1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Văn-chương truyền khẩu: Tục-ngữ - Ca-dao - Truyện cổ-tích

Chủ đề trong 'Tiếng Việt' bởi despi, 25/07/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    Văn-chương truyền khẩu: Tục-ngữ - Ca-dao - Truyện cổ-tích

    Văn-chương truyền khẩu: Tục-ngữ - Ca-dao - Truyện cổ-tích
    Phuong-Lan , Friday 18 May @ 17:00:36
    (Trích trong Tiết 1: Ðại-cương về dòng Văn-học Dân-gian, lớp Ðại-cương về Văn-học Việt-nam)

    Văn-chương truyền khẩu


    Người là sinh vật biết nhận thức, có ý nghĩ, tình cảm, và khả năng diễn đạt những ý nghĩ, tình cảm ấy. Trong lịch sử văn học của các dân tộc, trước khi tiến tới giai đoạn có chữ viết với những sáng tác được ghi chép thành văn, trong dân gian đã có:


    những câu nói ngắn, gọn có ý nghĩa;

    những câu hát theo giọng điệu tự nhiên để biểu lộ, gửi gấm tình cảm;

    những mẩu chuyện để cắt nghĩa các hiện tượng thiên nhiên hay các tập tục, tín ngưỡng.
    Văn học dân gian truyền khẩu (với những tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích... ) xuất hiện trong rất nhiều xã hội trước khi con người tìm ra chữ viết. Trong văn học sử Trung hoa, khởi đầu cho thơ ca chính là những câu hát dân gian mà về sau Khổng tử đã sưu tập lại trong Kinh Thi. Tục ngữ, ca dao và truyện cổ tích (proverbs, folk songs, folk poetry, folk tales, hay nói chung, folk literature) là tài liệu văn học quan trọng của nhiều dân tộc trên thế giôùi, không riêng gì dân tộc Việt Nam.



    Đối với dân tộc ta, dòng văn học dân gian có một địa vị đáng kể hơn thế nữa. Suốt trên 1000 năm Bắc thuộc, văn tự chính thức được công nhận là chữ Hán, thứ chữ không diễn đạt được tiếng nói của dân Việt. Sau khi lấy lại được chủ quyền, tuy tiền nhân ta có thêm chữ nôm, nhưng chữ này khó học, khó nhớ vì lại do chữ Hán ghép thành (muốn biết chữ nôm phải thông thạo chữ Hán trước). Vì thế trong xã hội ta xưa, số người biết đọc, biết viết để có thể diễn đạt ý tưởng, tình cảm bằng chữ (bất kể chữ nôm hay chữ Hán) rất ít. Đại đa số dân chúng đã sáng tác và lưu giữ các tác phẩm dưới dạng truyền khẩu. Chính vì thế, dòng văn học dân gian truyền khẩu rất phong phú và quan trọng trong kho tàng văn học Việt Nam.



    Văn học truyền khẩu không hoàn toàn là sáng tác của người bình dân ít học. Trước khi thành đạt, đa số nho sĩ sinh sống, học hành ở thôn quê. Nhiều ẩn sĩ, hàn nho ở với nông thôn suốt đời. Trong những dịp hội hè, trong các cuộc gặp gỡ, hát xướng, nhiều câu nói, câu hát của các vị đã được người bình dân ít học ghi nhớ rồi từ đó, gia nhập dòng văn học dân gian. Theo nhiều tài liệu, Trạng nguyên Lương Thế Vinh (ông Trạng Lường), thi hào Nguyễn Du (cậu Chiêu Bảy), nhà cách mạng Phan Bội Châu (ông Giải San), nhà thơ Nguyễn Bính... đều đã từng tham dự các sinh hoạt ca hát ở thôn quê và có tác phẩm để lại, làm giàu thêm cho kho tàng văn học dân gian. Ta có thể tin nhiều nho sĩ, trí thức khác cũng đã có những hành động tương tự.

    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​
  2. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    TỤC-NGỮ
    Định nghĩa và biệt loại:
    Tục ngữ (tục: thói quen có đã lâu đời; ngữ: lời nói) là những câu nói ngắn, gọn, giàu ý nghĩa, được dùng trong lời nói hàng ngày và lưu truyền từ đời nọ qua đời kia. Tục ngữ còn được gọi là ngạn ngữ (lời người xưa truyền lại).
    Có ý nghĩa hẹp hơn tục ngữ là:
    Phương ngôn:
    Những câu tục ngữ được dùng trong một vùng, một địa phương chứ không phổ biến khắp nước.
    Cách ngôn, Châm ngôn:
    Những câu tục ngữ có ý khuyên dạy luân lý ("cách" là phương thức, "châm" là lời răn bảo).
    Thành ngữ:
    Một loại tục ngữ đặc biệt, tự nó chưa có ý nghĩa đầy đủ. Thành ngữ chỉ là những cách nói đã định sẵn (set expressions) để mô tả sự vật chứ không biểu thị một ý phán đoán hay khuyên răn nào. Chẳng hạn:
    Đàn gảy tai trâu
    Đáy bể mò kim
    Nói hươu nói vượn
    Gần đất xa trời
    Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa
    Ngậm bồ hòn làm ngọt
    Cảnh trứng chọi với đá
    Chốn miệng hùm nọc rắn
    Xứ tiền rừng bạc biển...
    Trong các thành ngữ, có những câu diễn ý so sánh hai sự vật để làm nổi bật việc mô tả, được gọi là những Câu ví. Chẳng hạn:
    Lạnh như tiền
    Thẳng như ruột ngựa
    Chắc như đinh đóng cột
    Dốt đặc cán mai
    Lúng túng như thợ vụng mất kim...
    Nguồn gốc của tục ngữ:
    Phần lớn các tục ngữ nảy sinh trong đời sống hàng ngày. Ban đầu, có khi chỉ là một câu nói thường nhưng nhờ có ý nghĩa xác đáng, lời lẽ cô đọng, dễ nhớ, được người khác thích thú, nhắc đi nhắc lại. Dần dần, câu nói được trau chuốt và phổ biến rộng hơn.
