1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Vasily Grossman - Nhà văn chiến tranh

Chủ đề trong 'Kỹ thuật quân sự nước ngoài' bởi maseo, 20/05/2008.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. maseo

    maseo GDQP - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    22/12/2004
    Bài viết:
    3.125
    Đã được thích:
    320
    Vasily Grossman - Nhà văn chiến tranh

    Tên gốc: VASILY GROSSMAN - A WRITER AT WAR

    Sách viết về người phóng viên Soviet đi cùng Hồng quân trong suốt WW2, từ năm 1941 đến 1945.

    Biên dịch: ANTONY BEEVOR (Tác giả cuốn sách Best-selling "Stalingrad") và LUBA VINOGRADOVA

    Dịch Việt: Maseo

    Ghi chú: 2 ông Gross, Bee vốn đều là nhà văn cả nên viết lách trúc trắc lắm, bản dịch tiếng Việt nếu có vấn đề gì các bác cứ góp ý.

    Bản dịch demo phần thứ 24 "Treblinka" đã post tại đây:

    http://www10.ttvnol.com/forum/quansu/1038285.ttvn

    Cám ơn bác Danngoc và anh em đã ủng hộ, hi vọng các bác tiếp tục ủng hộ.

    Chào thân ái và quyết thắng!
  2. maseo

    maseo GDQP - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    22/12/2004
    Bài viết:
    3.125
    Đã được thích:
    320
    Vasily Semenovich Grossman (1905 - 1964) được xem như 1 vị anh hùng của WW2. "Cuộc đời và số phận" (Life and fate), cuốn tiểu thuyết của ông viết vào năm 1960 về trận chiến Stalingrad, đã bị tuyên bố là mối đe dọa đối với Nhà Nước Soviet và bị KGB tịch thu. 20 năm sau, cuốn sách được bí mật chuyển khỏi Liên Xô bằng microfilm để xuất bản và được hoan nghênh rộng rãi ở Phương Tây.
    Các tác phẩm đã được xuất bản bằng tiếng Anh của Grossman:
    - LIFE AND FATE
    - FOREVER FLOWING
    Bản quyền cuốn sách này thuộc về Ekaterina Vasilievna Korotkova Grossman và Elena Fedorovna Kozhichkina.
    Bản dịch tiếng Anh, lời tựa và lời nói đầu thuộc bản quyền của Antony Beevor và Luba Vinogradova.
    Nhà xuất bản Vintage Book thuộc Random House, Inc. (New York) phát hành tại Mỹ tháng 3/2007.
  3. maseo

    maseo GDQP - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    22/12/2004
    Bài viết:
    3.125
    Đã được thích:
    320
    LỜI TỰA
    Vasily Grossman xác lập 1 chỗ đứng vững chắc trong lịch sử văn học thế giới nhờ kiệt tác "Cuộc đời và Số phận", 1 trong những cuốn tiểu thuyết Nga hay nhất trong thế kỷ 20. 1 số nhà phê bình thậm chí xếp cuốn sách này cao hơn cả cuốn "Bác sĩ Zhivago" của Pasternak hay những cuốn tiểu thuyết của Solzhenitsyn.
    Cuốn sách "Vasily Grossman - Nhà văn chiến tranh" này căn cứ vào những cuốn sổ ghi chép trong thời chiến của Grossman cũng như các bài viết của ông được lưu trữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia Nga về Văn học Nghệ thuật. Chúng tôi cũng sử dụng 1 số thư từ do con gái ông và con trai riêng của vợ ông lưu giữ. Phần lớn nguyên liệu tạo nên các tác phẩm của ông nằm trong những cuốn sổ ghi chép trên cũng như các bài báo của ông. Grossman, phóng viên đặc biệt của tờ báo Hồng quân Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ), đã chứng tỏ sự am hiểu sâu sắc và đã tận mắt chứng kiến những gì diễn ra tại tiền tuyến Soviet trong khoảng thời gian từ năm 1941 đến 1945. Ông đã bỏ ra hơn 1.000 ngày trên mặt trận, sự sắc bén trong quan sát của ông, tính nhân văn và trí tuệ của ông là bài học vô giá đối với bất kỳ nhà văn hay nhà sử học nào.
    Vasily Grossman sinh tại thị trấn Berdichev (Ukraina) ngày 12/12/1905. Bedichev là 1 trong những cộng đồng Do Thái lớn nhất ở Trung Âu và Grossman được hưởng 1 sự giáo dục rất tốt. Vasily vốn được đặt tên là Iosif, nhưng cũng như nhiều gia đình đã bị đồng hóa với dân bản địa khác, gia đình Grossman cũng Nga hóa tên họ. Cha của ông, tên khai sinh là Solomon Iosifovich, đã đổi tên thành Semyon Osipovich.
    Cha mẹ Grossman chia tay khi ông còn nhỏ, ông đã sống tại Thụy Sỹ với mẹ trong 2 năm trước khi WW1 bùng nổ. Năm 1918, ngay sau Cách mạng Tháng 10, ông quay lại Berdichev. Đất nước Ukraina và nền nông nghiệp trù phú của nó đã bị hủy hoại trước hết bởi sự chiếm đóng của quân Đức do Thống chế Von Eichhorn chỉ huy, vùng nông thôn đã bị phá trụi (*). Sau đó, khi quân Đức rút đi vào tháng 11 vì Cách mạng Tháng 10 bùng nổ, cuộc Nội chiến Nga lại bắt đầu với những trận đánh giữa Bạch vệ và Hồng quân. Những người Ukraina theo chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa vô chính phủ chống lại cả 2 bên. Quân Bạch vệ và quân theo chủ nghĩa quốc gia, đôi khi cả Cận vệ Đỏ, trút lòng hận thù mù quáng vào các cuộc tàn sát người Do Thái khắp Ukraina. 1 số nguồn tin nói rằng khoảng 150.000 người Do Thái, tương đương khoảng 1/3 số dân Do Thái, đã bị giết trong cuộc Nội chiến. Nạn đói diễn ra liên tục từ năm 1920 đến 1922 cũng khiến hàng trăm nghìn người chết chỉ riêng tại Ukraina.
    (*) Thống chế Hermann Von Eichhorn (1848 - 1918). Theo những điều khoản Hiệp ước Brest - Litovsk mà Nga phải ký dưới sự Đức ép buộc thô bạo của người Đức, nhiệm vụ của Eichhorn trong năm 1918 là quản lý việc thu hoạch trụi mùa màng tại Ukraina để cung cấp cho các thành phố Đức đang thiếu đói vì bị quân Anh phong toả. Chính sách này đương nhiên gây căm phẫn trong những người Ukraina và Eichhorn đã bị ám sát vào tháng 7/1918.
  4. maseo

