1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Văn học : cảm nhận về cái thiện cái ác trong truyện cổ tấm cám

Chủ đề trong 'Truyện cười' bởi truyencotichhaypr, 26/10/2016.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. truyencotichhaypr

    truyencotichhaypr Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    21/12/2015
    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    1
    Truyện cổ tích việt nam Tấm Cảm trước tiên là câu chuyện trong khuôn khổ của một gia đình, do những mối lợi mà dì ghẻ, con chồng thường xung đột với nhau. Dân gian phản ánh tình trạng đó bằng câu ca dao:Mấy đời bánh đúc có xương, Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng. Tuy vậy, truyện còn có ý nghĩa sâu xa hơn, mở rộng đến phạm vi xã hội. Đó là sự xung đột giữa cái tốt với cái xấu, cái thiện với cái ác, hay nói khác đi là giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Kẻ xấu, kẻ ác, kẻ bóc lột nắm quyền hành trong tay, tha hồ làm mưa làm gió, tác oai tác quái. Người lương thiện, người bị bóc lột luôn bị đoạ đày trong đau khổ nhưng cũng không ngừng đấu tranh, có khi đấu tranh dữ dội để giành thắng lợi cuối cùng.

    Truyện Tấm Cám thể hiện ước mơ công lí, ước mơ hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh gay go vất vả, Tấm luôn được Bụt giúp đỡ, đền bù và Tấm đã thành hoàng hậu. Thời xưa, vua được coi là người sung sướng nhất (sướng như vua), cho nên được làm vợ vua là hạnh phúc cao nhất. Trái lại, bọn xấu, bọn ác, bọn bóc lột nhất định phải đền tội và đền tội thật đích đáng. Do đó, đối với nhân dân, truyện Tấm Cám có một ý nghĩa thật tốt đẹp. Nó là niềm an ủi, là nguồn hi vọng và tin tưởng. Nó giáo dục thái độ yêu ghét rõ ràng, dứt khoát: yêu cái tốt, yêu người lao động chân chính, ghét cái xấu, ghét kẻ bóc lột, ăn bám, tàn ác.

    Sự hóa thân để trở về với cuộc đời của Tấm phản ánh mơ ước về công bằng xã hội: Người lương thiện không thể chết oan mà phải được hưởng hạnh phúc, còn kẻ ác nhất định bị trừng phạt. Đồng thời thể hiện quan niệm hết sức thực tế về hạnh phúc của người lao động. Họ không tìm hạnh phúc ở cõi nào khác, mà tìm và giữ hạnh phúc thực sự ngay ở cõi đời này.

    Kết thúc có hậu là biểu hiện tập trung của ước mơ. Nhân vật thiện cuối cùng đã được hưởng hạnh phúc như những gì mà trí tưởng tượng lãng mạn của nhân dân có thể hình dung được.

    Cô Tấm nghèo hèn, bị ức hiếp, bị giết chết, cuối cùng đã gặp lại nhà vua, trở về cung làm hoàng hậu. Kết thúc đó cũng thể hiện mơ ước đổi đời của những người lao động nghèo. Đó là bức tranh về một xã hội lí tưởng có “vua sáng, tôi hiền”. Trong xã hội mơ ước đó, họ có thể từ địa vị bần cùng bước lên địa vị tối cao.

    Hẳn có người sẽ đặt câu hỏi: Tại sao những người nhỏ bé, nghèo khổ như cô Tấm lại chiến thắng được những cái xấu, cái ác để giành lấy hạnh phúc cho mình? Đúng, cái thiện đã chiến thắng bởi nó tuy nhỏ bé nhưng không đơn độc trong cuộc chiến chống cái xấu và cái ác. Những lúc gặp khó khăn hay đau khổ, Tấm đều được Bụt giúp đỡ vượt qua. Tấm phải nhặt thóc trộn lẫn gạo ư? Đã có đàn chim sẻ được Bụt sai xuống nhặt hộ. Tấm muốn có quần áo đẹp đi xem hội ư? Bụt bảo hãy đào bốn cái lọ chôn dưới chân giường… Bụt chính là ước mơ của nhân dân lao động, là sự cứu giúp cần thiết và kịp thời để Tấm đi đến thắng lợi cuối cùng. Bụt là kết tinh của tình yêu, niềm tin và sức mạnh mà nhân dân gửi gắm. Tấm xứng đáng được nhận sự cưu mang kì diệu đó bởi cô là hiện thân của cái thiện và cái đẹp. Chiến thắng của Tấm, của cái thiện cũng chính là chiến thắng của niềm tin, ước mơ của người dân lao động sau lũy tre làng.

    Suy cho cùng, chiến thắng của cái thiện là tất yếu bởi cái thiện là lẽ phải, là chính nghĩa, là kết tinh những giá trị đẹp đẽ nhất. Chiến thắng của cái thiện là chân lí của cuộc sống. Không chỉ ở Tấm Cám, bài học đạo đức về sự chiến thắng của cái thiện còn được vinh danh ở rất nhiều truyện cổ khác. Chàng Thạch Sanh nghèo khổ nhưng trung thực và tài ba cuối cùng lấy được công chúa và lên làm vua (Thạch Sanh). Anh Khoai hiền lành, chăm chỉ kết duyên cùng con gái phú ông (Cây tre trăm đốt). Sọ Dừa sánh duyên cùng cô út (Sọ Dừa). Những kết thúc có hậu đó đã ca ngợi chiến thắng rực rỡ của cái thiện. Có thể cuộc đời thực không như cổ tích bởi còn nhiều người ở hiền mà vẫn chưa gặp lành, cái thiện vẫn bị đe doạ và cái ác nhiều khi lại là kẻ mạnh, nhưng đó chỉ là biểu hiện nhất thời. Cái xấu và cái ác sẽ vẫn tồn tại song hành cùng cái thiện, song bài học về sự chiến thắng của cái thiện sẽ vẫn giữ nguyên giá trị không chỉ cho hôm qua mà hôm nay và mãi mãi về sau.

    Lứa tuổi học sinh chúng ta thường phải đối mặt với những điều sai, việc xấu. Cần phải làm gì để vượt qua được những điều đó? Chúng ta hãy tự tìm cho mình một con đường thích hợp. Nên nhớ rằng không ai mang hạnh phúc đến cho ta mà chính chúng ta phải đi tìm hạnh phúc.

    Cuộc sống hối hả, gấp gáp của xã hội hiện đại khiến con người nhiều khi rơi vào sự âu lo, hoài nghi, dẫn đến suy giảm niềm tin. Hãy quay về với những truyện cổ như Tấm Cám để làm sống lại niềm tin về sự chiến thắng của cái thiện. Chân lí đó vẫn đúng ngay cả trong thời điểm xã hội phân hóa mạnh mẽ và phức tạp. Chúng ta hãy dũng cảm cùng nhau đấu tranh để bảo vệ cái thiện, làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

    Tấm Cám là thiên cổ tích được phổ biến sâu rộng trong dân gian bởi nó đặc sắc và rất hấp dẫn, tiêu biểu cho tâm hồn lãng mạn, tinh thần lạc quan yêu đời và niềm khát khao vươn tới cái đẹp cùng điều thiện của nhân dân lao động.
    Đọc thêm truyện cổ tích cho bé : "Tấm Cám" http://truyencotichhay.com/truyen-co-tich-viet-nam/truyen-co-tich-tam-cam/

Chia sẻ trang này