1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Về một số thuật ngữ văn học

Chủ đề trong 'Văn học' bởi Tao_lao, 12/12/2002.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. Egoist

    Egoist Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.345
    Đã được thích:
    1
    Tôi tự hỏi chúng ta có nên phân biệt thơbài thơkhông nhỉ?
    thơ theo tôi chưa hẳn phải là bài thơ. Trong một truyện ngắn, một tiểu thuyết một vở kịch ta cũng gặp thơ. Chính thơ hay có thể gọi nôm na là "Chuyện cảm xúc, chuyện cái đẹp ..." là một khái niệm vượt lớn hơn bài thơ hay một tác phẩm thơ.
    Từ xưa, người ta đã thường nói ý thơtứ thơ. Theo một góc nhìn nào đó thì tứ thơ tức là nói đến cấu trúc ( quái đản?) của bài thơ- cái mà thơ hiện đại, nhất là thơ tự do đang tìm kiếm. Một bài thơ hiện nay ngày càng xa rời những quy tắc xa xưa. Người ta không còn thích làm một bài sonnet, một bản cổ thể, tuyệt cú... nữa. Cấu trúc bài thơ ngày nay đã khác rất nhiều so với xưa kia. Mỗi bài thơ thành công quả là một sáng tạo về cấu tứ. tuy nhiên, gây rất nhiều sự ngộ nhận... Nếu liên tưởng đến hội hoạ. Ta sẽ thấy một hiện tương tương đồng. Ngày xưa một người vẽ tranh đều phải học hành rất cực nhọc. Từ những bài khảo hoạ phối cảnh của các vật thể giản đơn, cho đến tượng chân dung , bán thân, toàn thân... đều phải thông thạo...Nhưng ngày nay, thì bất kỳ ai cũng có thể cầm bút vẽ tranh mà chả cần biết đến những quy tắc cơ bản nhất. Cezanne là một hoạ sĩ tiên phát của Hội hoạ lập thể mà khả năng nhận thức không gian ba chiều rất kém, ông không thể vẽ đúng thậm chí những vật đơn giản như cái bàn...Dẫn đến thơ ca, Một khi cấu trúc, âm điệu, vần luật, niêm luật... không còn bị ràng buộc nữa thì khả năng làm nên một bài thơ ( tự do) là chả mấy khó khăn....Vấn đề này đặt ra cho những thính giả, độc giả những khó khăn trong khi "nhận thức" một bài thơ. Có lẽ vì lý do đó cho nên câu hỏi thế nào là bài thơ luôn được làm nóng...
    Tôi không biết nhiều lắm về thơ ca nhưng có nghe rằng từ những tác phẩm của các nhà thơ theo chủ nghĩa tượng trưng ( biểu tượng?) Tiêu biểu là Charles Bauderlaire , A. Rimbaud , Manlarmé, Paul Verlain, hay nổi tiếng nhất là TS. Eliot....Cấu trúc bài thơ đã có một hướng đi mới.
    Đọc thơ của những người này tôi cảm thấy khác hẳn những bài thơ tôi đã đọc trước đó. Khác J.Keats, khác Byron...Các từ ngữ như đã được chơi trò xúc xắc, các hình ảnh chen lấn nhảy múa...
    Quay về Việt nam, đọc được vài bài thơ của Nguyễn Quang Thiều, Huỳnh Phan Anh... ( tâp thơ tự do). Một số người nói, thơ gì cứ như thơ dịch. Nghĩa là nó mất đi tính nhạc mà chỉ còn như một bài văn. Phải chăng thơ tự do theo quan niệm kia đã bị văn xuôi hoá mất rồi. Văn xuôi hoá trong quá trình đeo đuổi cấu trúc mới lạ của bài thơ...
    Điều tôi phân vân là Không biết người ta-những nhà viết thơ tự do có làm đúng không khi mà những câu thơ, hay cả bài thơ của họ ngày càng trở nên khó hiểu (Đọc tập "thơ tự do"). Tôi tự trả lời câu hỏi này bằng cách trả lời câu hỏi bài thơ là gì? và câu trả lời là một tác phẩm lấy nghệ thuật ngôn ngữ làm phương thức biểu hiện. Có nghĩa là vấn đề ý thơ đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Người ta chỉ còn cảm thấy ý thơ chứ không còn hiểu thấy bài thơ muốn nói gì. Tư tưởng của bài thơ trở nên mơ hồ với người đọc.

    Trán người già lận giấu đem đen
    Đôi mắt trẻ sóng xô từng vầng sáng
  2. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Đọc bài của Egoist tôi thấy nhiều chữ được in đậm. Xin phép có một số thắc mắc thế này:
    1)Thơ và bài thơ: phải chăng thơ mà anh nói là chất thơ? Nếu thế thì theo tôi hiển nhiên chất thơ là một phạm trù rộng hơn thơ (theo kiểu quan hệ cái chung-cái riêng).
    2) Ý thơ và tứ thơ : có phải là hai cái khác nhau không hay chỉ là một? Tôi không chắc lắm, mong được sự chỉ giáo thêm.
    3) Về chuyện tư tưởng, nội dung,cấu trúc, xu hướng văn xuôi hoá...của thơ xưa và nay thì anh có thể tham khảo một số ý kiến của Nguyễn Thanh Sơn trong bài Văn Trẻ Hôm Nay hoặc thử xem xét trường hợp cụ thể như 'hiện tượng Vi Thuỳ Linh" tại địa chỉ:
    www.tiasang.org :tạp chí tia sáng (tham khảo mục văn học nghệ thuật)
    http://www.ttvnol.com/forum/t_132533/1 :một số bài viết và sưu tầm của tôi trong mục góc đọc của box ĐHBK TpHCM.
    4) Ý kiến "người ta phải học lại luật thơ xưa hay sao?" gây cho tôi nhiều bất ngờ. Ở trên tôi nghe anh nhắc đến thơ tây sonnet, cổ thể , tuyệt cú...và nhiều tên tác giả nước ngoài mà có lẽ do hủ lậu tôi không biết, tôi thấy khâm phục kiến thức 'uyên bác' của anh. Nhưng đọc đến câu mà tôi trích ở trên thì tôi hết cả hồn. Hoá ra tôi nhầm. Tôi đoán là anh chưa hề học qua thơ vần, kể cả tự do...nhất là về luật thơ. Và tôi mạnh dạn đoán thêm là anh cũng chưa đọc qua tiểu luận "thơ là gì" của ông Phan Ngọc mà tôi gửi bên trên. Tôi xin trích một khúc như vầy :

    "...Nếu thơ tự do không mới lạ về cách nhìn, không sắc sảo về từ ngữ, không táo bạo về cú pháp thì nó rất dễ chết. Ðiều này cắt nghĩa tại sao trên thế giới tuy thơ tự do nhan nhản, nhưng số còn lại chẳng có bao nhiêu. Trái lại, thơ theo khuôn khổ chặt chẽ, thực tế không đòi hỏi phải độc đáo về tư tưởng và từ ngữ cho lắm. Mặt khác, nếu như nhà thơ theo khuôn khổ tạo nên được những kiểu tổ chức độc đáo trong khuôn khổ cho phép, nêu được tài năng riêng của mình hay phá được khuôn sáo để đi đến một khuôn khổ mới đời sau chấp nhận thì anh ta sẽ có khả năng bất tử. Tôi nghĩ đến Sủn Thon Phu ở Thái Lan, Hồ Xuân Hương ở Việt Nam. Cũng vậy, nếu như đằng sau cái vẻ tự do chứa đựng những nguyên tắc chặt chẽ thì khả năng bất tử vẫn có. Tôi muốn nói đến trường hợp Maiakôpxki, Paul Eluart. Nếu một nhà thơ trẻ mà trình độ tư duy, sự am hiểu về ngôn ngữ, văn hóa chưa rộng thì hãy khoan làm thơ tự do. Thực tế, thơ tự do khó làm hay hơn thơ khuôn phép rất nhiều...."
    Muốn làm thơ tự do thì phải tinh thông thi luật. Thời thơ mới thì tui nghe đồn là cuộc chiến giữa thơ luật và thơ mới diễn ra cũng vì cái chuyên luật lệ (chỉ xét về hình thức khoan bàn đến nội dung). Và dù là thơ mới thì những câu 7 chữ vẫn mang âm hưởng Đường thi, và các câu 6,8 chữ thì mang âm hưởng lục bát.
    Trong bài viết Hồi kí về Tuân Nguyễn của ông Phùng Quán kể chuyện một người bạn tên là Tuân Nguyễn chỉ cách làm thơ cho ông Phùng mà tôi nghĩ là ý sau đây rất đáng học tập :muốn làm thơ tư do thì nên học làm thơ đường luật trước, khi đã tinh thông rồi thì thi luật không còn gò bó nữa, từ đó phát triển ra....Bởi vậy theo tôi Đường Thi giống như là căn bản, gốc rễ cho những người muốn học làm thơ Việt.Giống như học võ thì phải học nội công trước. Còn muốn tốc hành luyện thành tựu liền thì coi chừng bị tẩu hoả nhập ma. Nói cho có vẻ triết học hiểu biết thì muốn tự do vô vi Lão Trang thì phải tinh thông phép tắc hữu vi Khổng Mạnh cái đã.
    Về chuyện thi luật có gò bó người làm thơ hay không thì anh có thể đọc một ý kiến nhỏ trong Người Trung Quốc xấu xí của ông Bá Dương mà tôi gửi bên chỗ bên cạnh hay đọc bài Linh ơi phê bình thơ Vi Thuỳ Linh của Nguyễn Thanh Sơn.
    Moonlight+Blue-Solitary Mountain
    Được tao_lao sửa chữa / chuyển vào 20:04 ngày 14/12/2002
  3. Egoist

    Egoist Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2002
    Bài viết:
    1.345
    Đã được thích:
    1
    bác Tao lao
    Tôi thấy cái đoạn nhỏ của tôi ngu quá ( có lẽ do viết vội) nên xoá rồi. Xin cảm ơn bác vì đã góp ý. Hì hì! cảm ơn luôn bác vì đã châm một cú chí mạng.