    maseo GDQP - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    22/12/2004
    Bài viết:
    3.125
    Đã được thích:
    320
    Grossman theo học Đại học Moscow năm 1923, tại đó ông học ngành hóa học. Ngay từ lúc đó, Grossman đã thể hiện niềm đam mê đối với quân đội. "Nếu chỉ nhìn thoáng qua, cha tôi hoàn toàn là 1 người dân thường", Ekaterina Korotkova, con gái duy nhất của ông nói. "Ai cũng có thể thấy ngay điều đó trong cái cách ông cúi lom khom hay cách ông đeo kính, tay ông cũng rất vụng về lóng ngóng. Lần đầu tiên ông thể hiện sự thích thú với quân đội là khi còn học đại học, ông đã viết trong 1 bức thư rằng nếu ko bị gọi nhập ngũ ông cũng sẽ tình nguyện.
    Năm 1928, khi mới 23 tuổi và vẫn còn là sinh viên, ông cưới người bạn gái ở Kiev, Anna Petrovna Matsuk, thường gọi là Galya. Kết quả của mối quan hệ này là 1 bé gái ra đời tháng 1/1930. Họ đặt tên con là Ekaterina, hay Katya, theo tên mẹ của Grossman. Năm 1932, 10 năm sau cuộc Nội chiến là nạn đói tồi tệ do con người tạo ra, chiến dịch chống địa chủ (kulak) và tập thể hóa nông nghiệp cưỡng bức của Stalin là nguyên nhân gây ra nạn đói giết chết hơn 7 triệu người (*). Các bậc cha mẹ phát điên vì đói đến mức ăn thịt chính con cái mình, đó là hình ảnh mang tính biểu tượng về những gì diễn ra trong nạn đói này đã được mô tả trong tác phẩm thơ đáng nhớ "Thế kỷ chó sói" (The wolfhound century) của Osip Mandelstam. Nếu Grossman ko chứng kiến tận mắt hiện thực ghê sợ này thì chắc chắn cũng đã nghe về nó hoặc nhìn thấy những hậu quả, thí dụ như những người ăn xin gầy trơ xương bên các toa tàu hi vọng các hành khác nhân từ quẳng cho họ 1 mẩu bánh mì. Ông đã mô tả lại nạn đói ở Ukraina trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình, "Mãi nổi trôi" (Forever Flowing), trong đó có đoạn xử tử 1 phụ nữ bị tố cáo đã ăn thịt 2 đứa con.
    Hậu quả chính sách tàn bạo của Stalin đối với khu vực này, theo những gì chính bản thân Grossman nhận thấy, là phần lớn người Ukraina đã vui mừng chào đón đoàn quân xâm lược Đức 1 thập kỷ sau đó. Những người theo chủ nghĩa Stalinist đã lan truyền 1 tin đồn rằng những người Do Thái chịu trách nhiệm về nạn đói này. Đó có lẽ là 1 trong những yếu tố khiến sau này những người Ukraina rất tích cực hợp tác với quân Đức trong việc thảm sát người Do Thái.
    (*) Ước tính lớn nhất về số nạn nhân của nạn đói 1930 - 1933 là từ 7,2 đến 10,8 triệu người.
  5. maseo

