1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Văn Mới 2005 - Cái nhìn mới về Văn học Việt Nam

Chủ đề trong 'Văn học' bởi viet-thang, 01/05/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. viet-thang

    viet-thang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    1.941
    Đã được thích:
    0
    Văn Mới 2005 - Cái nhìn mới về Văn học Việt Nam


    Thời điểm nửa đầu năm 2005, độc giả đã có trong tay Văn Mới 2005, một hợp tuyển những tác phẩm văn xuôi mới, độc đáo và có nhiều tìm tòi. Những tác phẩm này hoặc mới được công bố trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến đầu năm 2005 hoặc mới được viết ra.
    Tiêu chuẩn đầu tiên và trên hết khi tuyển chọn bộ Văn Mới hàng năm phải là những tác phẩm văn xuôi mới. Người làm sách tuyển chọn theo quan niệm cái mới thể hiện ở sự tìm tòi cả về nội dung và hình thức, cả ở việc tạo ra được sự đồng cảm của người đọc. Còn tác phẩm hay đến mức độ nào, tùy thuộc vào sự tiếp nhận và thị hiếu của từng độc giả.
    Rất mong nhận được sự hưởng ứng của bạn viết, của các nhà văn Việt Nam trong nước cũng như đang ở nước ngoài để Văn Mới trở thành bộ sách được tin cậy và yêu thích. Xin hãy gửi cho chúng tôi tác phẩm mới nhất và tâm đắc nhất của mình theo địa chỉ:

    Công Ty Văn Hoá Đông A
    106 - D4 - Giảng Võ - Hà Nội
    Email: dongadc@fpt.vn
    website: www.thegioisach.com.vn




    Được viet-thang sửa chữa / chuyển vào 09:16 ngày 01/05/2005
  2. viet-thang

    viet-thang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    1.941
    Đã được thích:
    0
    -Theo báo tuổi trẻ-

    TT - (NXB Hội Nhà Văn và Công ty văn hóa Đông A phát hành). Một bộ sách đẹp hiếm thấy vừa ra mắt trong một cái tên ngắn gọn: Văn mới.
    Ngắn gọn nhưng con đường của Văn mới lại dài: ?oChọn lọc những tác phẩm mới, tiêu biểu cho phong cách độc đáo của từng tác giả mà tên tuổi gắn liền với làn sóng mới trong văn học từ năm 1986 và đang đi tiếp trên con đường sáng tạo?. Con đường ấy cũng gai góc và đầy thách thức, khi ngay từ cuốn sách thứ ba đã trình làng một tác phẩm lạ của một tác giả lạ: Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh.
    Câu chuyện giả định về sự quẫy đạp giữa những vụn vặt đời thường của một thiên tài, rồi sẽ được người đọc khen chê bình phẩm, nhưng cái cách chọn một tác giả ?ochưa quen biết? vừa bước vào tuổi 20 để làm sách, một cách trang trọng và sang trọng, như đã từng làm với các đàn anh lừng lẫy (Nguyễn Huy Thiệp với Cánh buồm nâu thuở ấy, Bảo Ninh với Lan man trong lúc kẹt xe...) đã là một sự mạnh bạo và tự tin không dễ tìm thấy trên thị trường sách, nhất là sách văn học trong nước.
    Sự đan xen của những thế hệ càng đậm nét trong Văn mới 2004-2005 với 23 truyện ngắn mới nhất của 23 tác giả. Bạn đọc có thể gặp nơi đây từ lão làng Tô Hoài, Vũ Bão, Ma Văn Kháng... đến những gương mặt trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Vĩnh Nguyên...
    Rồi Tạ Duy Anh với Thiên thần sám hối. Cả Mạc Can nữa, với Cuộc hành lễ buổi sáng (9/12 truyện vừa được viết); ông già ấy đã một đời làm một danh hài, mang tiếng cười đến với thiên hạ, để rồi trên trang sách muộn mằn của ông người ta chạm vào những giọt nước mắt, kể từ Tấm ván phóng dao...
    Những người làm sách bảo sẽ có 25 tập sách như thế trong năm 2005. Sáu tập đã phát hành, sách riêng của hai tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị. Con đường của Văn mới như thế vẫn còn dài, còn chông gai nhiều lắm (cả về mặt doanh thu lẫn dư luận), nhưng thật đáng trân trọng.
    THÚY NGA
  3. viet-thang

