Văn học Việt Nam đang ở đâu Bài của nhà văn Nguyên Ngọc đăng trên tạp chí Diễn đàn (Pháp) Văn học Việt Nam đang ở đâu ? nguyên ngọc Vừa qua, nhà văn Nguyên Ngọc đã sang Pháp dự một cuộc hội thảo của UNESCO.Ngày 19.11, nhận lời mời của giáo sư François Jullien, giám đốc Viện Tư tưởng hiện đại và Viện Marcel Granet (Trường đại học Denis Diderot - Paris VII) ông đã thuyết trình về triển vọng văn học Việt Nam. Diễn Đàn đăng dưới đây bài đọc của nhà văn. Nhà văn Nguyên Ngọc và nhà triết học François Jullien Tôi mới đến Paris được vài hôm và còn chưa kịp gặp tất cả các bạn của tôi. Nhưng hầu hết những người tôi đã gặp đều hỏi tôi : Có gì mới không, trong nền văn học Việt Nam ? Trả lời câu hỏi nóng lòng ấy của các bạn, tôi sẽ không đi đến mức nói rằng " ở phương Đông chẳng có gì lạ ". Tuy nhiên tôi nghĩ chắc tôi cũng phải nói quả thật bên ấy chưa có gì nhiều để kể, và tình hình đó kéo dài đã khá lâu, từ khoảng mươi năm nay, nghĩa là từ cuộc chuyển động trong xã hội và trong văn học Việt Nam mà người ta gọi là Đổi Mới. Đương nhiên, ở bên ấy, cũng như ở khắp nơi trên thế giới, người ta vẫn tiếp tục viết. Các nhà văn quen biết vẫn cho xuất bản các tác phẩm mới của họ. Nhiều tác giả trẻ xuất hiện trên văn đàn, đôi lúc khá ồn ào. Các giải thưởng vẫn được Hội nhà văn Việt Nam và các tổ chức văn học khác (và cả những tổ chức chẳng chút gì dính dáng đến văn học) trao đều đặn hàng năm trong cả nước. Thỉnh thoảng cũng có đôi ba chuyện xôn xao đây đó. Một vụ báo động, nhanh chóng được chứng minh là báo động giả. Một cuộc cãi vã nhỏ, chưa kịp bùng ra đã tắt ngấm. Nhưng điều quan trọng là không có sự kiện, không có hiện tượng mới trong văn học. Không có tác phẩm hay tác giả tạo nên được một hiện tượng mới. Người ta lặp lại nhau, hay tự lặp lại mình. Bàng bạc một sự bình lặng. Một không khí chờ đợi, sốt ruột, và cả mệt mỏi. Bởi thật mệt mỏi khi phải chờ đợi lâu đến vậy. Song nhìn thật kĩ và chăm chú hơn, tôi nghĩ vẫn có thể nhận ra được một điều gì đó, có thể còn rất tiềm ẩn, đang cựa quậy bên dưới cái mặt phẳng bình lặng nọ, và có thể đột ngột bùng ra một lúc nào đó. Tôi nhớ lại sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp hồi cuối những năm 80, và Bảo Ninh hồi đầu những năm 90. Đều là những hiện tượng ít nhiều đột ngột, bất ngờ. Và điều tôi muốn cố gắng nói với các bạn hôm nay chính là về các triệu chứng đó, theo tôi, đang tích tụ, có thể là quá chậm chạp, quá khó nhọc, nhưng quả là đang tích tụ, từng ngày, dưới cái vẻ bình lặng giả kia. Và chính vì điều đó, tôi muốn quay trở lại đôi chút với Nguyễn Huy Thiệp, mặc dầu như ta có thể thấy, Thiệp cũng đã bắt đầu tự lặp lại mình. Song dầu sao anh cũng vẫn là một nhà văn rất quan trọng trong văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt vì những gì anh đã khởi xướng. Nhưng đúng ra thì Nguyễn Huy Thiệp đã khởi xướng lên điều gì trong văn học Việt Nam ? Tôi nhớ lại một người bạn của tôi, anh Nguyễn Khải, một nhà văn có tài. Bấy giờ là năm 1987, và tôi đang làm tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. Chúng tôi in truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp : Tướng về hưu. Cứ như là một cú giật nẩy mình trong đời sống văn học, và cả trong xã hội. Đọc xong truyện ngắn ấy, Nguyễn Khải bảo tôi : " Sau thằng Thiệp, chẳng ai có thể viết gì được nữa. Mình bỏ bút thôi. Chỉ bằng mỗi truyện ngắn này, nó đã lật đổ tất cả, xoá sạch tất cả những gì mình đã viết trước nay ". Tôi nghĩ Nguyễn Khải đã không diễn đạt thật chính xác điều tất cả chúng tôi cảm thấy lúc bấy giờ. Điều chúng tôi nhận ra lúc bấy giờ khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, là từ nay không còn có thể viết như trước nữa. Phải thay đổi. Thay đổi cái gì, và thay đổi như thế nào ? Đương nhiên, đó là công việc của mỗi người. Nhưng có một điều chắc chắn : phải viết khác đi. Nói cho đúng, Nguyễn Huy Thiệp không phải là nhà văn đầu tiên, càng không phải là duy nhất, của trào lưu có tên là Đổi Mới. Đổi Mới trong văn học. Đổi Mới trong xã hội. Trào lưu được biểu hiện trước hết bằng cái mà ở Nga người ta gọi là glasnost (transparence). Tức là nói lên sự thật trần trụi, đưa ra khỏi bóng tối, phơi bày ra dưới mắt mọi người tất cả các mặt tiêu cực của xã hội, của đời sống đất nước sau chiến tranh, các mặt trước nay vẫn bị dồn nén lại, che giấu cẩn thận. Có thể nói đó là một trào lưu văn học phơi bày cái tiêu cực, mô tả và tố cáo nó. Rất nhiều nhà văn đã tham gia trào lưu đó. Có thể kể chẳng hạn Dương Thu Hương, Trần Huy Quang, Phùng Gia Lộc, Võ Văn Trực, Lê Lựu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Nguyễn Khắc Trường..., cả Nguyễn Quang Sáng, và cả chính Nguyễn Khải... Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất ở Nguyễn Huy Thiệp, cái phân biệt anh với tất cả những người khác, là anh không đi theo hướng đó, anh không lao mình vào dòng thác văn học phơi bày và tố cáo đó. Anh không hằm hằm mô tả và tố cáo. Anh không làm cái mà ở Trung Quốc người ta gọi là " văn học vết thương ". Anh làm một việc khác : anh cố tìm ra " nguyên nhân sơ khởi " của tình trạng xã hội và con người Việt Nam đó, và để làm việc ấy, cố lần ngược lên đến ngọn nguồn của nó. Và như vậy, anh đã khởi xướng ra trong văn học Việt Nam hiện đại cái mà tôi muốn gọi là xu hướng tự vấn của xã hội và con người Việt Nam. Một luồng sinh khí mới, lành mạnh và sâu sắc được thổi vào văn học _ và đương nhiên, từ văn học vào xã hội. Cũng có thể nói cách khác : bằng nhạy cảm nghệ sĩ của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã " nghe " được đòi hỏi tiềm ẩn mà ngày càng bức bách đó của xã hội, và văn học của anh là văn học thể hiện đòi hỏi đó, cố gắng lần tìm câu trả lời. Bởi quả thật có một đòi hỏi như vậy đang nảy sinh trong xã hội và con người Việt Nam. Hôm qua, tôi có được gặp và trao đổi với ông François Jullien, giám đốc Viện Tư tưởng Hiện đại của Đại học Paris VII. Tôi rất ngạc nhiên được ông cho biết sắp đến đây Viện của ông sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về " cái tiêu cực", hình như tiêu đề của hội thảo là " Chúng ta làm gì đây với cái tiêu cực ? ". Tôi nói với ông rằng tôi rất muốn biết ở đây người ta quan niệm " cái tiêu cực " như thế nào và định sẽ làm gì với nó ; bởi ở Việt Nam hiện nay đấy quả đang là vấn đề rất lớn, rất thời sự. Và dường như cuộc chiến đấu chống lại cái tiêu cực hiện nay trong hoà bình lại còn khó khăn, phức tạp, thậm chí " ác liệt " hơn trong chiến tranh rất nhiều. Ông đồng ý với tôi, và bảo rằng trong chiến tranh, cái tiêu cực là kẻ thù, ở bên kia chiến tuyến, đối mặt với ta, ở bên ngoài ta ; còn bây giờ nó ở ngay bên trong ta, thậm chí là chính ta. Tôi cho rằng Nguyễn Huy Thiệp đã tinh tế nhận ra điều đó, và anh đã làm rất đúng cái mà văn học _ nền văn học của dân tộc nào cũng vậy _ đúng ra cần phải làm : sự tự soi mình của dân tộc, và của con người. Như một tấm gương. Cho sự tự soi, tự vấn trằn trọc, thường xuyên. Như ai cũng biết, lịch sử Việt Nam, cho mãi đến gần đây, là lịch sử chiến tranh triền miên. Chiến tranh đòi hỏi chủ nghĩa anh hùng. Chủ nghĩa anh hùng là rất đáng quý, nó nâng cao con người lên. Nhưng anh hùng cũng là phi thường (surna-turel). Con người ta không thể sống mãi với cái phi thường. Chính cái bình thường (naturel) mới là vĩ đại, bởi nó là mãi mãi, thường nhật và vĩnh hằng. Sau nhiều nghìn năm, có thể nói đây là lần đầu tiên, từ 27 năm nay, con người Việt Nam đối mặt, không phải với chiến tranh, mà với chính mình, tự hỏi mình thật sự là ai, lịch sử của mình thật sự là như thế nào (bởi vì quả một thời kì rất dài người ta đã phải diễn đạt lịch sử để mà chiến đấu, đánh giặc), vì sao hôm nay mình lại như thế này (chứ không như mình từng hình dung lúc đang đánh giặc anh hùng để có hôm nay)... Tự vấn là một nhu cầu hướng nội, _ không chỉ là hướng nội cá nhân, mà là hướng nội dân tộc, của toàn xã hội, toàn dân tộc. Nhìn lại mình, lịch sử của mình, lịch sử gần, và cả lịch sử xa _ một lịch sử quá nhiều phải đánh giặc và quá ít được xây dựng ; một lịch sử luôn đứng kẹp giữa hai nền văn hoá khổng lồ, Ấn Độ và Trung Hoa, và để tồn tại đã phải học lấy rất nhanh, rất thực tế những gì cần ngay cho mình từ các ảnh hưởng mạnh bên ngoài, rất giỏi vận dụng, " Việt hoá " nhanh, nhưng do đó cũng chưa bao giờ đi đến tận cùng những nền tư tưởng lớn, tạo nên một thói quen dở dang, nửa chừng, thích ứng, thoả hiệp... Tôi cho rằng điều đáng chú ý một số năm qua trong văn học Việt Nam là xu hướng soi tìm lại ngọn nguồn thực này ngày càng rõ rệt hơn, có ý thức hơn, sâu sắc, nghiêm khắc hơn, chẳng hạn ở các tác giả như Phan Thị Vàng Anh, Tạ Duy Anh, Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương... Cả những tác giả lớn tuổi hơn, như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Khải... Văn học " phơi bày " tất nhiên vẫn còn nhiều, nhưng đã " chợ chiều ", nhiều mà chợ chiều vì rõ ràng đã quá lặp lại và ế khách. Tuy nhiên xu hướng mới nói trên chưa tạo nên được " sự kiện " văn học mới, vì nó còn chưa tìm ra được ngôn ngữ nghệ thuật mới của nó. Chính từ chỗ này có một điều đáng cho ta chú ý : hình như đang có sự cố gắng hình thành một giọng điệu mới của người viết _ một cố gắng còn khó nhọc, chưa định hình, nhưng chính vì thế càng đáng chăm chú theo rõi. Đó là sự xuất hiện ngày càng rõ hơn giọng điệu mỉa mai, đùa bỡn, riễu cợt, thậm chí đôi lúc " chợ búa ", cố tình phá bỏ cái nghiêm nghị, mực thước, phá đổ các " thần tượng ngôn từ "... Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Hà, Tạ DuyAnh... là những ví dụ. Chắc chắn đấy không hề là vô tình, và cũng không hề đơn thuần là hình thức. Nó đầy tính báo hiệu. Nó đang đi đến chỗ tự mỉa mai, tự chế riễu, và ta biết điều này là hết sức quan trọng cho sự tự vấn. Người ta cũng chú ý đến một số hồi kí của các nhà văn được xuất bản những năm gần đây. Từ sau chiến tranh, thể hồi kí vốn đã " được mùa ". Rộ lên rất nhiều hồi kí, mà tôi muốn gọi là kiểu " hồi kí của các vị tướng ", do các vị tướng viết hoặc nhiều hơn là kể và nhờ người khác viết lại, nói về cuộc đời chiến đấu của họ, và qua đó thuật lại các chiến công của mình và của đồng đội. Trong các hồi kí này, có những quyển có giá trị tư liệu lịch sử đáng quý, đôi khi nó cho ta biết nhiều điều thú vị mà chính sử bỏ qua, và ít nhiều cũng có thể thấy hiện lên ở đấy, đôi lúc khá sinh động, chân dung những con người một thời... Loại hồi kí này hiện nay vẫn còn, nhưng đã thưa dần đi : hầu như những sự kiện quan trọng nhất của chiến tranh đã được thuật lại gần hết rồi. Bỗng đến lượt các nhà văn viết hồi kí. Có lẽ bắt đầu là Tô Hoài với Cát bụi chân ai và gần đây Chiều chiều (tôi nghĩ anh sẽ còn tiếp tục nữa, anh vốn rất tỉ mẩn và " biết " rất nhiều, chăm quan sát, ghi nhớ, và là người cũng đã lặn ngụp trong nhiều trầm luân của xã hội trong suốt gần thế kỉ qua). Gần đây đến lượt Nguyễn Khải với cuốn Thượng đế thì cười, Đào Xuân Quí với cuốn Nhớ lại... Theo chỗ tôi biết, hầu hết các nhà văn lớp luống tuổi đều có hồi kí, hoặc đang viết, hoặc đã viết rồi mà vì điều kiện này hay điều kiện khác chưa tung ra. Mỗi người một cách : Tô Hoài xưng tôi, Nguyễn Khải gọi mình là " hắn ", cũng có người viết tiểu thuyết - hồi kí. Tôi đoán có thể sắp tới, một trong những hiện tượng đáng chú ý nhất của văn học Việt Nam sẽ là các hồi kí của nhà văn, dưới dạng này hay dưới dạng khác. Khi nhà văn viết hồi kí, thì không phải như những người khác viết hồi kí. Bởi, dầu muốn hay không, nhà văn luôn là con mắt tự nhìn lại mình của xã hội ; xã hội sinh ra anh ta vì xã hội luôn có nhu cầu tự nhìn lại mình, trên suốt con đường đi tới. Rất đáng chú ý tên cuốn hồi kí của Nguyễn Khải : Thượng đế thì cười. Đây là một câu châm ngôn được Milan Kundera dẫn lại : " Con người suy nghĩ, còn Thượng đế thì cười ". Con người cứ suy nghĩ, hăng hái suy nghĩ, trằn trọc suy nghĩ, loay hoay suy nghĩ..., và tin rằng bằng suy nghĩ sẽ đạt đến chân lí ; và tin tưởng hành động theo suy nghĩ đó. Còn Thượng đế thì đứng ngoài, đứng trên, nhìn con người loay hoay trong thế cuộc như những con rối vậy, và lặng lẽ, và mỉa mai cười. Bởi Người biết rằng con người càng suy nghĩ thì càng đi xa chân lí ! Nguyễn Khải nói nghiêm túc, _ đôi lúc thậm chí nghiêm khắc một cách hơi quá đáng _ về chính mình, cuộc đời nghiêm túc của mình suốt mấy mươi năm nay. Và đồng thời anh cũng biết Thượng đế đang nhìn cái công việc nghiêm túc đó của anh, và ... cười ! Rõ ràng văn học chỉ có thể làm được công việc tự vấn xã hội mạnh mẽ, sâu sắc, khi nó tạo được một giọng điệu mỉa mai, tự mỉa mai, tự chế riễu. Rất có thể đây là một bước tiến đáng kể của tư duy văn học Việt Nam hiện nay. Chắc nhiều người cũng có chú ý đến một số vụ cãi vã gần đây trên báo chí trong nước chung quanh cái gọi là " hiện tượng thơ trẻ ", về một số nhà thơ hầu hết là nữ, như Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư... Cuộc cãi vã chưa đi đến đâu ; và theo tôi, có lẽ cũng chưa chạm đúng đến căn bản của vấn đề. Người ta chê, người ta bênh chẳng hạn Vi Thuỳ Linh về chuyện " trẻ thế mà đã ầm ĩ trắng trợn ******** ". Cuộc tranh cãi có nguy cơ biến thành đấu tranh về " đạo đức ", " bảo vệ thuần phong mĩ tục " tầm thường, và tầm phào. Có lẽ đáng chú ý hơn nhiều ở đây là ý muốn quyết liệt phá vỡ, đập vỡ hình thức thơ của một lớp nhà thơ trẻ đang lên. Họ đang muốn thoát ra, xé ra khỏi cái giọng lãng mạn điệu đà tiền chiến, và cả cái giọng anh hùng ca thời chiến. Họ muốn tạo ra tiếng nói mới của thế hệ họ. Tạo được chưa ? Có lẽ còn chưa. Chưa có gì định hình. Nhưng điều quan trọng là ở chính ý muốn, ý chí phá vỡ và tái tạo ấy. Như ai cũng biết, trong nghệ thuật chỉ thật sự có một nội dung mới khi có một hình thức mới. Khi chưa có hình thức nghệ thuật mới thì cũng chưa có nội dung mới nào cả. Chưa có " sự kiện " văn học mới. Bao giờ thì có ? Tôi không muốn làm thầy bói. Tôi chờ, và tin... Nguyên Ngọc Xin hăy cho mưa qua miền đất rộng Để người phiêu lãng quên mình lãng du
Tớ thích bài viết này. Rất sâu sắc và từng trải. Xin hăy cho mưa qua miền đất rộng Để người phiêu lãng quên mình lãng du
