1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Về Phật Giáo

Chủ đề trong 'Học thuật' bởi qwertzy2, 20/04/2005.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. qwertzy2

    qwertzy2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/01/2005
    Bài viết:
    612
    Đã được thích:
    0
    Về Phật Giáo

    Khi lật lại những trang lịch sử tôn giáo loài người, ta thấy rằng tự cổ chí kim, chỉ có bốn nhân vật là để lại được một tầm ảnh hưởng thách đố cả dòng thời gian. Bốn nhân vật đó chính là: Muhammad, Krishna, Đức Chúa Jesus và - một nhân vật thật đặc sắc và kỳ lạ - Đức Phật Thích Ca. Thật vậy, Đức Phật đặc sắc ở chỗ, vị thành lập tôn giáo này lại không có liên hệ gì đến Thượng Đế. Hãy lướt qua một lần nữa danh sách bốn nhân vật kia: Muhammad của Hồi Giáo là sứ giả của Thượng Đế, hay chính xác hơn là sứ giả cuối cùng của Ngài; Đức Chúa Jesus sau khi phục sinh đã lên trời ngồi trên cánh tay của Chúa Cha; còn Krishna thì thậm chí còn đi xa hơn: bản thân ông ta là Thượng Đế - hay nói cho thật chính xác, hoá thân thứ tám của vị thần tối cao Vishnu. Dù không có gia phả chung với một vị tối cao nào đó trên thiên đường, lời giảng dạy của đức Phật lại chứa đựng một sức sống thật dai dẳng; đức Thích Ca Mâu Ni là ai mà có những khả năng kỳ lạ như thế ?

    Khi bạn nghe hai tiếng Phật Giáo, dù bạn là người phương Đông hay phương Tây, có khả năng cao rằng bạn sẽ hình dung ra hình ảnh những người tham thiền một cách trầm lặng, hình ảnh những ngôi chùa mái cong, những ông hộ pháp hung tợn và những vị thần nhiều tay nhiều mắt. Đó chính là những ấn tượng mà đạo Phật thường để lại đối với khách thập phương, thường dân, du khách. Những người trí thức hơn một chút thì may ra liên tưởng Phật Giáo với một thứ triết lý dạy ta từ bỏ đời sống sôi động, hay dạy sự an phận thủ thường, vui hưởng thú quê trong một thế giới không có thánh thần. Thật hiếm có ai biết nhiều hơn.

    Trên cơ sở những quan sát trên, việc tìm hiểu đạo Phật một cách nghiêm túc là rất cần thiết.

    Vài lời về Ấn Độ cổ đại

    Phật giáo xuất hiện ở miền bắc Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Đạo Phật không hề xuất hiện một cách lạc lõng trong dòng lịch sử: thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch là một kỷ nguyên "trăm hoa đua nở", khắp nơi trên mặt đất xuất hiện rất nhiều dòng tư tưởng quan trọng. Ở Hy Lạp chúng ta có dòng tư tưởng Pythagore; ở Irăng xuất hiện Bái Hoả Giáo; ở Trung Hoa đạo Lão và đạo Khổng ra đời; và đạo Jain và đạo Phật ở Ấn Độ. Cần nói thêm rằng đây là một trong những giai đoạn "phục hưng" rất độc đáo đã xuất hiện một cách tuần hoàn trong lịch sử loài người, vào những lúc mà những hệ tư tưởng, những cấu trúc cũ đã đến chỗ quá sáo mòn, quá cứng nhắc. Nói một cách cụ thể, Phật giáo phát triển trên cơ sở đạo Bà La Môn - rất phổ biến ở Ấn Độ - đang trên đà xuống dốc.

    Trở về Ấn Độ, nên biết miền này vào khoảng 3500 năm về trước đã được người Aryan đến từ phương Bắc thâu phục và áp đặt hệ thống đẳng cấp (qua bộ luật Manu) vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay:

    (1) Cấp Bà La Môn (Brahmana) bao gồm những đạo sĩ có tầm hiểu biết rộng thuộc tộc Aryan, được đào tạo uyên bác, giữ giới hạnh của đạo Bà La Môn (mà sau này là Ấn Độ giáo) một cách nghiêm cẩn. Đẳng cấp này nắm giữ toàn bộ văn hoá, hiểu biết, học thuật của xã hội thời bấy giờ. Do đó, người Aryan có thể nắm giữ kiểm soát các giống dân khác một cách lâu dài. Ảnh hưởng của đẳng Bà La Môn lên xuống một cách tuần hoàn trong lịch sử, và vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, Bà La Môn đang trên đà xuống cấp, nhường ảnh hưởng lại cho giai cấp cai trị thứ hai:

    (2) Sát Đế Lỵ (Ksatrya), gồm những người thuộc dòng dõi vua chúa, những người "quý tộc" và những chiến binh. Nếu văn hoá nằm trong tay người Bà La Môn, người Sát Đế Lỵ lại nắm độc quyền về chính trị.

