1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Về Tchekhov và Shukshin

Chủ đề trong 'Nga (Russian Club)' bởi bittersweet, 17/07/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. bittersweet

    bittersweet Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    05/01/2001
    Bài viết:
    205
    Đã được thích:
    0
    Về Tchekhov và Shukshin

    Trong năm nay diễn ra hai ngày lễ kỷ niệm - 100 năm ngày mất của Anton Tchekhov và 30 năm ngày mất của Vaxili Shukshin. Ở cái đất nước đã bị thu nhỏ lại so với thời Tchekhov và Shukshin còn sống - nhưng dù sao vẫn là một đất nước lớn - sẽ diễn ra các hội nghị khoa học và các cuộc gặp trong văn giới, người ta sẽ quay phim truyền hình, viết báo và sẽ lại nghe ca khúc của nhóm "Liube" với những lời như "Tôi yêu Vaxili Shukshin". Trên nguyên tắc, mọi cái cần phải như thế. Theo dòng thời gian, lễ kỷ niệm ngày mất sẽ không còn là một ngày cay đắng, nỗi đau của sự mất mát sẽ nguôi ngoai dần, nhưng trường hợp Tchekhov và Shukshin thì không.
    Nhà văn ở Nga thường sống lâu. Tchekhov và Shukshin lại mất quá sớm: một nguời 44 tuổi, người kia 45, thế nhưng, dù yểu mệnh, hai ông đã kịp làm được nhiều hơn gấp bội những gì mà một đời người có thể làm, nước Nga đã phải chịu nỗi đau mất họ một cách đặc biệt nặng nề.
    Mười lăm năm sau lễ an táng hai ông với hàng nghìn người đưa tiễn, hai đế chế đã biến mất trên bản đồ - đế chế Nga (của Sa hoàng) và Liên Xô. Có lẽ việc hai ông không sống được đến ngày chứng kiến những sự suy vong đó có ý nghĩa riêng của nó. Không thể hình dung Tchekhov trở thành nhà văn Xô-viết như Gorki lẫn nhà văn Nga lưu vong như Bunin. Không thể nào hình dung Shukshin hóa ra thành viên của hội "Tháng tư"[1] hoặc thư ký của Hội nhà văn Nga, kẻ đả kích Elsin trên báo "Ngày mai". Đơn giản vì Elsin chính là nhân vật kinh điển của Shukshin. Có cái gì đó giống như ông nông dân cứng cỏi đội trưởng Shurygin, người luôn ngưỡng mộ việc đi nhanh.Tchekhov và Shukshin thuộc về thời đại của mình và được sống trong thời đại ấy để thể hiện nó đầy đủ và chính xác nhất. Tchekhov - những năm cuối cùng của một đế chế Nga già cỗi, Shukshin - sự tồn tại của Liên Xô được gói gọn vào giới hạn một đời người. Và lý do tại sao hai ông không viết tiểu thuyết mà chỉ viết truyện ngắn thật dễ hiểu. Hai ông cần phải kịp tạo nên càng nhiều càng tốt những nhân vật và những cảnh huống khác nhau nhất, khi tất cả những điều này còn chưa trôi qua và khi chính các ông còn đang sống. Hai ông hối hả làm công việc của mình, hơn nữa, ngoài văn học ra ở một người còn có nhà hát, người kia là điện ảnh. Mỗi người đều có một người vợ là nghệ sĩ...

