1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Văn Cao - Giấc mơ một đời người. Bài mới: Văn Cao - Một tinh cầu giá lạnh

Chủ đề trong 'Bắc Âu' bởi boxwehn, 27/09/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Anh Có Nghe Thấy Không

    (1956)
    Văn Cao
    (Gửi một nhà thơ xưa đã nổi tiếng)
    Cửa đóng lại từ chín giờ
    Không một cuốn sách chờ đợi
    Dù những ngôi sao đang nở trên trời
    Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại
    Tất cả hướng về biển
    Bọt cứ tan trên bãi cát xa
    Mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở
    Bao giờ nghe được bản tình ca
    Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
    Bao giờ
    Bao giờ chúng nó đi tất cả
    Những con người không phải của chúng ta
    Vẫn ngày ngày ngày ngang nhiên sống
    Chúng nó còn ở lại
    Trong những áo dài đen nham hiểm
    Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người
    Chúng nó còn ở lại
    Trong những tủ sách gia đình
    Ở điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm
    Từng bước chân các cô gái
    Từng con đường từng bãi cỏ từng bóng tối
    Mắt quầng thâm còn nhỡ mãi đêm
    Chúng nó còn ở lại
    Trong những tuổi bốn mươi
    Đang đi vào cuộc sống
    Như nấm mọc trên những thân gỗ mục
    Người bán giấy cũ
    Đã hết những trang tiểu thuyết ế
    Những trang báo ngày xưa
    Đang bán đến những trang sách mới
    Những bài thơ mới nhất của anh
    Anh muốn giơ tay lên mặt trời
    Để vui da mình hồng hồng sắc máu
    Mấy năm một điệu sáo
    Như giọng máy nước thâu đêm chảy
    Chung quanh còn những người khôn ngoan
    Không có mồm
    Mắt không bao giờ nhìn thẳng
    Những con mèo ngủ yên trên ghế
    Trong một cuộc dọn nhà
    Những con sên chưa dám ló đầu ra
    Những cây leo càng ngày càng, tốt lá
    Một nửa thế giới
    Một nửa tâm hồn
    Một nửa thế kỷ
    Chưa khai thác xong
    Bây giờ không còn những tiểng nổ to
    Nhưng còn những tiếng rạn vỡ
    Có thể thu hết những khẩu súng *********
    Nhưng vẫn còn
    Những khẩu súng đưa người tự tử.
    Anh có nghe thấy không
    Chỗ nào cũng có tiếng
    Chưa nói lên
    Những người của chúng ta
    Đang mờ mờ xuất hiện
    Le lói hy vọng
    Trên những cánh đồng lầy
    Nghìn năm cũ phủ mất nhiều giá trị
    Đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời
    Vào một cuộc đấu tranh mới
    Với những người không phải của chúng ta
    Anh có nghe thấy không
    Vào một cuộc đấu tranh mới
    Để mở tung các cánh cửa sổ
    Mở tung các cửa bể
    Và tung ra hàng loạt hàng loạt
    Những con người thật của chúng ta.
  2. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Năm 1956
    Văn Cao cũng linh cảm thấy có gì nặng nề sẽ đè nặng lên đời mình trong những năm tháng tới... Để nói thẳng được những điều đang được nhận ra đau xót giữa đêm nay, thật không dễ. Mùa xuân đến đấy nhưng đâu phải là vĩnh viễn. Đã có lúc bao nỗi niềm về sự thực nhức nhói của 1 rạn nứt từ trong lòng cái mà tất cả đang cố tô vẽ, bưng bít, kể như là tốt đẹp. Văn Cao thấy chờn chợn dưới cây bút viết. Nhưng nếu không viết, không cảnh giác ngay với con người mối thảm họa ghê gớm này thì còn gì là nhân cách của 1 nghệ sĩ chân chính. Mà viết ra thì thảm họa sẽ giáng xuống đầu mình lúc nào không hay. Nỗi căm giận chợt trào ra không kìm giữ được. Những dòng chữ lại tuôn chảy.
    Trong những ngày khó khăn chồng chất
    Kẻ thù của chúng ta xuất hiện
    Những con rồng đất khi đỏ khi xanh
    Lẫn trong hàng ngũ/ Những con bói cá
    Đậu trên những dây buồm
    Đang đo mực nước
    Những con bạch tuộc
    Bao tay chân cố dìm một con người
    Tôi đã thấy từng mặt từng tên xâu chuỗi
    Tôi sẽ vạch từng tên từng mặt
    Hãy dừng lại
    Những tên muốn ôm cây mùa xuân không cho mọc
    Những tên muốn làm cây to che cớm mầm non...

    Cứ thế, cả mùa xuân Bính Thìn đã dìm Văn Cao trong viết. Bỗng 1 ngày ngơ ngác, lặng lẽ, chàng nổi lên, vớt lên, cầm trong tay 1 vật báu. Đó là trường ca "Những người trên cửa biển".
    ... Cuộc CCRĐ đã được thực hiện quá vội vã và đầy oan trái. Đã đến lúc vợ chửi chồng, con tố cha, anh em đồng chí mang nhau ra xử bắn thì Nhà nước không thể không nhìn thấy sai lầm. Thế là sửa sai. Nhưng những người chết làm sao sống lại được! Những đổ vỡ niềm tin giữa con người với con người làm sao lấy lại được!... Thương cảm biết bao những đồng chí vừa kề vai chiến đấu, giờ gạt nước mắt trên bãi bắn, chỉ còn biết hô khẩu hiệu để tỏ lòng trung kiên của mình trước khi chết. Đau đớn tới chừng ấy, thật khó nguôi đi được. Văn Cao chui vào góc nhà, lấy ra 1 cuốn sổ. Những dòng chữ li ti được viết ra như vụng trộm về 1 điều rất nghiêm túc, về 1 điều nhức nhối không thể nói ra. Văn Cao cảm thấy như chính mình bị bắn:
    Người ta- các đồng chí của tôi
    Treo tôi lên một cái cây
    Đợi một loạt đạn nổ
    Tôi sẽ giãy như một con nai con
    Ở đầu sợi dây
    Giống như một nữ đồng chí
    Một anh hùng của Hà Tĩnh
    Tôi sẽ phải kêu lên
    Như mọi chiến sĩ bị địch bắn:
    "Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!"
    Cho mọi người đều hiểu khi tôi chết
    Máu của tôi vẫn là máu Việt Nam/...

    Tập Giai phẩm Mùa xuân đã ra vào những ngày giáp tất niên. Tố Hữu thực sự giận dữ. Chỉ thị của ông ấy là bắt bên Phát hành sách thu hồi hết. Nhưng làm sao thu hết được! Thời gian này, Văn Cao ít chuyện trò với Tố Hữu. Trường ca Những người trên cửa biển viết xong, được NXB in ngay cùng Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần. Tuy không nói gì được, nhưng không phải là ông ấy không nghĩ gì. Biết là vậy, nhưng Văn Cao vẫn thấy cần phải có cái gì, có lúc nào nói thật thẳng thắn với Tố Hữu. Quyền lực đã tạo ra xung quanh ông ấy 1 lũ xu nịnh, cơ hội, hèn nhát rồi. Chúng đã bắt đầu thêu dệt, đơm đặt, chỉ trích những cá tính mạnh trong sáng tạo. Thi (Nguyễn Đình Thi) từ sau cuộc thơ không vần đã nhận ra sức mạnh của quyền lực. Không còn là Thi cùng Văn Cao hoạt động ngày xưa nữa. Nguyễn Huy Tưởng thấy chướng, nhưng vốn quen im lặng, tự chiêm nghiệm. Chỉ còn Nguyễn Tuân là không chịu khuất phục. Nghĩ thế, Văn Cao đã viết bài thơ "Anh có nghe không" gửi 1 nhà thơ đã nổi tiếng. Bài thơ gửi Tố Hữu những tâm sự của chàng về thời thế. Chàng muốn khuyên Tố Hữu nghĩ lại đôi điều. Và bài thơ có in trong tập Giai phẩm Mùa xuân. Còn gì thẳng thắn hơn khi Văn Cao viết:
    Có thể thu hết những khẩu súng *********
    Nhưng vẫn còn
    Những khẩu súng đưa người đi tự tử
    Anh có thấy không?
    Chỗ nào cũng có tiếng
    Chưa nói lên...

    ... Còn day dứt đâu đây trong Văn Cao những lời của Xuân Diệu trong bài "Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao". Trời ơi! Tại sao cùng là nghệ sĩ với nhau mà đã nhìn nhau, rỉa rói nhau kinh sợ đến thế này: "Văn Cao là hạng có bàn tay bọc nhung như thế. Sự giả dối đã thành bản chất của Văn Cao, nên những cái lạc hậu, thoái hóa của Văn Cao cứ nghiễm nhiên mặc áo chân lý và tiến bộ... Cái giả dối đã thành máu thịt của Văn Cao... Người ta lấy làm lạ rằng những tư tưởng văn nghệ của Văn Cao, bóc trần ra, chỉ là 1 mớ bùng nhùng, bèo nhèo quan điểm nghệ thuật tư sản, tại sao nó không phát ngôn ngay ra cuối thời Pháp thuộc, mà Văn Cao để dành, ấp úng mãi, vừa rồi, đã mười mấy năm sau cách mạng, mới níu lấy thời cơ mà phất nó lên thành cờ, thổi nó ra thành kèn, hòng tập hợp văn nghệ sĩ sau lưng mình...". Một đau nhói thực sự chạy rần rật trong người Văn Cao.
    ...
    3 bài thơ Quy Nhơn của Văn Cao đã được in trên báo Văn Nghệ vào khoảng 7/85. Cũng chấm dứt ngót 30 năm không được in thơ trên báo Văn nghệ. Hoàng Trung Thông, Tế Hanh và Nguyễn Đình Thi đến chúc mừng. Còn với Xuân Diệu, trong cái ngày tang chế 12/85, Văn Cao đã đến, cúi xuống trước linh cữu Xuân Diệu. Họ đã không nói được thêm điều gì với nhau từ hồi ấy. Nhưng đã biết lượng thứ cho nhau, qua thời gian.
    ... Tố Hữu khoe với Văn Cao về bài thơ viết trong mùa xuân Tân Mùi- bài "Chào năm 2000". Văn Cao nghĩ thầm, ông "thi sĩ hạng nhất" này khỏe chào thật. Đứa nào đấy trong đám thi sĩ trẻ đã tổng kết đùa về 1 hệ thi pháp của những "ôi, hỡi, xin, gửi, chào, hãy" v.v. Văn Cao lại mỉm cười- cái cười không mỉa mai, cố chấp. Đã là tạng của sáng tạo rồi, làm sao mà khác được. À thì ra cũng đã 30 năm tròn cái mùa xuân Tân Sửu 61 mà chàng thi sĩ này đã tấu lên hào sảng: "Chào 61 đỉnh cao muôn trượng". Lúc ấy thơ Tố Hữu nồng nhiệt quá, tuôn chảy quá, thúc giục quá, lôi cuốn quá. Riêng ông, ngày ấy lại tê tái quá, lạc lõng quá, âm thầm quá. Và cái chính là phải giữ nghẹn trong ngực, không được thốt lên.
    Nghĩ cho cùng, mình và ông ấy có khác gì nhau. Cùng say mê lý tưởng, cùng đi làm cách mạng, cùng sáng tạo để dựng xây nên con người cho cách mạng. Nhưng hình như cái khác nhau là ở chỗ 1 người thì nhìn con đường đi thẳng tắp, đầy vinh quang. Còn 1 người thì nhìn con đường đi quanh co, khúc khủyu và không ít những mất mát, đắng cay, bất hạnh. Và hơn nữa là biết ghê tởm những kẻ nịnh hót, những thằng cơ hội. Những sinh vật mang hình dáng người ấy đã được "ca dao vỉa hè" của nhân dân gọi là bọn "trung gian nịnh thần" hay bọn "trung trung gian gian". Chính chúng nó đã xen vào giữa 2 người, đã kéo dãn khoảng cách giữa 2 người mấy chục năm nay bằng những thêu dệt thâm độc, những đồn đại bịa tạc. Giữa nhiễu loạn ấy, thật khó có thể bình tĩnh thu được đúng tín hiệu của nhau. Nhưng dù sao trời đã quang, mây đã tạnh. Và ông ấy đã tới mình. Cũng đã ngấp nghé tuổi "cổ lai hy" cả rồi, làm gì mà cứ phải "bạch thủ tương tri do án kiếm" mãi...
    Nguồn "Những gương mặt âm nhạc thế kỷ"- Nguyễn Thụy Kha, Viện âm nhạc 2000.
  3. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Nép minh qua trước chốn xôn xao
    Mấy sự bên tai gió thoáng ào...

