1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Về vương quốc Phù Nam

Chủ đề trong 'Lịch sử Văn hoá' bởi macay3, 10/07/2014.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. macay3

    macay3 LSVH - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    26/10/2007
    Bài viết:
    2.931
    Đã được thích:
    1.543
    CÁC VƯƠNG QUỐC ẤN ĐỘ ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT VIỆT VÀ VÙNG ĐÔNG NAM Á TỪ THỜI CỔ ĐẾN GIỮA THẾ KỶ THỨ TƯ

    George Coedes
    Ngô Bắc
    dịch và phụ chú​

    [​IMG]

    Lời người dịch: Dưới đây là bản dịch Chương 3 của tác phẩm nhan đề The Indianized States of Southeast Asia của G. Coedès, một tác phẩm được xem như “kinh điển” bắt buộc phải học tại các đại học ngoại quốc, cho việc học hỏi và nghiên cứu về lịch sử ban sơ của vùng Đông Nam Á.

    Chương này trình bày về sự thành lập của các quốc gia thời cổ trên đất Việt như Phù Nam, Lâm Ấp tức Chàm hay Chiêm Thành sau này nhưng chưa đề cập đến Chân Lạp tức Căm Bốt sau này. Các vương quốc đầu tiên trên đất Việt này đều chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ nên các dịa danh và nhân danh bằng tiếng Phạn (Sanskrit) hay tiếng Pali của Ấn Độ đều đã đuợc phiên âm và ký tự sang Hán ngữ trong các văn bản tham chiếu của Trung Hoa. Vì trong nguyên bản không có mặt chữ của Hán Tự để tra cứu và đối chiếu mà chỉ có phần ký âm nên trừ rất ít trường hợp gặp từ ngữ thông dụng và không có gì phải nghi ngờ, người dịch giữ nguyên các địa danh hay nhân danh như đã ký âm trong nguyên bản



    Các yếu tố khác nhau được phân tích ở chương trước đã dẫn đến sự tạo lập các quốc gia Ấn Độ nhỏ được cai trị bởi các lãnh tụ mang tên bằng tiếng Phạn (Sanskrit) (*a). Các quốc gia này bắt đầu xuất hiện vào lúc khởi đầu của thế kỷ thứ ba sau Dương Lịch, do đó xác nhận các dữ liệu trong các danh biểu địa dư của Ptolemy (1) (*b).

    Các quốc gia này chỉ để lại một ít vết tích khảo cổ học hay văn bia từ thời kỳ trước thế kỷ thứ năm. Chúng ta biết rất ít về phần lớn các vương quốc đó trước nhật kỳ nêu trên ngoại trừ các quốc hiệu được đề cập tới bởI Ptolemy, bởi Nghĩa Thích Kinh Niddesa (*c), và, quan trọng hơn hết, bởi các sử ký biên niên của các triều đại Trung Hoa, có ghi chép một cách kỹ lưỡng các sứ đoàn ngoại giao đến từ vùng biển Nam Hải. Vị trí của phần lớn các quốc gia này không chắc chắn hay chỉ được phỏng chừng.

    Vương quốc nhỏ nhất của các xứ sở này thường sẽ lọt vào quỹ đạo của các vương quốc hùng mạnh nhất — những vương quốc nhất thiết có một tương lai tươi sáng, mà lịch sử của chúng có thể được phác họa lại từ các văn bản và văn bia của Trung Hoa.


    1. KHỞI THỦY CỦA PHÙ NAM (THẾ KỶ THỨ NHẤT SAU DƯƠNG LỊCH):

    Vương quốc quan trọng nhất trong những vương quốc này hiển nhiên là quốc gia mà Trung Hoa gọi là Phù Nam (Funan). Danh xưng này là sự phát âm theo Quan Thoại hiện nay của hai từ đã từng được đọc là b’iu-nâm (2), vốn là ký tự của chữ Khmer cổ bnam, có cách viết hiện đại là phnom, “núi đồi”. Các vị vua của xứ sở này bao gồm trong vương hiệu của họ thành ngữ “vua núi” (king of the mountain) –trong Phạn ngữ (Sanskrit) là parvatabhupala hay sailaraja, trong tiếng Khmer là kurung bnam (3). Người Trung Hoa đã đi đến việc chỉ danh xứ sở bằng vương hiệu này.

    Trung tâm của xứ sở tọa lac tại vùng hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long, nhưng lãnh địa của nó vào thời cực thịnh bao gồm cả miền nam Việt Nam, miền trung sông Cửu Long, và phần lớn Thung Lũng sông Menam cùng bán đảo Mã Lai. Thủ đô của nó trong một thời kỳ là Vyadhapura, “thành phố của những người săn bắn” (the city of hunters) (4) – trong Hán ngữ là T’e mu, có thể là ký tự của một từ ngữ trong tiếng Khmer (dmâk, dalmâk) có cùng một ý nghĩa (5). Thành phố tọa lạc ở vùng lân cận ngọn đồi Ba Phnom và làng Banam, hai địa điểm trong tỉnh Prei Veng của Căm Bốt mà, trong danh xưng của chúng, được lưu truyền mãi đến thời đại chúng ta để ghi nhớ địa danh cổ xưa này. Theo Sử Ký nhà Lương (History of the Liang) (6) thủ đô này nằm cách bờ biển 500 lí (dặm) (200 km). Khoảng cách này gần tương đương với khoảng cách từ Ba Phnom với địa điểm Óc Eo (7), nơi có tọa lạc, nếu không phải chính là một hải cảng, thì ít nhất cũng là một thị trường có các thương nhân ngoại quốc đến cư ngụ.

    Những tin tức đầu tiên về Phù Nam đến từ một bản tường trình bởi phái bộ của các sứ giả Trung Hoa K’ang T’ai và Chu Ying là những kẻ đã đến thăm viếng xứ sở này vào giữa thế kỷ thứ ba (8). Bản gốc của sự tường thuật của họ đã thất lạc, nhưng vẫn còn lại các đoạn trích dẫn nằm rải rác trong các biên niên sử và trong nhiều bộ toàn thư. Những tài liệu này, cùng với một bản văn bia bằng tiếng Phạn hồi thế kỷ thứ ba, tạo thành tư liệu căn bản của chúng ta về hai thế kỷ đầu tiên trong lịch sử của vương quốc này.

    Theo K’ang T’ai, nhà vua đầu tiên của Phù Nam là một kẻ nào đó tên là Hun-t’ien, tức là Kaundinya, đến hoặc từ India hay từ Bán Đảo Mã Lai hay các hòn đảo ở phương nam (9). Vị vua này, nằm mơ thấy vị thần bổn mạng trao một nỏ thần cho ông ta và chỉ thị ông leo lên một thương thuyền lớn, ra đi trong buổi sáng để tiến đến một ngôi đền, nơi mà ông ta tìm thấy một cái nỏ dưới gốc cây của vị thần. Rồi thì ông ta đã bước lên một chiếc thuyền, mà vị thần đã cho cập bến vào Phù Nam. Vị hoàng hậu của xứ này, Liu-ye, “Willow Leaf: Liễu Diệp (?)”, muốn cướp đoạt chiếc thuyền và cầm giữ nó, vì thế Hun-t’ien đã bắn một mũi tên từ nỏ thần của mình xuyên qua chiếc thuyền của Liu-ye. Qúa sợ hãi, hoàng hậu bèn đầu hàng, và Hun-t’ien đã lấy bà ta làm vợ. Nhưng, không hài lòng khi thấy bà ta trần truồng, ông đã dùng một mảnh vải gấp lại làm thành quần áo mà ông đã bắt bà ấy mặc chui qua đầu. Sau đó ông cai trị đất nước và truyền ngôi lại cho các hậu duệ của mình.

    Đây là dịch bản của Trung Hoa về các nguyên ủy vương triều xứ Phù Nam. Bản dịch này rõ rệt là một bản dịch sai lệch từ một chuyện thần thoại của Ấn Đô, được kể lại một cách trung thực hơn bởi một văn bia bằng Phạn Ngữ của xứ Chàm (10). Theo bản dịch này, vị tăng lữ Kaundinya, nhận được một cây dáo (lao) dài từ vị tăng lữ Asvatthaman, con của Drona, đã phóng lao đi để đánh dấu địa điểm của kinh đô tương lai của mình, sau đó đã cưới một công chúa con của vi vua Nagas [vua Rắn trong truyền thuyết của Ấn Độ?, chú của người dịch] tên là Soma, người đã sản sinh ra một giòng dõi hoàng tộc (11) . Sự phối hôn huyền bí này — vốn vẫn còn được truy niệm tại triều đình Angkor vào cuối thế kỷ thứ mười ba trong một nghi lễ được nhắc tới bởi vị sứ giả Trung Hoa tên Chou Ta-kuan (Châu Đạt Quan) (12), và các biên niên sử hiện đại của Căm Bốt vẫn còn lưu giữ truyền ức này (13) — thì giống hệt với câu chuyện mà các vị vua Pallava của vùng Kanchi, miền Nam Ấn Độ, xác nhận mình là hậu duệ (14). Tuy nhiên, đã có những ý kiến khác nhau về nguồn gốc mơ hồ của chủ đề thần thọai này (15).

    Trong bất kỳ trường hợp nào, các biến cố lịch sử bó buộc phải phù hợp với bố cục này đã không thể nào xảy ra sau thế kỷ thứ nhất theo Dương Lịch, bởi ngay từ lúc khởi đầu của thế kỷ thứ nhì kế đó chúng ta tìm thấy các nhân vật lịch sử Phù Nam với sự xuất hiện được ghi nhận bởi văn bia và các sử gia Trung Hoa.

    Theo Sử Ký nhà Lương (History of the Liang), một trong những hậu duệ của Hun-t’ien, tên là Hun-p’an-huang trong Hán ngữ, đã hơn chín mươi tuổi vào lúc từ trần. Ông này được kế vị bởi “con trai thứ nhì của mình tên P’an-p’an, là kẻ đã giao thác việc trông coi sự cai trị của mình cho vị tướng quân tài giỏi là Fan Man,” (16) vốn có tên đầy đủ là Fan Shi-man, theo Sử Ký của nhà Ch’i phương Nam (History of the Southern Ch’i). (17)” Sau ba năm trị vì, P’an-p’an băng hà. Toàn thể thần dân của vương quốc đã tuyển chọn [Fan Man] làm vua. Ông ta là một người can đảm và có khả năng. Một lần nữa, với đội quân hùng mạnh của mình, ông ta đã tấn công và khuất phục các vương quốc láng giềng; và tất cả các vương quốc này đều trở thành nước thần phục ông ta. Ông tự đặt vương hiệu của mình là Đại Quốc Vương của Phù Nam. Sau đó ông ra lệnh đóng chiếc thuyền lớn, và lái thuyền trên khắp vùng biển mênh mông ông đã tấn công hơn mười vương quốc, trong đó bao gồm cả Ch’u-tu-k’un, Chiu-chihm và Tien-sun. Ông đã mở rộng lãnh thổ của mình đến năm hay sáu nghìn lý ( li: dặm)” (18)


    2. CÁC VƯƠNG QUỐC ẤN ĐỘ TẠI BÁN ĐẢO MÃ LAI TRONG THẾ KỶ THỨ NHẤT KỶ NGUYÊN THIÊN CHÚA

    Rolf Stein đã tin rằng trong văn bản trên Ch’u-tu-k’un phải được đọc là Ch’u-tu, Tu-k’un, vân vân, và rằng Ch’u-tu phải được xác định là Ch’u-tu-ch’ien (hay –kan), là xứ mà ông tin là tương ứng với xứ Kattigara của Ptolemy (19). Xứ sở này, được tạo lập bởi các di dân từ vùng Chu-wu (bắc Quảng Trị, giữa Cửa Tùng và Cửa Việt), phải được truy tìm tại vùng Cochin-china, nơi mà những cuộc nghiên cứu gần nhất cũng có khuynh hướng xác định địa điểm của Kattigara (20). Nhưng có lẽ phải tách rời Ch’u-tu-k’un với Ch’u-tu-ch’ien.(21)

    Tien-sun chắc chắn là đồng nhất với Tun-sun, xứ mà một bản văn thời thế kỷ thứ năm- đến thế kỷ thứ sáu mô tả như là một xứ lệ thuộc của Phù Nam (22). Chúng ta có thể chấm định xứ này với một vài xác xuất trên vùng Bán Đảo Mã Lai, và một cách khá chính xác hơn trên hai bờ biển của eo đất Kra (23); các dữ liệu rải rác có được về các xứ sở khác cũng chỉ hướng về cùng chiều hướng này (24). Các cuộc chinh phục của Fan Shih-man khi đó môt phần sẽ phải xảy ra trên vùng bán đảo, nơi mà một số văn bản khác của Trung Hoa đã tiết lộ sự hiện hữu của nhiều tiểu vương quốc Ấn Độ hóa ở một thời kỳ rất sớm.

    Một trong những nước cổ xưa nhất này có vẻ là nước Lang-ya-hsiu, mà sự thành lập đã được Sử Ký nhà Lương (502-556) ghi nhận vào khoảng “hơn 400 năm trước đó.” (25) Vương quốc này, sẽ tái xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ bẩy dưới các tên Lang-chia-shu, Lang-ya-ssu-chia, vân vân, chính là vương quốc Langkasuka trong các biên niên ký của Mã Lai và đảo Java (26); danh xưng của nó tồn tại trong địa dư hiện đại dưới tên của một chi lưu chảy vào nhánh thượng nguồn của giòng sông Perak River (27). Xứ này phải nằm dọc theo hai bên sườn của bán đảo và có sự tiếp cận cùng một lúc với Vịnh Thái Lan nơi miền Pattani (28) và với Vịnh Bengal, phía bắc Kedah, nhờ thế kiểm soát được một trong những con đường chuyển vận trên đất liền như đã thảo luận trong chương trước đây.

    Tambralinga, nằm bên bờ biển phía đông của Bán Đảo Mã Lai giữa Chaiya ở hướng bắc và Pattani ở hướng nam, có trung tâm tại vùng Ligor (29), nơi có một văn bia bằng tiếng Phạn có nhật kỳ từ thế kỷ thứ sáu hay sau đó (30). Sự đề cập đến nó trong kinh Phật Giáo bằng tiếng Pali (*d) (Niddesa; Nghĩa Thích Kinh) bằng danh từ “Tambalingam” (31) chứng tỏ rằng vương quốc này đã sẵn hiện hữu vào khoảng thế kỷ thứ nhì.

    Trường hợp tương tự cũng xảy ra với Takkola (32), được trích dẫn trong một văn bản Phật Giáo khác, với tên Milindapanha; đã có một sự đồng ý chung rằng thị trấn này tọa lạc tại Takuapa nằm bên bờ biển phía tây của eo đất Kra hay có thể xa hơn về phía nam (33). Về hải cảng mà địa danh được ký tự sang Hán ngữ là T’ou-chu-li và đôi khi được đồng nhất hóa với Takkola, Paul Wheatley (34) vạch cho thấy rằng danh từ này trong thực tế là Chu-li và rằng nó tương đương với địa danh Koli của Ptolemy, có lẽ ở vùng cửa sông Kuantan. Chính từ địa điểm này mà sứ đoàn được Phù Nam phái đi sang Ấn Độ hồi thế kỷ thứ ba đã bước xuống tàu.

    Nếu chúng ta không kể đến các ngôi mộ bằng đá tảng khổng lồ tại Perak và Pahang và những sự khám phá các ngọc trai Ấn Độ và “La Mã” tại Kota Tingi vùng Johore (35), vốn thuộc vào lãnh vực lịch sử nguyên thủy (proto-history), chính là từ vùng Kedah và vùng Perak mà các di tích khảo cổ và văn bia cổ xưa nhất của Bán Đảo Mã Lai đã được phát hiện.

    Những sự khám phá đó tại Kedah thuộc về nhiều thời kỳ khác nhau. Chúng chứng thực tính cổ xưa của địa điểm này, mà chúng ta sẽ lại đựoc nghe thấy sau này dưới tên trong Phạn ngữ là Kataha và trong tên bằng Hán ngữ là Chieh-ch’a. Nhưng, như các văn bia và các khám phá khảo cổ khác (36), chúng cũng không có nhật kỳ lùi xa như của Ptolemy, của Nghĩa Thích Kinh Niddesa, hay các văn bản của Trung Hoa, tức, lùi xa mãi đến tận thời kỳ có các cuộc chinh phục của Phù Nam trên vùng bán đảo. (37)


    3. PHÙ NAM (THẾ KỶ THỨ NHÌ ĐẾN THẾ KỶ THỨ BA):

    Thật khó để xác định chính xác phạm vi của các cuộc chinh phục của Fan-Shih-man. Có lý do tốt để xem tên gọi của ông ta như là tiếng phiên dịch từ tên của nhà vua Sri Mara vốn được đề cập đến trong bia đá khắc chữ Phạn đầy cổ kính tại Võ Cạnh (trong vùng Nha Trang) (38). Văn bia này từ lâu được nghĩ là của người Chàm (39), nhưng vào năm 1727 Louis Finot đã gán nó cho một vương quốc chư hầu của Phù Nam (40). Nếu lý lịch của Sri Mara (41) đồng nhất với Fan Shih-man là chính xác, bia ký — vốn phát sinh từ một hậu duệ của Sri Mara là người đã trị vì, theo phán đóan từ bản bia ký, trong thế kỷ thứ ba — phải được xem là một trong những nguồn tư liệu về lịch sử của Phù Nam. Điều hiển nhiên từ bia ký này là vào thời điểm tấm bia đuợc khắc và tại vùng mà bia được dựng (tức vùng Khánh Hòa ngày nay), Phạn ngữ đã là ngôn ngữ chính thức của vương triều.

    Các văn bản Trung Hoa đã dẫn cho chúng ta biết rằng nhà chinh phục vĩ đại Fan Shih-man đã chết trên đường viễn chinh chống lại xứ Chin-lin, hay Biên Cương Vàng (Frontier of Gold), là địa danh, mà chúng ta có lý do để tin tưởng, tương đương hoặc với Suvannabhumi, xứ Đất Vàng (the Land of Gold) trong các văn bản tiếng Pali (Ba Lị), hay với từ Suvarnakudya, Bức Tường Vàng (the Wall of Gold) trong các văn bản tiếng Phạn (vùng Hạ Miến (Lower Burma) hay Bán Đảo Mã Lai) (42). Một người cháu trai của Fan Shih-man, tên Fan Chan, hạ sát người kế ngôi chính thống, Chin-cheng, và chiếm đoạt quyền hành. Nhưng khoảng hai mươi năm sau, Fan Chan bị ám sát bỏi một người con trai của Fan Shih-man tên là Ch’ang. Sự trả thù này không phải là không có hậu quả, bởi đến lượt Ch’ang đã bị hạ sát bởi một viên tướng tên là Fan Hsun, kẻ đã tự xưng lên ngôi vua.

    Những biến cố này đã xảy ra vào khoảng giữa năm 225 và năm 250 (43), và trong thời khoảng giữa hai năm này, dưới thời trị vì của Fan Chan, Phù Nam đã tiến tới sự quan hệ với triều đại Ấn Độ tại Murundas và đã gửi sứ đoàn đầu tiên đến Trung Hoa. Tôi có nhấn mạnh ở đâu đó (44) rằng tầm quan trọng của “biến cố này, vốn có liên hệ đến các sự quan tâm về thương mại nhiều hơn về các tham vọng chính trị, mang lại một tầm quan trọng nào đó cho thời trị vì của vị vua này. Trong thời này, tức thời Tam Quốc, miền nam nước Trung Hoa (nước Ngô) nhận thấy rằng nó không thể xử dụng đường bộ bị kiểm sóat bởi nước Ngụy để giao thương với phương Tây, đã tìm cách thụ đắc bằng đường biển các xa xỉ phẩm mà nó mong muốn (45). Bấy giờ Phù Nam chiếm ngụ một vị trí ưu việt trên lộ trình hải thương và tất yếu trở thành một trạm giữa đường cho các thủy thủ đi qua Eo Biển Malacca cũng như cho các thủy thủ, nhiều hơn gấp bội, đi ngang qua các eo đất của Bán Đảo Mã Lai. Có thể Phù Nam còn là trạm chót cho cho hải trình từ phía đông Địa Trung Hải, nếu quả thực Kattigara của Ptolemy nằm ở bờ biển phía tây của Cochin China.”

    “Thời trị vì của Fan Chan thì quan trọng,” như Paul Pelliot viết (46); “chính kẻ tiếm ngôi này đã là người đầu tiên thiết lập các quan hệ chính thức và trực tiếp với các ông hòang của Ấn Độ. Một văn bản của thế kỷ thứ năm cho biết rằng một nhân vật nào đó tên Chia-hsiang-li, bản dân của xứ mang tên T’an-yang, có vẻ tọa lạc tại miền tây Ấn Độ, đã đến Ấn Độ, và từ đó [Ấn Độ ?, chú của người dịch] sang Phù Nam. Chính nhân vật này đã truyền dạy cho nhà vua Fan Chan những điều kỳ diệu mà quốc gia này có thể phô diễn cho du khách, nhưng cuộc du hành quá lâu; vừa đi và về có thể kéo dài ba năm và có thể đến bốn năm. Có phải là nhà vua Fan Chan đã bị quyến rũ bởi sự tường thuật của Chia-hsiang-li hay không? Ít nhất chúng ta biết được từ một ngồn tư liệu đáng tin rằng nhà vua có gửi một trong những thân nhân của ông tên là Su-wu đi trong một sứ đòan sang Ấn Độ. Nhân vật này lên tàu từ T’ou-chu-li, có lẽ là Takkola (47), cho thấy rằng ảnh hưởng của Phù Nam đã vươn xa tới tận vùng Ấn Độ Dương vào lúc đó. Sứ đòan đã đến cửa sông Ganges và ngược dòng lên đến thủ đô của một ông hòang không còn gì ngờ vực, như Sylvain Lévi đã nhận ra, thuộc một triều đại Murunda. Nhà vua Ấn Độ đã dẫn các khách ngọai quốc đi một vòng thăm xứ sở của mình; sau đó nhà vua chia tay với đòan khách, gửi cho họ bốn con ngựa của xứ Indo-Scythian như một quà tặng lên vị vua của đòan khách và cho một người Ấn Độ tên Ch’en-sung đi tháp tùng. Vào lúc mà Su-wu trở lại Phù Nam, bốn năm đã trôi qua kể từ ngày khởi hành.”

