1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Văn Cao - ấn tượng khoảnh khắc và đời người

Chủ đề trong 'Âm nhạc' bởi PaulLennon, 06/07/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. PaulLennon

    PaulLennon Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/07/2002
    Bài viết:
    1.235
    Đã được thích:
    0
    (tiếp theo)
    Tôi muốn nói tới hai bài hát Thu Cô Liêu, Cung Ðàn Xưa này là vì, đáng tiếc thay, rất ít người biết tới những bản nhạc tình đầu tay của Văn Cao, trong đó ta đã thấy manh nha những hình ảnh, những ý tình, những cái đẹp mà Văn Cao sẽ phát triển tột độ trong hai bài ca bất hủ là Thiên Thai và Trương Chi. Những cô hái mơ, cô bán hoa, cô hàng nước, cô lái đò, cô láng giềng... mà ta thấy xuất hiện trong các bản nhạc tình thuở đó, làm sao mà có được những gót hài khai hoa, mắt huyền lưu Xuân, dáng hồng thơm hương... như trong bản Cung Ðàn Xưa của Văn Cao ? Chỉ cần có 12 chữ, và dù chỉ để xưng tụng một người tình tưởng tượng mà thôi, Văn Cao đã đưa nhạc tình tiền chiến lên tới một cao độ vượt khỏi những khuôn sáo cũ mèm.
    Sau những bản nhạc tình đầu tay xuất sắc như vậy, Văn Cao soạn Suối Mơ và Bến Xuân. Lúc đó, chưa ai có thể mô tả cái đẹp của con suối trong rừng Thu như Văn Cao :
    Suối mơ
    Bên rừng Thu vắng
    Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng
    Ngày chưa đi sao gió vương
    Bờ xanh ngắt bóng đôi cây thùy dương...
    Hoặc người đẹp trong cảnh đẹp nơi Bến Xuân :
    Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
    Mắt em như dáng thuyền soi nước...
    . . . . . . . . . .. . . . .
    Tới đây mây núi đồi chập chùng
    Liễu dương hơ tóc vàng trong nắng...
    Trong cả hai bài nhạc tình về mùa Thu và mùa Xuân này, bao giờ nét nhạc mineure mở đầu cũng rất là lâng lâng rồi cũng sẽ chuyển qua một nét nhạc majeure ngắn để diễn tả một niềm vui thoáng qua. Hình ảnh người tình trong cả hai bài hát này đều rất là lộng lẫy, cao sang. Tình cảm của cả hai bài nhạc tình đều không dìm con người vào cõi u tối, trái lại làm cho người nghe thấy nguôi ngoai, sảng khoái. Con suối trong rừng Thu buồn muôn thuở là vì còn lưu luyến hương vị tình yêu chúng ta :
    Suối ơi
    Nghe rừng heo hút
    Dòng êm đưa lá khô già trút
    Còn như lưu hương yêu dấu
    Với suối xưa trôi nơi đâu ?
    Ðứng trên bến Xuân để nhìn những cánh buồm xa và nghe tiếng chim ca lưu luyến cuộc tình vừa qua của chúng ta :
    Sương mênh mông che lấp kín non xanh
    Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xuân
    Ai tha hương nghe ríu rít oanh ca
    Cánh nhạn vào mây thiết tha
    Lưu luyến tình vừa qua...
    Văn Cao nổi danh rất sớm vì một bài hát về mùa Thu là bài Buồn Tàn Thu, nhưng bài này không có giá trị nghệ thuật cao bằng những bài tôi vừa nói tới. Vì Buồn Tàn Thu được hát trên sân khấu gánh hát rong và trên Ðài Phát Thanh Saigon trong những năm 43-45 là lúc Tân Nhạc còn mới phôi thai, cho nên nó được phổ biến nhiều hơn là Thu Cô Liêu hay Cung Ðàn Xưa... Nhưng những bài tình ca nhỏ nhặt đó sẽ bị mờ đi khi Thiên Thai và Trương Chi ra đời. Với tài năng đã đến độ chín mùi, Văn Cao sẽ dắt ta tới đỉnh cao nhất của ái tình cũng như sẽ đưa ta vào cõi sâu thẳm nhất của khổ đau với hai câu chuyện cổ dân gian biến thành hai bản tình ca muôn thuở.
    Tôi đã có dịp nói tới không khí Ðường Thi trong nhạc Văn Cao, nghĩa là nói tới chất thơ trong sáng, cô đọng ngay từ trong những bản nhạc đầu tiên của ông. Ta thấy những bài Thu Cô Liêu, Buồn Tàn Thu... như có vẻ vừa thoát ra từ khung cảnh THU HỨNG của Ðỗ Phủ. Nghe câu hát trong bài Cung Ðàn Xưa : "Chiều năm xưa gót hài khai hoa, mắt huyền lưu Xuân, dáng nồng thơm hương" ... thì ta nghe ra như một câu thơ của Thôi Hiệu...Nhưng trong thời kỳ thành hình và phát triển của Tân Nhạc, Văn Cao cũng không phải là chàng nhạc sĩ trẻ tuổi độc nhất đã bị ảnh hưởng của Thơ Ðường. Nhạc sĩ Lê Thương mà đã chẳng biết dùng khung cảnh TRĂNG QUAN SAN của Lý Bạch để soạn ra câu hát : "Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn" khiến cho ba bản Hòn Vọng Phu của ông đã trở thành bất diệt đó à ? Có lẽ cũng cảm thấy ma lực của Ðường Thi trong Tân Nhạc cho nên về sau này tôi cũng mượn không khí : "Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự - Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền" của Trương Kế để soạn ra câu hát trên sông Lô : "Thuyền tôi đậu bến Sông Lô - Nửa đêm nghe tiếng quân thù thở than"... Nếu chúng ta đi xa thêm vào dĩ vãng, ta lại còn thấy trong truyền thống Hát Ả Ðào, những bài thơ như Tương Tiến Tửu, Tiền Hậu Xích Bích... của Thơ Ðường đã trở thành những điệu hát hoàn toàn Việt Nam. Còn trong sân khấu Cải Lương Miền Nam, thì cũng lại có hẳn một điệu hát được gọi tên là Dạ Bán Chung Thinh. Ai cũng bị ảnh hưởng Ðường Thi mà chẳng nói ra hay chưa có dịp để nói ra. Nhưng với bài Thiên Thai ra đời vào năm 1944 thì Văn Cao đã không ngần ngại viết mấy câu đề tựa như sau :