    Câu "không lẽ phải học lại luật thi xưa ?"của em là một câu hỏi chứ em không khuyến khích kiểu làm thơ tự do.
    Phía trên em viết
    thơ thì sao? người ta cũng có thể làm thơ mà không cần học luật thi? Có thể lắm chứ !
    khất bác lần sau em sẽ trả lời mấy câu hỏi phía trên

    Trán người già lận giấu đem đen
    Đôi mắt trẻ sóng xô từng vầng sáng
  4. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Xin đăng tiếp một số bài viết mà tôi đã đề cập ở phần đầu.
    Ngô Tự Lập
    Thơ - hay là Cái Chết Của Thời Gian
    1. Về thơ như là một tổ chức ngôn ngữ quái đản
    Tiểu luận Thơ là gì 1) là một bài viết rất đặc trưng cho phong cách của ông Phan Ngọc: nhiều tâm huyết nhưng cũng nhiều võ đoán. Suốt bài viết với giọng cực kỳ tự tin này lấp lánh đây đó những nhận xét sâu sắc bên cạnh những từ ngữ và thuật ngữ cố tình lạ tai gây cảm giác khó chịu: "quái đản", "tính thao tác", "sự thức nhận"... (Tôi xếp vào loại này cả những từ to tát không cần thiết khác như "vượt gộp", "thao tác luận"... có rất nhiều trong các bài viết của ông). Mặc dù thú vị, bài viết này, theo tôi, có nhiều điểm chưa thích đáng, cả trong các nhận định lẫn trong thao tác khoa học.
    Sau khi đưa ra những đòi hỏi cho một định nghĩa thơ là:
    "1. Có giá trị phổ quát, tức là áp dụng cho mọi hiện tượng gọi là thơ trên trái đất này, bất chấp ngôn ngữ, thời gian, tập quán, trường phái...
    2. Mang tính hình thức, giúp người ta nhận diện được ngay thơ để làm thơ, đọc thơ, giảng thơ có kết quả"
    "Các công trình ngôn ngữ học nước ngoài như tôi theo dõi, quan tâm, không phải tới điểm thơ là gì mà cái nên thơ (le poétique) là gì"
    ông đưa ra định nghĩa của mình:
    "Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và, phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức này."
    Ông giải thích từ "quái đản" như sau:
    "Nói rằng hình thức tổ chức ngôn ngữ của thơ hết sức quái đản là nói rằng trong ngôn ngữ giao tiếp không ai tổ chức ngôn ngữ như thế. Trong ngôn ngữ hằng ngày, chẳng ai tổ chức ngôn ngữ theo âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm luật... hết".
    Trước hết, tác giả sử dụng cụm từ "như tôi theo dõi" là để giảm bớt tính chất võ đoán của kết luận. Nhưng nó vẫn còn đó: rất nhiều công trình ngôn ngữ học, như các từ điển giải nghĩa - từ điển Oxford hay Larousse rõ ràng là những công trình ngôn ngữ học mà chắc chắn là một dịch giả cỡ Phan Ngọc không thể không biết - đều đưa ra định nghĩa thơ. Hẵng khoan bàn chuyện đúng sai, tôi chỉ lưu ý rằng ở đây tác giả uyển chuyển dẫn từ một nhận xét chủ quan ("như tôi theo dõi") sang một kết luận có vẻ khách quan rằng vấn đề "thơ là gì" chưa được ai trước ông nghiên cứu. Ở đây có vấn đề ngôn ngữ. Theo tôi, ông Phan Ngọc dịch từ "le poétique" thành "nên thơ" là không hoàn toàn chính xác. "Le poétique" là một tính từ được danh từ hoá, đúng hơn nó có nghĩa là "bản chất thơ", "cái thơ", "đặc tính của thơ", tức là cái làm cho một văn bản là thơ, và đúng hơn nữa phải dịch là "Thơ". Ðiều này cũng tương tự như "le beau" có nghĩa là "cái đẹp" chứ không phải là "có vẻ như là đẹp", hay "le fantastique" là "cái kỳ ảo", "sự kỳ ảo" chứ không phải là "có vẻ kỳ ảo". Trong tiếng Việt, từ "nên thơ" hàm nghĩa "có vẻ thơ nhưng không phải là thơ", gần giống từ "thi vị", như khi ta nói "phong cảnh nên thơ". Vì thế định nghĩa "le poétique" chính là định nghĩa thơ chứ không phải là định nghĩa cái nên thơ. Ví dụ, người ta có thể áp dụng mô hình: "Thơ là một văn bản mang "đặc tính của thơ. Ðặc tính của thơ là ..."
    Ở đây, tác giả đã rơi vào cái bẫy dịch thuật do chính ông tạo ra.
    Chỗ khác, ông khẳng định rằng hình thức cân đối tạo nên hàm nghĩa "hiện tượng chung mang tính chất thói quen thường gặp trong xã hội", rằng hàm nghĩa này "nằm trong hình thức cân, ở đâu có hình thức cân thì có nghĩa ấy" và ông lấy câu "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng" làm dẫn chứng.
    Tôi nghĩ rằng ở đây có sự nhầm lẫn. Câu dẫn trên là một thành ngữ, và cái hàm nghĩa ông Phan Ngọc nói đến chính là hàm nghĩa của thành ngữ đó. Ðiều này cũng tương tự như khi ta dẫn ra một điển tích. Và ta có thể nói rằng thành ngữ cũng là một dạng điển tích. Khi ta nói "Anh ta vừa tậu được một con ngựa thành T'roa" thì đâu phải là nói về con ngựa thành T'roa! Trên thực tế, có vô số cấu trúc cân đối hoàn toàn không làm nảy sinh ra hàm nghĩa mà ông Phan Ngọc mô tả. Hãy thử xét những câu nói trong đời sống hàng ngày như: "Các bạn nam đứng bên trái, các bạn nữ đứng bên phải". Hãy thử xét câu đối, như : "Kia mấy cây mía; Có vài cái vò". Ta cũng có thể dẫn ra những câu văn biền ngẫu trong văn chương Việt Nam và Trung Quốc. Chúng không hề làm cho "nghĩa của thông báo" lập tức thay đổi như khẳng định của ông Phan Ngọc.
    Bây giờ ta xem xét chính định nghĩa của ông. Chẳng cần phải mất nhiều công sức cũng có thể thấy rằng định nghĩa này không chặt chẽ. Không chặt chẽ bởi nếu điều kiện đủ để một văn bản là được gọi là thơ là có "tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và, phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức này" thì một câu đối - mà tổ chức ngôn ngữ còn quái đản hơn nhiều: luôn luôn chỉ có hai câu, đối nhau cả về từ loại, ngữ nghĩa, ngữ âm, điển tích đến những trò chơi chữ; và cũng "bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và, phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức này." - có phải là thơ không? Và, trái lại, những bài thơ tự do, và nhất là những bài thơ văn xuôi, với tổ chức ngôn ngữ giống hệt những bài văn xuôi, có phải là thơ không?
    Xin bàn đôi chút về cách giải thích từ "quái đản" của ông. Mọi ngôn ngữ sử dụng trong những lĩnh khác nhau đều có những nguyên tắc riêng mà trong ngôn ngữ giao tiếp không ai tổ chức ngôn ngữ như thế. Liệu có ai trong cuộc sống hàng ngày luôn luôn nói ở ngôi thứ ba số ít hay không? Liệu có ai nói bằng nhiều ngôi và nhiều vai, liên tục trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trang không? Ðó là tôi chưa nói đến thứ văn biền ngẫu. Ðó là tôi chưa nói đến văn vần trong truyện nôm. Ðó là tôi chưa nói đến thứ văn chương của những nhà tiểu thuyết mới ở Pháp. Tôi xin lỗi các dịch giả khi phải nhắc lại một điều sơ đẳng là trong tiếng Pháp, khi viết tiểu thuyết người ta thường dùng động từ ở thì quá khứ đơn giản (passé simple) còn trong cuộc sống hàng ngày người ta dùng quá khứ phức hợp (passé composé). Vậy tổ chức ngôn ngữ trong tiểu thuyết cũng hết sức quái đản, trong ngôn ngữ giao tiếp không ai tổ chức ngôn ngữ như thế. Và tiểu thuyết, tôi giả thiết đó là một cuốn tiểu thuyết hay, cũng "bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và, phải suy nghĩ". Cuốn tiểu thuyết ấy có phải là thơ không?
    Bài viết còn nhiều lập luận không chặt chẽ, khiên cưỡng, thậm chí giả tạo khác. Chẳng hạn khi ông nói về "thơ tự do nhìn như văn xuôi":
    "Nhà thơ bỏ sự gò bó bên ngoài về hình thức, không phải để quay trở về văn xuôi, mà chấp nhận những gò bó khác, ở cấp độ cú pháp và từ vựng. Bài thơ của anh ta phải mới lạ về nội dung tư tưởng và tạo nên những liên hệ tư tưởng bất ngờ, do cách dùng chữ mang tính nên thơ. Tóm lại, đây vẫn là một cách tổ chức ngôn ngữ khác thường".
    Tại sao nội dung tư tưởng mới lạ và những liên hệ tư tưởng bất ngờ lại "do cách dùng chữ mang tính nên thơ", nhất là trong một văn bản "như văn xuôi" được? Một nội dung tư tưởng mới lạ có thể được biểu đạt chẳng cần cái tính nên thơ để mới lạ. Và thế nào là tính nên thơ? Phải chăng ông Phan Ngọc định nói đến sự mượt mà? Hay cách chơi chữ và những thủ pháp đại loại như thế? Nhưng xin lưu ý rằng chúng ta đang nói về thơ tự do, thứ thơ "thậm chí có vẻ lủng củng". Ta sẽ nói sao về những bài thơ rất mới mà chỉ dùng những từ ngữ thông thường, hay thậm chí là từ ngữ địa phương, như bài Nhớ của Hồng Nguyên, hay bài Nhớ máu của Trần Mai Ninh chẳng hạn?