    maseo GDQP - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    22/12/2004
    Bài viết:
    3.125
    Đã được thích:
    320
    Cuộc sống gia đình của Grossman thường xuyên bị ngắt quãng bởi ông luôn phải ở Moscow nên đã ko kéo dài. Galya bỏ đứa con gái cho mẹ chồng nuôi vì Kiev là trung tâm của nạn đói và đứa trẻ sẽ có cơ hội sống sót hơn khi ở 1 nơi xa xôi là Berdichev. Trong các năm sau này, Katya cũng vẫn thường quay về sống với bà nội.
    Việc viết lách bắt đầu cuốn hút Grossman hơn việc học nhưng ông cần 1 việc làm. Trong năm học cuối 1930, ông tới Stalino (nay là Donetsk) ở miền đông Ukraina làm kỹ sư mỏ. Donbass, khu vực bị bao bọc bởi khúc ngoặt gấp của hạ lưu sông Don và Donets là nơi ông đã quay lại trong thời gian chiến tranh, đó là những gì được viết trong các cuốn sổ ghi chép. Năm 1932 Grossman lợi dụng việc mình bị chẩn đoán sai là mắc bệnh lao mãn tính để được chuyển khỏi Stalino về Moscow. Tại đây ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên, "Gluck auf" (Chúc may mắn), viết khi còn ở mỏ than. Tiếp sau đó là cuốn "Stepan Kolchugin". Mặc dù cả 2 cuốn tiểu thuyết đều viết theo tư tưởng Stalinist phổ biến trong các tác phẩm thời kỳ đó nhưng văn phong hết sức thuyết phục. Truyện ngắn "Ở thị trấn Berdichev" xuất bản tháng 4/1934 đã được Mikhail Bulgakov (*) khen ngợi. Maxim Gorky (**), bậc lão làng của văn học Soviet, mặc dù nghi ngờ khả năng của Grossman khi thấy ông đi theo chủ nghĩa xã hội hiện thực, vẫn cổ vũ cho công việc sáng tác của nhà văn trẻ này. Grossman có thần tượng là các nhà văn Chekhov và Tolstoy, ko bao giờ tỏ ra là 1 tên bồi bút theo chủ nghĩa Stalinist mặc dù ban đầu ông tin rằng chỉ có chủ nghĩa + sản Soviet mới có thể chặn đứng hiểm họa của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa bài Do Thái.
    (*) Mikhail Afanasievich Bulgakov (1891 - 1940), tác giả tiểu thuyết "Cận vệ Trắng" (The White Guard, 1924) được chuyển thể thành nhạc kịch "Thời đại của gia đình Turbin" (The Day of the Turbins, 1926) do Nhà Hát Moscow trình diễn. Thật phi lý, vở kịch mô tả 1 cách hết sức nhân văn giới sĩ quan và trí thức Nga Sa hoàng này lại trở thành 1 vở kịch được Stalin ưa thích. 1 kiệt tác khác của ông, "Giáo sư và Margarita" (The Master and Margarita), dù đã bị sửa chữa nhưng vẫn ko được xuất bản ngay cả khi ông đã qua đời.
    (**) Gorky hay Maksim là bút danh của Aleksei Maksimovich Peshkov (1868 - 1936), nhà văn và nhà viết kịch. Gorky là người ủng hộ Cách mạng Tháng 10 và từng là bạn của Lenin, tuy vậy quan điểm độc tài của những người Bolshevik làm ông khó chịu nên đã bỏ sang Tây Âu năm 1921. Stalin bằng các thủ đoạn nịnh bợ đã khéo léo thuyết phục được ông trở về Liên Xô năm 1920, tại đây ông được tiếp đón long trọng. Thành phố Nizhni Novgorod đã được đổi tên thành Gorky để vinh danh ông. Sau khi trở về Gorky trở thành 1 công cụ của chế độ, ông tuyên truyền cổ động cho chủ nghĩa xã hội hiện thực vào tháng 10/1932. Ông là vị cha già của nền văn học Soviet cho đến khi mất.
  6. maseo

