1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

VÀI NÉT VỀ ĐỘ AN TOÀN & ĐỘ NHIỄM KHUẨN CỦA MỸ PHẨM

Chủ đề trong 'Làm đẹp' bởi BaLangNhang, 22/05/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. BaLangNhang

    BaLangNhang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/08/2001
    Bài viết:
    78
    Đã được thích:
    0
    VÀI NÉT VỀ ĐỘ AN TOÀN & ĐỘ NHIỄM KHUẨN CỦA MỸ PHẨM

    DS. Trần Kim Thoan

    (TT Kiểm nghiệm Dược phẩm, Mỹ phẩm - Phú Yên)

    Mỹ phẩm là một loại hàng hóa đang được sử dụng rộng rãi ở nước ta. Bên cạnh tác dụng làm đẹp, "chăm sóc tâm hồn" cho người dùng, mỹ phẩm còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng mỹ phẩm; ngoài ý nghĩa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như đối với các loại hàng hóa khác; còn có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe, vốn quý nhất của con người.

    Những chỉ tiêu chất lượng nào của mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người? Đó là nhóm chỉ tiêu về hóa lý như độ pH, giới hạn các kim loại nặng (chì, arsen, thủy ngân), sự hiện diện của các chất nhũ hóa ngoài danh mục, các phẩm màu ngoài danh mục; đặc biệt Bộ Y tế khuyến cáo nên lưu ý đến 2 chỉ tiêu: độ an toàn và giới hạn nhiễm khuẩn, nấm mốc (còn gọi là độ nhiễm khuẩn). Ngày 11/10/1999, Bộ Y tế đã ra quyết định số 3113/1999/QĐ - BYT ban hành quy trình kỹ thuật của phương pháp thử kích ứng trên da (để đánh giá độ an toàn) và tiêu chuẩn giới hạn vi khuẩn, nấm mốc trong mỹ phẩm.

    1. Độ an toàn của mỹ phẩm: Chất lượng mỹ phẩm không bảo đảm an toàn có thể gây nhiều tai biến cho người sử dụng và hiện đang ngày càng gia tăng ở nước ta. Điều này tôi đã đề cập đến trong bài: "Mỹ phẩm và kiểm tra chất lượng mỹ phẩm", đăng trên Bán nguyệt san Sức Khỏe & Đời Sống, số 86, ngày 26/3/2000. Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiến hành khảo sát trong cộng đồng, với hơn 1.000 đối tượng, nhận thấy tỷ lệ tai biến dị ứng mỹ phẩm khoảng 7 - 9%. Ngoài yếu tố cơ địa của cơ thể người sử dụng, sự dị ứng còn do các hóa chất có khả năng gây dị ứng, kích ứng được dùng để sản xuất, bào chế mỹ phẩm.

    Độ an toàn của mỹ phẩm có thể được đánh giá bằng nhiều phép thử: thử độ kích ứng trên da, thử độ nhạy cảm của da, thử độ nhạy cảm với ánh sáng, thử khả năng gây độc toàn thân, thử khả năng gây độc tại chỗ; trong đó phép thử độ kích ứng da được dùng phổ biến nhất. Việc lựa chọn phép thử nào phụ thuộc vào mỗi quốc gia. Theo quyết định số 3113 đã đề cập, Bộ Y tế nước ta quy định phép thử kích ứng trên da được dùng để đánh giá độ an toàn mỹ phẩm. Thử nghiệm được tiến hành trên thỏ và được đánh giá dựa vào phản ứng của da thỏ với mẫu thử. Đây là chỉ tiêu chất lượng chủ yếu bắt buộc các cơ sở sản xuất phải ghi rõ ở phần chính của nhãn sản phẩm: "Không kích ứng da" hoặc là "Kích ứng da nhẹ" (Theo điều 25 của Quy chế nhãn thuốc và mỹ phẩm, ban hành theo Quyết định số 416/2000/QĐ - BYT ngày 18/2/2000 của Bộ Y tế).

