1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Văn Cao - Giấc mơ một đời người. Bài mới: Văn Cao - Một tinh cầu giá lạnh

Chủ đề trong 'Bắc Âu' bởi boxwehn, 27/09/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    CỐ NHÂN
    Nhiều khách xuân xanh trường phú quý
    Mấy ai đầu bạc hội kỳ anh?

    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    Cuộc ruợu không nặng nề nhưng trầm lắng. Mùa xuân Giáp Dần 1974 sao nhiều mưa phùn. Lại một năm thuỷ. Có lẽ từ sau tết, hôm nay Lê Đại Thanh mới lên Hà Nội. Lê Đại Thanh hơn Văn Cao ngót hai mươi tuổi, còn Lan Sơn thì cũng hơn chừng mười tuổi. Khi ông đốc học Lê Đại Thanh và nhà báo Lan Sơn đã có tiếng trong làng thơ mới thì cậu bé Văn Cao mới cắp sách tới trường. Nhưng chính hai ông khi đọc những bài thơ đầu tiên của Văn Cao đã đi tìm Văn Cao giữa thành phố của biển đầy bụi bặm. Hôm nay đúng là duyên kỳ ngộ. Vẫn là ba con người ấy, ba thi sĩ của một thời trẻ trung. Chỉ có bây giờ thì già đi, nghèo đi. Và hèn đi.
    Có tiếng đẩy cửa sắt. Tiếng cót két khô khan hệt như sự hoen rỉ trong tâm hồn. Căn nhà hẹp của Lan Sơn ở phố Ngô Thì Nhậm này chợt mập mờ tia sáng. Có bóng người bước vào. Thì ra là thằng con trai Lan Sơn ôm về thêm một chai nữa. Văn Cao mở nút, rót đầy ba chén. Một tiếng ?ocách? gọn lỏn. Văn Cao ngồi hơi cúi đầu, xếp chân bằng tròn và hai tay đan xen dưới cằm. Giọng Văn Cao bỗng bay ra. Một bài thơ làm chảy nước mắt. Lan Sơn ngẩng lên, đưa tay vuốt mặt. Còn Lê Đại Thanh thì cười lên chua chát. Hình như đó là tâm sự của cả ba người. Những chén rượu lại được nâng lên. Lại tiếng va chạm của đồ sứ lạnh đục. Văn Cao rùng mình. Cuối xuân rồi mà trời còn lạnh giá. Cái lạnh giá báo hiệu một mùa hè gay gắt. Văn Cao nghĩ đến bệnh tình. Cả Lan Sơn nữa.
    Những tin tức văn nghệ gần đây báo hiệu thêm một nặng nề mới. Tập thơ Cửa mở của Việt Phương như đóng thêm một mốc cắm sau Những người trên cửa biển của Văn Cao sau 15 năm truân chuyên, chìm nổi của dòng văn nghệ áp sát sự thật khắc nghiệt của đời sống, của cơ chế. Nhưng đây là chuyện mấy cậu làm thơ còn trẻ. Hình như người ta đang tính tới việc phải đề phòng một vụ ?oNhân văn giai phẩm? mới thì phải. Nghe đâu có cậu làm thơ về cái khăn tăng chiến tranh nhìn như cái vòng trắng. Rồi có cậu lại làm thơ về nhà thơ với người ăn mày. Một cậu thương binh nào đó vô phúc lại viết cái truyện mang tên Cây táo ông Lành. Chẳng biết nó có ám chỉ gì không nhưng chắc chắn cậu ấy cũng nhận đủ. Vì sao lại có thể ngây thơ lấy cái tên ấy đặt cho truyện của mình.
    Cả ba người thì thầm. Cả ba cùng cười một giọng cười nghèn nghẹn. Không biết đến bao giờ văn nghệ mới được thoải mái, mới không bị quy chụp nặng nề. Không biết có thể hy vọng gì ở những người đang một sống, hai chết ở chiến trường miền Nam khốc liệt. Mắt Lan Sơn bỗng vời xa. Còn Văn Cao thì thốt lên câu hỏi. Không biết đến ngày nào mới thống nhất? Không biết ai trong số ba người này còn sống tới ngày vui đó? Cứ ngồi nhìn nhau mà thương nhau. Đúng là tuổi già xồng xộc đến?
    Lê Đại Thanh cao hứng lè nhè Trương Chi: ?oNgồi đây ta gõ ván thuyền. Ta ca trái đất còn riêng ta?. Văn Cao để ngón tay lên môi ý nhắc khe khẽ. Con chim đã từng bị tên, luôn luôn sợ ở đâu đó có một cánh cung đang giương lên, đang chĩa về phía mình.
    Rồi cũng đến lúc tàn cuộc. Ba người dùng dằng trước cánh cửa sắt. Nửa muốn rời nhau ra, rồi mỗi người một ngả cô đơn, nửa muốn ngồi thêm chút nữa. Biết đâu, đây là lần cuối của ai gặp lại những cố nhân của thuở xa xưa yêu dấu.
    Hôm nay tự nhiên thấy trong người khỏe một chút, ý định đi ra đường khẽ giục. Văn Cao gắng chọn một lối ít người qua lại. Ông men theo hồ Thiền Quang lúc nào không hay. Lúc này, nó đúng là Thiền Quang chứ không phải Ha-le, Ha-liếc gì cả. Mặt hồ lặng phắc. Nắng ban sớm lấp loáng trên gương nước, chập chờn như những đốm lửa bay nhảy. Ông chợt ngẩng lên. Ồ!Có một cành phượng vĩ đã nhúc nhắc xòe ra vài bông đỏ. Không biết vào hè đã được bao lâu, nhưng chưa nóng lắm. Những bóng râm từ các bóng cây thả xuống đất một vùng thoáng đãng. Văn Cao cứ muốn tìm vào một gốc cây, ngồi im lặng dưới đó mà thôi miên mặt hồ cho dừng lại một dĩ vãng mà ông đang gắng nhớ. Song dừng lại trước mặt ông là một căn nhà dáng cổ cũ kỹ. Trước cửa nhà là một bụi tre đằng ngà vàng óng. Nhà họa sĩ Nam Sơn im ắng như một tinh cầu xa lạ. Văn Cao thoáng rưng rưng. Bậc quốc họa này cỡ bậc thầy của nền hội họa hiện đại Việt Nam. Ông ấy đã có một thời gắng dốc hết sức mình cho một nền nghệ thuật Việt chân chính và thuần khiết. Và trong nhiều năm gần đây, bậc quốc họa sống vô cùng kham khổ trong quên lãng. Văn Cao nhớ từng góc nhà tối ẩm, từng bậc thang lên chênh vênh. Những bức tranh phủ bụi thời gian. Ông Nam Sơn đã đi ra khỏi cõi đời trong cơn đói, trong lòng còn ngổn ngang tâm tư. Văn Cao nghĩ đến phận mình. Ông chưa già nhưng bệnh tình cũng chẳng đáng lạc quan. Cái lớn hơn là lòng chán nản, tù đọng. Sao không còn cách gì vượt lên như hồi đầu trai tráng? Văn Cao cứ đứng bên cây sữa, hết nhìn căn nhà họa sĩ lại nhìn hồ nước thiên nhiên. Có gì giống nhau giữa hai sự lặng im ẩn giấu đầy bí mật kia?
    Văn Cao không ngờ ở một góc khác bên hồ, Lan Sơn cũng đang ngồi trầm tư. Bây giờ thì Lan Sơn đang đi tới ông. Văn Cao đứng nhìn người bạn già đang tiến lại gần mình trong cái dáng mảnh khảnh, hơi run rẩy, thấy trào lên trong lòng một cái gì đăng đắng. Hai người bạn nhìn nhau, như chẳng cần nói thêm gì nữa. Họ đi bên nhau im lặng.
    Lan Sơn chợt kéo tay Văn Cao. Trước mặt hai người đã là quán Tiên Điền. Ông chủ quán vuốt râu mỉm cười. Lại hai ông khách quen. Cuốn sổ nhàu nát ghi tiền nợ rượu của khách bỗng rơi xuống đất.
    Lan Sơn đã về trước. Còn lại mình Văn Cao với chén rượu. Lan Sơn đã sống một cuộc đời thi sĩ nhiều thua thiệt. Ngay từ năm 1934, tập thơ Anh và em của ông do Nguyễn Văn Dzinh xuất bản đã làm xôn xao Hải Phòng. Tập thơ với bề dày 100 trang, in 500 cuốn ở nhà in Cao Văn Hữu gồm khoảng 30 bài với bìa ngoài đề ?oThơ mới?, với bài tựa của ông Nguyễn Tiến Lăng - một bậc đàn anh nâng đỡ thơ mới - thật nặng cân. Và Lan Sơn đã bước vào vị trí các thi nhân Việt Nam trong tập sách của Hoài Thanh, ông được giới thiệu sau Thế Lữ và Vũ Đình Liên.
    Lan Sơn còn ở lại họat động ở Hải Phòng đến ngày cướp chính quyền, và ông đã có mặt trong những người lãnh đạo đầu tiên của thành phố dưới chính quyền non trẻ. Hình như tấm hình chụp Lan Sơn và những người đó còn nằm trong khung kính của nhà bào tàng Hải Phòng. Rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Những ngày ấy, giọng thơ Lan Sơn đổi hẳn cùng cuộc đổi đời. Văn Cao còn nhớ những câu thơ về Hải Phòng: ?~Dòng sông thắt lại niềm căm giận - Dãy núi trào lên nỗi nhớ mong?T.
    Thế những cuộc đời éo le, dồn dập. Khi hòa bình, Lan Sơn lại trở về Hà Nội ở vị trí một nhà giáo ẩn dật, dường như không tên tuổi. Những cái gì hồ hởi, phấn khởi của ban đầu đã mất dần, mất dần. Sự ngột ngạt của bon chen, của một không khí thiếu dân chủ cứ căng thẳng ngày một nhiều. Cho đến một hôm nay đây, Lan Sơn vẫn trong cảnh túng quẫn đến cực độ của một nhà giáo thanh khiết đã già mà không cách gì tìm ra lối thoát.
    Cái chết đã đến với Lan Sơn một ngày chớm thu. Cơn bệnh nặng đã không cho ông kịp viết nốt những câu thơ cuối của bài thơ lục bát cuối. Nhìn bài thơ loang vết mực và những chữ dở dang, lòng Văn Cao quặn thắt. Bên nhưng ngọn nến cháy, bên nhưng hương thơm ngát trên nắp linh cữu người bạn xưa, cố nhân đã quá cố, Văn Cao ngồi im lặng như bức tượng. Hai con mắt mở to, thức chong chong, ráo hoảnh.
    Nguồn
    Văn Cao - Người đi dọc biển, Nguyễn Thụy Kha.

  2. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Mùa Xuân Đầu Tiên
    1976
    Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
    Mùa bình thường mùa vui nay đã về
    mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
    Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
    một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.
    Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
    Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
    Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
    Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
    Niềm vui phút giây như đang long lanh.
    Điệp khúc:
    ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
    ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
    Từ đây người biết quê người
    Từ đây người biết thương người
    Từ đây người biết yêu người.
    Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
    Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
    Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
    với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
    một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.
    Download
    MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN - CA SĨ THANH HOA
    MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN - TAM CA THẾ HỆ MỚI
    MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN - CA SĨ THANH THÚY

    Được tuan_ngoc_pham sửa chữa / chuyển vào 18:28 ngày 14/12/2006
  3. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Trở lại Mùa xuân đầu tiên
    Nhân tài làm trọng đời nào khỏi
    Thiên hạ chẳng tư của ấy chung?

    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    Những ngày đầu ngỡ ngàng trước sự kiện giải phóng miền Nam đã qua. Thế là sau đúng 30 năm, đất nước mới liền một dải Bắc - Nam. Mùa xuân 1976 có gì giống mùa xuân 1946. Hồi ấy, trên một chuyến tàu lửa, Văn Cao đã?hành phương Nam. Chỉ có khác, hồi ấy thì phơi phới. Còn bây giờ thì? Văn Cao ngồi vào đàn. Có một nhịp gì dập dìu như cánh bay đàn én, như sự tràn ra của chồi non, như sự hồn nhiên của mùa bình thường chảy theo mười ngón tay, vung lên giai điệu. Đã từ lâu Văn Cao không còn bay lên cùng âm nhạc nữa. Ông tự cảm cảnh sống của mình và chìm vào thơ ca. Ôi nếu những năm tháng vừa qua không có một tổ ấm bao bọc che chở, không có một câu thơ bạn bè, chắc gì đã có gan tồn tại. Những năm tháng nếu chết được, còn thanh thản hơn sống. Nhưng hôm nay, run rủi gì mà âm nhạc lại trở về như mùa xuân nào - mùa xuân đầu tiên. Có một hơi thở gì của Bến xuân, của Đàn chim Việt hòa vào nhau trong giây phút này. Và tỏa ra rưng rưng. Chỉ có khác, hồi ấy là ra đi. Còn bây giờ là trở về. Có người đã tha hương suốt 30 năm trường, nay mới được trở lại mái nhà xưa. Giai điệu loang ra, loang ra không ngờ.
    Rồi dìu dặt mùa xuân theo én về
    Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
    Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
    Nước mắt trên vai anh giọt rơi ấm đôi vai anh
    Niềm vui phút giây như đang long lanh?

