1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Vai trò của vua Quang Trung trong lịch sử Việt Nam

Chủ đề trong 'Lịch sử Văn hoá' bởi hateMU, 20/12/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. binhminhlaky

    binhminhlaky Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    131
    Đã được thích:
    0
    Văn học nghệ thuật thời Tây Sơn
    (Dư Vân)
    Trong những biến động tột cùng của giai đoạn nội chiến vào hậu bán thế kỷ 18, triều đại Tây Sơn rực rỡ chói lòa như một ánh chớp rồi chợt tắt cùng Quang Trung Hoàng Ðế. Nhưng, qua một thời gian ngắn ngủi như vậy, triều đại đó cũng để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản văn hóa rất phong phú. Những nỗ lực của triều Nguyễn Gia Long nhằm xóa bỏ ảnh hưởng Tây Sơn trong xã hội đã có ít nhiều thành công, khiến cho các đời sau không còn đánh giá được nền văn học nghệ thuật Tây Sơn một cách xứng đáng và gây nên những thiệt thòi chung cho cả dân tộc. Trong dịp kỷ niệm 200 năm Chiến Thắng Ðống Ða của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Quang Trung Hoàng Ðế, chúng ta cũng nên thử kiểm điểm và tạm lượng giá những thành tựu chung của văn học nước ta vào thời Tây Sơn. Sau này, khi điều kiện cho phép, chúng ta sẽ phải khôi phục và phát huy những giá trị của nền văn học này.

    * Văn Học Trong Xã Hội Việt Nam Thời Nội Chiến
    Trong nhiều thập niên, khi lẫn lộn chính trị, văn học và dân tộc tính Việt Nam với nhau, một số người đã cho giai đoạn kết thúc cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn là giai đoạn mà dân tộc tính của Việt Nam bị suy vong, bị thách thức nặng nề nhất. Thực ra, đây là thời kỳ suy đồi về chính trị, xuất phát từ tầng lớp tranh đoạt quyền hành mà bất chấp nguyện vọng của người dân. Nhưng, đây cũng là thời kỳ mà văn học nước ta phát triển rực rỡ nhất, như một phản ứng quật khởi của dân tộc, hơn hẳn thời kỳ gọi là thịnh trị của triều Nguyễn Gia Long kế tiếp.
    Ðọc lại văn học sử, chúng ta thấy nhiều tác giả được truyền tụng sau này đều xuất hiện vào thời kỳ đó. Như cây bút ký sự Pham Ðình Hổ, như nhà bác học Lê Qúy Ðôn, như Hồng Hà Nữ Sĩ Ðoàn Thị Ðiểm và Ðặng Trần Côn, tác giả Chinh Phụ Ngâm, như sử gia Ngô Thì Sĩ và hai con là Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, như các nhà thơ Phan Huy Ích, Nguyễn Du, như Ngọc Hân Công chúa, tác giả Ai Tư Vãn... Chung quanh những vì sao sáng chói này còn thấy xuất hiện biết bao ngọn bút một thời lừng danh như Bùi Huy Bích, Trần Danh Án, Vũ Huy Tân, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huy Lượng, Ninh Tốn, Ðoàn Nguyễn Tuấn...
    Chính những tao loạn và tranh chiến liên miên trong xã hội đã khiến nhiều tài năng văn học được phát huy thành muôn hình muôn vẻ, và trong khi các tác giả có thể ở vào thế đối nghịch chính trị và sáng tác theo cảm quan hay lý trí riêng của mình, họ đều đóng góp cho gia tài văn hóa chung của đất nước. Nhưng, trong giòng cuồng lưu có nhiều u uất thịnh nộ, nhiều thở than bi phẫn của văn nhân Việt Nam giữa thời loạn, văn học nghệ thuật triều Tây Sơn lại có những nét độc đáo khác mà chúng ta cần nhìn cho ra.
    * Văn Học Nghệ Thuật Tây Sơn, Một Khối Lượng Ðồ Sộ Trong Một Thời Gian Ngắn Ngủi
    Thời kỳ Tây Sơn được coi như khởi sự từ 1771, lên tới cao điểm là năm vua Quang Trung lên ngôi rồi đại thắng quân Thanh, 1789, và suy tàn rồi bị Nguyễn Ánh chấm dứt năm 1801. Tổng cộng là 30 năm, trong đó chỉ có gần 4 năm tương đối thanh bình, khi vua Quang Trung bắt đầu đặt nền móng dựng nước rồi đột ngột băng hà, từ 1789 đến 1792, trước đó và sau đó toàn là những năm chinh chiến. Mặc dù vậy, thời kỳ Tây Sơn cũng đã có những cống hiến đa diện và phong phú trong rất nhiều lãnh vực văn hóa như thơ văn, khảo cứu, giáo dục, pháp luật, y học, võ học, âm nhạc và cả kiến trúc, sân khấu.
    Thơ văn thời Tây Sơn có những tác phẩm cả Hán cả Nôm của những tác giả Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ninh Tốn, Nguyễn Huy Lượng, Ðoàn Nguyễn Tuấn, Cao Huy Diệu, Ngọc Hân Công chúa, Vũ Huy Tấn...
    Ngô Thì Nhậm là một bậc kỳ tài trong nhiều lãnh vực văn học, chính trị, triết học, tôn giáo, quân sự, sử học... Những cống hiến của ông cho đất nước không khỏi làm chúng ta liên tưởng đến một nhân vật khác của lịch sử dân tộc là Nguyễn Trãi. Một mình Ngô Thì Nhậm, với những trứ tác của ông, cũng đủ tiêu biểu cho cả nền văn học Tây Sơn. Về Ngô Thì Nhậm, ta sẽ phải có một kiểm điểm và tôn vinh riêng, vượt ra khỏi khuôn khổ của một bài sơ kết này.
    Phan Huy Ích (1750-1822), người Sơn Tây, quê gốc Nghệ An, là em rể và bạn đồng triều của Ngô Thì Nhậm, làm quan tới Thượng đại phu Thị trung Ngự sử, tước Thụy Nham Hầu. Thời Quang Toản, ông là Thượng thư bộ Hình kiêm bộ Hộ, về già ở ẩn, xưng Bảo Chân đạo nhân. Phan Huy Ích là một nhà ngoại giao, chính trị, một nhà thơ viết chữ Hán, một nhà văn chữ Nôm và đã nhiều lần cầm bút khích động tinh thần chiến đấu của quân sĩ Tây Sơn chống lại quân Nguyễn Ánh. Ông là tác giả Dụ Am ngâm lục, Dụ Am văn tập, Tinh Sà kỷ hành và nhiều tác phẩm chữ Nôm khác, kể cả nhiều bài hịch, bài biểu và một bản dịch nôm Chinh Phụ Ngâm của Ðặng Trần Côn.
    Ninh Tốn là Ninh Song An, hiệu Chuyết Sơn, sinh năm 1743 tại Ninh Bình, làm quan triều Lê, sau theo Tây Sơn, làm đến Thượng Thư bộ Binh, được phong tước Hầụ Từng khuyên Ngô Thì Nhậm luôn luôn "hết lòng vì việc dân", để lại cho đời sau Chuyết Sơn thi tập ngợi ca thiên nhiên hùng vĩ và các anh hùng dân tộc. Ông là bạn tương đắc của Ngô Thì Nhậm cùng Phan Huy Ích.
    Nguyễn Huy Lượng là danh sĩ thời Lê mạt, sau làm quan triều Tây Sơn, được phong tước Chương Lĩnh Hầu. Ông nổi danh với bài Tụng Tây Hồ phú viết bằng chữ Nôm đời nay còn truyền tụng. Bài phú ca ngợi thắng cảnh của Hồ Tây, của thành Thăng Long và công đức an dân của triều Tây Sơn.
    Ðoàn Nguyễn Tuấn là anh vợ của Nguyển Du, làm quan triều Lê nhưng sau cùng anh của Nguyễn Du là Nguyễn Nễ theo phò Tây Sơn, làm quan đến Thị lang bộ Lại, được phong tước Hải Phái Hầu. Như Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, ông từng đi sứ đối đáp với triều Mãn Thanh và làm thơ phản ảnh một niềm tự hào dân tộc rất đĩnh đạc, khác hẳn văn phong yếm thế hay tôn sùng Trung Hoa của các danh sĩ cùng thời. Tác phẩm ông để lại có Hải ông thi tập.
    Công chúa Ngọc Hân là con gái vua Lê Hiển Tông, sinh quãng 1770, lấy Quang Trung Nguyễn Huệ năm 16 tuổi, góa năm 22. Cùng hai con trai và gái trốn tại Quảng Nam khi Gia Long diệt Tây Sơn, bà đã phải uống thuốc độc và các con treo cổ tự ải năm 1803 vì bị Gia Long truy lùng rất gắt để tru di cho tuyệt dòng dõi vua Quang Trung. Mẹ bà là Chiêu Nghi Hoàng Hậu (vợ vua Hiển Tông) lén cho người ra Quảng Nam đem hài cốt con gái và hai cháu ngoại về chôn cất tại Bắc Ninh thì hơn 50 năm sau, mộ phần và hài cốt của bà cũng bị Thiệu Trị khai quật giã nát. Nổi danh tài hoa trong cõi Bắc hà vốn đã có nhiều nhân tài văn học, bà trứ tác cũng nhiều, nhưng sau khi Vua Quang Trung băng hà và nhà Tây Sơn bị diệt, các tác phẩm của bà cũng bị thiêu hủy, chỉ còn lại bài Văn tế vua Quang Trung và bài Ai Tư Vãn, ghi lại lòng thương tiếc của bà với bậc đại anh hùng. Trong Ai Tư Vãn, bà so sánh sự nghiệp của vua Quang Trung với những vua Thang vua Võ thời cổ đại mà khóc ông không được tuổi thọ để giúp dân dựng nước.
    Ngoài những nhân vật trên, còn Cao Huy Diệu, Vũ Huy Tấn, Ngô Ngọc Du, đều là những tay văn học lẫy lừng với những tác phẩm khẳng định tinh thần lạc quan, tin tưởng vào đất nước, hoặc ghi nhận những chiến công oai hùng của Quang Trung Hoàng Ðệ Cũng trong giòng văn học Tây Sơn, người ta không thể quên những tác giả trong gia đình Ngô Thì Nhậm đã góp phần viết lại tác phẩm dã sử có giá trị văn chương và sử liệu rất cao là Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Tác phẩm này ghi lại những biến động từ thời Lê mạt đến khi Quang Toản bị Gia Long giết và Chiêu Thống chết nhục ở bên Tầu, với những hồi mô tả cả một không khí hào hùng thời Tây Sơn rực rỡ nổi bật lên trên tình trạng mục nát rối loạn của triều Lê-Trịnh.
    Bên cạnh những tác phẩm văn thơ tiêu biểu của thời Tây Sơn, văn học thời này còn để lại một bộ môn khá độc đáo và vô cùng hữu ích cho đời sau, đó là các tác phẩm văn học chính giáo. Thời Tây Sơn, văn học chính trị và giáo dục cũng đã có những bước tiến vượt xa sự suy đồi lạc hậu của các triều đại cũ.