    Tôi xin nói thêm một nhận xét cá nhân: trong nhiều trường hợp, khi dịch thơ, những bản dịch nghĩa (dịch thô) chưa hề có vần, nhịp... lại hay hơn, ?othơ? hơn so với bản dịch đã hoàn chỉnh.
    Rõ ràng là định nghĩa của ông không thoả mãn được đòi hỏi đầu tiên do chính ông đặt ra là "Có giá trị phổ quát, tức là áp dụng cho mọi hiện tượng gọi là thơ trên trái đất này, bất chấp ngôn ngữ, thời gian, tập quán, trường phái".
  5. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    2. Ảo ảnh của các định nghĩa
    Thực ra Phan Ngọc không phải là người đầu tiên thất bại, cũng không phải là người thất bại nặng nề nhất, khi cố gắng định nghĩa thơ. Bài viết của ông chứa đựng những sai lầm rất căn bản và cũng rất phổ thông. Ðó chính là lý do khiến tôi lựa chọn bài viết của ông để phân tích.
    Trước khi định nghĩa thơ, chúng ta phải xem xét lại chính khái niệm về định nghĩa. Theo tôi, quan niệm về định nghĩa của ông Phan Ngọc vừa máy móc vừa không tưởng. Khi viết rằng một "Ðịnh nghĩa thơ" phải "Có giá trị phổ quát, tức là áp dụng cho mọi hiện tượng gọi là thơ trên trái đất này, bất chấp ngôn ngữ, thời gian, tập quán, trường phái", rằng nó phải "giúp người ta nhận diện được ngay thơ để làm thơ, đọc thơ, giảng thơ có kết quả", ông Phan Ngọc đòi hỏi rằng "Ðịnh nghĩa thơ" phải tuyệt đối khách quan, phi lịch sử, chính xác và cụ thể. Liệu một định nghĩa như thế tồn tại hay không?
    Chúng ta hãy cùng xem các định nghĩa được thực hiện như thế nào.
    Xin lấy một ví dụ rất gần gũi, khái niệm "Nhà văn Việt Nam" và "Nhà văn Pháp". Một nhà văn có cha mẹ ông bà định cư lâu đời trên đất Việt, bản thân anh ta sinh ra và lớn lên trên đất Việt và viết văn bằng tiếng Việt, dĩ nhiên là nhà văn Việt Nam. Nếu anh ta có sáng tác bằng tiếng Pháp, anh ta vẫn cứ là nhà văn Việt Nam, tuy rằng đã bớt Việt Nam đi đôi chút: anh ta là "nhà văn Việt Nam viết tiếng Pháp". Nếu anh ta có cha Việt mẹ Pháp và viết văn bằng tiếng Việt, anh ta nói chung vẫn là nhà văn Việt Nam. Nếu cả gia đình anh ta định cư tại Pháp từ nhỏ và anh ta viết văn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp như nhau, cán cân đã lệch về phía Pháp, dù phần "Việt" trong anh ta vẫn còn đáng kể. Nhưng nếu anh ta viết tiếng Việt rất tồi so với tiếng Pháp, phần "Việt" trong anh ta sẽ chẳng còn lại bao nhiêu. Cuối cùng, nếu cha mẹ ông bà anh ta là người Pháp và anh ta viết bằng tiếng Pháp, dĩ nhiên anh ta là nhà văn Pháp. Ðó là chưa kể những tình huống phức tạp hơn: một người có bố Việt, mẹ Pháp, sinh ra ở Trung Quốc nhưng lại lớn lên và mang quốc tịch Hoa Kỳ...
    Ta thấy rằng từ hai phía, hai thái cực, chúng ta có hai khái niệm lý tưởng: Nhà văn Việt Nam thuần tuý và Nhà văn Pháp thuần tuý, ở giữa hai thái cực đó là vô số những cấp độ trung gian: nhà văn Việt Nam chịu ảnh hưởng của Pháp, nhà văn Việt Nam có một phần dòng máu Pháp, nhà văn Pháp gốc Việt, nhà văn Pháp có một phần dòng máu Việt Nam, v.v?
    Thực ra đó chỉ là cách mô tả trực quan và giản lược, bởi lẽ còn có rất nhiều yếu tố chính trị, văn hoá, lịch sử, tôn giáo, tâm lý, sinh lý... khác ảnh hưởng đến việc phân loại, khiến cho nó luôn luôn chỉ là tương đối và nhiều khi là không thể nào thực hiện được. Và điều này không phải chỉ là những khó khăn thuần tuý lý thuyết. Tôi từng gặp nhiều người gốc Việt về thăm quê hương mà không biết lấy một từ tiếng Việt. Tôi cũng từng gặp những công dân Hoa Kỳ nói giọng Sài Gòn phẫn nộ vì bị coi là người Việt Nam!
    Ðịnh nghĩa chỉ có thể tuyệt đối khách quan và rõ ràng trong hai trường hợp. Thứ nhất, nếu nó dựa trên một hay một vài dấu hiệu cụ thể nào đó, ví dụ ta có thể định nghĩa ?oNgười Việt? như là ?ongười có quốc tịch Việt Nam?. Các định nghĩa kiểu này chỉ thoả mãn được đòi hỏi của một loại công việc cụ thể, như ở đây là công việc của nhân viên hải quan; Thứ hai, nó dựa trên những tiêu chí mang tính tuyệt đối - trong rất nhiều trường hợp là sự đối lập tuyệt đối hai thái cực giả định. Chẳng hạn trong ví dụ trên, ta phải định nghĩa ?oNhà văn Việt Nam? (đối lập với ?oNhà văn ngoại quốc?) như là nhà văn có dòng máu thuần Việt, cư trú tại Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam, chỉ viết văn bằng tiếng Việt và chỉ chịu ảnh hưởng của văn hoá Việt Nam... Một định nghĩa như vậy chắc chắn là hết sức triệt để, bởi lẽ chỉ cần anh ta viết một câu thơ, một từ bằng ngoại ngữ, hay thậm chí chỉ cần anh ta chịu chút ít ảnh hưởng của nước ngoài, anh ta đã không còn là nhà văn Việt Nam thuần tuý!
    Bạn có thể phản bác rằng một định nghĩa lý tưởng như thế sẽ quá trừu tượng và không có lợi ích gì. Tôi nghĩ ngược lại là đằng khác. Ðịnh nghĩa đường trong hình học như là một cái gì đó chỉ có chiều dài mà không có chiều ngang, chẳng hạn, là một định nghĩa lý tưởng. Nhưng dù chưa và sẽ chẳng bao giờ có một ai được thấy một đường thực sự, chắc chắn nó không trừu tượng hơn và chắc chắn có ích lợi hơn việc định nghĩa đường như là một cái gì đó có chiều dài nhưng thiết diện không vượt quá một số đo cụ thể nhất định. Tại sao như vậy? Ta có thể tham khảo cách lý giải độc đáo của Platon, rằng mọi ý niệm tuyệt đối đã từng tồn tại và ý thức của chúng ta chỉ làm một việc nhớ lại những gì đã bị lãng quên.
    Tôi xin đề xuất một lý giải khác. Tôi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ những định nghĩa dựa trên các tiêu chí định lượng chỉ có thể áp dụng cho các khái niệm mang tính định lượng, hoặc những khái niệm cụ thể, hạn hẹp, ví dụ định nghĩa "học sinh giỏi" là học sinh thi đạt từ 8,5 điểm trở lên, người "vị thành niên" là người dưới 18 tuổI, hay ví dụ về người có quốc tịch Việt Nam vừa nói ở trên... Những định nghĩa như thế rất có ích trong thực tế, nhưng thường máy móc và không có giá trị phổ quát. Mức điểm để đạt được danh hiệu "học sinh giỏi" tùy thuộc vào từng trường, từng thời kỳ và cách tính điểm... Và mọi học sinh đạt mức điểm đó đều đoạt danh hiệu học sinh giỏi, nhưng chưa chắc đã là học sinh giỏi thực sự.
    Ðối với các khái niệm định tính, chúng ta chỉ có thể định nghĩa bằng cách đưa ra những tiêu chí định tính. Chẳng hạn chúng ta có thể định nghĩa "học sinh giỏi" là một học sinh có đầu óc thông minh vượt xa các bạn, luôn luôn hiểu bài và sáng tạo trong suy nghĩ, luôn luôn khiến thầy cô giáo phải hài lòng về kết quả học tập hiếm có của mình. Chắc chắn cách định nghĩa như vậy là khá mơ hồ. Nhưng nhìn nhận một cách tỉnh táo, chúng ta thấy rằng chính bằng cách ấy mà chúng ta định nghĩa hầu hết các sự vật và hiện tượng: điểm, mặt phẳng, chân không, tổ quốc, hiện tại, cái tốt, cái xấu... và cả tình yêu nữa.
    Nhân nói về tính lý tưởng của các định nghĩa, tôi muốn nói thêm đôi điều về cách Platon định nghĩa "Cái đẹp". Từ nhỏ, tôi đã được nghe rất nhiều người nói rằng cái đẹp có ba thành tố là "Chân", "Thiện", "Mỹ" liên quan với nhau khăng khít. Nhưng Mỹ chính là Ðẹp. Tôi không biết ai là người đầu tiên nói đến ba khái niệm này, và cũng không biết có thực là người đó lý giải về chúng như ba thành tố của cái đẹp hay không, nhưng vẫn thường tự hỏi, tại sao Cái đẹp lại bao gồm Cái đẹp và hai cái khác? Mãi sau này, khi đọc Platon, tôi tìm thấy một cách hiểu hoàn toàn khác, trong đó "Chân", "Thiện", "Mỹ" đúng là liên quan với nhau khăng khít, nhưng hoàn toàn không phải là ba thành tố của Cái đẹp. Quan niệm của ông, thường được hình dung qua cái gọi là Kim tự tháp Platon, có thể tóm tắt như sau: Khi tiếp xúc với một sự vật, cái đầu tiên chúng ta cảm nhận được là những gì có thật. Chẳng hạn, khi gặp một cô gái, chúng ta sẽ nhận biết những đặc điểm có thật ở cô ta, như dáng người, màu mắt, nước da, mái tóc... Từ những đặc điểm có thật đó, chúng ta sẽ rút ra được những đặc điểm nào của đối tượng là tốt, là hài hoà, nói cách khác, là "thiện". Ở đây, thiện được hiểu theo nghĩa rộng, như là đúng, hợp lý. Ở trường hợp trên, khi yêu một cô gái cụ thể, người ta sẽ cảm nhận những tính tốt, những điểm hài hoà ở cô. Thế rồi, từ những nét đẹp, tốt ở những đối tượng cụ thể, người ta có thể hình dung về một đối tượng hoàn mỹ với tất cả các đặc điểm tốt đẹp. Một đối tượng được coi là Ðẹp nếu tất cả các đặc điểm của nó đều hài hoà, đều tốt, hay đều "thiện". Như vậy, có thể thấy rằng Ðẹp là một khái niệm lý tưởng, người ta chỉ có thể cảm thấy, hình dung thấy và dàn dần tiếp cận, chứ không bao giờ có thể đạt tới hoàn toàn.