    Ước mơ con người vui vầy cùng con người sau bao năm chiến tranh không biết đã thành hiện thực chưa ? Nhưng hãy cứ nhiều mong muốn.
    Từ đây người biết quê người
    Từ đây người biết thương người
    Từ đây người biết yêu người?

    Giống như bài Làng tôi ngày xưa, bài Mùa xuân đầu tiên này cũng được dịch ra tiếng Nga, được in rất đẹp ở Liên Xô. Ai đó mang tới cho Văn Cao cùng một lúc với tạp chí Văn học ở miền Nam xuất bản 11/1970 - số đặc biệt về Văn Cao với tên gọi "Văn Cao - nghệ sĩ đa tài". Cầm hai ấn phẩm trên tay, Văn Cao như nghiêng ngả muốn tách làm hai phần thân thể. Nửa mừng, nửa buồn.
    Văn Cao lặng lẽ đọc chậm từng trang tạp chí, để xem bao nhiêu năm, trên một chiến tuyến khác, những người bạn cũ, những người lạ xa nghĩ về mình ra sao.
    Vũ Bằng sắc lạnh, nhưng công bằng. Cũng thời gian gần đây, nhờ giải phóng miền Nam, Văn Cao đã đọc được Thương nhớ mười hai và Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng. Vẫn một văn tài đặc sắc da diết buồn thương về xứ sở, về con người. Văn Cao nhớ rõ sự dửng dưng của Vũ Bằng ngay lần đầu gặp mình, hình như vào một buổi sáng mùa thu, trời đất sáng một màu bạc rỉ không rõ năm nào. Chi tiết tối hôm trước, ở tiệm ăn Hàng Buồm, Trần Huyền Trân và Ngọc Giao đã giới thiệu Văn Cao và Lan Sơn với Vũ Bằng. Và thế là có sớm hôm sau. Nhờ ngồi uống nước và hút thuốc lá ?ogẫu? cùng nhau ở căn nhà 73 Hàng Bông, sau đó Vũ Bằng đã biết và giới thiệu thơ, văn xuôi của Văn Cao trên ?oTiểu thuyết thứ bảy?.
    Dù có sai về thời gian, chút ít về sự kiện, phải nhận thấy Vũ Bằng khá hiểu Văn Cao. Chỉ có một điều là Vũ Bằng không đúng khi nhìn thấy trong Văn Cao có con người chính trị và con người nghệ sĩ. Có lẽ đúng hơn là con người hiệp sĩ và con người nghệ sĩ trong cùng một Văn Cao. Và vì thế, Văn Cao mới như hôm nay. Văn Cao chợt nghĩ có lúc nào đó sẽ gặp lại Vũ Bằng nhỉ? Vũ Bằng đâu biết trong nhiều năm dài vừa qua, Văn Cao đã viết gì, vẽ gì. Nhưng rõ ràng là Văn Cao vẫn âm thầm làm việc.
    Tạ Tỵ thì tình cảm và chua xót. Nghe đâu vì tham gia trong quân đội ngụy, chàng họa sĩ ưa môn phái lập thể và trừu tượng này đang được đi "cải huấn". Lịch sử cứ diễn ra ngòai ý muốn cá nhân, ngoài sự thông cảm. Nghe nói, Tạ Tỵ có viết cuốn Mười gương mặt văn nghệ và bài viết này lấy ra từ đó. Hồi ấy thật xa, ở căn nhà phố Hàm Long hình như khoảng 1944. Văn Cao đã gặp Tạ Tỵ trong một buổi xem tranh. Rồi hồi cuối 1945, tại nhà Hoàng Lộc, một căn gác rộng đối diện với dãy 24 gian, hai anh em độc thân Hoàng Lộc đã biến căn nhà thành "quán tha hồ muôn khách đến", Văn Cao thường gặp Tạ Tỵ ở đây. Rồi? rồi?bằng đi đến hôm nay, để đọc những dòng này. Hồi ấy, Văn Cao và Tạ Tỵ đã tranh luận bao điều về hội họa. Những thầm mong có một khi nào đó, sẽ lại được xem tranh của nhau.
    Lê Thương đôn hậu và trung thực. Ông và Hoàng Quý là người thầy đầu tiên dắt dẫn Văn Cao vào con đường âm nhạc ở Hải Phòng. Khi ấy, Lê Thương dạy trường Lê Lợi. Những mốc thời gian Lê Thương kể ra và những dấu nhấn của sự kiện, của cá nhân nhạc sĩ trong đó có Văn Cao làm Văn Cao nhớ hết lại một thời xa. Những tưởng đã quên đi được thì giờ đây lại bập bùng trong trí nhớ. Tác giả của Hòn Vọng phu ở Sài Gòn đã có mấy chục năm có lẻ. Nhưng những ý nghĩ về nhau vẫn thật trong sáng và đúng đắn.
    Còn Sông Thai là ai, Văn Cao không được biết. Nhưng phải thấy rõ con người này biết rất nhiều về những thăng trầm của Văn Cao, và mạch văn thật chứa chan, thật nhân ái. Tuy nhiên, không gạt bỏ được nhiều quá khích. Sông Thai đâu có ở trong cuộc nên làm sao có thể đau đớn thực sự hơn và trầm tĩnh thực sự hơn. Cuộc đấu tranh âm thầm cho một nền nghệ thuật thuần khiết hướng về chân-thiện-mỹ bao giờ cũng gay gắt, không khoan nhượng. Nhưng nó cần bền bỉ, cần biết chấp nhận từng lúc.
    Còn Trần Văn Nam, còn Lê Hoàng Long? Văn Cao gấp tập sách trong bóng sáng mờ mờ của ngọn đèn điện thiếu điện thế. Bỗng ngọn đèn vụt bừng lên, sáng quắc. Chắc đã qua giờ dùng điện cao điểm của Hà Nội.
    Hoàng Hưng đến tặng thơ và chào để vào Sài Gòn lập nghiệp. Ngay từ sau hồi Nhân văn Giai phẩm, khác với Nguyễn Tuân rút vào cách sống đơn độc, dè dặt giao tiếp. Văn Cao vẫn mở mình ra tiếp nhận mọi người. Nhưng những ngày ấy, nào đã mấy ai dám đến chơi với ông. Có một ngăn cách vô hình cứ vây lấy căn nhà 108 này. Những ai vượt qua được ngăn cách ấy? Cũng không nhiều. Tuy không in thơ, ít tham gia họat động văn nghệ, Văn Cao vẫn theo dõi phong trào thường xuyên vì ông hay minh họa cho các báo, nhất là báo ?oVăn nghệ? nên có báo biếu đều đều. Một thời gian dài, cho tới tận hôm nay, ít thấy những giọng điệu lạ. Văn Cao biết thế và thở dài bất lực. Còn rất ít những cây bút trẻ dấn thân vào con đường đó và hầu như họ đều rất kín đáo, bí mật thể nghiệm, ít lộ ra ngoài. Lộ ra, thậm chí không còn tồn tại mà viết nữa. Nhưng dòng chảy này không hoàn toàn bị tắc nghẽn, nó chỉ bị thu hẹp lại và chảy ngầm trong lòng đất như những mạch suối xuyên qua lòng núi đá vôi. Lối ca lên véo von, hời hợt của văn nghệ lúc này vẫn là chủ đạo.
    Văn Cao biết Hoàng Hưng ngay từ hồi 1965 qua giải thưởng thơ báo ?oVăn nghệ?. Hưng thuộc nhóm các nhà thơ trẻ ở Hải Phòng và dạy học ở đấy. Nhóm thơ này rấ tâm đắc với Những người trên cửa biển của ông. Và chính họ báo hiệu một tiềm năng mới của thơ trong những ngày chống Mỹ ác liệt. Văn Cao thích Hoàng Hưng ở chỗ Hưng không thích dừng lại, gặm nhấm chút vinh quang mà mình có được trong đoạn đầu của sự nghiệp thơ. Hưng tìm tòi táo bạo. Rồi bế tắc. Rồi lại lần được lối ra. Rồi hoang mang. Rồi định hình lại. Cứ thế, sau tập Đất nắng, Hưng đã tiến một bước xa. Văn Cao thích rất lâu những câu thơ của Hưng như :
    Em là con ngựa non thon vó
    Giữa rừng người hoang vu

    Hay những câu thơ đầy ám ảnh của sáo Mèo Tây Bắc như ông và Nguyễn Tuân đã viết:
    Những hành lang xẩm tối sờ tay
    Những con đường cỏ may ống quần
    Những dặm nước trầm trầm chân vịt
    Những trời Mèo lá hát đêm yêu

    Em khắc khoải toàn thân lửa múa
    Em êm êm tình nhỏ mắt thầm?

    Bài Tỉnh giấc ở Hòn Gia mang tính báo động như những câu thơ trong "Những ngày báo hiệu mùa xuân? của ông :
    Thốt tỉnh. Bây giờ là mấy giờ đêm ?
    Oi ả quá. Sóng không buồn vỗ
    Sà sà máng núi ngang đầu
    Trắng bệch màu mây mệt mỏi
    Vụt đứng dậy. Bồn chồn kinh hãi
    - Sáng mau đi! Đá sập đến nơi rồi.

    Bài Mưa rào và trẻ nhỏ Hưng dành tặng ông cũng ngụ ý sâu xa về ông, về thế hệ ông phải trải qua. Ôi những tâm hồn nghệ sĩ hồn nhiên như trẻ con gặp cơn mưa rào là trần truồng ra bày tỏ hết mình. Rồi mưa bất ngờ tạnh, mặt đường cuộc đời người người lại hối hả đua chen, thì dù có phải biến đi đâu, những tâm hồn nghệ sĩ vẫn như trẻ con.
    Và bây giờ thân mình nhỏ nhắn như của các em
    Đang lặng lẽ bốc hơi từ những nơi nào kín đáo.

    Nơi kín đáo ấy có thể là căn nhà này với những cuốn sổ tay ghi chi chít các câu thơ li ti chăng? Văn Cao nghĩ thế và nâng chén. Hưng cũng đã đỏ mặt. Một cái nhìn gan góc của tuổi trẻ, gặp một cái nhìn từng trải của tuổi già. Các ánh sáng giao nhau, chớp lên hy vọng. Thơ đích thực không bao giờ biết chán nản. Lại chia tay. Lại lên đường tìm kiếm.
    Một người bạn chuyển tới Văn Cao tập trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo và hỏi về chàng trai này. Văn Cao hoàn toàn không biết tý gì. Có lẽ mấy chục năm, bây giờ ông mới thấy lại một trường ca. Mà sao trường ca có cái tên như nhắn nhủ với ông một sự tiếp nối. Ở ông là Những người trên cửa biển. Còn ở đây là Những người đi tới biển. Đêm nay ta sẽ nhấm nháp anh chàng này cũng những giọt làng Vân nồng giọng.
    Đêm đã xuống và trường ca đã mở ra. Văn Cao lạc vào một thế giới của chiến tranh lạ lẫm, lôi cuốn kỳ lạ. Trời ơi! Ông như vừa gặp lại mình, vừa như bước đến với một tình yêu mới mẻ:
    Khi con thưa với mẹ
    Mưa bay mờ đồng ta
    Ngày mai con đi
    Khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ
    Chuyến tàu tăng-bo ngoài ga sơ tán
    Vẳng tiếng tàu đêm có bao người vội vã nói lời chia tay
    Ngày mai con đi
    Nửa đất đai này mẹ gánh?

    Văn Cao thấy bị rung toàn thân khi mắt chạm vào những câu :
    Những năm
    chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách
    những năm
    một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời
    rồi tới lúc chúng con thay áo khác
    những khi cởi áo ra
    con không còn gì thay được!

    Những động từ liên tiếp: dính-bạc-ngắn-rách đẩy tới những rung động từ: sống-thay-cởi-thay như những chấn động lớn đột ngột tạo xung trong câu thơ của trường ca. Đây không còn là những giai điệu bình thường của một ca khúc. Mà đây là những câu nhạc được tư duy bằng một tư tưởng của giao hưởng. Đọc đến khúc cuối của chương 1 có tựa đề ?oChiếc áo ngắn? thì không còn nghi ngờ gì nữa. Cách nghĩ của lớp thi sĩ trẻ đã đi qua cách nghĩ của thế hệ trước:
    Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
    (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
    Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
    Có sắc mà ấm quá, phải không em?