    [​IMG]Cả Tchekhov lẫn Shukshin đều cảm nhận sâu sắc sự vô nghĩa của cuộc sống quanh mình. Tchekhov lột tả điều đó ngay trong những truyện ngắn đầu tiên của ông, từ Cái chết của một công chức đến vở kịch cuối cùng Vườn anh đào với nhân vật Gaevyi lố bịch và Petya Trofimovyi, kẻ "cao hơn tình yêu". Shukshin thể hiện cuộc sống qua tiếng nhạc thể dục vui nhộn phát ra từ chiếc loa phát thanh trên khắp các đường phố ở nông thôn trong truyện ngắn Mùa thu hay câu chuyện cay đắng về việc trong cửa hàng người ta đã xúc phạm anh chàng Sasha Ermolaev tốt bụng.
    Nhìn chung Shukshin trải nghiệm sự bất công của cuộc sống dưới thời Xô-viết một cách đau đớn và sâu sắc. Chính khi đọc những truyện ngắn của ông, ta sẽ hiểu rằng một đất nước với những con người như thế thì không thể tồn tại lâu dài. Vấn đề không đơn giản là do những âm mưu thâm độc của phương Tây hay "bọn gián điệp" trong hàng ngũ người mình. Nguyên nhân nằm ở chính con người. Những con người bình thường nhất.
    Mặc dù không phải người nhà quê, Tchekhov sinh ra, sống và qua đời ở một đất nước nông nghiệp. Ông không lý tưởng hóa đất nước đó mà viết những tác phẩm Tên tội phạm, Những người nhà quê, Ở trong khe. Shukshin sinh ra ở nông thôn nhưng lại mất ở thị thành. Trong mắt ông, nước Nga nông nghiệp khổng lồ đã xê dịch. Ông không khóc than đất nước đó và không tìm kiếm lý tưởng ở nó. Ông lưu lại bằng chứng khách quan và không định kiến về đất nước ấy: nó là như thế. Là chính Kostya Valikov, tên lóng là Aliosha Beskonvoynyi, người mà không một nông trang nào có thể bắt anh ta phá bỏ cái nhà tắm, là chính Gleb Kapustin đã "phạt" những người nổi tiếng từ xa đến. Là chính Monia Kvosov phát minh ra động cơ vĩnh cửu, cả chính tay xạ thủ cừ khôi Bronka Pupkov đã bắn trượt Hitler từ khoảng cách hai bước chân.
    Đọc Tchekhov ta sẽ hiểu vì sao, ở buổi giao thời giữa hai thế kỷ, nước Nga già cỗi đã đến giới hạn của nó và chính điều gì đã sinh ra cảm giác mệt mỏi và buông xuôi của một đế chế, cái cảm giác đã thúc đẩy nhân dân bình thản chấp nhận sự sụp đổ của triều đại Romanov[2] vào năm 1917. Cũng vậy, toàn bộ sáng tác văn chương của Shukshin chính là bản tường thuật chính xác vì sao cuộc thử nghiệm của Liên Xô đã không thành công và người Nga dưới thời Xô-viết thực ra là người như thế nào.
    Shukshin bi kịch hơn Tchekhov, giống như chính cái số ông phải thế. Ông viết những truyện ngắn trần trụi có những tiêu đề bất ngờ, gay gắt và với những nhân vật còn lạ lùng hơn - Mille pardon, Madame![3], Xin gửi lời chào Sivyi!, Hãy cởi mở tấm lòng. Cả ông lẫn Tchekhov đều không có ý định dọa nạt một người cụ thể nào. Cái trò cố tình hù dọa chỉ xuất hiện về sau.
    Nhưng điều thực sự đáng sợ ở Tchekhov là trong tác phẩm Buồn ngủ còn ở Shukshin là trong Xuraza hay truyện ngắn có tên gọi buồn cười Vợ tiễn chồng đi Paris. Truyện cuối này kể về một người nhà quê đã lấy một cô thợ may người Moskva kiếm được khá tiền làm vợ và, vì không chịu nổi cuộc sống đó lẫn những lời quở trách, đã tự tử - nói chung truyện ngắn không nói về thời Xô-viết mà về thời đại hôm nay. Đó là lời dự đoán về những gì sẽ xảy ra với chúng ta, ai sẽ là chủ nhân của cuộc sống mới và những gì sẽ xảy ra với những ai không hòa hợp được với cuộc sống đó. Chính Tchekhov trong vở kịch Vườn anh đào đã chỉ ra những người hòa hợp và không hòa hợp, những người cải tổ hay không cải tổ như thế.
    Cả hai ông đều không theo tôn giáo, thế nhưng chính nhà thờ lại lôi cuốn họ. Tchekhov viết Giáo chủ, Shukshin viết Tôi tin!Nghệ nhân, trong đó các cha xứ được thể hiện bằng một mô típ khá kỳ lạ. Nhưng qua thái độ hoài nghi của hai ông đối với giới tăng lữ, ta thấy họ tin và kiếm tìm chân lý nhiều hơn những người mộ đạo khác.
    Tchekhov đến Sakhaline để tìm hiểu cuộc sống của những tù khổ sai Nga, chính vì thế lời của Solzhenitsyn[4] "giá như những nhân vật trí thức của Tchekhov dự đoán được tất cả những gì sẽ diễn ra trong 20, 30 hay 40 năm nữa, thì hẳn họ sẽ trả lời được rằng sau 40 năm nữa ở Nga sẽ diễn ra việc điều tra bằng nhục hình, người ta sẽ kẹp sọ bằng chiếc vòng sắt..." chỉ thích hợp với những nhân vật của Tchekhov chứ không phải với bản thân tác giả. Còn Shukshin đã đến các trại và các nhà tù, quay phim Kalina đỏ, viết StepkaMuốn sống, những nhân vật trong các tác phẩm này đều bỏ chạy khỏi những nơi đó. 
    Tchekhov có Những người nhà quê, Shukshin trong Kalina đỏ đưa câu văn nổi tiếng "Ông ấy là người nhà quê. Mà những người như thế nước Nga có nhiều" vào lời một nhân vật. 
    Giờ đây cả cái này lẫn cái kia đã là lịch sử. Giờ đây có đất nước thứ ba[5]. 
    Tchekhov mất ở Đức, Shukshin mất tại sông Don, hai ông đều được đưa về Moskva và mai táng ở Novodevichie. Mộ của hai ông cách nhau vài chục mét, hai ông mất cách nhau 70 năm. Giới hạn một đời người. Cái khoảng cách được thu hẹp lại vì một điều gì đó. 
    Literaturnaya gazeta, số 12-13, 31/3-6/4/2004 Ảnh: Chân dung A. Tchekhov.Nguyễn Kiều Diệp dịch từ tiếng Nga
  2. hastalavista