    viet-thang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    1.941
    Đã được thích:
    0
    -theo tuổi trẻ online-
    Văn mới: cách làm người Việt yêu lại Văn Việt
    TTO - Một bộ sách dày dặn và đẹp đẽ với kiểu làm bìa đặc trưng mang cái tên chung Văn Mới đang là ?ohàng nóng? trên các sạp sách buổi tối ở Hà nội.
    Tác giả Văn Mới có thể rất mới như Nguyễn Thế Hoàng Linh, có thể rất quen như Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp, nhưng sách của Văn Mới thì hấp dẫn đến độ khó có thể không mua nếu đã cầm lên - dù không ít người mua đã có một cuốn nội dung tương tự trên giá sách ở nhà
    Sách cho người chơi sách
    Thứ nhất bởi vì sách ?oVăn Mới? quá đẹp. Người yêu sách năm ngoái đã từng vui mừng xôn xao vì ?ocuộc chơi design? của Vũ Đình Giang và Phan Hồn Nhiên trong tập truyện ngắn in chung. Nhưng đó vẫn chỉ là hiện tượg cá biệt. Bây giờ, Văn Mới quyết tâm làm đẹp luôn một serie.
    Ở cuốn đầu tiên, Văn Mới 2005 tuyển chọn những truyện ngắn mới nhất của những tác giả đang được mến mộ, nhóm biên soạn và trình bày ?obonus? cho người đọc một serie tranh của Nguyễn Công Cừ. Và trước mỗi tác phẩm là một tấm chân dung của tác giả đó. Những bức chân dung mà họa sĩ Trần Đại Thắng - người từ mấy năm nay đã nổi danh trong giới làm sách HN như một họa sỹ trình bày bìa đẹp nhất - cặm cụi đi khắp đất nước để yết kiến ?othân chủ? và xin được ?ochộp? ảnh rồi chọn lấy khoảnh khắc ưng ý nhất.
    Ngoài những người nổi tiếng được ?olàm mới? hình ảnh như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Tô Hoài, Tạ Duy Anh? những chân dung mới và lạ thực sự như Nguyễn Tham Thiện Kế, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thế Hoàng Linh ? thực sự tạo được sự tò mò háo hức trước khi người ta bắt đầu khám phá thế giới nội tâm của họ qua tác phẩm
    Ở những cuốn tiếp theo: Chuyện của thiên tài (tiểu thuyết - Nguyễn Thế Hoàng Linh), Lan man trong lúc kẹt xe (những truyện ngắn hay nhất và mới nhất của Bảo Ninh), Cánh buồm nâu thưở ấy (tuyển tập tương tự của Nguyễn Huy Thiệp),... vẫn trung thành với cách trình bày ?oduy mỹ?, đồng thời với một bàn tay tuyển lựa tinh tế (trước mắt 2 nhà văn Lê Minh Khuê và Hồ Anh Thái đang nhiệt tình làm công việc này), Văn Mới tạo cho người yêu sách cái thú sưu tập và tự hào?bày lên giá sách như một giai phẩm.
    Năm 2005, dự kiến sau Bảo Ninh sẽ là Tạ Duy Anh, Mạc Can, Nguyễn Ngọc Thuần? và 2006, ?oVăn Mới? vẫn sẽ tiếp tục nhưng với một ?ostyle? khác: ví dụ như bìa đỏ thay cho bìa đen (!?)
    Sách cho người đọc lại và khám phá mới
    Không thiên về duy mỹ như Văn Mới, một lối làm sách khác cũng đang được tìm đọc và ?mua lại: các danh tác VN tái bản kèm thêm lời chú giải và lời phê bình mới. Dẫn đầu về lượng bán ra tại HN của dòng sách này - theo các chủ sạp bán sách đêm trên phố Nguyễn Xí - là Số đỏ và Pháp du hành trình Nhật ký của Phạm Quỳnh.
    Ở mỗi cuốn sách này, ngoài phần nguyên bản tác phẩm như đã từng xuất bản nhiều lần trước đây, người biên tập đã bỏ nhiều công chú giải lại các từ ngữ (Hán, Hán- Việt, Pháp-Việt) từ đầu thế kỷ nay không còn phổ biến hoặc đã bị hiểu sai nghĩa gốc, đặc biệt là đưa vào các bài viết mới, những nghiên cứu, phát hiện mới về tác giả, tác phẩm, nhân vật.
    Trong Số đỏ mới, nhà phê bình Vương Trí Nhàn đưa ra một cách nhìn khác lạ về Xuân tóc đỏ : Không hẳn hoàn toàn là lưu manh, Xuân là một kẻ có thực tài (quần vợt), có chí tiến thủ, biết tranh thủ thời cơ và thực chất, hắn chẳng làm hại ai. Ông Nhàn hy vọng sẽ có người đọc và tranh luận với ông về cách nhìn mới này. Theo ông, đó mới là cách mà văn học sống thực sự trong lòng thời đại: nó phải được những con người của thời đại hôm nay đọc lại, nhìn lại và so sánh, nếu không, tác phẩm, dù là kiệt tác, cũng chỉ có thể nằm cho bụi phủ trên giá sách mà thôi.
    Cũng trên tinh thần đó, nhà văn Phạm Sông Hồng - Phó GĐ NXB Hội Nhà Văn cho biết: ?ochúng tôi sẽ làm tiếp Nguyễn Tuân tiền chiến, Nam Cao tiền chiến, Kỹ nữ trong văn chương? và mỗi tác phẩm cũ được xuất bản chúng tôi đều sẽ cố gắng ?olàm mới? nó để tạo hứng thú cho bạn đọc đương đại. Hy vọng các nhà văn, các nhà phê bình, các nhà sưu tập sẽ nhiệt tình cộng tác với chúng tôi.
    Trong khi còn những người làm sách VN phần đông còn đang loay hoay với việc kiếm đâu ra tiền và có tiền thì mua bản quyền những tác phẩm nào, mua như thế nào các tác phẩm có giá trị của thế giới, việc ?olàm đẹp? và ?olàm mới? sách cũ của những nhóm yêu văn chương khác nhau ở HN ít nhất cũng làm được một công việc quý hóa: làm cho người VN yêu lại, yêu hơn những gì mình đang có: Văn Việt
    THU HÀ
    Được viet-thang sửa chữa / chuyển vào 10:49 ngày 13/06/2005
  4. viet-thang

    viet-thang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    1.941
    Đã được thích:
    0
    - Văn mới giới thiệu trên truyền hình -
    http://vietnamnet.tv/thoisu.asp?page=4#mms://www.vietnamnet.tv/vnntv/ngay9_6/bt1_hientuongvanmoi.wmv
  5. viet-thang

    viet-thang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    1.941
    Đã được thích:
    0
    Tiểu thuyết - Chuyện của thiên tài, Nguyễn Thế Hoàng Linh - trong bộ văn mới
    [​IMG]
    Ai đã dọn mình cho cuộc gặp gỡ này?

