1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Vấn đề xã hội mà bạn quan tâm!

Chủ đề trong 'Hoạt động xã hội.' bởi hoaiying, 04/04/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. hoaiying

    hoaiying Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    02/04/2005
    Bài viết:
    1
    Đã được thích:
    0
    Vấn đề xã hội mà bạn quan tâm!

    Đã bao gìơ bạn cảm thấy ngượng ngùng xấu hổ khi nhín thấy cảnh một số người tự nhiên " đứng quay mặt vào gốc cây".

    Đã bao giờ bạn bị một ai đó tông xe vào mình, chưa kịp hoàn hồn thì đã bị anh ta mắng cho tơi tả: Đi đứng thế à? Con ranh!

    Những vấn đề xã hội nào mà bạn đang quan tâm, đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn hay chỉ đơn giản là " chuyện thường ngày ấy mà...''.

    Chúng ta hãy cùng nhau chia xẻ về những vấn đề này nhé: Sức khoẻ, giáo dục, pháp luật, cuộc sống gia đình, chính trị, tôn giáo, lối sống....
  2. matahari

    matahari Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/06/2004
    Bài viết:
    11
    Đã được thích:
    0
    Tôi xin trích đăng nguyên loạt bài về Vệ sinh an toàn thức phẩm mới đăng trên báo Lao Động, ngày 5.5.05:
    Bài thứ 1:
    HIỂM HOẠ THƯỜNG NGÀY
    THỰC PHẨM NHIỄM HOÁ CHẤT ĐỘC HẠI Ở TP HỒ CHÍ MINH
    Bảo quản thức ăn bằng chất độc hại
    Trung Phương
    Hàn the được tìm thấy trong nhiều loại thức ăn, ngay cả thức ăn làm từ bột. Cá tươi ướp hàn the, urê, còn cá khô lại tẩm hoá chất chống mốc, thậm chí cả... thuốc diệt kiến.

