1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Về Dân Chủ và Tự Do

Chủ đề trong 'Học thuật' bởi qwertzy2, 16/04/2005.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. qwertzy2

    qwertzy2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/01/2005
    Bài viết:
    612
    Đã được thích:
    0
    Về Dân Chủ và Tự Do

    TTVNOnline tuy đã là kho dữ liệu thông tin trù phú, đề cập đến rất nhiều vấn đề thuộc những phạm trù khác nhau, nhưng chưa có một chủ đề nào bàn luận một cách nghiêm túc về hai khái niệm sau đây mà mọi quốc gia đều phải công nhận nhưng mỗi nước hiểu mỗi khác - đó là: dân chủ và tự do.

    Dân Chủ

    Dân chủ là một biểu hiện của sự bình đẳng. Cụ thể hơn, nó là bình đẳng được áp dụng vào phạm trù chính trị, hay cụ thể hơn nữa là vào quá trình quyết định của một quốc gia. Nói cách khác, trong một nền dân chủ mỗi người dân trên nguyên tắc đều có một tiếng nói. Trên thực tiễn, những cách hiểu và áp dụng dân chủ được phân vào 2 nhóm chính sau đây:

    (1) Dân chủ trực tiếp, mà chúng ta thấy ở Hy Lạp cổ đại, nhưng cũng tồn tại ở một vài khu vực ngày nay (Thụy Sĩ hiện đại là ví dụ nổi tiếng nhất), là dạng thô sơ của dân chủ. Trong một nền dân chủ trực tiếp, mỗi công dân đã đến tuổi bầu cử có quyền trực tiếp bày tỏ ý kiến và không cần thông qua một trung gian - các đại diện. Dân chủ trực tiếp được đặt nền tảng trên 3 tiến trình cột trụ:

    a. Sáng kiến (hoặc sáng kiến công dân), tức là tiến trình cho phép bất cứ công dân nào đề nghị bỏ phiếu về bất cứ vấn đề nào, miễn người dân ấy hội đủ một số định sẵn chữ ký của những công dân khác đồng ý tổ chức bỏ phiếu.

    b. Trưng cầu dân ý, tiến trình bỏ phiếu trực tiếp mà cử tri được đòi hỏi phải trả lời bằng cách chấp nhận hoặc từ chối một đề nghị nhất định. Đây có thể là một sự sửa đổi hiến pháp, một bộ luật, hay

    c. Triệu hồi, là tiến trình bỏ phiếu để phế truất một viên chức khỏi chức vị ông ta có do được bầu lên trước đó.

    Ở Thụy Sĩ, cột trụ 1 và 2 được áp dụng ở mức độ liên bang lẫn địa phương, và trong 120 năm qua, hơn 240 sáng kiến đã được nhân dân Thụy Sĩ đề nghị và bỏ phiếu quyết định. Nước Mỹ là một minh hoạ khác, tuy không ở mức độ liên bang nhưng một phần lớn tiểu bang ở Mỹ vẫn cho phép công dân tự giác gợi ý tổ chức bỏ phiếu (sáng kiến công dân). Tuy nhiên, dân chủ trực tiếp nhìn chung chỉ áp dụng tốt được cho những cộng đồng không đông dân cư lắm, hoặc cho những xã hội có ít vấn đề cần giải quyết. Đối với một xã hội đông đúc, hiện đại, việc mỗi người dân đều có tiếng nói trực tiếp gây ra nhiều vấn đề thực tiễn khó giải quyết (mặc dù các đột phá về công nghệ thông tin trong tương lai có khả năng cho phép điều này). Hơn nữa, cho dù công nghệ cho phép mỗi người dân có tiếng nói trực tiếp đi nữa thì công dân của một nước phải có tầm hiểu biết sâu sắc về những vấn đề đang xảy ra. Điều này tốn rất nhiều công sức giáo dục, tiền bạc ... cho nên dân chủ trực tiếp không còn là giải pháp thực tiễn cho một xã hội hiện đại, và nền dân chủ được áp dụng trong hầu hết các nước ngày nay là:

    (2) Dân chủ gián tiếp, mà dạng phổ biến nhất ở các quốc gia hiện tại là dân chủ đại nghị (thỉnh thoảng cũng được gọi một cách không chính xác là cộng hoà). Dân chủ đại nghị là một hệ thống mà trong đó mỗi công dân bỏ phiếu cho đại diện mà mình muốn, tuỳ theo lợi ích của mình, một cách bí mật và hoàn toàn tự do vào những cuộc bầu cử đa đảng. Đại diện mới là người trực tiếp tham gia vào quá trình tạo quyết định trên chính trường.

    Việc bỏ phiếu bầu chọn đại diện có nhiều cách tiến hành khác nhau, tuỳ nước: một số nước đòi hỏi đa số phiếu, số khác - như ở Anh - chỉ chọn đại diện đã nhận được số phiếu bầu nhiều nhất, ngay cả khi đại diện này không được đa số cử tri bình chọn. Cách này vừa là một lợi thế vừa là một tổn thất cho công dân, bởi vì một mặt người dân không cần phải quá bận tâm về những câu hỏi đang được đặt ra thì mặt khác, các đại diện - đóng vai trò trung gian - có thể không đáp ứng một cách chính xác những nguyện vọng của nhân dân sau khi được bầu. Một trong những biện pháp đề phòng lạm dụng là tổ chức bầu cử thường xuyên, như vậy những đại diện không có trách nhiệm đối với cử tri sẽ bị loại khỏi vòng đua.

    Nhìn chung, dân chủ tuy là một hệ thống chính trị với chí hướng tốt đẹp, thoả mãn được nguyên tắc bình đẳng cho con người, song nó không phải là không có khiếm khuyết. Thật vậy, chúng ta có nhiều cách để phê phán dân chủ:

    (1) Dân chủ, nói cho cùng, là một ảo ảnh. Đây là phản lập luận rất hay thấy ở hệ tư tưởng Karl Marx và một vài lý thuyết gia khác. Theo họ, dân chủ chỉ đơn thuần tạo cho người dân ảo giác được tham gia vào quá trình tạo quyết định mà thôi, bởi vì nhiều cử tri có thể không hiểu lợi ích của mình thật sự nằm ở đâu, hoặc đã bị lừa dối bởi những nhà hùng biện quá khéo léo. Hơn nữa, con số hạn chế các đại diện có thể được bầu có thể không cho người dân sự lựa chọn nào ưng ý. Chúng ta phải công nhận rằng, dù sao đi nữa thật khó có thể xem nền dân chủ hiện nay như một lý tưởng khi mà mỗi cuộc bầu cử chỉ cho phép chọn giữa 2 hoặc 3 đại diện với các chí hướng, chính sách không khác nhau mấy. Theo Marx, đây là dân chủ kiểu tư sản, vốn chỉ đơn thuần phản ánh những quan hệ quyền lực đã có sẵn, và những quan hệ quyền lực này lại là hệ quả của những quan hệ kinh tế giàu - nghèo. Cho đến khi mà các mối quan hệ trên chưa được dẹp bỏ, cho người dân một cái quyền được bỏ phiếu là một việc phí công sức mà không đưa đến kết quả hay ho nào.

    (2) Thuyền trưởng mới là người chèo lái con thuyền. Triết gia Hy Lạp cổ đại có nói, dân chủ sẽ chỉ dẫn đến một đất nước nghèo nàn về chính trị, bởi vì nhân dân không phải các chuyên gia và không hiểu biết nhiều về những việc chính họ làm. Thật vậy, việc đạt đến những quyết định chính trị khôn ngoan đòi hỏi một lượng hiểu biết lớn - là thứ mà không phải ai cũng có.
    Lập luận tương tự có thể đem ra áp dụng cho dân chủ đại nghị: không phải người dân nào cũng biết rõ đại diện nào mới là thực sự thích hợp, thậm chí đa số không hiểu gì hết. Thực tế cho thấy, cử tri bình chọn dựa trên những tiêu chí hoàn toàn không liên quan đến chính trị - kinh tế, như đại diện X bảnh thế nào, đại diện Y có nụ cười dễ thương ra sao ... vân vân và vân vân. Một lý do khác nữa khiến kết quả bầu cử không được chính xác là người dân có sẵn thành kiến về một đảng phái chính trị nào đó. Kết quả dẫn đến nhiều đại diện tài năng không được bầu, còn nhiều người không thích hợp được chọn trên những cơ sở không liên quan mà họ ngẫu nhiên (hoặc cố tình) có nói trên.