    Ngay tựa đề ?oChiếc áo ngắn? đã nói rõ sức lực của hồn thơ này. Chiếc áo xã hội quá ngắn, quá chật với tầm vóc của thế hệ trẻ thực sự lao vào cuộc chiến tranh. Họ đã ý thức được sự chật, ngắn đó và họ tự sống, tự tồn tại, tự ý thức thế hệ mình. Mạch thơ này không hề bị ý thức cuốn đi. Nó tự kiềm chế, tự bộc lộ và tự vượt lên những kinh nghiệm mà mình tự ngẫm nghĩ.
    Văn Cao đọc hồi lâu, mới chợt nhớ là mình quên uống rượu. Ông chậm rãi đưa chén lên ngang môi. Nào xin được uống cùng câu thơ của chàng thi sĩ mà tôi chưa hề quen biết. Nhưng tôi chắc là anh cũng thú uống rượu như tôi.
    Ly rượu trong hồng lên cùng ký ức
    Uống đi anh ngọn lửa của mình
    Để nhớ mãi người đầu tiên khai rừng phá rẫy
    Giọt nước nào khơi sự dòng sông

    Không còn nghi ngờ gì nữa. Một lớp trẻ đã lớn lên dằn vặt, vật vã giữa những thắt ngặt của hậu phương. Lại một lớp trẻ đã lớn lên rắn chắc, phong trần giữa những ác liệt của chiến trường. Chính họ sẽ tạo ra một thế hệ thơ mới mẻ, mà chính ông, nếu muốn tự làm mới mình, không thể nào quay lưng, không thể nào quay lưng từ chối họ. Chính họ sẽ du ?ochín muội? ở thế kỷ này vẫn cắm tiếp những cột mốc mới, thật sự trên con đường thi ca Việt Nam mà thế hệ ông đã từng tạo được.
    Nguồn
    Văn Cao - Người đi dọc biển, Nguyễn Thụy Kha.

  4. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    ĐI TRONG ?oMÙA XUÂN ĐẦU TIÊN? CỦA VĂN CAO
    Thanh Thảo
    Những ngày tháng Năm một chín bảy lăm. tôi cảm thấy mình được giải phóng. Giải phóng khỏi cái gì thì tôi không biết. Nhưng tôi biết cảm giác của người được giải phóng. Đi trên đường phố Sài Gòn những ngày đó, gặp bao nhiêu người tôi thấy như họ có cùng cảm giác với tôi: con người mình đột ngột thoát, hồn nhiên. Phút chốc, như Sài gòn hóa thành trẻ nhỏ: quên quá khứ, không nghĩ tới tương lai, mà chỉ thấy vui sống trong cái thời khắc hiện tại ấy, cũng chẳng cần biết nó kéo dài được bao lâu. Bấy giờ, tôi chưa được nghe ca khúc ?oMùa xuân đầu tiên? của Văn Cao, cũng chưa được gặp ông.
    Mùa hạ năm ấy, tôi ra Hà Nội. Gặp Đình Nguyễn, thằng bạn học cũ, hắn hồ hởi bảo: sướng quá mày ạ! Đi uống rượu đi! Tôi cũng chẳng biết sướng cái gì, nhưng quả có sướng. Ừ thì đi uống rượu!
    Rồi tôi vào Huế, vào Đà Nẵng. Lại cảm thấy như mình được giải phóng. Giải phóng khỏi cái gì? Không biết.
    Suốt ngày tôi lang thag với Ngô Thế Oanh, với Nguyễn Công Khế. Như một thằng vô tích sự. Khế có cái honda trành trành, chở tôi đi khắp Đà Nẵng, đi vậy thôi, không mục đích.
    Lúc ấy, tôi cũng chưa được nghe bài ?oMùa xuân đầu tiên?. Mãi nhiều năm sau, khi đã không còn cảm giác được giải phóng, và cũng đã hết sướng, tôi mới có dịp gặp Văn Cao, mới được nghe ?oMùa xuân đầu tiên?. Đột ngột, cùng với dòng nhạc đầu tiên, tôi thấy lại tôi những thời khắc hồn nhiên ấy.
    Thấy lại cả Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng đúng vào cái thời khắc trẻ thơ ấy, thấy lại những bạn bè tôi, kẻ còn người mất, những thằng được sướng, vào đúng cái khoảng không gian và thời gian thương mến ấy.
    Nhờ Hữu Đạo, thi sĩ của phong trào học sinh tranh đấu, gặp lại nhau tháng năm bảy lăm tại một quán cóc Sài Gòn, ôm nhau trào nước mắt. Vì sướng. Làm với nhau mấy ly la-de. Cũng vì sướng. Vài tháng sau, hắn chết. Tất nhiên không vì sướng.
    Nhớ Tám Nhân, Đồng đen, Ninh vồ?nhớ, nhớ, nhớ?Âm nhạc Văn Cao dìu đi trở lại từng khoảng nhớ ấy:
    ?oRồi dặt dìu mùa xuân theo én về
    Mùa bình thường mùa vui nay đã về
    Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên??

    Vụt hiện trước mắt tôi một Khải Huyền mới, một Khải Huyền nho nhỏ kiểu Việt Nam, dành riêng cho mỗi con người:
    Từ đây người biết quê người
    Từ đây người biết thương người
    Từ đây người biết yêu người?

    Có được vậy không ? Ai mà biết. Chỉ nghe những thiết tha tràn ngập không gian, chỉ thấy sững sờ trong thời gian những giọt nước mắt, những nụ cười, những gương mặt trong veo như màu lá me non.
    "Với khói bay trên sông gà đang gáy trưa
    bên sông một trưa nắng vui hôm nay
    mênh mông??

    Cả một dòng sông vui, nhưng không trào cuộn ồn ào, mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, nhưng lượn sóng như nhắn gửi cái gì, báo trước điều gì. Chợt sáng, chợt nhòe, ánh tượng Khai Huyền ấy chập chờn trong tôi, ám vào tôi, day dứt. Cuộc đời này rồi sẽ ra sao, chúng ta rồi sẽ đi về đâu. Liệu cái thời khắc trẻ thơ kỳ diệu ấy có đủ sức nâng đỡ ta trong những ngày nặng nề của cuộc đời. Tôi không biết. Và tôi cũng không rõ Văn Cao có biết không. Ông đã hết tuổi bảy mươi. Còn tôi sắp bước vào tuổi năm mươi. Ôi những thời khắc! Ôi trẻ thơ!
    Ngày tôi đã hoàn thành trường ca này, xin gửi tặng Hội văn nghệ và bà con Vĩnh Phú. (Nhạc sĩ tự tay ghi nguyên văn câu nói đó vào mỗi bài hát và ký tên).
    Thế là tôi có dịp may được gặp thêm về lai lịch của những bài hát ấy. Thì ra nhạc sĩ Văn Cao đã từng gắn bó với miền đất quê tôi từ những năm tháng ấy. Tôi thầm cảm ơn nhạc sĩ, cám ơn quê hương đã khởi nguồn cảm hứng để sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, vang vọng mãi mãi trong lòng người dân quê tôi nói riêng và cả nước nói chung.
    Hôm ấy, khi chia tay nhạc sĩ Văn Cao, trên đường trở lại Việt Trì tôi nảy ra ý định sẽ phỏng vấn thu thanh tiếng nói của nhạc sĩ về những cảm xúc của anh khi sáng tác trường ca Sông Lô. Tôi thầm nghĩ đây sẽ là một tư liệu rất quý cho Đài phát thanh Vĩnh Phú của tôi vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng Sông Lô sắp tới (1947-1992).
    Ý định đó mới được hình thành thì sau đó ít ngày tôi có quyết định của tỉnh chuyển về công tác tại Hội văn học, nghệ thụât tỉnh. Vì mải lo những công việc khác, thế là ý đồ trên tôi không thực hiện được. Cho đến tận hôm nay mỗi khi nghĩ tới chuyện đó tôi cứ ngẩn ngơ, nuối tiếc mãi?
  5. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Văn Cao với ca khúc "Mùa xuân đầu tiên" ​

    Văn Thao
    Những hồi ức về nhạc sĩ Văn Cao trong mùa xuân năm Bính Thìn, 1976 - khi ông viết ca khúc Mùa xuân đầu tiên mừng đất nước thống nhất, được con trai ông, Văn Thao kể lại, rõ ràng và xúc động như vừa mới hôm qua.
    ... Tôi tập tễnh bước một leo lên cầu thang ngôi nhà 108 phố Yết Kiêu vào một ngày giáp tết năm 1976. Đã sang tiết xuân, trời nắng nhẹ mà vẫn lạnh. Tiếng đàn dương cầm vọng ra. Một điệu vans. Giai điệu của bản nhạc mượt mà, lấp lánh như những hạt nắng xao động trên vòm cây. Một giai điệu mà tôi chưa nghe bao giờ.
    Văn Cao ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào âm vang đầy ắp căn phòng. Tôi sẽ ngồi xuống đi văng, lặng nhìn đôi vai gầy guộc của ông phủ xuống cây đàn. Mái tóc bạc dài xõa phất phơ, theo tiếng dương cầm thánh thót. Những vệt ánh sáng hắt qua ô cửa lấp lánh chuyển động trên đôi bàn tay. Tiếng nhạc nhẹ dần, chầm chậm tan vào không gian mênh mông. Đôi bàn tay gầy khẽ nâng lên khỏi bàn phím và bất động trong không trung. Lát sau Văn Cao lặng lẽ đứng dậy, nhẹ nhàng rời khỏi cây đàn khuôn mặt ông bất động. Hình như tâm hồn ông vẫn còn bồng bềnh trôi theo những âm thanh của bản nhạc.
    - Bố!
    Một chút ngơ ngác rồi sau đó ông mới nhận ra tôi.
    - Thao đấy hả! Con về từ bao giờ đấy?
    - Từ trên trung tâm chỉnh hình Ba Vì con đến thẳng đây.
    - Vết thương của con thế nào? Đi chân giả có đau lắm không?
    Tôi đứng dậy kéo ống quần lên cho ông nhìn thấy chiếc chân gỗ, rồi bình thản đi quanh phòng. Ông ngồi lặng nhìn theo tôi, đôi mắt ánh lên niềm vui. Từ trong khóe mắt, một giọt lệ lăn từ từ trên đôi gò má.
    - Tốt! Tốt quá rồi!... Thôi ngồi xuống đi con.
    Tôi ngồi xuống bên ông. Hai cha con nhìn nhau. Tôi định nói một điều gì đó mà không được. Cổ họng cứ tắc nghẹn. Mãi lúc sau mới thốt được lên lời:
    - Lâu lắm con mới lại được nghe bố đánh đàn một cách say sưa như thế này. Giai điệu đẹp quá. Bài mới sáng tác của bố đấy à!
    - Ừ! Bố sáng tác bài hát này mừng xuân đầu tiên đất nước mình thống nhất.
    - Vậy là bố lại sáng tác ca khúc?
    Ông nhìn tôi giây lát. Hình như ông đã hiểu tôi định nói gì.
    - Bố vừa sáng tác xong nhạc cho phim "Chị Dậu" do bác Khoa đạo diễn. Cả bản nhạc giao hưởng thính phòng cho phim "Anh bộ đội *****" của xưởng phim quân đội.
    Văn Cao là một người cộng sản chân chính. Mơ ước và khát vọng của ông rõ ràng, cao đẹp ?oTa mơ trần gian lúc san bằng hết biên thuỳ. Chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới" (Bài ca biên giới). Ông tin sẽ có ngày xã hội "cùng sống tập đoàn, toàn thế giới công khai cùng kiến thiết xã hội ngày mai..." (Công nhân Việt Nam). Chính vì vậy mà bao khó khăn gian khổ, bao thăng trầm đổ xuống cuộc đời vẫn không làm ông nao núng. Ông tin những việc ông làm, con đường ông đã chọn. Và ông đã đúng! Cái thời khắc "Giải phóng tiến tới thống nhất" đã đến?
    Ngày 30-4-1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, cả dân tộc reo vui. Văn Cao im lặng. Chỉ thấy đôi mắt ông sáng lên lấp lánh.
    Có một cái gì đó đang chuyển động trong đầu ông. Một âm thanh mơ hồ, mỏng mảnh như làn khói thoảng qua. Một tiếng gà gáy mênh mang. Một tia nắng lấp lánh...Và một cánh én. Những âm thanh, những hình ảnh chập chờn trong đầu ông rồi lại tan biến.
    Những ngày tháng sau đó, căn gác nhỏ nhà Văn Cao không lúc nào ngớt khách. Những khuôn mặt bừng sáng. Những nụ cười rạng rỡ. Những giọt nước mắt sung sướng bên những ly rượu tràn đầy. Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc Mùa xuân đầu tiên vào đúng dịp tết Bính Thìn.
    Sau tết, tôi lên. Ông đã đưa cho tôi xem bài Mùa xuân đầu tiên. Tôi vừa xướng âm, vừa lẩm bẩm hát một cách say sưa:
    "Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường, mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một tia nắng vui cho bao tâm hồn... Người mẹ nhìn đàn con nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy? Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao, trong xuân vui đầu tiên. Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người..."
    Lời ca thật dung dị với những hình ảnh gần gũi, thân quen thấm đậm chất nhân văn. Giai điệu của bài hát đẹp, mượt mà và sâu lắng đã cuốn hút tôi. Càng hát tâm hồn ta càng thánh thiện hơn lên.
    Cuối năm 1976 Mùa xuân đầu tiên được in trên báo Sài Gòn giải phóng. Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào trong cái năm 1976 ấy Mùa xuân đầu tiên đã được in ở nước Nga. Mãi hai mươi năm sau, Mùa xuân đầu tiên mới được dàn dựng và phát sóng. Từ đó đến nay Mùa xuân đầu tiên ngày càng được đông đảo công chúng yêu thích.
    Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao đã khẳng định được giá trị đích thực của nó.
    (Theo Văn nghệ Trẻ)
  6. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Ba Biến Khúc Văn Cao
    Nguyễn Trọng Tạo​
    Người gọi ông là ?o ba đỉnh núi sương mù?. Người gọi ông là ?o dòng sông ba nhánh?. Người gọi ông là ?o nghệ sĩ đa tài?. Người gọi ông là ?o bậc danh tài thế kỷ...? Khi tôi gặp ông thì ông đã 57 tuổi, chòm râu dài phất phơ ngả bạc như tiên lão bảy mươi. Ông ngồi một mình trên chiếc đi - văng đệm vải cũ càng, mắt nhìn và chén rượu gạo bình dân như chẳng chờ đợi một điều gì. Có lẽ ông đã ngồi như vậy suốt mấy chục năm liền. Những chai rượu đầy vơi vơi đầy không nhớ đã bao lâu.
    Cũng không nhớ đã bao lần trên đất nước này và cả trên những đất nước khác, người ta đã hát vang lên bài hát của ông, bài Quốc ca Việt nam mang hồn thiêng sông núi. Đoàn quân Việt nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...
    Khi nghe Phan Lạc Hoa giới thiệu tôi, mắt miệng ông ánh lên nụ cười gần gũi, bình dị: ?o à, cái anh nghệ nhân Quan họ làng quê đây? Ông với tay lên kệ tủ lấy thêm ly, và Nguyễn Thụy Kha rót rượu. Ông đối với bọn trẻ chúng tôi như đối với bạn. Khi thân mật rồi, hầu như chẳng còn khoảng cách tuổi tác. Có lẽ vì thế mà ông luôn luôn mới. Chúng tôi rủ ông đến quán lòng lợn tiết canh đầu chợ Đuổi, ông đồng ý ngay, nhưng nhắc là nên mua rượu ở quán cạnh bến xe Kim Liên, loại rượu gạo ông thường uống. Quán đông quá, chung tôi mượn một cái chiếu trải vào túp lều tranh bỏ trống bên cạnh.
    Cứ ngồi xếp bằng mà uống rượu và hút thuốc lào như ở làng ở xã. Người vào ra chợ đông đúc, ồn ào, hình như cũng không ai biết ông già ngồi quán bình dân này là tác giả Quốc ca. Còn chúng tôi, lần đầu tiên được biết những bài thơ ông làm để rồi cất lại trong lòng, không đưa in đâu cả, mà dù có đưa thì người ta cũng chẳng in cho. Mấy chục năm nay, ông chỉ làm bìa sách, vẽ minh họa cho báo và làm nhạc ... không lời. Những bài thơ của ông khiến chúng tôi nổi da gà, kinh ngạc vì thán phục. Thơ ông đẹp một cách quyết liệt. Thơ ông thật đến siêu thực. Thơ ông mới bất ngờ như mầm cây vừa đội đất trồi lên.
    Đến giờ, tôi vẫn nhớ giọng vang trong của ông đọc thơ trong quán rượu. Bài thơ Năm buổi sáng không có trong sự thật ông làm năm 1960 mà tôi tưởng ông vừa làm trong quán rượu năm 1980 này. Chúng tôi nghe như nuốt từng lời thơ của ông vào tâm khảm. Khi ngấm rượu, ông nói hay đến nỗi tôi có cảm giác là đang nghe ông trong giáo đường chứ không phải giữa chợ. Vì thế mà cả ba chúng tôi đều thuộc ngay bài thơ ngắn Không đề ông làm năm 1967. Bài thơ như một cuốn phim cực ngắn chứa đầy âm nhạc và treo lơ lửng một câu hỏi trước cuộc đời.
    Con thuyền đã đi qua
    Để lại sóng
    Đoàn tàu đi qua
    Để lại bóng
    Tôi không đi qua tôi
    Để lại gì??
    Hơn 20 năm ?o im lặng? về thơ lại chính là thời gian ông làm thơ nhiều nhất. Những bài thơ chi chít trong những cuốn sổ tay nhỏ xíu úa màu thời giang vàng vọt. Những bài thơ viết trên vỏ bao thuốc lá nhặt được trong quán rượu. Có bài thơ được ghi lại không phải nét chữ của ông mà là chữ của vợ ông, bà sợ ông quên đi mất nên bà bắt ông đọc để bà chép lại. Năm 1987, Nguyễn Thụy Kha đã lần mò chép lại những bài thơ trong cặp bản thảo nhòe mờ ấy của ông rồi đưa cho tôi đọc. Giữa quá nhiều bất trắc cuộc đời, tiếng thơ Văn Cao chẳng bao giờ đổi giọng. Chữ nghĩa của ông như được viết ra từ ngòi bút kim cương chứ không phải là bút lông bút sắt. Và khi tiến hành chọn bản thảo tập thơ Lá, Văn Cao rất vui lòng ủy thác cho Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo và tôi tuyển chọn. Hấu như ông hoàn toàn yên tâm về việc đó. Ông nói: ?oBà thằng mày bảo được là được!?.
    Tập thơ Lá của ông được in ra không đúng như chúng tôi đã chọn dưới sự ủy thác của ông, 5 bài thơ ông tâm đắc bị bỏ ra, và thay vào mấy thơ ông im báo hồi kháng chiến chín năm. Tuy không được hài lòng lắm nhưng ông cũng mỉm cười sau 30 năm trỏ lại thi đấu. Ông lại tiếp tục viết những bài thơ mới. Vẫn là Văn Cao tươi ròng, không tuổi:
    Tôi đẻ ra trần truồng
    được những lót tã
    Là của cải