    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    Xuân Bính Thân 1956 đã đến. Văn Cao ngồi một mình nâng nhấp từng ly rượu trắng. Hòa bình đã về hơn một năm mà công việc còn nhiều ngổn ngang. Tự nhiên, Văn Cao nhớ Hải Phòng da diết, Trần Liên thì đã về Hà nội. Doãn Tòng lên vụt như chớp lóe của kỷ niệm rội lại đi, Kim Tiêu đến uống say rồi Thiên thai. Trần Khánh đến say rồi Trương chi. Tất cả những bạn bè Hải Phòng, những ngày đã gắn bó cùng Văn Cao những mẫu đời vui buồn lúc này đây sao không có mặt. Nhưng họ hiện rõ trong trí nhớ đơn độc của chàng cùng người vợ đang mang thai lặng lẽ. Năm nay, vợ chàng sẽ sinh đứa con thứ ba. Chàng ước lần này người vợ ngây thơ sẽ sinh cho chàng lấy một mụn con gái. Nếu là con gái, nó sẽ có tên là Hương Hương. Nghĩa là hương của những làn hương. Chàng đang khát một làn hương thực sự, lành mạnh của hy vọng. Còn một điều gì lớn lao mà bấy lâu chàng nung nấu viết về mảnh đất chôn rau cắt rốn - cái cửa biển cần lao như một vết thương của miền Bắc, thành phố có ngôi trường thân yêu của chàng. Chính ngôi trường đã là nơi cho chàng chút vốn liếng duy nhất để chàng có thể đi trong cuộc đời tới hôm nay. Văn Cao cũng linh cảm thấy có gì nặng nề sẽ đi lên đời mình trong những năm tháng tới. Thời gian ngặt nghèo quá, khắc nghiệt quá. Nhưng phải cướp lấy thời gian.
    Văn Cao quyết định cầm bút sau nhiều năm không viết một câu thơ nào. Dù không viết nhưng thơ vẫn canh cánh trong lòng. Phải tìm cho ra thi pháp của thời này - một thi pháp đích thực. Cuộc đời hôm nay của dân tộc không thể cứ véo von, sáo mòn mãi thế này được. Phải tìm cho ra cái vị đắng cũng như vị ngọt của lý tưởng. Văn Cao không còn chỗ giải thoát ngoài những điều chàng ngẫm nghĩ về nơi sinh và lớn lên, nơi đã chìm trong giông bão và muối mặn của một vùng cửa biển nổi tiếng khắp trái đất. Văn Cao cầm bút với thai nghén căng mọng bàn tay. Và chàng đã viết.
    Sinh ra tôi đã có Hải Phòng
    Đầu nhà bồi thành bến
    Nhà máy xi măng đã dựng bên sông...

    Văn Cao đã viết những dòng đầu tiên cho trường ca về Hải Phòng với cảm xúc như nén lại, hãy giàu nhịp, giàu điệu và kiên quyết không lụy văn. Không vì vần mà bó cảm xúc tới chỗ véo von. Những hình tượng lại cuồn cuộn trào ra như sông Cấm dồn về cửa biển.
    Không ai nhớ từ bao giờ
    Giữa các ngã sông về bến
    Ai đã lấp đầy những dòng sông bãi sú vô danh
    Cồn đất lầy um tùm cỏ dại
    Nổi lên một thành phố
    Ngọn khói đùn lên sừng sững chân trời.

    Đoạn dồn kết của chương I, với tiêu đề ?o Ai biết Hải Phòng là đâu? được vụt ra trong một cơn rất say. Cảm xúc kéo chữ đi vùn vụt như có thể chậm mất một hẹn hò, chờ đợi:
    Họ đi đâu
    Tất cả đi đâu
    Ôi! Hải Phòng vết thương miền Bắc
    Cổ họng ta ngày đêm rỏ máu
    Hải Phòng những đêm tối đen như hầm than đá
    Lấp lánh lân tinh
    Kíp thợ đêm lê về đến xóm
    Nghe rét mùa đông nối cuối sông.

    Mùa xuân đã bắt đầu bay trong sương đêm. Đôi hạt li ti nhờ gió mang qua cửa sổ, rắc nhẹ lên trang viết. Lúc ấy, Văn Cao mới biết cũng ướt.
    Nguồn
    Văn Cao - Người đi dọc biển, Nguyễn Thụy Kha.