    Cũng chính Fan Chan, theo Sử Ký Thời Tam Quốc (History of the Three Kingdoms), là người vào năm 243 “đã gửi một sứ đòan (đến Trung Hoa) để trao tăng vật gồm các nhạc sĩ và các sản vật của xứ sở.” (48)

    Liệu cũng chính ông đã là tác giả của bia ký bằng tiếng Phạn đã trích dẫn ở trên, và là người mà văn bản này đã chỉ danh như là một thành viên của gia đình Sri Mara hay không? Điều này không phải là không thể xảy ra, bởi Fan Chan, con trai của người em (hay chị) gái của Sri Mara, rất có thể đã tuyên nhận là có quan hệ với vị vua tiền nhiệm.

    Kẻ tiếm ngôi Fan Hsun, người kế ngôi Fan Chan sau khi đã hạ sát một người con trai của Fan Shih-man, đã tiếp kiến ở thời điểm nào đó trong khỏang giữa năm 245 đến năm 250 phái bộ Trung Hoa gồm K’ang T’ai và Chu Ying, là những người đã gặp một sứ gỉa của Murundas tại triều đình của vua Fan Hsun. (49)

    Phái bộ Trung Hoa này đã thiết lập quan hệ với Phù Nam đưa đến sự sai phái từ vua Fan Hsun một lọat các sứ đòan sang Trung Hoa trong thời khỏang từ năm 268 đến năm 287. Những sứ đòan này đã được đề cập đến trong Sử Ký nhà Tần (History of the Chin) (50) Ba sứ đòan sau cùng, từ năm 285 đến năm 287, có lẽ là kết quả của sự phục sinh thương mại hàng hải sau khi có sự thống nhất Trung Hoa bởi nhà Tần vào năm 280, một sự thống nhất đã kích thích một ước muốn gia tăng về phía triều đình đối với những sản phẩm và xa xỉ phẩm nhập cảng từ những xứ sở ở phương nam.

    Rõ rệt là nhờ ở K’ang T’ai mà chúng ta đã có được các thông tin đầu tiên về xứ sở này: “Có những ngôi làng có tường bao quanh, các dinh thự, và các nhà ở. Đàn ông đều xấu xí và đen đủi, tóc quăn; họ gần như trần truồng và đi chân không. Bản chất của họ thì đơn giản và họ hòan tòan không có khuynh hướng ăn trộm gì cả. Họ dồn năng lực vào việc canh nông . Họ gieo hạt giống một năm và gặt hái cho ba năm [? nguyên văn không rõ nghĩa, chú của người dịch] Ngòai ra, họ thích chạm trỗ đồ trang trí và đục đẽo. Nhiều vật dụng ăn uống của họ làm bằng bạc. Thuế khóa được nạp bằng vàng, bạc, ngọc trai, dầu thơm (nước hoa). Có sách vở và các kho ký thác văn khố và các vật dụng khác. Chữ viết của họ giống như thứ chữ của người dân Hồ (Hu) [một sắc dân ở Trung Á Châu xử dụng chữ viết có nguồn gốc Ấn Độ].” (51)

    4. CÁC BƯỚC KHỞI ĐẦU CỦA VƯƠNG QUỐC CHÀM (CHAMPA): LÂM ẤP (LIN-YI) (TỪ CUỐI THẾ KỶ THỨ NHÌ ĐẾN GIỮA THẾ KỶ THỨ TƯ}


    Sử Ký nhà Tần có bao gộp một báo cáo vào trong tiểu sử của T’ao Huang, thái thú Trung Hoa tại Đông Kinh [tức bắc Việt Nam ngày nay, chú của người dịch] trong đó ông ta có phàn nàn, vào khỏang năm 280, về các cuộc đột kích của Lâm Ấp. Vương quốc này, ông cho biết, “phía nam tiếp giáp với Phù Nam. Họ có nhiều bộ lạc, các nhóm thân hữu tương trợ lẫn nhau; lợi dụng địa hình trắc trở trong vùng của mình, họ không thần phục [Trung Hoa].” (52)

    Lâm Ấp là trung tâm đầu tiên của xứ Chàm, đã tiến vào lịch sử vào cuối thế kỷ thứ nhì. Thực sự, các văn bản Trung Hoa xác định sự thành lập của xứ này vào khỏang năm 192. (53). Một quan chức bản xứ, tên Ch’u-lien (Khu Liên ?, chú của người dịch], lợi dụng sự suy kém quyền lực của nhà hậu Hán, đã cắt một lãnh địa riêng cho mình khỏi chỉ huy sứ của Trung Hoa tại quận Jih-nam (Nhật Nam) (nằm giữa Hòanh Sơn và đèo Hải Vân, và tự xưng làm vua tại tiểu trấn cực nam, tức xứ mang tên Hsiang-lin, tương ứng khỏang đất phía nam tỉnh Thừa Thiên ngày nay của Việt Nam. Thọat đầu tên Lâm Ấp (Lin-yi) “thủ đô xứ Lâm” được nghĩ là tên gọi tắt của chữ Hsiang-lin-yi, tức “thủ đô của xứ Hsiang-Lin” (54) nhưng một học gỉa có nêu ý kiến hồi gần đây rằng đó là một danh hiệu có tính cách chủng tộc (55). Sự tạo lập vương quốc Lâm Ấp năm 192 đã diễn ra nửa thế kỷ trước đó, vào năm 137, bởi một mưu toan đầu tiên muốn xăm lăng vùng Hsiang-lin của một nhóm khỏang gần một ngàn dân mọi rợ bên ngòai các biên cương của quận Nhật Nam (56); tên của sắc dân này là Ch’u-lien, mặc dù được viết với mặt chữ khác, khó có thể tách biệt ra khỏi tên của kẻ tạo lập ra xứ Lâm Ấp.” (57)

    Trong bất kỳ trường hợp nào, gần như chắc chắn rằng “những kẻ mọi rợ này bên ngòai các biên giới của quận Nhật Nam” đã là, nếu không hòan tòan là người Chàm, ít ra cũng là những người Nam Dương (Indonesians) là những kẻ, nếu họ chưa bị ảnh hưởng của Ấn Độ, thì chẳng bao lâu sau cũng sẽ trở thành như thế.

    Chúng ta sẽ thấy, trên dòng lịch sử, rằng xứ Chàm bị chia cắt thành một số các địa phương tự nhiên tương ứng với các đồng bằng ven biển. Tỉnh Quảng Nam ngày nay, với các địa điểm khảo cổ tại Trà Kiệu, Mĩ Sơn, Đông Dương, trong một ý nghĩa nào đó là thánh địa của nước Chàm (58). Pho tượng đức Phật bằng đồng đẹp đẽ tìm thấy ở Đông Dương là bằng chứng cho tính chất cổ xưa của sự xâm nhập của Ấn Độ trong vùng mang tên — liệu có phải hòan tòan tình cờ hay không (?) – Amaravati. Phía nam của Amaravati, các trung tâm chính yếu được đề cập trong văn bia là Vijaya (Phật Thệ?) tại tỉnh Bình Định ngày nay, Kauthara tại đồng bằng Nha Trang, và Panduranga trong vùng Phan Rang. Những bia ký cho thấy rằng trong thế kỷ thứ tám tiếng Chàm được nói tại các tỉnh phía nam. Nhưng nguyên thủy các tỉnh phía nam này là một phần của vương quốc Phù Nam. Điều này đã được chứng minh bởi sự hiện diện, trong vùng Nha Trang, văn bia thuộc thế kỷ thứ ba phát sinh từ một vị vua của Phù Nam — một hậu duệ của Sri Mara (tức Fan Shih-man) có lẽ không ai khác hơn Fan Chan.

    Chúng ta không có bằng chứng cổ xưa, tương tự như các bằng chứng về Phù Nam, về sự Ấn Độ hóa của người Chàm và truyền thống xây dựng triều đại của các vị vua của họ; các văn bản Trung Hoa không nói gì về hai điểm này, và im tiếng cho mãi đến khi có một văn bia thuộc thế kỷ thứ chín mới thấy xuất hiện lần đầu tiên tên của Maharshi Bhrigu, nhân vật của dòng tộc Mahabharata, danh tính tổ tiên của triều đại Bhargavas, triều đại mà các vua Chàm tuyên nhận mình là các hậu duệ. Về chính danh xưng Champa, từ đó rút ra danh từ Chàm, mặc dù không xuất hiện trong văn bia cho mãi đến lúc khởi đầu thế kỷ thứ bẩy, có thể nó đã có từ rất lâu.

    Những hậu duệ của Ch’u-lien lợi dụng sự tan rã của Trung Hoa vào lúc có sự sụp đổ của nhà Hán để bành trướng về phương bắc. Từ năm 220 đến năm 230, một nhà vua trong họ đã gửi một sứ đòan sang gặp Lu Tai, tổng đốc Quảng Đông và Chiao-chih [Giao Chỉ ?, chú của người dịch] (Đông Kinh) [tức bắc Việt Nam, chú của người dịch], với danh nghĩa thuộc xứ Lâm Ấp, cùng với sứ đòan của Phù Nam, đã xuất hiện lần đầu tiên trong một văn bản Trung Hoa. Lu Tai, theo Sử Ký Thời Tam Quốc (History of the Three Kingdoms), đã gửi những sứ giả để truyền bá văn minh Trung Hoa vượt qúa các biên giới phía nam. Các vua xứ Phù Nam, Lâm Ấp, và T’ang-ming (?) mỗi vua đều gửi một sứ đòan để dâng đồ tiến cống. (59). Việc này chỉ hòan tòan có tính cách hình thức bởi trong năm 248 các đòan quân của Lâm Ấp nổi lên cướp bóc các làng xã và chiếm giữ luôn sau cuộc đột kích, tiếp theo sau một cuộc giao chiến lớn tại vùng vịnh phía nam mũi Ròn, lãnh thổ của Ch’u-su, tức vùng Ba Đồn [(?), chú của người dịch] trên sông Gianh (60) . Sau hết nhà vua Fan Hsiung, cháu trai của Ch’u-lien bên phía họ ngọai (61), đã tái diễn các cuộc tấn công này vào khỏang năm 270, được nói có được trợ giúp bởi vua nước Phù Nam, Fan Hsun. Thái thú tại Đông Kinh [bắc Việt Nam ngày nay, chú của người dịch], tên T’ao Huang, đã mất mười năm để đẩy lui dân Lâm Ấp trở về lại bên trong biên cương của họ. Từ lúc khởi đầu, các nỗ lực của họ để bành trướng về phía bắc đã đụng độ với lực đẩy xuống của người Việt Nam để nam tiến. Các trận chiến đánh nhau bởi hai sắc dân đại biểu cho hai nền văn minh cạnh tranh nhau — giữa người Chàm chịu ảnh hưởng Ấn Độ và người Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa — được phát động tại vùng từ Hòanh Sơn đến đèo Hải Vân; đưa đến sự triệt thóai chung cuộc của người Chàm trong thế kỷ thứ mười bốn.

    Trong năm 284, Fan Yi đã phái một sứ đòan chính thức đầu tiên sang Trung Hoa — nếu chúng ta không kể đến một sứ đòan đã được gửi đến thái thú Giao Chỉ giữa khỏang từ năm 220 đến năm 230. Trong hậu bán của thời khoảng trị vì kéo dài hơn 50 năm, Fan Yi có tuyển dụng một nhân vật tên Wen nào đó làm cố vấn. Nhân vật Wen được xác định trong nhiều văn bản là một người Trung Hoa, quê quán tại Yang-chou, Chiang-su [Dương Châu, tỉnh Giang Tô (?), chú của người dịch], đã đến định cư tại Lâm Ấp, nhưng ông ta có thể là một người dân bản xứ đã Hán hóa (62) . Ông ta đã đi sang Trung Hoa trong các năm 313 và 316, và học hỏi tại đó nhiều kỹ thuật khác nhau; kiến thức về nền văn minh vật chất của Trung Hoa của ông ta đã có một gía trị vĩ đại đối với quốc vưong chủ nhân ông. Nhờ dành được sự tin cậy của vị vua già, ông đã vận động để được bổ nhiệm là viên đại tướng tư lệnh và sau đó đã gạt bỏ các người thừa kế ngai vàng sang một bên. Khi có sự từ trần của Fan Yi, xảy ra một cách bất ngờ trong năm 336, ông ta lên ngôi kế vị Fan Yi.


    Fan Wen, đặt thủ đô tại vùng thuộc Huế, đã bình định các bộ lạc man rợ và trong năm 340 đã gửi một sứ đòan sang yết kiến vua Tần để thỉnh cầu rằng biên cương phía bắc của vương quốc ông ta được ấn định tại núi Hòanh Sơn. Khi hòang đế [nhà Tần, chú của người dịch] ngần ngại từ bỏ những phần đất phì nhiêu của Nhật Nam cho ông ta, Fan Wen đã chiếm giữ các phần đất này vào năm 347, bởi thế đã đem lại cho vương quốc của mình biên cương mà ông ta mong muốn. Fan Wen đã mất năm 349 trong một cuộc viễn chinh khác hướng về phía bắc ngòai biên cương mới của ông ta./-


    Chú của người dịch:



    (*a) Sanskrit : Phạn: ngôn ngữ văn chương của Ấn Độ từ thời cổ. Phần lớn các kinh tạng Phật Giáo được Trung Hoa dịch sang Hán ngữ đều có nguyên bản viết bằng tiếng Phạn.

    (*b): Ptolemy (vào khỏang 85 – 165 sau dương lịch): Nhà thiên văn học và địa lý học gốc Hy Lạp và chết tại Alexandria, Ai Cập, từ thế kỷ thứ nhì, chủ truơng rằng trái đất đứng yên một chỗ và là trung tâm của vũ trụ, trong khi đó mặt trời và các vì sao chạy quanh trái đất. Danh biểu địa dư của Ptolemy cho vùng xuyên sông Ganges của Ấn Độ ghi đầy những địa danh mà các danh xưng tương ứng bằng tiếng Phạn (Sanskrit) được trích dẫn và thảo luận trong công trình nghiên cứu này của tác giả G. Coedès. Trong bài dịch này, có đề cập đến giả thuyết rằng Sàigòn ngày nay tương ứng với địa danh Kattigara mà Ptolemy đã ghi trong danh biểu địa dư của ông ta. Nếu đúng như vậy thì đây có thể là văn bản cổ xưa nhất của tây phương đã đề cập đến phần lãnh thổ của Việt Nam ngày nay.

    (*c): Niddesa: Nghĩa thích kinh, gồm 2 tập: Đại Nghĩa Thích và Tiểu Nghĩa Thích, dùng để luận giải kinh tạng Phật Giáo, được viết bằng tiếng Pali, muộn lắm là vào thế kỷ đầu tiên của kỷ nguyên Thiên Chúa. Bộ Nghĩa Thích Kinh này có liệt kê một số địa danh mà các nhà nghiên cứu đã nêu nhận xét là có thể dùng để xác minh đựoc nhiều vị trí của các miền xa hơn Ấn Độ. Có thể nói cho đến nay, chưa có những tài liệu khảo cổ hay văn bia nào lâu đời hơn tập Nghĩa Thích Kinh này.

    (*d) Pāli: Ba lị, một thổ ngữ của Ấn Độ cổ xưa, nay không còn được nói nữa mà chỉ được dùng để viết kinh tạng Phật Giáo, chính yếu là các kinh tạng của Phật Giáo Tiểu Thừa ( Theravada (Hinayana) Buddhist Canon).

    ———————————-

    Chú Thích của Tác Giả G. Coedès:


    1. Xem bên trên, trang 16. Bởi tác phẩm này không phải là một tập chuyên khảo về địa dư mà lại là một nỗ lực để tổng hợp lịch sử, tôi sẽ chỉ đề cập trong chương này và những chương kế tiếp những danh xưng có một số ý nghĩa quan trọng trong lịch sử các biến cố hay triều đại. Một sự thảo luận nhiều ý kiến khác nhau đề cập đến vị trí của các địa danh của Ptolemy có thể tìm thấy trong bài viết của Roland Braddell nhan đề “Study of Ancient Times in the Malay Peninsula,” JRASMB (Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society), XIII (1935).

    2. Đây là lối phát âm thời nhà Đường (T’ang), theo Bernhard Karlgren, Analytic Dictionary of Chinese and Sino-Japanese (n.p., n.d. [không ghi nơi và nhật kỳ xuất bản ?, chú của người dịch] ), các số 41 và 650.

    3. Xem Louis Finot, “Sur quelques tra***ions indochinoises,” Mélanges d’indianisme offerts par ses élèves à M. Sylvain Lévi (Paris, 1911), trang 203, và “Séance du 14 Janvier 1927,” JA (Journal Asiatique) (January-March, 1927), trang 186. Coedès, “On the Origin of the Sailendras of Indonesia,” JGIS (Journal of the Greater India Society), I (1934), trang 67. Ngọn núi này hiển nhiên là một trong các ngọn núi mà trên đó, như đã nói trước đây (các trang 26-27), người sáng lập một vương quốc theo kiểu Ấn Độ đã thiết định sự thờ phượng một vị thần dân tộc, thường là một ********* (linga) hay một biểu hiệu nào khác của thần Siva.

    4. Xem Coedès, “Les tra***ions généalogiques des premiers rois d’Angkor,” BEFEO (Bulletin de l’École Francaise d’Extrême-Orient), số XXVIII (1956), trang 127.

    5. Xem Coedès, Inscriptions du Cambodge (Paris, 1937-), II, trang 110, n. 5. Có lẽ từ Vyadhapura có nghĩa “thành phố của ngườI đi săn (nhà vua).” O.W. Wolters, trong thực tế, đã tử tế thông tin (thư ngày 6 tháng MườI Một, 1960) cho tôi hay rằng T’ai-ping Yu-lan, trích dẫn bản tường trình của K’ang T’ai (xem dưới), có đề cập đến một vị vua của Phù Nam tên là P’an-huang-chao (cũng chính là ? Hun P’an-huang, xem dưới, trang 38) đã bắt được các con voi lớn trong rừng và đã thuần hóa được chúng, đưa đến sự thần phục của nhiều xứ sở trong đường hướng này.

    6. Xem Paul Pelliot, “Le Fou-nan,” BEFEO, III, trang 263.

    7. Xem chú thích trên, trang 17. Xem Pierre Courou, “Civilisations et géographie humaine en Asia des moussons,” BEFEO, XLIV (1954), trang 469, sau khi trình bày rằng “các địa điểm khai sinh của các nền văn minh thượng đẳng có vẻ như tương ứng với các giao lộ của sự lưu thông,” có bổ túc: “Hạt nhân của nền văn minh của Phù Nam, từ đó tòan thể lịch sử Khmer đã được phát triển, bắt nguồn từ bờ biển phía tây của Đông Dương (Indochina), tại địa điểm đổ bộ của các ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ.”

    8. Xem Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 303; “Quelques textes chinois concernant d’Indochine hindouisée,” Et . Asiat, EFEO (Études asiatiques. Publications de l’École Francaise d’Extrême-Orient (Paris, 1925), 2 vols.), II, trang 243.

    9. Xem Pelliot, “Quelques textes,” các trang 246-49. Về vai trò ưu thắng của dòng tộc Kaundinya tại miền nam Ấn Độ, xem Bijan R. Chatterjee, “Recent Advances in Kambuja Studies,” JGIS, VI (1939), trang 139, và chú thích dẫn trên, trang 30.

    10. Xem Louis Finot, “Les inscriptions de Mi-sơn (No. III),” BEFEO, IV, trang 923. Xem Coedès, “L’inscription de Baksei Chamkrong,” JA (May-June, 1909), các trang 476-78, và Inscriptions du Cambodge, IV, trang 88.

    11. Xem Eveline Porée-Maspero, “Nouvelles étude sur la Nagi Soma, “ JA, CCXXXVIII (1950), các trang 237-67.

    12. Xem Paul Pelliot, dịch và biên tập, “Mémoires sur les coutumes du Cambodge,” BEFEO, II, trang 145.

    13. Xem Finot, “Sur quelques tra***ions indochinoises,” trang 205.

    14. Xem Coedès, “La légende de la Nagi,” BEFEO, XI, trang 391.

    15. Xem Victor Goloubew (“Les légendes de la Nagi et de l’Apsaras,” BEFEO, XXIV, các trang 501-10) cho rằng nó đến từ phương tây, trong khi Jean Przyluski (“La princesse à l’odeur de poisson et la Nagi dans les tra***ion de l’Asie orientale,” Et . Asiat . EFEO, II, các trang 265-84) nghĩ rằng nó đã được phát sinh từ các khu vực hàng hải của Đông Nam Á. Về một phiên bản Mã Lai của thần thọai này, xem R. Ọ Winstedt, “Indra and Saktimuna,” JRASMB, XXIII (1950), trang 151.

    16. Xem Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 265. Theo R. Stein, “Le Lin-yi,” Han-hiue, II (1947), các trang 251 trở đi, từ “Fan” là tiếp đầu ngữ (prefix) đứng trước danh tính của phần lớn các vị vua của Phù Nam cũng như của Champa không tương đương với tếp vĩ ngữ varman đi theo sau để tạo thành một họ, như đã được tin tưỏng bởi Georges Maspero, Le Royaume de Champa (Paris, 1928), trang 53, n. 7 [chú thích 7 ?], và Gabriel Ferrand, “Ye-tiao, Sseu-tiao et Java,” JA (Novermber-December, 1916), các trang 524-30. Stein tin rằng đó là họ của một thị tộc, có nguồn gốc chủng tộc, để chỉ phần tử chính gốc của hòang gia. Nhân vật mang danh tính Fan, như tại xứ Chàm, ngược lại với các thành phần Ấn Độ và có vẻ được lưu giữ nắm quyền hành bởi quần chúng. Nhưng Paul Demíeville (điểm sách “Lin-yi” của Stein, TP (T’oung Pao), XL (1951), trang 344) đã bày tỏ các sự nghi ngờ đối với sự vững chắc của các nền tảng của giả thuyết này.