    Có những câu vốn là thơ ca có tác giả nhưng nhờ ý đúng, lời hay, được nhiều người lưu tâm một cách đặc biệt rồi tách riêng để truyền tụng. Những câu như Thương người như thể thương thân trong Gia huấn ca (tương truyền của Nguyễn Trãi), Khi nên trời cũng chiều người, hay Chữ "tài" liền với chữ "tai" một vần trong Truyện Kiều của Nguyễn Du... có thể xếp vào loại này.
    Có những câu tục ngữ được dịch từ ngạn ngữ nước ngoài như:
    Ở hiền gặp lành (Tích thiện phùng thiện - Trung hoa
    Có công mài sắt, có ngày nên kim (Ma chử thành châm - Trung hoa)
    Lửa cháy đổ dầu thêm (Hỏa thượng thiêm du - Trung hoa)
    Thời giờ là tiền bạc (Time is money - Anh)
    Muốn là được (Vouloir, c'est pouvoir - Pháp)
    Hình thức của tục ngữ:
    Trong tục ngữ có những câu:
    Không vần, chỉ có ý đối:
    Giơ cao, đánh sẽ
    Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài
    No nên bụt, đói ra ma
    Không vần, không đối, chỉ cốt ý đúng, lời gọn:
    Mật ngọt chết ruồi
    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
    Nhưng phần lớn tục ngữ là những câu có vần, thường là vần lưng (yêu vận):
    Ăn cây nào rào cây ấy
    Phép vua thua lệ làng
    Con có cha như nhà có nóc
    Một giọt máu đào hơn ao nước lã
    Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy
    Đôi khi có những câu thêm cả vần chân (cước vận):
    Khôn cho người rái,
    Dại cho người thương,
    Dở dở ương ương,
    Tổ cho người ghét.
    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​
  3. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    CA-DAO
    Định nghĩa và biệt loại:
    Ca dao (ca: bài hát thành chương khúc; dao: bài hát ngắn, không thành chương khúc) là những câu hát theo giọng điệu tự nhiên lưu hành trong dân gian, thường diễn tả ý nghĩ, tình cảm, nếp sinh hoạt của đại chúng bình dân. Ca dao còn được gọi là phong dao ("phong" là phong tục). Người xưa cho rằng qua ca dao có thể nhận biết phong tục tốt, xấu của một xứ, một vùng.
    Một biệt loại khá quan trọng của ca dao là đồng dao ("đồng": trẻ con). Đồng dao là những bài hát dành cho trẻ con, toàn bài nhiều khi chỉ là một số câu có vần ghép lại với nhau, không có ý nghĩa rõ rệt. Tuy nhiên, đồng dao có thể giúp trẻ học một số danh từ về các vật thường gặp. Chẳng hạn:
    Dung dăng dung dẻ
    Dắt trẻ đi chơi
    Đến cửa nhà trời
    Lạy cậu lạy mợ
    Cho cháu về quê
    Cho dê đi học
    Cho cóc ở nhà
    Cho gà bới bếp...
    hay:
    Cái bống đi chợ cầu Canh
    Cái tôm đi trước, củ hành đi sau
    Con cua lật đật theo hầu
    Cái chày rơi xuống vỡ đầu con cua.
    Một số biệt loại nữa của ca dao là các bài hát ru em, các bài vè, và các câu đố.
    Vè là một loại ca dao có tính cách thời sự và địa phương, làm ra nhân một việc xảy ra tại địa phương khiến dư luận xôn xao. Vè thường nhằm mục đích chỉ trích, chế giễu.
    Không có ranh giới rõ rệt giữa ca dao và dân ca. Có thể coi ca dao là phần lời thơ của các bài dân ca.
    Ca dao khác tục ngữ ở chỗ - theo định nghĩa - ca dao có thể hát lên được (tục ngữ: câu nói; ca dao: câu hát). Trong ca dao, vần điệu rõ rệt và âm hưởng êm ái hơn. Nói chung, câu ca dao dài hơn câu tục ngữ, và thường có nhiều câu hợp lại thành bài.
    Xét theo nội dung, tục ngữ thường là những nhận xét thuộc phạm vi lý trí trong khi ca dao là tiếng nói của tình cảm. Tuy nhiên, sự phân biệt này cũng không được chặt chẽ cho lắm: nhiều câu ca dao cũng thuộc phạm vi lý trí.
    Cách kết cấu của ca dao:
    Các học giả lớp trước thường theo Kinh Thi của Trung hoa mà phân biệt ba lối kết cấu (lập ý, dàn ý) của ca dao là: phú, tỉ, và hứng.
    Phú: là phô bày, mô tả, nói thẳng vào sự việc. Chẳng hạn:
    Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
    Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
    Ai vô xứ Nghệ thì vô!
    hay:
    Ngang lưng thì thắt bao vàng
    Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài
    Một tay thì cắp hỏa mai
    Một tay cắp dáo quan sai xuống thuyền
    Thùng thùng trống đánh ngũ liên
    Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa...
    Tỉ: là ví, so sánh, mượn một sự vật khác để ngụ điều mình muốn nói. Chẳng hạn:
    Bầu ơi thương lấy bí cùng
    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
    hay:
    Nực cười châu chấu đá xe
    Tưởng rằng chấu nát, ai dè xe nghiêng.
    Hứng: là nổi lên, trổi dậy, nhân một sự vật bên ngoài mà ý tưởng, tình cảm chính bộc lộ ra. Chẳng hạn:
    Quả cau nho nhỏ
    Cái vỏ vân vân
    Nay anh học gần
    Mai anh học xa
    Tiền gạo là của mẹ cha
    Cái nghiên, cái bút thực là của em
    hay:
    Trên trời có đám mây xanh
    Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
    Ước gì anh lấy được nàng
    Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây
    Xây dọc rồi lại xây ngang
    Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
    Cũng có bài ca dao kết cấu theo nhiều lối khác nhau như:
    * Vưà phú vưà tỉ:
    Trong đầm gì đẹp bằng sen
    Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
    Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
    Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
    Ba câu trên tả hoa sen (phú), câu cuối ví hoa sen với người quân tử (tỉ).