    Sao tôi lại nhớ sinh nhật 60 tuổi của ông 15.11.1983. Chiều trong căn phòng gác hai số nhà 51 Trần Hưng Đạo, nơi Bảo Đại từng ở sau Cách mạng tháng tám, nơi mà một phần tư thế kỷ trước Văn Cao thường xuất hiện cùng bạn bè đồng nghiệp văn nghệ sĩ. Lâu quá rồi ông mới chính thức trở lại đây, và là nhân vật chính của buổi lễ sinh nhật 60 tuổi do Hội Nhạc sĩ tổ chức. Hoa và rượu. Những lời chúc tụng, những bài hát của ông vang lên mừng tuổi ông. Có cả Thiên thai, Trương Chi hơn 30 năm vắng bóng trở về, khiến cả hội trường lặng phắc, ân hận và khâm phục. Chiếc dương cầm Đặng Thái Sơn tặng Hội Nhạc sĩ sau lần đăng quang, vang lên những bản nhạc không lời Văn Cao. Những bản nhạc ông viết sau cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn - giai phẩm kết thúc, sau cái đêm trắng đi cùng Hữu Loan quanh hồ Ha le, không biết nói gì trước khi chia tay nhau để tác giả Màu tím hoa sim trở về Thanh Hóa làm một ?o lão nông chi điền?.
    Những bản nhạc chứa đầy nỗi đâu chia cắt cùng với khát vọng thống nhất cháy bỏng. Đấy là các bản Hàng dừa xanh, Sông tuyến và Biển đêm. Rồi đến lượt Văn Cao xuất hiện trước cây dương cầm. Im lặng, chờ đợi. Ông cứ ngồi im trước cây đàn mấy phút liền. Một bàn tay của ông bị chấn thương trước đó mười lăm, khi ông đang đi bách bộ trên hè đường và bị hiếc xe com - măng - ca không số từ dưới đường tạt lên chèn ngã. Ông sẽ chơi đàn thế nào đây? Bỗng bàn tay ông nắm lại thành một nắm đấm. Ông bất ngờ đấm vào những phím đàn, vang lên hợp âm chói gắt như bom nổ. Thêm một nắm đấm nữa. Hai nắm đấm của ông cùng với cùi tay trút bão táp vào cây đàn, hết đợt này đến đợt khác. Chuỗi âm thanh ghê gớm ấy bỗng lặng đi đột ngột. Mọi người nín như nín thở. Ông dùng ngón tay trỏ chầm chậm mổ nhẹ vào một phím đàn, từng tiếng, từng tiếng một vang lên rành rọt, chậm dần, nhỏ dần cho đến khi ông thu bàn tay lại, trong tiếng vỗ tay ào lên không dứt của mọi người.
    Trước Văn Cao, chưa thấy ai chơi đàn như thế. Chính vì thế mà ông luôn là ông, không giống ai, và nếu ai muốn giống ông thì cũng khó mà giống được. Tối hôm đó ông hẹn mấy người về nhà ông uống rượu. Tôi và Kha tới thì đã thấy Văn Cao đang ngồi cùng Trịnh Công Sơn và Cao Xuân Hạo. Ông nhờ tôi sang gọi Trần Dần bên kia đường Vũ Lợi. Ông bảo : ?oCó thêm Trần Dần nữa mới vui?. Tôi đến nhà Trần Dần thì ông đang ở bên nhà hàng xóm. Trong lúc đợi vợ ông đi gọi về, tôi nhìn vào bức trướng và thấy hiện rõ một hình nhân. Đấy là nơi Trần Dần tựa lưng suốt mấy chục năm qua, tôi rùng mình hình dung ra cái bóng đang động cựa như một con người thật. Vừa lúc Trần Dần về trong bộ quần áo pijama ngả màu cháo lòng. Ông gầy yếu quá, gầy yếu hơn cả cái bóng của chính mình trên tường nhà.
    - Anh Văn mời anh sang uống rượu - tôi nói - Hôm nay sinh nhật anh ấy. Sáu mươi rồi.
    - Thế à? Những ai?
    Tôi kể tên mấy người. Trần Dần mỉm cười.
    - Thế thì sang
    Văn Cao với tay lên kệ tủ lấy thêm một cái ly thủy tinh, đặt trước mặt Trần Dần. Trong khi tôi rót rượu, ông dặn: ?oDần sức yếu, dễ say đấy?. Nhưng sau khi cụng ly, chỉ riêng Trần Dần là uống cạn.
    Chuyện trò, đọc thơ, và hát. Cao Xuân Hạo nhớ nhiều những kỷ niệm thời kháng chiến chống Pháp, về những bài hát thời bấy giờ của Văn Cao mà anh hát. Văn Cao cũng nhắc lạ vài bài hát của Xuân Hạo có một giọng hát thật vang trong bay bổng, dù đã ở tuổi 53. Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe lại bài hát thủa xưa của anh. Văn Cao nói rằng, ngày ấy Hạo đi hẳn vào nhạc, chắc chắn sẽ thành đạt, dù sao này là một dịch giả nổi tiếng về Lép Tônxtôi, Đôtxtôiepxki, Aimatốp....
    Trần Dần chỉ lặng im uống và nghe, dù là nghe chính những câu thơ lấp lánh, táo bạo của ông do Nguyễn Thụy Kha hay Văn Cao đọc lên. Chỉ đến khi nghe Trịnh Công Sơn hát, ông mới nheo mắt cười cười, buột ra mấy tiếng: ?o tiểu quỷ Mày là tiểu quỷ? rồi cũng chẳng giải thích gì thêm. Cứ thế mà cuộc rượu kéo dài tới nửa đêm, mặc cho bà Băng nhắc nhở về thời gian, và ép người này người khác ăn các món ăn chính tay bà nấu.
    Khi chúng tôi chia tay vợ chồng Văn Cao bước xuống cầu thang, chuông đồng hồ nhà bên điểm 12 tiếng. Thế là đã trọn ngày sinh nhật của ông. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng, cuộc đời đã bắt đầu bước vào ngày mới.
    Hai mươi năm cuối cuộc đời, Văn Cao chỉ viết vài ba bài hát đấy là bài Mùa xuân đầu tiên (1975) và bài Tình ca trung du (1984). Bài Mùa xuân đầu tiên ông viết sau ngày nước nhà thống nhất, khi cảm xúc trào lên ào ạt ở những người khác, thì cảm xúc của ông lắng lại, bình thản sau quá nhiều xáo trộn cuộc đời. Ông nhìn thấy mùa xuân dặt dìu theo én về, ông lắng nghe tiếng ?o gà đang gáy trưa bên sông?, và ông khẳng định rằng cái ?o mùa bình thường? đã về: ?o từ đây người biết quê người - từ đây người biết thương người - từ đây người biết yêu người?.
    Âm nhạc của ông vẫn đẹp, ấm và sang trọng, thoát hẳn ra ngoài những bài hát reo vui lúc bấy giờ. Đó là bí ẩn tài hoa riêng của ông. Bài hát liền sau đó được dịch và in ở Liên Xô. Chỉ tiếc rằng hầu như nó chẳng được phổ biến trong đất nước của mình. Có lẽ ông ít viết bài hát ở giai đoạn này là vì thế . Rồi mùa thu 984, tôi đi cùng ông trong tốp nhạc sĩ lên Vĩnh Phú theo lời mời của Bộ tư lệnh Thông tin. Có lẽ lâu lắm rồi, ông mới có dịp ?o đi sáng tác tập thể? như lần này. Chúng tôi về một nhà máy thông tin dưới chân núi Thắm, tiếp xúc với những người lính thợ, nghe thành tích của họ, xem họ làm việc và nói chuyện, đọc thơ, hát cho họ nghe. Văn Cao kể lại những kỷ niệm xưa bên dòng sông Lô đã giúp ông làm nên bản Trường ca sông Lô bất hủ. Trên đường về, gặp nhà thơ Bút Tre, hai ông ôm hôn nhau xúc động chảy nước mắt. Nguyễn Thụy Kha gọi Văn Cao và Bút Tre là tiêu biểu cho hai ?o trường phái thơ hiện đại Việt nam?. Các ông được xếp ?o đồng hạng? với nhau lấy làm thích thú lắm. Sau chuyến đi ấy, chúng tôi đều viết về bồ đội thông tin, chỉ riêng Văn Cao là viết tình ca. Bài Tình ca Trung du giai điệu sáng láng, lời ca đẹp như thơ: Một cánh tay Sông Hồng, một cánh tay Sông Lô, Hai cánh tay như ôm trung du. Và ở đoạn kết là lời hẹn hò trở lại thật bâng khuâng. Hẹn trở về bên núi Thắm vào ngày mùa thu sáng láng ... nắng trên đồi như nước trôi trên sóng?.
    Càng ngày sức khỏe Văn Cao càng giảm. Huyết áp thường bị tụt. Phổi bị khô. Cột sống bị thoái hóa, có giai đoạn phải mặc áo giáp để đỡ cột sống. Nhưng ngồi với ông lúc nào cũng vui. Tháng tư năm 1985 Thanh Thảo ra Hà nội tổ chức cho Văn Cao , Nguyễn Thụy Kha và tôi vào thăm Nghĩa Bình theo lời mời của tỉnh. Ông mừng lắm, thậm chí nói rằng, có thể đây là chuyến đi cuối cùng về phía Nam. Đang chuẩn bị đi thì ông bị đau, may mà qua nhanh được. Thanh Thảo lấy thêm vé máy bay cho vợ ông, vì thiếu bà thì chuyến đi sẽ dễ gặp bất trắc, bà còn là bác sĩ riêng của ông. Cả tỉnh Nghĩa Bình mừng vui đón ông, chỉ thiếu dựng cổng chào. Tôi nói vui như thế, vì ở đâu cũng được hâm mộ và kính trọng như đối với một nhân vật đặc biệt của đất nước. Còn ông thì đối với ai cũng bình dị, gần gũi .
    Đêm ghé vào khách sạn Sa Huỳnh, cả khách sạn mời ông ở lại trọn đêm. Ông gọi những người ở đây bằng em và bảo họ gọi ông bằng anh. Và ông tự giới thiệu: ?o Anh chỉ hai mươi thôi - rồi ông chỉ vào vự - còn đây là bồ của anh?. Chính tâm hòn trẻ đẹp của ông đã xóa đi sự ngăn cách về tuổi tác, về sự mặc cảm giữa con người.
    Trong chuyến bay này, ông ?o phát hiện ra rượu Bàu Bá, một loại rượu trắng được nấu từ các lò rượu làng Bàu Bá, cách thành Bình Định tám chín cây số. Vưan cao cho rằng trong đất nước này, chỉ có rượu Bàu Bá mới có thể sánh được với rượu làng Vân nổi tiếng. Ông nhấp rượu Bàu Đá dày. Xe đi tới đâu ông cũng chở theo rượu Bàu Đá, vì ông không hợp với bia. Đến huyện Mộ Đức, trong bừa tiệc thấy ông mang rượu trắng ra uống, người ta liền amng ra mấy chai Napoleon thật đặc biệt, vỏ chai xù xì bởi những con sò biển đã bám chặt tự bao giờ.
    Đấy là rượu huyện vừa vớt được từ dưới đáy biển ngang. Chả là hồi 1976 một tàu trở rượu từ Sài Gòn ra Hà nội phục vụ đại hội Đảng đã bị đắm ở đây, ôi rượu Napoleon ngâm dưới đáy biển cả chục năm trời, thế gian này đã mấy ai được uống? Thế mà Văn Cao và chúng tôi đã gặp may mắn bất ngờ.
    Mấy ngày sau, Văn Cao viết được bài thơ Qui Nhơn 1 và Quy Nhơn 3 khép lại chùm thơ Qui Nhơn độc đáo mà bài Qui Nhơn 1 ông đã viết từ Hà nội. Khuya lắm rồi, ông gõ cửa phòng ông uống rượu, và nghe thơ mới làm. Tôi giật mnhf khâm phục tài thơi và sức sáng tạo của ông. Chúng ai mà chẳng nhìn thấy những tháp Chàm đơn côi dọc miềm Trung, nhưng cái nhìn của ông thật lạ lùng.
    Từ trời xanh
    Rơi
    Vài giọt tháp chàm

