1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Van hoa Nghe...

Chủ đề trong 'Nhạc cổ điển' bởi baolink2002, 02/03/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. baolink2002

    baolink2002 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    10/08/2004
    Bài viết:
    228
    Đã được thích:
    0

    Xin phép bác Audiophile cho em được đăng bài của bác vào đây để cổ vũ tinh thần cho anh em trong box này.


    Nghĩ về cái sự nghe

    Thủa mới lọt lòng, giai điệu đầu tiên là lời ru ngọt ngào của Mẹ, lời ru đưa ta nghe tiếng dòng sông quê hương đang rì rào lượn sóng, tiếng gió mơn man trên cánh đồng lúa đương thì vàng rộm. Rồi những trưa hè đung đưa bên cánh võng, câu chuyện cổ tích của Bà nhẹ nhàng nâng ta vào giấc ngủ êm đềm...

    Cái rung cảm nghe trong ta phải chăng từ những điều thật bình dị, thật thân thương đó. Lớn dần lên, âm nhạc ngấm vào ta từ lúc nào chẳng ai hay, từ những câu hò của bác thuyền chài trên sông kéo lưới, những cô gái tinh nghịch hát đối đáp bên bờ ruộng xanh quánh mạ non. Những sớm tinh mơ mặt trời vừa ló rạng ta ngẩn ngơ nghe một tiếng kèn hiệu lanh lảnh vút lên từ doanh trại bộ đội sau nhà...
    Cái hay của âm nhạc phải bắt nguồn từ chính cuộc sống quanh ta, âm nhạc hay trước hết phải là âm nhạc đúng, đúng như những gì cuộc sống này vốn có. Khi ta cảm nhận được sự sinh động của tiếng đàn, sự truyền cảm trong giọng hát của người ca sĩ ... khi ta biết phân biệt sự khác biệt trong âm hưởng của nhạc cụ, rung động theo sự thể hiện tình cảm của người nghệ sĩ diễn tấu ... là ta đã nghe đúng, đã bắt đầu hiểu được sự nghe, nói theo lối văn chương hơn là đã biết nghe, đã có văn hoá nghe.
    Nghe nhạc là một trạng thái rất riêng tư, cảm thụ âm nhạc là một thú vui thật là khác biệt, chẳng có ai giống ai nên không thể có một chuẩn mực chung về cái hay cái đẹp đem áp dụng cho tất cả mọi người. Bạn rung động theo cách của bạn, tôi thích thú theo kiểu của tôi. Trên thế giới này, mọi nền văn hoá đều thật tuyệt vời. Bạn chơi và tôi chơi, chúng ta cùng khám phá thế giới bí ẩn của âm thanh để làm giàu cho nền văn hoá, vậy hà cớ gì lại phải đi tranh cãi với nhau theo kiểu kẻ đúng người sai trong thưởng thức âm nhạc? Nếu không còn sự phong phú và riêng tư thì thế giới này thật nghèo nàn biết bao. Trong văn hoá nghe, chỉ tồn tại tranh luận chứ chẳng có chỗ cho những người ưa tranh cãi.
    Văn hoá nghe là tôn trọng sở thích của mình, bạn thích loại nhạc gì thì hãy cứ thoải mái thưởng thức và đừng quan tâm đến người ta đang nghe loại nhạc gì, ca sĩ nào bây giờ đang ăn khách, đừng cố gắng phải nghe, phải hiểu những thể loại nhạc mà bạn không thích, có ai bắt buộc bạn đâu? Đừng bắt mình phải làm một người sành điệu bất đắc dĩ, hãy trân trọng đôi tai của bạn, đừng bắt chúng phải chịu " bội thực " bởi những thể loại mà chúng còn chưa thực sự sẵn sàng... Thưởng thức âm nhạc cũng cần có thời gian như để rượu lên mùi, cuộc chơi cần có thời gian khám phá, hãy để đôi tai và tâm hồn bạn tự quyết định.