    Hàn the ở mọi nơi
    Hàn the bị cấm sử dụng tuyệt đối trong thức ăn. Đây là chất độc hại, có khả năng tích luỹ cao trong cơ thể con người, gây ngộ độc mạn tính, dẫn đến các chứng suy thận, suy gan, da xanh xao, khó tiêu, suy dinh dưỡng... Thế nhưng, hiện nay việc sử dụng hàn the pha trộn vào thức ăn lại là "chuyện thường ngày ở chợ". Chúng tôi đã từng chứng kiến điều này tại nhiều khu chợ ở TPHCM. Hàng ngày, đến giữa trưa, khi không còn khách mua hàng, những người bán thịt ủ những phần thịt bán ế vào trong hàn the để bảo quản, sau đó đem bán cho các cơ sở chế biến giò, chả, lạp xường. Những người làm giò, chả, lạp xường trong khi chế biến lại cho thêm vào một lượng hàn the nữa để thức ăn dai, giòn và bảo quản lâu. Ngay cả các loại thức ăn làm từ bột như mì sợi, bánh ướt, phở, bún, bánh canh, hủ tiếu cũng có hàn the. Hàn the còn tìm thấy trong bánh su sê, bánh đa, bánh đúc, bánh da lợn.
    Những kiểu làm ăn không tính đến hậu quả
    Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, kể lại: Trong một lần đến chợ Cái Khế - Cần Thơ, bác sĩ Mai cùng một vị thứ trưởng Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã chứng kiến người dân dùng hoá chất tẩy cá khô. Số cá khô bị thâm đen và nhiễm nấm mốc được bỏ vào một xô nước tẩy, chà rửa và nhanh chóng "trắng sạch" trở lại, sau đó được phơi, sấy và đem bày bán! Bác sĩ Mai cho biết: Một khi bị nhiễm nấm mốc, cá khô không những không còn chất dinh dưỡng nữa mà còn có độc tố do nấm sinh ra. Vì vậy, không nên dùng cá khô mốc ngay cả trong chế biến thức ăn gia súc.
    "Công nghệ" làm cá khô, tôm khô bây giờ thường có sử dụng nhiều loại hoá chất. Cá khô, tôm khô cần phải bảo quản lâu, vận chuyển xa trong nhiều điều kiện thời tiết nên rất dễ ẩm mốc, nhất là vào mùa mưa. Vì vậy, một số cơ sở chế biến thường tẩm một số loại hoá chất (không rõ tên) làm cho tôm, cá khô săn cứng và không bị mốc. Thậm chí, người ta còn phun thuốc diệt kiến lên tôm, cá khô để chống các loại côn trùng!
    Cá tươi đối với người tiêu dùng chưa chắc đã an toàn hơn nếu so với cá khô. Nhiều thuyền đánh cá loại nhỏ không trang bị hầm lạnh, không dùng đá để bảo quản cá tươi mà lại ướp hàn the. Cá vừa được đưa lên boong thuyền là ướp hàn the ngay mới có thể giữ được cho đến lúc thuyền vào bờ. Nhưng vì hàn the thường làm da cá bị khô nên trước khi đưa vào bán ở chợ, người ta lại ướp... phân urê làm cho cá có vẻ tươi trở lại. Urê ngấm vào cá có tác dụng làm cá hút nước, bề mặt ngoài trở nên căng mọng, trông ngon mắt. Urê còn được sử dụng để chế biến... nước mắm, nhằm làm tăng thêm độ đạm. Một tài liệu của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy: Trong 45 mẫu nước mắm sản xuất ở Khánh Hoà được viện đem đi khảo sát, có đến 19 mẫu chứa urê.
    Theo khảo sát của Viện Vệ sinh y tế công cộng (VSYTCC) TPHCM, trong số 266 mẫu thức ăn lấy từ các chợ và lề đường, có đến 196 mẫu có chứa hàn the. Tỉ lệ mẫu có hàn the cao nhất là trên giò thủ, giò sống (93,33%), kế đến là chả lụa (91,67%), mì sợi tươi (88,33%), phở, bánh ướt, bún, bánh canh, hủ tiếu (17,4%)... Trong số 196 mẫu thực phẩm chứa hàn the, có đến 93 mẫu có hàm lượng cao từ 1.000 - 3.000mg hàn the/kg thực phẩm, 44 mẫu có hàm lượng trên 3.000mg hàn the/kg thực phẩm. Tại một số tỉnh khác, tỉ lệ thực phẩm bị nhiễm hàn the còn cao hơn ở TPHCM. Một điều đáng mừng là Viện VSYTCC không tìm thấy hàn the trong thực phẩm của các hãng sản xuất lớn bày bán tại các siêu thị.
    Bài thứ 2:
    THỰC PHẨM NHIỄM HOÁ CHẤT ĐỘC HẠI Ở TP HỒ CHÍ MINH
    Những "phương thuốc lạ" trên rau quả
    Trung Phương
    Một số nông dân, người buôn bán rau quả đã nghĩ ra những phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất kỳ cục và bừa bãi, không theo sách vở, bài bản nào cả. Người tiêu dùng dù không ngộ độc cấp tính, nhưng có khả năng sức khoẻ sẽ bị "mài mòn" theo thời gian.
    Dùng thuốc "đánh bóng" rau quả