    Tôi đọc kỹ hai bài thơ của ông, và xin ông sửa một chữ trong đoạn kết bài Qui Nhơn 2: Bỗng một ngày bà mẹ Qui Nhơn - nói với tôi một lời một tiếng - chào con?. Theo tôi không nên dùng chữ chào, bà mẹ mà chào con thì khách sáo thế nào ấy, nên dùng chữ à con, nó tự nhiên, vừa tình cảm. Văn Cao khoái lắm, ông khen tôi: ?oMày đúng là thằng Nghệ?. Và ông nhờ tôi lấy bút sửa vào bản thảo giùm ông. Trong nghệ thuật, Văn Cao là một người quyết đoán, nhưng cũng là một người biết lắng nghe.
    Chính vì thế mà ông thành tầm cỡ. Mỗi lần ra Hà nội, tôi thường cùng Nguyễn Thụy Kha, Thanh Thảo hoặc Hoàng Phủ Ngọc Tường ghé thăm ông ở căn nhà 108 Yết Kiêu. Lần nào cũng được ông dành cho chai rượu ngon. Những chai rượu người ta tặng ông. Lần cuối cùng gặp ông ở đại hội nhạc sĩ, ông lại bảo: ?o Tao còn dành chai rượu, trước khi về mày đến mà mở?.
    Nhưng đã lỗi hẹn với ông. Ngày Hà nội đưa tang ông, tôi buồn quá, đến nhà Mai Khắc ứng uống rượu, cùng nhau tưởng nhớ ông. Tôi uống gần hết bình rượu mà Mai Khắc ứng không dám ngăn vì sợ tôi buồn. Mãi ngày sau tôi mới biết, đấy là bình rượu nhung hươu bạc triệu của ông bạn họ Mai. Trong cõi thiên thu, giá mà biết chuyện này, chắc Văn Cao sẽ cả cười ....
    Huế, tháng bảy, 1995
  7. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    NĂM 1983
    Thân xưa hương lửa chẳng còn ước
    Trí cũ công danh đã phí nguyền
    Trẻ mà sang ấy âu là phúc
    Già được nhàn thì trọn ấy tiên
    Cho về cho ở dần ơn Chúa
    Ngại bước chân chen chốn cửa quyền

    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    Nguyễn Trọng Tạo - nhà thơ và nhạc sĩ trẻ đến hát cho Văn Cao một sáng tác dự ?oCuộc vận động sáng tác Quốc gia?. Đó là bài Ngợi ca Đất Nước đã được chọn là một trong 17 bài, đã thu thanh theo nhiều véc-xi-ông và đã được in trong một tập 17 bài khá đẹp. Tạo còn nói đùa rằng xem ra trong 17 bài, bài của Tạo là khá hơn cả. Nhưng dù sao trong cuộc họp với 17 người viết ?oquốc ca mới?, Tạo đã nói rằng ở đây chỉ có 17 ?otác giả?. Còn ?otác thật? là ông Văn Cao thì lại vắng mặt. Văn Cao mỉm cười chua chát. Cũng chỉ đến nước cuối là cụng chén uống với nhau một ly cho khuây.
    Cuộc vận động này bắt đầu từ lúc nào, Văn Cao không nhớ rõ, hình như từ hồi 1981 thì phải. Nhưng đối với Văn Cao, đây không phải là lần đầu. Nghe phong phanh hình như hồi sau Nhân văn Giai phẩm, đã có ý kiến định chọn quốc ca là Bài ca cách mạng tiến quân của Đỗ Nhuận. Ắng đi một thời gian. Khi ấy, ngụy quyền Sài Gòn vẫn lấy bài Tiếng gọi sinh viên của Lưu Hữu Phước làm ?oQuốc ca?, thì cùng lúc với tên là Huỳnh Minh Siêng, Lưu Hữu Phước đã viết Giải phóng miền Nam làm bài ca chính thức cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và sau là cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, đã có lúc, cũng đã định chọn giữa Tiến quân ca và Giải phóng miền Nam xem lấy một bài làm quốc ca cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì Tiến quân ca chỉ là quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng hình như chỉ chơi nhạc với tốc độ ở hình thức cử quốc thiều thì bài Giải phóng miền Nam, một hành khúc nhanh không thể chơi ở tốc độ chậm được. Việc lựa chọn lại nghiêng về Tiến quân ca. C òn lần này, chắc là một chủ trương, một quyết tâm lớn để thay bằng được quốc ca. Nghe đâu, sơ tuyển là 17 bài, phát liên tục 17 bài trên làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam rồi tập trung thư góp ý của nhân dân. Rồi sau đó chọn ra 5 bài. Rồi tiến đến chọn ra một bài chính thức làm ?oQuốc ca mới?. Kế hoạch triển khai và tuyên truyền khá rầm rộ. Một ban vận động sáng tác quốc ca cũng được lập ra do Cù Huy Cận chủ trì. Một ban thường trực đóng ngay tại Cục âm nhạc và múa do nhạc sĩ Quốc Anh phụ trách. Lần này thì chắc chắn quá đi rồi.
    Thực ra Văn Cao chỉ là tác giả của Tiến quân ca còn tác giả của quốc ca chính là nhân dân và quốc hội khóa 1. Đã chọn được quốc ca thì cũng có thể thay đổi quốc ca. Điều ấy không có gì sai. Nhưng vấn đề là còn nhân dân nữa. Bài quốc ca bao năm nay đã ngấm vào từng người Việt Nam, biết đớn đau như da thịt, biết chảy ra như máu. Dễ gì mà thay máu cho toàn dân tộc. Tuy nhiên giữa tình hình đó, hồi 1982, nhận lời mời các tác giả quốc ca của Cộng hòa Dân chủ Đức, Văn Cao sau một cơn đau dạ dày kịch liệt, đã cùng nhạc sĩ Đàm Linh đến Vâyma. Trong một sự việc, bao giờ cũng có hai mặt của nó.
    Ở đại hội nhạc sĩ lần thứ 3, Văn Cao trở lại vị trí ủy viên ban chấp hành. Sau đại hội là những ngày vui cùng Trịnh Công Sơn.
    Ngay sau giải phóng miền Nam, Văn Cao đã nghe Trịnh Công Sơn. Ông thầm thốt lên: ?oThế là gặp thêm một tri kỷ?. Ông thích chất hát thơ trong các ca khúc Trịnh Công Sơn. Âm nhạc hoàn toàn tuân thủ theo thể ba đoạn đơn (a-b-a). Nhưng lời ca thì hằn lên ấn tượng và siêu thực. Sơn gần như là người duy nhất, từ phía bên kia, bằng một cặp mắt nhìn chiến tranh của nhân loại, đã nói những điều thật tâm huyết về cuộc chiến tranh vừa qua. Nên không lạ gì, sau giải phóng miền Nam, Trịnh Công Sơn có thêm thính giả của một nửa Việt Nam ở miền Bắc nữa. Sơn giống ông ở chỗ cũng làm nhạc, làm thơ và vẽ tranh.
    Buổi sáng mùa thu ở Hà Nội thật dịu dàng và thơm. Thỉnh thoảng gió lại thổi vào căn phòng những hạt trắng li ti của cây bên hè đường. Sơn gõ cửa và bước vào. Nghe tiếng gọi của ông, bà vợ đã mang ra một chiếc ly sạch. Rượu ?oquốc lủi? rót vào ly thủy tinh trong, nhìn thấy cả tăm sủi. Hai thế giới âm thanh cụng ly, uống và nghĩ ngợi. Rồi đột nhiên, Sơn hát:
    Hà Nội mùa thu
    Cây cơm nguội vàng
    Cây bàng lá đỏ
    Nằm kề bên nhau
    Phố xưa nhà cổ
    Mái ngói thơm nâu?