    2. Độ nhiễm khuẩn của mỹ phẩm: Mỹ phẩm là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm sinh sống và phát triển. Sự nhiễm vi khuẩn và nấm xảy ra chủ yếu ở các công đoạn của quá trình sản xuất; lưu thông và bảo quản mỹ phẩm. Nguồn lây nhiễm khá đa dạng, phong phú; có thể do nhà xưởng, dụng cụ, nguồn nước, không khí... không đạt yêu cầu vệ sinh; cũng có thể do phương pháp khử trùng chưa đạt yêu cầu. Người công nhân sản xuất mang bệnh hoặc mầm bệnh truyền nhiễm cũng là một nguyên nhân thường gặp. Trong quá trình lưu thông, phân phối, các yếu tố môi trường như độ ẩm, nhiệt độ... nếu không được lưu ý, sẽ là tác nhân phát triển vi khuẩn, nấm trong sản phẩm.

    Các vi khuẩn và nấm có trong mỹ phẩm có thể gây bệnh ở các cơ quan nội tạng. Tác hại sẽ lớn hơn khi da đang bị tổn thương hoặc khi cơ thể mất sức đề kháng.

    Các loại vi khuẩn và nấm có nguy cơ cao đối với mỹ phẩm

    * Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus): có thể gây nhiễm khuẩn ngoài da (mụn nhọt, đinh râu), viêm ruột, nhiễm khuẩn huyết, viêm cơ, viêm xương, viêm phổi, viêm màng não...

    * Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas acruginosae): có thể gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn mắt sinh mủ, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, nhiễm khuẩn ngoài da (ở vết thương, vết bỏng...).

    * Họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteria): lây nhiễm qua phân, nước thải, có thể gây ỉa chảy, viêm dạ dày ruột; nhiễm khuẩn huyết, đường niệu; viêm túi mật (với E.coli), đặc biệt có thể gây các bệnh nguy hiểm như thương hàn (với Salmonella), lî (với Shigella... )

    * Nấm men và nấm mốc: Thường gặp nấm men Candida albicans gây bệnh ở da, niêm mạc miệng (đẹn, tưa lưỡi), đường tiêu hóa (viêm thực quản, ruột... ), niêm mạc âm đạo, nghiêm trọng hơn có thể nhiễm khuẩn huyết. Một số nấm mốc có thể gây bệnh ở da, lông, tóc như Microsporum, Trichophyton... Một số nấm khác có thể nhiễm sâu vào các phủ tạng như Aspergillus fumigatus ở phổi, Cryptococcus neoformans ở não, màng não... gây nên nhiều bệnh trầm trọng.

    Tiêu chuẩn giới hạn vi khuẩn, nấm trong mỹ phẩm

    * Không được có các vi khuẩn và nấm gây bệnh: tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh và Candida albicans.

    * Không được có nhiều hơn 1.000 vo khuẩn hiếu khí sống lại được trong 1gr hoặc 1ml sản phẩm.

    * Không được có nhiều hơn 10 Enterobacteria và các khuẩn Gram âm khác trong 1gr hoặc 1ml sản phẩm.

    * Không được có nhiều hơn 100 nấm mốc sống lại được trong 1gr hoặc 1ml sản phẩm.

    Việc đếm tổng số vi khuẩn, nấm cũng như xác định các vi khuẩn và nấm gây bệnh được thực hiện trong điều kiện vô trùng trên các môi trường nuôi cấy đặc trưng của phòng kiểm nghiệm vi sinh vật.

    Công tác giám sát, đánh giá chất lượng mỹ phẩm nói chung và 2 chỉ tiêu ưu tiên (độ nhiễm khuẩn, độ an toàn) nói riêng ở nước ta còn nhiều khó khăn và bất cập. (Đã được đề cập trong số báo 86). Số mẫu kiểm nghiệm được quá ít so với sự đa dạng, phong phú của thị trường. Năm 1999 Viện và Phân viện kiểm nghiệm TPHCM đánh giá chất lượng được 333 mẫu chủ yếu là mẫu xin đăng ký lưu hành; các Trung tâm Kiểm nghiệm tuyến tỉnh kiểm nghiệm được chỉ 16 mẫu do các cơ sở gửi đến. Hy vọng trong tương lai các cơ quan chức năng có biện pháp tháo gỡ, nhằm bảo đảm các loại mỹ phẩm đều được kiểm tra, đánh giá chất lượng trước khi đến tay người sử dụng.