  4. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Nhớ Văn Cao Và Câu Chuyện Làm Thơ
    Hoàng Cầm
    (trích hồi ức)​
    Vào giữa tháng 4 năm 1956, hằng ngày tôi chỉ đến cơ quan làm việc chừng vài giờ, còn thì phóng xe đạp tới nhà Văn Cao, nhằm thúc giục anh làm thơ. Vì hằng ngày, với vài chén rượu suông, hai anh em chỉ bàn về thơ. Mà hễ nói về thơ Văn Cao hồ hởi, say sưa. Anh đả phá lối thơ lãng mạn than mây khóc gió, đả phá cả những bài thơ như trong sách chính trị, giáo điều và giả trá xuất hiện khá nhiều trên báo chí? Khi đã thấy anh sôi nổi lên rồi, tôi mới gợi ý: ?o Này Văn Cao ạ, cậu sống nhiều năm ở thành phố cảng, giá bây giờ cậu viết một bài trường ca về Hải Phòng, mình tin cậu thành công. Đã có một trường ca sông Lô trong âm nhạc, Văn nên hoàn thành một bản trường ca về những người Hải Phòng bằng thơ. Có bạn bên động viên sớm tối, Văn Cao bèn tạm dừng bút vẽ, lại thân mật nói với tôi: ừ tao nghe mày. Phải đấy, tao mà không viết về Hải Phòng thì còn ai nữa. Có lẽ đêm nay tao khỏi!.
    Rồi anh khởi thật! Khởi hành vào kỷ niệm thời ấu thơ ở cảng. Sinh ra tôi đã có Hải Phòng. Từ một câu đơn giản ấy thôi, bản nhạc trong hồn anh đã rung lên với một cung nhớ thương sâu xa mà Hải Phòng hiện lên sừng sững. Tuổi thơ anh chạy nhảy, nô rỡn trên sóng biển đông và mắt anhở to, ngâythơ nhìn tít mãi chân trời. Tuổi thơ đầy khát vọng ấy cứ sáng bừng lên trong từng chữ của anh: Đêm đêm tôi vẫn ngủ trên cầu
    Vậy là sáng sáng, quá 9 giờ tôi lại đến với Văn Cao. Thêm đoạn nào chưa?
    - Đoạn này.
    Văn Cao chìa cho tôi trang giấy. Tôi đọc kỹ từng câu, rồi lại cùng anh bàn luận, bình phẩm (cùng thời gian ấy, cùng lúc với Văn Cao tôi viết trường ca Tiếng hát quan họ). Cứ được đoạn nào, hai đứa cùng đem thơ của nhau ra soi rọi lại từng chữ, từng câu, từng ý tứ, từng điệu của ngôn từ. Được một tuần thì Văn Cao đã viết xong chương một. Tôi mừng chảy nước mắt, hóa ra cái công đi thúc giục bạn không uổng. Một tiềm năng lớn đã được khai phá. Trữ lượng hẳn còn nhiều trong cái vỉa súc tích kia?
    Thì bông một sớm, ( có đến bốn năm ngày tôi mắc công việc bề bộn ở nhà xuất bản Văn nghệ, không đến thăm nom bạn được) tôi vào đến cửa thấy Văn Cao may ô, quần đùi đăm chiêu trước giá vẽ. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng vẫn điềm nhiên, vui vẻ hỏi Văn:
    - Khởi sang chương 2 chưa mày?
    Văn Cao quay lại bàn, rót một ly rượu trắng, nói se sẽ, hơi có vẻ lúng túng:
    - Mày uống thì rót nhé. Tao lại vẽ thôi. Ba hôm nay nặn mãi cũng không ra được một chữ.
    - Chịu tắc tịt à?
    - Có lẽ tắc thật. Bí quá. Xong được cái mạch đầu, sang đến chương sau, đếch khởi ra được cái gì. Nóng quá. Thôi nghỉ đã, bao giờ cánh thơ nó đậu xuống bàn thì sẽ viết tiếp.
    Biết lúc ấy có giục cũng vô ích, động viên gì cũng khó, tôi gượng cười: ?o ừ thì, cứ chờ. Nhưng mày đừng bỏ dở chừng nhé?.
    Bẵng đi dăm hôm tôi đến thăm anh. Một sớm chủ nhật cuối tháng tư, trời dìu dịu vị đêm trước có trận mưa rào khá lâu, tôi bỗng có khách. Trời! Một thiếu phụ chừng 30 tuổi, trông đoan trang mà cũng kiều diễm khác thường. Tôi chưa hết bỡ ngỡ thì vợ tôi, Lê Hoàng Yến đã đon đả nắm lấy cánh tay người thiếu phụ chỉ kém mình chừng vài ba tuổi và giới thiệu với chồng.
    - Em D.L đấy. Em họ đằng mẹ. Giời ơi, mấy năm rồi, chị tưởng em vào Sài Gòn rồi?
    Vì một lẽ riêng tôi xin tạm dấu tên người ấy. Một ngày hàn huyên, ông anh rể là tôi nhận thấy ơ cô em họ một nét rất nghệ sĩ. Hai con mắt sâu, hay nhìn vào khoảng không, cô nói với chị, biết tên Hoàng Cầm từ lúc còn là học sinh lớp 7 trường phổ thông Hải Phòng thời tạm chiếm, biết cả việc tôi thành hôn với chị cô, đặc biệt cô rất thích âm nhạc. Cô thuộc rất nhiều ca khúc Văn Cao, từ Thiên thai đến Suối mơ, đến cả những ca khúc cách mạng. Bây giờ làm cô giáo dạy toán lý cấp 2 thôi, nhưng vào những giờ ngoại khóa, cô còn dạy học sinh những bài hát mà cô mê nhất. Trương Chi, Thiên thai và Suối mơ. Quân Pháp còn đóng ở Hải Phòng đến tháng 5 năm 1955, có nhiều bạn thân của cô rủ vào Nam, cô không đi chỉ vì một lý do: mong được gặp mặt Văn Cao một lần. Có lẽ ( viết đến đây, nếu chị Băng có đọc bài này xin đừng ghen) tác giả Thiên thai là người yêu trong mộng của cô chăng? Tôi tin như thế vì sau bữa cơm chiều ở gia đình, cô khẩn khoán yêu cầu tôi đưa cô đến thăm Văn Cao. Tôi biết nết người vợ quí của bạn. Chị Băng bảo vệ chồng, săn sóc chồng hết sức chu đáo, nhưng cũng ghen hết sức kịch liệt, nếu có người đàn bà nào cả gan tỏ cảm tình với chồng chị thì? hãy coi chừng!.. Cũng vì lẽ đó nên câu chuyện này suốt gần 40 năm nay toi không một lần hé răng kể với một ai, kể cả vợ tôi. Mà sự thực câu chuyện cũng bình thường, một người mê âm nhạc mếm mộ tài năng một nhạc sĩ có gì là đáng chê trách hoặc bàn tán.
    Vậy nhưng tôi không có can đảm dẫn cô em vợ đến nhà Văn Cao. Cô ấy nài nỉ mãi, tôi đành phải nhận lời nhưng ?.
    - Thôi được, cô còn ở Hà nội vài ngày cơ mà. Sáng mai, 9 giờ tôi sẽ mời được anh Văn Cao đến đây để cô được tự do chiêm ngưỡng và bày tỏ lòng mến mộ sâu xa của mình. Được không?
    Cô em vẫn khăng khăng:
    - Thế tại sao anh không đưa em đến nhà anh ấy ngay bây giờ?
    Tôi vặn lại:
    - Thế tại sao cô nôn nóng thế? Mai sớm đã vội gì?
    Sáng hôm sau, giữ lời hứa, tôi đến nhà Văn Cao từ sớm:
    - Có cô em họ mình muốn gặp cậu, đòi mình đưa xuống đây, nhưng thấy thế không tiện. Vợ cậu biết thì mình có mà độn thổ? Thôi lên ngay nhà tao. Cô ấy đang chờ? Một người mê ca khúc của mày thôi mà?.
    Văn Cao cũng dè dặt và cũng hơi kiêu hãnh:
    - Thiếu gì người thích văn nghệ? Cô này thế nào? Có cần để mình nói chuyện khong? Sợ nhạt nhẽo, mất thì giờ?.
    Tôi cũng nói bừa đi:
    - Không, cô này có học, có năng khiếu thẩm mỹ? Gọi là thính giả ái mộ, biết đâu chả có điều gì bỏ ích cho mình? Mà mày đang bí về cái trường ca Hải Phòng, cô này ở Hải Phòng từ bé, biết đâu chẳng khởi được ra cái gì trong người mày??
    Vui vẻ theo tôi, Văn Cao gặp người thiếu phụ ấy. Đến bây giờ tôi vẫn còn chưa hiểu vì sao, cô em họ chỉ định ở Hà nội có hai ngày mà rồi kéo thêm 2 ngày thêm nữa? Và gặp Văn Cao lần đầu tiên ở nhà tôi, rồi còn gặp thêm mấy lần nữa, ở đâu? Tôi làm sao mà biết được. Chỉ biết hôm cô em trở về Hải Phòng, tôi thấy cô rất bịn rịn cứ luôn mồm nói với chị:
    - Em sẽ lên luôn chị nhé. Sắp nghỉ hè rồi. Em về coi thi mấy hôm nữa rồi có thể em lại lên, chỉ sợ vợ chồng chị không đủ gạo nuôi em thôi.
    Vợ tôi cười rất vui:
    - Em cứ ở với chị suốt đời cũng chả lo thiếu... Chỉ sợ rồi em xa chị hoặc giả rồi em đi bước nữa. Chị em hằng mấy năm không thấy mặt nhau thôi...
    Quả nhiên hơn mười ngày sau, co em tôi lại lên Hà nội. Và lần này cô tự do đi chơi, tôi cũng không bị cô em làm phiền đến mình nữa. Rồi khi trở lại Hải Phòng, cô ấy gửi thư cho tôi, kèm theo một phong thư nhỏ, dán kín, nhờ ông anh rể chuyển giúp đến tận tay người nhạc sỹ mà cô ngưỡng mộ, đã thành thần tượng của cô. Có lẽ cô tự biết là không nên gửi thư đến thẳng 108 Yết Kiêu, nên tôi nhớ có đến 4 lần thư phong kín, cô em nhờ tôi chuyển đến tay Văn Cao. Có khi chỉ hai cách hai ngày lại có thư... Vậy là bản trường ca về Hải Phòng, Văn Cao bị bế tắc đến giữa tháng 5/1956 ấy, bỗng có một chiều tôi vừa ở cơ quan về đã thấy Văn Cao đạp xe lên nhà tôi với tập bản thảo đến gần ba chục trang, chép sạch sẽ, không một chữ tẩy xóa, trang cuối cùng ký tên Văn Cao rất to, chữ ký rất đường bệ, Văn vừa dựng xe đạp vào tường đã vọi khoe ngay:
    - Xong rồi. Tao tự thấy là được. Mày xem đi, ngay đêm nay, sáng mai xuống ao, bàn luận thêm. Còn mày, Quan họ bao giờ xong? Không chừng, mày lại chậm hơn tao đấy?
    Đêm ấy tôi đọc hết bài thơ dài: Những người trên cửa biển. Có những câu đầy khí thế, rất Văn Cao ứ đọng những tư tưởng mới, những cách nhìn mới về xã hội, về con người, về thành phố cảng. Mà từ hôm tôi dẫn anh lên gặp cô em họ của vợ mình đến hôm nay, Văn Cao trình diện toàn văn bản sử thi hào hùng, nhiều kịch tính với một điệu ngôn từ mới mẻ, tôi bấm đốt ngón tay, mới có 14 ngày!
    Vậy cái gì thúc đẩy thơ từ đáy sau tâm hồn người nhạc sĩ của khát vọng, của tình yêu, của mơ mộng ấy? Đâu phải là tôi. Chẳng qua tôi chỉ là bạn gợi ý, thúc giục bước đầu. Vậy cái gì thúc đẩy thơ từ đáy sâu tâm hồn người nhạc sĩ của khát vọng, của tình yêu, của mơ mộng ấy? Đâu phải là tôi. Chẳng qua tôi chỉ là bạn gợi ý, thúc giục bước đầu. Vậy cái gì đã khai thông rồi làm nên trọn vẹn một tác phẩm thơ có giá trị như thế?
    Tôi không muốn và cũng không thể trả lời. Và từ đó đến bây giờ dẫu nhiều lúc cùng nhau chén chú chén anh, cũng không bao giờ tôi hỏi về chuyện quan hệ của Văn Cao với cô em họ của tôi. Mà cũng từ khi quân đội Pháp rút khỏi Hải Phòng, vợ chồng tôi cũng không gặp cô em họ ấy nữa. Cũng chẳng có tin tức gì. Cô ở đâu, còn sống hay đã chết? Chỉ có một điều độc giả khi đọc bản trường ca sử thi về Hải Phòng của Văn Cao, chảng ai biết cái gì phảng phất trong đó, ở ngoài lời? Chỉ có Văn Cao tự biết ?.
    Ngày 16/7/1995
    H.C
    Nguồn
    Văn Cao - Cuộc đời và tác phẩm., Lữ Huy Nguyên tuyển chọn. Nhà xuất bản Văn Học, 1998.
    Được boxwehn sửa chữa / chuyển vào 20:54 ngày 28/11/2006
  5. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Mấy Ý Về Thơ
    Văn Cao​
    Một trong những hướng xây dựng nhân văn là đào tạo cho xã hội những người biết khai thác, khám phá, phân tích thực tế và mở đường cho tương lai. Nhà thơ trước hết, muốn làm nhiệm vụ ấy, phải có những đặc tính trên. Chính những đặc tính đó đặt ra vấn đề thành lập cá tính cho mỗi nhà thơ.
    Trong lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật, nếu có một số nguyên tắc để giải quyết những vấn đề căn bản của xã hội loài người thì cũng chỉ là một phương pháp sơ lược dùng để gợi ý cho mọi người phát triển hay sáng tạo. Người ta không thể nào biết rõ và hạn chế được tất cả những sáng kiến, phát minh vì người ta không thể biết rõ và hạn chế hết những nhu cầu của loài người ngày một phức tạp hơn lên. Trái lại,trong cách suy nghĩ khác, nếu có người cho là yêu cầu của loài người sẽ dần dần đơn giản và có thể điều khiển được như máy móc, thì người ta sẽ nhờ đến việc đơn giản và bớt đi những phát minh mới mở đường cho Văn học và Nghệ thuật.
    Đến với cuộc đời, nhà thơ không chịu đựng một sự may rủi mà phải chủ động thành lập nên sự thẩm mỹ mới cho người đọc, chủ động xây dựng con người biết tư tưởng cảm xúc và cảm giác tinh tế như mình trong xã hội đương thời và cả xã hội sau này. Không ai ngăn những nhà thơ lần mò cặm cụi đi theo những lối mòn. Khốn nỗi những người đọc của chúng ta lại cứ muốn tìm trong cái đám đông người bộ mặt có thể ưa thích được. Họ không muốn nghe lại những ý những lời đã cũ cũng như không muốn mua lại những đồ cũ mà họ đã phải thải đi từ lâu rồi. Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà mở đường. Bởi vì,những người đó đã nghĩ đến sự tiến bộ của Nghệ thuật.
    Cái mới đâu phải là những cái không sẵn có. Sự làm mới những cái sẵn có cũng là một phương pháp sáng tạo. Đã hàng thế kỷ, mỗi nhà thơ vẫn hàng ngày vẫy gọi mặt trời đến chiếu vào tâm trang mình. Thế mà những câu thơ hôm nay về mặt trăng mặt trời vẫn mới mẻ như đêm như ngày qua lại, cái mới trước hết là cái mới trong tư tưởng, trong cảm xúc và trong càm giác của nhà thơ. Tấm bia trên mồ một người đã khuất cò lẽ còn ở lâu trên mặt đất hơn một cuộc đời. Biết bao nhiêu bài thơ mang cái mới nhất thời đã rụng trong khi tác giả của nó còn sống. Nguyễn Du khi sáng tạo cái mới trong thơ còn lo ba trăm năm sau không có người hiểu. Người thành công nhất ngày nay phải lo tới thất bại ngày sau và người lo thất bại ngày nay cũng phải lo tới cái thất bại ngày sau. Nếu không có sự lo lắng đó, một nhà thơ không nghĩ tới trách nhiệm của mình khi viết, hoặc chỉ viết cho người bây giờ mà không có trách nhiệm với người sau.
    Chúng ta đọc một nhà thơ như đi theo một dòng sông. Dù bắt đầu từ khúc nào, dù ghé vào bến nào, chúng ta đều phải nghĩ là ngược lên nguồn thì đường dài lắm, mà xuôi ra biển thì biển còn xa. Hai điểm đầu và cuối đó đều thấy vô cùng. Ai muốn khám phá xem con đường ngược và đường xuôi như thế nào còn có thể tiếp tục nhau khai thác được nhiều. Cuộc đời và Nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng . Mỗi chữ mỗi câu, mỗi bài thơ mở ra cái quãng ngược, quãng xuôi, những cái không nói tới mà người đọc càng tìm thấy mãi. Sự thất bại thường gặp trong bài thơ là sự khép lại : khép tất cả sự muốn nghĩ và muốn nói. Người ta đã đánh giá sai lầm về trí tuệ của đại chúng. Tôi nghĩ rằng trí tuệ ấy, sẽ phong phú bởi vì nó dần dần được tập trung hết kho tàng của dĩ vãng (trong đó có phần trí tuệ của nhà thơ).
    Có người nói thẳng tới cái vô cùng tận của trời xanh, có người nói cái vô cùng tận của trời xanh qua cái rộng của biển, cũng có người thấy trời xanh vô cùng tận trong bát nước và cũng có người chỉ nói tới một giọt ánh sáng để tìm thấy cái vô cùng tận của trời xanh . Có người phải tìm con đường lớn mới thấy dấu xe mà có người tìm thấy dấu xe trong một hạt bụi. đấy là những khác nhau giữa những nhà thơ. Sao nghệ thuật không biết tìm ở đấy sự phong phú ? Sao người làm thơ không biết tìm riêng lấy một cách thể hiện ?
    Qua một bài thơ, người ta thấy ngay con người của nhà thơ đang sống thực, Tư tưởng cảm xúc và cảm giác của nhà thơ phải thể hiện tinh vi. Câu thơ như vào trong óc để gợi sự suy nghĩ, vào trong tình cảm để xúc động và như vào trong da thịt để khêu gợi ! Chỉ riêng cái phần giác quan của nhà thơ cũng nói được cái hướng biểu hiện hoặc thiên về tư tưởng, hoặc thiên về cảm xúc, hoặc thiên về cảm giác. Cái khuynh hướng đó nhiều khi là của cả một thời đại, một môn phái hay một triết học. Chúng ta đã qua một thời kỳ dài thiên về cảm xúc và một thời kỳ cảm giác. Cái thời kỳ thiên về tư tưởng có phải đang bắt đầu ? Người làm thơ biết thành lập cho mình một cá tính trong suy nghĩ, trong tình cảm, trong cảm giác những điều mới lạ bao nhiêu là làm phong phú thêm cho người đọc về mặt tư tưởng, cảm xúc hay cảm giác. Người đọc bị cuốn sau cùng vào cái khuynh hướng của nhà thơ. Trong đời sống của chúng ta hiện nay có biết bao nhiêu người đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của các tác phẩm Văn học và Nghệ thuật và cũng có biết bao nhiêu sự biến đổi xã hội gây ra do cách đặt vấn đề của những tác phẩm này.
    Người làm thơ phải đi tìm những tư tưởng, cảm xúc và cảm giác trên kia trong thực tế ở những con người đang hàng ngày túi bụi xây. Càng tới gần cái cuộc sống đầy mâu thuẫn đấu tranh là càng như đi gần lại một kho thuốc nổ. Có người dao động và sợ hải quay lưng. Có người vụng về mà làm nổ. Nhưng cũng có người can đảm biết làm nổ để mở đường.
    Hôm nay, con đường lớn nhất của chúng ta là mở cho tất cả những giấc mơ, những khát vọng thuộc về sự sáng tạo của con người tự do phát triển bay đi xe mật về ổ. Mở cho những giấc mơ, những khát vọng tự do phát triển bao nhiêu là tật trung tất cả giấc mơ và khát vọng của con người làm thành mũi nhọn kéo lê đi phía sau cái thực tế chập chạp.
    12-7-1957
    http://dactrung.net/baiviet/noidung.aspx?BaiID=8nseziUv1dmNkIRX1ScPYw%3d%3d