    "... Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Ðường Thi với hai truyện Thiên Thai và Ðào Nguyên. Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi. Mùa Xuân Giáp Thân, Văn Cao..."
    Thiên Thai
    Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
    Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Ðào Nguyên.
    Kìa đường lên tiên,
    Kìa nguồn hương duyên,
    Theo gió tiếng đàn xao xuyến.
    Phím tơ lưu luyến
    Mấy cung u huyền
    Mấy cung trìu mến
    Như nước reo mạn thuyền...
    Ta hãy thử xem những bài thơ Ðường mà Văn Cao vừa kể ra như Ðào Nguyên Hành của Vương Duy và Lưu Nguyễn Nhập Thiên Thai của Tào Ðường đã có những gì để khiến cho người nhạc sĩ mang thêm bí danh là Người Sông Ngự này đã phải lạc cảm xúc ? Trong cuốn ÐƯỜNG THI in tại Saigon vào năm 1971, Giáo Sư Phạm Liễu đã cho rằng cảnh Ðào Nguyên là cảnh đẹp vô cùng lý tưởng. Bài thơ của Vương Duy dẫn chúng ta vào một khung cảnh thần tiên :
    Chiếc thuyền câu đẩy đưa trên sông nước
    Mê sắc trời núi đẹp ánh xuân xa
    Ðôi bờ Ðào Hoa, bến thuyền xưa ấy
    Ngồi ngắm nhìn cây thắm, không biết xa...
    Chốn suối hoa đào thần tiên đó mà có được, chẳng qua cũng chỉ vì thi sĩ có quá nhiều gian khổ trong cuộc đời cho nên đã phải tạo ra cho mình một nơi để ẩn lánh. Một nơi mà sau này thi bá Vũ Hoàng Chương bước vào thì phải lạc lối, người thơ của lên đường Tản Ðà tới được thì, sau nửa năm tiên cảnh, một bước trần ai... sẽ phải giã biệt nơi cảnh đẹp lý tưởng đó với tiếng suối tiễn, tiếng oanh đưa.... và nếu chúng ta có tới được thì cũng chẳng ở được lâu, cũng giống như truyện hai chàng thư sinh mang họ Lưu, họ Nguyễn lạc vào cõi Thiên Thai vậy. Ở dưới trần thì mơ lên tiên cảnh. Ở tiên cảnh thì lại đòi về dương trần... Ðó là thân phận con người, la con***ion humaine.
    Bài thơ của Tào Ðường thì diễn tả cảnh hai chàng thư sinh đi hái thuốc, không ngờ lại tới được chốn Ðào Nguyên :
    Khe cây, lối đá nhận đường vào
    Hoa cỏ không vương mảy bụi nào
    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
    Nhìn bóng dáng mây quên việc trước
    Trông chiều cây nước ngỡ chiêm bao
    Muốn biết về đâu, non nước ấy
    Hỏi thăm, nên tới suối Hoa Ðào...
    Người Sông Ngự/Văn Cao đã thú nhận rằng mình bị ảnh hưởng sông nước của hai truyện Ðào Nguyên, Thiên Thai cho nên đã soạn ra một bài hát. Một bài hát, theo tôi thật là tuyệt diệu. Nó vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh. Nếu như hình thức ca khúc trong Tân Nhạc Việt Nam cho tới năm 1944 này vẫn còn nằm trong khuôn khổ một đoản khúc được ước định trong một số khuôn nhạc nào đó, với một lối chuyển cung, chuyển điệu công thức nào đó... thì bản Thiên Thai của Văn Cao đã vươn lên một hình thức rất lớn, chia ra nhiều đoạn, nhiều cảnh, gồm tới con số 94 khuôn nhạc, chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu.
    Với tài năng đã nở rộ cùng với bước đi tới của Tân Nhạc, Văn Cao mô tả cảnh đầu của bài Thiên Thai của ông, cảnh hai chàng Lưu Nguyễn lạc tới Ðào Nguyên :
    Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
    Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Ðào Nguyên...
    Sau khi mở ra một tiếng hát của ai không biết, hát vang lừng trên sóng để đẩy đưa hai chàng Lưu Nguyễn lạc tới Ðào Nguyên... thì, với một nét nhạc leo thang, Văn Cao vẽ ra con đường lên tiên, nơi nguồn hương duyên, theo gió bay lên với tiếng đàn xao xuyến... Ngay trong cảnh đầu của bài ca, ngay từ khi con thuyền nào đó (con thuyền câu của ÐÀO NGUYÊN HÀNH ?) đưa hai kẻ si tình này đi vào cõi mộng, Văn Cao chỉ nói tới phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền, mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền... Tuyệt nhiên không có tả cảnh. Con đường lên tới suối hoa đào cũng không phải qua khe cây hay lối đá để nhận đường vào... như trong bài thơ của Tào Ðường. Tôi thì nghĩ rằng đây có lẽ là chiếc thuyền của anh Trương Chi mà Văn Cao đã cho hai chàng Lưu Nguyễn mượn tạm. Và những âm ba của giọng hát mà Văn Cao nói tới trong đoạn này đã làm cho hoa đào nơi suối tiên phải rụng cánh, có lẽ đó chính là tiếng hát của người thợ chài trên Sông Ngự, trong cuộc đời có thực hay trong cổ truyện lung linh vậy. Tiếng hát đưa đẩy con thuyền tình trôi trên nước ngọc tuyền, và người trên thuyền cũng thấy quê hương dần xa lấp trong núi ngàn như trong hai bản Ðường Thi... để gặp một tiếng hát khác, tiếng hát của bầy tiên bên bờ Ðào Nguyên :