    Còn tiếp
  2. binhminhlaky

    binhminhlaky Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    131
    Đã được thích:
    0
    * Văn Học Chính Giáo Thời Tây Sơn
    Văn học chính trị có những bài hịch Tây Sơn khi Nguyễn Nhạc khởi nghĩa, khi Nguyễn Huệ chuyển quân ra Bắc tiêu diệt nhà Trịnh, những bài Phan Huy Ích hiểu dụ quân binh thời Cảnh Thịnh cố gắng chống đỡ quân Gia Ðịnh của Nguyễn Ánh. Nhưng, tiêu biểu hơn cả cho chính đạo của một thời kỳ chói sáng là những bài chiếu, bài dụ, bài biểu của triều Quang Trung và cả những văn từ liên lạc ngoại giao giữa triều đình ta với vua quan Mãn Thanh trong mặt trận ngoại giao Việt-Thanh.
    Những tác phẩm văn học chính trị này (được coi là của Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ và Phan Huy Ích) không chỉ có giá trị về mặt sử học mà còn là những bản hùng văn đề cao chính nghĩa của dân tộc, dõng dạc nêu lên sức đề kháng của toàn dân và vạch ra ý hướng xây dựng một nếp sống tiến bộ cho người dân. Những tác phẩm này, tiêu biểu nhất là các bài Chiếu Khuyến Nông, Chiếu Cầu Hiền, Chiếu Lập Học, Mở Khoa Thi... còn soi tỏ tấm lòng yêu nước thương dân của bậc đại anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ. So sánh với khí văn thời Lê mạt hay thời Gia Long, người ta thấy hiển hiện một niềm kiêu hãnh dân tộc và tính lạc quan chủ động đặc biệt của thời kỳ Tây Sơn.
    Về văn học giáo dục, người ta biết vua Quang Trung đã đích thân yêu cầu Nguyễn Thiếp lập viện Sùng Chính và phiên dịch các sách chữ Hán ra chữ Nôm để quảng bá trong dân gian. Nhưng, Nguyễn Thiếp làm không hết việc, và tự giải nhiệm sau khi Quang Trung băng hà, nên công trình dịch thuật không để lại kết quả như vua Quang Trung mong đợi. Ngoài Viện Sùng Chính lo việc phiên dịch sách Tiểu học, Tứ Thư và Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Thư, dưới triều Tây Sơn còn có viện chép sử, gọi là Quốc Sử Quán.
    Một lần nữa, Ngô Thì Nhậm lại chứng tỏ trí tuệ phi thường khi làm Tổng Tài điều khiển viện chép sử. Ông tham khảo các bộ sử của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên và tài liệu của Lê Tung, Nguyễn Nghiễm (cha của Nguyễn Du) để sao nhuận lại bộ sử do cha mình là Ngô Thì Sĩ soạn thảo, thành bộ Ðại Việt Sử Ký Tiền Biên gồm 17 quyển, chép từ đời Hồng Bàng đến đời Hậu Trần (Trùng Quang Ðế). Sau bộ sử đồ sộ này, Quốc Sử Quán cn soạn tiếp bộ Ðại Việt Sử Ký Tục Biên, có phần Lê Kỷ, chép tiếp từ triều Lê đến vua Lê Ý Tông (1740).
    Năm 1839, Minh Mạng ra một đạo dụ man rợ là tiêu hủy tất cả các bản in lẫn ván in cùng mọi tài liệu sao chép bộ sử này, nên chúng ta mất. May là Quốc Sử Quán đã có một quyết định sáng suốt và tiến bộ là tóm lược hai bộ sử trên thành một bộ Ðại Việt Sử Ký Tiệp Lục Tổng Tự, diễn dịch và chú giải sang chữ Nôm để dễ dàng phổ biến trong dân gian. Cả ba bộ sử này đều hoàn thành vào năm 1800, trước khi Nguyễn Ánh thành công, nhưng nay chỉ còn bộ Tiền Biên và bộ Tiệp Lục Tổng Tự. Bộ thứ ba này dù tóm lược cũng vẫn ghi đủ sự việc từ thời Vua Lê Lợi đến Cảnh Hưng, kể cả những sự việc của nhà Mạc và của các Chúa Nguyễn, đến Nguyễn Phúc Thuần. Và nó còn có giá trị hy hữu là một bộ sử có diễn dịch và chú giải bằng văn Nôm cho quần chúng. Rõ ràng là ý thức xây dựng một nền văn học dân tộc biệt lập với quá khứ tòng Hán đã từ Quang Trung Nguyễn Huệ lan rộng xuống cả triều đình và đi vào giáo dục phổ thông.
    Ngay cả về giáo dục, người ta còn biết là vừa lên ngôi, vua Quang Trung đã ban chiếu lập nhà học và mở khoa thi năm 1789. Ngài ra lệnh khuyến khích dân các xã nên lập nhà học, chọn nho sĩ có đức hạnh trong xã mình làm thầy, ở cấp phủ huyện thì dân chúng cố trông nom nhà Từ vũ (nhà học cấp phủ huyện) cho tới khi triều đình chọn được quan huấn đạo thì sẽ gửi tới phụ trách việc giảng dạy. Chỉ một chi tiết đó cũng nói lên không khì chuộng học và tinh thần khá dân chủ tiến bộ thời Tây Sơn.
    Cũng trong nỗ lực dựng nước, văn học chính giáo thời Tây Sơn còn có một cống hiến nữa về mặt lập pháp. Ngay từ 1788, Quang Trung Hoàng Ðế đã có quyết định cho soạn thảo một bộ luật mới cho một kỷ nguyên mới. Ngài mất đi, nhưng ý chí vẫn còn nên qua đời Cảnh Thịnh, quan Thượng Thư bộ Hình là Lê Công Miễn đã tham khảo bộ luật Hồng Ðức và cả luật Mãn Thanh để soạn ra một bộ Hình Thư, hoàn tất năm 1800. Bộ luật này chưa được áp dụng thì triều Tây Sơn đổ và có lẽ đã bị thất truyền.

    * Các Lãnh Vực Văn Hóa Khác
    Về mặt kiến trúc và xây dựng, thời Tây Sơn cũng đã có những cố gắng sơ khởi với thành Chà Bàn (Hoàng Ðế thành của Nguyễn Nhạc kiến lập tại gần Quy Nhơn), thành Phú Xuân (nơi nhà Nguyễn Tây Sơn thực sự đóng đô từ 1789 đến 1801), Phượng Hoàng Trung Ðô tại Nghệ An (nơi Quang Trung muốn thiết lập làm kinh đô và yêu cầu Nguyễn Thiếp nghiên cứu mà chưa hoàn thành và chỉ là một trung tâm chỉ huy quân sự) và một đàn tế trời tại núi Bân, phía Nam núi Ngự Bình, cách Phú Xuân 3 cây số, nơi Quang Trung lên ngôi và làm lễ xuất quân ra Bắc trong trận Ðống Ða. Những công trình này chưa có kích thước đồ sộ như ý chí của nhà lập quốc, nhưng cũng đã phản ảnh một nỗ lực kiến tạo và nhất là tinh thần chủ động canh tân của Quang Trung.
    Ở trên, ta đã nhắc tới Phan Huy Ích nhiều lần. Qua những văn từ liên lạc Việt-Thanh, ta còn biết triều Tây Sơn có gửi mừng Càn Long ăn thượng thọ 80 một số nghệ sĩ gồm 6 nhạc sĩ và 6 ca sĩ để trình bày mười bài ca vũ theo điệu Nam, tiếng Nam (Ðến nỗi Càn Long phải nhờ các nghệ sĩ này dạy lại cho nghệ sĩ Tàu để trình diễn trong triều đình). Phan Huy Ích chính là người đã soạn lời ca cho phái đoàn nghệ sĩ trên. Trong Vũ Trung tùy bút của Phạm Ðình Hổ, người ta thấy triều Lê từng cấm hát bội, nhưng đến năm 1790, dân gian lại mở rạp tổ chức hát bội, có lẽ vì các tướng sĩ Tây Sơn đều ưa chuộng bộ môn nghệ thuật này. Trong bài Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du, ta cũng thấy tác giả truyện Kiều viết là tướng sĩ Tây Sơn ra Bắc Hà thường thưởng thức hát ả đào. Suy từ những sự kiện này, ta biết là thời Tây Sơn, các ngành hát bội, hát ả đào, ca nhạc và nói chung cả nghệ thuật sân khấu đã có lúc thịnh hành và được khuyến khích. Phải chăng, những dấu vết còn lại thời nay là điệu hát trống quân, nghệ thuật đánh trống trận Tây Sơn và hát bội Bình Ðịnh?
    Sau cùng, kiểm điểm lại những di sản văn học thời Tây Sơn, ta không thể không nhắc đến một lãnh vực bất ngờ khác là Y học. Vua Quang Trung cho lập Nam dược cục, giao cho một danh y đất Thanh Hóa từng theo quân Tây Sơn ngay từ đầu là Nguyễn Hoành cùng các nhà y học nhiều kinh nghiệm khác điều khiển với nhiệm vụ nghiên cứu và sưu tập các loại thuốc Nam. Sau Nguyễn Hoành cùng các con đều bị Nguyễn Ánh giết chết. Nguyễn Hoành để lại quyển Nam dược có ghi 500 vị thuốc Nam. Một danh y khác được giữ chức Tá lệnh sứ của viện Thái Y ở Phú Xuân là Nguyễn Quang Tuân, người Hà Ðông, tác giả của La Khê phương dược, một bộ sách tổng hợp kinh nghiệm y học vào thời Tây Sơn. Nhưng, xuất sắc hơn cả là một lương y đã chữa chạy cho nạn dịch tại Thăng Long sau chiến thắng Ðống Ða, từ 1789 đến 1791, và sau được Quang Trung tin dùng, triệu về viện Thái Y tại Phú Xuân, làm quan triều Cảnh Thịnh lên đến Thượng thư bộ Lại, tước hầu, cho đến 1802 thì bị bắt, và sau bị triều Nguyễn Ánh đánh đòn trước Văn Miếu Thăng Long cùng Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Ông là Nguyễn Gia Phan, được coi như một nhà y học vừa có khả năng trị liệu, vừa là một nhà nghiên cứu uyên bác, và cũng lại là một lương y xả thân cứu giúp dân chúng. Công trình tổng hợp, nghiên cứu và biên soạn của ông có các bộ Liệu dịch phương pháp toàn tập (nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm), Lý âm phương pháp thông lục (nghiên cứu phụ khoa và sản khoa), Hộ nhi phương pháp tổng lục (nghiên cứu về nhi khoa).
    Triều đại Tây Sơn nổi lên trong binh biến, và thường xuyên phải giải quyết vấn đề bằng chiến trận, trong 30 năm tồn tại, chỉ có 4 năm khởi công xây dựng rồi lại lâm vòng chinh chiến trong 10 năm liền trước khi sụp đổ. Trong suốt ba thập niên chinh chiến, không khí trọng võ đã là một đặc điểm, đi đôi cùng nguồn gốc xuất thân của những người lãnh đạo, đại đa số đều là võ tướng, ít được đi học, và lên ngôi vị cầm quyền nhờ công lao chiến trận. Vậy mà triều đại đó cũng đã xây dựng và kết tập được một khối lượng rất đồ sộ những tác phẩm văn học rất đa diện và nghệ thuật khá phong phú. Quang Trung Hoàng Ðế là con người trọng võ nhưng cũng là người chuộng văn và có một tầm nhìn vượt qua thời đại của ngài rất xa. Vì vậy mới gây được một trào lưu văn học sung mãn, quy tụ được nhiều nhân tài trong nhiều lãnh vực khác nhau.
    oOo
    Sau khi đã kiểm điểm sơ lược di sản văn học nghệ thuật thời Tây Sơn, chúng ta có thể nêu lên một số đặc tính gọi là tiêu biểu cho giá trị của di sản này:
    Tinh thần lạc quan và tin tưởng được thấy rõ trong những tác phẩm còn lưu truyền. Sau một thời kỳ chinh chiến kéo dài từ thế kỷ trước, sau biết bao tai ương xảy ra cho mọi thành phần dân chúng, tinh thần lạc quan này quả là một tinh thần chấn hưng dân khí và đáng lẽ phải báo hiệu cho cả một công cuộc phục hồi đất nước. Những bước xây dựng của Quang Trung đã bị xoá sạch vì triều Tây Sơn chưa có thời gian tái tạo một nền móng vững chắc sau những tai biến liên miên.