    (3) Dân chủ là một nghịch lý. Kết quả của một cuộc bầu cử không thể làm hài lòng mọi người trong một nước, do đó sẽ có những người bất mãn với kết quả hay cho rằng nó là không hợp lý. Trên phương diện triết học, thiểu số này - một khi đã đi bầu và như vậy là tin tưởng vào dân chủ - phải chấp nhận sự hợp lý của kết quả bầu cử trong khi đó họ có thể có những ý kiến riêng, khác với kết quả do đa số bình chọn. Nghịch lý về dân chủ nảy sinh ra từ đó.
    Tuy nhiên lập luận trên không hoàn toàn đả phá sự hợp lý của dân chủ. Đúng hơn, nó bàn về xung đột - mà bất cứ người nào sống trong một nền dân chủ đều có vào lúc này hay lúc khác - giữa ý thức, lập luận cá nhân và sự bình chọn của đa số. Điều này dẫn đến: công dân trong một nền dân chủ phải tự chọn cho mình một cân nặng mà anh ta sẽ ban cho quyết định của mỗi phía: cá nhân và đa số, cũng như phải tự xem xét xem "tin tưởng vào dân chủ" cụ thể có ý nghĩa gì đối với chính anh ta.

    Tự Do

    Cũng như dân chủ, tự do là một khái niệm được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Có hai cách hiểu chính về khái niệm tự do, đã được nhà tư tưởng học lỗi lạc của thế kỷ 20 Isaiah Berlin phân tích trong Two Concept of Liberty, đó là: tự do tích cực và tự do tiêu cực.

    (1) Tự do tiêu cực. Một cách để định nghĩa tự do là bằng sự thiếu áp đặt, gò bó, đàn áp - về mặt tư tưởng cũng như trên phương diện hành động. Tự do, theo định nghĩa tiêu cực, chính là cái tự do khi không ai hoặc thế lực nào bắt buộc bạn phải hành động hay tư duy theo một hướng xác định. Diễn đạt một cách khác: tự do tiêu cực là tự do khi không có chướng ngại, vật cản ... Đa số các chính phủ hiện nay hạn chế sự tự do của công dân nước mình đến một giới hạn nào đó, việc này không nằm ngoài mục đích bảo vệ cho lợi ích chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, một số lớn các lý thuyết gia hiện nay cho rằng phải xác định một khu vực tối thiểu mà trong đó cá nhân được hoàn toàn tự do, miễn là anh ta không gia hại đến bất cứ ai khác.

    Quan niệm tự do như trên có một điểm yếu rất dễ thấy. Câu hỏi được đặt ra là: cho đến đâu thì chúng ta đang gia hại người khác ? Chẳng hạn, cảm xúc tiêu cực mà ta tạo ra ở người khác có phải một tiêu chí hợp lý để hạn chế tự do của ta hay không ? Việc tôi hút thuốc kế bên một người không chịu nổi mùi thuốc lá - và do đó gây khó chịu người này - liệu có phải một lý do hợp lý cho việc chính phủ cấm nhân dân hút thuốc hay không (ít ra ở nơi công cộng) ?

    (2) Trong khi một số người nghĩ rằng đấu tranh vì tự do tức là gia tăng tự do tiêu cực của người dân, hay cũng là dẹp bỏ càng nhiều càng tốt những chướng ngại và áp bức, thì một số khác nghĩ rằng đấu tranh vì tự do trước hết phải là gia tăng tự do tích cực. Theo họ, tự do tích cực có ý nghĩa hơn tự do tiêu cực rất nhiều trong phạm trù chính trị. Bạn được tự do - theo nghĩa tích cực - khi bạn THẬT SỰ có quyền kiểm soát đời sống của chính bạn, chứ không còn đơn thuần là khi bạn không bị ai hoặc điều gì kềm chế.
    Một bợm nhậu đã say tí bỉ nhưng vẫn la cà vào các quan nhậu bên lề đường và muốn tiêu hết số tiền ông ta có để mua bia. Việc mua bia trong trạng thái không được tỉnh táo của ông ấy liệu có thể được xem như ông ta đang thi hành quyền tự do của mình ? Nếu chúng ta xét tự do trên phương diện tích cực thì câu trả lời sẽ là không: bợm nhậu đang chịu sự kiểm soát của men bia và không hoàn toàn làm chủ được những hành động của mình - do đó ông ta không tự do. Mặt khác, trên phương diện tự do tiêu cực, ông này có thể tự do hay không tuỳ thuộc vào chúng ta có nên xem bia rượu như một kềm chế hay không - một minh hoạ khác cho các khó khăn thực tiễn mà khái niệm tự do tiêu cực đã bàn trên sẽ gặp phải.
    Một ví dụ khác để minh họa sự khác biệt giữa hai khái niệm tự do: một người có tài nhưng phung phí tiền của vào những việc không đâu, không lo ăn học mà chơi bời trác táng. Nếu ta soi xét sự việc dưới lăng kính tự do tiêu cực thì ta sẽ khuyên bảo con người này để anh ấy đi đúng đường, nhưng tuyệt nhiên không có quyền áp đặt, cấm đoán anh ta chơi bời, vì như thế sẽ là hạn chế tự do (theo nghĩa tiêu cực) của anh ta. Khái quát hơn, theo những người quan niệm tự do tiêu cực, không ai có quyền bắt buộc ai (người đã trưởng thành) làm bất cứ việc gì với lý do "vì lợi ích của chính họ", việc áp đặt được xem như một biểu hiện của chủ nghĩa gia trưởng thái quá.
    Mặt khác, nếu xem xét sự việc dưới lăng kích tích cực thì chính con người ăn chơi loạn lạc trên không được tự do hoàn toàn, vì chính anh ấy không nhận ra những tiềm năng thiên phú của mình và do đó không hoàn toàn làm chủ bản thân. Bằng lập luận này, người khác sẽ có quyền áp đặt anh ta lên con đường đúng - một việc đồng nghĩa với việc tạo cho anh ta cơ hội để trở nên thực sự tự do. Mở rộng ra: liệu chính phủ có quyền đàn áp, cản trở tự do của công dân mình với lý do "để bảo vệ chính họ" hay không ? Thật là nguy hiểm khi biết rằng việc đó có thể được bào chữa trên phương diện lập luận (nhờ vào tự do tích cực), bởi vì khái niệm tự do tích cực khi được áp dụng thế này rất dễ dẫn đến lạm dụng quyền lực.

    Tự do ngôn luận

    Một trong những đặc điểm thường thấy nhất của những xã hội chuyên chế là sự thiếu tự do ngôn luận. Đa số các xã hội phương Tây, ngược lại, tự hào có thể cho công dân mình bày tỏ ý kiến và quan điểm trên một loạt lĩnh vực, vấn đề rất rộng mà không sợ kiểm duyệt. Song tự do ngôn luận ở những nước này cũng không phải tự do ngôn luận tuyệt đối, và luôn có những rào cản, những giới hạn cho việc bạn bày tỏ ý kiến mà không sợ bị phạt: luật cấm tranh ảnh khiêu dâm, cấm lời lẽ, văn hoá phẩm kêu gọi phân biệt chủng tộc, vân vân và vân vân. Triết gia kiêm chính trị - kinh tế gia người Anh John Stuart Mill là một trong những tác giả bàn về tự do ngôn luận một cách sắt bén nhất.