    Xin trở lại với vấn đề của chúng ta. Sai lầm của ông Phan Ngọc nằm ở ảo tưởng về một định nghĩa vừa mang tính định lượng và cụ thể lại vừa phổ quát và tuyệt đối trong khi các định nghĩa chỉ có thể phổ quát và tuyệt đối nếu như nó dựa trên những tiêu chí định tính vì thế luôn luôn mang tính lý tưởng. Thơ ca cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta không bao giờ có thể đưa ra một hay một vài tiêu chí cụ thể để xác định một văn bản có phải là thơ hay không. Cái chúng ta có thể làm là đưa ra định nghĩa thơ thuần tuý, một khái niệm thực ra là lý tưởng, bằng cách đối lập nó với một thái cực khác, một khái niệm lý tưởng khác, mà thôi.
  6. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    3. Thơ và truyện
    Vậy đối lập với thơ là gì?
    Rất nhiều người nghĩ đến văn xuôi. Ông Phan Ngọc, trong bài Thơ là gì vừa nhắc ở trên, cũng vậy. Ông viết: "Ta chỉ nghe nói những lời hoa mỹ về ngôn ngữ này (tức ?ongôn ngữ quái đản? - NTL), mà không thấy một sự đối lập thích đáng (pertinent) giữa thơ và văn xuôi? 2).
    Ngoài sự không thích đáng của việc sử dụng từ pertinent hoàn toàn không sáng sủa hơn - nếu không nói là tù mù hơn - để giải thích cho từ thích đáng rất sáng sủa và chính xác của tiếng Việt, câu văn này lại chứa đựng một nhầm lẫn rất phổ thông khác. Thơ dù ở phương Ðông hay phương Tây, dù kim hay cổ đều có thể có vần hoặc không vần, truyện cũng không phải lúc nào cũng phải viết dưới dạng văn xuôi ?" Những truyện nôm là bằng chứng không thể chối cãi.
    Thật ra, cái đối lập của văn xuôi không phải là thơ mà là văn vần, còn cái đối lập của thơ là truyện. Sự đối lập của văn xuôi và văn vần là dựa trên sự khác nhau về tổ chức ngôn ngữ: âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm luật... -chính là cái mà ông Phan Ngọc gọi là ?ocách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản?, còn sự đối lập giữa thơ và truyện mới dựa vào bản chất của chúng. Ta có thể tham khảo ý kiến của L.I Timôphêép trong cuốn Nguyên lý lý luận văn học khi ông phân chia văn học thành ba loại: "Loại trữ tình: biểu hiện một cách ngắn gọn tâm trạng cá biệt của con người: loại kể chuyện thuật lại cuộc sống của con người trong những biểu hiện ít nhiều phức tạp của nó trong các truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết; kịch không dùng ngôn ngữ tự sự, mà giới thiệu các nhân vật qua những hành động" 3). Trong bài viết Những đường bay của mê lộ, tôi đã có ý kiến về cách phân loại này, chỉ xin nhận xét thêm rằng các thể văn gọi là trữ tình và kể chuyện (tự sự) của L.I. Timôphêép rất gần với các khái niệm thơ và truyện mà tôi vừa nói.
    Trên thực tế, không bao giờ có thơ hay truyện thuần tuý. Mọi bài thơ đều ít nhiều có tính truyện và mọi văn bản thuộc loại truyện đều ít nhiều có tính thơ. Bây giờ, nếu chúng ta thử thực hiện phép đối lập để xem phân biệt một văn bản thơ với một văn bản truyện thì phải hiểu rằng chúng ta đang nói đến một văn bản thơ thuần tuý và một văn bản truyện thuần tuý.
    Theo tôi, sự khác nhau cơ bản giữa truyện và thơ là ở chỗ đó: ấn tượng thẩm mỹ mà truyện gây nên ở người đọc là ấn tượng về một quá trình, còn ấn tượng thẩm mỹ mà thơ tạo ra ở người đọc là ấn tượng về một trạng thái. Nói cách khác, ấn tượng thẩm mỹ ở truyện mang tính thời gian, còn ở thơ thì phi thời gian.
    Chúng ta hãy thử khảo sát bốn tình huống sau đây:
    1. Ðội bóng đá của những người cùng khổ có tên là "Nước mắt" thi đấu với một đội bóng. Một cổ động viên của các cầu thủ có hoàn cảnh không may tuyên bố: "Tôi đứng về phe "Nước mắt".
    2. Một nhà cách mạng bênh vực quyền lợi cho những người bị áp bức. Ông nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn: "Tôi đứng về phe nước mắt".
    3. Một người viết nội dung câu đó dưới một nhan đề:
    Ðể sau này ghi lên mộ chí
    Tôi đứng về phe nước mắt.
    4. Chúng ta chọn một nhan đề và viết thêm:
    Trận đấu
    Tôi đứng về phe "Nước mắt". "Nước mắt" thua. Về sau tôi mới biết rằng họ nhận tiền để làm điều đó.
    Trong trường hợp đầu, đó là câu thông báo về một thái độ hoặc một hành động cụ thể đối với một đối tượng cụ thể - một đội bóng đá.
    Trong trường hợp thứ hai, đối tượng trừu tượng hơn, nhưng nội dung thông báo vẫn là một hành động - thể hiện thái độ bênh vực những người cùng khổ. Cả hai đều chỉ là những thông báo thông thường.
    Trường hợp thứ ba là một bài thơ. Và tác giả bài thơ ấy là Dương Tường.
    Cái gì làm cho nó trở thành thơ? Rõ ràng trong trường hợp này không phải là vần điệu hay những yếu tố tổ chức ngôn ngữ. Sự khác nhau chắc chắn nằm ở ấn tượng thẩm mỹ mà văn bản tạo ra ở người đọc. Bài thơ của Dương Tường có nói đến một hành động, nhưng đó không còn là một hành động cụ thể, có thật. Và nội dung thật của nó cũng không phải là sự thông báo về hành động ấy nữa. Nội dung thật của nó là một trạng thái tình cảm. Chính cái nhan đề, "Ðể sau này ghi lên mộ chí" đã xoá bỏ tính cụ thể về thời gian và của chính cái hành động "tôi đứng về phe nước mắt", biến nó thành ẩn dụ cho một trạng thái tình cảm, hay xa hơn là một nhân cách. Một cảm giác phi thời gian, ta có thể nói vậy. Và nó trở thành thơ.
    Trong trường hợp thứ tư, chúng ta có một truyện. Có thể bạn chê nó nhạt nhẽo, nhưng chắc chắn là nó có một câu chuyện, một cốt truyện như ta thường nói. Và cốt truyện ấy được hình thành nhờ một chuỗi các sự kiện nối tiếp nhau theo một trình tự thời gian nào đó. Xin lưu ý rằng trật tự thời gian ở đây là trật tự thời gian tác phẩm, không phải là thời gian tự nhiên mà ta thường nghĩ rằng luôn luôn chảy từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai. Thời gian đồng hiện, chẳng hạn, cũng là một thứ trật tự thời gian.
    Cũng cần phải nói thêm rằng, một cách tự nhiên, một quá trình phải có nhiều sự kiện, nghĩa là phải trải qua nhiều trạng thái. Tuy vậy, chúng ta có thể lường trước những trường hợp đặc biệt, khi quá trình chỉ có một sự kiện duy nhất. Khi đó nó cũng chính là một trạng thái. Ðó chính là nơi thơ và truyện gặp nhau.
    Tôi biết rằng nói như vậy vẫn còn chưa đủ sáng tỏ. Tôi đề nghị chúng ta hãy khảo sát thêm một ví dụ khác, một bài ca dao, thực ra là một bài thơ dân gian, nổi tiếng:
    Trèo lên cây bưởi hái hoa
    Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
    Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
    Em lấy chồng anh tiếc lắm thay
    Ba đồng một mớ trầu cay
    Sao anh không hỏi những ngày còn không...
    Cái đầu tiên chúng ta có thể thấy là bài thơ liệt kê rất nhiều hành động, nhưng các hành động này lại chẳng hề thông báo một sự kiện hay quá trình nào. Cái mà những câu thơ này thực sự mang tải là một trạng thái tinh thần: nỗi luyến tiếc đầy chua xót của kẻ thất tình. Thật vậy, hãy thử thay đổi trật tự của các câu, chẳng hạn:
    Trầu cay ba đồng một mớ
    Nụ tầm xuân xanh biếc nở ra
    Nụ tầm xuân nở giữa vườn cà
    Anh trèo lên hái hoa cây bưởi
    Ngày còn không sao anh không hỏi
    Em lấy chồng anh tiếc lắm thay
    Hãy bỏ qua sự so sánh bài nào hay hơn bài nào, ta có thể thấy rằng phương án thứ hai vẫn cứ là một bài thơ, và hơn thế nữa, ấn tượng về nỗi luyến tiếc đầy chua xót của kẻ thất tình gieo vào tâm trí độc giả gần như không hề thay đổi. Ấn tượng ấy phi thời gian, và vì thế nó vẫn nguyên vẹn cả khi chúng ta chỉ đọc một phần, một câu hay khi chúng ta xáo trộn trật tự các câu như chúng ta đã thấy.
