1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Vài ý kiến của chuyên gia về khu di tích Hoàng Thành

Chủ đề trong 'Báo chí - Truyền thông' bởi migkhoaicun, 07/04/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. migkhoaicun

    migkhoaicun Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    31/01/2004
    Bài viết:
    448
    Đã được thích:
    0
    Vài ý kiến của chuyên gia về khu di tích Hoàng Thành

    Bainop/qhhoangthanh 1200

    GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc): Bảo tồn, tôn tạo di tích nhất thiết phải là công việc phối hợp đa ngành. Bởi lẽ để xác định được giá trị và bảo tồn một công trình di tích không thể chỉ khảo cổ là xong, đó còn là trách nhiệm của các ngành văn hoá, lịch sử, kiến trúc, địa chất, hoá học..v..v..
    Với Hoàng thành, ta phải xác định rõ đó không chỉ đơn giản là một quần thể di tích có giá trị, mà còn phải căn cứ vào vị trí địa lý, chính trị của nó để có cách ứng xử cho phù hợp. Khu di tích này nằm trong lòng Hà Nội, nghĩa là nằm trong một đô thị đang phát triển mạnh mẽ. Vì thế, công tác nghiên cứu, bảo tồn nó không thể tách rời bối cảnh đô thị phát triển. Để di sản thực sự "sống", phải lấy chính đối tượng thụ hưởng di sản - ở đây là người dân - làm mục đích hướng tới, như thế bên cạnh lợi ích phát triển du lịch, người dân còn được thưởng thức những giá trị văn hoá của di sản, lúc đó việc bảo tồn mới có ý nghĩa. Theo ý kiến cá nhân tôi, công tác khảo cổ, bảo tồn tiến hành làm sao để đến dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010) có thể đưa vào sử dụng, khai thác, giới khoa học có nhiều cơ hội để tiến hành nghiên cứu, người dân có dịp được tham quan... là tốt nhất.
    Tuy nhiên, đó là câu chuyện về sau này. Trước mắt, chúng ta phải tập trung phối, kết hợp giữa các cơ quan liên quan làm sao để có thể bảo vệ di tích một cách có hiệu quả. Khu Hoàng Thành phát lộ đã 3 năm, thời gian này so với việc khảo cổ một di tích chưa phải là nhiều, nhưng cũng là tương đối chậm nếu chỉ tính đến việc nghiên cứu và đưa ra phương án bảo vệ nó. Theo báo cáo mới nhất của Viện Khảo cổ, hiện mới lập hồ sơ và thống kê hiện vật được có 5/56 hố khai quật. Các phương án bảo quản như lợp mái tôn, củng cố hệ thống thoát nước, tăng cường công tác vệ sinh để chống rêu mốc, thí điểm biện pháp chống nước ngầm xâm thực, xây tường ngăn để chống đất sụt... đều mới chỉ là các biện pháp mang tính tạm thời. Theo các chuyên gia nước ngoài tham dự lớp học chuyên đề về Bảo tồn và tôn tạo các di tích khảo cổ trong bối cảnh đô thị phát triển do UNESCO Châu á Thái Bình Dương tổ chức, việc sử dụng những giải pháp bảo quản tạm thời là cần thiết, nhưng cần hết sức thận trọng để cái tạm thời không làm ảnh hưởng đến cái lâu dài. Trên thực tế, chúng ta đã áp dụng thí điểm thử nghiệm bảo tồn ô A20 (diện tích khoảng 100m2) theo phương pháp các nhà khoa học đã làm với khu di tích Nara (Nhật Bản). Nghĩa là lấp cát để bảo vệ nguyên trạng di tích, đồng thời tiến hành xây dựng mô hình mô phỏng trên mặt đất (ngay bên trên di tích) để người tham quan có thể dễ dàng hình dung mặt đất dưới chân họ đang có gì. Thế nhưng với Nara, người xem không gặp khó khăn gì trong việc thưởng thức di tích, bởi lẽ mọi chi tiết kiến trúc, ranh giới công trình đều đã được xác định - trong khi đó, ở ô A20, công nhân lấp cát ở bên dưới, đổ bê tông làm mặt bằng, sau đó lập mô hình hộc sỏi bên trên - rất khó để hình dung hộc sỏi trên mặt bê tông đó là cái gì (?). Bởi lẽ ngay cả cái hộc sỏi nguyên bản chúng ta còn chưa xác định được nó thực chất là phần nào của một công trình kiến trúc, chức năng của nó ra sao? Và ranh giới của công trình kiến trúc đó kéo dài đến đâu? Hơn nữa để bảo tồn một công trình di tích theo cách này thành công còn đòi hỏi phải thực hiện theo một quy trình khoa học, nghiêm ngặt như đo đạc kỹ lưỡng, biện pháp gia cường thế nào để đổ cát lấp mà công trình vẫn không bị trôi, dùng chất liệu mới nào để mô phỏng? Và liệu sử dụng biện pháp đó đã thực sự hiệu quả và phù hợp với di tích Hoàng Thành của Việt Nam hay chưa? Đó là một bài toán khó đòi hỏi sự chung tay, đồng sức, đồng lòng của nhiều cơ quan liên quan chứ không riêng một tổ chức nào có thể đảm đương được. Các ngành, các cấp rất cần một sự chỉ đạo thống nhất để có thể cùng nhau tiến hành bảo vệ, khai thác di sản thành công.

    Ts Đặng Văn Bài (Cục trưởng Cục di sản): Cục Di sản với tư cách là cơ quan giám sát, đánh giá hiệu quả việc bảo tồn tạm thời di tích Hoàng thành hiện nay là tạm ổn. Không có máy móc, chúng tôi không thể biết được ở trong "ruột" công trình đang có những phản ứng hoá, lý gì có hại hay không, nhưng nhìn bằng mắt thường có thể nhận xét thấy trên diện rộng, các công trình kiến trúc (nền, móng...) không bị thấm nước khi trời mưa, nước không thấm ngang, không thấm ngược lên; những chỗ có khả năng bị nước tràn vào thì đều được xử lý thoát nước tốt, khi nước thoát rồi thì khô rất nhanh - với điều kiện phương tiện kỹ thuật, nhân lực và điều kiện vật chất như hiện nay, thì làm được như thế đã là một cố gắng đáng ghi nhận.
    Hơn nữa, cần nhìn nhận lại cho đúng - rằng ban đầu đây không phải là khu vực dành cho khảo cổ, mà là đất giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình mới - vì thế việc khai quật ồ ạt để xác định sơ bộ giá trị di tích, dẫn đến thay đổi mục đích nhiệm vụ là cần thiết. Và vì giữa nhiệm vụ ban đầu so với thực tế thực hiện đã có sự chênh lệch, nên rõ ràng việc thực hiện "không đúng bài bản" so với những công trình khảo cổ khác là chuyện không thể tránh khỏi.
    Hiện tại, khu di tích Hoàng Thành vẫn đang ở trong giai đoạn khảo cổ. Còn rất nhiều việc phải làm như thẩm định, chỉnh lý, ghi chép, mô tả, phân loại hàng triệu hiện vật..v..v.. Trước mắt, chúng tôi ủng hộ việc có một dự án có sự tham gia của đa, liên ngành, của giới khoa học trong và ngoài nước để cùng nhau nghiên cứu, thẩm định, đánh giá và đưa ra phương án bảo vệ khu di tích này.

Chia sẻ trang này