    (3) Phệ Xá (Vaisya), gồm những hạng người lao động bình dân: con buôn, nhà nông, công nhân. Bắt đầu từ đẳng này trở xuống là những người không được quyền học hỏi trong xã hội, và là nạn nhân của nhiều áp bức, bóc lột từ hai giai cấp trên.

    (4) Thủ Đà La (Soudra), là giai cấp nô lệ, bao gồm những sắc tộc, bộ lạc, thổ dân đã sinh sống ở Ấn Độ và bị người Aryan thu phục, nhất là nhóm người Dravidian ở miền Nam Ấn Độ. Đây là giai cấp hạ tiện nhất, nếu không kể nhóm người pariah còn hạ tiện hơn, và nhóm này thậm chí còn nằm ngoài các đẳng cấp xã hội.

    Sự xuất hiện của Phật giáo

    Ta có thể tưởng rằng một cuộc cách mạng - dù là tâm linh đi nữa - luôn bác bỏ tận gốc cái cũ: song sự xuất hiện của Phật giáo không đánh dấu việc lật đổ hoàn toàn hệ thống cũ. Mục đích của đức Phật không phải là làm một cuộc cách mạng tâm linh sỗ sàng. Đúng hơn, ngài phục chế "con đường cũ" - con đường mà những vị thánh Ấn Độ đời trước đã dùng để tìm đến chân lý - sao cho nó hưng thịnh hơn và bớt tính từ chương của Bà La Môn giáo. Ở đây có ta thấy có sự tương đồng khá lớn với đạo Chúa: Đức Chúa Jesus giáng trần không với mục đích để bác bỏ cái cũ, mà là để hoàn thiện chúng hơn. Và sự tương đồng bất ngờ giữa Phật và Chúa không dừng lại ở đó: một đạo truyền về phía Đông, một truyền về phía Tây, để rồi cả hai đều biến mất hầu như hoàn toàn ở quê hương xuất xứ của mình. Ngoài việc Không là một cuộc cách mạng tâm linh, nên biết sự xuất hiện của đạo Phật cũng không dẫn đến một cuộc cách mạng xã hội - là thứ mà chắc chắn không thể xảy ra vào bối cảnh xã hội Ấn Độ đương thời. Nói cho đúng thì cái thành công của Phật giáo không nằm ở chỗ nó giúp đả phá hệ thống giai cấp bấy giờ, mà là nhờ bản thân nó không có tính lễ nghi của đạo Bà La Môn, cho nên đã thu hút được một lượng đông đảo người mộ đạo đương thời.

    Bây giờ, chúng ta thử tóm tắt lại đời sống của đức Phật lịch sử. Theo sách vở thì vào một ngày đẹp trời nào đó, vào năm 624 theo truyền thống Pali - hay năm 543, 556, 558 theo những tính toán hiện đại - thái tử Gautama Siddharta đã ra đời trong vườn Lâm Tì Ni hoàng gia, thành Ca Tỳ La Vệ - một mảnh đất còn hoang sơ (chưa được aryan hoá) nằm về miền bắc Ấn Độ, rất gần với Nêpal ngày nay, dựa lưng vào dãy Hi Mã Lạp Sơn chót vót. Sự sinh đẻ của hoàng hậu Maya - thân mẫu Phật - mang nhiều màu sắc huyền bí và thần thoại hoá: bà đã được con bạch tượng sáu ngà báo mộng vài hôm trước. Cho đến ngày nay, vị trí nơi sinh vẫn còn có thể được xác định chính xác bởi trụ đá của vua Asoka (A Dục) để lại. Truyền thuyết bảo rằng, ngay sau khi ra đời, Gautama Siddharta đã đứng lên được, nhìn quanh để xác định phương hướng - một ẩn dụ cho sự "chiếm hữu" cả thế gian - và bước ngay bốn bước về phía Bắc.

    Cuộc đời niên thiếu của thái tử Siddharta được ghi chép khá rõ ràng: một cuộc sống xứng với giai cấp Sát Đế Lỵ hoàng gia, của ăn ngon mặc đẹp, và nhất là - để ngăn cản Ngài tìm đến con đường đạo hạnh theo lời tiên tri Asita (A Tư Đà) - thái tử Siddharta được gia đình hoàn toàn cách ly khỏi những cảnh sinh lão bệnh tử. Tuy nhiên, sự quyền quý và chức tước cũng như hôn nhân với công chúa Yasodhara (Da Giu Đà La), và kể cả sự hạ sanh của đứa con trai Rahula (La Hầu La), đã không ngăn cản được ý chí thoát trần của thái tử Siddharta. Một hôm đi chơi ngoại thành, thái tử đã phát hiện một cách bất ngờ bốn cảnh khổ đau của loài người, và một đêm, ngài lặng lẽ cùng con ngựa quý bỏ vào rừng, đi về hướng Đông Nam, về hướng nước Malla thuở ấy.