    Âm ba, thoáng rung cánh đào rơi
    Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.
    Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
    Quê hương dần xa lấp núi ngàn
    Bâng khuâng chèo khua nước ngọc tuyền
    Ai hát bên bờ Ðào Nguyên...
    Trong đoạn này, Văn Cao đã chuyển nét nhạc một cách rất tài tình, dùng những nốt-bán-cung để di chuyển rất nhanh chóng câu hát đi từ một chủ âm mineure này qua chủ âm mineure khác, cho ta thấy được rất nhiều mầu sắc của khung cảnh thần tiên này. Mầu sắc ở đây lại không có gì là sặc sỡ, nó mơ hồ, nó nên thơ, nó huyền diệu...
    Ai hát bên bờ Ðào Nguyên ? Ðó là bầy thiên tiên đang đứng hát đón chờ hai gã tình lang tại một nơi còn nguyên vẹn trinh tiết bởi vì mùa Xuân ở đây chưa bao giờ gặp **** trần gian tới làm cho Xuân phải ô uế, và mùa đào thì theo dòng ngày tháng chưa hề bao giờ tàn. Với một nhạc điệu rất đẹp chảy dài từ bát độ trên xuống bát độ dưới, với một nhịp điệu lẳng lơ nhưng thanh thoát, Văn Cao cho chúng ta một đoản khúc có thể là khúc Nghê Thường mà ta vẫn nghe nói tới trong Ðường Thi :
    Thiên Thai
    Chốn đây hoa Xuân chưa gặp **** trần gian
    Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần.
    Thiên tiên
    Chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
    Khúc Nghê Thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn...
    Nhạc bỗng sáng lên, chuyển qua giọng majeure nhưng lời ca thì vẫn chỉ nói tới tiếng đàn, tiếng nhạc... Tuyệt nhiên không nới tới người. Bầy tiên chỉ là hư ảnh. Biết đâu, ngay cả hai chàng Lưu Nguyễn cũng không có mặt trong bài ca ? Rồi nhạc lại chuyển vội về giọng mineure để nói rằng tiếng đàn xui chúng ta quên đời dương thế, tiếng đàn non tiên cũng biết khao khát cuộc tình duyên :
    Ðàn soi trăng lên, nhạc lắng tiếng quyên
    Ðây đó nỗi lòng mong nhớ
    Này khúc Bồng Lai
    Là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi.
    Ðàn xui ai quên đời dương thế
    Ðàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên...
    Cho mãi tới bây giờ Văn Cao mới hé cho ta thấy cuộc ái ân nổi dậy giữa người tiên người phàm bằng cách quay lại với nhạc đề chính trong bài ca :
    Thiên Thai
    Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
    Ai ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần...
    Ðàn phách lại nổi lên. Nhạc Văn Cao rộn rã một cách khác thường. Gió hắt đi những tiếng hát. Những tiếng hát này sẽ làm se lòng người mỗi khi được nghe lại. Lưu Nguyễn quên trần hoàn rồi. Họ cùng bầy tiên đàn ca một vài ba thế kỷ :
    Gió hắt trầm tiếng ca
    Tiếng phách ròn lắng xa
    Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta.
    Ðào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên trần hoàn
    Cùng bầy tiên đàn ca bao năm.
    Nhớ quê chiều nào xa khơi
    Chắc không đường về tiên nữ ơi...
    Rồi cũng với nhạc đề này, Văn Cao nói tới sự quay trở lại đường tiên của hai ông cụ già Lưu Nguyễn, nhưng than ôi, Ðào Nguyên đã biến mất rồi. Chỉ còn rền lại tiếng ca của cõi tiên :
    Gió hắt trầm tiếng ca
    Tiếng phách ròn lắng xa.
    Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta.
    Ðào nguyên trước, Lưu Nguyễn khi trở về
    Tìm Ðào Nguyên, Ðào Nguyên nơi nao
    Những khi chiều tà trăng lên
    Tiếng ca còn rền trên cõi tiên...
    Tuy viết ra một bản hát vừa có tính chất trường ca, vừa có tính chất nhạc cảnh, nhưng Văn Cao không tả thực trong bài Thiên Thai này. Tất cả những hình ảnh chính của câu truyện cổ như hai chàng Lưu Nguyễn, bầy thiên tiên hoặc những cảnh vật như suối hoa đào, chiếc thuyền lan, nước ngọc tuyền, đều được mô tả một cách rất mơ hồ... giống như trong một giấc mộng vậy. Ta biết là có con thuyền chở Lưu Nguyễn tới cõi Thiên Thai, ta biết là có bầy thiên tiên múa hát dâng trái đào thơm... nhưng ta không thấy được họ. Khi cùng người yêu xây được ngôi nhà cỏ bên suối mơ hay trước bến xuân với hai tình khúc trước, thì Văn Cao có thể mời đón chúng bước vào căn nhà bên chiếc cầu soi nước để ngồi nhìn đàn nai đùa trên đống lá vàng tươi. Nhưng trong Thiên Thai, cõi mơ của Văn Cao, chúng ta không thể nào bước vào cái vườn cấm này được. Ðây là cõi riêng của Người Sông Ngự. Nhưng ta lại được sự tự do tuyệt đối để nghe lên toàn thể tiếng đàn, tiếng hát vút lên từ đầu tới cuối của trường khúc Thiên Thai này, tiếng đàn, tiếng hát mà tôi đã cho là của anh Trương Chi trong truyện cổ của chúng ta, và nhạc sĩ Văn Cao đã cho Thiên Thai mượn tạm. Thiên Thai là cõi riêng của Văn Cao. Trương Chi mới là tiếng hát của Văn Cao.