    Những điều vừa nói không thể có ở truyện, trừ những trường hợp tác giả cố tình. Sự đảo lộn trật tự các câu trong một cuốn tiểu thuyết, chẳng hạn, đồng nghĩa với sự huỷ hoại nó. Chúng ta cũng không thể đọc một câu trong một cuốn truyện ngắn cảm nhận cái hay của truyện ngắn ấy. Nếu có một câu hay, thì đó là cái hay của thơ. Truyện, tôi xin nhắc lại, là nghệ thuật ngôn từ dựa trên cảm giác của chúng ta về quá trình, và vì thế thời gian luôn luôn hiện tại.
    Tất nhiên, những nghiên cứu của chúng ta là những nghiên cứu đã được mô hình hoá. Chúng ta cũng không được nhầm lẫn giữa bài thơ thuần tuý với bài thơ hay. Một ngôi nhà thuần tuý khác hẳn một chiếc xe thuần tuý. Nhưng điều đó không đảm bảo rằng một ngôi nhà thuần tuý không thô kệch, xấu xí, cũng như nó không hề ngăn cản chiếc xe - nhà của các kiến trúc sư Hoa Kỳ trở thành một kiệt tác kiến trúc. Thêm nữa, chúng ta cũng cần lưu ý đến một xu hướng luôn luôn tồn tại trong văn học: xu hướng hoà trộn các thể loại, các trào lưu, các thủ pháp và cả các chủ đề.
    Có thể các bạn sẽ đòi hỏi tôi đưa ra những ví dụ trực quan về thơ và truyện, kiểu như sợi chỉ căng thẳng là ví dụ trực quan về đường mà tôi đã nói. Tôi cho rằng truyện trinh thám là thể loại gần với truyện thuần tuý nhất. Chúng ta cũng có thể nghĩ đến những truyện cổ dân gian. Ở đó cốt truyện ngự trị. Ở đó thời gian là chúa tể. Còn thơ? Tôi cho rằng các nhà thơ siêu thực có thể là một ví dụ không tồi, cho dù theo tôi, trong di sản thơ của họ không phải là nhiều kiệt tác. Ta cũng có thể chọn nhiều ví dụ khác, như nhiều bài thơ trong tập Bóng chữ của Lê Ðạt, khi nhà thơ nói mà không kể về bất cứ điều gì cụ thể.
    Thi ca là hiện tại, đó là lời của Octavio Paz qua ngòi bút Charles Simic. Tôi tin rằng Paz đã nói hơi khác: thi ca là khoảnh khắc thời gian ngừng lại.
    Thời gian ngừng lại, hay nói đúng hơn: thời gian đã chết. Nhưng đó là một cái chết màu nhiệm, chết để hoá thân thành thi ca. Và, nếu được phúc lành của Chúa, Chết có thể hoá thành Vĩnh cửu./.
    Hà Nội
    -------
    1 - Phan Ngọc: "Thơ là gì?", trong "Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NBX Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2000, trang 29.
    2 - Ibidem
    3 - L.I.Timôphêép: Nguyên lý lý luận văn học. Văn Hóa, Hà nội. 1962. trang 120.
  7. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Nguyễn Hòa 12.08.2002
    Thời gian không chết, chỉ có khoa học dễ bị "bức tử" mà thôi!
    (Trao đổi với Ngô Tự Lập về bài Thơ hay là cái chết của thời gian)
    Sau mấy tháng "dạo qua" một số tòa soạn, tiểu luận Thơ hay là cái chết của thời gian của Ngô Tự Lập đã được đăng tải trên Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 6.2002. Theo Lời Tòa soạn thì "trở lại định nghĩa thơ ở đầu thế kỷ này không phải là không thú vị? Vấn đề không phải là ở chỗ ai đúng, ai sai. Vấn đề là cùng bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển". Nhưng theo tôi, đúng-sai lại là một tiêu chí hết sức quan trọng trong khoa học; và người ta chỉ có thể "bình tĩnh bàn bạc và hướng tới sự phát triển" một khi nắm bắt được mục đích, góc độ, phương pháp, cách thức nghiên cứu, cách thức đưa ra kết luận?của một tác giả. Nói cách khác, muốn trao đổi, cần hiểu tại sao người ta nói như vậy, người ta đã nói gì?và không nên đọc theo lối cảm tính để đưa ra những đánh giá cảm tính. Văn đàn chúng ta đã có quá nhiều những cuộc trao đổi không thể đi tới sự thống nhất chỉ vì chúng diễn ra theo tình huống "ông nói một đàng, bà nói một nẻo". Theo tôi, tình trạng này dễ làm nhiễu loạn các chuẩn mực định giá văn chương, đẩy tới sự "bức tử" các phát kiến khoa học ngay từ lúc mới ra đời. Và ở đây, tôi không đánh giá Phan Ngọc đã đúng hay đã sai, chỉ phân tích Ngô Tự Lập đã hiểu đúng hay hiểu sai vấn đề Phan Ngọc đặt ra và giải quyết trong bài "Thơ là gì?"
    Ðọc tiểu luận của Ngô Tự Lập, tôi nhận thấy Thơ hay là Cái chết của thời gian chưa được đặt trên nền tảng một năng lực phân biệt sự khác nhau giữa sáng tạo từ ngữ thơ ca với sáng tạo thuật ngữ khoa học. Bằng thói quen của trực giác, anh đánh giá các thuật ngữ khoa học ông Phan Ngọc sử dụng, và anh chưa hiểu Phan Ngọc đã nói gì. Ðiều này thể hiện ngay trong phần mở đầu, anh viết: "Tiểu luận 'Thơ là gì?' là một bài viết rất đặc trưng cho phong cách của ông Phan Ngọc: nhiều tâm huyết nhưng cũng nhiều võ đoán. Suốt bài viết với giọng cực kỳ tự tin này lấp lánh những nhận xét sâu sắc bên cạnh những từ ngữ và thuật ngữ cố tình lạ tai gây cảm giác khó chịu: "quái đản", "tính thao tác", "sự thức nhận"?(Tôi xếp vào loại này cả những từ to tát không cần thiết như "vượt gộp", "thao tác luận"? rất nhiều trong các bài viết của ông)?".
    Chúng ta biết trong quá trình sáng tạo, nhiều nhà thơ và nhà khoa học phải đau đầu chỉ vì họ không thỏa mãn với vốn liếng từ ngữ, thuật ngữ đã và đang hiện hữu trong đời sống. Nếu nhà thơ phải mày mò chọn lọc, thậm chí sáng tạo ra từ ngữ mới sao cho có thể diễn tả một cách tốt nhất "cây đàn muôn điệu" của hồn thơ; thì nhà khoa học cũng phải mày mò, thậm chí sáng tạo ra thuật ngữ mới sao cho có thể mô tả chính xác một nội dung, một vấn đề khoa học. Cố gắng của họ góp phần phát triển, làm phong phú ngôn ngữ, góp phần lý giải tại sao trong đời sống thường xuất hiện các từ ngữ mới, thuật ngữ mới. Song tiếp nhận các từ ngữ, thuật ngữ thoạt nghe có vẻ "lạ tai" ấy lại có những yêu cầu khác nhau, tùy thuộc vào từng lĩnh vực. Ðối với sáng tạo từ ngữ của nhà thơ, người đọc thường đánh giá trước hết ở tính biểu cảm, còn tiếp nhận thuật ngữ của nhà khoa học người ta thường đặt ra những tiêu chí lý tính để xem xét thuật ngữ ấy có chính xác, có phù hợp hay không. Ví dụ, Ngô Tự Lập viết "thơ hay là cái chết của thời gian", người đọc hiểu đó là một liên tưởng "kiểu thi sĩ", họ không đặt các câu hỏi: Thời gian là cái gì để có thể chết được? Tại sao thời gian chết? Nếu thời gian chết điều gì sẽ xảy ra? Còn khi nhà khoa học nói tới "cái chết của thời gian", các câu hỏi đó lại được đặt ra một cách trực tiếp, nhà khoa học phải chứng minh, dù chỉ bằng lý thuyết. Sáng tạo từ ngữ mới, nhà thơ thường không nhất thiết phải lý giải tại sao tôi sử dụng từ này mà không sử dụng từ kia, còn nhà khoa học bao giờ cũng phải giới thuyết các thuật ngữ mới của mình.
    Xưa nay tôi chỉ thấy người ta công nhận hoặc bác bỏ một thuật ngữ căn cứ vào việc nội hàm của nó chứa đựng những nội dung thỏa đáng hoặc chưa thỏa đáng về mặt khoa học, chưa thấy người ta công nhận hoặc bác bỏ một thuật ngữ chỉ vì nó quen tai hoặc lạ tai, gây cảm giác dễ chịu hay gây cảm giác khó chịu! Không có điều kiện đọc kỹ ông Phan Ngọc đến mức tìm ra "đặc trưng cho phong cách của ông" như Ngô Tự Lập đã tìm ra (!), nhưng căn cứ vào một số tác phẩm, tôi thấy Phan Ngọc rất thận trọng, không "cố tình lạ tai" trong việc xây dựng và giới thuyết các thuật ngữ. Chưa bàn tới sự đúng-sai của các thuật ngữ này, chỉ xin dẫn lại giới thuyết của Phan Ngọc giúp bạn đọc tham khảo và hy vọng nếu bạn đọc có bác bỏ, thì cũng xuất phát từ nội hàm của chúng chứ không vì "lạ tai gây cảm giác khó chịu". Về hai chữ vượt gộp, Phan Ngọc viết: "Tôi dùng chữ "vượt gộp" để dịch khái niệm Aufheben của Ðức hay dépassement của Pháp. Vượt gộp có nghĩa là tiếp thu được cái mới nhưng đổi mới được nó trên cơ sở một cái cũ cũng đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Nó có nghĩa là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần phải tiến hành. Như vậy vượt gộp không phải là nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, cũng không phải là khư khư giữ lấy cái cũ, từ bỏ cái mới"(1). Về hai chữ thức nhận, Phan Ngọc viết: "Tôi tự nhận là người làm việc thức nhận (prise de conscience), tức là suy nghĩ về các nguyên nhân dẫn tới sự suy nghĩ"(2). Về thao tác luận, đây là thuật ngữ Phan Ngọc dịch từ chữ operationalist, ông giới thuyết khá đầy đủ thuật ngữ này trong cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều xuất bản lần thứ nhất (1985)? Nếu Ngô Tự Lập khảo sát ông Phan Ngọc triệt để hơn, tôi tin anh sẽ rút lại những nhận xét anh đưa ra ở phần đầu bài tiểu luận.