    maseo GDQP - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    22/12/2004
    Bài viết:
    3.125
    Đã được thích:
    320
    Tháng 3/1933, người họ hàng đồng thời là người ủng hộ Grossman nhiệt thành, Nadezhda Almaz, bị bắt vì theo chủ nghĩa Trotskist. Grossman bị cơ quan mật vụ OGPU (sau này trở thành NKVD) thẩm vấn. Cả Almaz và Grossman đều có quan hệ với nhà văn Victor Serge (*), người sau này bị trục xuất vào năm 1936 và trở thành 1 người cánh tả chỉ trích Stalin nhiều nhất ở Paris. Cả 2 người đã cực kỳ may mắn. Nadya Almaz bị đi đày, nhận 1 án cải tạo ngắn nhờ đó cô thoát khỏi thời kỳ Đại Khủng bố (Great Terror) diễn ra vào cuối thập kỷ đó. Grossman cũng ko bị đụng tới. Số phận ông có lẽ đã rất khác nếu các cuộc thẩm vấn diễn ra vào 3 hay 4 năm sau.
    Cuộc sống của 1 nhà văn, đặc biệt là 1 nhà văn chất phác và ngây thơ về Ctrị như Grossman, đã ko dễ dàng gì trong mấy năm sau đó. Thật kỳ lạ là ông đã sống sót qua được các cuộc thanh lọc, 1 thứ mà sau này Ilya Ehrenburg (**) mô tả chẳng khác gì 1 trò xổ số. Ehrenburg đã nhận xét về sự vụng về và chân thật tự nhiên của Grossman: "Anh ta quá tốt và hết mình vì bạn bè", ông viết, "nhưng đôi khi có thể cợt nhả cả với những phụ nữ 50 tuổi kiểu như: "Chị có vẻ già đi nhiều so với tháng trước". Tôi biết đặc điểm đó của anh ta và ko lấy làm bực mình khi anh ta bất ngờ nhắc: "Anh có vẻ viết lách tệ hơn vì lý do nào đó thì phải.""
    Năm 1935, khi cuộc hôn nhân của ông với Galya đã chấm dứt nhiều năm, Grossman bắt đầu 1 mối quan hệ mới với Olga Mikhailovna Guber, 1 phụ nữ to béo lớn hơn ông 5 tuổi. Cũng như Galya, Lyusya, như cách ông gọi bà, là người Ukraina. Boris Guber, chồng bà và cũng là bạn văn của ông, biết được vợ mình say mê Grossman nhưng ko quá cố gắng chống lại việc đó. Là 1 người Nga gốc Đức sinh trưởng trong 1 gia đình nề nếp, Guber đã bị bắt và xử tử năm 1937 trong thời kỳ "Yezhovshchina" (***) điên loạn, tức thời kỳ thanh lọc như cách gọi sau này.
    Cùng năm đó, Grossman trở thành thành viên Hội Nhà Văn, 1 tổ chức cung cấp 1 cái mác đảm bảo để những thành viên có thể ngẩng cao đầu. Tuy nhiên tháng 2/1938 thì Olga Mikhailovna bị bắt, có lẽ do đã từng là vợ của Guber. Grossman vội tới thuyết phục các nhà chức trách rằng giờ cô ta là vợ ông dù vẫn giữ tên Guber (phụ nữ Nga lấy chồng thì cải theo tên chồng - Maseo). Ông cũng nhận nuôi 2 con trai của Guber để giúp chúng khỏi bị đưa vào trại trẻ mồ côi dành cho con cái các "kẻ thù của nhân dân". Bản thân Grossman cũng bị thẩm vấn ở Lubyanka ngày 25/02/1938. Mặc dù đã được công nhận ko phải là tội phạm chính trị, ông vẫn phải chứng minh mình hoàn toàn ko có quan hệ gì với Guber trong khi vẫn phải khéo léo để ko phải phản bội bất cứ ai. Ông cũng chấp nhận rủi ro lớn khi viết thư cho Nikolai Yezhov, người đứng đầu NKVD, dũng cảm dẫn lời Stalin để chứng minh rằng vợ mình ko hề chia sẻ bất kỳ tội lỗi nào đã bị quy cho người chồng cũ. Olga cũng được an toàn nhờ sự dũng cảm của Guber, ông đã ko lôi cô vào cuộc dù đã gần như bị buộc phải làm điều đó trong những cuộc thẩm vấn tàn bạo.