    hastalavista Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/05/2001
    Bài viết:
    4.785
    Đã được thích:
    1
    Xìcăngđan quanh những cuộc tình của Anton Chekhov

    TT - Trong những ngày tháng 7-2004 này, nhiều tổ chức trên thế giới kỷ niệm 100 năm ngày mất của đại văn hào Nga Anton Chekhov. Nhưng một tiết lộ mới nhất, chưa rõ đúng sai, về những cuộc tình lãng mạn của nhà văn đã gây nên vụ xìcăngđan làm ảnh hưởng đến chuyện tổ chức kỷ niệm ngay tại nước Nga quê hương ông.
    Yuri Bychkov - kẻ phá bĩnh?
    Xìcăngđan bắt đầu nổ ra cách đây không lâu khi ông Yuri Bychkov, cựu giám đốc Viện bảo tàng Chekhov ở thị trấn Melikhovo, Nga - nơi nhà văn Nga Chekhov đã từng viết tác phẩm bất hủ Hải âu, vừa cho xuất bản một cuốn sách viết về đời tư của Chekhov mang tựa đề Những cuộc tình vụng trộm đầy bí ẩn của Chekhov dựa trên những bức thư tình chưa bao giờ được công bố của nhà văn.
    Yuri Bychkov rút ra kết luận: ?oNhà viết kịch và nhà văn Chekhov là một người có rất nhiều cuộc tình lãng mạn vụng trộm?. Theo Yuri Bychkov, mỗi lần Chekhov đến bất kỳ một thành phố nào thì hành trình của ông bao giờ cũng bắt đầu từ việc đến cầu nguyện ở nhà thờ và sau đó kết thúc bằng các cuộc tình trong nhà chứa địa phương. Tác phẩm của Yuri Bychkov còn kể lại quan hệ giữa Chekhov với hai người tình lãng mạn nhất, một người từ Nhật và người khác từ Ấn Độ.
    Sau khi cuốn sách của Yuri Bychkov ra mắt công chúng, số người đọc các tác phẩm của Chekhov ngày càng ít. Còn cộng đồng các nhà văn Matxcơva đã kịch liệt phê phán ông Yuri Bychkov.
    Họ cùng viết một bức thư ngỏ tỏ ý nghi ngờ kết quả nghiên cứu của Yuri Bychkov. Vì thế, Yuri Bychkov đã bị cách chức giám đốc Viện bảo tàng Chekhov. Bà Irina Gitovich, thư ký Ủy ban Chekhov thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, là một trong những người kịch liệt phê phán tác phẩm của Yuri Bychkov.
    Bà viết: ?oLàm thế nào có thể tưởng tượng được một tình huống như vậy? Học sinh Nga đến Viện bảo tàng Chekhov ở Melikhovo và đề nghị chúng ta kể cho họ nghe về những cuộc phiêu lưu tình ái của Chehkov qua các nhà chứa. Rõ ràng, ông Yuri Bychkov là một người không có đạo đức. Ông ta chỉ đơn giản muốn tạo ra một sự vinh quang cho riêng mình nhờ tên tuổi của Chekhov?.
    Vừa rồi, Yuri Bychkov lại cho xuất bản thêm một cuốn sách nữa kể về bảy năm cuộc đời của Chekhov ở Melikhovo và lại một lần nữa gây nên cuộc tranh cãi ầm ĩ ở Nga. Bà Irina Gitovich nói: ?oRất đáng tiếc là cuốn sách của Yuri Bychkov sẽ bán rất chạy. Nó được viết với một giọng rất bình dân, nếu không muốn nói là thô tục. Giống như Pushkin đã từng viết trong một bức thư gửi bạn: Những người thường dân bao giờ cũng cảm thấy sung sướng khi được biết về những khuyết tật tầm thường của những con người nổi tiếng, vì họ nghĩ rằng chính những khuyết tật đó cho phép họ cảm thấy sự giống nhau giữa họ với những con người vĩ đại?.