    TTCN - Nguyễn Thế Hoàng Linh có hai câu thơ gọi đúng ra chất của anh: Con mời / các cụ / một ly - Con xin / chúc rượu / một hi hữu / lần (Chiều quan sơn)
    Một anh chàng tuổi 20 ngồi mời rượu các bậc tiền bối, ngồi chiếu trên. Tư thế rất đàng hoàng bình đẳng. Anh ta có thể mời rượu nhiều người nhưng chúc rượu thì chỉ một lần hiếm hoi này thôi, chỉ với các cụ thôi. Khẩu khí. Ngang tàng như cái chữ hi hữu bị xẻ đôi kia. Mà lại cũng rất tôn kính biết điều.
    Trẻ trung đến mức đôi khi ngây thơ, nhưng cũng già dặn xa cách với những gì phù phiếm mà thơ trẻ hay mắc phải. Trẻ, nhưng đã sâu đậm những điều lý tưởng, nhất quyết tin mình sẽ làm được một cái gì đó lớn lao hơn cái đời thường mòn mỏi, nhất quyết muốn cống hiến đến cả máu và nước mắt: tôi ngửi thấy mùi ai khóc/ khi vô tình nhìn vào gương/ ngửi thấy mùi tương lai chín/ khi gieo máu xuống con đường... Nhưng không phải là cuộc cách tân mù quáng mà đầy lý trí chiêm nghiệm: tôi ngửi thấy mùi ánh sáng/ khi vò khe khẽ đêm thâu/ ngửi thấy mùi mâu thuẫn đắng/ khi tôi và tôi khác màu (Ngửi).
    Thơ Linh làm cho người đọc tin. Tin rằng anh chân thành và trong trẻo. Tin rằng anh không màu mè phù phiếm. Đó là thứ thơ làm thuốc thử cho những gì sặc sỡ xoắn vặn hình thức và câu chữ, hoặc giả vờ khệnh khạng cụ non.
    Những ai thường e ngại trước sự dễ dãi của thơ lục bát có thể sẽ vui mừng trước những bài thơ như thế này:
    Thằng bé
    thằng bé mới chục tuổi đầu
    đã lâu không khóc
    đã lâu không cười
    thằng bé ấy mới lên mười
    người ta đã gọi: kiếp người
    vậy ư?
    thằng bé ngoan?
    thằng bé hư?
    chẳng ai biết nữa
    hình như
    là buồn
    hình như thằng bé ấy luôn
    tìm trong đau khổ
    những nguồn thương yêu
    đôi khi trốn khỏi buổi chiều
    trầm ngâm ngồi nghĩ
    những điều
    hồn nhiên
    Thơ tuổi 20 bây giờ cho người ta cái ấn tượng là sự phá phách tân kỳ, những câu văn xuôi xuống hàng, những khái niệm đối chọi đặt cạnh nhau một cách khôn khéo để người đọc muốn hiểu thế nào cũng được. Tốt thôi. Nhưng người làm thơ trẻ có lẽ cũng nên tuần tự đi qua những cái cơ bản, thật thuần thục những thể thơ cổ điển trước khi phá vỡ nó ra. Sự phá vỡ khi ấy mới thật là ngoạn mục. Nguyễn Thế Hoàng Linh đã làm được như vậy. Bài thơ trên chẳng hạn. Hồn lục bát trong một cái vỏ hiện đại. Hồn ngây thơ mười tuổi trong hình hài một chàng đôi mươi.
    ***
    Một người làm thơ của thời đại Internet, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã gửi hết lên mạng cả nghìn bài thơ, nhiều khi là sự ứng tác tức thời với bạn bè. Nhà thơ Dư Thị Hoàn sục vào đâu đó trên mạng, lấy được vài trăm bài thơ của Linh, hào phóng chia sẻ với bạn văn. Tôi đọc. Giật mình. Tưởng đã quen nhờn với thơ mà vẫn còn giật mình được. Mỗi tháng trung bình nhận được từ văn phòng hội vài ba chục tập thơ tác giả gửi tặng. Một chồng thơ trên mặt bàn mỗi tháng bắt phải đọc. Thế mà thơ Linh bật hẳn ra.
    giá tình yêu save được
    error thì load lại chẳng bận lòng
    giá tình yêu delete được
    chán
    hắt xì một cái
    thế là xong
    tôi chỉ xin kể một câu chuyện nhỏ
    có một lần tôi làm thơ trên máy tính
    và đặt tên file là ?otinhyeu?
    khi không hài lòng tôi định xóa
    cái máy tính bị coi là muôn đời vô cảm
    hỏi tôi:
    ?oare you sure you want to delete
    ?~tinhyeu?T?? (*)
    tôi đã rùng mình
    bạn ạ
    Rùng mình. Không chỉ nhà thơ mà cả người đọc.
    Đọc văn muốn biết người. Chị Dư Thị Hoàn và tôi đi tìm Linh. Không ai biết. Nhờ một sinh viên cùng trường tìm, vài tháng sau chú bảo nhân vật này bí ẩn lắm, chưa tìm ra. Một tháng sau chú nhắn cho tôi cái tin: nhà thơ anh tìm đã bị tai nạn giao thông chết cách đây một tháng rồi.
    Ngẩn ngơ cả người. Ân hận. Như là mình vừa mới hiểu một con người thì người ấy đã không còn.
    Tìm ra manh mối từ nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Ngọc bảo: Tôi mới gặp Linh mà. Từ Sài Gòn, Ngọc gọi điện thoại ra nhà Linh ở Hà Nội. Cái tin kia chỉ là tin thất thiệt. Nhầm. Dư Thị Hoàn và tôi vội tìm đến nhà Linh.