  2. PaulLennon

    PaulLennon Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/07/2002
    Bài viết:
    1.235
    Đã được thích:
    0
    (tiếp theo)
    Thuở tôi còn nhỏ, ở Hà Nội thường có những người đi hành khất bằng giọng hát, nghĩa là họ đến trước cửa từng nhà để hát những câu chuyện cổ Việt Nam, hát xong thì ngửa tay xin tiền. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh người ca sĩ/ăn mày đó, miệng thì hát, tay thì đập vào cái hộp sắt bỏ trong túi áo để đập nhịp cho bài hát. Và hình như anh ta chỉ có một bài hát duy nhất để làm vũ khí cho nghề đi ăn xin của anh mà thôi. Ðó là bài hát về anh Trương Chi :
    Ngày xưa có anh Trương Chi
    Người thì thậm xấu, tiếng hát thì thật hay
    Cô Mỵ nương vốn ở Lầu Tây
    Con Quan Thừa Tướng ngày rày cấm cung...
    Sau này, tôi vẫn thường cám ơn thầm người hành khất bằng giọng hát đó, bởi vì ngay từ khi tôi chưa có đủ trí khôn để hiểu biết cuộc đời thì anh ta đã nuôi dưỡng tình cảm của tôi bằng một câu chuyện tình đẹp ngang với những chuyện tình đẹp nhất trên thế giới.
    Câu truyện cổ tích về anh Trương Chi người thì thậm xấu, tiếng hát thì thật hay mà ca nhạc cổ truyền đã xưng tụng qua hình thức hát rong, hát dạo, hát xẩm... cũng đã được các thi sĩ, văn sĩ của thời nay nhắc tới, chẳng hạn như trong bài thơ Bài Ca Ngư Phủ của Vũ Hoàng Chương mà Hoàng Thư đã ngâm lên một cách mê ly trên các Ðài Phát Thanh ở trong nước cách đây hai, ba mấy chục năm. Thạc Sĩ Phạm Duy Khiêm thì viết truyện Le Cristal d''Amour bằng Pháp Ngữ, in trong cuốn Légendes Des Terres Sereines. Thi sĩ Hoàng Cầm còn dùng truyện cổ đó để soạn vở kịch thơ Tiếng Hát với nội dung chính trị : không ai nhốt giam nổi tiếng hát.
    Chàng Văn về già...
    Trong giới Tân Nhạc, thì có Hùng Lân viết bài Hận Trương Chi, Phạm Duy viết bài Hận Trương Chi, và Văn Cao viết bài Trương Chi. Với bài hát nói lên một nỗi hận, Hùng Lân không kể chuyện anh Trương Chi, ông chỉ mượn một nhân vật tiêu biểu cho giới cầm ca để nói luôn đến chuyện Tử Kỳ và Bá Nha, chuyện người hát hay, đàn hay mà không có người thưởng thức. Phạm Duy là tôi lúc còn ấu trĩ, thì khách quan kể lại câu truyện cổ truyền. Riêng chỉ có Văn Cao là nói tới nhân vật tài hoa truyền kỳ này, nói tới sự não nuột trong tiếng nhạc Trương Chi, tới con người và số phận, đồng thời cũng là nói về mình.
    Không phải bây giờ Văn Cao mới nói tới Trương Chi. Người Sông Ngự đã đưa hồn Trương Chi vào hồn mình từ lâu rồi. Từ khi nói tới một trong những chiều năm xưa có những cung đàn cũng năm xưa ấy réo rắt lên, bên một người con gái đẹp... mà gót hài khai hoa...
    ...Mắt huyền lưu Xuân
    Dáng hồng thơm hương...
    đã khiến cho chàng Trương/Văn Cao phải đưa vào mộng mị :
    Chiều năm nay
    Tiếng người khơi thương
    Tiếng đàn giao hoan
    Giấc mộng chàng Trương...
    Lúc đó, Văn Cao chỉ mới hé lộ cho ta thấy tâm hồn của ông là tâm hồn của chàng ngư phủ thất tình họ Trương. Bây giờ, ông phát triển tiếng hát câm lặng đó bằng một trường khúc não nuột nhưng cũng rất kiêu xa.
    Bài hát mở đầu bằng những câu nhạc dài, giống như trong bài Thiên Thai, nhưng có tính cách mô tả nhiều hơn :
    Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ
    Trầm trầm không gian mới rung thành tơ.
    Vương vất heo may hoa yến mong chờ
    Ôi tiếng cầm ca, Thu tới bao giờ...
    Kiêu xa lắm chứ. Khi Văn Cao cho rằng từ lúc mới có Trời, có Ðất... khi chưa có Thơ thì đã có Nhạc rồi. Và chỉ có nhạc thì mới kéo được mùa Thu tới cho loài hoa, loài chim, loài người... Rồi cũng với câu nhạc đó, Văn Cao đưa tiếng nhạc của Trương Chi tới Mỵ Nương :
    Trương Chi
    Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang
    Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan
    Một cánh chim rơi trong khúc nhạcvàng
    Ðây đó từng song he hé đợi đàn...
    Một nét nhạc khác cho ta thấy Mỵ Nương vui vẻ chờ đợi tiếng hát :
    Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân
    Hò khoan mơ bóng con đò trôi.
    Giai nhân cười nép trăng sáng lả lơi
    Lả lơi bên trời...
    Nét nhạc bây giờ vút lên, như tiếng nức nở của Trương Chi sau khi Mỵ Nương bị thất vọng về cái nhan không có sắc của anh :
    Anh Trương Chi
    Tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung
    Anh thương nhớ, oán trách cuộc từ ly não nùng
    Ðò trăng cắm giữa sông vắng
    Gió đưa câu ca về đâu
    Nhìn xuống đáy nước sông sâu
    Thuyền anh đã chìm đâu....
    Thuyền anh đã chìm sâu, có nghĩa là anh đã gieo mình xuống sông tự tử, nhưng oan hồn của anh còn đó khiến cho tiếng hát vẫn không tắt nghỉ. Khách giang đầu còn được nghe mãi mãi tiếng than khóc của Trương Chi :