    Thoạt đầu, thái tử đi theo con đường của những nhà tu khổ hạnh. Tại thành Vaisali, ngày được vị đạo sĩ rất lỗi lạc Arada Kalama nhận làm đồ đệ và truyền dạy; sau đó tại thành Rajaghra (Vương Xá), thủ đô nước Magadha (Ma Kiệt Đà), ngài lại được ẩn sĩ lừng danh Rudraka Ramaputra (Uất Đầu Lam Phất) thu nhận. Cả hai vị thầy này đều là những hành giả du già, và giáo lý của họ không làm thái tử Gautama thoả mãn. Do đó, chẳng bao lâu, ngài cùng năm đệ tử khác (nhóm Kiều Trần Như) tách riêng. Lúc đầu họ tự hành xác một cách dai dẳng, đưa họ đến chỗ gần chết, nhưng không gần với Giác Ngộ hơn chút nào. Nhận ra rằng phương pháp khổ hạnh không đưa đến đâu, nhóm họ chia tay nhau và mỗi người tự tìm chân lý theo con đường riêng của mình.

    Một mình, thái tử Gautama đi thẳng đến Uruvilva (Ưu Lâu Tần Loa), gần thành Gaya, nơi mà không bao lâu sau, trong lúc toạ thiền trên đám cỏ cát tường, dưới tán cây bồ đề, bên bờ sông Nairanjana (Ni Liên Thuyền), thái tử Gautama giác ngộ. Nhà tu khổ hạnh đã trở thành Phật. Đức Phật ngẫm nghĩ một lúc về việc có nên giảng dạy những điều ngài vừa chứng được hay không, và cuối cùng ngài đã quyết định quay bánh xe chánh pháp: giai đoạn hoằng đạo bắt đầu. Tại Vườn Nai, thành Lộc Uyển (Sarnath) gần Ba La Nại (Varanasi), bài kinh đầu tiên đã được thuyết giảng, đối tượng nghe không ai khác hơn nhóm Kiều Trần Như.

    Một cách ngắn gọn, những cột mốc khác trong giai đoạn giảng pháp của đức Phật như sau: trở lại Ưu Lâu Tần Loa, đức Phật đã có buổi tiếp chuyện nổi tiếng với những người Bà La Môn thuộc dòng Kasyapa (Ca Diếp), tại Vương Xá, ngài được vua Bimbisara (Bình Sa hoặc Tần Bà Sa La) tiếp kiến và cũng tại đây, tăng đoàn đầu tiên được hình thành. Ở Sravasti (Xá Vệ), đức Phật được cấp một tịnh xá (vườn Jetavana). Ngày qua ngày, năm qua năm, bước chân hoằng pháp của đức Phật trên khắp vương quốc Ma Kiệt Đà đã dần dần gieo rắc cho mọi người triết lý về một "con đường ở giữa" (Trung Đạo). Cuối cùng, đức Phật nhập tịch tại thành Kusinagara (Câu Thi Na) vào khoảng 486 trước Công Nguyên.

    Được qwertzy2 sửa chữa / chuyển vào 20:40 ngày 20/04/2005
  2. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Thưa bác .Xin nhờ bác được chứ . Tui có hai bài kinh sau kính nhớ bác . Không biết bác có biết gì về nó không ? Vậy mong bác giúp cho cái lời của hai bài kinh được chứ .
    Tên bài :

    Mantra Of Avalokiteshvara
    Om Mani Padme Hum

    Kính mong nhờ bác . Và kính mong cả bác nào biết cho giùm .
  3. salett2

    salett2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/06/2004
    Bài viết:
    62
    Đã được thích:
    0
    Thật cũng ko hiểu gio_mua_dong muốn hỏi gì .
    Hì hì nhưng tài hạ nhớ câu thần chú Om Mani Padme Hum (Aum Mahi Padmé Hum hay Um Ma Ni Pat Me Hum) lúc bé ai mà chẳng đọc. Câu đó thật ra là câu Án Ma Ni Bát Di Hồng. Câu thần chú được xem là linh nghiệm nhất của Phật giáo Tây Tạng cũng như Phật giáo thế giới là Lục Tự Ðại Minh Chân Ngôn và là câu trừ tà ma của trẻ con thế mà bác lại bảo là ko biết thì lạ thật ?
  4. qwertzy2