    Theo Mill, tự do ngôn luận chỉ nên được giới hạn khi quyền này gây hại đến người khác, và việc xúc phạm thuần túy (không dẫn đến bạo động) người khác thì không được xem là gia hại. Kiểm duyệt và cấm đoán chỉ nên được áp dụng khi rào cản bạo động đã bị vượt qua. Mill bảo vệ lập luận trên bằng hai lý lẽ chính:

    (1) Thứ nhất, theo Mill cơ quan kiểm duyệt trên nguyên tắc không có quyền lầm lẫn, cho nên không thể kiểm duyệt sai. Sở dĩ như thế là bởi vì sự kiểm duyệt đặt nền tảng trên ý tưởng: vật hay ý tưởng bị cấm cố nhiên là vật sai phạm. Song lầm lẫn là một đặc tính của con người, cho nên bản thân việc kiểm duyệt, cấm đoán phải được thực hiện một cách càng ít càng tốt - để tránh cản trở sự truyền bá của những ý tưởng cần thiết và hệ trọng.

    (2) Thứ nhì, các ý tưởng, tư duy sẽ trở thành những giáo điều chết nếu chúng không được thử thách, suy xét, bàn luận ... một cách thường xuyên. Chân lý không có gì phải sợ; và ngay cả nếu ý tưởng được trình bày là sai thì nó cũng tạo cho người giữ ý tưởng đúng cơ hội trình bày, giảng giải quan điểm của mình. Lợi ích của cách làm này là chúng ta tin vào một điều gì là bởi chúng ta hiểu rõ những lập luận giúp cho điều đó đứng vững, chứ không đơn giản bởi vì người khác đã bảo chúng ta như thế. Qua sự đối đầu giữa chân lý và cái sai, chân lý sẽ thắng và tầm ảnh hưởng của nó sẽ trở nên lớn hơn. Áp dụng vào thực tế: bất kỳ chính quyền, chính phủ nào không cho phép tư tưởng của họ đụng độ với những nguồn tư tưởng khác thì chắc chắn không nắm giữ chân lý.