    Việc sử dụng các loại thuốc cấm, hoặc sử dụng thuốc không đúng quy định trên nông sản gần đây có chiều hướng giảm bớt. Tuy nhiên, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nhiều loại rau quả vẫn còn vượt mức cho phép và người tiêu dùng vẫn phải lo ngại. Thậm chí, nông dân còn nghĩ ra những phương pháp sử dụng thuốc rất "độc chiêu" trên rau quả. Trong quá trình đi viết về nông nghiệp ở các địa phương, chúng tôi đã tìm hiểu vấn đề này. Chẳng hạn như cách dùng loại thuốc diệt cỏ làm từ hoá chất. Đây là chất kích thích tăng trưởng, nhưng nếu dùng với liều lượng cao sẽ diệt một số loại cây cỏ. Nông dân và những người mua bán nông sản dùng thuốc diệt cỏ để làm cho rau quả trở nên bóng, đẹp. Trước khi đưa ra chợ bán, người ta ngâm trái khổ qua (mướp đắng) trong nước có pha một ít thuốc diệt cỏ. Chỉ sau vài mươi phút, bề ngoài trái khổ qua trở nên căng bóng, xanh tươi, rất hấp dẫn. Để diệt sâu đục thân trên trái khổ qua, một số nông dân không phun xịt mà lại chứa thuốc trong một cái ly lớn, nhúng từng trái khổ qua vào đó. Do trái khổ qua treo lủng lẳng dưới giàn, nên cách làm này nhanh và hiệu quả.
    Trở lại chất diệt cỏ, những người trồng loại dưa hấu giống cũ - trái to tròn, thường để trưng trong ngày Tết - vẫn dùng thuốc để kích thích trái dưa. Nếu dưa lớn trễ, không kịp bán trước ngày Tết, người ta phun thuốc với liều thấp, trái sẽ phình to rất nhanh chỉ trong một vài ngày. Người trồng rau muống cũng dùng thuốc diệt cỏ liều thấp để ngọn rau vươn lên rất nhanh, có màu xanh đẹp, ngon mắt. Trước đây, các nhà khoa học đã từng có cuộc tranh luận trên báo chí về chất này, nhưng chưa ngã ngũ. Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, cho chúng tôi xem một tài liệu cũ, tổng hợp từ nước ngoài. Trong phần viết về thuốc diệt cỏ có đoạn: Khi sử dụng chất này, những cây sồi xung quanh trong phạm vi khoảng 100m có biểu hiện tăng trưởng không bình thường và đến 10 năm sau vẫn còn như thế!
    Chưa yên tâm với rau an toàn
    Ở TPHCM, tỉ lệ rau quả nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu thấp hơn so với các tỉnh lân cận. Chương trình rau sạch từ mấy năm qua đem lại kết quả tốt là số vụ ngộ độc cấp tính do ăn rau đã giảm. Dù vậy, người tiêu dùng vẫn chưa thể hoàn toàn yên tâm với rau sạch. Theo kiểm tra của Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM trong quý I/2005, trong số 157 mẫu xét nghiệm lấy từ các doanh nghiệp đăng ký rau an toàn, có 4 mẫu có dư lượng thuốc vượt mức cho phép. Trong 295 mẫu lấy từ khu vực đã công nhận là vùng rau an toàn, có 8 mẫu có dư lượng vượt mức cho phép. Hàng ngày, TPHCM vẫn tiêu thụ một khối lượng rất lớn rau, quả đưa về từ các tỉnh. Trong số 319 mẫu rau từ các tỉnh đã kiểm tra trong quý I/2005, có 13 mẫu có dư lượng thuốc vượt mức cho phép. Các chủng loại rau, quả có tỉ lệ nhiễm thuốc cao là dâu tây, táo, húng cây, cải bẹ trắng, cải dún, đậu Hà Lan, bồ ngót. Củ hành tím là loại được ướp rất nhiều thuốc để bảo quản trước khi đem bán. Cũng cần lưu ý là các phương pháp kiểm tra đang áp dụng đại trà chỉ phát hiện loại thuốc gốc lân và carbonat, không phát hiện được thuốc gốc clo. Một vài loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm vẫn được nhập lậu từ Trung Quốc.
    * * *
    Phải thừa nhận rằng, trong những năm gần đây, nhờ các cơ quan ngành y tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, ngành nông nghiệp, hoạt động sản xuất, chế biến lương thực - thực phẩm đã trở nên nền nếp hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất nhỏ, thức ăn không nhãn hiệu và thức ăn lề đường bày bán tràn lan, việc kiểm tra, xử lý còn gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, những người sử dụng hoá chất độc hại vào thức ăn cũng chưa từng biết sợ các cơ quan bảo vệ pháp luật.
    Chấm dứt ngay việc sử dụng thuốc xịt kiến để bảo quản thực phẩm
    Thời gian qua, có rất nhiều tiểu thương, doanh nghiệp đã sử dụng thuốc xịt kiến để bảo quản tôm, cá khô cho khỏi mốc, trong đó sử dụng khá nhiều loại thuốc độc hại. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 270/VPCP-VX yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và có biện pháp chấm dứt ngay hiện tượng bảo quản tôm, cá khô bằng thuốc xịt kiến, báo cáo kết quả lên Thủ tướng.
    Bài thứ 3:
    Hiểm hoạ thường ngày
    Trung Phương
    Rất nhiều loại hoá chất độc hại, hoá chất không rõ tên, không rõ nguồn gốc được pha trộn vào thức ăn, nước uống đem bán cho người tiêu dùng hàng ngày. Trong đó, có cả những loại gây ngộ độc cấp tính và cả những loại có khả năng tích tụ dần trong cơ thể, gây nguy hại về lâu dài. Các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm cần có biện pháp siết chặt hiệu quả hơn nữa, để loại bỏ những mối nguy hiểm này.
    "Quái chiêu" trong chế biến thực phẩm, nước uống