    qwertzy2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/01/2005
    Bài viết:
    612
    Đã được thích:
    0
    Vậy thì tôi sẽ tạm lạc đề để giải thích sơ lược về câu Om Mani Padme Hum (mà tiếng Anh còn gọi là Mantra of Avalokiteshvara hay Chú Quán Thế Âm - thực ra hai cái chỉ là một):
    Om Mani Padme Hum, một bài kinh chỉ có 6 âm tiết, có lẽ là bài kinh và chú nổi tiếng nhất của đạo Phật. Nguyên văn bài chú này là bằng tiếng Phạn, xuất nguồn từ Phật Giáo Mật Tông của Tây Tạng. Tiếng Việt có khi phiên âm thành Úm ma ni bát rị hồng hay Án ma ni bát di hồng (và một số biến thể khác) còn tiếng Anh đã dịch thành Hail to the jewel in the lotus.
    Giải nghĩa
    Nghĩa của câu thần chú này còn được bàn cãi. Từ xưa đến nay, người ta thường hiểu theo nghĩa đen như sau:
    Ôm là tiếng khởi đầu cho mọi câu chú tiếng Phạn. Từ này có nghĩa khá mơ hồ, ám chỉ mọi chúng sanh, toàn thể vũ trụ. Mani là viên ngọc quý. Padme là hoa sen. Hum là ở trong. Do đó, 5 âm sau của câu chú có nghĩa là: viên ngọc quý nằm trong đoá sen, và từ Um ở đầu mang thêm cái ý: cầu chư thiên, chư Phật hộ trợ. Ngoài ra, còn có một vài lối giải nghĩa khác.
    Tuy nhiên, nếu ta căn cứ theo ngữ pháp tiếng Phạn mà nói thì bài chú này không thể có nghĩa đó được. Theo Gen Rinpoche, một tu sĩ Tây Tạng, mỗi âm tiết trong bài chú này có tác dụng tẩy rửa một phạm trù khác nhau của tâm thức. Một số tác giả khác lại cho rằng phần Manipadme chính là tên của Bồ Tát Quán Thế Âm. Người khác nữa lại cho là mỗi âm tiết tương ứng với một cõi tái sanh và việc niệm bài chú này ngăn cản sự tái sanh vào sáu cõi đó: Ôm là chư thiên và có tác dụng tránh cái khổ của chư thiên tức là tự cao, Ma tương ứng với atula và tránh cái đố kỵ của atula, Ni tương ứng với cõi người và giúp tránh ham muốn - tính chất của con người, Pa là súc sanh và tránh sự ngu si như động vật, Me tương ứng với ngạ quỷ và tránh cảnh nghèo đói dẫn đến tham lam, và cuối cùng là Hum với địa ngục và dùng để tránh hận thù.
  5. salett2

    salett2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    28/06/2004
    Bài viết:
    62
    Đã được thích:
    0
    Avalokiteshvara.
    Hì hì xin phép cho tài hạ nhiều chuyện một chút. Tài hạ nhớ cách đây cũng khá lâu hồi xem phim Tây Du Ký nhân đó bạn bè có tranh cãi khá nhiều giới tính của Bồ Tát. thật ra Bồ Tát là nam hay nữ ?
    Từ đó lại nảy ra thêm một tranh luận khác về thuật ngữ Avalokitesvara. lâu rồi lại thấy gio_mua_dong nhắc đến thuật ngữ Avalokitesvara nên lại thấy nhớ cố nhân.
  6. qwertzy2