    Đó là khoảng thời gian các giá trị đạo đức bị làm nhục sâu sắc. Grossman cũng chẳng dám giúp ai như tất cả mọi người. Ông đã đứng trước sự lựa chọn nhưng rồi vẫn ký vào 1 bản tuyên bố ủng hộ việc đưa ra toà về tội phản quốc những người Bolshevik cựu trào và những người "Trotskist - phát xít". Nhưng ông ko bao giờ quên được sự ghê sợ với chúng và đã bộc lộ những áp lực ghê gớm của giai đoạn này trong những đoạn văn quan trọng nhất của cuốn "Cuộc đời và số phận".
    Tình trạng khủng bố tồi tệ qua đi có vẻ như nhờ vào việc Stalin ký được hiệp ước với Hitler năm 1939. Grossman đã có thể đi nghỉ suốt mùa hè năm đó ở Biển Đen cùng vợ và các con riêng của vợ tại nhà nghỉ của Hội Nhà Văn. Họ cũng có 1 kỳ nghỉ tương tự vào 5/1941 nhưng ông đã quay lại Moscow 1 tháng sau và có mặt tại Moscow vào thời điểm quân Đức xâm lược Liên Xô ngày 22/6/1941. Như phần lớn các nhà văn khác ông tình nguyện tham gia Hồng quân nhưng Grossman chưa được nhận vì mặc dù mới 35 tuổi nhưng ông hoàn toàn ko đủ sức khoẻ để đi lính.
    Những tuần lễ tiếp theo trở nên hết sức khó chịu đối với Grossman, ko chỉ bởi những chiến thắng tưng bừng của người Đức mà còn vì những lý do cá nhân. Ông sống tại Moscow cùng người vợ thứ 2 trong 1 căn hộ nhỏ, với lý do chỗ ở, bà vợ làm ông phát ngấy ko dám đề nghị đưa mẹ ông rời Berdichev lên Moscow sống cùng để có 1 nơi trú ẩn an toàn hơn. 1 tuần sau, khi ông nhận thấy Berdichev đã trở nên nguy hiểm thì đã quá muộn để chuyển mẹ mình đi thoát. Trong mọi trường hợp, vợ ông ko chịu ép mình dưới 1 bà già lẫn cẫn. Grossman, vì lỡ chuyến tàu để tới đưa mẹ về nhà mình, đã tự trách cứ bản thân trong suốt phần đời còn lại. Trong cuốn "Cuộc đời và số phận", nhà vật lý Viktor Shtrum cũng bị tra tấn tinh thần vì phạm sai lầm đúng như vậy.
    (*) Victor Serge (1890 - 1947), bút danh của Viktor Kibalchich. Sinh tại Bỉ, là con trai của 1 sĩ quan đội Cận vệ Hoàng gia đã chuyển sang đi theo cách mạng, mẹ là người Bỉ. Serge là 1 người đồng thời theo chủ nghĩa vô chính phủ Pháp, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội, ông đã tới Nga năm 1918 để tham gia Cách mạng Tháng 10 nhưng cảm thấy khó chịu với chủ nghĩa độc tài Bolshevik. Ông trở nên nổi tiếng với cuốn tự truyện "Ký ức Cách mạng" (Memoirs of a Revolutionary, 1945) và các tiểu thuyết "Men in Prison", "Birth of our Power" và "The Case of Comrade Tulayev".
    (**) Iliya Grigorievich Ehrenburg (1891 - 1967), nhà văn, nhà thơ, nhà báo viết cho tờ Krasnaya Zvezda trong thời gian WW2. Sau đó ông làm việc cùng với Grossman trong Uỷ ban người Do Thái chống phát xít để viết cuốn Sách Đen về những tội ác chống người Do Thái, tuy nhiên cuốn sách đã bị chính quyền Stalin tịch thu ngay sau Đại chiến. Ehrenburg là người đặc biệt thính nhạy để thoát khỏi những mối nguy hiểm do chính sách của Stalin.
    (***) Đặt theo tên của người đứng đầu NKVD lúc đó là Nikolai Ivanovich Yezhov (1895 - 1939), thường được biết với cái tên "Quỷ Lùn" vì dáng người nhỏ thó và còn thọt chân. Yezhov lên thay Genrikh Yagoda (1891 - 1938) đứng đầu NKVD theo bổ nhiệm của Stalin vào tháng 9/1936. Đến tháng 12/1938 ông ta bị Lavrenty Beria thay thế và phải chịu trách nhiệm vì đã làm quá mức yêu cầu của Stalin. Giống như vị tiền nhiệm của mình là Yagoda, ông ta cũng bị kết án phản quốc và bị xử tử.
  7. maseo