Dana Healy Văn học quá độ: khái quát văn học Việt Nam thời đổi mới Chính trị đã và đang vẫn là một trong những yếu tố có ý nghĩa nhất quyết định sự tạo lập chuẩn mực văn học hiện đại ở Việt Nam. Ngay trước khi tuyên bố độc lập và thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945, ban lãnh đạo chính trị mới đã đề ra đường lối văn hóa chính thức từ đó điều hành sự phát triển văn học Việt Nam(1). Tuy nhiên, năm 1986 Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã chấp nhận chương trình Ðổi Mới; điều này tạo ra một sự thay đổi quan trọng trong hoàn cảnh chính trị đất nước và nó đã có tác động đến các hoạt động văn hóa văn học. Bài viết này nhằm phân tích sự phát triển của văn xuôi Việt Nam từ năm 1986. Phần một xem xét phạm vi nới lỏng của những chính sách văn hóa chặt chẽ trước đổi mới và đo lường mức độ tự do ngôn luận mà các nhà văn hiện đại được hưởng. Nó cũng đưa ra cái nhìn chung về thái độ chính thống đối với văn học thời đổi mới thông qua việc xem xét lại các tài liệu chủ yếu chỉ đạo các hoạt động văn học và nhận diện vai trò của văn học và nhà văn ở Việt Nam hiện nay. Phần hai phân tích một số thay đổi trong văn học Việt Nam như là kết quả của quá trình đổi mới và được thể hiện ở các chủ đề mới cũng như ở cách tiếp cận mới đối với các chủ đề cũ. Dẫn luận Từ năm 1940 tiến trình văn học Việt Nam diễn ra dưới sự lãnh đạo của ÐCS. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa thường là dự đoán trước được và hiếm khi có gì bất ngờ, cách tân. Lúc nào cũng vậy, nó chỉ được phép viết về những chủ đề và đề tài "phải đạo". Trong văn cũng như trong thơ các nhân vật chính diện và phản diện đều theo khuôn mẫu và hầu hết các tác phẩm chỉ nêu lên những vấn đề và giải pháp theo đúng yêu cầu. Nhiều nhà văn dần dần phản ứng lại việc cứ lặp đi lặp lại mãi những đề tài cũ. Nếu trong thời chiến các tác giả dễ chịu sự lãnh đạo vì toàn xã hội đang phải sống trong hoàn cảnh "đặc biệt" cần những biện pháp đặc biệt, thì khi xã hội đã trở lại thời bình, họ bắt đầu trăn trở và háo hức muốn được khơi dòng chảy cho năng lực sáng tạo của mình. Nhưng thật khó đưa ra được những quan niệm mới mà không bị lên án là sai đường lối và do đó phải hứng chịu sự phê phán của Ðảng và các quan chức lãnh đạo. Ðầu những năm 1980 tâm lý bất bình và vỡ mộng đã tăng lên mạnh mẽ, và dần dần một số nhà văn đã dũng cảm dám lên tiếng phê phán công khai. Khi đại hội VI ÐCSVN bật đèn xanh cho đổi mới, các nhà văn không đưa bút kịp với sự hăm hở đón nhận sự tự do ngôn luận vừa được nới rộng. Một loạt bài viết và nghiên cứu xuất hiện xét lại văn học trước đây qua sự đi sâu phân tích phê phán. Những cuộc tranh luận sôi nổi về vai trò của văn học và vị trí của nhà văn trong xã hội bắt đầu xuất hiện trên cả các báo chí văn học có từ lâu hay mới ra đời, và cuộc luận chiến cũ giữa hai phái tư tưởng "nghệ thuật vị nghệ thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh" được hâm nóng lại. Sau nhiều năm bị buộc phải im tiếng, nay các nhà văn vui mừng tận hưởng cơ hội được bàn luận công khai. Tiếp đó là các nghiên cứu đi sâu tìm hiểu văn học trong xã hội cộng sản; các tác giả cố gắng chỉ ra những vấn đề và sự bần cùng của cuộc sống khi những câu khẩu hiệu và những lời hoa mỹ thế chỗ lòng tin và tình cảm trung thực, chân thành. Một trong những sự công kích thẳng thắn nhất thuộc loại này là bài "Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa" (2) của Nguyễn Minh Châu. Bài này đăng trên báo Văn Nghệ, cơ quan chính thức của Hội Nhà Văn Việt Nam, trong đó tác giả nêu lên rằng nhiều tác phẩm văn học trước đây chỉ "minh họa" cho đường lối chính trị đúng đắn. Tháng 10/1987, trong cuộc gặp gỡ Nguyễn Văn Linh, nhiều văn nghệ sĩ đã bày tỏ thái độ bất bình của họ. Ít lâu sau, ngày 28/11/1987, một văn kiện quan trọng nêu lên những nguyên tắc cho việc đổi mới trong lĩnh vực văn hóa và đề ra đường lối chỉ đạo sự phát triển tương lai đã được công bố. Ðó là Nghị quyết 05 của Bộ chính trị BCHTƯ ÐCSVN nhan đề "Ðổi mới và nâng cao sự lãnh đạo và quản lý văn hóa văn nghệ lên một bước phát triển cao hơn" (3). Nghị quyết viết: "Tự do sáng tạo là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa văn nghệ và để phát triển tài năng... Tác phẩm văn nghệ không vi phạm pháp luật, không ********* (chống lại dân tộc, chống lại chủ nghĩa xã hội, phá hoại hòa bình), và không đồi trụy (truyền bá tội ác, sự sa đọa, phá hoại nhân phẩm) đều có quyền được lưu hành và đặt dưới sự đánh giá, phán xét của công luận và sự phê bình." Các nhà văn được khuyến khích "quan sát và sáng tạo" khi Nghị quyết viết rằng "tự do sáng tạo phải đi đôi với tự do phê bình" và nêu lên cam kết "trân trọng nhân cách, tài năng và sự độc đáo của văn nghệ sĩ, chu đáo, tế nhị, chân tình trong quan hệ, đối xử, có cách làm việc đối với từng cá tính sáng tạo". Nghị quyết đã chính thức bảo đảm quyền tự do diễn đạt. Dù còn những hạn chế, văn kiện này là một bước tiến lớn. Sự tuyên truyền chính trị ầm ĩ cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã bị bỏ qua và "chủ nghĩa phê phán xây dựng" được cổ vũ phơi bày các mặt tiêu cực trong đời sống xã hội Việt Nam. Xét cho cùng, Ðảng nói, chúng ta đều là con người và đều có sai