    17. Xem Pelliot, “Le Fou-nan,”, trang 257.

    18. Cùng sách dẫn trên, các trang 265-66. Một li (lí) tương đương với khỏang 576 mét. Về việc đọc là “Ch’u-tu, Tu-k’un” thay vì đọc “Ch’u-tu-k’un” (Pelliot), xem Stein, “Le Lin-yi,”

    19. “Le Lin-yi,” trang 119. Nhưng Demíeville điểm sách “Lin-yi,” của Stein, trang 341, phản bác sự xác minh này.

    20. Ngay từ năm 1938, Kattigara đã được chấm định nằm trong vùng Sàigòn bởi Albert Herrmann, “Der Magnus Sinus und Cattigarab nach Ptolemaus,” Compte-rendu du Congrès international de géographie (Amsterdam), các trang 123-28. Cuộc nghiên cứu gần đây nhất là của Louis Malleret, là người, tiếp theo sau các sự khám phá của ông tại Óc Eo (xem trên, trang 17), đã được dẫn dắt để đi tìm địa điểm của Kattigara trong vùng này. Quan điểm của ông đã được trình bày chi tiết trong tác phẩm L’Archéologie du delta du Mékong (Paris, 1959-63), III, các trang 421-54.

    21. Về vấn đề có khá nhiều liên hệ này, và về vị trí của Chiu-chih hay Chu-li, xem Paul Wheatley, The Golden Khersonese, các trang 21-25.

    22. Xem Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 279.

    23. Sách dẫn trên, trang 263, n. 1, Wheatley, The Golden Khersonese, các trang 15-21.

    24. Xem Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 266, n. 2 and 3. Gordon H. Luce, “Countries Neighbouring Burma,” JBRS (Journal of the Burma Research Society), XIV (1924), các trang 147-151.

    25. Xem Paul Pelliot, “Deux itinéraires de Chine en Inde, à la fin du VIIIe siècle,” BEFEO, IV, trang 320, n. 7. Gabriel Ferrand, “Malaka, le Malayu et Malayur,” App . [Phụ Lục?, chú của ngườI dịch] III, JA (July-August, 1918), trang 139. Luce, “Countries Neighbouring Burma,” các trang 161-69.

    26. Xem Ferrand, “Malakas”, trang 143. Xem Sylvain Lévi, “Pré-aryen et pré-dravidien dans l’Inde,” JA (July-September, 1923), trang 37.

    27. Xem R. Ọ Winstedt, “A History of Malaya,” JRASMB, XIII (1935), trang 21.

    28. Xem Wheatley, The Golden Khersonese, các trang 252-67, thảo luận chi tiết về vị trí của Langkasuka.

    29. Xem Coedès, “Le Royaume de Crivijaya,” BEFEO, XVIII, 6, trang 17. Lévi, “Pré-aryen,” trang 45.

    30. Xem Coedès, Receuil des inscriptions du Siam (Bangkok, 1924-29), II, trang 51, nọ XXVII. Nhật kỳ từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ chín như được phát biểu bởi Barth là quá sớm. Bia ký tương tự như thế là những văn bia cuối cùng của Phù Nam. Xem K. A . Nilakanta nSastri, “Agastya,” TBG (Tijdschrift voor Indische Taal-, Land-, en Voikenkunde uitgegeven door het Bataviaasch Genootschap van Kunsten en Wetenschappen), LXXXVI (1936), các trang 508-09. Về Tambralinga, xem O . W. Wolters, “Tambralinga,” BSOAS (Bulletin of the School of Oriental and African Studies) (1958), các trang 587-607.

    31. Xem Sylvain Lévi, “Ptolémée, le Niddesa et la Brihatkatha,” Et . Asiat . EFEO, II, trang 26.

    32. Cùng sách dẫn trên, từ trang 3 trở đi.

    33. Xem Roland Braddell, “Ancient Times in the Malay Peninsula,” JRASMB, XVII (1939), I, các trang 204-206, và XXII (1949), trang 1. Wheatley, The Golden Khersonese, các trang 268-72, có cung cấp các luận cứ vững chắc về việc xác định vị trí của Takkola trong vùng Trang [có lẽ là (?) Nha Trang, chú của người dịch].

    34. Transactions and Papers of the Institute of British Geographers, 21 (1955), trang 69. Về điểm này xin xem Wang Gungwu, “TheNanhai Trade: A Study of the Early History of Chinese Trade in the South China Sea,” JRASMB, XXXI, 2 (1958), trang 41, n. 53.

    35. Về các địa điểm này, xem Braddell, “Ancient Times,” rải rác trong tác phẩm. H.G. Quaritch Wales, “Archaeological Researches on Ancient Indian Colonization in Malaya,” JRASMB, XVIII (1940), I, các trang 56-73; “Further Work on Indian Sites in Malaya,” JRASMB, XX (1947), các trang 1-11, R.O . Winstedt, “Slab-Graves and Iron Implements,” JRASMB, XIX, (2941) I, các trang 93-98.

    36. Thí dụ, các tượng đồng theo kiểu Gupta được mô tả trong quốc gia Perak và trên dòng sông Bujiang tại Kedah (H.G. Quaritch Wales, “Recent Malayan Excavations and Some Wider Implications,” JRAS (1946), trang 142). Các khám phá khảo cổ học này được phân tích bởi Wheatley, The Golden Khersonese, các trang từ trang 273 trở đi.

    37. Về các nguồn văn bản Ấn Độ khác, xem Vasudeva S. Agrawala, “Some References to Katahadvipa in Ancient Indian Literature,” JGIS, XI (1944), trang 96, và K.A . Nilakanta Sastri, History of Srivijaya (Madras, 1949), các trang 25-26.

    38. Về thời điểm của văn bia này, xem D.C. Sircar, “Date of the Earliest Sanskrit Inscription of Campsa,” JGIS, VI (1939) các trang 53-55. Coedès, “La date de l’inscription sanskrite de Vo-canh,” IHQ (Indian History Quarterly), XVII (1941), các trang 107-10. Emile Gaspardone, “La plus ancienne inscription d’Indochine,” JA, CCXLI (1953), các trang 477-85. K. Kumar Sarkar, “The Earliest Inscription of Indochina,” Sino-Indian Studies, V, 2 (1956), các trang 77-78. Kamalesvar Bhattacharya, “Précisions sur la paléographie de l’inscription ***e de Vo-canh,” AA (Artibus Asiae) XXIV (1961), các trang 219-24. Ẹ Gaspardone, “L’inscription de Vo-canh et les débuts du sanskrit en Indochine,” Sinologica, VIII, No. 3 (1965), các trang 129-36.

    39. Auguste Barth and Abel Bergaigne, ISC, No. XX, p. 191. Louis Finot, “Les inscriptions du musée de Hanoi,” BEFEO, XV, 2, trang 3.

    40. “Séance du 14 Janvier 1927.” JA (January-March, 1927), trang 186. Xem Louis Finot, điểm sách Le Royaume de Champa của Maspero, BEFEO, XXVIII, các trang 286-87.

    41. Jean Filliozat đã ân cần thông tin tôi hay rằng Maran “là danh hiệu thường dùng để chỉ vua Pandya, được hỗ trợ bởi một trong những bản văn bằng tiếng Tamil cổ xưa nhất tại vùng Sangam, có nhật kỳ vào khỏang khởi đầu kỷ nguyên Thiên Chúa.”

    42. Lévi, “Ptolémée,” các trang từ trang 29 trở đi. Luce, “Countries Neighbouring Burma,” các trang 151-58.

    43. Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 303.

    44. Les Peuples de la péninsule indochinoise (Paris, 1962), trang 62.

    45. Wang Gungwu, “The Nan-hai Trade,” các trang 31-45.

    46. “Le Fou-nan,” trang 292.

    47. Xem trên, trang 39.

    48. Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 303.

    49. Sách dẫn trên, trang 40. Xem Robert von Heine-Geldern, “The Drum Named Makalamau,” India Antiqua (Leyden, 1947), trang 176.

    50. Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 252.

    51. Cùng sách dẫn trên, trang 254.

    52. Cùng sách dẫn trên, trang 255.

    53. Cho tòan thể đọan này, ngòai những nguồn tư liệu đã được chỉ dẫn ở nơi khác, xem Maspero, Le Royaume de Champa, các trang 43-59 (điểm sách bởi L. Aurousseau, BEFEO, XIV, 9, các trang 8-43, và Louis Finot, BEFEO, XXVIII, các trang 285-92). Stein, “Le Lin-yi,” các trang 1-123.

    54. Aurousseau, điểm sách Le Royaume de Champa của Maspero, trang 27.

    55. Stein, “Le Lin-yi,” các trang 209-41. Nhưng Demíeville, điểm sách “Lin-yi” của Stein, có vẻ nghiêng về cách giải thích thứ nhất.

    56. Cho đến nay chúng ta luôn luôn hiểu rằng họ đến từ phương nam, có nghĩa, từ tỉnh Quảng Nam ngày nay. Nhưng Stein (“Le Lin-yi”) có vạch ra rằng họ cũng có thể đến từ phía tây, và ngay cả từ những vùng thuộc Siang-lin, cách xa khỏi sự đô hộ của Trung Hoa. Sự kết tụ những dân man rợ tại một vương quốc Lâm Ấp đã xảy ra bên trong giới hạn của quận Nhật Nam.

    57. Về sắc dân Ch’u, xem Stein, “Le Lin-yi,” Appendix VI, từ trang 209 trở đi.

    58. Henri Parmentier, Inventaire descriptif des monuments cams de l’Annam (Paris, 1909-18), I, các trang 241-5-5. Jean Y. Claeys, “Introduction à l’étude de l’Annam et du Champa,” Bulletin des Amis du Vieux Hue, 21, (1934), các trang 46-48.

    59. Pelliot, “Le Fou-nan,” trang 252.

    60. Stein, “Le Lin-yi,” các trang 1-54.

    61. Có lẽ xuyên qua những người vợ sinh ra là người Phù Nam mà theo Stein, “Le Lin-yi,” sẽ giải thích họ của thị tộc ông ấy là Fan, về điểm này, xem sách dẫn trên, trang 276, n. 16. Eveline Porée-Maspero ghi nhận rằng các vị vua họ Fan xuất hiện tại xứ Chàm vào lúc khi mà họ đã biến mất khỏi Phù Nam sau thời trị vì của Fan Hsun. Về các “sự kiện lịch sử song hành giữa Căm Bốt và Chàm” mà bà ấy đã xác định từ thời kỳ này, xem Études sur les rites agraires des Cambodgiens (Paris, 1962), từ trang 144 trở đi.

    62. Stein, “Le Lin-yi,” trang 243.


    Nguồn: G. Coedès, The Indianized States of Southeast Asia, An East-West Center Book, The University Press of Hawaii, Honolulu, 1968
    Techmin thích bài này.
  2. macay3

    macay3 LSVH - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    26/10/2007
    Bài viết:
    2.931
    Đã được thích:
    1.543
    Vương quốc Phù Nam

    [​IMG]
    Vương quốc Phù Nam

    Tác giả Paul Pelliot
    Người dịch: Hà Hữu Nga

    Thông qua Trung Á vào thế kỷ II TCN, sứ bộ 張騫 Trương Khiên lần đầu tiên đã bắt đầu đặt mối quan hệ chính thức giữa Trung Quốc và phương Tây. Nhưng khi đến Bactria, Trương Khiên đã trông thấy đồ tre và vải vóc quần áo có nguồn gốc từ các vùng thuộc tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên ngày nay. Ông hỏi người dân địa phương và được biết họ có được các hàng hóa ấy thông qua một đất nước giàu có gọi là Ấn Độ, nhờ thế, khi suy nghĩ về những khó khăn hiểm nguy của con đường phương bắc thường xuyên bị những sắc dân du mục Trung Á cắt đứt, Trương Khiên đã nảy sinh ý tưởng mở một tuyến đường từ Trung Quốc đến phương Tây từ phía Nam.

    Đồ tre nứa và vải vóc đã đến đây bằng cách nào? Trong khi đó ở Trung Quốc thì lại rất sẵn? Thật khó nói. Thực tế thì những dữ kiện mà Trương Khiên thu được đã tác động sâu sắc đến một phương thức hành động mới đối với việc mở đường về phương nam của người Trung Quốc.

    Bắc Kỳ lúc đó, sau nhiều thăng trầm đã trở thành châu quận của đế chế Hán. Nằm ở tâm điểm của cơn lốc dẫn đến sự sụp đổ của nhà Hậu Hán, vào nửa sau của thế kỷ II SCN, Bắc Kỳ lại là chốn nương thân yên bình của đế chế. Đồng thời nó còn là con đường thương mại chủ đạo giữa Tiểu Á và Viễn Đông, nơi mà vào năm 166 SCN, sứ bộ của Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius đã cập bến.

    Và chính điều đó đã đặt Trung Quốc vào mối quan hệ với một loạt quốc gia trung gian nằm trên tuyến đường nối giữa Bắc Kỳ với Đông La Mã. Trong số các quốc gia đó, vượt qua Lâm Ấp cư chiếm bờ biển đông An Nam, có một nơi mà người Trung Quốc không đóng vai trò gì đáng kể trong những thế kỷ đầu SCN, đó chính là Phù Nam.

    Từ thế kỷ III đến thế kỷ VII, người Trung Quốc thường nói về quốc gia Ấn Độ hóa này, nơi dường như mọi khách hải hành buộc phải dừng nghỉ trên con đường dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

    Nhưng vào thế kỷ VII, cái tên Phù Nam đã biến mất không để lại dấu vết. Từ đó người Trung Quốc cũng không thể xác định được đất nước này, còn các nhà Trung Quốc học thì lại chuyển Bắc Kỳ đến Malaysia, và chuyển Malaysia đến Miến Điện. Tuy nhiên, các phát hiện khảo cổ học 35 năm qua đã bắt đầu làm sáng tỏ lịch sử bán đảo này. Các dữ liệu của Trung Quốc đã dần dần được tinh lọc.

    Mới đây một số nhà Trung Quốc học đã thử đặt Phù Nam vào khu vực Thái Lan; đối với một số nhà nghiên cứu khác thì nó thậm chí còn là tiền thân của Cambodge, nhưng với một khoảng cách quá xa về phía tây, có thể đến tận vùng biển Ấn Độ Dương.

    Cuối cùng ông Aymonier cũng bắt đầu dành bài viết đầu tiên trên tạp chí Journal Asiatique [1] cho một bài viết đặc biệt để xác định Phù Nam. Ông đưa vào đó các tri thức của mình về Cambodge và dẫn Mã Đoan Lâm do Hervey de Saint-Denys dịch, đưa quan điểm của Rosny về các tộc người phía đông được coi là người Trung Quốc cổ, và dẫn thông tin về các cuộc khảo sát Đông Dương [2] từ các văn bản Trung Quốc. Ông Aymonier tuyên bố “Cuối cùng chúng tôi không chạy theo quan điểm của các tác giả nói rằng trí thức Trung Quốc chỉ đưa ra sự ganh đua vô nghĩa cho các giải pháp về vấn đề xác định Phù Nam”.

    Thật ra sẽ rất đáng chú ý khi biết các nhà khoa học mưu trí đã tưởng tượng cái gì để đơn giản hóa vấn đề Phù Nam, xóa bỏ các văn bản chỉ khi đất nước được đặt tên. [3] Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó, vì ông Aymonier không phân loại quan điểm của họ, và không từ bỏ, mà “vẫn” sử dụng các nguồn sử liệu Trung Quốc. Điều này chủ yếu là vì ông nghĩ rằng các nguồn đó đem lại “bằng chứng tích lũy được có sức thuyết phục…tính đồng nhất Chân Lạp (Cambodge) và Phù Nam”.

    Đó thực sự là kết luận về ký ức kinh đô của nó. Ông Aymonier đã bỏ qua, không nói một lời nào khi thể hiện quan điểm trong cuốn Cambodge (tr.1, 113) của ông, và việc người Phù Nam mở rộng Bắc Kỳ đến Thái Lan; giờ đây đối với ông, Phù Nam là một nước khác về lịch sử và địa lý, so với Chân Lạp (Cambodge), và hai cái tên khác nhau mà người Trung Quốc dùng để gọi cùng một nước trong trường hợp này vẫn không đảm bảo được cho việc xảy ra các bước ngoặt chính trị quốc gia.

    Có những sử liệu chính thức khẳng định: “Citrasena (vua Chân Lạp) đã tấn công Phù Nam và buộc họ phải quy phục”. Aymonier nghĩ rằng người ta không thể thắng được vô số luận cứ về điều đó. Ngược lại, tôi tin rằng chúng ta có thể đưa ra một cách lý giải khác về các sự kiện, và tôi cũng muốn khẳng định rằng nếu Phù Nam xâm chiếm lãnh thổ, bành trướng xa về phía tây của cái sau đó là Cambodge lịch sử, mặt khác Chân Lạp trước khi trở thành Cambodge lịch sử vốn đã là một hầu quốc vào cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII, sau đó đã chinh phục được nước tôn chủ của mình. Trước hết tôi sẽ đưa ra tất cả các nguồn sử liệu liên quan đến Phù Nam mà tôi có ở đoạn cuối và tôi sẽ cố gắng sắp xếp để có thể đọc ra một điều gì đó.

    I. Trước hết, để tách bạch cho rõ ràng thì cũng cần phải đề cập đến một truyền thống là Phù Nam đã cử sứ bộ đến triều đình Trung Quốc vào năm 1110 TCN. Sau đó lịch sử hoặc truyền thuyết về đoàn sứ bộ đến Đông Dương khá sớm trong các sử liệu Trung Quốc. [4] Sử cũ đầu công nguyên đã ghi rằng các sứ bộ nước Việt Thường đã đến triều đình Thành Vương nhà Chu dâng cống vật lên quan Nhiếp chính liêm trực Chu Công vào thế kỷ XII TCN; và Chu Công được cho là người đã sáng tạo ra la bàn. Lâu nay nước Việt Thường vẫn được cho là thuộc Đông Dương, là nơi theo truyền thuyết Hùng Vương, có 15 bộ phân bố ở vùng nam Trung Quốc và bắc Việt Nam, trong số đó có bộ Việt Thường, và truyền thống lịch sử đồng nhất địa vực của bộ này với vùng Huế ngày nay. [5] Theo truyền thuyết trên, có lẽ chúng ta khó mà lần lại được sự việc giữa Trung Quốc và Đông Dương như vậy có thể xảy ra trong thiên niên kỷ I TCN hay không. Legge [6] đã cho thấy rất khó mà tin được công lao sáng tạo ra la bàn là thuộc về Chu Công. Lẽ ra ông có thể đi xa hơn để hoàn toàn bác bỏ câu truyện bịa đặt về sứ bộ Việt Thường. Tư Mã Thiên đã không hề nhắc đến câu truyện này. [7] Những nguồn sử liệu cổ nhất không đề cập đến câu truyện này, thậm chí không có công trình nào thuộc thế kỷ III và các biên niên sử được viết trên thẻ tre [8] nhắc đến.

    Sử liệu đầu tiên nói về sứ bộ ấy là Tiền Hán Thư (k. 44 下, p. 6 v0] và Hậu Hán Thư (k. 161, p. 3). Dù sao thì cũng chỉ có vấn đề đó, mà không hề có vấn đề về Phù Nam. Chỉ đến lúc có những tấu sớ thực sự liên quan đến Phù Nam trong những thế kỷ đầu SCN thì tên ông mới được trộn lẫn với sứ bộ Việt Thường. Văn bản đầu tiên ghi về truyện này, theo hiểu biết của tôi, là 古今注 Cổ kim chú do Legge dẫn; ông đã khẳng định là đã chép lại bằng chứng thời Hậu Hán (25 – 220 SCN) [9]; cũng cần phải thêm là Cổ Kim chú được định niên đại vào thế kỷ IV đã qua nhiều chỉnh sửa. [10] Một thế kỷ rưỡi sau đó, các chương viết về âm nhạc** của cuốn Lịch sử nhà Tiền Tống (420 – 478) [11]** đã chép lại một bài hát của 張華 Trương Hoa*** (232-300), người đời Tấn. Trong đó có viết: “Phù Nam sử dụng rất nhiều người phiên dịch*** và sứ bộ 肅愼 Túc Thận thì phải mượn*** quần áo?”.

    Tuy nhiên câu này rõ ràng là nói về sứ bộ Phù Nam*** dưới thời Tấn, nhưng đồng thời tiếp theo đó nó lại nói sứ bộ 肅愼 Túc Thận thường được dẫn khi đề cập đến Chu Công thời Việt Thường, dường như ẩn ý khoản cống vật này cho nhà Tấn cũng do chính những sắc dân dâng cống vật cho bậc hiền Chu Công ngày xưa thực hiện; và ngày nay, kẻ thực sự thay thế truyền thống Việt Thường đã nhập cuộc dâng cống vật chính là Phù Nam***. Các tác giả về sau đã chấp nhận một cách vô điều kiện huyền thoại về các sứ bộ từ Việt Thường qua Lâm Ấp (Champa), và Phù Nam; và đó cũng chính là cung cách của Việt sử Thông giám Cương mục. [12]

    Đến lượt mình người An Nam cũng chấp nhận huyền thoại Trung Quốc. [13] Le P. Legrand de la Liraye đã tập hợp dữ liệu từ biên niên sử Trung Quốc và từ phần ghi chú của tập Voyage d’exploration en Indo-Chine. [13] Nhưng ông Aymonie lại để mắt đến một nguyên do đáng ngờ; chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng không hề có chuyện Việt Thường gửi sứ bộ đến Trung Quốc vào năm 1110 TCN cung cấp thông tin cho người Trung Quốc về Phù Nam.