    maseo GDQP - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    22/12/2004
    Bài viết:
    3.125
    Đã được thích:
    320
    Những cuốn sổ bắt đầu được ghi chép từ ngày 5/8/1941 khi Grossman được tướng David Ortenberg, Tổng Biên tập báo Krasnaya Zvezda, gửi ra mặt trận. Mặc dù đó là 1 tờ báo của Hồng quân nhưng mọi người còn đọc nó say sưa hơn cả tờ Izvestia trong suốt thời gian chiến tranh. Stalin khăng khăng đòi kiểm duyệt mọi trang viết trước khi in, điều đó khiến Ehrenburg, đồng sự của Grossman, thường đùa rằng nhà độc tài Soviet này chính là độc giả nhiệt thành nhất của ông.
    Ortenberg rất lo rằng Grossman sẽ ko thể sống sót nổi trước sự khắc nghiệt của mặt trận nên đã tìm cho ông những người đồng đội trẻ trung và có kinh nghiệm quân sự để đi cùng. Grossman thường đùa cợt về tình trạng thiếu sức khoẻ để tham gia quân đội và chưa kinh qua huấn luyện quân sự của mình nhưng điều đó diễn ra ko lâu. Trước sự kinh ngạc của những người đồng đội, gã tiểu thuyết gia cận thị đã giảm cân rất nhanh chóng, chịu đựng mọi gian khổ cùng họ và đánh bại họ trong 1 cuộc thi bắn súng ngắn.
    "Con sẽ kể cho cha về bản thân con," ông viết cho cha mình tháng 2/1942. "Con hầu như lúc nào cũng di chuyển trong suốt 2 tháng vừa rồi. Có những hôm có khi còn nhiều hơn cả 10 năm hoà bình trước đây cộng lại. Con đã trở nên thanh mảnh, con tự cân mình trong phòng tắm hơi (banya) và thấy chỉ còn 74 kg. Bố có nhớ trọng lượng khủng khiếp của con 1 năm trước ko - 91 kg? Tim con giờ tốt hơn nhiều ... Con đã trở thành 1 lính tuyến đầu (frontoviki) đầy kinh nghiệm. Chỉ 1 tiếng động là con có thể nói ngay cái gì đang diễn ra và ở đâu."
    Grossman học mọi thứ về quân sự: chiến thuật, trang bị, vũ khí - và những tiếng lóng của cánh nhà binh là thứ ông đặc biệt say mê. Ông làm việc rất chăm chỉ như ông đã viết rằng ông chỉ có rất ít thời gian cho mọi thứ khác. "Trong suốt cuộc chiến", ông viết sau này, "cuốn sách duy nhất mà tôi đọc là "Chiến tranh và Hoà bình", tôi đã đọc nó 2 lần." Trên tất cả, ông đã chứng minh lòng dũng cảm phi thường ngay tại mặt trận trong khi phần lớn phóng viên chiến trường đều chỉ loanh quanh tại các sở chỉ huy. Grossman, hiển nhiên là 1 thành viên người Do Thái trong giới trí thức Moscow, đã thực sự thắng lợi trong việc giành được sư khâm phục của những người lính Hồng quân bình thường nhất. Đó là 1 kỳ công đặc biệt. Ở Stalingrad ông đã được gặp Chekhov, lính bắn tỉa số 1 của Tập đoàn quân 62 và đã được anh ta chấp nhận cho đi yểm trợ, tại ổ phục kích của Chekhov ông đã được xem anh ta bắn hạ 1 tên Đức và sau đó lại 1 tên nữa.
    Ko giống như phần lớn nhà báo Soviet rất hăm hở dẫn lại những khẩu hiệu Ctrị, Grossman bền bỉ đi theo con đường của riêng mình trong kỹ thuật phỏng vấn. Sau này ông cho biết: "Chỉ cần nói chuyện 1 cách lãnh đạm với 1 người lính trong lúc nghỉ là anh ta sẽ tuôn ra mọi thứ có trong đầu, thậm chí chẳng cần đến 1 câu hỏi." Lính trơn bao giờ cũng chiếm số lượng đông nhất và có thể nhanh chóng tìm ra cách chăm sóc bản thân, những mẹo vặt và cả những sai lầm. Grossman chân thật với những sai lầm cũng như với những điều tốt đẹp, và những người lính kính trọng điều đó. "Tôi thích họ", ông viết. "Tôi thích học hỏi từ cuộc sống. Đôi khi những người lính bắt tôi phải tuân lệnh. Tôi biết toàn bộ cuộc sống quân ngũ, ban đầu đó là việc rất khó khăn."
    Grossman ko chỉ đóng vai trò 1 nhà quan sát vô cảm. Sức nặng trong những trang viết của ông bắt nguồn từ cảm xúc của chính ông đã có ngay từ năm 1941 đen tối. Sau này ông viết về "nỗi đau buốt nhói, những điềm gở dễ nhận thấy về thương vong sắp tới, hiện thực bi thảm rằng số phận những người mẹ, người vợ, người con đã trở nên gắn chặt với số phận những trung đoàn bị bao vây hay những đội quân đang rút lui. Làm sao có thể quên được những ngày đó - Gomel và Chernigov chìm trong lửa, Kiev sụp đổ, những đoàn xe rút chạy, những trái hoả tiễn màu xanh lá cây chứa hơi độc bay qua những khu rừng và sông ngòi lặng câm?" Grossman đi theo những đồng đội của mình và đã được chứng kiến Gomel bị phá huỷ, sau đó họ chạy về phía nam khi Quân đoàn Thiết giáp 2 của tướng Đức Guderian tung 1 mũi tấn công theo 1 vòng tròn rộng để bao vây Kiev. Quân Đức đã bắt sống hơn 600.000 tù binh trong 1 thắng lợi giòn giã chưa từng thấy.
  8. maseo