    * Vừa phú vừa hứng:
    Rủ nhau xuống bể mò cua
    Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
    Ai ơi chua ngọt đã từng
    Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau!
    Ba câu trên nói những nỗi gian nan, từng trải qua cảnh sướng khổ cùng nhau của hai vợ chồng (phú), nhân đó đưa tới ý chính trong câu cuối cùng (hứng).
    * Vừa tỉ vừa hứng:
    Dao vàng bỏ đãy kim nhung
    Biết người quân tử có dùng ta chăng?
    Ý chung cả hai câu là nhân chuyện dao vàng mà nghĩ đến mình (hứng).
    Riêng câu trên ví mình với con dao vàng (tỉ).
    * Kiêm cả ba lối:
    Trèo lên cây bưởi hái hoa
    Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
    Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
    - Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
    Ba đồng một mớ trầu cay
    Sao anh không hỏi những ngày còn không?
    Bây giờ em đã có chồng
    - Như chim vào ***g, như cá cắn câu.
    Cá cắn câu biết đâu mà gỡ!
    Chim vào ***g biết thuở nào ra!
    Ba câu đầu là "phú", chuyển sang câu thứ 4 thành "hứng", ba câu cuối là "tỉ"
    hay:
    Sơn bình, Kẻ Gốm không xa
    Cách một cái quán với ba quãng đồng
    Bên dưới có sông,
    Bên trên có chợ
    - Ta lấy mình làm vợ nên chăng?
    Tre già để gốc cho măng.
    Bốn câu đầu là "phú", chuyển sang câu thứ 5 thành "hứng", riêng câu cuối là "tỉ".
    Hình thức của ca dao:
    Số câu trong bài:
    Số câu trong một bài ca dao không nhất định. Ca dao có ít nhất hai câu, thông thường từ 4, 5 đến 9, 10 câu. Tuy nhiên, trong những lối hát đối đáp (giao ca), một bài có thể kéo dài vô hạn định tùy khả năng nối tiếp và bắt vần của những người tham dự cuộc hát.
    Số chữ trong câu:
    Số chữ trong câu ca dao cũng không nhất định. Đại để ca dao thường làm theo các thể sau đây:
    * Nói lối (mỗi câu 4 chữ):
    Lạy trời mưa xuống
    Lấy nước tôi uống
    Lấy ruộng tôi cày
    Lấy đầy bát cơm
    Lấy rơm đun bếp
    * Lục bát chính thức:
    Trúc xinh trúc mọc bờ ao
    Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh
    Trúc xinh trúc mọc đầu đình
    Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
    * Lục bát biến thể:
    Công anh đắp nấm trồng chanh
    Chẳng được ăn quả, vin cành cho cam
    Xin đừng ra dạ bắc nam
    "Nhất nhật bất kiến như tam thu hề"
    Huống "tam thu nhi bất kiến hề"
    Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu
    Chắc về đâu đã hẳn hơn đâu
    Cầu tre vững nhịp hơn cầu thượng gia
    (Các câu 5 và 7 có 7 chữ trong khi đáng lẽ chỉ có 6)
    * Song thất lục bát chính thức:
    Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc
    Con chàng còn trứng nước thơ ngây
    Có hay chàng ở đâu đây
    Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng.
    * Song thất lục bát biến thể:
    Trèo lên cây bưởi hái hoa
    Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
    Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
    Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
    (Câu 4 có 8 chữ trong khi đáng lẽ chỉ có 7)
    * Phối hợp nhiều thể khác nhau:
    Các bài "Quả cau nho nhỏ..." và "Sơn bình, Kẻ Gốm không xa..." nhắc đến ở trên. Ta cũng có thể kể thêm bài sau đây:
    Từ khi gặp mặt giữa đàng
    Thiếp quyết thương chàng cha mẹ nào hay
    Có hay thì nhất đánh nhì đày
    Hai lẽ mà thôi
    Thủy chung em giữ trọn mấy lời
    Chết em chịu chết, lìa đôi em không lìa.
    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​
  4. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    Truyện cổ tích Việt Nam:
    Hầu hết các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam đều có những thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và nguồn gốc loài người. Chẳng hạn truyện ỏĐẻ đất, đẻ nướcõ của người Mường, các truyện về cơn đại hồng thủy vaụ quả bầu khổng lồ, nơi phát xuất những con người đầu tiên trên đất Việt cổ và các vùng lân cận, trong hầu hết các sưu tập cổ tích của người Thái, Lolo, Hmong, Bana, Raglai, Sedang, Vân kiều...
    Những chuyện Lạc Long quân trừ Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh; Thánh Tản viên (Sơn tinh) ngăn nước lụt... của người Việt có thể xếp vào loại thần thoại về sự chinh phục thiên nhiên và kỳ tích của anh hùng.
    Những truyện "Cóc kiện trời", "Tại sao hổ có vằn", "Sự tích loài khỉ", "Sự tích con tu hú", "Sự tích con dã tràng"... trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có thể xếp vào loại cổ tích về loài vật.
    Những truyện về Thánh Gióng, Chử Đồng tử, Bánh dầy bánh chưng, Quả dưa đỏ, Sơn tinh Thủy tinh, Thần Kim quy và nỏ thần, Tô thị vọng phu, Thiếu phụ Nam xương... có thể xếp vào loại cổ tích lịch sử.
    Những truyện Trầu cau, Tấm Cám, Ba vị đầu rau, Túi ba gang (hai anh em và cây khế), Cây tre trăm đốt, Lưu Bình Dương Lễ, Cái cân thủy ngân, Giết chó dạy chồng... có thể xếp vào loại truyện luân lý.
    Những chuyện về sự dối trá của thằng Cuội, Trạng Quỳnh lỡm chúa Trịnh, Trạng Lợn gặp may, cũng như những giai thoại về Ba Giai, Tú Xuất... có thể xếp vào loại truyện hài hước.
    Thêm vào đó, dân ta còn có những truyện thần kỳ, thoát tục như Tú Uyên gặp tiên, Từ Thức lên tiên... (truyện Chử Đồng tử đã nhắc đến ở trên cũng có thể xếp vào loại này), và những truyện thần quái như Người lấy cóc, Sọ Dừa, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Ma xó... Chúng ta cũng có một số truyện ái tình thuần túy như Trưong Chi - Mỵ nương.