    II. Theo tôi, trước 三國志 Tam Quốc chí dường như chính sử không cho biết gì về cái tên Phù Nam ở đâu mà ra. Tam Quốc chí bao quát khoảng thời gian từ năm 220-280, được 陳壽 Trần Thọ viết vào cuối thế kỷ III. Au k. 60 là tiểu sử của呂岱Lữ Đại, tướng dưới quyền thái tử nhà Ngô vào nửa đầu thế kỷ III, làm Giao Châu mục cai quản Quảng Đông và Bắc Kỳ.

    Truyện viết: 曹丕延康元年,呂岱繼為交州刺史.呂岱除使交州得到安定外,“又遣從事南宜國化**,暨徼外扶南,林邑,堂明諸王,各遣使奉貢*”. Ngụy Văn đế (曹丕 Tào Phi), Diên Khang nguyên niên (220), Lữ Đại kế nhiệm Thứ sử Giao Châu, làm cho vùng đất này được yên ổn “lại khiến tòng sự khai hóa phương nam, vượt ngoài Phù Nam, Lâm Ấp, Đường Minh; quốc chủ các nước này đều sai sứ tiến cống”.

    Sau đó, vào năm 231, Lữ Đại được bổ nhiệm vào một vị trí khác, thì hầu như chắc chắn rằng các sự kiện này liên quan đến những năm trước đấy. Sử liệu này nhất quán với hai đoạn trích mà có lẽ tự thân chúng không phải là hoàn toàn đáng tin cậy và tôi sẽ cung cấp thêm trong No XVIII.

    Cuối cùng cũng cần phải lưu ý rằng trong đoàn sứ bộ đến Phù Nam vào thời Thái tử Ngô, sẽ được thảo luận ở N0 X, có một người có chức vụ 宣化從事 Tuyên hóa Tòng sự, điều đó có nghĩa là người 從事 tòng sự ấy làm nhiệm vụ khai hóa văn minh, và đó có lẽ chính là sứ bộ mà Lữ Đại, nhân danh nhà Ngô đã cử họ đi, chứ không phải do Ngô chúa trực tiếp bổ cử, và vì vậy mà sứ bộ chắc chắn phải lên đường vào các năm 225 – 230, khi Lữ Đại còn cai quản phương nam.

    ___________________________________________

    Nguồn: Paul Pelliot 1903. Le Fou-nan, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 3, 1903. pp. 248-303.

    Tác giả: Paul Pelliot (和伯希和 Hòa bá Hy hòa) (1878 – 1945) là nhà Hán học nổi tiếng người Pháp, học trò của Sylvain Lévi và Édouard Chavannes. Ông làm việc tại Viện Viễn đông Bác cổ Pháp – École Franҫaise d’Extrême Orient tại Hà Nội, và năm 1900 ông đã được gửi đi Bắc Kinh tìm kiếm sách cho thư viện của Viện. Thời gian ở Bắc Kinh ông đã bị bắt giữ trong Phong trào 義和團 Nghĩa Hòa Đoàn, và bị kẹt trong giai đoạn phong tỏa các tòa công sứ ngoại quốc. Pelliot đã thực hiện hai vụ đột phá lãnh thổ đối phương trong thời gian bị phong tỏa. Vì hành động dũng cảm đó, ông đã được thưởng huân chương cao quý nhất Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp. Năm 22 tuổi ông trở về Hà Nội và nhận ghế giáo sư Hán học tại Viện, sau đó trở thành giáo sư Hán học tại Collège de France, là nơi tập trung những học giả lỗi lạc và danh giá nhất của nước Pháp. Le Fou-nan là một trong số những tác phẩm lớn nhất, đã được viết ra khi Pelliot chỉ mới 25 tuổi.

    Ghi chú của người dịch:

    ** Trong phần tài liệu dẫn số [11], Pelliot có nói về bộL’Histoire des Song antérieurs, tiếng Hán ghi là 宋書 Tống thư, một trong Nhị thập Tứ sử của Trung Quốc, do 沈約 Thẩm Ước (441-513) phụng chiếu của Tề Vũ Đế biên soạn. Tống thư không chỉ là một bộ sử mà nó còn là một nguồn sử liệu bao gồm các chiếu, lệnh, tấu nghị, trát thư, văn chương, thi phú đều có giá trị cao, kể cả về lý thuyết âm nhạc. Có điều rất thú vị là cho đến tận bây giờ lý thuyết âm nhạc của Thẩm Ước vẫn được đánh giá rất cao. Mới đây, trong các công trình nghiên cứu liên quan đến lý thuyết âm nhạc cổ của Trung Quốc [chẳng hạn như:

    Tứ thanh Tam vấn [四聲三問; 作者:陳寅恪; 來源:北京:生活•讀書•新知三聯書店;年卷期: 2001

    - Tứ thanh Tam vấn, Tác giả: Trần Dần Khác, Lai nguyên: Bắc Kinh: Sinh hoạt

    • Độc thư

    • Tân tri Tam liên Thư điếm, Niên quyển kì: 2001;

    hoặc 中國佛教文化大觀 Trung Quốc Phật giáo văn hóa đại quan 方廣錩 Phương Quảng Xương chủ biên, 北京大學出版社,出版 Bắc Kinh Đại học xã, Xuất bản năm 2001], dù có hơi cường điệu, nhưng các học giả đã phần nào có lý khi cho rằng Thẩm Ước đã dựa trên lý thuyết âm nhạc Ấn Độ để xây dựng lý thuyết âm thanh của mình. Tuy nhiên, thực tế lại có một khoảng cách không thể vượt qua nổi về cơ sở lý thuyết âm nhạc Trung Quốc và lý thuyết âm nhạc Ấn Độ. Đối với cơ sở lý thuyết âm nhạc Ấn Độ, khác với âm nhạc thế tục hoặc cách thể hiện tình cảm dân dã kiểu Trung Quốc, nguyên bản âm nhạc truyền thống Ấn Độ được cho là do thần linh sáng tạo ra để tự tiêu khiển, và sau này thần linh đã ban tặng cho con người để chúng vừa làm phương tiện tiêu khiển, vừa làm phương tiện giải thoát khỏi khả tử. Âm nhạc được coi là có phẩm chất linh thánh bẩm sinh; nốt nhạc (स्वर svara) và nhịp phách (मात्रा mātrā) đều phản ánh các năng lượng của vũ trụ. Huyền thoại Ấn Độ nói về việc thần linh ban tặng âm nhạc cho con người để đáp lại lời nguyện cầu hoặc khẩn nài khi tối cần thiết. Đấng Tuyệt đối ब्रह्म Brahma chỉ ban tặng âm nhạc cho con người sau khi đã thiền định nhiều ngàn năm và các bậc thánh nhân khẩn cầu Người tế độ trần gian khổ não. Vì vậy việc sử dụng âm nhạc trong các tôn giáo ở Ấn Độ là để thể hiện địa hạt của thần linh. Sāma Veda सामवेद, (sāman = giai điệu, veda = tri thức) là những lời tụng ca gồm có 3 – 7 स्वर svaras nốt, trong đó mỗi nốt có một मुद्रा mudra thế ngón tay cụ thể là क्रुष्ट kruṣṭa(Pa); प्रथमprathama (Ma), द्वितीय dvitīya (Ga), त्रितीय tritīya (Ri), चतुर्थ caturtha (Sa), मन्द्रmandra (Dha), अतिस्वार्य atisvārya (Ni), अनुदात्त anudātta (Pa). Các tụng ca trongऋग्वेद Rig Veda nguyên bản được tụng bằng các nốt प्रथम prathama (Ma), द्वितीयdvitīya (Ga), và त्रितीय tritīya (Ri). Các nốt này kết nối với ba giọng अनुदात्तanudātta trầm, उदात्त udātta giọng trung, và स्वरित svarita giọng cao. Trong âm nhạc Ấn Độ, khi hát không có chuyện nhịp phách tách rời như kiểu âm nhạc truyền thống Trung Quốc.

    *** Dù là một giáo sư Hán học danh giá và lừng lẫy, nhưng Pelliot đã hiểu sai hoàn toàn các kiến thức liên quan trong toàn bộ đoạn này: i) ca từ ở đây không phải là của Trương Hoa mà là của 傅玄 Phó Huyền (217-278); ii) câu 扶南假重譯,肅慎襲衣裳 Phù Nam giả trọng dịch, Túc Thận tập y thường cũng bị dịch ngô nghê ra tiếng Pháp là “Le Fou-nan s’est servi d’interprètes multiples et les 肅慎 Sou-chen ont emprunté les vêtement?” - “Phù Nam sử dụng nhiều người phiên dịch, còn sứ bộ Túc Thận thì phải mượn áo quần”? iii) vì không rõ thể loại 食舉東西廂樂詩Thực cử đông tây sương nhạc thi này, và lại càng không biết sứ bộ Túc Thận người ở đâu, sống vào thời nào, nên Pelliot đoán mò rằng nội dung ca từ nói về sứ bộ Phù Nam, thì đương nhiên Túc Thận cũng là người Phù Nam. Vì thấy vấn đề này rất có ý nghĩa, đặc biệt là trong quan hệ “Di – Hoa” nên tôi (Hà Hữu Nga) sẽ dành phần nói về Túc Thận cho một bài viết kỹ hơn vào một dịp nào đó.

    Tài liệu dẫn

    1. Journal Asiatique, janvier-février 1903, p. 109-150.

    2. M. Aymonier doit beaucoup au Voyage ďexploration en Indo-Chine; par inadver tance,il a oublié d’avertir, que partout où il n’indique pas d’autre référence, il faut se reporter au monumental travail de Francis Gamier.

    3. M. Aymonier doit faire allusion à une phrase de M. de Rosny dans Les peuples orientaux connus des anciens Chinois, p. 189, mais il la dénature en la généralisant.

    4. Cf. Legge, Chinese Classics, III. II. 536-537.

    5. Cf. 欽定越史通鑑綱目 Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Tiền biên, I. 3-4.

    6. loc. laud.

    7. C’est tout à fuit à tort que le Cương mục annamite {k. l, t. (i) cherche ici à se couvrir de l’autorité du Che ki.

    8. Legge, dans son historique de cette tra***ion, parait avoir oublié le passage des Annales écrites sur bambou ffue lui-mime avait traduit ailleurs (Chinese Classics, J, i, Prolégomènes, p. 146).

    9. Legge, loc. laud., p. 536 ; il y a une inexactitude dans la traduction à propos des noms du Lin-yi (Champa) et du Fou-nan.

    10. (XVVylie, Notes on Chinese literature, p. 128.

    11. к. 20, p. 16. L’Histoire des Song antérieurs a été compilée par 沈約 Thẩm Ước(141-513).

    12. Cf. la trad, du P. de Mailla dans Y Histoire générale de la Chine, 1. 316-318. Le V. de Mailla n’a pas reconnu le nom du Lin-yi.

    1. 欽定越史通鑑綱目 Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, I. fi ; Des Michels, Annales impériales de VAnnam, p. 8.
    14. Francis (iarniei1, Voyage ď exploration en Indo-Chine., I. i 13.

    15. Ce pays n’est pas identifié.

    III. Bộ chính sử của những triều đại sớm có một phần riêng ghi về Phù Nam là Tấn thư [nhà Tấn kéo dài từ 265 – 410 SCN]. Người biên soạn Tấn thư là 房玄齡 Phòng Huyền Linh [sống qua các thời Nam Bắc Triều – Tùy - Đường 578-648]. Dưới đây là một số sự kiện rải rác trong các Biên niên sử chủ yếu:

    K. 3, tr. 4. Năm 泰始 Thái Thủy thứ tư (268), “Phù Nam và Lâm Ấp gửi sứ bộ triều cống”.

    K. 3, tr. 10. Năm 太康 Thái Khang thứ sáu (285) “mùa hạ, tháng Tư [1] lục quốc, trong đó có Phù Nam gửi sứ bộ triều cống”.

    K. 3, tr. 10. Năm 太康 Thái Khang thứ bảy (286) “21 nước, có cả Phù Nam và 11 nước, cùng 馬韓 Mã Hàn [2] gửi sứ bộ đến triều cống”.

    K. 3, tr. 10. Năm 太康 Thái Khang thứ tám (287) “Phù Nam, các rợ Hải Nam quốc và rợ Tây Nhung 康居 Khang Cư [Sogdian] [3] đều gửi sứ bộ đến triều cống”.

    K. 8, tr. 昇平 Thăng Bình Nguyên niên (357), tháng Giêng, “扶南天竺旃檀 Phù Nam Thiên Trúc Chiên Đàn) [4] dâng voi nhà làm cống vật. Hoàng đế truyền chiếu: “Các đời hoàng đế xưa vẫn thường coi thú lạ từ các đất nước xa xôi là cội nguồn gây ra đau khổ cho người dân, nên đã cấm, vì vậy ngày nay mới không có các loài thú lạ ở đây; truyền đưa chúng trở về bản quán”**.

    Đoạn giành riêng cho Phù Nam** (k.97, tr.7 vo) viết: Phù Nam cách Lâm Ấp trên ba ngàn dặm, nằm trong một vịnh biển lớn, chiều dài, chiều rộng ước ba ngàn dặm, có thành ấp, cung điện, nhà cửa. Hết thảy chúng nhân nước đó đều đen xấu, tóc quăn, ở trần, chân đất; tính người thẳng thắn, không trộm cắp, chuyên tâm trồng cấy; gieo một năm, gặt ba năm. Họ cũng rất thích điêu khắc, chạm trổ; đồ dùng trong ăn uống hầu hết làm bằng bạc; vật phẩm cống phú thì dâng vàng, bạc, ngọc trai, trầm hương. Họ cũng có kho phủ xử lý, lưu trữ sách vở, văn thư [5]. Chữ viết họ dùng tương tự như chữ của người Hồ [6]. Lễ thức tang ma, cưới xin đại để giống Lâm Ấp. Quốc chủ nước ấy vốn là một nữ tử tên 葉柳 Diệp Liễu [7]. Khi ấy có một người ngoại quốc tên 混潰 Hỗn Hội [8], trước thờ thần [9], mộng thấy thần linh trao cho cây cung, lại truyền phép đi thuyền ra biển. Ngày nọ Hỗn Hội đến viếng đền, quả được cung thần, thuận lòng theo thương thuyền lênh đênh biển cả, rồi cập bến đất lạ Phù Nam [10]. Diệp Liễu kéo người ra chống cự. Hỗn Hội giương cung, Diệp Liễu sợ nể, bèn thuận lòng tuân phục. Vì vậy Hỗn Hội bèn lấy làm vợ, và có được nước đó. Đời sau suy vi, con cháu không kế nghiệp được, viên tướng của ông là 范尋 Phạm Tầm tự lập làm vua Phù Nam vậy. Kịp đến niên hiệu Thái Thủy năm 265 (晉武帝 Tấn Vũ Đế) Phù Nam đã sai sứ sang dâng cống vật. Từ thời 太康Thái Khang (280-289) lại càng thường xuyên hơn. Đầu năm 昇平 Thăng Bình (357) thời 穆帝 Mục đế, 竺旃檀 Trúc Chiên Đàn lên làm vua [11], đã sai sứ sang cống voi nhà. Nhân đó Mục đế truyền rằng xứ sở nào muông thú nấy, cống thú làm cho người dân khổ sở, bèn truyền chiếu trả về”**.

    Ở k.57 Tấn thư có chép truyện 陶璜 Đào Hoàng, ông vốn là thứ sử Giao Châu thời nhà Ngô và vẫn tiếp tục làm châu mục sau khi nhà Ngô sụp đổ và nhà Tấn chiến thắng (280). Vào thời gian này, toàn bộ đế chế đã trở nên thanh bình hơn, nên Hoàng đế muốn giảm bớt các chi tiêu quân sự. Sau đó Đào Hoàng dâng biểu trình bày: không nên giải giáp đội quân dưới quyền ông ở Giao Châu, vốn ban đầu có hơn 7000 người, sống ở nơi lam chướng lại thêm nhiều năm chinh chiến, đến nay chỉ còn lại 2420 người. Hơn nữa “Giao Châu ở trơ trọi một nơi, liền núi sát biển, cách nước Lâm Ấp ở ngoài chỉ độ 700 dặm. Tướng người Di ở Lâm Ấp là 范熊Phạm Hùng, suốt đời làm kẻ cướp lẩn lút…Hắn lại còn kết giao với Phù Nam là giặc cướp phá các quận huyện, giết hại quan dân”. Đoạn này được trích trong sách Cương mục của người An Nam (k.3, p.15 vo).***

    IV. Tống thư giai đoạn đầu nhà Tống (420 – 478) do 沈約 Thẩm Ước [441-513] biên soạn.

    K. 5, p. 5 r°, Năm 元嘉 Nguyên Gia thứ mười một (434), “các nước Lâm Ấp, Phù Nam và 訶羅單 Ha La Đan [12] gửi sứ bộ đến hiến phương vật”.

    K. 5, p. 5 v°. Năm 元嘉 Nguyên Gia thứ mười hai (435), ngày 己酉 Kỷ Dậu, nước闍婆婆達 Đồ Bà Bà Đạt [13] và Phù Nam gửi sứ bộ đến hiến phương vật”.

    K. 5, p. 6 r°. Năm 元嘉 Nguyên Gia thứ mười lăm (435), “các nước Triều Tiên, Nhật Bản, Phù Nam, Lâm Ấp gửi sứ bộ đến hiến phương vật”.

    Trong chương 夷蠻 Di man Tống thư, Quyển cửu thập thất Liệt truyện, Đệ ngũ thập thất có đoạn viết: 扶南國,太祖元嘉十一,十二,十五年,國王持黎跋摩遣使奉獻。Nước Phù Nam, đời Thái tổ năm Nguyên Gia thứ 11, 12, và 15, quốc vương Trì Lê Bạt Ma sai sứ phụng hiến phương vật. Ở chương Lâm Ấp (K.97, p.1) có viết vào năm 432 hoặc 434 “Lâm Ấp muốn đánh Giao Châu, và mượn quân của Phù Nam, nhưng Phù Nam không ưng thuận”****.

    Ở đây cần phải nhắc lại một bài hát của 張華 Trương Hoa (232-300) ở K.20, trong đó có viết: “Phù Nam sử dụng rất nhiều người phiên dịch và sứ bộ 肅愼 Túc Thận thì phải mượn quần áo”.

    V. Sách 南齊書 Nam Tề thư (479 – 501) có phần K.58, p.4 với một đoạn dài viết về Phù Nam nói về lời khải bạch quan trọng của vua Jayavarman dâng lên Hoàng đế Trung Quốc*****. Bộ sách này do 蕭子顯 Tiêu Tử Hiển biên soạn vào đầu thế kỷ VI SCN.

    Nước Phù Nam nằm ở phía nam quận Nhật Nam, trong một vịnh biển lớn phía tây [14]. Chiều rộng hơn ba ngàn dặm***. Có một con sông lớn chảy từ tây sang đông đổ ra biển [15]. Xưa kia nước này có một nữ quốc chủ tên là 柳葉 Liễu Diệp. Sau đó có một người đàn ông người nước 激 Kích [16], tên là 混填 Hỗn Điền mộng thấy thần linh cho hai*** chiếc cung [17] và lệnh cho ông lên thuyền vượt biển ra đi. Vào một buổi sáng, Hỗn Điền đến ngôi đền thờ thần và ông phát hiện ra chiếc cung dưới một gốc cây. Được cung thần, ông lên thuyền nhắm hướng Phù Nam. Liễu Diệp thấy thuyền lạ nên đưa lính ra kháng cự. Nhưng từ xa Hỗn Điền đã giương cung lên bắn, mũi tên xuyên qua vách thuyền, trúng một người. Liễu Diệp sợ hãi, chịu quy phục. Hỗn Điền cưới nàng làm vợ. Không vui vì thấy nàng lõa thể, Hỗn Điền đã dùng chiếc khăn của mình choàng kín người nàng. Sau đó Hỗn Điền trị vì vương quốc ấy. Con cháu Hỗn Điền thừa kế ngai vàng cho đến khi vua 混盤況 Hỗn Bàn Huống qua đời. Người trong nước ấy bèn đưa vị đại tướng của ông là范師蔓 Phạm Sư Mạn lên ngôi. Phạm Sư Mạn bị ốm. Con trai của người chị gái cả là 旃慕 Chiên Mộ [18] thừa kế ngai vàng, và đã giết chết người con trai cả của Phạm Sư Mạn là 金生 Kim Sinh. Mười năm sau, người con trai út của Phạm Sư Mạn là 長 Trường, đã nổi loạn và đã dùng dao đâm vào bụng Chiên Mộ cho đến chết và nói: “Ngươi đã giết chết anh trai ta, giờ đây, ta giết ngươi để trả thù cho anh trai ta”. Sau đó viên đại tướng 范尋 Phạm Tầm đã giết chết Trường. Người dân trong nước tôn ông lên làm vua. Những sự kiện này xảy ra dưới thời nhà Ngô (222-280) và Tấn (265 – 419).

    __________________________________________

    Nguồn: Paul Pelliot 1903. Le Fou-nan, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient. Tome 3, 1903. pp. 248-303.