    Một cảm giác về mùa thu Hà Nội của người bạn phương xa làm dậy lên trong Văn Cao bao kỷ niệm về mùa thu. Nào là từ Buồn tàn thu, rồi đến?rồi đến. Văn Cao ngồi và cười thầm lặng. Cái cười chua xót ẩn kín đằng sau những nếp nhăn. Âm nhạc vẫn như cánh diều giấy bay trên cánh đồng ca khúc. Tiếng hát trễ tràng giấu kín bao điều thầm lặng.
    Chiều tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày sinh của Văn Cao dìu dịu, lãng đãng không khí của mùa thu. Căn gác hai số nhà 51 Trần Hưng Đạo mà Bảo Đại đã từng ở thời gian sau Cách mạng tháng Tám, giờ đây đang diễn ra lễ kỷ niệm 60 tuổi của một nhạc sĩ. Lâu lắm rồi, hẳn phải ngót đến 30 năm, Văn Cao mới chính thức xuất hiện trở lại thế này.
    Khi Kim Ngọc cất tiếng hát Thiên thai, tất cả hội trường lặng phắc. Không khí dường như cũ đi một cách dễ chịu. Văn Cao đột nhiên nhớ Kim Tiêu. Chưa ai thể hiện những cung bậc này hơn được giọng hát vàng ròng ấy. Trong chín năm kháng chiến, Kim Tiêu bị bắt và tù vì hát bài hát cách mạng. Mùa xuân 1950, một lực lượng họat động địch hậu đã giải thoát cho Kim Tiêu ra khỏi nhà tù. Và cũng mùa xuân ấy, trong lòng địch, trong cuộc tập hợp của học sinh, sinh viên vùng tạm chiếm. Kim Tiêu đã hát vang Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ. Và không ngờ nhất là Kim Tiêu lại hát cả Trường ca sông Lô trong buổi ấy. Người bạn xấu số ơi! Bây giờ hồn bạn đang ở nơi nào? Bạn có biết mà về đây chia sẻ cùng tôi những giây phút trở lại của một thời âm nhạc Văn Cao không? Văn Cao thương cả Trần Khánh. Gắn bó bên nhau từ những họat động, lúc giận, lúc yêu, lúc nào cũng thật sự một tình thân thiết. Khổ cho chàng ca sĩ ấy là đúng lúc cuộc đời mỉm cười với mình, thì lại vĩnh viễn ra đi đột ngột trong một tai nạn ô tô.
    Văn Cao nghĩ tới mình. Liệu sau ngày hôm nay, có còn lúc nào công khai hơn, đông đảo hơn những người nghe. Tình hình đã có một tín hiệu của sự chuyển biến.
  8. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Những Chuyến Đi
    Cảnh cũ điền viên tìm chốn cũ
    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    Văn Cao đã nhập vào thế hệ trẻ bằng những chuyến đi sáng tác.
    Tháng 7-1984, đã sang thu nhưng trời còn rất nắng. Nắng hun đường nhựa và đồi sỏi. Không gian ngùn ngụt như sắp cháy. Chiếc xe ca chầm chậm trườn qua những con đường ngoằn ngoèo đèo dốc trung thu vất vả và khó nhọc. Văn Cao nhấp một tợp rượu, chòm râu cước ướt đẫm mồ hôi, nhưng nụ cười vẫn tươi tắn. Ông vui. Năm nay, bài Tiến quân ca tròn 40 tuổi. Lên trung du, ông có niềm vui của người trở về sau 20 năm xa cách. Ơi trung du của một thời gắn bó. Nắng và nụ cười, không mấy chốc chiếc xe ca đã lững thững chạy vào hoàng hôn núi Thắm. Ở cửa một nhà máy quốc phòng, anh hùng Đặng Đức Song đã tươi cười chờ đón. Một đêm ca hát và rượu nồng đã diễn ra.
    Những giây phút gặp gỡ những con người của làng thợ làm ấm lên xúc động trong từng con người, giữa buổi sớm mùa thu còn thoáng lạnh hơi sương. Ở đâu cũng tíu tít chào hỏi. Ở đâu thơ và nhạc cũng tuôn trào ướt át. Một nhà máy sản xuất dụng cụ thông tin quốc phòng đã nhập vào trí tưởng Văn Cao những ấn tượng công nghiệp, bằng những số phận tuổi tác. Rưng rưngchìm trong nhà bảo tàng. Một không khí trong lành của quá khứ đã được hít thở đến tận cùng rung cảm. Còn đau đầu một bóng hình bố con ông lão chăn bò trên núi Thắm thuở xưa.
    Nhưng rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngọn đồi trung du lùi lại đằng sau. Ở Việt Trì, vào thăm Hội Văn nghệ, Văn Cao gặp lại Bút Tre. Văn Cao không ngờ đây là lần cuối cùng gặp lại Bút Tre. Nhà thơ hồn nhiên của trung du, mở ra một ?otrường phái thơ Bút Tre? với khá nhiều nhận định đánh giá, mừng quýnh lên khi gặp bạn xưa. Chính lúc ấy, một điều gì đó đã len lỏi thành âm nhạc trong Văn Cao. Và nó đã trào ra:
    Đi lên trung du màu nắng mới màu hoa và tiếng hát thật xa.
    Miền quê núi Thắm ở cuối sông.
    Một cánh tay Sông Hồng
    Một cánh tay sông Lô
    Hai cánh tay như ôm trung du?

    Bài tình ca đã được đẩy đến tận cùng của khái quát, của cảm xúc sau một chuyến trở lại trung du của Văn Cao. Nó đã vang lên trên làn sóng của đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát Hữu Nội, kết thúc một chặng dài im lặng bài hát Văn Cao trên làn sóng.
    Trở lại Quảng Ngãi tức là đi trong những cái tên Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ,v.v? những địa danh gọi ân đức tình nghĩa đến nao lòng. Cái lành lặn của biển trời làm dậy lên lòng ham đất, ham nước. Rời sông Trà, Văn Cao lại đến vùng sông Vệ. Một vùng châu thổ trù phú của miền Trung mang tên ?oTiểu Đồng Nai?. Bên bờ sông, thấp thoáng những túp lều tranh bán giải khát mang dáng vẻ kiến trúc của người da đỏ châu Mỹ. Dừng ở bên cầu Giắt Dây, hết nhìn dòng sông chảy lấp loáng đêm trăng, lại thèm chui vào lều tranh làm một ly chanh rum thơm nức. Và bỗng bâng khuâng như nghe vẳng đâu đây một giai điệu in-ka của Vi-la Lô-tốt. Theo hương hoa cau lan man rẽ vào lối xóm, bỗng gặp một con sông nhỏ có cái tên thật hay. Đó là sông Thao. Sông Thao có dáng vẻ như một cái thoa cài vào một cánh đồng lúa xanh như mái tóc của đất đai.
    Thật dễ dàng như núi nhào ra biển. Sa Huỳnh với cái tên gợi nên một nền văn minh xa xưa - nền văn minh Sa Huỳnh - lại có một thiên nhiên mang một nhịp điệu thật trẻ. Nếu không được nhìn những mảnh sành cổ đại của bãi biển này, chắc cứ nghĩ nó vừa sinh ra, vừa đông cứng lại từ một bản nhạc rốc của Trần Tiến. Đêm ở Sa Huỳnh lúc nào biển cũng như một vòm trời đầy sao. Giăng mắc khắp mặt biển là những chiếc thuyền đánh cá. Cảm giác bình yên chợt xóa nhòa đi ấn tượng hỏa châu của một vùng giáp ranh.
    Những dịu dàng đồng bằng hòa lẫn những đột khởi núi non. Và thẳm sâu hơn nữa, nó như vọt ra từ một ám ảnh Chàm. Chiều trong rặng dừa ở Cổ Lũy Cô Thôn cợt đượm buồn. Đâu đó trong tiếng xào xạc của đồng mía, đồng ngô có tiếng khua gươm đao của một thời chiến trận. Máu người Việt, máu người Chàm đã thấm vào đất đai. Cả máu người Hoa nữa. Lịch sử là lịch sử, thời gian trôi đi, còn hỏa huyết thì truyền lại. Chợt nhớ Bích Khê da diết: ?oÔ hay buồn vương cây ngô đồng?, câu thơ như vọng đâu đây.
    Đêm sau cuộc nhậu, Văn Cao một mình lang thang trên đường phố Quảng Ngãi. Ông cố tìm ra những dấu vết thân thuộc của hồi mùa xuân 1946. Nhưng thị xã đã đổi khác nhiều. Chỉ còn lại giữa Quảng Ngãi hôm nay, một Quảng Ngãi xa xưa trong trí nhớ.
    Ở Quy Nhơn lại có một cảm giác khác. Vốn là kinh thành của người Chàm, rồi là kinh thành đầu tiên của Nguyễn Hửu. Quy Nhơn với cái tên ẩn chứa sự quy tụ của người tài đã thực sự trở thành một trong nhiều cái nôi của thi ca thế kỷ 20 ở Việt Nam. Ai có thể quên được ?onhóm thơ Bình Định?.
    Ở Quy Nhơn, biển như trong hơn khác thường. Một mùi hương nào đó cứ nán níu mãi trong tâm trí. Sóng cứ mạnh mẽ cười vang trên bờ bãi và sương mờ lãng đãng trên các mỏm núi như khi biển dâng lên kéo thấp núi xuống. ở giữa hai triền núi, có cảm giác như thành phố sắp bay lên. Chỉ một tiếng thưa dịu dàng đâu đây, dù làm con người ngoái lại một quá khứ, dù làm nóng mặt như vừa cụng xong một ly rượu. ở nhà Thanh Thảo, Văn Cao thấy tràn ngập một cảm giác chuếnh choáng khi Thanh Thảo khẽ cắm bông hoa hồng bạch vào một bình rượu cổ. Bông hoa tưởng chừng bị lụi đi, lại đột ngột nở ra như đón chào khách đến. Văn Cao chợt hứng khởi. Ông ôm đứng cây ghi-ta búng một hợp âm. Ông không ngờ khoảnh khắc ấy lọt vào ống kính một nhà nhiếp ảnh nghiệp dư. Và bức ảnh đã gắn bó như một động tác quen thuộc suốt đời ông.
    Ở Quy Nhơn, đi hết bến Cá lại đến dốc Mộng Cầm. ở đâu cũng thấy đầy ngặt một ám ảnh Hàn Mặc Tử. Chính ở đây, trong một chiều rất say, rất dại, rất nhớ, rất thương của thập niên 30, Hàn Mặc Tử đã viết một bài tựa cực kỳ siêu thoát cho tập thơ Xuân như ý của ông. Không còn một nơi nào khác như Quy Nhơn, ngoài Quy Nhơn, tài năng thơ của Hàn Mặc Tử tuy ngắn ngủi đã vọt lên tới chót vót của thi đàn Việt Nam.
    Buổi chiều tại căn nhà mái tôn đầu thị trấn An Nhơn, nơi vút lên thành Đồ Bàn xa cũ, Văn Cao đã gặp lại Yến Lan sau bao nhiêu năm xa vắng. Có thể nói là từ sau tập Những ngọn đèn và sau thời kỳ Nhân văn Giai phẩm, hầu như Văn Cao không gặp Yến Lan nữa. Ngồi bên bức sơn dầu của Quang Dũng, hai người bạn hàn huyên không ngớt. Sau giải phóng miền Nam, Yến Lan rời Hà Nội về quê, nơi mảnh đất sinh ra ?onhóm thơ Bình Định?.
    Cũng chiều ấy, trên đường về thành phố Quy Nhơn, khi men theo con đường nhiều tháp Chàm, Văn Cao đã viết: ?oTừ trời xanh - rơi vài giọt tháp Chàm??. Và bộ bài thơ Quy Nhơn đã lần lượt được làm ra.
    Còn buổi sáng ngồi bên sông Gò Bồi thật chìm lắng. Nơi đây, nổi tiếng một vùng nước mắm và là quê mẹ của Xuân Diệu. Nhìn con đường nhỏ, đi men bờ sông. Văn Cao chợt thấy có một cái gì tủi tủi cho Xuân Diệu. Đúng là đất này đã sinh ra Xuân Diệu và Xuân Diệu có đầy đủ tư chất của vùng Gò Bồi, với bánh xèo và rượu, với dòng sông Gò Bồi chảy lờ lững. Chính Xuân Diệu là người giới thiệu bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc của Văn Cao. Và cũng chính Xuân Diệu? Văn Cao thôi không muốn nghĩ nữa. Phải biết độ lượng. Và khi trở về Quy Nhơn, Văn Cao đã viết:
    Không phải Quy Nhơn đẹp
    Những nhà thơ tôi đọc
    Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Xuân Diệu
    ?