    Một số truyện cổ tích của dân tộc Việt (như các truyện Trăm trứng trăm trai, Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa...) cũng là truyện cổ tích của nhiều sắc dân thiểu số trên đất nước Việt Nam. Một số truyện Việt Nam cũng có thể tìm thấy trong kho tàng cổ tích của một vài dân tộc khác ở Đông Nam Á.
    Một đặc điểm đáng lưu ý của các truyện cổ tích là không có văn bản nhất định. Mỗi người kể lại đều có thể thêm bớt, thay đổi đôi chút cho hợp với khung cảnh và trình độ, thành phần thính giả.
    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​
  5. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    Nói chung, ca dao và tục ngữ có giá trị văn chương khá cao.
    Hình ảnh:
    Nhiều hình ảnh đẹp:
    Hỡi cô tát nước bên đàng
    Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
    Chờ em biết đến bao giờ
    Vạc kêu khe núi, trăng mờ sườn non
    Vì mây cho núi lên trời
    Vì cơn gió thoảng hoa cười với trăng
    Khéo dùng những hình ảnh thân mật, gần với cuộc sống (tác dụng truyền cảm mạnh):
    Qua đình ngả nón trông đình
    Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
    Trăm năm đành lỗi hẹn hò
    Cây đa bến cũ, con đò khác đưa
    Tóc mai sợi vắn sợi dài
    Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm
    Hình ảnh để so sánh thật sống động:
    Mặt rỗ như tổ ong bầu
    Cái răng khấp khểnh như cầu rửa chân
    Đêm qua mới thật là đêm
    Ruột xót như muối, dạ mềm như dưa
    Thân em như tấm lụa đào
    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
    Ngữ vựng thật phong phú:
    Có khi thanh nhã, bóng bảy:
    Ai đi đâu đấy hỡi ai?
    Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm
    Tìm em như thể tìm chim
    Chim ăn biển bắc đi tìm biển đông
    Có khi cụ thể, sống động:
    Anh đi đường ấy xa xa
    Để em ôm bóng trăng tà năm canh
    Có khi linh hoạt, sắc bén:
    Đối địch thì dịch lại đây
    Bên thừng bên chão xem dây nào bền
    Em ơi chị bảo em này
    Nhất mặn là muối, nhất cay là gừng
    Nhất cao là núi Tam từng
    Chị còn đạp đổ nữa vừng cỏ may!
    Em ơi chị bảo em này
    Trứng chọi với đá có ngày trứng tan!
    Nhiều khi dùng ngôn ngữ mộc mạc của người bình dân (giản dị, tự nhiên):
    Chim lạc bày xa cây nhớ cội
    Người xa người tội lắm người ơi!
    Chẳng thà chẳng biết thì thôi
    Biết nhau mỗi đứa một nơi cũng phiền.
    Cách phô diễn ý tưởng:
    Tự nhiên, lưu loát:
    Buồn trông chênh chếch sao mai
    Sao ơi sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
    Trời ơi có thấu chăng trời?
    Lụa đào mà vá áo tơi cho đành!
    Dí dỏm:
    Đường xa thì thật là xa
    Mượn mình làm mối cho ta một người
    Một người mười tám đôi mươi
    Một người vừa đẹp vừa tươi như mình
    Nghịch ngợm, bỡn cợt, khéo tạo ngạc nhiên:
    Tôi mà có nói dối ai
    Thì trời đánh ngã cây khoai giữa đồng
    Tôi mà có nói dối chồng
    Thì trời đánh ngã cây hồng bờ ao
    Khéo dùng mỹ từ pháp:
    Phép trùng điệp (điệp ngữ):
    Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
    Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?
    Ngày ngày em đứng em trông
    Trông non non ngất, trông sông sông dài
    Trông mây mây kéo ngang trời
    Trông trăng trăng khuyết, trông người người xa
    Khăn thương nhớ ai?
    Khăn rơi xuống đất
    Khăn thương nhớ ai?
    Khăn vắt lên vai
    Khăn thương nhớ ai?
    Khăn chùi nước mắt
    Đèn thương nhớ ai?
    Mà đèn không tắt
    Mắt thương nhớ ai?
    Mắt ngủ không yên.
    Phép lộng ngữ (chơi chữ, bỡn chữ):
    ...Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn
    Ba năm ăn ở trên thuyền
    Vì anh hàng muối cho nên mặn mà
    Xuống thuyền nhịp bảy nhịp ba
    Trách anh hàng trứng ở ra đôi lòng
    Sông Bờ, sông Mã, sông Thao
    Ba ngọn sông ấy đổ vào sông Thương
    (đây không phải sông Thương trong địa dư vì trên thực tế, ba con sông nhắc đến trong câu trên không chảy vào sông Thương địa dư)
    Phép cân đối:
    Đói cho sạch, rách cho thơm
    Miếng khi đói, gói khi no
    Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
    Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.
    Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng
    Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần
    Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu
    Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
    Thành xây xương lính, hào đào máu dân
    Gái có chồng như gông đeo cổ
    Trai có vợ như rợ buộc chân
    Nhân cách hóa (lời lẽ bóng bảy, kín đáo, súc tích):
    Ai đi đâu đấy hỡi ai
    Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
    Bây giờ mận mới hỏi đào
    Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
    Thuyền ơi có nhớ bến chăng?
    Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
    Tằm ơi say đắm nơi đâu?
    Mà tằm bỏ nghĩa cành dâu chẳng nhìn.
    Khéo mượn hình ảnh để so sánh:
    Chim ham trái chín ăn xa
    Buồn tình lại nhớ gốc đa muốn về
    Có quán tình phụ cây đa
    Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn
    Có bát sứ tình phụ bát đàn
    Nâng niu bát sứ, vỡ tan có ngày!
    Tiếc thay cái tấm lụa đào
    Áo rách chẳng vá, vá vào áo tơi.
    Trời ơi có thấu chăng trời?
    Lụa đào mà vá áo tơi cho đành!