    maseo GDQP - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    22/12/2004
    Bài viết:
    3.125
    Đã được thích:
    320
    Đầu tháng 10, Grossman được giao đi theo sở chỉ huy Tập đoàn quân 50 của tướng Petrov. Mô tả của ông về viên tướng này, người sẵn sàng đấm các thuộc hạ, vừa uống trà và ăn mứt mâm xôi vừa ký lệnh xử bắn, nghe như 1 chuyện châm biếm đáng sợ đối với Hồng quân, nhưng cực kỳ chính xác. Sự chân thật đến mức khó chịu của ông là 1 mối nguy hiểm. Nếu mật vụ NKVD đọc được những cuốn sổ ghi chép này ông sẽ bị tống vào chỗ giam giữ bọn Gulag. Grossman ko phải là Đảng viên, điều đó lại có tác dụng làm giảm sự nghi ngờ đối với vị trí của ông.
    Grossman lại 1 lần nữa suýt bị các đơn vị thiết giáp của Guderian bao vây khi ông tới thành phố Orel nơi sau đó Phương diện quân Bryansk bị vây. Ông đã mô tả chuyến đi đó như 1 câu chuyện thú vị nhất trong những lần thoát chết của mình. Grossman và các đồng sự trở lại Moscow trong tình trạng kiệt sức, chiếc xe "Emka" lỗ chỗ vết đạn là minh chứng cho những nguy hiểm mà họ đã phải trải qua. Nhưng Ortenberg đã lệnh cho họ quay lại mặt trận. Đêm đó, để tìm tới 1 sở chỉ huy tập đoàn quân, họ tí nữa đã lái xe vào 1 vị trí quân Đức. Là 1 người Do Thái, số phận của Grossman nếu vậy đã cáo chung.
    Vào mùa đông năm 1941 đó, sau khi quân Đức rút lui khỏi ngoại vi Moscow, Grossman được lệnh theo dõi chiến sự xa hơn về phía nam, tại vùng đông Ukraina gần Donbass, nơi ông đã biết rất rõ trong những năm trước chiến tranh. Ông bắt đầu chuẩn bị cho 1 cuốn tiểu thuyết vĩ đại về năm đầu tiên của cuộc chiến, cuốn sách sau đó được đăng suốt đầu mùa hè năm 1942 trên tờ Krasnaya Zvezda dưới dạng truyện dài kỳ. Mạch truyện dồn dập như đời thực của 1 frontoviki, lính tiền tuyến Hồng quân, và danh tiếng của Grossman nổi như cồn khắp Liên Xô, ông cũng nhận được sự kính trọng trong giới văn chương.
  9. sa0phajx0an_1206