    Từng khúc nhạc xa vời
    Trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi
    Sương thu vừa buông xuống
    Bóng cây ven bờ xa mờ xoá dòng sông
    Ai qua bến giang đầu tha thiết
    Nghe sông than mối tình Trương Chi
    Dâng úa trăng khi về khuya
    Bao tiếng ca ru mùa Thu...
    Nhưng Trương Chi có thực sự than khóc cái nghèo nàn, cái xấu trai của mình hay không ? Ta hãy nghe Văn Cao chuyển cung từ re mineure qua sol majeur một cách xướng tai vô cùng, để diễn tả giọt mưa rơi ngoài song cửa Mỵ Nương như rơi trên những cung đàn huyền diệu. Mưa cũng rơi trên con thuyền ngoài dòng sông lạnh, thuyền này chưa chắc đã là của Trương Chi :
    Ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn
    Còn nghe như ai nức nở và than
    Trầm vút tiếng gió mưa
    Cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng
    Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn
    Về phương xa ai nức nở và than
    Trầm với tiếng gió vương
    Nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa...
    Vào thuở đó, trong lúc Tân Nhạc mới chập chững biết đi mà Văn Cao đã viết được những câu nhạc diễn tả giọt mưa tài tình như vậy, thật là hiếm có. Nếu ta nhận ra được nét nhạc sol majeur trong đoạn mưa rơi trên cung đàn này là nhạc ngũ cung thì ta lại càng yêu quý Văn Cao hơn lên.
    Câu chuyện tình éo le nhưng rồi cũng kết thúc một cách đẹp đẽ : Trương Chi chết đi nhưng vì cuộc tình chưa thoả cho nên trái tim không chịu tan đi và hoá thành ngọc đá. Rồi người đời đem viên ngọc đó ra để làm thành một bộ chén trà dâng tặng gia đình nhà quan. Trong một tiệc trà, Mỵ Nương bưng chén ngọc lên, thấy hình ảnh chàng ngư phủ cất tiếng hát trong miệng chén. Thương nhớ con người và giọng hát năm xưa, nàng rơi lệ Giọt nước mắt nhỏ xuống chén ngọc. Thế là mối oan tình từ bao năm nay đã được thoả mãn. Và bây giờ thì chén ngọc, hay là trái tim của Trương Chi mới chịu tan đi. Văn Cao không đả động tới chuyện đó. Ông tiếp tục soáy vào nhân vật Trương Chi :
    Ðò ơi
    Ðêm nay dòng sông Thương dâng cao
    Mà ai hát dưới trăng ngà
    Ngồi đây ta gõ ván thuyền ta ca trái đất còn riêng ta.
    Ðàn đêm thâu
    Trách ai khinh nghèo quên nhau.
    Ðôi lứa bên giang đầu
    Người ra đi với cuộc phân ly
    Ðâu bóng thuyền Trương Chi...
    Như tôi đã nói : Văn Cao không kể lại câu chuyện Trương Chi/Mỵ Nương. Ông chỉ tỏ thái độ của Chàng Trương sau khi thất tình, trước khi chết cũng như sau khi chết : Ngồi đây ta gõ ván thuyền Ta ca trái đất còn riêng ta...
    Tâm hồn tôi đẹp - vì tôi hát hay mà - nhưng hình hài tôi xấu, người không yêu tôi à ? Thì tôi vẫn có cuộc đời hay trái đất này để ra một tuyên ngôn : Trái đất còn riêng ta. Trách ai khinh nghèo quên nhau. Trách ai ? Trách chính quyền hay trách người đời không bao giờ dung nổi con người nghệ sĩ ? Ta vẫn còn riêng Ta. Ðó là ý nghĩa của bài Trương Chi...
    Người Việt Nam yêu nhạc, trải qua gần 50 năm lịch sử của Tân Nhạc lúc nào cũng sẵn sàng bị phản bội. Không phải tới bây giờ, ở trong những cộng đồng Việt Nam trên hải ngoại, những nhà tái bản sách nhạc, những con buôn của nghề sản xuất lậu băng nhạc, những ca sĩ không biết tự trọng... luôn luôn khinh miệt người sáng tác bằng cách sử dụng bừa bãi những tác phẩm làm bằng mồ hôi và nước mắt của tác giả như : không xin phép, không trả tác quyền, không đề tên tác giả trong bìa băng, không hát đầy đủ lời ca của tác phẩm... Ngay từ hồi Văn Cao viết bài tình ca bất hủ Trương Chi này, người ta cũng không bao giờ chịu để ý tới lời 2 của nhạc phẩm để in ra hoặc hát lên. Hôm nay, tôi có dịp để ghi lại những lời ca đẹp như trái tim ngọc đá của ngư phủ họ Trương :
    Từ ngày trăng mơ nước in thành thơ
    Lạc loài hương thu thoáng vương đường tơ
    Ngây ngất không gian rên xiết lay bờ
    Bao tiếng cầm ca rung ánh sao mờ
    Nhạc còn lưu luyến nhắc ai huyền âm
    Lạnh lùng dôi dây tố lan trầm ngân
    Trong lúc đêm khuya ai lóng tiếng cầm
    Thu đã chìm xa xa ánh nguyệt đầm
    Khoan khoan đò ơi, tương tư tiếng ca
    Chàng Trương Chi cất lên hò khoan
    Ðêm thu dài đến, khoan tiếng nhạc ơi
    Nhạc ơi, thôi đàn...
    Có một điều buồn đến với tôi khi hát lên lời 2 của bản Trương Chi này. Văn Cao tiên tri cái ngày mà ông không được phép đàn hát nữa ? Như đã xẩy ra sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm ? Ðêm Thu dài đến, khoan tiếng nhạc ơi. Nhạc ơi, Thôi đàn... Ðêm Thu đến với Văn Cao, quả rằng nó đã quá dài. Dài tới 30 năm có lẻ. Văn Cao đã chết đi như Trương Chi, trái tim chàng có lẽ cũng đã thành viên ngọc đá. Ai là người sẽ nhỏ lệ lên trái tim Văn Cao ?