    Ba bài thơ Quy Nhơn của Văn Cao đã được in trên báo Văn Nghệ vào khoảng tháng 7-1985. Cũng chấm dứt ngót 30 năm không in thơ trên báo Văn Nghệ. Hoàng Trung Thông, Tế Hanh và Nguyễn Đình Thi đến chúc mừng.
    Còn với Xuân Diệu, trong ngày tang chế xảy ra hồi cuối tháng 12-1985, Văn Cao đã đến, cúi xuống trước linh cữu Xuân Diệu. Họ đã không nói được thêm điều gì với nhau từ hồi ấy. Những đã biết lượng thứ cho nhau, qua thời gian.
    Cửa biển Hải Phòng, cuối mùa thu. Ngày kỷ niệm thành lập trường Ngô Quyền (trường Bon-nan cũ) nhộn nhịp từ sớm. Dòng người lũ lượt trôi qua cái cổng trường bé nhỏ nhưng rất đỗi thân quen. Những mái đầu bạc lẫn cùng những bím tóc đen nhánh, non tơ. Những lời chào hỏi. Những tiếng gọi nhau nghe thương lạ. Qua cổng trường, tất cả đều cởi bỏ cái áo khoác xã hội của mình. Chỉ còn là những người học sinh hồi hộp hành hương về quá khứ thửơ cắp sách. Mùa thu đã xẫm đỏ trên từng chiếc lá bàng.
    Sân trường bỗng im lặng. Buổi lễ bắt đầu. Dàn kèn thiếu nhi bắt đầu tấu lên bài quốc ca. Tất cả đều ngả nón mũ thành kính. Giữa những giây phút thiêng liêng ấy, bỗng thấy tổ quốc như thu nhỏ lại trong cái diện tích bé nhỏ của sân trường. Giữa lúc mê đi trong giai điệu bài ca, tưởng như có thể đo được độ nóng của mạch máu đang dồn lên gương mặt. Nhưng giữa không khí ấy, có một người già tóc cước, râu cước, dáng nhỏ thó, không hiểu vì sao không ngả mũ chào cờ. Ông quên hay cố tình không ngả mũ. Không ai đoán được. Nhưng nếu chú ý nhìn rõ gương mặt, ta có thể chợt nhận ra dễ dàng. Đó là nhạc sĩ Văn Cao - tác giả của bài ca đã trở thành quốc ca mà ta đang thành kính nghiêm trang theo nó, mà hướng chào lá quốc kỳ.
    Văn Cao hoàn toàn quên ngả mũ. Ông đang lắng nghe xem dàn hòa tấu có chơi sai nốt nhạc nào không, nghe xem bản phối do ai đó phối cho giai điệu bài ca có hay không. Cho đến khi lễ chào cờ kết thúc, người chụp ảnh mới đến ghé tai tiết lộ chuyện đó, Văn Cao mới biết, ông mỉm cười. Đáng buồn cười thật. Ai dè chính mình phải đứng nghiêm trang trước một bài ca do mình làm ra. Thế mới biết là nghệ sĩ, nhưng lỗi lầm kiểu thế này thật dễ mắc. Nhưng ?ođã mang lấy nghiệp vào thân?, còn biết làm sao được.
    Được boxwehn sửa chữa / chuyển vào 21:11 ngày 30/11/2006
  9. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    NĂM 1988
    Lòng thử hỏi lòng không hổ thẹn
    Đến đâu thì cũng có xuân phong

    Nguyễn Bỉnh Khiêm
    Tháng 9 năm 87, một chương trình nhạc Văn Cao được tổ chức ở Cung Văn hóa Lao động Việt - Xô. Nhưng chưa gây được tiếng vang bằng đêm nhạc Văn Cao ở thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối 1986. Phải chờ đến năm 1988, sự hồi sinh của Văn Cao mới trở thành thực sự.
    Đêm nhạc Văn Cao đầu tiên trong mùa xuân Mậu Thìn được tổ chức tại câu lạc bộ thính phòng của Nhà Văn hóa Trung tâm Hà Nội ngày 17.1.1988. Cái thế giới âm thanh của một tâm hồn dào dạt nhiều cung bậc đã được phát xạ ra không gian nghệ thuật từ nửa thế kỷ, đã có một khoảng thời gian dài im lặng chừng 30 năm, tưởng chừng như tan biến, tưởng chừng tắt hẳn, thì hôm nay, trong mùa xuân con Rồng này lại đột ngột dội lên. Đêm ấy, Hà Nội trở rét. Ngay từ trước giờ khai mạc rất sớm, người người đã đông chặt ở cửa vào. Vé ngồi bán hết, phải bán đến vé đứng. Người đến nghe mỗi người một tâm trạng nhưng đều cùng chung một sự im lặng, một nỗi hồi hộp đón chờ.
    Có gì lạ lùng hơn sự thực đâu? Chỉ là sự thực thôi mà dường như lâu lắm, nó thường bị lãng quên, mà dường như lâu lắm nó mới được thốt lên, những tràng vỗ tay vây lấy Văn Cao. Rồi đêm nhạc bắt đầu vang bay?
    Sau phần hòa tấu Trường ca Sông Lô của dàn nhạc mà chủ yếu là vi-ô-lông, nhịp hành khúc của những người thợ được đồng ca hát lên rắn rỏi. Những cảm xúc về Bác Hồ của Văn Cao được Quý Dương diễn tả cùng phần đệm của tốp nữ. Rồi tốp nữ lại dịu dàng tha thiết trong Ngày mùa. Lại Quý Dương hùng hồn với Thăng Long hành khúc ca. Tiếng vỗ tay trào lên như sóng trùng khi Quý Dương như kêu thốt từ chính trái tim câu hát cuối cùng: ?oThăng Long! Thăng Long? Thăng Long thành!?.
    Không khí như lắng lại ở phần biểu diễn các tác phẩm của Văn Cao trước Cách mạng tháng Tám. Kim Ngọc dù đã 60 tuổi vẫn để lại một ấn tượng sâu sắc khi hát Thiên thai và nhất là Trương Chi. Ở Trương Chi, Kim Ngọc đã hát hay đến từng chữ, từng dấu lặng. Một tình yêu, một bi kịch, một nhân tính cứ dần dần lồ lộ, ***g lộng một khối âm thanh rồi bất ngờ đổ xuống như thác. Quý Dương trở lại với Đàn chim Việt cùng tốp nữ phụ họa. Những ai đã từng dọc đường tàu Nam tiến, những ai đã từng bộ hành xuyên Việt Bắc mà đâu đây, trong khán giả có tiếng thầm hát theo. Cả một thời trai đầu cách mạng đang hồi sinh trong bài hát. Rồi tốp nữ với trang phục trắng đang làm trẻ lại một Suối mơ.
    Trở lại những ngày kháng chiến chống Pháp, nhịp vales đã được Việt Nam hóa trong ca khúc Làng tôi vẫn do tốp nữ thể hiện trên nền dày của đàn dây và ghi ta gỗ. Và Trường ca sông Lô lại tiếp tục vang lên như phần đệm cho giọng hát Kim Định. Khi Kim Định hát ?oMùa xuân tới, nước băng qua?? thì tiếng vỗ tay dào dạt như biển dâng, như thăng hoa theo cao trào tột cùng của khát vọng.
    Sau đồng ca Tiến về Hà Nội, Văn Cao mừng tủi đón nhận từng bó hoa, từng phần hồi sinh trở lại với mọi người. Hoa và hoa đến không cầm được nước mắt.
    Khi chương trình nhạc đi tới buổi thứ 60 thì Văn Cao vẫn nằm điều trị tại Viện Quân y 103. Bệnh gai đôi cột sống đã kéo ông nằm xuống khi mùa xuân âm nhạc của ông đang trở lại. Bao nhiêu tin tức ập đến khiến Văn Cao rất sốt ruột. Đáng kể nhất là tin Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán và Hoàng Tích Linh được phục hồi hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Khi Văn Cao xuất viện thì cũng là lúc Bùi Xuân Phái vĩnh biệt cõi đời. Tin lại làm cho Văn Cao choáng váng.
    Còn nguyên một không gian bạn bè ở quán cà phê Lâm toét. Ở
    đấy, ông, Nguyễn Tuân và Bùi Xuân Phái có bao nhiêu kỷ niệm. Nhà họa sĩ của các phố cổ Hà Nội đã từng là người đầu tiên hát Tiến về Hà Nội của Văn Cao. Phái tạo ra phố Phái bằng tranh. Nguyễn Tuân tạo ra phố Phái bằng tùy bút. Còn Văn Cao thì tạo ra phố Phái bằng thơ. Văn Cao lật giở những bức ảnh chụp cùng Nguyễn Tuân và Bùi Xuân Phái. Ông Tuân thì đã thành thiên cổ từ năm ngoái. Bây giờ lại đến Phái. Bạn bè sao cứ thưa thớt dần. Tới cõi cả rồi. Mà vẫn còn bao băn khoăn, trăn trở cho nghệ thuật.
    Phái sinh ra như để vẽ. Ông đã dành cho vẽ phần thời gian nhiều nhất của đời sống. Những ngày cuối ở bệnh viện, Phái vẫn vẽ không ngừng. Bao năm rồi, Phái và ông đã gắn bó nhau trên những trang minh họa, trên những bìa sách, những phụ bản. Và có một lần, ấy là cùng chơi với nhau trong tập Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm. Bây giờ thì vĩnh viễn. Nhưng hình như ông vẫn đang đi qua, đi không bao giờ hết phố Phái.
    Cuộc gặp mặt các đội viên thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu khi xưa được tổ chức vào ngày 19-8-1988. Hóa ra, ở thời ấy, nhà văn Hà Minh Tuấn đã từng là một chỉ huy cao cấp của tổ chức này. Văn Cao được mời đến dự với hai tư cách: một là nhạc sĩ, bạn của Đoàn Chuẩn. Một nữa là người đã từng là đội viên trong đội danh dự hồi ấy. Ngày vui này còn là ngày gặp mặt của hai lực lượng họat động lúc đó. Nhìn Đoàn Chuẩn đi lại, bắt tay, cười nói, Văn Cao thấy lòng mình vui lên, thanh thản đi bao nhiêu.
    Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều. Khi Văn Cao ở khu 3, thì Đoàn Chuẩn ở khu 4 và bắt đầu sáng tác bài hát đầu tiên - bài Tình nghệ sĩ. So với tuổi, Đoàn Chuẩn trở thành nhạc sĩ hơi muộn. Ông gần như là một trong những người cuối cùng kết thúc một dòng chảy từ thời đầu tiên của ca khúc Việt Nam - dòng chảy của những giai điệu có vẻ đẹp bay ****, mơ màng.
    Đến khi giải phóng thủ đô, gặp lại Đoàn Chuẩn, Văn Cao đã thấy Đoàn Chuẩn có thêm nhiều ca khúc. Cậu công tử con nhà tư sản làm nước mắm là nhạc sĩ của mùa thu Hà Nội. Nghe Đoàn Chuẩn, thấy nhớ đến thơ Bà Huyện Thanh Quan, văn Thạch Lam và tranh Bùi Xuân Phái. Ai là người Hà Nội hoặc từng sống, từng yêu Hà Nội thực sự, hẳn chưa quên những Gửi gió cho mây ngàn bay, Thu quyến rũ, Chuyển bến, v.v? Ngay cả bài Gửi người em gái miền Nam mặc dù viết về mùa xuân Hà Nội thì người nghe vẫn cảm thấy ông đứng từ mùa thu đã vắng xa mà vọng tới. Cũng như bài này, mà Đoàn Chuẩn bị rầy rà. Sau khi bài hát đã thu thanh và hát trên đài Tiếng nói Việt Nam thì có một bài phê bình cho là bài hát thiếu quan điểm đấu tranh giai cấp. Và thế là, tuy không bị liệt vào số phần tử Nhân văn Giai phẩm, ca khúc của Đoàn Chuẩn cũng bị quên lãng cho đến năm nay mới được hát trở lại.
    Đoàn Chuẩn lại ôm đàn và đang hát. Đấy là một bài hát mới sáng tác từ thơ Văn Cao - bài Khuôn mặt em.
    Chưa kịp vui mừng nhiều khi tập thơ Lá và tập bài hát Thiên Thai được ấn hành, Văn Cao đã quỵ xuống bởi chứng tràn dịch màng phổi.
    Ở viện A chống lao, Văn Cao vừa qua một ca mổ. Ông nhìn xung quanh bằng cặp mắt đục buồn. Đã hai tuần qua, Văn Cao buộc phải cách ly hai thứ mà ông tưởng không xa nổi. Đó là rượu và thuốc lào. Cơn bệnh kỳ này gây nhiều đe dọa. Nhưng rồi hiểm nghèo cũng qua, Văn Cao chợt nhớ đến một câu thơ làm ở Phá Tam Giang hồi đầu năm 1987: ?oTôi bíu vào dây lưới - lưới là cái cuối cùng - đang hất tôi xuống biển?. Không biết cái lưới của viện A này có hất Văn Cao xuống? âm phủ không?
    Nằm trong bệnh viện, Văn Cao nghĩ mà buồn cười những ngày qua. Những ngày phải làm một diễn viên bất đắc dĩ. Không biết từ bao giờ, ông đã đến với điện ảnh với tư cách người làm nhạc phim. Nhạc phim Chị Dậu là nén hương ông thắp viếng hương hồn cụ đầu xứ Tố, rồi Lửa rừng, rồi Đi bước nữa. Cảm hứng tươi non, hồn nhiên của cô con gái út đã tạo ra nhạc của ông cho các phim hoạt hình. Kỷ niệm cuối cùng của ông với đạo diễn Trần Thịnh là nhạc cho phim tài liệu về hội họa.
    Còn năm nay, ông phải phục vụ cho chính bộ phim về mình do Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương triển khai. Lại những cảnh đi lại, cảnh diễn để quay. Thật khó nhọc. Trước phim này, phim video Người đi trên cát không để lại dấu chân của Video Sài Gòn đã phát hành. Rồi còn những băng nhạc của vô tuyến truyền hình. Năm 1988 chật nghẹt những hành động, những thông tin.
    Khi nhạc sĩ Văn Cao rời viện A thì đã đến những ngày cuối năm 1988, liên tiếp là sự ra đi của Nguyễn Sáng và Dương Bích Liên, Văn Cao nghẹn ngào như muốn ngã xuống. Ôi năm 1988. Năm xen kẽ buồn, vui, bệnh tật, hồi sinh và tang chế.
  10. boxwehn