    Tác giả: Paul Pelliot (1878 – 1945) là nhà Hán học nổi tiếng người Pháp, học trò của Sylvain Lévi và Édouard Chavannes. Ông làm việc tại Viện Viễn đông Bác cổ – École Frnaҫaise d’Extrême Orient tại Hà Nội, và năm 1900 ông đã được gửi đi Bắc Kinh tìm kiếm sách cho thư viện của Viện. Thời gian ở Bắc Kinh ông đã bị bắt giữ trong Phong trào 義和團 Nghĩa Hòa Đoàn, và bị kẹt trong thời gian phong tỏa các tòa công sứ ngoại quốc. Pelliot đã thực hiện hai vụ đột phá lãnh thổ đối phương trong thời gian bị phong tỏa. Vì hành động dũng cảm đó, ông đã được thưởng huân chương cao quý nhất Bắc đẩu Bội tinh của Cộng hòa Pháp. Năm 22 tuổi ông trở về Hà Nội và nhận ghế giáo sư Hán học tại Viện, sau đó trở thành giáo sư Hán học tại Collège de France, là nơi tập trung những học giả lỗi lạc và danh giá nhất của nước Pháp.
    Ghi chú của người dịch:

    ** Nguyên văn đoạn này trong Tấn thư, Liệt truyện của Phòng Huyền Linh:

    扶南西去林邑三千餘裡,在海大灣中,其境廣袤三千里,有城邑宮室。人皆醜黑捲髮,裸身跣行。性質直,不為寇盜,以耕種為務,一歲種,三歲穫。又好雕文刻鏤,食器多以銀為之,貢賦以金銀珠香。亦有書記府庫,文字有類於胡。喪葬婚姻略同林邑。其王本是女子,字葉柳。時有外國人混潰者,先事神,夢神賜之弓,又教載舶入海。混潰旦詣神祠,得弓,遂隨賈人汎海至扶南外邑。葉柳率眾禦之,混潰舉弓,葉柳懼,遂降之。於是混潰納以為妻,而據其國。後胤衰微,子孫不紹,其將範尋復世王扶南矣。武帝泰始初,遣使貢獻。太康中,又頻來。穆帝昇平初,復有竺旃檀稱王,遣使貢馴象。帝以殊方異獸,恐為人患,詔還之。

    *** Nguyên văn đoạn này trong Tấn thư, Liệt truyện của Phòng Huyền Linh:

    吳既平,普減州郡兵,璜上言曰:「交土荒裔,斗絕一方,或重譯而言,連帶山海。又南郡去州海行千有餘里,外距林邑纔七百里。夷帥范熊世為逋寇,自稱為王,數攻百姓。且連接扶南,種類猥多,朋黨相倚,負險不賔。往隸吳時,數作寇逆,攻破郡縣,殺害長吏。臣以尪駑,昔為故國所採,偏戍在南,十有餘年。雖前後征討,翦其魁桀,深山僻穴,尚有逋竄。又臣所統之卒本七千餘人,南土溫溼,多有氣毒,加累年征討,死亡減秏,其見在者二千四百二十人。今四海混同,無思不服,當卷甲消刃,禮樂是務。而此州之人,識義者寡,厭其安樂,好為禍亂。又廣州南岸,周旋六千餘里,不賔屬者乃五萬餘戶,及桂林不羈之輩,復當萬戶。至於服從官役,纔五千餘家。二州脣齒,唯兵是鎮。

    **** Nguyên văn Tống thư, Quyển cửu thập thất Liệt truyện, Đệ ngũ thập thất:

    南夷林邑國,高祖永初二年,林邑王范陽邁遣使貢獻,卽加除授。太祖元嘉初,侵暴日南,九德諸郡,交州刺史杜弘文建牙聚衆欲討之,聞有代,乃止。七年,陽邁遣使自陳與交州不睦,求蒙恕宥。八年,又遣樓船百餘寇九德,入四會浦口,交州刺史阮彌之遣隊主相道生三千人討,攻區粟城不剋,引還。林邑欲伐交州,借兵於扶南王,扶南不從。十年,陽邁遣使上表獻方物,求領交州,詔答以道遠,不許。十二,十五,十六,十八年,頻遣貢獻,而寇盜不已,所貢亦陋薄。

    *****Trong tiếng Phạn cổ thì चन्द्र Candra có nhiều nghĩa như: mặt trăng, nước, số một, vàng, cây long não, …v.v; còn từ छन्दन* Chandana thì có nghĩa là hấp dẫn, làm say mê, có phép thuật, …v.v.

    Tài liệu dẫn

    1. Đây là ngày tháng mà các sứ bộ được yết kiến Hoàng đế.

    2. Văn bản của các sử gia mà tôi dẫn ra ở đây được lấy từ ấn bản của được công bố năm 1888 tại Thượng Hải có đề cập đến bài học 馬韋 Mã Vi; Nhưng chắc đây là sự nhầm lẫn trong ấn loát. Trong thực tế tôi không thấy có nước nào tên gọi Mã Vi; thay vào đó, chỉ có thể là 馬韓, được xác định chắc chắn là Triều Tiên. Ở một đoạn khác, k.97, tr.2 cho biết năm Thái Khang (286) Mã Hàn đã gửi sứ bộ đến triều đình Tấn Vũ Đế.

    3. Sogdiane.

    4. Ông S. Levi khi xem xét đoạn này trong Mélanges Charles de Harlez, Leyde, in-4°, p. 176 et ss., đã có nhận xét là cần phải: i) coi 旃檀 tchan-ťan chiên đàn là tước vị của vua Ấn Độ; ii) đến lượt चीनस्तान* cīnasthāna [vùng đất Trung Quốc*] được sử dụng tương tự như देवपुत्र* devaputra [thiên tử] là một tước vị của các hoàng tử Indo-Scythian. Tôi thấy khó có thể chấp nhận cả hai giả thiết này.

    Liên quan đến các văn bản khác có đề cập đến sứ bộ năm 昇平 Thăng Bình Nguyên niên (357) chúng ta có thể thấy rằng trong thực tế không bao giờ có vấn đề về một sứ bộ của Ấn Độ đến Trung Quốc. Đoạn đầu tiên liên quan đến ghi chú này, thì lại hơi mơ hồ, vì nó đặt kề bên nhau mà không hề xác định các yếu tố liên quan: Phù Nam + Thiên Trúc + Chiên Đàn, mà rất lạ là nếu chúng ta nghe thấy “Phù Nam và Chiên Đàn của Thiên Trúc (có nghĩa là Ấn Độ) thì hai từ này lại hoàn toàn đi liền với nhau mà không cần một từ nối 及 cập “và” để đối lập mối tương quan giữa Thiên Trúc và Chiên Đàn theo cách xếp đặt đơn giản Phù Nam và Thiên Trúc. Nếu không có bất cứ từ nối nào thì phải hiểu rằng Chiên Đàn của Thiên Trúc của Phù Nam. Liệu có tồn tại một cái tên như vậy không? Điều này có lẽ rất đơn giản vì đó là một người Ấn Độ có tên Chiên Đàn sống ở Phù Nam. Ở đây văn bản cũng nói là Thiên Trúc Chiên Đàn, nhưng ở một đoạn khác (văn bản 111 chữ nhỏ, văn bản VI) lại chỉ viết竺旃檀 Chúc Chiên Đàn. Vậy thì giờ đây rõ ràng việc đặt một tước hiệu là tên thị tộc trước tên riêng của một người chính là thói quen của Trung Quốc – còn đối với một người nước ngoài thì điều đó cũng có đôi chút khó hiểu. Cái tên Indo-Scythian của người có tên họ là 支 (được tạo thành từ cái tên 月支 Nguyệt Chi) người Ấn Độ có tên họ là 竺 Trúc (được tạo thành từ cái tên 天竺 Thiên Trúc), người Sogdiane có tên họ 康 Khang (được tạo thành từ cái tên 康居 Khang Cư Sogdiane) cũng đã đủ rõ ràng để chứng minh và không cần phải nhắc đi nhắc lại thêm nữa. Tương tự như vậy, ở Phù Nam, chúng tôi phát hiện thấy vào năm 517 có một vị sứ bộ tên là Trúc Tang Pao Lao. Tương tự như vậy là 竺那婆智 Trúc Na Bà Trí năm 456, 竺須羅達 Trúc Tu La Đạt năm 466 đã được vua Đông Dương 婆皇Bà Hoàng cử đi sứ Trung Quốc. Thực ra thì ông M. Schlegel (Toung pao, 1, x, p. 39-40) đã khôi phục lại không phải là một từ xa lạ cho âm Trúc một cách phát âm không chắc chắn là Da, có lẽ là một tước vị của người Malayo-Polynesian, nhưng đã không cho chúng ta biết tại sao ông lại phản đối cách phát âm cổ mà không gợi ý các phương ngữ cho từ jou-cheng, cụ thể là tchok hoặc tok (竺 trúc là phiên âm âm tiết đầu của ताक्षशिल* Takṣaçila, Kinh đô của vương quốc गन्धार Gandhara*) không thể tính đến cho giả thuyết của ông. Vì vậy tôi nghĩ là một người Ấn Độ (Trúc) có tên là Chantan [Chiên Đàn]. Các văn bản đều không đề cập đến điều đó của Phù Nam. Ông Lévi đã dẫn một đoạn về Ấn Độ trong Tou chou tsi tch’eng, trong đó Annales principal đã được sửa đổi bằng cách bỏ cái tên Phù Nam đi, mà theo ông thì có một thực tế không thể chối cãi là những người biên soạn bộ Tou chou tsi tch’eng đã được thấy sứ bộ Ấn Độ. Nhưng rõ ràng là Tou chou tsi tch’eng được soạn vào thế kỷ XVII, và những người biên soạn đã cắt xén những đoạn chính của Annals để lưu trữ bằng rất nhiều tên gọi mà không đưa ra các phê phán sử liệu của riêng họ; có thể đưa ra rất nhiều ví dụ: họ không hề đối sánh thông tin từ các bản gốc của Biên niên sử trong các phần viết riêng về Phù Nam, và đã mắc phải mâu thuẫn. Không nghi ngờ gì rằng những đoạn viết về Phù Nam đã không coi viên sứ bộ Trúc Chiên Đàn là người Phù Nam; khi nói đến các sứ bộ của nước này, văn bản III (chữ nhỏ) viết: “Đầu niên hiệu 昇平 Thăng Bình (từ 357 và sau đó) Mục đế đã phong tước vương cho một Trúc Chiên Đàn mới, và Phù Nam vương đã gửi sứ bộ đến cống voi đã thuần hóa”. Cũng văn bản đó có kê tên các sứ bộ Phù Nam và viết rằng năm 昇平 Thăng Bình (357) “vua Trúc Chiên Đàn dâng khẩn biểu và gửi sứ bộ sang cống voi đã thuần hóa”. Không thấy bất cứ chỗ nào nói đến sứ bộ Ấn Độ sang triều cống; hoàng tử hoặc ngụy danh, kẻ tiếm ngôi hoặc nhà vua chính trực, Chiên Đàn Ấn Độ, người có cái tên đầu là चन्द्र*Candra cũng như छन्दन*Candana, có lẽ đều sống ở Phù Nam.

    Tôi cho rằng nếu như trong trường hợp này Chiên Đàn là một tước vị thì tôi hoàn toàn không tin rằng cần phải coi đó như là देवपुत्र* devaputra [thiên tử], chí ít là theo cách ông Sylvain Lévi đề xuất. Luận điểm của ông Sylvain Lévi là như sau: “Hoàng đế Trung Quốc được gọi là 天子 Con Trời và khoa nghiên cứu bi ký thì xác định đó là bắt chước các vua Indo-Scythian gọi là देवपुत्र* devaputra [con của thần linh]. Mặt khác, trong một số tích truyện được dịch từ tiếng Phạn sáng tiếng Hán thì cái tên कनिष्क* Kanishka* đứng trước 旃檀 Chiên Đàn hoặc 眞檀 Chân Đàn, phải là một tước vị. Ngày nay Chiên Đàn lại để thể hiện चीनस्तान* Cīnasthāna, tức là Trung Quốc. Nhưng mặt khác, về nguyên tắc ngữ pháp tiếng Phạn thì trong trường hợp này chúng ta có thể sử dụng cho quốc chủ cái tên của nước đó; vì vậyचीनस्तान* Cīnasthāna cũng có nghĩa là Hoàng đế Trung Quốc. Nhưng Hoàng đế Trung Quốc là Con trời, và vì vậy mà 旃檀 Chiên Đàn hoặc 眞檀 Chân Đàn thể hiện cho Cīnasthāna và do đó có thể xác định là Hoàng đế Trung Quốc, kẻ xem mình là Con trời, thì देवपुत्र* devaputra [con của thần linh] đã được sử dụng từ tương tựdevaputra trong nghi thức của các vua Indo-Scythian. Nếu cách giải thích này là chính xác thì người Ấn Độ là một dân tộc quả là tinh tế. Nhưng điểm xuất phát thì lại rất có vấn đề. 旃檀 Chiên Đàn có thể đại diện cho Cīnasthāna, nhưng cũng còn có thể đại diện cho một cái gì khác, và trong thực tế luôn luôn được phiên âm làछन्दन* Candana. Không đặt nặng vào những cách phiên âm truyền thống, rất cần phải lưu ý rằng không phải Cīnasthāna luôn luôn được dịch là 眞丹 Chân Đan hoặc震旦 Chấn Đán. Hơn nữa không phải là tôi không muốn nói những gì trái ngược với uy tín của ông Lévi, thì từ “Cīnasthāna” có vẻ vẫn khó để được coi là nói về Hoàng đế Trung Quốc, hơn là để xác định cho từ “Cīna”. Nhưng dường như tôi cũng thấy không có lý do gì để loại trừ khả năng về một từ tương đương thứ ba vẫn chưa được biết, mà tước vị ấy được chính các vua Indo-Scythian sử dụng lại là của chủng tộc này. Bản dịch bộ kinh mà ông Lévi đã dẫn, Sutralamkara 大乗荘厳経論Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận của अश्वघोष* Asvaghosa Mã Minh có lẽ thuộc về bộ Mātṛceta trong Tandjour [Kinh] bằng tiếng Tây Tạng; trong trường hợp này thì vấn đề vẫn không giải quyết được. Trong khi đó, tôi chú ý đến một cách sử dụng khác cũng với đầu đề đó, được áp dụng cho Hoàng đế कनिष्क* Kaniska, trong bộ 僧伽羅剎所集經 Tăng Già La Sát Sở Tập Kinh (Tripit. jap. 藏 VII, 94; Nanjio, no 1352); ở đây có đề cập đến một vấn đề là 700 năm sau khi nhập niết bàn, Sangharaksa nguyên là người सौराष्ट्र * Surāstra, đã đến毽陀越 Kiến Đà Việt (Gandhàra) với vua 甄陀罽貳 Chân Đà Kế Nhị (Tchen-t’o Kanaka). Chúng ta thấy rằng trong thời gian này, tước vị ấy khác xa cách phiên âm thông thường của từ Cīnasthāna. Tước vị Chiên Đàn dường như đã tồn tại đủ dài nếu đó chính là ông thì ông đã phải tìm lại được trong 栴檀忽哩 Chiên Đàn Hốt Lý của Wou-k’ong (J.A. sept.-oct. 1895, p. 356).

    5. 府庫 Phủ Khố doit indiquer toute sorte de dépôts et de magasins, et non pas seulement des bibliothèques.

    6. Les Hou sont proprement les gens d’Asie centrale, mais toute écriture apparentée aux alphabets de l’Inde rentre aussi en gros dans les écritures Hou.

    7. Ye-lieou est sans doute fautif pour I.ieoii-ye, « Feuille de saule », que donnent pres que tous les textes.

    8. 混潰 Hỗn Hội parait fautif pour 混滇 Hỗn Điền, correspondant au 混填 Hỗn Điền des autres textes.

    9. En pins de son sens naturel, l’expression事神 Sự Thần sort souvent à désigner le »:ulte brahmanique, par abřévation de 事天神 Sự Thiên Thần.

    10. 扶南外邑 Phù Nam Ngoại Ấp. J’entends qu’il arriva par eau aux faubourgs de la capitale qui bordaient la rive.

    11. 稱王. Xứng Vương.

    12. Pays hindouisé de l’Inde Transgangétique, d’identification incertaine.

    13. 1-е nom de ce pays hindouisé est óciit 闍婆婆達 Đồ Bà Bà Đạt k. U7, p. 3 v«, et, dans le 南史 Nam Sử (k. 78, p. G). 闍婆達 Đồ Bà Đạt. Il n’y a pas en core d’identification probable.

    14. Le texte du 南史 Nam sử thư donne 蠻 man, barbares du Sud, et non 灣 Loan, baie. Il n’est pas douteux que ce soit une faule.

    15. Văn bản này viết: 西流入海 Tây lưu nhập hải. Cách dịch thông thường nhất sẽ là: “dòng sông chảy về phía tây và đổ ra biển”. Nghĩa của hai từ 西流 tây lưu [chảy về phía tây] này chúng ta sẽ xem xét sau [văn bản số 10]. Nhưng đoạn tương tự trong Lương thư (xem ở dưới) 西北流東入在海 Tây bắc lưu đông nhập tại hải, thì nghĩa lại có vẻ nước đôi, và phải được dịch một cách rõ ràng là “[con sông] chảy từ phía tây bắc và theo hướng đông chảy ra biển”. Vậy là một cái tên của đoạn chính trước từ 流 chảy, nếu cần, có thể được sử dụng theo nghĩa nơi con sông chảy về. Đoạn dịch có vẻ bất bình thường khó mà áp dụng vào trường hợp này được. Tôi không thấy cách đặt câu này là để bắt buộc phải giải thích rằng với người Trung Quốc thì biển là ở phía đông, nên không thể nghĩ rằng một con sông nào đó lại có thể chảy về phía tây mà lại đổ ra biển được. Có nhiều câu trong tiếng Hán nổi tiếng là nước đôi. Cần nhớ rằng trong Thủy kinh có viết: “Con sông Kính đổ vào sông Vị thì trở nên đục” [Nguyên văn đoạn này trong Thiên Vũ cống của sách Thượng thư ghi như sau: 黑水到西河之間是雍州:弱水疏通已向西流,涇河流入渭河之灣,漆沮水已經會合洛水流入黃河,灃水也向北流同渭河會合 - Hắc thủy đáo Tây hà chi gian thị Ung châu: Nhược thủy sơ thông dĩ hướng tây lưu, Kính hà lưu nhập Vị hà chi loan, tất tự thủy dĩ kinh hội hợp Lạc thủy lưu nhập Hoàng hà, Phòng thủy dã hướng bắc lưu đồng vị hà hội hợp- Hà Hữu Nga ghi chú]; ở đây chúng ta phân biệt theo nghĩa, một số người cho rằng sông Vị làm đục sông Kính, còn một số khác thì lại cho rằng nước đục của sông Kính được thể hiện rõ bởi nước trong của sông Vị, và hoàng đế đã phải cử người đến để phân giải vấn đề này.

    16. Je ne connais pas de pays de 激國 Kích quốc; Y Histoire des Leang (texte VI) donne 徼 Kiểu, qui ne va pas mieux, à moins qu’on n’entende 徼国 Kiểu quốc au sens de 徼外諸国 Kiếu ngoại chư quốc, «les royaumes de l’extrême lointain», mais cette interprétation me parait forcée.

    17. “Deux” 二 doit être fautif pour “un” 一. La suite du texte ne parle plus de deux arcs.

    18. Le texte porte en effet Tchan-mou, mais comme plus loin le personnage est appeléseulement Tchan, il est évident qu’il faut, avec le Leang chou, corriger en 旃慕 Chiên Mộ. «Tchan par usurpation…

    Nguồn bài đăng
  3. macay3

    macay3 LSVH - KTQSNN Moderator

    Tham gia ngày:
    26/10/2007
    Bài viết:
    2.931
    Đã được thích:
    1.543
    Vương quốc Phù Nam từ Tk 1 đến Tk thứ 6
    Lynda Norene Shaffer
    Ngô Bắc
    dịch​

    [​IMG]

    Các nhà mậu dịch từ tiểu lục địa Ấn Độ, tìm kiếm nguồn cung cấp tơ lụa, đã khởi sự du hành xuyên qua các hải phận Đông Nam Á trên đường đến Trung Hoa, muộn lắm là vào khoảng thế kỷ thứ 1 sau Công Nguyên. Thế kỷ này cũng chứng kiến sự xuất hiện của Phù Nam, vưong quốc đầu tiên với kích thước và nét độc đáo riêng so với bất kỳ nơi nào khác tại Đông Nam Á, ít nhất cho đến mức mà các tài liệu lịch sử có thể ghi chép được. Nó tọa lạc trên đất liền, gần nơi mà giờ đây là vùng biên giới Căm Bốt và Việt Nam. Các thủy thủ trong khu vực hàng hải đã bị thu hút đến các hải cảng của nó, nơi mà họ có thể trao đổi các đặc sản của các hòn đảo lấy nhiều loại sản phẩm tuyệt diệu được cung cấp tại Phù Nam. Tuy nhiên vào cuối thế kỷ thứ tư, Mã Lai đã lôi kéo phần lớn công việc mậu dịch quá cảnh này xuống phía nam trên một thủy lộ mới chạy ngang qua Phù Nam và chuyên chở các nhà mậu dịch xuyên các eo biển hẹp mà ngày nay được gọi là eo biển Malacca và Sunda. Và họ đã khởi đầu để giới thiệu với thế giới “các hương liệu gia vị” của vùng Moluccas [còn được mệnh danh là Quần Đảo Gia Vị, thuộc Nam Dương,, giữa đảo Sulawesi và New Guinea, chú của người dịch] – đinh hương, hạt nhục đậu khấu và vỏ hạt nhục đậu khấu.

    Các Con Đường Tơ Lụa Trên Biển và Sự Xuất Hiện Của Phù Nam

    Các con đường tơ lụa sớm nhất là các con đường trên đất liền chạy từ tây bắc Trung Hoa xuyên qua vùng Trung Á châu và Iran đến phía đông vùng Địa Trung Hải. Các con đường này đã sớm bắt đầu được phát triển ngay từ thế kỷ thứ nhì trước Công Nguyên, vào thời nhà Hán của Trung Hoa và của Đế Quốc La Mã. Vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, một nhu cầu ngày càng gia tăng về tơ lụa cũng đã khuyến khích sự phát triển hai con đường tơ lụa trên biển, một con đường bắt đầu với một hành trình trên đất liền từ phía Tây Trung Hoa sang Ấn Độ. Các số lượng lớn lao các tơ lụa đã được chuyển vận xuyên qua lưu vực Tarim và băng qua dẫy núi Karakoram để vào nơi ngày nay thuộc vùng bắc của Hồi quốc (Pakistan) và Ấn Độ, rồi từ đó các chuyến tàu hàng được tải tới các hải cảng của biển Ả Rập (Arabian Sea) từ bờ biển tây bắc của Ấn Độ. Một số tơ lụa này được chất lên các tàu cập bến nhiều hải cảng khác nhau tại Vịnh Ba Tư (Persian Gulf), nhưng phần lớn trong đó tiếp tục một cuộc hải hành dài hơn dẫn đến Biển Hồng Hải (Red Sea), sau đó lụa sẽ được vận tải xuyên qua Ai Cập, sau hết đến được vùng Địa Trung Hải (K. Hall, 1979: 38-39). Đôi khi, cũng vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, sắc dân Yuezhi, một dân tộc vùng Trung Á, đã chinh phục toàn thể chiều dài của con đường trên đất liền chạy từ Trung Hoa sang Ấn Độ, từ lưu vực Tarim đến Biển Ả Rập. Họ đã thiết lập vương quốc Kushana, mà triều đình của nó đã trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng.

