1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Về "Những chiếc ấm đất" của Nguyễn Tuân

Chủ đề trong 'Văn học' bởi ha_vy_84, 14/11/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ha_vy_84

    ha_vy_84 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    02/08/2002
    Bài viết:
    340
    Đã được thích:
    0
    Về "Những chiếc ấm đất" của Nguyễn Tuân

    Nguyễn Tuân là cây bút lớn của làng văn xưa nay. Ông nổi tiếng với các tác phẩm mang phong cách cao nhã, hoài cổ, tiếc nuối một thời vàng son đã dần phai trong thời đại ông. Tập truyện "Vang bóng một thời" là tác phẩm đặc trưng mang phong cách này.

    Xưa nay, nói đến "Vang bóng một thời", người ta thường hay bình luận về tư tưởng của tác giả, còn về kiến văn uyên bác mà bác Nguyễn dùng để tạo nên cốt truyện của mình thì tưởng ít người dám phê bình. Đó là vì bác Nguyễn là con người tài hoa và uyên bác ít ai bì kịp. Nhưng không phải vì thế mà trong các tác phẩm của ông hoàn toàn hết những hạt trấu.

    Trong "chân dung và đối thoại", Trần Đăng Khoa cũng đã chỉ ra những chỗ hớ hênh của Nguyễn Tuân trong "Vang bóng một thời", những chi tiết xác đáng đó cũng đủ để cho thấy những truyện ngắn trong tập truyện này cần phải được phê bình nghiêm khắc.

    Ở đây không nhắc lại những điểm mà Trần Đăng Khoa đã bàn, chỉ nêu lên thêm một chi tiết trong truyện ngắn "Những chiếc ấm đất", mà Hạ Vy cho rằng đã làm giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm đi rất nhiều. Đó là đoạn. "... Chùa Đồi Mai vốn ở xa làng mạc và biệt lập trên một khu đồi nên cũng ít bị phiền nhiễu bởi bọn tạp khách. Thỉnh thoảng trong bọn khách đến chơi, ông cụ Sáu được sư cụ biệt đãi nhất..."

    Ở đây lại xin nói một chút về tinh thần Phật giáo. Trong nhà Phật vốn không phân kẻ tăng người tục, không phân sang hèn. Cái thuyết của nhà Phật là xả bỏ, không vướng mắc. Chính Nguyễn Tuân tõ ra rất am hiểu tư tưởng này của nhà Phật. Đầu truyện, ông đã cho sư ông dạy chú tiểu rằng:

    "-... Cổng nhà chùa bao giờ cũng nên để ngỏ. Từ giờ chú nên nhớ: sáng sớm, tụng kinh nhật tụng và thỉnh chuông xong là phải mở rộng của chùa và tối đến, lúc nào học xong kệ thì mới đóng. Kẻo nữa khách thập phương dị nghị"

    Bỏ qua tình tiết vô lý rằng sư ông để khách quý đứng nắng chờ ngoài ngõ mà dặn dò mãi chú tiểu việc trong chùa, đoạn văn này cho thấy rõ sư cụ chùa Đồi Mai là một vị chân tu, cửa chùa của ông luôn rộng mở với khách thập phương.

    Vậy mà ngay đoạn sau thôi, cụm từ "khách thập phương" đầy khiêm cung đã đổi ngay thành "bọn tạp khách" cùng với hành động gây "phiền nhiễu" cho cửa chùa. Trong truyện, chùa Đồi Mai là cái vọng gác để từ đó người đọc theo dõi toàn bộ câu chuyện với cái tâm bình lặng, không thiên lệch. Thế mà Nguyễn Tuân lại phá bỏ hình ảnh ngôi chùa hiếu khách để lấy một hình ảnh xa rời cuộc sống đời thường.

    Các nhân vật trong "Vang bóng một thời" đều có tính cách, hành động kỳ lạ, thoát tục. Giữa họ và cuộc sống đời thường có một khoảng cách khá xa, làm cho họ thoát ly thực tại, họ chỉ là "cái bóng" của "một thời". Tính cách những nhân vật này phần nào ảnh hưởng bởi tính cách của chính Nguyễn Tuân, tác giả nổi tiếng là sành sỏi ăn chơi. Tuy nhiên Nguyễn Tuân đã quá tay khi áp đặt định kiến này lên cửa chùa, nơi mà tư tưởng của ông hoàn toàn xa lạ. Vô hình trung tác giả đã tự tay đập nát một hình ảnh đẹp mà mình dày công xây dựng để làm nền cho câu chuyện.

    Sư cụ chùa Đồi Mai, hốt nhiên hóa ra một bóng hình mờ nhạt, hóa ra không hơn một người kể chuyện để thuật lại lời ông cụ Sáu. Sư cụ không an nhiên, không thoát tục, sư cụ cũng chỉ là một ông già uống chè Tàu không sành sỏi mấy, trồng Chu Mặc Lan và tặc lưỡi mỗi khi phải ngắt hoa cắm vào chậu con. Sư cụ còn vướng mắc trần thế quá nhiều! Giá mà người ta bảo đó là một ông sãi, một ông từ, một ông thầy cúng... tưởng cũng không khác gì một ông sư. Vì nhà chùa mà còn phân "tạp khách" với "tiên khách" thì cửa chùa cũng khách sáo không kém cửa quan. Cái lẽ không vướng mắc của Phật hốt nhiên biến đi đâu mất.

    Cùng với những lỗi chết người khác trong truyện, việc thất bại trong xây dựng hình ảnh sư cụ chùa Đồi Mai đã chỉ ra tính thiếu thuyết phục của truyện ngắn "Những chiếc ấm đất". Viết về những đề tài đã thuộc về quá khứ không phải là việc dễ dàng, chúng ta khâm phục Nguyễn Tuân trong cái tài hoa của mình nhưng cũng phê bình nghiêm khắc những tác phẩm của ông. Từ đó, chúng ta thấy rõ vai trò quan trọng của khâu chuẩn bị tư liệu trong sáng tác văn học.

    Hạ Vy
  2. vu_ha_new

    vu_ha_new Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/01/2002
    Bài viết:
    1.293
    Đã được thích:
    0
    Thật ra mà nói thì Nguyễn Tuân là một nhà văn tuyệt vời. Những tác phẩm như "Chữ người tử tù" đã trở thành bất hủ. Nhưng cũng trong tập "Vang bóng một thời" mình thấy có nhiều truyện phi lý một cách khó hiểu. Những chi tiết tả cái tài của những nhân vật trong tác phẩm, như tài uống trà mà phát hiện ra mấy cái vỏ trấu trong đáy ấm, nó như chỉ là để nói mà không có cơ sở thật sự, làm mình có cảm giác nói như vậy mình có thể kể ra hàng trăm thứ tài khác nữa. Suy diễn thì cũng tốt, nhưng dựa trên cơ sở thực tế hơn một chút thì tốt hơn nhỉ.

    everything happens for a reason
  3. ha_vy_84

    ha_vy_84 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    02/08/2002
    Bài viết:
    340
    Đã được thích:
    0
    Theo Vy thì còn một chi tiết nữa khá vô lý, đó là một gia đình phú hộ đãi khách quý uống trà buổi sớm, mà lại để trong bình trà có lẫn đến "mươi mảnh trấu" thì thật là lạ.
    Đành rằng đó chỉ là những tiểu tiết, nhưng để những tiểu tiết thế này phá hỏng một tác phẩm văn chương thì thật là tiếc, chẳng khác nào uống trà có lẫn trấu.
    Hạ Vy

Chia sẻ trang này