    qwertzy2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/01/2005
    Bài viết:
    612
    Đã được thích:
    0
    Xin tiếp tục loạt bài chính. Chúng ta đã tóm tắt sơ về cuộc đời Đức Phật và sự xuất hiện của Phật giáo. Còn bây giờ, chúng ta xét tiếp về tiến trình bành trướng của đạo Phật.
    Thịnh và suy ở Ấn Độ
    Ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, cộng đồng những người tu Phật, hay Tăng Già, đã dần dần hình thành và ổn định ở một chỗ (ít nhất là vào mùa mưa, là thời gian đi lại khá khó khăn). Phái nữ được chấp nhận vào Tăng Già theo lời thỉnh cầu của Ananda (A Nan). Còn Chánh Pháp thì sẽ được kết tập qua ba thời kỳ sau khi Phật nhập diệt. Lần thứ nhất được Ma Ha Ca Diếp đề xướng ba tháng sau khi Phật nhập diệt, triệu tập 500 La Hán tại thành Vương Xá. Tại đây, ngài A Nan đọc lại Kinh, ngài Ca Diếp đọc Luận và ngài Ưu Bà Ly đọc Luật.
    Một trăm năm sau, đại hội kết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức tại thành Vaisali với 700 người tham gia. Lý do đại hội lần này là vì một số tì kheo cảm thấy cần thay đổi một vài giới luật trong Phật pháp. Tuy nhiên số khác lại không đồng ý, dẫn đến sự chia phái đầu tiên trong lịch sử Phật giáo: một bên ta có những tì kheo chính thống (còn gọi Thera hay Sthavira hay Trưởng Lão Bộ), và bên kia ta có phái Mahasanghika (Đại Chúng Bộ). Sự khác biệt giữa hai phái ngày càng đẩy chúng tách ra xa hơn.
    Trước khi đề cập đến kỳ kết tập lần thứ ba, chúng ta cần biết một vài điều về thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch ở Ấn. Đất nước Ấn Độ lúc này vừa trải qua cuộc xâm lăng của Alexandre Đại Đế và sự thành lập đế chế Maurya bởi Chandragupta. Vua Asoka Piyadasi lên ngôi vào năm 260 A.C., mở ra một thời kỳ thịnh trị cho Phật giáo trên và thậm chí ra ngoài đất Ấn. Vua Asoka đã có công ban rải Chánh Pháp ra các nước lân cận, xây dựng rất nhiều chùa tháp và thậm chí phái những nhà truyền giáo sang Tích Lan, Miến Điện và tận bán đảo Tiểu Á. Đại hội kết tập kinh điển lần thứ 3 - vào năm 241 - nằm trong giai đoạn cực thịnh này.
    Đại hội lần thứ 3 triệu tập một ngàn la hán, mục đích chủ yếu là để giải toả những mối bất đồng giữa các phái, các dòng tu khác nhau. Mối bất đồng về giới luật xuất hiện ở đại hội lần hai giờ đây đã lan ra thành mối bất đồng về chánh pháp. Chủ toạ đại hội là ngài Moggaliputta Tissa (Mộc Liên Tu Đế) vào cuối đại hội đã soạn ra quyển Kathavatthu (Những Điểm Dị Biệt) để bác bỏ những thuyết hoang đường, những lập luận không đứng vững của nhiều bộ phái. Tạng Vi Diệu Pháp được kết tập ở đây. Sau đại hội lần ba, ngài Sarvastivadin (Nhất Thiết Hữu Bộ) đã lui về ẩn mình trong khu vực ngày nay là Kashmir. Cũng sau đại hội này, con trai vua Asoka là ngài Mahinda đã mang Tam Tạng đến Tích Lan, nơi ngày nay còn lưu trữ nguyên vẹn bộ sách này.
    Khi băng hà, vua Asoka có ý nguyện nhường lại đế chế Ấn Độ - "từ đại dương này đến đại dương kia" - cho tăng chúng. Tuy nhiên những người kế thừa ông không có hảo tâm đó. Hơn nữa, triều đại Maurya sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 183. Nhà cầm quyền tiếp theo - ông Pushyamitra - lại là người chủ trương áp bức Phật giáo. Các tu sĩ đạo Phật dần dà trở nên thân mật hơn với đế quốc Hy Lạp, lúc bấy giờ trải xuống về phía Tây Bắc Ấn Độ. Cũng trong bối cảnh này, thánh giả Na Tiên (Nagasena) có lần đã tranh luận với hoàng đế Menandros người Hy Lạp, cuộc tranh luận đã cho ra cuốn sách nổi tiếng Milindapandha (Mi Lin Đa vấn đạo). Nghệ thuật Gandhara, xuất hiện một thời gian sau, có nguồn gốc ở những trao đổi văn hoá Ấn - Hy này.