  6. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Một Thoáng Văn Cao
    Phùng Quán​
    Hồi còn đánh Mỹ, tôi làm việc ở Vụ Văn hóa quần chúng. Chị Băng, vợ anh Văn Cao làm ở Ban B, cùng trong ngôi nhà 51- Ngô Quyền, Bộ Văn hóa. Hồi ấy giá gạo ngoài ở Thái Bình lên đến 3 đồng một ký. Người Thái Bình đói kéo nhau về Hà Nội ăn xin. Một buổi trưa tôi ngồi uống nước chè chén 5 xu (ghi sổ nợ) ở cái quán xế bên cửa Bộ. Chợt nhìn thấy Văn Cao cùng với Đoàn Văn Chúc - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa vịn vai nhau, chếnh choáng, xỉêu vẹo đi ngang qua. Tôi ơi ới gọi hai anh vào uống nước, hút thuốc. Lâu không gặp Văn Cao, tôi sửng sốt thấy gương mặt anh bạc trắng như tờ giấy, hai má hóp sâu, chòm râu lơ thơ làm cho khuôn mặt anh càng thêm nhọn hoắt. Trong quán lúc này có bốn năm người khách. Họ đều nhìn anh. Và tôi biết chắc là họ không biết anh là ai.
    [​IMG]
    - Anh hút thuốc lào đi. Tôi đưa điếu cày cho anh, nói với chị chủ quán: - Chị cho tôi gói thuốc lào
    Văn Cao chậm rãi thông điếu, hỏi chị chủ quán:
    - Thuốc lào của chị là thuốc lào Tây hay thuốc lào ta?
    Chị chủ quán ngơ ngác:
    - Làm gì có thuốc lào Tây ạ?
    Tôi cười giải thích:
    - Ý anh ấy muốn hỏi thuốc lào của chị là thuốc lào mậu dịch hay thuốc lào chui. Thuốc lào mậu dịch là thuốc lào Tây.
    Chị chủ quán nói:
    - Thế thì thưa ông anh, thuốc lào Tây ạ, em không có thuốc lào ta.
    Một ông khách móc túi lấy gói thuốc lào bọc trong túi giấy bóng, đưa cho anh:
    - Tôi có thuốc lào ta đây. Chính hiệu Tiên Lãng, mời ông ăn thử.
    Văn Cao đỡ gói thuốc lào, vê một điếu bỏ vào nõ, nói với ông khách:
    - "Ăn thuốc" đó mới đúng là ngôn ngữ của người ghiền thuốc lào - Văn Cao rít một hơi tận sức, từ từ nhả khói - Đúng là chính hiệu Tiên Lãng, ông cho tôi xin thêm điếu nữa?
    - Mời ông cứ tự nhiên.
    Văn Cao hỏi tôi:
    - Quán có tiền đó không, cho mình vay 5 đồng. Hai thằng từ sáng đến giờ chỉ toàn rượu suông, muốn đi ăn bát cháo.
    - Em chỉ có ba đồng, anh cầm tạm.
    Văn Cao bỏ tiền vào túi. Hai người đứng lên, lại vịn vào nhau, xiêu vẹo dắt nhau đi.
    Ông khách cho thuốc lào ái ngại nhìn theo hai người đi khuất ở ngã tư Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo:
    - Nhìn cái nước da trắng bệch của ông ta mà tôi phát sợ. Chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa.
    Tôỉ hỏi ông:
    - Ông có biết ông ấy là ai không?
    - Không, tôi đoán là dân ở Thái Bình mới lên. Từ hôm gạo lên 3 đồng một ký, dưới đó nhiẻu người đứt bữa?
    Tôi nói:
    - Ông ta là người đã viết một bài hát mà mỗi lần hát ìên, cả nước phải đứng nghiêm, kể cả *****.
    Ông khách trợn tròn mắt:
    - Ông ta là nhạc sĩ Văn Cao?
    - Đích thị là Văn Cao!
    Ông khách đang uống dở hớp nước, ngồi ngẩn ra một lúc lâu như người bị nghẹn, rồi buông lửng một câu:
    - Thế thì còn ra thế nào nữa?!
    Lát sau chị Băng từ trong cửa Bộ đi ra. Vừa nhìn thấy tôi, chị túm lấy hỏi:
    - Từ sáng tới giờ anh có thấy anh Văn đi ngang qua đây không?
    - Anh vừa đi cách đây hai mươi phút. Anh hỏi vay tôi năm đồng, tôi chỉ có ba đồng đưa cho anh.
    - Có khổ thân tôi không! Ở nhà khách người ta đợi suốt từ sáng tới gần trưa.
    - Khách ở đâu đến mà quan trọng thế? Chắc là nhà báo quốc tế đến phỏng vấn anh về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác.
    Chị Băng nhăn nhó khổ sở:
    - Khách từ Hà Giang xuống, ở Xí nghiệp chế biến chè. Họ muốn nhờ anh Văn vẽ cho cái nhãn chè. Người ta đem xuống 50 đồng với 10 gói chè loại 1. Chờ mãi không được thế là người ta đem tiền, đem chè đi nhờ họa sĩ khác.
    Nghe chị kể tôi cũng thầm tiếc cho anh. 50 đồng với 10 gói chè Hà Giang loại 1. Chao ôi, thật đáng tiếc! Hôm sau tôi gặp Văn Cao, kể lại chuyện hôm qua, hỏi anh:
    - Sao anh lại bỏ dở một cái đơn đặt hàng ngon lành thế? Hay anh quên?
    - Mình nhớ chứ, chỉ cần ngoạch trong nửa tiếng là có 50 đồng? Nhưng mình bỏ đi lang thang uống rượu suông với thằng Chúc và phải hỏi vay con gái.
    Anh lắc đầu:
    - Mình rất cần tiền mà cũng vô cùng chán tiền?
    Tôi được quân đội cách mạng giáo dục từ ngày còn là một thiếu niên: "Nhân tài là báu vật của Tổ Quốc. Những người lính chúng ta có nhiệm vụ phải chăm nom, săn sóc, bảo vệ họ như con ngươi của mắt mình".
    Năm tôi 17 tuổi là lính trinh sát của Trung đoàn 101. Tôi được cử vào đội bảo vệ cho một nhóm văn nghệ sĩ có tên tuổi ở vùng tự do khu Bốn đi thực tế chiến trường. Chính uỷ trung đoàn Trần Quý Hai đã đến chỉ thị và dặn dò chúng tôi như vậy. Lúc đó chiến trường Thừa Thiên bom đạn đầy trời, chật đất. Sau hơn một tháng đội chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Hơn một chục trận càn vây ráp lớn nhỏ nhưng bọn giặc không đụng được cái lông chân của văn nghệ sĩ. Đội bảo vệ chúng tôi có 8 người, hy sinh mất hai. Còn tôi thì bị thương ở cẳng chân, suýt nữa phải cưa trên đầu gối. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, tôi đã trở thành người lính già đầu bạc, nhưng lời dặn dò của chính uỷ ngày đó vẫn còn tươi nguyên trong ký ức của tôi.
    Năm nhạc sĩ Văn Cao 60 tuổi, tôi có làm bài thơ chúc thọ anh, trong đó có đoạn như sau:
    Chúng tôi thường mơ đến anh
    Như trẻ nhỏ mơ đến những anh hùng, truyền thuyết
    Chúng tôi thường mơ
    Một hôm nào đó nhạc sĩ Văn Cao bị bốn
    bề vây súng giặc
    Chúng tôi sẽ xông ra lấy ngực che đạn
    cho anh
    Chúng tôi thường mơ
    Trên chiến trường quê hương Trị Thiên
    Chúng tôi sẽ đánh một trận lừng danh
    đất nước
    Trên sông Hương, sông Thạch Hãn, sông Bồ
    Để anh về anh viết trường ca
    Như Trường ca Sông Lô!?

    http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nqnmn3n0n31n343tq83a3q3m3237ntn&cochu=