    Trong tiểu thuyết Chuyện của thiên tài, Linh đã tiên liệu một ngày nào đó người ta sẽ phải tìm mình. Người ta đây là độc giả và đồng nghiệp văn chương. Sinh năm 1982, Linh là một sinh viên bỗng nhiên tự bỏ học ở năm thứ ba. Lên giảng đường không sao tập trung được. Cả nghìn bài thơ chen chúc trong đầu đòi được trút ra trang giấy. Viết ra được đôi khi cũng là một hình thức triệt bớt những ý tưởng dồn nén trong đầu. Linh ví nó là triệt sản. Để chúng lại trong đầu thì đầu óc nổ tung ra mất.
    Bi kịch ít người hiểu cho. Linh viết lại bi kịch này trong tiểu thuyết Chuyện của thiên tài. Một anh chàng tuổi ăn tuổi học cần có vài năm trời để viết hết ra những điều cần viết. Nhưng nếu anh bỏ học để viết thì mọi người xung quanh sẽ cho là anh lập dị, ích kỷ, lông bông, không thành đạt. Thiên tài rất tự tin, hãy cho tôi hai năm rồi sau đó tôi sẽ học tiếp cũng không muộn. Những người xung quanh thì cho là anh hoang tưởng, anh mắc bệnh tưởng mình là thiên tài.
    Họ có lý. Thói vĩ cuồng hoang tưởng có sẵn trong tất cả mọi người, như vi trùng lao vậy, chỉ chờ một lúc nào đó con người mất khả năng tự kiểm soát là sẽ bứt xích sổng ra hoành hành. Có rất nhiều người mắc bệnh ngộ thơ, thân tàn ma dại cả một đời. Nhưng tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đưa ta vào một tình huống giả định: thiên tài đã đến với ta, đã đầu thai vào nhà ta, khi ấy ta sẽ xử sự như thế nào?
    Không thế nào cả. Thế giới chật hẹp này vẫn thường kêu ca vắng bóng thiên tài nhưng nó vẫn chưa sẵn sàng đón thiên tài, chưa học được cách phải cư xử với thiên tài. Lầm lụi với bao nhiêu vấn đề của người nghèo, người thất học, người ta coi chuyện thiên tài là thứ quá xa xỉ, hão huyền. Rốt cục, thiên tài (nếu có) chỉ có thể bị gán cho những danh hiệu lập dị, hâm hâm, bất bình thường?
    Thiên tài cần có công chúng cũng thiên tài. Nói như vậy có vẻ lập ngôn gây ấn tượng. Có lẽ nói thế này thì vừa phải hơn: thiên tài cần có một công chúng có tài năng. Không có công chúng có tài thì thiên tài có đấy cũng như không.
    Tiểu thuyết của Linh khá tương đồng với thơ Linh: vừa dày dạn từng trải vừa hồn nhiên ngây thơ. Nhiều trang triết luận đạt đến độ chín bên những trang còn tươi tắn học trò. Cái hăm hở hào hứng muốn chi dùng trí tuệ và sức trẻ vào việc có nghĩa bên cái trầm lắng ưu tư của người từng trải biết thỏa hiệp biết cảm thông.
    Những ý tưởng chỉ có người trẻ hôm nay mới chạm tới được bên những tư tưởng thẩm thấu từ triết gia của nhiều thời đại. Trước điều giả định của Linh trong tiểu thuyết, chắc sẽ có người băn khoăn, thiên tài đâu mà không thấy những dấu hiệu siêu phàm, những hành động và sản phẩm xuất chúng?
    Nguyễn Thế Hoàng Linh hoàn toàn có thể hư cấu một nhân vật phi thường ngay từ khi lọt lòng, nhưng anh đã không chọn cách này. Trong Chuyện của thiên tài, tác giả dường như chỉ tập trung vào một vấn đề: thiên tài đang bị mắc lưới bùng nhùng của những điều vặt vãnh nhỏ mọn đời thường. Thiên tài trong mắt đời thường thì cũng tầm thường như tất cả. Vì vậy tiểu thuyết là những trang viết tự nhiên như nhật ký, như ghi chép đều đặn của mọi thanh niên bình thường.
    Đây là cuốn tiểu thuyết có thể đọc một hơi đối với những ai mê cái thông minh trên từng trang sách. Đây là tiếng nói dù có chỗ còn ngây thơ không tưởng, nhưng là tiếng nói của một thế hệ trẻ đòi hỏi phải được lắng nghe. Đây cũng là cuốn sách mà đọc xong người ta có cảm tưởng được kích thích, muốn viết ra một cuốn sách khác.
    Bạn đã thấy đã gặp nhiều người lập dị, hoang tưởng, lông bông nhưng bạn đã gặp một thiên tài bao giờ chưa? Nguyễn Thế Hoàng Linh hỏi đấy. Nếu có ngày sống với thiên tài trong cùng một nhà, bạn đã chuẩn bị để xử sự như thế nào hay chưa?
    HỒ ANH THÁI
    * Trích tiểu thuyết Chuyện của thiên tài: Mất
    (*) ?oCó chắc là bạn muốn xóa tình yêu đi không?. Những khái niệm khác trong máy tính: save (lưu lại), error (lỗi), load (tải về, nhận về), delete (xóa đi), file (văn bản)
    Được viet-thang sửa chữa / chuyển vào 11:00 ngày 13/06/2005
  6. viet-thang

