1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Văn hóa_Lễ hội

Chủ đề trong 'Hưng Yên' bởi eman, 03/01/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. eman

    eman Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/07/2004
    Bài viết:
    63
    Đã được thích:
    0
    Văn hóa_Lễ hội

    Hát Trống Quân Dạ Trạch

    --- Ngô Thế Hải ---

    Xã Dạ Trạch huyện Châu Giang là một trong hai xã còn lưu giữ được điệu hát trống quân, một làn điệu dân ca của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

    Cho tới hôm nay chưa có một công trình khoa học nào khẳng định hát trống quân có từ bao giờ. Nhưng ở vùng Bãi Sậy (Châu Giang) người ta vẫn cho rằng: Vào đời vua Hùng thứ 3, công chúa Tiên Dung trong một chuyến du ngoạn dọc theo sông Hồng đã có cuộc duyên tiên kỳ ngộ với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Đôi vợ chồng không môn đăng hộ đối ấy đã cùng nhân dân cải tạo cả một vùng lau sậy bạt ngàn và những bãi cát hoang sơ thành làng quê trù phú. Công chúa Tiên Dung đã dạy nhân dân cách trồng lúa, ươm tơ, dệt vải và dạy cả điệu hát trống quân.

    Dù điệu hát trống quân có tự bao giờ và ra đời từ đâu đi nữa thì nó vẫn là điệu dân ca của những người dân đồng bằng Bắc Bộ, một điệu hát giao duyên, ứng tác tồn tại trên mảnh đất Dạ Trạch. Hôm nay, lớp người từng tham gia hát trống quân trong hội làng thuở trước, hầu hết đã bay về trời theo Tiên Dung - Đồng Tử hoặc đã bước vào tuổi bát tuần nhưng vẫn nhớ như in ngày hội hát trống quân thuở nào của thôn Yên Vĩnh bên đầm Dạ Trạch.

    Theo các cụ, hội hát trống quân ngày trước được tổ chức vào dịp nông nhàn, khi cây lúa đã xanh ngoài bãi hoặc khi hạt thóc củ khoai đã nằm gọn trong nhà. Ngày lễ Tết cũng là dịp để người dân nghe hát. Nơi diễn ra lễ hội thường là sân đình hoặc mảnh đất ven làng, có khi tổ chức ngay trên một đám ruộng khô vừa gặt. Nhạc cụ của hội là chiếc trống được tạo bởi một sợi mây dài chừng 10 m, một chiếc mâm, một chiếc thùng và một đoạn cành cây. Hộp cộng hưởng âm thanh được khoét sâu vào lòng đất và âm hưởng của chiếc trống tạo nên nhờ sự va đập một cây dài làm bằng cành cây, mảnh tre, do các nghệ sĩ gõ vào sợi dây mây, có thể gọi nhạc cụ này là cây đàn mới phải, bởi nó có dây, có phím, có hộp đàn; nhưng rất có thể do tạo ra âm thanh bằng cách gõ mà người xưa gọi là chiếc trống quân.

    Âm thanh bập bùng của cây nhạc cụ độc đáo này đã hòa quyện cùng tiếng hát có khả năng lan truyền khá xa, nhất là vào những đêm gió mát trăng thanh, với giai điệu thình thùng thình nó tạo ra, đôi trai gái hoặc cho hai tốp nam nữ hát thâu đêm suốt sáng để bày tỏ nỗi lòng thầm kín của lòng mình. Lời tâm sự của các chàng trai, cô gái cũng trầm ấm, mộc mạc như âm thanh của cây đàn.

    Cũng như các làn điệu dân ca khác ở đồng bằng Bắc Bộ như hát quan họ, hát xoan, hát ghẹo, hát ví, hát đò đưa, hát đúm..., hát trống quân là lối hát giao duyên ứng tác giữa nam và nữ. Thuở xa xưa với quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân nên sợi dây đàn là đường ranh giới của đôi trai gái hoặc của tốp nam, tốp nữ. Họ ngồi gần nhau đấy nhưng không dễ vượt qua được sợi dây của lễ giáo bấy giờ. Bởi vậy họ thường ca:

    Bây giờ Mận mới hỏi Đào
    Vườn Hồng đã có lối vào hay chưa?

    Và bên nữ đáp lại:

    Mận hỏi thì Đào xin thưa
    Vườn Hồng có lối nhưng chưa ai vào.

    Tâm tư tình cảm của các chàng trai cô gái được giãi bày theo một niêm luật của làn điệu trống quân. Thông thường, họ khai hội bằng bài hát chèo truyền thống, bằng những ngôn ngữ từ xã giao lịch lãm.

    Sau khi hát trình làng xin phép người trên, kẻ dưới, là những lời hát mời trầu: Anh ăn một miếng trầu nồng, để cho duyên bén tơ hồng đôi ta.