    Nước uống lề đường
    bày bán ở chợ Bến Thành.
    Không chỉ thức ăn, nước uống lề đường mới có pha trộn hoá chất. Ngay cả trong một số quán ăn, nhà hàng sang trọng, người ta cũng dùng những loại hương liệu, hoá chất chưa được kiểm định để "làm đẹp" cho món ăn. Những cách pha chế truyền thống được thay thế bằng cách làm mới hiệu quả hơn, nhưng rất độc hại.
    Nước sâm lạnh, bông cúc "tổng hợp"
    Trong một lần trò chuyện với M - một người chuyên bán nước sâm lạnh, nước bông cúc ở khu vực Chợ Lớn, chúng tôi hết sức bất ngờ khi được M cho biết, toàn bộ nguyên liệu để làm các loại thức uống này đều là hoá chất bán ở chợ Kim Biên. Tại TPHCM và các tỉnh lân cận thường có nhiều xe bán nước sâm lạnh, nước bông cúc ở các khu phố đông dân cư. Gia đình M cũng có 2 xe bán ở Chợ Lớn, trung bình mỗi ngày tiêu thụ 70 - 80 lít. Vào mùa nóng như hiện nay, nước sâm lạnh, nước bông cúc rất đắt hàng.
    Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây những người nấu nước sâm cũng dùng các loại cây cỏ, nhưng không phải dùng củ sâm - loại nguyên liệu rất đắt tiền này không thể đem chế biến để bán với giá bình dân. Nếu làm đúng "bài bản" thì phải dùng rễ cỏ tranh, cây mía lau, râu bắp nấu chung với một vài loại cây cỏ khác. Đây là loại nước uống xưa nay người dân Nam Bộ hay dùng trong mùa nóng, có tác dụng giải nhiệt. Nguyên liệu nấu nước sâm có bán tại hầu hết các chợ ở TPHCM, chỉ cần mua 5.000đ rễ cỏ về nấu với 5 - 6 lít nước sôi sẽ cho ra thứ nước uống có màu hồng tự nhiên và mùi thơm dịu. Còn nước bông cúc được nấu từ bông cúc phơi khô, bán rất nhiều ở các chợ, cửa hàng. Nói chung, đây là thứ nước giải khát bình dân, rẻ tiền, người bán chỉ cần bán với giá 1.000đ - 1.500đ/ly là có lãi. Nhưng vì ham lợi nhuận, họ dùng hoá chất, hương liệu pha nước lã để kiếm lợi nhiều hơn. M không tiết lộ công thức pha chế nước sâm và nước bông cúc, mà chỉ cho biết những thứ này bán rất nhiều ở chợ Kim Biên, giá rẻ hơn nhiều so với dùng các loại rễ, cỏ mà không phải tốn công sức, tốn gas để nấu. Pha chế như thế nào để nước uống có mùi vị thơm ngon, màu sắc tự nhiên, hấp dẫn là bí quyết riêng của từng người bán.
    Cách "làm đẹp" rau quả
    Không phải chỉ có những món ăn, thức uống lề đường mới dùng đến các loại hoá chất không tên. Theo tiết lộ của một số đầu bếp nấu ăn cho các nhà hàng, quán nhậu, họ vẫn thường xuyên dùng đến hoá chất hương liệu - những loại chưa hề được kiểm định như "công cụ" hỗ trợ làm thức ăn có màu sắc hấp dẫn và ngon miệng hơn. Một số loại rau dùng làm gỏi (nộm) như ngó sen, bắp (hoa) chuối được ngâm vào hoá chất để tẩy trắng và làm cho giòn. Thông thường, các loại rau này khi thái mỏng sẽ bị thâm đen do nhựa. Nhưng chỉ với 1 lít hoá chất chỉ có 5.000đ mua tại chợ Kim Biên, chúng tôi ngâm thử ngó sen, bắp chuối và chúng trở nên trắng muốt chỉ sau 10 phút. Đối với bắp chuối, sau khi tẩy trắng, người ta sẽ ngâm thêm với một ít phẩm màu. Vì vậy, khi ăn các món bún có kèm rau và bắp chuối ở hàng quán, thực khách thường thấy bắp chuối có màu vàng óng rất hấp dẫn. Chất tẩy này thông dụng đến mức cả những người bán dừa tươi ở lề đường cũng dùng để tẩy cho trái dừa trắng muốt sau khi gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài. Theo những người đã từng sử dụng chất tẩy thì trong đó có pha axít sunfuaric.
    Giá - loại rau thông dụng làm từ đậu xanh - cũng được ủ bằng hoá chất. Những người nuôi giá dùng hoá chất mua ở chợ Kim Biên ủ cho hạt đậu xanh phát triển thành giá chỉ trong vòng một ngày đêm. Cách làm này vừa cho ra cọng giá béo mẫm, vừa tốn ít thời gian, công sức hơn là ủ đậu xanh trong tro như cách làm truyền thống. Chợ Kim Biên là "mê hồn trận" của những người bán hoá chất, hương liệu. Hàng trăm mặt hàng không nhãn hiệu, không rõ xuất xứ, không ghi tên hoá học và công thức hoá học, được chứa trong các can nhựa hoặc túi nhựa. Nguồn hàng chủ yếu từ Trung Quốc. Người mua có thể tìm được đủ thứ theo cách gọi tên trên thị trường: Hương cam, hương dâu, hương táo, hương càphê, chất sủi bọt cam... Các loại hoá chất này được bán về khắp các tỉnh để góp phần trong việc chế biến các loại thức ăn, nước uống.

Chia sẻ trang này