đọng lại vừa gợi mở, thể hiện đúng những lời Giáo sư thường nói: "Dạy là phương pháp tư duy, dạy cách nắm bắt quy luật chứ đâu phải nhồi nhét kiến thức càng nhiều càng tốt". Phương pháp đó đã khiến các học trò của Giáo sư - hiện nay nhiều người đang đảm nhiệm các trọng trách quan trọng trong các cơ quan Nhà nước - biết suy nghĩ, làm việc một cách sáng tạo trong khoa học.
    Là một nhà khoa học tài năng, Giáo sư Nguyễn Thạc Cát tham gia nghiên cứu nhiều vấn đề rất đa dạng cả về chuyên môn và đối tượng. Giáo sư từng chủ trì nghiên cứu nhiều đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ. Cách đây 35 năm, thấy được vai trò của đất hiếm, một tài nguyên phong phú trong các lĩnh vực kĩ thuật mũi nhọn, Giáo sư đã đề xuất và mạnh dạn nhận trách nhiệm nghiên cứu đề tài này, và nhân đó đào tạo được một đội ngũ cán bộ khá chuyên sâu.
    Giáo sư đã vượt nhiều khó khăn đề nghiên cứu loại điện cực chọn lọc, vấn đề mà một số nước chỉ mới đề cập đến trước đó khoảng mười, mười lăm năm. Loại điện cực này đơn giản, dễ sử dụng, rất phù hợp với khả năng tài chính và khí hậu nước ta, có thể thay thế được nhiều loại máy đắt tiền lại khó bảo quản. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tự túc được loại điện cực này và có khả năng sản xuất thêm đáp ứng nhu cầu trong nước.
    (còn nữa)
    Anh với em ừ thì cũng lạ
    Bồng bềnh cho tới mai sau
  7. tucurie

    tucurie Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/02/2002
    Bài viết:
    564
    Đã được thích:
    0
    (Tiếp...)
    Ở bất kỳ hoạt động nào, dù giảng dạy hay nghiên cứu, người ta đều thấy một phong cách nhất quán trong con người Giáo sư: đi tìm những cái giản dị nhất nhưng hiệu quả.
    Kể cũng lạ, một con người được đào tạo từ trường Tây (trường Albert - Sarraut) như giáo sư Nguyễn Thạc Cát, mà tiếng Việt lúc đó chỉ được coi như ngoại ngữ mà lại am hiểu ngôn ngữ dân tộc đến thế. Với sự uyên bác và cần cù, giáo sư là người cùng với tập thể đã xây dựng bộ Từ điển Tiếng Việt được nhiều người đánh giá cao. Với tư cách là thành viên Ban thuật ngữ của Uỷ ban Khoa học, Giáo sư và các cộng sự đã biên soạn nhiều từ điển song ngữ: Nga - Việt, Pháp - Việt, về Hoá học cũng như Từ diển hoá học giải thích với hệ thông thuật ngữ hoá học không tách rời tính quốc tế mà vẫn giữ được tính dân tộc.
    Giáo sư Nguyễn Thạc Cát cong là người hết lòng chăm lo việc đặt nền móng ban đầu cho bộ môn Hoá học ở trường phổ thông. Với tư cách chủ tịch bộ môn Hoá học, Chủ tịch hội đồng thẩm định sách giáo khoa hoá học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư đã dành nhiều công sức hiệu đính, xây dựng chương trinh để nền giáo dục Việt Nam bắt kịp các nước tiên tiến.
    Nhìn vào cuộc đời giáo sư Nguyễn Thạc Cát, NHà giáo nhân dân từ đọt phong danh hiệu đầu tiên (1988), người ta thấy một cuộc đời đầy ắp những việc làm có ích, dâng hiến trọn vẹn cho mục đích mà mình đã theo đuổi, không chút riêng tư, không cả một mái ấm gia đình. Ở độ tuổi gần 90, Giáo sư vẫn sống một cuộc sống nhỏ đơn sơ, chứa đầy sách vở, chiếc giường đơn, cái bàn gỗ mộc xuềnh xoàng... ít ai nghĩ rằng đây là nơi đang sống của một vị Giáo sư già đầy công lao, với biết bao người học trò thành đạt, giữ những cương vị cao trong xã hội.
    Hằng ngày, Giáo sư vẫn tự mình làm mọi việc, vẫn vui vẻ, cần mẫn và giữ nếp sinh hoạt như bao năm qua: nghiền ngẫm một bài báo chuyên môn vừa nhận được, sửa chữa bản luận văn tốt nghiệp của một sinh viên sắp ra trường, ghi nhận xét cho các công trình khoa học, cân nhắc một từ để hiệu đính cuốn sách giáo khoa và khi còn ở tuổi tám mươi, vẫn sáng sáng đến bộ môn Hoá phân tích, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nơi Giáo sư đã xây dựng từ những ngày đầu tiên, để hướng dẫn nghiên cứu sinh và góp ý kiến vào các đề tài nghiên cứu.
    Niềm vui, niềm hạnh phúc của Giáo sư dường như chỉ là mỗi khi biết đến các thành công của học trò mình.
    Đánh giá chính xác nhất về Nhà giáo đức độ này đã được nhà báo Thao Lâm ghi lại qua nhận xét của những học trò của Giáo sư: "Trí tuệ của Thầy lớn lao, tầm nhìn cũng như sự nhạy bén của Thầy trong những hướng nghiên cứu mới chưa chắc các lớp trẻ đã theo kịp. NHững cái lớn lao nhất của Thầy mà mọi thế hệ học trò phải noi theo và vươn tới - Đó chính là cái Tâm".
    Đây là cốt lõi trong con người làm khoa học và con người nhà giáo của Giáo sư Nguyễn Thạc Cát.
    Theo Nguyễn Quốc.
    Anh với em ừ thì cũng lạ
    Bồng bềnh cho tới mai sau

Chia sẻ trang này