    Được boxwehn sửa chữa / chuyển vào 21:12 ngày 28/11/2006
  7. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Biển đêm
    Mọi sự lờ đờ rượu quen
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    Lâu lắm, Văn Cao mới lại ngồi vào đàn, Những ngón tay nhấn lên phím ngượng ngùng. Chàng nghệ sĩ hào hao phong nhã của một thời tuổi tác đã đi, đã rắn chắc lại thành một người già trước tuổi. Văn Cao lại rải khẽ những hợp âm. Những tiếng dương cầm lắc rắc như mưa rớt đâu đây, những tiếng như sóng biển đập vào bờ đá tóe tung. Âm nhạc của bản biển đêm nhu ru Văn Cao vào một đại dương đêm tối. Những ì ầm của quá khứ chưa xa vây lấy ông.
    Độ ấy, có một cái gì của nhân cách khiến ông tuy đã cảm thấy, nhưng không sao dừng lại được. Không được làm thơ nữa thì viết lý luận. Bài Mấy suy nghĩ về thơ lại đẩy ông tới một ứng xử khó khăn nữa. Giữa lúc ngặt nghèo như vậy, ông vẫn nêu ra: ?o phải chủ động thành lập sự thẩm mỹ mới cho người đọc, chủ động xây dựng con người biết tư tưởng, cảm xúc và cảm giác như mình cho xã hội đương thời và cả xã hội mai sau?. Những tình cảm vẫn đẩy tới ?o yêu những người biết thất bại mà dám mở đường?. Ông viết như hoàn toàn ý thức được rằng: ?o tấm bia mộ một người đã khuất có lẽ còn lâu trên mặt đất hơn một cuộc đời?. Ông viết biết bao những chi tiết đầy ắp cuộc sống xung quanh mạng độ khái quát lớn hơn tất cả những từ ngữ, câu chữ sáo rỗng: ?o Cũng có người thấy trời xanh vô cùng tận trong bát nước, và cũgn có người thấy trời xanh. Có người phải tìm con đường lớn mới tháy dấu xe mà có người tìm thấy dấu xe trong một hạt bụi.?
    Văn Cao chưa dừng lại. Bài tựa cho tập thơ Những ngọn đèn cuả Yến Lan lại làm rung chuyển dư luận. Ôi nếu ông chỉ thuần khiết là một nhạc sĩ, đằng này mình ông ôm cả ba vùng ánh sáng thi - họa - nhạc. Khám phá ra những cái mới, cái đẹp của thơ Yến Lan, ông lại ân cần không tiếc mình để giới thiệu tập thơ: ?o ... Đọc thơ Yến Lan, tôi có cảm tưởng lúc nào anh cũng bắt đầu. Một sự bắt đầu vào các luồng thơ khác nhau gần như không do dự... thơ Yến Lan càng ngày càng muốn đi gần lại sự sống hiện đại. Một người đi từng vùng thủ công nghiệp đến thành phố kỹ nghệ. Từ một người hiền lành, bình dị, anh đang muốn trở thành một người muốn thúc đẩy một sự gì đang làm trì trệ cuộc sống của chúng ta. Tôi thấy ở anh một sự chuyển biến, một sự mở ra có sức lực. Nhưng tôi vẫn lo tới một sự thu lại như rừng sau ngày động gió. Bởi vì ở thơ anh, ngoài những yếu tố xây dựng lên những cái mới còn những yếu tố đã bám rễ vào cuộc đời cũ của một người không muốn thay đổi. Trong thơ có cái đang cháy và cũng có cái đọng lại....
    Sự khác nhau trong thơ anh là những nét mặt người cũ và người mới. Người cũ thì chìm đi và người mới thì sôi nổi. Anh đã có một thái độ mới đối cuộc sống. Đã có một tình yêu thương sự vật mà con người thì nhân thế không có thái độ sống. Thơ anh bắt đầu biết đề cao những hành động, tình cảm của con người anh yêu lên để đả phá những bọn phá hoại sự xây dựng của xã hội. Cái yêu cái ghét đã rõ ràng thì những bài thơ cũng bắt đầu đổi, chính vì thế mà mọi người biết chờ đợi ở anh, trong mối quan hệ mới với cuộc đời, biết phát hiện cái tốt, cái xấu, biết lấp đi trên bước đường những cái vũng tù, còn đang đọng lại ...?
    Cứ thế, những dòng tâm huyết cứ chảy theo ngọn bút. Văn Cao thì chỉ mới gặp Yến Lan trong vài năm gần đây khi chàng thi sĩ trong ?o nhóm thơ Bình Định? khi xưa, tác giả của Bến My Lăng ra Bắc tập kết. Viết về Yến Lan, ông còn nghĩ mãi về những con người thi nhân của nhóm thơ nổi tiếng ấy. Rồi cũng chia ra mọi ngả. Hàn Mặc Tử thì đã yên nằm dưới mồ. Quách Tấn ở lại miền Nam ôm ấp cùng Mùa cổ điển. Chế Lan Viên thì dường như muốn quên hẳn Điêu tàn để tiến tới một giọng thơ triết lý. Còn Yến Lan thì đã tự đổi mới trong Những ngọn đèn, Văn Cao thấy mình không phải hối hận gì.
    Cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn - Giai phẩm đã kết thúc. Mọi việc đã không còn đảo ngược được. Văn Cao còn nhớ mãi cái đêm ông đi cùng Hữu Loan suốt quanh hồ Ha le trước ngàyHữu Loan về Thanh Hóa trở lại đời ?o lão nông tri điền?. Nặng nề. Đen tối, u ám. Những ngày không biết nói gì, Văn Cao chỉ biết vùi vào đàn. Những hợp âm thuần khiết, những giai điệu dịu dàng như gắng xoa bớt những vết thương âm thầm rỉ máu trong ông. Không viết được thành lời thì làm nhạc không lời. Đấy là những ngày đắm chìm cho ra Hàng dừa xa, Sông tuyến và Biển đêm. Những tiếng nấc nhức nhối luồn trong nỗi đau chia cắt, cứ hằn rõ trong nét nhạc, cứ theo nhau lúc mưng tấy, căng thẳng, lúc dần tan, dần lắng xa vời.
    Rồi chuyến xe trên con đường dốc đèo hiểm trở của Tây Bắc đã đưa ông, Nguyễn Tuân, Nguyễn HuyTưởng đi vào thực tế đời sống. Lại bao ngày mưa đường trơn, vực thẳm. Lại những quãng đất lầy lở như mỡ. Trên dốc nhìn xuống vực, còn thấy nguyên những xác xe đổ của chiến tranh ngày nào. Đôi ki thấy quá hư thực cái màu xanh như hy vọng. Những lúc ấy, Văn Cao phải tự nhẩm lại những câu thơ của mình như thần chú: ?o giữa sự sống và sự chết?. Cứ đi trong trùng điệp núi rừng miền Tây Bắc, Văn Cao nghe âm vang đâu đây về cuộc chiến tranh ấy, cuộc chiến tranh đã mang đi cả tuổi thanh xuân của ông.
    Những buổi sáng tỉnh dậy đầy tiếng bom đạn. Những chiều rầm rập xe lính vây ráp. Những đêm chạy dọc những đám cháy không biết bao nhiêu cây số. Đã nhìn thấy bao nhiêu xác người, cả những cái chết nằm bên lỗ châu mai. Đấy là những ngày kề với anh hùng và man rợ, thần thánh và quỷ dữ. Đấy là những ngày gặp những con người và con vật, dũng cảm và hèn nhát; cao quý và ti tiên, trung thực và bất lương. Mấy năm đã làm ông rẳn lại đến hôm nay, đến cái lúc cảm thấy tuổi già bắt đầu ập đến. Có những hôm Văn Cao đứng trầm ngâm lắng một tiếng vọng trong lòng núi. Ông cảm thấy trên vách đá kia còn in dấu chân người, còn xẫm bóng cánh chim nào bay qua. Cô đơn quá: Văn Cao hú thật to. Tiếng hú của ông như viên đá ngập chìm trong im lặng. Núi cứ dựng lên đen chũi. Bờ vực như không cùng. Chính ở đấy, cả mặt trời và mặt trăng đều lặn xuống không tiếng động.
    Cuộc lang thang còn có thể kéo dài nữa nếu giữa chừng Văn Cao không bị chảy máu dạ dày. Giữa rừng, những cơn đau quằn quại như những bàn tay thần chết đã vươn tới muốn cướp ông đi. Nhưng người bạn vong niên Nguyễn Tuân đã giúp Văn Cao chống trả cái chết, công Văn Cao đi xuyên đường rừng không biết bao nhiêu cây số. Nguyễn Tuân đã tìm ra được tới đường quốc lộ. Một chiếc xe tài ngẫu nhiên trở thành chiếc xe cứu mạng Văn Cao. Bệnh viện vùng núi đã không tiếc sức cấp cứu cho người đã làm ra bài quốc ca cho đất nước. Nguyễn Tuân vừa trợ giúp các bác sĩ, vừa tủm tỉm nhìn người bạn đa tài trong trạng thái ?o nuy? toàn thân.
    Cái chết của Nguyễn Huy Tưởng làm se thắt trái tim lặng lẽ của Văn Cao. Số phận đã không cho ông Tưởng sống qua tuổi 49. Nguyên nhân chính là một khối u ác tính trong suốt cuộc đời.
    Nguyễn Huy Tưởng tuy là người Hà nội nhưng thời học sinh đã trôi qua Hải Phòng. Cùng học ở trường Bon - nan, tức là đồng môn với nhau. Nhưng khi ông Tưởng đi làm thì Văn Cao mới vào trường. Hơn nhau chục tuổi chứ ít gì. Song nổi tiếng thì cùng một thời gian. Khi Văn Cao đã có Thiên Thai, Suối mơ, bến xuân thì ông Tưởng cũng mới có được kịch Vũ Như Tô gây sự chú ý trong văn nghệ lúc ấy. Tuy vậy, chỉ sau cách mạng tháng tám năm 1945, Văn Cao mới gặp. Ông Tưởng nói như Tố Hữu nhận xét - là rất nhu mì, lúc nào cũng như muốn lẩn trốn, lặng lẽ làm việc. Rất chất phác, chân thành, rất dễ yêu, vui lòng giúp đỡ mọi người Đọc nhiều sách, thuộc nhiều chuyện sử mà lúc nào cũng ngơ ngác nhìn quanh như người ngồi nhầm chỗ. Kỷ niệm của Văn Cao với ông Tưởng là làm bài Bắc Sơn cho kịch Bắc Sơn của ông Tưởng. Kỷ niệm đó khiến cho hai người hiểu nhau nhiều. Những ngày gay go của cuộc đấu tranh, Nguyễn HuyTưởng tuy im lặng, nhưng vẫn nhiều đồng tình với Văn Cao. Có lẽ vì thế, ông đã cùng đi thực tế với Văn Cao.
    Văn Cao rất quý thái độ cầu thị của ông Tưởng. Chính tại nhà Văn Cao, ông Tưởng đã đến, ngồi ngay ngắn cùng cuốn sổ và cây bút nghe Văn Cao góp ý về Vũ Như Tô. Cho đến phút chót, cái tiếc nhất của ông Tưởng là không đẩy được Vũ Như Tô tới một độ hoàn hảo như ông mong ước. Càng quý ông Tưởng khi làm việc bao nhiêu, Văn Cao càng buồn thương khi vào bệnh viện thăm ông những ngày cuối cùng. Ông Tưởng có tâm quá. Vì có tâm mà những suy nghĩ, đớn đau làm khổ ông, làm cái khối u càng hoành hành ông dữ dội. Văn Cao cảm thấy chính mình cũng đang bị nhức nhói hệt như ông Tưởng khi nhìn ông nằm thiếp đi bên lọ hoa tươi thơm ngan ngát. Còn day dứt đâu đây trong Văn Cao. Trời ơi! Tại sao cùng là nghệ sĩ với nhau mà có lúc đã nhìn nhau, đã rìa rói nhau kinh sợ đến thế này: ?oVăn Cao là hạng có bàn tay bọc nhung như thế. Sự giả dối đã thành bản chất của Văn Cao, nên những cái lạc hậu, thoái hóa của Văn Cao cứ nghiễm nhiên mặc áo chân lý và tiến bộ. Cái giả dối đã thành máu thịt của Văn Cao, bóc trần ra, chỉ là một mớ bùng nhùng, bèo nhèo quan điểm nghệ thuật tư sản, tại sao nó không phát ngôn ra ngay từ thời Pháp thuộc mà Văn Cao để dành ấp úng mãi, vừa rồi đã mười mấy năm sau cách mạng, mới níu lấy thời cơ mà phất nó lên thành cờ, thổi nó ra thành kèn, hòng tập hợp văn nghệ sĩ sau lưng mình...
    Một đau nhói thực sự chảy rần rật trong người Văn Cao. Nghĩ thế, lại càng thương cảm ông Tưởng hơn. Đám tang của ông Tưởng không biết bao nhiêu là vòng hoa. Hoa của Đảng, hoa của Nhà nước, hoa của nhân dân, hoa của gia đình và bè bạn. Chỉ ít ngày sau khi ông Tưởng qua đời, Văn Cao đã không kìm sự im lặng cần thiết trong lúc này nữa. Bài thơ về ông Tưởng đã viết ra trong một cuốn sổ tay bằng chữ li ti. Và nó được cất giấy kín trong tủ. Cho đến hôm nay, Văn Cao vẫn không dám phủi bụi, dở ra xem lại.
    Những tiếng đàn nhỏ dần. Biển dường như đã thức trắng đêm. Gương mặt Văn Cao chợt đăm chiêu lại. Một nỗi gì xộc tới như dịu dâng cao sóng trùng. Văn Cao không duỗi được ngón tay ra nữa. hai tay ông nắm chặt hai nắm đấm. Cứ thế, ông đập xuống phím đàn. Những nghịch âm chói gắt hắt ra không gian. Căn nhà như có bão. Rồi không pảhi là nắm đấm nữa, mà cả khuỷu tay, cả cánh tay dồn bức trên hàng phím như điên dại. Màu đỏ đã rớm đầy những phím đàn trắng, đen.
    Chắc Nguyễn Sáng mới bán được tranh. Sáng bằng tuổi Văn Cao, dân Nam Bộ chính gốc nhưng lại ra Hà nội học Mỹ thuật Đông Dương. Đang học, Sáng đã lấy cô vợ người Đức không biết cách nào dạt về Hà nội. Cũng không biết do ai vận động. Sáng bỏ đi vẽ tiền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời. Lúc độc lập, Sáng về Hà nội tìm không thấy đâu. Thế là thành ra ?o mồ côi? vợ. Sáng là một trong tứ kiệt: Sáng - Nghiêm (tức Nguyễn Tư Ngiêm) - Liên ( tức Dương Bích Liên) - Phái (tức Bùi Xuân Phái) sau thời Nhất Trí (tức Nguyễn Gia Trí) - Nhì Lân ( tức Nguyễn Tường Lân) - Tam Vân (tức Tô Ngọc Vân) - Từ Cấn (tức Trần Văn Cẩn).Sáng như sinh ra để vẽ. Ban năng hội họa ở Sáng cực mạnh. Hồi Nhân văn, khi Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng đi Tây Bắc thì Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên và một số khác đi mỏ than Hồng Quảng, Sáng chơi với Văn Cao vì hợp tính, hợp thói uống rượu và quý tại Văn Cao, kể cả họa.
    Lâu nay, trong những ngày đầy nặng nề và nghèo túng, Văn Cao đã phải cặm cụi vẽ minh họa và bìa sách. Hội họa luôn là mối băn khoăn hơn hết trong ông. Nó không phải là do ông có chút kiến thức hội họa ở trường. Nó ở chỗ khác. Đó là chỗ mà mọi nghệ sĩ ở thế kỷ này luôn muốn bằng mọi tấm lưới bắt cho kỳ được cái đẹp luôn luôn khác thường, đổi mới. Nhưng trong hoàn cảnh thực hơi bi thảm này, chính là ?o cái khó ló cái khôn?. Nhờ một tri thức sâu sắc về hội họa, Văn Cao đã cùng Bùi Xuân Phái, Sĩ Ngọc và vài ba họa sĩ nữa đã tạo ra một thẩm mỹ mới cho minh họa và bìa sách. Nó có thể được coi là Văn, như gọi Nguyễn Tuân là Nguyễn. Văn chính là chữ ký hội họa của Văn Cao. Nhưng hình như còn là nhân cách của chính ông.
    Nguyễn Sáng đã ngà ngà. Một tay huơ huơ vào không khí. Sáng đang nói về một cô gái còn bé nhóc nào đó, còn của một ông mô - ni - tơ nào đó. Văn Cao nghe và thấy thu thú sự hồn nhiên của người bạn họa sĩ. Thì ra Sáng vừa đi với cô ấy, hình như cả mẹ cô ấy nữa lên Sa Pa. Và Sáng nhỏen cười khi tiết lộ với Văn Cao là có làm mấy câu thơ lục bát tặng cô ấy. Lúc Sáng lè nhè câu được câu chăng, thì Văn Cao cười phá lên. Thơ lục bát của Sáng đầy tính hội họa và chẳng hiệp vần cái quái gì cả. ừ mà sao lại cứ phải vần nhỉ. Có gì nhói lên từ sâu xa, nhức buốt lên trong Văn Cao. Phải rồi, đúng rồi, đúng là từ cuộc tranh luận ấy, cái cuộc đời thơ không cần vần ấy đã dẫn ông tới hôm nay, như thế này đây. Nhưng đấy, Sáng vẫn đang đọc đấy. Mà nghe vẫn thích, vẫn thấy cảm xúc. Lẽ nào lại do rượu đã ngà say.
    Sáng chợt lặng đi. Giọng Sáng trầm trầm trở lại, khi kể về chuyện cô gái bị đòn vì dám yêu bạn bố. Có gì thương cảm lạ trong cái giọng Nam bộ. Văn Cao nhận ra một sự thành thực trong suốt, ngỡ như có thể soi gương được.
    Đêm đã khuya, sau khi chuệnh choạng cùng Sáng dọc đường Sinh Từ, Văn Cao quay trở lại. Qua con đường tàu đầy than bụi, Văn Cao trở về một mình. Trong hơi rượu nồng nàn, Văn Cao cảm thấy như mình gần tìm được một cái gì mà đã từ lâu, mình không thể thấy được.
    Nguồn:
    Văn Cao - Người đi dọc biển, Nguyễn Thụy Kha
    HỒI ỨC NHẠC SỸ NGUYỄN VĂN TÍ VỀ VĂN CAO
    HỒI ỨC NHẠC SỸ TÔ VŨ VỀ VĂN CAO
    Được tuan_ngoc_pham sửa chữa / chuyển vào 22:13 ngày 15/03/2007
  8. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Những trăng trắng
    Được thì thân thích chen chân đến
    Thất thế hương lư ngoảnh mặt ơi ...