    sa0phajx0an_1206 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    22/03/2008
    Bài viết:
    141
    Đã được thích:
    0
    tem cái . spam na0`
    E hem` khoa'' t0pjc v0j'' lj'' d0 : ế ẩm
    E đùa tí
  10. maseo

    maseo GDQP - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    22/12/2004
    Bài viết:
    3.125
    Đã được thích:
    320
    Tháng 8/1942, Tập đoàn quân 6 Đức tiến về phía Stalingrad, Grossman được lệnh tới thành phố đang bị đe doạ này. Ông đã có thời kỳ phục vụ với tư cách nhà báo lâu dài nhất tại đây, trong trận phòng thủ thành phố. Ortenberg, người có quan hệ ko mấy tốt đẹp với ông, cũng công nhận tài năng phi thường của ông: "Tất cả các phóng viên tại Phương diện quân Stalingrad đều kinh ngạc với những gì Grossman đã làm với tướng Gurtiev, 1 viên sư trưởng thầm lặng và kín đáo người Siberi. Họ đã nói chuyện với nhau 6h liền ko nghỉ, tướng Gurtiev đã nói ra tất cả những gì Grossman cần biết, trong 1 thời điểm ác liệt bậc nhất (của trận chiến). Tôi biết chính thói quen ko bao giờ ghi chép bất kỳ điều gì trong suốt cuộc phỏng vấn đã giúp Grossman khiến mọi người bộc lộ tâm sự. Ông sẽ viết lại tất cả sau đó, khi đã quay về sở chỉ huy hoặc Izba (nhà nhỏ xây bằng gỗ xúc - Maseo) của cánh phóng viên. Khi mọi người đã đi ngủ, Grossman dù rất mệt mỏi vẫn ngồi viết lại tỉ mỉ mọi thứ vào những cuốn sổ của ông. Tôi biết việc đó và đã từng xem vài cuốn sổ ghi chép khi tới Stalingrad. Tôi thậm chí phải nhắc ông quy định tuyệt đối cấm giữ nhật ký và dặn ông ko bao giờ được viết những thông tin gì được coi là bí mật vào đó. Ko chỉ đến khi ông chết tôi mới có cơ hôi đọc những gì ông viết. Các ghi chép đều cực kỳ xúc tích. Điểm đặc trưng của cuộc sống trong chiến tranh là có thể hiểu rõ mọi thứ chỉ trong 1 vài từ, giống như tấm giấy ảnh hiện lên mọi hình ảnh khi được in tráng. Trong các cuốn sổ ghi chép của ông mỗi người có thể tìm thấy nguyên vẹn sự thật." Đó là Stalingrad nơi mà Grossman đã mài giũa khả năng mô tả của mình: "Mùi vị thường thấy ở tuyến đầu - đó là cái mùi trộn lẫn giữa mùi của nhà xác và của lò rèn."
    Với Grossman, trận Stalingrad chắc chắn là 1 trong những kinh nghiệm sống quan trọng nhất. Trong cuốn "Cuộc đời và Số phận", sông Volga là 1 sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuốn sách, nó chính là huyết mạch giao thông chính để nước Nga bơm nhựa sống cho Stalingrad. Grossman, giống như nhiều đồng chí của mình, nhiệt thành tin rằng chủ nghĩa anh hùng của các chiến sĩ Hồng quân tại Stalingrad sẽ ko chỉ giúp nước Nga chiến thắng mà còn làm thay đổi xã hội Soviet mãi mãi. Chiến thắng bọn phát xít được tạo nên bởi sự đoàn kết mạnh mẽ giữa mọi người, họ tin rằng NKVD, các cuộc thanh trừng, các phiên toà và bọn địa chủ Gulag sẽ chỉ còn là lịch sử. Các sĩ quan và binh lính trên mặt trận, với sự tự do của người ko còn gì để mất, nói bất kỳ điều gì họ muốn, thoải mái phê phán cuộc tập thể hoá nông nghiệp tàn khốc, sự ngạo mạn của những vị tai to mặt lớn và sự khoác lác trơ trẽn của hệ thống tuyên truyền Soviet. Sau này Grossman mô tả chúng trong cuốn "Cuộc đời và Số phận" thông qua phản ứng của chính uỷ Krymov: "Từ khi đến Stalingrad, Krymov đã có 1 cảm giác kỳ lạ. Đôi khi đó là suy nghĩ anh ta như thể đang ở trong 1 vương quốc nơi Đảng ko tồn tại; đôi khi đó lại là cảm giác như thể anh ta đang hít thở bầu ko khí của những ngày đầu tiên sau Cách mạng Tháng 10." 1 số ý kiến lạc quan và khát vọng xuất hiện với sự khuyến khích ngấm ngầm của chính nhà cầm quyền Soviet, nhưng ngay sau khi chiến cuộc đã rõ ràng, Stalin bắt đầu siết chặt mọi thứ trở lại như cũ.
    Nhà độc tài Soviet, người luôn giữ mối quân tâm sát sao tới giới văn sĩ, bắt đầu tỏ vẻ ko thích Grossman. Ilya Ehrenburg cho rằng Stalin nghi ngờ Grossman hơi quá ngưỡng mộ chủ nghĩa quốc tế kiểu Lenin (gần với chủ nghĩa Trotskist, đó là 1 tội lỗi). Nhưng cũng còn lâu người đứng đầu nhà nước Soviet mới thực sự ghét Grossman vì ông ko bao giờ công kích sự sùng bái cá nhân đối với nhà độc tài này. Stalin gần như ko xuất hiện trong các tác phẩm Grossman viết trong quãng đời làm báo, lần duy nhất có nhắc đến ông là trong tác phẩm "Cuộc đời và Số phận" viết sau khi nhà độc tài đã qua đời, trong đó Stalin gọi 1 cú điện thoại lúc nửa đêm cho nhân vật Viktor Shtrum. Đó là 1 đoạn văn đáng nhớ và đáng sợ bậc nhất trong bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào, có lẽ được lấy cảm hứng từ cú điện thoại có thật mà người đứng đầu điện Kremlin gọi cho Ehrenburg vào 1 đêm tháng 4/1941.

Chia sẻ trang này