lầm; chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận là có tham nhũng, có đĩ điếm, có nghiện hút. Các nhà văn không cần phải nói nước đôi nữa; họ bắt đầu say sưa tận dụng sự tự do mới này và nhờ đó làm hồi sinh hoạt động văn học ở Việt Nam. Những năm tiếp đó là thời kỳ tự do và hứng khởi nhất. Báo chí được mở cửa tăng lên về số lượng làm tăng thêm đầu ra cho các tác giả công bố tác phẩm và mở rộng phạm vi cho các cuộc tranh luận văn học. Gần như tỉnh nào cũng có tờ tạp chí riêng của mình về văn hóa văn nghệ Nhưng khi càng có thêm nhiều nhà văn gia nhập hàng ngũ phê phán xã hội Việt Nam thì các nhà chính trị bắt đầu quan tâm để sự "tự do" mới này không đi quá xa. Sửng sốt và sợ hãi trước sự hăm hở tích cực của các nhà văn khai thác hoàn cảnh mới, Ðảng cảm thấy buộc phải nghĩ lại đường lối của mình. Dần từng bước, nhưng ngày càng trở nên rõ ràng, là mọi thay đổi về tự do ngôn luận và diễn đạt có những giới hạn không thể vượt qua. Do đó mọi ấn phẩm mới, mọi cuốn sách và bài viết có tìm tòi này khác phải chờ quyết định chính thức có cho phép được ra hay không. Không được phê phán chính trị, không được công kích hay dù chỉ là băn khoăn về hệ thống một đảng. Ðấy là những quy tắc chủ đạo vạch ranh giới cho các hoạt động sáng tạo được khuyến khích. Các nhà văn thẳng thắn nhất thành những người ly khai; nhiều tổng biên tập báo bị mất chức; nhiều cuốn sách bị cấm. Dương Thu Hương bị bỏ tù, nhiều nhà văn khác bị hạch sách, đe dọa. Thông điệp đã rõ ràng: có những giới hạn không thể bị vượt qua. Cuộc bàn luận chính thức là về việc Ðảng lãnh đạo văn học thế nào, chứ không phải là nó có nên lãnh đạo hay không, có quyền lãnh đạo hay không. Nhân dịp Ðại hội lần thứ V Hội Nhà Báo Việt Nam năm 1989, báo Nhân Dân đăng bài xã luận viết: "... trong sự nghiệp đổi mới, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền đường lối chính sách của Ðảng, đi sát hiện thực, nhanh chóng đưa tin và phân tích sâu sắc những hiện tượng mới để tạo nên dư luận lành mạnh và thúc đẩy quần chúng hăng hái thực hiện các nhiệm vụ cách mạng khác nhau như Nghị quyết đại hội VI của Ðảng đã đề ra." (4) Bài báo này cũng nhắc lại rằng "báo chí phải là cơ quan của Ðảng và diễn đàn của nhân dân", trong khi Hiến Pháp mới của nước CHXHCNVN thông qua năm 1992 khẳng định: "Nhà nước quản lý toàn diện các hoạt động văn hóa. Nghiêm cấm việc tuyên truyền các tư tưởng ********* và đồi trụy, các phong tục lạc hậu và mê tín dị đoan." Ðại hội VII ÐCSVN diễn ra trong bầu không khí hết sức khác. Nó tái khẳng định lập trường của Ðảng và lại nhấn mạnh thái độ không khoan nhượng đối với tự do văn học. Thực tế, khi đánh giá lại tình hình từ sau đại hội VI, đại hội VII đã cho thấy Nghị quyết 05 đã không xác định đầy đủ vai trò mới của đảng trong văn học. Trong bài phát biểu tại hội nghị bốn BCHTU khóa VII (4 - 14/1/1993), tổng bí thư Ðỗ Mười nói: "Những quan điểm lệch lạc và những hiện tượng tiêu cực đã len vào lĩnh vực văn học nghệ thuật... Văn học nghệ thuật là một bộ phận của công cuộc đổi mới do đảng thực hiện và giám sát. Chúng ta cần nắm vững quan niệm của chủ tịch Hồ Chí Minh coi văn học nghệ thuật là một mặt trận và các văn nghệ sĩ Việt Nam là những chiến sĩ trên mặt trận đó... Chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại các thứ nọc độc văn hóa và phải đẩy lùi triệt để các hiện tượng tiêu cực và các khuynh hướng lệch lạc đang diễn ra trong văn học nghệ thuật." Trong khi năm 1987 các nhà văn được khuyến khích phê phán, thì nay đảng tỏ ý không bằng lòng với việc họ nặng về phơi bày các hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống của đất nước mà bỏ qua hoặc ít chú ý đến những sự phát triển tích cực. Nghị quyết hội nghị trung ương bốn (khóa VII) nhan đề "Về một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ những năm trước mắt" (5) đã nêu lên những công việc để phát triển văn học nghệ thuật cuối những năm 1990 và tái khẳng định địa vị lãnh đạo của đảng về các vấn đề văn hóa. Góp phần mới nhất cho cuộc tranh luận đang diễn ra là của ông Phạm Văn Ðồng, cựu thủ tướng Việt Nam. Trong cuốn sách mới của mình, Văn hóa và đổi mới (6), ông nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh những nguyên tắc đã quá nhàm chán trước đây: mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa và chủ nghĩa Marx và niềm tin vào di sản và các giáo lý của Hồ Chí Minh. Ðại hội V Hội Nhà Văn Việt Nam khai mạc ngày 14/3/1995 chỉ ra "một số quan niệm trong văn học hiện nay, cụ thể là sự xuất hiện xu hướng phủ nhận quá khứ vinh quang và cách mạng". Về lý luận phê bình, đại hội nhận xét "trong những năm gần đây đã diễn ra cuộc đấu tranh thực sự giữa đổi mới trên cơ sở thành tựu văn học cách mạng và khuynh hướng "đổi mới" cực đoan phủ nhận quá khứ, đánh giá lại nền văn học gắn bó với số phận toàn