    [​IMG]
  2. BaLangNhang

    BaLangNhang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/08/2001
    Bài viết:
    78
    Đã được thích:
    0
    MỸ PHẨM VÀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG MỸ PHẨM
    DS. TRẨN KIM THOAN
    Mỹ phẩm là tên gọi chung cho các sản phẩm dùng để chăm sóc, bảo vệ, làm đẹp cho da và các bộ phận bên ngoài của cơ thể như móng tay, móng chân, tóc, da mặt, mắt, môi.
    Mỹ phẩm chăm sóc "tâm hồn" cho con người; đặc biệt đối với phụ nữ mỹ phẩm làm tăng thêm vẻ đẹp, tăng thêm sự tự tin trong cuộc sống. Góp phần làm đẹp cho con người và cho cả xã hội, mỹ phẩm làm sống động thêm cuộc sống. Ở khía cạnh văn hóa, mỹ phẩm phản ánh trình độ văn hóa, nhận thức thẩm mỹ và tính cách của người sử dụng; sâu xa hơn là bản sắc của một nền văn hóa. Việc sử dụng mỹ phẩm đã trở thành một nghệ thuật góp phần không nhỏ vào nghệ thuật trang điểm, nghệ thuật làm đẹp cho con người.
    Cuộc sống càng hiện đại, nhu cầu về mặt tinh thần càng cao thì nhu cầu mỹ phẩm càng gia tăng. Ở các nước phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm phát triển khá mạnh, trở thành một ngành siêu lợi nhuận. Từ ngày mở cửa, kinh tế phát triển, nước ta trở thành một thị trường to lớn, đầy tiềm năng của các hãng mỹ phẩm nước ngoài cũng như các công ty trong nước. Thời lượng quảng cáo các loại mỹ phẩm trên Đài truyền hình Việt Nam cũng như trên Đài Truyền hình các Tỉnh chiếm tỷ lệ khá lớn so với các chương trình quảng cáo khác. Điều này cho thấy sức mạnh thu hút của loại hàng hóa đặc biệt này.
    Tuy nhiên, phụ nữ nước ta, đặc biệt là chị em phụ nữ ở các thành phố, thị xã có địa vị xã hội, có thu nhập ổn định; đã và đang lạm dụng mỹ phẩm. Việc sử dụng mỹ phẩm đòi hỏi một sự thận trọng và một sự hiểu biết khá kỹ càng. Về mặt khoa học, mỹ phẩm là hỗn hợp của nhiều hợp chất hóa học có nguồn gốc thiên nhiên hoặc tổng hợp; sử dụng mỹ phẩm là sử dụng hóa chất nên không thể xem thường. Tương tự như dược phẩm, chất lượng mỹ phẩm ảnh hưởng khá lớn đến sức khoẻ con người. Đã có trường hợp con người trở thành nạn nhân của mỹ phẩm do chất lượng sản phẩm không bảo đảm an toàn. Vì tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, đặc biệt với da là cơ quan nhạy cảm nhất với các thay đổi của môi trường, mỹ phẩm kém chất lượng có thể gây ra rất nhiều tai biến. Thực tế thường gặp các loại: kích ứng da dẫn đến viêm da tiếp xúc; sạm da do da tăng nhạy cảm với ánh sáng; bỏng, gây lở loét (đặc biệt với các loại thuốc uốn tóc, nhuộm tóc); ngộ độc chì, có thể dẫn đến mù mắt, chết người (xảy ra ở Mỹ năm 1993 do thuốc nhuộm lông mi). Những năm gần đây, số trường hợp tai biến do dùng mỹ phẩm ngày càng tăng. Tại khoa Dị ứng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) năm 1995 có 22 trường hợp (18 trường hợp do dùng các loại kem bôi mặt) với bệnh cảnh lâm sàng là viêm da tiếp xúc và thường rất nặng. Năm 1996 có 34 trường hợp (17 trường hợp do dùng phấn trang điểm) bệnh cảnh chủ yếu là viêm da tiếp xúc, có 4 trường hợp viêm da tiếp xúc chàm hoá. Năm 1997 có 54 trường hợp (28 trường hợp do các loại kem) với bệnh cảnh phức tạp hơn: viêm da tiếp xúc, viêm da tiếp xúc chàm hoá, viêm da tiếp xúc mi mắt, sẩn ngứa dị ứng.
    Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra chất lượng mỹ phẩm? Những năm trước, việc quản lý nầy do Tổng Cục Tiêu Chuẩn Đo Lường chất lượng (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) đảm trách. Từ năm 1997, Chính phủ giao chức năng nầy cho Bộ Y Tế. Cơ quan quản lý cấp Trung ương là Cục Quản lý Dược, ở địa phương là Sở y tế tỉnh, thàng phố (Phòng quản lý Dược). Việc kiểm tra, đánh giá và giám sát chất lượng do hệ thống kiểm nghiệm dược - Mỹ phẩm đảm nhận, bao gồm Viện Kiểm Nghiệm, Phân Viện Kiểm Kiệm TP. HCM và các Trung Tâm Kiểm Nghiệm Dược Phẩm - Mỹ Phẩm cấp tỉnh, thành phố. Ngày 19/12/1998, Bộ y tế đã ra quết định số 3629/1998-QĐ-BYT ban hành danh mục các loại mỹ phẩm bắt buộc phải đăng ký chất lượng tại Bộ Y tế. Trước đó, ngày 28/02/1997 Bộ cũng đã ra quyết định số 322/BYT-QĐ ban hành "quy chế thông tin, quảng cáo thuốc và mỹ phẩm dùng cho người". Tuy nhiên vẫn chưa có một văn bản pháp lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương về vấn đề quản lý chất lượng mỹ phẩm sau khi đã được cấp số đăng ký. Hiện tại, Viện Kiểm Nghiệm và Phân Viện Kiểm Nghiệm TPHCM chỉ phân tích đánh giá chất lượng các mẫu gửi đến phục vụ cho việc đăng ký lưu hành tại Bộ y tế. Ở tuyến tỉnh, các Sở y tế vẫn chưa có cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng để quản lý mạng lưới sản xuất kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Các Trung tâm Kiểm Nghiệm vẫn chưa thể đi lấy mẫu, hơn nữa trang thiết bị còn thiếu thốn, chưa được tập huấn kỹ thuật đầy đủ, do vậy việc kiểm tra, giám sát chất lượng mỹ phẩm còn bỏ ngỏ hoàn toàn. Đây chính là một điều bất cập, đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp thích hợp, nhanh chóng nhằm bảo đảm sự an toàn cho người sử dụng mỹ phẩm.
    [​IMG]
  3. BaLangNhang