    Được qwertzy2 sửa chữa / chuyển vào 00:56 ngày 18/04/2005
  2. qwertzy2

    qwertzy2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/01/2005
    Bài viết:
    612
    Đã được thích:
    0
    Những lập luận của Mill đã đề cập trên tuy về mặt cơ bản là hợp lý, song chúng thường được chỉ trích bởi một số triết gia, nhà tư tưởng bằng nhiều cách:
    (1) Thời thế đã thay đổi. Vào thời đại của Mill (thế kỷ 19), lý do cấm đoán các tư tưởng là bởi vì chúng sai sự thật, còn vào thời đại của chúng ta (đầu thế kỷ 21), kiểm duyệt được tiến hành trên cơ sở chúng là những thứ nguy hiểm. Một ví dụ rất dễ thấy trong thời đại sợ khủng bố ngày nay: thử tưởng tượng một người nào đó công bố cách chế tạo bom tại nhà lên Mạng Internet. Lý do để cấm vào trang web của anh ta là bởi nó đúng nhưng nguy hiểm cho cộng đồng, chứ không phải nó sai so với chân lý.
    Tuy nhiên, nếu Mill còn sống ngày nay thì ông ta có lẽ cũng đồng ý với sự kiểm duyệt trên, bởi vì chính ông ta đồng ý với kiểm duyệt khi nó gây hại cho người khác. Trở lại vấn đề của tự do tích và tiêu cực: khi nào thì một việc làm được xem là gây hại cho người khác ? Và cho đến đâu thì sự cấm đoán từ phía chính phủ còn có thể được chấp nhận ?
    (2) Ông Mill bảo vệ tự do ngôn luận bằng cách chỉ ra những hậu quả đáng tiếc của sự kiểm duyệt quá mức. Điều này đã trở nên không cần thiết ngày nay, khi mà tự do ngôn luận đã được chép vào danh sách các quyền không thể thiếu của một con người theo đúng nghĩa. Dù cho kiểm duyệt có quá đáng hay gây hậu quả đáng tiếc hay không thì tự do ngôn luận cũng ngày nay cũng đã có lý do hợp pháp để tồn tại.
    Thật ra nếu chúng ta đi sâu vào khía cạnh triết học của vấn đề thì câu hỏi được đặt ra là: nhân quyền đặt nền tảng trên cái gì ? Thật là một câu hỏi khó trả lời, nhưng điều này không ảnh hưởng gì đến việc: áp dụng nhân quyền (trong đó có tự do ngôn luận) là một việc thật sự rất cần thiết, bởi vì chúng ta buộc phải chấp nhận - khi đã thấy những lợi ích thực tiễn nó mang lại - cái câu: mỗi con người sinh ra đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, như một tiên đề toán học.
    Sự tước quyền tự do - trừng phạt
    Theo tự do tích cực, chính phủ (hay bất kỳ thế lực nào khác) có QUYỀN tước bỏ một phần hay toàn phần tự do của một người nào đó chỉ đơn giản với lý do là: vì lợi ích và tự do của chính họ (xem lại ví dụ về người ăn chơi trác táng). Một cách khái quát hơn, sự tước quyền tự do có thể được bào chữa bằng một trong bốn lập luận chính sau đây:
    (1) Đền đáp: theo lập luận này, những người đã cố tình phạm pháp đương nhiên xứng đáng chịu đựng đau khổ, bất chấp việc trừng phạt có mang lại lợi ích gì cho xã hội chung hay không. Theo lý lẽ này, mức độ nặng nhẹ của sự trừng phạt phải phản ánh mức độ nặng nhẹ của tội đã vi phạm hoặc - nếu được - áp dụng một cách chính xác tội ác đó với người phạm tội, trừ trường hợp người phạm tội không tỉnh táo (trừng phạt nhẹ) hoặc người có vấn đề tâm thần (chữa trị).
    Cách làm này gây ra một số bất tiện. Thứ nhất, nó ít nhiều phản ánh tinh thần "trả thù", hoặc "ăn miếng trả miếng" của con người còn khai sơ hoặc phong kiến và có vẻ không đẹp mắt trong xã hội văn minh hiện đại. Nó gợi nhớ việc chặt tay những kẻ ăn cắp vặt ở một vài nước Hồi giáo cận đông, và thật khó áp dụng nó cho một số loại tội phạm, ví dụ như một tên ăn cướp nghèo xác nghèo xơ (không thể ăn cướp lại). Hơn nữa, việc nó không có ảnh hưởng lớn đến xã hội làm cách làm này không thú vị.
    (2) Cảnh cáo. Đây là lời bào chữa thường thấy nhất khi người cầm quyền quyết định hạn chế tự do của kẻ phạm tội: chính anh ta sẽ bị cảnh cáo không tái phạm, còn người khác trong xã hội sẽ nhìn vào đó mà noi gương không phạm tội. Lợi thế của cách bào chữa này là, ngay cả khi tên tội phạm không cải chính, sự trừng phạt vẫn có lợi cho toàn xã hội nói chung.
    Theo một số người, cách làm này có vẻ không có vai trò cảnh cáo, hoặc ít ra không hiệu nghiệm trong vài trò này. Án tử hình không ngăn cản được tham nhũng, hoặc việc giết người hàng loạt. Cầm tù không làm bớt nạn trộm cướp trong xã hội. Tuy nhiên những quan sát nói trên không được thống kê nào kiểm chứng chính xác. Hơn nữa, việc trừng phạt CHỈ VÌ lợi ích chung cho xã hội có vẻ cũng bào chữa luôn - ít nhất là về mặt triết học - cho việc trừng phạt người vô tôi.
    (3) Bảo vệ xã hội. Khá giống với cảnh cáo, trừng phạt để bảo vệ xã hội trước hết là giảm khả năng tội phạm sẽ tái phạm với đối tượng khác. Tuy nhiên cách làm này cũng chỉ thích hợp với một số tội phạm và, theo một số người, nó không hiệu quả lắm.
    (4) Cải chính chính là lập luận để bào chữa cho sự tước quyền tự do mà những người tin tưởng vào tự do tích cực đã đưa ra, như đã nói trên. Một lần nữa, trừng phạt chính là để cải tạo, cải tà quy chánh người đã phạm tội, hay nói cách khác là mang lại tự do thật sự cho họ (khả năng làm chủ và phán xét đúng đắn hành động của mình). Trên thực tế, cách làm này chỉ có thể áp dụng cho một số tội phạm nhất định và hơn nữa, nó có thể cho thấy một chủ nghĩa gia trưởng thái quá từ phía chính quyền.
    Nổi loạn
    Tự do là tự do trong quy củ của pháp luật, và trừng phạt là trừng phạt để mang cái sai lại cái đúng. Thế nhưng có bao giờ việc phá vỡ luật pháp lại là việc đúng hay không ? Có bao giờ biểu tình ở Việt Nam có thể được chấp nhận trên phương diện đạo đức, luân lý hay không ? Có bao giờ bàn tán chính trị trên TTVN là việc làm nên làm và cấm bàn tán mới là việc sai trái hay không ?
    Một mặt, một số người nghĩ rằng phá luật là việc không nên làm. Chúng ta chỉ nên cố gắng thay đổi luật pháp bằng những phương pháp đã được luật pháp cho phép. Thay vì xuống đường biểu tình ở Việt Nam, chúng ta chỉ nên viết thư kiến nghị, áp dụng tinh thần phê và tự phê ... vân vân và vân vân. Thế nhưng vẫn có những trường hợp luật pháp thật sự không cho phép, hoặc việc áp dụng những cái đã cho phép là không có hoặc thậm chí phản tác dụng. Trên TTVN thì nhất nhất không được động chạm đến chính trị, và kiến nghị lên các cơ quan nhà nước thì rất hiếm khi được trả lời một cách có trách nhiệm. Trong những hoàn cảnh tương tự, các xã hội loài người đã nảy sinh một truyền thống đấu tranh: phong trào không tuân thủ pháp luận, mà tôi gọi cho nhanh miệng là nổi loạn.