    Thủy lộ mới thứ nhì xuyên qua hải phận Đông Nam Á, đã phát sinh như hậu quả của việc các thương nhân tại bờ biển phía đông Ấn Độ muốn tìm kiếm một thủy lộ trực tiếp đến nguồn cung cấp tơ lụa tại Trung Hoa. Khởi hành từ các hải cảng gần cửa sông Ganges River (Hằng Hà), họ lái thuyền chạy dọc bờ biển của Vịnh Bengal cho đến khi gặp Bán Đảo Mã Lai, từ đó họ xuôi nam tới địa điểm hẹp nhất, Eo Đất Kra có chiều ngang khoảng 35 dặm (xem các bản đồ, nơi trang 4 và 19 [trong nguyên bản]). Sau khi các hành khách và hàng hóa được vận tải băng ngang giải đất hẹp này, các chiếc tàu phía bên kia kế đó đã chuyên chở chúng dọc theo bờ biển của Vịnh Thái Lan cho đến khi chúng tới được Phù Nam. Sau khi trải qua một số thời gian tại địa phương này, họ sẽ lên các chiếc thuyền khác để làm một cuộc du hành đến Trung Hoa.

    Mặc dù băng ngang Bán Đảo Mã Lai tại Eo Đất Kra đòi hỏi việc bốc dỡ, vận tải trên đất liền, và chất lại hàng hóa lên tàu, phần lớn các thủy thủ tại Vịnh Bengal có vẻ đã không có ước muốn du hành xuống phần dươi bán đảo nằm quá Eo Kra, và một cuộc du hành như thế có lẽ cũng không có mấy hấp dẫn đối với các thương nhân. Không chỉ vì việc lái thuyền trên đoạn đường còn lại chạy quanh Bán Đảo Mã Lai sẽ làm gia tăng thêm 1,600 dặm cho chuyến du hành của họ, mà còn bởi eo biển gần mỏm phía nam thì nông và đầy các bãi đá ngầm và giòng nước nguy hiểm. Vả chăng, ở nhiều thời điểm khác nhau, bờ biển dọc theo eo biển được tin là hang ổ của quân hải tặc còn gây nhiều nguy hiểm khác nữa (Fa Xian, 1956: 77).

    Thoạt nhìn, điều có vẻ là kỳ lạ rằng vương quốc đầu tiên của Đông Nam Á đã không phát triển trên Bán Đảo Mã Lai, gần Eo Đất Kra chiến lược, mà lai trên bờ biển phía bên kia của Vịnh Thái Lan. Sự giải thích có vẻ đáng tin nhất cho sự thành công của Phù Nam, một cách tương đối khji so sánh với các hải cảng có khả năng cạnh tranh khác trong vùng vịnh, là nhờ số cung cấp thực phẩm dồi dào của nó. Đất đai quanh Kra bị bao phủ bởi rừng nhiệt đới, và thổ nhưỡng của nó không hỗ trợ cho sự thâm canh (Pea****, 1979:200), trong khi đó Phù Nam có lợI thế của đất nông nghiệp ở sát cận một hải lộ. Vương quốc tọa lạc tại nơi mà bờ biển ăn lõm sâu vào phía trong đã kéo hảI phận của vịnh đến gần sát Biển Hồ (Tonle Sap) và con sông Cửu Long, một con sông dài đã bồi đắp một khối lượng lớn đất phù sa. Thung lũng của dòng sông thì phì nhiêu và rộng lớn, và cây cối có thể tăng trưởng mà không cần dẫn nước nhờ ở mô thức ngập lụt tự nhiên của dòng sông. Phù Nam vì thế thụ hưởng các số thu hoạch phong phú và đáng tin tưởng khiến nó có thể dự trữ thực phẩm cho chính người dân của nó và cho khách du hành, một khả năng nhiều phần đã là lý do thu hút các khách buôn bán đường trường lui tới các hải cảng của nó. (K. Hall, 1985a: 48-49, 56).

    Cung cấp cho các khách du hành đi lai giữa Ấn Độ và Trung Hoa đòi hỏi các số lượng lớn lao về thực phẩm. Bởi mô thức gió mùa thổi, các khách mậu dịch đường trường thường không thể chỉ dừng bước tại một hải cảng Đông Nam Á trong vài ngày và vài tuần. Đúng ra, phải chừng nửa năm, khi gió thổi từ đất liền ra, các khách du hành chạy thuyền từ Ấn Độ hay Trung Hoa đến một hải cảng Đông Nam Á, nơi mà họ sẽ phải ở lại cho đến khi gió chuyển hướng và thổi vào đất liền, khi đó họ có thể khởi hành để đi hoặc Ấn Độ hay Trung Hoa. Chính vì thế, mọi tàu thuyền, bất luận là chúng đi đến hay khởi hành từ Trung Hoa, có khuynh hướng đến Đông Nam Á vào cùng một thời khoảng và ra đi cũng vào cùng một thời khoảng. Thời lượng mà khách du hành có thể ở lại hải cảng để chờ gió đổi chiều thì khác nhau, nhưng thường vào khoảng từ ba đến năm tháng. Bởi vì hải cảng phải nuôi ăn cho tất cả khách du hành cùng một lúc, và thường kéo dài hàng nhiều tháng, sự tiếp cận của một hải cảng ở Đông Nam Á với các số thặng dư nông phẩm có tính cách thiết yếu cho sự thành công của nó.

    Hãy còn nhiều điều để tìm hiểu về Phù Nam. Giống như nhiều vương quốc Đông Nam Á, nó được chứng minh là một đề tài khó nắm vững. Khoa cổ học là một nguồn thông tin quan trọng, vì có nhiều bia ký được khắc trên đá hay dập trên khuôn kim loại. Dù thế, phần lớn những gì biết được về vương quốc này đã đến từ các bản văn trần thuật đương đạI của Trung Hoa, và ngay chính danh xưng được biết giờ đây, “Phù Nam”, trong thực tế là một từ ngữ của Trung Hoa để chỉ địa điểm, chứ không phải là danh xưng có gốc Đông Nam Á (vẫn còn chưa chắc chắn). Cũng chưa có sự đồng ý hoàn toàn về chủng tộc của người Phù Nam. Trong quá khứ, một số học giả cho rằng họ là người giống Malayo–Polynesian, nhưng phần lớn giờ đây tin rằng họ là người Khmer xét về mặt ngôn ngữ và chủng tộc, nhờ ưu thế về bằng cớ bia ký cho thấy như thế (Jacques, 1979: 374-5).


    Khu vực trọng tâm của Phù Nam nằm bên phía Việt Nam của vùng nay là biên giới Việt Nam – Căm Bốt, nhưng có một số địa điểm liên hệ mật thiết nằm bên phía Căm Bốt. Thủ đô, Vyadhapura, được thiết lập tại một địa điểm trên đất liền, gần Biển Hồ và sông Cửu Long, trong thế kỷ thứ nhì. Vyadhapura có thể được phiên dịch là “Thành Phố Của Nhà Vua-Thợ Săn”, hiển nhiên là một sự tham chiếu đến vị vua hồi thế kỷ thứ nhì, Hun Panhuang, là kẻ đã đi vào trong rừng, bắt và thuần hóa các con voi to lớn, huấn luyện chúng cho các mục đích quân sự, và sau đó dùng chúng để mang lại sự thần phục của các nước láng giềng (K. Hall, 1982:93). Vào đầu thế kỷ thứ ba, viên tướng quân vĩ đại Fan Shiman đã mở rộng quyền lực của Phù Nam về hướng tây dọc theo bờ biển miền bắc của Vịnh Thái Lan và xuôi xuống Bán Đảo Mã Lai cho mãi đến Eo Đất Kra (Wolters, 1967: 37; K. Hall, 1985a: 63-64).

    Các thương nhân Ấn Độ không phải là những người duy nhất thăm viếng vương quốc Phù Nam trên đường đến Trung Hoa. Vào khoảng thế kỷ thứ nhì sau Công Nguyên, trạm trung chuyển trên đất liền này đã hấp dẫn các thương nhân từ vùng Trung Đông, và ngay cả từ nơi xa xôi như Hy Lạp. Trong thực tế, hai ngườI tự xưng là sứ giả của Hoàng Đế La Mã Marcus Aurelius đã xuất hiện tại Trung Hoa năm 166 sau Công Nguyên, đã đến nơi đó qua ngả Phù Nam. Không có vẻ rằng họ thực sự là các sứ giả chính thức: có lẽ đúng nhất ho là các thương nhân Hy Lạp (lệ thuộc La Mã) đã xưng nhận quy chế ngoai giao để dành được sự tiếp cận với thành phố Lạc Dương, khi đó là kinh đô của nhà Hán (Yu, 1967: 159-60; K. Hall, 1985a: 38).

    Các di tích khảo cổ của ít nhất một trong các hải cảng của Phù Nam được tìm thấy gần thị trấn ngày nay gọi là Óc Eo của Việt Nam, tọa lạc phần nào trong đất liền, cách bờ biển khoảng 3 dặm, như khu định cư liên quan đến hải cảng của Phù Nam. Khách du hành đến được nơi đó xuyên qua một mạng lưới các con kinh thoát nước nối liền Vịnh Thái Lan với Sông Cửu Long (Taylor, 1992: 158). Các đồ vật được khai quật ở đó bao gồm các sản phẩm địa phương, các hàng hóa được trao đổi trong vùng Đông Nam Á, và hàng nhập cảng từ Ấn Độ, Iran, và Địa Trung Hải. Rất nhiều đồ sứ được tìm thấy. Nhiều ấn tín và nhiều đồ nữ trang có nguồn gốc Ấn Độ, và có các tấm bùa chú bằng thiếc, có vẻ được làm tại Phù Nam, với các biểu tượng của các vị thần Ấn Độ Giáo như Visnu và Siva. Các phẩm vật từ Trung Hoa bao gồm các tượng Phật nhỏ và một tấm gương bằng đồng, trong khi từ Địa Trung Hải là các mảnh đồ thuỷ tinh, một đồng tiền vàng của thế kỷ thứ nhì, và các huy chương bằng vàng mang hình ảnh của Antoninus Pius và Marcus Aurelius (K. Hall, 1985a: 59; Wolters, 1967: 38; Christie, 1979: 284-86).

    Phù Nam và Các Thủy Thủ Mã Lai

    Thị trường mà Phù Nam cung cấp đã lôi cuốn các thủy thủ Mã Lai từ các phần khác nhau trong khu vực hải hành tìm đến các hải cảng của nó. Họ mang đến các đồ tiếp liệu và nguyên liệu chẳng hạn như sắt được dùng ngay tại Phù Nam (Wolters, 1967: 52; 1982: 35n), cũng như các sản phẩm mà họ hy vọng để trao đổi vớI các hàng hóa hiếm quý được mang đến bởi các thương nhân từ các vùng đất xa xôi. Tự nguyên thủy, các nhà mậu dịch quốc tế tụ họp tại Phù Nam, nhắm vào tơ lụa của Trung Hoa, ít hay không quan tâm đến các dặc sản của Đông Nam Á. Nhưng người Mã Lai sau rốt đã thành công trong việc giới thiệu các sản phẩm của chính họ vào công cuộc mua bán quốc tế.

    Các sản phẩm đầu tiên như thế có thể được giảI thích như sản phẩm thay thế cho những hàng hóa có giá trị mà các nhà buôn bán xa xôi đã vận tải tới Trung Hoa. Trong số các hàng hóa này có hương trầm (frankincense) từ Đông Phi Châu và nam Ả Rập, và hương dược liệu họ bdellium myrrh từ Đông Phi Châu, nam Ả Rập, tây nam Iran, và các khu vực đá khô tại Ấn Độ (Wolters, 1967: 105, 113). Các chất liệu này thường được dùng để chế tạo nước hoa và hương, trầm, nhưng người Trung Hoa cũng dùng chúng trong dược phẩm. Tuy nhiên, trong thời đại của Phù Nam, các thủy thủ Mã Lai đã có thể dùng nhựa thông ở Sumatra để thay thế cho hương trầm và cánh kiến trắng [tức benzoin: an tức hương, một loai nhựa thơm từ cây ở đảo Java, chú của người dịch] để thay thế cho hương dược liệu bdellium myrrh. Họ cũng giới thiệu một sản phẩm mới, long não, một loại nhựa sớm có giá trị như một dược phẩm và như một thành tố của hương, trầm và dầu sơn bóng (véc-ni) (Wolters, 1967: 65, 103-4, 127). Kể từ đó trở đi, long não đắt giá nhất là long não của vùng Barus, một hải cảng trên bờ biển tây bắc của Sumatra. Các gỗ có mùi thơm như gỗ gharu và gỗ đàn hương (sandalwood) (một đặc sản của Timor, cách Phù Nam về phía đông nam khoảng 1,800 dặm) cũng trở thành các hàng hóa mậu dịch quan trọng vào thời điểm này (Wolters, 1967: 65-66).

    Một dấu hiệu về tầm quan trọng của Phù Nam đối với công cuộc mậu dịch hàng hải của Trung Hoa được cung cấp bởi một phái bộ Trung Hoa được phái đi từ vương quốc nhà Ngô (Wu) đến Phù Nam trong thế kỷ thứ ba. Nhà Ngô, kiểm soát miền nam Trung Hoa, là một trong các vương quốc cấp vùng đã xuất hiện sau sự sụp đổ của nhà Hán năm 221. Nhà vua của nó, quan tâm đến mậu dịch quốc ngoại, có nghe nói rằng các hàng hóa từ Ấn Độ và các vùng khác ở phương tây có thể có mặt tại Phù Nam và vì thế đã phái hai sứ giả đến đó một lúc nào đó trong thời khoảng nằm giữa các năm 245 và 250i. Trong báo cáo sau đó của họ về cuộc viễn chinh khảo sát, họ có đưa ra sự mô tả sau đây về Phù Nam:


    [Dân chúng Phù Nam] sống trong các cung điện, nhà cửa, các thành phố có tường thành bao quanh … Dân chúng thì chuyên về canh nông. Họ gieo hạt trong một năm và thu hái cho ba năm. Hơn nữa, họ thích đục đẽo và chạm khắc đồ trang trí. Nhiều đồ dùng để ăn của họ làm bằng bạc. Thuế [quan] được trả bằng vàng, bạc, ngọc trai, và nước hoa. Có sách vở và văn khố cất chứa và nhiều thứ khác. Chữ viết của họ trông giống như chữ của người Hồ [một dân tộc vùng Trung Á sử dụng văn tự có nguồn gốc từ Ấn Độ] (Coedès, 1971: 42; cũng xem K. Hall, 1982: 82).

    Bản báo cáo của các sứ giả cũng đoan quyết với nhà vua Trung Hoa rằng vương quốc Đông Nam Á này trong thực tế có các sự tiếp xúc với các vùng viễn tây.

    Các Cuộc Hôn Nhân Quốc Tế: Giòng Tộc và Văn Hóa

    Bởi vì các khách du hành từ Ấn Độ đã lưu trú lại tại Phù nam trong nhiều tháng mỗi lần, điều không gây ngạc nhiên rằng người dân Phù Nam, đặc biệt là giới cầm quyền của nó, đã trở nên quen thuộc với văn hóa Ấn Độ. Mặc dù số lượng thương nhân Ấn Độ có lẽ đông hơn nhiều, có thể chính các giáo sĩ có khuynh hướng theo dấu chân của họ, các nhà Quý Tộc theo Bà La Môn giáo và các tăng lữ, đã đóng một vai trò quan trọng hơn trong các sự đối thoại về văn hóa. Các nhà lãnh đạo địa phương bắt đầu thừa nhận và thích ứng với các thành tố lôi cuốn nhất của văn hóa Ấn Độ, khi chúng phù hợp với các mục đích riêng của họ. Vào thế kỷ thứ nhì, các danh xưng và tước hiệu bằng tiếng Phạn (Sanskrit) đã được sử dụng, và về sau đã xuất hiện phần nào đó trong các bia khắc bằng tiếng Phạn và tiếp đến, trong các ngôn ngữ địa phương được viết bằng văn tự phát nguyên từ Phạn ngữ. Bằng việc xích gần lại văn hóa Ấn Độ trong cung cách này, các nhà lãnh đạo này đã khởi sự một tiến trình trên toàn vùng thường được đề cập như là tiến trình “Ấn Độ hóa” (Coedès, 1971; Powers, 1993).

    Các sự tham chiếu đến tiến trình “Ấn Độ hóa” của vùng Đông nam Á làm liên tưởng đến một sự so sánh mặc nhiên với sự La Mã hóa của vùng Địa Trung Hải, Phạn hóa vùng tiểu lục địa Ấn Độ, hay tình trạng Trung Hoa hóa, tức sự truyền bá văn hóa người Hán phương bắc trên khắp cõi đế quốc Trung Hoa và ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa trên nhiều phần của Hàn Quốc và bắc phần của Việt Nam. Tuy nhiên, các sự khác biệt quan trọng hiện hữu giữa hai tiến trình nêu trên với những gì đã xảy ra tại Đông nam Á, đem lại hậu quả rằng thành ngữ Ấn Độ hóa có thể gây hiểu lầm. Các nhà lãnh đạo Đế Quốc Mauryan của Ấn Độ (322-186 trước Công Nguyên) đã chinh phục phần lớn tiểu lục địa Ấn Độ, và các hoàng đế nhà Hán đã chinh phục phần lớn đất đai ngày nay được biết là Trung Hoa, cùng với các phần lãnh thổ tại Hàn Quốc và Việt Nam. Người La Mã đã chinh phục các bờ biển của Địa Trung Hải, cũng như phần lớn phía tây Âu châu và Anh Quốc. Song không có người dân nào trong số dân chúng Đông Nam Á trở nên giao kết với các khía cạnh khác nhau của nền văn hóa Ấn Độ lại có bao giờ bị chinh phục hay thực dân hóa bởi người Ấn Độ.


    Mối quan hệ của người dân Đông Nam Á với văn hóa Ấn Độ chính vì thế có thể so sánh gần giống hơn với sự thích ứng của các vương quốc Nhật Nhĩ Man (Đức: Germanic) trên những thành tố của nền văn minh Byzantine và La Mã (kể cả Thiên Chúa Giáo) trong thời kỳ Trung Cổ hay sự đón nhận nồng nhiệt của Nhật Bản dành cho Phật Giáo và các các đặc tính và văn hóa Trung Hoa trong thời kỳ Nara và đến một mức độ nào đó sau này. Trong khi đúng là người dân Đông Nam Á được khích lệ bởi các truyền thống Ấn Độ, ngưỡng mộ chúng và vay mượn một cách tự do từ chúng, họ vẫn là chủ vận mệnh của mình: chất liệu ngoại lai thường được tái tạo trong bàn tay của họ trước khi được đan kết vào một thế giới theo sự thiết kế của họ. “Ấn Độ hóa” vùng Đông Nam Á cũng gần giống như việc “Trung Hoa hóa” Nhật Bản hay “Địa Trung HảI hóa dân Đức – các từ ngữ mà các sử gia chưa bao giờ cảm thấy có một lý do để đặt ra.

    Một thẩm quyền về miền này đã nêu ý kiến rằng nhiều phong tục và thái độ căn bản biện biệt một cách điển hình các nền văn hóa Đông Nam Á với các nền văn hóa của Ấn Độ, ngay cả trong những tình trạng trong đó ảnh hưởng của các khuynh hướng văn hóa có nguồn gốc từ Ấn Độ thì hiển nhiên. Điều này cũng có vẻ là trường hợp liên quan đến sự xuất hiện của các vương quốc, bất kể đến hình thức trang trí mang đường nét đồ trang sức của Ấn Độ. Thí dụ, có bằng cớ rõ rệt cho sự kiên trì của một cảm thức bản xứ về hệ cấp đặt trên các quyền lực cá nhân có thể hay không có thể được thừa kế. Đối với người Đông Nam Á, vấn đề dòng tộc không quan trọng cho bằng khả năng phi thường của cá nhân và / hay của các tiền nhân oai hùng đặc biệt. Điều cũng không mấy quan trọng là các tổ tiên liên hệ thuộc bên cha hay bên mẹ. Đúng hơn, hậu duệ hoàng gia nặng về huyết tộc trong cùng gia đình (cognatic); có nghĩa các sự tuyên xác quyền hành có thể dựa hoặc trên dòng dõi phía mẹ hay phía cha đều được. Khi đó, trong thực chất, sự giao kết với văn hóa Ấn Độ đã không làm thay đổi các cơ cấu căn bản của các xã hội Đông Nam Á, và người dân Đông Nam Á trong suốt tiến trình này đã không bỏ rơi các hệ thống giá trị bản địa của họ hay thế giới quan căn bản của họ (Wolters, 1982: 4-15). Thay vào đó, một khi họ đã trở nên quen thuộc với hệ thống chữ viết của tiếng Phạn, với ngữ vựng và các văn bản chính trị bằng tiếng Sanskrit, và với các tôn giáo, nghệ thuật, và văn chương Ấn Độ, họ trở thành các tham dự viên có óc sáng tạo trong một thế giới văn hóa lớn rộng hơn.