    Ðặc tính thứ hai của văn học Tây Sơn là phát huy hùng khí dân tộc, xây dựng lại niềm tự hào cho người Việt sau những năm phân tranh và loan lạc từ Nam ra tới Bắc. Tính trọng võ của thời Tây Sơn không là lý do duy nhất giải thích hiện tượng này. Phải nói là chính tinh thần quật khởi và niềm tự tin dân tộc sau chiến thắng Ðống Ða mới là động lực thúc đẩy người cầm bút ngợi ca dân tộc và quốc gia một cách nhiệt thành như vậy. Văn học Tây Sơn là một nền văn học yêu nước.

    Ðặc tính thứ ba của văn học Tây Sơn chính là đặc tính dân tộc. Vua Quang Trung ưa chuộng chữ Nôm đã đành, nhưng điều đó chưa đủ nói lên trọn vẹn chí hưng quốc của ngài. Ngay từ khi chưa diệt quân Thanh, ngài đã tỏ ý muốn cho nước ta phú cường và không còn lệ thuộc vào việc buôn bán với Trung Hoa nữa. Trong chiến trận, quân Tây Sơn vẫn phải tìm mua thuốc súng của Trung Hoa, và qua chiến trận ở Gia Ðịnh, ngài đã biết thế nào là kỹ thuật và hỏa lực Tây phương. Chính kinh nghiệm thực tế này đã khiến nhà vua muốn quảng bá kiến thức một cách sâu rộng trong quần chúng để nâng cao dân trí cùng với dân khí đã được đề cao từ lãnh đạo. Ngài muốn phát huy những ưu điểm của dân tộc và phổ thông hóa kiến thức đó làm nền tảng lâu dài cho việc canh tân đất nước.

    Sau cùng, văn học Tây Sơn có đặc tính thiết thực và tiến bộ, qua những nỗ lực truy tìm và gạn lọc những gì hữu ích nhất cho việc giữ nước và dựng nước. Nguyễn Thiếp có khuyên Quang Trung phát huy cái học của Tống Nho thành quốc học. Quang Trung chọn lựa một đường hướng khác, dù vẫn yêu cầu ông này phiên dịch những sách Hán để ngài tham khảo. Trong chiến trận, chính vua Quang Trung đã chiêu mộ thợ khéo để lo việc sản xuất chiến cụ ở Quảng Nam, và với những tài nguyên và kiến thức ít ỏi của Tây Sơn thời đó, ngài đã chiến thắng những đạo quân đông và mạnh gấp bội. Nếu ngài không mất sớm, chắc chắn là việc học nước ta đã có một nền móng tân tiến và cởi mở hơn, để sau này, nước ta đã không bị Tây phương áp bức và cướp mất chủ quyền.
    Từng đó vấn đề của thời Tây Sơn, của thời Ðống Ða lừng lẫy, ngày hôm nay hình như cũng vẫn còn. Dân trí, dân khí, niềm tự hào dân tộc, tinh thần tiến bộ và thực tiễn, v.v... đều là những vấn đề chúng ta vẫn thường nghe. Nhắc đến những đóng góp và giá trị của văn học nghệ thuật thời Tây Sơn, ta không thể không nghĩ đến những vấn đề của dân ta vào thời nay. Hai trăm năm nữa, dân ta sẽ viết gì về văn học Việt Nam vào thời đại hôm nay, giữa những vấn đề của thời đại mà dân tộc chúng ta đang phải giải quyết?
  3. binhminhlaky