    Nên biết rằng những hoàng đế xâm lăng - như Saka hay Parthes - cũng có vẻ thân thiện với đạo Phật. Vua Ca Ni Sắc Ca (Kaniska), đại đế Ấn Độ thời bấy giờ, cũng là một nhà hộ trợ lớn cho Phật Pháp. Giáo lý vào thời gian này cũng phát triển mạnh mẽ, với sự ra đời của hai bộ kinh mà ngày nay đã trở nên vô cùng quen thuộc: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma pundarika) và Kinh Bát Nhã (Prajnaparamita). Ngoài ra, Đại Chúng Bộ dần dần trở thành Đại Thừa (Mahayana).
    Hai từ Đại Thừa và Tiểu Thừa lần đầu xuất hiện trong kinh Pháp Hoa. Dần dần, ngài Long Thọ phát huy tư tưởng Đại Thừa một cách rất rõ ràng, nhất là trong tác phẩm Trung Quán Luận của ông. Đại Thừa xuất hiện không phải là như một giáo phái riêng, mà đúng hơn là một nỗ lực trở về nguồn gốc đã có ngay từ đầu nhưng không theo một cách tập trung nào cả. Đại Thừa nhanh chóng truyền bá về hướng Trung Á. Nhà Saka và nhà Kusan mang Phật giáo Đại Thừa đến Turkestan, rồi từ đó truyền vào Trung Quốc bằng cùng con đường vào thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên.
    Ngoài ra, một vài năm trước đó, nhóm Thera (Trưởng Lão Bộ) tập trung tại Tích Lan và đã tổ chức một đại hội tăng già lần thứ 4 dưới triều vua Tích Lan Vattagamani. Cần nhắc lại rằng Phật giáo đã truyền vào Tích Lan bởi Mahinda - anh hoặc con trai của vua Asoka. Ngài Mahinda chỉ đưa giáo lý vào Tích Lan bằng đường miệng, cho nên đại hội lần thứ tư có mục đích ghi chép giáo lý một cách tổng hợp, bằng tiếng Magadhi (Ma Kiệt Đà) và với bảng chữ cái của Tích Lan. Những văn bản được ghi chép từ nhiều nguồn được lưu trữ trong ba cái giỏ: một cái cho Luật (Vinaya), một cái cho Kinh (Sutta) và một cái cho Luận (Abhidhamma). Từ đó mới xuất hiện cách gọi Tam Tạng (Tipitaka) - nghĩa là ba cái rổ.
    Một thế kỷ sau đó, vua Kaniska làm một việc tương tự: triệu hồi 500 la hán tại Già Lan Đạt La (Jalandhara), ở Kashmir, để tổ chức một kỳ kết tập kinh điển khác. Lần này sẽ dùng tiếng Phạn, là thứ tiếng linh thiêng của phương Bắc và của giới Bà La Môn.
    Dưới triều đại Gupta, văn học, kinh tế, nghệ thuật phát triển rực rỡ. Vào thời này, ngài Vô Trước (Asanga) và ngài Thiên Thân đã (Vasubhandu) sáng lập ra đại học nổi tiếng Nalanda và sơn thạch động Ajanta. Tuy nhiên, ngài Pháp Hiển Thiền Sư, khi viếng thăm Ấn Độ, nhận xét rằng đây là thời gian Phật giáo thoái triển hoặc ít ra là gặp nhiều khó khăn. Ấn Độ không bao lâu lại bị người Hung Nô xâm chiếm và tàn phá một cách dữ dội vào thế kỷ thứ 5.
    Ngài Huyền Trang khi sang Thiên Trúc thỉnh kinh hai thế kỷ sau đó (thế kỷ thứ 7) vẫn còn thấy được sự tàn phá của cuộc xâm lăng này. Nói thêm một chút về thế kỷ thứ 7 ở Ấn, đây là thời đại mà ở phương Bắc, đức vua Harsa Vardhana trở lại ủng hộ tư tưởng của nhà vua Asoka đời trước, và hơn nữa ông còn cho đón tiếp nồng hậu những cao tăng của Trung Hoa sang hành hương. Song đây sẽ là thời đại thịnh trị cuối cùng của Phật giáo ở Ấn Độ. Ngay vào năm mà đức Huyền Trang rời Thiên Trúc, những cuộc xâm lăng của Hồi Giáo bắt đầu. Dần dà, xứ Ma Kiệt Đà - cái nôi của Phật giáo - trở thành chỗ nương tựa cuối cùng cho Phật giáo ở Ấn Độ. Năm 1197, khi hầu như toàn Ấn Độ đã bị thống trị, Bahtiyar Khiljii cho đập phá đại học Nalanda. Từ đây, Phật giáo có thể được coi như không còn tồn tại ở Ấn Độ.
    Nếu như hoàn cảnh lịch sử đóng một vai trò không nhỏ trong việc Phật giáo biến mất trên đất Ấn, thì nó lại không phải nguyên nhân duy nhất. Thật vậy, Tăng Già ở Ấn Độ thiếu đoàn kết ngay từ đại hội kết tập lần thứ 2 tại Vaisali, và những khác biệt này chỉ ngày càng lớn. Theo ngài Huyền Trang, các trường phái tu luôn luôn xung đột nhau và tiếng cãi của họ dâng cao hơn tiếng sóng biển. Có đến mười tám phái, và phái nào cũng tự xưng là tốt hơn cả.
  7. qwertzy2