    Nội dung của lời ca phong phú và đa dạng, nó được nối tiếp bằng chương trình hát họa trời đất. Họ tìm mọi vật để vẽ thành một bức tranh và yêu cầu bên còn lại vận cảnh trên để đáp lại:

    Bài đất em đã họa rồi
    Chàng họa bài trời cho chúng em nghe
    Xin đừng ăn xổi ở thì
    Họa xong em đón chàng về nhà chơi.

    Bằng các câu thơ lục bát, họ có thể hát họa mọi thứ có ở trên đời. Cái hay và cũng là cái khó là lời ca phải đối ứng, nhưng vẫn mộc mạc chân tình, không thô cứng. Tiếp theo lời hát họa là hát đố. Bằng hiểu biết của mình về thiên nhiên, xã hội, họ thử trí nhau: Người đố có thể đố sự vật, hiện tượng trên trời, dưới đất, đố sự am hiểu về luân thường đạo lý, đố có bài có bản nhưng khi ứng tác ngẫu hứng, ứng khẩu phải tuân theo thể thơ lục bát.

    Đồn em hay kể chuyện Kiều
    Lại đây anh hỏi mấy điều xem sao
    Kiều Vân em chị thế nào?
    Hỏi ai hơn kém má đào xuân xanh
    Đường về gặp hội trống quân
    Em đố anh giảng mấy vần cho vui
    Quả gì to nhất trên đời
    Quả gì nghe tiếng bao người sợ kinh.

    Khi hai bên gái, trai đối đáp trôi chảy họ đã hiểu được lòng nhau, cái duyên đã se, cái tình đã thắm, họ chuyển sang hát thách giãi bày tâm tư tình cảm của lòng mình.

    Hiểu được những khó khăn trên bước đường trở thành chồng vợ nhưng đã một lòng tha thiết yêu thương, họ cùng nhau vượt qua thử thách và ước hẹn:

    Vừng trăng nay vẫn còn non
    Hoa đương chúm chím như còn ngủ yên
    Xin chàng giữ trọn niềm tin
    Sang năm khôn lớn kết duyên vội gì.

    Trước khi giã bạn, cũng như quan họ Bắc Ninh, các chàng trai cô gái thường hát thề nguyền:

    Anh xin gửi tấm lòng vàng
    Nguyện lấy được nàng, nàng chớ quên anh.

    Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, hội hát trống quân sau một vài buổi cũng phải kết thúc, hẹn đến cuộc sau. Họ dùng dằng không muốn chia tay giã bạn và chính trong bối cảnh xúc động ấy những lời ca ly biệt được cất lên...

    Ở xã Dạ Trạch xưa, hằng năm có tới bốn đám hát trống quân vào dịp hội hè, nhưng vào những năm 60, 70 của thế kỷ này, do nhiều lý do mà hội hát bị gián đoạn. Từ năm 1994, một nhóm người yêu thích văn nghệ dân gian trong đó có bác Nguyễn Duy Phí, Lê Hồng Điệp đã đi sưu tầm các lời hát cổ, biên tập lại thành chương trình hát trống quân. Các bác đã mời những nghệ sĩ từng là những đứa trẻ được xem hát ngày xưa tham gia biểu diễn và chính họ đã góp phần tái tạo gìn giữ làn điệu dân ca trống quân đồng bằng Bắc Bộ.

    Để lời hát xưa không bị mất đi, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thông tin, nhiều nghệ sĩ già đã nhiệt tình truyền lại cho lớp trẻ cách hát trống quân. Để tiện cho việc biểu diễn, các nhà biên tập biên kịch, đạo diễn, đã sân khấu hóa tạo dựng ra các chương trình phù hợp với thời đại ngày nay. Nhạc cụ đơn sơ thuở trước được thay thế bằng dàn nhạc dân tộc song vẫn giữ nguyên âm hưởng chủ đạo của cây đàn dây mây hộp đất. Đội văn nghệ trẻ đã có mặt ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh và bước chân trần của các chàng trai cô gái nông dân vùng Dạ Trạch cháu chắt trăm đời của Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã đặt bước lên sân khấu liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc và giành được giải cao.