    Hiện tượng quay mặt với văn học nước nhà
    Nhưng rồi các chuyên gia nghiên cứu về Chekhov muốn bỏ ra ngoài tất cả những mâu thuẫn và tranh cãi để cùng phối hợp với nhau kỷ niệm 100 năm ngày mất của đại văn hào Chekhov. Các báo ở Nga đồng loạt đăng bài viết kỷ niệm với những tựa lớn như: ?oChekhov - con người, nhà văn và công dân Nga vĩ đại?.
    Nhạc viện Matxcơva đã tổ chức biểu diễn một tác phẩm âm nhạc vừa được phát hiện mới đây của Sergei Rachmaninov, sáng tác vào năm 1891, là năm nhạc sĩ thiên tài kết bạn với Chekhov. Một trong các nhà hát rối nổi tiếng của Matxcơva biểu diễn một số tác phẩm dựa vào các truyện ngắn của Chekhov.
    Tuy nhiên, điều đáng buồn là dù có những tình cảm nhiệt tình trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà văn, ở Nga hiện nay số người hâm mộ Chekhov không còn đông như trước.
    Trong khi các tác phẩm nổi tiếng của ông như: Vườn anh đào, Hải âu, Cậu Vania, Ba chị em rất được ưa chuộng và phổ biến ở phương Tây thì chính ở nước Nga, quê hương của nhà văn, Chekhov lại giống như một ngôi sao đang tàn. Gần đây, hoạt động dàn dựng quá tốn kém để biểu diễn tác phẩm Hải âu của nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Andron Konchalovsky đã bị thất bại, mặc dù kỹ thuật hóa trang chuẩn bị rất công phu và khá tốn kém. Ngôi mộ của nhà văn đầy vinh quang trên nghĩa trang Novodevits ở Matxcơva trước đây lúc nào cũng có hoa tươi thì giờ đây đang ở trong cảnh hoang tàn.
    Tất cả những người nghiên cứu về Chekhov đều thống nhất ở một điểm: thời kỳ vàng son của Chekhov đã không còn nữa. Bà Irina Gitovich phát biểu quan điểm cho rằng các trường học ở Liên Xô trước đây mặc dù có rất nhiều khiếm khuyết nhưng vẫn duy trì được một trình độ giáo dục có chất lượng cao nhất định. Còn hiện nay, nhiều học sinh của Nga ở lớp trên có thể biết nhà văn Lev Tolstoi viết tác phẩm Chiến tranh và hòa bình nhưng lại không biết ai là người viết nên tác phẩm Anna Karenina vì việc đó ?okhông ảnh hưởng gì lớn đến hòa bình thế giới?. Theo bà, điều đáng lo ngại nhất là lớp trẻ ngày nay đang mất dần khả năng cảm nhận bản thân mình và thế giới xung quanh. Trước mắt họ, tất cả chỉ toàn là những sắc màu và câu chữ hào nhoáng trên các mục quảng cáo các giá trị phương Tây.
    LÊ MINH QUANG
    (Theo Inosmi, The Daily Telegraph)

Chia sẻ trang này