    Tiếc thay cây quế châu Thường
    Để cho thằng mán, thằng mường nó leo
    Khéo dùng sự tích, điển cố:
    ... Đêm đêm tưởng dải Ngân hà
    Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn
    Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
    Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.
    Ngoa ngữ và thậm xưng (để nhấn mạnh hay lố bịch hóa, điểm đặc sắc của văn học dân gian):
    Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
    Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình
    Bao giờ rau cải làm đình
    Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta.
    Cưới em trăm tấm gấm đào
    Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời
    ... Cưới em tám vạn trâu bò
    Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm
    Lá đa mặt nguyệt hôm rằm
    Răng nanh thằng Cuội, râu cằm thiên lôi
    Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi
    Xin chàng chín chục con dơi goá chồng
    ... Xay thóc cả ngày được một đấu ba
    Đêm nằm nghĩ ngợi gần xa
    Giở mình một cái gãy ba thang giường
    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​
  6. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    Một ít câu ca dao thật đẹp:
    Trong loại ca dao về tình nghĩa, nhiều câu thật cảm động:
    Đi đâu cho thiếp đi cùng
    Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
    Tay bưng đĩa muối, chén gừng
    Gừng cay, muối mặn, xin đừng phụ nhau
    Tay cầm đĩa muối, chén rau
    Thủy chung như nhất, sang giàu mặc ai
    Bao giờ cạn lạch Đồng nai
    Nát chùa Thiên mụ mới phai lời nguyền.
    Yêu nhau giàu khó chớ lo
    Một mai thiên địa lại cho xoay vần
    Yêu nhau xa cũng như gần
    Tham bên phú quý, phụ bần khó coi
    Yêu nhau duyên phận thì thôi
    Của thì như nước hồ vơi lại đầy.
    Nhiều câu ca dao đẹp một cách trong sáng, tràn đầy thi vị:
    Đố ai biết lúa mấy cây
    Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng
    Đố ai quét sạch lá rừng
    Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây...
    Sáng trăng giải chiếu hai hàng
    Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.
    Xin chàng đọc sách, ngâm thơ
    Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.
    Nhiều câu thật truyền cảm, ý tưởng súc tích:
    Đêm qua ra đứng bờ ao
    Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
    Buồn trông con nhện chăng tơ
    Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?
    Buồn trông chênh chếch sao mai
    Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
    Đêm đêm tưởng dải Ngân hà
    Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn
    Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
    Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.
    Nhiều câu có giọng cảm khái với những ý tưởng đặc sắc:
    Đêm qua chớp bể mưa nguồn
    Hỏi người tri thức có buồn chăng ai?
    Tưởng rằng đá nát thì thôi
    Ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng.
    Tay cầm bán nguyệt xênh xang
    Một trăm thức cỏ lai hàng tay ta
    Quên mình giữa đám cỏ hoa
    Buồn tênh những lúc trăng tà, sao thưa.
    GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA CA DAO, TỤC NGỮ
    Phản ảnh trình độ nhận thức và nếp suy nghĩ của người bình dân, giá trị của tục ngữ, ca dao Việt Nam về phương diện tư tưởng có phần giới hạn. Đôi khi ta gặp một vài ý nghĩ không hợp với đạo lý hay có vẻ hẹp hòi. Đôi khi ta cũng thấy một số nhận xét thiếu sâu sắc hoặc mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên xét chung, tục ngữ và ca dao cho ta biết nhiều điều hữu ích về:
    - Lịch sử đất nước
    - Hình thể đất nước
    - Kinh nghiệm của dân tộc về một số vấn đề thường thức
    - Một số đặc điểm đáng quý hoặc đáng lưu ý của dân Việt
    - Một số lời khuyên thực tiễn và hữu ích của tiền nhân
    Lịch sử đất nước:
    Con ơi con ngủ cho muồi (cho lành)
    Để mẹ gánh nước đổ vòi (rửa bành) con voi
    Muốn coi lên núi mà coi
    Coi bà quản tượng cưỡi voi đánh cồng.
    Nực cười châu chấu đá xe
    Tưởng rằng chấu nát, ai dè xe nghiêng
    Đánh giặc thì đánh giữa sông
    Chớ đánh chỗ cạn vướng chông mà chìm
    Tiếc thay cây quế châu Thường (giữa rừng)
    Để cho thằng mán, thằng mường nó leo
    Tiếc thay hạt gạo trắng ngần
    Đã vo nước đục lại vần than rơm
    Đời vua Thái tổ, Thái tông
    Con bế, con giắt, con bồng, con mang
    Bò đen húc lẫn bò vàng
    Húc quýnh húc quáng đâm quàng xuống sông
    Đời vua Vĩnh tộ lên ngôi
    Cơm trắng đầy nồi trẻ chẳng buồn ăn
    Đục cùn thì giữa lấy tông
    Đục long, cán gãy, còn mong nỗi gì!
    Khôn ngoan qua cửa sông La
    Dễ ai có cánh bay qua lũy Thầy
    Anh về Bình định thăm cha
    Phú yên thăm mẹ, Khánh hòa thăm em
    Làm trai cho đáng nên trai
    Phú xuân đã trải, Đồng nai cũng từng
    Con mèo mày trèo cây cau
    Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
    Chú chuột đi chợ đàng xa
    Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo
    Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên
    Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm
    Lạy trời cho cả gió nồm
    Cho thuyền chúa Nguyễn dong buồm thẳng ra
    Vạn niên là Vạn niên nào
    Thành xây xương lính, hào đào máu dân
    Giặc Sài gòn đánh xuống
    Binh ngoài Huế không vô
    Anh biểu em đừng đợi đừng chờ
    Để anh đi lấy đầu thằng mọi trắng tế cờ nghĩa quân
    Giặc Tây đánh đến Cần giờ
    Bậu đừng mong nhớ, đợi chờ uổng công
    Chẻ tre bện sáo cho dày
    Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em
    Gáo vàng đi múc giếng Tây
    Khôn ngoan cho lắm, tớ thầy người ta
    Nghĩ ra nông nỗi thêm rầu
    Ở giữa Đồng khánh, hai đầu Hàm nghi
    Tướng Võ không còn Nguyên Giáp nữa
    "Bác Hồ" cũng chẳng "Chí Minh" đâu.