    Nguyễn Bình Khiêm
    Những năm tháng sao dài dằng đẳng. Những cô đơn vậy quanh trùng trùng. Có lúc một mình dạo giữa rừng không sợ hổ. Có lúc ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt. Có lúc nước mắt không thể chảy ra được, Văn Cao nghĩ đến một bài thơ đã lâu khi vừa tỉnh giấc. ở một mình trong căn nhà rộng thênh dễ buồn thật. Đôi khi nghĩ chết thật dễ hơn sống. Mình không sợ chết nhưng cái quan trọng là phải sống. Sống để một lúc nào đó thấy mình hoàn toàn không có một sự mảy may gì gọi là tội lỗi, sai lầm. Cái sai lầm nhất của mình, là mình không chịu là mình đã sai lầm. Sự chán nản đang muốn gặm nhấm toàn bộ ý chí mình. Không được Vẫn phải vừa làm việc để sống, để tồn tại. Và làm việc vì những gì mình hằng mơ ước, vì cái đẹp.
    Văn Cao lần giở đống sổ tay phủ bụi của mình. Ông đang nghĩ đến một tập thơ của những ngày này. Những tập sổ tay như những khối nung nấu nỗi niềm riêng của ông. Những tập sổ tay như những khối nung nấu nỗi niềm riêng của ông. Những tập sổ tay khi mở ra bỗng thấy hắt lên những khoảng sáng từ dằn vặt, đắng cay, đớn đau giữa sai đúng, tốt xấu, thật giả, trung thực và phản bội.
    Văn Cao chợt giật mình dừng lại một trang số. Làm sao ngờ được trong những ngày tưởng không sống nổi, mình lại viết được những dòng thơ như thế này. Lúc đó hình như trong nỗi niềm của riêng mình, Văn Cao còn trăn trở về thế giới nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân. Cũng là một ngũ hành, nhưng đường tuần hoàn của bạch cầu, của máu trắng. ở hành tinhnày, bao điều quái gở, bao điều bẩn thỉu, giả dối của con người bị phơi bày ra lẫn cùng khát vọng không bao giờ đạt được. Không phải là ?o nước thấm xuống, lửa bốc lên - Mộc uốn khúc để chính trực - Kim vâng theo để biến cải - Thổ ở chỗ gieo gặt? mà là: ?o Cô đơn thấm xuống - Im lặng bốc lên - Con người lẫn lộn giữa thật giả. Nếu như cái dòng máu trắng này cứ luân chuyển từ vô vọng đến dối lừa, rồi đến cô đơn, rồi đến lẫn lộn, rồi đến im lặng. Và lại quay về vô vọng thì thế giới này khủng khiếp quá. Cả quả đất mắc bệnh bạch cầu thì thật ghê rợn. Những câu thơ đọc lên cứ hẫng hụt, cứ nghèn nghẹn, thấm thía luôn.
    1
    Ngủ dậy một sáng
    Cả phố biến đâu mất
    Không một bóng người
    Im lặng hồ nước sâu thăm thảm
    Mặt đất đó màu gạch nung
    Như miệng quá núi lửa
    Anh đi tìm em
    Tìm dấu vết những con đường
    Chúng ta thường đi lại
    Giữa mênh mông tôi gọi tên em mãi mãi
    Thế kỷ chúng ta đứng lại nơi đây.
    Em ở đâu?
    Thế kỷ chúng ta còn đang tiếp tục.
    Trên trái đất này
    Hàng ngày đứng lại nơi đây
    Tôi gọi em mãi mãi.
    2
    Buổi sáng nay không nghe tiếng chim hót
    Một buổi sáng không thực
    Tôi bước đi không thấy tiếng chân đi
    Cả thành phố cùng tôi im lặng
    Tất cả những con người
    Chi thấy mắt đen láy
    Cả tiếng xe không thành tiếng
    Tại sao? Tại sao?
    Không ai nhìn miệng tôi gào thét không ra tiếng
    Trong kinh hoàng tôi chạy trên đất
    Một mình
    Giữa thành phố mọi người im lặng
    Tại sao? Tại sao? Không tiếng nói
    Không tiếng động, không sự sống
    Tại sao thành phố sa mạc
    Không nghe gió thổi
    Những hình người như bị đẩy
    Qua nhanh.
    Hình như nơi đây
    Bị đày trong im lặng
    3
    Buổi sáng nay không phải mình thức dậy
    Một người nào trong tôi đang thở.
    Trước mặt tôi
    Buồng nửa đêm nửa ngày len lỏi
    Nửa phố mờ trăng nửa phố mặt trời
    Từ khi ấy chúng tôi, hai người suy nghĩ
    Hai kẻ thù nhau
    Hai thái cực tâm hồn
    Hai người ấy trong một con người chịu đựng
    Mưu hại lẫn nhau
    Không biết ngày đêm, không biết giả thật
    Từ phút ấy, tôi không còn thật nữa.
    4
    Buổi sáng nay cả phố như mở hội
    Mọi con người đeo mặt nạ đi chơi
    Những bước chân nhảy múa
    Vui lên cành non
    Lá bàng trên phố xanh màu ngọc
    Xuân tháng hai
    Cửa hàng rượu bên đường
    Tơ lụa pha len, hoa giấy ni - lông
    Những mặt nạ gặp nhau chào hỏi
    Những em bé búp bê mùa xuân
    Hồng hào da thịt
    Ngồi đập nút chai làm tiền bạc chơi xuân
    Mở tròn mắt nhìn kinh ngạc
    Họ vui làm sao
    Ô kìa
    Nước mắt mồ hôi
    Sao chảy ra trên từng mặt nạ
    Từng con người
    Vội vàng lau mồ hôi và nước mắt
    Trên những mặt nạ giấy bồi
    5
    Những cánh cửa đều khóa chặt
    Trong gian phòng trong suốt thủy tinh
    Em ở đây với anh
    Cho bớt lạnh sáng mùa xuân náo níu
    Da thịt em cho anh sưởi
    Hơi ấm mình con chim khuyên
    Trong lòng bàn tay
    Run rẩy
    Giữa hai cành non
    Nghe nhựa mùa xuân
    Những nụ hồng mới nở.
    Và mật vừa thơm và ong đã tới
    Chúng ta đi vào bí mật của mùa xuân
    Ngày đầu tiên của em trên biển