    Quan điểm của Phù Nam về sự đối thoại văn hóa này có thể được nhận thấy trong một huyền thoại lập quốc vốn đã lâu đời khi mà các sứ giả Trung Hoa ghi chép lại nó khoảng năm 240 sau Công Nguyên. Theo một sự trần thuật, cuộc đối thoại với truyền thống Ấn Độ khởi đầu khi một nhà cai trị nữ phái, người mà Trung Hoa gọi là Liễu Diệp (Lin Ye), cầm đầu một cuộc đột kích vào một chiếc thuyền đi ngang qua. Một trong những hành khách, một nhà quý tộc Bà la Môn tên Kaundunya, cầm đầu cuộc kháng cự lại cô ta và đánh bại các kẻ đột kích. Sau đó Liễu Diệp kết hôn với nhà quý tộc Bà La Môn, nhưng cô chỉ làm như thế sau khi anh ta đã uống thứ nước của địa phương. Hai người kế đó đã di thừa vương quốc, và bảy phần đất nước được giao cho đứa con trai của họ để cai trị, trong khi phần còn lại họ giữ làm lãnh địa riêng của mình (K. Hall, 1985a: 49; Jacques, 1979: 376; D. Hall, 1968: 25-26; Coedès, 1971: 37).

    Sự hiện hữu của một thần thoại như thế không nhất thiết có nghĩa là một cuộc hôn phối hoàng gia thực sự đã xảy ra theo cung cách được mô tả. Cuộc hôn phối rất có thể có tính cách ẩn dụ. Bằng cách nào đi nữa, thần thoại giải thích một cách rõ ràng rằng các truyền thống bản địa đã được sinh sôi nẩy nở nhờ các truyền thống của Ấn Độ và rằng sự liên hợp chính trị vào các lãnh địa rộng lớn hơn đã xảy ra cùng một lúc với sự tương tác này. Điều quan trọng cần ghi nhận rằng một người phụ nữ Phù Nam đã là người khởi xướng sự đối đầu, và rằng chính sự kết hôn của ngoại kiều với cô ta đã thiết lập cho người đàn ông một vị thế trong xã hội địa phương.

    Việc uống nước của Kaundinya có thể được giải thích theo vài cách khác nhau. Tuy nhiên, một ý nghĩa có thể có rằng anh ta đã uống nước thề, tuyên hứa lòng trung thành với dòng tộc địa phương, như một chỉ dấu rằng anh ta sẽ phục vụ Phù Nam, giống như các truyền thống Ấn Độ sau rốt đã phục vụ cho một loạt các thể chế chính trị nhiều tham vọng tại Đông Nam Á. Trong bất kỳ trường hợp nào, câu chuyện chứa đựng một luân lý quan trọng: các điều tốt lành không đến từ việc tấn công và cướp bóc các chiếc thuyền ngang qua mà từ việc thân thiện với chúng. Câu chuyện của Liễu Diệp và Kaundinya chính vì thế đã được dùng để giải thích chính sách từ khước việc cướp biển của vương quốc để nghiêng về một chính sách hợp tác với khách du hành để mang lợi cho cả đôi bên.

    Các Sự Phát Triển Khu Vực Hải Hành

    Mặc dù Phù Nam nổi tiếng nhất, nó không phải là trung tâm duy nhất thịnh đạt tại Đông Nam Á trong các thế kỷ này. Bằng cớ khảo cổ cho thấy rằng một số loại chuyển tiếp chính trị đã diễn ra tại bờ biển phía bắc của đảo Java một cách sớm sủa, ngay trong ba thế kỷ cuối cùng trước Công Nguyên (Wisseman-Christie, 1991: 25). Và trong thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên, khi các sứ giả Trung Hoa đang thăm viếng Phù Nam, họ có nghe về một số địa điểm khác nằm trong khu vực hải hành. Họ hay biết rằng tại “Zhiaing” (rất có thể nằm trên bờ biển đông nam của đảo Sumatra) có một ông vua đã nhập cảng giống ngựa Yuezhi từ miền tây bắc Ấn Độ, trong khi tại “Sitiao” (rất có thể nằm tại miền Trung đảo Java) là một vùng đất phì nhiêu có nhiều thành thị với các phố xá (Wolters, 1967: 52-61).

    Các trung tâm hàng hải này có vẻ đang trong tiến trình thích ứng hóa một số thành tố của tôn giáo và thuật điều hành quốc gia của Ấn Độ, ngoài việc thích nghi nhiều loại quyền lực bản xứ khác nhau chẳng hạn như sự tôn kính các tổ tiên lừng lẫy, nhằm nâng cao các vị thế chính trị của chính họ, hay ít nhất để loan báo các thành quả và chính sách của họ. Các bia ký vào khoảng 400 năm sau Công Nguyên tại miền tây Kalimantan và vào khoảng giữa thế kỷ thứ năm tại miền tây đảo Java cho thấy rằng ít nhất có một số kẻ đã khám phá ra sức mạnh biểu tượng của văn tự Phạn ngữ (Sanskrit) (Kulke, 1991: 4-7). Về điều cho đến hồi gần đây được nghĩ là bia ký bằng chữ Phạn cổ xưa nhất tại Đông Nam Á là bản bia ký khắc trên đá được tìm thấy tại Võ Cạnh (Dân chúng tại Võ Canh, tọa lạc tại bờ biển Việt Nam gần thành phố Nha Trang ngày nay, nói tiếng Mã Lai và sinh sống trong khu vực duyên hải thuộc thế giới hàng hải, một nơi sau này được biết là xứ Chàm). Trên căn bản loại văn tự được sử dụng, bia ký Võ Canh đã từng được ghi có nhật kỳ khoảng cuối thế kỷ thứ nhì hay đầu thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên, nhưng một cuộc nghiên cứu gần đây đã lập luận rằng nó không thể sớm hơn thế kỷ thứ năm quá xa. Cuộc nghiên cứu này cũng nêu ý kiến rằng Sri-Mara, nhà vua được ai điếu trong bia ký, đã không có mối quan hệ đặc biệt, lệ thuộc với Phù Nam, như đã từng được đề xuất trong quá khứ. Đúng hơn, ông ta phải được hiểu như nhà lãnh đạo các vương quốc nói tiếng Mã Lai trổi dậy trong khu vực hải hành, tương tự như các vương quốc tại Kalimantan và Java (Kulke, 1991: 5).

    Sự Xuất Hiện Của Một Con Đường Hoàn Toàn Trên Biển Xuyên Qua Các Eo Biển Của Đông Nam Á

    Bắt đầu thế kỷ thứ ba sau Công Nguyên, một loạt các sự chuyển hóa chính trị đã xảy ra dọc theo các hải lộ tơ lụa khác nhau từ Trung Hoa đến Địa Trung Hải, các sự biến đổi đã đạt đến cực điểm với sự xuất hiện của một con đường hoàn toàn trên biển giữa Ấn Độ và Trung Hoa chạy xuyên qua vùng eo biển Đông Nam Á. Trong năm 226 sau Công Nguyên, một đế quốc mới xuất hiện tại Iran, mang lại cùng với nó sự phục hoạt của quyền lực Iran tại vùng Trung Á Châu. Các nhà vua triều đại Sassanid cai trị đế quốc này là những người theo đạo Zoroastrianism [Hệ thống tôn giáo lập bởi Zoroaster, tin là có kiếp sau và phe thiện sẽ thắng phe ác, là tôn giáo thịnh hành tại Iran trước khi nước này đổi sang đạo Hồi, chú của người dịch], và họ đặt tính cách chính thống về chính trị của mình trên một mối quan hệ đặc biệt với vị thần linh tối cao, Ahura Mazda [vị thần tối cao và sáng lập ra thế giới theo đạo Zoroastrian, chú của người dịch]. Sau đó, trong năm 320, triều đại Gupta tuyên cáo lập một vương quốc Ấn Độ giáo trên sông Hằng Hà (Ganges). Bởi vì sự bành trướng quyền lực Iran đã làm suy yếu sự kiểm soát của vương quốc Kushana trên con đường tơ lụa từ Trung Hoa sang Ấn Độ, các nhà vua triều đại Gupta đã có thể đánh bại Kushanas, thống nhất miền bắc Ấn Độ, và đặt phần lớn tiểu lục địa dưới sự thế lực của mình.

    Cùng thời khoảng đó, tại Ethiopia, Quốc Vương Ezana của vùng Axum [kinh đô cổ thời của Ethiopia, chú của người dịch] đã biến cải vương quốc của ông thành một lãnh địa theo Thiên Chúa Giao. Axum là một thế lực lâu đời tại vùng Biển Hồng Hải, một vương quốc mà nhà tiên tri gốc Iran, Mani (215-276 sau Công Nguyên), người lập ra đạo Manichaeism, đã xếp hạng như “một trong bốn đế quốc vĩ đại nhất của thế giới” (Kobishanov, 1981: 383). Từ lâu nó đã là một trung tâm mậu dịch lớn, nơi mà các con đường mậu dịch trên đất liền từ nội địa của Phi Châu (vùng có các sản phẩm như ngà voi) gặp gỡ các con đường hải hành của Biển Hồng Hải và Ấn Độ Dương. Hơn nữa, vào khoảng gần đúng thời gian đó, năm 330 Constantine I đã di chuyển thủ đô của đế quốc từ Rome sang Constantinople [tức thành phố Istanbul, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, chú của người dịch] và bắt đầu biến cải Đế Quốc La Mã từ tà giáo đa thần thành Đế Quốc Byzantium theo Thiên Chúa Giáo.

    Lúc đầu, sự thiết lập quyền lực của triều đại Sassanian có vẻ đã gây ra một sự đình trệ trong mậu dịch trên con đường tơ lụa trên biển đi từ các hải cảng vùng tây bắc Ấn Độ xuyên qua Hồng Hải đến Địa Trung Hải. Người Iran đã lấn chiếm các phần đường của các con đường tơ lụa mà vương quốc Kushanas đã kiểm soát và sau đó hiển nhiên đã chuyển hướng nhiều tơ lụa nhắm chở đến các hải cảng của Ấn Độ về các con đường trên đất liền xuyên qua Iran để đến Biển Hắc Hải và Đia Trung Hải. Tuy nhiên, sự trì chậm này không kéo dài, bởi mậu dịch của vùng Biển Hồng Hải sớm được phục hồi bởi một liên minh giữa các quyền lực mới Thiên Chúa Giáo hóa tại Constantinople và Adulis, thủ đô của vương quốc Axum tại Ethiopia.

    Constantine I đã theo đuổi một chính sách Hồng Hải bao quát, dự trù để ngăn chặn sự thiết lập bất kỳ một quyền lực độc lập nào trên bán đảo Ả Rập (Shahid, 1984a: 70), và cả ông ta lẫn Nhà Vua Ezana đều bị quấy rối bởi quyền lực của Sabaeans và Himyarites, các cộng đồng Đo Thái được được thiết lập từ lâu tại Yemen. Trong thời gian mà triều đại Sassanian củng cố quyền lực của họ, các cộng đồng này có vẻ như đã đạt được sự kiểm soát trên phần lớn hoạt động mậu dịch tiến vào Hồng Hải, và các đồng minh mới theo Thiên Chúa Giáo còn nghi ngờ chúng thông đồng với Iran. Sau một cuộc xâm lăng của Ethiopia vào Yemen vào giữa thế kỷ thứ tư (hiển nhiên đã được thực hiện với sự trợ giúp của Byzantine), mậu dịch vùng Hồng Hải đã được phục sinh, nhưng với một sự khác biệt. Không có thể làm gì đối với sự kiểm soát của Iran trên phần lớn mậu dịch tơ lụa, các tàu thuyền Hồng Hải không còn chính yếu đi đến các hải cảng vùng tây bắc của Ấn Độ nữa. Thay vào đó, chúng đã di hành đến các hải cảng buôn bán hạt tiêu tại miền nam Ấn Độ và đến đảo Tích Lan (Sri Lanka).

    Nhiều chiếc thuyền di chuyển qua lại giữa Hồng Hải và miền nam Ấn Độ và Tích Lan là thuyền của Ethiopia. Mặc dù người Hy Lạp có một số thuyền tại Hồng Hải, chúng hiếm khi nào đi quá Socotra, một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía nam của Arabia (Runciman, 1975: 132). Tuy nhiên, bởi các nhà mậu dịch Ethiopia dùng đồng tiền của Hy Lạp để mua sản phẩm, đã có các sự khám phá lớn lao đồng tiền Byzantinium tại miền nam Ấn Độ. Các nhật kỳ trên các đồng tiền này chứng thực rằng hoạt động mâu dịch này đã nở rộ từ thời trị vì trong thế kỷ thứ tư của vua Constantine I cho đến thời trị vì của vua Justin I (518-527) trong thế kỷ thứ sáu. Trong thực tế, cho đến thế kỷ thứ bẩy người Ethiopia vẫn còn là quyền lực thương mại ưu thắng tại khu vực Hồng Hải (McNeill, 1963: 412).

    Vào khoảng cùng lúc mà Ethiopia dành được sự kiểm soát trên Biển Hồng Hải qua việc xâm lấn Yemen, một sự phát triển quan trọng khác đã xảy ra ở phía bên kia đại dương bao la miền nam. Vào khoảng năm 350 sau Công Nguyên, các thủy thủ Mã Lai đã phát triển một hải lộ hoàn toàn trên biển đầu tiên chạy từ Tích Lan sang đến Biển Nam Hải (South China Sea). Sau khi lên tàu tại Tích Lan, các hành khách được lái trực chỉ theo hướng đông, xuyên qua hoặc Eo Biển Malacca hay Eo Biển Sunda, để đến một trong những hải cảng tại Biển Nam Hải. (Một số các hải cảng như thế có lẽ đã hiện hữu tại phần cực nam của Biển Nam Hải, trên các hòn đảo Sumatra, Java, và Borneo, là các hải cảng đang cạnh tranh trên hải trình này — mặc dù trong thời kỳ thịnh vượng của Phù Nam, có vẻ không hải cảng nào trong chúng lại tìm cách dành đạt quyền bá chủ trên vùng khác). Sau một sự dừng chân, trong khi chờ đợi gió đổi chiều, họ có thể tiến bước đến Trung Hoa.

    Chính vì thế, các thủy thủ Mã Lai đã có thể cung cấp sự lưu thông quốc tế trên một con đường hoàn toàn trên biển, nhanh hơn, qua lại giữa Trung Hoa và các thị trường tơ lụa. Các khách du hành khởi đi từ Ấn Độ sang Trung Hoa không còn phải lái tàu bám sát lấy bờ biển quanh Vịnh Bengal và Vịnh Thái Lan, vận tải hàng hóa băng ngang eo đất Kra để đến được Phù Nam. Theo hải lộ mới này, họ có thể lướt đi một cách mau lẹ trong mùa gió nồm, trực chỉ từ các eo biển đến các hải cảng tại Biển Nam Hải. Điều này cũng có nghĩa hàng hóa vận tải xuất phát từ Trung Hoa và vùng biển Đông Nam Á có thể thực hiện một chuyến du hành nhanh chóng hơn đến các hải cảng của Tích Lan.

    Sự Tường Thuật của Fa Xian Về Hải Lộ Mới Chạy Qua Eo Biển

    Sự kinh khiếp ra sao của hải lộ mới hoàn toàn chạy trên biển đối với khách du hành lần đầu được nhận thấy rõ ràng từ một bản văn tường thuật viết bởi nhà sư Phật Giáo tên Fa Xian, người đầu tiên đã mô tả đường đi này. Vào năm 399 sau Công Nguyên, ở tuổi 65, Fa Xian rời tu viện của ông tại Tràng An, Trung Hoa, làm một cuộc hành hương về thánh địa của tôn giáo của ông tại miền bắc Ấn Độ. Ông đã du hành sang Ấn Độ bằng con đường trên đất liền, dẫn ông băng qua các sa mạc đáng sợ và qua rặng núi Karakoram, xuyên qua các ngọn đèo ở cao độ 18,000 bộ, nơi không khí thì mỏng và mọi loại hoạt động, ngay dù bước đi, thì khó khăn.

    Phần đáng kinh hãi nhất trong chuyến du hành của ông là băng qua hẻm núi sâu nơi đầu nguồn của con sông Ấn Hà (Indus River). Ông và và các khách du hành khác đã phải chọn con đường chạy dọc theo một lối đi hẹp cắt vào sườn núi, mà Fa Xian đã nói “như một bức tường đá cao mười nghìn bộ. Gần bờ mép, con mắt trở nên rối loạn; và muốn tiến tới, nhưng không biết đặt bàn chân nơi đâu.” Kế đó họ đã phải leo xuống lại hẻm núi sâu, bước xuống những bậc dựng đứng lần nữa được cắt vào sườn vách đá, và rồi băng qua con sông trên một chiếc cầu được làm bằng các sợi dây thừng bện vào với nhau (Fa Xian, 1956: 9-10). Khách du hành đã không có cách gì khác ngoài việc nhích từng phân trên đường băng ngang, ngay cả khi các luồng gió mạnh quất vào chiếc cầu đong đưa. (Khách du lịch dũng cảm ngày nay có thể lấy xe buýt chạy từ Trung Hoa sang Hồi Quốc (Pakistan) theo con đường của Fa Xian, nhưng tất cả các báo cáo cho hay rằng, ngay cả với sự chuyển vận hiện đại, hành trình vẫn chỉ dành cho các kẻ gan dạ).

    Chính vì thế, vào năm 415 sau Công Nguyên, khi ông già tám mươi tuổi Fa Xian dự trù chuyến hồi hương về Trung Hoa, ông ta đã không muốn trở về bằng cùng con đường đã dẫn ông tới. Biết rõ những gì ở sau lưng, nhưng không biết những gì ở phía trước, ông ta đánh liều, chọn việc quay về quê bằng hải lộ hoàn toàn trên biển. Những gì ông khám phá được là lái thuyền trên đại dương thì cũng kinh khiếp y như dấn bước trên đất liền. Ông rời Tích Lan trên một thương thuyền chuyên chở hai trăm người, nhưng chỉ sau hai ngày rời khỏi cảng, họ đã gặp phải một cơn gió bão, kéo dài trong mười ba ngày. Sau khi thời tiết trở lại quang đãng, họ nhận thấy chiếc tàu bị hư hỏng và sớm bị chìm. Ngay vào lúc đó chiếc tàu bị mắc cạn ở một hòn đảo vô danh, nơi mà thủy thủ đoàn có thể sửa chữa [con tàu]. Tuy nhiên, bởi vì đi lạc, họ mất thêm thì giờ để tìm nơi đến. Quá trễ và vớI khẩu phần đã hết từ lâu, cuối cùng họ đã lái vào một hải cảng tại vùng Biển Nam Hải (Giles, 1956: 76-78).

    Fa Xian đã trải qua năm tháng tại hải cảng này. Ông có vẻ không vui thích với sự ngừng chân này, ý kiến duy nhất của ông rằng tà giáo và Bà La Môn giáo, chứ không phải Phật Giáo, được phát triển ở đó. Trong phần thứ nhì của hành trình của ông, từ hải cảng này về Trung Hoa, chiếc tàu của ông lại gặp phải một trận bão. Sau bảy mươi ngày thủy thủ đoàn vẫn chưa nhìn thấy vùng đất liền nào, vì thế họ biết mình đã bi lạc mất hải cảng mà họ nhắm đến – và cũng như toàn thể lục địa. (Thời gian lái thuyền bình thường đến Trung Hoa là năm mươi ngày). Vì thế các thủy thủ chỉ đơn giản quay sang trái (hướng tây bắc) bởi vì Á Châu ở đâu đó [trên hướng này]. Cuối cùng khi mắc cạn, họ có mặt ở tỉnh Sơn Đông, 1000 dặm phía bắc nơi nhắm đến của họ! Họ đã không có ý tưởng rằng họ đương ở đâu, nhưng Fa Xian biết ông đã về quê hương khi ông nhìn thấy một khoảnh đất trồng các loại rau Trung Hoa (Giles, 1956: 79).

    Sau cuộc trở về Trung Hoa của Fa Xian, các khó khăn trên các con đường tơ lụa trên đất liền càng làm gia tăng tầm quan trọng của các hải lộ mà ông đã đi qua. Miền bắc Trung Hoa bị chiếm đóng bởi các dân du mục đến từ vùng thảo nguyên hoang dại giữa Á Âu, gây ra một cuộc chạy trốn khổng lồ của dân chúng Trung Hoa từ bắc xuống nam. Bởi sự dời cư đòi hỏi tiền bạc và phương tiện, các nhóm có nhiều ưu quyền hơn chiếm đa số trong số các người tỵ nạn, một số các sử gia tuyên bố rằng có tới từ 60 đến 70 phần trăm các tầng lớp thượng lưu miền bắc di chuyển xuống phía nam sông Dương Tử. Miền nam Trung Hoa tuy thế đã không bị xâm chiếm bởi quân xâm lăng, một phần vì các kẻ cỡi ngựa từ các đồng cỏ phương bắc không thể nào phóng ngựa băng ngang các cánh đồng lúa, và trong thực tế, hai vương quốc Phật Giáo, Liu Song (420-479) và Nan Qi (479-502) đã phát triển ở nơi đó trong thế kỷ thứ năm.

    Các di dân từ phương bắc, đã có thị hiếu từ lâu với các sản phẩm đến từ “các vùng phía tây,” đặc biệt lưu ý đến những gì họ gọi là hàng hóa “Ba Tư.” Đế Quốc Sassanian đã là một trung tâm mậu dịch và sản xuất quan trọng, và Trung Hoa tin rằng nó sẽ là một nguồn cung cấp các sản vật giá trị và hiếm quý, nhiều sản vật trong đó, trong thực tế, không phải đã được sản xuất hay trao đổi tại Iran. Trong số nhiều hàng hóa được xem là của Ba Tư (Persian) vào lúc này là hàng dệt đắt tiền, hương dược liệu, trầm hương, chất phèn chua [alum, dùng để chế bột nổi, thuốc nhuộm và giấy, chú của người dịch], cây thì là Ai Cập (cumin), ma thạch (asbestos), hổ phách, ngọc trai và đá quý (Wolters, 1967: 129-38).