    binhminhlaky Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    131
    Đã được thích:
    0
    TÌNH BÁO THỜI TÂY SƠN
    HỒ TRUNG QUÂN
    "Tình Báo", nghe ra thật đơn giản. Nhưng, tự thân nó đã toát lên cái gì đó hàm ý của sự bí mật, tác động mạnh vào tính khiến người đối diện khó kèm chế tìm biết, mặc dầu có rùng rợn bao nhiêu đi nữa... Ai đã từng chơi qua cũng phải e dè, sợ sệt, mất ăn mất ngủ, để đề phòng, cảnh giác. Vì, nghĩ rằng mình đang bị đối phương đang âm thầm rình rập, theo dõi, chờ dịp thấy được sơ hở là tấn công. Cái nguy hiểm của tình báo là quan niệm về đối phương, không hẳn chỉ dùng gán cho kẻ đối địch mà là kể cả bạn, kể cả đồng minh. Mọi hoạt động của tình báo đều mang tính đa dạng, và nhất định nó không là độc quyền khai thác riêng của bất cứ ngành nghề nào trong cuộc sống con người. Chúng ta cứ thử tìm hiểu xem công việc gì sẽ đến với các sở trinh thám tư không thôi thì hiểu ngay phạm vi hoạt động của tình báo rộng rãi đến cỡ nào. Nhiều lúc bạn tự nghĩ, trong đời mình đã mấy lần làm thám tử, và đã mấy lần làm công việc nhỏ nhất của một trưởng lưới tình báo? Ý niệm vừa rồi không có gì là mơ hồ đâu; nó chính là kết quả của công việc đã làm khi bạn muốn tìm hiểu, muốn thâu lượm bất cứ tin tức gì cần cho đời sống thường ngày của bạn. Tóm lại, để đáp ứng nhu cầu, trước nhất bạn phải biết áp dụng phương thức của ngành tình báo.
    Nhìn lại lịch sử, ở bất cứ thời gian hay thời đại nào, hễ muốn chiến thắng đối phương với kết quả mong muốn, việc đầu tiên, phải vạch trước một hướng đi đó là tìm hiểu, thu lượm tin tức cần thiết đáp ứng đúng yêu cầu chiến lược khi thực hiện chiến thuật trong sách lược đã vạch định. Làm như thế, vô hình tung, đã áp dụng phương thức "tình báo" để chuẩn bị cho hành động tới.
    Như thế, ngày xưa "điệp viên" đã phải hoạt động thế nào?
    Trả lời câu hỏi này, những nhà nghiên cứu cứ suy luận rồi đoán mò ra mà thôi. Ai cũng cho rằng, nhất định câu: "Tri kỷ tri bĩ, bách chiến bách thắng" là đầu mối cho các hoạt động tình báo! Ừ, thì cứ cho là đúng đi! Ngay như chúng ta ngày nay, các tài liệu được đưa ra dạy ở trường tình báo, mặc dầu tài liệu đó chỉ là vấn đề căn bản và sơ đẳng nhất (theo dõi, phản theo dõi, nhận diện mục tiêu) cũng không đem được ra ngoài, ghi nhớ được bao nhiêu khi nghe giảng cứ làm bấy nhiêu thôi!
    "Tri kỷ tri bĩ, bách chiến bách thắng" - một câu châm ngôn rất thực tế trong cuộc sống, nó thật cụ thể vì khi biết khai thác triệt để, nhất định các vấn đề sắp hành động coi như đã giải quyết trước 50%. "Tri kỷ", mình mà không biết mình thì ai biết đây! Chuyện nhận biết ngay, bằng lương tâm, bằng trí tuệ của ta về ta; nó cụ thể lắm và chắc chắn nữa... Ai mà không biết chính mình? Ðã có người, trong hành động thực hiện mục đích, luôn thay đổi và ngay chính mục đích cũng luôn thay đổi, thất bại dồn dập đưa đến, rồi từ đó cho rằng: chính mình cũng không thể hiểu mình (tri kỷ) nữa là người khác! Nói như thế, có nghĩa là bản thân họ đã mặc nhiên thừa nhận hiểu rất tường tận về họ rồi. Chuyện khó là 50% còn lại - "tri bĩ", biết chuyện người khác, chuyện bí mật của đối phương? Khó lắm, muốn hiểu được sẽ kéo theo rất nhiều phức tạp khác, cả một nghệ thuật moi tin - thu lượm tin tức, chọn lọc, phân loại... Nói rộng hơn, là tìm hiểu đối phương: đang hành động gì, với phương thức kế hoạch ra sao, v.v... và v.v... Thực hiện những việc mới nghe qua thì quá đơn giản này, chính chúng ta đang rơi vào công việc phức tạp ở nghiệp vụ tình báo!
    Nước Việt Nam chúng ta, thời Tây Sơn, "Tình Báo" đã có tầm hoạt động mạnh rồi. Người xuất sắc nhất cho sách lược này với nhiều mưu mô, biết tự đặt ra chương trình hành động từ vụn vặt tẩn mẩn đến qui mô đại sự, và cuối cùng đã thành công đúng theo nội dung câu "Tri Kỷ Tri Bĩ Bách Chiến Bách Thắng" không ai hơn là vua Quang Trung! Có thể nói ông là thiên tài về mọi mặt... Dĩ nhiên, các kết quả đưa đến đều nhờ vào các điệp viên tài giỏi, nhưng dầu sao mọi dự định, cách tổ chức, cách dùng người đều phải theo đúng kế hoạch của nhà vua!
    Mới vào độ tuổi 18 (Tây Sơn khởi nghĩa 1771), độ tuổi vừa chớm trưởng thành (?), Nguyễn Huệ đã là một Ðại Tướng Tây Sơn, trực tiếp cầm quân xung trận, tấn công đối phương nơi xứ lạ như vào chỗ không người. Ðàng Trong, dẹp Chúa Nguyễn, đến năm 31 tuổi đuổi quân Xiêm. Năm 33 tuổi, lăn xả vào cuộc chiến với Chúa Trịnh Ðàng Ngoài và chiến thắng dễ dàng, trả giang sơn lại cho vua Lê. Năm sau (34 tuổi) tiêu diệt phản thần Nguyễn Hữu Chỉnh. 35 tuổi, trừ khử gian thần Võ Văn Nhậm (mưu đồ chiếm Bắc Hà). Và cũng vào cuối năm đó (1788), Bắc Bình Vương lên ngôi vua, lấy hiệu Quang Trung, kéo quân ra Thăng Long tiêu diệt Tôn Sĩ Nghị, quét sạch quân xâm lược Mãn Thanh, đuổi chúng chạy như vịt trở về Tàu, không dám léo hánh xâm nhập vào bờ cõi An Nam nữa... chỉ bằng một cuộc tấn công chớp nhoáng. Năm 40 tuổi, nhà vua định vào Gia Ðịnh diệt hết lực lượng Nguyễn Ánh, rồi sau đó sẽ mở mang lãnh thổ rộng lớn về phương Bắc: buộc Mãn Thanh trả lại hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây thuộc đất Nam Việt (Triệu Ðà) đã bị nhà Hán thôn tính. Mọi dự định đang tiến hành rất tốt. Thì, như vận nước gặp buổi không may, nhà vua ngã bệnh rồi băng hà, để lại bao nhiêu thương tiếc cho dân tộc, bao nhiêu dang dở cho Tổ Quốc thân yêu...
    Nhìn lại, mọi thành công trong suốt sự nghiệp mà vua Quang Trung đạt được, chúng ta thấy phần chính là ông ta đã biết áp dụng, thực hiện nghiệp vụ tình báo một cách như quá nhuần nhuyễn rồi.
    Tư chất thông minh thiên phú, Nguyễn Huệ không phải khi vào đời mới bộc phát, mà ngay từ khi còn nhỏ, chính vị thầy (Giáo Hiến) dạy cho cậu bé Ba Thơm đã nhận biết điều đó. Dựa vào lý số, giáo Hiến biết rằng Ba Thơm sẽ là người tài giỏi bậc nhất sau này, ông ta còn nghĩ rằng tên Thơm không mấy gì cao quí, nên thay chữ "thơm" bằng chữ "huệ" - một loài hoa sang trọng tinh khiết còn có mùi vương giả, nên đổi tên từ Thơm ra Huệ là vậy.
    Kể ra trong anh em Tây Sơn, không phải chỉ riêng có Nguyễn Huệ là người làm nên việc. Ðúng ra người có phong chất nhất phải nói đến anh cả Nguyễn Nhạc. Vì chính Nhạc, và có Nhạc mới dựng lên nổi cơ nghiệp nhà Tây Sơn. Từ hai bàn tay trắng, chấp nhận moị lao đao vất vả, trốn lây trốn lất khắp vùng núi An Khê, chiêu binh mãi mã chỉ bằng lời nói, bằng tình cảm riêng tư, không tiền không của, không ruộng vườn như Lê Lợi (vùng Lam Sơn), nhưng vẫn nuôi được binh... Công bình mà nói, Nguyễn Nhạc phải là người tài giỏi nhất trong anh em họ. Xuất thân là một người bình thường như những người dân bình thường khác, Nhạc không thuộc dòng dõi chúa Nguyễn, lại càng không phải giàu có như thương gia Nguyễn Thông (Qui Nhơn)! Qua truyền tụng từ dân địa phương, người ta mới biết được Nhạc thời trai tráng là một thanh niên đẹp trai, có vẻ như một "tiên phong, đạo cốt", dễ gây cảm tình với mọi người. Thêm vào vóc dáng cha mẹ tạo cho, tính Nhạc rất dễ thương, hào sảng, rộng rãi, chiều lòng mọi người và thích giúp đỡ mọi người...
    Một con người như vậy dĩ nhiên phải đến tai Chúa Nguyễn, và được chúa Nguyễn mến mộ. Truy lai lịch, chúa Nguyễn biết lai lịch của Nhạc thuộc con cháu những người mà các tiên vương mình đã cưỡng bách họ lìa bỏ quê hương để vào Nam lập nghiệp... Và rồi, thiên thời địa lợi giúp Nhạc có cơ hội ra vào cung cấm Phú Xuân... Phải chăng Nhạc đã có mưu đồ? Vì mọi cách thực hiện kế sách tương lai, mà Nhạc đã khiến cho một quận chúa đem lòng say mê hắn ta đến điên đảo! Có thể nói trước khi bắt tay vào việc - xâm nhập cung đình, Nhạc chỉ làm công việc thực hiện kế sách vạch sẵn từ trước mà thôi. Nhờ địa lợi, Nhạc cho tổ chức ngay một mạng lưới điệp viên tại cung đình; những điệp viên này chỉ cần cho Nhạc biết cá tính các thân vương quốc thích, tựu trung mỗi người trong họ ưa thích những gì... Từ đó, Nhạc đã tìm moị cách thỏa mãn ngay cho đối phương để tạo cảm tình và gây lòng tin. Những điệp viên được Nhạc xử dụng đều là những kẻ phục dịch trong cung, do đó nhất cử nhất động mọi sinh hoạt trong phủ, Nhạc nắm rõ hết. Những chuyến chuyển cá khô, mắm, muối, từ miền xuôi trở lên mạn ngược, đổi lấy trầu nguồn, cau tươi trở về. Sau khi tính xem tiền lời, thì hỡi ơi, nhận biết chả thấm vào đâu, vì Nhạc phải mua thêm những loại quí hiếm như ngãi thuốc, đồng đen, vàng vòng, thậm chí cả sừng tê, nhung nai, ngà voi để biếu xén cho chính Chúa cùng các thân vương... Nhạc lúc nào cũng chơi đẹp! Tham lam, nhũng lạm như quốc phó Trương Phúc Loan cũng bị Nhạc mua chuộc. Chiếm được cảm tình trong hoàng cung, nhận biết uy tín của mình không còn nhỏ, Nhạc chuyển thế... Thời may đến, quan trấn thành Qui Nhơn muốn được lòng quận chúa - người đẹp đang yêu Nhạc, giao cho Nhạc trông coi kho công khố!
    Từ khi có được chức, Nhạc cưới quận chúa với điều kiện không một "ten" hồi môn (thực ra nhà chúa cũng chẳng có tiền của gì, vì bao nhiêu đều được sung hết về kho của quốc phó Trương Phúc Loan (cậu ruột của Chúa Ðịnh Vương Nguyễn Phúc Thuần đương vị). Cái an ủi và vui cho Nhạc là từ ngày cưới được quận chúa, quyền hành của Nhạc rộng lớn hơn, công việc suông sẻ nhiều, dễ dàng ăn nên làm ra...
    Có tiền, có thế, có chủ đích, Nhạc nhất định vùng vẫy một phen... Ngoài mặt, nhìn vào, ai cũng tưởng Nhạc chỉ là kẻ ăn chơi cờ bạc, trác táng, học đòi quí tộc, nhưng thực ra bên trong thâm tâm của Nhạc đã có chủ đích - thu phục tay chân bộ hạ, nghĩa là tuyển điệp viên dùng trong giai đoạn hiện tại cho riêng mình. Nhạc đã tổ chức những canh bạc thâu đêm suốt sáng quyết gài con mồi vào tròng. Chuyện cờ bạc tất nhiên có ăn có thua, nhưng Nhạc chọn cách cần phải thua nhiều hơn ăn! Còn những con bạc bị thua muốn gỡ gạc, Nhạc cho họ vay. Chuyện cho vay, Nhạc không chỉ dành riêng cho "con mồi" của mình mà cho tất cả mọi người cần... Hôm nào được cuộc, người vay trả lại cho Nhạc cả vốn lẫn lời, nhưng cũng có người như chần chừ, thấy vậy Nhạc lên tiếng mở lời trước:
    - Nếu thích thì cứ để mà xài, anh em mà, có là bao, biết đâu chừng sau này... tiên sinh còn giúp ta nhiều gấp mấy lần.
    Ðối với các con nợ cháy túi, Nhạc vỗ vai thông cảm:
    - Không gì đâu, đừng lo lắng, có thì trả, không có thì thôi, bộ tôi đây không biết quí mến tiên sinh hơn cái của phù vân hay sao?
    Nhạc nghĩ rằng, chính những người được mình thi ân (những người có máu cờ bạc) sẽ được việc cho mình sau này, vì hầu hết dân giang hồ mà lâm vào bệnh "ghiền đỏ đen" nhất định họ phải có đầu óc nhiều mưu mô, thông minh gấp bội người bình thường (ngay từ hồi ấy, Nhạc đã khá rành về cách nghiên cứu phân tích tâm lý, bản chất, từng loại người trong xã hội)! Và kết quả, loại cảm tình viên này đã không ngần ngại cho Nhạc biết tất cả mọi tình hình từ Ðàng Ngoài cho đến Ðàng Trong, từ vùng xuôi lên mạn ngược, từ cung đình tới dân gian... Về sau, đổ bể chuyện "công khố Qui Nhơn" trống rỗng, Nhạc nhận tội một mình, không thêm thắt cho ai, trốn lên vùng núi sống chung với dân các bản làng người Thượng rừng núi An Khê, trong sự cung kính, giúp đỡ và mến mộ...
    Cuộc sống của Nhạc không phải tự dưng đến được, mà là do nhờ sự đầu tư chữ "nghĩa" trong Nho Giáo. Tổ chức mạng lưới tình báo của ông ta tuy không mấy rõ ràng nhưng rộng khắp. "Gia bần tri hiếu tử, Quốc loạn thị tôi trung"! (nhà nghèo mới biết được đứa con nào là hiếu thảo; làm vua đến lúc nguy khốn có người giúp đỡ mới có thể xác nhận người đó là tôi trung), Nhạc nhận rõ điều này trong hoàn cảnh khốn đốn. Tất cả đối với Nhạc đều trung nghĩa, không có nịnh mà cũng không phản! Chỉ biết đền đáp ơn Nhạc hết mình, trong đó phải nói ngay đến những người đang làm việc tại cung đình nhà Chúa (báo tin cho Nhạc phải đào tẩu gấp).
    Được binhminhlaky sửa chữa / chuyển vào 10:36 ngày 26/11/2003
  4. binhminhlaky