    (1) Một vài ví dụ lịch sử có tầm ảnh hưởng sâu sắc. Nổi loạn có công tạo ra những thay đổi bất ngờ và sâu sắc trong nhiều xã hội và hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Đầu thế kỷ 20, phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ ở Anh (qua việc tự cột mình vào đường ray xe lửa ... vv) rốt cuộc đã mang lại giải phóng chính trị và bình đẳng cho giới nữ vào năm 1918. Tác dụng của phong trào này là phá bỏ điều luật không cho phép phụ nữ tham gia vào những cuộc bầu cử - vốn được xem là bầu cử dân chủ !
    Cũng trong thế kỷ 20, một số lính Mỹ đấu tranh vì hoà bình đã từ chối đi Việt Nam chiến đấu, mặc lo lời kêu gọi của chính phủ Mỹ. Một số trong số họ tin rằng việc giết chóc là luôn xấu về mặt đạo đức, do đó họ thích từ chối tuân theo luật pháp hơn là vi phạm cái xấu. Số khác không có quan niệm đó, nhưng cho rằng cuộc chiến ở Việt Nam là phi nghĩa và đặt số phận của vô số thường dân vào trò chơi chiến tranh một cách không cần thiết. Kết quả của phong trào trên cuối cùng cũng đã dẫn đến sự rút lui của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
    Sớm hơn chiến tranh Việt Nam một chút, Martin Luther King là một ví dụ rất đẹp khác của phương pháp nổi loạn vì tự do và bình đẳng. Cái đáng nhớ ở đây là ông ta không dùng bạo động để đả phá những thành kiến về chủng tộc tại những bang miền Nam nước Mỹ. Nói về tính chất không dùng đến bạo động này, nó hầu như đã trở thành truyền thống trong những cuộc nổi loạn hiện đại, bởi vì nó hợp với luân lý, đạo đức. Cha đẻ của bất bạo động chính là:
    (2) Mahatma Gandhi hay nổi loạn bất bạo động. Mahatma Gandhi là một trong những nhân vật đáng nhớ nhất trong lịch sử cận đại. Công cuộc nổi loạn trong hoà bình của ông ta có công mang lại nền độc lập cho Ấn Độ với sự rút lui của Đế Quốc Anh vào năm 1949. Những phương châm hành động của Gandhi bắt nguồn từ nhiều nguồn tâm linh khác nhau, gồm có đạo Jain, Ấn Độ giáo pha lẫn thêm một chút Công Giáo (theo kiểu Lev Tolstoi). Một cách cụ thể, Gandhi đề ra những nguyên tắc sau:
    a. Bất kỳ satyagrahi nào (tức là người nổi loạn hay người theo phong trào bất tôn trọng pháp luật) không thể hiện sự giận dữ.
    b. Anh ta sẽ phải chịu đựng sự giận dữ của phe đối lập.
    c. Anh ta sẽ phải gắng chịu mọi tấn công từ phe đối lập và không bao giờ nuôi lòng trả thù; tuy nhiên anh ta cũng sẽ không phục tùng và vâng theo những lệnh được đưa ra trong giận dữ.
    d. Khi nhà cầm quyền muốn bắt giữ người nổi loạn, anh ta phải tự nộp mình cho họ; anh ta cũng không chống đối việc bị tước đi của cải mang bên mình bởi chính quyền.
    e. Ngược lại, khi được ủy thác giữ vật gì bên mình thì anh ta không có quyền giao nộp nó cho chính quyền, ngay cả khi phải chết. Tuy nhiên anh ta vẫn không được có ý trả thù.
    f. Trả thù được hiểu như bao gồm cả chửi thề và trù ẻo.
    g. Vì lý do nói trên một người nổi loạn không bao giờ chửi rủa đối phương, và cũng không tham gia vào những cuộc hò hét.
    h. Người nổi loạn sẽ không bao giờ chào cờ Union Jack, nhưng cũng không chửi rủa nó hay những sĩ quan người Anh.
    i. Trong quá trình đấu tranh nếu có ai tấn công hoặc chửi rủa một sĩ quan người Anh, người nổi loạn có nghĩa vụ bảo vệ sĩ quan ấy ngay cả khi phải đối mặt với cái chết.
    Đó chính là văn hoá nổi loạn mà Gandhi đã đề xuất. Một lần nữa, bất bạo động giờ đây được xem như không thể thiếu trong mọi công cuộc nổi loạn vì nó hợp với luân lý và chính nghĩa: mục đích của nổi loạn là làm thay đổi luật pháp theo chiều hướng tốt đẹp hơn, không phải phá vỡ luật pháp. Và chiều hướng tốt đẹp hơn đó, đặt nền tảng trên luân lý - bình đẳng - tự do, không thể được biểu hiện qua các cử chỉ bạo lực nếu không muốn phản tác dụng. Bất bạo động chính là tính chất giúp phân biệt một người theo phong trào không tuân thủ luật pháp và một tên khủng bố, bởi vì nếu bọn khủng bố cũng có một mục đích rất giống với mục đích của người nổi loạn, phương pháp chúng áp dụng để mang lại những thay đổi như mong muốn lại khác xa.
    (3) Nổi loạn và tính chất công cộng. Nếu như bạo động là một cử chỉ thái quá và cần tránh trong các cuộc nổi loạn, thì mặt khác, để cuộc nổi loạn này có tầm ảnh hưởng xa, động thái của nó phải vượt các lợi ích cá nhân, và chính xác hơn là phải thúc đẩy sự quan tâm của quần chúng. Đó là lý do tại sao các cuộc nổi loạn thường có sự chứng kiến của máy quay phim, nhà báo, nhiếp ảnh gia ... vân vân. Một tên lính trốn nghĩa vụ quân sự để khỏi phải đến Việt Nam và bỏ mạng ở đó không thể được xem như đang nổi loạn (theo nghĩa đang bàn). Đó là một hành động tự bảo trọng. Nếu anh ta không đơn giản sợ chết mà trốn tránh trên cơ sở đạo đức, anh ta vẫn chưa là một người nổi loạn. Chỉ khi nào anh ta bày tỏ, kêu gọi ... quan điểm, ý kiến của mình trước công chúng thì anh này mới xứng đáng được gọi là người nổi loạn.
    Nổi loạn, tuy có chính nghĩa, nhưng vi phạm một số nguyên tắc và do đó thường khó thực hiện:
    (1) Phi dân chủ. Điều này rất dễ thấy, khi nổi loạn xảy ra ở một nước dân chủ thì nó rất là phi dân chủ. Một thiểu số đấu tranh cho quyền lợi của mình trên tinh thần luân lý là chống lại số đông, và do đó không tôn trọng luật chơi của một nền dân chủ. Cái giá phải trả để sống trong một nền dân chủ, nói gì thì nói, là không đồng ý với chính sách này hoặc chính sách khác của chính quyền.
    (2) Xuống dốc luật pháp. Nổi loạn có thể làm tiền đề cho nhiều công cuộc đả phá luật pháp khác, và về mặt lâu dài ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lực trong tay chính phủ cũng như tinh thần tôn trọng luật pháp của người dân.
    Được qwertzy2 sửa chữa / chuyển vào 00:58 ngày 18/04/2005
  3. qwertzy2