  3. primula83

    primula83 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    08/11/2003
    Bài viết:
    57
    Đã được thích:
    0
    Người phụ nữ mến thương của nhạc sĩ Văn Cao
    Nàng thường xuất hiện trước đám đông trong chiếc áo dài trắng kiêu sa, trên chiếc xe đồi mồi sang trọng vào loại bậc nhất thời bấy giờ. Tránh cho nàng lời ong tiếng ve, bên cạnh nàng luôn có người nhà đi kèm... Đó là hình ảnh ngày trẻ của phu nhân họ Văn, bà Văn Cao - tiểu thư Nghiêm Thúy Băng.
    Nghiêm Thúy Băng sinh năm 1929, là con gái thứ của một gia đình đại tư sản. Những người cùng thời với nàng khẳng định, nàng có vẻ kiêu sa của một người được giáo dục đến nơi đến chốn. Chẳng thế mà nhiều chàng, dù môn đăng hộ đối cũng chỉ dám "kính chi viễn nhi".
    Đầu những năm 1940, giới tư sản Hà thành không ai không biết đến ông Nghiêm Xuân Huyến, cha nàng, chủ nhà in Rạng Đông, đồng thời là chủ bút 2 tờ báo chống Tây cực mạnh là Con Ong và Bắc Kỳ thể thao. Suốt thời gian dài, gia đình nàng sống trong sự sung túc mà cõi hồng trần không ít người khao khát.
    Là tiểu thư, đương nhiên những sinh hoạt của Thúy Băng từ miếng ăn giấc ngủ đều có kẻ hầu người hạ. Khuôn phép gia đình không cho nàng cái quyền tự do bay nhảy. Nhưng rồi cuộc sống của nàng cũng chẳng khép kín được mãi. Nhìn cha nàng bị bắt giam hết lần này đến lần khác, Xuân Băng bừng bừng tự ái nữ nhi. Nàng ủng hộ cha bằng cách tham gia vào công việc của nhà in Rạng Đông một cách quyết liệt. Nàng tiếp xúc với các chiến sĩ ********* qua lại nhà in hồn nhiên đến lạ lùng. Chính họ đã tiếp cho nàng sự dũng cảm tự lúc nào không hay.
    Cha mất trong nhà giam của Nhật trước ngày khởi nghĩa 19/8 ba ngày, Băng bàng hoàng tưởng không gượng nổi. Không còn cách nào khác, nàng dấn thân vào hoạt động Cách Mạng nhằm tự vệ bản thân. Những trang sức có giá được mẹ nàng đóng góp cho Cách Mạng, tất nhiên có sự hồ hởi đồng ý của cô con gái bà.
    Cuối năm 1945, tình yêu gõ cửa trái tim con chim nhỏ khi người chiến sĩ ********* - Văn Cao xuất hiện bằng xương bằng thịt trước cổng nhà in của gia đình nàng. Người thiếu nữ khuê các đang trong giấc mơ bị đánh thức. Nàng tự đặt tên cho tâm trạng của mình lúc đó là "tiếng sét tình yêu". Mà theo những lý thuyết nàng thu nhận từ sự giáo dục của gia đình, thì cảm xúc ấy chỉ xuất hiện khi lòng ngưỡng mộ được khẳng định.
    Mặc dù thời gian bén duyên cùng Thuý Băng, Văn Cao đã nổi tiếng với một loạt ca khúc lãng mạn như Thiên Thai, Suối Mơ, Tiến quân ca... Nhưng để thêm tự tin khi quyết định gả con gái cho Văn Cao, gia đình nàng đã bí mật điều tra lý lịch chàng thanh niên đôn hậu, tài hoa. Cũng phải thôi, bởi có kẻ ghen tức với hạnh phúc của Văn Cao, đã tung tin anh đã yên bề gia thất tại quê nhà. Nhờ dăm ba cầu nối là chỗ thân quen với gia đình Thuý Băng, lý lịch Văn Cao mới sáng tỏ.
    Hạnh phúc con chim nhỏ lúc này mới thực sự trọn vẹn. Những hỉ nộ ái ố mà nàng từng trải qua làm cho cuộc sống của Thuý Băng thêm phong phú. Theo chồng bỏ cuộc chơi, đi đến tận cùng những cảm xúc mà ai cũng chỉ có cơ hội đi qua một lần. Đó là cuộc sống nhiều cảm xúc, ca từ và nốt nhạc. Chúng biểu hiện bằng thi ca, nhạc họa qua tài năng của chồng nàng - nhạc sĩ Văn Cao. Ngay cả khi Văn Cao đau ốm, nàng vẫn ở bên để ông tựa vai đi dọc con sông Lô. Những nốt nhạc đầu tiên của Trường ca sông Lô đã bắt đầu như thế. Bài ca mà con chim nhỏ yêu kiều trong ***g son thuở nào đã hát vang suốt 48 năm tung cánh như vẫn còn nẩy lắm. Tiếc là giờ đây, nàng đã trở thành người độc hành có dáng vẻ u buồn. Hàng ngày nàng viết hồi ký, và khi nỗi nhớ dội về, nàng tiếp tục làm thơ.
    (Theo Tiền Phong)
  4. me_ow

    me_ow Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/06/2004
    Bài viết:
    17
    Đã được thích:
    0
    đang đọc ngon lành, mơ màng và hãnh diện quá... đột nhiên thấy hàng chữ "Văn Cao-trưởng ban ám sát"... xém rớt xuống ghế... đúng là chuyện này tôi chưa hề được update... có thật chăng?
    Nhưng điều muốn nói chính là topic này hay quá... mọi người đều có công sức, kiến thức và tấm lòng thật sâu đối với Văn Cao... những tấm hình thật đẹp... xin tự bầu cho là topic đáng giá nhất trong box này... mong mọi người tiếp tục như thế...
    *****
  5. heongoc