    viet-thang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    1.941
    Đã được thích:
    0
    Tuyển tập truyện ngắn - Cuộc hành lễ buổi sáng, Mạc Can - trong bộ Văn Mới

    [​IMG]
    Truyện ngắn mới của Mạc Can: Cuộc hành lễ buổi sáng
    TTCN - Kính thưa quí độc giả, tôi là... cái bàn quèn. Tôi có ba chân bằng nhau, một chân cà thọt, cụt hơn mấy người anh em kia khoảng lóng tay. Có tật có tài. Tôi có tài ?obà Tám? nhiều chuyện.
    Trong quán phở một ngày biết bao người tới, tôi nghe biết bao nhiêu là chuyện. Tôi rất bận bịu, như quý khách thấy, hiện giờ trên mặt tôi đầy những dĩa rau, những chai tương, chén ớt. Và tôi đang liếc nhìn một ông khách. Sáng nào ông ta cũng từ con hẻm nhỏ đi tới cửa quán. Vẻ nôn nóng. Hôm nay nhìn thấy tôi quá bận, vì khách ăn phở hôm nay đông hơn mọi ngày, nên ông ta lui ra, ngồi đâu ở mấy cái bàn ngoài vách. Nhưng một lúc sau ông đi vào nhà, tới ngồi kế bên tôi. Giận dữ, ông lấy tay gạt đi nhiều thứ trên mặt tôi rồi ngồi cúi nhìn xuống đất, im re một lúc khá lâu. Bỗng ông ngước mặt nhìn lên trần nhà la lớn, làm cho tôi giật thót... bàn; còn các vị khách thì giật mình:
    - Ăn hết ngon!
    Tôi nghĩ là quí khách nghe chuyện khẽ hừ một cái, và có thể khẽ cười. Tôi phải ngưng chuyện của tôi một chút để tường thuật sốt dẻo về ông khách mặt rỗ hoa, màu da tai tái như con gà mái này. Môi ông khẽ nhếch lên, phô vài cái răng trắng nhởn. Ông ta to con, vì vậy mà... hao xăng, tốn nhiên liệu, tánh xấu đói. Người đàn bà nấu phở vội vã nói với chồng:
    - Anh hỏi coi ảnh ăn gì.
    Ông kia cằn nhằn:
    - Hỏi mẹ gì nữa, nấu vàng ăn cũng hết ngon.
    Người chồng của bà nấu phở tới đứng cạnh tôi, không nhìn ông khách cũng không hỏi ông ăn gì. Ông kia hằn học nói lớn:
    - Tô khô như cũ, nước lèo, đầu gà để riêng.
    Người chồng của bà nấu phở quay đi. Khi trở lại, trên tay ông là một tô phở nóng, khô queo không có nước lèo, cố ý dằn mạnh trên mặt tôi, trước mặt ông kia. Ông khách cay cú nhìn tô phở, vừa cằn nhằn, vừa nghiến răng, vừa bẻ, vừa lặt đủ thứ rau, rồi lườm lườm múc tương ớt, tương đen; bực bội bỏ giá sống (giá sống phải trụng để riêng trong cái chén cho ổng) trộn vào phở. Ông cự nự... nặn chanh. Ông lầm bầm... bỏ ớt vào tô phở ?oxe lửa? bự chảng. Ông hầm hừ thò đũa cuộn tròn một mớ phở, như người Tây ăn mì Ý, cho cuộn phở vô miệng, nút một phát, sợi phở chạy rột tuốt vào miệng. Sau đó hai tay ông trân trọng cầm cái tô nước lèo, tái nạm, sụn gân, tủy đuôi, nước béo, thêm mấy cái đầu gà luộc, mỏ gà vêu lên, mắt gà nhắm híp. Nâng tô nước lèo lên môi, ông uống một ngụm, khuôn mặt biến chuyển lạ kỳ. Từ lo lắng bây giờ mới giãn ra, vẻ khoái trá.
    Thường thì người ta chỉ ăn mì khô hay hủ tíu Nam Vang khô kiểu nầy. Phở, tái nước hột gà ăn thêm thì có. Phở, áp chảo sốt vang cũng có. Còn phở... khô thì tôi mới thấy mỗi một mình cha này ăn một cách kỳ cục.
    - Hành trần. Củ cải.
    Mồ hôi nhỏ giọt trên trán, cái miệng láng mỡ. Trong lúc chờ ông ta cau có nhìn quanh, nói lớn:
    - Nhìn cái gì. Tui bị lên máu biết không. Đói là hạ đường huyết, tay run vầy nè biết không. Sáng mà không ăn kịp là có khi chầu trời. Tôi vô trước kêu trước (phải, tôi thấy ông ta ngồi bên cái bàn ngoài vách) mà cả tiếng đồng hồ ngồi chờ. Chờ ngóng cổ dài râu mà... đ.m. nó, nó cứ bưng tô phở đi ngang mình rồi đưa cho người khác. Tức không. Ăn hết ngon.
    Ông này dữ tánh lại háu ăn hơn người. Phục vụ trong quán phở chỉ có hai ngoe. Người đàn bà có cái mông lớn, đứng nấu phở coi cũng dữ tướng, đôi môi nhỏ màu son nâu tím Hàn Quốc lúc nào cũng mím chặt. Bà rầy ông chồng cũng to con, da màu nâu sẫm trời cho, chân mày xếch ngược lên cái trán thấp, mắt lộ trắng dã, ria mép trên cái môi dày chọc vào miệng, râu quai nón kín hàm lởm chởm ngả màu đỏ, khuôn mặt gây sự, chân đi chấm phẩy.