    qwertzy2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/01/2005
    Bài viết:
    612
    Đã được thích:
    0
    Tại Trung Quốc
    Đạo Phật truyền ra khỏi Ấn Độ bằng hai nẻo đường chính. Thứ nhất, nó được truyền bằng đường biển về hướng Đông Nam vào Tích Lan và qua vịnh Bengal vào Miến Điện, Campuchia và Mã Lai; con đường này chủ yếu được phái Trưởng Lão Bộ sử dụng. Thứ nhì, đạo Phật được truyền về các tỉnh Tây Bắc và từ đó mon men vượt dãy Hi Mã Lạp Sơn. Đạo Phật truyền theo đường này là đạo Phật của Đại Chúng Bộ, và đây chính là cách mà đạo Phật đã được truyền vào Trung Hoa.
    Nếu như các nhà truyền giáo cũng đóng một vai trò nhất định, chúng ta có thể khẳng định rằng sự truyền bá Phật giáo vào Trung Hoa trước hết là công của những nhà buôn, những người mà vào thời bấy giờ đã ngang dọc khắp khu vực Trung Á để giao thương. Nói cho chính xác hơn, Phật giáo đã mon men theo Con Đường Tơ Lụa, vượt dãy Hi Mã Lạp Sơn, vào khu vực Kashmir và lòng chảo Tarim bằng cách đi vòng qua Tây Tạng, và cuối cùng đến Trung Hoa khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Con đường truyền pháp cũng chính là một trong những con đường giao thương lớn của Ấn Độ thời bấy giờ.
    Sự thành công của Phật giáo tại Trung Quốc là một sự kiện bất ngờ và vô cùng lý thú, bởi vì đạo Phật chủ trương những điều mà ta có thể nói hầu như đi ngược lại với tư tưởng Trung Hoa thời bấy giờ. Thật khó có thể tưởng tượng được một tộc người Hoa, vốn đam mê cuộc sống và không ngừng cố gắng để cải thiện nó, lại chấp nhận nổi cái chủ trương an phận thủ thường của Phật giáo ! Hơn nữa, ngoài vấn đề này ra còn có một vấn đề mang tính kỹ thuật: tiếng Trung Quốc, với hệ thống chữ tượng hình, tượng ý khá hạn hẹp, rất khó có thể dịch trôi chảy hệ tư tưởng vô cùng sâu sắc và phong phú của tư duy Ấn Độ xưa. Sự khác biệt tư duy và những khó khăn về mặt dịch thuật là một chướng ngại vật đáng kể mà những nhà truyền giáo và dịch thuật gặp phải.
    Một trở ngại thứ ba, cũng lớn không kém, là sự có mặt của những tín ngưỡng, tôn giáo bản địa. "Tôn giáo" của người Trung Quốc cổ đại là một thứ tôn giáo có nguồn gốc nông nghiệp, và xoay quanh những vấn đề có liên quan đến xã hội nhà nông. Dần dà những thay đổi của xã hội đã làm dạng tín ngưỡng truyền thống này mất đi, và thế chỗ cho một hình thức thờ cúng có tổ chức và ý nghĩa hơn: đạo Khổng. Cái canh tân lớn nhất của Khổng giáo so với tôn giáo quần chúng cổ đại nằm ở chỗ đạo Khổng không chừa một chỗ nào cho những vị siêu hình (thần, thánh...), mà đạo này dùng những nguồn lực cơ bản, phi nhân vật để giải thích vũ trụ. Nguyên lý Âm Dương là một ví dụ rất điển hình.
    Cũng theo đạo Khổng, thế giới không phải được tạo ra bởi thần thánh, mà là sản phẩm không ngừng của ba thế lực: Thiên (trời), Địa (đất) và Nhân (con người). Hoạt động của ba thế lực này được điều hoà bởi hai khí Âm Dương. Ngoài ra, trong ba thế lực này thì con người là thế lực duy nhất có khả năng tìm hiểu những cơ chế hoạt động, những quy luật của vũ trụ, vì đây là thế lực duy nhất có ý thức. Khi những quy luật, những cơ chế này được điều hoà thì mọi vật hoạt động tốt, nếu không, những sự bất cân bằng xuất hiện. Hơn nữa, con người theo đạo Khổng không phải con người - cá nhân, mà chính là con người - xã hội, được cụ thể hoá qua hình tượng vua chúa, triều thần và quan lại. Đạo Khổng rất thích hợp để duy trì hệ thống phong kiến và quyền lực của triều đình, nhưng không đủ để làm thoả mãn những nhu cầu thiết thực, nhân bản của người dân. Do đó, người dân dần dần quay mặt với đạo Khổng và quan tâm đến Lão Giáo.
    Đạo Lão là gì ? Đạo Lão trước hết là một tín ngưỡng cứu cánh - một tính chất làm cho nó dễ trà trộn với đạo Phật, và thật vậy, đạo Phật đã truyền vào Trung Hoa dưới cái lốt Lão giáo ! Đạo Lão đặt cá nhân lên trên đầu, chứ không phải xã hội - khác với đạo Khổng. Hơn nữa, cái cứu cánh của Lão Tử không phải là một dạng cứu rỗi sau khi chết, hoặc một dạng bất tử của linh hồn sau khi chết, mà nó là cái bất tử, cái trường thọ trong đời sống hiện tại. Đạo Lão do đó có thể được xem như một hệ thống phức tạp những phương pháp tập luyện để làm con người sống càng lâu càng tốt, sử dụng những thần dược, những bài tập thể chất , tinh thần khác nhau và khá đa dạng.
    Nói như vậy cũng đủ để thấy đạo Lão và đạo Khổng khác xa đạo Phật như thế nào. Chẳng hạn, Phật giáo không chủ trương có một linh hồn, hoặc một thể xác tồn tại một cách độc lập, không chối cãi được. Nhưng vấn đề đó sẽ bàn sau, bây giờ chúng ta tập trung vào khía cạnh lịch sử trước: đạo Phật đã truyền vào Trung Hoa dưới cái lốt của Lão giáo, và người Hoa xưa kia tưởng đạo Phật là một dạng thô sơ, hoặc biến dạng, của đạo Lão ! Ngay cả những người theo Lão cũng dần dần theo Phật, nhưng không hiểu giáo lý Phật, mà chỉ áp dụng những kỹ thuật rèn luyện - trong đó có ngồi kiết già, là thứ đã có sẵn ở Lão Giáo. Các nhà truyền giáo Phật giáo đến từ Ấn Độ cũng không chủ động làm thay đổi ngộ nhận này.
    Nói thêm về các nhà truyền giáo bấy giờ, họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc dịch văn bản Phật giáo từ tiếng Phạn qua tiếng Trung vì tiếng Trung Quốc chưa có những thuật ngữ thuần túy Phật Giáo. Do đó các dịch giả phải dùng tạm đến những khái niệm đã có sẵn ở Lão để giải thích Phật. Những người này, khi giảng pháp, cũng cố tình lảng tránh những vấn đề có khả năng làm bối rối người Hoa, như: sự bất trụ của cái tâm, của pháp giới, tính vô ngã... chẳng hạn. Họ chỉ giảng về luân lý (từ bi, hỉ xả ...), về một Niết Bàn rất vật chất và cụ thể, và về những kỹ thuật ngồi kiết già khác nhau. Tất cả những yếu tố trên đã làm cho đạo Phật gần gũi với người Trung Hoa, và do đạo Phật nhắm cá nhân làm đích, nó thậm chí còn lôi cuốn người Hoa hơn cả đạo Khổng. Và đạo Phật cũng không đả phá triều đình, nó dần dần cũng được thế lực phong kiến ưa thích.
    Bắt đầu từ thế kỷ thứ 4 trở về sau, nhiều cao tăng Trung Quốc nói tiếng Phạn thành thạo (như Huyền Trang), hay nhiều người Ấn nói tiếng Hoa thành thạo (như ngài Cưu Ma La Thập - Kumarajiva) ra đời. Họ đã dịch kinh văn từ tiếng Phạn ra tiếng Trung một cách chính xác hơn nhiều so với những gì đã được dịch trước đó. Cái lốt Lão giáo mà Phật giáo mang từ trước đến nay biến mất một cách bất ngờ ở Trung Hoa, người ta tranh cãi nhau về sự đúng đắn của Phật giáo nhưng đã quá trễ, đạo Phật đã bén rễ quá sâu ở Trung Hoa và chỉ có thể tiếp tục phát triển.
  8. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Dạ . Tiện thể thì Em vẫn hỏi ở đây . Bác gì đó mở topic thông cảm nhé . Em đưa cái bài đó lên đây các bác nghe xem có hiểu không ? Hiểu được thì giúp Em tìm lời của nó . Nó có hai phiên bản khác nhau . Nghĩa là nhạc khác nhau đó . Chứ lời chắc giống nhau cả mà thôi .
    Mantra Of Avalokiteshvara
    Om Mani Padme Hum bài này Em cũng có . Em không hỏi nữa vì nó chỉ hát đi hát lại có một câu .
    Em đưa lên các bác nghe coi sao nhé . Mà thêm Em chỉ để hai bài này có được ba ngày thôi . Rồi phải xoá . Các bác nghe giúp nhé . Cảm ơn nhiều
    Mantra Of Avalokiteshvara
    [​IMG]
    Mantra Of Avalokiteshvara​
    <P align=center><STRONG><A href="http://ttvnol.com/tamsu/127728/trang-7.ttvn">[blue]Ich Liebe Dich</FONT></A></STRONG></P>[/sign]
    Được gio_mua_dong sửa chữa / chuyển vào 19:43 ngày 05/05/2005
  9. qwertzy2