    Hình thể và đặc điểm của đất nước:
    Đồng đăng có phố Kỳ lừa
    Có nàng Tô thị, có chùa Tam thanh
    Ai lên xứ Lạng cùng anh
    Bõ công bác mẹ sinh thành ra em...
    Sông Gầm, sông Chảy, sông Lô
    Sông Đà, sông Đáy chảy vô Hồng hà
    Thái bình chi nhánh có ba
    Sông Cầu, sông Lục cùng là sông Thương
    Làm trai chí ở bốn phương
    Kỳ cùng cũng tới, Bằng giang cũng tường...
    Sông Lô một dải trong ngần
    Thảnh thơi ta rũ bụi trần cũng nên
    Sông Lô nước đục, bụi đen
    Ai lên phố Ẻn cũng quên đường về
    Đường lên Mường Lễ bao xa
    Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh
    Thành Hà nội năm cửa nàng ơi
    Sông Lục đầu sáu khúc, nước chảy xuôi một dòng
    Nước sông Thương bên đục bên trong
    Núi đức Thánh Tản thắt cổ bồng mà có thánh sinh
    Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh
    Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây...
    Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
    Xem cầu Thê húc, xem chùa Ngọc sơn
    Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn
    Hỏi ai gây dựng nên non nước này.
    Gió đưa cành trúc la đà
    Tiếng chuông Trấn võ, canh gà Thọ xương
    Mịt mù khói tỏa ngàn sương
    Nhịp chày Yên thái, mặt gương Tây hồ.
    Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
    Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
    Ai vô xứ Nghệ thì vô!
    Thương anh em cũng muốn vô
    Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang
    Lênh đênh qua cửa Thần phù
    Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm
    Đi bộ thì khiếp Hải vân
    Đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi
    Đông ba, Gia hội hai cầu
    Trông lên Diệu đế bốn lầu, hai chuông
    Núi Ngự bình trước tròn, sau méo
    Sông An cựu nắng đục, mưa trong
    Chiều chiều mây phủ Hải vân
    Chim kêu ghềnh đá ngẫm thân em buồn
    Tiếng ai than khóc nỉ non
    Là vợ chú lính trèo hòn Cù mông.
    Ai về Bình định mà coi
    Con gái Bình định múa roi đi quyền
    Nhà Bè nước chảy chia hai
    Ai về Gia định, Đồng nai thì về!
    Tỉnh Cần thơ nam thanh nữ tú
    Xứ Rạch giá vượn hú chim kêu
    Bạc liêu đi dễ, khó về
    Trai đi có vợ, gái về có con.
    Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
    Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm
    Đèn nào cao cho bằng đèn Châu đốc
    Gió nào độc cho bằng gió Gò công
    Trông lên chín chín ngọn Hồng
    Ngó về chín khúc Cửu long dạt dào
    Non kia ai đắp mà cao?
    Sông kia ai bới, ai đào mà sâu?
    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​
  7. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    Kinh nghiệm của dân tộc về một số vấn đề thường thức:
    Thời tiết:
    Én bay thấp, mưa ngập bờ ao
    Én bay cao, mưa rào lại tạnh
    Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
    Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm
    Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa
    Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão
    Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy
    Cơn đằng nam vừa làm vừa chơi
    Cơn đằng tây mưa dây gió giật.
    Thâm đông, hồng tây, dựng may
    Ai ơi ở lại ba ngày hãy đi.
    Canh nông:
    Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa
    Được mùa cau, đau mùa lúa
    Được mùa lúa, úa mùa cau
    Lúa chiêm nép ở đầu bờ
    Bỗng nghe tiếng sấm phất cờ mà lên
    Mồng tám tháng tư không mưa
    Mẹ con bán cả cày bừa mà ăn
    Ứng dụng thực tiễn:
    Trăm hay không bằng tay quen
    Học thầy không thầy học bạn
    Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
    Phép vua thua lệ làng
    Cờ bạc là bác thằng bần
    Cửa nhà bán hết, tra chân vào cùm
    Trai khôn tìm vợ chợ đông
    Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.
    Đặc điểm, thổ sản địa phương:
    Ăn Bắc, mặc Kinh
    Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
    Chẳng thanh chẳng lịch cũng người Trường an
    Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến
    Trai Cầu Vồng, Yên thế, gái Nội duệ, Cầu Lim
    Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần
    Nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét.
    Muốn ăn bánh ít lá gai
    Lấy chồng Bình định, sợ dài đường đi
    Tệ đoan, bất công xã hội:
    Cá lớn nuốt cá bé
    Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ
    Tiền vào quan như than vào lò
    Muốn nói oan, làm quan mà nói
    Con ơi ghi lấy câu này
    Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
    Tuần hà là cha kẻ cướp
    Bố chồng như lông con phượng
    Mẹ chồng như tượng mới tô
    Nàng dâu là bồ đựng chửi.
    Tướng mạo:
    Những người thắt đáy lưng ong
    Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con
    Những người béo trục béo tròn
    Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày.
    Những người ti hí mắt lươn
    Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người
    Tâm lý:
    Yêu nên tốt, ghét nên xấu
    Yêu ai yêu cả đường đi
    Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng
    Mấy đời bánh đúc có xương
    Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng
    Khó khăn giữa chợ leo teo
    Ông cô bà cậu chẳng điều hỏi sao
    Giàu sang ở bên nước Lào
    Hùm tha, rắn cắn, tìm vào cho mau.
    Gái thương chồng đương đông buổi chợ
    Trai thương vợ nắng quái chiều hôm
    Một số đặc điểm đáng quý hoặc đáng lưu ý của dân tộc:
    Tinh thần hi sinh và công lao khó nhọc của người đàn bà Việt Nam:
    Hi sinh:
    Có con phải khổ vì con
    Có chồng phải gánh giang sơn cho chồng
    Có con phải khổ vì con
    Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay
    Canh một dọn cửa dọn nhà
    Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm
    Canh tư buớc sang canh năm
    Trình anh dạy học chớ nằm làm chi...