    Bà vợ nói:
    - Biết vậy thì anh bưng trước cho ổng đi, khổ quá!
    Ông chồng nghiến răng:
    - Tao thấy nó vô tao chết liền.
    Câu nói ?ochết liền? mới nảy sinh trong dân gian mấy lúc gần đây; trong trường hợp nào tôi không biết nhưng ở hoàn cảnh nầy nghe suông tai.
    Ông Trương Phi râu đỏ đứng cạnh vợ, phụ bỏ hành, múc nước lèo trong cái thùng bốc khói đổ vào tô. Mà coi ngộ ghê chưa, ông ta cũng vừa nghiến răng, vừa múc. Vừa chửi thề, vừa nhón tay nhúng cọng hành trần vô nước nóng. Vừa cự nự vừa vớt cọng hành lên. Vừa lầm bầm chửi vừa như muốn liệng mẹ cái muỗng lớn ra ngoài đường. Giận. Tôi lại nghĩ rằng quí độc giả hừ lên một tiếng nữa. Và cũng có thể cười nụ.
    Bàn tay to lớn, mấy ngón tay như trái chuối sứ của ông Trương Phi run run, cái miệng dữ dằn rít nhỏ:
    - Mày... mày mà gặp tao mấy năm trước là rửa cẳng lên bàn thờ ngồi nghe con.
    Ông ta thở mạnh, cho thấy răng đang cắn chặt, nổi lên từng thớ thịt trên cái quai hàm bạnh ra. Ông cà nhắc đi tới, tay cầm cái chén hành trần với vài củ cải trắng dằn mạnh trên mặt tôi, trước mặt ông kia. Rồi lại rít nhỏ hơn qua kẽ răng:
    - Mày biết bản tánh khốn nạn của tao mà. Tao giận là tao run, tao run là lên máu, tao lên máu là chém, nghe chưa.
    Ông chồng thở hổn hển, cà nhắc trở lại đứng bên vợ, tay cầm con dao phở chặt vào cái thớt mòn. Bà vợ giật con dao lại, mím môi thở ra kẽ răng mấy tiếng:
    - Buôn bán mà làm cái gì như ăn cướp vậy, mất khách chết đói cả đám.
    Vậy là mình có hai ông bạn hiếm thấy. Một ông đói thì giận. Một ông bưng tô ?onhạy cảm? thì cũng giận. Hai ông đều có bệnh giống nhau. Run tay lên máu quạu quọ. Lạ kỳ trong cái chuyện đời nhiêu khê này. Thường thường những ông sống nhờ vợ lại có tướng mạo oai phong, tánh tình quạu quọ. Trong lúc ông này bực bội, nực nội, nóng hơ bỏ ra cửa quán, tay cầm ly trà đá, tay cầm một vạt áo phe phẩy cho nguội thì ông kia cũng tự ái giận hờn, ngồi nghiến răng.
    Điều lạ với người mới biết chuyện là như vầy. Ăn phở khô thì ông ta sảng khoái thấy rõ nhưng ngần ngại. Nhìn cái đầu gà luộc to tướng mà chính ông gọi, ông lo lắng moi cái óc gà nhỏ xíu bỏ vào miệng, nhắm mắt khổ sở nuốt mắt gà đục ngầu. Xong một cái lại ngần ngại cố ngậm trong miệng cái đầu con gà khác. Bóc cái mào cứng của nó, bỏ vào miệng trệu trạo nhai và nuốt trọn. Nhìn ông dùng đầu gà một cách thành kính như một lễ cúng ai cũng lạ mắt và hơi tức cười. Chân ông ta ở dưới bàn co giật, đụng mạnh vào cái chân cà thọt của tôi đang kê trên một nút khoén. Chân tôi sụp thì mặt tôi chông chênh nghiêng. Tô nước lèo sóng sánh đổ tràn ra. Ông ta vẫn cố ngậm cái đầu gà ở khoảng cái cổ dài của nó. Thành ra khi ông cúi xuống bàn nhìn cái chân thiếu thước tấc của tôi, tôi thấy bốn con mắt giống nhau; hai con mắt của ông và hai con mắt của cái đầu gà. Hình như nó chớp chớp mi mắt.
    Hình như cái đầu gà còn sống và nó muốn gáy. Một chân của ông ta, ngón cái và ngón kế bên khéo léo gắp cái quai dép cũng của ổng, đẩy nhẹ chiếc dép kê vào cái chỗ hở giữa đất và chân tôi. Ông ta rùng mình trợn trắng cho tới khi cất cái đầu lên. Miệng ông đang nút cái mỏ gà, cái mỏ gà hình như cũng đang nghiến răng, nhắm mắt chịu trận. Nếu như con gà có răng... Thủ cấp con gà nòi đã chết, luộc tái. Cái mặt gà đỏ rần hung dữ gây hấn lúc còn sống bây giờ trắng nhợt nín thinh. Qua một nụ hôn môi sặc mùi hành.
    ***