    binhminhlaky Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    131
    Đã được thích:
    0
    Sau ngày chiếm được thành Qui Nhơn, Nhạc giao lại cho các em công việc binh bị, để lên ngôi Hoàng Ðế (Trung Ương Hoàng Ðế or Thái Đức). Ðến lúc này, Trung Ương Hoàng Ðế, không phải nghĩ đến chuyện tình thế Ðàng Ngoài, Ðàng Trong, mà xoay tất cả các điệp viên, cảm tình viên của mình, gài vào hoạt động ngay trong nội dinh của hai em (Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ). Nguyễn Huệ biết được, đã biến các "điệp viên" của vua anh trở thành các "nhị trùng viên", rồi từ "nhị trùng viên" biến họ trở thành "điệp viên" riêng của mình khiến Nhạc không hề hay biết.
    "Gậy ông đập lưng ông"! Chuyện rõ ràng nhất rơi vào vai trò của Võ Văn Nhậm - con rể Nhạc, làm đại tướng dưới trướng của Huệ, là đầu não cơ quan "tình báo" (cả tổ chức gián điệp và phản gián) do Nhạc đặt bên cạnh Huệ. Tiếc rằng, Nhạc đã quá nhiều suy diễn từ bản chất của một anh chàng có máu cờ bạc, để áp dụng ngay vào chính trường, nên về sau chuốc lấy thất bại... Ai mà không biết, đã là người cờ bạc, nhất định phải tính chuyện "được", không dại gì tính chuyện "thua"! Do đó, sau khi chiếm vùng đất từ Qui Nhơn trở vào, Nhạc lấy làm thỏa mãn, vì được làm Trung Ương Hoàng Ðế của phần đất nhỏ phía nam, thế là đủ lắm rồi; tuy nhỏ vẫn chắc ăn hơn, nếu mạo hiểm trút hết túi, đặt canh bạc lớn, rủi ro "thua" thì phải hết sạch! Do đó, từ giai đoạn này trở đi, mọi việc bên ngoài, một mình Nguyễn Huệ thường hay lén anh, tự quyết định. Nhậm thường cho người cấp báo về các hành động tự quyền của Huệ, Nhạc bất bình rất nhiều, và từ đó mầm mống chia rẽ giữa hai anh em không thể hàn gắn được...
    Trở về lại với thiên tài Nguyễn Huệ. Là người thống soái binh đội Tây Sơn, Huệ phải đối phó với nhiều việc. Chuyện võ nghiệp, làm trai không thể không gánh vác, Một mình, Huệ âm thầm thực hiện những chuyện cần làm. Tuổi của Huệ chỉ xấp xỉ với tuổi con gái đầu của Nhạc, do đó, người sống sau cùng với bà Nguyễn Thị Ðồng (mẹ của 3 anh em Tây Sơn), phải là Huệ và Lữ ???Chính cái tập tục sống đúng kiểu Việt Nam này, là sợi giây vô hình, buộc chặt tình thân thuộc với nhau, nếu ai đó tìm cách thoát khỏi, bị lãnh ngay bản án: kẻ bất hiếu, bất nghĩa, bất trung, do người đời ban tặng.
    Binh đội Tây Sơn ngày một mạnh lên, Huệ không thể ở cạnh mãi bên mẹ, thân chinh chiến rày đây mai đó, ai có thể phụng dưỡng mẹ già? Anh cả đang gánh vác việc xã tắc. Thôi thì cưới vợ, Huệ nghĩ rằng người vợ trẻ, chưa có gì để bận bịu, lo cho mẹ chồng là thích hợp nhất. Nói là làm, Huệ cưới vợ lần đầu [có sách cho rằng người vợ đầu này là người con gái đẹp nhất trong số các người con gái của thương gia Nguyễn Thông (?)]. Những năm đầu, chuyện xa nhà, xa vợ con đối với Huệ chỉ tối đa vài ba tháng thôi, đó là trong những trận đánh lớn, còn chuyện tiểu trừ loạn lạc, Huệ thường giao lại cho thuộc tướng tin cẩn. Một năm trôi qua, vợ Huệ đã sinh cho Huệ một trai đầu lòng kháu khỉnh. Nhìn thấy nét mặt hiền dịu, thùy mị của vợ, Huệ cảm kích mà đặt tên cho con: Nguyễn Quang Thùy.
    Chiến trường Gia Ðịnh bùng nổ lại, Huệ nhất định đích thân thân chinh. Lửa tình đang độ ngun ngút, Huệ định đem vợ con theo. Việc này bị Nhạc phản đối với lý do: không ai săn sóc mẹ già bằng "cô dâu thứ"! Nếu chỉ có thế, thì Huệ không phải nhượng bộ. Nhưng rồi cuối cùng, Huệ phải thúc thủ chấp hành - lệnh của mẹ mình. Sau khi thắng trận trở về, Huệ mới biết được từ các điệp viên (nói hài hước theo ngôn ngữ hôm nay là "antenne") báo lại: "Một hình thức giữ con tin, chiếm người, nhằm kèm chế Huệ".
    Những tháng dài, Huệ đang chinh chiến tại chiến trường Gia Ðịnh, Nhạc đưa mẹ và vợ con Huệ vào hết nội cung, gọi là giúp Huệ rảnh tay, an tâm lo việc quân bị ngoài biên ải. Chính chuyện làm không mấy rõ ràng, nhiều mờ ám đã gây nhiều tai tiếng lăng nhăng giữa Nhạc và vợ Huệ (mẹ của Nguyễn Quang Thùy), khiến về sau Huệ phải bỏ vợ... Cho đến khi, Huệ cưới em gái của Phó Quốc Lân (Bà họ Phạm), thì cuộc vợ chồng với người vợ đầu tiên chấm dứt. Chuyện này trong cung đình ngày xưa không thể không có, tội nhất cho số phận của người đàn bà mà thôi! Thử hỏi có ai dám chống lại lệnh vua? Nhất định mẹ của Nguyễn Quang Thùy trong trường hợp này đành biết xuôi theo số mệnh, và dĩ nhiên càng không dám chống đối... Tội khi quân nặng gấp mấy trăm lần hơn, thà để thân xác, lương tâm bị giày vò, còn hơn cả tam tộc, cửu tộc bị tru di!
    Cuối năm 1788, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Ðế, người con cả Nguyễn Quang Thùy vẫn không được lập ở ngôi Thái Tử! Ngôi vị này phải nhường lại cho em là Nguyễn Quang Toản - con trưởng của bà Chánh Cung Hoàng Hậu họ Phạm.
    Có thể nói trong anh em, Nguyễn Huệ là người gặp nhiều thua thiệt. Nhưng trên chiến trường, Nguyễn Huệ lại là ngôi sao sáng chói nhất, không phải chỉ dành riêng cho anh em Tây Sơn, mà là niềm vinh dự, hãnh diện chung cho cả dân tộc Việt Nam kể trong gần năm ngàn năm nay.
    Những lúc trà dư tửu hậu, bàn luận binh pháp với các thuộc tướng, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ thường nói:"Quân lính cốt hòa thuận chứ không cốt đông, cốt tinh nhuệ chứ không cốt nhiều...". Quân pháp này theo binh pháp của Nguyễn Trãi - Lê Lợi "quý hồ tinh bất quý hồ đa".
    Có được quan niệm về tổ chức quân đội như thế này, nó đã mang ý nghĩa thật cao thâm, là một cách mở cho một chuỗi suy luận tiếp theo... nghĩa là dồn sức vào cuộc chiến bằng mưu lược, bằng cân não chăng? Các chiến thuật gia thời trung cổ cũng đã từng nói "Dùng gậy ông, đập lưng ông" nhất định tốt hơn! Như vậy, vấn đề quan trọng ở đây, là cần biết "gậy ông" đang được cất giấu ở đâu, và nếu có xử dụng thì xử dụng như thế nào, để thừa cơ hội cắp lấy?
    Thời An Dương Vương, chuyện tình Trọng Thuỷ - Mỵ Châu, có phải là hình thức "gậy ông" (nỏ thần) bị điệp viên Trọng Thuỷ (con trai Triệu Ðà) đánh cắp đó sao? Nếu nghiệm xa hơn, cái hay hơn nữa trong chuyện này là tính tuyệt vời của nó. Triệu Ðà không thèm chơi lối cũ xưa như Việt Vương Câu Tiễn gài mỹ nhân Tây Thi cho Ngô Vương Phù Sai, chờ khi Ngô Vương lâm trận say sưa, mê man cuộc tình... quên hết sơn hà xã tắc, Câu Tiễn mới đem quân chiếm Ngô. Sau này, đời nhà Hán, Vương Tư Ðồ cũng dùng Ðiêu Thuyền làm kế "mỹ nhân" dụ Ðổng Trác (vụ Phụng Nghi Ðình) để dẹp bỏ được lão khốn này. Vua Thục Phán chúng ta, bị mắc vào cái bẫy khác. Chết vì thương con! Mất nước vì tin con!
    Triệu Ðà biết rành từng hành động của Thục Phán nhờ điệp viên Trọng Thuỷ. Chiêu thức lần này xuất ra không phải "mỹ nhân" mà ngược lại - "mỹ nam nhân"... Chàng Sở Khanh Trọng Thuỷ hết sức xuất sắc với vai trò một điệp viên chính hiệu!
    Triệu Ðà, một quan úy quận Nam Hải, kế tiếp Nhâm Ngao (lúc đó đất này còn thuộc về Nhà Tần) đã dùng con trai mình làm "mỹ nam nhân" để giả vầy duyên với nàng công chúa Mỵ Châu con gái vua Âu Lạc. Thương con, Thục Phán chấp nhận. Không ngờ chàng rể lại là một điệp viên thượng thặng thuộc tầm cỡ quốc tế của ngày hôm nay.
    Là một anh hùng như Nguyễn Huệ, chuyện "mỹ nhân" nhất định không thoát khỏi, bước chân chinh chiến đến đâu, có thêm vợ đến đó, chưa kể chuyện nàng hầu... Có điều, cho đến ngày nay, chúng ta vẫn cảm phục vị vua này, vì người đẹp cỡ nào đi nữa cũng khó lung lạc được ngài, ngay cả nhân vật tuyệt vời như Công Chúa Ngọc Hân cũng đành chấp nhận câu: "mỹ nhân lụy vì anh hùng"!
    Từ khi mới cầm quân cho đến khi đuổi sạch đại quân Mãn Thanh, Nguyễn Huệ luôn đương đầu với những lực lượng mà quân số tác chiến nhà nghề của đối phương luôn gấp đôi! Kết quả sau khi xung trận, binh đội của Nguyễn Huệ bao giờ cũng chiến thắng. Có được như vậy, là nhờ ông ta như đang làm chủ trước mọi tình hình trên chiến trường. Câu hỏi đặt ra là tại sao Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, bằng tài cán nào, mánh mung gì mà biết được địch tình khi chưa tấn công đối phương? Ðây chính là công lao của "đội ngũ điệp viên" tài giỏi, nhanh nhẹn, gan dạ, biết cách xâm nhập sâu vào lòng địch, thâu thập tin tức chính xác... Dĩ nhiên, khi phân loại để điều nghiên, bộ tham mưu trung ương của Nguyễn Huệ phải hiểu rõ kẻ địch sắp làm gì, và chính ông ta sẽ phải làm gì.
    Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái có viết khi hội quân tại Tam Ðiệp, vua Quang Trung tuyên bố:"Lần này ta ra trận hành quân, phương lược tiến đánh đã có sẵn, chẳng qua mười ngày là đuổi được quân Thanh".
    Sách Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện, quyển 30, trang 33a, 34a viết:"Vào một ngày cuối tháng Chạp năm 1788, vua Quang Trung cho quân sĩ ăn tết trước rồi tuyên bố: Ðợi sang Xuân ngày mồng 7 vào Thăng Long sẽ mở tiệc lớn, các ngươi hãy nhớ lấy lời ta, xem ta nói có sai không? Không hề sai đấy!
    Ðêm 30 Tết, vua Quang Trung cho mở đầu chiến dịch đánh vào Gián Khẩu, để tiêu diệt thật gọn, thật gấp lực lượng thám báo tại đây. Quân tình báo nhà Thanh bị đánh úp bất ngờ, không kịp trở tay và bị nghĩa quân Tây Sơn bắt gọn, giết sạch, làm cháy hẳn, dứt tuyệt đường giây hoạt động do mạng lưới điệp báo Mãn Thanh bung ra. Vua Quang Trung rất coi trọng mặt trận tình báo của cả đối phương lẫn mình, nếu diệt gọn được quân báo của địch trước, thì phần thắng sẽ nắm trong tay. Nhờ vào cách tổ chức tốt công tác tình báo mà nhà vua đã đoán ra chính xác ngày thắng trận... Như chúng ta đã biết binh lính của Tây Sơn có nhiều người gốc Trung Hoa, nên việc cho gài điêp viên vào hàng ngũ quân Thanh nắm tình hình và xúi giục binh lính Thanh coi thường, không cần cảnh giác với Tây Sơn, chuyện làm không mấy khó khăn. Ðội điệp viên này đã báo về cho Quang Trung biết như sau: "Sang Xuân, ngày mồng 6 tháng Giêng, quân Thanh từ Thăng Long sẽ đánh vào Phú Xuân". Biết chắc, chuyện này sẽ xảy ra, vua Quang Trung ra lệnh hành động trước: Phải chận đánh quân Thanh ngay tại chiến trường mà đối phương không thể ngờ, đó là chiến trường do chính mình ấn định, không thể đánh vào chiến trường do đối phương bày sẵn chờ mình.
    Việc thắng trận vào đầu Xuân Kỷ Dậu sớm hơn dự định của vua Quang Trung 2 ngày, và sớm hơn dự định của quân Thanh tấn công vào Phú Xuân 1 ngày. Vì theo như tin hồi báo của đội ngũ điệp viên, thì: "Quân Thanh sẽ chia làm hai mũi, một do Bộ Binh từ Thăng Long kéo thẳng vào, một do Thủy Binh từ Trung Hoa theo đường biển tiến sang chiếm cửa Thuận An đánh thốc lên. Việc thứ hai là các vị trí bố phòng, trú quân của quân Thanh trong thành Thăng Long cũng như những vùng lân cận đã có bản đồ ghi chú chỉ dẫn rõ...". Vua Quang Trung cho chuẩn bị thật chu đáo việc phòng thủ tại Phú Xuân, riêng phần mình kéo đại quân tiến ra Bắc, nhất định, phải sống mái với bọn Mãn Thanh tại Thăng Long một phen. Và lại nữa, nhất định không để cho đối phương thực hiện kế hoạch đã dự định, mà buộc đối phải bàng hoàn chống trả kế hoạch thần tốc của mình. Một đòn cân não làm đối phương hoảng hốt, ngỡ ngàng, tạo cho hàng ngũ đối phương bấn loạn vì tinh thần binh sĩ giao động, lo âu...
    Nửa đêm mồng 3 Tết (28/1/1789), nhà vua cho binh sĩ bí mật, bất ngờ vây chặt đồn Hạ Hồi cách Thăng Long 30km. Quân Thanh trong đồn hoàn toàn bị động vì quá bất ngờ, đâm ra rối loạn hàng ngũ, tên nào cũng mong tìm đường chạy thoát thân, không còn dám nghĩ đến việc chống trả. Vua Quang Trung dùng loa gọi bọn chúng đầu hàng, nghe tiếng ông binh sĩ dạ vang như sấm phụ họa thêm uy lực, một chiến thuật tâm lý hữu hiệu, làm cho quân địch đã hoang mang lại càng hoang mang hơn, cộng thêm vào đó là việc tác động tuyên truyền do các điệp viên được gài từ trước, khiến nỗi sợ hãi kinh khiếp của binh sĩ đối phương tăng gấp bội, nên, kết quả đồng loạt bọn họ xin ra hàng. Tất nhiên tiếng xin hàng lớn nhất và mau miệng nhất có lẽ được phát ra từ miệng những điệp viên của đội ngũ tình báo Tây Sơn. Ðồn Hạ Hồi chỉ trong chốc lát nằm gọn trong tay nghĩa quân Tây Sơn, không hao một viên đạn, không tốn một giọt máu... Hăng say chiến thắng, nhà vua ra lệnh tấn công tiếp vào đồn Ngọc Hồi (cách Thăng Long 14 km). Tại đây lực lượng phòng vệ của quân Thanh thật kiên cố, vua Quang Trung thay đổi chiến thuật, cho đồng loạt ồ ạt, dữ dội công thành với sự hỗ trợ tối đa của dân chúng địa phương như dùng ván bện rơm (được gọi là phiến giáp) trang bị cho những đạo quân tinh nhuệ làm mộc đỡ tên đạn, lúc tiến sát được vào dưới chân thành, thì những phiến giáp này trở thành những chiếc thang leo dùng cho những đội cảm tử nhảy vào phá thành. Lực lượng Tượng binh có gắn đại bác xạ kích thẳng vào thành, kết hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, trong đó chủ yếu là nhiều đội cảm tử đồng loạt nhất tề xông lên, quyết chí hạ cho kỳ được thành Ngọc Hồi. Trước chiến thuật tài tình và thần tốc như thế này, Tôn Sĩ Nghị quá kinh hoàng chỉ còn có thể thốt lên: "Sao mà thần đến thế!", rồi cố sức tìm đường trốn chạy không kịp mang theo ấn tín.
    Tất cả các trận đại thắng theo kiểu này, phải chăng vua Quang Trung đã tốn nhiều công sức cho việc huấn luyện một đội ngũ tình báo hết sức trung thành với mình? Tiếc rằng ngày nay chúng ta vẫn chưa tìm ra những tài liệu về cách thức đã huấn luyện cho tổ chức tình báo của ông ta như thế nào, chỉ biết rằng, tình nghĩa huynh đệ chi binh của ông ta khác với nguời anh cả. Ông thường dùng lòng thành thật đối với thuộc cấp, thưởng phạt công minh, có tội thì trị, có công phải thưởng. Cách sống theo đúng bản chất kẻ giang hồ mã thượng dễ thu phục lòng người, hơn là những kẻ mưu mô bá đạo. Tình báo thời đại Tây Sơn, những câu chuyện giả sử dựa vào lịch sử, còn rất dài, xin bạn đọc cứ thư thả, rồi đây trong các số báo tới, người viết xin được viết tiếp! Trong thâm tâm tôi, lúc nào cũng nghĩ rằng: "là nòi tình nên phải biết thương người đồng điệu!" âu cũng là việc thường tình.
  5. binhminhlaky