dân tộc hơn 50 năm qua" (7). Những thay đổi quan trọng đã diễn ra trong văn học Việt Nam và một giai đoạn phát triển mới đã bắt đầu. Tuy nhiên, vấn đề quan hệ giữa chính trị và văn hóa vẫn chưa được giải quyết. Nhà nước tổ chức và quản lý mọi hoạt động văn hóa và chỉ bảo cho nhà văn phải viết ra sao. Thế là diễn ra cái trò mèo vờn chuột giữa các nhà văn cố chuyển tải thông điệp của mình thông qua những hình tượng ẩn dụ tinh vi để tránh bị cấm và đảng tìm cách kiểm soát văn học trong khi vẫn giữ cho mọi người cảm thấy hài lòng với cái gọi là "tự do sáng tạo". Nhưng có thể nói rằng văn học đổi mới đã sinh sắc hơn, đa dạng hơn và cách tân hơn và hoạt động văn học đã có bước tiến. Thậm chí trong giới hạn bị các quan chức giám hộ áp đặt, nhiều nhà văn vẫn tìm được cách truyền đi thông điệp của mình. Sự thể nghiệm sáng tạo và nghệ thuật trong văn học đổi mới không bung ra mạnh vì các nhà văn phải tự giữ mình, sợ những đòn thù chính trị. Phần đông các tác giả Việt Nam không để ý đến các vấn đề chính trị; họ quan tâm chính đến sự tự do ngôn luận và diễn đạt, thoát khỏi mọi quy tắc luật lệ bóp nghẹt sáng tạo. Có một phương diện quan trọng khác ảnh hưởng tới văn học Việt Nam hiện đại. Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường đã đặt ra cho các nhà văn những vấn đề mới như kinh phí bị cắt giảm hoặc không còn được cấp buộc các nhà xuất bản phải tính đến lợi nhuận và tự trang trải. Họ buộc phải xuất bản những ấn phẩm nặng tính thương mại như các truyện tình, truyện kinh dị, truyện giật gân, truyện đời tư các ngôi sao ca nhạc, để lôi kéo sự chú ý, và tất nhiên cả tiền bạc, của độc giả. Trong khi đó nhiều tác phẩm trước đây được đánh giá lại. Nhiều tác giả hồi trước không được nhắc đến và bị loại ra khỏi sách giáo khoa và các bộ sử văn học nay được phục hồi và nhìn nhận lại thỏa đáng hơn. Lấy thí dụ trường hợp các nhà văn Tự Lực Văn Ðoàn, một văn phái hồi những năm 1930. Trước 1986, sách của các nhà văn này không được xuất bản và nói đến, họ chỉ được nhắc vài câu trong các sách sử văn học. Bây giờ các hiệu sách đầy sách của họ. Ðối với nhiều thanh niên Việt Nam đây là dịp đầu tiên đọc các tác giả này và đánh giá văn chương của họ. Quả thật, một điều mỉa mai là các sách đó còn được đưa vào tủ sách đặc biệt dành cho thiếu nhi.
Ðặc điểm văn học đổi mới Ở trên chúng ta đã nói tới bối cảnh chính trị bao quanh nhà văn Việt Nam và những giới hạn áp đặt lên họ. Bất chấp những trói buộc đó, văn học hiện đại Việt Nam vẫn khởi sắc, sinh động và chắc chắn là đa dạng hơn thời chưa đổi mới. Các nhà văn hướng đến những chủ đề khác nhau và chiến đấu trên nhiều mặt trận khác nhau. Ðộc giả hàng chục năm qua quen chấp nhận mọi điều đặt ra trước họ không cần băn khoăn ngờ vực, nay buộc phải suy nghĩ, so sánh, vận dụng đầu óc và tham gia vào quá trình sáng tạo. Ngay đầu những năm 1980 đã có một vài tác phẩm xuất hiện báo hiệu xu hướng thay đổi sẽ được phát triển tự do hơn từ sau 1986. Những tác phẩm như Gặp gỡ cuối năm (1981) của Nguyễn Khải, Cù lao Tràm (1988) của Nguyễn Mạnh Tuấn, Mùa lá rụng trong vườn (1986) của Ma Văn Kháng hay một số truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành cho thấy đã có một luồng gió mới thổi vào văn học Việt Nam và đó là những người báo hiệu của văn học đổi mới thực sự. Các nhà văn tiêu biểu nhất của văn học đổi mới là Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Duy. Họ không chỉ là những tác giả nổi tiếng nhất thời kỳ này, mà còn là những nhà cách tân và thực nghiệm táo bạo nhất, gây tranh cãi nhất, không khoan nhượng nhất. Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của nhiều tác phẩm hiện đại là mức độ phê phán cao đối với cuộc sống thường ngày. Sau nhiều năm tụng ca hiện thực, nhiều năm ca ngợi và tự ca ngợi, cũng như hô hào một thứ lạc quan phi lý, các nhà văn bây giờ đã vứt bỏ bức tranh lý tưởng hóa hiện thực và đưa ra một cái nhìn điềm đạm hơn về cuộc sống. Có một sự thay đổi lớn từ những đề tài về cuộc sống tập thể sang cuộc sống cá nhân. Trong khi văn học trước đây chú trọng vào các phong trào chung, các chiến dịch, và toàn thể xã hội, thì các tác phẩm hiện nay đi sâu vào khai thác tâm lý cá nhân và các vấn đề liên quan đến cá nhân. Trong khi trước đây vai trò cá nhân thường bị rút lại ở bản "lý lịch chính trị" (mượn cách nói của Trần Ðạo/Phan Huy Ðường (8)), thì các nhà văn hiện nay cố gắng vẽ ra bức chân dung tâm lý phức tạp cho các nhân vật của họ. Kinh nghiệm của cá nhân giờ đây cũng được coi là có giá trị và thích hợp như kinh nghiệm của toàn xã hội. Một số mặt của xã hội Việt Nam truyền thống cũng biến chuyển mạnh trong mấy năm qua. Tiền bạc đóng vai trò chi phối trong đời sống khi nền kinh tế chuyển sang thị trường. Ðạo đức truyền thống theo Nho giáo đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Thế