    BaLangNhang Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/08/2001
    Bài viết:
    78
    Đã được thích:
    0




    HƯƠNG LIỆU TRONG MỸ PHẪM - MỘT TÁC NHÂN GÂY TAI BIẾN
    HỒNG LÊ THỌ
    Chuyên gia Mỹ phẩm Nhật Bản
    Hầu hết động tác đầu tiên của phụ nữ khi mở nắp hộp kem là ngửi thử mùi hương trước khi tìm hiểu tác dụng, hiệu quả, thành phần hay giá cả. Trong ngành mỹ phẩm - không kể nước hoa là sản phẩm đặc biệt tạo mùi trực tiếp cho thân thể - có gần 5.000 chủng loại hương liệu khác nhau được phối chế trong các mặt hàng từ dầu gội, kem đánh răng đến son môi, chì kẻ... kỹ thuật "phối hương" là một trong những "bí quyết" không có nhà sản xuất nào công bố. Mục đích của nhà sản xuất là tạo ra một loại mùi, nhằm:
    1. Phủ lấp mùi hôi tanh khó chịu của các loại dầu mỡ, hoạt chất trong nguyên liệu pha chế.
    2. Tạo "ảo giác" cho khách hàng bằng loại mùi gây ấn tượng thơm tho và đắt tiền.
    3. Tạo hương riêng cho sản phẩm của mình.
    Về mặt hóa lý, 100% hương liệu phối chế này là các loại hóa chất tổng hợp thuộc loại alcohol, aldehyde, phénol, họ chất thơm không bão hòa (như Acide cinnamique, Eugénol...), các chất dẫn xuất từ benzène bị chloro - hóa hay nitro - hóa. Những hương liệu tổng hợp này còn được bổ sung thêm những hoạt chất hãm mùi - làm chậm bốc hơi - để giữ hương thơm được lâu hơn cho sản phẩm sau khi thoa lên da. Tuy nhiên, những hoạt chất này rất dễ gây ra các phản ứng oxid - hóa, trở thành nhân tố xúc tác giữa các nguyên liệu được pha chế, làm mất đi chức năng ban đầu của hoạt chất trong lúc trộn, khuấy, gia nhiệt của quy trình công nghệ, bản thân các sản phẩm cũng đã bị hủy hoại từ cơ chế của các phản ứng hóa học mà ngay nhà sản xuất cũng không lường trước được khi chạy theo khuynh hướng "tạo mùi" hấp dẫn trong kinh doanh. Hơn thế nữa, về mặt dược lý, những hương liệu thuộc họ alcohol, chất thơm, aldehyde, benzène... là những hóa chất có độc tính cao có khả năng gây ra tai biến cho da như:
    1. Kích thích gây dị ứng đột biến như bỏng (nóng rát), dộp, khô da.
    2. Có khả năng gây bệnh ung thư, hủy hoại tế bào theo từng vùng hay nơi có hóa chất tiếp xúc.
    3. Hủy diệt hoặc làm rối loạn các sắc tố, tạo ra những vùng da bị đốm trắng bệch, và có trường hợp ngược lại gây chứng nám khi da thoa kem có hương liệu mạnh, tiếp xúc trực tiếp với tia tử ngoại (ánh nắng) hay nhiệt độ cao.
    Các loại mỹ phẩm màu như son môi, chì kẻ, mascara, phấn hoa... được pha bột màu, dầu mỡ và hương liệu khá đậm đặc, tiếp xúc với miệng, mắt, mũi vì vậy những độc tố trong các hóa chất này có khả năng thâm nhập qua đường hô hấp, ăn uống... gây các chứng bệnh nhiễm độc tố nguy hại trực tiếp đến cơ thể.
    Hàm lượng hương liệu trong mỹ phẩm