    qwertzy2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/01/2005
    Bài viết:
    612
    Đã được thích:
    0
    Trở lại khái niệm dân chủ, như đã nói, đây là một khái niệm mà nghĩa vẫn còn thiếu tính nhất quán. Một hệ quả lôgíc của điều này là khái niệm dân chủ thường đi kèm với một số thành kiến.
    Dân Chủ và Cộng Hoà
    Định nghĩa chính xác của một cộng hoà là một chính thể mà nguyên thủ không phải là vua hay quốc vương, tức là nguyên thủ này không thể cai trị cho đến chết mà có một hạn kỳ nhất định. Cộng hoà là đối lập của quân chủ. Tuy nguồn gốc từ nguyên học của từ cộng hoà (cũng như của từ republic trong tiếng Anh hoặc république của tiếng Pháp) ít nhiều gợi ý rằng quyền lực nằm trong tay nhân dân, song trên thực tế điều này không luôn luôn được kiểm chứng. Ở một cộng hoà, quyền lực có thể chỉ nằm trong tay một nhóm ít người chẳng hạn, thậm chí chỉ bởi một người (cộng hoà độc tài hoặc cộng hoà chuyên chế).
    Nói tóm lại, một cộng hoà không bắt buộc là một nền dân chủ (Irăng là một cộng hoà thần trị và không dân chủ); cũng như có những nền dân chủ trên thế giới không phải cộng hoà (Thái Lan, rất dân chủ, lại là một nền quân chủ lập hiến). Đến đây, chúng ta không thể không tự đặt một câu hỏi hóc búa: thế còn nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - là một cộng hoà thì đã đành, với nguyên thủ là chủ tịch chứ không phải quốc vương - nhưng có phải là một nước dân chủ hay không ?
    Dân chủ và Nhân Quyền
    Trước hết, nhân quyền như chúng ta được biết ngày nay là một phát minh còn rất mới. Bản tuyên ngôn quốc tế về Nhân Quyền chỉ mới xuất hiện vào thế kỷ 18, thời đại mà người châu Âu đặt tên cho là Thế Kỷ Ánh Sáng, trong khi đó dân chủ đã có sớm hơn rất nhiều: vào giai đoạn Hy Lạp cổ đại. Cần phải nhắc lại rằng nền dân chủ trực tiếp của thành Athens thuở ban sơ hoàn toàn chưa biết đến khái niệm nhân quyền. Tuy mới mẻ như thế, nhưng cái ý tưởng chủ đạo, cái tinh túy của nhân quyền - lý tưởng về một bản khai báo những quyền lợi tối thiểu mà một con người phải được hưởng, mà mọi nơi trên mặt đất đều phải áp dụng, phải trân trọng và phản ánh trong bộ luật của nước mình - thì lại là một ý tưởng, hay đúng hơn là một lý tưởng, rất cổ xưa của loài người.
    Ngày nay, chúng ta có cảm tưởng rằng nhân quyền là một công cụ rất Tây mà châu Âu và Mỹ dùng để gây sức ép lên các nước còn lại. Đây là một thành kiến cần được phá vỡ, bởi vì cái lý tưởng về một bản khai báo nhân quyền đã xuất hiện ở nhiều nơi, vào nhiều thời, tại nhiều nền văn minh trên mặt đất, cho nên sẽ rất vô lý khi nói rằng nhân quyền là một phát minh của phương Tây ! Đơn giản là bản khai báo nhân quyền của phương Tây là sự diễn giải toàn diện và được biết đến rộng rãi nhất, cho nên không tránh khỏi việc bị các nước Âu Mỹ công cụ hoá trong công cuộc "Tây hoá" phần còn lại của thế giới.
    Như một phản ứng tự nhiên với sức ép nói trên, các nước châu Á - và nhất là các nước châu Á đã công nghiệp hoá như Malaysia hay Singapore - đã và đang cật lực gầy dựng một phản lý thuyết mà theo đó, đặc trưng văn hoá mỗi vùng có thể cản trở việc áp dụng nhân quyền, làm cho nó không còn hợp lý hoặc mất hết ý nghĩa ở vùng đó (tính tương đối văn hoá). Tuy nhiên chúng ta thật khó tưởng tượng được một đất nước mà trong đó người dân có cơ hội phát triển toàn diện mà không có sự tôn trọng con người, sự tự do của chính những cá nhân ấy; và cái lý lẽ chống xâm lăng văn hoá Âu Tây kia không thể được dùng như một cái cớ để không tôn trọng nhân quyền. Liệu cái cớ "chống xâm lăng văn hoá" này có phải là một biến hình của tư tưởng hệ xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ rộng rãi trên thế giới hay không ?
    Dân Chủ và Đa Nguyên
    Tính chất đặc trưng nhất của một xã hội hiện đại đúng nghĩa, để phân biệt nó với những xã hội phong kiến, có lẽ là chủ trương đa nguyên. Đa nguyên (trên phương diện chính trị) là gì ? Một xã hội được gọi là đa nguyên nếu ở xã hội đó được quyền tồn tại cùng lúc những nguồn tư tưởng, những thế lực, những lợi ích của những nhóm khác nhau nhưng vẫn tôn trọng nhau. Một xã hội đa nguyên là đối lập của xã hội mang chủ nghĩa đặc thù hoặc chuyên chế. Dễ thấy rằng đa nguyên là một điều kiện cần thiết cho dân chủ thực sự nảy nở (nhưng không phải là điều kiện duy nhất hoặc điều kiện đủ).
    Ở những xã hội đa nguyên, ta cũng thường thấy nguyên tắc phụ trợ được tôn trọng. Nguyên tắc phụ trợ đòi hỏi các vấn đề phải được giải quyết bởi cấp chính quyền thấp nhất, địa phương nhất có thể được. Nguyên tắc này thường được thấy trong hiến pháp một số nước, chẳng hạn hiến pháp Mỹ với Bổ Sung thứ 10. Ngày nay, nó được nhiều người biết đến nhất như là phương châm hành động của Liên Minh Châu Âu: liên minh chỉ can thiệp vào công việc nước khác khi nào các nước thành viên nhất trí với nhau rằng hành động của riêng nước ấy là không đủ hiệu quả.
    Dân chủ và chiến tranh
    Một số khá nhiều chuyên gia chính trị kết đôi hai khái niệm dân chủ và hoà bình, cho rằng những nền dân chủ thì không bao giờ tuyên chiến lẫn nhau (nền hoà bình dân chủ). Có nhiều cách bảo vệ ý kiến này. Một mặt ta có thể lập luận rằng: do trong một nền dân chủ, mỗi công dân có tiếng nói của mình, mà người dân thường không có lợi ích gì trong các cuộc chiến cho nên những nền dân chủ có khuynh hướng hạn chế khiêu chiến càng nhiều càng tốt.
    Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế và việc tuyên chiến càng không có lợi. Hơn nữa, những quốc gia ngày nay ngày càng năng nổ tham gia các hoạt động, tổ chức có tính toàn cầu (Liên Hiệp Quốc...), dẫn đến việc chiến tranh trở nên hiếm hoi, và thay vào đó là đối thoại và hợp tác.
    Dân chủ và mức độ phát triển kinh tế
    Thực tế cho thấy, những quốc gia có GDP cao thường là những nền dân chủ. Câu hỏi được đặt ra - và vẫn chưa có câu trả lời nhất quán là: mức độ trù phú của một nước là nguyên nhân dẫn đến, là thành quả do áp dụng, hay không liên quan gì tới hệ thống dân chủ của nước đó ? Một mặt chúng ta buộc phải công nhận rằng dân chủ là một hệ thống tổ chức khá tốn kém, đòi hỏi nhân dân của nước ấy phải đủ giàu có để không còn lo lắng đến những vấn đề sinh tồn cơ bản nữa. Song có nhiều phản ví dụ rất thú vị trên thế giới: một số nước châu Phi rất nghèo - như Mali - vẫn là những nền dân chủ thực thụ; hơn nữa nền dân chủ lớn nhất thế giới hiện nay - Ấn Độ - lại là một đất nước thuộc Thế Giới Thứ Ba ! Câu hỏi đặt trên rõ ràng là rất khó trả lời.
    Ngoài ra, ta cũng có thể thấy thấy rằng, khi tình hình kinh tế trong một nước thoái triển thì nền dân chủ của nước ấy cũng tạm thời bị cất qua một bên. Điều này khá dễ hiểu: người dân với mức sống đang sa sút cảm thấy việc cải thiện điều kiện sống là cần thiết và khẩn trương hơn cái quyền được hưởng thụ tự do và dân chủ trong cảnh nghèo đói.
    Dân chủ hay thuốc tiên cho nền kinh tế
    Đây là một ngộ nhận vô cùng phổ biến khác; nó phổ biến nhất là ở những nước vô cùng lạc hậu, dân trí thấp, và nó cũng hay bị đem ra để chứng minh rằng sai, rồi từ đó để bác bỏ những lợi ích khác của dân chủ ở khối xã hội chủ nghĩa, mà Việt Nam là một điển hình. Một vài phản ví dụ - Mali một lần nữa - dễ dàng cho ta thấy rằng nền dân chủ và mức phát triển kinh tế vượt bậc không luôn luôn tỷ lệ thuận với nhau. Song điều này cũng không làm cho sự hiện diện của dân chủ trên thế giới mất hết giá trị và ý nghĩa.
    Được qwertzy2 sửa chữa / chuyển vào 23:10 ngày 18/04/2005
  4. qwertzy2