    Những trang sổ ở các quyển sổ khác nhau mở toang đầy bàn. Dường như Văn Cao đã tìm được tư tưởng chính, xuyên suốt cho tập thơ của mình. Ông lật lật, chép chép. Và tập bản thảo thơ Những trăng trắng đã được làm xong giữa nỗi cô đơn.
    Nguồn
    Văn Cao - Người đi dọc biển, Nguyễn Thụy Kha

  9. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Có Lúc
    Văn Cao
    Có lúc
    một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ
    có lúc
    ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
    có lúc
    nước mắt không thể chảy ra ngoài được
    1-1963
  10. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    VĂN CAO - MỘT NGHỆ SĨ TÀI HOA
    VŨ BẰNG​
    Phải rồi, cứ ăn ngay nói thẳng là hơn. Nói đến Văn Cao, ai cũng nhận là anh duyên dáng, quyến rũ người nghe chuyện từ buổi đầu gặp gỡ, và có những cử chỉ mã thượng để làm cho các cô gái mến yêu nhe người ta đã yêu mến brn nhạc Thiên thai, Bến xuân, Suối mơ của anh lúc mới tung ra đời, cũng như bây giờ người ta vẫn còn say mê khi nghe thấy ti vi hay rađiô hát những bài đó ?o mà người ta xếp vào loại nhạc tiền chiến?.
    Nhạc tiền chiến, cũng như văn tiền chiến có một lúc bị người ta ?o ghét muón đào đất đổ đi?. Không hiểu ?o một biến cố mới gì của tư tưởng?, hay một ?o tréo cẳng ngỗng mới nào của trào lưu? lại xui khiến cho người ta có cảm tình với cái thứ nhạc, thơ và văn trẻ. Các lãnh đạo tiến bộ muốn đưa cái thơ, văn nhạc trẻ ấy lên, đã có một lúc cấm, nhưng không cấm hẳn thơ nhạc của những thơ văn, nhạc ấy không ở phía chúng ta! Tại vì cái lối chính trị xưa nay vẫn buộc người ta phải thế: bất cứ cái gì của địch cũng dở hết; không thèm dùng. Có lẽ đó cũng là một quan niệm rất hay, rất đúng, nhưng hiềm một nỗi là trong khi các nhà lãnh đạo văn hóa nước ta cấm thơ văn và nhạc tiền chiến như thế thì hàng ngày, các cụ, các quan, các ông các bà cao cấp cứ động thở ra lời nào là sặc mùi kháng chiến, cho rằng có dùng nhiều danh từ kháng chiến mới oai, thậm chí đến bản kêu là quốc ca vẫn cứ dùng đến một bản cũ của một anh kháng chiến!
    Trong khi đó, văn kỳ thanh có lẻ lại ?o bơm? rằng không nên nói đến các nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ của thời gian tiền chiến! Tôi nhận rằng nếu nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc tiền chiến nào đó viết ra những tác phẩm có tính chất C. sản, đề cao CNghĩa Mac- Lê, mà cấm nói đến, cấm trích đăng, cấm phê bình thì không ai nói vào đâu được. Nhưng văn sĩ tiền chiến kêu là thứ ?ovô hại? mà cũng cấm nữa thị thực ? ?o quá trời?.
    Không biết có phải vì các nhà lãnh đạo văn hóa sáng suốt của hôm nay nhận thức như thế hay không mà nhạc tiền chiến lại được đưa ra in bán, sách báo lại được nói đến văn nhân thi sĩ tiền chiến - trớ trêu thay, trong số đó lại có người được liệt vào chương trình giáo khoa trung học và cao đẳng! Và đài phát thanh và ti vi lại hát lại những bài tiền chiến. Âu cũng là một điềm đáng cho người ta suy nghĩ và đỡ buồn một chút là vì trước đây, trong khi các thứ đó bị cấm đoán thì người dân ham học, ham đọc cảm thấy các nhà văn tiền chiến không còn phải là người Việt nam nữa và các nhà thơ thơ ấy ấy mặc dầu đã góp phần công trình vào văn học sử Việt nam cũng bị coi như là nước lã ra sông.
    Sở dĩ tôi hơi dài dòng như thế là vì từ khi nhạc tiền chiến được người ta cho phép ?o sống lại?, đa số bạn hữu cho hay rằng người nghe nhạc - đừng nói đến lớp trẻ thích nhạc trẻ, nhạc kích động, nhạc sun (soul) - người nghe nhạc ?o tầm thường? vẫn còn cứ thích những bài như Gánh lúa về, Nương chiều, Suối mơ, Hòn vọng phu, Buồn tàn thu?
    Chính vì lẽ đó, các nhạc sĩ tiền chiến lại được ?o đặt thành vấn đề? và nhạc sĩ được lưu ý nhất là Văn Cao, Đỗ Nhuận, Văn Chung? và cũng vì thế một vài tờ báo ở đây nhận xét Văn Cao duyên dáng, mã thượng và đáng yêu ?o không chỗ nói?.
    Muốn cho thực thành thật với lòng mình, với bạn đọc, tôi phải nói ngay rằng riêng tôi không có cảm tình nhiều với Văn Cao. Rất có thể đối với người khác, Văn Cao mã thượng, duyên dáng và đáng yêu thật. Nhưng theo tôi thì bạn bè giao du với nhau một phần lớn là vì cái duyên. Nói cho có trẻ một chút ta gọi nó là nhận điện, cái điện của người này hợp với người kia thì thân yêu, nhường nhịn nhau, còn nếu hai cái điẹn ấy không hợp nhau thì lạnh lẽo, lơ là, ghét bỏ. ?o Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng? là vì thế hay chăng?
    Đối với Văn Cao, hìnhnhư hai cái điện của chúng tôi không hợp nhau mấy chút. Bảo là thất cảm tình không đúng, nhưng bảo là có cảm tình là nói ?o bố vờ?. Ngay lần đầu gặp Văn Cao, tôi đã dửng dưng với anh rồi. Tôi không nhớ đó là năm nào, tháng nào, nhưng đó là buổi sáng mùa thu, trời đất xám một màu bạc rỉ. ở một tiệm ăn ở Hàng Buồm ra, tối hôm trước chúng tôi gặp haianh láng cháng đi lại phía trước chúng tôi. Trần Huyền Trân và Ngọc Giao giới thiệu tôi một anh Văn Cao và một anh là Lam Sơn. Trò chuyện mấy câu, Văn Cao hứa sẽ lại chơi ?o tán chuyện? với chúng tôi ở 73 phố Hàng Bông tức là trụ sở mấy tờ báo Tiểu thuyết thứ bẩy, ích hữu, phổ thông bán nguyệt san, truyền bá.
    Do đó, có cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Văn Cao và tôi vào buổi sáng nói trên kia. Thực ra, tỗi vẫn nghe thấy các văn hữu nói đến tên anh: thêm nữa tôi cũng đã từng chọn một số thơ của anh đăng lên Tiểu thuyết thứ bảy, nhưng thơ của Văn Cao cũng có một vài truyện ngắn và kịch ngắn nữa nhưng cũng như thơ, cách kết cấu lối diễn đạt cũng như thuật trình bày ý tưởng không có gì đặc biệt.
    Lâu ngày, tôi không nhớ, nhưng hình như Văn Cao có nói về việc viết một phóng sự tả về đời sống công nhân các nhà máy ở Hải Phòng. Tôi ngỏ ý tiếc vì tiểu thuyết thứ bảy không đăng phóng sự mà có đăng phóng sự chăng nữa thì cũng không đăng những cái gì đen tối, nặng nề quá vì tiểu thuyết thứ bảy là một tờ báo đẹp chuyên về tiểu thuyết, thơ, kịch để cho đàn bà con gái đọc. Câu chuyện quanh đi quẩn lại có thể. Uống nước và hút thuốc lá gẫu với nhau. Lần ấy, tôi được nhìn mặt mũi và dáng điệu Văn Cao - Văn Cao trẻ tuổi, Văn Cao mười tám, đôi mươi - rất kỹ .
    Anh bé nhỏ, ốm như Thâm Tâm mà cũng cao hơn Thâm Tâm một chút, da hơi tai tái. Tóc anh xòa xuống trán như một cái lưỡi trai, bơ phờ rũ xuống gần đến cặp lông mày hơi rậm, mũi cao, tiếng nói rụt rè và nhỏ. Cổ hầu và mắ cũng hơi lộ nữa. Bây giờ ngồi nhớ lại buổi đầu trò chuyện ấy, tôi thấy Văn Cao không có một cái gì nổi bật, cho nên sauđó tôi cũng quên đi? Cho tới một ngày kia, lúc Nhật đổ bộ vào Đông Dương, tôi mới lại nghe nói đến Văn Cao hai lần nữa. Đó là lần Nghiêm Xuân Huyến báo tin cho tôi biết con gái anh ấy sắp lấy chồng mà người chồng đó là Văn Cao và một lần sau khi ********* át cô Nga giao du với một sĩ quan Nhật bị bắn chết liền, ở Hải Phòng lại xẩy ra vụ bắn Đỗ Đức Phin mà lúc đó ai cũng bảo người bắn là Văn Cao.
    Nghiêm Xuân Huyến, sước hiệu là Voi đen (vì anh ta to như một con voi mà lại đen nhay nháy) nguyên là chủ tiệm chụp hình Artistic photo ở Hàng Đàn. tiệm này chia làm hai gian, một gian làm hình, một gian làm đồ gỗ như bàn, tủ ghế, bình phong? Tôi đi lại thường xuyên ở nhà Voi đen vì anh có ra một tờ tuần thường xuyên ở nhà Voi đen vì anh có ra một tờ tuần báo mười hai trang - tờ Rạng đông. Saunày, lúc tôi làm ?ovịt đực? đêm nào anh cũng lại nà báo nói phét và sau đó một thời gian, anh ra tờ tuần báo trào phúng tênlà Con ong do Tam Lang Vũ Đình Chí chủ biên, còn trợ bút thì có Thượng Sĩ Nguyễn Đức Long, Việt Quyên, Trần Văn Lượng, Côn Sinh Đỗ Mộng Ngọc, Nguyễn Quốc án, Nguyễn Đình Lạp? Xa nhau được ít lâu, tôi nghe thấy Nghiêm Xuân Huyến bị Nhật bắt và ?o xin âm dương? cho đến chết ở nhà lao. Anh em hồi đó bảo rằng anh bị Nhật giết vì nhà in ủa anh in truyền đơn cho *********. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu cái vụ Nhật bắt và đánh đập tàn ác Huyến cho đến chết có liên quan gì đến vụ con gái Huyến lấy Văn Cao hay không, hay là Văn Cao có dính líu gì đến việc in truyền đơn đó hay không - nếu quả có in truyền đơn tại nhà in của Huyến - chỉ biết sau đó Văn Cao im lìm, không ai biết hành tung ra sao hế cho đến lúc xảy ra vụ ám sát Đỗ Đức Phin trong một tiệm hút ở Hải Phòng.