    Nhưng câu chuyện không chỉ có thế, tinh thần hăng say phê phán còn đưa Ngô Tự Lập tới những sai chênh khác khi anh chứng minh điều anh cho rằng: "Mặc dù thú vị, bài viết này (Thơ là gì? - N.H), theo tôi, còn nhiều điểm chưa thỏa đáng, cả trong các nhận định lẫn trong thao tác khoa học". Thiết nghĩ, nếu hiểu thao tác khoa học không phải là một món đồ trang sức, Ngô Tự Lập sẽ chú ý bài viết "Thơ là gì?" được đặt trong cuốn sách Cách giải thích Văn học bằng Ngôn ngữ học, vì thế bất cứ người nào muốn thẩm định nó trước hết phải khảo sát từ góc độ Ngôn ngữ học để xem xét các vấn đề đặt ra và giải quyết trong "Thơ là gì?" có chính xác hay không. Hào hứng phê phán kết quả nghiên cứu của Phan Ngọc, Ngô Tự Lập không quan tâm tới cách ông đặt vấn đề, nói cách khác, anh không quan tâm tới góc độ, phương pháp nghiên cứu và lý do tại sao Phan Ngọc xây dựng một định nghĩa Thơ. Sự trạng này là hệ quả của việc anh không chú ý tới các nguyên tắc của Thao tác luận Phan Ngọc sử dụng trong các công trình của ông, cũng như không chú ý tới việc Phan Ngọc coi mình là người Thức nhận. Không chú ý tới các phẩm chất khoa học này thì dù có thông thái đến đâu, Ngô Tự Lập cũng không hiểu được Phan Ngọc. Mà lẽ thông thường, không hiểu mục đích và cách làm việc của tác giả thì làm sao có thể hiểu tác giả định (muốn) nói gì. Trong Cách giải thích Văn học bằng Ngôn ngữ học, Phan Ngọc viết: "Công trình này giới thiệu một cách tiếp cận mới, dùng Ngôn ngữ học để giải thích hình thức nghệ thuật của văn học? Người viết là một người làm Ngôn ngữ học thiên về mặt nhận thức, tức là chú ý đến mặt triết học của vấn đề. Dĩ nhiên, câu chuyện không đơn giản chút nào, nhưng theo kinh nghiệm, người viết thiên về những biện pháp có thể áp dụng mà tránh đi sâu vào nguyên lý" (tr.3). Trước khi đưa ra hai yêu cầu đối với định nghĩa thơ của mình "1. Có giá trị phổ quát, tức là áp dụng cho mọi hiện tượng gọi là thơ trên trái đất này, bất chấp ngôn ngữ, thời gian, tập quán, trường phái?; 2. Mang tính hình thức, giúp người ta nhận diện được ngay thơ để làm thơ, đọc thơ, giảng thơ có kết quả", Phan Ngọc nói rõ: "Trong quá trình xây dựng bộ "Phong cách học cấu trúc tiếng Việt", tôi bắt buộc phải định nghĩa lại các khái niệm, bởi vì các khái niệm trước đây về Phong cách học là dựa trên nhận thức cảm tính về cái đã có, còn công trình của tôi mang tính thao tác, phải tìm cái lý do, cái sở dĩ của các hiện tượng đã được xem là hiển nhiên" (tr.23). Có lẽ do chưa nắm bắt thấu đáo cách thức nghiên cứu của Phan Ngọc, Ngô Tự Lập đã tiến hành những phân tích, so sánh, bắt bẻ?theo lối ông A "định nghĩa về gà", ông B khăng khăng "đây là định nghĩa về vịt, vì vịt cũng có lông vũ"!.
  8. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Theo tôi, một khi không hiểu mục đích định nghĩa thơ của Phan Ngọc, thì những lập luận, chứng minh rối rắm của Ngô Tự Lập thông qua việc dựng lên một loạt những giả vấn đề như: tính lý tưởng của định nghĩa, định nghĩa một khái niệm định tính, định nghĩa một khái niệm định lượng? chỉ là những thủ pháp tạo điều kiện cho anh sử dụng tư duy tư biện tỷ thí với chiếc cối xay gió. Ðịnh nghĩa - với chức năng làm rõ nghĩa một từ hoặc nội dung của một khái niệm, quả là công việc khó khăn nhưng không nên phức tạp hóa công việc này bằng một tư duy tư biện. Ðịnh nghĩa hoặc không định nghĩa, trước hết do con người có hoặc không có nhu cầu nhận biết sự vật hiện tượng, và mỗi định nghĩa trước sau cũng chỉ là một trong những cách nhìn về sự vật hiện tượng. Ngô Tự Lập coi định nghĩa Thơ của Phan Ngọc "vừa máy móc vừa không tưởng" bởi ông đòi hỏi nó phải "tuyệt đối khách quan, phi lịch sử, chính xác và cụ thể". Theo tôi, từ trong "salông của tư duy", Ngô Tự Lập đã đưa ra một hư cấu chủ quan, còn trong thực tế đã ra đời và tồn tại vô khối những định nghĩa "tuyệt đối khách quan, phi lịch sử, chính xác và cụ thể", ví dụ: "Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác", ví dụ: "Mét là khoảng cách thời gian mà ánh sáng đi được trong 1/299.792.458 giây", còn với định nghĩa "Sử học là khoa học về cái không lặp lại" thì Herodote hay Tư Mã Thiên, Tư Mã Quang có sống lại cũng không thể bác bỏ. Vấn đề đối với Phan Ngọc - một người thức nhận, là tại sao ông lại xây dựng một định nghĩa Thơ, ông định nghĩa Thơ để làm gì, chứ không phải ở chỗ Thơ có thể định nghĩa một cách phổ quát và mang tính hình thức hay không.
    Hãy xem Ngô Tự Lập dùng phép so sánh - loại suy để đánh giá định nghĩa Thơ của Phan Ngọc: "Chẳng cần phải mất nhiều công sức cũng có thể thấy rằng định nghĩa này không chặt chẽ. Không chặt chẽ bởi nếu điều kiện đủ để một văn bản được gọi là thơ là có "tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức này" thì một câu đối - mà tổ chức ngôn ngữ còn quái đản hơn nhiều: luôn chỉ có hai câu, đối nhau cả về từ loại, ngữ nghĩa, ngữ âm, điển tích đến những trò chơi chữ, và cũng "bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức này" - có phải là thơ không?". Sau đó ngoài câu đối, để "bức tử" định nghĩa Thơ của Phan Ngọc, anh dẫn ra thơ văn xuôi, văn vần trong truyện Nôm, tiểu thuyết, tiểu thuyết mới?, rồi cho rằng các tác phẩm văn học loại này cũng có "tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản?cũng bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải tiếp xúc và phải suy nghĩ" nhưng không phải là Thơ. Thì ra, để bác bỏ, Ngô Tự Lập đã quên (?) một phân tích của Phan Ngọc do chính anh dẫn ra: "Trong ngôn ngữ hàng ngày, chẳng ai tổ chức ngôn ngữ theo âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm luật?" Bản thân tôi do công việc, cũng có tiếp xúc với câu đối, thơ văn xuôi, văn vần trong truyện Nôm, tiểu thuyết? tôi cũng thấy hình thức tổ chức ngôn ngữ của chúng không giống với ngôn ngữ giao tiếp, nhưng không thấy chúng được tổ chức với hình thức âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm luật? Thử hình dung các loại tác phẩm Ngô Tự Lập dẫn ra mà có hình thức tổ chức ngôn ngữ theo âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm luật?thì chúng sẽ ra sao nhỉ!?
    Tình trạng "ông nói một đàng, bà nói một nẻo" còn thể hiện ở mục 3 trong bài viết của Ngô Tự Lập. Dưới tiêu đề Thơ và truyện, anh trình bày những ý kiến còn tư biện hơn cả các phần trước: "Thật ra, cái đối lập của văn xuôi không phải là thơ mà là văn vần, còn cái đối lập của thơ là truyện. Sự đối lập của văn xuôi và văn vần là dựa trên sự khác nhau về tổ chức ngôn ngữ: âm tiết, vần, nhịp, khổ, số câu, niêm luật?, chính là cái mà ông Phan Ngọc gọi là "cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản" còn sự đối lập giữa thơ và truyện mới dựa vào bản chất của chúng". Ðoạn văn có vẻ xác quyết trên đây tiếp tục là một giả vấn đề do Ngô Tự Lập dựng lên để tranh biện với chính mình. Phân loại tương đối và trình bày đơn giản thì Văn vần là loại văn viết bằng những câu văn có vần với nhau và thơ là một hình thái tiêu biểu cho văn vần; tương tự như thế, văn xuôi là loại văn không viết theo vần. Nói cái đối lập với văn xuôi là văn vần thì đúng quá, nhưng tại sao Ngô Tự Lập loại thơ ra ngoài phạm vi văn vần? Hay từ khi tuyên bố: "Nhiều người trong chúng ta có một quan niệm hết sức sai lầm cho rằng văn chương là tiếng nói của tình cảm, rằng viết văn chính là cách giải tỏa bức xúc?viết văn thực chất là giải một bài toán tối ưu"(3) anh đã có một bảng phân loại văn học khác nhưng chưa thông báo trên văn đàn! Tóm lại, do không bận tâm đến việc Phan Ngọc khảo sát sự khác nhau giữa hình thức tổ chức ngôn ngữ của thơ - loại văn có vần, với hình thức tổ chức ngôn ngữ của văn xuôi - loại văn không vần, Ngô Tự Lập đã bỏ ra quá nhiều chữ nghĩa để chứng minh một nội dung hoàn toàn không dính dáng với điều Phan Ngọc nghiên cứu. Xem ra bằng cách thiết lập và phân tích sự đối lập giữa thơ và truyện, Ngô Tự Lập đã dẫn dắt cuộc trao đổi theo một chiều hướng có phần "hơi bị khôi hài"!