    Những ngày em ở cùng cha
    Cái nón tiền rưỡi, quai ba mươi đồng
    Đến khi em về cùng chồng
    Cái nón sáu đồng mà buộc quai mo
    Xưa kia nón thúng quai thao
    Bây giờ nón rách, quai nào thì quai
    Vì chàng thiếp phải mò cua
    Những như thân thiếp thì mua mấy đồng
    Vì chàng nên phải mua mâm
    Những như thân thiếp bốc ngầm cho xong
    Vì chàng thiếp phải long đong
    Những như thân thiếp cũng xong một bề
    Thương chồng nên phải gắng công
    Nào ai xương sắt, da đồng chi đây!
    Một ngày mấy bận trèo non
    Lấy gì mà đẹp mà dòn hỡi anh
    Một ngày mấy bận trèo đèo
    Lấy đâu má phấn lưng eo hỡi chàng
    Đảm đang, nuôi chồng học:
    ... Nay anh học gần
    Mai anh học xa
    Tiền gạo thì của mẹ cha
    Cái nghiên, cái bút thật là của em
    Em thì canh cửi trong nhà
    Nuôi anh đi học đặng khoa bảng vàng
    Em là con gái Phụng thiên
    Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng
    Nữa mai chồng chiếm bảng rồng
    Bõ công bón tưới vun trồng cho rau
    Mùa hè cho chí mùa đông
    Mùa nào thức nấy cho chồng đi thi
    Hết gạo thiếp lại gánh đi
    Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao
    Chăm sóc gia đình khi chồng đi làm ăn nơi xa:
    Nhà anh chỉ có một gian
    Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng
    Anh cậy em coi sóc trăm đường
    Để anh buôn bán trẩy trương thông hành
    Còn chút mẹ già nuôi lấy cho anh
    Để anh buôn bán thông hành đường xa.
    Em ơi, thuận với mẹ già
    Đừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười
    Dù no dù đói cho tươi
    Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan
    Đói no có thiếp có chàng
    Còn hơn chung đỉnh, giàu sang một mình
    Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc
    Con chàng còn trứng nước thơ ngây
    Có hay chàng ở đâu đây
    Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng.
    Chăm sóc gia đình khi chồng đi lính:
    Trời ơi, sinh giặc làm chi?
    Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường.
    - Thương nàng đã đến tháng sinh
    Ăn ở một mình, nương cậy vào ai?
    Rồi ra sinh gái sinh trai
    Sớm khuya mưa nắng lấy ai bạn cùng?
    - Sinh gái thì em gả chồng
    Sinh trai lấy vợ mặc lòng thiếp lo.
    Anh ơi, phải lính thì đi
    Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi
    Anh ơi, giữ lấy việc công
    Để em cày cấy mặc lòng em đây
    Khuyên anh đi lính cho ngoan
    Cho dân được cậy, cho quan được nhờ
    Bao giờ lên đội, lên cơ
    Thì em sẽ quyết đợi chờ cùng anh.
    Lính vua, lính chúa, lính làng
    Nhà vua bắt lính cho chàng phải ra
    Giá vua bắt lính đàn bà
    Để em đi đỡ anh và bốn năm
    Bởi vua bắt lính đàn ông
    Tiền lưng gạo bị sắm trong nhà này.
    - Khen ai khéo tiện ngù cờ
    Khéo xây bàn án, khéo thờ tổ tiên.
    - Tổ tiên để lại em thờ
    Anh ra ngoài ải cầm cờ theo vua
    Chàng ơi, trẩy sớm hay trưa?
    Để em gánh gạo tiễn đưa hành trình
    Con cò lặn lội bờ sông
    Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
    Nàng về nuôi cái cùng con
    Để anh đi trẩy nước non Cao bằng...
    Anh đi, em ở lại nhà
    Hai vai gánh vác mẹ già con thơ
    Lầm than bao quản muối dưa
    Anh đi, anh liệu chen đua với đời.
    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​
  8. despi

    despi Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/04/2001
    Bài viết:
    1.990
    Đã được thích:
    1
    Đặc tính coi trọng nội dung hơn hình thức:
    Dân Việt Nam, nhất là ở phía Nam của đất nước, với ảnh hưởng văn hóa Đông nam Á đậm hơn ảnh hưởng Trung hoa, có khuynh hướng thiên về nội dung hơn hình thức khi ứng dụng các nguyên tắc luân lý. Thái độ của người con trước hôn nhân khi quan niệm của họ về người phối ngẫu không phù hợp với quan niệm của cha mẹ là một trường hợp điển hình.
    Nói chung, người thanh niên, thiếu nữ Việt Nam rất hiếu thảo với cha mẹ:
    Má ơi, đừng đánh con hoài
    Để con bắt cá, nấu xoài má ăn.
    Bao giờ cho lý hóa long
    Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa
    Ngó lên nuộc lạt trên nhà
    Đếm bao nhiêu nuộc lạt, thương cha mẹ già bấy nhiêu
    Gió đưa cây cửu lý hương
    Xa cha xa mẹ, thất thường bữa ăn
    Sầu riêng cơm chẳng muốn ăn
    Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm
    Ba tiền một khúc cá buôi
    Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già
    Chẳng lo thân bậu với qua
    Lo chút mẹ già đầu bạc tuổi cao
    Đêm đêm mỗi thắp đèn trời
    Cầu cho cha mẹ sống đời với con
    Ngó lên ngó xuống thì khuây
    Ngó về quê mẹ tràn đầy nhớ thương
    Chiều chiều ra đứng ngõ sau
    Trông về quê mẹ ruột đau chín chìu
    Chiều chiều ra đứng bờ sông
    Muốn về quê mẹ mà không có đò.
    Khi chữ hiếu mâu thuẫn với chữ tình:
    Nơi thương, cha mẹ biểu không
    Nơi chẳng bằng lòng, cha mẹ biểu ưng.