    binhminhlaky Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    131
    Đã được thích:
    0
    Tiếp theo các mẩu chuyện về Đại Đô Đốc Thái Phó Trần Quang Diệu như sau:
    Một hôm Trần ở Hoài Ân vào Kiên Mỹ để thăm Nguyễn Nhạc. Vượt qua Kim Sơn theo đường núi, Trần đến vùng Thượng Ninh thì gặp một con cọp tàu cau to lớn đón đường. Vì không mang đao theo, nên Trần phải đánh tay không với cọp từ sáng cho đến trưa. Trần dần dần đuối sức, mình đầy vết thương, bê bết máu me. Đang lúc lâm nguy thì gặp được Bùi Thị Xuân cùng đệ tử đi săn. Thấy cảnh người và hổ đánh nhau, người sắp bị cọp vồ, nên Bùi thị hét lên một tiếng, rút song kiếm xông vào đánh nhau với cọp cuối cùng, cả hai liên thủ hạ được cọp.
    Thoát chết, Trần yêu cầu được đưa về Kiên Mỹ, đến nhà Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc và Bùi Thị Xuân vốn đã nghe danh nhau, song chưa có dịp làm quen. Nhờ cọp theo gió, gió đưa duyên mà nên nghĩa "vườn đào": Nguyễn, Trần, Bùi.
    Rồi để cho nghĩa thêm nặng, tình thêm thâm, Nguyễn Nhạc đứng làm mai và làm luôn chủ hôn để Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân nên vợ nên chồng.
    Từ đó, Trần Quang Diệu ở luôn tại Kiên Mỹ, cùng Nguyễn Nhạc xây dựng cơ đồ.
    Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc được tôn làm Tây Sơn vương. Trần Quang Diệu cùng Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng phụ trách quân sự: mộ quân và huấn luyện.
    Một hôm, nhân về Hoài Ân thăm nhà, gặp và kết bạn với một tráng sĩ sau này là một tướng giỏi của nhà Tây Sơn. Đó là Võ Văn Nhậm.
    Võ Văn Nhậm, gốc Quảng Nam, sức mạnh hơn người, võ nghệ giỏi, tánh phóng khoáng không chịu ràng buộc. Nhậm vốn là kỳ tướng của quan Trấn thủ Quảng Nam. Vì không tuân theo luật pháp nên bị tội, bỏ trốn vào Quy Nhơn. Khi đến Phù Ly, Nhậm nghe người đi đường cho biết có tên cường hào cưỡng ép một thôn nữ về làm tì thiếp. Nhậm nổi giận, rút gươm chém chết tên thổ hào rồi định đến cửa quan nhận tội.
    Bỗng một tráng sĩ vỗ vai:
    - Đệ xem huynh, chí khí tài lực đủ định loạn thiên hạ dễ dàng. Giết một con sâu dân, thì có chi gọi là tội mà toan bỏ cái tài hữu dụng? Sao không đến Tây Sơn vương để chung lo việc lớn. Đệ là Trần Quang Diệu, xin tiến cử huynh lên nhà vua.
    Võ Văn Nhậm hớn hở theo Trần Quang Diệu lên Tây Sơn. Tây Sơn vương trọng dụng và sau này gả con gái là Thọ Hương cho Nhậm.
    Ngày rằm tháng tám năm Quí Tị (1773), Tây Sơn vương đi xuất binh đánh Quy Nhơn. Trần Quang Diệu được phong chức Đô Đốc cùng phó Đô Đốc Võ Văn Dũng, Đô Đốc Lê Văn Hưng thống lãnh một đạo binh xuống núi có nhiệm vụ đánh chiếm miền Bắc Quy Nhơn.
    Trần Quang Diệu phân binh làm ba đội:
    Một đội do Lê Văn Hưng chỉ huy, ở hậu phương làm lực lượng trừ bị.
    Một đội do Võ Văn Dũng cùng Cao Tắt Tựu đi đánh Bồng Sơn.
    Một đội do Trần Quang Diệu chỉ huy, cùng La Xuân Kiều đi đánh Phù Ly.
    Hai huyện lỵ Bồng Sơn và Phù Ly, khi nghĩa quân kéo đến chưa đánh đã tan. Quân cũng như dân hai huyện đều hân hoan đón tiếp nghĩa quân.
    Để Võ Văn Dũng ở lại cùng hai học sĩ Cao, La trấn giữ hai huyện lỵ, Trần Quang Diệu kéo đại binh vào hợp với Tây Sơn vương đánh thành Quy Nhơn. Nguyễn Nhạc tìm kế chiếm được thành. Trần Quang Diệu vào giữ thành để binh Nguyễn Nhạc đi tảo thanh các vùng ngoại thành.
    Tháng 11 năm Quí Tị (1773), quân chúa Nguyễn do Phò mã Nhất chỉ huy đánh vào Quy Nhơn. Trần Quang Diệu phụ trách phòng vệ thành Quy Nhơn, để Nguyễn Nhạc xuất chinh. Có Tập Đình và Lý Tài phù trợ, Nguyễn Nhạc đã đánh tan quân chúa Nguyễn.
    Cuối năm ấy, Tư Linh và Nhưng Huy tạo phản, Trần Quang Diệu đem quân đánh dẹp, bắt được cả hai đem về Quy Nhơn.
    Trần Quang Diệu là người có kiến thức rộng, tầm nhìn xa. Năm Giáp Ngọ (1774), Nhạc sai Lý Tài vào trấn thủ Bình Thuận, Trần Quang Diệu can:
    - Lý Tài là người tàu, vốn là giặc bể, bụng dạ khó lường, không nên cho đi xa cầm binh. Cọp thêm vi và đi xa thì khó bắt lại.
    Nguyễn Nhạc không nghe. Sau quả nhiên Lý Tài bỏ Bình Thuận vào Nam đầu hàng chúa Nguyễn, gây rối một thời rồi mới bị Nguyễn Huệ đánh cho tan nát. Khi Nguyễn Nhạc xưng đế, Trần Quang Diệu được phong chức thiếu phó.
    Năm 1784, Nguyễn Phúc Ánh cầu viện quân Xiêm sang đánh Gia Định. Trần Quang Diệu cùng vợ là Bùi Thị Xuân theo Nguyễn Huệ vào Nam tảo thanh quân Xiêm. Tại trận Rạch Gầm, Xoài Mút, Trần Quang Diệu thống lãnh bộ binh cùng vợ đánh tan bộ binh Xiêm và chiến tướng Lục Cổn.
    Sau khi trở về Quy Nhơn, Trần Quang Diệu theo vua Quang Trung ra Thuận Hóa và trấn thủ thành Phú Xuân, khi vua Quang Trung ra Bắc Hà tiêu diệt quân Mãn Thanh.
    Lúc thắng trận trở về, vua Quang Trung đã giao phó cho Trần Quang Diệu ứng phó với các nước láng giềng: Xiêm La, Ai Lao và Miến Điện.
    Nguyên khi vua Lê Chiêu Thống chạy sang Tàu, Lê Duy Chỉ ở lại Tuyên Quang, nương nhờ thổ tù Nùng Phúc Tân và Huỳnh Văn Đồng. Duy Chỉ liên kết với các thổ dân ở Vạn Tượng, Trấn Ninh, Trịnh Cao, Qui Hợp, Xiêm La chuẩn bị đánh lấy thành Nghệ An.
    Trần Quang Diệu được cử làm Đại tổng trấn cùng Đại Tư lệ Lê Trung đem binh tảo trừ.
  6. binhminhlaky