    Loại
    Sản phẩm
    Hàm lượng

    * Nước hoa tạo hương
    - Nước hoa (Eau de parfum)
    - Eau de toilette
    15-20%
    3-6%

    * Mỹ phẩm cơ bản
    - Kem dưỡng da
    - Sữa dưỡng da
    - Nước dưỡng
    0,3-0,6%
    0,2-0,4%
    0,1-0,3%

    * Mỹ phẩm trang điểm
    - Phấn màu
    - Kem lót
    - Son môi
    0,5-1%
    0,6-1,2%
    0,5-1%

    * Tóc
    - Dầu gội
    - Dầu xả
    0,5-1%
    0,5-1%

    * Xà phòng

    1-2%

    * Kem đánh răng

    0,5-1%

    Nguồn: Practice of Cosmetology. TS Suzuki Mamoru (NXB Saiwai Tokyo).
    Nhìn vào bảng chúng ta thấy hàm lượng hương liệu trong những sản phẩm rất thấp, các loại mỹ phẩm cơ bản để dưỡng da thường được hạn chế dưới 1% tương tự như những thức ăn chế biến trong công nghệ thực phẩm. Mặt khác, theo BS G. Larsen (Pháp), loại hương liệu thiên nhiên cũng có thể đưa đến những tác hại do các phản ứng kích thích da gây ra nếu dùng quá liều (trên 5%) như dầu bạc hà, tinh dầu quế, dầu sả... Vì vậy việc phối hương vào mỹ phẩm phải được xét nghiệm kỹ lưỡng nhằm tránh những hậu quả nêu trên, đồng thời các nhà sản xuất đứng đắn đều cố gắng hạn chế việc sử dụng hóa chất tổng hợp tạo mùi hương giả tạo. Mỹ phẩm cao cấp ngày nay có khuynh hướng không pha hương liệu, không có bột màu, alcohol, tránh sử dụng hoạt chất trong bảo quản... nhằm hạn chế việc gây tai biến, đặc biệt là đối với những sản phẩm dành cho người có thể trạng mẫn cảm. Một sản phẩm dưỡng da có mùi hương thơm càng mạnh bao nhiêu thì tác hại của nó trên da người sử dụng càng lớn bấy nhiêu, vì vậy khi sử dụng kem bạn nên tránh loại có mùi nồng nặc, hãy chọn sản phẩm có hương thơm nhẹ nhàng càng ít mùi càng tốt và yêu cầu được thử kem trước khi nghe những lời "đường mật" của những ngôn ngữ quảng cáo. Càng không nên "thấy quá thơm" mà cho rằng kem "sẽ có hiệu quả" như ước muốn.
    [​IMG]

Chia sẻ trang này