    qwertzy2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/01/2005
    Bài viết:
    612
    Đã được thích:
    0
    Tôi đã bàn khá nhiều về dân chủ và tự do, nhưng chỉ bàn một cách khái quát, trừu tượng và trên phương diện khái niệm. Bây giờ thiết nghĩ đã đến lúc ta cần quan sát dân chủ và tự do một cách sâu hơn, bằng cách nghiên cứu những trường hợp cụ thể.
    Để bắt đầu, còn trường hợp nào gần gũi và thiết thực với chúng ta hơn nước Việt Nam ?
    Việt Nam
    Nước Việt Nam, với hơn ba trăm nghìn km vuông diện tích, có thổ nhưỡng và vị trí địa lý rất thuận lợi cho sự phát triển. Nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, có đường duyên hải dài nhìn ra một biển Đông giàu hải sản vào bậc nhất trên thế giới, lại gần những đường hàng hải quốc tế quan trọng, có hai đồng bằng châu thổ rất thích hợp cho nông nghiệp lúa nước, và nhiều món quà trời ban khác.
    Yếu tố con người: ta có thể tự hào với bốn ngàn năm văn hiến, với một nền văn hoá rất cổ và đa dạng - cổ hơn rất nhiều nước trên thế giới ngày nay, kể cả những nước mà sự phát triển kinh tế gần đây đã giúp họ qua mặt ta như Thái Lan, Mã Lai. Ngoài ra, con người Việt Nam vốn thông minh và cần cù, cộng với truyền thống bất khuất phi thường - một truyền thống đã cho ngay cả người Pháp và người Mỹ nếm mùi kinh nghiệm đau thương. Dân số nước Việt ngày nay - với hơn tám mươi triệu dân và một trăm triệu trong một vài thập kỷ - mở ra một thị trường tương lai với nhiều tiềm năng phong phú mà các doanh nghiệp quốc tế đang nhòm ngó.
    Nhìn chung, nước Việt Nam nắm trong tay những điều kiện - thiên phú hay nhân văn - cần thiết để trở thành một cường quốc, một trong những "ông lớn" của thế giới hậu chiến tranh lạnh ngày nay. Nhưng đó sẽ chỉ là một ảo ảnh trong một thời gian còn rất lâu.
    Hai mô hình kinh tế - thành tựu và ảnh hưởng
    Sau thắng lợi năm 1975, **********************, với chủ nghĩa Marx-Lenin dẫn đầu, đã tiến hành nhiều chính sách gây tổn thất lớn lao cho kinh tế đất nước: tịch thu tất cả doanh nghiệp tư nhân ở miền Nam - dẫn đến đã làm cho biến mất cả tầng lớp trung lưu thời bấy giờ và buộc tầng lớp nông dân tham gia các hợp tác xã còn người thành thị phải đi "kinh tế mới". Chính sách hà khắc ấy đã mang lại một hậu quả khó bào chữa: sự ra đi của hàng loạt thuyền nhân. Đấy là để nhắt lại một chút về bối cảnh lịch sử, bây giờ chúng ta tập trung vào khía cạnh kinh tế của vấn đề:
    Cho đến năm 1985, nước Việt Nam - suy sụp trong mọi lĩnh vực - nằm trong thời kỳ kinh tế chỉ huy. Những cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc và Campuchia đã tàn phá tình hình kinh tế thêm nữa. Trong mười năm này, xã hội Việt Nam mất hết tính liên kết, còn giai cấp lãnh đạo thì thản nhiên bóc lột nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, làm cho tình hình chỉ tồi tệ thêm mà thôi. Tóm lại là: Việt Nam trong mười năm đầu tiên hậu chiến là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
    Cần phải nhắc lại thêm là, thập niên 80 đã chứng kiến kinh tế khối cộng sản ngày càng xuống dốc. Ở Liên Xô, người ta bắt đầu áp dụng chính sách đổi mới, được biết đến như perestroika hay glastnost. Việt Nam, cũng như nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác cùng thời, phải tự tìm cho mình một giải pháp nếu không muốn đi đến phá sản hoàn toàn. Năm 1986, tại Đại Hội Đảng lần thứ 6, chính sách đổi mới ra đời và chính thức được chấp nhận, noi gương Trung Quốc. Mô hình kinh tế cần áp dụng từ đây sẽ là: kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Thế là sau một thập kỷ đóng cửa đói nghèo, nước Việt Nam trở thành đối tượng khai thác của khối tư bản, và nguồn tài nguyên phong phú của Việt Nam đang dần dần được nhượng bộ cho nước ngoài thay vì làm giàu cho đất nước.
    Tuy nhiên, cũng phải công nhận là chính sách kinh tế này đã cải thiện tình trạng đất nước một cách có thể thấy rõ: từ năm 1990 đến 1997 - năm của khủng hoảng tài chính châu Á, GDP Việt Nam trung bình tăng 8 % một năm, và từ năm 1997 cho đến 2002, mức độ này là 7 % - hích Việt Nam lên cương vị đất nước với mức độ tăng trưởng cao thứ nhì thế giới (sau Trung Quốc). Những số đo khác như đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng rất sáng sủa. Thành tựu là thế, song về mặt lâu dài điều này chúng ta có quyền e ngại một ngõ cụt: làm sao dung hoà tinh thần tự do của nền kinh tế thị trường với giáo điều xã hội chủ nghĩa ? Một khi câu hỏi lớn này chưa được giải đáp một cách ổn thoả, nước Việt Nam chỉ ngày càng lún sâu vào một ngõ cụt mà lối ra ngày càng khó tìm. Ngày nay, ********************** phải nhận lấy trách nhiệm của những đường lối hoặc là không hiệu quả hoặc là khó đứng vững nói trên một cách minh bạch, và những thay đổi khẩn trương là không thể tránh khỏi.
    Nếu mô hình kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa thật sự đã có công dụng giảm đói nghèo cho một phần lớn dân số, mô hình này đã và đang có nhiều ảnh hưởng không tốt lên xã hội Việt Nam. Sự khác biệt giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị là một cái hố ngày càng rộng. Chúng ta có lý do để sợ xã hội Việt Nam đang trở thành một xã hội hai tốc độ khác, và trong tương lai khó tránh khỏi viễn ảnh Trung Quốc - đất nước có hố ngăn giàu nghèo rộng nhất thế giới. Một cách gián tiếp, mô hình này tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổ xô về thành thị, từ đó dẫn đến những tệ nạn xã hội, từ mại dâm, ma túy, mức độ phạm pháp cao cho đến quốc nạn tham nhũng.
    Xã hội Việt Nam hay sự dậm chân tại chỗ
    Dù kinh tế Việt Nam đang đạt những thành tựu vượt bậc, mang nước ta lên cương vị một con rồng châu Á sắp nảy nở, xã hội Việt Nam vì nhiều lý do sẽ chưa thể vươn lên trong tương lai gần. Điều này là do những chính sách hà khắc của Đảng và Nhà Nước, mà ta có thể nói trắng ra là thiếu dân chủ:
    (1) Sự kiểm soát thông tin quá chặt chẽ của Đảng và Nhà Nước gần như là một chính sách ngu dân và không thể đào tạo những con người thật sự mở mang. Về mặt lâu dài, chính sách này chỉ có thể dẫn đến một xã hội ù lì, mất khả năng thích nghi với thế giới đang thay đổi, mất khả năng học hỏi một cách hiệu quả, mà thôi ! Hơn nữa, cộng đồng Việt kiều - một tiềm năng lớn về mặt khoa học, kỹ thuật nếu biết tận dụng - khó lòng làm thay đổi tình hình theo hướng tích cực, lý do vẫn là một sự kiểm soát quá chặt chẽ từ phía nhà cầm quyền.
    (2) Nếu như kinh tế Việt Nam đã bắt đầu trở thành đối tượng bàn luận (một cách còn khiêm tốn) thì các chủ đề chính trị hoàn toàn chưa thể chính thức xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc, vì nếu Đảng và Nhà Nước đã tự nhận mình lấy dân làm gốc, thì thực sự vô lý khi ngay cả người dân Việt Nam cũng không được có tiếng nói của mình. Hơn nữa, việc thông dịch, rao bán, truyền bá dù không chính thức những văn hoá phẩm, văn bản có nội dung dân chủ, hay tự do, đều bị cấm bặt, trong khi đó người ta tiếp tục dạy những khái niệm này cho những đứa trẻ hồn nhiên ở trường trung học ! Tôi thật không hiểu đây là lôgíc gì.
    (3), (4) ... và nhiều ví dụ khác. Nếu xem dân chủ và tự do là mục đích của phát triển thì Việt Nam thực sự còn là một nước kém phát triển lắm.
    Dân chủ hoá
    Nên biết rằng ngay cả những Đảng viên trong nước hiện nay cũng đang "phòng thân" trước những thay đổi quan trọng sắp có thể xảy ra. Những thay đổi nào vậy ? Đó chính là viễn ảnh về một sự dân chủ hoá lành mạnh tương lai. Thật vậy, dân chủ hoá là tiến trình duy nhất giúp nước Việt Nam có một xã hội ổn định hơn, chiêu mộ nhân tài tốt hơn và đem nền kinh tế nước nhà ra khỏi ngõ cụt, đặt lên đường cái quan mà thoải mái phát triển.
    Mọi tiến trình dân chủ hoá Việt Nam đều phải đặt nền tảng trên một vài nguyên tắc cơ bản nếu muốn thành công tốt đẹp, đó là: (1) Phải lấy người Việt là chủ lực của phong trào, chứ không nên dựa trên sức ép nước ngoài (thật ra mà nói thì sức ép nước ngoài lên nước ta không có ảnh hưởng là mấy, và Việt Nam vô cùng khéo léo khi vừa không tôn trọng một số tự do cơ bản của con người vừa giữ được những mối liên hệ của mình tốt đẹp với các nước) và (2) Hạn chế gây tổn thất một cách tối đa cho cơ sở vật chất của đất nước.
    Ghi chú: bài viết này tuy có nhạy cảm nhưng xin các mod và admin đừng xoá hay sửa, vì thiết tưởng nếu các bạn xoá bài này thì thật uổng công các bạn được ăn học nhưng lại không biết gì về những giá trị cơ bản của nhân loại ! Hơn nữa, đây là bài viết đầy thiện chí chứ không có giá trị kêu gọi *********.
    Được qwertzy2 sửa chữa / chuyển vào 23:15 ngày 18/04/2005
  5. qwertzy2