    Chiều chiều ra đứng bờ mương
    Bên tình, bên hiếu, biết thương bên nào?
    người thanh niên, thiếu nữ Việt Nam cũng dám có ý kiến khác cha mẹ. Tuy hiểu rằng cha mẹ muốn gả con vào chỗ giàu có là để con có cuộc sống vật chất đầy đủ, họ thẳng thắn trình bày nhận thức khác biệt của họ:
    Chẳng tham nhà ngói bức bàn
    Trái duyên, coi bẵng một gian chuồng gà
    Ba gian nhà rạ lòa xòa
    Phải duyên, coi tựa chín tòa nhà lim
    Số em giàu, lấy khó cũng giàu
    Số em nghèo, chín đụn mười trâu cũng nghèo
    Phải duyên, phải kiếp thì theo
    Thân em đâu quản khó nghèo làm chi
    Chữ nhân duyên thiên tải nhất thì
    Giàu ăn, khó nhịn, lo gì mà lo?
    Thương nhau giàu khó chớ lo
    Một mai thiên địa lại cho xoay vần...
    Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn
    Chồng em áo rách em thương
    Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
    Họ mạnh dạn nói lên một sự thật: vì muốn gả con vào chỗ giàu có, cha mẹ nhiều khi có những lựa chọn không thích hợp:
    Đường đi những lách cùng lau
    Cha mẹ tham giàu, ép uổng duyên con
    Cha mẹ đòi ăn cá thu
    Gả con xuống biển mù mù tăm tăm.
    Mẹ em tham thúng xôi dền
    Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh hưng
    Em đã bảo mẹ rằng đừng
    Mẹ hấm mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
    Bây giờ chồng thấp, vợ cao
    Như đôi đũa lệch, so sao cho đều?
    Chồng lên tám, vợ mười ba
    Cả ngày nu nống nu na đỡ buồn
    Mười tám vợ đã lớn khôn
    Nu na nu nống, chồng còn mười ba
    Mẹ ơi, con phải gỡ ra
    Chồng con nu nống nu na suốt ngày!
    Vô duyên vô phúc, múc phải anh chồng già
    Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng?
    Nói ra đau đớn trong lòng
    Ấy cái nợ truyền kiếp chứ có phải chồng em đâu!
    Cổ tay em vừa trắng vừa tròn
    Răng đen nhưng nhức, chồng con kém người
    Đáng thương thay nhạn ở với ruồi,
    Tiên ở với cú, người cười với ma,
    Con công ăn lẫn với gà
    Rồng kia rắn nọ, coi đà sao nên?
    Trong buồn lo, sợ hãi, người thanh niên, thiếu nữ Việt Nam dám cưỡng ý cha mẹ để bảo vệ mối tình của mình. Họ tha thiết xin cha mẹ nhìn nhận mối tình của họ. Trong trường hợp cha mẹ vẫn không chấp nhận, họ sẵn sàng chịu đựng mọi hình phạt nhưng cương quyết không rời bỏ nhau:
    Mình ơi, tôi nhớ thương mình
    Mẹ cha chửi mắng, chữ tình nặng thêm.
    Em thương anh, phụ mẫu đánh mấy em cũng không lo
    Nặng đòn em ráng chịu, em nằm co em khóc thầm.
    Dù cha có đánh mõ đình
    Mẹ ngăn ngõ chợ, đôi đứa mình đừng xa.
    Mặc dù cha đánh, mẹ treo,
    Đứt dây té xuống cũng theo chung tình.
    Dao phay chín ngọn, em bắt trọn có một mình
    Chết em chịu chết, biểu buông mình em không buông
    Dao phay kề cổ, máu đổ không màng
    Chết tôi tôi chịu, buông nàng tôi không buông.
    ... Thủy chung em giữ trọn mấy lời
    Chết em chịu chết, lìa đôi em không lìa.
    Họ có thể không vâng ý cha mẹ tuy vẫn tôn trọng và kính yêu cha mẹ:
    Mẹ cha tuy chẳng bằng lòng
    Đôi ta cố gắng chữ đồng trăm năm
    Hai đứa mình đành, phụ mẫu cũng đành
    Đấng làm cha mẹ đâu nỡ dứt duyên lành của con!
    Dầu cho phụ mẫu rày la
    Đôi ta thủng thẳng dắt ra lạy chào
    Bấy lâu nay em còn nghi còn ngại
    Bữa nay em kêu đại bằng mình
    Phụ mẫu hay đặng, không lẽ đánh mình, giết em?
    Chẳng thà dắt thẳng nhau vô
    Phụ mẫu có giết, thác một mồ cũng ưng!
    Em đành, phụ mẫu không đành
    Hai đứa mình trải chiếu ngoài thành lạy vô.
    Một số lời khuyên thực tiễn và hữu ích của tiền nhân:
    Về cách xử thế:
    Ăn có nhai, nói có nghĩ
    Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
    Ăn miếng chả, trả miếng nem
    Một sự nhịn, chín sự lành
    Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
    Gửi lời thì nói, gửi gói thì mở
    Cười người chớ vội cười lâu
    Cười người hôm trước, hôm sau người cười.
    Lời nói chẳng mất tiền mua
    Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau
    Giàu ba mươi tuổi chớ mừng
    Khó ba mươi tuổi em đừng vội lo
    Có ý nghĩa luân lý:
    Ăn cây nào, rào cây ấy
    Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
    Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối
    Chị ngã, em nâng
    Đói cho sạch, rách cho thơm
    Thà ăn cáy, ngáy o o
    Còn hơn ăn bò mà lo ngay ngáy
    Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
    Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người
    Ai mà phụ nghĩa, quên công
    Thì đeo muôn cánh hoa hồng chẳng thơm.
    Trăm năm bia đá thì mòn
    Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
    Những người gian ác thuở xưa
    Tiếng nhơ gột rửa bao giở cho phai.
    Tranh quyền cướp nước gì đây
    Coi nhau như bát nước đầy là hơn.
    Nhiễu điều phủ lấy giá gương
    Người trong một nước phải thương nhau cùng.
    Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
    Lấy chí nhân để thay cường bạo​
  9. annonymous

    annonymous Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    19/03/2002
    Bài viết:
    2.070
    Đã được thích:
    0
    Cho hỏi là ngày xưa học Tiếng Việt hình như có một khái niệm "quán ngữ" gì đó, mình không nhớ nó là cái gì, hình như gần giống với thành ngữ thì phải.

Chia sẻ trang này