    Ðến đây, có thể nhận thấy Ngô Tự Lập đã trình tấu câu chuyện "ông nói một đàng, bà nói một nẻo" một cách rất võ đoán và tự tin. Thật đáng tiếc, nếu trước khi trao đổi với Phan Ngọc, Ngô Tự Lập xét đoán cẩn trọng hơn chắc chắn anh sẽ không rơi vào chiếc bẫy "chưa thích đáng, cả trong nhận định lẫn trong thao tác khoa học" do chính anh đã giăng ra trong bài viết của mình. Và tôi tin, nếu Ngô Tự Lập đọc đoạn văn Phan Ngọc viết: "Tôi không có tham vọng giải đáp cái gì hết, tôi chỉ cố gắng nêu vấn đề cho trung thực, nghiêm chỉnh, thử đưa ra một cách giải đáp, mà không hề cho cách giải đáp của mình là tiếng nói duy nhất đúng"(4) hẳn anh sẽ chỉnh cái volume của mình nhỏ đi một chút!
    (Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, tháng 7.2002)
    --------------------------
    1)Phan Ngọc, Cách nhìn văn hóa từ góc độ hiện tượng, báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, số12, ra ngày 23.3.2002.
    2)Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa - Thông tin, 1998, tr.28.
    3)Ngô Tự Lập, Lời động viên của E. A. Poe, Tạp chí Tia Sáng, số 2.2002.
    4)Phan Ngọc, Cách giải thích Văn học bằng Ngôn ngữ học, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh 1995, tr. 5-6.
  9. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Quốc Việt 30.08.2002
    Định nghĩa thơ - cấu trúc và ấn tượng
    Trong chứng minh khá dài của mình, thực ra, tác giả Ngô Tự Lập đã không đánh đổ được luận điểm của tác giả Phan Ngọc cho rằng thơ được qui định bởi cách tổ chức ngôn ngữ. Mặc dù có những khai triển có thể gây tranh cãi, theo tôi hiểu, mấu chốt trong luận điểm của Phan Ngọc là: Thơ được qui định bởi cách tổ chức ngôn ngữ 'quái đản'. Trong khi Ngô Tự Lập cho rằng: không phải cách tổ chức ngôn ngữ mà chính là ấn tượng thẩm mĩ về một tâm trạng phi thời gian văn bản tạo nên nơi người đọc. Tôi cho rằng (giống như tác giả Nguyễn Hoà đã chỉ ra), Ngô Tự Lập đã đứng ở một tầng lầu khác với Phan Ngọc để định nghĩa về thơ: một người tiếp cận từ khía cạnh ngôn ngữ, tức là bản thân văn bản, một người tiếp cận từ khía cạnh cảm nhận, tức là những gì mà văn bản đó gây ra nơi người đọc hay là những gì mà văn bản đó chuyên chở. Tôi xin được góp một vài suy nghĩ. Xin nói ngay là tôi không định tham gia vào việc định nghĩa thơ, bởi, mượn lời Chi Nam, mỗi người thích thơ luôn có một hình dung riêng về thơ. Tuy nhiên điều đó không ngăn cản tôi thích thú khám phá các í tưởng và lí luận của các nhà lí luận văn học, cũng như âm thầm kiểm nghiệm chúng trước khi biến chúng thành 'của mình'.
    Thử xét lại ví dụ 'Nước mắt' mà Ngô Tự Lập dẫn ra:
    Trường hợp 3:
    'Để sau này ghi lên mộ chí
    Tôi đứng về phe nước mắt'
    Nếu như diễn tả cùng một í, cùng một tâm trạng, nhưng viết lại cho đúng ngữ pháp thành:
    "Để sau này, khi tôi chết thì ghi lên mộ chí rằng tôi đã đứng về phe nước mắt".
    Liệu nó còn là một bài thơ không? Tôi không dám chắc.
    Ngược lại, trong giả thuyết số 2, nếu viết lại thành:
    Anh ấy đứng lên và nói:
    Tôi đứng về phe nước mắt
    Hoặc trong trường hợp 1 được viết lại thành:
    đội bóng của những người cùng khổ
    có tên là 'Nước mắt'
    hôm nay đấu trận đầu tiên.
    những cổ động viên
    đứng về phe nước mắt.
    Liệu có thể gọi đó là một bài thơ không? Liệu chất thơ trong văn bản mang một nội dung tương tự được viết lại đó có tăng lên được chút nào không?
    Ngô Tự Lập kết luận:
    "Rõ ràng trong trường hợp này không phải là vần điệu hay những yếu tố tổ chức ngôn ngữ. Sự khác nhau chắc chắn nằm ở ấn tượng thẩm mỹ mà văn bản tạo ra ở người đọc."
    và:
    "sự khác nhau cơ bản giữa truyện và thơ là ở chỗ đó: ấn tượng thẩm mỹ mà truyện gây nên ở người đọc là ấn tượng về một quá trình, còn ấn tượng thẩm mỹ mà thơ tạo ra ở người đọc là ấn tượng về một trạng thái. Nói cách khác, ấn tượng thẩm mỹ ở truyện mang tính thời gian, còn ở thơ thì phi thời gian".
    Trong câu đầu tiên của kết luận trên, tôi chỉ thấy điều ngược lại là rõ ràng: Chính iếu tố tổ chức ngôn ngữ đã làm nên sự khác nhau. Và có lẽ chính bởi sự khác nhau ấy mà có điều thứ 2: ấn tượng thẩm mĩ. Thế thì liệu có một kết luận hợp lô gích hơn: chính các iếu tố tổ chức ngôn ngữ đã tạo nên ấn tượng thẩm mĩ và tính thơ của văn bản? Nói một cách khác, liệu bản thân hình thức hay cách tổ chức của văn bản, tự nó, có một í nghĩa; một í nghĩa bên ngoài biểu nghĩa của ngôn từ. Và í nghĩa này góp phần quyết định trong việc xác định tính chất của văn bản? Nếu như đề cập đến iếu tố phi thời gian của một tâm trạng làm nên thơ, thì điều gì, nếu không phải là cách tổ chức ngôn ngữ của văn bản, tạo nên iếu tố ấy? Liệu có thể bỏ qua hình thức và cách tổ chức ngôn ngữ, chỉ dựa vào việc nó chuyên chở một tâm trạng phi thời gian để quyết định nó là thơ hay truyện? Cho dù rất tin, tôi cũng không thấy thuyết phục lắm.
    Xét một ví dụ:
    "Hôm nay trời lạnh lên cao
    Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"
    (Xuân Diệu)
    Và:
    "Hôm nay trời lạnh và lên cao lắm. Tôi rất buồn và không hiểu vì sao lại buồn như vậy."
    Đây là một ví dụ tồi, vì tôi không thật tin trong 2 cách diễn đạt trên, cách nào thơ hơn. Liệu có một bài thơ hay nào mà ít có tính thơ (ấn tượng về một tâm trạng phi thời gian - định nghĩa của Ngô Tự Lập) hoặc ngược lại, có nhiều tính thơ nhưng nhất quyết không phải là thơ?
    Trong ví dụ về bài ca dao 'Nụ tầm xuân', Ngô Tự Lập đổi vị trí các câu rồi kết luận nó vẫn là một bài thơ. Bỏ qua một khía cạnh là ông đã không đổi chỗ các cụm từ, các câu một cách ngẫu nhiên, vẫn còn lại 2 điểm cần bàn thêm:
    Bản thân cấu trúc ngôn ngữ của bài ca dao gốc đã là một cấu trúc 'dành cho thơ' theo cách nó chọn các từ trong một câu và cách nó viết một câu dưới dạng 6-7-8 chữ. Nó đã lược bỏ các từ nối, từ đệm, làm cho nó 'sai ngữ pháp'. Nói cách khác, bản thân nó đã là một tổ chức ngôn ngữ thơ, mà việc sắp xếp các từ, các câu là ở một giai đoạn cao cấp hơn: giai đoạn hoàn thiện. Điều đó tương tự như việc xây nhà, phải có bếp, phòng ngủ, phòng khách, ... Nếu có đủ các bộ phận thì việc đặt bếp trước phòng khách vẫn làm chúng thành một cái nhà. Nhưng nếu đặt các lavabo ở giữa phòng khách, đặt bếp trong nhà xí thì hoặc là không thể gọi nó là nhà hoặc là một cái nhà dị thường. Như vậy khi xét đến cấu trúc ngôn ngữ thơ, cần xem xét ở các cấp độ khác nhau: cấp độ từ, cấp độ câu, cấp độ văn bản. Việc Ngô Tự Lập thay đổi bài ca dao, cứ cho là thành công và vẫn đảm bảo nó là thơ, chỉ mới là thao tác ở cấp độ câu và cấp độ văn bản. Nếu phá vỡ cách tổ chức nguyên thủy của nó ở tất cả các cấp độ, sẽ dẫn đến tình trạng không thể phân biệt nó là thơ hay văn được nữa, cho dù nó vẫn có thể nói về một tâm trạng, một cảm giác, 'một cái chết của thời gian'.
    Chi Nam đã đề cập đến sự khác nhau giữa '2 bản' ca dao. Cho dù Ngô Tự Lập cho rằng dị bản vẫn là một bài thơ, đó là một cái gì hoàn toàn khác với nguyên bản. Tôi muốn bổ sung: nếu như ông cho rằng chính cái ấn tượng thẩm mĩ tạo ra nơi người đọc làm cho một văn bản là thơ thì lại nảy sinh ra một câu hỏi mới: vậy ấn tượng thẩm mĩ có các cấp độ khác nhau không? Và nếu như nó khác nhau, thì một ấn tượng thẩm mĩ do một bài thơ gây ra là 10 (ví dụ thế), trong khi một bài khác là 2 (ví dụ thế) thì liệu có thể lấy ranh giới ở quãng 4 (ví dụ thế) để phân biệt một bài là thơ, còn bài kia không phải? Theo tôi thì bất cứ một cấu trúc văn bản nào cũng luôn tạo ra một ấn tượng thẩm mĩ nào đó, và rất nhiều những văn bản mang lại một tâm trạng phi thời gian. Cái khác nhau chỉ là ở cấp độ và cách mà ấn tượng đó được gây ra mà thôi.