    boxwehn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2004
    Bài viết:
    882
    Đã được thích:
    0
    Khát Vọng Biển
    "Cửu cửu càn khôn dĩ định"Sấm Trạng Trình
    Nguyễn Đình Thi đi Paris về. Lâu lắm Thi mới lại ngồi dài dài cùng Văn Cao. Mọi lần, Thi chỉ tạt qua căn gác 108 này như một lời thăm hỏi. Thế là Văn Cao và Thi đã có đến nửa thế kỷ là bạn bè của nhau. Những ngày sống bên nhau trước cách mạng. Những ngày Thi trở thành đại biểu quốc hội khóa 1, còn Văn Cao thì trở thành tác giả của quốc ca Việt Nam. Rồi những ngày kháng chiến, Thi có Người Hà Nội thì Văn Cao có Trường ca sông Lô. Rồi hai người đã đứng cùng một phía bảo vệ "thơ không vần", kỷ niệm còn tươi ròng làm sao. Không biết số phận định đọat thế nào mà hai thằng học sinh trường Bon-nan xưa cứ lẽo đẽo bên nhau suốt cuộc hành trình vất vả này. Hồi Nhân văn, sau khi viết bài phê bình Lê Đạt, Thi còn phải đăng đàn về Văn Cao trước thanh niên ở Bách Thảo. Cái thời ngột ngạt và chua xót. Và thế là liên miên hai số phận ở hai căn nhà rất gần nhau. Bây giờ cũng vậy, Văn Cao đưa ly rượu lên. Nào thì cụng chén. Phải buồn đến thế nào mới có thể uống ngày này sang ngày khác, trong suốt mấy chục năm. Uống đến dài râu. Uống đến trắng tóc. Văn Cao lại cười, tiếng cười có cái gì nghèn nghẹn.
    Thi kể về cuộc gặp gỡ Phạm Duy ở Paris. Kết cục không có gì vui. Duy đã quẩn rồi. Tại sao cứ gào lên chống phá không mục đích như thế? Cứ tự đánh mất mình như thế, làm gì còn lối mà trở về? Duy đã rực sáng và đã kết thúc. Nên lặng lẽ là hơn. Lặng lẽ thì còn giữ được tình nghĩa. Cuộc sống thường tìm thấy ở sự giản đơn, đau khổ và hy vọng.
    Đọc hồi ký Tố Hữu trên báo Văn Nghệ, thấy nhớ Nguyễn Tuân lạ. Bây giờ thì đã xong việc ?osang cát?. Thế là đã vĩnh viễn. Dẫu hơn Văn Cao tới 13 tuổi, ông Nguyễn lại nhập vào cách mạng đúng khi gặp Tố Hữu giữa năm 1946. Con người với câu định nghĩa ngang tàng về nghề văn "Sinh sự để sự sinh" cứ đi một cõi riêng như thế suốt một thời trước cách mạng. Sự hoàn mỹ của Chùa Đàn đã đưa nhà văn của Vang bóng một thời tới đỉnh cao. Và thật dễ tuyệt vọng. Nhưng ông Nguyễn đã "lên đường kháng chiến" và không biết tự bao giờ có một tình thân với Văn Cao. Song kỷ niệm thật dày, thật đầm ấm là kỷ niệm của một thời lặng lẽ ngẫm nghĩ. Sau cái lần cứu Văn Cao thoát chết ở Tây Bắc, họ cùng về Hà Nội và thường gặp nhau, để nhìn nhau thật im, để tựa vào nhau mà bước tới. Tiếc là gần tới lúc nhìn thấy được nhiều thay đổi, thì ông Tuân lại ra đi như một điều vô lý. Bài thơ của Văn Cao viết tặng ông Nguyễn đã lâu lại trở thành nén hương thắp trước bàn thờ người đã khuất :
    Chúng tôi hai người
    Thường gặp nhau hàng ngày
    Buổi sáng trên một cái bàn
    Thuộc từng lớp bụi
    Một căn phòng không bao giờ dọn dẹp
    Những đồ vật càng cũ nát từng ngày
    Chúng tôi nói như không nói
    Im lặng nói nhiều hơn
    Không ai nghe chuyện riêng của nhau
    Mắt anh và mắt tôi
    Một lớp tro đang ròng ròng kéo sợi
    Như tơ nhện trong không gian đầy nước
    Phủ các đồ vật cũ
    Phủ lên cả chúng ta
    Đến lúc không còn trông thấy nhau nữa
    Chúng tôi hai người
    Một bóng?

    Cái bóng ấy bây giờ chính là nơi ông Nguyễn nằm xuống. Văn Cao thấy sức của mình cũng đã sa sút nhiều. Tuy tinh thần còn tỉnh táo, nhưng bệnh gai đôi cột sống đã kéo dịt ông xuống chiếc giường thân thuộc. Song dù có thế nào đi chăng nữa, ông cũng đã phần nào nguôi ngoai, phần nào thanh thản.
    Người vợ mang về cho ông cút rượu. Nhìn cái dáng đi không còn nhanh nhẹn của cô tiểu thư Hà Nội khi xưa, lòng ông trào lên một mến thương khó tả.
    Hồi ấy, sau những chuyện tình lỡ dở, nhờ làm báo mà ông đã quen cô con gái của chủ nhà in họ Nghiêm. Đấy là một con nai nhỏ trinh bạch và ngơ ngác đạp lên những chiếc lá vàng khô của một xã hội đang sắp lụi tàn. Chưa cưới được nhau nhưng ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cô tiểu thư vẫn lên đường kháng chiến cùng người yêu. Và tuần trăng mật của họ đã nuột vàng ở vùng Ba Thá thôn quê, đã làm ra cho ông một Làng tôi cô đọng, trong suốt như một giọt tình lăng lắng. Rồi sống chết theo nhau suốt hành trình kháng chiến, cùng sinh con đẻ cái.
    Nhưng thương cảm nhất là quãng thời gian đằng đẵng mà bà đã bên ông chịu đựng suốt một thời khắc nghiệt. Khi ấy, nếu không có bà cùng những đứa con lưu giữ cho ông một tổ ấm, tuy xơ xác, nhưng cũng đủ để con thuyền Văn Cao dạt vào, nghỉ ngơi trong cơn bão tố. Cái bến ấy, cái hòn đảo nhỏ nhoi ấy đã níu ông tồn tại giữa cô đơn vây quanh. Đấy là những ngày ông đã:
    Những lúc này lại vùi đầu vào em
    Đôi môi em một hơi rượu nồng
    Chúng ta ngủ tìm một cơn mộng
    Quên một ban ngày đã qua
    Nhọc nhằn chịu đựng
    Biết bao lần tìm quên như đêm nay

    Đấy là những ngày ông đã đưa bà vào ngồi cùng thanh xuân vĩnh viễn trong khung vải, trong một sắc màu đầu rời rợi của hy vọng. Rồi lại cả trong thơ nữa :
    Giữa những ngày dằng dặc
    Chỉ con khuôn mặt em
    Sáng trong và bình lặng
    Dù hai đứa chúng ta
    Chưa lúc nào sung sướng
    Những ngày đau khổ ấy
    Khuôn mặt em
    Như mảnh trăng những đêm rừng cháy
    ?
    Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng
    Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng

    Bà như một người vợ, như một người mẹ, như một người cần vụ trung thành tuyệt vời với ông chủ. Bà chăm từ hớp rượu, miếng ăn, tấm áo, viên thuốc cho ông dọc những hành trình đó đây. Và ở ngay tại căn nhà. Ngay tại những va đập.
    Điều làm ông kỳ lạ hơn cả là dù vất vả đến vậy, ông cứ già đi trước tuổi đến khủng khiếp thì bà vẫn quá trẻ so với tuổi 62 của mình. Sự ngơ ngác, sự thơ ngây ấy chính là nơi cân bằng cho những ngẫm nghĩ đau đáu, những dằn vặt ngày đêm trong ông. Và bà cũng giống như một cái gì bất tử của nghệ thuật mà ông khát vọng.
    Riêng những câu thơ
    còn xanh
    Riêng những bài hát
    còn xanh
    Và đôi mắt em
    như hai giếng nước.

    Đã cuối mùa xuân. Những cơn mưa phùn lắc rắc, lây rây suốt vòm trời xám mờ. Rồi mùa hạ sẽ chói chang lên. Văn Cao ngồi, mắt trầm tư như hướng chim về biển. Biển là mệnh của ông.
    Ông sinh ra ở biển, lập nghiệp ở biển, biển ám ảnh suốt sự nghiệp của ông cho tới hôm nay, Hải Phòng dựng lên âm nhạc, Hải Phòng dựng lên hội họa, Hải Phòng đã dựng lên thơ. Hải Phòng dựng lên tư tưởng. Những mạch trường ca hồi nào lại thủy triều dâng. Vụt lên trong trí nhớ một hình bóng thân thuộc - Nguyên Hồng. Người đồng hương của biển mang cùng mệnh hệ, chín sớm một thời, bây giờ đã vần vũ trong một cõi khác. Ngày Bỉ vỏ nổi tiếng, cũng là lúc Buồn tàn thu được mang đi gieo rắc khắp nơi. Còn nguyên những gặp gỡ, nghịch ngợm ở một sân vận động phía gần bến Cảng. Vọng lên trong dĩ vãng tiếng leng keng của những đồng tiền đánh đáo vô tư.
    Rồi những ánh cười tươi sáng. Rồi những nức nở khi ngà ngà say. Chàng ?ocông tử không vòm? Nguyên Hồng đã gắn chàng ?orái cá bến Bính? Văn Cao như vậy. Ở bộ tiểu thuyết Cửa biển, Văn Cao đã hóa thân trong Trần Văn, một nhân vật chính của Nguyên Hồng. Những ngày khắc nghiệt, lúc nào thấy gương mặt Nguyên Hồng hiện qua cửa kính là lòng lại rộn lên lòng ham sống. ?oVăn ơi! Mày là nhân vật của tao?. ?oVăn ơi! Buồn quá! Thịt cầy chợ Đuổi đi?. ?oVăn ơi!...? cứ hồn hậu bên nhau như thế cho đến một ngày có một lời nhắn về từ Hà Bắc: ?oGửi lời chào người bạn đồng hương, mình mệt mỏi lắm rồi?. Ngày ấy dễ đã tới mười năm. Và Văn Cao đã viết: ?oRiêng anh niềm xúc động của tôi - nhìn anh Hải Phòng chúng ta còn lại??. Đấy! Hải Phòng của những Hoàng Ngọc Phách, Thế Lữ, Lan Sơn, Lê Đại Thanh, Lê Thương, Hoàng Quý, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Vũ, Canh Thân, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Chuẩn. Rồi của Nguyễn Khải, Trần Chung, Vũ Trọng Hối? rồi của hôm nay? Miền cửa biển như một ngọn nguồn của văn nghệ xiết bao thân thương, xiết bao biến động. Và hình như, lớn hơn cả là sự chung nhau một thẳng thắn, một ngang tàng, một thô tháp của một nền nghệ thuật hiện đại. Dù sao, cho đến hôm nay, nó đã tồn tại.
    Thế hệ ông đã làm xong nhiệm vụ lưu giữ. Nhưng khát vọng thì còn lớn lao như khát vọng biển: ?oTôi giờ đây liếm môi nóng bỏng - nhìn ra biển bao la - lòng hãy còn nhiều khát vọng - còn rất nhiều khát vọng - Biển thành người khổng lồ kêu khát - suốt ngày đêm? nước ngọt của ngàn sông - Bao giờ đổ đầy lòng biển?. Biết bao cống hiến, bao đóng góp cho đủ một đại dương nghệ thuật.
    Miền cửa biển xa hơn nữa là của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ bao giờ, ông đã học được bài học về chữ Thời của nhà chiến lược - nhà tiên tri - nhà thơ của 500 năm về trước. Những câu sấm truyền của ông còn rợp bóng tới hôm nay: ?oCửu cửu càn không dĩ định?. Lời tiên tri về một con số 9, con số cùng của dương khí: cùng tắc biến. Đời ông không biết do xui khiến gì đã ở hai số nhà 45 và 108 đều mang tổng số là 9. Ở nhà 45, ông đã làm ra Tiến quân ca. Còn ở nhà 108, ông đã bắt đầu như số 1, để rồi im lặng như số 0 và để có được đến số 8 như hôm nay. Đấy là những khoảng thời gian phải thấu triệt chữ Thời hơn lúc nào hết. Và tư tưởng của người đồng hương xa xưa đã dẫn dắt ông.
    Dù thế nào thì căn nhà nghệ thuật cũng sẽ là một "Quán Trung Tân" như mơ ước Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắn lại. Với những tác phẩm vây quanh, cuộc đời Văn Cao có khác gì một "Quán Trung Tân" ? Trông đông có Thiên thai, tây có Trương Chi, nam nhìn Trường ca sông Lô lại thấy Làng tôi, Ngày mùa. Bắc ngắm Suối mơ theo Lá tới trường ca Những người trên cửa biển. Và dồn dập ở giữa đường lớn là Quốc ca Việt Nam.
    Âm nhạc dâng lên như đại dương. Tràn trề một âm hưởng của giao hưởng số 40 của Mozart. Đã 200 năm Mozart qua đời nhưng đại dương âm nhạc của bậc thầy cổ điển này vẫn dạt dào khắp trái đất. Men đại dương ấy, có một người mang nặng tuổi tác đang đi, đi dọc sóng biển còn hơi rượu. Một cái chai lấp lánh như gọi. Đấy là Văn Cao - người của biển. Người vẫn đi dọc biển. Và không thấy để lại một dấu chân. Ông đã nhập vào biển.
    Hà Nội - Hết mùa xuân 1991.
    Văn Cao - Người đi dọc biển, Nguyễn Thụy Kha

Chia sẻ trang này