    Chọn đồ nghe là một cách thể hiện văn hoá nghe. Có nhiều bạn, nhất là các bạn trẻ thường hay băn khoăn nếu không có nhiều tiền thì có thể thưởng thức âm nhạc được không. Xin các bạn hãy nhớ rằng, âm nhạc không phải là đồ trang điểm chỉ dành cho bậc vương giả, không phải là thứ tài sản độc quyền của mấy anh nhà giàu bụng phệ. Âm nhạc là của chúng ta, của tất cả mọi người. Nếu có nhiều tiền, chúc mừng bạn có nhiều cơ hội tốt để chọn lựa đồ âm thanh. Còn nếu như bạn chẳng được dư giả về tài chính thì bạn cũng hãy cứ yên tâm, theo tôi, trong chơi đồ âm thanh điều quan trọng nhất là kinh nghiệm và kiến thức, đồng tiền chẳng thể đóng vai trò quyết định. Một bộ dàn hay là bộ dàn được chọn lọc bởi các thiết bị tương thích và được ghép nối đúng cách, điều này chỉ đạt được từ chính kinh nghiệm nghe của bản thân bạn. Chẳng có ai bỏ ra thật nhiều tiền lần đầu mà mua được ngay bộ dàn ưng ý. Mà có như vậy cũng không phải là người chơi theo nghĩa đích thực của nó. Người chơi âm thanh thực sự phải có những giờ phút trăn trở, suy tư, tìm kiếm, có bại có thành... Tôi tin chắc rằng chỉ có qua trải nghiệm, bạn mới thực sự cảm nhận được niềm thích thú khi nghe hệ thống âm thanh do chính tay bạn dày công lựa chọn.
    Văn hoá nghe chính là cách nghe của bạn. Người yêu nhạc mua đồ để nghe, người xem nhạc sắm đồ để ... ngắm! Nếu bạn là người yêu nhạc đích thực, coi chất lượng âm thanh là tiêu chuẩn hàng đầu thì đừng bao giờ xem bộ dàn của bạn như một vật trang trí đắt tiền ở nơi phòng khách. Hãy nghe bằng chính đôi tai của bạn và đừng quan tâm nhiều đến những lời bình phẩm của thiên hạ. Nếu bạn tự cảm thấy thích thú và hài lòng với bộ dàn của mình thì chính bạn là người có đậm chất văn hoá nghe rồi đó. Bạn cũng đừng bao giờ tin tưởng tuyệt đối vào tên tuổi của những hãng sản xuất đồ âm thanh với quy mô lớn, sản phẩm của họ trước hết phải đảm bảo yêu cầu thương mại. Tôi biết có nhiều hãng nhỏ, tên tuổi ít được nhắc đến trong giới nghe nhạc phổ thông nhưng chính họ lại tạo ra những thiết bị âm thanh với chất lượng đỉnh cao, khiến ta được thưởng thức một lần là nhớ mãi.
    Nghe nhạc là nghe cho riêng mình, nhưng tôn trọng sự yên tĩnh của những người xung quanh là một phẩm chất cần có của văn hoá nghe. Còn gì khổ bằng sau một ngày làm việc mệt nhọc, muốn được chợp mắt nghỉ ngơi thì đôi tai lại cứ bị " hành hạ " bởi tiếng nhạc thình thịch từ đôi loa thùng bên nhà hàng xóm... lúc ấy bản nhạc có hay đến mấy cũng trở nên vô cùng phản cảm đối với " thính giả " bất đắc dĩ .
    Thưởng thức âm nhạc rất cần một trạng thái tâm lý, tâm hồn có thư thái thì nghe nhạc mới thật hay, khi trong lòng nặng nỗi lo âu thì nghe nhạc gì cũng chỉ thêm phần bực bội. Tôi nghĩ rằng để đến được với văn hoá nghe đích thực, người nghe rất cần giữ cho tâm hồn luôn được thoải mái, ung dung, khi ấy sự nghe sẽ chẳng còn lệ thuộc vào không gian, thời gian và hệ thống của bạn phải như thế nào. Lúc ấy chắc bạn sẽ đồng ý cùng tôi rằng mọi âm thanh trong đời thường ở quanh ta cũng đều trở thành âm nhạc.
    Chúc bạn có những giờ phút thưởng thức âm nhạc thoải mái!