hệ trẻ chấp nhận các giá trị khác, do đó thường xung khắc với thế hệ già. Sự cố kết và thống nhất của gia đình đã bị suy yếu. Vai trò của phụ nữ trong xã hội thay đổi. Hôn nhân theo xếp đặt bị phản đối, ly hôn được xã hội chấp nhận rộng rãi hơn. Những thay đổi này đã được nói đến trong nhiều tác phẩm, ví như Bên kia bờ ảo vọng (1987), Những thiên đường mù (1988), Chuyện tình kể trước lúc rạng đông (1986) của Dương Thu Hương, Tướng về hưu (1988) của Nguyễn Huy Thiệp hay Mảnh đất lắm người nhiều ma (1990) của Nguyễn Khắc Trường, tác phẩm mô tả sự kình địch giữa hai dòng họ ở làng quê. Trong Những thiên đường mù (1988) Dương Thu Hương đã thể hiện thành công xung đột giữa những mối liên hệ và giá trị trong gia đình và sức ép do những thay đổi ngoài xã hội dội vào. Quyền gia trưởng theo luân lý nho giáo được phản ánh trong quan hệ giữa Quế và Chính. Những hành động của Chính, một đảng viên, được tha thứ chỉ thuần vì ông ta là người mang vác truyền thống gia đình. Nhiều nhà văn đã quay về lịch sử Việt Nam tìm chủ đề và đề tài. Họ thường dọi cái nhìn mới vào những vấn đề quan trọng của quá khứ. Thí dụ Dương Thu Hương nhìn lại hậu quả khủng khiếp của cuộc cải cách ruộng đất hồi những năm 1950. Bà ngờ vực lợi ích của phong trào hợp tác hóa và hướng sự chú ý tới nhiều bi kịch cá nhân do nó gây ra. Cuộc đời ba nữ nhân vật chính trong Những thiên đường mù đã bị tan nát, trực tiếp hay gián tiếp, bởi hậu quả của cải cách ruộng đất. Cuốn tiểu thuyết của bà đã lôi ra tệ tham nhũng và đầu cơ trục lợi của các cán bộ cộng sản, sự dốt nát và mù quáng của họ trước cái "thiên đường" họ đang sống. Nguyễn Huy Thiệp cũng thường quay về lịch sử và dùng nó để nêu lên những nhận định đáng giá về hiện tại. Tác phẩm của ông đã gây phản ứng kịch liệt và dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi giữa phái ủng hộ và phái phỉ báng. Ông xuất hiện trên văn đàn đổi mới ngay lập tức sau Ðại hội Ðảng VI với cái nhìn phê phán mạnh mẽ. Ông chủ yếu viết truyện ngắn, thể loại cho phép ông nêu lên nhiều vấn đề khác nhau và gắn với nhiều chủ đề. Vốn là một giáo viên dạy sử, ông không chỉ biết các thực tế lịch sử, mà còn biết cả những cách giải thích lịch sử khác nhau, biết những huyền thoại và những dối trá được dựng lên quanh một số nhân vật và sự kiện lịch sử. Ông thường chọn nhân vật của mình từ sử Việt và nêu lên những nghi vấn về vai trò của các nhân vật lịch sử do các sử quan ngày nay đưa ra. Giới chính thống Việt Nam không thích các điều bị lật lại như thế. Họ thích có những nhân vật chính tà đã phân định rõ ràng và ghét những tính cách phức tạp. Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn bắt độc giả phải tham gia tích cực vào quá trình sáng tạo. Ông đưa ra câu truyện và buộc độc giả phải nghi ngờ sự thực, rồi tự rút ra kết luận của mình. Ham mê thần tượng là điều ông không thể chấp nhận. Lịch sử Việt Nam là một lịch sử gần như triền miên chiến tranh và tranh đấu. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chiến tranh trở thành một chủ đề thường xuyên và bao trùm khắp văn học Việt Nam. Phần lớn nhà văn đều là lính hoặc đã sống cùng lính và biết rõ cuộc sống quân ngũ. Văn học trước đổi mới thiên về tụng ca chiến tranh và thể hiện nó là cơ hội bộc lộ tình yêu đất nước. Không có cuộc sống riêng; cuộc sống là chiến tranh, gia đình được thay bằng đơn vị, đồng đội thay cho anh chị em. Chiến tranh chi phối cuộc sống mọi người ngay cả khi nó đã kết thúc, cả người lính và người dân đều thấy khó thích nghi được với cuộc sống thời bình, khó tự thu xếp được cuộc sống riêng và khó tự quyết định hơn là vâng lệnh. Ðã có bước chuyển quan trọng tách khỏi chiến tranh như một đề tài chung được lặp đi lặp lại trong văn học; điều này không có gì ngạc nhiên khi ký ức chiến tranh tuy vẫn còn mạnh nhưng đã bắt đầu phai nhạt dần trước những vấn đề mới bùng ra rộng lớn. Gần mười năm trôi qua kể từ khi cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam kết thúc là khoảng thời gian đủ cho các nhà văn nhìn lại nó từ một viễn cảnh mới. Và ở đây cũng lại số phận cá nhân gây được sự quan tâm nhất. Khi Bảo Ninh xuất bản cuốn tiểu thuyết Thân phận của tình yêu (1990, tên này sau được đổi thành Nỗi buồn chiến tranh 1991), ông đã đặt ra trước độc giả một hình ảnh cuộc chiến rất khác với nhiều tác phẩm trước đây. Cuốn tiểu thuyết của ông là một trong những bản kết toán chiến tranh xúc động nhất được viết bằng tiếng Việt từ trước đến nay. Ðó là bức tranh hiếm hoi về cuộc chiến (và cả giai đoạn hậu chiến) trong văn học Việt Nam bóc trần sự tụng ca chiến tranh. Không có người thắng kẻ bại trong cuộc chiến của Bảo Ninh. Kiên, nhân vật chính của tác phẩm, không hề là một anh hùng. Anh không thể thoát khỏi được cuộc chiến, cứ bị ám ảnh bởi những "hồn ma" của quá khứ nhắc anh nhớ lại