    heongoc Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/10/2004
    Bài viết:
    1.132
    Đã được thích:
    0
    [​IMG]
    Sinh ngày: 15-11-1923, Bến Bính, Hải Phòng
    Mất ngày: 10-07-1995
    Sở thích: Cùng bạn bè nhâm nhi rượu, đàm đạo nhạc và thơ
    Thành công lớn nhất: là một nhạc sĩ, nhà thơ hàng đầu trên bầu trời nghệ thuật Việt Nam. Vinh dự là tác giả bài quốc ca hùng tráng của Việt Nam - Tiến Quân Ca.
    Văn Cao sinh ở Hải Phòng. Căn nhà nhỏ của người cai nhà máy nước nhìn thẳng ra bến Bính là nơi cậu bé Văn Cao cất tiếng khóc chào đời. Ông học chữ ở trường Bon Nan (nay là trường Trường học Ngô Quyền) và học nhạc ở trường Xanh Giô Dép (nay là trường Ngô Quyền). Xóm Lạc Viên hẻo lánh khi xưa còn ghi dấu một thời tá túc, khởi nghiệp tân nhạc của ông cùng Phạm Duy. Sau những bài hát đầu tiên, hình như vớiVăn Cao tân nhạc không chỉ là sự ghi ra của 7 nốt nhạc theo kiểu Tây phương. Nó còn ôm chứa sự cộng lại của tam thiên, tứ địa. Nó mang cả cuộc sống vuông tròn của vũ trụ bao la. Nó gắn cùng ông trong mối liên quan thiên - địa - nhân. Vì thế, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi, Văn Cao đã tìm đến "Thiên thai" và "Trương Chi". Cái cô đơn của nhất thể toát ra từ "Ngồi đây ta gõ ván thuyền - ta ca trái đất còn riêng ta" đã đẩy Văn Cao đến tìm sự hòa nhập lớn lao thời ấy - hòa nhập vào cách mạng. Con người lịch sử hướng Văn Cao vào mối tương quan này là Vũ Quý. Chính do yêu cầu của Vũ Quý (thay mặt tổ chức), Văn Cao đã viết "Tiến quân ca" rồi sau cách mạng thì được chọn làm "Quốc ca Việt Nam". Nhưng cái chết bí ẩn của Vũ Quý đã ngấm dần vào Văn Cao, làm rã rời dần cái sự xoắn xuýt ban đầu giữa ông và đám đông. Văn Cao lại cô đơn giữa ồn ào xung quanh. Và cái thế sáng tạo của Văn Cao là cái thế dao động giữa cá nhân và đám đông, giữa đơn vị và toàn thể.
    Do ý thức được điều đó sâu sắc, ngay cả khi đi ra thế giới với tư cách một tác giả quốc ca của nước Việt Nam hay khi bản "Thiên thai" được trở thành một bản nhạc trong băng nhạc của các phi công vũ trụ Mỹ đem theo trong hành trình vũ trụ trên tàu A-pô-lô, Văn Cao vẫn giữ được một tâm niệm: "Tôi không đi qua tôi - không để lại gì".
    Sáng tạo âm nhạc của Văn Cao có thể xem như nằm gọn trong hai thập niên (1938-1958). Sau vụ "Nhân văn giai phẩm", hầu như Văn Cao làm nhạc không đáng kể. Nhưng cuối năm 1959, khi chuyển đến ban nghiên cứu âm nhạc thuộc bộ Văn hóa, chỉ sau một thời gian không lâu, ông đã biên soạn xong công trình nghiên cứu "Điệu thức năm cung trong dân ca đồng bằng và trung du Bắc Bo?uot;. ở công trình này ông đã nêu lên một luận điểm độc đáo là: Điệu thức Đô-rê-fa-sol-la (tương ứng với điệu thức Chủy trong âm nhạc của người Trung Hoa) là điệu thức gốc trong dân ca đồng bằng và trung du Bắc Bộ. ở đó, âm quãng 4 của điệu thức (tức âm fa) đóng vai trò chủ âm nằm ở bụng điệu thức. Và ông còn một bài viết "Con sáo sang sông theo phong cách Quan họ Bắc Ninh". Bài viết đã khẳng định "Con sáo sang sông" là thực sự Quan họ chứ không phải là mượn "Lý con sáo" như một số nhà nghiên cứu đã vội kết luận. Điều này trong cuộc nói chuyện với bộ đội thông tin ở Cần Thơ, ông đã nhắc đến và kèm theo một câu đùa: "Nhưng hôm nay ở đất Tây Đô này, cao sáo sang sông đã thành lý con sáo".
    Trước cửa căn nhà 108 phố Yết Kiêu của Văn Cao có một cây sấu nhỏ. Sấu nở hoa trắng rồi theo gió rắc đầy căn nhà nhà sĩ vào đầu hè. Sấu vàng lá rồi cũng theo gió rơi đầy căn nhà nhạc sĩ vào cuối thu. Nó hệt như chính tâm hồn ông đứng qua bao thăng trầm....
    Nguyễn Thụy Kha
    (Việt Nam nửa thế kỷ tân nhạc)
  6. heongoc

    heongoc Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/10/2004
    Bài viết:
    1.132
    Đã được thích:
    0
    Văn Cao - ấn tượng khoảnh khắc và đời người
    Với Văn Cao, không có hình ảnh nào xứng đáng hơn là một cây đại thụ trong thảo viên âm nhạc hiện đại Việt Nam.
    Cây đại thụ ấy, gân guốc và dẻo dai, kiêu hùng và dịu mát, chịu táp nhiều nắng gió suốt 3/4 thế kỷ, đã nằm xuống vào sáng một ngày đầu tuần vừa qua.
    Văn Cao - đó là cả một huyền thoại mà bao nhiêu lớp người, đã gặp ông hay chưa, đều thấy ở đó cái gì vừa xa xôi cổ tích, vừa hiện thực đến không ngờ. Cũng như nhiều người đã không ngờ, mới đây thôi ông vẫn còn ở bên chúng ta, trên một căn gác nhỏ đã chứng kiến bao trầm thăng của một đời người.
    Lần mới đây nhất gặp ông, khi tôi đến, ông đang ngồi ở nhà một mình. Vẫn dáng ngồi như đã bao lần. Có khác chăng lần này là chiếc ghế vải gấp thay cho ghế mây. Nhưng cái không khác, và không thể nào khác, vẫn là ly rượu trước mặt ông.
    Ông ngồi đó, đối diện với ly rượu, suy tư như đối diện với cả cuộc đời.
    Ngay cả lần ấy, tôi vẫn nhận ra một điều: Trí tuệ Văn Cao còn rất minh mẫn, dường như không bao giờ có thể chứa hết trong tấm hình hài khẳng khiu đó. Ông nói chuyện thật sôi nổi, trong một sự điềm tĩnh lạ kỳ. Một Văn Cao thực, và một Văn Cao trong tưởng tượng. Nhiều lúc tôi tưởng như không phân biệt được ông là ai trong hai con người đó.
    Với người nước ngoài, Văn Cao được biết đến là tác giả bài quốc ca duy nhất của Việt Nam, được chính Hồ Chủ tịch chọn ngay từ những ngày đầu lập nước. Tôi đã được nghe những người nói quốc ca của chúng ta thuộc vào loại hay so với các quốc ca trên thế giới. Không biết đã thật khách quan chưa. Nhưng sự gắn bó của giai điệu từ bài ca ấy trong nhiều thế hệ Việt Nam là điều không thể phủ nhận.
    Âm nhạc của ông đã và sẽ còn nhiều luận bàn. Nhưng nhiều người đã từng băn khoăn hỏi : Làm sao Văn Cao lại có thể vừa sáng tác nhạc trữ tình, vừa có những bài hát hào hùng đến thế, mà vẫn cùng một dấu ấn Văn Cao. Những trường ca như bản Sông Lô cho đến giờ vẫn không có nhiều. Mà Thiên thai, Trương Chi thì đã nổi tiếng từ lâu lắm rồi kia... Riêng tôi, tiếng chuông nhà thờ thờ từ bài Làng tôi vẫn còn đâu đây văng vẳng, gợi hình ảnh một làng quê yên ấm, thiện nguyện muôn đời trong xanh lá trùm che.
    Nhưng đời Văn Cao không chỉ có nhạc. Còn có cả thi và hoạ nữa. Hoạ và thi đã đồng hành với âm nhạc của ông ngay từ những năm tháng đầu, như những dòng chảy đầy mầu sắc làm nên một hợp lưu nghệ thuật của Văn Cao. Tranh cũng như thơ, đều là những đường nét gây ấn tượng, dồn nén, day dứt. Khi ông cất giọng đọc lên bài Trần trụi, tôi tưởng như những mảng phù du từ đời ông đang vỡ ra, vật trào với con sóng nghiệt ngã để vẫn còn lại đến giờ một bản thể không mất đi được nữa.
    Từng ngụm nhỏ, chiếc ly trong tay ông vẫn nâng lên đặt xuống liên tục. Thơ là thơ, tranh là tranh, nhạc là nhạc, nhưng trước Văn Cao tất cả những cái đó chỉ là một, như đã hoà vào lâu lắm từ chiếc ly sóng sánh kia.
    Văn Cao như đã có một dự cảm về thời gian. Tại đại hội của những người nhạc sỹ vừa qua, ông đã tiên tri với bạn bè về sự chia tay của mình.
    Thời gian như một chứng nhân từ tiền kiếp, đi qua cuộc đời tài hoa này, và tách ra từ đó những giai phẩm bất hủ đem đến cho đời sau.
    Có lẽ chỉ từ bây giờ, sức sống của cây đại thụ Văn Cao mới được chứng minh là trường tồn, toả khắp.
    Vị cuối cùng
    Mùa cuối cùng
    Rớt xuống ...
    Mới thật hiểu
    Sự sống thật của mình.
    - Sự sống thật, 1970 -