    qwertzy2 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    12/01/2005
    Bài viết:
    612
    Đã được thích:
    0
    Hờ, để luôn cũng được !!!!!!!!!!!! Xoá thì hơi uổng đấy.
    Bài trên là chú Địa Tạng. Nguyên văn tiếng Phạn là:
    Namo Ratna Trayaya, Namah Arya Jnana Sagara, Vairochana,
    Byuhara Jara Thathagataya, Arhate, Samyaksam Buddhaya,
    Nama Sarwa Tathagata Bhyay, Arhate Bhyah, Samyaksam Buddhe Bhyah, Nama Arya Avalokiteshvaraya Bodhisattvaya, Maha Sattvaya, Maha Karunikaya, Tadyatha, Om Dhara Dhara, Dhiri Dhiri, Dhuru Dhuru Itte Vatte, Chale Chale, Prachale Prachale, Kusume Kusume Vare, Ili Milli, Jiti Jvalam, Apanaye Soha.

    Thật ra rất khó có thể đọc theo lời hát khi nghe bài hát ở trên. Lý do là vì lời này là dạng phiên âm ra các ngôn ngữ Tây Phương còn ở trên hát bằng tiếng Phạn 100%, cho nên có sự chênh lệch khá lớn giữa âm và chữ viết.
    Được qwertzy2 sửa chữa / chuyển vào 22:36 ngày 05/05/2005
  10. gio_mua_dong

    gio_mua_dong Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/01/2002
    Bài viết:
    3.259
    Đã được thích:
    0
    Cảm ơn bác . Rất cảm ơn bác nhiều .

Chia sẻ trang này