    Audiophile
  2. kankuli

    kankuli Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/12/2001
    Bài viết:
    5.487
    Đã được thích:
    1
    Dạo này nhà hát lớn có hơi nhiều những người vào nhà hát lớn trong 1 chương trình NCĐ mà hình như không phải để nghe NCĐ.Trong khi box mình đang tập trung vào tác phẩm thì 2 anh chị gì đó ở dưới cứ coi như nhà hát là ở nhà mình vậy.Rất chi là khó chịu.
    Nhà tôi chật,tôi không có phòng riêng, lúc nào cũng có người ở nhà nên thời gian tôi dành để nghe NCĐ ở nhà quả thực là rất ít,thời gian nghe nhạc chủ yếu là ở trên cơ quan,nhiều lúc hòa mình theo bản nhạc vặn Volume hơi quá bị sếp nhắc nhở khá nhiều.1 cậu bạn ở box này thì chỉ nghe Opera nhưng cũng có ít thời gian nghe nên chỉ nghe vào buổi đêm ở trong phòng,chỉ khổ thân mấy cậu em ở chung phòng,Opera chắc chắn không phải là loại nhạc ru ngủ tốt
    Nhiều lúc ở nhà 1 mình khi đang hoà mình vào bản nhạc,đang đến đoạn cao trào thì lại có người về,mất hết cảm xúc
    Hic,hơi lạc để chút.
    Ôi những khó khăn khi thưởng thức NCĐ
  3. mattim_tt

    mattim_tt Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/04/2004
    Bài viết:
    19
    Đã được thích:
    0
    Xin phép cho em được góp chút ý kiến
    "Văn hoá nghe là tôn trọng sở thích của mình, bạn thích loại nhạc gì thì hãy cứ thoải mái thưởng thức và đừng quan tâm đến người ta đang nghe loại nhạc gì, ca sĩ nào bây giờ đang ăn khách, đừng cố gắng phải nghe, phải hiểu những thể loại nhạc mà bạn không thích, có ai bắt buộc bạn đâu?" em thấy cái này là hoàn toàn sai lầm ví dụ em là trường hợp điển hình nhất , đến công ty toàn phải nghe những " Kiếp đỏ đen ", " giấc mơ có thật " v.v. Như vậy là mình bắt buộc phải nghe rồi ( cấp trên thick có dám phản đối đâu) . Về nhà thì người lớn không thích nhạc mình nghe nên em nghe nhạc đồng nghĩa với cái headphone, kobao giờ nghĩ đến chuyện có thể nghe nhạc một cách hoành tráng.. hik
    Theo cá nhân em thì văn hoá nghe là phải giúp đỡ mọi người xung quanh cùng nghe và thích với mình để có thể trở thành một tập thể yêu âm nhạc với mình ( cha` lúc đó tha hồ mà nghe nhạc thật to thật đã )
  4. cobeo

    cobeo Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    18/08/2004
    Bài viết:
    196
    Đã được thích:
    0
    Vâng, tôi vẫn luôn tâm niệm rằng : Nghe cái gì chứ không phải nghe bằng gì. Được đắm mình trong những giai điệu quen thuộc, cái cảm giác đó thật tuyệt vời. Có 1 bộ dàn tốt chuyên để nghe NCĐ? Còn gì bằng! Nhưng không có nó? Cũng chẳng sao. Điều quan trọng là khi nghe nhạc (nói chung chứ không riêng gì NCĐ) ta phải cảm thấy được chia sẻ, thoải mái và yêu đời.
    Em không đồng ý lắm với bác baolink : "Thưởng thức âm nhạc rất cần một trạng thái tâm lý, tâm hồn có thư thái thì nghe nhạc mới thật hay, khi trong lòng nặng nỗi lo âu thì nghe nhạc gì cũng chỉ thêm phần bực bội. Tôi nghĩ rằng để đến được với văn hoá nghe đích thực, người nghe rất cần giữ cho tâm hồn luôn được thoải mái, ung dung, khi ấy sự nghe sẽ chẳng còn lệ thuộc vào không gian, thời gian và hệ thống của bạn phải như thế nào." Vậy khi ta bực bội hay trong lòng có nhiều điều phiền muộn thì sao? Em nghĩ lúc đó sự thưởng thức vẫn giữ được nguyên giá trị của nó nếu có được bản nhạc phù hợp. Khi đó âm nhạc sẽ trở thành người bạn cùng chia sẻ và đối với riêng em nghe nhạc còn là sự đối thoại.
    Còn với mattim_tt: "văn hoá nghe là phải giúp đỡ mọi người xung quanh cùng nghe và thích với mình để có thể trở thành một tập thể yêu âm nhạc với mình". Thật tuyệt! Nhưng thật sự khó lắm thay. Nhìn từ một góc độ nào đó bạn sai hoàn toàn. Thế nếu như bạn của mình cứ ấn vào tay của mình cái đĩa Nhạc vàng hay của thể loại Nhạc thị trường bây giờ nhằm biến mình thành fan như họ thì sao nhỉ? Thế có phải văn hoá nghe không?

Chia sẻ trang này