    binhminhlaky Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    131
    Đã được thích:
    0
    Bạn Kemetmoi có nhầm lẫn ở đây là tướng người tàu là Lý Tài mới là người Hoa Kiều sau đó bỏ Tây Sơn theo Nguyễn Ánh. Còn đô đốc Long trong trận Đống Đa chỉ mới là Đô Đốc còn Đại Đô Đốc chỉ huy là Đặng Xuân Bảo. Có thể xem qua một vài đoạn trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí như sau:
    "Sau đó nhà vua truyền lệnh: Các viên tướng ở trung quân thuộc về doanh vua sai phái là đại tư mã Sở; nội hầu Lân đốc suất tiền quân làm tiên phong; Hám hổ hầu đốc suất hậu quân làm đốc chiến; đại đô đốc Lộc, đô đốc Tuyết đốc suất tả quân, trong đó gồm có thuỷ quân vượt biển vào sông Lục Đầu; rồi Tuyết vẫn kinh lý vùng Hải Dương để tiếp ứng với mặt đông; còn Lộc thì đi gấp lên các hạt Lạng Sơn, Phượng Nhãn, Yên Thế để chặn đường về của quân Thanh; đại đô đốc Bảo, đô đốc Long đốc suất hữu quân, trong đó gồm quân voi và quân kỵ mã; Long xuyên qua huyện Chương Đức, theo đường đến thẳng làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì để đánh ngang vào đồn quân Điền Châu; Bảo thì thống đốc quân voi ngựa do đường Sơn Minh ra làng Đại áng huyện Thanh Trì để tiếp ứng cho cánh hữu.
    Cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh lệnh, đúng ngày, gióng trống lên đường ra Bắc (theo Cương mục thì trước khi tiến quân ra Bắc, vua Quang Trung có viết thư cho Sĩ Nghị vờ xin đầu hàng để khiêu gợi lòng kiêu căng, khinh địch của Nghị. Theo Lê triều dã sử, khi tiến quân ra Thăng Long vua Quang Trung bày cho quân lính cứ ba người một tốp thay phiên võng nhau đi, thành ra quân trẩy đi liên miên không phải dừng mà ai nấy đều lần lượt được nghỉ. Do đó, quân Tây Sơn đã hành binh cực kỳ thần tốc)."
    Source: http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/hoangle/hlntc14.html Đây là nguồn Đại Học Leipzip đáng tin cậy
    Còn Đô Đốc Long thì sách cũ trước 75 gọi là Đô Đốc Mưu có thể để phân biệt rõ giữa Đặng Văn Long và Đặng Tiến Đông. Nếu là Đặng Tiến Đông thì chỉ phong là Đô Đốc thì đúng hơn vì ông tham gia quân đội Tây Sơn trước đó có 1 năm không thể phong là Đại Đô Đốc như Trần Quang Diệu hoặc Đại Đô Đốc Lộc được. Nguồn tham khảo là các sách tôi đã dẫn chứng ở trên.
    Chiếu theo báo Bình Định thì Đô Đốc Mưu tên là Huỳnh Tấn Văn là Tả đô đốc, thường gọi là đô đốc Mưu, được vua Quang Trung giao cờ soái, ấn nguyên nhung và tặng 2 câu đối trên cờ là:
    Nam bình đô đốc uy danh tiết
    Bắc phạt Trịnh-Thanh khiếp đảm hồn.
    Source: http://www.baobinhdinh.com.vn/562/2003/2/2052/
    Có sách lại nói là Đô Đốc Long nguyên là tướng Đặng Văn Long còn Đặng Tiến Đông là phó tướng của Đô Đốc Long như bài được xem ở trang http://members.fortunecity.com/tbn2170/b3-2ctaydl.htm
    Xét về các yếu tố Đô Đốc Long thì lịch sử ta nói đúng trong trận Đống Đa Đô Đốc Long tham gia trận đó nhưng ở các làng võ Bình Định Sa Long Cương và các sách sử cũ nói là Đô Đốc Mưu. Nếu xét về logic thì có lẽ Đô Đốc Long là Đặng Văn Long hợp với lịch sử hơn vì tướng Long theo quân Tây Sơn từ đầu sau đó trực tiếp theo Nguyễn Huệ sau khi tiến quân ra Bắc Hà và ở Bình Định các vấn đề về tên tuổi các tướng đuợc tranh cãi suốt vì không có tài liệu nhất quán.
    "Cuối năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế rồi trực chỉ Bắc hà. Trên đường đi, vua cho dừng chân tại Nghệ an để tuyển mộ thêm binh sĩ, trữ thêm lương thực và tập luyện tân binh. Một hôm vua thấy trong đám tân binh đồng phục đỏ có một tráng sĩ mình mặc áo trắng, lưng đeo cung tay cầm kích biểu diễn tài nghệ vừa đẹp lại vừa hùng. Vua lấy làm lạ gọi đến. Khi vua nhận diện được tráng sĩ, vua liền nhảy xuống voi chạy đến, cầm tay nói:
    - Cố nhân!
    Mọi người ngạc nhiên, hỏi nhau người đó là ai. Người tráng sĩ mặc áo trắng ấy là Ðặng Văn Long. Ðặng Văn Long tự là Tử Vân, người huyện Tuy viễn, phủ Qui nhơn. Lúc thiếu thời, tinh thông về môn cương quyền (ngạnh công). Sau đó, theo học thầy Trương Văn Hiến môn miên quyền (nhuyễn công) ngót 5 năm mới thành tài. Người trong võ lâm không ai địch nổi nên tôn là Ðặng vô địch. Ðặng còn có biệt hiệu là Ðặng Thiết Tý vì ông có sức mạnh vô song; nằm dưới đất dùng hai tay đỡ một cỗ xe chở nặng. Họ đặng giang hồ đó đây, tiêu dao ngày tháng không gặp đối thủ. Khi nghe tin vua Quang Trung đưa quân ra Bắc hà đánh nhà Thanh, lòng yêu nước trào lên, Ðặng không ngại ngùng tòng quân nhập ngũ. Vua Quang Trung gặp được người bạn đồng môn tài ba xuất chúng mừng lắm, liền phong họ Ðặng làm chức Ðại đô đốc cùng ngài ra Bắc dẹp quân Thanh.
    Ðặng Văn Long có những nét như Triệu Tử Long đời Tam Quốc. Quân phục Tây Sơn mặc màu đỏ, còn ông lại cỡi ngựa trắng, mặc chiến bào trắng. Khi ra trận ông cỡi ngựa đi đầu đánh thẳng vào vị trí địch không ai cản nổi, quân sĩ hùng khí dâng lên tiến theo sau giết giặc. (Có sử cho rằng vì ông tự thị tài cao, muốn làm nổi, lại muốn lập công nên mặc đồ trắng cho vua Quang Trung dễ nhận diện. Ðiều này có lẽ không đúng, vì lời phê bình này dựa trên căn bản cảm tưởng. Những kẻ giang hồ không trọng chuyện quan trường, hà tất là chuyện làm nổi. Vả lại xét theo tuổi tác và võ thuật, họ Ðặng có thể là sư huynh của Nguyễn Huệ hơn là sư đệ của nhà vua).
    Gặp nhau tại Tam điệp, Phan văn Lân mừng rỡ hàn huyên tâm sự, nhắc đến khoảng thời gian cùng học. Khi hỏi về thầy giáo Hiến, Lân bảo:
    - Thầy ra giúp vua Thái Ðức một thời gian rồi lui về An thái dưỡng lão, từ ấy việc nước bận rộn tôi không có dịp thăm thầy, mà cũng không tin tức của thầy. Không biết thầy có còn khoẻ mạnh như xưa không.
    Long nói:
    - Hơn mười năm nay tôi mải miết giang hồ, cũng không lo tròn nghĩa sư đệ. Nhưng nếu chuyến này đánh đuổi được giặc xâm lăng thì chắc thầy cũng mừng rằng công dạy dỗ cũng không đến nỗi uổng.
    Viên phó tướng của Ðặng Văn Long là Ðặng Tiến Ðông. Ông là người trí dũng, trước làm quan triều chúa Trịnh, sau qui thuận nhà Tây Sơn. Vì sinh trưởng ở Lương xá, gần Thăng long nên ông am hiểu địa hình, đường lối vùng Thăng long và lân cận. Nhờ sự chỉ dẫn, Ðại đô đốc Long đi đường tắt đưa mã binh và tượng binh từ huyện Chương đức đến huyện Thanh trì. Khác với chiến thuật bình thường, Ðô đốc Long đưa quân về hướng đông bắc, và đánh thẳng về nam để quân địch không đường rút lui và hoang mang dao động. Trước hết quân ta chiếm đồn Yên Quyết và Nhân Mục là hai tiền đồn ở tây bắc của thành Khương thượng. Với võ nghệ tuyệt luân, ông dẫn quân đột kích một cách im lìm và nhanh chóng không để một tên quân nào trốn thoát về đi báo tin. Nửa đêm mồng 4, quân đô đốc Long và đội voi chiến đã bọc về hướng đông nam vây đồn Khương thượng. Trong đồn vẫn chưa hay biết. Quân đô đốc Long được nhân dân ủng hộ dùng rơm khô bện lại, tẩm dầu chuẩn bị. Khi đô đốc Long ra lệnh, tất cả quân dân hò hét châm lửa cùng lúc, bốn phía đồn đều có ánh lửa hừng hực và tiếng hò hét vang trời. Quân Thanh hoảng vía không còn sức chống đỡ. Tướng nhà Thanh là Ðề đốc Sâm Nghi Ðống chưa kịp đối phó thì Ðô đốc Long dẫn đầu đoàn quân Tây Sơn phá thành, sức mạnh như chẻ tre vào thành giết giặc như chỗ không người. Không chịu nổi sức quân như nước vỡ đê, quân Thanh trong đồn chết quá nửa. Sầm Nghi Ðống không chống nổi dẫn tàn quân chạy về Thăng long. Chạy đến gò Ðống Ða, giữa đường đến Thăng long thì bị quân ta truy sát gấp rút. Sầm Nghi Ðống sợ hãi quá thắt cổ tự vẫn, còn số tàn quân chạy về phía nam. Họ chạy đến Ðầm mục thì bị quân Ðô đốc Bảo tiêu diệt hết. Sau khi tiêu diệt quân Thanh và đuổi giết xong Sầm Nghi Ðống ở Ðống Ða, Ðô đốc Long tiếp tục tiến vào cửa Tây thành Thăng long. Tại Tây Long cung ở Thăng long, nguyên soái nhà Thanh Tôn Sĩ Nghị đang chú tâm theo dõi mặt trận phía nam, không ngờ có một mặt trận khác đang diễn ra ở mé sườn bên cạnh. "
    Dù gì đi chăng nữa cám ơn bạn Kemetmoi vì bạn nêu được các câu hỏi để mình tìm các tài liệu biết thêm nhiều điều. Mình cũng phát hiện ra điểm mà bạn sai là bạn nói quân Hoàng Kỳ bị đứt nhưng không phải vậy vì Bát Kỳ của Mãn gồm Lưỡng Chánh Hoàng Kỳ, Lưỡng Bạch Kỳ, Lưỡng Hồng Kỳ, Lưỡng Lam Kỳ đều là quân đội trung ương do các thân vương nắm giữ. Riêng Lưỡng Hoàng Kỳ là túc vệ quân do thân vương hoặc các Aca thân tín nhất của Hoàng Đế Đại Thanh nắm giữ. Do đó quân của Tôn Sỹ Nghị không thể có đạo Hoàng Kỳ nào vì là quân địa phương Lưỡng Quảng. Bạn có thể tham khảo thêm sách Thanh Cung 13 Triều.
    Được binhminhlaky sửa chữa / chuyển vào 16:59 ngày 26/11/2003
  7. binhminhlaky