    Với người dân Dạ Trạch, một làn điệu dân ca cổ còn lưu truyền và phát triển làm đẹp thêm truyền thống văn hóa làng quê mới là điều đáng quý. Tâm niệm đó không phải chỉ của các bậc nghệ nhân già mà của cả lớp diễn viên trẻ của dân làng bên bờ đầm Dạ Trạch có câu chuyện huyền thoại Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
  2. eman

    eman Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    27/07/2004
    Bài viết:
    63
    Đã được thích:
    0
    Hưng Yên khánh thành nhà thờ thân mẫu Bác Hồ

    Ngày 11-12-2005, tại quê hương thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến (Khoái Châu), tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Lễ khánh thành nhà thờ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ; đồng thời gắn biển ?o Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI?.
    Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ được khởi công tháng 12-2003. Với tổng diện tích khuôn viên hơn 5.000 m2, công trình gồm các hạng mục: nhà thờ chính 5 gian, chất liệu gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch Bát Tràng, kết cấu nhà kiểu cổ truyền thống đồng bằng Bắc Bộ; nhà khách, nhà bia và các công trình phụ trợ. Bên trong nhà thờ trưng bày những tài liệu, hiện vật giới thiệu công lao to lớn của bà Hoàng Thị Loan và ảnh hưởng của dòng họ đối với sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một phần quan trọng của gian trưng bày còn có những hiện vật, hình ảnh và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên trong kháng chiến. Sinh thời, Người đã về thăm Hưng Yên 10 lần.
    Theo gia phả, ông tổ dòng họ Hoàng ở Hoàng Trù, Nam Đàn, Nghệ An, quê ngoại của Bác Hồ có gốc tại làng Vân Nội, xã Hồng Tiến (Khoái Châu). Đến thế kỷ 15, Thái phó Hoàng Nghĩa Kiều phụng mệnh triều đình dẹp giặc, lập được công lớn, nhậm chức và dựng nghiệp ở Nghệ An. Sau họ Hoàng ở Nghệ An được chia nhiều nhánh, trong đó có nhánh ở Kim Liên, Nam Đàn đã sinh ra bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ.
    Theo tộc phả để lại, dòng họ Hoàng Xuân là một dòng họ có truyền thống hiếu học, con cháu nhiều người có nghĩa khí và có công lao với đất nước.
    Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan cùng với hệ thống Nhà tưởng niệm danh nhân ở Hưng Yên là những địa chỉ văn hóa có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc đối với các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
  3. bangktqd

    bangktqd Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    19/02/2005
    Bài viết:
    3.193
    Đã được thích:
    0
    Lễ Hội

    Hưng Yên cũng là một trong những địa bàn cư trú của người Việt cổ. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện mộ thuyền ở Từ Lạc, rìu đồng, trống đồng của người Lạc Việt.
    Phố Hiến ở thị xã Hưng Yên ngày nay, từ cuối thế kỷ13 đã là một thương cảng. Tại đây còn lưu trữ nhiều di tích kiến trúc cổ với nhiều đền, chùa.
    Hưng Yên là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc và đây cũng là mảnh đất phát sinh và bảo tồn văn hóa dân gian đặc sắc của Việt Nam như hát xẩm, hát ả đào, hát chèo... Các loại nhạc cụ truyền thống là đàn bầu, sáo, nhị... Các Lễ Hội Truyền Thống Tiêu Biểu:

    Hội Chử Đồng Tử: Lễ hội Chử Đồng Tử hàng năm diễn ra trong 3 ngày từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch tại đền thờ Chử Đồng Tử ở hai đền Đa Hòa, (xã Bình Minh) và Dạ Trạch (xã Dạ Trạch), huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cách Hà Nội hơn 25 km (15.6 miles). Đức thánh Chử Đồng Tử là một trong "Tứ bất tử" của người Việt có công trong việc chữa bệnh cứu người, mở mang nghề nông, phát triển buôn bán. Lễ tế có đám rước rồng, có nhiều trò vật võ, múa sư tử, hát chèo, bơi thuyền...

    Lễ hội chùa Tứ Pháp: Chùa Tứ Pháp thuộc huyện Văn Lâm, thờ bốn bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Hàng năm, làng thường mở lễ hội vào ngày 8 tháng 4 âm lịch. Đặc biệt ở lễ hội có cuộc rước lớn giữa các làng thờ 3 Bà Vân, Vũ, Lôi đến với Bà Điện (ở chùa Un, làng Ôn Xá). Đây cũng là lễ hội cầu cho mùa màng tươi tốt.

    Hội Phù Ủng: Lễ hội diễn ra hàng năm từ ngày 11 đến 25 tháng 1 âm lịch tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi. Đền Phù Ủng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão, một danh tướng thời Trần, đã có nhiều công đánh đuổi giặc Nguyên Mông thế kỷ13. Đặc biệt có đám rước tượng quận chúa Thủy Tiên, con gái độc nhất của Phạm Ngũ Lão về đền chính và có hội Kỳ Anh là hội của các vị chức sắc (trên 50 tuổi) tế ngoài. Trong lễ hội còn có các trò đánh cờ, thi vật, tổ tôm, hát chèo...
    Nguồn: www.vietshare.com

Chia sẻ trang này