    qwertzy2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/01/2005
    Bài viết:
    612
    Đã được thích:
    0

    Dân chủ không chỉ là một đề tài chính trị, mà còn là một chủ đề mà các triết gia bàn luận từ nhiều ngàn năm nay. Cuộc săn tìm thể chế lý tưởng nhất vẫn chưa đến hồi kết, và không phải ai cũng đồng ý rằng dân chủ là một hệ thống chính trị hoàn hảo.
    Plato
    Môn đệ nổi tiếng nhất của Socrates - Plato - là một trong những triết gia đả phá dân chủ mạnh mẽ nhất. Chúng ta có thể đọc được, trong tác phẩm Cộng Hoà của ông, rằng Plato xếp dân chủ ngang hàng với những chính thể tầm thường khác, như chính thể quý tộc hay tập đoàn trị, gia đình trị. Vẫn theo Plato, do dân chủ tháo bỏ mọi áp bức phải tuân thủ, nó mở cửa cho người ta sống một cách ngông cuồng, bồng biến và mang xã hội đến cái nguy hiểm của thiếu trật tự. Nếu ở thể chế quý tộc, tầng lớp cai trị hư hỏng vì say sưa vật chất của cải, ở một nền dân chủ người dân say sưa tự do vô biên giới.
    Aristotle
    Sau này, triết gia Hy Lạp Aristotle cũng có quan điểm tương tự với Plato: dân chủ chỉ là một chính thể mà giai cấp nắm quyền lực là những người thấp cổ bé họng, họ quyết định vì lợi ích của chính họ chứ không phải vì lợi ích của quốc gia - khác với một quốc vương. Do đó, theo Aristotle, dân chủ chưa chắc đã hơn quân chủ (hay tương tự là chính thể quý tộc) ở chỗ, quốc vương có cái nhìn rộng hơn và chọn những quyết định một cách cân nhắc hơn người dân.
    Hobbes
    Triết gia người Anh thế kỷ 16 Thomas Hobbes cho rằng dân chủ là một ý tưởng sẽ không bao giờ thành hiện thực, bởi vì người dân luôn luôn hướng đến lợi ích cá nhân của chính họ. Ông ta cảm nhận rằng chính phủ có trách nhiệm phải bảo vệ nhân dân trước sự ích kỷ của chính họ. Chính quyền lý tưởng được ông ví như một con thủy quái mãnh liệt (mà Hobbes đặt tên cho là Leviathan, trong tác phẩm rất nổi tiếng cùng tên). Nếu không, khi quyền lực được giao cho người dân, chiến tranh sẽ xảy ra giữa bất cứ ai với bất cứ ai để tranh giành quyền lực (vì theo Hobbes, bản chất con người là hướng đến quyền lực - hay bản thân quyền lực là một mục đích), làm cho cuộc sống hư tàn, mất giá trị.
    Spinoza
    Nhà triết học của Hà Lan thế kỷ 17 Spinoza, với ý tưởng cho rằng mọi chính quyền đều nên cho phép công dân bày tỏ nguyện vọng, quan điểm của mình như họ muốn, là người ủng hộ tự do ngôn luận. Theo Spinoza, sự cấm đoán bày tỏ ý kiến là không có tác dụng hiệu quả, bởi vì nó rất hời hợt, và không ai có thể cấm đoán được ý nghĩ, tư duy của kẻ khác. Theo Spinoza, dân chủ là thể chế chính trị hợp với tự nhiên nhất, và do đó cũng là chọn lựa tốt nhất cho loài người.
    Rousseau
    Trong tác phẩm nổi tiếng của mình - Le Contrat Social, triết gia người Pháp Rousseau đã phân tích thế nào là một nền dân chủ thực thụ. Theo Rousseau, dân chủ trên nguyên tắc là phải có sự tham gia của người dân, một cách liên tục và không ngừng, vào công cuộc chọn lọc những quyết định, giải quyết những vấn đề của đất nước. Nhưng đây lại là một việc rất khó thực hiện, nếu không muốn nói là ngược với tự nhiên bởi vì nó đòi hỏi một số điều kiện không thể thiết: quốc gia nhỏ, bình đẳng tuyệt đối trong xã hội, phong tục tập quán thật đơn giản và sự bãi bỏ cái sang trọng. Và để thực hiện những điều kiện này, người dân cần phải có một tinh thần đạo đức, tinh thần trách nhiệm và sự can đảm rất cao.
    Nói tóm lại, theo Rousseau dân chủ là một thể chế có phần không tưởng vì nó đòi hỏi ở con người một bản chất rất thiện. Tuy nhiên Rousseau không hề phản đối việc áp dụng dân chủ vào thực tế, vì theo ông: "Quyền tự do, dù nguy hiểm, vẫn tốt hơn sự phục tùng trong lặng lẽ."
    Voltaire
    Cùng thời với Rousseau, Voltaire xem dân chủ như là một phương tiện để loan truyền sự dốt nát của quần chúng. Cũng như khá nhiều triết gia khác, Voltaire - người ngưỡng mộ chính thể Trung Quốc vào thế kỷ 18 - cho rằng chính thể lý tưởng là một dạng "quân chủ sáng suốt", mà trong đó quốc vương phải được một triết gia khuyên bảo. Voltaire cho quân chủ là phương pháp tốt nhất để đạt đến phát triển và tiến bộ.
    Kant
    Triết gia người Đức thế kỷ 18 Immanuel Kant tin tưởng con người cần được tự do càng nhiều càng tốt. Và theo Kant, tự do mà mỗi con người cần được hưởng có hai loại: (1) cái tự do sống mà người ta có khi không bị một chính quyền nào xâm phạm vào, và (2) cái tự do khi quyết định đời sống cá nhân mà không thế lực nào (người thân, vv) xâm phạm vào. Kant tin tưởng vào dân chủ, và tin chính quyền chỉ nên xâm phạm vào tự do người khác khi nào người này gây hại cho xã hội.
    Tocqueville
    Alexis de Tocqueville, nhà tư tưởng học lỗi lạc của nước Pháp thế kỷ 19, là một trong những người bảo vệ dân chủ và tự do một cách nồng nhiệt nhất. Trong khoảng thời gian ông ở Mỹ, Tocqueville tự đặt ra nhiều câu hỏi về dân chủ. Theo Tocqueville, dân chủ không chỉ là một khái niệm chính trị thuần túy, mà còn là một tiến trình xã hội với mục đích bình đẳng hoá hoàn cảnh của mọi con người, nhất là trên phương diện luật pháp. Song theo Tocqueville, bình đẳng hoá xã hội không đồng nghĩa với việc bỏ qua những khác biệt cố hữu giữa người với người. Câu sau đây của Tocqueville khéo léo tóm tắt tư tưởng về dân chủ của ông: dân chủ là một hình thức bình đẳng tưởng tượng bất chấp sự bất bình đẳng giữa những hoàn cảnh của con người.
    Ngoài ra, Tocqueville cũng cho rằng bình đẳng hoá xã hội có thể đưa đến nhiều hậu quả nguy hiểm, chẳng hạn như khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến sa sút các mối liên kết xã hội. Hơn nữa, đối với Tocqueville, tự do chính trị và dân chủ (hay bình đẳng chính trị) có vẻ đối lập nhau, bởi vì một khi chủ nghĩa cá nhân nảy nở, cá nhân sẽ bị cô lập trong xã hội lớn, dẫn đến việc cá nhân này tự tạo cho mình một "xã hội nhỏ" và dần dà bỏ rơi, đâm ra thờ ơ với xã hội lớn. Nói cách khác, do có dân chủ, anh ta không quan tâm đến tự do chính trị của mình nữa.
    Marx
    Một trong những nhân vật vĩ đại nhất của chủ nghĩa xã hội, Karl Marx (đã được Việt hoá từ lâu thành Các Mác) có một đặc điểm đáng ghi nhận là ông ta đạt đến chủ nghĩa xã hội qua sự đấu tranh dành dân chủ. Trong những năm 1840 ở Đức, ông đã biên soạn một tờ báo để truyền bá tư tưởng dân chủ trên thế giới. Dần dà, ông tin rằng không có xã hội nào mà trong đó còn bóc lột và đấu tranh giai cấp lại có thể đạt đến dân chủ theo đúng nghĩa. Nói cách khác, dân chủ theo Marx chỉ tồn tại một khi chủ nghĩa tư bản, sự bóc lột kinh tế và giai cấp xã hội không còn nữa. Khác với những nhiều nhà xã hội chủ nghĩa huyễn hoặc, Karl Marx tin chắc rằng chủ nghĩa xã hội là một dạng cao hơn của dân chủ, và cực lực phản đối quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản là phản dân chủ, phản tự do.
    Sartre
    Theo Jean-Paul Sartre, triết gia Pháp thế kỷ 20, dân chủ cũng huyễn hoặc như chủ nghĩa xã hội, và hệ thống bầu cử ở những nước phương Tây - với 2 hoặc một vài ứng viên - là một hệ thống mang tính chất đánh lừa. Theo ông, đó là những nền dân chủ giả, và tuy Sartre chỉ chỉ trích một cách công khai những giai đoạn cộng hoà của nước Pháp, những phê phán của ông có thể được áp dụng cho mọi nền dân chủ tự do phương Tây. Tuy nhiên Sartre không hề hoàn toàn bác bỏ ý tưởng dân chủ - ngược lại là khác - bởi vì nếu có những nền dân chủ giả, có nghĩa là phải có những nền dân chủ thật sự.
    Sartre đã có cái nhìn vô cùng sáng suốt về những hệ thống bầu cử đại nghị, lên tiếng phê phán sự khác biệt tráo trợn giữa lợi ích của những cử tri đã đi bầu và hành động của ứng viên được bầu. Về mặt này có lẽ ông đã học hỏi ít nhiều của Rousseau.
    Được qwertzy2 sửa chữa / chuyển vào 23:26 ngày 18/04/2005
  6. Chitto

    Chitto Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/01/2002
    Bài viết:
    5.198
    Đã được thích:
    13
    Topic rất có giá trị. Tuy vậy tôi buộc lòng phải khóa topic lại.
    Mong bạn hiểu. Và tôi nghĩ bạn hiểu, vì tất cả chúng ta đều hiểu điều gì sẽ đến nếu tiếp tục chủ đề về Dân Chủ và tự do được thảo luận tự do trên diễn đàn. Dù cho bạn không có những ý tưởng nào đó nhưng không tránh khỏi người khác có thể tiếp tục phát triển nó đi xa.
    Hiện nay diễn đàn TTVN nói chung và box Học thuật nói riêng gần như không còn người quản lý. Các chức năng set Mod,..., đều đã gần như không thực hiện được.
    Gần đây mạng đã gặp rất nhiều vấn đề. Là một người có trách nhiệm nhất định, tôi buộc lòng phải xử lý.
    (Xin lỗi nói thêm: mấy dòng viết bên trên của bạn mà tôi trích dẫn, tôi gặp quá nhiều trong những topic thảo luận chính trị rồi. Vì vậy cũng mong không gặp lại nó trong những bài viết khác, bởi nó giống kiểu nói khích hơn).
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này