    Trở lại chuyện tôi. Tôi là cái bàn xấu xí đứng khập khễnh cuối vách tường bám đầy khói bếp và bồ hóng. Chỉ có một cái ghế khá cao, cũng sứt tai gãy gọng, suốt ngày đứng cạnh tôi. Luôn luôn đứng cạnh tôi. Vì nó cao mà mấy bàn phở kia thì thấp, không ai chuộng nó. Chuộng nó, tức là ngồi lên nó, người ăn phở phải còng lưng cúi cái mỏ xuống cho gần miệng tô, quá khó khăn khi ăn sợi phở dài. Có những điều bất tiện như vậy trong đời sống hằng ngày nhưng vẫn không thay đổi, kéo dài triền miên. Duy chỉ có Ba Gà Mổ, người khách tôi vừa kể ăn phở khô, là hay ngồi cái ghế cao và ngồi cạnh tôi cũng rất thấp, dù ông ta cũng phải còng lưng cúi sát xuống miệng tô. Tôi nghiệm ra ông ta ăn phở như cái đám giỗ nhỏ, chén dĩa đầy bàn. Nên nếu không có gì trở ngại, nghĩa là nếu tôi không quá bận bịu thì ông mặt tái luôn chọn cái góc này. Để được ngồi làm cái lễ kỳ lạ với những cái đầu gà chăng? Việc gì cũng phải có nguyên nhân của nó.
    Tôi làm trong cái quán phở bèo của vợ chồng cha nội Hai Thọt khá lâu. Ông chủ của tôi cũng chân cao chân thấp. Như hồi nãy tôi có nói, người ta hay gọi loại chân kiểu nầy là chân chấm phẩy. Hai đứa tôi, tức ông Hai Thọt và cái bàn, không hề bẩm sinh mà bị què. Một hôm có vụ ẩu đả trong quán phở giữa buổi chiêu đãi của các tay đá gà độ, trong đó có Ba Gà Mổ, ông Hai trượt chân xuống bậc thềm đầy mỡ. Tức cười là mấy ngày sau, khuỷu chân nơi mắt cá của ông Hai sưng lên. Đi bó con gà ác với rượu thuốc cả tháng vẫn cứ sưng, nhức nhối chịu không thấu. Bà Hai chở ông đi Tây y chấn thương chỉnh hình, bác sĩ nói:
    - Ông bị nứt xương chảy tủy ra rồi. Bệnh nầy phải mổ thôi. Mà nói trước, mổ cũng chưa chắc hết chảy tủy.
    Một năm sau, chân Hai Thọt vẫn chảy tủy, sưng vù, hoại thư, phải cưa bỏ bàn chân. Người ta cười khẩy. Ông Hai ?onhạy cảm? một hôm nổi hứng đá chiếc trực thăng đang bay trên cao. Sự tích châm biếm lạ lùng đó cộng thêm nét dữ tướng, thêm cái chân thọt kiểu hải tặc coi ông càng ngầu hầm. Cái cảnh một hảo hán kiểu Lương Sơn Bạc vừa cự nự vừa bưng từng tô phở chiều khách, coi buồn cười. Tôi là bạn đồng... tật với Hai Thọt nhưng tôi vẫn cứ nghĩ đây là một đòn trừng phạt khéo léo của ông Trời. Trời cao có mắt, trừng phạt khổ sai nhọc nhằn về mặt tâm lý một kẻ chuyên xài chiêu bạo lực. Giờ thì bắt buộc phải nhũn như con chi chi. Khách ăn phở tủm tỉm kín đáo cười nhìn Hai Thọt nghiến răng bưng tô nước lèo, hành trần cho Ba Gà Mổ. Sau đó lần nào Hai Thọt cũng uống trà đá.
    Sự tích cái chân Hai Thọt thì vậy. Còn chân tôi thì đơn giản, như là chuyện giỡn. Tất cả đều do ông thợ mộc quên. Ông quên tề bớt ba chân kia cho bằng với chân tôi nên tôi mới què. Sự đời nhiều khi đơn giản như vậy mới chết chứ. Nói ngay vô chuyện là Hai Thọt. Con quỉ một giò này cũng là dân giang hồ có số. Lúc sau này dân anh chị bị chiến dịch truy quét hốt vô khám hơi bị nhiều, Hai Thọt cũng chung số phận. Trong khám ông ta cố gắng sống tử tế. Gỡ mấy cuốn lịch rồi khi về nhà với cái giấy tạm tha giắt trong lưng. Vậy mà sự ?onhạy cảm? cũng như cũ.
    Song nói thật lòng, nhờ cái giấy tạm tha, kiểu như vòng kim cô của Tam Tạng gây nhức nhối trên trán ông khỉ đột Tề Thiên, cho nên mỗi lần nổi cơn ?onhạy cảm? Hai Thọt cũng chỉ dám nghiến răng, hít thở... uống trà đá. Không biết ai chỉ Hai Thọt cái chiêu này: khi nào thấy trong lòng trào dâng bức bối nóng giận, nên tự làm một ly trà đá, chịu khó uống từng ngụm nhỏ. Uống trân trọng theo kiểu trà đạo, nhưng uống ly cối và có nhiều nước đá. Rồi ra ngoài gió, phe phẩy hai vạt áo thì trong người nguội bớt nhiệt độ, bớt... ?onhạy cảm?.
    ***
    Ba Gà Mổ là dân chơi cầu ba cẳng. Cố tật cãi cha cãi mẹ, bản chất đâm bị thóc, thọc bị gạo, ngồi đầu cầu thổi ống tiêu, đâm cha thuốc chú hãm chị dâu. Huýt gió kích động,đá cá lăn dưa đã quen. Cái môi cố tật cứ nhúc nhích rồi nhếch lên khinh bạc làm cho người ta cứ tưởng ông ta cười mỉa. Nhưng bây giờ trông ông ta không khác con gà chọi trúng thương, buồn hiu, khắc khoải. Ba Gà có nghề nuôi gà nòi, nên sân nhà của Ba tự nhiên thành trường gà mini.