    binhminhlaky Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/10/2003
    Bài viết:
    131
    Đã được thích:
    0
    Tiếp theo huyền thoại đô đốc Trần Quang Diệu bình định Ai Lao, Xiêm La, Miến Điện.
    Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), Quang Diệu lấy được Trấn Ninh, bắt tù trưởng Cheo Nan và Cheo Kiêu.
    Tháng 8 bình được Trịnh Cao và Quy Hợp.
    Tháng 10 tấn công Vạn Tượng, buộc thủ lãnh bỏ thành chạy trốn, thu được vô số chiêng, trống và vài chục thớt voi.
    Thừa thắng, Quang Diệu đánh thẳng đến biên giới Xiêm La, chém được Tả súy Phan Dung, Hữu súy Phan Siêu. Binh Xiêm thua chạy tán loạn.
    Trần Quang Diệu và Lê Trung dẹp yên biên giới, kéo binh về Tuyên Quang đánh Nùng Phúc Tân và Huỳnh Văn Đồng. Nùng, Huỳnh chống không nổi, bị chém tại trận tiền. Lê Duy Chỉ trốn không thoát cũng bị giết luôn.
    Mùa xuân năm Tân Hợi (1791), vua Ai Lao là Chiêu Án không chịu triều cống, Trần Quang Diệu lại được cử đem binh sang vấn tội. Trận ra quân này có nữ tướng Bùi Thị Xuân tháp tùng.
    Quân Ai Lao chống cự không lại, sợ hãi xin hàng. Ở lại bình định một thời gian, hai vợ chồng kéo binh về nước, chuẩn bị sang đánh Miến Điện. Vua Miến Điện hay tin, liền sai sứ sang Việt Nam xin thông hiếu, từ ấy bờ cõi phía Tây cũng như phía Bắc được yên ổn.
    Trong những ngày ở Thuận Hóa, hai vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân được vua Quang Trung tin dùng.
    Trong một kỳ thi võ, mở tại kinh đô Phú Xuân, có một võ sinh tên Lê Sĩ Hoàng rất xuất sắc.
    Lê Sĩ Hoàng, người Quảng Nam, võ nghệ siêu quần, sức mạnh vô địch. Lúc nhỏ, nhà nghèo đi chăn trâu cho một nhà giàu trong thôn, nhà gần núi, trâu bị cọp bắt, Sĩ Hoàng sợ chủ bắt đền, bỏ trốn vào núi, gặp được dị nhân truyền thụ võ nghệ. Lê có tài sử dụng đại đao.
    Lúc thi song, thấy Hoàng có tài và nhất là sử dụng đại đao điêu luyện, vua Quang Trung bèn sai Trần Quang Diệu ra tỉ thí. Quang Diệu cũng là một cao thủ về đại đao. Thanh Huỳnh Long đao được khiêng ra và Lê Sĩ Hoàng cũng sử dụng thanh đại đao của mình.
    Được dịp trổ tài, anh hùng hội ngộ, hai tay đại đao trổ hết tài ba võ học của mình. Bóng đao loang loáng khí lạnh bao trùm, cuộc tỉ thí vô cùng dũng mãnh hào hứng. Võ học cũng như sức mạnh hai anh hùng tương đương nhau, nên cuộc tỷ đao kéo dài và bất phân thắng phụ. Vốn cũng giỏi sử dụng đại đao, vua Quang Tung cao hứng, sai quân hầu mang thanh Ô Long đao ra, đòi tỉ thí với Lê Sĩ Hoàng. Sĩ Hoàng cung kính thưa:
    - Với Trần tướng quân, hạ thần còn không địch nổi, huống chi với bệ hạ.
    Vua Quang Trung đắc ý vỗ vai Hoàng, nói:
    - Đây là Hứa Chữ của ta.
    Rồi cởi chiếc cẩm bào đang mặc, ban cho Lê Sĩ Hoàng.
    Trần Quang Diệu cùng Lê Sĩ Hoàng được đời tôn xưng là Tây Sơn Song Đao.
    Sau khi chiến thắng Ai Lao trở về, Trần Quang Diệu được bổ làm trấn thủ Nghệ An.
    Mùa xuân năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung ngã bệnh, bèn triệu Trần Quang Diệu về thương nghị việc dời đô về Nghệ An và chuẩn bị đem quân vào Nam đánh Nguyễn Phúc Ánh, nhưng tháng 7 thì vua Quang Trung băng hà. Cảnh Thịnh lên ngôi, gặp thời cơ chiếm thành Quy Nhơn, khiến vua Thái Đức uất mà chết. Trong lúc đó quân nhà Nguyễn chiếm được Diên Khánh và Phú Yên.
    Năm Giáp Dần (1794), Trần Quang Diệu được lệnh đem binh vào đánh Diên Khánh, Lê Văn Hưng đánh Phú Yên.
    Nghe danh Trần Quang Diệu, trấn thủ Diên Khánh là Nguyễn Văn Thành không dám ra ngênh chiến, đóng chặt cửa thành cố thủ và cho người cấp báo với Gia Định. Thành Diên Khánh được xây dựng kiên cố, Trần Quang Diệu công phá không được, bèn bao vây, đợi trong thành hết lương. Gia Định được tin. Nguyễn Phúc Ánh kéo đại binh ra tiếp cứu. Trần Quang Diệu lui quân.
    Tháng giêng năm Ất Mão (1795), Trần Quang Diệu lại đem thủy bộ binh vào đánh Diên Khánh. Lúc bấy giờ Võ Tánh đã thay thế Nguyễn Văn Thành, nên đem quân ra giao chiến vài bận, liệu đánh không lại nên đóng chặt của thành cố thủ, đợi Gia Định cứu viện. Tháng 2, Nguyễn Phúc Ánh đem thủy binh ra cứu.
    Quân Nguyễn Phúc Ánh bị Trần Quang Diệu chận tại Trường Cá (Phương Sài), nên phải đóng ngoài biển Nha Trang và các nơi hiểm yếu trên đất. Quân không tiến lên Diên Khánh được.
    Thành Diên Khánh bị Quang Diệu vây chặt. Đoàn quân nào kéo ra cũng bị Tây Sơn tiêu diệt hoặc đánh lui. Quân hai mặt không thể liên lạc được với nhau, ưu thế nằm hẳn trong tay Trần Quang Diệu.
    Chợt Trần Quang Diệu tin được Phú Xuân có biến. Bùi Đắc Tuyên lộng quyền, Võ Văn Dũng đem binh về tiêu diệt, nội tình Phú Xuân rối ren.
    Trần Quang Diệu nghe tin thất kinh, nói cùng các tướng:
    - Chúa thượng là người thiếu cương quyết, để cho đại thần giết lẫn nhau. Nếu trong không yên thì đánh ngoài thế nào được!
    Bèn ra lệnh rút quân về. Đi đường núi sẽ lâu, lại không tiện, Trần Quang Diệu phải mở cửa đường biển, theo gió nam mà đi cho mau, Nguyễn Phúc Ánh không dám cản đường.
    Đến Phú Xuân, Trần Quang Diệu đóng tại An Cựu, định đánh nhau với Võ Văn Dũng, song nhờ có Võ Đình Tú hòa giải, nên cùng Dũng vào bệ kiến Cảnh Thịnh. Trần Quang Diệu được phong chức Thái Phó, là một trong Tứ trụ Đại thần (Võ Văn Dũng, Nguyễn Văn Danh, Nguyễn Văn Huấn), nhưng rồi có người dèm cùng Cảnh Thịnh rằng Diệu nắm quyền quan trọng quá, e có ý khác, Cảnh Thịnh thu hết binh quyền, chỉ để Diệu giữ hư vị trong triều mà thôi. Diệu sinh nghi kỵ thường cáo bệnh không đi chầu, ngày đêm cắt kẻ thủ hạ gần 200 người mang vũ khí bên mình để bảo vệ.
  8. khunglongmapu

    khunglongmapu Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/09/2003
    Bài viết:
    126
    Đã được thích:
    0
    Rất ngưỡng mộ sự thông tuệ của các bác.
    Nhân tiện nhắc đến tướng tài Tây Sơn, xin vui lòng cho biết thêm về cặp vợ chồng danh tướng Trần Quang Diệu- Bùi Thị Xuân và các con của họ. Tôi chỉ biết là bà Bùi Thị Xuân bị tên Nguyễn Ánh cho voi dày chết. Còn sự nghiệp, thân thế của hai người ấy thì không rõ lắm, xin vui lòng nói rõ hơn về hai người này nhé. Cám ơn nhiều lắm.

    I'm a fat fat girl in a thin thin world but i's not big thing if i'm bigger
  9. cocsku

    cocsku Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/11/2003
    Bài viết:
    117
    Đã được thích:
    0
    Nguyêfn huệ có nhưfng chính sách kinh tế, quân sự rất tốt nhưng vê? văn hoá, giáo dục ông la? một con ngươ?i quá nông nô?i. lấy đơn gia?n việc ông nằng nặc đo?i khắc lại văn miếu. Chính sách cu?a ông thươ?ng hướng tới nhưfng hiệu qua? nhanh chóng tức thi? nhưng khó có kế qua? hoặc không lươ?ng được nhưfng hậu qua? lâu da?i.
    Chính điê?u đó đaf la?m triê?u tây sơn sụp đô? nhanh chóng sau khi ông chết. Nói tóm lại, Nguyêfn Huệ la? một ngươ?i mạnh mef trong ca?i cách, nhưng không đu? độ sâu thâm trâ?m cu?a một bậc đế vương. Hay nói một cách dân daf hơn Nguyêfn Huệ la? một nngươ?i "ăn xô?i, ơ? thi?".
    Cóc Cụ
  10. nameno

    nameno Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/09/2003
    Bài viết:
    467
    Đã được thích:
    0
    Nhận xét về một vị đế vương kiệt suất trong lịch sử Việt Nam như thế này thì nông cạn quá đấy. Nguyễn Huệ là một người cực kỳ mạnh mẽ trong cải cách, biết trọng dụng nhân tài và áp dụng những giải pháp đúng đắn, thậm chí dù những giải pháp ấy là cực kỳ mới mẻ đối với xã hội Việt Nam thời đó đến mức có thể phá vỡ một số nếp nghĩ, lối tư duy cựu trào. Điều quan trọng là Nguyễn Huệ có dư tài năng để thực thi thành công được tất cả những giải pháp đó. Bi đát lịch sử là ở chỗ ông có quá ít thời gian, vỏn vẹn có 4 năm chỉnh đốn đất nước thì đã băng hà. Bạn cứ thử nghĩ xem, nếu ông thọ được thêm vài chục năm, thì liệu xã hội Việt Nam đã khởi sắc đến thế nào hay không??? Vì có quá ít thời gian, nên những cải cách của ông chưa đủ độ sâu để bám rễ trong xã hội, cùng với sự sụp đổ của nhà Tây Sơn, mọi dấu tích đều bị Gia Long tiêu huỷ (trừ dấu tích trong lòng người và lịch sử). Nguyễn Huệ đâu có thể ngờ là ông sẽ chết ở tuổi 40??? Liệu có còn những lời như thế này không nếu ông sống đủ lâu để thực thi những biện pháp cải cách và trấn hưng đất nước của mình?

Chia sẻ trang này