    Ngay sau đó vài ngày, ai cũng nói Văn Cao là người bắn chết Phin. Theo lời thuật của các anh em ?o tự nhanạ là biết rõ đầu đuôi chi tiết vụ này?, Văn Cao lúc đó đã hoạt động bí mật cho ********* vào tiệm hút của Phin từ lâu và đã nghiên cứu rất kỹ càng giờ giấc và thói quen của Phin như thế nào. Lúc ấy xảy ra vụ ám sát, Văn Cao nằm một cái giường ngay sát giường của Phin. Đợi Phin hút xong xuôi rồi, nằm lơ mơ, Văn Cao gọi: Phin ơi! phin quay lại xem có gì xảy ra thì Văn Cao nói tiếp: Phin ơi, tao giết mày. bắn xong Văn Cao đứng dậy đi ra, nhảy lên một chiếc xe đạp đi thong thả một chút rồi ở trong tiệm người ta mới hô hoán Phin bị bắn.
    Một vài người khác, cũng là dân hút và cũng ở Hải phòng lúc đó lại nói khác đi một chút. Theo họ, Văn Cao không nằm hút ở giường cạnh Phin. Người nằm ở sau Phin là tên L, con một ông thư ký bưu điện. Phin hút xong, ngồi dậy ăn cái bánh xong nằm hút thì từ cầu thang Văn Cao và một thanh niên nữa bước lên đứng chắn lối. L đương nằm ngồi dậy chuẩn bị, đồng thời từ trên mái nhà có hai người nữa leo ống máng xuống đứng dự kiến và phòng ngừa những bất trắc sảy ra. Văn Cao rút túi lấy bản ?o cáo trạng? đọc cho Phin nghe, kể hết tội ?o Việt gian? của Phin. Xong xuôi, L ? bắn hai phát, Phin chết liền tại chỗ.
    Về cái chết của Phin, ngay hồi đó có hai giả thuyết như vậy về Văn Cao. Tuy nhiên, dù L... bắn hay Văn Cao bắn, ai cũng yên trí là Văn Cao đã thủ vai chính trong vụ này. Cái tên Văn Cao nổi bật lên từ hồi đó. Đối với các anh em văn nghệ, và có một số anh em nói cho đúng, đã lấy làm hãnh diện về điểm đó.
    Sau ngày 19/8 tiếng của Văn Cao nổi như cồn. Đúng như thế, một số anh em lấy làm hãnh diện về điểm đó không phải vì Văn Cao tham gia phong trào diệt phát xít, chống Pháp thực dân (vì bọn văn nghệ sĩ, nhất là nhóm Tiểu thuyết thứ bảy hoạt động bí mật, tham gia phong trào rất đông và điều đó không có gì lạ hết) nhưng chính là vì lúc ấy anh em chưa mấy người thạo bắn mà có anh bắn hay như thế, ít ra cũng làm đẹp mặt cho bọn văn nghệ sĩ (lúc ấy vẫn còn mang lấy cái tiếng là chơi bời, nghiện hút, chói gà không chặt).
    Sau đó im bặt, không ai nói đến Văn Cao nữa. Kẻ trước người sau, các văn nghệ sĩ đi dần dần ra chiến khu chiến đấu gian khổ cho đến ô 19.8 là ngày khởi nghĩa" cả nước vùng lên mở hội, từ thôn quê đến thành thị, từ ngõ hẻm đến hàng cùng, cuồn cuộn những làn sóng gớm ghê, đâu đâu cũng vang âm những tiếng hát Tiến quân ca và Diệt phát xít.
    Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi được hoan nghênh vào bậc nhì, chớ đến bài Tiến Quân ca của Văn Cao thì có thể nói là vô địch. Suốt ngày suốt đêm từ ông già đến đứa trẻ tập tọng biết nói, hết thẩy đều hát " Đoàn quân vn đi chung lòng cứu quốc" chỉ trong một ngày, danh tiếng của Văn Cao nổi lên như cồn. Nhà thi sĩ bé nhỏ ấy, từng bắn chết Việt gian Đỗ Đức Phin, bây giờ lại thành ra một nhạc sĩ chỉ mới đưa ra sơ sơ có một bản nhạc thôi mà đã làm cho cả Âu á đều biết tiếng.
    Thực ra, bản quốc ca Tiến quân ca của Văn Cao không phải là bản nhạc đầu tiên của anh. Trước đó anh đã từng soạn nhiều bản nhạc lúc còn làm anh thì si lang thang trên vỉa hè ở thành phố Hải phòng. Nhân bài Tiến quân ca, những nhạc phẩm ấy cũng lên theo ; trai gái già trẻ đâu đâu cũng hát Trương Chi, Thiên thai, Suối mơ, Bến Xuân, lời đã nên thơ mà nét nhạc lại mềm mại, uyển chuyển, đúng với tinh thần chuộng đẹp của người Việt nam muôn thủa ? Đài phát thanh lúc ấy hát các bản nhạc của Văn Cao suốt ngày, nghe cách mấy cũng không chán. ở ngoài đường ở trong nhà, ai cũng hát những bản nhạc " thần diệu của Văn Cao" . Trong các bản đó có hai bản ghi là cộng tác với Phạm Duy : Bến xuân và Suối mơ. Nhưng ngôi sao của Văn Cao lúc ấy sáng chói quá làm mờ hẳn Phạm Duy đi. Thực ra theo chỗ biết của tôi, Phạm Duy nói rằng cộng tác với Văn Cao, chớ thực ra hai bài ấy đều do Văn Cao tạo nên cả, Phạm Duy chỉ góp thêm ý kiến lúc đã soạn xong và đem hai bản ấy ra hát và phổ biến ; và cái cổng Phạm Duy đối với Văn Cao và phổ biến ; và cái công của Phạm Duy đối với Văn Cao là khéo biết trình diễn quảng bá để tạo ra một ảnh hưởng rộng rãi và tốt đẹp.
    Về sau này, bình phẩm nhạc của Văn Cao, nhiều nhà chuyên môn nhận rằng anh còn vài điểm kém về nhạc lý, nhạc điệu ( sau này Văn Cao có học thêm nhạc lý ở lớp nhạc Tạ Phước, chớ lúc đầu anh soạn nhạc là do anh tự học và bắt chước ngoại quốc) nhưng dù sao hết thẩy đều phải nhận anh là một người đa tài không học mà cái gì cũng biết, thêm một điểm nữa là có sáng kiến dám làm là thành công ngay. Thế là sau văn thơ, sau tài bắn, Văn Cao không nhờ trường nào huấn luyện, không nhờ thầy nào giáo huấn lại nổi tiếng lẫm liệt nữa về môn nhạc.
    Nhưng chưa hết. Nếu theo các vụ ta ngày trước, một người tài hoa là một người phải biết đủ cầm kỳ, thi họa thì ngày nay Văn Cao quả là một người tài hoa có một. Đến lúc Văn Cao nổi tiếng về nhạc và vụ ám sát Đỗ Đức Phin, người ta mới giở lại những bài thơ anh đăng tải trên tiểu thuyết thứ bảy và một hai tờ báo khác, và đến lúc ấy người ta mới thấy Văn Cao cũng hay như nhạc của anh. Chẳng qua chỉ vì Văn Cao không qua niệm cái gì là quan trọng, không kéo bè kéo đ.ảng để đưa nhau lên, suy tôn nhau là thi hào lớn, văn sĩ lớn nên lúc bước vào làng văn nghệ anh không được quảng cáo nhiều, do đó thơ anh bị chìm. Nhưng văn hay, thơ hay cũng như người đẹp; dù giặt lụa nơi thâm sơn cùng cốc hay sống nghèo nàn ở rừng núi thâm u, mà đẹp nghiêng nước nghiêng thành thì cũng có sứ thần của nhà vua đến triệu về để làm mẫu nghi thiên hạ; trái lại, vô tài vô sắc mà cố đút tiền cho kẻ gian thần, quảng cáo vào lỗ tai của nhà vua thì chẳng ai ngôn tới. Thơ Văn Cao cũng như nhạc, sau thời cách mạng, được người ta đưa ra mổ xẻ, ca ngợi ầm lên, Văn Cao thành ra một thứ sản phẩm trác tuyệt của những năm bốn mươi. Tuy nhiên cái tài hoa của anh phát động trong mấy lãnh vực đó, hình như vẫn bị anh cho là chưa đủ.
    Uống rượu, phải uống cho hết cấn: Văn Cao còn đánh đàn, còn ngâm thơ, còn ca hát. Ba môn này Văn Cao hơi chỉ thường thôi, nhưng về môn họa thì Văn Cao tỏ ra một cái tài cũng đặc biệt lắm trong môn phát lập thể. Về điểm này, tôi là một anh mù, nhưng theo các họa sĩ lớp ấy như Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Tạ Tỵ, Nguyễn Đổ Cung thì Văn Cao, tuy chỉ học có hai năm ở trường Mỹ thuật Hà nội, với tư cách thính giả tự do, nhưng đã tỏ ra có một tài họa kỳ lạ, khó tả, hứa hẹn rất nhiều. Mấy bức họa mà anh trưng bày trong ?o cuộc triển lãm độc nhất? (Salon unique) hồi 1943 bây giờ vẫn còn được anh em nói tới, nhất là bức họa Cuộc vũ của những người tự sát.
    Riêng tôi, không dám phê bình gì cả. Chỉ biết rằng trong thời kháng chiến, có một lần gặp anh cùng đi với Nguyễn Hữu Đang đem tiền về chỉ dừng ở khu ba, anh có cho tôi một bức vẽ Văn Cao vẽ Văn Cao . Thật kỳ lạ.
    Hoàn cảnh lịch sử không thuận lợi là một yếu tố hạn chế Văn Cao. Sự thành công sớm quá cũng làm cho Văn Cao bất lợi. Cái nghèo túng là yếu tố thứ ba làm cho Văn Cao không vượt lên được. Một người như anh mà có hoàn cảnh thuận lợi, có tư cách để học hỏi thêm, để trau dồi thêm cái tài trời cho để áp dụng cái thông minh vào các ngành văn nghệ, thì sự hứa hẹn còn to lớn không biết bao nhiêu, chớ đâu chỉ có quy vào có mấy tác phẩm như Trường ca sông Lô, Ngày mùa?
    Đó là một sự thiệt thòi cho văn nghệ nước ta? Nhưng biết làm sao được? Cái đẹp nhiều khi nó nở lộng lẫy như hoa hồng chỉ một buổi sáng rồi tàn như thế đấy: nhưng hãy thận trọng mà nghe, hỡi những người yêu hoa vì có những loài kỳ lạ lắm, nhiều khi chỉ tiết ra một mùi kỳ ảo mê ly hết sức.
    Phải rồi?. Biết đâu đấy ạ, Văn Cao!
    Sài gòn 1970
    Được Tuan_Ngoc_Pham sửa chữa / chuyển vào 19:18 ngày 16/03/2008

Chia sẻ trang này