    Cho đến giữa thế kỷ thứ năm, các hàng hóa “Ba Tư” vẫn tiếp tục đến được miền nam Trung Hoa bằng các con đường trên đất liền trải dài từ Iran đến Trung Hoa. Tuy nhiên, vào năm 428, người Iran giao chiến với các kẻ du mục từ đồng cỏ hoang được gọi là sắc dân Hephthalites, hay giống Hung Trắng, là các kẻ đe dọa biên cương phía đông của nó. Và vào năm 439 triều đình Bắc Ngụy của Mông Cổ đã củng cố quyền lực của nó trên phần lớn phía bắc Trung Hoa, kể cả các con đường chiến lược dẫn đến phía tây. Tình thế càng nghiêm trọng hơn, triều đình bị tấn công từ Trung Á bởi một sắc dân từ đồng hoang khác. Với sự sự giao tranh dọc theo các con đường tơ lụa trên đất liền, người ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy trào lượng các hàng hóa được gọi là của Ba Tư chảy xuyên qua miền bắc Trung Hoa xuống phía nam bị ngặn chặn.

    Tuy nhiên, những người tỵ nạn tại miền nam Trung Hoa đã không bị tước đoạt bao lâu. Các nhà mậu dịch Iran gia tăng việc sử dụng đường biển, từ vịnh Ba Tư đến Tích Lan, nơi họ có thể mua các hàng hóa Trung Hoa được mang đến hòn đảo trung chuyển này bởi các thủy thủ Mã Lai (Wolters, 1967: 150-51). Các nhà mậu dịch từ vùng Vịnh Ba Tư đã trở nên thiết định một cách chắc chắn tại đó hồi đầu thế kỷ thứ năm (Wolter, 1967: 81), và họ đã đến Tích Lan với nhiều hàng hóa “Ba Tư “ đáng mong muốn. Các hàng hóa này các thủy thủ Mã Lai có thể chuyển vận ngược đến Trung Hoa, nương theo gió mùa để lướt qua các eo biển.

    Các thủy thủ Mã Lai cung cấp các hàng hóa “Ba Tư ” này đã lái thuyền đến Trung Hoa từ các hải cảng ở Đông Nam Á. Chính vì thế, điều không gây ngạc nhiên là nhu cầu miền nam Trung Hoa đã sớm phát triển cho các sản phẩm của khu vực hải hành của nó. Không chỉ thị trường về các loại nhựa và gỗ thơm vẫn còn mạnh, mà Trung Hoa trở thành một thị trường không đáy cho sừng tê giác. ( Tại Trung Hoa nó được dùng để chế tao ra một loại thuốc bổ dưỡng, bảo đảm chữa trị được chứng bất lực của đàn ông, trong khi tại Nhật Bản, nó được dùng như một loại bùa và được treo ở cột giường ngủ cho cùng mục đích đó. Hậu quả của sự đòi hỏi của vùng Đông Á về sừng khiến cho tê giác trở nên tuyệt chủng tại Đông Nam Á.) Người Trung Hoa cũng trở thành các người mua quan trọng các phẩm vật như lông chim, gỗ thơm, mu rùa, và ma thạch. Và vào khoảng cuối thế kỷ thứ năm hay đầu thế kỷ thứ sáu, các người tiêu thụ Trung Hoa đã rất quen thuộc với hạt tiêu và các đồ gia vị khác của Đông Nam Á. Tuy nhiên, bởi vì người Trung Hoa có khuynh hướng nghĩ các đồ gia vị này trước tiên và trên hết như thành phần pha chế hương, trầm hay dược thảo, họ đã nói về công cuộc thương mại này không phải như mậu dịch về đồ gia vị mà như sự trao đổi vể hương liệu và dược liệu (xiang-yao: hương dược?).

    Các Đồ Gia Vị Vùng Moluccas

    Trong số các sản phẩm mà các thủy thủ Mã Lai giới thiệu trên thị trường quốc tế là “các đồ gia vị ngon miệng” hiếm có – đinh hương, hạt nhục đậu khấu, và vỏ hạt đậu khấu phơi khô (mace). – các đồ gia vị đã trở thành món hàng đắt giá nhất và sinh lợi nhất trong công cuộc mậu dịch. (Quế và hạt tiêu chắc chắn là có gia trị, nhưng không giống như ba loại này, chúng được cung cấp với số lượng đáng kể tại một số địa điểm thuộc miền nam Á châu. ) Sự phân bố các trống đồng lớn, được chế tạo tại miền bắc Việt Nam, dọc theo bờ biển Biển Java và Biển Banda nêu ý kiến rằng các nhà mậu dịch Java có thể đã thụ đắc các gia vị ngon miệng từ “Các Đảo Gia Vị: Spice Islands” nguyên thủy, tại vùng Moluccas (cách Java hơn một ngàn dặm về phía đông và 2,000 dặm phía đông Eo Biển Malacca), và đã giới thiệu chúng vào mạng lưới mậu dịch liên vùng ngay từ thế kỷ thứ nhì hay thứ ba trước Công Nguyên (Wisseman-Christie, 1991: 25). Dù thế, các gia vị này vẫn chưa được hay biết rộng rãi tại Ấn Độ hay Trung Hoa mãi cho đến khi có sự phát triển đường đi hoàn toàn trên biển của Mã Lai chạy từ Tích Lan đến Trung Hoa.

    Gia vị được biết là đinh hương (cloves) thực sự là nụ hoa chưa nở được phơi khô, của cây đinh hương. Trước năm 1600, các vườn đinh hương với bất kỳ tầm quan trọng về mặt thương mại nào, chỉ được trồng tại năm hòn đảo núi lửa nhỏ bé – Ternate, Tidor, Motir, Makian, và Batjan — tọa lạc ngoài khơi giáp bờ biển phía tây của đảo Halmahera (Brierley, 1994: 43). Hạt nhục đậu khấu và vỏ hạt đâu khấu [tác giả có lẽ đã nhầm lẫn vỏ hạt này cũng là một loại cây, chú của người dịch] được trồng tại vùng đất phún xuất thạch của các đảo ở Banda, một nhóm gồm mười đảo ở Biển Banda, nằm phía chính nam của hòn đảo được gọi là Ceram (dù thế chúng quá nhỏ, với tổng số diện tích 17 dặm vuông, nên không xuất hiện hay được nêu tên trên nhiều bản đồ). Những gì được bán như hạt đậu khấu là một hạt được tìm thấy trong hột mầm, trong khi bột vỏ (mace) đến từ lớp vỏ mỏng màu đỏ dẻo dai bọc quanh hạt này.

    Với giá trị mà các đồ gia vị ngon miệng này đã thụ tạo được ở khắp Đông Bán Cầu, điều đáng để ý là không kẻ nào đã tìm cách phá vỡ cơ chế tương đương một sự độc quyền của Moluccas mãi cho đến thế kỷ thứ mười bảy, khi người Hòa Lan chiếm giữ các hòn đảo sản xuất gia vị. Xuyên qua nhiều thế kỷ, người dân trên đảo đã canh chừng nghiêm ngặt các du khách để ngăn chặn việc lén lút mang đi hạt giống hay cây trồng. Các người trồng cây gia vị ở Moluccas, có kỹ năng cao trong việc trông nom cây và thu hái và phơi khô các đồ gia vị, không có ý định chia sẻ kiến thức này cho kẻ khác. Hơn nữa, ngay dù các kẻ buôn lậu có thành công trong việc xuất lén lút một số hạt giống, nhiều phần họ vẫn chưa bao giờ thu hái được một vụ gặt nào cả. Các hạt giống mau chóng bị hư hoại, và ngay cả nếu sồng được, các cây này thường không tăng trưởng đến mức độ chín mùi. Vả chăng, chúng cũng cực kỳ kén chọn nơi được trồng, hoàn toàn cá biệt về mặt loại đất, nhiệt độ, độ ẩm, mô hình vũ lượng hàng năm, và loại bóng râm được cung cấp bởi các cây khác. Có một câu tục ngữ từ các người canh tác rằng “các hạt đậu khấu phải có thể ngửi thấy biển, và cây đinh hương phải trông thấy biển” (Ridley, 1912: 105). Chính vì thế, một ít nơi trên thế giớI có thể lập lại đúng các điều kiện trên các hòn đảo gia vị này.

    Sự Tan Biến Của Phù Nam Giữa Những Sự Khủng Hoảng Của Thế Kỷ Thứ Sáu

    Trong khoảng năm trăm năm, cho đến thế kỷ thứ sáu sau Công Nguyên, lãnh địa Phù Nam đã thịnh vương, kéo dài sau khi có sự phát triển con đường hoàn toàn đi trên biển từ Tích Lan đến Trung Hoa. Tuy nhiên, vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu nó đã phải gánh chịu một sự tuột dốc, và không lâu sau đó bị chinh phục từ phương bắc, bởi vương quốc Chân Lạp (Chenla) của người Khmer. Các sử gia đã chưa có thể nhận ra các nguyên do của sự sụp đổ của Phù Nam, nhưng điều đáng ghi nhận là nó đã xẩy ra gần như đồng thời với một loạt các xáo trộn và biến chuyển đọc theo tất cả con đường mậu dịch hàng hải từ Constantinople đến Trung Hoa.

    Trong năm 520 sau Công Nguyên, nhóm dân Hephthalites của vùng Trung Á chọc thủng các phòng tuyến bảo vệ bởi quân đội Sassanian, cái khiên bảo vệ cả Iran và Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo triều đại Sassanian tại Iran tìm cách sống sót sau sự thất trận này trong hơn một trăm năm, nhưng triều đại Gupta thì không làm được như vậy. Do áp lực từ bên ngoài và sự căng thẳng ở bên trong, quyền lực của các nhà vua Gupta đã suy tàn, và vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu, đế quốc đã tan rã thành nhiều vương quốc cấp miền. Khu vực biển Hồng Hải cũng bị xáo trộn bởi các sự giao tranh. Vào khoảng đầu thập niên 520, nhà vua Ethiopia tố cáo rằng người Hymyarites gốc Do Thái tại Najran, bắc Yemen, là ngược đãi người theo đạo Thiên Chúa, và trong năm 525, ông ta đã thực hiện một cuộc viễn chinh trừng phạt họ, chiếm đóng Yemen trong vòng bốn mươi lăm năm sau đó. Từ năm 527 đến năm 532 và một lần nữa từ năm 540 đén 562, Byzantine và Iran giao chiến với nhau. Trong năm 570, một đội quân của triều đại Sassanid băng ngang bán đảo Ả Rập và xâm lăng Yemen, theo đó triệt hạ sự kiểm soát của Ethiopia trên vùng Biển Hồng Hải. Trong thực tế, sự chiếm đóng của Iran trên Yemen kéo dài hơn sáu mươi năm.

    Ngoài các xáo trộn trên các đường mậu dịch hàng hải miền nam, còn có một sự bộc phát chứng bệnh dịch hạch truyền nhiễm. Trong quyển sách nhan đề Plagues and Peoples của mình, ông William McNeill đã mô tả làm sao mà sự truyền nhiễm đã lan rộng từ Ấn Độ và các hải cảng khác trên Ấn Độ Dương cho đến Hồng Hải. Vào năm 542, nó đã lan đến Constantinople, nơi một nhân chứng tận mắt ước lượng rằng tỷ lệ tổn thất lên cao đến mức 10,000 người một ngày (Mango, 1980: 68). Bệnh dịch và nạn đói còn tiếp tục tàn phá Địa Trung Hải trong gần hai trăm năm sau đó.

    McNeill cho rằng sự bộc phát chứng dịch này là một hậu quả trực tiếp của các sự ràng buộc thương mại chặt chẽ giữa Ấn Độ, Phi Châu và vùng Địa Trung Hải. Giống “chuột đen” đóng vai trò chủ nhân chứa chất các con bọ chét (rận) mang mầm dịch có nguồn gốc từ Ấn Độ. Chúng là các con vật giỏi leo trèo và có thể dễ dàng dùng các sợi dây thừng buộc các chiếc thuyền buồm với các neo cố định để lên xuống các con tàu di chuyển từ hải cảng này sang hải cảng khác. Trước khi có cuộc truyền nhiễm hồi thế kỷ thứ sáu, các con chuột đã di cư từ Ấn Độ sang Đông Phi Châu và vùng Biển Hồng Hải, đã chạy băng qua cầu đất hẹp để sang Địa Trung Hải, và đã lan tràn khắp vùng biển đó, mặc dù không vượt quá Eo Biển Gibraltar (nơi mà các con tàu của Địa Trung Hải hiếm khi lai vãng cho mãi đến vài thế kỷ sau này). Chính vì thế, khi các con bọ chét trên một số con chuột này, bất luận là trên bờ biển Ấn Độ hay Phi Châu, trở nên bị nhiễm bởi trực trùng dịch hạch, chứng bệnh tàn phá này đã được truyền đi dọc theo đường đi của “sự khuếch tán giống chuột đen” (McNeill, 1976, 1976: 111-12). Mặc dù McNeill không đề cập đến khả tính này, xem ra nhiều phần là giống chuột này cũng đã tự phân tán về phía đông của Ấn Độ, đến Phù Nam và có thể đến miền nam Trung Hoa, và các khu vực này cũng gặp phải nạn dịch hạch vào thời gian này.

    McNeill còn nêu ý kiến đi xa hơn rằng sự bộc phát nạn dịch này có thể đã là một nguyên do quan trọng của sự thu hấp quyền lực tại Âu Châu từ vùng Địa Trung Hải lên phía bắc, một tiến trình đã khởi sự vào cuối thế kỷ thứ sáu. Ở bên đối xứng, mỏm phía đông của các con đường hải hành miền nam, cũng có một sự di chuyển quyền lực nhận thấy được lên phía bắc. Phù Nam bị chinh phục từ phương bắc, và vào năm 581, Trung Hoa được tái thống nhất với triều đại nhà Tùy (518-618), đặt căn cứ tại miền bắc, đã chinh phục miền nam.

    Cắt ngang giữa hai đầu mỏm này, sự di chuyển lên hướng bắc này được tăng cường sau khi có các sự chinh phục của Hồi Giáo trong các thế kỷ thứ bẩy và thứ tám. Vùng Umayyad Caliphate, có thủ đô đặt tại Damascus, đã dành được sự kiểm soát trên tất cả các con đường từ Trung Hoa sang Địa Trung Hải, và dưới sự bảo trợ của họ các con đường trên đất liền đã phát đạt, trong khi lưu thông trên biển Hồng Hải bị sút giảm. Cùng lúc, các cuộc chinh phục của Hồi Giáo không có vẻ đã gây ra một ảnh hưởng tiêu cực trên con đường hoàn toàn đi trên biển của Mã Lai chạy xuyên qua vùng các eo biển, bởi mậu dịch quốc tế dọc hải lộ này vẫn tiếp tục bành trướng. Tuy nhiên, con đường vận tải Kra không bao giờ dành lại được tầm quan trọng trước đây của nó. Thời đại của Phù Nam đã đi đến chỗ kết liễu, và từ dó trở đi, các hải cảng hùng mạnh lôi cuốn các nhà mậu dịch quốc tế đến trong vùng sẽ được tọa lạc trong khu vực hải hành của Mã Lai tại Đông Nam Á, trên các hòn đảo Sumatra và Java.

    Sau hết, thế kỷ thứ sáu đã chứng kiến một biến chuyển kinh tế quan trọng. Cho đến thời điểm đó, không có kẻ nào tại vùng Địa Trung Hải hiểu được bí quyết sản xuất ra tơ sống; tất cả lụa mua bán, cũng như tất cả các cuộn chỉ tơ để làm ra lụa, đều được nhập cảng. Chính vì thế, trong thế kỷ thứ sáu, khi các sự giao chiến giữa Byzantium và triều đại Sassanid làm gián đoạn các con đường mậu dịch, một cuộc khủng hoảng lụa đã phát sinh. Trong số nhiều sự việc khác, các tấm khăn choàng bằng lụa dùng cho các sự chôn cất của người theo đạo Thiên Chúa bị thiếu hụt, Byzantium không còn có thể giữ yên các dân tộc tại biên cương của nó với các món quà ngoại giao bằng lụa, và một số lượng lớn các thợ đệt (các người thường nhập cảng cuộn chỉ sơi hay dệt lại các vải vóc nhập cảng) bị mất việc.

    Theo Procopius [sử gia Byzantium, năm 562 làm thị trưởng Thành phố Constantinople, mất khoảng năm 565(?), chú cua người dịch], vấn đề đã được giải quyết bằng một trong các hành động đánh chú ý hơn của sự do thám kinh tế. Trong năm 551, các tu sĩ giáo phái Cơ Đốc Nestorian Christian có nói với Hoàng Đế Justinian rằng lụa làm từ các tổ kén tơ được nhả ra bởi các con tằm ăn lá dâu, và vào năm 553, theo lời yêu cầu của Hoàng Đế Justinian, các tu sĩ đã thành công trong việc đem lén các con tằm ra khỏi nước Trung Hoa bằng cách dấu chúng trong một gậy tre, sau đó đã chuyển giao chúng sang Byzantium (Simkin, 1968: 87). Mặc dù các chuyên viên về mậu dịch lụa quốc tế ngày nay xem câu chuyện của Procopius là ngụy tạo, họ có đồng ý rằng ngành tằm tang (trồng dâu nuôi tằm), công việc thực sự sản xuất ra các sợi tơ dệt lụa, đã được thiết lập tại các vùng đất của Byzantium phía đông Địa Trung Hải sau thời trị vì của Justinian (Liu, 1995b: 25). Lụa của Trung Hoa vẫn còn là một vật phẩm quan trọng trong mậu dịch đường trường, nhưng các thế kỷ trong đó nhu cầu về sản phẩm này là động lực thúc đẩy đàng sau các con đường buôn bán mới, trên đất liền cũng như trên biển, đã đi đến chỗ kết thúc./-

    THAM KHẢO:

    Brierley, Joanna Hall, 1994, Spices: The Story of Indonesia’s Spice Trade, Kuala Lumpur: Oxford University Press.

    Christrie, ẠH., 1979, “Lin-I, Fu-Nan, Java”, do Smith và Watson biên tập, 1979: 281-87.

    Coedès, Georges, 1971, The Indianized States of Sputheast Asia, chủ biên bởi Walter E. Vella, Phiên dịch bởi Susan Brown Cowing, Honolulu: University Press of Hawaii.

    Fa Xian, 1956, The Travels of Fa-hsien. Xem Giles, 1956.

    Giles, F.H., 1956, The Travels of Fa-hsien (399-414 A.D.) or Record of the Buddhistic Kingdoms, Cambridge: Cambridge University Press, 1923. In lại: London: Routledge & Kegan Paul.

    Hall, Daniel G.E., 1968, A History of Southeast Asia, ấn bản lần thứ 3, London: Macmillan, and New York: St. Martin’s Press.

    Hall, Kenneth, 1979, “The Expansion of Roman Trade in the Indian Ocean: An Indian Perspective”, The Elmira Review: 36-42.

    Hall, Kenneth, 1982, “The ‘Indianization‘ of Funan: An Economic History of Southeast Asia’s First State”, Journal of Southeast Asian Studies 13 (1): 81-106.

    Hall, Kenneth, 1985a, Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, Honolulu: University of Hawaii Press.

    Jacques, Claude, 1979, “ ‘Fu Nan ‘, ‘Chen La ‘: the Reality Concealed by These Chinese Views of Indochina”, do Smith và Watson biên tập, 1979: 371-79.

    Kobishanov, Y.M., 1981, Aksom: Political System, Economics and Culture, First to Fourth Century”, do Moktar chủ biên, 1981: 381-99.

    Kulke, Hermann, 1991, “Epigraphical References to the ‘City’ and the ‘State’ in Early Indonesia”, Indonesia 52: 3-22.

    Liu Xinru, 1995b, The Silk Roads: Overland Trade and Cultural Interactions in Eurasia. Sắp được xuất bản bởi Temple University Press, trong loạt Khảo Luận về Lịch Sử Toàn cầu và Đối Chiếu của Hôi Sử Học Hoa Kỳ.

    Mcneill, William H., 1963, The Rise of the West: A History of the Human Community, Chicago: University of Chicago Press.

    McNeill, William H., 1976, Plagues and Peoples, Garden City, N.J.: Anchor Press/Doubleday.

    Mango, Cyril Ạ, 1980, Byzantium: The Empire of New Rome, New York: Charles Scribner’s Sons.

    Pea****, B. A. V., 1979, “The Late Prehistory of the Malay Peninsula”, do Smith và Watson biên tập, 1979: 199-214.

    Powers, Janet, 1993, “Indian Sea Voyages to the Islands of Gold.” Bài viết được trình bày tại Hội Nghị Quốc Tế Lần Thứ Nhì của Hội Sử Học Thế giới, Honolulu, tháng Sáu.

    Ridley, Henry N., 1912, Spices, London: Macmillan and Co.

    Runciman, Steven, 1975, Byzantine Style and Civilization, Harmondsworth, Eng.: Penguin Books.

    Shahid, Irfan, 1984a, Byzantium and the Arabs in the Fourth Century, Washington, D.C.: Dumbarton Oaks.

    Simkin, C.G.F., 1968, The Tra***ional Trade of Asia, London: Oxford University Press.

    Taylor, Keith, 1992, “The Early Kingdoms”, do Tarling biên tập, 1992: 137-82.

    Wisseman–Christie, 1991, “States without Cities: Demographic Trends in Early Java” Indonesia 52: 23-40.

    Wolters, O.W., 1967, Early Indonesian Commerce: A Study of the Origins of Srivijaya, Ithaca: Cornell University Press.

    Wolters, O.W., 1982, History, Culture, and Religion in Southeast Asian Perspectives, Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.

    Yu Ying-shih, 1967, Trade and Expansion in Han China: A Study of the Structure of Sino-Barbarian Economic Relations, Berkeley: University of California.

    ___

    Nguồn: Lynda Norene Shaffer, Maritime Southeast Asia to 1500, Armonk, New York & London, England: M. E. Sharpe, 1996, Chapter 2: In The Time of Funan, các trang 18-36
  4. ngoccuong0407

    ngoccuong0407 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/10/2014
    Bài viết:
    0
    Đã được thích:
    0
    Lúc nào rỗi rãi, em sẽ quay lại hầu chuyện ạ.:-)

Chia sẻ trang này