    Văn Cao - có thực ông đã rời kiếp trần ai, viễn hành về chốn Thiên thai?
    10/7/1995
    Báo Đầu Tư, 17/7/1995
  7. hnhan30

    hnhan30 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    20/01/2002
    Bài viết:
    408
    Đã được thích:
    0
    Nhân dịp giỗ 10 năm của cụ Văn, anh heo ngoc cho anh chị em nghe các bài Hùng Ca của cụ với như Tiến Về Hà Nội, Bắc Sơn, Gò Đống Đa, Chiến sĩ Việt Nam, Hải Quân Việt Nam, Không Quân Việt Nam ..mấy bài này nghe nói đến nhiều mà chưa thấy ai hát nhỉ
  8. heongoc

    heongoc Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    09/10/2004
    Bài viết:
    1.132
    Đã được thích:
    0
  9. greenline

    greenline Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/11/2003
    Bài viết:
    1.836
    Đã được thích:
    0
    Bài hát đầu tiên của ông là Buồn tàn thu (1939). Những năm sau đó, liên tiếp là Cung đàn xưa, Thiên thai, Bến xuân, Suối mơ, Thu cô liêu... Bên cạnh đó, ông còn viết nhiều bản hành khúc hùng tráng: Vui lên đường, Thăng Long hành khúc ca, Gò Đống Đa...
    Năm 1943, Văn Cao vào học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Cùng thời gian này, ông viết Chiến sĩ Việt Nam, đặc biệt là bản Tiến quân ca vào cuối 1944 đến 1945 cho lực lượng vũ trang *********. Bản Tiến quân ca đã được chọn làm Quốc ca và Văn Cao trở thành tác giả Quốc ca Việt Nam.
    Sau Cách mạng Tháng Tám, Văn Cao công tác tại báo Lao Động. Ông còn tham gia chuyên chở tiền bạc và vũ khí vào mặt trận Nam Bộ. Thời gian này, Văn Cao hoàn thành Trương Chi, viết Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Bắc Sơn, Công nhân Việt Nam... và là Uỷ viên chấp hành Hội Văn hoá Cứu quốc.
    Kháng chiến toàn quốc, Văn Cao ra Liên khu III rồi phụ trách một bộ phận điều tra của Công an Liên khu X ở Lào Cai và viết báo Độc Lập. Thời kỳ này, ông đã viết Trường ca sông Lô, sau đó là Làng tôi, Ngày mùa và Tiến về Hà Nội.
    Trở về Việt Bắc vào đầu năm 1950, ông phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, là Trưởng ban Âm nhạc Vụ Văn học Nghệ thuật của Bộ Giáo dục, và cuối năm 1951, ông về Hội Văn nghệ Việt Nam, rồi lại sang Xưởng Điện ảnh. Các tác phẩm Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, Toàn quốc thi đua, Hành khúc tiểu đoàn Lũng Vài... ra đời trong thời kỳ này.
    Sau năm 1954, Văn Cao là hội viên của Hội Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật và Hội Nhà văn. Ông là Uỷ viên chấp hành khoá I Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật. Năm 1983, ông trở lại là Uỷ viên chấp hành khoá III Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
    Văn Cao viết một số tác phẩm piano và tổ khúc giao hưởng Anh bộ đội *****. Tác phẩm âm nhạc cuối cùng ông viết năm 1984 là Tình ca Trung du. Ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba (1988), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1994), Giải thưởng Hồ Chí Minh (1997, sau khi đã mất). Văn Cao qua đời vào ngày 10-7-1995
    Trang này có một số tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao dưới dạng nghe trực tuyến. http://nhacso.net/?nhac9=composer&do=view&id=150. Mời các bạn nghe thử.
  10. hnhan30

    hnhan30 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    20/01/2002
    Bài viết:
    408
    Đã được thích:
    0
    Hôm nay lại tìm ra một số bài Hùng ca của Văn Cao do các cô chú cựu sĩ quan quân đội VNCH tại California trình bày
    Hải Quân Hành Khúc
    Không Quân Việt Nam
    Mời thêm cụ Văn Giảng (tác giả Ai Về Sông Tương với bút danh Thông Đạt) vào cùng với cụ Văn Cao góp cho khí thế Quân Đội Việt Nam với
    Lục Quân Việt Nam​
    download1
    download2
    download3
    Không hiểu sao Nhà hát Quân Đội Việt Nam hiện nay không dàn dựng những bài Hùng Ca Hoành Tráng này của cụ Văn Cao để trình diễn và phổ biến nhỉ ???

Chia sẻ trang này