những việc đã xảy ra trong chiến tranh. Buồn bã, sầu muộn, rối loạn, mất mát, không sống được cuộc sống bình thường - đấy là những tình cảm của "thế hệ lầm lạc" các chàng trai cô gái Việt Nam, nó cướp đi tuổi trẻ và sự hồn nhiên của họ, làm cho họ không thể nào trở lại cuộc sống như trước chiến tranh được nữa. Ngay dù cho sự nghiệp là chính nghĩa thì cũng chẳng vinh quang gì cái việc giết chóc và đau khổ. Chiến tranh mang lại nỗi đau, và cả vinh quang chiến trận cùng những tấm huy chương đều không thể bù đắp được cho những cuộc đời rùng rợn và tan hoang. Những người sống sót qua chiến tranh, "người chiến thắng", trong bản kết toán của Bảo Ninh, trở thành "những nạn nhân" bị ám ảnh bởi quá khứ. Cuốn tiểu thuyết của ông là sự mô tảcuộc chiến tranh đầy xúc động, đậm tính nhân văn, tương phản gay gắt với hình ảnh thắng lợi khải hoàn thường thấy nhan nhản trong văn học Việt Nam. Các tác phẩm viết theo lối hiện thực xã hội chủ nghĩa thường nhấn mạnh đến tài thao lược của các nhà lãnh đạo và khí thế nhân dân tham gia cuộc chiến đấu giải phóng Tổ Quốc. Bảo Ninh vượt qua các chiến thuật và chiến dịch; ông quan tâm đến con người. Cuốn tiểu thuyết trở thành sách bán chạy. Năm 1991 nó được giải thưởng Hội Nhà Văn và nổi tiếng ở nước ngoài. Thế nhưng vẫn có nhiều người khó chịu với bản kết toán chiến tranh ảm đạm ấy. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (1994), đã có một vài bài viết điểm lại chủ đề chiến tranh trong văn học Việt Nam. Trong bài "Mấy suy nghĩ về văn học thể hiện chiến tranh cách mạng", Mai Ngữ rõ ràng đã ám chỉ tác phẩm của Bảo Ninh khi viết: "Ðáng tiếc là có những người đã mô tả cuộc chiến tranh yêu nước suốt 30 năm của dân tộc không đưa lại gì ngoài sự chết chóc đổ máu và coi những người lính chúng ta như nạn nhân... Theo họ cái chết là điều vô nghĩa và ghê tởm, và ngược với điều cả dân tộc suy nghĩ, kết quả chiến tranh không có gì ngoài nỗi buồn." (9) Và ông viết thêm: "Những tác phẩm như thế lại được dịch và xuất bản ở nước ngoài (nơi không biết gì về cuộc chiến tranh của chúng ta!) và thậm chí chúng còn được giải thưởng!". Ðây không phải là trường hợp duy nhất. Bức tranh cuộc chiến bị lột bỏ vinh quang vẫn là điều khó chấp nhận với nhiều người. Bảo Ninh từ chối tụng ca thắng lợi Việt Nam đã giành được: đối với ông, ai cũng là người thua cuộc. Những người lính trẻ trong Tiểu thuyết vô đề (1990) của Dương Thu Hương cũng bị đối mặt với một nhận thức không khải hoàn và không tụng ca như thế. Những người sống qua chiến tranh còn phải đối mặt với một vấn đề khác - làm thế nào thích nghi với hòa bình. Nhiều người già nửa đời trận mạc ở rừng. Họ học được cách chiến đấu, vâng lệnh và học cách quên đi cuộc sống riêng. Làm sao họ trở lại được cuộc sống bình thường bây giờ. Trong truyện "Tướng về hưu" một cựu chiến binh rời chiến trường về sống cuộc đời tẻ nhạt, nhàm chán, rốt cuộc ông đã túm lấy cơ hội để trở lại mặt trận. Tiểu thuyết Bến không chồng (1990) của Dương Hướng phản ánh cuộc đời bi kịch của những người phụ nữ trẻ bị chiến tranh hủy hoại. Xét về mặt hình thức, văn học đổi mới có nhiều cách tân. Một số nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực phê phán, số khác theo chủ nghĩa hiện đại hoặc hậu hiện đại. Các thủ pháp dịch chuyển liên tục thời gian và không gian, dùng hình thức nhật ký, tạo nhiều cái kết khác nhau, xen các đoạn trích dẫn, sử dụng ngôn ngữ thẳng thắn, thực tế, khác với lối khoe khoang của những khuôn sáo chính trị, đều được vận dụng làm cho văn học hiện nay hấp dẫn và mới mẻ. Kết luận Văn học Việt Nam hiện nay là một nền văn học quá độ. Nó đã rời bỏ bến cảng được canh gác chặt chẽ nhưng dễ nương náu của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và ra khơi thám hiểm. Nó đã khám phá thấy cái mới và chưa biết, nhưng đồng thời nó cũng đang phải đương đầu với thời tiết khắc nghiệt bất thường của biển cả. Vấn đề là để xem chuyến đi có được tiếp tục không hay nó buộc phải rời bỏ hải trình. (Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh) Dana Healy là giảng viên tiếng Việt tại Trường nghiên cứu phương Ðông và châu Phi, Ðại học London. Bài in trong sách: The Canon in Southeast Asian Literatures. Literatures of Burma, Cambodia, Indonesia, Laos, Malaysia, the Philippines, Thailand and Vietnam. E***ed by David Smyth. First Published in 2000 by Curzon Press. -------------------------------------------------------------------------------- Chú thích [1] Ðề cương văn hóa Việt Nam, 1943. [2] Văn Nghệ, số 49 - 50, 1987. [3] Nhân Dân, 5/12/1987, tr. 1. [4] Nhân Dân, 16/10/1989, tr.1. [5] Văn Nghệ. [6] Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1994. [7] VNA News Agency, 12/3/1995. [8] Trần Ðạo, A Work of Art, Ðoàn Kết, 1988. [9] Nhân Dân, 24/12/1994. © 2003 talawas Moonlight+Blue-Solitary Mountain