    Ngày chủ nhật, ông công an khu vực chạy xe ngang sân nhà Ba Gà, nhìn sơ một chút rồi thôi. Lập tức từ giờ cao điểm đó cho tới chiều tối, tiếng chửi thề vang lên cùng với tiếng gà xổ cánh, chân gà quấn cựa sắt quần thảo không dứt. Tất nhiên những con gà xấu số ngã quị trên nền đất đẫm máu trong trường gà này hằng ngày phải mười mấy trự. Ba Gà Mổ vừa bán băng keo dùng quấn cựa gà, vừa lấy xâu tiền vô nước gà. Ông thầu luôn phần thịt gà nòi mà thường các chủ gà đá thua chửi thề bỏ đi.
    Hai Thọt và Ba Gà Mổ có quen nhau trong khám Chí Hòa. Và không ưa nhau cho lắm. Binh giáp rã rời sau mấy trận bị truy lùng tận số, giờ thì anh chị cách mấy cũng xụi râu về với đời thường. Ba Gà Mổ hợp đồng với Hai Thọt, cung cấp gà nòi chết cho Hai Thọt nấu cà ri bán buổi chiều. Cũng bán ngay quán phở buổi sáng của vợ y. Đổi lại, trong hợp đồng miệng này Ba Gà có nói hai ba lần, đầu gà nòi bỏ vô thùng nước phở dành riêng cho Ba dùng ?olàm thuốc? mỗi buổi sáng. Ai mà chịu bỏ đầu gà vô thùng nước phở của mình nhưng Hai Thọt năn nỉ vợ thông qua cũng vì món lợi xác gà nòi mà Ba cung cấp. Nói nào ngay, gà nòi da dai thịt cứng mà hầm nấu cà ri là trên cả tuyệt vời. Nhiều vị khách sành điệu cà ri gà tới ăn. Mặc dù không khí căng thẳng nhưng vợ chồng Hai Thọt sống được quán phở sáng
    và cà ri chiều.
    Chuyện cung cấp thịt gà đó cũng có sự tích. Một hôm Ba Gà Mổ đi coi... tướng. Ông thầy coi tướng mặt mày lạnh lẽo nhìn là ớn lạnh. Ông thầy cư ngụ trong cái miễu hoang giữa vườn chuối vùng ngoại ô. Vừa nhác thấy Ba Gà dựng chiếc xe Honda cánh én trước thềm, ông liền nói vói ra cửa; tiếng cha thầy tướng này sao cũng the thé như gà mái:
    - Ông Ba nuôi gà nòi đá, mỗi ngày phạm giới sát sanh, làm chết không biết bao nhiêu mạng gà. Năm nay là năm con gà; cơ hội cho nhiều gà lãnh hộ chiếu xuất cảnh đầu thai. Nhưng nguyên tắc mới: gà không có đầu thì diêm vương không in dấu triện. Do vậy mà chính ông phải chịu hình phạt, mỗi buổi sáng phải gặm, ăn óc, nút mỏ ít nhất là ba bốn cái đầu gà. Được vậy thì may ra ông mới hết oan gia nghiệp báo. Còn nếu như cự cãi thì trước sau cũng bịnh nặng. Ngáp gió, kêu cục tác như con gà mái đẻ. Và câu lưu trở lại Chí Hòa uống trà đá, ăn bánh ình.
    Chuyện như là giỡn chơi. Không hiểu sao ông thầy coi tướng mặt tủ lạnh lại biết tỏng Ba Gà chứa gà đá. Chỉ có tôi biết, là do một hôm có tay nuôi gà địch thủ của Ba Gà vô tình ngồi ăn phở đúng ngay cái bàn tôi. Anh ta nói ông thầy coi tướng Ba Gà chẳng ai xa lạ, cũng là Độc Thủ Cầu Bại móc túi, đổi giỏ trên chốn giang hồ. Ông này có gặp Ba Gà Mổ và cả Hai Thọt trong khám. Hai Thọt biết nhưng thâm không hề tiết lộ. Ba Gà Mổ không hề biết. Tội nghiệp cho kẻ gian tà, trời hại đúng thằng gian. Gặp ngay cố nhân nói rất đanh thép ngay chuyện mà ông Ba lo nhất cho hậu sự của ông.
    Cho nên mỗi sáng ông ta nôn nóng tới quán phở, cố gặm cho hết ba bốn cái đầu gà nòi. Ông trời có mắt biến tấu trừng phạt. Phạt Ba Gà Mổ về cái tội đá gà độ, cờ bạc, gian manh nhiều thứ. Ba Gà Mổ coi tướng dữ dằn vậy mà nhát, thường thì cái tướng cái tánh hung dữ bất lương hay đần độn ngu si. Ông ta còn dị đoan, tin chắc chuyện gặm đầu gà sẽ cứu ông ta khỏi trở vô nhà đá.
    Cho nên nói đi rồi cũng nói lại. Mỗi sáng ông Ba phải làm cái lễ. Vừa hậm hực, vừa cằn nhằn, cau có chửi rủa Hai Thọt, vừa nhẫn nại lo lắng gặm đầu gà nòi chết. Vậy đó. Và cũng đúng với câu mà con gà trống nào cũng vỗ cánh gáy mỗi buổi sáng:
    - Đời... chỉ... có... thế... mà... thôi...
  7. viet-thang

    viet-thang Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/01/2002
    Bài viết:
    1.941
    Đã được thích:
    0
    Những tập truyện ngắn khác của các tác giả đang được mến mộ nằm trong bộ Văn Mới đã được phát hành:
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

Chia sẻ trang này