    Kết luận cấu trúc văn bản quyết định thơ dĩ nhiên không giới hạn ở niêm luật đã có, bởi vì một câu hỏi đơn giản nảy sinh là: trước khi có niêm luật, có tồn tại thơ không? Và bên ngoài niêm luật, có tồn tại thơ không? Tôi chỉ có thể phỏng định rằng: có. Còn cấu trúc ngôn ngữ đó là gì thì đó là mảnh đất cho các thi sĩ khai phá.
  10. Tao_lao

    Tao_lao Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    17/04/2002
    Bài viết:
    2.152
    Đã được thích:
    1
    Thơ là sử dụng ngôn ngữ để tạo hiệu ứng đặc biệt nơi người đọc, cũng giống như màu sắc, không gian, bố cục và ánh sáng của các họa sĩ. Vì vậy hình thức của nó, cách tổ chức ngôn ngữ của nó là điều quyết định để cho nó trở thành thơ, kể cả việc nó ngắt dòng ở chỗ nào, kể cả những dấu chấm, phảy bị 'bỏ quên', cách nó không viết hoa ở đầu dòng,.... Xét về mặt chức năng, một bài thơ không nhằm truyền thông tin mà khơi gợi cảm xúc. Nó có thể là miêu tả một quá trình, nó có thể là một xâu chuỗi những hành động. Nó không chuyên chở một tâm trạng mà là những trạng thái của í nghĩ. Nó không nhằm truyền tin, nên nó có thể bỏ qua biểu nghĩa của câu. Nó nhằm khơi gợi cảm xúc và liên tưởng, nên nó có thể không cần đến cấu trúc ngữ pháp. Nhưng một bài thơ luôn có cấu trúc riêng. Và chính ở trong cấu trúc đó mà nó tồn tại. Một bài thơ là một thể hoàn chỉnh. Khi thay đổi cấu trúc và hình dáng của nó, hoặc là nó trở thành một bài thơ khác, hoặc là nó không là gì cả.
    Phan Ngọc chỉ quan tâm đến cách tổ chức ngôn ngữ của thơ trong định nghĩa của mình. Tôi cho rằng thơ còn tiêu biểu ở một khía cạnh khác: đó là đơn vị truyền đạt: từ. Chính nó, những từ riêng biệt là iếu tố cơ bản, tạo nên liên tưởng, ngữ điệu, tạo nên thi vị mà ở rất nhiều chỗ, người ta qui nó đồng nghĩa với lãng mạn. Trong thơ, quyền lực ẩn dụ và liên tưởng của ngôn ngữ được khai thác tối đa. Có thể hình dung thơ là một cái khung xương, còn da thịt của một hình hài là do người đọc. Một bài thơ bụ bẫm là một bài thơ chết iểu. Nếu trong truyện, đơn vị cơ bản của văn bản có lẽ là một đoạn văn, thì trong thơ, đơn vị cơ bản là một cụm từ, thậm chí, một từ.
    Tại sao trong bài ca dao Ngô Tự Lập dẫn ra, nụ tầm xuân không phải nở ra xanh ngắt mà là xanh biếc, hoặc tại sao là nụ tầm xuân chứ không phải là nụ hoa hồng hay tu-lip? Tại sao lại có 3 đồng một mớ trầu cay lọt vào đây một cách tưởng như vô lí? Tôi có thể viết lại:
    hoa bưởi thơm
    vườn cà tím
    nụ tầm xuân
    hoa xanh biếc
    em lấy chồng
    trầu 3 đồng
    cay cay cay
    anh tiếc thay
    sao anh không hỏi những ngày còn không?
    Hình như vẫn có thể gọi là thơ. Chứ đổi tuốt tuồn tuột thì chắc chắn không thể gọi là thơ. Có lẽ đấy cũng là cái gót chân mà Phan Ngọc chìa ra: từ khía cạnh ngôn ngữ, không thể định nghĩa thơ bằng chỉ xem xét đến cấu trúc của thơ mà không xem xét đến đơn vị ngôn ngữ của thơ.
    Tôi có thể thậm chí đi xa hơn: đơn vị ngôn ngữ của thơ - iếu tố nền tảng tạo nên liên tưởng, thi vị cho thơ; còn cấu trúc và tổ chức từ những đơn vị đó - iếu tố nền tảng tạo nên nhạc điệu và đôi khi í nghĩa cho thơ. Hai nền tảng đó quan trọng như nhau cho một ngôi nhà bài thơ, nhưng không nhất thiết tách biệt rạch ròi. Có những bài thơ toàn gồm vôi vữa và ma-tit, và ngược lại, có những ngôi nhà chỉ được xếp lên bởi đá hộc. Sự khác nhau giữa chúng là biên giới của nghệ thuật và của cảm nhận.
    Từ khía cạnh cảm nhận, nói ấn tượng thẩm mĩ là một cách nói mơ hồ. Tôi muốn cụ thể hoá nó thành những đợt sóng liên tưởng của ngôn ngữ, có í thức hay vô thức, trực tiếp hay gián tiếp. Một người sẽ không thể cảm nhận được cái hay của bài ca dao trên nếu không biết đến những thế giới nào hiện hữu ở sau những con chữ riêng biệt như hoa tầm xuân, trầu cau, hoa bưởi. Một người đọc thơ không phải để thưởng thức một tâm trạng, cho dù người viết nó cho một tâm trạng, mà để chia sẻ và đón nhận cảm thức văn hoá của mình với ngôn ngữ và nhạc điệu trong bài thơ. Tôi dám chắc, ca dao Việt Nam sẽ chết dần chết mòn như nó đang chết, không phải vì nó không hay, mà vì thế giới của những liên tưởng và nhạc điệu đó đã không còn trong mô thức cảm nhận của người đọc.
    'Hãy cứ hay đi đã, rồi tôi sẽ thích thơ của anh'. Tôi muốn đặt một câu hỏi: thế nào là Hay? Điều này gần giống như đặt câu hỏi: thế nào là Đẹp. Có thể thấy rằng 'hay' là một khái niệm trừu tượng và mang tính cá nhân. Phán quyết 'hay' phụ thuộc hoàn toàn vào mô thức cảm nhận, phụ thuộc vào quá khứ văn hoá, thế giới quan và quan điểm sống. Nó không phải là một thuộc tính của thơ. Nó thuộc về người đọc. Suy luận của tôi đưa đến một hình dung: định nghĩa về thơ không cần đến sự tham gia của người đọc. Bởi bản thân thơ tồn tại như một chủ thể độc lập bằng chính tổ chức văn bản của mình. Tuy nhiên thơ hay thì cần đến người đọc, đến cảm nhận, đến quá khứ văn hoá, đến kinh nghiệm và kiến thức, đôi khi không liên quan gì đến thơ. Liệu có xác đáng không khi phải mượn đến sự có mặt của người đọc để định nghĩa thơ, cho dù mỗi một thi sĩ trước tiên là một người đọc?
    Người thuộc trường phái 'cứ phải hay cái đã' là một nhà giáo dục. Anh ta quan tâm đến số đông, và cái mà anh tin tưởng là sự vĩnh cửu, là phổ cập, là những giá trị vĩnh hằng. Anh không quen lang thang ở bên rìa của sự tồn tại, ở biên giới của sống và chết, ở giới hạn của sự sáng tạo. Nói tóm lại, anh là con người của quần chúng. Những cái mới lạ, khó hiểu, chưa được kiểm chứng làm anh ta hoang mang. Điều đó làm cho mô thức cảm nhận của anh bị đe dọa. Suy cho cùng, họ có lí của họ. Còn gì có thể lấy làm thước đo an toàn và tốt hơn sự vĩnh hằng - những giá trị đã được thời gian kiểm nghiệm.
    Cuối cùng, thay cho kết luận, tôi xin trình bày 2 suy diễn chủ quan:
    Suy diễn 1:
    Rất tiếc Ngô Tự Lập không dẫn ra chính xác bài thơ nào của Lê Đạt làm dẫn chứng cho định nghĩa Thơ của ông. Tuy nhiên, dựa trên lựa chọn của ông và cảm nhận của tôi về 'Bóng chữ', tôi có thể suy diễn: phải chăng [khoảng cách và mật độ tối đa của liên tưởng trong thơ, nghệ thuật biến các cảm xúc trở nên ở giữa hư và thực, chợt gặp chợt biến, gần rìa giữa vô thức và í thức, chỉ có thể cảm chứ không thể kể, và sự xa lánh khía cạnh biểu nghĩa của câu] mới là tiêu chuẩn thực của ông trong định nghĩa về thơ?
    Suy diễn 2:
    Trong cả 2 trường hợp: quãng cách liên tưởng, hay tâm trạng phi thời gian, làm tiêu chí cho thơ Lê Đạt - hiện thân của Thơ, tôi cho rằng Ngô Tự Lập khó mà biện giải được tính thơ trong thơ Lê Đạt đã hoàn toàn không phải đến từ cấu trúc 'quái đản' và từ nghệ thuật dụng chữ mà nhà thơ Lê Đạt hẳn đã dụng công với thơ của mình. Và như vậy bản thân luận điểm của Phan Ngọc vẫn còn nguyên. Lẽ dĩ nhiên, không bàn tới các khai triển của Phan Ngọc cho luận điểm của mình. Nhưng đó lại là một chuyện khác. Là chuyện cái 'quái đản' ấy là gì.
    27-8-2002
    _______________
    Ngô Tự Lập: "Thơ - hay là cái chết của thời gian," Talawas, 6-2002
    Nguyễn Hoà: "Thời gian không chết, chỉ có khoa học dễ bị "bức tử" mà thôi! (Trao đổi với Ngô Tự Lập về bài Thơ- hay là cái chết của thời gian)", 12-8-2002

Chia sẻ trang này